Sidebar

Thứ Sáu
25.04.2025

Chúa Nhật Chúa Hiển Linh 3

NIỀM VUI GẶP CHÚA
Mt 2, 1-12

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, cộng đoàn chúng ta hân hoan tụ họp nơi đây để mừng lễ Hiển Linh, lễ này còn có một tên gọi quen thuộc hơn đó là lễ Ba Vua. Truyền thống và Thánh Kinh ghi lại có các nhà đạo sĩ từ Phương Đông tìm đến miền đất Palestin, theo sự hướng dẫn của một vì sao lạ, để tìm gặp và triều bái vua dân Do thái mới sinh. Cuối cùng, sau những cố gắng, lần mò vất vả, cuối cùng các đạo sĩ này đã gặp được Chúa Cứu Thế.

Như thế, chúng ta có thể nói lễ Hiển Linh là lễ của niềm vui được gặp Chúa. Chúng ta vui mừng vì với việc tỏ mình ra cho các đạo sĩ từ Phương Đông đến bái thờ, Thiên Chúa không chỉ Giáng Sinh cho người Do Thái mà còn cho muôn dân, trong đó có chúng ta, mà các đạo sĩ là đại diện. Hay nói một cách khác, lễ Giáng Sinh là lúc Thiên Chúa tỏ mình ra cho người Do Thái, còn lễ Hiển Linh là dịp Thiên Chúa tỏ mình ra cho từng người chúng ta.


Niềm vui này được phụng vụ diễn tả qua bài ca của ngôn sứ Isaia trong bài đọc một. Khi ấy, từ nơi lưu đày trở về, lòng dân Do Thái tràn ngập niềm vui vì được Thiên Chúa đến viếng thăm và giải thoát khỏi cảnh nô lệ. Niềm vui đó còn lớn hơn khi mắt họ nhìn thấy từng bức tường Đền Thờ lần lượt được xây lên. Quả thật, không vui sao được vì từ đây, họ lại sắp được lên Giêrusalem để dâng lễ tế tạ ơn Thiên Chúa. Trước nỗi vui mừng ấy, vị ngôn sứ đã cất tiếng ca lên: "Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi". Họ còn vui mừng vì từ cảnh tối tăm của kiếp nô lệ, họ đã được ánh sáng của Thiên Chúa soi chiếu, dẫn đưa họ trở về lại với miền đất mà Thiên Chúa đã Hứa cho cha ông họ.


Được linh hứng, vị ngôn sứ còn cho thấy Ánh sáng của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho người Do thái, nhưng còn cho muôn dân: "Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi". Khi nói điều này, có lẽ trong tâm trí của vị ngôn sứ đang hình dung lại thuở ban đầu tạo dựng, lúc "đất trời trống không, mông quạnh và tối tăm trên mặt uông mang và khí thần là là trên mặt nước. Và Thiên Chúa đã phán: "Hãy có ánh sáng!" và ánh sáng đã có" (St 1, 2-3). Như thế, nếu với việc tạo nên ánh sáng, sự sống nguyên thuỷ bắt đầu được tác sinh, thì giờ đây giữa lúc tối tăm đang bao bọc địa cầu, sự sáng và vinh quang của Con Thiên Chúa cũng sẽ bừng lên ban cho từng người chúng ta sự sống mới của Thiên Chúa.


Như thế, từ niềm vui của một dân tộc được thoát ách nô lệ, vị ngôn sứ đã tiên báo một niềm vui mới, niềm vui của muôn dân trong ngày nhận được ánh sáng ban sự sống của Thiên Chúa. Điều mà vị ngôn sứ loan báo giờ đây đã trở nên hiện thực với việc Nhập Thể và Giáng Sinh của Con Thiên Chúa, như lời xác nhận của Đức Giêsu: "Sự Sáng thế gian, chính là Ta! Ai theo Ta sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng nó sẽ có ánh sáng sự sống" (Ga 8, 12). Ánh sáng mà Đức Giêsu mang lại cho từng người chúng ta là Ánh Sáng vĩnh cửu làm cho tất cả chúng ta trở nên con Thiên Chúa. Ánh sáng đó đã được các đạo sĩ nhận ra qua ánh sao lạ xuất hiện từ Phương Đông như lời tường thuật của thánh sử Matthêu mà chúng ta vừa nghe: "Khi Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem thuộc xứ Giuđa,..., có mấy đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: "Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người ở Đông Phương, và chúng tôi đến để triều bái Người".


Một vị vua chào đời, đúng ra phải là niềm vui của Hoàng gia, của cả một dân tộc. Thế nhưng, ngay khi vừa nghe các đạo sĩ hỏi, thì "vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua". Thế đó, Con Thiên Chúa đã bị dân tộc mình chối từ, nhưng lại được dân ngoại đón tiếp, thật đúng như lời thánh Gioan: "Ngài đã đến nơi nhà của Ngài, mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài. Còn những ai đón nhận Ngài, thì Ngài đã ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Ga 1, 11-12). Vâng, chỉ những ai đón nhận Ngài, thì mới được Ngài ban cho quyền làm con Thiên Chúa. Mà muốn đón nhận Thiên Chúa, một điều cụ thể mỗi người chúng ta cần phải mở ra và bước tới. Thật vậy, kinh nghiệm thực tế cũng cho ta thấy rõ điều này. Để đón nhận bất cứ một cái gì dù lớn hay nhỏ, chúng ta cũng phải đi tới và mở tay ra, còn nếu như chúng ta cứ đứng lại một chỗ và nắm chắc bàn tay mình lại, thì chắc chắn không bao giờ chúng ta nhận được bất cứ điều gì.


Tới đây, chúng ta thấy nhờ có một thiện chí kiếm tìm và một tâm hồn luôn mở rộng sẵn sàng để đón nhận, mà các đạo sĩ từ Phương Đông xa xôi đã gặp được Hài Nhi Giêsu, vị Cứu Chúa mà họ đang hết lòng kiếm tìm. Tuy nhiên, sự gặp gỡ này không chỉ là do thiện chí của các đạo sĩ, nhưng trước hết là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính Ngài đã cho xuất hiện vì sao để dẫn đường cho các ông. Xác tín điều đó, thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Êphêsô: "Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần với lời hứa của Người". Như thế, được làm con Thiên Chúa quả thật là một niềm vui vượt trên mọi niềm vui mà chúng ta có thể có được. Cảm nghiệm niềm vui khôn tả này, vị ngôn sứ đã thốt lên: "tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên". Còn tác giả Thánh vịnh thì mời gọi mọi người chúng ta hãy "Chúc tụng danh Người đến muôn đời, danh Người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì Người, các chi họ đất Hứa sẽ đuợc chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi Người".


Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho muôn dân, cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, để có thể gặp gỡ và đón nhận được Ngài, mỗi người chúng ta cũng phải có những cố gắng của bản thân. Ba nhà đạo sĩ không tự nhiên gặp được Chúa. Các ông đã phải nhờ một dấu chỉ trong thiên nhiên là ngôi sao lạ. Đồng thời, cùng với các dấu chỉ thiên nhiên, các đạo sĩ này còn luôn lắng nghe sự hướng dẫn của lời Chúa được loan truyền bởi dân Do Thái trong thời gian họ bị lưu đày. Nhất là các ông đã khiêm tốn học hỏi và lắng nghe lời Chúa cách chính thức bởi những đại trưởng giáo và luật sĩ trong dân Do Thái ngay tại Giêrusalem. Và cuối cùng, điều quan trọng hơn cả là các ông đã thực hiện những gì mà Thánh Kinh đã hướng dẫn. Nhờ đó, cuối cùng các ông đã gặp gỡ được Hài Nhi Giêsu, nghĩa là, các ông đã thiết lập được một mối tương giao riêng tư thân tình với Thiên Chúa. Tất cả chỉ là phương tiện để chúng ta đạt tới Thiên Chúa. Chúng ta không được dừng lại ở những phương tiện, nhưng phải vượt qua những cái đó mới có thể gặp được Chúa.


Các đạo sĩ từ Phương Đông không những đã dám lên đường ra đi trong bấp bênh, trong đêm tối của đức tin, các ông còn sẵn sàng chấp nhận những thua thiệt, những khó khăn thiếu thốn, vất vả trong cuộc hành trình đầy gian nan miễn sao gặp được Chúa. Còn tôi và quý OBACE thì sao? Chúng ta đã làm được những gì để có thể gặp Chúa? Cách ăn mặc, thời giờ dành cho Chúa.... Đó là điều mà tôi và quý OBACE phải suy nghĩ trong ngày lễ Hiển Linh này. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

MỘT CHÚT QUÀ DÂNG TIẾN HÀI NHI
Mt 2, 1-12

Câu chuyện về ba đạo sĩ vuợt đuờng xa vạn dặm dậng tiến Chúa Hài Nhi vàng, mộc duợc và nhủ hương chỉ được ghi lại qua thánh Matthêo.. Cả ba quà tặng qúy giá kia tuợng trưng toàn bộ đời sống con nguời về vật chất và cả về tâm linh phải được nhìn qua lăng kính của những người khách lạ rất khôn ngoan đến từ phương Đông. Ngày xưa, và ngay cả ngày nay cũng thế, phuơng Đông tượng trưng cho những gì lạc hậu, chậm tiến và nhất là lạc giáo.

Lễ Ba Vua là dịp cảnh tỉnh những người nặng đầu óc cục bộ chủ quan chỉ môi miệng hào nhoáng thờ phượng Thiên Chúa nhưng lòng dạ lại dẫy đầy những tính toán vật chất thế trần. Đây cũng là cơ hội để chúng ta khiêm cung nhận chân tinh thần đạo đức và lòng bác ái vị tha nơi các tôn giáo khác cũng như truyền thống văn hoá từ những dân tộc, quốc gia trên khắp cùng thế giới.


Soren Kierkegaard, trong "Only a Rumor" viết rằng dẫu cho những đại giáo trưởng và luật sĩ đã có thể biết đích xác ngày giờ và nơi chốn Con Thiên Chúa giáng lâm, họ đã không buồn theo bước ba đạo sĩ phương Đông. Có thể chúng ta cũng thế! Lắm khi chúng ta thông suốt ngọn nguồn điều răn giáo lý, thuộc nằm lòng từng chữ từng kinh nhưng vẫn không buồn lê buớc có lẽ vì đôi chân đã chĩu nặng những phấn bụi đường đời!


Thật là một nghịch lý khôn cùng, Kierkegaard chua chát nhận xét. Ba Vua chỉ mới nghe đồn thôi mà họ đã vội vã ra đi, còn những nhà thông thái kia vẫn không một mảy may biến động. Và ai sẽ tìm đuợc chân lý? Những người khách lạ từ phuơng Đông xa xôi kia ? Hay những người địa phương ung dung tự mãn với một chút kiến thức nhỏ nhoi hạn hẹp nơi mình? Và từ những hạn hẹp nhỏ nhoi kia đưa đến một cuộc thảm sát dã man thương tâm nhất trong lịch sử con người.


Ngay từ lúc mới mở mắt chào đời, Hài Nhi Giêsu đã hiểu đuợc rằng từ đây số phận Người đã gắn chặt cùng những kẻ khốn cùng nhất trong những kẻ khốn cùng. Những em bé thơ ngây trong trắng thành Bêlem đã là những thánh tử đạo tiên khởi của toàn nhân loại chỉ vì Thiên Chúa, ngay từ giây phút đầu tiên nhập thể, đã thách thức những quyền thần thế lực dương trần.


Hành động kinh khiếp kia của Hêrôđê nhắc nhở rằng suốt cuộc đời của Chúa Giêsu từ hang Bêlem âm u đến đồi Golgotha trống vắng, Người đã thở hơi đầu tiên với bò lừa và đã trút hơi thở cuối cùng bên hai tên tử tội. Và vì Hêrôđê, Người đã đồng hoá cùng những người phải lìa bỏ quê cha đất tổ vì bạo chúa bạo quyền. Người đã tha phuơng cầu thực nên những đau đớn họ đã tủi nhục kinh qua, Người đã sống, đã từng...


Joy Carroll Wallis đã viết là quyền uy và tình thương của Thiên Chúa đã biểu hiện thật tận cùng trong những kẻ đói nghèo nhưng rất khao khát tự do hoà bình công lý. Trong những kẻ đói nghèo kia, có hàng triệu triệu nguời tỵ nạn. Và những thuyền nhân mang hai chữ Việt Nam. Hãy đừng mặc cảm tự ti về thân phận và danh xưng tỵ nạn của mình, nhưng hãy hãnh diện với tước hiệu rơm rác kia, vì chính rơm rác cùng các mục đồng và ba đạo sĩ phương Đông đuợc gần Chúa Hài Nhi trước nhất. Và đó cũng là món quà hiếm quý nên dâng tiến lên Đấng Cứu Tinh.

Lm Nguyễn Khoa Toàn

"LỜI NGUYỀN" CỦA PHÙ THUỶ BILƠAM
Mt 2,1-12

Trên đường tiến về miền đất Thiên Chúa đã hứa cho các Tổ phụ, đoàn dân của ông Môsê đã phải giao tranh với nhiều lân bang thời đó, có khi chỉ vì lý do xin di ngang qua nước của lân bang mà không được chấp nhận, đành phải dùng biện pháp đánh nhau để vượt qua như khi đối đầu với dân Êmôri. Và đoàn dân nhỏ bé của ông Môsê đã không đánh thì thôi, chứ đánh là thắng làm cho các nước lân bang đều run sợ. Một trong những nước lo sợ đạo quân của Môsê đó là vua người Môáp. Chính vì lo phải đối đầu với dân Israel mà vua Môáp sai sứ đến với một phù thủy có tên là Bilơam thuộc đất dân Ammon để xin phù thủy này "trù ẻo" dân Israel để dân này ra suy yếu và vua sẽ nhân vì sự ấy tiến đánh.

Các sứ giả vua Môáp lên đường tìm gặp phù thủy Bilơam để trao cho ông lời sấm "chúc dữ" dân Israel. Bilơam mời các sứ giả nghỉ qua đêm để ông thỉnh ý Đức Chúa. Sáng sau, Bilơam nói cùng các sứ giả rằng ông không thể làm theo yêu cầu của vua Môáp được. Nhưng đến lần thứ hai, dưới tác động của Thiên Chúa, ông chấp nhận ra đi với các sứ giả vua Môáp. Bilơam đến miền đất dân Môáp để chúc dữ cho dân Israel trên lưng một con lừa cái và đi cùng với hai chú tiểu đồng. Trên đường đến với vua Môáp, con lừa của Bilơam thấy Thần sứ của Thiên Chúa đứng cản đường cùng với thanh gươm cầm sẵn trong tay. Thấy thế, con lừa cái bèn tránh đường đi xuống ruộng. Bilơam đánh đập con lừa và bắt nó phải đi trên đường. Khi đến con đường mòn hai bên đều xây tường, con lừa cái khi thấy Thần sứ liền ép sát vào tường làm cho chân của Bilơam bị cọ sát trầy xước. Tức giận ông phù thủy lại đánh con lừa cách thậm tệ. Nhưng đến khi đến đoạn đường hẹp không thể nào đi được nữa vì Thần sứ chận đứng, con lừa đành phải nằm bẹp xuống chân ông Bilơam. Thấy vậy, Bilơam càng tức giận. Ông dùng gậy tới tấp đánh con lừa. Đến lúc này, con vật mới lên tiếng: "Ông thấy không, có bao giờ tôi chống ông không, tôi có làm gì ông mà ông đánh tôi đến ba lần". Bilơam nhìn lên thì thấy Thần sứ Thiên Chúa thì run sợ. Theo hướng dẫn của Thần sứ Thiên Chúa, Bilơam đến với vua Môáp nhưng không phải để chúc dữ cho dân Israel mà là chúc phúc.


Trong bài diễn văn chúc phúc đó, phù thủy Bilơam đã tiên báo về Ngôi sao xuất hiện trong nhà Giuđa :"Một Vì Sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel" (Ds 24, 17) Sở dĩ phải kể câu chuyện phù thủy Bilơam là vì nó liên quan đến Lời Chúa Chúa nhật hôm nay. Các nhà chiêm tinh Đông phương nhìn thấy ngôi sao xuất hiện và lên đường tìm kiếm. Các ông đã tìm gặp điều mình mong đợi, vui mừng tôn kính bái thờ Người.


Các nhà chiêm tinh đã tìm ra Hài Nhi mới sinh nằm trong hang bò lừa lạnh lẽo chính là vị Cứu tinh mà Israel từ lâu mong đợi. Vị Cứu tinh đó chào đời tại Bêlem như lời Ngôn sứ Mikha đã loan báo, từ Bêlem, sẽ xuất hiện một vị lãnh tụ chăn dắt dân Israel. (x. Mk 5,1) Việc các nhà chiêm tinh tìm đến tôn thờ và bái lạy Hài nhi nằm trong máng cỏ nhằm loan báo đã đến lúc Hài nhi này sẽ nắm giữ vương quyền phổ quát, là dấu chỉ cho dân ngoại nhìn nhận ngay khi Người mới chào đời. Nơi Hài nhi Giêsu, ứng nghiệm điều ngôn sứ Isaia đã loan báo khi xưa về ngày dân ngoại sẽ lũ lượt tiến về Giêrusalem, mang theo những lễ vật trân quý để tiến dâng Người (x. Is 60) Tại Trung đông xưa, các nhà chiêm tinh hay các đạo sỹ là những nhà trí thức của thời đại, thường thuộc hàng Tư tế và làm cố vấn cho các vua. Các nhà chiêm tinh trong tin mừng đến từ vùng đất phương Đông, quê hương của phù thủy Bilơam. Các nhà chiêm tinh đó là ai? Vào thế kỷ VIII, thánh Bêđa đã miêu tả các nhà chiêm tinh như sau:


- Người thứ nhất tên là Melchior. Đây là một cụ già với mái tóc trắng và chòm râu bạc phơ. Ông đến dâng cho Chúa vàng như là dấu chỉ để chân nhận Vương quyền của Chúa.


- Người thứ hai tên là Gaspar. Đây là người còn trẻ, da đỏ. Ông dâng lên Chúa nhũ hương để chân nhận Thiên tính của Chúa. - Vị thứ ba tên là Balthasar. Là một người da ngăm đen, râu rậm. Ông dâng Chúa mộc dược, vì biết rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa mà cũng là con loài người và Ngài phải chết để cứu độ chúng ta. Ngôi sao mà các nhà chiêm tinh nhìn thấy vốn là dấu hiệu chỉ vương quyền, nó nhắc lại lời sấm chúc phúc của phù thủy Bilơam thuở xưa nói về triều đại Đavít và về chính Đấng Mêsia. Các nhà chiêm tinh không đến viếng Chúa tay không, các ông đến để dâng lên Chúa Vàng, Nhũ hương và Mộc dược là những lễ vật quý nơi quê hương các ông. Theo các Giáo phụ, lễ vật mà các nhà chiêm tinh mang đến để dâng Chúa gồm vàng, nhủ hương và mộc dược tượng trưng cho vương quyền, Thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu. Cho hay, dân các nước -mà các vị chiêm tinh là đại diện, không chỉ đến triều bái Hài nhi Giêsu chỉ vì hiếu kỳ, nhưng còn để tuyên xưng niềm tin -cách nào đó, vào vị Cứu Tinh nhân loại.


Mừng lễ Chúa Hiển linh, phải chăng đó là dịp để mỗi người trong chúng ta một lần nữa nhận ra sự đối kháng rõ rệt giữa thái độ thờ ơ và thù nghịch của dân Dothái đối với Hài nhi và lòng tin mau mắn cách quảng đại của dân ngoại. Các thượng tế và kinh sư vốn nắm vững Kinh thánh và lời các Ngôn sứ mà không nhận ra Đấng Cứu Thế; trái lại những người ngoại đạo lại nhìn nhận dấu chỉ của Người và lên đường kiếm tìm để thờ lạy. Lên đường tìm kiếm Chúa và thờ lạy Ngài không phải là việc của một dân tộc, một màu da, một nền văn hoá mà là của toàn thể thế giới đại đồng.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

 NGÔI SAO SÁNG
Mt 2,1-12

Lễ Hiển Linh trước đây gọi là Lễ Ba Vua vì căn cứ vào ba của lễ qúy giá các 'Đạo Sĩ' dâng lên Chúa Hài Nhi: Vàng, Nhũ hương và Mộc dược (Matthêu 2,11). Ba lễ vật này thời đó rất qúy giá, chỉ có trong các hoàng tộc; nên lúc đầu, người ta tưởng phái đoàn đến thờ lạy Chúa Hài Nhi gồm có Ba Vua và gọi lễ này là Lễ Ba Vua. Sau này, khoa khảo cổ tiến bộ, người ta tìm hiểu kỹ hơn và nhận ra phái đoàn gồm có các nhà "Thông thái" hay "Đạo sĩ" hoặc "Chiêm tinh" dịch từ chữ 'Magi' (số nhiều của chữ 'magus') là danh từ của người Ba Tư thời đó để chỉ những người tài giỏi, thông thái được chọn vào hàng tư tế, hoặc cố vấn cho các triều vua (New American Bible dùng chữ 'Magi'; có những bản dịch khác dùng chữ 'Wise Men' (những Nhà Thông Thái).

Theo bài Phúc Âm hôm nay (Matthêu 2, 1-12), các 'đạo sĩ' đã được ơn soi sáng qua ngôi sao mới xuất hiện và nhận ra có một vị 'Cứu Tinh' mới sinh ra ở nước Do Thái, và họ lên đường theo ngôi sao sáng xuất hiện dẫn đường. Các vị này (Đại diện các dân tộc ngoài Do Thái) từ "Phương Đông" (tức là từ nước Ba Tư hay một nơi nào phía Đông nước Do Thái), tới nước Do Thái và tìm đến Belem để chiêm bái và tôn kính Chúa Hài Nhi mới sinh.


Hai Bài đọc trong Chúa Nhật này đều nói lên ý tưởng chính là việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc ngoài Do Thái.


Bài Đọc I: Tiên Tri Isaia (60, 1- 6) đã báo trước việc 'Vinh quang Thiên Chúa sẽ xuất hiện trên các dân tộc và dẫn đưa mọi người tìm đến Ánh Sáng thật là Thiên Chúa chân thật, Đấng Cứu Độ trần gian.' Bài Đọc II trích trong thơ Ephêsô (3, 2-3; 5-6): Thánh Phaolô nói đến việc các dân tộc ngoài Do Thái cũng được mời gọi để chung phần cứu rỗi của Thiên Chúa Nhập Thể để cứu chuộc nhân loại.


Căn cứ vào các tư tưởng chính của Thánh Lễ hôm nay, các Nhà Phụng Vụ ngày nay gọi lễ này là Lễ Hiển Linh để chỉ việc Thiên Chúa tỏ hiện vinh quang của Ngài cho các dân tộc đến tận cùng trái đất. (Trong tiếng Anh, Lễ này gọi là 'The Epiphany' gốc từ chữ Hy Lạp 'Epiphaneia'có nghĩa là 'sự tỏ hiện').


Thánh lễ hôm nay hướng tâm trí chúng ta cùng với các 'đạo sĩ' đến để chiêm bái và thờ lạy Chúa Hài Nhi sinh ra trong hoàn cảnh khó nghèo; đồng thời cũng dậy chúng ta bài học dấn thân và chia sẻ.


Bài học dấn thân: cũng như các mục đồng đã bỏ giấc ngủ ngon ban đêm để đến thờ lạy Chúa Hài Nhi trong hang đá bò lừa, các 'đạo sĩ' cũng bỏ cuộc sống êm ấm trong gia đình để lên đường chịu bao mệt nhọc vất vả để tìm đến thờ lạy Đấng Cứu Tinh. Chúng ta cũng phải dám dấn thân chấp nhận mọi vất vả, khó nhọc hàng ngày để đến thờ lạy Chúa, để sống đức tin chân thật của chúng ta trong thế giới hôm nay.


Bài học chia sẻ: Xin Chúa cũng giúp chúng ta noi gương các 'đạo sĩ': biết sống khó nghèo để dành dụm những gì mình có để dâng lên Chúa, qua việc giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh hoạn ở các nơi đang cần sự giúp đỡ của chúng ta. Tránh may sắm, trưng diện quá, ăn uống tiêu xài hoang phí, để tiết kiệm giúp đỡ những người thiếu thốn. Nhất là khi chúng ta được sống trong hoàn cảnh có công ăn việc làm vững chắc, nhà ở rộng rãi, cuộc sống phong phú, đầy đủ.


Hơn nữa, mỗi người tín hữu của Chúa cũng phải là những Ngôi Sao Sáng chỉ đường cho mọi người nhận ra con đường Sự Thật và Sự Sống, con đường đi đến với Chúa, bằng đời sống lương thiện, công bằng, hoà hợp yêu thương. Tránh xa những thói xấu của xã hội hôm nay, như tự do luyến ái, phá thai, li dị, gian lận trợ cấp, kết hôn giả, cờ bạc, nghiện ngập..vv... Đó là những thói xấu thế gian, những thói xấu biến chúng ta thành những 'ngôi sao lạc' dẫn đưa vào nơi tăm tối lầm lỗi.


Chúng ta, tất cả đều chỉ là những con người mang nhiều tật xấu, tham lam, ham danh, ham lợi. Chúng ta hãy khiêm nhượng chiêm ngắm cảnh khó nghèo của Hang Đá Belem và cầu nguyện chung cho nhau, nâng đỡ lẫn nhau để chúng ta biết sống khó nghèo, khiêm tốn và ngay thẳng, xứng đáng con cái Chúa.


Xin Chúa 'thắp sáng lên trong chúng ta' ngọn lửa tình yêu để chúng ta nhận ra 'con đường ngay thẳng', 'con đường công chính' và dám dấn thân đến với Chúa và đem Chúa đến cho mọi người trong gia đình chúng ta, mọi người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày.

LM Anphong Trần Đức Phương

HÀNH TRÌNH CỦA CÁC ĐẠO SĨ
Mt 2,1-12

Khi đọc tác phẩm Tây Du Ký của nhà văn Ngô Thừa Ân, nhiều người tỏ ra cảm phục trước ý chí vượt khó diệu kỳ của thầy trò Đường Tăng. Quả vậy, để đến được núi Tây Thi thỉnh Kinh Phật, họ đã phải trãi qua một cuộc hành trình dài với bao nhiêu chông gai thử thách. Đường xa vạn dặm, lại thêm vô vàn cạm bẫy của đủ thứ yêu ma quỉ quái khiến cho cả 4 thầy trò nhiều phen muốn bỏ cuộc. Hành trình đó thực sự là một cuộc thử thách của cả lý trí (biểu tượng qua nhân vật Tôn Ngộ Không) lẫn con tim (biểu tượng qua nhân vật Tam Tạng).

Đọc lại trình thuật Tin mừng Mathêu, chúng ta thấy hành trình của ba nhà đạo sĩ Phương Đông cũng không kém phần gian truân. Nhưng đó cũng là một hành trình rất đẹp. Để có thể triều yết Đấng mà họ gọi là Đại Vương, Vua Dân Dothái, họ đã phải vượt qua một chặng đường dài thăm thẳm. Dĩ nhiên đây là một cuộc hành trình có thật, chứ không phải do tác giả hư cấu như hành trình của thầy trò Đường Tăng. Ở đây chúng ta thấy hành trình của các đạo sĩ quả là một hành trình của lý trí, của con tim và của đức tin.


- Hành trình của các đạo sĩ, hành trình của lý trí khám phá:


Là những nhà Thiên văn, các ông đã biết dùng những kiến thức của mình để khám phá những dấu chỉ của điềm trời, đặt biệt là ánh sao chiếu mệnh. Họ đã biết sử dụng chất xám để nghiên cứu các hiện tượng lạ trong thiên nhiên, trong vũ trụ. Và chỉ có họ mới phát hiện ra ánh sao lạ, bởi lý trí của các ông đã được dùng đúng chổ, nhằm phục vụ cho chân lý, chứ không phải để phục vụ cho danh lợi thú đời này như Hêrôđê, như các Luật sĩ và Biệt phái. Đặc biệt là trong thời đại ngày hôm nay, rất nhiều người sử dụng lý trí của mình không đúng mục đích. Thậm chí còn sử dụng để phục vụ cho những ý đồ đen tối, thay vì để phục cho công lý, cho sự thật và đem lại lợi ích cho đồng loại. Các đạo tặc tìm kiếm những chiêu thức nhằm lường gạt và hãm hại người khác. Các gian thương tìm cách làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; các tin tặc tạo ra các loại vi rút máy tính phá hoại các chương trình, các dữ liệu; các nhà khoa học vô lương tâm sáng chế ra các thứ vũ khí huỷ diệt hàng loạt....


Các nhà đạo sĩ luôn là một điểm son cho chúng ta noi theo trong việc sử dụng lý trí của mình.


- Hành trình của các đạo sĩ, hành trình của con tim khao khát:


Con tim khao khát tìm kiếm chân lý. Con tim thao thức dấn thân lên đường tìm gặp sự thật. Điều này không có nơi Hêrôđê và có rất ít nơi dân thành Giêrusalem và những người Biệt phái.


Vì khao khát tìm kiếm chân lý nên họ sẵn sàng bỏ lại tất cả: gia đình vợ con, quê hương xứ sở, nhà cửa sự nghiệp,... để lên đường theo ánh sao lạ. Vì khao khát kiếm tìm sự thật, nên họ bất chấp tất cả: đường xá hiểm nguy, núi rừng cách trở, thử thách đợi chờ. Thật đáng khâm phục. Họ ra đi mà không biết sẽ đi đến đâu. Họ ra đi mà không biết ngày nào trở lại, tựa như Abraham ngày xưa vậy. Chính tình yêu đối với vị "Chánh Vương" là động cơ thôi thúc họ thượng lộ khẩn trương. Đúng như lời quả quyết của thánh Phaolô sau này: "Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi".


- Hành trình của các đạo sĩ, hành trình của đức tin soi dẫn:


Khi thấy sao lạ xuất hiện, đức tin đã mách bảo cho các ông biết có Đại Vương, có Đấng Cứu Tinh xuất hiện. Khi ánh sao biến mất, đức tin đã chỉ lối cho các ông tìm đến với Giêrusalem - Kinh đô của Kinh Thánh để được tham vấn. Khi đối diện với một hài nhi nghèo hèn nằm trong máng cỏ, theo lý trí tự nhiên không ai dám mạnh dạn tuyên xưng đó là Con Thiên Chúa, nhưng đức tin đã soi sáng cho các ông nhận ra đó chính là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông đợi. Và cũng chính đức tin đã biến đổi cuộc đời họ. Họ đã trở thành những vị tông đồ đích thực của Đấng Thiên Sai Giêsu. Theo khẩu truyền, ba nhà đạo sĩ đã đi giảng đạo tới tận trời Tây, và hiện nay một ngôi mộ được coi là của ba nhà đạo sĩ ấy, vốn rất được nhiều người kính viếng ở thành Phố Cologne, bên bờ sông Rhin, nước Đức.


Như vậy, rõ ràng hành trình của các đạo sĩ không chỉ là hành trình của lý trí khám phá, của con tim khao khát, mà còn là hành trình của đức tin soi dẫn. Vì nếu không có đức tin soi dẫn thì có lẽ họ đã lạc lối, và bỏ cuộc khi gặp thử thách. Nếu không có đức tin mách bảo thì có lẽ họ đã không nhận ra một trẻ thơ nghèo hèn là một bậc Đế Vương, là một vị Cứu Chúa. Và nếu không có đức tin soi sáng, chắc chắn họ không dại gì phải sụp lạy trước một hài nhi bé bỏng yếu ớt, càng không dại gì phải uổng phí những lễ vật quí báu của mình, nếu họ không tin nhận đó là Vị Cứu Tinh của họ. Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, từ ngữ "sụp lạy" ám chỉ một sự qui phục chỉ dành cho Thiên Chúa.


Phần tôi thì sao ? Tôi đang sử dụng lý trí của mình, kiến thức của mình thế nào ? Con tim của tôi đã đặt đúng chổ chưa ? Tôi thường yêu mến, thường khao khát những gì ? Có phải là "sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần"; hay chỉ là tiền tài, danh vọng, sắc dục và những thú vui hưởng thụ đời này? Trong hành trình dương thế của tôi, đức tin đóng vai trò nào ? Tôi có coi trọng và biết cầu xin ơn đức tin mỗi ngày, nhất là trong những lúc gặp thử thách, gặp bế tắc trong cuộc sống hay không ?


Ước gì gương của ba nhà đạo sĩ luôn được chúng ta soi nhìn. Để trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta luôn đi đúng đường, đúng hướng và đạt tới cùng đích mà chúng ta mong ước. Đó là Nước Chúa, nơi Đức Kitô đang đợi chờ chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long (Nguồn vietcatholic.org)

2167    06-01-2012 14:57:02