Hàng năm chính phủ địa phương thông báo dọn đường một vài lần. Gọi là dọn đường vì trước đó mấy tuần có thông báo gia đình nào muốn bỏ đồ phế thải cần mang ra bờ đường và sẽ có xe dọn đồ phế thải. Dọc hai bên đường có đủ vật dụng từ trong nhà ra đến ngõ. Thứ nào cho là vô dụng được khuân ra đường chờ xe đến lấy.
Gọi là dọn đường mà thực sự không phải là dọn đường; đúng ra là dọn rác ngoài đường. Có những đồ vật người này cho là rác, đồ phế thải, vô dụng; người khác lại cho là hữu dụng, còn tốt, nhặt lấy mang về nhà dùng. Phế thải hay hữu dụng do hoàn cảnh người xử dụng nó. Người biết dùng, cần dùng cho là tốt, cần giữ lại; người không biết dùng, cho là vô dụng, để chật chỗ, quẳng ra đường cho người nhặt rác dùm. Kẻ quăng ra, người nhặt vào. Rác rưởi đồ dùng trong nhà là thế. Xã hội nào cũng có rác. Người ta gọi rác xã hội là tệ đoan xã hội. Tương tự như rác ngoài đường. Có những tệ đoan xã hội người này cố gắng vứt bỏ, quyết tâm chừa, đến trung tâm cai nghiện nhờ giúp; kẻ khác lại tìm tòi, kiếm cho được những tệ đoan đó.
Tội lỗi làm cho con người ra xấu xa, gây đau khổ tang thương cho người khác được gọi là rác tâm linh. Tương tự như đồ dùng phế thải ngoài xã hội. Có những tội người lành thánh cố tránh, chiến đấu sinh tử để khỏi làm nô lệ chúng; lại có những Kitô hữu buông thả, chiều theo chúng, đi tìm tòi, tìm được dâng mình làm nô lệ cho tội. Tiên Tri Isaiah có thời cất tiếng vừa cảnh báo, vừa kêu gọi, đồng thời loan báo thời kì nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi được ân xá. Đừng phạm tội nữa hãy mau chạy đến cùng Thiên Chúa toàn năng xin xá tội để hưởng ân xá. Thời đó có nhiều người thống hối ăn năn. Tiếng kêu của tiên tri ngàn năm trước đây, hiện tại vẫn vang vọng và vẫn có người từ chối lắng nghe. Thời nô lệ đã qua tại sao vẫn còn có người cố bám víu, níu kéo cuộc sống nô lệ. Họ không muốn được tự do sao. Họ không muốn được ân xá sao.
Các bài đọc hôm nay đều dùng hình ảnh dọn đường để được ân xá, đón mừng Chúa Cứu Thế. Dọn con đường tâm linh cho ngay thẳng để thoát cảnh nô lệ tội lỗi, thói hư tật xấu, tính tình man dại, ham đam mê phù phiếm biến con người thành nô lệ cho chính mình và xã hội mình đang sống.
Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng Is 40, 3-4
Thư thứ hai của thánh Phêrô tông đồ dậy cách thức thoát mình khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi. Tự mình không thể vùng vẫy thoát khỏi vòng cương toả, ràng buộc của tội và mọi thứ đam mê. Muốn thoát ra được cần trông cậy vào ơn Chúa. Thánh nhân dùng hình ảnh dọn đường đón Chúa bằng đời sống thánh thiện. Muốn người đổ rác dùm cần phải chọn lựa vất nó ra đường. Muốn dọn đường tâm linh cũng cần xin ơn Chúa soi sáng để biết loại tật xấu, liệt kê lỗi hư. Cần sống thánh thiện mới có thể và xứng đáng đón trời mới, đất mới khi Chúa xuất hiện. Để sống trong trời mới, đất mới, con người cũ không thích hợp, cần con người mới. Để trở thành con người mới cần phải lối sống mới bắt đầu từ tâm linh. Thay vì chạy theo ý riêng; thay vì làm nô lệ cho tội lỗi, thay vì làm nô lệ cho của cải, vật chất. Hãy thay đổi, chọn sống theo ánh sáng chân lí của Chúa, công lí và thánh thiện. Thánh Gioan không nói rõ bằng lời nhưng bằng hành động của ông.
Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần Mc1,7
Thánh nhân kêu gọi sống khiêm nhường. Không phải khiêm nhường bằng lời nói nhưng bằng hành động. Hành động khiêm nhường Gioan tự nhận là ông không xứng đáng cởi dây giầy cho Người đến sau ông. Đấng đó thì lớn lên, còn ông thì nhỏ đi, biến ra sau hậu trường cho Đấng đó lớn lên. Cởi dây giầy cho ai đó hẳn phải là hành động khiêm hạ tột bực. Gioan không ngại tuyên bố điều đó, rõ ràng, mạch lạc, vang dội nơi công cộng, giữa chốn đông người. Hành động khiêm nhường đó Gioan kêu gọi Kitô hữu học đòi, bắt chước. Chỉ những tâm hồn khiêm hạ như thế mới có thể thay đổi trở thành con người mới. Chỉ có con đường thống hối nhận ơn tha tội mới thay đổi biến ta thành con người mới, xứng đáng vào sống trong trời mới, đất mới.
Lm Vũ đình Tường
Trong trận lũ lụt vừa qua, nhiều du khách trên tuyến đường Bắc - Nam bị kẹt ở miền Trung. Lý do là đèo Hải Vân bị sạt lở, xe cộ không đi lại được. Nhiều đoạn đường sắt bị nước lũ cuốn đi, nên tàu Bắc - Nam cũng đành ủ rũ nằm chờ. Nhiều làng bị nước ngập, dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.
Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người.
Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.
Con đường vật lý đã cần. Nhưng con đường tâm lý còn cần hơn. Nếu con đường tâm lý bị hư hỏng thì dù có ở sát cạnh nhau, người ta cũng vẫn cứ xa nhau.
Tương tự như thế, ta cần có con đường thiêng liêng thật tốt để đón Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.
Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.
Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.
Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.
Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.
Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Nên hôm nay, thánh Gioan Tẩy giả mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa đến.
Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.
Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Ngoài những cố gắng bản thân, còn cần đến những phương thế. Đời sống của Thánh Gioan Baotixita đề nghị cho ta 3 phương thế rất tốt.
Phương thế thứ nhất là vào sa mạc . Sa mạc là nơi hoang vu vắng vẻ giúp ta sống cô tịch. Trong cô tịch, ta dễ chìm sâu xuống đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa. Một mình ta diện đối diện với Chúa. Trong thân mật, Chúa sẽ dạy ta biết Thánh ý để ta thi hành. Đức Giê su, trước khi đi rao giảng cũng đã vào sa mạc 40 ngày để tìm Thánh ý Chúa Cha. Sa mạc đây được hiểu là những giờ cầu nguyện riêng tư thân mật một mình ta với Chúa.
Phương thế thứ hai là mặc áo da thú . Mặc áo da thú có nghĩa là ăn mặc đơn sơ, không chải chuốt. Một tâm hồn mặc áo da thú là một tâm hồn biết sống thực với chính mình, biết nhìn nhận những yếu đuối lỗi lầm và xin Chúa tha thứ. Thái độ đơn sơ khiêm nhường như thế chính là khởi điểm để tiến lên trên con đường thánh đức.
Phương thế thứ ba là ăn châu chấu và mật ong rừng. Đây có ý nói về một đời sống khổ chế. Hãm dẹp những tính mê tật xấu, hạn chế những đòi hỏi của thân xác để bắt nó quy phục linh hồn. Giảm bớt những nhu cầu không cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh.
Thánh Gioan Baotixita đã sống theo chương trình 3 điểm này, nên Ngài đã trở thành người mở đường cho Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta biết áp dụng 3 phương thế ấy trong Mùa Vọng này, ta sẽ biến tâm hồn ta thành một con đường thẳng tắp cho Chúa Giáng sinh ngự đến.
Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tội lỗi để con xứng đáng đón rước Chúa . Amen
Đức Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong Mùa Vọng, các bài Tin Mừng nhiều lần nói đến Gioan Tẩy Giả, bởi vì đời sống và sứ mạng của ngài gắn liền với Đấng Cứu Thế. Ngài là vị ngôn sứ cuối cùng được Thiên Chúa chọn làm sứ giả đi trước mở đường và dọn đường cho Chúa Kitô. Cho nên, danh hiệu "Tiền Hô" và sự nghiệp của Gioan gắn liền với chương trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, thậm chí không thể nào nói đến Chúa Giêsu mà không nhắc tới vị tiền hô của Người. Chính vì thế phụng vụ Mùa Vọng đã dành nhiều ngày nói đến Gioan. Cụ thể bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay và Chúa nhật tuần sau, đặc biệt đề cập đến ngài.
Ngài là con duy nhất của ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét, sinh sống ở làng A-in Ka-rim, gần thủ đô Giêrusalem. Có thể ngài đã đi tu từ nhỏ trong hoang địa với những người phái Qum-ran, sống rất khổ hạnh : y phục chỉ có một áo choàng bằng da lạc đà, một kiểu áo hãm mình mà các ngôn sứ xưa thường dùng. Ngang lưng thắt một dây da cho gọn ghẽ. Còn của ăn là châu chấu độn với mật ong rừng. Ngài sống như vậy cho đến mùa thu năm 27, dưới thời hoàng đế Ti-bê-ri-ô thì xuất hiện công khai giảng dạy dân chúng ở miền nam Do thái, chung quanh lưu vực sông Gio-đan.
Nội dung lời giảng dạy của ngài được thánh Mát-thêu diễn tả rõ ràng : "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần". Các sách Tin Mừng khác cũng cho thấy nội dung ấy một cách gián tiếp khi kể lại những lời kêu gọi và hoạt động "làm phép rửa sám hối" của ngài, chẳng hạn như Tin Mừng Mác-cô của Chúa nhật hôm nay.
Sám hối, theo tiếng Hy lạp có nghĩa là thay đổi não trạng. Theo tiếng Do thái là quay trở về, trở lại, tức là trở về với Chúa, với giao ước của Chúa. Gioan rao giảng kêu gọi mọi người sám hối. Ai nghe lời ngài giảng mà sám hối thì được ngài làm phép rửa. Nhưng phép rửa của ngài chỉ có tính cách giúp người ta thống hối, sửa soạn cho việc tha tội, chứ không phải là một bí tích như phép rửa Chúa Giêsu sẽ thiết lập sau này.
Như vậy, Gioan đã đối chiếu sứ mạng của ngài với sứ mạng của Đấng đến sau ngài, và ngài khiêm nhường tự nhận là không đáng cởi quai dép cho Đấng đó. Tóm lại, Gioan làm phép rửa bằng nước để giục lòng người ta sám hối. Còn Đấng đến sau làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần để tha tội cho người ta. Cho nên, rõ ràng Gioan chỉ là một vị tiền hô, một người đi trước, có bổn phận dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Đối với chúng ta hôm nay, nhắc đến Gioan Tiền Hô cũng có nghĩa là nhắc lại lời ngài đã giảng dạy, và cũng là nhắc nhở chúng ta : hãy sám hối, hãy thay đổi đời sống. Chúng ta đều đã biết sám hối là nhận ra những giới hạn thiếu sót và lầm lỗi của mình; là nhận ra những thiệt hại mình đã gây ra cho người khác; là nhận ra và quyết tâm dứt bỏ tình trạng cũ để bắt đầu một cuộc canh tân. Nhưng trước hết và trên hết, chúng ta phải hiểu sám hối là quay về với Chúa, tuyên xưng tình yêu thương và lòng nhân từ tha thứ của Chúa. Đây là diều Thiên Chúa mong muốn nơi chúng ta.
Về điều này, chúng ta hãy nhớ câu truyện thánh Giê-rô-ni-mô : vào một đêm Giáng Sinh kia, Giê-rô-ni-mô đang cầu nguyện trong một hang đá ở rừng vắng, ngài suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Đột nhiên Chúa Giêsu hiện ra hỏi ngài : "Giê-rô-ni-mô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày sinh nhật của Ta không ?". Ngài thưa : "Lạy Chúa, con xin dâng Chúa trái tim của con". Chúa nói : "Còn gì khác nữa không ?". Ngài thưa : "Lạy Chúa, con mới dịch Sách Thánh xong, con xin dâng Chúa bản dịch công lao vất vả của con". Chúa nói : "Tồt lắm, con còn điều gì nữa không ?". Ngài thưa : "Lạy Chúa, con còn gì nữa đâu ?". Chúa bảo : "Còn sự yếu đuối và tội lỗi của con, con hãy dâng những thứ ấy cho Ta". Giê-rô-ni-mô hốt hoảng thưa : "Lạy Chúa, làm sao con dám dâng những cái ấy ?". Chúa nói : "Được chứ, Ta muốn con dâng những cái đó cho Ta để Ta tha thứ cho con. Đó là điều Ta mong đợi".
Câu chuyện trên nhắc nhở : Chúng ta phải có tâm hồn sám hối để được Chúa tha thứ. Lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa được biểu lộ tới tột đỉnh bằng việc ban tặng chính Con Một của Ngài. Chúa Giêsu chính là hiện thân của lòng tha thứ. Ngài đến trần gian để nhận lấy tất cả tội lỗi của loài người. Bởi vậy, chẳng có gì quá đáng khi nói : món quà Thiên Chúa mong đợi nhất nơi con người là tội lỗi của họ.. Vì Thiên Chúa chẳng muốn gì hơn là được thỏa mãn lòng nhân từ yêu thương của Ngài bằng việc tha thứ cho con người.
Dù chúng ta đang sống trong hoàn cảnh nào thì lời giảng dạy của thánh Gioan Tiền Hô vẫn là một lời khẩn thiết. Có thể nói : ngày nào còn con người là còn luân lý, còn giáo dục, còn khuyên răn; và bao lâu còn tội lỗi, còn tranh chấp, còn những tệ đoan, còn những tiêu cực...thì còn phải sửa chữa, còn phải thay đổi để trở nên tốt hơn. Xin mỗi người chúng ta hãy lắng nghe và thực hiện để kinh nghiệm được ơn lộc to lớn của Mùa Vọng năm nay.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
Chúng ta đã bắt đầu Mùa Vọng từ Chúa Nhật trước, nhưng thực ra Chúa Nhật này mới thực là bắt đầu Mùa Vọng, vì Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta : Nếu Chúa đã một lần đến thì Ngài cũng sẽ đến lần thứ hai, cho nên Hội Thánh dùng lời của thánh Gioan Tẩy Giả để loan báo Đức Kitô Con Thiên Chúa đã đến và kêu gọi chúng ta phải chỉnh đốn lại đời sống để xứng đáng tiếp rước Chúa.
Sống Mùa Vọng là hướng về việc Chúa ngự đến với lòng khao khát Chúa, ý thức rằng chỉ có Chúa mới có thể can thiệp một cách hữu hiệu vào đời sống chúng ta và sẵn sàng để Ngài hành động. Điều kiện để Chúa đến và hành động là phải dọn đường cho Ngài, tức là nỗ lực chỉnh đốn lại tâm tư, tình cảm, cách ăn ở của ta sao cho phù hợp ý Chúa. Cần bỏ đi đầu óc kiêu căng, tự mãn và tham vọng trần tục, đó là bạt núi đồi, để khiêm tốn tin cậy chờ Chúa. Hãy bỏ đi những âm mưu đen tối, ích kỷ để sống chân thành cởi mở bác ái, đó là nơi cong queo uốn cho ngay. Những gì còn thiếu sót trong nghĩa vụ xã hội, tôn giáo thì hãy nhiệt thành bù đắp lại, đó là lấp mọi hố sâu, bền lòng bền chí trong đời sống đạo và trông chờ Chúa trở lại.
Trong việc chuẩn bị chờ đón Chúa đến thánh Gioan Tiền Hô đã đóng vai trò quan trọng và làm gương về lòng sám hối bằng chính đời sống của ngài, một đời sống khắc khổ và thánh thiện, đây là hình ảnh của những Ngôn Sứ thời Cựu Ước, để loan báo Đấng Cứu Thế, đã được các tiên tri như Malakia và Isaia báo trước với danh hiệu sứ thần hay thiên thần và tiếng kêu trong rừng vắng. Thánh nhân đã chấp nhận danh hiệu ấy nhưng ngài nói: Đấng Cứu Thế còn cao trọng hơn ngài nhiều và ngài không xứng đáng cúi xuống cởi giầy cho Chúa và Chúa sẽ tẩy rửa người ta trong Thánh Thần, đây chính là tâm tình của Mùa Vọng - hướng về việc Chúa trở lại với sự sám hối và canh tân nội tâm - thành thật nhìn vào tội lỗi và nết xấu của mình để khẩn khoản xin Đức Kitô ngự đến cứu độ.
Lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả thuật lại các đề tài thần học đã từng được các ngôn sứ đi trước loan báo cho dân Do Thái, đó là: Xưng thú tội lỗi của mình theo nghĩa thừa nhận phần trách nhiệm của mình trong mọi tội lỗi qua lịch sử chồng chất của Israel. Tiếp đến là bầy tỏ lòng thống hối bằng cách khiêm tốn lãnh nhận phép thanh tẩy, và khi được Gioan nhận chìm trong nước là dấu chỉ nhận chìm mọi tội lỗi mọi nhơ nhớp, để rồi bước ra khỏi nước, bắt đầu môt cuộc sống mới, một cuộc sống được giao hòa với Thiên Chúa và được Chúa tha thứ mọi lỗi lầm.
Như thế muốn tìm lại gương mặt trong sáng và hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình, chúng ta phải hoán cải tâm tư và thay đổi đời sống, thay đổi cung cách suy tư hành xử của mình, khước từ tội lỗi khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa và làm nhơ bẩn gương mặt rạng ngời của Chúa nơi chúng ta, nói cách khác muốn được cứu độ chúng ta phải cách mạng tấm lòng mỗi ngày. Cách sống của Thánh Gioan Tẩy Giả là một lời mời gọi chúng ta dám can đảm đi ngược dòng, vì nếu chỉ khước từ tội lỗi thôi thì chưa đủ mà còn phải từ bỏ, xa lánh tất cả những gì lôi cuốn và ràng buộc chúng ta vào tội lỗi nữa. Sống trong xã hội chủ trương tiêu thụ, chủ trương sống dễ dãi và buông thả, chúng ta phải có can đảm không chạy theo tâm thức tôn thờ vật chất, tôn thờ khóai lạc, dễ dãi và tiện nghi ấy để không bị sa lầy.
Như vậy hoán cải trước tiên có nghĩa là xa tránh tội lỗi, thế gian và xa tránh tâm thức tục hóa, đây cũng là lời mời gọi của thánh Phêrô trong bài đọc II, vì sống chờ đợi là sống với tinh thần sẵn sàng đổi mới hoàn toàn và để cho Chúa Giêsu đến và ban cho chúng ta muôn ơn. Nếu Chúa chưa đến là do Ngài muốn ban thêm cho chúng ta thời gian để sám hối và Chúa không chỉ đến trong ngày tận thế mà Ngài còn đến rất nhiều lần, đến với từng người, đến để tạo dựng trời mới đất mới trong lòng người. Vì thế, Đức Giêsu vẫn cần những người tiền hô, những người dọn đường. Tin Mừng của Người vẫn còn cần những người nhiệt tình mang đi giới thiệu cho người khác.
Lạy Chúa, lời kêu gọi của Thánh Gioan Tiền Hô xưa vẫn còn vang vọng qua tiếng nói của Hội Thánh "Hãy sửa đường Chúa cho ngay...". Xin cho chúng con mau mắn đáp lại lời kêu gọi để cùng nhau thi đua sửa soạn tâm hồn, gạt bỏ những hố sâu tỵ hiềm, ghen ghét để ngày Chúa đến chúng con sẽ là những người được xếp vào hàng ngũ đi đón rước Chiên Con. Amen
Sr Mai An Linh, OP (Nguồn vietcatholic.org)
1363 03-12-2011 05:58:35