Sidebar

Thứ Tư
11.09.2024

Chúa Nhật I Mùa Chay B_3

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY B
Mc 1:12-15

Không còn gì nghi ngờ nữa. Hôm nay Mùa Chay đã 'nói trúng tim đen của chúng ta' rồi đấy, và làm rung động tận chốn thâm cung tâm hồn chúng ta. Mùa Chay kêu gọi chúng ta từ bỏ tội lỗi và trung tín với tình yêu Thiên Chúa. Chay tịnh, cầu nguyện, bố thí xưa nay là những việc làm chính yếu của Mùa Chay. Đó là những khí cụ chúng ta được khuyên dùng để dễ dàng tiến lại gần bên Thiên Chúa hơn, trong khi vẫn phải hành trình tiếp tục suốt đời. Đối với một số người, thì Mùa Chay đồng nghĩa với bỏ rượu, bỏ thuốc lá, trong khi những người khác lại thấy Mùa Chay là thời gian đi nhà thờ hằng ngày... Cho dù chúng ta thực hiện kiểu chay tịnh cách nào, thì động cơ thúc đẩy chúng ta mới là quan trọng. Nếu chúng ta ăn chay hay ăn kiêng chỉ vì muốn có thân hình thon thả, hay chúng ta làm phúc bố thí chỉ vì muốn được nể vì trong cộng đồng, thì những nỗ lực của chúng ta cũng hơi uổng công vì chúng ta đã nhận được phần thưởng rồi và vẫn chưa đến gần Chúa hơn là bao.

Khi khởi đầu sứ vụ công khai, Đức Chúa Giêsu đã đi vào hoang địa suốt 40 ngày đêm - cũng vì thế mà ngày nay chúng ta tổ chức hẳn một Mùa Chay Thánh. Giáo Hội muốn mọi người hãy sống lại kinh nghiệm của Chúa Giêsu là thiết lập mối tương quan sâu đậm và tình nghĩa thân thiết hơn giữa Thiên Chúa với chúng ta. Hành trình của chúng ta là một hành trình vào sa mạc nội tâm nơi đó mình ta 
đối diện với Thiên Chúa trong tinh thần chân thực. Hoang mạc tâm hồn sẽ giúp chúng ta nhìn lại bản thân xem chúng ta thực sự là ai, chúng ta làm gì với những nén bạc Chúa trao, đồng thời sẽ giúp chúng ta ý thức hơn về tình trạng tội lỗi của chính mình. Nhờ đó dần dần chúng ta sẽ đau lòng mà nhận ra mình cần thay đổi và canh tân cách tranh đấu với sự dữ bằng cách cầu nguyện chay tỉnh và đền tội. Việc chúng ta đền bù tội lỗi sẽ giúp chúng ta nhận thức được rằng những mặt thiêng liêng của cuộc sống còn quan trọng hơn những khía cạnh vật chất của nó. Một khi chúng ta ý thức được những lỗi lầm của bản thân, chúng ta mới nhận ra nhu cầu cần thay đổi điều này điều khác.

Nếu chẳng may chúng ta nằm trong số những người chuyên 
chụp mũ cái xấu lên đầu mọi người. Thì nay đi vào hoang mạc chính là cơ hội để chúng ta nhìn kỹ lại cố tật ngồi lê đôi mách, nói hành nói tỏi, đổ vạ cáo gian của chúng ta. Chỉ cần hứa từ nay sẽ giữ mồm kín miệng là đã có một phương thuốc hữu ích rồi.

Chúng ta có thể dốc lòng làm vui lòng những người mà chúng ta thường hay xung khắc hay ít ra là chúng ta không có cảm tình. Bỏ rượu chè cờ bạc có làm cho chúng ta mất mát gì đâu nếu như những thứ đó chỉ tổ là những nguyên nhân gây xào xáo làm cho gia đình mất hạnh phúc...? Cầu nguyện hằng ngày rất quan trọng cho tất cả chúng ta vì đó là mối giây liên lạc sinh tử giữa chúng ta với Thiên Chúa. Ngay như mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Kitô cũng không thể thành tựu nếu không thực hành cầu nguyện. Chúng ta phải dành ưu tiên số một cho việc cầu nguyện, một phương thế cũng cố đức tin đức cậy và đức mến, nghĩa là cầu nguyện sẽ giúp chúng ta tăng cường niềm tin tưởng cậy trông và đem chúng ta đến gần gũi Thiên Chúa hơn.


Mùa Chay là thời gian dành cho chúng ta tìm đến tâm linh, kêu mời chúng ta nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa trong mọi phương diện của cuộc sống và từng bước thực hành đương đầu với những xấu xa của tội lỗi và ích kỷ bên trong chúng ta.


Mùa Chay là mùa kêu gọi chúng ta thay đổi hành vi thái cử vì những thói hư tật xấu cố hữu trong chúng ta lâu nay làm thui chột sức tăng trưởng của chúng ta trong tình yêu của Thiên Chúa. Đây là thời gian chúng ta cần trân trọng đón nhận ân sủng, nếu chúng ta có ý muốn 
Mùa Chay trở nên một kinh nghiệm thanh luyện đời sống thiêng liêng. Cần nói "không" với bản thân và nói " " với Thiên Chúa là tất cả những gì phải làm trong cuộc phấn đấu nơi hoang mạc Mùa Chay này.

Lm. Nguyễn Văn Phan, CSsR.

NHỮNG CÁM DỖ CỦA MÙA CHAY 
 Mc 1:12-15

Mùa Chay bắt đầu vào thứ 4 Lễ Tro, là ngày bắt đầu của một chu kỳ Phục Sinh, một chu kỳ đầy sức sống hạnh phúc. Mùa Chay còn được gọi là mùa "Chữa bệnh" hơn là mùa "đền tội". Mùa Chay theo thể lý, người ta sẽ hãm mình, hãm các đam mê thể xác, bớt ăn uống theo sở thích... Đó là một hình thức tìm lại sự quân bình cho thân thể (Chữa bệnh phần xác).

Trong Mùa Chay, người tín hữu cũng tìm cách hãm dẹp những tính mê nết xấu (
như thích vui chơi đàng điếm, ham mê rượu chè, thú cờ bạc...), hãm dẹp những tư tưởng bất chính (trả thù, ghen ghét, hằn học, gian lận, biếng nhác...), để tìm lại một tâm hồn thảnh thơi an bình (Chữa bệnh phần hồn).

Trong Mùa Chay, người tín hữu cũng không quên gia tăng lòng đạo hạnh qua việc chu toàn bổn phận tinh thần: Đọc thêm kinh sách, cầu nguyện, tham dự các giờ Thánh Lễ, Phụng vụ chung, hành hương kính viếng nơi thánh, dành thêm thì giờ làm việc thiện, giúp đỡ mọi người, bố thí cho người nghèo....


Trong Mùa Chay ta bắt chước Chúa, lắng đọng tâm hồn như đi vào rừng vắng để dễ cầu nguyện, xây dựng đời nội tâm thêm mạnh mẽ, để có đủ sức chiến đấu với mọi cám dỗ trong đời. Chúa Kitô trước khi thi hành sứ mệnh tông đồ, Ngài vào nơi thanh vắng nghỉ ngơi và cầu nguyện, đồng thời qủi đến cám dỗ Ngài.


Việc ma qủi cám dỗ Chúa thực là một việc thánh, vì Ngài đã kể những cách cám dỗ nơi chính mình cho chúng ta có kinh nghiệm. Các cám dỗ đem đến cho Ngài cũng không phải là loại cám dỗ thường tình của người đời: Hóa phép cho đá thành bánh - Nhẩy từ trên nóc đền thờ xuống mà không chết. Chỉ có một cái cám dỗ giống loài người là ham danh vọng: Quì xuống tôn thờ ma qủi để đoạt được quyền uy thế phiệt. Ma quỷ đoán Ngài phải là một nhân vật rất thánh, thánh khác thường, vì nó thấy Ngài cầu nguyện và suy nghĩ bằng những năng lực 
phi thường (khác lối suy nghĩ và cầu nguyện của loài người), để tìm cách chinh phục các linh hồn, nên nó dùng phương pháp cám dỗ cũng khác thường như vậy.

Những cám dỗ này chắc cũng không phải xẩy ra một lúc, mà suốt 40 đêm ngày suy nghĩ và ma quỷ đã đến đưa phương thế giúp Ngài giải quyết.


1. Đưa đá cho Chúa, ma quỷ giải quyết rằng Ngài có thể dùng quyền năng phi thường của mình mà biến hóa vật chất nên của quí giá làm lòa mắt người trần, đánh mạnh vào lòng ham thích vủa cải sang trọng, để lôi kéo họ theo mình. Vì nhân loại thường dùng quyền thế, chức vị danh vọng để sai khiến nhau.


2. Cho Ngài xem thấy tất cả thế gian, ma qủy giải quyết rằng việc cai trị cả nhân loại không khó gì, chỉ cần qùy xuống xin hắn, thì hắn cho đủ quyền cai quản đó. Vì nhân loại dễ dàng chấp nhận quy phục gian tà để có quyền gây thanh thế trên người khác. Chúa dạy phải công chính hóa đời mình và chỉ phục quyền Đấng có quyền thật.


3. Trong cám dỗ thứ ba chúng giải quyết: Cứ nhảy xuống mà không việc gì, sẽ làm cho dân chúng thấy rùng rợn mà theo, vì phép tắc của Ngài không ai có thể vượt được. Vì nhân loại vẫn hay dùng lối bùa phép này để dọa nạt người khác, nhưng Chúa dạy không lừa dối, gạt gẫm người ta. 


Trên đường theo Chúa, giữ đạo, đôi khi chúng con thấy mình khó thắng các cám dỗ quá. Xin Chúa thêm sức mạnh để chúng con có thể thực hiện điều Chúa dạy cách bền chí. 

Lm. Thu Băng, CMC

CHIẾN THẮNG CÁM DỖ
Mc. 1,12-15

Năm nào cũng vậy, cứ vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, Giáo Hội cho chúng ta nghe đọc đoạn Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu bị cám dỗ và chiến thắng Xa-tan. Năm A và C, đọc Tin Mừng của thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca, kể lại sự kiện này khá dài, kể rõ ba chước cám dỗ và ba lần Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ. Năm nay năm B, đọc Tin Mừng của thánh Máccô, kể lại rất vắn tắt, chỉ cho biết : "Thần Khí thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa. Người ở đó 40 ngày, chịu Xa-tan cám dỗ". Tuy thánh Mác-cô không trực tiếp cho biết Chúa Giêsu đã chiến thắng Xa-tan, đã xua đuổi nó, nhưng suốt sách Tin Mừng, thánh Mác-cô sẽ cho thấy Chúa Giêsu đi tới đâu thì Xa-tan bị đánh bại đến đấy. Giáo Hội cho chúng ta nghe đọc đoạn Tin Mừng này để mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giêsu như kiểu mẫu và bảo đảm cho chúng ta trong cuộc chiến đấu với Xa-tan và những cám dỗ của nó. 

Đời người được ví như một đấu trường, ở đó con người phải luôn chiến đấu : chiến đấu với ngoại cảnh, chiến đấu với nhiều thứ, nhất là chiến đấu với chính mình. Tại sao vậy ? Bởi vì mang thân phận con người, ai ai cũng bị giằng co, xâu xé bởi hai khuynh hướng mâu thuẫn nhau : một cái kéo con người lên và một cái lôi con người xuống. Hai khuynh hướng đó đều nội tại trong con người, khiến cho nội tâm con người trở thành chiến trường, đôi khi rất cam go làm con người đau khổ.


Khuynh hướng đi lên là khuynh hướng căn bản của ý chí con người. Ai cũng muốn mình là người tốt, ai cũng muốn mình làm điều thiện, chứ không ai muốn mình xấu hay làm điều ác. Nhưng muốn là một chuyện, còn có làm điều tốt hay không lại là chuyện khác. Phánh Phaolô đã nói : "Tôi 
không hiểu nổi việc tôi làm : điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi cứ làm". Vì thế, muốn đi lên, con người phải cố gắng, phải dùng chính sức mạnh của mình, phải hao tổn năng lực của mình. 

Còn khuynh hướng đi xuống cũng ở trong nội tâm, nhưng kể từ khi nguyên tổ phạm tội, khuynh hướng này đã được ma quỷ tăng cường làm cho mạnh lên, khiến con người muốn đi lên phải chiến đấu rất vất vả. Còn muốn đi xuống thì chẳng cần phải cố gắng gì cả, chỉ cần buông thả, không cố gắng nữa là tự động đi xúông. Chính vì thế làm thiện khó hơn làm ác rất nhiều. Và cái lực hấp dẫn mọi người làm ác hoặc không làm thiện là lực của ma quỷ.


Đúng vậy, đàng sau bối cảnh chiến trường mà con người phải chiến đấu, ẩn hiện chập chờn một nhân vật rất nguy hiểm mà Kinh Thánh gọi là kẻ thù, ấy là Xa-tan. Xa-tan là quỷ, nó là "xếp xòng" của loài quỷ. Xa-tan hay quỷ trước kia là các thiên thần, nhưng vì làm loạn cùng Thiên Chúa nên bị tống cổ ra khỏi thiên đàng và bị đày xuống hỏa ngục. Từ ngày thất thế, Xa-tan và bè lũ trở nên những kẻ thù nguy hại của loài người. Chúng chuyên môn áp đảo, quấy phá để làm cho người ta hư hỏng theo chúng.


Chúng đã làm hư hỏng biết bao nhiêu người. Chúng đã du nhập vào trần gian đủ thứ gian tham, lừa lọc, tội ác, bất công và những lối sống lố bịch, nham nhở, nhăng nhít...Tất nhiên có người nói rằng : có thấy Xa-tan hay quỷ nào công khai làm những chuyện đó đâu ? Đúng thế, ngày nay chúng ta ít được chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tiền mà Kinh Thánh đã ghi lại. Ngày nay rất ít trường hợp Xa-tan hiện nguyên hình trực tiếp tác oai tác quái nữa, nhưng gián tiếp điều khiển trong bóng tối. Đó là một sức mạnh vô hình luôn tác động trong tâm trí chúng ta : lôi kéo, xúi bẩy chúng ta đến chỗ hành động xấu xa, tội lỗi. Chiến thuật hay phương thế ma quỷ sử dụng là cám dỗ. Chúng không kiêng nể ai hay buông tha ai. Vì thế, không ai thoát khỏi cám dỗ của chúng.


Theo nghĩa thông thường chúng ta quen hiểu, cám dỗ là dịp phạm tội. Bị cám dỗ là khi chúng ta thấy mình hướng chiều về một điều ưa thích thuộc phạm vi cấm đoán. Chẳng hạn : một vẻ quyến rũ từ bên ngoài lôi cuốn, một sự xôn xao, rạo rực, thèm khát từ bên trong thúc đẩy; một âm mưu hay thủ đoạn bày vẽ ra trong trí khôn thúc đẩy chúng ta hành động; một sự nhắm mắt làm liều; một hành động nổi loạn của toàn thân từ chối ép mình trong trật tự...Đó là những phát hiện của cơn cám dỗ. Như vậy, bị cám dỗ, bất cứ là cám dỗ về phương diện gì, không phải là tội. Khi chúng ta bị cám dỗ thì chỉ có nghĩa là chúng ta bị thử thách thôi. Và chỉ khi nào chúng ta bị thua chước cám dổ thì mới có tội.


Đành rằng ma quỷ cám dỗ chúng ta. Nhưng chúng chỉ là kẻ thù nguy hiểm thứ hai sau xác thịt của chúng ta : thế gian, ma quỷ và xác thịt. Đó là ba kẻ thù ghê gớm. Ma quỷ chỉ là kẻ xách động, cám dỗ, thúc đẩy, xúi giục chúng ta phạm tội, nhưng chúng có gặp được sự đồng tình đồng ý của chúng ta hay không ? Tức là chúng ta có chấp nhận và chiều theo chước cám dỗ hay không ? Nói khác đi, ma quỷ chỉ có thể cám dỗ được chúng ta khi chúng ta có nhu cầu, ham thích, đam mê đối với những thực tại trần gian. Chúng ta có làm chủ được những nhu cầu thể chất ấy chúng ta mới dễ dàng thắng lướt được những cám dỗ, và không để cho khuynh hướng xấu làm chủ mình.


Từ ngày có trí khôn cho đến giờ, ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về việc cám dỗ. Chúng ta đã bị cám dỗ nhiều lần. Có lần chúng ta đã vượt qua được, và nhiều lần đã bị vấp ngã. Đó chính là thân phận của con người yếu hèn và bất toàn. Không bao giờ vấp ngã, đó là chuyện khác thường, đặc biệt, vô cùng tạ ơn Chúa. Còn hay bị vấp ngã, đó là chuyện bình thường. Và điều quan trọng là chúng ta phải ăn năn sám hối ngay.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

CÂU CHUYỆN HỒNG THUỶ
Mc. 1,12-15

Mùa Chay Thánh năm nay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro (25 tháng 2 năm 2009) cho đến Chúa Nhật Lễ Lá ( 5 tháng 4, 2009) mở đầu Tuần Thánh, và tiếp theo là Chúa Nhật Đại Lễ Phục Sinh (12 - 4 - 2009 ).

Trong Chúa Nhật I Mùa Chay (Năm B), Bài Đọc I (Sáng thế 9, 8-15) nhắc đến câu chuyện Đại Hồng Thủy. Thánh Phêrô cũng nhắc đến câu chuyện Đại Hồng Thủy trong Bài Đọc II (1 Phêrô 3, 18-22). Đại Hồng Thủy đã tiêu diệt tất cả nhân loại và mọi sinh vật "trừ 8 người trong gia đình ông Noe và một số sinh vật được đưa lên tàu". 


Câu chuyện Đại Hồng Thủy nhắc nhở chúng ta đến hậu quả khủng khiếp của tội lỗi. Nhưng con người chúng ta luôn bị cám dỗ lôi cuốn phạm tội. Bài Phúc Âm (Matcô 1, 12-15) cũng ghi lại việc chính Chúa Giêsu cũng để cho ma qủy cám dỗ, sau khi đã ăn chay 40 ngày.


Cám dỗ là một thử thách suốt cuộc đời chúng ta. Nhưng bị cám dỗ chưa hẳn là đã phạm tội. Có rất nhiều thứ cám dỗ khác nhau, nhưng tất cả đều do khuynh hướng con người chúng là 'ham danh, ham lợi, ham lạc thú!'. Mọi người đếu bị cám dỗ. Ai trong chúng ta cũng ham muốn được ca tụng, được giầu có, và thỏa mãn các thú vui. Ngay cả các vị Thánh tu hành trong sa mạc cũng bị cám dỗ, nhiều khi rất mạnh mẽ, cả trong tuổi già (như Thánh Antôn Viên Phú; Lễ kính ngày 17-1 hàng năm). Nhưng chúng ta có thể thắng cám dỗ, nếu có ơn Chúa giúp đỡ qua việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình, và xa tránh dịp tội.


Trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, khi chúng ta lên chịu xức tro, chúng ta đã nghe ca đoàn hát: "Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro..." (Bài "Hỡi Người Hãy Nhớ" của Kim Long) để nhắc nhở chúng ta đã được dựng nên do "bụi tro, và khi chết, thân xác chúng ta cũng sẽ trở về 'tro bụi'. Suy nghĩ như vậy không phải để chúng ta 'bi quan yếm thế'; nhưng chỉ để chúng ta nhớ đến cuộc đời của chúng ta trên trần thế này ngắn ngủi, mỗi ngày qua đi là một ngày chúng ta đi đến gần nấm mộ của chúng ta hơn, và sau khi chết thân xác chúng ta sẽ trở thành tro bụi. Tuy nhiên, chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh Chúa, có linh hồn bất tử. Chết chỉ là 'thể phách, hồn là tinh anh" và 'sống gửi thác về', 'sinh qúy tử quy'. Chúng ta sẽ được về với Chúa là Cha chúng ta trên nước Hằng Sống, miễn là chúng ta luôn biết cố gắng thắng cám dỗ để sống xứng đáng những con người đã "được dựng nên theo hình ảnh Chúa!' (Sáng thế 1, 26).


Mùa Chay chính là "thời gian thuận tiện" (2 Corintô 6,2) để chúng ta 'làm các việc lành phúc đức'. Mùa Chay chính là thời gian để chúng ta dùng nhiều thời giờ hơn để sống đức tin của chúng ta, thánh hóa bản thân và gia đình chúng ta. Có những việc Giáo hội nhắc nhở chúng ta phải làm nhiều hơn trong Múa Chay, đó là: Cầu nguyện, ăn năn sám hối lỗi lầm quá khứ qua việc xét mình xưng tội; làm việc đền tội qua những hy sinh hãm mình (ăn chay và kiêng thịt); làm việc từ thiện (thường gọi là 'làm phúc bố thí'), giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật, đau khổ trên thế giới. Những việc này chúng ta vẫn làm hàng ngày, và từng giây phút cuộc đời, nhưng vào Mùa Chay, chúng ta cố gắng nhiều hơn để giúp đổi mới con người chúng ta, gia đình chúng ta và chuẩn bị những ngày kỷ niệm việc Chúa đã chịu chết để chuộc tội chúng ta, nhưng Ngài đã Sống Lại và Lên Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho chúng ta.


Xin hiệp ý cầu nguyện chung, để mỗi người chúng ta sống tốt đẹp mùa Chay Thánh này, được dồi dào ơn thánh Chúa để canh tân con người chúng ta, gia đình chúng ta và chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn trong thế giới hôm nay.

LM Anphong Trần Đức Phương

HÀNH TRÌNH VỚI ĐỨC GIÊSU KITÔ
Mc 1, 12-15

Lại bắt đầu một mùa chay thánh, một cuộc hành trình đức tin với Đức Giêsu Kitô. Bởi vì, mùa chay mời gọi mọi Kitô hũu cải thiện đời sống, đổi mới để lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa. Mùa chay dẫn người tín hữu của Chúa đi vào mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Do đó, mùa chay là mùa Thiên Chúa ban hồng ân cách đặc biệt, nhưng đồng thời mùa chay cũng mời gọi chúng ta cải thiện đời sống, đổi mới cuộc đời, thay đổi lối sống tốt hơn, cởi bỏ con người cũ để mặc lấy Đức Kitô.

Khai mạc sứ vụ công khai rao giảng nước Thiên Chúa bằng phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ xung quanh Ngài, Chúa Giêsu đã hướng về Giêrusalem. Chúa Giêsu đã cho nhân loại thấy rõ ý định của Cha Ngài. Bởi vì Thiên Chúa Cha sai Ngài đến trần gian không phải để làm theo ý của mình mà là làm theo ý của Chúa Cha. Cả cuộc đời của Ngài là chuẩn bị cho sự chết để cứu độ nhân loại và phục sinh để làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Do đó, ngay từ khi còn ở trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria, Chúa Giêsu đã sẵn sàng cho cuộc hành trình của Ngài dẫn đến thánh giá, và khi đi vào cuộc đời rao giảng Chúa Giêsu đã chuẩn bị bằng cuộc ăn chay, hãm mình 40 đêm ngày trong hoang địa. Đây là cuộc chuẩn bị rất kỹ càng, Ngài đã kết hợp mật thiết với Chúa Cha để nghe Lời Chúa Cha và thực hiện ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho cuộc hành trình bằng cuộc hành trình vượt qua hay là mầu nhiệm vượt qua. Trong thánh lễ lúc tuyên xưng đức tin chúng ta đọc rõ ràng: " Con tuyên xưng Chúa đã chết đi, con tuyên xưng Ngài đã sống lại..." và " Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã chịu khổ hình thập giá và sống lại vinh quang để giải thoát muôn người, xin cứu độ chúng con ".


Giêsu đã nhận phép rửa của Gioan ở sông Giorđan. Đây là phép rửa sám hối, xin ơn tha tội. Chúa làm thế để nói cho nhân loại Ngài cảm thông với nỗi yếu hèn của con người.Và từ đó chúng ta qua bí tích rửa tội được chia sẻ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu.Thánh Phêrô trong thứ thứ nhất của Người nhấn mạnh:" Chúng ta được cứu rỗi, được tẩy sạch tội lỗi qua phép rửa tội như Thiên Chúa đã cứu ông Noe và gia đình ông khỏi nạn đại hồng thủy ". Phép rửa đem lại bình an và ơn tha thứ: " Bằng sự chết, Ngài đã phá hủy sự chết của chúng ta; bằng sự sống lại, Ngài phục hồi sự sống của chúng ta ". Con người thật yếu đuối,quyết tâm đó nhưng rồi lại luôn sa ngã, tuy nhiên Chúa luôn yêu thương và giải thoát chúng ta qua bí tích giải tội. Bí tích giao hòa đem chúng ta thiết lập lại giao ước tình yêu của chúng ta đối với Chúa khi chúng ta chịu phép rửa.

Mùa chay là thời gian quay trở về, là thời gian hồi tâm để nhìn vào Chúa hơn là nhìn vào mình. Nhìn vào Chúa để thấy mình con quá khiếm khuyết phải cố gắng vươn tiến.Mùa chay cũng là lúc dừng lại để nhận ra những cạm bẫy, những thử thách, những cám dỗ đang bủa vây xung quanh chúng ta. Tỉnh thức để dễ dàng tránh những cạm bẫy. Cầu nguyện để không sa bẫy của ma quỷ. Chính Chúa Giêsu cũng luôn phải cảnh tỉnh: " Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ " ( Mc 1, 13 ). Chính vì thế, chúng ta phải biết cậy dựa vào Chúa.

Đời là một cuộc chiến đấu liên lỉ, có Chúa chúng ta sẽ luôn đứng vững.Chúa kêu gọi: " Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng ". Chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin vao ơn cứu rỗi, tin vào sự sống Chúa mang đến, do đó, chúng ta sẵn sàng sám hối.


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chiến thắng ma quỷ, chiến thắng những cơn cám dỗ của Satan, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn tin vào Chúa nhờ đó, chúng con luôn thắng vượt những cơn cám dỗ ở trần gian này. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT (Nguồn vietcatholic.org)

2091    23-02-2012 07:40:52