Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi_5

THIÊN CHÚA BA NGÔI : MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
Ga 3, 16-18

"Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín"(Xh 34,6)

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm nền tảng của Kitô giáo. Có thể nói rằng tất cả các văn kiện trình bày các chủ đề lớn của Đức tin đều khởi đầu bằng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và kết thúc cũng thường hướng đến việc tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. Những buổi kinh nguyện hay các buổi cử hành Phụng vụ không đi ra khỏi quỷ đạo này. Khởi đầu và kết thúc bằng Dấu Thánh Giá là một cách thức tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thế nhưng để trình bày mầu nhiệm nền tảng này cho đoàn tín hữu thì không mấy dễ dàng, nhất là với não trạng thiên duy lý của người hôm nay. Với người chưa có niềm tin hay người khác niềm tin thì vấn đề còn nan giải hơn nhiều.


Một sự thật của kiếp người : hữu hạn, đặc biệt trong lãnh vực siêu hình.


Làm sao để lý giải rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi Vị riêng biệt và khác biệt là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ? Thật là ngô nghê khi quá ỷ lại vào những hình ảnh cụ thể để so sánh và diễn tả thực tại siêu linh. Một ngón tay có ba lóng; ngọn lửa tỏa ánh sáng và sức nóng; một dòng sông với đôi bờ...tất thảy đều bất cập và có khi làm biến dạng thực tại. Khôn khéo hơn như Kinh sĩ Vih khi thấy chuyện khó thuyết phục bởi công thức cộng 1 + 1 + 1 = 1 thì chuyển sang công thức nhân 1 x 1 x 1 = 1 cũng vẫn hoài công. Câu chuyện kể vè thánh Âugustinô gặp cậu bé muốn tát cạn nước biển bằng cái vỏ sò năm xưa là một minh họa cho sự bất lực của trí khôn con người trong việc tìm hiểu lý lẽ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là tại sao một Chúa mà là Ba Ngôi; tại sao có Ba Ngôi mà chỉ là một Chúa.


Trước mầu nhiệm cao cả khôn dò là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thiết tưởng không gì hơn thái độ của Môsê qua bài đọc thứ nhất ( Xh 34,4b-6.8-9 ) là phủ phục tôn thờ và dâng lời ngợi khen. Lời ngợi khen của Kitô hữu chúng ta lại ắp đầy tình cảm tạ vì Chúa Kitô Giêsu, Đấng làm người đã mạc khải cho chúng ta huyền nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tin vào tình yêu vô bờ của Đấng đã hiến thân vì chúng ta, tin vào quyền năng của Đấng làm chủ vũ trụ thiên nhiên, làm chủ cả sự sống lẫn sự chết là Đức Giêsu Kitô, chúng ta đón nhận lời mạc khải của Người về Chúa Ba Ngôi. Dựa vào lời mạc khải, đặc biệt lời mạc khải của Chúa Giêsu, chúng ta có thể biết và diễn tả phần nào nội hàm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và dĩ nhiên là bằng khái niệm và ngôn ngữ phàm nhân.


Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu năng động - hướng tha. 


Thiên Chúa là Tình Yêu ( 1Ga 4,8 ). Tình yêu giả thiết phải có thực tại ở số nhiều đồng thời bao hàm số một là sự hiệp thông, hiệp nhất nên một. Tình yêu không đơn thuần là một trạng thái của tình cảm mà là một động thái liên lỉ hướng về một đối tượng nào đó. Chúa Cha thực sự là Chúa Cha trong tương quan với Chúa Con. Chúa Cha sinh ra Chúa Con và trao ban mọi sự cho Chúa Con ( x. Ga 5,26 ). Chúa Con là mình khi không ngừng hướng về Chúa Cha để kín múc nguồn sống ( x.Ga 4,34 ), để biết cách hành động ( x.Ga 5,30; 10,37). Chúa Thánh Thần là Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Người luôn hướng về Chúa Cha và Chúa Con bằng việc làm vinh danh Hai Ngôi cực trọng ấy mãi đến muôn đời ( x. Ga 15,26-27;16,12-15). 


Tình Yêu năng động - hướng tha là sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa đã tỏa lan cho các loài thọ tạo, cách riêng cho loài người là loài được dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Chính vì thế, các loài thọ tạo, đặc biệt loài người chỉ có thể tồn tại và phát triển khi biết sống và hoạt động theo nguyên lý năng động - hướng tha của Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn mạch và là cứu cánh của mọi hiện hữu. Thánh Phaolô tông đồ nói với tín hữu Côrintô : "Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em...Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần" ( 2Cor 13,11-13 ).


Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu kiên vững và tín trung :


Con số ba là con số tượng trưng cho sự tròn đầy và bền vững. Đã ba mặt một lời là như hiển nhiên và không thể chối cãi hay đổi thay. Tuy nhiên niềm tin của chúng ta không hệ tại ở việc loại suy từ ý nghĩa các con số. Lời mạc khải mới là nền tảng của đức tin chúng ta. Giavê đã tỏ bày cho Môsê danh tính của Người : "Đức Chúa ! Đức Chúa ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín" ( Xh 34,6 ). Tình yêu của Thiên Chúa vững bền như đá tảng. Dù cho có người mẹ nào có bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi loài người chúng ta. Dù ta phản bội, dù ta vong tình, thì Chúa mãi vẫn luôn thành tín.


Chính trên nền tảng kiên vững của tình yêu Thiên Chúa mà mọi sự mọi loài được tồn tại và phát triển. Thánh Phaolô khẳng định rằng Thiên Chúa bày tỏ sự công chính của Người bằng việc luôn tín trung với lời đã hứa (x. Rm 3,21-26 ). Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa của Người bằng nhập thể, nhập thế của Ngôi Hai để thực thi công trình cứu độ và bằng việc trao ban Thánh Thần để hoàn thành các kỳ công của Người. Thiên Chúa bày tỏ tình yêu kiên vững và tín trung của Người cho chúng ta bằng việc sai Con Một của Người đến thế gian chịu chết vì chúng ta vốn là những tội nhân, đồng thời đổ tràn tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta (x. Rm 5,5-8 ).


Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nguồn lực và là kim chỉ nam để ta tồn tại và phát triển cách hoàn hảo :


Tìm hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như thế nào dưới ánh sáng lời mạc khải không phải là để thỏa mãn một đặc tính của trí khôn là sự hữu lý, nhưng trên hết là để ta biết nguồn gốc và căn tính của mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Biết được nguồn gốc của mình thì ta sẽ có thể biết cách thế hiện hữu, nghĩa là sống và hoạt động cách chính danh và chính hiệu. Kiên vững và tín trung trong tình yêu, một tình yêu năng động và hướng tha là động thái duy nhất hữu hiệu để con người tồn tại và phát triển cách hoàn hảo. " Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì : Đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em...Đây là điều răn của Thiên Chúa : chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người và phải yêu thương nhau, theo điều răn của Người đã ban cho chúng ta. Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta" ( 1 Ga 3,16.23-24 ).


Hãy yêu đi rồi ta sẽ hiểu :


"Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Cha sai đến" ( Ga 17,3 ). Làm sao để nhận biết sự thật này nếu không được Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa tác động. Vì không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy. Chúng ta đã được nhận làm con trong Đức Giêsu. " Vì là con, nên Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta và kêu lên : Abba, Cha ơi !" ( Gl 4,6 ). Thánh Thần chính là nguồn tình yêu. Vì thế chỉ những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu biết sự thật. Và khi hiểu biết sự thật thì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống đời đời.


Làm sao ta có thể biết nghĩa phu thê là gì khi ta chưa sống hết tình với người phối ngẫu ? Làm sao ta có thể biết được thế nào là quê hương khi ta chưa hết lòng hết tâm với vận mệnh quốc gia dân tộc ? Làm sao ta có thể biết được con người trong cõi nhân sinh này khi ta chưa trãi rộng com tim với người đồng loại, với người anh chị em cận kề, nhất là với những người cô thế cô thân ? ...


Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết. Một cái lẽ biết theo nghĩa Thánh Kinh là không chỉ nhìn thấy thực tại, thấy vấn đề mà còn gắn bó thiết thân, chung lưng đấu cật, khi sầu buồn lẫn khi hoan lạc, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, gian truân.


Ngay trong cuộc sống này, có nhiều điều mà lý trí phải chào thua. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại ở trí óc, nhưng là ở trái tim. Có thể có trường hợp người ta đâm ra mù quáng vì yêu. Nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vị kỷ, nghiêng chiều đam mê vụ lợi hoặc bất chính. Khi đã biết yêu với tình yêu trong sáng, quảng đại quên mình, với một tình yêu bắt nguồn từ tinh yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì không một ai là không ở trong ánh sáng. Và chính ánh sáng sẽ soi dẫn chúng ta đến cùng chân lý.


Là kitô hữu, không gì hơn là biết quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi để rồi biết yêu thương nhau bằng :


1. Một tình yêu thúc đẩy ta không chỉ muốn mà còn biết chủ động, tích cực làm cho người mình yêu phát triển và nên hoàn thiện. 

2. Một tình yêu thúc đẩy ta tìm mọi cách để cho người mình yêu nên đáng yêu và được nhiều người yêu mến.
3. Một tình yêu thúc đẩy ta nỗ lực hết mình làm cho người mình yêu có đủ khả năng và sự nhiệt tình để yêu mến kẻ khác.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

VÌ YÊU, MÀU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI ÐƯỢC BÀY TỎ 
Ga 3, 16-18

Thánh kinh Cựu ước không nói gì rõ rệt về Chúa Ba Ngôi cho nên dân Do thái không biết Thiên Chúa có Ba Ngôi. Người Do Thái trong Cựu ước là dân tôn thờ độc thần. Vì thế nói về Ba Ngôi e rằng họ hiểu lầm về đa thần. Và như vậy sẽ làm suy yếu đức tin của họ vào Một Thiên Chúa duy nhất. 

Chỉ khi Chúa Giêsu xuống thế làm người thì màu nhiệm Chúa Ba Ngôi mới được mạc khải cho nhân loại qua các tông đồ. Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải cho loài ngưởi về Thiên Chúa Cha: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3:16). Ở những nơi khác trong cả bốn phúc âm theo các thánh sử Mát-thêu, Mác-cô, Luca và Gioan, Thiên Chúa là Cha cũng được bày tỏ cho các tông đồ qua những lần Chúa Giêsu giáo huấn họ. Trước khi về trời, Chúa Giêsu hứa xin với Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống để thánh hoá, an ủi và ban sức mạnh cho các tông đồ: Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em, một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14:16). 


Lãnh nhận sứ vụ Chúa trao ban, các tông đồ đi rao giảng Phúc âm khắp muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Ba ngôi: Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Trong thư gửi giáo dân Corintô, thánh Phaolô cũng gửi lời chào họ nhân danh Chúa Ba Ngôi: Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen (2Cr 13:13). Chính lời Thánh kinh này còn được Giáo Hội dùng để cho linh mục chủ tế chào cộng đoàn dân Chúa trước khi cử hành thánh lễ. Như vậy thì người tín hữu Corintô đã quen với tín điều Ba Ngôi trong một Thiên Chúa. Từ hồi giáo hội sơ khai, các tông đồ không rao giảng có ba Thiên Chúa, nhưng là Ba Ngôi trong một Chúa, hiệp nhất với nhau theo một cách thế huyền diệu. Và người Kitô giáo thời giáo hội sơ khai chấp nhận màu nhiệm đức tin này một cách dễ dàng, không thắc mắc. 


Bản thể Thiên Chúa là Ba Ngôi, một màu nhiệm giàu có nhất và sâu thẳm nhất trong các màu nhiệm Thiên Chúa giáo. Ðó là điểm tột đỉnh của đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa Ba Ngôi làm thành một gia đình. Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu (Ga 13:23;21:7), nhờ có cảm nghiệm về tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho mình, nên mới có thể định nghĩa về Thiên Chúa một cách rất vắn tắt, không cần dài dòng văn tự, mà lại đầy đủ ý nghĩa trọn vẹn: Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4:8). Kết quả của tình yêu đó là Con Một Thiên Chúa (Ga 3:16) được sinh ra từ thuở đời đời (Ga 1:1) và còn được sinh ra trong thời gian để cứu chuộc nhân loại (Ga 1:14). Giữa Ngôi Cha và Ngôi Con có một sợi giây nối kết tình yêu là Chúa Thánh Thần, không phải được sinh ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con như người tín hữu tuyên xưng trong kinh Tin Kính. 


Tại sao Chúa Giêsu lại tỏ ra cho loài người về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi? Việc bày tỏ cho loài người biết về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi thì cũng không thay đổi được gì nơi bản thể Thiên Chúa, nhất là khi loài người không hiểu. Người ta thường nói: Nói chuyện với người không hiểu biết, thì thà nói với đầu gối còn hơn. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã không làm như vậy, mà đã nói cho loài người về màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, mặc dù loài người không hiểu thấu. Vậy thì đâu là động lực khiến Ðức Giêsu bày tỏ cho loài người về bản tính Thiên Chúa? Kể cho ai những chuyện riêng tư, bí mật về đời mình là dấu hiệu người ta có cảm tình và tín nhiệm người đó và muốn gần gũi người đó. Kể những chuyện càng riêng tư, càng bí mật, thì tình bạn càng trở nên thân mật thắm thiết. Người ta kể những chuyện riêng tư, bí mật về đời mình không những là dấu hiệu của tình bạn mà còn là cách thế để làm tăng triển tình bạn nữa. Chính động lực tình yêu đã khiến Ðức Giêsu trong bữa Tiệc li bày tỏ cho các tông đồ điều bí mật về bản tính Thiên Chúa. Và đó là một ân huệ bao la mà Thiên Chúa đã dành cho loài người.


Và Thiên Chúa đã không tự đóng khung trong tình yêu của mình. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu chia sẻ và biến đổi. Thiên Chúa chia sẻ tình yêu cho loài người, bằng việc tạo dựng loài người theo hình ảnh Thiên Chúa, sai Con Một xuống thế cứu chuộc nhân loại, và sai Chúa Thánh Linh đến để thánh hoá, ban sức mạnh và yên ủi người tín hữu để biến đổi người tín hữu. Như vậy Thiên Chúa không còn xa lạ, cách biệt, nhưng rất gần gũi thân mật với loài người và còn đi vào đời sống con người nữa.


Lời nguyện xin cho được ở lại trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi:


Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần!
Con xin tạ ơn Ba Ðấng đã bày tỏ cho loài người biết 
về bản tính Thiên Chúa và còn đi vào đời sống loài người
để làm giàu cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu.
Xin cho con biết ý thức về màu nhiệm một Chúa Ba Ngôi
khi con nhân danh Ba Ðấng trong dấu thánh giá
để giúp con biết cầu nguyện, làm việc và chấp nhận vì tin yêu 
Và xin cho con được ở lại trong tình yêu Ba Ngôi cực thánh. 
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

LM Trần Bình Trọng

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI 
Ga 3, 16-18

Mỗi năm Giáo Hội đều dùng ngày Chúa nhật VIII thường niên để kính mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Khi mừng lễ Chúa Ba Ngôi chắc chắn mỗi người chúng ta đều có những suy nghĩ, những cảm nghiệm, những xác tín về Chúa Ba Ngôi. Thực tế mà nói khi đề cập về Chúa Ba Ngôi không phải ai cũng dễ chấp nhận, cũng dễ im lặng nếu không được Chúa Thánh Thần soi sáng, nếu không có lòng tin thì quả thực Chúa Ba Ngôi xem ra lạ lùng, khó hiểu. Thế nên, lòng tin và Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta dễ dàng hiểu về một mầu nhiệm cao sâu trong đạo là Chúa Ba Ngôi.

Dấu thánh giá mỗi ngày chúng ta ghi trên trán: " Nhân danh Cha, va Con và Thánh Thần " hoặc kinh sáng danh " Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần " nói lên cho chúng ta về Chúa Ba Ngôi. Thánh Phaolô thường mở đầu và kết thúc các thư của Ngài viết cho các giáo đoàn như sau: " Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em ". Dấu thánh giá là tuyên xưng niềm tin và tôn vinh Chúa Ba Ngôi. Kinh Thánh cũng dạy chúng ta: " Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa ". Thiên Chúa là Tình Yêu như lời thánh Gioan tông đồ đã viết. Thiên Chúa đã dựng nên loài người, dựng nên con người, Ngài yêu thương con người, nhưng con người đã phản bội lại Ngài. Bị con người ngỗ nghịch phản bội, Thiên Chúa đã không bỏ rơi loài người, Ngài đã sai Con của Ngài là Chúa Giêsu xuống trần để cứu chuộc con người. Thiên Chúa lại sai Chúa Thánh Thần đến thánh hóa con người, làm cho con người nên mới hầu dẫn con người về hưởng vinh quang Nước Trời. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả, thâm sâu con người dùng trí loài người không thể hiểu nổi. Nhưng trong đức tin và trong tình yêu, chúng ta dễ dàng nhận biết Chúa Ba Ngôi. Để rõ hơn về Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy nghe câu trả lời của thánh Phêrô: " Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống ". Chúa Giêsu khen ngợi thánh Phêrô " Simon, con ông Giona, con có phúc, không phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con biết những điều đó, nhưng là Cha Thầy trên trời đã mạc khải cho biết những điều ấy " ( Mt 16, 16 ). Thiên Chúa Cha cũng đã mạc khải về Chúa Giêsu: " Đây là Con Ta yêu dấu " ( Mt 3, 17 ) hoặc " Cha và Ta là một ". 


Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dạy ta rằng: " Ngôi thứ nhất là Chúa Cha, Đấng đã sinh ra Chúa Con; Ngôi Hai Thiên Chúa từ đời đời. Ngôi Cha và Ngôi Con liên kết với nhau bằng một tình yêu muôn đời là Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba. Ba Ngôi đều là Thiên Chúa và liên kết với nhau. Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Roma: " Những người Thiên Chúa đã biết trước thì Người cũng đã tiền định cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh của Con Người, để Người Con có thể trở thành trưởng tử của một đàn em đông đúc " ( Rm 8, 29 ). Khi chúng ta lãnh phép rửa tội, chúng ta được trở thành những đứa con của gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.


Trở về lịch sử Dân Chúa, chúng ta càng hiểu rõ chính Thiên Chúa đã cứu Dân của Ngài ra khỏi đất Ai Cập và dẫn đưa Dân vào Đất Hứa. Rồi Thiên Chúa đã mạc khải qua Môisen rằng: " Ngài là một Thiên Chúa rất nhân từ và hay tha thứ, chậm bất bình và rất mực khoan dung ". Qua các ngôn sứ, Thiên Chúa cũng đã xác nhận: " Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của Ta ". Nhìn vào khía cạnh thâm sâu và đầy lòng tin, chúng ta có thể nói được rằng Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần thật sự là một gia đình.


Chúng ta phải tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi vì Chúa ba Ngôi luôn gần gũi với chúng ta.


Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con càng ngày càng yêu mến Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

1611    16-06-2011 19:32:38