TÌM VINH QUANG THIÊN CHÚA Ở ĐÂU
Mc 9, 2-10
Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa xuống trần gian mang hình hài thể xác con người như ta, nhưng hôm nay Ngài tạm thời từ bỏ hình dạng bình thường của con người, để mặc lấy một hình dạng khác rất siêu phàm: "Y phục Ngài rực rỡ, trắng tinh, không thợ giặt nào ở trần gian giặt trắng như vậy". Sự sáng láng chiếu tỏa vinh quang của thiên giới.
Đức Ki-tô chính là Đấng Messiah ẩn mình, người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa, hôm nay được tỏ bày trước kỳ hạn vinh quang, qua việc các đại diện của lề luật và ngôn sứ là Mô-sê và Ê-li-a, hiện ra và đàm đạo với Ngài. Đây là lần thứ hai có tiếng phán từ trời về Chúa Giê-su: "Này là Con Ta chí ái" (Mc 9:7)
Trong lúc còn thử thách ở cuộc đời trần gian, chúng ta được mời gọi tin phục hoàn toàn vào Thiên Chúa qua mọi biến cố trong cuộc đời. Thiên Chúa ẩn náu mình đi không muốn tỏ vinh quang và quyền phép uy nghi của Ngài ra, để ép buộc chúng ta nghe lời Ngài. Ngài đã ban cho chúng ta tự do và Ngài tôn trọng tự do đó. Hơn nữa, có tự do mới có công phúc.
Tuy nhiên những ai đọc và suy niệm lời Chúa, những ai có con mắt đức Tin trong sáng thì đã thấy và đã biết Thiên Chúa uy quyền và vinh quang ở đâu: ở trong Bí tích Thánh thể, trong các Bí tích, trong Phúc âm, trong mọi biến cố, hoàn cảnh cuộc đời. Chúa hiện ra ở đó còn uy quyền sáng láng hơn cả khi biến hình trên núi cao hôm nay.
Bài Phúc âm còn ngụ ý dạy chúng ta, nếu muốn được nhìn thấy Thiên Chúa vinh quang và uy nghi thì phải lên núi cao, vượt trên mọi thấp hèn của xác thịt. Bên cạnh đó, chúng ta cần sẵn sàng bước theo con đường thập giá của Đức Ki-tô, vì con đường ấy dẫn chúng ta đến vinh quang và phúc trường sinh muôn đời.
Lm Trần Xuân Lãm
CHIÊM NGƯỠNG TRƯỚC DUNG NHAN
Mc 9, 2-10
Sáu ngày sau, rất có thể là sau ngày Phêrô tuyên tín Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống và cũng sau khi ông bị khiển trách là Xatan vì khuyên can Thầy đừng đi vào con đường khổ nạn như Người đã tiên báo, được thánh sử Mátthêu ghi lại (x. Mt 16, 13-23), Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi, cho các ông chiêm ngưỡng vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa đúng như Phêrô đã tuyên xưng trước đó. Với biến cố này, Chúa Giêsu muốn cho Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng như cho mỗi người chúng ta chiêm ngưỡng trước vinh quang mà Người sẽ lãnh nhận cách hoàn hảo sau cuộc Thương Khó. Đem ba môn đệ đi theo mình, Chúa Giêsu không chỉ muốn các ông chứng kiến, chạm đến con người Thiên tính của Người; không chỉ muốn các ông nghe trực tiếp lời minh chứng của Chúa Cha về Người mà còn để củng cố niềm tin cho các ông nữa. Lý do vì các ông là những người đầu tiên bước theo Chúa. Các ông là những cột trụ của Giáo hội sau này. Chính vì thế, biến cố hôm nay là một biến cố rất quan trọng cho đức tin của các ông mà Chúa Giêsu cách nào đó muốn tỏ hiện để củng cố niềm tin vốn còn non yếu nơi con người các ông.
Ba môn đệ đã thấy gì? Tin mừng cho chúng ta biết các ông đã thấy Chúa Giêsu tạm thời từ bỏ hình dạng bình thường của con người để mặc lấy một hình dạng khác ẩn chứa một bản tính vô hình. Các ông còn được chiêm ngưỡng y phục của Thầy "trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy". Chúng ta biết, các tác giả thể văn khải huyền thường miêu tả sự sáng ngời của những người lành thánh bằng hình ảnh sáng chói rực rỡ tựa mặt trời. Như thế, hình dạng và y phục của Chúa Giêsu cho thấy hào quang Thiên tính trong ngày hiển dung không thể diễn tả, nhằm giúp cho các môn đệ chiêm ngưỡng vẻ đẹp vinh quang rạng ngời của Chúa Giêsu.
Bên cạnh đó, cả ba môn đệ đều chứng kiến sự hiện diện của hai nhân vật vĩ đại trong Cựu ước là Môsê và Êlia đàm đạo với Chúa Giêsu. Chiêm ngưỡng cảnh huy hoàng này khiến thánh phêrô phải thốt lên : "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay" và xin được dựng lều ngay lập tức để giữ mãi giây phút thiên đàng ấy. Không phải ngẫu nhiên mà Tin mừng Nhất lãm đều nói đến sự hiện diện của hai nhân vật trong Cựu ước là Môsê và Êlia. Chúng ta biết, Môsê và Êlia là hai nhân vật quan trọng của Cựu ước cũng như trong lịch sử dân Dothái. Môsê đại diện cho Lề luật Dothái. Thông qua ông, Giavê Thiên Chúa đã ban xuống cho dân Người những giới luật làm kim chỉ nam, hướng dẫn tinh thần cho dân tộc Dothái. Môsê chính là con người của Biển Đỏ, con người của núi Xinai và là con người của cuộc Xuất hành. Còn Êlia là một Ngôn sứ vĩ đại, ông đại diện các Ngôn sứ. Chính ông là người chịu nhiều đau khổ vì Giavê Thiên Chúa, vì dân tộc Israel để rồi sau đó được cất lên trong vinh quang. Cả hai ông đều có kinh nghiệm tiếp xúc với Giavê Thiên Chúa và được chiêm ngưỡng vinh quang của Người trên núi Sinai và Khôrếp. Đặc biệt hơn, khi nhắc đến tên hai ông, Tin mừng Nhất lãm không chỉ chỉ nhắc đến những công trạng của các ông mà còn nhắc đến toàn bộ Kinh thánh Cựu ước mà hai ông đại diện. Mà Kinh thánh Cựu ước là gì nếu không phải là lời loan báo về một Đấng Mêsia chịu nhiều đau khổ để đạt đến vinh quang?
Các môn đệ còn được nghe tiếng nói phát xuất từ Chúa Cha xác nhận nhân thân của Thầy: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người". Chúng ta nghe rất quen câu nói này, bởi đã một lần được nhắc đến trên dòng sông Giođan khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đồng thời chúng ta cũng thấy lạ, bởi hôm nay Chúa Cha không chỉ tái khẳng định lời Người đã nói mà còn kéo thêm một lệnh truyền: hãy vâng nghe lời Người. Ngày xưa, dân Dothái được khuyên nhủ hãy vâng nghe lời Môsê và các ngôn sứ là những người thay mặt Giavê Thiên Chúa đến lãnh đạo họ. Ngày nay, Chúa Giêsu chính là Môsê mới và chính Chúa Cha nhắc nhớ các môn đệ cũng như cho tất cả chúng ta hãy vâng nghe lời Người, mời gọi các ông biết đón nhận những biến cố trong cuộc Khổ nạn - Phục sinh của Thầy để có thể trở nên những chứng nhân đích thực.
Mùa Chay chỉ thực sự có ý nghĩa khi mỗi người chúng ta để cho Chúa biến đổi đời sống mình. Biến hình là hiến mình. Chúa biến hình nhằm giúp chúng ta ý thức rằng vinh quang mà Chúa tỏ hiện hôm nay sẽ trở nên trọn vẹn khi Người chấp nhận cuộc Khổ nạn, chấp nhận thập giá để cứu rỗi nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi biến đổi khi biết chấp nhận một cuộc thanh tẩy tâm hồn, tránh xa những cạm bẫy tội lỗi, những tư lợi nhỏ nhen ích kỷ hầu có thể đón nhận ơn thánh Chúa.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
ĐỨC TIN TRONG ĐAU KHỔ
Mc. 9,2-10
Đức tin như một con mắt thần hướng chúng ta đến một cách sống bình an, phó thác, nhìn đau khổ và cái chết như những phương tiện dẫn đến vinh quang. Đó là chủ đề mà lời Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta.
Chúng ta hãy lấy một thí dụ như trường hợp Áp-ra-ham trong bài đọc một. Khi gần trăm tuổi, ông được Thiên Chúa hiện ra và nói sẽ ban cho ông một người con trai. Đó là người con duy nhất của Áp-ra-ham với vợ chính là Sa-ra, lúc ấy cũng gần 90 tuổi. Điều này đã là một sự lạ lùng đối với Áp-ra-ham và Sa-ra, nhưng Thiên Chúa đã thực hiện. Sau đó, Thiên Chúa muốn thử đức tin của Áp-ra-ham, nên phán bảo ông đem đứa con duy nhất ấy lên núi làm lễ toàn thiêu. Tất nhiên Áp-ra-ham rất đau lòng, nhưng nhờ đặt trọn niềm tin vào sự chỉ dạy của Thiên Chúa, ông đã vâng lời và cầm dao giết con. Cuối cùng, Thiên Chúa đã nhận "lòng tôn kính và tin yêu" của Áp-ra-ham, vì đã không tiếc một thứ gì nếu Thiên Chúa muốn, nên miễn cho ông khỏi giết con và chúc phúc cho ông. Chúng ta thấy đức tin đã đem lại cho con người một sức sống mãnh liệt biết bao.
Hơn thế, đức tin còn giúp con người vượt thắng mọi đau khổ thể xác và tinh thần, mọi bất lực theo khả năng tự nhiên của con người và khoa học. Trở lại câu chuyện của Áp-ra-ham, chúng ta thấy chính đức tin đã trấn an mối thương tâm của người cha phải cầm dao giết con mình, làm lễ tế cho Đấng mà ông hết lòng tin tưởng.
Như vậy, đức tin giúp con người sẵn sàng đón nhận đau khổ, vững lòng khi gặp đau khổ và chiến thắng đau khổ để đạt tới một mục đích cao đẹp hơn. Cụ thể, trong bài Tin Mừng, khi thấy các môn đệ quá sợ đau khổ, không muốn chấp nhận cuộc khổ nạn của Chúa, nên Chúa đã hé mở vinh quang của Nước Thiên Chúa để hun đúc cho các ông một niềm tin, một hy vọng để sống. Một đức tin mà Chúa đòi hỏi các ông phải có nếu muốn dự phần vinh quang với Ngài. Như thế, có thể nói, đức tin là nhân và vinh quang là quả, giúp chúng ta nhận chân giá trị mọi đau khổ trên trần gian này, để từ đó chúng ta can đảm, sáng suốt đón nhận và giải quyết mọi thử thách đến trong đời sống hàng ngày.
Có một câu nói diễn đạt kinh nghiệm sống đạo, sống niềm tin trong đau khổ thật sâu xa, đó là "Khi Thiên Chúa đóng cửa chính thì Ngài mở ra cửa sổ". Thiên Chúa đóng cửa chính là khi chúng ta gặp thử thách, đau khổ, không còn có thể nhìn thấy ánh sáng, sự hiện diện đầy quan phòng của Thiên Chúa. Đó là khi Thiên Chúa xem ra như bỏ rơi, mặc chúng ta đương đầu với thử thách, khó khăn. Lúc đó chúng ta cần nhớ rằng : Thiên Chúa, Ngài sẽ mở cửa sổ, mở ra một lối thoát, một giải đáp, một hướng đi mới cho cuộc đời chúng ta.
Chẳng hạn, Thiên Chúa đóng kín cửa chính trong cuộc đời chúng ta, khi chúng ta trải qua cơn bệnh nặng, thì Ngài lại mở ra cửa sổ, cho chúng ta gặp được bác sĩ tận tình tài giỏi để chữa bệnh. Thiên Chúa đóng kín cửa chính khi chúng ta bị mất mát, thua thiệt, nhưng Ngài mở ra cửa sổ khi Ngài cho chúng ta gặp được những tâm hồn quảng đại sẵn sàng giúp chúng ta bắt đầu lại cuộc đời. Thiên Chúa đóng cửa chính khi chúng ta bất ngờ phải mang tang người thân, thì Ngài lại mở ra cửa sổ là trong gia đình được hòa thuận lại với nhau...
Thiên Chúa đóng cửa chính nhiều lần trong cuộc đời mỗi người, nhưng đồng thời Ngài cũng mở ra những cửa sổ để hướng chúng ta đến một điều tốt đẹp hơn mà trước đó chúng ta không ngờ. Những kinh nghiệm đau thương, tiêu cực mà chúng ta gặp phải trong cuộc đời, đôi khi đó là tiếng nói của Thiên Chúa để mời gọi chúng ta bước ra khỏi một hoàn cảnh không tốt đẹp, để chuẩn bị chúng ta sẵn sàng hơn đón nhận những hồng ân mới. Nhìn lại cuộc sống, có thể mỗi người chúng ta cũng đã cảm nghiệm được những giây phút Thiên Chúa như đóng kín cửa chính, nhưng đồng thời Ngài cũng mở ra những cửa sổ, những viễn tượng mới, tốt đẹp hơn cho cuộc đời chúng ta. Vì thế, khi gặp thử thách, đau khổ, chúng ta đừng bao giờ chán nản, thất vọng, nhưng hãy tin tưởng và cầu nguyện, càng phải cầu nguyện nhiều hơn bình thường, để xin thêm đức tin và kiên nhẫn. Tin tưởng và kiên nhẫn, vì khi Thiên Chúa đóng kín cửa chính, Ngài sẽ mở ra cửa sổ.
Chúng ta vẫn thường nói : "Chạy trời không khỏi nắng", nghĩa là ở đâu cuộc đời cũng có những khổ luỵ của nó, và ngày nào cũng có nỗi khổ của ngày ấy. Như vậy, đau khổ tự nó là một điều xấu, không ai ham, không ai muốn. Vậy đau khổ có giá trị không ? Tự nó chẳng có giá trị gì cả, nhưng cái làm cho đau khổ có giá trị, có công phúc chính là thái độ của người đau khổ. Vì thế, những khi gặp đau khổ, chúng ta đừng bao giờ phàn nàn, kêu trách Chúa, cũng đừng bao giờ rủa mình, than thân trách phận, chán nản, buông xuôi, nhưng hãy tự cố gắng và hãy giúp đỡ nhau, nhất là hãy tin tưởng, cậy trông và gia tăng cầu nguyện xin Chúa trợ giúp, vì Chúa đã nói : "Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Tôi, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho".
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
Lời Chúa hôm nay, có thể nói, xoay quanh các ngọn núi. Đó là ngọn núi của niềm tin, nơi tổ phụ Abraham đã sẵn sàng hiến tế người con duy nhất cho Thiên Chúa. Ngọn núi thứ hai là ngọn núi của tình yêu, nơi Thiên Chúa trao ban cho chúng ta Người Con Một yêu dấu làm của lễ đền tội chúng ta. Và cuối cùng là ngọn núi vinh quang, nơi Con Thiên Chúa tỏ lộ vẻ rực rỡ của Ngài cho các môn đệ. Không chỉ chiêm ngưỡng, lời Chúa còn mời gọi từng người chúng ta hãy làm một cuộc hành trình lên núi. Ở nơi đó, chỉ còn riêng ta với Chúa, ngõ hầu, chúng ta có thể gặp gỡ và lắng nghe lời Thiên Chúa, Lời đem lại cho chúng ta sự sống đời đời.
1. Núi của niềm tin:
Trước hết, chúng ta cùng đi lên núi Moria, ngọn núi đầu tiên, núi của niềm tin. Tôi nói đây là ngọn núi của niềm tin, vì từ nơi đây chúng ta sẽ được chứng kiến một đức tin không chỉ thuần tuý trên môi miệng với những lời tuyên xưng: " Tôi tin hay chúng tôi tin ", nhưng là một đức tin được chứng minh cách tuyệt vời qua một hành động phi thường. Đó là ngọn núi Moria, nơi tổ phụ Abraham đã sẵn sàng hiến tế con mình cho Thiên Chúa.
Để thấy rõ hơn đức tin của tổ phụ Abraham, chúng ta cần nhìn lại một vài nét về cuộc đời của ông. Tổ phụ Abraham là một người quê hương ở miền Lưỡng Hà, được Chúa kêu gọi tại Haran, miền Bắc đất nước Do thái bây giờ, vào lúc 75 tuổi, cùng với lời kêu gọi, ông còn được Thiên Chúa hứa cho một dòng dõi đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển (x. St 12, 1-5). Thế nhưng, đằng đẵng mãi 25 năm sau, vợ ông mới sinh cho ông được một người con duy nhất. Thế là trong lúc gần 100 tuổi lời hứa của Thiên Chúa vào ngày nào đã được thực hiện. Có lẽ không niềm vui nào trong cuộc đời của ông lớn hơn niềm vui ngày con trẻ chào đời (x. St 21, 1-7). Nhìn vào đứa trẻ, ông như thấy cả tương lai của cả một dân tộc hùng mạnh mà Thiên Chúa đã hứa cho ông. Mặt khác, đối với Abraham, Isaac không chỉ là một đứa con của lời hứa, nhưng còn là cây gậy để ông nương tựa trong lúc tuổi già. Ông nghĩ rằng, với đứa con này, ông có thể yên tâm để an hưởng những ngày còn lại trên trần thế.
Thế nhưng, vào một ngày kia, ông như bị sét đánh ngang tai, khi nghe tiếng Chúa phán: " Abraham, Abraham! Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó, ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi ". Lệnh truyền sát tế Isaac, người con duy nhất sinh ra trong lúc tuổi già, thật là vượt quá tầm nhìn cách nghĩ của con người và xem ra là phi lý. Sẽ thực hiện ra sao đây lời chúc phúc của Thiên Chúa cho ông làm tổ phụ các dân tộc, nếu không có người con Isaac này? Yêu cầu của Thiên Chúa quá đỗi đau thương đoạn trường, nhưng với niềm tin cậy vào Thiên Chúa, ông vội vã thực hiện ngay lệnh truyền ấy. Cần vâng phục Thiên Chúa bất cứ giá nào. Nhưng ngay khi ông đang giơ cao con dao để hạ sát con trai, Thiên Chúa đã ngăn cản bàn tay ông và mạng sống của Isaac được dành lại. Ngài phán: "Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây Ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta ".
Đức tin và lòng vâng phục của Abraham trở nên gương mẫu cho tất cả chúng ta noi theo. Ông luôn đón nhận lời Chúa và đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, ngay cả những khi đức tin của ông bị thử thách vượt qua mọi giới hạn. Như Abraham ngày xưa, chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi lên đường đi đến một vùng đất chưa hề biết, lên một ngọn núi hy sinh. Nhất là khi hoàn cảnh chung quanh làm cho đức tin chúng ta trở nên không thể hiểu được, hầu như là vượt khỏi khả năng suy nghĩ của con người. Những lúc khủng hoảng, như làm ăn thất bại, con cái khó dạy, bệnh tật nơi bản thân hay người thânlàm cho cuộc đời trở nên u ám, thì chúng ta lại càng cần tín thác vào Lời Chúa.
Đây là không phải là một niềm tin mù quáng, nhưng là một niềm tin dựa trên tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa.
2. Ngọn núi của tình yêu :
Đến đây, xin mời quý ông bà anh chị em cùng tôi bước lên Núi Sọ, để chiêm ngưỡng ngọn núi thứ hai, ngọn núi của tình yêu. Đây không phải là thứ tình yêu " có qua, có lại", hay chỉ cho đi những gì dư thừa theo cách làm thường ngày của chúng ta, nhưng là một tình yêu dám trao ban cho người mình yêu những gì mình yêu quý nhất.
Đó là tình yêu của Chúa Cha đã sẵn lòng ban cho chúng ta Người Con Một yêu dấu, như một món quà vô giá cho chúng ta, như lời thánh Phaolô: " Người không dung tha chính Con mình, nhưn glại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? ". Chính Đức Giêsu cũng đã khẳng định điều này khi Ngài nói với Nicôđêmô: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người" (Ga 3, 16). Tình yêu này, càng có giá trị tuyệt vời hơn nữa, bởi khi Ngài trao cho chúng ta Người Con yêu dấu này không phải là do chúng ta làm nên công trạng gì hay là chúng ta xứng đáng, nhưng ngay khi chúng ta đang còn là tội nhân.
Đó còn là tình yêu của Đức Giêsu, Đấng sẵn sàng chết cho từng người chúng ta như lời Ngài đã nói: " Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15,13).
Chiêm ngưỡng tình yêu của Thiên Chúa một tình yêu lớn hơn cả tình cha mẹ yêu con như lời Ngài nói qua miệng ngôn sứ Isaia: " Mẹ nào lại quên con đẻ của mình... Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi. Ta đã khắc ngươi trên bàn tay Ta" (Is 49, 15-16), mời gọi chúng ta cũng sống một tình yêu vị tha như thế trong cuộc sống thường ngày. Đó là một tình yêu vô vị lợi và sẵn sàng tha thứ cho mọi người, kể cả làm hại mình. Đó là một tình yêu quên mình để luôn nghĩ đến lợi ích của người khác, của cộng đoàn trước khi nghĩ đến bản thân.
Nhưng cũng như niềm tin, tình yêu này cũng được thể hiện trên một ngọn núi. Do đó, để sống được điều đó, đòi hỏi mỗi người chúng ta có một sự can đảm và cố gắng liên tục. Để leo núi, trước hết, chúng ta phải làm nhẹ bớt con người của chúng ta bằng cách loại bỏ các đam mê lạc thú bất chính và các thói hư tật xấu. Rồi xin Ơn Chúa trợ lực thêm sức mạnh bằng việc: năng cầu nguyện với Thiên Chúa, tham dự Thánh lễ và Rước lễ, tham dự các buổi tĩnh tâm Mùa Chay, dành thời giờ đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày... cùng với các việc hãm mình, khổ chế đền tội như: bớt hút vài ba điếu thuốc, nhịn uống vài ly cà-phê hay rượu bia, không chơi điện tử, không ăn quà vặt... để dành tiền làm việc bác ái giúp các bệnh nhân đau liệt và nghèo khổ vượt qua hoàn cảnh khó khăn..., và sẵn sàng tham gia các việc chung trong khu xóm. Tất cả những cái đó sẽ là dụng cụ cần thiết để chúng ta đến được ngọn núi thứ ba, ngọn núi của vinh quang Thiên Chúa.
Thật vậy, nếu vượt qua được hai ngọn núi đức tin và tình yêu đó một cách trọn vẹn, tôi tin chắc rằng từng người chúng ta cũng sẽ được diễm phúc chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa trên núi biến hình như các tông đồ hôm nay. Và lúc đó, không chỉ từng người, mà là từng gia đình và cả xứ đạo chúng ta sẽ được dựng lều tại ngọn núi vinh quang này, để ở lại với Chúa mãi mãi. Amen.
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn (Nguồn vietcatholic.org)
1454 01-03-2012 08:08:41