CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN B
Ga 1, 35 - 42
Bài Tin Mừng hôm nay : Ga 1, 35 - 42 trình bày cho chúng ta thấy Gioan và Anrê bước theo Chúa Giêsu,( là những Tông Đồ đầu tiên theo Chúa Giêsu làm thành những Tông Đồ nồng cốt cho 12 Tông Đồ sau này). Nhìn vào ơn gọi của hai ông (sự dấn thân quyết liệt, mau mắn bước theo Chúa Giêsu của hai ông, ) ta thấy được một vài ý nghĩa:
Người đi theo Chúa Giêsu trước tiên là người có lòng muốn
Sống trong xã hội thời đó, giống như những người Do Thái khác, Anrê và Gioan cũng có tâm tình khao khát, các ông trông mong Đấng Thiên Sai đến để giải thoát họ. Hơn nữa hai ông còn muốn "mặt giáp mặt", muốn gặp được Người để thỏa lòng mong muốn. Bởi vì Người là "Chiên Thiên Chúa", là Đấng Thiên Sai, là Đấng Messia mà các ông đợi trông, muốn gặp mặt tự trong cõi lòng. Nên khi nghe Gioan Tiền Hô giới thiệu, Anrê và Gioan tin ngay và liền bước theo Đức Giêsu.
Phần mình, Đức Giêsu muốn hai ông ý thức việc làm của mình, Người muốn các ông xác tín rõ ràng việc đi theo của hai ông: hai ông đi theo Đức Giêsu để làm cái gì ? Người muốn các ông không phải là những người hùa theo đám đông, nghe dư luận, làm theo tiếng nói quần chúng mà không có sự ý thức. Phải có sự phân định ơn gọi rõ ràng, có sự thúc bách tận cõi lòng. Sống có mục đích. Vì thế Người hỏi: "các ngươi tìm gì?"
Đối với mình, vì đã có lòng khao khát, đã có thao thức, đã có để tâm nghe, đã có lòng muốn bước theo nên khi nghe được tiếng Người hỏi, và như bắt được tần sóng, hai ông đã thưa: "Thầy ở đâu?". Lòng muốn của các ông được Đức Giêsu tạo ban cho cơ hội bước theo Đức Giêsu.
Người đi theo Chúa là người có lòng mến Chúa thật sự
Tình yêu Đức Kitô thật mãnh liệt, đã lôi cuốn hai ông. Hai ông đã bỏ Gioan Tiền Hô mà dứt khoát đi theo Đức Giêsu, dám sống dám chết cho Người, dám dấn thân cho Người.
Thế nên nếu ta có thiện chí, có lòng khát khao thật sự, tận thâm tâm, trong cõi lòng của mình để bước theo Chúa như hai ông Anrê và Gioan trong bài Tin mừng hôm nay thì Đức Giêsu sẽ cho ta gặp được chính Người, Người sẽ biến đổi ta. Lòng mến Đức Giêsu thật sự được thể hiện qua cách đáp trả dứt khoát của hai ông.
"Hãy đến mà xem." Khi nghe Đức Giêsu mời gọi, các ông liền mau mắn bước theo Thầy Chí Thánh Giêsu. Và rồi chẳng những hai ông đến xem mà còn ở lại, lưu lại. Nhờ đó hai ông được Đức Giêsu biến đổi. Ở với Đức Giêsu, các ông được sưởi ấm lòng mến, thắp thêm niềm tin, đón nhận được nguồn bình an cần thiết, được bồi bổ tình yêu. Hơn nữa các ông còn được học biết cách sống của Người: yêu người, yêu Thiên Chúa, biết cầu nguyện, sống đời sống mới. Qua cách bước theo của các ông, chúng ta nhận thấy việc theo Chúa không phải là việc theo thời " người ta đi theo thì mình cũng đi" hay vì tình cảm ham thích nhất thời " ngày một, ngày hai" ,thích hùa theo dư luận cho vui,..nhưng quan trọng phải chú ý tới là: ý thức việc theo Đức Giêsu của mình là gì?. Việc theo Đức Giêsu phải thật sự dựa trên lòng mến chân thánh, tha thiết, trọn vẹn.
Người theo Chúa là người biết lắng nghe và đáp lại ý Chúa
Động cơ theo Đức Giêsu thiết yếu dựa trên việc người môn sinh dõi theo tiếng Chúa , ý muốn của Chúa, muốn thực hiện điều Đức Giêsu muốn. Do đó ta phải chuyên chăm cầu nguyện, cầu nguyện liên lĩ, cầu nguyện không ngừng. Khi ta mở lòng mình ra để chìm sâu vào trong ơn Chúa, chìm sâu vào sự hiện diện huyền nhiệm của Đức Giêsu trong cõi lòng mình, thì trí ta, lòng ta sẽ sáng suốt nhận thấy được điều Người muốn, để ta thực thi và chỉ muốn làm đẹp lòng Người mà thôi. Và khi đó ta không còn mong làm điều mình muốn nữa mà là mong muốn thực thi thánh ý Chúa. Nên là người Kitô hữu, ta hãy hoàn toàn dấn thân, toàn tâm toàn ý, đem hết cả tâm trí để bước theo Đức Giêsu, ta sẽ để Người dùng quyền năng theo cách của Người thực hiện chương trình cứu độ qua cuộc đời chúng ta.
Hôm nay Chúa cũng đang mời gọi chúng ta theo Chúa qua Hội Thánh. Chúng ta hãy thành tâm đáp lại lời mời gọi của Chúa. Tuy nhiên cũng giống như các môn đệ, kẻ được mời gọi không dừng lại ở người trung gian mà phải vượt lên tất cả, trực diện với chúa, sống với Chúa, ở lại với chúa. Đây là công việc của mỗi cá nhân mà không ai thay thế . Bên cạnh đó, đến với Chúa, người môn đệ trở thành nhân chứng cho người anh em xung quanh. Chúng ta có trách nhiệm giúp họ, nói về Chúa cho họ, chỉ cho họ về với Chúa. Đó còn là bổn phận cấp thiết cho chúng ta .
Xin Chúa cho chúng ta biết can đảm bước theo Chúa và dám sống cho Chúa.
LẠY THẦY, THẦU Ở ĐÂU
Ga 1, 35 - 42
Anh chị em thân mến,
Trong sách Các Vua quyển 2 có kể câu chuyện: Naaman, vị tướng chỉ huy quân đội của vua Aram, ông là người có tài, có uy tín trước mặt nhà vua; nhưng ông phải khổ sở vì bệnh cùi. Một đầy tớ gái người Israel mà họ bắt được, đang phục dịch cho ông, cô nói: "Phải chi ông chủ gặp được vị tiên tri ở Samaria, vị này chắc sẽ chữa cho ông khỏi bệnh cùi." Naaman đã xin vua Aram giới thiệu cho mình sang Israel, nhờ vị tiên tri (là Êlisêô) chữa bịnh. Naaman đã ra đi, tin theo lời giới thiệu của đầy tớ gái. Cuối cùng ông cũng đã được lành bệnh (sách Các Vua, q. 2, ch 5).
Hai môn đệ của thánh Gioan Tiền hô, đã tin lời giới thiệu của ông, nên đã đi theo Chúa Giêsu. Kết quả, nhờ lòng tin đó, họ gặp được Đấng Cứu thế và đã trở nên môn đệ của Chúa. Đây chính là đề tài chúng ta suy niệm hôm nay...
a/. Anh chị em thân mến, bài Tin mừng hôm nay có hai điều làm chúng ta suy nghỉ: một là lời giới thiệu của thánh Gioan cho 2 môn đệ mình và thái độ của họ. Hai là mời gọi của Chúa Giêsu "hãy đến mà xem" và thái độ đón nhận của họ:
Gioan giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ mình : Đây là Chiên Thiên Chúa...Các ông nghe nói liền tin và đi theo Chúa Giêsu:
Trên đời này, người ta ai ai cũng muốn đi tìm cái hơn: muốn giàu có hơn, học giỏi hơn, có vợ có chồng sang hơn...Thật không may, con số nhiều người trên đời, chỉ biết đi tìm vật chất bằng mọi giá, ngay cả bằng thủ đoạn bất chính nữa. Xem ra chỉ có số ít là muốn đi tìm giá trị tinh thần cao cả hơn. Đó chính là các môn đệ của Chúa Giêsu. Hai môn đệ của thánh Gioan trong câu chuyện hôm nay đã cư xử như thế. Họ đã không ngần ngại bỏ thầy mình để đi tìm chân lý. Thái độ bỏ thầy mà theo Chúa Giêsu, có thể đuợc coi như một hành động dứt khoát với quan niệm sai lạc về Đấng Mêsia xưa nay của người Do thái. Chính vì lẻ đó, Chúa quay lại hỏi họ: Các ông tìm gì? Có nghĩa: Tại sao các ông không đi tìm các bậc thầy của Do thái, để học hỏi làm môn đệ? Tại sao và tại sao? Các ông lúc này cũng chưa hiểu Chúa bao nhiêu, nhưng vì tin vào lời giới thiệu của thầy mình là thánh Gioan, nên họ sẵn sàng đến với Chúa.
Chính hai môn đệ này là những người đã tin, nên đã lên đường trước, đến với Chúa Giêsu, nên đáng được Chúa thưởng công lớn lao: là cho họ trở nên những tông đồ tiên khởi.
Chúa nói với hai môn đệ: "Hãy đến mà xem!" Họ đã đến và ở lại với Chúa Giêsu ngày hôm đó:
Chúa Giêsu muốn hai môn đệ đầu tiên có kinh nghiệm về cuộc sống, về Lời giảng dạy của mình, nên đã mời họ đến gặp gở Chúa. Chính các ông đã vui lòng đáp lại lời mời gọi của Chúa. Phúc âm ghi rõ: "họ đã đến và ở lại với Chúa Giêsu ngày hôm đó." Ở lại với Chúa Giêsu, cùng một nhà với Chúa, những câu nói này cũng đồng nghĩa với việc muốn đuợc tham dự vào sự sống, vào nguồn hạnh phúc, muốn chia vui xẻ buồn với Chúa. Thực ra lúc này đây, các ông cũng không hiểu rõ lắm việc mình làm; chỉ có một điều chắc chắn ta không bỏ qua được, đó là chính các ông đã tỏ ra rất tích cực, sẵn sàng cộng tác với Chúa, dù rằng các ông không biết sẽ làm gì và như thế nào. Chắc chắn chính vì điểm này mà Chúa đã chọn các ông như lời Chúa nói: "Tôi sẽ làm cho các anh nên những kẻ lưới người."
Thánh Augustinô đã nói: 'Chúa dựng nên con, không cần có con; nhưng Chúa cứu chuộc con lại cần có con...Rõ ràng Chúa dựng nên ta không cần hỏi ý ta, nhưng khi cứu chuộc ta, Chúa lại muốn ta cộng tác vào; như thế con người mới thực sự tự do và lập nên công nghiệp trước mặt Thiên Chúa...
b/. Câu chuyện: Một cha xứ hỏi một nguời vợ công giáo trẻ (cô này theo đạo chồng): lý do nào mà cô theo đạo. Cô trả lời: Con là một phật tử, dù chỉ có danh mà thôi; nhưng con lại rất ghét đạo công giáo. Dĩ nhiên, từ nhỏ con không hiểu chút nào về đạo này. Khi lập gia đình với chồng con là người công giáo, con vì yêu anh lắm nên buộc lòng phải giữ đạo, để được sống chung với anh. Chồng con không giàu có, nhưng anh có cuộc sống tốt, anh có đức tin mạnh mẻ làm mọi người quí mến. Với anh, đức tin là điều quan trọng hơn hết. Cũng chính vì đó con thấy rằng: " hể yêu anh, con cũng phải yêu cả những gì chồng con có. Chồng con có đức tin mạnh mẻ, con cũng muốn có đức tin như chính chồng con vậy"
Câu chuyện của người vợ này thật đáng khen, y như câu ông bà mình nói: "yêu nhau yêu cả lối đi." Người vợ này vì yêu chồng, nên cũng yêu cả lối sống của chồng nữa. Điễm này quá giống với các môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay...
c/. Gợi ý sống và chia sẻ:
Chúa Giêsu kêu gọi các tông đồ: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến ngay với Chúa, và còn ở lại với Chúa ngày hôm ấy nữa. Cuộc đời ta, bao nhiêu lần ta được mời ta đến với Chúa, qua Bí tích rửa tội, qua lời giảng dạy của bề trên, qua các Bí tích, nhất là BT Thánh thể, qua anh em xung quanh, ta có sẵn sàng đến và ở lại với Chúa trong những dịp đó không?
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN
Ga 1, 35 - 42
Anh chị em thân mến.
Có một người đạo đức sau bao nhiêu năm tu thân tích đức, giờ đây ông ta muốn tìm một tôn giáo để hướng dẫn đời sống tâm linh. Nhưng ông ta tìm mãi vẫn không được. Một hôm, ông nhìn thấy bóng Thánh Giá của một tháp nhà thờ từ xa xa, ông thắc mắc về biểu tượng và ý nghĩa của Thánh Giá. Một cụ già giải thích: Đó là biểu tượng của đạo công giáo, vì một người đã hy sinh chịu chết trên Thánh Giá, để cho tất cả mọi người được sống. Ông ta gật đầu trầm ngăm suy nghĩ và xin cụ già dẫn đến nhà thờ.
Trên đường đi ông ta rất vui mừng và hồi hộp như vừa khám phá ra một chân lý mới. Đi được một lúc cụ già mới nói cho ông biết là đã bước vào ranh giới của họ đạo. Ông ta hơi ngở ngàn, vì ông ta nhìn thấy những quán nhậu bên đường, đang có nhiều người trong đó: có nơi thì ồn ào to tiếng, có nơi thì nói những lời không được đẹp cho lắm, có nơi thì chẵng những to tiếng mà thôi, nhưng còn dùng cả đến tay chân để rồi rược đuỗi nhau làm náo động cả đường phố.
Đi một quảng nữa, ông ta nhìn thấy những sòng bài, có nhiều người tụ tập chung quanh.
Đi tiếp tục, ông nhìn thấy những đứa trẻ đang chơi. Nhưng cái đơn sơ hiền dịu đâu không thấy, mà chỉ nghe những lời cọc cằng thô lỗ chưởi bới nhau.
Ông ta bèn lắc đầu rút lui, không tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm nữa. Ông ta rút lui với một nỗi thất vọng; Thất vọng vì những điều ông nhìn thấy trước mắt. Nếu ông chịu đi thêm một chút nữa để đến nơi mà ông muốn đến, chắc là ông không đến nỗi thất vọng như thế. Như vậy việc ông thất vọng bỏ đi đó, trách nhiệm thuộc về ai ? - Thuộc về chính ông ta. Nhưng còn thuộc về cả những điều mà ông đã nhìn thấy.
Các môn đệ thật may mắn, các ông đã được một người dẫn dắt tuyệt vời là Gioan Tẩy Giả. Chẵng những chỉ bằng lời nói, nhưng đi đôi với cả đời sống và hành động. Khi các môn đệ đến với Chúa Giêsu, các ông còn được kêu mời: "Hãy đến mà xem". Ngài chẵng bảo gì hết, Ngài cũng chẵng đòi hỏi gì. Ngài chỉ nói : Hãy xem đi và quyết định cho cuộc đời của mình. Các ông đã nhìn xem cuộc đời của người giới thiệu, giờ đây các ông lại nhìn xem đời sống Đấng mà các ông được giới thiệu. Chính những điều các ông nhìn thấy đã thay đỗi cả cuộc đời các ông, và cũng đã làm cho cuộc đời các ông hoàn toàn mới.
Các ông đã nhìn thấy, nên các ông đã can đảm từ bỏ tất cả để bước theo Đấng mà mình đã thấy. Các ông cũng đã công bố, đã rao giảng, các ông còn dám dùng chính mạng sống minh chứng điều mình đã rao giảng, để cho bao nhiêu người nhìn thấy.
Ngày nay trên thế giới, được bao nhiêu người nhìn biết Thiên Chúa ? Chỉ khoản 1/3 dân số thế giới. Còn Việt Nam chúng ta ? - Không được 1/10.
Chúng ta là người công giáo, được biết Chúa rất lâu. Chúng ta đã được giới thiệu không phải chỉ bởi những con người tầm thường, nhưng chính Con Thiên Chúa tự giới thiệu Mình cho chúng ta. Con Thiên Chúa không chỉ mời gọi chúng ta nhìn xem chỗ Ngài ở mà thôi, nhưng Ngài còn cho chúng ta nhìn thấy bao nhiêu việc làm biểu lộ tình yêu thương của Ngài. Cái chết trên thập giá là tột đỉnh của tình yêu thương bao la đó. Vậy mà. . . Mỗi người thử nhìn lại mình xem. Những bước chân mà chúng ta bước theo Ngài như thế nào ? Có phải là những bước chân dứt khoát - Hay chỉ là những bước chân nữa vời, chờ có dịp là vội rút lại ngay. Cuộc đời chúng ta ngày hôm nay có gì là mới mẽ tốt đẹp hơn không ? Hay cũng vẫn còn là con người cũ và vẫn bước đi trên con đường cũ của bao nhiêu n#m xưa: Con đường của sự ương lười và chỉ biết hưởng thụ cách ích kỷ. Bao nhiêu người chung quanh, họ nhìn thấy được gì, chúng ta có dám mời gọi họ hãy đến mà xem cách sống của mình không? Chúng ta mời gọi người khác đến với Chúa, không chỉ bằng lời nói suông, nhưng phải bằng chính đời sống tốt đẹp và gương mẫu của một người biết yêu thương, với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Mọi người nhìn vào gia đình chúng ta, làm sao để họ có thể nhìn thấy được Chúa Kitô đang hiện diện thật sự. Đó là cách chúng ta mời gọi, rao giảng, minh chứng cho mọi người để họ đến với Thiên Chúa. Đó cũng là cách chúng ta bước theo Lời mời gọi của Chúa thật sự.
Xin Chúa cho chúng ta biết can đảm bước theo Chúa và sống đúng với những gì mình đã biết.
CÁCH THỨC THIÊN CHÚA KÊU GỌI CON NGƯỜI
Ga 1,35-42
Bài Sách Thánh trích từ Sách Sa-mu-en thuộc phần Cựu Ước và bài Phúc Âm theo thánh Gioan của Chúa Nhật thứ 2 Mùa Thường Niên hôm nay có một tương quan hết sức mật thiết. Bài Sách Thánh trình bày câu chuyện cậu học trò Sa-mu-en được Chúa kêu gọi làm Tiên Tri, còn trong bài Phúc Âm thánh sử Gioan tường thuật lại ơn kêu gọi hai môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu, mà một trong hai người môn đệ đó là chính tác giả của bài Phúc Âm.
Ðiều quan trọng khiến chúng ta không thể bỏ qua được trong hai bài tường thuật về ơn gọi của cậu học trò Sa-mu-en cũng như của các môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu là sự can thiệp của một đệ tam nhân, của người làm trung gian. Vâng, trong ơn gọi của Sa-mu-en chính là Thầy Cả Thượng Phẩm Hê-li, người mà cha mẹ Sa-mu-en đã trao phó con trai mình để ngài giáo dục và dẫn dắt cậu trên đường hiến dâng cho Thiên Chúa. Một hôm đang ngủ, Sa-mu-en bỗng nghe như có ai gọi tên cậu và cậu liền chạy lại cùng Thầy Cả Hê-li ngay và thưa: «Này con đây, Thầy đã gọi con!» Thầy Cả Hê-li biết ngay là Thiên Chúa gọi cậu bé nên đã cho cậu về phòng và căn dặn hãy cứ tiếp tục mau mắn và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi như thế. Vậy, Thầy Cả Hê-li đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Thầy Cả đã dầy công dạy dỗ và dìu dắt Sa-mu-en trở thành ngoan ngoãn thuần thục, để chuẩn bị sẵn sàng cho sứ mệnh từ Trời Cao giao phó. Nay thời giờ cho sứ mệnh đó đã điểm, một Ðấng Cao Cả hơn muốn đòi lại cậu bé Sa-mu-en và Thầy Cả Thượng Phẩm Hê-li đã dâng hoàn trả lại cậu bé cho Ðấng Cao Cả đó.
Còn trong bài tường thuật của Phúc Âm, Gioan Tiền Hô cũng đã cảm nghiệm được rằng sứ mệnh huấn luyện đoàn môn đệ đang luôn vây quanh ngài đã đến lúc hoàn tất. Một Ðấng khác cao cả hơn ngài đã đến và cũng chỉ vì Ðấng đó mà ngài đã huấn luyện đoàn môn đệ kia bấy lâu. Nay đã đến lúc ngài phải trao trả lại các môn đệ cho Ðấng đó. «Kìa là Con Chiên Thiên Chúa», Gioan Tiền Hô đã chỉ tay về phía Ðức Giêsu và giới thiệu cho hai người môn đệ như thế khi ngài thấy Ðức Giêsu đang đi ngang qua trước mặt mình. Và hai người môn đệ đã hiểu được ngay lời thầy mình: «Hai người môn đệ nghe ông nói và liền theo Ðức Giêsu.»
Qua sự diễn biến về ơn gọi của Sa-mu-en và của hai người môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu, chúng ta khám phá ra được đường lối của Nước Thiên Chúa, hay nói cách khác, cách thức hành động của Thiên Chúa. Ðó là không một ai được kêu gọi trực tiếp dâng hiến phụng sự Thiên Chúa hay làm môn đệ Ðức Giêsu, nhưng đương sự phải nhờ vào đời sống đức tin có ấn tượng mạnh mẽ, gương sống đạo sâu sắc và sự tận tâm giúp đỡ của đệ tam nhân, của đồng loại khác. Dĩ nhiên, sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, giữa Ðức Giêsu và người môn đệ là một điều hoàn toàn mang tính cách cá nhân. Vâng, tiếng «xin vâng» đáp lại lời kêu mời của Thiên Chúa, tiếng «xin vâng» của đức tin và của lòng tuân phục đối với Thiên Chúa, không một ai có thể làm thay cho người khác được. Ðó là ngưỡng cửa mà mỗi người phải tự bước qua với tất cả ý thức trách nhiệm. Thế nhưng, khoảng cách trên đoạn đường tìm về ngưỡng cửa đó, chúng ta cần phải có sự hướng dẫn của bao người khác, những người đã đi trước và đã bước qua ngưỡng cửa đó trước chúng ta, những người đã có đầy đủ kinh nghiệm về Thiên Chúa như Thầy Cả Hê-li; và những người được gửi tới để làm bạn đường hướng dẫn chúng ta, như Gioan Tiền Hô: Cha mẹ, các cha linh hướng, các thầy cô và bạn bè tốt, v.v...
Vâng, Ơn gọi sống đức tin là một ơn nhưng không của Thiên Chúa ban, và «Thánh Thần hoàn toàn tự do, muốn thổi đâu tuỳ ý», tuy nhiên ảnh hưởng và sự dìu dắt nâng đỡ của kẻ khác cũng hầu như là một điều kiện tất yếu trong Ơn Gọi vậy. Cũng như, không hẳn là một thửa đất đã được cày bừa thuần thục là sẽ được bác nông dân gieo hạt giống tốt vào đó, nhưng điều kiện để bác nông dân gieo hạt giống của mình vào thửa đất là trước hết thửa đất phải được cày bừa và sửa soạn thuần thục trước đã.
Tiếp đến, Sa-mu-en sẽ không bao giờ quên Thầy mình là Hê-li, hai Tông đồ Gioan và An-rê cũng sẽ không bao giờ quên sư phụ đầu tiên của các ngài là Gioan Tiền Hô. Cũng vậy, chúng ta không bao giờ được phép quên ơn những người đã dạy dỗ, đã giúp đỡ chúng ta trong việc nhận biết Thiên Chúa, biết khám phá ra và đầy tin yêu đáp lại tiếng Người mời gọi chúng ta, dù cho đã xảy ra trong tuổi thơ qua đường lối vâng lời đơn sơ như trường hợp cậu bé Sa-mu-en, hay qua những thăm dò và tìm hiểu dè dặt của các thanh thiếu niên trưởng thành như trong trường hợp của các môn đệ Gioan Tiền Hô. Mỗi người hành động tương tự theo lứa tuổi và cách thức của mình như thế đều đúng và đều quan trọng. Tuy nhiên, trường hợp thứ hai cần phải nối tiếp, đổi mới và đào sâu trường hợp thứ nhất, nói cách khác, sau khi tìm hiểu Ơn Gọi của mình, con người còn phải biết đơn sơ phó thác đáp lại tiếng Chúa, biết đơn sơ tin tưởng vâng theo Thánh Linh Chúa hướng dẫn. Bởi vậy, bạn đừng coi thường đức tin đơn sơ của tuổi thơ, nhưng bạn cũng đừng ngạc nhiên khi một ngày nào đó đức tin đơn sơ của tuổi thơ được thay thế bằng đức tin có ý thức và đầy thâm tín của người trưởng thành. Cả hai giai đoạn đều cần thiết và đều bổ túc cho nhau.
Vâng, nếu ngày nay bạn là một người trưởng thành với đời sống đức tin sống động, là do đức tin đó đã ăn rễ sâu trong con người bạn từ tuổi thơ rồi. Nhưng cả hai giai đoạn đó của đức tin - trong tuổi thơ và tuổi trưởng thành - đều cần đến sự nâng đỡ và hướng dẫn của kẻ có kinh nghiệm trong vấn đề.
Dĩ nhiên mỗi giai đoạn mỗi khác. Cách thức hướng dẫn của thầy cô ở nhà trường, của các giáo lý viên hay của cha xứ ở các lớp giáo lý khác với sự chỉ dạy của cha mẹ ở nhà khi các ngài lần đầu tiên dạy cho bạn biết kêu tên Chúa hay dạy cho bạn cách giơ tay làm Dấu Thánh Giá, v.v.. Cũng vậy, cách thức hướng dẫn của Thầy Cả Hê-li đối với bé Sa-mu-en không giống thái độ của Gioan Tiền Hô đối với hai môn đệ trưởng thành của ông. Thầy Cả Hê-li dạy bé Sa-mu-en: Con hãy làm như thế này. Còn Gioan Tiền Hô lại sử dụng một phương pháp khác: Ông chỉ giới thiệu và cho các môn đệ thông tin về Ðức Giêsu: «Kià là con Chiên Thiên Chúa».
Cả hai trường hợp, Thầy Cả Hê-li và Gioan Tiền Hô đều nhằm cùng một mục đích: Trao trả những người được giao phó cho mình lại cho Ðấng Cao Cả hơn, vì sứ mệnh của các ngài là sống và hướng dẫn dạy dỗ kẻ khác cho Ðấng đó mà thôi.
Ðàng khác, qua thái độ sống gương mẫu và cách thức thực thi tốt sứ mệnh được giao phó cho mình của Hê-li và của Gioan Tiền Hô, chúng ta cảm nhận được rằng thật không gì đẹp đẽ và cao quí hơn là được hướng dẫn và giúp đỡ kẻ khác trên con đường dẫn tới Ðức Kitô. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải học nơi các ngài là khi nào phải biết can đảm chấm dứt sứ mệnh đã nhận lãnh, khi nào phải rút lui khỏi chức vụ và nhiệm sở đã được trao phó, để nhường lại cho người kế vị và nhất là trao trả lại cho Thiên Chúa. Không phải tất cả các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, các vị Linh mục, v.v... đã xử sự như Thầy Cả Hê-li và như Gioan Tiền Hô. Nhưng, hoặc họ quá dính bén một cách trần tục vào chức vụ thiêng liêng, hoặc họ chỉ muốn các thụ nhân của họ phải luôn lệ thuộc và phải luôn nhờ đến sự chăm sóc giúp đỡ của họ.
Họ quên rằng một chương trình giáo dục chỉ được coi là thành công khi người thụ nhân trưởng thành, tự có thể tìm ra cho mình một hướng đi riêng độc lập và không còn cần đến sự hướng dẫn của nhà giáo dục nữa. Cũng vì thế, khi người thanh niên tự chọn cho mình một con đường sống khác với sự dự định và lòng mong muốn của chúng ta - là cha mẹ, cha linh hướng và các nhà giáo dục - thì chúng ta phải tôn trọng sự tự do đó.
Mỗi người đều được tự do thờ phượng Chúa theo cách thức của mình. Mỗi người đều được tự do chọn lựa cho mình con đường tìm đạt hạnh phúc. Chúng ta phải tôn trọng sự lựa chọn đó, cả khi chúng ta tin chắc rằng sự lựa chọn đó hoàn toàn khác với sự hướng dẫn chính đáng của chúng ta và sẽ không dẫn tới Thiên Chúa, thì điều chúng ta vẫn cần phải làm là hãy tôn trọng sự tự do đó. Vì không ai được phép ép buộc người khác phải chạy đến cùng Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cũng không ép buộc bất cứ ai phải đến với Người. Nếu không, mọi sự sẽ đưa tới một hậu quả tồi tệ hơn.
Quả vậy, chúng ta hãy quan sát xem chính Ðức Giêsu đã tôn trọng sự tự do của hai người thanh niên là Gioan và Anrê đang tìm đến với Người một cách nhã nhặn như thế nào: «Các anh muốn tôi giúp được gì cho các anh đây?» Người hoàn toàn để hai chàng thanh niên được tự do trình bày ý nguyện của họ: «Thưa Thầy, nhà Thầy ở đâu?», nghĩa là họ muốn nói: Trước hết chúng tôi chỉ muốn có những thông tin chắc chắn về Thầy đã! Ðối lại, Ðức Giêsu cũng chỉ cho tin một cách hết sức khách quan, chứ không khuyến dụ hay lôi kéo hai anh: «Các anh hãy tới xem cho biết», và «họ đã đi với Người và đã nhìn thấy nhà người đang ở, và họ đã ở lại đó với Người cho hết ngày hôm đó». Sau rất nhiều năm, vị thánh sử và đồng thời cũng là người môn đệ còn ghi rõ: «Ðó là vào giờ thứ mười». Chính đó là giờ mà lần đầu tiên trong đời anh đã bước qua ngưỡng cửa nhà Ðức Giêsu và đã được làm quen với Người. Ðiều đó nói lên rằng suốt đời anh sẽ không bao giờ quên những giờ phút hạnh phúc được sống với Đức Giêsu.
Sau cùng, để có thể cảm nghiệm được cuộc gặp gỡ với Ðức Giêsu đã nung nấu, động viên và thay đổi được con người của hai chàng thanh niên đó như thế nào, chúng ta hãy nhìn vào thành quả của buổi gặp gỡ: Chỉ mấy ngày sau đó, An-rê đã tìm gặp em mình là Simon và dẫn chàng đến gặp Ðức Giêsu. Qua sự kiện đó, đường lối căn bản cố hữu của Thiên Chúa lại được sử dụng ở đây, là người này hướng dẫn người kia tới cùng Người, kẻ này giúp đỡ kẻ nọ tìm gặp được Người, và cứ thế mãi! Vậy để thử nghiệm xem đức tin của chúng ta có còn sống động hay không và liệu chính chúng ta đã bước qua ngưỡng cửa để vào nhà Ðức Giêsu hay chưa, chúng ta hãy tự hỏi lòng mình là chúng ta đã nỗ lực thực thi đường lối cơ bản của Nước Thiên Chúa, tức đưa dẫn người khác đến cùng Ðức Giêsu hay không!
Lm Nguyễn Hữu Thy
Ngay ngày hôm sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan (Ga 1,35) Chúa Giêsu bắt đầu tuyển chọn những môn đệ đầu tiên như chúng ta đọc trong bài Phúc Âm hôm nay. Đang đứng với hai môn đệ mình, Gioan thấy Chúa Giêsu đi ngang qua thì nói với họ: "Đó là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ ấy là Anrê, người khác nữa thì thánh Gioan không nói nhưng dựa theo Nhất Lãm (Mt 4,18; Lc 5,10-11; Mc 1,16 và Ga 1,42), chúng ta biết môn đệ đó là Simon (Phêrô) đã bỏ Gioan Tiền Hô mà đi theo Chúa (Ga 1,37). Gioan không ngăn cản cũng không hỏi tại sao lại bỏ đi. Điều đó chứng tỏ Gioan rất bằng lòng và còn muốn cho các môn đệ mình đi theo Chúa Giêsu. Đúng như cương vị của một tiền hô, Gioan muốn giới thiệu cho mọi người tìm tới Chúa Giêsu chứ không giữ họ lại cho mình như người đã nói: "Ngài cần phải được lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ bé đi" (Ga 3,30). Khi ở trong ngục Gioan vẫn sai các môn đệ đến để được Chúa Giêsu dạy dỗ. Và Chúa đã khen Gioan là người lớn nhất trong Cựu Ước (Mt 11,2-11).
Lời Gioan giới thiệu Chúa Giêsu: "Đây là Chiên Thiên Chúa". Đó là hình ảnh chỉ về Chúa Giêsu trong vai trò tế lễ và đền tội như tiên tri Isaia đã báo trước về Ngài rằng: "Bị tra tấn, Ngài đã chịu đựng và không mở miệng như con chiên bị đem đi giết" (Is 53,7). Khi đi theo Chúa Giêsu các môn đệ này chỉ hỏi Ngài một câu rằng: "Thầy ở đâu?" (Ga 1,3-8). Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp mà chỉ nói: "Hãy đến mà xem". Họ đã tới và ở lại với Ngài luôn (Ga 1,39).
Để làm môn đệ Chúa, tất cả mười hai vị cũng đã bỏ hết mọi sự kể cả cha, mẹ, vợ con và tức khắc đi theo Chúa, để Chúa ở đâu, đi đâu, thì cũng ở đó, đi đó: "Có sướng cùng hưởng có họa cùng chịu". Đó chính là tinh thần của kẻ theo Chúa và cũng là điều kiện Chúa đòi buộc: "Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác Thánh giá mà theo Ta" (Mc 8,34). "Kẻ nào đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ anh chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ Ta" (Lc 14,26). Có họa cùng chịu nhưng cũng sẽ có sung sướng cùng hưởng: "Phàm ai bỏ cha mẹ vợ con ruộng vườn vì Ta thì sẽ lại được gấp trăm" (Mt 19,29). Và "khi con người được vinh hiển thì sẽ được ngồi trên mười hai ngai vinh hiển mà xét xử 12 chi tộc Israel" (Mt 19,28). Muốn theo Chúa mỗi người chúng ta cũng phải làm như vậy mà tất cả mọi người chúng ta đều là môn đệ Chúa đã chọn để chu toàn những sứ mệnh riêng trong đấng bậc của mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, tuần này con sẽ nhìn lại sứ mạng làm tông đồ Chúa đã trao phó cho con và quyết thực hiện những điều kiện Chúa đòi hỏi.
Lm Bênađô Nguyễn Tiến Huân
Nguồn vietcatholic.org
1249 13-01-2012 16:54:54