Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Chúa Nhật II Phục Sinh_3

TÔMA CHỚ CỨNG LÒNG, NHƯNG HÃY TIN
Ga 20, 19 - 31

Có một điều xem ra rất kỳ diệu, ngộ nghĩnh, khó chịu một chút, nhưng cũng lại thật dễ thương nơi con người của thánh Tôma tông đồ. Bởi vì, các môn đệ đồng môn, các người phụ nữ loan tin rằng: " Chúa đã sống lại rồi ". Tôma vẫn cứng đầu muốn kiểm chứng những lời bạn bè, đám đông đang ồn ào kháo láo và loan truyền về Thầy Giêsu đã sống lại có thật hay không, có đúng hay không và những điều các tông đồ khác nói chúng tôi đã thấy, chúng tôi đã gặp Chúa Phục Sinh đúng như thế nào ?

Trước thái độ của Tôma, Chúa đã nói: " Phúc cho những ai không thấy mà tin ". Do đó, đức tin đòi khiêm nhường. Chỉ có sự khiêm hạ thẩm sâu, lòng tín thác tuyệt vời nơi Thiên Chúa, người ta mới dễ dàng chấp nhận. Thánh Gioan đã thấy mồ trống, các băng vải, khăn liệm, Ngài đã tin. Thánh Gioan đã tin Chúa sống lại như lời chúa nói trước và Kinh Thánh đã dạy. Maria Mácđala và maria khác tuy chưa thấy rõ nhưng các bà đã nhận ra dấu chỉ Chúa sống lại, nhất là khi Chúa gọi tên Maria, bà đã thưa " Rabboni " ( lạy Thầy ). Tôma một cách nào đó muốn nhõng nhẽo với Chúa Phục Sinh, nên Ngài cứ khăng khăng phải gặp được Chúa sống lại và ngón tay của mình phải xỏ vào lỗ đinh nơi tay, nơi chân Chúa và bàn tay của mình phải thọc vào cạnh sườn Chúa thì Ngài mới tin. Thái độ của Toma hoàn toàn khác với những người Pharisêu và những người khác. Chúa khiển trách Toma cách dịu dàng, chỉ bảo. Toma không cố chấp để rồi chối từ tin, nhưng là để thấy rõ hơn và rồi tin mãnh liệt hơn.


Đức tin là tiếng kêu. Nó phát xuất từ cõi sâu thẳm của trái tim, của cõi lòng con người. Tôma đòi điều kiện nhưng khi đứng trước mặt Chúa Phục Sinh, Toma sợ run, đó chính là nét dễ thương của Tôma và Tôma kêu lên: " Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con ". Tin Mừng cho chúng ta thấy khi Chúa hỏi các môn đệ nghĩ sao về Chúa ? Phêrô đã thưa: " Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống ". Chúa đã lập tức nói với Phêrô: " Phêrô, con có phúc, vì không phải xác thịt hay máu huyết tỏ cho con biết điều đó, nhưng là Cha Ta ở trên trời ". Chúa xác định đó là tiếng nói của đức tin. Các môn đệ khi thấy đám đông bỏ đi vì Chúa Giêsu nói tới Bánh trường sinh, các Ngài vẫn một mực thưa với Chúa qua tiếng của Phêrô: " Chúng con sẽ theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời ". Mácta cũng một lần tuyên xưng nơi Chúa: " Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian ".


Đức tin là tiếng phát xuất từ đáy lòng và rồi con người nhận biết Chúa và nhất quyết sống niềm tin ấy qua đời sống hằng ngày. Người Kitô chỉ có thể sống niềm tin ấy khi họ thể hiện đức tin qua những việc làm cụ thể hằng ngày. Tình thương, đức bác ái và những cử chỉ tốt đẹp sẽ là những ánh lửa thắp sáng niềm tin, minh chứng cho bộ mặt đầy yêu thương của Chúa Kitô.


Như một vận động viên cầm ngọn đuốc Olympic chuyền qua tay vận động này tới vận động viên khác cho tới lúc anh châm ngọn đuốc sáng vào nơi để lửa Olympic chính thức đốt cháy suốt thời gian tranh tài...Đức tin phục sinh của mỗi Kitô hữu cũng phải được chuyền đi như ngọn đuốc Olympic...


Chúa Nhật II Phục Sinh được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn là Chúa Nhật kính nhớ lòng thương xót của Chúa. Chúa luôn yêu thương nhân loại, yêu thương mỗi người, Ngài đã đổ máu của mình trên Thập giá để cứu độ con người. Ngài đã nói: " Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu " ( Ga 15, 13 ) " Khi nào Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta ". Tình thương của Chúa được thể hiện trọn hảo nơi chính cái chết tự nguyện của Chúa trên Thập giá. Nữ tu Faustina đã được Chúa hiện ra và mạc khải: " Lòng Thương xót của Chúa ".


Cử hành thánh lễ Chúa nhật II Phục Sinh, chúng con luôn tín thác nơi Chúa và luôn tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa.


Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn một lòng tin tưởng vào Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

NẾU TÔI KHÔNG XỎ NGÓN TAY VÀO LỖ ĐINH...

Có thể nói thánh Tôma là một người rất hiện đại. Ngài đòi hỏi phải thấy, phải chạm vào, phải chứng nghiệm được mới tin. Đó chính là não trạng khoa học đang rất phổ biến trong thế giới ngày nay.

Tất nhiên không phải ai cũng như vậy. Thánh Gioan chỉ cần thấy ngôi mộ trống thì hiểu Thánh Kinh và tin Chúa Giêsu đã phục sinh. Các môn đệ khác hầu hết nhờ thấy Chúa Giêsu phục sinh nên tin. Có những người chỉ cần lời chứng của các tông đồ cũng đủ để tin. Ngày nay hầu hết chúng ta không thấy Chúa Giêsu hiện ra cho xem chân tay và ăn cá nướng để chúng ta tin. Lời chứng của các tông đồ và của cả Hội Thánh trong 20 thế kỷ qua được chúng ta coi là đủ để tin. Đó là những người Chúa Giêsu gọi là "không thấy mà tin".


Nhưng thời nay cũng như thời xưa, vẫn có những người đòi hỏi như thánh Tôma. Chúa Giêsu đã từng đáp ứng những đòi hỏi xem ra quá quắt ấy của thánh Tôma ngày xưa. Còn những "thánh Tôma" ngày nay thì sao? Họ chờ mong được xỏ ngón tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào vết giáo trên cạnh sườn nơi thân thể Đức Kitô phục sinh là Hội Thánh. Đã từng có những chi thể của Đức Kitô mang thương tích vì yêu mến tha nhân, thương tích trên chân tay hay trong trái tim. Và ngay ở đầu thế kỷ XXI này, những thương tích ấy vẫn khá rõ ràng.


Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã "cho thánh Tôma xem năm dấu mình", nay xin cũng cho các môn đệ Chúa biết yêu mến đến phải mang thương tích để thỏa mãn những người đòi hỏi phải thấy bằng chứng yêu thương qua những dấu tích nơi Hội Thánh và từng môn đệ Chúa.

Gm Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ

ĐỨC TIN

Bài Tin mừng này thuật lại hai lần hiện ra của Đấng Phục Sinh với các tông đồ sau khi Ngài sống lại. Lần đầu tiên không có sự hiện diện của tông đồ Tôma. Rồi sau đó tám ngày, lúc "các tông đồ họp nhau lại trong nhà, và có Tôma ở với các ông", thì Đấng Phục Sinh lại hiện ra với họ một lần nữa. Khi nghe đọc đoạn Tin mừng này, chắc có lẽ trong tâm trí mỗi người chúng ta đều nghĩ tới sự cứng tin của tông đồ Tôma. Mặt khác, kết thúc đoạn Tin mừng này, thánh sử Gioan cũng viết: "Những điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng: Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người".

Như thế,
đức tin chính là chủ đề quan trọng của phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Để thấy rõ hơn điều này, chúng ta cùng xem lại các bài đọc Kinh thánh mà chúng ta vừa nghe.

1. Đức tin, ân ban của Thiên Chúa:


Khởi đầu bài Tin mừng, thánh Gioan thuật lại: "
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kính, vì sợ người Do-thái". "Ngày thứ nhất trong tuần", nghĩa là ngày thứ ba kể từ khi Đức Giêsu chịu chết trên cây thập giá, ngày mà Đức Giêsu đã ba lần báo trước cho các môn đệ là Người sẽ Phục Sinh (x. Mt 16, 21-23; 17, 22-23; 20, 17-19). Vậy mà các ông vẫn ở trong nhà "cửa đóng kín vì sợ người Do-thái". Điều đó cho thấy: mặc dù đã đi theo Đức Giêsu, cùng ăn, cùng ở với Ngài suốt ba năm, đã nghe Đức Giêsu giảng dạy chung với dân chúng, cũng như nhiều lần tâm sự riêng với Ngài. Thế nhưng, các tông đồ vẫn chưa thật sự xác tín vào Đức Giêsu. Họ còn nghi ngờ, không biết lời Ngài nói có thật không. Tâm hồn họ đang hoang mang, xao xuyến.

Thế rồi ngay giữa lúc họ đang bối rối, băn khoăn như thế, Đấng Phục Sinh đã đến với họ. Ngài đã đi ngang qua "
cửa nhà còn đóng kín" để đến với họ. Vừa gặp họ, Ngài liền nói: "Bình an cho các con". Đức Giêsu Phục Sinh đã đến và ban cho các tông đồ sự bình an, nghĩa là Ngài đến để ban và củng cố niềm tin của các ông, giúp các hiểu thấu tất cả những gì Ngài đã nói, đã thực hiện. Thậm chí, Ngài còn chiều lòng để hiện ra lần nữa với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin".

Như thế, chúng ta có thể thấy được: đức tin trước hết là một ân ban của Thiên Chúa. Ngay sau khi Phục Sinh, vào ngày thứ nhất trong tuần, chính Đức Giêsu đã chủ động đến với các tông đồ để củng cố niềm tin cho các ông. Rồi sau đó, Ngài còn hiện ra lần nữa để củng cố lòng tin cho tông đồ Tôma, và qua Tôma, Ngài cũng muốn ban ơn đức tin cho mỗi người chúng ta.


Các tông đồ là những người đã chứng kiến tận mắt, sờ tận tay, nghe tận tai lời của Đấng Phục Sinh (1 Ga 1, 1-2). Các ngài chính là những chứng nhân sống động cho sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Mặt khác, nhận được ơn đức tin, các tông đồ cũng không giữ cho riêng mình, theo lệnh của Đấng Phục Sinh, các ngài đã ra đi khắp nơi, loan báo cho muôn dân về Tin mừng Phục Sinh của Đức Giêsu. Như thế, đức tin của mỗi người chúng ta hôm nay, trước hết là một ân ban của Thiên Chúa, kế đến đức tin đó còn được đặt nền tảng trên các tông đồ là những thị chứng nhân đầu tiên của Đấng Phục Sinh.


Tuy nhiên, để đức tin này dù sao, cũng chỉ là một khởi đầu, để đức tin đó thực sự sống động, mỗi người chúng ta cũng cần đóng góp phần mình để mầm đức tin đó ngày càng được phát triển một cách sung mãn hơn.


3. Phương thế phát huy đức tin:


Sách Công vụ tông đồ thuật lại: "
Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các tông đồ, việc hiệp thông huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện...Họ bán tài sản tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người". Nhờ đó, "Hằng ngày, Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi".

Dựa vào đó, chúng ta có thể nói rằng: đức tin của của các tín hữu ban đầu đã được nuôi dưỡng, và phát triển nhờ việc họ thường xuyên kết hợp với Chúa và chia sẻ với anh chị em.


Trước hết là việc kết hợp với Đấng Phục Sinh. Đây là điều hết sức quan trọng và cần thiết, nếu chúng ta muốn đời sống đức tin của mỗi người chúng ta ngày càng lớn mạnh và vững chắc, chúng ta cần thường xuyên kết hợp với Đấng Phục Sinh, bởi lẽ Ngài chính là Đấng ban ơn đức tin cho chúng ta. Các tín hữu thuở ban đầu đã kết hợp với Chúa bằng cách "
bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các tông đồ, việc bẻ bánh và cầu nguyện chung với nhau". Lúc đó, chưa có Thánh Lễ như chúng ta hôm nay, nhưng họ vẫn thường xuyên tụ họp với nhau để nghe lời giáo huấn của các tông đồ, rồi sau đó, họ đã cùng tham dự việc "bẻ bánh", nghĩa là các tín hữu đã cùng tham dự sốt sắng bàn tiệc Lời Chúa, lẫn bàn tiệc Thánh Thể. Lời Chúa và Thánh Thể chính là lương thực không thể thiếu trong đời sống đức tin của mỗi người tín hữu. Chính vì thế trong tông thư "Mane nobiscum Domine!" về Năm Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan - Phaolô II đã mời gọi chúng ta: "Hãy cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật một cách trọng thể, biến ngày đó thành ngày của Chúa và ngày của Giáo Hội" (Sđd, số 23).

Và rồi cũng giống như hai môn đệ trên đường Emmaus, sau khi đã đón nhận được lời Chúa và Thánh Thể làm lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh, các tín hữu thuở ban đầu đã nhiệt thành "
bán tài sản tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày, họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau". Nhờ đó, "Hằng ngày, Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi". Như thế, đời sống bác ái chia sẻ, cùng với sự hiệp nhất yêu thương của mỗi người chúng ta từ trong gia đình cho đến cộng đoàn giáo xứ trong cuộc sống thường ngày, sẽ là một dấu chứng sống động cho thấy mức độ kết hợp của chúng ta với Đấng Phục Sinh. Cũng trong Tông thư nói trên, lấy lại lời của thánh Phaolô, Đức Thánh Cha Gioan - Phaolô II đã nói tiếp: "Việc cử hành Thánh Thể sẽ thiếu sót nếu không thực thi việc chia cơm, sẻ áo cho những người túng nghèo" (Sđd, số 28).

Cuối cùng, theo cái nhìn của thánh Phêrô trong bài đọc hai, đức tin của chúng ta còn được phát triển nhờ chính những thử thách, gian truân trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Những khó khăn trong cuộc sống của chúng ta chính là "
ngọn lửa" Thiên Chúa gởi đến để tôi luyện đức tin của chúng ta, để nhờ đó chúng ta "được ngợi khen, vinh quang và danh dự".

Từ ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta đã được nhận lãnh hồng ân đức tin. Giờ đây, noi gương các tín hữu thuở ban đầu, chớ gì từng người trong giáo xứ chúng ta cũng nhiệt thành, sốt sắng hiệp dâng Thánh Lễ và hiệp lễ mỗi ngày, nhất là ngày Chúa Nhật, để nhờ đó, đức tin của chúng ta ngày càng vững chắc hơn. Đồng thời, khi rời ngôi Thánh Đường này trở về nhà, chúng ta hãy sống yêu thương, hiệp nhất với nhau, như là một cách thế cụ thể nhất để biểu lộ niềm tin của chúng ta. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

SỐNG ĐỨC TIN
Ga 20,19-31

Ngày nay, người ta muốn đặt lại tất cả các vấn đề, kể cả vấn đề niềm tin Chúa Kitô phục sinh. Bởi thế, chúng ta không cảm thấy khó chịu với tông đồ Tôma, là người đã không muốn chấp nhận những gì người ta nói, và chống lại những điều được chấp nhận theo sự lôi cuốn của đám đông. Tôma khăng khăng muốn chính mình kiểm chứng điều mà các tông đồ khác nói lại là chính họ đã được thấy, được gặp Chúa Kitô phục sinh. Đúng ra ông không có lý do chính đáng để nghi ngờ nữa. Khiêm nhường một chút thì chắc hẳn ông đã dễ dàng chấp nhận rồi. Nhưng như thế thì lại thiệt cho chúng ta, mất một bằng chứng cụ thể, sống động về Chúa Kitô phục sinh, và nhất là câu nói bất hủ của Chúa : " Phúc thay những người không thấy mà tin".

Đàng khác, khiển trách Tôma kém lòng tin thì Chúa đã khiển trách với thái độ êm dịu và trìu mến. "
Tôma, đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". Chúng ta thấy khác hẳn khi Chúa khiển trách những người Pharisêu hay các tông đồ khác. Như thế, Chúa còn thông cảm nhiều với Tôma. Tại sao ? Vì Chúa thấy những thiếu sót của Tôma : ông không chống đối để đi đến việc từ chối đức tin, nhưng là khát vọng thấy rõ hơn để tin. Bởi thế, trong thời đại chúng ta, có phản chứng chăng nữa thì cũng đừng ngạc nhiên và lo lắng, ngược lại, phải hy vọng, vì đó là thái độ tìm kiếm sâu xa, nó là dấu hiệu của lòng tin hoạt động và tự do, của những người đang tìm kiếm, nhờ đó mà người ta khám phá ra những giá trị chân thực. Do sự tìm kiếm này người ta nhận ra được điều chính yếu của Kitô giáo là đức tin. Điều chính yếu ở đây là tin vào Đức Kitô.

Vậy đức tin là gì ? Đức tin là tiếng kêu. Thật vậy, Tin Mừng đã nói lên như thế. Khi Chúa Giêsu hiện ra đứng trước Tôma, thì ông run sợ và phát ra tiếng kêu này "
Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con". Phải chăng chính những lời bộc phát đó đã diễn tả điều sâu thẳm nhất nơi tâm hồn người ta ? Phải chăng đó là tiếng nói của trái tim, của tâm hồn, khác hẳn với sự đắn đo so nghĩ của con người để tìm những lời lẽ hợp tình hợp lý, trước khi muốn nói lên ?

Những nơi khác trong Tin Mừng cũng cho thấy cảnh tương tự, như lời tuyên xưng của Phêrô. Khi Chúa hỏi các môn đệ : "
Người ta bảo Thầy là ai ?", thì Phêrô đã trả lời mà kêu lên : "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Và Chúa đã xác định ngay rằng đó là tiếng kêu đức tin : "Phêrô, con có phúc, vì không phải xác thịt hay máu huyết tỏ cho con biết điều đó, nhưng là Cha trên trời".

Cũng vậy đám đông tụ họp bên Chúa Giêsu sau phép lạ hóa bánh, lúc bấy giờ Chúa nói về bánh ban sự sống, Ngài làm cho họ chưng hửng khi Ngài quả quyết : "
Phải ăn thịt và uống máu Ngài mới được sự sống đời đời", nghe Chúa nói thế họ bỏ đi, còn các môn đệ ở lại, Chúa hỏi : "Anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không ?". Một lần nữa, tiếng kêu lại vang lên và cũng là tiếng kêu của Phêrô : "Chúng con sẽ theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời".

Với Mác-ta, chị của Ladarô, Chúa đã hỏi bà : "
Thầy là sự sống lại và là sự sống, con có tin điều đó không ?" Mác-ta trả lời : "Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian". Đó cũng là một tiếng kêu tuyên xưng đức tin.

Đức tin là một tiếng kêu, nhưng sau đó là gì ? là nhận biết. Đối với một vật nào đó thì người tìm ra, khám phá được. Nhưng đối với một người thì người nhận biết. Đức Tin là nhận biết một Đấng. Đức tin giống như tia chớp nơi một người chồng đang chờ đợi một người vợ tương lai mà anh ta yêu thương. Và rồi, giữa đám đông, anh đã nhận ra người anh thương yêu, chỉ có mình nàng thôi. Đấng mà đức tin nhận biết là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, và chỉ mình Ngài thôi.


Chúng ta tin Chúa Giêsu, chúng ta nhận biết Chúa rồi, chúng ta phải làm gì ? Chúng ta phải sống niềm tin đó. Sống niềm tin có nghĩa là chúng ta phải thể hiện niềm tin ấy trong đời sống hằng ngày. Đó là cách thẩm định đức tin của chúng ta. Bất cứ du khách nào sau một lần viếng thăm nước Mỹ, cũng đều có thể rút ra một bài học. Dù muốn dù không, du khách nào cũng phải thán phục tinh thần làm việc và óc thực dụng của Người Mỹ. Người Mỹ không áp dụng chính sách hay một phát minh mới như một đồ trang sức, mà ngược lại, họ tìm cách ứng dụng vào đời sống thực tế. Chẵng hạn Tê-lê-cân là một thành phố thuộc bang Ca-li-phoóc-ni-a, nổi tiếng vì cảnh đẹp, nhưng họ cũng nổi tiếng vì những phát minh và ứng dụng về điện tử và điện toán. Chỉ trong vòng 15 năm gần đây, thành phố đã trở thành kiểu mẫu của tinh thần thực tiễn của dân Mỹ. Chủ trương kinh tế và kỹ nghệ đi song song với nhau. Do đó, tất cả những ai có phát minh mới đều được các nhà kỹ nghệ đỡ đầu với tất cả mọi giúp đỡ để phát triển và tìm kiếm tiến bộ chung.


Người Kitô hữu có thể nhìn vào đó để làm bài học cho đức tin của mình. Chúng ta có ứng dụng đức tin vào đời sống hằng ngày không ? Chúng ta tin Thiên Chúa là Đấng quan phòng và là Cha nhân từ. Niềm tin ấy có được thể hiện bằng một cuộc sống tin tưởng, lạc quan, phó thác, hân hoan, ngay cả khi gặp gian nan thử thách không ? Chúng ta là tín hữu của Đấng đã sống và đã chết cho tha nhân, và là Đấng dạy chúng ta phải sống yêu thương, bác ái với mọi người. Niềm tin ấy có được thể hiện bằng những việc làm cụ thể của yêu thương, quảng đại, quên mình, tha thứ với mọi người không ? Chúng ta tin có một cuộc sống mai hậu, vĩnh cửu, bất diệt. Niềm tin ấy có được thể hiện bằng những hy sinh phấn đấu không ?


Đức tin của chúng ta chỉ đáng tin cậy, chỉ có giá trị khi được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Giống như cái đèn được đốt lên, cần đặt ở chỗ cao để soi sáng cho mọi người, thì đức tin của chúng ta cũng cần phải được thắp lên chiếu sáng cho mọi người. Nó cần phải được đốt lên một cách liên tục trong cuộc sống hằng ngày.


Cuộc sống mỗi ngày với những độc điệu, phiền toái và thử thách của nó, chính là nơi để chúng ta sống một cách cụ thể niềm tin của chúng ta. Những mối tương quan hằng ngày với những người chung quanh chính là môi trường để chúng ta diễn đạt niềm tin của chúng ta. Xin Chúa cho cả cuộc sống của chúng ta trở thành chứng tích của tình yêu Chúa đối với mọi người. Và xin cho tất cả những ai gặp gỡ chúng ta đều có thể nhận ra được tình yêu của Chúa.

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP.

NIỀM TIN VÀO CHÚA KITÔ PHỤC SINH
Ga 20, 19-31

Chúa nhật thứ 2 Phục sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục khám phá thực tại mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu qua lăng kính của một môn đệ vốn được mệnh danh là "ông tổ thực nghiệm" - Tôma Đyđymô, để xác tín niềm tin vào Chúa Phục sinh cách mạnh mẽ; đồng thời tuyên xưng niềm tin đó cho muôn người.

Tôma "sinh đôi" hay còn gọi là Đyđimô, người làng Galilê, một trong số 12 môn đệ của Chúa Giêsu. Tin mừng nói rất ít về người môn đệ này. Tôma trong Tin mừng Gioan chỉ xuất hiện vỏn vẹn bốn lần, nhưng có đến ba lần ông xuất hiện trong những trường hợp rất đặc biệt, để lại những dấu ấn khó phai mờ.


Lần thứ nhất khi Chúa Giêsu muốn lên đường tiến về Giuđê, về làng Bêtania thăm lại người bạn Ladarô "
đang yên giấc" của Người. Trong khi các môn đệ can ngăn vì cho rằng điều đó hết sức nguy hiểm bởi người Dothái đang tìm cách trừ khử Chúa, thì Tôma dỏng dạc tuyên bố: "Chúng ta cùng đi (lên Giuđê) để cùng chết với Thầy" (Ga 11, 16b). Rõ ràng Tôma là con người rất nhiệt thành, tận tuỵ và dám hy sinh. Tính cách của ông so với các môn đệ kia là rất riêng, rất đặc trưng, nó chứng tỏ ông là con người dám nghĩ, dám nói và dám làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Lần thứ hai trong diễn từ Biệt ly của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu khuyên nhủ các môn đệ đừng xao xuyến và lo lắng vì sự ra đi của Người. Bởi việc Người ra đi là có lợi cho các ông. Người đi để dọn chỗ cho các ông. Các ông vốn không hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì, giờ lại nghe Người "bồi" thêm một câu nữa : "
Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi", làm các ông rối tung cả lên, chả hiểu gì thêm được nữa. Trong lúc các môn đệ vừa buồn phiền vừa chẳng hiểu Thầy nói gì, Tôma lại lên tiếng : "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?" (Ga 14, 5). Câu hỏi của Tôma là nguyên nhân dẫn đến câu trả lời bất hủ của Chúa Giêsu, tóm trọn đạo lý của Thầy : "Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự sống".

Lần thứ ba là câu chuyện sau khi Chúa sống lại. Lần hiện ra đầu tiên, Tôma vắng mặt. Tin mừng không nói lý do nhưng chúng ta có thể hiểu tâm trạng của Tôma cũng như của hầu hết các môn đệ trước biến cố xảy đến cho Thầy. Như hai môn đệ Emmau, chắc hẳn Tôma cũng buồn phiền, lo lắng, thậm chí chạy trốn nữa, nhưng ông không thể rời xa cộng đoàn thân yêu của mình. Chính vì thế, ông đã quay về, ở lại để rồi chứng kiến việc Chúa Phục sinh hiện ra cho riêng cá nhân ông. Nghe các môn đệ thuật lại câu chuyện Thầy sống lại, Tôma thấy có điều gì đó không ổn. Không ổn là bởi vì Tôma cho rằng các môn đệ vì quá thương nhớ Thầy, tâm trí căng thẳng nên sinh ra những tưởng tượng chứ thực tế làm gì có. Theo ông việc này chớ vội vàng, cần phải kiểm nghiệm rõ ràng. Vì thế, ông dỏng dạc tuyên bố chính kiến của mình : "
Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng tin". Các môn đệ khác thì im lặng, đuối lý, còn Tôma thì ra sức chờ đợi và hy vọng...

"
Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". Chúa Phục sinh hiện đến, đáp ứng những đòi hỏi, những lý luận mang tính thực nghiệm của Tôma. Chúng ta thấy phản ứng tức thời của Tôma cũng chính là lời tuyên xưng duy nhất trong Tin mừng như để chuộc lại lỗi lầm vì đã không tin vào điều các môn đệ truyền lại : "Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!". Lời tuyên xưng của Tôma là nguồn cảm hứng được vang vọng trong kinh Tin kính của cộng đoàn Kytô tiên khởi và lưu truyền mãi đến muôn đời. Đây cũng là lời tuyên xưng của một con người tận mắt chứng kiến Đấng từ cõi chết sống lại để rồi trọn đời, Tôma đã sống và đã chết với lời tuyên xưng ấy.

Niềm tin vào Chúa Kytô Phục sinh không phải là một niềm tin ảo tưởng, mụ mẫm, rẽ tiền mà là niềm tin được chính Chúa Phục sinh hiện ra nhiều lần cho các môn đệ và đặt biệt, được chính Tôma "kiểm chứng" bằng phương pháp thực nghiệm rõ ràng. Chính vì thế, chúng ta- những người thừa kế di sản Tin mừng và tiếp nối niềm tin vào Chúa Phục sinh do các môn đệ truyền lại, nguyện sẽ không ngừng sống, loan báo và làm chứng niềm tin đó cho nhân loại.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb (nguồn vietcatholic.org)

1447    28-04-2011 06:28:06