Sidebar

Thứ Năm
16.01.2025

Chúa Nhật Chúa Hiển Linh

  1. Bền Tâm Tìm Chúa
  2. Tiến Dâng Lễ Vật
  3. Sân Khấu Cuộc Đời
  4. Hành Trình Đức Tin
  5. Đức Kitô Ở Đâu?
  6. Thiên Chúa Tỏ Mình
  7. Đi Tìm Chúa Nhờ Ngôi Sao Lạ
  8. Hành Trình Đức Tin
  9. Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh
  10. Ánh Sáng Thế Gian
  11. Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh
  12. Món Quà Trao Tặng
  13. Niềm Vui Gặp Chúa
  14. Một Chút Quà Dâng Tiến Hài Nhi
  15. "Lời Nguyền" Của Phù Thuỷ Bilơam
  16. Ngôi Sao Sáng
  17. Hành Trình Của Các Đạo Sĩ
  18. Mỗi Người Là Một Ánh Sao Cho Nhau
  19. Dõi Theo Ánh Sao
  20. Chúa Tỏ Mình Ra Cho Những Tâm Hồn Thiện Chí
  21. Thái Độ Của Con Người Đối Với Thiên Chúa
  22. Theo Ánh Sao Lạ

 

BỀN TÂM TÌM CHÚA
Mt. 2, 1 - 12.

Mt 1, 18-24: TC là Đấng trung tín, Người đang thực hiện lời đã hứa ....

Anh chị em thân mến,

Đọc qua bài Phúc âm ngày lễ hôm nay, có một văn sĩ cảm hứng, nên đã thêu dệt câu chuyện về việc sinh ra của Đấng Cứu thế như sau: tôi xin nói lại, câu chuyện sau đây chỉ là sự thêu dệt và là ý tưởng của văn sĩ nọ thôi... Câu chuyện kể: Chúa Hài Nhi sinh ra trong máng cỏ bò lừa, rất hôi tanh và lạnh giá vì không có lò sưởi. Chúa Nhi biết rõ như thế, nhất là biết cha mẹ của mình đã quá vất vả mới có được chổ ở này, vì họ nghèo quá! Chúa Nhi thông cảm cho họ lắm. Các mục đồng lại đến viếng thăm làm cho cha mẹ và cả Chúa Nhi rất vui... Mấy hôm sau lại có ba đạo sĩ đến thăm, dâng lên Chúa Nhi, vàng, nhũ hương và mộc dược. Chúa Nhi hiểu rõ lòng của họ, nên đã mĩm cười với họ khi họ tiến dâng lễ vật. Sau đó họ lui xuống để bò lừa dâng lên hơi ấm; trong lúc đó ba đạo sĩ nói nhỏ với nhau, nhưng Chúa Nhi nghe rõ lời họ nói: vua Hêrôđê dặn họ khi tìm thấy Vua mới sinh, phải trở về cho ông hay để ông cũng đến triều bái người. Chúa Nhi nhìn thấu ruột gan của Hêrôđê, biết ông đang tìm cách giết mình. Hơi tức giận, Chúa Nhi dùng quyền năng mình, biến nên một tấm lưới vô hình trong suốt, bao bọc xung máng cỏ nhà đang ở, để người ngoài nhìn vào không thấy gì, cũng không thấy ai....Sau khi ba nhà đạo sĩ đi rồi, Chúa Nhi dùng quyền năng của mình, làm cho nơi mình đang ở bay đi sang qua Ai cập; dù bay, nhưng mọi người vẫn thấy căn nhà như đứng yên tại chổ...Chỉ trong nháy mắt, đã tới bên Ai Cập...

a/. Câu chuyện trên đây chỉ là tưởng tượng, không có thật, và cũng đi ngược lại ý nghĩa mầu nhiệm giáng sinh. Thực ra văn sĩ không đồng ý với Chúa Hài Nhi, vì đã để cho vua Hêrôđê rượt đuổi, tìm giết mình. Nhưng điều này lại là cốt lỏi của mầu nhiệm giáng sinh, của bài học của khiêm hạ tột cùng của Đấng cứu thế. Vì yêu thương nhân loại, Chúa Nhi sẵn sàng sinh ra trong cảnh nghèo nàn, vất vả, bị rượt đuổi như thế vì vâng lời Chúa Cha, nhất là để làm trọn chương trình cứu rỗi... Đó là phần Chúa Hài Nhi. Bên dưới đây chúng ta hãy bàn về các nhà đạo sĩ đông phương:

b/. Các đạo sĩ đông phương:

  • Họ phấn đấu đi tìm chân lý và sự khôn ngoan: Các ông đã nhiều năm nghiên cứu, tìm kiếm ánh sao lạ xuất hiện trên bầu trời, từ đó tìm ra ý nghĩa của biến cố. Thái độ của họ là cởi mở, sẵn sàng đi tìm chân lý, nên khi thấy ngôi sao lạ, các ông đã cảm nhận ra đó là dấu lạ từ Thiên Chúa.
  • Họ đã lên đường tìm kiếm Chúa Hài nhi, trong đức tin: với niềm xác tín riêng tư, họ bạo dạng lên đường tìm Chúa. Chính đức tin đã thúc đẩy họ lên đường; họ tự mình dấn thân vào cuộc hành trình vất vả tìm kiếm và mong gặp chân lý. Có khi thiên hạ cho là điên khùng, nhưng họ bất chấp; họ bỏ ngoài tai...
  • Họ đã hỏi thăm sự giúp đở của dân chúng : trên đường đi, có khi ánh sao biến mất, họ vẫn phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người xung quanh... nhất là những người khôn ngoan như hỏi các kinh sư trong bài Phúc âm hôm nay...
  • Họ chấp nhận điều Thiên Chúa dẫn họ tới, và tin vào đó : Họ đi tìm vị vua, vất vả biết bao nhiêu, vậy mà khi bước vào nhà, họ chỉ thấy một Hài nhi nhỏ bé với ông thợ mộc và Mẹ Nguời trong cảnh nghèo nàn. Chẳng có gì quý giá, chẳng có gì là dòng dỏi vua chúa cả! Làm sao tin? Thế mà các đạo sĩ đã tin; họ tin vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua những dấu hiệu rất tầm thường.

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: đời sống của mỗi người kitô hữu cũng là một cuộc hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, dù không vất vả như ba đạo sĩ, nhưng phần ta, ta có bền tâm đi tìm Chúa như họ không? Ta có để đức tin hướng dẫn ta trong hành trình tìm Chúa không?

TIẾN DÂNG LỄ VẬT
Mt. 2, 1 - 12.

Anh chị em thân mến.

Trong khung cảnh của ngày lễ khánh thành nhà thờ, nhiều người cùng tiến bước lên đường, hướng về cùng một nơi, đó là nơi mà ngôi nhà thờ mới được hoàn thành. Những người này đã được báo tin qua những cánh thiệp mời, qua những lời tha thiết. Những người tới đây cùng hoà chung niềm vui của biết bao người, cùng tận hưởng niềm vui chung với sự chuẩn bị thật chu đáo, bằng công sức, của cải vật chất mà họ gọi là lễ vật. Còn những người không có mặt thì sao? Có phải không được biết gì hết không?

Có người không hay biết gì hết về ngày lễ hôm nay, nên họ không thể đến được. Có người biết rất rỏ ngày giờ và lý do của ngày lễ, nhưng họ không được mời trực tiếp, nên họ không thể hoà niềm vui chung. Nhưng cũng có những người biết rỏ và được báo tin, được mời gọi tha thiết, vậy mà giờ này họ cũng không có mặt để hoà cùng niềm vui với mọi người. Sự vắng mặt với đầy đủ lý do, có khi chính đáng, cũng có khi không chính đáng. Có những người cũng lên đường nhưng lại không đến nơi được. Có những người không cảm thấy vui cùng niềm vui với mọi người nên họ cũng không đến.

Những nhà đạo sĩ từ phương xa họ nhận được lời mời, họ vui mừng chuẩn bị hành trang lên đường, họ vui mừng vì lễ vật của họ đã được trao một nơi thật xứng đáng, họ càng vui mừng hơn khi họ đã hoà được niềm vui của mọi người và Thiên Chúa.

Những người Do Thái, những người kinh thành và cả Hêrôđê đã nhận được lời mời trước tiên. Họ lại tính toán hơn thiệt, họ không dám lên đường, vì họ sợ. Trước tiên họ sợ cực khổ cho bản thân; họ không muốn vất vã để đến với người khác, vì họ quen ở yên một chỗ để người khác đến với họ và cung phụng cho họ. Tiếp đến họ sợ mất đi danh vọng mà họ cố công để tìm kiếm được, nên giờ đây họ không muốn từ bỏ nó. Họ cũng sợ mất đi những của cải vật chất mà họ rất trân trọng, vì họ sợ phải tiến dâng lễ vật, họ không muốn từ bỏ. Họ còn sợ mất đi bản thân mình vì họ quá coi trọng bản thân và yêu quý nó. Nên họ tìm cách phá đi sự việc mà họ lo sợ. Nhưng họ đâu biết rằng: những gì là của Thiên Chúa thì con người không thể làm gì được. Chính vì thế họ luôn sống trong lo sợ, họ không thể có được niềm vui.

Niềm vui chỉ đến được với những tâm hồn thư thái, biết từ bỏ và cho đi, còn với những tâm hồn luôn tính toán và so đo thì khó mà tìm được niềm vui.

Trong cuộc sống đời người, chúng ta cũng mãi miết đi tìm, nhưng chúng ta có tìm được gì không? Giờ đây, mỗi người để một ít phút suy tư, nhìn lại quãng đời đã qua .... Chúng ta đã từng được mời gọi đến với Chúa, trở về với Chúa, mời gọi sống trong niềm vui của Ngài. Chúng ta càng biết rất rõ mình phải làm gì và chuẩn bị những gì.

Có nhiều lúc trong cuộc sống, chúng cũng cảm thấy hối hận về những việc mình làm cho người khác, hối hận về những bất công, về sự ích kỷ chỉ biết lo cho mình mà quên đi những lời kêu than của người chung quanh, không nhìn thấy nỗi đau xé lòng mà mình gây nên cho họ. Nhưng nỗi lo sợ lại nỗi lên: sợ mất danh dự, mất uy tín, mất thời giờ, tiền bạc .... nên đến giờ nầy, chúng ta vẫn không tìm được niềm vui trong Chúa. Con người của bao nhiêu năm vẫn không khá hơn mà trái lại, có khi giờ nầy, mình còn nham hiểm độc hại hơn trước. Đó có phải là chúng ta lập lại công việc mà ngày xưa vua Hêrôđê và những người kinh thành Jerusalem đã đối xử với Chúa Giêsu và các nhà đạo sĩ phương xa sao?

Nếu có lần trong cuộc sống, chúng ta biết nới rộng vòng tay yêu thương để ban phát cho những người kêu cầu đến. Đó là lúc chúng ta nhận ra được lời mời gọi và cất bước lên đường với những lễ vật trong tay. Nếu chúng ta nhận thấy được những lỗi lầm thiếu sót của mình mà sẵn sàng sữa đỗi cho tốt hơn, nếu chúng ta biết sống quảng đại, để biết thông cảm và tha thứ thì thật hạnh phúc cho chúng ta, vì khi đó chúng ta tìm găp được Chúa và dâng lên Ngài lễ vật mà chính bản thân đã chuẩn bị bằng cả cuộc đời.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta được sáng suốt để biết lắng nghe lời mời gọi và đáp lại cho xứng đáng.

SÂN KHẤU CUỘC ĐỜI
Mt. 2, 1 - 12
.

Chúng ta vừa mừng sinh nhật lần thứ 2007 của Đức Giêsu. Nói đến lần thứ 2007, thì có nghĩa là phải có lần thứ nhất. Như vậy, chúng ta lấy mốc thời gian nào để tính là năm thứ nhất. Câu trả lời là dựa vào năm Đức Giêsu sinh ra. Như vậy, biến cố Đức Giêsu ra đời là khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Dù ngày hôm nay, các chuyên viên có tính lại là năm Chúa Giêsu sinh ra không phải là năm thứ 1, nhưng Ngài được sinh ra vào khoảng năm thứ 6 trước Công nguyên. Đấy là vì ông Denise thuộc thời Trung cổ tính sai. Dẫu vậy, nhưng trong tâm trí của ông Denise và cũng như của tất cả nhân loại đều lấy ngày Chúa Giêsu giáng sinh là trung tâm của lịch sử. Ngài đã bước vào lịch sử của nhân loại và làm xoay chiều lịch sử ấy. Ngài mặc cho lịch sử trần tục của con người một ý nghĩa mới, lịch sử cứu độ. Từ đây, Thiên Chúa đã làm người và ở với con người. Thiên Chúa đã từ trời cao xuống trần gian để cho con người trần gian được bước lên trời. Đất với trời đã giao duyên!

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Hiển Linh, nghĩa là chúng ta mừng kính việc Đức Giêsu bày tỏ vinh quang của Ngài cho 3 nhà đạo sĩ Đông phương và cũng là cho tất cả chúng ta. Nhưng biến cố ấy thay vì trở thành niềm vui cho hết nhân loại thì lại trở thành tin buồn và thảm hoạ cho một số người. Tại làm sao lại có chuyện ấy xảy ra? Có phải vinh quang của Thiên Chúa không có sức mang lại hạnh phúc cho con người không? Có phải Thiên Chúa đã chịu thua sự nhẫn tâm của con người rồi chăng? Ngày Chúa Giêsu sinh ra, các Thiên thần đồng thanh tung hô rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương", nhưng xem ra việc Chúa Giáng trần chỉ mang lại tai hoạ cho con người mà thôi!

Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu. Ngài yêu thương hết thảy con người cho dẫu rằng con người có nhận ra điều đó hay không? Chúa không muốn biến con người thành những cổ máy Robot, nên đã trao cho họ tự do. Và vì lạm dụng tự do, nên con người đã chống lại Thiên Chúa; coi Thiên Chúa như đối thủ của mình, như người tranh giành hạnh phúc của mình. Thật là một điều đáng buồn cho con người.

Chúa Giêsu vẫn sinh ra cho con người dẫu rằng con người có đón tiếp Ngài hay không? Và quả thực, con người đã chối từ Ngài ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời dương thế của Ngài. Nhưng Ngài chấp nhận tất cả và chịu sinh ra trong cảnh nghèo nàn nhất của kiếp người. Nhà bảo sanh là chuồng bò, chiếc nôi là máng cỏ, thời tiết là giữa mùa Đông giá rét run người. Người ta không muốn đón tiếp Chúa vì Chúa đến trong thân phận của người nghèo khổ và quá âm thầm.

Hơn nữa, ngày mà Chúa tỏ vinh quang cho nhân loại thì lại trở thành ngày buồn thảm: Hêrôđê bối rối vì sợ bị chiếm ngôi, các gia đình có con trẻ từ 2 tuổi trở xuống ở vùng Giuđêa và các vùng lân cận phải một trận khóc than thảm thiết vì con trẻ của họ bị giết! Lý do là vì sự độc ác của con người, cụ thể là vua Hêrôđê. Vua Hêrôđê là đại diện cho tất cả những con người ham hố quyền lực trên thế giới. Họ sẵn sàng gây ra bao nhiêu đau khổ, chết chóc cho nhân loại để bảo vệ uy quyền cho mình. Ngày nào trên thế giới còn có những con người ham hố quyền lực thì ngày đó nhân loại còn phải chịu đau khổ và chết chóc.

Sân khấu lịch sử cuộc đời còn có vai của những con người trong vai các kinh sư và luật sĩ. Họ thông thạo Thánh kinh, biết rõ nhiều vấn đề nhưng họ sợ cực khổ, sợ mất mát, ngại hy sinh nên đem những hiểu biết của mình chôn vùi trong tủ kính. Vì thế, những hiểu biết của họ không giúp ích gì cho ai và cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân họ. Họ là hạt giống có lớp vỏ vàng óng. Họ cố bảo vệ lớp vỏ của mình cho thật đẹp và không chịu làm trở thành thân phận của hạt giống, phải chịu thối đi để sinh ra trăm nghìn bông hạt mới. Vì thế, mãi mãi họ là hạt lúa cô đơn, hạt lúa vàng vô ích và sẽ có ngày sẽ hư mất.

Nhưng cũng may là thế giới này cũng còn có những con người khát khao tìm kiếm chân lý như 3 nhà Đạo sĩ Phương Đông. Nếu không, thì cuộc đời này sẽ biến thành nghĩa trang lạnh lùng, đầy dẫy những xác chết, và trái tim con người sẽ hoá đá! Hình ảnh 3 nhà Đạo sĩ Phương Đông trở thành mẫu mực cho những ai khao khát sự thật và sự sống. Khi nhận ra được ánh sáng chân lý rồi, thì họ không ngần ngại hy sinh, sẵn sàng chịu cực khổ, mất mát và nguy hiểm để lên đường tìm kiếm. Và những cố gắng của họ đã được đền bù xứng đáng. Họ đã được Thiên Chúa đong đầy sự khao khát của họ. Vì "Phúc cho ai biết khao khát nên trọn lành và tìm kiếm chân lý, vì họ sẽ được Thiên Chúa ban cho được đầy no".

Mừng lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, chúng ta hãy tự kiểm lại chính mình xem chúng ta đang có trong mình hình ảnh của ai? Của Hêrôđê, của những Kinh sư hay của ba nhà Đạo sĩ Phương Đông? Chúng ta có phải là những người đang ham hố quyền lực để sẵn sàng tiêu diệt, loại trừ người khác để bảo vệ uy thế và chỗ đứng cho mình không? Hay chúng ta lại là những người Kinh sư, thông thạo Thánh kinh, biết rất nhiều về Lời Chúa nhưng lại không làm theo và không màng gì đến những Lời ấy? Hay chúng ta là những Nhà Đạo sĩ đang khao khát và kiếm tìm chân lý, để khi nhận ra được chân lý đang soi dẫn cuộc đời của mình thì sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan, hy sinh mọi sự để lên đường tìm kiếm chân lý? Phúc cho chúng ta nếu chúng ta đang mang trong mình hình ảnh của những nhà Đạo sĩ Phương Đông ngày xưa!

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
Mt. 2, 1 - 12.

Truyện kể trong một khu rừng kia có con cáo mù bị lạc đường. Đamg lúc lo âu sốt ruột, đột nhiên nghe tiếng bước xa xa đến gần, con cáo vội vàng hỏi trong vui sướng:

  • Chào anh bạn, xin hỏi đường về nhà tôi đi bằng cách nào ?
  • Anh không thấy đường sao ?
  • Thấy thì còn hỏi anh làm gì

Đối phương lần chần một chút rồi trả lời:

Được rồi, anh đi với tôi. Con cáo đi sau lưng anh bạn ấy, bảo sao nghe vậy. Đi không bao lâu, hai đứa tập tễnh tiến vào ngõ cụt, đi mãi mà không ra khỏi đó, cuối cùng con cáo chịu không nổi phải thốt lên.

  • Anh dẫn đường nhưng rốt cuộc anh dẫn như thế nào đấy chứ ?
  • Hồi lâu, chỉ nghe đối phương biết lỗi nói: Xin lỗi bởi vì tôi cũng mù như anh vậy
    ( Hàn Lâm Tử)

Câu chuyện trên cho ta thấy con cáo mù rất muốn tìm đường về nhà, chắc chắn là nó rất lo lắng bối rối và sợ lắm. Khi gặp được người bạn dẫn đường thì cáo mừng lắm, nhưng cuối cùng thì cả hai đều bị đi vào ngõ cụt vì không có ai thấy ánh sáng thấy đường để mà đi. Trong cuốc sống rất có thể chúng ta đang là một con cáo mù, vì không biết mở mắt ra để đón lấy ánh sáng. Chúng ta không khác gì dân thành Giêrusalem xưa, trong cùng một cảnh ngộ mà các nhà đạo sĩ từ phương xa lại nhìn thấy ánh sáng để đi tìm Đấng Cứu Thế. Còn họ thì lo mãi mê yêu đời, sống cuộc sống hưởng thụ, vui chơi với tất cả tiện nghi, một cuộc sống không thiếu thốn sự gì. Ngày nay với nên khoa học tiên tiến, đưa con người đến ánh sáng hiện đại nhưng lại đẩy họ vào ánh sáng tội lỗi; biết những nơi ăn chơi thác loạn mà không bao giờ tìm tới nhà thờ, ham thích nhảy múa ca hát mà không bao giờ biết dùng lời kinh cầu nguyện dâng lên Chúa. Các đại gia dám bỏ ra hàng triệu dollar để ăn chơi trác táng, mà không dám bỏ ra 500 đồng để làm việc bác ái... rất nhiều, còn rất nhiều việc làm của chúng ta đang ở trong bóng tối, ngôi sao sáng của Chúa vẫn đang sẵn sàng chiếu tỏa ánh sáng, chỉ cần chúng ta đừng vô tình, đừng dửng dưng nữa mà hãy quyết tâm bằng cả thiện chí đứng lên và bước ra khỏi đời sống tầm thường đó, cùng đi với các đạo sĩ theo ánh sao lạ dẫn đường tìm Đấng Cứu Thế.

Con cáo mù không về nhà được vì người bạn dẫn đường cũng bị mù. Nhiệm vụ truyền giáo là công việc của tất cả những người Kitô hữu, đó là dẫn mọi người "bị mù" tìm gặp ánh sáng Chúa Kitô. Con đường truyền giáo hoàn toàn không dễ như ta tưởng, nếu không khéo ta cũng giống như người bạn của con cáo mù, không những đưa bạn về không được mà cả mình cũng không thể về. Điều cần thiết là mỗi người chúng ta phải là ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và trong tâm hồn những người thiện chí vì như Chúa Giêsu đã nói: "Các con là ánh sáng trần gian" ( Mt 5, 14). Khi nghe câu nói đó, tôi nhận ra ngay một điều là Thiên Chúa muốn gởi đến cho chúng ta một thông điệp truyền giáo và ngay lúc này chúng ta phải là muối là ánh sáng.

Ánh sáng Tin Mừng đã được rao giảng hơn 2000 năm, nhưng cánh đồng truyền giáo vẫn còn bao la bát ngát. Đặc biệt là trong cánh đồng truyền giáo ở Việt Nam , còn rất nhiều người đang mò mẫm tìm đường đi. Do đó, chúng ta phải là ngôi sao dẫn đường cho anh chị em lương dân, ở giữa họ với một con tim cởi mở và yêu thương. Nhất là qua đời sống hàng ngày họ sẽ tìm gặp được Hài Nhi trong hành động của chúng ta.

Chúng ta cũng rất dễ rơi vào thái độ dửng dưng với lời kêu gọi của Giáo hội, cứ nghĩ nếu ta không làm thì vẫn còn người khác làm. Nếu ai cũng nghĩ như ta thì làm gì có các nhà truyền giáo, làm gì có hạt giống Tin Mừng nào được gieo ở Việt Nam và chúng ta vẫn là con cáo mù vẫn chưa tìm được đường về nhà. Nhưng ngược lại, nếu tất cả các tín hữu Việt Nam nghe theo lời mời gọi truyền giáo, và mau mắn đáp trả thì Hội Thánh Chúa đã có những bước tiến rất xa. Vậy ta hãy ý thức mình vẫn là một hạt cát quan trọng trong sa mạc truyền giáo của Chúa.

Lạy Chúa, Xin giúp con trở thành một ánh sao soi đường, dẫn lối cho những người xung quanh trên bước đường tìm gặp Chúa.

ĐỨC KITÔ Ở ĐÂU?
Mt. 2, 1 - 12.

Mùa Giáng sinh nào tôi cũng rảo qua các Nhà thờ để xem hang đá. Thôi thì đủ loại, đủ cỡ, đủ hình dạng, màu sắc. Có cái rất hoành tráng, trang trí cầu kỳ, từ những vật dụng đắt tiền; nhưng cũng có cái làm từ phế liệu. Đặc biệt nhất là bộ tượng. Ngoài những bộ tượng theo truyền thống Do thái, còn có cả những bộ tượng người Tàu, người Mông Cổ, Ả rập, Châu Âu và cũng không thiếu những bộ tượng người Việt với trang phục khăn đóng - áo dài hay khăn rằn - áo bà ba rặt nam bộ. Nói chung, Tin Mừng đi đến dân tộc nào thì hang đá và các nhân vật trong hang đá mang hình ảnh dân tộc đó. Người thiết kế muốn diễn tả hình ảnh Thiên Chúa thật giống với người bản địa. Điều nầy chắc không làm Thiên Chúa phiền lòng bởi từ trời cao Ngài đã xuống trần chẳng phải là để cho gần con người sao?

Nhưng đáng buồn thay. Trong khi Thiên Chúa đang cố gắng rút ngắn khoảng cách cách giữa Ngài và con người, thì con người lại hững hờ không muốn đón nhận thiện ý đó. Dân tộc mà lẽ ra phải mở tiệc tưng bừng để đón Sinh Nhật Vua Trời thì lại lạnh lùng từ chối. Vua Hêrôđê tỏ ra quan tâm, ân cần với các nhà hiền sĩ Đông phương: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tần về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bài lại Người" (Mt 2,8). Hoàn toàn không phải vì ý tốt mà là muốn giết Chúa Giêsu để níu giữ ngai vàng sắp đổ của mình.

Vào lễ Hiển Linh năm nào ta cũng nghe câu chuyện ba nhà Đạo Sĩ đi theo ngôi sao tìm Chúa. Rồi sau đó dâng lễ vật lên Chúa Hài Đồng. Cảnh tượng thật xúc động! Càng xúc động hơn khi biết rằng cả ba nhà Đạo Sĩ đều là dân ngoại - một dân tộc không biết gì về Thiên Chúa lại được Thiên Chúa tỏ mình ra. Còn dân Do thái đã không hề biết chuyện gì đang xảy ra. "Nay mầu nhiệm được mạc khải là các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp" (Ep 3,6).

Nói vậy, chẳng phải là Thiên Chúa thiên lệch, cho người nầy không cho người khác, nhưng bởi dân Do Thái thiếu lòng tin đó thôi. Hơn thế, chẳng đời nào Ngài lại bỏ đứa con mà Ngài đã từng cưu mang.

Ba nhà đạo sĩ vất vả lên đường tìm Chúa. Họ đã phải luôn miệng hỏi: "Đức Giêsu - Vua dân Do thái mới giáng sinh ở đâu?". Ngày nay, ta không còn vất vả nữa, vì Chúa đã được các nhà truyền giáo đem đến tận tay chúng ta rồi. Chúng ta chẳng còn phải nghi ngờ Đức Giêsu là ai, sinh ra ở đâu nữa. Nhưng liệu chúng ta có giống dân Do Thái xưa không? Thấy đó, nhưng không thể nào tin được? Ngày Rửa Tội ta được xếp vào hàng con cái Chúa. Ngày chịu phép Thêm Sức ta được mời gọi lên đường làm chứng, rao giảng Nước Chúa. Nhưng chính bản thân chúng ta cũng chưa một lần thể hiện được lòng tin của mình thì làm sao chúng ta có thể giới thiệu được một Đức Giêsu bé nhỏ, trần trụi, nghèo nàn đó cho trần gian? Hãy mạnh mẽ đi theo hướng khác mà trở về nhà mình, đừng ù lì trong những lề thói ấu trĩ, ích kỷ của chính mình nữa. Hãy đứng dậy lên đường giới thiệu Đức Kitô bằng đời sống yêu thương của mình.

Hơn 2000 năm qua, Đức Giêsu vẫn giáng sinh mỗi ngày trong trần gian. Ngài không chỉ giáng sinh nơi hang đá Bêlem thuộc xứ Palestine, trong dòng tộc Đavit nữa; mà Ngài hiện diện trong từng con người cụ thể trên khắp hành tinh nầy, trong tất cả mọi sắc tộc, trong mọi nền văn hóa. Ngài ở giữa chúng ta qua Bí tích Thánh thể. Ngài còn ở trong chính ngôi nhà tồi tàn, rách nát của một vùng quê nào đó. Ngài đang bị cầm tù, đang cô đơn trong những nhà dưỡng lão, những trại mồ côi, bệnh viện, trại tập trung. Ngài là em bé bị lạm dụng sức lao động, đang ngày đêm giơ tay cầu cứu sự giúp đỡ. Ngài là những công nhân cần có những đồng lương xứng hợp. Ngài là những nạn nhân của những cuộc xung đột, chạy đua vũ trang, hay của những chế độ độc tài, bất công, nghèo đói... Bạn không cần phải đi qua tận thánh địa xa xôi để mong gặp Chúa, mà bạn hãy đi ra khỏi lòng mình. Ra khỏi những ích kỷ, tư lợi, đam mê thấp hèn của chính bạn. Rồi bạn sẽ gặp Đức Kitô ngay thôi. Ngài đang hiện diện ngay trước mặt bạn đấy!

1708    06-01-2012 15:09:01