Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Chúa Nhật II Thường Niên A_1

Hiền Lành và Khiêm Nhường

Chúa Nhật II Thường Niên A

Để Đến Với Chúa

Tôi Xin Làm Chứng: Người Là Con Thiên Chúa

Tình Yêu Hiến Dâng

Sự Thật

Sứ Mệnh Của Chiên Thiên Chúa

Sống Đời Chứng Nhân

Được Biết Chúa Nhờ Lời Giới Thiệu

GIỚI THIỆU BẰNG KINH NGHIỆM SỐNG
Ga 1, 29 - 34

Hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông hay qua người này người kia chúng ta nhận được nhiều sự giới thiệu khác nhau. Có khi chúng ta nhận được sự giới thiệu về con người. Cũng có khi chúng ta nhận được sự giới thiệu về đồ vật. Những lời giới thiệu ấy hầu như là những lời tốt đẹp. Dầu vậy, thực chất nhiều khi những con người hay những sự vật ấy lại làm cho chúng ta hoàn toàn thất vọng. Bởi lẽ, những lời giới thiệu ấy chỉ được truyền qua từ người này sang người nọ. Cho nên mức độ chính xác nhiều khi không còn được bảo đảm. Nói cách khác những lời giới thiệu ấy được truyền đi vì không bằng chính kinh nghiệm sống. 

Đoạn Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh những lời giới thiệu của Thánh Gioan về Chúa Giêsu cho một số tư tế và mấy thầy Lêvi. Họ đến hỏi ông có phải là Đấng Kitô không. Ông xác nhận với họ ông không phải là Đấng Kitô mà chỉ là người dọn đường cho Ngài. Và mở đầu đoạn Tin mừng hôm nay chúng ta thấy: "Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian" (Ga 1, 29)

Đây là lời giới thiệu đầy xác tín của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là Đấng đến đem ơn cứu rỗi đến cho toàn thể nhân loại. Người là "con chiên" vô tội đến gánh tội thay cho cả trần gian đầy tội lỗi. Tuần trước với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta đã được Chúa Cha giới thiệu cho biết Chúa Giêsu  chính là Con yêu dấu của Ngài. Vì qua biến cố ấy Chúa Giêsu chính thức ra đi thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó. Sứ mạng ấy là loan báo Tin mừng và đem sự giải thoát đến cho nhân loại.

Người ta thường nói: Không ai cho cái mình không có. Đúng vậy, qua thời gian ăn chay nhiệm nhặt trong hoang địa Thánh Gian đã được Thiên Chúa soi sáng cho biết mình phải làm gì để dọn đường cho Đấng Cứu Thế Giêsu. Do đó, những lời giới thiệu của Thánh Gioan là sự thật vì phát xuất từ kinh nghiệm sống thiêng liêng quý báu của mình.

Một trong ba sứ mạng của những người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội là tiên tri. Với sứ mạng này chúng ta được mời gọi giới thiệu về tình yêu của Chúa Giêsu cho những người xung quanh. Làm sao có thể giới thiệu về Chúa cho được nếu chúng ta không có hay chưa có kinh nghiệm sống thiêng liêng về Người. Muốn có được kinh nghiệm sống thiêng liêng về Chúa Giêsu không cách nào khác đòi hỏi chúng ta phải thật sự gắn bó với Người. Siêng năng lãnh nhận các Bí tích nhất là Bí Thánh Thể là phương thế tốt nhất để chúng ta có được kinh nghiệm sống thiêng liêng về Chúa Giêsu. Nhờ đó, qua cách sống của mình chúng ta mới thật sự có được những lời giới thiệu sống động về Người cho anh chị em xung quanh.

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Ga 1, 29-34

Mỗi hình ảnh, mỗi cụm từ đều mang một ý nghĩa nào đó. Mỗi câu chuyện, mỗi dụ ngôn, mỗi huyền thoại cũng đều nói lên một sứ điệp nào đó. Cụm từ "Con Chiên" trong Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay là hiện thân của sự thật. Sự thật là Đấng cứu thế đã hiến thân vì nhân loại như lời Người đã tuyên bố: "không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15,13). Đấng cứu thế là Đức Giêsu Kitô mà Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với môn đệ ông: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian" (Ga 1,29). Chiên Thiên Chúa gợi lên hình ảnh của chiên vuợt qua, chiên xoá tội, chiên hiền lành và khiêm nhường như Isaia đã nói về người tôi tớ đau khổ.

- Chiên Vượt qua: Biến cố Thiên Chúa sát hại các con đầu lòng người Aicập nhưng không sát hạt các con đầu lòng người Do thái nhờ dấu máu chiên bôi trên cửa.

- Chiên xoá tội: con chiên gánh tội của dân. Vị tư tế đặt tay trên đầu con chiên với ngụ ý đem hết tội lỗi của dân đặt trên mình con chiên và sau đó đánh đuổi nó vào sa mạc.

- Sau cùng, hình ảnh trung thực nhất về Đấng cứu thế là hình ảnh người tôi tớ đau khổ. "Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca. Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người không mở miệng kêu ca" (Is 53,6-7). Đây là điều mà Gioan tẩy Giả muốn giới thiệu và ám chỉ tới "người tôi tớ hiền lành và khiêm nhường".

Nhiều người quan niệm rằng: Thiên Chúa đã cứu chuôc chúng ta nên chúng ta có phạm tội đến đâu Chúa cũng tha. Họ nghĩ Chúa đã tha thư rồi nên mình chẳng cần phải làm gì. Con thiên Chúa xuống thế làm người cứu chuộc chúng ta không phải bằng cách gánh tội thay cho chúng ta để rồi ta chỉ "ngồi chơi xơi nước". Chúa không đối xử với ta như một đứa trẻ nhưng đối xử với ta như một người trường thánh có ý thức, tự do và ý chí. Ngài cứu chuộc chúng ta bằng cách mở cho chúng ta con đường dẫn tới Thiên đàng. Đó là con đường Giêsu, "Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống". Bất cứ ai tin và theo lối ấy thì đạt tới Thiên đàng. Suy nghĩ và cầu nguyện, tôi thấy con đường này có hai đặc điểm, cũng là những gì Gioan tẩy giả đã giới thiệu cho chúng ta: con đường hiền lành và khiêm nhường; "các ngươi hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng".

-         Hiền lành không có nghĩa là nhu nhược. Nhưng hiền lành là không lấy ác báo ác, không làm ngơ trước điều ác nhưng hãy lấy yêu thương mà đối xử với nhau. Ai hiền lành thì được Thiên Chúa và mọi người thương mến.

-         Khiêm nhường là nhìn nhận sự thậ về mình. Người khiêm nhường được Chúa thương, dễ dàng đến với Chúa và đón nhận ý Chúa. Câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện (người biệt phái và người thu thuế) cho ta thấy rõ điều đó. Người biệt phái kiêu ngạo đã không được tha; người thu thuế khiêm nhường được tha thứ. Hơn nữa, Người khiêm nhường dễ dàng chấp nhận mình, đón nhận anh em và vâng lời bề trên. Ngoài ra, khiêm nhường còn đem tới nhiều ích lợi khác nữa.

Câu chuyện thánh Clement: Thánh nhân thường đi xin để giúp các em mồ côi. Một hôm thánh nhân đi vào một quán ăn. Khi thánh nhân đến một bàn có nhiều thanh niên đang ngồi ăn để xin thì bị một thanh niên xỉ nhục và nhổ nước bọt vào mặt. Thánh nhân hết sức bình tĩnh trả lời: "cám ơn anh! đó là cái anh cho tôi. Vậy phần của các em mồ côi đâu?" Anh thanh niên nọ xấu hổ quá buộc phải móc hầu bao đưa cho. Hiền lành và khiêm nhường còn là những nhân đức cốt lõi nhất giúp ta sống các nhân đức khác. Có một vị linh mục lớn tưổi rất đạo đức tốt lành. Một giáo dân thấy cha đạo đức thánh thiện nên mới hỏi: Cha có bí quyết nào mà sống được như thế? Cha xứ ôn tồn trả lời: Bí quyết của tôi là sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời đức HY Fx. Nguyễn Văn Thuận để gởi đến quý OBACE: "Thử thách cay đắng nhất là chấp nhận giới hạn của mình. Chịu đóng đinh vào một thánh giá hẹp, con càng đau đớn hơn. Nếu thánh giá rộng con còn được thoải mái hơn phần nào!". Nghĩa là càng khiêm tốn thì càng hạnh phúc hơn. Cầu chúc quý OBACE luôn biết sống hiền lành và khiêm nhường để luôn được an vui hạnh phúc trong cuộc sống mình và mai sau được hạnh phúc vĩnh cửu.   

CHÚA NHẬT II TN A
Ga 1, 19 - 34

Chủ đề của bài Phúc Âm theo Thánh Gioan cho Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên Năm A hôm nay thực sự là lời của Thánh Gioan Tiền Hô chứng nhận về Đấng đến sau mình là  "Đấng Thiên Chúa tuyển chọn".  Khi gọi Chúa Giêsu là "Chiên Thiên Chúa" Gioan xác nhận sự vô tội và tinh tuyền thánh thiện của Chúa Giêsu. Khi nói Chúa Giêsu là "Đấng xóa tội trần gian" Gioan chỉ cho mọi người thấy Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu thế, Đấng Messia, là "tôi tớ đau khổ của Giavê" như tiên tri Isaia từng nói đến trong Cựu ước.

Vào thời trước khi Chúa Cứu thế Giáng sinh, người Do Thái mong đợi Đấng Cứu thế đến để giải thoát họ khỏi kiếp lưu đày, khỏi cảnh nô lệ lầm than khốn khổ của người ngoại bang. Họ mong đợi Đấng Cứu thế đến như một tướng tài giỏi, bách chiến, bách thắng. Họ nuôi hy vọng Đấng Cứu thế sẽ thiết lập một vương quốc trần gian, giàu có và hùng mạnh, để đưa dân tộc họ lên làm bá chủ hoàn cầu. Và đó là những quan niệm sai lầm của họ về Đấng Cứu thế, cũng như về bản chất của đạo giáo. Vì thế, Phúc âm hôm nay thuật lại Gioan Tiền hô  sửa sai quan niệm của họ về Đấng Cứu thế. Gioan Tẩy Giả làm chứng rằng Đấng Kitô là Chiên Thiên Chúa, được sai đến để xóa tội trần gian (Ga 1, 29). Chiên là hình ảnh nói về tôn giáo hơn. Trong thời Cựu ước, chiên được dùng để làm lễ vật hy sinh dâng lên Thiên Chúa. Bằng việc gọi Chúa Kitô là Chiên Thiên Chúa, Gioan chỉ cho thấy đời sống của Chúa Kitô được dâng cho Thiên Chúa như là lễ vật hy sinh đền tội thay cho nhân loại.  Khi Gioan Tiền hô xuất hiện, rao giảng phép rửa thống hối, ông được dân chúng tôn sùng, coi Gioan như là chính Đấng Cứu Thế phải đến. Ông có sức lôi cuốn mãnh liệt. Tuy nhiên Gioan Tiền hô ý thức được căn tính của mình, và thể hiện đúng vai trò của mình. Gioan chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa, đi dọn đường cho Đấng Cứu thế đến mà thôi, và không xứng đáng cởi giây giày cho Người.

Mặc dù chúng ta là những người tội lỗi, nhưng đã được rửa bằng máu của Con Chiên Thiên Chúa để được tham dự vào bàn tiệc của Nước Trời. Bởi chính Chúa Giêsu đã đến trần gian để mời những tội nhân ngồi vào bàn tiệc với Ngài. "Tôi không đến kêu gọi những người công chính, nhưng kêu gọi những người tội lỗi".  

Với tình yêu vô biên Đức Giêsu đã đóng vai trò Con Chiên Thiên Chúa, hy sinh mạng sống Ngài "để tha thứ tội lỗi" (Mt 26, 28) cho nhân loại. Vì thế khi một người tội lỗi trở về, đã trở về bằng giá máu của Con Chiên Thiên Chúa, nên cả triều đình trên trời đều vui mừng (Lc 15, 7). Chúng ta cũng phải có thái độ khoan dung đối với người tội lỗi như Thiên Chúa là Cha Nhân lành đã có. Càng yêu thương tội nhân bao nhiêu, chúng ta càng phải ghét tội lỗi bấy nhiêu (2Tx 3, 6-15; 1Cr 5, 5-13).

Người tín hữu thường được gọi là "con chiên của Chúa". Danh hiệu đó ngầm chứa ý nghĩa: người tín hữu được xếp vào loại "chiên" trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa. Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Uớc mong những chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn là chính Chúa Giêsu đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên sống để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.

Để đi theo đường lối của Chúa Giêsu, là chiên con của Ngài, trước hết, chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu là "Chiên của Thiên Chúa" qua việc cố gắng sống thánh thiện và xa lánh mọi tội lỗi. Kế đến, chúng ta phải nổ lực trở nên giống Ngài bằng cách vui nhận  khó khăn, đau khổ, thử thách trong cuộc sống để kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu và cầu nguyện xin Chúa tha thứ tội lỗi cho tha nhân, nhất là những người đang làm ta đau khổ cách này hay cách khác. Sau cùng, chúng ta quảng đại tha thứ cho những người xúc phạm đến mình, dấn thân hơn trong việc bác ái, biết chấp nhận thực chất về mình, ưu và khuyết điểm, không giả tạo, không khoe khoang tự phụ mà biết sống ngay thẳng đi theo đường lối của Thiên Chúa.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con, xin thương xót chúng con. Amen.

ĐỂ ĐẾN VỚI CHÚA.
Ga 1, 29 - 34 .

Anh chị em thân mến.

Trong cuộc sống đời thường, thỉnh thoảng chúng ta nhìn thấy những chiếc xe cứu thương chở những bệnh nhân từ nơi nầy đến nơi khác. Bệnh nhân được chở đi vì nơi đó không đủ điều kiện, nên cần đưa đến một nơi khác có đủ điều kiện hơn để cho bệnh nhân được phục hồi nhanh chóng. Nếu nơi không đủ điều kiện mà nhà điều trị không cho bệnh nhân được chở đi, không giới thiệu nơi khác, mà cố trì hoãn để giữ bệnh nhân cho mình thì sẽ nguy hiểm cho cả hai: nguy hiểm cho người điều trị, vì không đủ khả năng, nhưng vì ích kỷ, sợ mất uy tín, mất quyền lợi nên không muốn cho bệnh nhân đi nơi khác. Ngoài ra còn nguy hiểm cho bệnh nhân, vì không được điều trị đúng cách. Cả hai đều phải lãnh hậu quả mà thực ra không ai muốn như thế. Nếu nhà điều trị biết được khả năng của mình, để biết giới thiệu cho bệnh nhân đến đúng nơi, thì mọi việc sẽ có kết quả hết sức tốt đẹp.

Gioan tẩy giả nhìn thấy được sứ mạng mà mình được trao phó như thế nào. Ông cũng nhận ra được giới hạn của sứ mạng. Đồng thời Ông cũng nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa trong sứ mạng của ông. Lúc đó uy tín của ông đã đầy tràn, mọi người rất ngưỡng mộ ông, nhưng ông không màn đến. Ông biết bỏ đi những gì không thích hợp, để nhận thức cách đúng đắn sự việc hiện tại. Sứ mạng của ông chỉ là loan báo để mọi người đến với Chúa, đem mọi người về với Chúa và giới thiệu Đấng Cứu Thế cho mọi người. Ông không ngần ngại, chuyển tất cả những gì mình có đến nơi an toàn hơn, thích hợp hơn, vì nó không hợp với khả năng của ông nữa. Ông giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người. Ông rút lui vì đã hoàn thành sứ mạng, rút lui cách khiêm nhường trong vâng phục.

Mỗi người có một tài năng riêng biệt. Tất cả mọi người đều cố gắng để tài năng của mình được phát triển tối đa. Nhưng cho dù con người có tài giỏi đến đâu chăng nữa, thì cũng có giới hạn. Mỗi người chỉ làm được một số công việc nào đó trong phạm vi hiểu biết và khả năng của mình. Ngoài ra, con người phải biết chấp nhận giới hạn của mình, có như thế, con người mới chấp nhận được khả năng của người khác và cuộc sống mới được phong phú và có ý nghĩa hơn. Nếu không nhìn thấy người khác, không biết chấp nhận người khác, và nếu càng không nhìn thấy được giới hạn của chính mình thì thật là nguy hiểm, vì như thế sẽ có một ngày mình không còn gì hết, mất tất cả và mất luôn chính mình.

Mỗi người trong chúng ta, Thiên Chúa đã trao ban cho một sứ mạng, đồng thời Ngài cũng ban cho tài năng để thi hành sứ mạng cho tốt đẹp. Mỗi người được ở trong một hoàn cảnh mà chúng ta ngỡ rằng đó là việc tự nhiên. Chúng ta được những điều may mắn, có lúc dường như bất ngờ. Chúng ta được ưu đãi hơn những người chung quanh. Mỗi người cũng có chút tài năng, chút địa vị. Mỗi người cũng đang có một công việc ổn định, và có lẽ trong việc làm, trong giao tiếp, chúng ta cũng được nhiều người mến mộ. Tất cả những điều đó chúng ta cho là rất bình thường, rất tự nhiên, nên chúng ta cứ sống cách bình thản. Nhưng có khi nào, chợt thoáng qua trong cuộc đời, chúng ta nhìn thấy tất cả những gì mình đang có và đang sống: đó là sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó và chúng ta phải có trách nhiệm chu toàn. Nếu nghĩ được như thế, chúng ta sẽ thấy được sự bình an trong tâm hồn cho dù những thất bại có xảy đến, chúng sẽ được nhẹ nhàng cho dù có những mất mát về vật chất cũng như tinh thần, chúng ta sẽ được vui mừng khi người khác được hạnh phúc. Khi đó chúng ta đang thi hành sứ mạng giống như Gioan Tẩy Giả. Ông biết nhìn thấy chính mình, biết giới thiệu nguồn sống đích thực cho mọi người, và điều quan trọng là ông ta biết trở về đúng vị trí mà sứ mạng được trao phó cho ông.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết nhìn thấy chính mình, chấp nhận những giới hạn, nhận ra sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó để biết bằng lòng với những gì hiện tại và hoàn thành tốt đẹp.

TÔI XIN LÀM CHỨNG: NGƯỜI LÀ CON THIÊN CHÚA
Ga 1, 29 - 34 .

Anh chị em thân mến,

Người Việt Nam chúng ta dễ tin lắm, nhất là nông dân mộc mạc chất phát. Mỗi khi đau bệnh, nghe ai bày thuốc này thuốc nọ, ta hay tin, hay nghe theo. Ta tin cả những ông thầy lang vườn, rất nhiều khi chẳng có kinh nghiệm y học, thuốc men chi cả... Mấy năm gần đây, ở An Điền có Ông thầy Ba Phú, cả xóm, cả làng ở đây không ai biết ông làm thầy, vậy mà ở Sài Gòn, Bến Nghé đi xe hơi cứ xuống tìm ông ấy ào ào, để xin chữa bệnh, để xin coi quẻ... Cách đây ba năm, có một Cô ở Tân Xuân, còn rất trẻ, nghe nói có bà con với Ông Chín Qưới, có bệnh thần kinh, tự dưng ứng lên làm thầy, chữa bệnh cho người ta bằng cách vô nước biển. Thực ra Cô đâu có vô nước biển, chỉ biểu người ta nằm dài đó một hồi, rồi nói, vô nước biển nghe...một lát sau nói rồi, là rồi đó. Mấy ông mấy bà trong đạo mình ở An Điền và Ba Tri, đi tới Cô này nhiều lắm....Bất nhơn, bệnh gì cũng cho vô nước biển...hết hay không.... không biết!!!!!!!... mà nhiều người về nhà rồi chết cũng ào ào...

Có một người giới thiệu cho chúng ta một vị Thầy có tài chữa bệnh thể xác, và cả bệnh linh hồn nữa: đó là thánh Gioan Tẩy giả, ông là người sẵn sàng giới thiệu và làm chứng cho chúng ta biết, để không lầm lẫn. Đó chính là chủ đề suy niệm của ngày Chúa Nhật hôm nay.

a/. Chúng ta thử đọc lại bài Tin mừng này và rút ra từng lời chứng của Gioan:

Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, (Gioan nói khi thấy Chúa Giêsu đi đến ...) chính Người là Đấng tôi đã nói: có Đấng đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì Người có trước tôi.

Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Chính Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, Người đó sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.

Trước hết chúng ta đã thấy thánh Gioan tuyên xưng Chúa Giêsu là Chiên của Thiên Chúa , ám chỉ Đấng Cứu thế, Đấng đã được Thiên Chúa hứa trong Cựu Ước, và dân chúng đang mong đợi... Kế đến Gioan nhìn nhận tuy Chúa Giêsu đến sau, nhưng Người trổi vượt hơn, và vì Người có trước Gioan nữa. Ở đây, Gioan không hề nói thêm cho mình; ngược lại Gioan còn tự hạ mình nữa. Rồi thánh Gioan kể lại dấu chứng: Chúa Giêsu được Thánh Thần từ trời xuống và ngự trên mình; cũng chính Thánh Thần nói cho Gioan biết: Thánh thần ngự xuống trên ai, kẻ ấy sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần...

b/. Thánh Gioan sau khi ra rao giảng và làm phép rửa bên bờ sông Giodan, không bao lâu, danh ông đã nổi như cồn. Chính vì thế, có nhiều người, nhiều phái sai người đến hỏi Gioan: Ông có phải là Đấng Cứu thế không? Tuy hỏi như vậy, họ vẫn muốn ông trả lời là phải, vì họ rất kính nể ông. Nhưng Gioan lại trả lời: không phải ... làm mọi người thất vọng. Họ hỏi vặn mãi, Gioan mới trả lời: "tôi chỉ là tiếng người hô trong sa mạc: hãy dọn đường cho Chúa..." Gioan đã phủ nhận: mình không phải là Đấng Cứu thế, và cũng không đáng xách dép cho Người... theo thói đời, người ta lạm dụng danh nghĩa người khác, để lấy uy tín cho mình; ở đây Gioan không làm điều đó, và càng cảm nhận mình không xứng đáng nữa là khác. Gioan rất chân thật và cũng quá khiêm tốn...

Kế đến, như trong bài Tin mừng hôm nay thuật lại, Gioan sẵn sàng làm nhân chứng cho mọi người tin nơi Chúa Giêsu, dù phải trả giá như thế nào. Chúng ta biết, vì công chính và tôn trọng sự thật, mà Gioan đã kích tội của vua Hêrođê, là cướp vợ của anh mình, nên Gioan đã bị giết cách đau thương. Chính vì thế Gioan mới nói, tôi chỉ là tiếng hô trong sa mạc... tôi sẵn sàng làm chứng để cho anh em tin vào Chúa Giêsu, là Chiên Thiên Chúa...

c/. Gợi ý sống và chia sẻ:

Thánh Gioan Tẩy Giả dùng cả con người, cả cuộc đời của mình để làm chứng cho chúng ta, rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế. Ta có tin không? Hay ta còn đợi người nào khác? Ước gì câu hỏi này mỗi người chúng ta phải tự trả lời thành thật trước mặt Chúa...

TÌNH YÊU HIẾN DÂNG
Ga 1, 29 - 34 .

Nhiều người đã thắc mắc phải hiểu như thế nào về câu nói của Gioan khi nhìn thấy Đức Giêsu tiến về phía mình: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian". Thông thường người ta chỉ hiểu lời giới thiệu đó như một tiếng ám chỉ chiên vượt qua hoặc chiên hy tế của đền thờ, hay "Tôi tớ Giavê" Trong sấm ngôn Is 53,7 kẻ được hình dung như con chiên bị đem đi giết, như con cừu được thợ xén lông, và mang lấy nỗi khổ cùng các hành vi bất công của chúng ta "Người đã bị sát tế vì chúng ta" (1Cr 5,7) , và như vậy, Người đã trở nên Chiên Vượt Qua, Đấng xoá tội trần gian cho tất cả những ai tin vào Người (Ga, 1,29) (Từ điển Công Giáo Phổ thông)

Hai thành ngữ "Tôi Tớ""Chiên Thiên Chúa" dù trông khác nhau, đều nói lên rằng Chúa Giêsu là Đấng vô tội mà lại bị con người trừng phạt như một tội nhân, khi gọi người như vây, Isaia và Gioan Tẩy giả muốn công bố sự công chính đức vâng phục vâng lệnh Thiên Chúa và hy lễ cứu chuộc của Người. Trong thư của Phêrô nói: "Máu của người châu báu như con chiên vô tật vô tì" ( 1Pr 1,19). Từ "Chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian", chúng ta thật khó hiểu hết ý nghĩa của từ "xoá" Vì "xoá" mới có nghĩa như đứng bên ngoài, ở ngoài tham gia vào, nên chưa thấy được thâm sâu tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Tiếng Latinh dùng từ "tollit" có nghĩa là nhận lấy vào mình gánh lấy, vác lấy. Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa Đấng "gánh" lấy tội nhân loại thì chính xác hơn. Đức Giêsu đã tự hiến thân hoà mình với nhân loại và cuối cùng đã chết thay cho nhân loại, đã gáng lấy tội lỗi của con người. Chính vì con người đáng lẽ phải chịu phạt mà Thiên Chúa lại gánh lấy để con người được thứ tha, Người hạ mình xuống để ta được nâng lên, Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có, Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa, Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ, Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang, Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do, Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.

Chỉ có tình yêu cao cả và sự vâng phục tuyệt đối đã làm cho Đức Giêsu trở thành con chiên, thành của lễ hy sinh tuyệt vời Người là Con Thiên Chúa, Người sống cho mọi người. Nhất là qua những cử chỉ hành động lời nói của Đức Giêsu như động lực thúc đẩy con người cũng hãy biết hy sinh cho nhau. Để sống với và sống trong Chúa một cách cụ thể, đòi ta phải biết sống với người khác, phải tha thiết với sự sống còn và sự phát triển tươi đẹp của anh em mình, và như Đức Kitô, tôi phải dám chia sẻ bằng chính sự sống của mình, để có thể dám hy sinh cho tha nhân, ta phải sống cho tình yêu như chính Chúa đã sống cho nhân loại, chỉ khi nào cảm nhận được tình yêu thì chúng ta mới dám hiến thân và cho đi tất cả vì tình yêu. Con người không thể sống mà không có tình yêu thương người khác. Chính vì thế, ta tìm thấy tình yêu không phải nhờ được yêu mà biết sống cho tình yêu. Càng quên mình để sống cho tình yêu thì chúng ta lại càng được tình yêu, vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh ( kinh Hoà Bình).

Lời giới thiệu của Gioan cho ta thấy và cảm nhận được hồng ân bao la mà Thiên chúa đã ban cho mình. Vì "không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình" (Ga 15,13), để từ đó con người biết tạ ơn Thiên Chúa vì kế hoạch đầy tình thương của Người. Người đã ban Đức Giêsu Kitô cho ta để làm người Tôi Tớ để thực hiện kế hoạch ấy, và Đức Giêsu Kitô lại tha thiết mời gọi chúng ta quy tụ vào thân thể mầu nhiệm của Người, để Người sai ta đem ân sủng và bình an đi, tiếp nối sứ mang của Người Tôi Tớ. Dĩ nhiên muốn thực hiện sứ mạng này, chúng ta phải chấp nhận hy sinh, vì chính sự hy sinh mới nói lên được một tình yêu chân thành, sâu thẳm đối với Chúa và tha nhân. Tình yêu không hy sinh là tình yêu trá hình. Tình yêu không dựa vào lời nói hay những cử chỉ trìu mến, nhưng phải được chúng tỏ qua sự hy sinh sống động để làm bằng chứng. Sự hy sinh càng cao độ thì càng diễn tả được chiều kích sâu xa của tình yêu, càng mang lại bầu khí an vui cho mình và những người xung quanh.

Lạy Chúa, xin cho con dám hy sinh cho tha nhân cũng như Chúa đã từng hy sinh cho chúng con. Amen

1888    15-01-2011 16:47:50