Sidebar

Chúa Nhật

13.10.2024

Chúa Nhật II MC A_2

Thiên Chúa Vẫn Còn Hiển Dung
Mt.17,1-9   

Nếu bạn là một người từ hành tinh khác vừa mới đáp xuống địa cầu lần đầu tiên, ắt bạn sẽ thấy trái đất nầy quá đỗi nhiệm mầu: ngay cả mỗi chiếc lá, mỗi chiếc vỏ sò, mỗi cánh bướm, mỗi bông hoa... đều có một sắc thái riêng, một vẻ đẹp riêng thật quyến rủ, thật nhiệm mầu và bạn cảm thấy tâm hồn ngây ngất vì vẻ đẹp lạ lùng của chúng.            

Thế nhưng trong thực tế, không mấy ai có thể cảm nhận được vẻ đẹp nhiệm mầu của những tạo vật như thế. Tại sao?            

Vì mỗi lần nhìn vào những sự vật chung quanh, chúng ta không nhìn chúng bằng cặp mắt đầy ngạc nhiên của trẻ thơ, bằng ánh mắt của người mới thấy sự vật lần đầu; chúng ta không nhìn chúng y như chúng là, nhưng chúng ta để cho những hình ảnh ta có về chúng (vốn có sẵn trong tâm trí ta) phóng hiện ra bên ngoài và bao phủ lên những vật đó.            

Thế là vạn vật chung quanh ta trở thành cũ rích và nhàm chán, vẻ đẹp tinh khôi nhiệm mầu của chúng đã bị hình ảnh ta có về chúng phóng rọi ra che phủ nên không còn hiển dung ra được nữa. Một trong những nổ lực của thiền nhân là thanh tẩy cái nhìn mang tính chủ quan của mình về ngoại giới để có thể cảm nhận được vạn vật đúng với bản chất của nó. Lúc đó, sự kỳ diệu của thế giới sẽ hiện nguyên hình.

Trong cuốn sách The Golden String, văn sĩ người Anh Bede Griffiths mô tả lại một khám phá diệu kỳ của ông khi còn là một cậu học sinh.         

Một buổi chiều hè, Bede Griffiths ung dung thư thái dạo chơi ở bìa rừng. Trong lúc thơ thẩn một mình bỗng dưng cậu nhận ra tiếng hót líu lo của đàn chim trên tàng cây mới tuyệt vời làm sao! Cậu rất ngạc nhiên vì từ hồi nào đến giờ chưa bao giờ được nghe chúng hót hay đến thế.

Đang lúc tiếp tục bước tới, cậu gặp thấy những đoá hoa của những bụi táo gai như đang mỉm cười niềm nở chào đón cậu trông dễ thương lạ lùng và đang toả hương trong gió. Bede cũng rất ngạc nhiên vì từ trước tới nay cậu đã từng thấy những bông hoa như thế nở rộ cả trăm lần mà không hề nhận ra vẻ đẹp tinh khôi và hương thơm dịu dàng của chúng.            

Sau cùng cậu tìm đến một nơi yên tĩnh, đứng tựa vào thân cây, lặng ngắm vầng kim ô đang dần dần chìm xuống sau rặng núi lam cuối chân trời. Bỗng chốc cậu cảm thấy trời đất vô cùng huyền diệu và bất giác cậu nghiêng mình quì gối xuống biểu lộ một niềm cảm xúc rất thánh thiêng: cậu vừa trải nghiệm được sự hiện diện rất nhiệm mầu của Thiên Chúa trong tạo vật của Ngài.   

Theo Tin Mừng Matthêu được trích đọc hôm nay, chiều hôm ấy trên núi cao, ba môn đệ Phê-rô, Gioan và Giacôbê cũng có những trải nghiệm tuyệt vời về Chúa Giê-su. Cũng vẫn là Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt mà các ông vẫn thường gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, nhưng lần nầy, các ông lại nhìn thấy Ngài dưới một dung mạo mới: thật sáng ngời, thật hấp dẫn và đầy uy nghi, lại có cả Môi-sê và tiên tri Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài.         

Lòng đầy hoan lạc, các ông không muốn cho giây phút mầu nhiệm đó trôi đi. Các ông muốn níu kéo khoảnh khắc thần tiên ấy lại nên Phê-rô thay mặt anh em thưa với Chúa Giê-su: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."  

Hôm nay, Thiên Chúa vẫn hiển dung dưới thiên hình vạn trạng nhưng vì đôi mắt chúng ta bị che phủ nên không nhận ra Ngài.  

* Vinh quang của Thiên Chúa vẫn được hiển dung (được tỏ bày) trong các tạo vật của Ngài, qua bầu trời lung linh ánh sao đêm hay những áng mây rực rỡ ban ngày, qua những cánh đồng, những khe suối và rừng cây, qua tiếng chim ca, qua bông hoa đang nở, qua mọi tạo vật chung quanh...  

Vua Đavít cảm nhận được vinh quang ấy rạng ngời lên trong vũ trụ nên đã thốt lên:          

"Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa.      
Không trung loan báo việc tay Người làm" (Tv 19, 2)          

* Tình yêu của Thiên Chúa được hiển dung (được tỏ bày) rõ nét nơi tình thương chan chứa của người cha ngày đêm lao nhọc vì con, qua sự hi sinh miệt mài của người mẹ, vắt kiệt sức mình để chăm lo cho đàn con khôn lớn...      

* Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa cũng được hiển dung nơi các gia đình đấm ấm thuận hoà, chan chứa yêu thương hiệp nhất.       

* Và đặc biệt, Thiên Chúa vẫn hiển dung rạng ngời nơi những anh chị em cùng sống với ta, nhưng tiếc thay, chúng ta không cảm nhận được, nên bỏ lơ, nên thờ ơ và không còn muốn dựng lều chung sống với những hiện thân của Chúa chung quanh chúng ta.

Thông thường, chúng ta nhìn đời, nhìn người qua cặp kính màu đen nên chúng ta chỉ thấy được khía cạnh u tối của người đời. Xin Chúa thanh tẩy nhãn quan chúng ta để có thể nhận ra mọi người là hiện thân của Thiên Chúa, là chi thể của Chúa Giê-su.  

Ba môn đệ nhận ra Thiên Chúa hiển dung nơi thân phận người phàm của Đức Giê-su thì chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta được nhận ra Chúa hiển dung nơi những anh chị em đang sống chung quanh, nhờ đó, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc chan hoà vì được sống cùng, sống bên nhau và có thể nói như thánh Phê-rô xưa: chúng con được ở chung với nhau nơi đây thì thật là hạnh phúc. (Mt 17,4)

LM Inhaxiô Trần Ngà

Nội Tâm
Mt.17,1-9

Việc các tông đồ được nhìn thị kiến trên núi thánh không phải do công sức, tài lực của cá nhân mà chính là ơn Chúa ban.    

ĐẶC ÂN       

Kinh Thánh ghi rõ Chúa đặc biệt đưa các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo người tới một ngọn núi cao. Chúa chọn các ông lên núi thánh. Đây là một đặc ân Chúa ban không phải do tài sức riêng.

Như thế chúng ta cần nhận biết không phải những gì đang có, những gì đang sở hữu là do tài năng, trí thông minh, sức riêng ta đạt được mà chính là đặc ân Chúa trao cho ta coi sóc. Nói cách khác chúng ta không phải làm chủ những gì chúng ta có, tiền tài, vật chất, trí khôn, sự thông minh, sáng suốt, sắc đẹp, sự sống, thành công, thất bại trên đời và ngay cả con cái, hay người phối ngẫu. Tất cả đều là đặc ân Chúa kí thác, trao ban cho ta quản lí, coi sóc.

Vì là quản lí các ân huệ Chúa ban nên chúng ta cần sống khiêm nhường, mang tâm tình tạ ơn và có trách nhiệm chia sẻ những đặc ân đó với các người kém may mắn hơn và dùng chúng chung dựng xây một thế giới tốt đẹp hơn.  

Hiểu như thế chúng ta luôn sống trong tâm tình tạ ơn, những đặc ân Chúa tin tưởng trao vào tay ta coi sóc, bảo vệ và làm cho chúng sinh sôi nảy nở thêm nhiều.          

QUẢN LÍ      

Người quản lí khôn ngoan luôn nhớ vai trò mình là người quản lí, không phải chủ nhân. Hiểu biết điều này sẽ tránh được rất nhiều đau khổ, âu sầu không cần thiết. Khi Chúa quyết định trao món quà đang có trong tay mình cho người khác coi sóc không nên than trách hoặc phê phán. Kitô hữu luôn nhớ và xác định đúng đắn vai trò quản lí của mình.  

Tình cảm tự nhiên con người mất những gì đang có thì đau buồn, nhớ thương. Điều này rất tốt vì tình cảm đó diễn tả tâm tình nối kết, gắn bó, nhớ thương. Không thổ lộ được những tình cảm đó chính là bạc tình, bạc nghĩa, thờ ơ, lãnh đạm. Tuy nhiên cũng không thể mượn cớ buồn sầu, đau khổ để kết án, phê phán vì hành động đó không thuộc phạm vi của người quản lí. Của Chúa, Chúa muốn cho ai tùy í, sao lại ghen tị. Chính Đức Kitô nói điều này trong dụ ngôn thuê làm vườn nho (Mt 20,16).          

TẠ ƠN           

Tâm tình tạ ơn chân thành đúng đắn phải là Chúa trao ban món quà con mong ước, mơ thích, con xin tạ ơn và hết lòng giữ gìn, bảo vệ. Chúa lấy đi món quà con hết lòng quí mến con xin dâng hiến trong tâm tình tạ ơn vì đã hoàn tất trách nhiệm Chúa trao. Chúa trao ban món quà con không xin, không thích, con cũng xin vâng đón nhận, dù đón nhận trong run sợ, lo âu, ngại ngùng cũng xin nhận với tâm tình phó thác để suy gẫm, tìm học cho biết ý Chúa qua biến cố trong cuộc sống.        

Mọi kèn cựa, chèn ép hay tìm cách lung lạc tìm cách chiếm đoạt, hay chối bỏ món quà Chúa trao, dù là điạ vị, danh vọng hay của cải vật chất đều sai. Làm như thế chính là đem đời vào đạo, không phải đem đạo vào đời.   

Quà tặng không phản ảnh tình cảm trong tim. Quà tặng là cách diễn tả tình cảm một cách cụ thể con người dành cho nhau. Dùng giá trị quà tặng để đo lòng người dẫn đến sai lầm vì vật biếu tặng không dò được lòng người. Cách cho quan trọng hơn quà tặng và cho vì bác ái, yêu thương quan trọng hơn cách cho.

PHÓ THÁC   

Người quản lí khôn ngoan là người luôn sống trong tinh thần phó thác, xác tín, tin tưởng mọi sự đều do Chúa ban nên vui lòng nhận, dù là điều ta ưa thích hay điều ta lo sợ tất cả đều là những món quà Chúa trao cho coi sóc. Có thể giúp ta tốt hơn, có thể Chúa dùng món quà để thánh hoá ta cũng có thể để ta làm vinh danh Chúa. Không nên chê bất cứ món quà nào Chúa trao, dù lớn dù nhỏ bởi vì người trung tín trong việc nhỏ sẽ được trao công việc quan trọng hơn. Việc quan trọng hơn, trách nhiệm nhiều hơn và đau khổ cũng lớn hơn. Xem dụ ngôn nén bạc (Mt 25).           

ĐAU KHỔ    

Tâm được vui thì lòng được sáng. Tâm vui vì được trong sạch hoá, được thanh tẩy khỏi bụi trần. Nhờ thanh tẩy nên lòng được sáng. Thanh tẩy gắn liền với khổ đau. Không phải đau khổ nào cũng xấu, có những đau khổ tốt lành, cần thiết trong cuộc sống. Đau khổ cần thiết này giúp thanh tẩy tâm hồn, làm cho con người trong sáng hơn, dịu hiền hơn, dễ mến và thương người nhiều hơn. Trên đường xuống núi Đức Kitô dặn các tông đồ hãy giữ im lặng 'đừng nói cho ai hay thị kiến cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy'. Còn gì đau khổ hơn khi trong lòng rộn rã niềm vui, tràn đầy hoan lạc mà không được chia sẻ, nói ra. Từ bỏ ý riêng để ý Chúa được thực hiện là đau khổ tốt. Từ bỏ những thói quen thực hành từ nhỏ, chấp nhận thay đổi theo đường lối Chúa là đau khổ tốt. Từ bỏ con người cũ sống tinh thần Phúc Âm là đau khổ tốt.     

HẠNH PHÚC THẬT            

Thông thường người ta thích nhận những món quà ưa thích. Món quà không ưa nếu được trao, coi đó là hình phạt, là sự dữ. Chúa gởi sự khó đến cho thì tôi nhăn nhó trong khi tôi gởi sự khó tới cho anh em tôi lại vui cười. Chúa để sự khó xảy đến cho bạn thì tôi khuyên anh Chúa thử thách anh. Chúa để sự khó xảy đến cho người tôi không ưa tôi nói Chúa phạt nó.

Hạnh phúc triền miên, bình an thực sự với lòng mong ước xảy đến sau khi đã trải qua đau khổ. Theo tinh thần bài Phúc âm hôm nay thì niềm hoan lạc thực sự đến 'cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại'.

Lm Vũ Đình Tường

Các Con Hãy Nghe Lời Người       
Mt.17,1-9

Chúa Nhật II Mùa Chay, Tin Mừng Mathêu cho chúng ta nghe trình thuật về cuộc Biến Hình của Chúa Giêsu. biến hình là thay đổi hình dạng, diện mạo, có một dáng vẻ khác với dáng vẻ bình thường. Cũng tương tự như Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra cùng hai môn đệ làng Emmau dưới hình dạng khác, hình dạng một người đi đường. Sự biến hình của Chúa Giêsu là hòan tất điều mà các niềm tin hy vọng Khải Huyền Do Thái mong đợi, ở thời cuối cùng, diện mạo người công chính sẽ được biến đổi, và họ sẽ trở nên sáng láng và rực rỡ như diện mạo các Thiên Sứ đầy vinh quang.

Dựa vào một sự kiện trong qúa khứ vinh quang rạng ngời mà Mosê được hưởng khi còn ở trần gian (x.Xh.24,39), sự chờ đợi cánh chung đã mô tả vinh quang tương lai những kẻ được chọn. Trình thuật về Đức Giêsu biến hình đổi dạng tiếp nối việc việc Phêrô tuyên tín và trao sứ mạng trở nên Đá Tảng, trên đó Đức Giêsu xây Hội Thánh của Người. Đức Giêsu vạch ra cho Phêrô và các bạn thấy những điều bi đát đang chờ đợi Người tại Giêrusalem, và những điều kiện làm môn đệ Chúa Giêsu, tòan là những nghịch lý đau thương, một viễn tượng hết sức mù mịt. Nhưng Ngài đòi các ông phải chấp nhận cái thông điệp khó chấp nhận : Đức Giêsu là Đức Kitô phải chịu khổ nạn rối mới Phục Sinh, những ai theo Chúa Giêsu cũng phải chịu gian nan rồi mới được vinh quang. Phêrô đã không thể chấp nhận nổi nên mới can dán Chúa Giêsu, Ngài khẳng định dứy khóat : ai không nhận Đức Kitô chịu khổ nạn rồi mới Phục Sinh thì kẻ ấy là satan. Tuy nhiên Đức Giêsu thấy cần phải cho môn đệ niềm hy vọng được thấy "Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Chúa Cha, cùng với các Thiên Thần của mình" (Mt.16,27) để các ông có thể chấp nhận được điều Chúa Giêsu mới nói.

Trong biến cố biến hình, Đức Giêsu đã chọn ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan tháp tùng mình. Đó là ba người đã chứng kiến việc Chúa Giêsu làm cho con gái Giairô sống lại, và sẽ chứng kiến cảnh hấp hối của Đức Giêsu tại vườn dầu (x.Mc.5,37-42; Mt.26,37-46). Trọng tâm của biến cố biến hình là tiếng từ đám mây : "Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng trìu mến, các ngươi hãy vâng nghe lời Người"(c.5). Tiếng xác chuẩn lời tuyên tín của Phêrô rằng : Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống (x.Mt.16,16) thì giờ đây tiếng đó lại vang lên tóm tắt mọi điều dân mới của Thiên Chúa phải thực hiện trong Giao Ước mới là " Hãy vâng nghe lời Người". Vâng nghe thông điệp mà Chúa Giêsu mới dậy : Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới Phục Sinh và họ cũng phải bị như thế. Chính vì muốn các ông chấp nhận điều khó hiểu và nghịch lý này nên mới có tiếng nói từ đám mây.

Điều mà Phêrô cũng như các bạn không chịu chấp nhận thì tiếng từ đám mây muốn giúp các ông nhận ra khi nói Đức Giêsu là Con Chí Ái của Thiên Chúa nên hãy nghe lời Người dạy. Sau này trong bài diễn từ của Phêrô ở Giêrusalem đã chỉ ra rằng : Khi Phục Sinh Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha đã bầy tỏ nơi Ngài là Moisen mới, một Tiên Tri mà người ta đợi trông cho thời cuối cùng (Cv.7,37). Sự bảo chứng ấy, Thiên Chúa đã ban cho ngay trong cuộc biến hình, bằng cách cho ba môn đệ biết rằng hôm nay Ngài là vị tiên tri, phải nghe lời Ngài, nếu không thì sẽ bị khai trừ khỏi dân của Ngài(Cv.3,23), ơn cứu độ tùy thuộc nơi Ngài. Đó là cuộc sống vĩnh cửu mà Ngài hứa ban cho bất cứ ai vác thánh giá đi theo Ngài.

Sứ điệp Tin Mừng :Con đường mà Thiên Chúa chọn cho người tôi tớ của Giavê, không phải là con đường quyền lực trần thế, mà là con đường khổ nhục của Thập Gía. Nếu biết theo con đường đó, Hội Thánh sẽ vào ánh quang vinh của Thiên Chúa.Sự biến hình của chúng ta bao gồm trong việc trở nên đồng hình đồng dâng với Đức Kitô, bằng việc hòan thiện không ngừng về đường thiêng liêng (IICor.3,18), và sau khi vượt qua cõi chết cùng với Đức Kitô, hồn xác ta sẽ được nên sáng láng

.Phải biết gặp gỡ Đức Kitô trong cái tầm thường của cuộc sống, chúng ta đang nhìn ngắm Đức Kitô trong vinh quang Thiên Quốc của Ngài, chúng ta sẽ gặp lại Ngài trong vinh quang ấy và ta sẽ được ở mãi mãi với Ngài. Trong khi chờ đợi hãy sống trong đức tin và trong sự vâng phục Ngài.Bạn nghĩ gì về sự hy sinh mà Chúa Giêsu dành cho bạn ? Điều đó gần gũi hay xa lạ đối với bạn ? Thông điệp mà Đức Giêsu muốn trao gửi cho bạn có khó hiểu và khó tiếp nhận không ? Tại sao ?

Lạy Chúa, việc biến hình của Chúa Kitô như bản nhạc giáo đầu của hạnh phúc bất diệt. Xin Chúa thương nâng đỡ đức tin, củng cố đức cậy và tăng triển đức mến để khi chúng con nhận ra rằng : muốn được vinh quang với Chúa phải qua đau khổ mới tới vinh quang, thì chúng con cũng sẵn sàng chấp nhận mọi đau thương thử thách và kiên tâm làm chứng tình yêu cho tòan thế giới.

Sr. Mai an Linh, OP

Theo Chúa Lên Núi Tâm Linh Để Được Biến Hình
Mt 17:1-9       

Đứng trước viễn tượng của cuộc khổ hình thập giá, Chúa Giêsu đem ba tông đồ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi để biểu lổ cho các ông thấy cảnh vinh quang của nước Chúa. Mặc dầu đã theo Chúa ba năm, nghe lời Chúa giảng dạy, chứng kiến phép lạ Chúa làm, các tông đồ vẫn còn mang quan niệm sai lầm về Đấng Cứu thế và sứ mạng của Người. Các ông vẫn nuôi hi vọng Đấng Cứu thế sẽ thiết lập một vương quốc trần gian, giàu có và hùng mạnh, khả dĩ có thể đánh đuổi quân ngoại bang là người La mã đang cai trị họ thời bấy giờ. Ba vị tông đồ được đưa lên núi biểu lộ những lợi điểm đặc sắc về việc làm môn đệ. Phêrô, mặc dầu nóng tính, lại ăn nói bộp chộp, nhưng với khả năng lãnh đạo có thể qui tụ các bạn đồng chí hướng. Giacôbê có lòng tin quả quyết. Còn Gioan biểu lộ lòng yêu mến nhiệt thành. Tuy nhiên ba vị tông đồ trên đây cũng sẽ chứng kiến cảnh khổ nạn của Thầy mình trong vườn cây dầu Ghếtsêmani. Sợ rằng cảnh khổ nạn và thập giá sẻ để lại một kinh nghiệm đau thương cho các tông đồ, Chúa đem ba ông lên núi biến hình, cho dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng như ánh sáng (Mt 17:2). Việc Chúa biến hình có mục đích là giúp củng cố đức tin và đức cậy của các tông đồ trước viễn tượng của ngày Thứ sáu Chịu nạn.         

Phản ứng của các tông đồ về việc Chúa biến hình đáng cho ta lưu ý đặc biệt. Thoạt tiên, các ông tỏ ra say mê và chìm đắm trong cảnh vinh quang của nước Chúa, muốn kéo dài thị kiến cảnh biến hình, nên mới thỉnh nguyện: Thưa Thày, chúng con mà được ở đây thì tuyệt vời (Mt 17:4). Các ông cũng thấy sự hiện diện của Môsê và Êlia trong cảnh biến hình. Rồi các ông nghe tiếng phán từ đám mây: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người (Mt 17:5). Trong Cựu ước, đám mây thường là biểu hiệu của việc Chúa hiện ra. Điều nên lưu ý ở đây là tiếng phán từ đám mây khi Chúa biến hình cũng chính là tiếng phán từ trời khi Người chịu Phép rửa (Mt 3:17). Như vậy tiếng phán từ đám mây chỉ cho bộ ba tông đồ thấy rằng Thầy mình chính là người Con làm đẹp lòng Thiên Chúa trong việc thi hành thánh ý Chúa Cha. Vậy còn sự hiện diện của Môsê và Êlia trong cảnh biến hình thì sao? Theo truyền thống Do thái, Môsê được coi là tác giả qui tụ của bộ Ngũ Thư và Êlia, vị ngôn sứ vĩ đại của Cựu ước. Do đó sự có mặt của hai vị nhằm giúp các tông đồ nhận thức rằng đạo Kitô giáo mà Thày mình sẽ thiết lập không tách rời khỏi những gì đã được mạc khải trong Thánh kinh Cựu ước.      

Vậy ba thực tại của cảnh biến hình: dung mạo vinh quang của Đức Kitô, sự hiện diện của Môsê và Êlia và tiếng phán từ đám mây có ngụ ý giúp các tông đồ nhận ra cuộc khổ hình và thập giá của Thày mình sau này, không phải chỉ là một thất bại, nhưng là một biến đổi, và như thế sẽ giúp các ông giữ vững đức tin theo Thày. Có một lần ông Phêrô đã tỏ ra hèn nhát, khước từ mọi liên hệ với Thầy mình. Ông vừa tuốt gươm chém đứt tai tên đày tớ của thày cả thượng phẩm hầu bảo vệ Thầy mình. Thế mà trong sân và cổng dinh thượng tế, ông sợ hãi chối Thày mình ba lần. Khi vừa nghe tiếng gà gáy, sực nhớ lại lời Chúa tiên báo, ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Mt 26:75). Những giọt nước mắt của ông tuôn trào dường như ông đang tự trách mình: Lạy Thày, sao con có thể phản phúc Thày như vậy khi chính con là người đã xin làm ba lều ở lại trên núi để chiêm ngưỡng cảnh vinh quang của nước Thày? Phúc thay cho ông Phêrô! Dòng nước mắt thống hối của ông đã được Chúa đoái thương tha thứ.     

Người tín hữu đang bước vào tuần lễ thứ hai mùa chay. Mùa chay là thời giờ cho người tín hữu luyện linh chưởng để đi theo Chúa lên núi tâm linh hầu được Chúa cho biến hình trong phạm vi nhỏ bé nào đó. Để có thể đứng vững khi gặp gian nan thử thách, người tín hữu cần có được những cảm nghiệm về những giờ phút giao cảm giữa Thiên Chúa và tâm hồn. Các tông đồ cảm thấy say mê và chìm đắm trong cảnh vinh quang của nước Chúa, thì ít ra, người tín hữu cần xin Chúa cho đánh động tâm hồn, hay xin được điều mà sách tu đức thần bí gọi là hiện tượng xuất thần hay bay bổng. Dự một buổi tĩnh tâm sốt sắng; chứng kiến những gương nhân đức thánh thiện; nghe đọc những tư tưởng cao đẹp, khiến ta nhiệt tâm trước tiếng gọi nên thánh. Sau khi nghe một bài giảng hùng hồn sốt sắng, khiến lòng rạo rực, lửa yêu mến Chúa bừng cháy trong tâm hồn, thôi thúc loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn để làm lại cuộc đời. Những khi cảm thấy tâm hồn an vui thanh thoát sau khi đã làm những việc thiện hảo, ta muốn hiến thân phụng sự và phục vụ. Trước những gương hi sinh, bác ái, ta ao ước muốn dấn thân theo Thầy chí thánh để làm việc tông đồ, giúp đỡ người nghèo đói, tàn tật và đau khổ. Khi gặp sóng to bão lớn ngoài biển cả, nguy hiểm đến tính mạng, không còn gì để bám víu, ta kêu cầu đến Chúa: Nếu Chúa để con sống, cập bờ ghé bến, con sẽ trung thành phụng sự Chúa suốt đời con.   

Thật là một điều ủi an, khi ta mang trong thân xác những yếu hèn, bệnh tật và bản tính chết được, lại có ngày được chung hưởng vinh quang nước trời. Thánh Phêrô trong lúc xuất thần đã xin Chúa ở lại trên núi, để chiêm ngưỡng cảnh vinh quang của nước Chúa. Nhưng Chúa bảo ông còn phải xuống núi đã để làm chứng cho đức tin vào Chúa, để chịu bách hại, xỉ nhục và khổ hình vì danh Chúa trước khi được hưởng vinh quang. Đó là đường lối Chúa đã đi: qua đau khổ thánh giá mới tới vinh quang phục sinh. Là môn đệ Chúa, sao ta có thể đi theo con đường khác ngoài đường Chúa đã đi.

Lm Trần Bình Trọng

Biến Hình Là Hiến Mình     
Mt 17, 1-9      

Sáu ngày sau khi Phêrô tuyên tín Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống và cũng sau khi ông bị khiển trách là Xatan vì khuyên can Thầy đừng đi vào con đường khổ nạn như Người đã tiên báo (x. 16, 13-23), Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi, cho các ông diện kiến vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa đúng như Phêrô đã tuyên xưng trước đó. Với biến cố này, Chúa Giêsu muốn cho Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng như cho mỗi người tín hữu chiêm ngưỡng trước vinh quang mà Người sẽ lãnh nhận cách hoàn hảo sau cuộc Thương Khó.

Đem ba môn đệ đi theo mình, Chúa Giêsu không chỉ muốn các ông chứng kiến, chạm đến con người Thiên tính của Người; không chỉ muốn các ông nghe trực tiếp lời minh chứng của Chúa Cha về Người mà còn để củng cố niềm tin cho các ông nữa. Ba môn đệ là những người đầu tiên bước theo Chúa. Các ông là những cột trụ của Giáo hội sau này. Chính vì thế, biến cố hôm nay là một biến cố rất quan trọng cho đức tin của các ông mà Chúa Giêsu cách nào đó muốn tỏ hiện để củng cố niềm tin vốn còn yếu nơi con người các ông.

Ba môn đệ đã thấy gì? Tin mừng cho chúng ta biết các ông đã thấy dung nhan của Thầy mình "chói lọi như mặt trời" và y phục của Thầy thì "trắng tinh như ánh sáng". Các tác giả thể văn khải huyền thường miêu tả sự sáng ngời của những người lành thánh bằng hình ảnh sáng chói như mặt trời. Cũng vậy, thánh sử Mátthêu đã diễn tả dung nhan và y phục rạng ngời của Chúa Giêsu tựa như ánh sáng mặt trời - một sự chói lọi vinh quang Thiên tính không thể diễn tả, nhằm giúp cho các môn đệ chiêm ngưỡng vẻ đẹp vinh quang rạng ngời của Chúa Giêsu.

Bên cạnh đó, cả ba môn đệ đều chứng kiến sự hiện diện của hai nhân vật vĩ đại trong Cựu ước là Môsê và Êlia đàm đạo với Chúa Giêsu. Chiêm ngưỡng cảnh huy hoàng này khiến thánh phêrô phải thốt lên : "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay" và xin được dựng lều ngay lập tức để giữ mãi giây phút thiên đàng ấy. Không phải ngẫu nhiên mà Tin mừng Nhất lãm đều nói đến sự hiện diện của hai nhân vật trong Cựu ước là Môsê và Êlia.

Chúng ta biết, Môsê và Êlia là hai nhân vật quan trọng của Cựu ước cũng như trong lịch sử dân Dothái. Môsê đại diện cho Lề luật dân Dothái. Thông qua ông, Giavê Thiên Chúa đã ban xuống cho dân Người những giới luật làm kim chỉ nam, hướng dẫn tinh thần cho dân tộc Dothái. Môsê chính là con người của Biển Đỏ, con người của núi Xinai và là con người của cuộc Xuất hành. Còn Êlia là một Ngôn sứ vĩ đại, ông đại diện các Ngôn sứ. Chính ông là người chịu nhiều đau khổ vì Giavê Thiên Chúa, vì dân tộc Israel để rồi sau đó được cất lên trong vinh quang.

Cả hai ông đều có kinh nghiệm tiếp xúc với Giavê Thiên Chúa và được chiêm ngưỡng vinh quang của Người trên núi Sinai và Khôrếp. Đặc biệt hơn, khi nhắc đến tên hai ông, Tin mừng Nhất lãm không chỉ chỉ nhắc đến những công trạng của các ông mà còn nhắc đến toàn bộ Kinh thánh Cựu ước mà hai ông đại diện. Mà Kinh thánh Cựu ước là gì nếu không phải là lời loan báo về một Đấng Mêsia chịu nhiều đau khổ để đạt đến vinh quang?

Các môn đệ còn được nghe tiếng nói phát xuất từ Chúa Cha xác nhận nhân thân của Thầy: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người". Chúng ta nghe rất quen câu nói này, bởi đã một lần được nhắc đến trên dòng sông Giođan khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đồng thời chúng ta cũng thấy lạ, bởi hôm nay Chúa Cha không chỉ tái khẳng định lời Người đã nói mà còn kéo thêm một lệnh truyền: hãy vâng nghe lời Người. Ngày xưa, dân Dothái được khuyên nhủ hãy vâng nghe lời Môsê và các ngôn sứ là những người thay mặt Giavê Thiên Chúa đến lãnh đạo họ. Ngày nay, Chúa Giêsu chính là Môsê mới và chính Chúa Cha nhắc nhớ các môn đệ cũng như cho tất cả chúng ta hãy vâng nghe lời Người, mời gọi các ông biết đón nhận những biến cố trong cuộc Khổ nạn - Phục sinh của Thầy để có thể trở nên những chứng nhân đích thực.

Mùa Chay chỉ thực sự có ý nghĩa khi mỗi người chúng ta để cho Chúa biến đổi đời sống mình. Biến hình là hiến mình. Chúa biến hình nhằm giúp chúng ta ý thức rằng vinh quang mà Chúa tỏ hiện hôm nay sẽ trở nên trọn vẹn khi Người chấp nhận cuộc Khổ nạn, chấp nhận thập giá để cứu rỗi nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi biến đổi khi biết chấp nhận một cuộc thanh tẩy tâm hồn, tránh xa những cạm bẫy tội lỗi, những tư lợi nhỏ nhen ích kỷ hầu có thể đón nhận ơn thánh Chúa.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

1316    17-03-2011 08:03:16