Sidebar

Thứ Tư
19.03.2025

Chúa Nhật III MV B_2

CHÚA NHẬT HỒNG
Ga 1, 6 - 8 , 19 - 28

Chúa Nhật hôm nay được gọi là : "Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật Vui". Đây là một niềm vui rất to lớn và tràn đầy hy vọng của những người tin vào Đấng Cứu Thế và đang hân hoan chờ đón Ngài. Niềm vui này chúng ta được nghe trong Lời Chúa hôm nay : "Anh chị em hãy vui lên trong Chúa.! Tôi nhắc lại một lần nữa : Anh chị em hãy vui lên vì Chúa đã đến gần!...". Niềm vui này là một niềm vui được ơn Chúa cứu độ, niềm vui được an bình, niềm vui được hạnh phúc! Vậy thì chúng ta phải sống như thế nào trong Mùa Vọng này, để hưởng được trọn vẹn hạnh phúc Chúa ban.?

Chuyện kể rằng Có một Ông Vua kia lúc nào cũng lo âu, mặc dù sống trong quyền lực và nhung lụa sung sướng nhưng ông không có hạnh phúc, không biết cách nào để có được hạnh phúc. Nhà Vua gọi các nhà khôn ngoan lại bàn hỏi xem làm thế nào trút bỏ những âu lo đang đè nặng tâm trí Vua đến nỗi Vua không thể nào có được một cuộc sống hạnh phúc? Nhà thông thái trả lời: " Chỉ có một cách duy nhất để giúp nhà Vua . Đó là Vua phải mặc chiếc áo của người có hạnh phúc thật sự!". Thế là các sứ giả được sai đi khắp nơi để tìm kiếm một người đang mặc chiếc áo hạnh phúc. Nhưng bất kỳ người nào được hỏi đến cũng có lý do để đau khổ, buồn sầu,.. một điều gì đó đã cướp mất hạnh phúc của họ. Sau cùng thì họ cũng tìm một người, đúng hơn là một người ăn xin. Người ăn xin này ngồi mĩm cười ở giữa chợ và tự xưng mình là người hạnh phúc nhất, không có một điều gì buồn rầu, lo âu. Sứ giả của Nhà Vua nói với người ăn xin về điều Nhà Vua cần mặc chiếc áo hạnh phúc ấy, và hứa trả cho người ăn xin một món tiền thật lớn để mua chiếc áo hạnh phúc ấy. Chúng ta nghĩ sao? Anh chàng ăn xin này có đồng ý bán chiếc áo hạnh phúc của mình không? Chúng ta có biết phản ứng của người ăn xin ra sao không ? Không nín được cười , người ăn xin bật cười to lên và nói rằng: " Thật đáng tiếc! Tôi không thể nào làm hài lòng Nhà Vua được. Vì tôi chẳng có chiếc áo nào cả!!!". Vâng người hạnh phúc nhật trên đời lại là người không có một chiếc áo nào cả!!!

Bài Tin mừng hôm nay Ga 1, 6 - 8 , 19 - 28 cho chúng ta thấy nhiều người kéo đến với Gioan Tiền Hô để tìm kiếm hạnh phúc. Và ông cũng đã vạch ra cho họ những con đường trong chính cách sống của ông để họ thực sự hạnh phúc khi họ biết tin vào Đấng Cứu Thế đang đến gần. Đó là những con đường như:

Con đường sống khổ hạnh : Gioan sống ần dật trong samạc. Sống trong samạc đồng nhĩa với sống khổ hạnh: sống trong sự khắc nghiệt của thời tiết, trong sự hoang vu cô tịch, sự đe dọa của thú dữ. Sống khó nghèo , đơn sơ đạm bạc: mặc áo bằng da thú, ăn châu chấu và mật ong rừng.

Con đường sống khiêm nhường : Gioan từ chối vinh quang mà người ta ban tặng cho mình. Ông thành thật nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế. Ông chỉ là "tiếng kêu trong sa mạc", không đáng cởi giây giày cho Đấng Cứu Thế.

Con đường sống trung thực : Gioan đến để làm chứng về ánh sáng. Trung thực với sứ mạng của mình, một mặc ông chỉ cho chúng ta thấy ánh sáng thật là ai, mặc khác khi có người lầm tưởng ông là ánh sáng ấy thì ông thẳng thắn phủ nhận. Trung thực về những lời nói về mình nên ông không nhận vinh quang mà người ta lầm tưởng ban tặng. Trung thực với lòng mình nên Ông sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối,... Trung thực trong phán đoán nên ông thẳng thắn khuyên Vua Hêrôđê không được lấy chị dâu

Con đường sống quên mình : nhìn nhận là người đưa tin nên ông quên mình để cho Đức Giêsu nổi bật lên. Ông tự hủy mình để Đấng Cứu Thế được nhận biết.

Tóm lại Gioan Tiền Hô là một chứng nhân tuyệt hảo, Ông là chứng nhân của ánh sáng, chứng nhân của hy vọng, của hạnh phúc. Ông là làm chứng cho sự sáng thật là Đức Kitô.

Mùa vọng này, mọi ngươì đang chờ Chúa đến, Chúa muốn chúng ta giới thiệu Chúa cho người khác, Chúa muốn chúng ta làm chứng cho Chúa. Thế nhưng rất nhiều khi thay vì mở đường cho Chúa, chúng ta chỉ lo mở đường cho chúng ta. Hay thay vì làm chứng cho Chúa thì chúng ta làm chứng cho ta....

Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn vào tấm gương của Gioan Tiền Hô để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến bằng đời sống chứng tá là " để Chúa lớn lên" và để cho chúng ta biết đường tìm đến hạnh phúc đích thực.

Xin Thánh Gioan giúp chúng ta sống trong ánh sáng Của Chúa Cứu Thế để chúng ta được hưởng trọn vẹn hạnh phúc Chúa ban.

KHIÊM NHƯỜNG
Ga 1,6-8 . 19-28.

Người ta thường ví Gioan Tẩy Giả như một ngọn đèn biết tỏa sáng và biết mờ đi một cách đúng lúc. Có những lúc ông tỏa sáng đến nỗi người ta hiểu lầm ông là Đấng Kitô màDân Do Thái đang trông chờ, cho đến ngày nay người ta vẫn đang trông đợi Đấng Kitô. Vì bất cứ một dân tộc nào đang bị đô hộ cũng trông mong được giải phóng. Có người còn hy vọng Ngài sẽ cai trị đất nước bằng sự công chính. Khi ông phủ nhận mình không phải là Đấng Kitô thì họ lại lầm tưởng là Eâlia. Đối với họ Ê-li-a phải đến trước Đấng Messia Người ta còn tin rằng chính Ê-li-a xức dầu cho Đấng Messia làm vua cũng như tất cả các vua đã được xức dầu. Nhưng Gioan Tẩy Giả đã phủ nhận tất cả những vinh dự đó.

Vậy, Gioan Tẩy giả là ai? Ông chỉ là tiếng kêu trong hoang địa hay nói đúng hơn ông chỉ là người cởi giày cho Đấng đến sau ông mà thôi. Một mẫu người cho đi, một mẫu người lãnh đạo, một mẫu người với tinh thần phục vụ biết làm đúng công việc của mình. Có thể nói, Gioan Tẩy Giả là con người mà tất cả các nhà truyền đạo, các giáo sư đều phải nên như thế, ông chỉ là một tiếng nói, một ngón tay chỉ nhà vua. Ông muốn mọi người hãy quên ông, chỉ thấy Nhà Vua mà thôi.

Điều ngạc nhiên hơn nữa là phép rửa do tay người làm thì không dành cho Israen mà chỉ dành cho những người ngọai nhập vào Do Thái giáo, tức là những người vốn có đạo khác, mới tin theo đạo Do Thái . Một người Israen không bao giờ chịu phép rửa, họ đã thuộc về Chúa Giavê, nên không cần rửa sạch nữa. Nhưng những người ngoại bang đến gia nhập Do Thái giáo thì phải chịu rửa sạch bằng phép rửa. Gioan Tẩy Giả đã bắt dân Israen làm một việc mà chỉ có dân ngoại mới phải làm. Ông có ý nói tuyển dân phải được rửa sạch. Đó chính là điều Gioan tẩy Giả tin, nhưng ông đã không trả lời trực tiếp.

Ông nói: "về phần ta, ta làm phép rửa bằng nước, nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết, ta chẳng đáng cởi dây giày cho Ngài". Gioan Tẩy Giả không nêu ra được một nghề nào hèn hạ hơn nữa, mở dây giày là công việc của một người nô lệ. Một ngạn ngữ của các ra-bi bảo rằng môn đệ có thể làm cho thầy mình bất cứ việc gì một đầy tớ phải làm ngoại trừ việc "cởi dây giày". Việc đó quá hèn hạ ngay cả đối với một môn đệ. Dầu vậy, Gioan Tẩy Giả ngụ ý: "Với Đấng đang đến thì cả việc làm đầy tớ cho Ngài cũng không xứng đáng".

Chúng ta phải hiểu là lúc đó Gioan đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu rồi, và ông đã nhận ra Chúa. Ở đây, ông nhắc lại ý đó một lần nữa, và ngụ ý: "Nhà Vua đang đến, để chuẩn bị đón Ngài , các ngươi phải được tẩy rửa y như bất cứ người ngoại bang nào. Hãy dọn mình sửa soạn để đi vào lịch sử của nhà vua".

Chức vụ của Gioan Tẩy Giả là chức vụ dọn đường. Bất cứ sự cao trọng nào ông có được đều đến từ sự cao trọng của Đấng mà ông loan báo. Gioan tẩy Giả là tấm gương lớn về con người sẵn sàng xóa mình đi để người ta chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu . Ông nhận thấy mình là ngón tay chỉ cho thiên hạ thấy Chúa Cứu Thế.

Lạy Chúa, Nguyện Chúa ban cho chúng con ơn biết quên mình, chỉ nhớ đến Chúa Giêsu thôi. Và nhất là trong mùa vọng này chúng con luôn biết hướng về Ngài. Amen.

NIỀM VUI THẬT
Ga 1,6-8 . 19-28.

Chúa nhật thứ ba mùa vọng được gọi là Chúa nhật hồng, Chúa nhật của sự vui mừng (Gaudete Sundae). Màu hồng của phẩm phục phụng vụ cho thấy sự vui mừng, yêu đời và hy vọng. Và quả thực tư tưởng lời Chúa hôm nay nói lên điều đó. Isaia loan báo: Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa và lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Người đã sai tôi đem Tin mừng cho người nghèo khó. Thánh Phaolo cũng kêu gọi tín hữu Thêxalônica: anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giêsu Kitô. Và bài Tin mừng cho chúng ta thấy niềm vui ấy khi Gioan Tiền Hô loan báo Chúa Kitô là nguồn an ủi của mọi tâm hồn: Có một vị đến sau tôi và đang ngự giữa các ông mà các ông không biết.

Niềm vui, hy vọng hay hạnh phúc của chúng ta bắt nguồn từ đâu? Chúng ta phải sống niềm vui ấy như thế nào?

Niềm vui hay hạnh phúc là mục đích của con người sống trên trần gian. Vì con người được Thiên Chúa dựng nên để chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và sự sống đời đời với Thiên Chúa. Pascal đã nói: Tất cả mọi người đều đi tìm kiếm hạnh phúc, ngay cả những người tự tử. Nhưng chúng ta không thể tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc hay hy vọng ở ngoài Thiên Chúa.

Ngày nay có người đi tìm hạnh phúc trong những giây phút huy hoàng "thăng hoa" của tình yêu đôi lứa. Nhưng hạnh phúc ấy chợt vụt tắt khi họ không còn cần đến nhau nữa. Có người tìm kiếm hạnh phúc nơi tiền bạc hay của cải, nhưng tiền tài của cải cũng chóng qua như khi nó đến. Cũng có người tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc nơi sự nghiệp công danh. Nhưng công danh sự nghiệp thì kèm theo nước mắt và đoạ đày.

Niềm vui, hạnh phúc thật của con người không thấy được tìm thấy nơi khoái lạc trần gian, nơi vật chất mau qua chóng tan hay cuộc sống danh vọng nhiều ganh đua. Niềm vui và hạnh phúc thật chỉ có được khi con người sống trong vui tươi, tin tưởng, bất chấp mọi khổ đau vì con người tin rằng Chúa Giêsu đã đến và mang lại cho chúng ta niềm vui và sự sống: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Người xuống cho trần gian để nhờ Người Con một ấy chúng ta được sự sống của con Chúa, được trở nên con cái Thiên Chúa. Đó là niềm vui đích thực, đó là niềm phấn khởi bao la của chúng ta.

Nhưng để sống được trong niềm vui và hạnh phúc ấy chúng ta hãy tập sống như Gioan Tiền Hô trong bài Tin mừng hôm nay. Gioan xuất hiện trong khiêm tốn dù ông là một nhân vật rất quan trọng (Tiền Hô cho Chúa Cứu Thế). Ông từ chối hết tất cả những tước hiệu mà dân chúng gán cho ông (vì nó không phải là của ông). Hạnh phúc và niềm vui của Gioan là đến để làm chứng cho ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin và được cứu rỗi. Đối với Gioan, trở thành đầy tớ của Thiên Chúa và giúp mỗi người trở về với Thiên Chúa là niềm vui và hạnh phúc thật.

Trần Văn Điền định nghĩa hạnh phúc như sau: Hạnh phúc không phải là cái bạn cầm trong tay nhưng là cái bạn mang trong tim. Hạnh phúc là kêt quả của tình thương yêu đối với mọi người. Khi chúng ta mở một nụ cười với người đau buồn, khi chúng ta nói một lời an ủi, nâng đỡ đối với người tội lỗi; một hành vi giúp đỡ cho người thiếu thốn. Niềm vui và hạnh phúc là chia vui với người vui, là sớt chia nỗi buồn với người sầu khổ.

Niềm vui và hạnh phúc thật còn là bình an trong tâm hồn mình, là khiêm nhường chấp nhận thực tại của cuộc sống mặt dù cuộc sống này còn đó những khó khăn và thử thách.

Sự vui mừng hay hạnh phúc của chúng ta phải đến từ bên trong, từ hành động phục vụ tha nhân và ý thức rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện với chúng ta. Hạnh phúc và niềm vui là tin tưởng phó thác hoàn toàn cho Chúa vì chính Chúa là nguồn vui thật của chúng ta và sự sống của chúng ta ở nơi Đức Giêsu Kitô.

NIỀM VUI CỨU ĐỘ
Ga 1,6-8 . 19-28.

Chúa Nhật hôm nay được gọi là "Chúa nhật Hồng, Chúa Nhật Vui". Đây là một niềm vui rất to lớn và tràn đầy hy vọng của những người tin vào Đấng Cứu Thế và đang hân hoan chờ đón Ngài. Niềm vui chúng ta được nghe hôm nay. : "Anh chị em hãy vui lên trong Chúa. Tôi nhắc lại một lần nữa : anh chị em hãy vui lên vì Chúa đã đến gần". Niềm vui ơn cứu độ, niềm vui an bình, niềm vui hạnh phúc. Vậy chúng ta phải sống như thế nào trong mùa vọng này, để hưởng được trọn vẹn niềm vui Chúa ban ?

Chuyện kể về một ông vua lúc nào cũng lo âu không biết cách nào để có hạnh phúc. Nhà vua cho gọi một nhà khôn ngoan lại để hỏi xem làm thế nào trút bỏ được những lo âu buồn rầu đang đè nặng tâm trí ông đến nỗi ông không thể nào có được một cuộc sống hạnh phúc ? Nhà thông thái trả lời :"Chỉ có một cách duy nhất để giúp nhà vua. Đó là nhà vua phải nằm ngủ một đêm trong cái áo của một người có hạnh phúc thực sự". Thế là các sứ giả được sai đi khắp nơi để tìm kiếm một người đang sống hạnh phúc. Nhưng bất kỳ người nào khi hỏi đến cũng có lý do để đau khổ buồn rầu. Một điều gì đó đã cướp mất hạnh phúc của họ. Sau cùng thì họ cũng tìm thấy một người, đúng hơn là một người ăn xin. Người ăn xin ngồi mỉm cười ở giữa chợ, và tự xưng mình là người hạnh phúc nhất, không có một điều gì buồn rầu lo âu. Người ta nói với người ấy về điều nhà vua đang tìm kiếm. Nhà vua cần phải ngủ một đêm trong cái áo của người có hạnh phúc thực sự, và cho anh ta một số tiền rất lớn để mua lại chiếc áo hạnh phúc đó.

Anh chị em nghĩ sao ? Anh chàng ăn xin này có đồng ý bán chiếc áo của anh đang mặc cho nhà vua không ? Anh chị em có biết phản ứng của người ấy ra sao không ? Không nín được cười ! Người ăn xin bật cười lên rất to và nói rằng : "Thật đáng tiếc ! Tôi không thể nào làm hài lòng nhà vua được. Vì tôi chẳng có chiếc áo nào cả !". Vâng, người hạnh phúc nhất trên đời lại là người không có một chiếc áo nào cả !

Thưa anh chị em, qua bài Phúc âm hôm nay, chúng ta nhìn thấy mọi người kéo đến với ông Gioan Tiền hô để tìm kiếm hạnh phúc, và ông đã vạch ra cho họ những con đường trong chính cách sống của ông, để họ được thực sự được hạnh phúc khi họ biết tin vào Đấng Cứu thế đang đến gần. Vậy những con đường đó là những con đường nào ?

Con đường khiêm nhường. Ông Gioan từ chối mọi vinh quang người ta tôn vinh ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, cũng không phải là Ê-li-a vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một "tiếng kêu trong sa mạc". Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đấng Cứu Thế.

Con đường sống khổ hạnh. Cuộc đời của Gioan là ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc là đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gio-an còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn uống của ngài là châu chấu và mật ong rừng.

Con đường trung thực. Trung thực về những lời nói về chính mình, nên ngài không nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài đang có. Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không đựơc phép lấy chị dâu mình.

Con đường quên mình. Biết mình chỉ là người đưa tin, nên thánh Gioan luôn quên mình đi, để cho Đấng Cứu thế được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Đấng Cứu thế được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Đấng Cứu thế được nhận biết.

Tóm lại, Thánh Gio-an thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng, chứng nhân của hy vọng, chứng nhân của hạnh phúc.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh chị em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình. Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy nhìn vào tấm gương của thánh Gio-an để tôi biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến, và để tôi biết đường tìm đến hạnh phúc đích thực.

Xin thánh Gio-an luôn giúp chúng con sống trong ánh sáng để chúng con được hưởng trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc Chúa ban. Amen.

BẠN PHẢI LÀ GIOAN TIỀN HÔ
Ga 1,6-8 . 19-28.

Thiên Chúa ban Đấng Cứu Thế cứu chuộc nhân loại, không những vì Chúa đã hứa, mà còn nhất là vì Chúa muốn mọi loài được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Vì thế, trước khi Con Thiên Chúa ra đời, Chúa đã phải chuẩn bị một Dân riêng, kiên nhẫn giáo dục họ, để họ có thể đón nhận Chúa Cứu Thế.

Chúa Cứu Thế đã xuất hiện và đang hoạt động. Thiên Chúa sai Gioan với đời sống nhiệm nhặt, không ham danh vọng trần gian, giới thiệu và làm chứng về Chúa Cứu Thế. Gioan nói: Tôi không phải là Đấng Kitô, tôi đến chỉ để làm chứng về ánh sáng là chính Chúa Giêsu Kitô.

Ngày nay, Chúa Cứu Thế và ơn Cứu Chuộc của Chúa vẫn đang hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh, mỗi người tín hữu chúng ta hãy là những Gioan Tẩy Giả của hôm nay, phải giới thiệu và làm chứng về Chúa Cứu Chuộc cho mọi người.

Để trở thành chứng tá của Chúa Kitô, chúng ta cũng hãy như Gioan Tẩy Giả, sống công chính, không ham lợi lộc vật chất trần gian cho mình, nhưng tất cả chỉ nhằm làm cho Chúa Kitô và Ơn Cứu Chuộc của Người lớn lên.

Vì là người tông đồ, là người tiền hô của Chúa Kitô, nên chúng ta phải hướng về Chúa Kitô, kết hợp với Chúa Kitô, và hướng dẫn mọi người đến với Chúa Kitô. Như thế, không bao giờ được phép để cho người ta lầm tưởng mình là Chúa Kitô. Trong trường hợp này, chúng ta phải giải thích chân tình, để mọi người nhận ra Chúa Kitô thật sự và ơn cứu chuộc của Người.

Trần gian hôm nay, tuy có nhiều phương tiện khoa học tiến bộ, đang "nhắm mắt bịt tai" đối với ơn cứu chuộc của Chúa, không nhận ra Chúa Kitô, hoặc lầm tưởng "lạc thú", "tiền tài danh vọng" là Chúa cứu độ. Không phải thế, họ đến không đúng chỗ.

Mỗi người chúng ta phải chấn chỉnh nề nếp giáo dục gia đình Công Giáo mà giới thiệu Chúa Kitô cho thế gian.

TIẾNG KÊU TRONG HOANG ĐỊA
Ga 1,6-8 . 19-28.

Niềm hy vọng sẽ không giá trị gì đối với những ai cứ khép chặt lòng mình không muốn đổi mới. Tiếng kêu cầu hay kêu cứu của con người sẽ chẳng ai nghe nếu cuộc đời vắng đi những tâm hồn biết sống cho người khác. Gioan Tẩy Giả thật khiêm nhường khi tự giới thiệu về mình "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa". Tiếng kêu giữa phố xá thị thành may ra còn người đáp cứu. Tiếng kêu giữa nơi hoang vu thì mấy ai trả lời. Ấy vậy mà Gioan vẫn kêu mời mọi người dọn đường đón Chúa đến. Tôi nhìn thấy cuộc đời luôn có những tiếng kêu vang. Kêu trong niềm hạnh phúc đến tột cùng. Kêu trong nỗi đau buồn đến tuyệt vọng. Kêu trong nỗi ưu phiền cho phận người còn quá long đong.

Tiếng kêu trong niềm vui sướng

Loan báo niềm vui lúc nào cũng làm cho người ta mạnh miệng. Tiên tri Isaia đã mạnh dạn khi nói về thời gian mà Thiên Chúa thi ân cho con người. Ngày mà tù nhân được phóng thích, lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, những tấm lòng tan nát được Chúa băng bó vết thương. Đó là thời thịnh vượng, sung túc vì Thiên Chúa đến với con người.

Thật là oan ức khi có người cho rằng tiếng kêu trong vui mừng chẳng qua là "nổ". Không, niềm vui khi được sẻ chia thì niềm vui nhân lên. "Nổ" là người nói quá sự thật, nhưng tiếng kêu trong vui mừng là nói sự thật để mọi người cùng vui. Đây lại là một niềm vui lớn: Thiên Chúa đã đến với con người.

Tiếng kêu trong sứ mệnh làm chứng

Nếu mình đóng vai trò là một bóng mờ để người khác vượt đúng là điều không dễ. Bởi nó đòi hỏi rất nhiều hy sinh. Sự hy sinh đến mức tự huỷ chính mình là điều không ai muốn. Aáy vậy mà Gioan xuất hiện để thực hiện sứ mệnh ấy. Ông chấp nhận lắng chìm để Chúa được nâng lên. Oâng tự nhận không xứng cởi day giày cho Người để tất cả mọi người hãy quên ông đi để tập trung hướng về Đấng Cứu Thế.

Ai cũng hiểu Gioan Tẩy Giả lúc bấy giờ thật có thế giá. Nhiều người tuôn đến chịu phép rửa của ông. Có lẽ có nhiều người rất thần tượng về ông. Thế nhưng ông không cố giữ những lời ca tụng của dân chúng nới bản thân. Tiếng "không" là một cách trả lời dứt khoát và đúng sự thật. Tôi không phải là Êlia, cũng không phải là Môisen, càng không phải là vị cứu tinh mà mọi người trông đợi.

Gioan xuất hiện như mẫu gương của sự khiêm nhường trong việc làm chứng cho sự thật. Sống giữa đời tôi cần phải biết mình, biết người và biết Chúa. Biết những giới hạn của mình để đón nhận và cố gắng vượt qua. Hiểu biết người để cùng đồng hành chia sẻ. Biết Chúa để phụng thờ và thiết lập một tương quan ngày càng xứng hợp. Khi nào ta dám xoá mình đi khi đó ta mới làm chứng cho người khác được.

Tiếng kêu để mời gọi đổi đời

Tiếng kêu trong hoang địa không phải là tiếng kêu cứu của kẻ cô đơn thất vọng nhưng là lời mời gọi mọi người đổi mới. Đổi mới cái nhìn bằng cách nhận ra Chúa đang hiện diện quanh đây. Đổi mới cánh sống bằng việc sám hối lỗi lầm. Đổi mới con người bằng việc thực thi công bằng bác ái. Gioan vào sa mạc tưởng đâu tách biệt nhưng thực ra ông đang sống rất gần. Bằng những lời kêu mời rất cụ thể, Gioan muốn giới thiệu về một Thiên Chúa cũng rất gần và đang đến.

Mỗi Kitô hữu giờ đây đến Chúa Giêsu không còn là một nhân vật trong quá khứ nhưng Ngài đang sống với ta, trong ta. Đừng để Ngaì đi qua cuộc đời mà chẳng một ai tiếp rước. Tiếng kêu của Gioan vẫn còn vang vọng để nhiều người nhận ra Ngài, đón nhận Ngài mà thay đổi đời sống.

SÁM HỐI ĐỂ ĐÓN CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
Ga 1,6-8 . 19-28.

Con Thiên Chúa xuống thế làm người, không phải trong 1 cung điện nguy nga, cũng không phải trong 1 chức vị cao sang trọng vọng bề ngoài để cho người ta dễ dàng nhận thấy. Vậy làm sao để nhận ra Người?

Theo lời tiên báo của ngôn sứ Isaia, Đấng Cứu Thế không tỏ mình ra trong sự huy hoàng mà loài người thường gán cho các bậc thần thánh. Người đến với người nghèo để loan báo Tin Mừng cho họ. Người đến với người tàn tật để loan báo họ sẽ được chữa lành. Người đến với tù nhân để loan báo họ sẽ được ơn tha tội.

Chính vì thế mà ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện để giới thiệu về Người qua phép rửa sám hối.

Nhờ sám hối mà ta nhận ra thân phận nghèo hèn của mình, để mau mắn đón nhận Tin Mừng của Con Thiên Chúa. Nhờ sám hối mà ta nhận ra tâm hồn mình bị nhiều thương tổn, để cầu xin cho được chữa lành. Nhờ sám hối mà ta nhận ra con người thiếu xót và tội lỗi của mình để đón nhận lòng thương xót Chúa. Nhờ sám hối mà ta nhận ra Đấng Cứu Thế đang đến để cứu chuộc mình.

Như vậy, để gặp được Con Thiên Chúa, điều quan trọng là chúng ta nhận ra mình đứng về phía những người mà Ngài có sứ mạng được sai đến. Nếu chúng ta không muốn sống nghèo chúng ta sẽ không gặp được Ngài. Nếu chúng ta không nhận ra mình là người bệnh hoạn tật nguyền và bị tù túng bởi tội lỗi, chúng ta sẽ không đón nhận được Vị Cứu Tinh.

Sám hối để nhận ra mình là người nghèo của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra Con Thiên Chúa đang đến và đang sống giữa chúng ta.

SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO ĐỨC KITÔ
Ga 1, 6-8.19-28

Mùa vọng thường giới thiệu vai trò làm chứng của Ông Gioan Tẩy Giả cho Đức Kitô. Bởi vì lẽ sống của Gioan Tẩy Giả là làm chứng. Gioan được sai đến để làm chứng. Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa cũng là để làm rõ lời chứng của Gioan cho Đức Kitô. Gioan không làm chứng cho ông: " Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại". Gioan là ngọn đèn. Chúa Giêsu là ánh sáng.

Đọc lại Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy có một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt qua các Phúc Âm. Gioan được Thiên Chúa sai đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ông đã kêu gọi người ta ăn năn thống hối và thanh tẩy để lãnh ơn tha thứ. Tin Mừng cho biết tiếp, sau khi nhiều người đã tới với Gioan bên dòng sông Giođăng để xưng thứ tội lỗi và xin Ông làm phép rửa thống hối. Tiếng tăm của Gioan Tẩy Giả lúc này đã bắt đầu được nhiều người biết đến. Do đó, các nhà lãnh đạo các tôn giáo, những người có chức có quyền đã sai các đệ tử, những người thân tín của họ đến gặp Gioan và để tìm hiểu Ông. Khi những người được sai đến hỏi Ông là ai ? Gioan đã rất trung thực, dứt khoát không mập mờ để những người khác hiểu lầm về Đấng Cứu Thế: Đức Kitô. Gioan đã dứt khoát trả lời: Tôi không phải là Đức Kitô. Gioan cũng không phải là Êlia tái lâm hay một ngôn sứ vĩ đại như Môsê hay một ngôn sứ nào khác danh tiếng. Lần thứ hai những người được sai đến hỏi Gioan: Ông có phải là Đức Kitô không ? Gioan một mực dứt khoát trả lời: Tôi chỉ là tiếng hô trong hoang địa, hãy dọn đường cho Chúa đến. Lời khẳng định của Gioan Tẩy Giả minh chứng vai trò của Ông chỉ là dọn đường: hố sâu phải lấp cho đầy, đồi cao phải bạt xuống, con đường quanh co phải uốn lại cho ngay. Gioan tự xóa mình đi: " Tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người...". Đúng Gioan chìm sâu, nhỏ bé lại để vai trò của Chúa và con người của Chúa được lớn lên. Gioan cũng nhận rằng phép rửa của Ông chỉ là phép rửa bằng nước nhằm kêu gọi con người thống hối ăn năn, còn có đấng tới sau sẽ rửa bằng Thánh Thần. Chính Gioan đã chỉ cho các môn đệ của mình và cho nhiều người biết về Đấng Cứu Thế. Gioan là con người hoàn toàn siêu thoát, là một con người hiểu mình và biết Chúa. Gioan hoàn toàn khiêm nhường, nên lời chứng của Ông được nhiều người chấp nhận và tin theo.


Vâng, Gioan chỉ đứng ra làm chứng cho Thiên Chúa và chỉ cho nhân loại Đấng Cứu Thế xuất hiện, rồi Ông bình an rút lui vào bóng tối để nhiều người nhận ra Chúa, tuôn đến với Chúa, nghe lời Ngài giảng dạy và đi theo Chúa.


Gioan là đèn. Chúa là ánh sáng. Gioan là tiếng kêu. Chúa là Lời hằng sống. Gioan nhỏ lại. Chúa phải lớn lên.


Người môn đệ Chúa luôn phải làm chứng cho Chúa như Gioan Tẩy Giả. Chúa đã ban cho con người nhiều dấu chỉ như ăn, nói, nhìn, nghe. Mỗi lần bước chân trên một con đường nào, nghe tiếng chim hót, nhìn bầu trời mây bay, và hít ngửi hương thơm của cây rừng, hoa núi, mỗi lần thấy anh chị em là Chúa đang hiện diện ở đó. Người môn đệ Chúa làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Người môn đệ Chúa như Gioan Tẩy Giả chỉ là tiếng kêu trong sa mạc dọn đường cho Chúa. Chân Phước Gioan Phaolô II đã nói: " Người thời nay thích các chứng nhân hơn là những lời nói suông ". Chúa đang hiện diện trong từng con người, chúng ta hãy nhận ra Chúa nơi những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày.


Ca nhập lễ hôm nay viết: " Anh em hãy vui luôn trong Chúa !

Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên !

Vì Chúa đã đến gần ( Pl 4, 4.5 ).


Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề
( Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật III Mùa Vọng ).

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT (Nguồn vietcatholic.org)

2340    09-12-2011 20:41:23