- Sống Chứng Nhân Như Gioan Tiền Hô
- Chúa Nhật III Mùa Vọng.
- Làm Chứng Trong Niềm Vui
- Niềm Vui Đích Thực
- Làm Chứng
- Làm Chứng Cho Sự Thật
- Chúa Nhật Hồng
- Khiêm Nhường
- Niềm Vui Thật
- Niềm Vui Cứu Độ
- Bạn Phải Là Gioan Tiền Hô
- Tiếng Kêu Trong Hoang Địa
- Sám Hối Để Đón Con Thiên Chúa Làm Người
- Sứ Mạng Làm Chứng Cho Đức Kitô
- Sống Niềm Vui Trong Ân Tình Chúa
- Có Một Vị Đang ở Giữa Các Ông Mà Các Ông Không Biết !
- Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm B
- Tiếc Gì Một Cái Gật Đầu
- Hãy Vui Lên
- Ông Có Phải Là Đấng Cứu Thế ?
- Hãy Vui Lên
- Chúa Nhật III Mùa Vọng B
- Hãy Sửa Đường...
- Chứng Nhân Cho Chúa
SỐNG CHỨNG NHÂN NHƯ GIOAN TIỀN HÔ
Jn. 1,6-8. 19-28.
Sống cho tình yêu. Đó là là mời gọi mà con người cần đáp trả. Bởi lẽ, con người được sinh ra vì tình yêu và vì thế nên được mời gọi sống cho tình yêu. Gioan Tiền hô đã hoàn thành thiên chức này và ngài mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy sống và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.
Thật thế, Gioan Tiền Hô là một nhân vật quan trọng luôn được nhắc tới trong Mùa Vọng, vì ngài là vị Tiền Hô đi trước kêu gọi người ta dọn lòng đón mừng Đấng Cứu Thế đến bằng cách thay đổi, cải thiện đời sống. Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy một điều nổi bật trong cuộc đời tiền hô của ngài, đó là làm chứng cho Chúa Cứu Thế.
Gioan rao giảng và làm chứng cho Đấng Cứu Thế: "Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên ông là Gioan, ông đã đến để làm chứng, để chứng thực về sự sáng, ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng là người làm chứng cho sự sáng". Sự sáng ở đây là Đấng Cứu Thế. Gioan đã làm chứng cho Đấng Cứu Thế một cách trung thành nhất, bất vụ lợi nhất, kiên trì nhất và hoàn hảo nhất. Ngài đã làm chứng bằng lời nói, bằng hành động và bằng cái chết.
Gioan Tiền Hô đã làm tròn bổn phận của mình là một ngôn sứ là phát loa, là loan báo về Đấng Cứu Thế. Gioan xuất hiện bên bờ sông Giorđan, rao giảng, kêu gọi người ta sám hối. Dân chúng tuôn đến với ông, nghe ông và làm theo điều ông rao giảng...Họ tuôn đến đông đảo khiến cả nhà cầm quyền lẫn các người lãnh đạo trong tôn giáo lúc bấy giờ rất đỗi kinh ngạc. Họ đề cử các phái đoàn đến để tra vấn Gioan để biết xem ông là ai? Gioan không xuất trình cho họ về chứng minh thư của mình, hoặc hộ khẩu, đã không nêu tên tuổi, lý lịch, địa chỉ, bằng cấp...Ông chỉ nói rõ sứ mạng và nhiệm vụ của mình: "Tôi chỉ là tiếng nói trong hoang địa, chuẩn bị đường đi cho Đấng Cứu Thế, sau tôi một Đấng sẽ đến, Đấng ấy đã có trước tôi, cao trọng hơn tôi nhiều, và tôi không đáng xách dép cho Ngài". Rồi khi Chúa Giêsu đến, Gioan đã chỉ vào Chúa và nói với dân chúng : "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh hết mọi tội trần gian". Như một người phát ngôn trung thành, Gioan loan báo cho mọi người biết: Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Như thế, Gioan Tiền hô hướng toàn bộ cuộc đời ông về Chúa Giêsu. Bản thân ông không là gì cả. Cuộc đời ông, sứ mạng của ông chính là loan báo Đấng Kitô. Ngài đến mạc khải cho con người ý nghĩa của cuộc sống và lịch sử của họ. Ngài mang đến cho con người mối phúc: Thiên Chúa là tình yêu, là ơn tha thứ, niềm vui và bình an cho nhân loại.
Không những làm chứng bằng lời nói, Gioan còn làm chứng bằng hành động và gương sáng. Gioan kêu gọi được người ta ăn năn sám hối, trở về với Chúa. Lời giảng của Gioan đi đôi với hành động của Ngài. Thực vậy, Gioan đã lấy cuộc đời khổ hạnh để làm chứng cho người tôi tớ của Giavê, ngài đã sống khó nghèo để làm chứng cho Con Người không có chỗ dựa đầu. Gioan rất vui mừng nhường môn đệ cho Chúa Giêsu, không một chút ghen tương, không một chút nuối tiếc. Ông làm chứng Chúa Giêsu mới là vị tân lang của họ, còn ngài chỉ là bạn hữu đến sửa soạn tiệc cưới mà thôi. Gioan kêu gọi người ta thực hành bác ái và ngài đã thực sự mến Chúa yêu người. Gioan kêu gọi người ta hy sinh và ngài đã sống khắc khổ và hy sinh vì người khác. Như thế, ngài được mọi người nghe và làm theo lời ngài giảng dạy là vì ngài chỉ nói những gì ngài đã sống, đã làm, đã kinh nghiệm. Lời nói và gương sống của Gioan đã làm chuyển biến lòng người. Đời sống và gương sáng của ngài đã thuyết phục được mọi người.
Sau hết, Gioan luôn trung thành với nhiệm vụ của mình cho đến chết. Ngài làm chứng cho Sự Thật bằng chính cái chết của mình. Ngài tố cáo cuộc hôn nhân bất chính của vua Hêrôđê với bà Hêrôđia, vợ của anh vua, nên ngài đã bị tống giam vào ngục. Cuối cùng, Ngài phải chết. Ngài đã chấp nhận cái chết chứ không chịu để cho đạo lý bị chà đạp, chấm dứt nhiệm vụ chứng nhân của mình. Cuộc đời chứng nhân của Gioan Tiền Hô là một bài học đáng giá cho chúng ta.
Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm ra khỏi con người ích kỷ, nhỏ bé, tầm thường của mình để Lời Chúa và tình yêu tự lòng mình thúc đẩy để chúng ta có thể sống đời sống mới, đời sống chứng nhân cho Chúa, cho tình yêu.
Ngày nay, nếu ai đó hỏi chúng ta là ai, chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chắc hẳn, chúng ta không đơn giản trả lời bằng cách xuất trình giấy chứng minh có ghi tên tuổi, hay đưa cho họ xem quyển sổ gia đình công giáo của mình đã ghi tên vào đạo Công Giáo, đã được rửa tội, hoặc không chỉ nói bằng lời mà phải thể hiện chính bằng đời sống chứng nhân của mình cho dù bị thiệt thòi vì Chúa Kitô. Thật thế, trọn cả cuộc đời chúng ta phải nói về Chúa Kitô, phải loan báo Chúa kitô và sứ mạng của Người. Đồng thời, chúng ta phải sống chứng nhân bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống mình, sống làm chứng cho tình yêu đối với Chúa Kitô và đối với con người. Hẳn là Chúa không đòi chúng ta phải sống khắc khổ hay đổ máu đào như Gioan, nhưng Chúa đòi chúng ta phải là chứng nhân, sống như Gioan trong đời sống hiện tại của mình, nghĩa là chúng ta phải là ánh sáng, là muối, là men của trần gian, phải sống như bông sen giữa bùn lầy. Chúng ta làm chứng cho Chúa chính cách sống của mình, sự chọn lựa như chính Chúa Kitô đã sống. Tôi phải sống cởi mở, can đảm, thẳng thắn làm chứng cho Chúa Kitô, đem niềm vui đến cho mọi người. Làm chứng tá như thế, người ta sẽ nhận ra chúng ta chính là Kitô hữu, người có Chúa Kitô, người sống niềm tin Kitô. Vì thế, mỗi người phải là một Gioan Tiền Hô, phải sống và là chứng tá cho Chúa kitô nơi gia đình, nhà trường, nơi chốn làm việc và ngoài xã hội. Mỗi người chúng ta hãy sống và yêu mến việc làm chứng cho Chúa kitô để mọi người nhận ra và đón nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô.
Hơn nữa, để can đảm dám sống và dám chết đi mỗi ngày cho Chúa Kitô, là những người Kitô hữu, những người yêu mến Chúa Kitô, yêu mến Chúa Kitô như người bạn như ân nhân, như là lẽ sống, như là người quan trọng nhất của chúng ta. Chúng ta yêu mến Ngài. Chính tình yêu này là động cơ thúc đẩy chúng ta sống vì ngài, sống cho ngài và trở nên thuộc về ngài. Chúng ta bước đi trong tình yêu của Ngài. Tình yêu sẽ giúp chúng ta chiến thắng nghịch cảnh, bản thân.
Chúa Nhật hôm nay được gọi là "Chúa Nhật Vui". Đó là niềm vui lớn lao và tràn đầy hy vọng của những người tin vào Đấng Cứu Thế và đang hân hoan chờ đón Ngài. Chúng ta hãy thể hiện niềm vui có Chúa Kitô, niềm vui đợi chờ Chúa Kitô đến bằng đời sống chứng tá, bằng đời sống yêu thương chân thành của mình.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin củng cố lòng mến cho chúng con và thêm đức tin để chúng con sống vui, sống thêm tin yêu vào Thiên Chúa. Đó còn là cách thế chúng con là chứng cho Chúa giữa đời. Amen.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG.
Jn. 1,6-8. 19-28.
Anh chị em thân mến.
Trong thời buổi kinh tế thị trường của thời đại, nghệ thuật quảng cáo chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Trên đường phố, những nơi nào có thể được là có những hình ảnh giới thiệu những gì mà người ta cần đến. Trên TV cũng thế, bất cứ giờ phút nào cũng có những thông tin cần thiết về những sản phẩm, có khi làm cho người nghe phải khó chịu. Nhưng lại rất hiệu quả, vì khi qua những giây phút khó chịu đó, nó dường như có một chút gì còn lại nơi người nghe. Không chỉ có thế, còn có những con người mang sản phẩtm đến tận nơi người tiêu dùng, với những kiểu nói hết sức duyên dáng và thu hút, làm cho người đối diện không thể nào làm ngơ được. Những người quảng cáo nầy còn được goi là nhân viên tiếp thị, họ chịu trách nhiệm về mặt hàng, họ giải thích hiệu quả và chỉ cách cho khách hàng xử dụng như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra còn có những giải thưởng hết sức hấp dẫn cho người tiêu dùng, khiến cho mọi người đều lắng nghe và hưởng ứng tận tình.
Chúng ta vừa lắng nghe một nhân viên tiếp thị, nhưng không phải tiếp thị cho mặt hằng nào, mà là thông báo và quảng cáo phần thưởng cho những ai biết chuẩn bị chu đáo để đón mừng Đấng có uy quyền đến với họ. Nhân viên tiếp thị không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng hành động và cả cuộc sống. Một đời sống khiêm nhường chân thật để làm chứng cho sự thật. Một đời sống thanh thoát để hướng mọi người về trời cao. Một đời sống khắc khổ để kêu gọi mọi người hy sinh, chịu khó để dâng cuộc đời cho Chúa. Oâng biết chấp nhận sự thật, quên mình đi, để hướng mọi người về Đấng Cứu Thê mà ông giới thiệu. Oâng kêu mời mọi người thay đỗi đời sống cho tốt hơn để xứng đáng chuẩn bị đón chờ Chúa đến. Oâng cũng làm gương cho mọi người biết chấp nhận cuộc sống hiện tại, chấp nhận những gì là của mình, để biết sống trọn vẹn và chu toàn trách nhiệm thật chu đáo.
Những người của ngày xưa không thể nào ngồi yến bất động, khi nghe thấy những lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả, họ chạy đến với Gioan, nhận phép rửa thống hối. Họ cũng đến với Gioan để tìm cho mình một con đường sống theo Thánh ý Chúa.
Chúng ta, những con người của ngày hôm nay, cũng nghe những lời của ngày xưa, cũng gợi lại trong tâm trí chúng ta hình ảnh sống động của một chứng nhân. Nhưng nhân viên tiếp thị hết sức thuyết phục của ngày xưa, cũng đang dùng hết khả năng của mình cho những người của ngày nay, không biết có mang lại chút kết quả nào không?
Mỗi người trong chúng ta nghe nhiều, biết nhiều, nhưng chúng ta sống như thế nào? Giờ đây lời kêu mời lại vang lên một cách sống động và tha thiết. Nếu chúng ta thấy được mình thiếu thốn về đạo đức, thiếu về lòng nhân ái, thiếu thốn về nhân cách làm người mà biết chạy đến với Chúa khi nghe lời kêu mời của Gioan, để xin Chúa đong đầy những gì còn thiếu nơi chúng ta.
Nhìn vào gương làm chứng của Gioan Tẩy Giả, chứng ta cũng quyết là những chứng nhân sống động như Ngài; khi chúng ta biết làm cho Chúa Kitô hiện điện trong đời sống của mình thật sự. Đó là những lúc chúng ta biết quên mình mà đến với người khác để giúp cho họ sống tốt hơn qua những lời nói chân thành, qua sự giúp đở nhẹ nhàng đối với những gì mà người ta cần. Cũng là những lúc chúng ta nhìn thấy được trách nhiệm, những gì phải làm mà không ngần ngại, cho dù nhìn thấy những khó khăn trước mắt. Trong những lúc chúng ta nhìn thấy những lợi lộc của trần gian, những niềm vui không phải của mình, chúng ta không cần đến cũng không tìm cách chiếm hữu nó; những lúc đó chúng ta đã trở nên một chuyên viên tiếp thị xuất sắc cho chúa Kitô như vị Tiền Hô của ngày xưa. Khi đó mọi người nhìn vào chúng ta và họ cũng nhìn thấy, cũng lắng nghe được sứ điệp loan báo về Chúa sắp ngự đến. Khi đó chúng ta không chỉ loan báo bằng lời nói, nhưng bằng chính cuộc sống và cả con người của chúng ta. Khi đó Chúa đã đến thật sự.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết lắng nghe Lời Chúa, đễ biết nhận ra Chúa và sống xứng đáng là Chứng nhân trung thành của Chúa trong cuộc sống đời thường.
LÀM CHỨNG TRONG NIỀM VUI
Ga 1, 6.8.19 - 28
Cùng với Giáo hội chúng ta bước vào Chúa nhật thứ 3 Mùa vọng của năm Phụng vụ 2009. Với Chúa nhật này chúng ta đã đi được nửa đoạn đường của mùa vọng năm nay. Chúa nhật hôm nay được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Vui mừng vì ngày Đại lễ Giáng sinh sắp tới. Ngày đại lễ Giáng sinh nhắc nhớ chúng ta về một niềm vui trọng đại. Niềm vui con người chúng ta được đón nhận Đấng Cứu Thế Giêsu. Niềm vui này không thể giữ cho riêng ai mà cần phải được loan báo cho nhiều người được biết.
Đoạn Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một chứng nhân loan báo niềm vui ấy. Chứng nhân ấy là Thánh Gioan Tẩy Giả. Mở đầu đoạn Tin mừng Thánh sử Gioan giới thiệu: "Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin" (Ga 1, 6- 7). Kế đến, người Do thái muốn biết Gioan là ai thì ông đã trả lời: " Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi" (Ga 1, 23) và "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người" (Ga 1, 26b - 27).
Chính trong niềm vui mà Thánh Gioan Tẩy giả đã ý thức được vai trò làm chứng của mình. Vai trò giới thiệu làm chứng cho Đấng Cứu Thế Giêsu. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 cũng đã kêu mời chúng ta hãy vui mừng luôn mãi (1Tx 5, 16 ). Thánh nhân cũng là một trong những người cảm nhận được niềm vui trong Chúa. Do đó, cả đời thánh nhân từ một con người căm ghét những ai tin vào danh Đức Kitô trở thành một chứng nhân hăng say rao giảng Đức Kitô.
Đấng Cứu Thế Giêsu đến trần gian này đem lại cho nhân loại một niềm vui mới. Người ta nói niềm vui đem chia sẻ thì niềm vui sẽ nhân đôi. Mỗi người chúng ta chắc chắn ít nhiều cũng cảm nhận được niềm vui mà Chúa mang đến cho mình. Chúng ta hãy đem chia sẻ niềm vui ấy cho những anh chị em xung quanh bằng cách sống theo những gì Chúa dạy. Đó là chúng ta đang làm chứng cho Người trong niềm vui.
NIỀM VUI ĐÍCH THỰC
Ga 1, 6-8, 19-28
Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ 3 Mùa vọng, nghĩa là chúng ta đã trải qua hơn nữa chặng đường của Mùa Vọng. Hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy vui lên. Tại sao vậy? Điều gì khiến chúng ta cần phải sống tâm tình hân hoan như thế? Vâng, chúng ta có rất nhiều lý do để vui mừng:
Trước hết, chúng ta vui mừng vì Chúa đã nhập thể làm người và đã mang lại cho chúng ta ơn cứu độ. Chúa đã đến và đã hiện diện trong lịch sử nhân loại, mang lại cho con người hồng ân lớn lao là cứu con người khỏi quyền lực sự chết và phục hồi cho con người địa vị làm con cái Thiên Chúa. Nhưng có lẽ nhiều người chúng ta không cảm thấy đây là một vinh dự lớn lao mà lại xem thường vì thấy làm con cái Thiên Chúa đâu có hơn gì người khác đâu. Quả thật, nếu nhìn theo phương diện phàm trần thì được làm con Chúa không hơn và không khác gì với những người khác, thậm chí còn phải mang lấy nhiều trách nhiệm hơn những người khác. Nhưng về phương diện đời sống thiêng liêng, chúng ta đang nắm giữ một vinh dự quá lớn lao, đang sở hữu một gia nghiệp sung mãn và vững chắc mà không ai trên trần gian này có thể có hay dám nghĩ tới. Chúng ta có quyền hy vọng như thế vì Chúa đã ban cho chúng ta Người Con Một yêu dấu của Ngài rồi thì không còn có gì mà Ngài lại từ chối không ban cho chúng ta. Tuy nhiên, hạnh phúc Nước trời chỉ nằm ở cuối chặêng đường trong hành trình đức tin của chúng ta. Phần thưởng ấy dành cho những ai hết lòng tin tưởng và tín thác vào Thiên Chúa qua nỗ lực sống thánh thiện trong từng ngày sống của mình. Sống tin tưởng và tín thác vào Thiên Chúa chính là chu toàn sứ mạng của mình, chu toàn những phận vụ mà mình đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa như những nén bạc được Thiên Chúa trao ban.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy một mẫu gương sống niềm vui và sống tín thác vào Thiên Chúa, đó là Thánh Gioan Tẩy Giả. Thánh Gioan là người sống niềm vui tràn đầy vì ngài được kêu gọi làm Ngôn sứ của Chúa và làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Thánh Gioan đã sống hết mình và hết tình với nhiệm vụ của mình trong sự khiêm tốn lạ lùng để làm cho mọi người nhận biết Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Đấng Cứu Độ muôn dân hằng mong đợi. Thánh Gioan đã hạ mình xuống để cho làm cho Đức Giêsu được sáng lên. Ngài đã nói "Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại". Thánh Gioan làm được điều đó vì ngài đang mang trong mình niềm tin yêu và hy vọng vào Thiên Chúa của ngài. Chúng ta cũng cần mang lấy tâm tình đó để sống vui trong từng ngày sống làm Kitô hữu và làm chứng nhân cho Thiên Chúa.
Chúng ta còn phải vui mừng vì biết bao những ơn lành người đã ban cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng đây là điều ít ai trong chúng ta nghĩ tới. Chúng ta thường có quan niệm coi Thiên Chúa như một vị khách hoà hiệp nào đó, lâu lâu ghé thăm chúng ta một lần rồi tặng cho chúng ta một món quà nào đó, thấy cũng vui vui vậy thôi. Vì nhìn Thiên Chúa như thế, cho nên chúng ta không thấy cần Thiên Chúa trong cuộc đời của mình bao nhiêu: có Ngài cũng được, không có Ngài cũng chẳng sao. Thậm chí nhiều lúc, chúng ta còn nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời này khi chúng ta thấy thiên tai, bệnh tật, bất công, đói nghèo xảy ra nhan nhản trước mắt; khi chúng ta thấy kẻ ác lại sống sung túc và dư dật, còn kẻ lương thiện, hiền lành thì lại sống chật vật và bị chèn ép tứ bề. Nhìn thấy nhân tình thế thái như vậy thì làm sao chúng ta vui được? Làm sao chúng ta có thể hân hoan tiến bước trong đời sống đức tin của chúng ta được? . . . Tất cả những điều ấy chỉ có thể giải đáp trong đời sống đức tin mà thôi. Nhưng tắt một lời là nếu vắng bóng Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta một giây phút thôi, nếu Thiên Chúa ngưng gìn giữ vù trụ này một giây phút thôi thì tất cả sẽ ra tro bụi hết, sẽ về cõi hư vô hết. Chúng ta cũng cần hiểu biết rằng: nếu không có cuộc sống đời sau và sự sống vĩnh cửu thì cuộc đời này sẽ vô lý, vô nghĩa và nói như Jean Paul Sarte: "Cuộc đời này buồn nôn" vô cùng. Nhưng chúng ta tin có sự sống đời sau, có thưởng phạt trong cuộc sống mai sau. Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng nhưng Ngài cũng công bằng vô cùng: Số phận của con người chúng ta sẽ khác biệt nhau trong cuộc sống mai sau tuỳ vào lối sống hiện tại của chúng ta. Kẻ dữ, người lành sẽ được Thiên Chúa tách biệt ra như "mục tử tách chiên ra khỏi dê" vậy. Vì thế, mọi việc làm của chúng ta ở cuộc đời này cần phải được đặt nền móng trong Thiên Chúa, trong cuộc sống mai sau. Có như thế thì chúng ta mới thấy phấn khởi và hân hoan tiến bước. Chúa Giêsu đã khuyên nhủ chúng ta rằng: "anh em hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, " (Ga 6,27). Nếu chúng ta giữ đạo chỉ vì muốn được hạnh phúc ở đời này thôi thì quả thật đức tin của chúng ta còn non yếu lắm và coi chừng chúng ta là những kẻ khờ dại trước mặt Thiên Chúa. Chúa không hứa hạnh phúc ở đời này cho bất cứ ai theo Ngài, có hứa chăng là Ngài hứa cho chúng ta được nên giống Ngài trên con đường Thập giá để mai sau chúng ta được Phục sinh vinh quang với Ngài trên trời. Chúa nói: "phúc cho anh em khi vì Thầy mà bi người ta bắt bớ và vu khống mọi điều xấu xa". Chúng ta có dám đón nhận phúc lành của Chúa không? Chúa Giêsu cũng nói với thánh Phêrô rằng: "Con ráng làm Giáo hoàng cho ngon lành và tốt đẹp nhé, Thầy sẽ cho con được chết giống như Thầy". Như vậy, cuộc đời theo Chúa của từng người chúng ta không nhằm vinh quang ở đời này, không nhằm hạnh phúc chóng qua ở đời này, nhưng là hạnh phúc lớn lao mai sau. Đó là động lực, là niềm vui mà Giáo hội mời gọi chúng ta hân hoan đón nhận và tích cực sống đời sống Kitô hữu của mình.
Chúng ta còn một lý do nữa để vui mừng là chúng ta đang mang trong lòng một niềm hy vọng về một tương lai huy hoàng và chắc chắn. Trong sứ điệp Mùa vọng năm nay, Đức Thánh Cha Bênêđictô mời gọi người Kitô hữu chúng ta sống niềm hy vọng. Như vậy, sống Mùa vọng là sống niềm hy vọng. Quả thật, đời sống của người Kitô hữu của chúng ta được đông đầy bởi niềm hy vọng: hy vọng vào vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, hy vọng vào một tương lai huy hoàng mai sau. Nói cách khác, niềm tin Kitô giáo của chúng ta được xây trên niềm hy vọng vững chắc cho cuộc sống mai sau.
Ước gì chúng ta luôn sống vui mừng và hy vọng trong từng ngày sống của chúng ta trong niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu qua thái độ sống tích cực, vui tươi với mọi người, hăng hái làm việc thiện, khát khao tìm gặp Chúa và tìm mọi phương thế cũng như tận dụng mọi khả năng để làm cho Chúa được lớn lên trong cuộc đời chúng ta và trong vũ trụ này. Amen.
Anh chị em thân mến,
Chị Rơ Châm H'Jưng, là người J'rai, đất Ialy, Kontum, giáo viên cấp I. Chị đang học Giáo lý tân tòng thì bị chính quyền xã gọi đến cấm đoán. Sau nhiều lần như thế, chị bị buộc phải chọn lựa: hoặc làm giáo viên, hoặc theo Chúa. Chị khẳng khái trả lời: "Tôi chọn theo đạo Chúa." Thế là bị nghỉ việc. Chị kể lại: khi nhận tờ giấy thôi dạy, chị thấy tương lai của gia đình, con cái đều sụp đổ... Chị lại trở về bản làng làm lụng kiếm ăn. Bà con biết chị theo đạo đã đến xin chị dạy đạo cho họ. Lúc đầu chị từ chối, nghĩ rằng ngoài khả năng mình; nhưng sau vì thấy cần, chị chịu khó đọc Kinh thánh, cầu nguyện suy niệm Lời Chúa. Chị mạnh dạn nói về Chúa cho mọi người. Càng ngày bà con càng đến với chị đông hơn, có khi phải lội bộ 20, 30 cs, hay bị cấm đoán, phạt vạ, vì họ đến học đạo nơi chị. Từ đó, chị lại càng thấy rõ cái được, cái mất hơn nữa: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" ( Mt 16, 24 ). Cũng từ nay, chị nhận ra mình là sứ giả của Tin mừng cho người nghèo mà Chúa Giêsu mong muốn nơi chị, không chỉ rao giảng Lời Chúa, mà còn để xoa dịu những tâm hồn tan nát, chữa lành người tật bệnh. (Vietcatholic news, 18.01.2003). Đây chính là hình ảnh của thánh Gioan nói trong TM hôm nay; ngài là chứng nhân sống cho Chúa Kitô. Kính mời cùng suy niệm...
a/. Gioan Tẩy giả, trước mắt người phàm:
Thánh Gioan Tẩy giả được kinh thánh tuyên xưng là vị đại Tiên tri, Đấng Tiền hô đi trước dọn đường cho Đấng Cứu thế, vậy mà cuộc đời của ngài vinh quang đâu chẳng thấy, chỉ thấy toàn là long đong, vất vả. Lớn lên nhận được ơn gọi làm chứng nhân, người tiền phong cho Chúa Cứu thế, thánh nhân đã vào sa mạc sống khắc khổ, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo bằng da lông thú. Chính Chúa Giêsu đã nói về Gioan: "các ông vào sa mạc tìm gì? Có phải tìm cây sậy phất phơ trước gió không? - Không. Hay có phải tìm một người ăn mặc lụa là gấm vốc? Nhưng hạng người đó lại chỉ ở trong cung điện nhà vua. Vậy có phải các ông đi tìm một vị tiên tri không? Đúng và còn hơn một tiên tri nữa..."(Gn 11, 7-9)
Thánh Gioan là một tiên tri, một chứng nhân như thế, vì lời thẳng thắn đã không làm hài lòng nhóm tư tế, kinh sư do thái. Thánh Gioan còn làm phật ý cả vua Hêrôđê, đến nổi bị bà Hêrôđiađê dùng mưu mà chém đầu. Trước mặt thế gian, ai cũng cho là thất bại, là điên rồ. Cuộc đời của các thánh hiển tu, các vị tử đạo cũng thế. Các ngài bị chê là những kẻ khờ dại, mê lầm, những người không hiểu biết nên mới chối bỏ vinh hoa phú quí trần gian... Những con người bị chê; thả mồi bắt bóng... Có đúng như thế không?
b/. Gioan Tẩy giả, trước mặt TC, là một chứng nhân tận tụy và trung kiên:
- "Có người hỏi: Ông là ai? Có phải là Đấng Cứu thế không? Gioan trả lời: Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc..."(Gn 1, 20-29)
- "Tôi chỉ làm phép rửa cho anh em trong nước; Đấng đến sau tôi, sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lữa..."(Mt 3, 11)
- "Khi Đức Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa, Gioan nói: chính tôi mói cần được ngài làm phép rửa." (Mt 3, 14).
- "Đấng đến sau tôi, cao trọng hơn tôi; tôi không đáng cởi quai dép cho Người..."(Gn 1, 27)
Thánh Gioan Tiền hô quả là một chứng nhân tận tụy và trung kiên. Dù là một đại Tiên tri đi trước mở đường cho Đấng Cứu thế, nhưng rõ ràng ngài khiêm tốn biết bao khi nói lên chính sự thật này: "tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc.Tôi chỉ rửa anh em trong nước mà thôi..." Một con người sống sau thánh Gioan không bao lâu, nhỏ hơn ngài cũng không nhiều, cũng đã sống như một chứng nhân tận tụy và trung kiên như Gioan Tẩy giả, đó là Thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại.Thánh nhân cũng đã từng nói những lời không khác thánh Gioan là mấy:
- "Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi"(Gal 2, 20). "Tôi biết tôi đang tin vào ai..." (II Tim 1, 12)
- "Ước gì tôi chẳng hảnh diện điều gì, ngoài thập giá Đức Kitô."(Gal 6, 14)
- "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng phúc âm."(I Cor 9, 16)
- "Ai tự hào, hãy tự hào trong Chúa." (I Cor 1, 31)
- "Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng cho tôi được mạnh mẻ." (Phil 4, 13)
Thánh Gioan TG, thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại, họ là những chứng nhân tận tụy kiên cường như thế, làm sao chúng ta có thể nghỉ họ là người ngây dại mê muội, không khôn ngoan?
Câu chuyện: Mang thai đứa con thứ tư, bác sĩ Gianna Beretta Molla mới biết mình mang căn bệnh đe dọa mạng sống cả hai mẹ con, bà không hề do dự. Luôn tin tưởng vào sự Quan Phòng và Tình thương của Thiên Chúa, bà sẵn sàng dâng hiến mạng sống để cứu bào thai. Bà nghiêm trang nói với bác sĩ: Nếu quí vị phải đắn đo chọn lựa giữa tôi và đứa bé, xin đừng do dự, hãy cứu sống đứa bé, vì tôi mong muốn như vậy! Ngày 21-4-1962, bác sĩ Gianna Molla sinh một bé gái, đặt tên: Gianna Emanuela. Chỉ một tuần sau, bà trút hơi thở cuối cùng, miệng vẫn thiết tha lập đi lập lại: "Lạy Đức Chúa GIÊSU, con yêu mến Chúa". Bà hưởng thọ 40 tuổi. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã tôn phong bà là Mẹ các gia đình, lên hàng chân phước ngày 24-4-1994. Ngày 16-5-2004, bà lại được tôn lên hàng hiển thánh. Lễ kính ngày vào ngày 28-4 hàng năm. Con của bà là Gianna Emanuela, hiện nay 46 tuổi, hành nghề bác sĩ nối nghiệp hiền mẫu đáng kính của mình.
c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Thánh Gioan đã là vị đại tiên tri, vậy mà Gioan chỉ nhận mình là tiếng kêu trong sa mạc, chứng nhân can trường đi trước dọn đường cho Chúa Cứu thế. Ta có tin nơi lời Gioan nói, tin vào việc ngài làm không? Nhất là ta có sẵn sàng sống như là chứng nhân cho Chúa Kitô ở giữa lòng thế giới hôm nay không?
LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
Ga 1, 6-8, 19-28
Gioan Tẩy Giả có một vai trò rất đặc biệt trong kế hoạch của Thiên Chúa. Có lẽ vì thế mà Thánh sử Luca đã nói về Gioan ngay sau câu giới thiệu tóm tắt quyển Tin Mừng: " Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa: chiếu theo lời đã chép trong sách ngôn sứ Isaia: 'Này ta sai sứ giả của ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa, hãy dọn đường ..." (x. Mc 1, 1-4). Gioan Tẩy Giả đến để làm chứng cho sự thật về vai trò của mình, về tình thương của Thiên Chúa và về Đấng Cứu Độ đến trong trần gian.
1. Làm chứng cho sự thật về mình :
Gioan rao giảng và làm phép rửa sám hối cho mọi người. Khi ông đã nổi danh, người ta thắc mắc về vai trò của ông. Ông có phải là một vị tiên tri như bao vị tiên tri đã qua đi hay là Đấng Cứu Độ phải đến trong trần gian. Những người đại diện tôn giáo muốn có tin chính xác về ông nên đã cử người đến gặp ông. Họ hỏi: "ông là ai?" Ông nói rõ : tôi không phải là Đấng Cứu Thế, cũng không phải là Êlia nhưng là "tiếng hô trong hoang địa". Phái đoàn này gồm những luật sĩ và biệt phái chắc hẳn hiểu ngay là Gioan ám chỉ mình là Tiền hô cho Đấng Cứu Thế và phép rửa của ông chỉ là hình bóng cho phép rửa chính thức của Đấng Cứu Thế.
2. Làm chứng cho tình thương của Chúa:
Tên Gioan nghĩa là Chúa thương. Gioan sinh ra do tình thương của Chúa đối với gia đình : sinh ra trong hoàn cảnh cha mẹ già. Kể cả Giacaria cũng không tin nổi là mình còn có thể sinh con dù ông tha thiết muốn có con! Chính ông làm mọi người phải để tâm suy nghĩ về hồng ân Chúa ban cho gia đình, và xa hơn nữa là tình thương của Chúa đối với dân Israel. Mỗi lần kêu đến tên Gioan là mọi người nghĩ ngay đến tình thương Chúa.
3. Làm chứng về Đấng Cứu Độ đã đến trong trần gian:
Gioan khẳng định mình là tiếng hô trong hoang địa, cũng là cách khẳng định về ơn cứu độ đang dành sẵn cho dân Israel. Thời kỳ cứu độ đã đến gần. Gioan nói rõ: Đấng đó đã đến, đang ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết. Đấng đó cao trọng hơn tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người. Đấng đó là Ngôi lời Thiên Chúa, là Sự Sáng, còn Gioan chỉ là người phàm được Chúa sai đến làm chứng cho Sự Sáng, giúp cho thiên hạ nhận biết Ngôi Lời và tin phục Người.
Gioan dọn đường cho Chúa bằng việc làm chứng cho sự thật về mình, về Đấng cứu thế. Đời sống khổ hạnh của Ngài là lời mời gọi chúng ta hôm nay hãy hoán cải tận đáy lòng, thể hiện đức tin của mình bằng những việc làm cụ thể như sống hòa thuận trong gia đình, hàng xóm láng giềng, bác ái với mọi người, biết tha thứ cho những người làm phiền lòng mình... lời rao giảng và bằng đời sống khổ hạnh. Chúng ta cũng hãy nối tiếp vai trò của Gioan nhắc nhở những người xung quanh bằng cuộc sống gương mẫu và lời khuyên để họ biết chuẩn bị đón Chúa đến luôn luôn.
Là con cái Chúa, chúng ta trả lời mạnh dạn cho mọi người về vai trò và niềm tin của chúng ta hiện nay trong thế giới, ý thức về bổn phận của mình đối với việc truyền giáo và sống đạo, để xứng đáng với tình thương của Chúa trên mỗi người chúng ta. Ngay khi làm được nhiều việc Chúa trao, chúng ta cũng hãy biết vai trò của mình chỉ là người dọn đường và biết nói như thánh Gioan Tiền Hô: để Chúa lớn lên còn tôi nhỏ đi.
1203 09-12-2011 20:48:54