THEO NHƯ Ý CHÚA
Mt. 4, 12- 17.
Anh chị em thân mến.
Nhìn những cánh đồng lúa xanh tươi bát ngát, một cảm giác êm nhẹ như len lén đi vào tâm hồn con người, tạo nên một nét thanh bình dịu dàng mà không một khung cảnh nào có thể sánh kịp. Nhưng nếu để một chút suy tư, chúng ta cũng dể dàng nhận thấy: nét thanh bình này cũng thay đỗi, cũng biến chuyển theo thời gian; từng đợt lúa xanh rồi chín vàng, được con người thu hoạch và những màu xanh cũng lại tiếp tục như thế. Khi những cây lúa xanh tươi kia đã hết kỳ hạn, nó phải nhường chỗ cho những cây lúa khác tiếp tục sứ mạng hiến màu xanh tươi tốt cho đời, đồng thời mang lại lợi ích cho con người. Từng thế hệ cây lúa nối tiếp nhau chu toàn sứ mạng đem sức sống cho đời. Nó phải chu toàn sứ mạng khi mưa cũng như khi nắng, khi thuận lợi cũng như khi bất lợi, nó vẫn phải mang đến cho đời những gì cần thiết.
Nếu có cây lúa nào đến thời kỳ thu hoạch mà nó không chịu rời chỗ của nó, nhường cho những hạt lúa khác có điều kiện nẩy mầm, thì số phận của những người hưởng nhờ sức sống từ cây lúa sẽ ra sao ? Còn mảnh đất nơi nó ngự trị có lẽ sẽ trở nên khô cằn.
Chúng ta vừa chứng kiến một sự thay đỗi:
Gioan đến thi hành sứ mạng, ông thi hành hết sức tốt đẹp, ông đem lợi ích đến cho nhiều người, nên ông tạo được uy tín cho mình, cũng tạo được niềm tin cho nhiều người tin vào những gì ông rao giảng. Đến mùa thu hoạch, kết thúc sứ mạng, ông không thể chần chừ thêm nữa. Đoạn kết sứ mạng có vẻ đau thương; trước mắt người đời, ông như bị Thiên Chúa bỏ quên. Nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, sứ mạng ông kết thúc, ông nhường chỗ lại cho sứ mạng khác, tiếp tục đem sức sống cho đời, sứ mạng cao trọng hơn ông.
Chúa Giêsu thi hành sứ mạng, đem sức sống mới cho đời, đem niềm vui của Thiên Chúa đến cho con người. Ngài thi hành sứ mạng theo Thánh Ý của Thiên Chúa chứ không phải theo ý con người, nên Ngài tránh xa những gì mà con người tìm trong hư danh.
Nếu Gioan cứ để cho mọi người ngưỡng mộ mình mà không chịu rút lui, thì chương trình của Thiên Chúa sẽ trục trặc với ông, và những người trông chờ ơn cứu độ cũng vất vả với ông. Nhưng ông biết vâng phục khi sứ mạng hoàn tất, nên lợi ích ông mang đến cho đời thật mãnh liệt.
Trong cuộc sống đời thường, ai cũng muốn chứng tỏ tài năng của mình cho mọi người nhìn thấy, để rồi mong muốn được mọi người ngưỡng mộ. Con người muốn tận hưởng niềm vui đó, nên không nhìn thấy được giới hạn của chính mình, càng không nhìn thấy được tài năng của người khác. Như thế thì con người làm sao biết được sứ mạng của mình phải hoàn tất để mang niềm vui và sức sống cho đời.
Mỗi người trong chúng ta, nhìn vào chính mình xem, có nhận ra được sứ mạng mà mình đang mang để đem niềm vui và sức sống cho đời. Chúng ta có lẽ cũng biết được những trách nhiệm trong cuộc sống, cũng có lý tưởng để mà bước đi, đôi khi cũng tìm được niềm vui trong phục vụ. Cũng có những lúc, chúng ta cũng tự hào về công việc của mình, nên cố hết sức, dùng tài năng để làm cho công việc được tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn, để được mọi người ngưỡng mộ khen tặng nhiều hơn, và chúng ta đã dừng lại ở đó. Chính vì dừng lại nên không còn nhìn thấy chính mình, không nhìn thấy người khác, nên không còn biết lắng nghe, không biết chấp nhận người khác, không bằng lòng với những gì trái ý mình. Những lúc đó mảnh đất con người của chúng ta đã trở nên khô cằn, vì những hạt giống mang lợi ích cho đời không thể nẩy mầm mới để mang lại sức sống mới được nữa, mà nó chỉ biết giữ lấy kết quả của thời quá khứ.
Nếu chúng ta nhìn thấy được thánh ý Chúa, biết chấp nhận, biết lắng nghe và thi hành trọn vẹn, cho dù có những đau thương hay mất mác, cho dù dường như người đời vô ơn bạc tình, nhưng đó là sứ mạng, là nhiệm vụ đem sức sống và hạnh phúc cho đời theo thánh ý Chúa chứ không phải theo ý của riêng mình. Được như thế thì cánh đồng lúa xanh tươi của con người sẽ từng thế hệ nối tiếp nhau, không bao giờ phải khô cằn hư hoại được. Như thế chúng ta đang bước đi trên con đường sứ mạng mà Gioan và Chúa Giêsu đã đi khi xưa.
Xin chúa dẫn dắt chúng ta trong từng bước đi của cuộc đời.
Nếu phân tích việc kêu gọi của Đức Giêsu, ta thấy Thánh sử Mátthêu đã sử dụng thể văn kêu gọi đã được sử dụng trong phần Cựu Ước, chẳng hạn việc kêu gọi ngôn sứ Êlia, Êlisê. Trình thuật này không nhắc đến cũng như không hề quan tâm đến khía cạnh tâm lý nhằm làm nổi bật đến lời kêu gọi của vị tôn sư, và việc đáp trả đầy gắn bó và tin tưởng của các môn đồ. Chỉ cần một lời bảo: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành lưới người như lưới cá". Cũng thế, người môn đệ lý tưởng, kẻ từ bỏ mọi sự không chút do dự, không một lời biện bạch, mà tuyệt đối tin theo và nhanh chóng đáp trả, được thể hiện qua hai chữ "lập tức". Nhưng để trở thành một môn đệ lý tưởng, trở thành "ngư phủ bắt người", nghĩa là thành kẻ rao giảng và chứng nhân nước trời. Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ tương lai trước tiên phải biết hy sinh từ bỏ.
Điều nổi bất nhất nơi các môn đệ được Chúa kêu gọi đó là sự từ bỏ, được thể hiện qua việc đáp trả của các môn đệ. Sau khi nghe Đức Giêsu kêu gọi hai môn đệ Phêrô và Anrê "đang quang chài" lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Cũng thế, ông Giacôbê và Gioan đang vá lưới với cha cũng lập tức bỏ thuyền, bỏ cha lại mà đi theo Người. Chúng ta dễ dàng thấy được các tông đồ không những chỉ từ bỏ vật chất, mà còn từ bỏ cả bản thân từ bỏ cả tình cảm.
Trong một xã hội văn minh vật chất, sống một nếp sống chỉ biết hưởng thụ, làm cho con người chỉ còn biết mình chỉ còn biết chủ nghĩa cá nhân, biết phung phí tiền bạc như nước mà không bao giờ màng đến hay quan tâm đến nhu cầu của tha nhân. Một nền văn minh hưởng thụ đó được đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là "nền văn minh sự chết". Thử hỏi nền văn minh như thế sẽ đưa con người đến đâu, bao nhiêu người dám từ bỏ để nghe theo tiếng Chúa gọi mà quảng đại hy sinh cho lý tưởng cao cả như các tông đồ xưa. Các ngài cũng có nghề nghiệp, có người thân, và có người còn có cả gia đình vợ con...nhưng sau khi nghe tiếng Đức Giêsu gọi các ngài đã "Lập tức" từ bỏ để đi theo Người, không cần một điều kiện, không cần một đòi hỏi. Một điều thật hay là khi đáp trả tiếng Chúa gọi các ngài vẫn chưa biết Đức Giêsu là ai, nhưng nếu có cái nhìn sâu xa chúng ta sẽ thấy họ bị thúc đẩy bởi mãnh lực thốt ra từ lời nói của Đức Giêsu, làm họ không thể cưỡng lại được. Đó chính là động lực Thánh Thần cùng nỗ lực bản thân đã biến đổi các ông từ " ngư phủ lưới cá" thành "ngư phủ lưới người".
Khi nói đến sự từ bỏ bản thân, thì người ta cứ nghĩ mình đã hy sinh cho một lý tưởng cao cả lắm, mình đã dâng cho Chúa nhiều lắm... Thật ra, đó chính là ảo tưởng, vì những gì chúng ta đang có là của Chúa. Thử nghĩ xem, cuộc sống này, thời gian này, vật chất này... tất cả đều do Chúa ban mà có. Nếu chúng ta có hiến thân mình là chúng cũng chỉ là trả lại cho Chúa mà thôi, hay nói đúng hơn từ bỏ là dâng hiến lại cho Chúa những gì thuộc về Ngài mà từ trước đến giờ ta cứ ngỡ là thuộc về mình, mà vô tình hay cố ý chúng ta đã giữ lại cho mình. Vì thế, chính lúc thờ ơ không đáp trả chính là lúc chúng ta đang sống bất công đối với Chúa.
Nhìn lại qua dòng lịch sử của Giáo Hội, có rất nhiều mẫu gương đã tự bỏ mình để Chúa biến đổi thành công cụ trong lòng bàn tay của Người. Đó là những vị thánh đã đi bước trước để chúng ta bước theo. Các ngài đã được biến đổi khi mau mắn đáp trả tiếng Chúa. Từ sự đáp trả này mà các ngài đã trở thành sứ giả Tin Mừng, sứ giả của Chân Lý, thành dụng cụ của tình bác ái. Nhìn vào đó chúng ta có thể khẳng định: mỗi người đều có thể trở thành dụng cụ hữu ích trong lòng bàn tay của Chúa, khi biết chấp nhận theo ý Người trong cuộc sống của mình, như thánh Biển Đức đã mang lại cho thế giới Tây phương về đời sống tiết độ, về sự khôn ngoan và công chính. Thánh Phanxicô đã giải thoát mình khỏi sự ràng buộc vật chất để lòng được thanh thoát phục vụ người nghèo và hết tình yêu mến Chúa. Còn chân phước Têrêsa Calcutta sống với đau khổ bệnh tật quên mình cho đến chết...Vì thế với khả năng Chúa ban chúng ta đừng bi quan, chỉ cần nỗ lực, cộng thêm tình yêu và lòng nhiệt thành thì tất cả chúng ta đều có thể trở thành thành nhân trong cuộc sống ngày nay.
Thiên Chúa luôn kêu mời chúng ta trong mọi hoàn cảnh nhưng chúng ta đã đáp trả chưa, khi Ngài mang đến cho chúng ta lời đề nghị của tình yêu, chúng ta có sẵn sàng đón nhận lời mời gọi của Người để dấn thân phục vụ Giáo Hội và cộng đoàn của Người như những người chài lưới xưa kia ở Galilê không? Hay chúng ta còn qúa cẩn thận rào đón, hoặc chúng ta còn e sợ vì tương lai mông lung khi bước theo Chúa chăng? Nếu có như thế vì chúng ta còn qúa ích kỷ chỉ biết lo cho cái tôi của mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thể hiện tình yêu đối với Chúa và tha nhân bằng việc làm cụ thể đó là sự hy sinh và dâng hiến, xin cho ngày càng có nhiều người dám quảng đại dâng mình trong cánh đồng truyền giáo của Chúa. Và nhất là cho giới trở ngày nay biết sống cho người khác và vì người khác hơn nữa. Amen.
BÓNG TỐI VÀ ÁNH SÁNG
Mt. 4, 12- 17.
Mở đầu đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp những động từ diễn tả những hành động xem ra rất bi quan như: bị nộp, lui về, rời bỏ. Ai mang những hành động bi quan đó. Thưa chính là Gioan và Chúa Giêsu: Gioan thì nộp cho vua Hêrôđê, Chúa Giêsu thì phải âm thầm rút lui khỏi Galilê và rời bỏ Nazareth . Có vẻ như Gioan và Chúa Giêsu là những con người thua trận trong một trận chiến giữa bóng tối và ánh sáng.
Gioan là người công chính. Suốt cuộc đời, ông đã sống và làm chứng cho sự thật. Ông không ngừng kêu gọi con người ăn năn sám hối , từ bỏ con đường tội lỗi, kịch liệt lên án những hành động loạn luân của vua Hêrôđê . . để rồi cuối cùng ông bị nộp vào tay kẻ gian ác như những con người thua trận bị bắt làm tù bình vậy. Gioan không phải là ánh sáng nhưng không thuộc về ánh sáng và chiến đấu cho Sự Sáng. Nhưng xem ra Bóng Tối đã chiến thắng Sự Sáng và khống chế Sự Sáng. Sứ vụ làm Tiền Hô, làm người dọn đường cho Đấng Thiên sai đến của Gioan chấm dứt với việc bị bắt vào tù và chờ đến ngày bị kẻ ác giết chết. Cuộc hiến giũa bóng tối và ánh sáng vẫn tiếp diễn. Khi sứ vụ của Gioan kết thúc, thì sứ vụ của Đức Giêsu bắt đầu. Sự khởi đầu của Đức Giêsu cho sứ vụ của mình xem ra cũng chẳng sáng sủa gì. Khi ở Giuđêa, Đức Giêsu bị nhóm Sa-đốc và Biệt Phái chống đối. Họ đã bắt giam Gioan Tẩy Giả thì cũng sẽ tới lúc họ sẽ bắt giam d. Vì thế, khi Gioan bị bắt, Đức Giêsu tạm lánh mặt khỏi vùng Giuđêa và lui về Miền Bắc là Gialilê.
Sự cứng lòng và thành kiến của Dân miền Giuđêa là căn cớ cho Đức Giêsu rao giảng cho dân ngoại trong vùng Duyên hải thành Capharnaum ở Galilêa. Nhưng khi đến Galilêa, Đức Giêsu cũng không chọn Nazareth là quê hương của Ngài để rao giảng mà ngài lại chọn Capharnaum. Lý do tại sao thì Tin mừng cũng đã cho chúng ta biết trong đoạn văn tường thuật về việc Chúa Giêsu về quê hương Nazareth của mình để rao giảng. Chính Ngài đã phải mở miệng nói rằng : "Không một tiên tri nào được đón tiếp và tôn trọng tại quê hương của mình". Việc Gioan Tẩy Giả bị nộp cũng liên kết với việc Đức Giêsu bị nộp sau này, vì đó là chương trình của Thiên Chúa Cha. Thánh Mathêu cố ý dùng động từ "bị nộp" để nói về Gioan Tẩy Giả trong đoạn Tin mừng này, cũng như nói về việc Đức Giêsu "bị nộp" sau này (Mt 17, 22) cho ta thấy được Gioan và Đức Giêsu có cùng chung số phận; số phận của những con người một lòng sống cho sự thật và một lòng tuân theo Thánh ý của Chúa Cha.
Đức Giêsu khởi đầu ngay khi Thiên Chúa cho sứ vụ của Gioan Tẩy giả kết thúc. Điều này cho chúng ta thấy được là 2 sứ vụ của Gioan và của Đức Giêsu có liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một chương trình của Thiên Chúa. Việc Gioan Tẩy Giả bị nộp cũng liên kết với việc Chúa Giêsu bị nộp sau này, vì đó là chương trình của Chúa Cha. Thánh Mathêu cố ý dùng động từ "bị nộp" nói về Gioan Tẩy Giả trong đoạn Tin mừng này cũng như nói về Chúa Giêsu cũng sẽ bị nộp sau này nhằm cho chúng ta thấy được số phận của Gioan Tẩy giả cũng như của Chúa Giêsu, số phận đầy bị thương trước mặt người đời của những con người sống cho Sự thật và một lòng vâng theo thánh ý của Thiên Chúa.
Nhìn vào số phận của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu, ta càng tin tưởng vào chương trình của Thiên Chúa nơi chúng ta. Mọi sự diễn ra trong cuộc đời này đều nằm trong sự quan phóng của Thiên Chúa. Là người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta rồi cũng sẽ đi trên con đường Đức Giêsu đi, chúng ta cũng sẽ chịu cùng chung số phận với Ngài trong những công việc nhằm minh chứng cho Sự thật hay thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha trong cuộc đời này. Sống cho Sự thật, chiến đấu cho Sư sáng, cho vinh quang của Nước Chúa thì chắc chắn chúng ta sẽ phải rất hy sinh và sẽ mang nhiều thương tích nơi mình, thậm chí có thể mất mạng sống của mình nữa. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào Đức Giêsu. Con đường mà Ngài đã qua chắc chắn làm cho nhiều người ngán ngại và tháo lui, nhưng vinh quang Phục sinh vô cùng vinh hiển của Ngài đang chiếu sáng khắp mọi nơi và đang mở rộng cửa để đón chờ những người con trung thành của Ngài tiến tới.
Đừng sợ bị chống đối, bị bắt bớ; nhưng hãy cầu nguyện sao cho chúng ta có đủ sức để chiến thắng trong cuộc chiến quyết liệt này. Hãy cảnh giác luôn vì ranh giới của Bóng tối và Aùnh sáng rất gần nhau. Đừng vì nhất đảm mà đầu hàng và tháo lui. Chọn lựa một con đường không có hy sinh, không có ừ bỏ, không có thập giá là chúng ta đã chọn một con đường mà Chúa Giêsu của chúng ta đã không đi qua và không có Chúa ở đó. Hãy bước trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi qua thì mới có thể đạt tới vinh quang Phục sinh và sự sống vĩnh cửu được. Hạnh phúc vĩnh cửu hay trầm luân đời đời là do quyết định của chúng ta bây giờ.
Ước gì đừng có ai trong chúng ta chọn lựa lối bước trên con đường rộng thênh thang mà Đức Giêsu đã không đi qua, nhưng hãy chọn lựa con đường mà Ngài đã đau đớn và cực lòng bước đi lên đồi Calvê ngày nào để được cùng Ngài hưởng vinh phúc Thiên đàng mãi mãi.
ÐÓN NHẬN ÁNH SÁNG
Mt. 4, 12- 17.
Một trong những điều cần thiết để con người có thể sống được đó là ánh sáng. Ánh sáng giúp cho con người làm việc được dễ dàng và thoải mái. Chẳng hạn ánh sáng giúp cho con người gặp gỡ nhau; Ánh sáng giúp cho các học sinh, sinh viên học bài và nghiên cứu sách vở.... Tuy nhiên ánh sáng đó sẽ trở nên vô dụng đối với những ai không biết đón nhận.
Tuần trước chúng ta đã được Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian". (Ga 1, 29). Hôm nay, chúng ta tiếp tục được giới thiệu một nét quan trọng của Chúa Giêsu qua lời loan báo của tiên tri Isaia. Lời loan báo ấy lại được Thánh Mathêu nói đến: "Ðoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi " (Mt 4, 16 ). Chúa Giêsu chính là ánh sáng thật phát xuất từ Chúa Cha. Người đến trần gian để đem cho con người sự sống thật.
Trong bài ca Benedictus, ông Dacaria đã thốt lên: "...Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an". (Lc 1, 78 - 79)
Chính Chúa Giêsu cũng tự nói về mình: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống " (Ga 8, 12).
Như thế, ai biết đón nhận Chúa Giêsu thì sẽ có được sự sống và bình an đích thật. Mở đầu đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay chúng ta thấy Chúa Giêsu đã: "lánh qua miền Ga-li -lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li " (Mt 4, 12 - 13) để rao giảng. Ðáng lẽ, Người phải rao giảng ở quê hương mình là Nagiaret trước nhưng vì họ đã không biết đón nhận. Cụ thể là họ đang bắt giam Thánh Gioan Tẩy giả - ng ười đến làm chứng cho Chúa Giêsu. Ðang khi đó những người ở những vùng đất này họ đang khao khát đón nhận ánh sáng từ Chúa Giêsu mang đến.
Trong một lần cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã thưa: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất , con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn " (Mt 11, 25). Chỉ những ai biết khiêm tốn và thật sự khao khát đón nhận thì ánh sáng từ Chúa Cha mang đến mới có ích lợi và giá trị cho họ. Ðón nhận ánh sáng ấy chính là làm theo những dạy của Người. Bỡi lẽ "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi ". (Tv 118, 105)
2080 09-02-2011 21:21:29