MÔN ĐỆ - CÁNH TAY NỐI DÀI CỦA CHÚA
Mc 1, 14 - 20
Galilê là địa danh vốn được xem là "miền đất của dân ngoại" hay "ngã tư đường của lương dân". Địa danh được nhắc tới 12 lần trong Tin mừng Máccô là một tỉnh biên giới- khu vực nhậy cảm giữa người Dothái và dân ngoại. Chính tại nơi vốn bị dân chúng ở Giêrusalem miệt thị lại là nơi Chúa Giêsu chọn làm "trung tâm truyền giáo" và là địa bàn hoạt động cho công cuộc rao giảng Tin mừng của Người. Tin mừng hôm nay ghi lại việc Chúa Giêsu ra đi rao giảng Tin mừng, đồng thời Người cũng kêu gọi các môn đệ, mời gọi các ông cộng tác vào sứ vụ mà Người đang bắt đầu.
Việc Chúa Giêsu rao giảng Tin mừng diễn ra ngay sau khi ông Gioan Tẩy Giả bị nộp, cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa sứ vụ của Chúa với sứ vụ của Gioan. Đó là số phận mà thiên hạ dành cho Chúa Giêsu cũng chẳng khác gì số phận của vị Tiền hô. Trong sứ vụ đó, chúng ta có thể thấy, nội dung rao giảng của Chúa Giêsu có thể tóm gọn trong ba nội dung.
Trước hết Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tính cấp thiết của thời gian khi "thời kỳ đã mãn". Đó là thời gian hiện tại đang bước dần đến hồi kết thúc để nhường cho một thời mới đang bắt đầu. Đây chính là thời đại của Thiên Chúa, là giờ phút Thiên Chúa thi ân giáng phúc cho nhân loại và là thời Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình cứu rỗi mà Người đã hứa từ ngàn xưa.
Tiếp đến, thời kỳ đã mãn chính là dấu chỉ loan báo cho một "triều đại nước Thiên Chúa đã đến gần". Dân tộc Israel vốn là dân tộc ưu tuyển, là dân riêng của Giavê Thiên Chúa. Chính vì thế, dân tộc này luôn tự hào rằng mình là dân tộc thuộc hàng vương giả vì vương quyền của Giavê Thiên Chúa luôn ở cùng. Thế nhưng, lịch sử đã ghi lại cuộc lưu đày tàn khốc mà dân tộc này phải gánh chịu tưởng chừng như dập tắt niềm hy vọng và lòng tự hào của họ, thì nay, sau cuộc lưu đày, niềm hy vọng và lòng tự hào đó lại được khơi dậy. Họ mong chờ vương quyền của Giavê Thiên Chúa sẽ được rộng mở trên khắp mặt địa cầu. Niềm hy vọng đó nay đã được toại nguyện.
Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng, là vương quyền mà Thiên Chúa ban tặng cho dân Người. Chúa Giêsu chính là "Triều đại Thiên Chúa bằng xương bằng thịt" như linh mục Origien đã nói. Sau hết, điều kiện để có thể gia nhập vào triều đại nước Thiên Chúa không gì khác hơn là "hãy sám hối và tin vào Tin mừng". Đây chính là điều kiện để được đón nhận niềm hạnh phúc đích thực nhờ đức tin. Sám hối, nghĩa là thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa và dấn bước vào một đời sống mới. Còn cuộc đời Chúa Giêsu và nhất là thông qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người chính là Tin mừng sống động, là đối tượng cho mỗi người chúng ta không ngừng dấn thân và loan truyền hồng ân cứu độ cho muôn dân tộc.
Khởi đi từ tính cấp bách cho công trình cứu rỗi, thế nên Chúa Giêsu muốn có những cánh tay nối dài với Người trong công cuộc rao giảng Tin mừng. Vì thế, Người đã không ngừng mời gọi con người cộng tác với Người để mở mang Nước Thiên Chúa. Các môn đệ là những người đầu tiên đón nhận lời mời gọi này. Chúng ta có thể thấy sự tuyển chọn nhân sự cho sứ vụ quan trọng của Chúa Giêsu không theo bất cứ tiêu chuẩn nào của con người. Bởi nếu dựa theo tiêu chuẩn do con người đề ra như có bằng cấp, có năng lực, có địa vị xã hội, giàu sang, v.v... chắc các môn đệ sẽ bị gạch tên ngay từ đầu. Tiêu chuẩn của Chúa Giêsu chính là không tiêu chuẩn và điều Người cần nơi người môn đệ là "từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày theo Người".
Chính vì thế, chúng ta thấy vai trò chủ động từ phía Chúa Giêsu: Người đi dọc biển hồ Galilê và để mắt chú ý đến các ngư phủ là Simon và Anrê cũng như hai ông Giacôbê và Gioan con ông Dêbêđê. Chúa Giêsu lên tiếng mời gọi các ông bước theo Người để các ông trở nên những "kẻ lưới người" cho sứ vụ mở mang nước Thiên Chúa. Về phía các môn đệ, chúng ta nhận ra tính chất triệt để nơi lời đáp trả khi các ông đối diện với Đấng kêu mời. Lời đáp trả của các ông là lời đáp trả vô điều kiện, chẳng suy nghĩ thiệt hơn. Lập tức, các ông bỏ chài lưới đi theo Người. Một hành động thật quyết liệt và dứt khoát.
Mỗi người chúng ta, qua bí tích rửa tội, chúng ta đều được Chúa mời gọi trở nên môn đệ, ra đi rao giảng Tin mừng cứu rỗi, làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Môn đệ Chúa Giêsu không thể không biết hoặc không thao thức đến sự sống còn của việc rao giảng Tin mừng. Chúa muốn mỗi người chúng ta trở nên những cánh tay nối dài của Chúa trong công cuộc loan báo Tin mừng. Vấn đề ở chỗ chúng ta có nhận ra tiếng Chúa mời gọi và hăng hái đi theo hay không? Điều đó hoàn toàn tùy thuộc nơi mỗi người chúng ta.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B
Mc 1, 14-20
Mẹ Têrêsa Calcutta kể lại câu chuyện sau. Một người đàn ông phong cùi sống trơ trọi trong một túp lều tăm tối, xa tránh và hận thù mọi người, hận thù xã hội, ông đã không chấp nhận cho một nữ tu chăm sóc và nghĩ rằng chị nữ tu sẽ được hưởng một nụ cười mãn nguyện qua sự từ chối của anh.
Mẹ Têrêsa Calcutta nói:
« Ngày tôi đến thăm người đàn ông đã không bao giờ muốn rời khỏi túp lều tăm tối của mình. Tôi tiến lại gần con người ấy và đưa cánh tay ra mời mọc, nâng cánh tay của anh để anh đứng dậy rồi cùng dìu anh bước ra khỏi túp lều tăm tối. Vừa đến bên cánh cửa nơi có ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, người đàn ông đã có một thái độ mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được. Ra khỏi căn nhà, đứng giữa ánh sáng, anh hô lên một tiếng kêu lớn: «Tôi thấy!» Kể từ khi bóng tối của bệnh phong cùi ập phủ xuống trên cuộc đời thì hôm nay thực sự là lần đầu tiên anh cảm nhận được có ánh sáng trong cuộc đời. Với tất cả sức lực còn lại anh muốn thét lên với cây cỏ, với núi non, với thiên nhiên, với tất cả mọi người như sau: «Tôi thấy! Tôi thấy! Tôi thấy!».
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu lại đánh động chúng ta thêm một lần nữa: « Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng ». Tin Mừng của Chúa Giêsu luôn mới mẻ, luôn là ánh sáng chỉ đường cho mỗi người chúng ta, nhưng nhiều khi trong cuộc đời chúng ta không cảm nghiệm được điều đó. Tin Mừng đã trở thành cũ kỹ, và chính chúng ta là những người phải loan báo Tin Mừng nhưng lòng chúng ta không còn nhạy cảm nữa, đôi khi nó đã ra chai đá! Nhiều lúc chúng ta giống như anh phong cùi kia, tự giam mình vào bóng tối, tự hãm mình vào bóng tối. Đôi khi vô tình hay hữu ý, chúng ta cũng xô đẩy những người khác vào trong bóng tối. Một cuộc sống không muốn làm chứng tá, một khước từ và tự khép cửa lòng chối từ ánh sáng của Thiên Chúa.
" Các con là ánh sáng thế gian". Câu nói đó của Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng trong các trang Phúc âm. Người Kitô hữu chỉ là Kitô hữu đích thực khi họ là ánh sáng thế gian. Nhưng khi ánh sáng không còn khả năng chiếu sáng, thì ánh sáng ấy trở thành tăm tối và nó sẽ dần tắt ngút trong màn đêm. Chúng ta là những con người cần ánh sáng để sống, để lớn lên trong tình Chúa và tình người. Ta cần có ánh sáng Lời Chúa soi sáng dẫn lối chỉ đường trong thế giới đầy lôi cuốn của cám dỗ. Vậy hãy nhận lấy ánh sáng của Lời chân lý ấy, hãy chiếu sáng bằng những việc làm của ánh sáng. Hãy để Lời chân lý đó thấm nhuần lòng trí ta, hãy để chính Đấng là sự đường, là sự thật và là sự sống đó hoạt động trong chúng ta. Từ đó, chúng ta sẽ trở thành những ngọn đèn đang thắp sáng chung quanh chúng ta: bằng một lời nói nâng đỡ an ủi, bằng một nụ cười thông cảm, một đường hướng đưa ra để đồng hành với những ai thất vọng tràn trề nơi cuộc sống, để giúp đó hồi phục vì những vết thương bất chính trong cuộc sống... đó chính là những việc làm của ánh sáng, đó chính là phương cách đón nhận Tin Mừng và trở thành chứng nhân Tin Mừng cho những người chung quanh đang chờ đợi chúng ta. Một hành động bác ái, một biểu lộ yêu thương dù nhỏ mọn đến đâu cũng là một tia sáng mang hy vọng đến cho những nơi tối tăm và cô đơn nơi những tâm hồn đau khổ.
Lậy Chúa, xin mở lòng trí con ra, để con biết tiếp nhận ánh sáng của Lời chân lý Ngài, vì con đang chìm ngập trong bóng tối nhỏ nhoi của ích kỷ, hận thù. Xin Chúa tha thứ cho con những lần vô tình hay hữu ý xô đẩy người khác vào bóng tối cô đơn hay tội lỗi. Xin cho con niềm vui vì được biết rằng mỗi lần con thực thi một cử chỉ nhỏ mọn cho người anh em, là mỗi lần con được lớn lên trong ánh sáng và trong tình yêu Chúa . Amen.
Lm. Phạm Đức Trị, OMI
Nhiều lần đài phát thanh,truyền hình, trong mục nói về giáo dục trẻ em, giới thiệu chương trình hoạt động của anh Thảo Đàn ở thành phố Hồ chí Minh. Trước đây, Thảo Đàn là một trẻ của đường phố, bỏ nhà đi lang thang bụi đời, tệ hơn nữa, vướng vào nghiện hút. Nhưng khi hiểu được tác hại của ma tuý, anh quyết tâm cai nghiện. Với ý chí cương quyết, anh đã hoàn toàn dứt bỏ được ma tuý. Chừa được ma tuý rồi, anh không chỉ hài lòng với việc làm lại cuộc đời cho bản thân, nhưng còn muốn dùng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các trẻ em đường phố. Với sự hỗ trợ của Nhà Nước và các tổ chức từ thiện, anh mở ra một trung tâm qui tụ 200 trẻ em đường phố. Tại đây, anh giáo dục cho các em hiểu biết những nguy hiểm đang rình rập các em, giúp các em bảo vệ quyền lợi của mình và nhất là tìm cách đưa các em hội nhập vào đời sống xã hội.
Điều mà Thảo Đàn đã làm cho bản thân mình và đang muốn làm cho các trẻ em đường phố, đó là đổi mới đời sống. Không biết anh có đạo hay không, nhưng anh đang thực hiện Lời Chúa trong các bài sách thánh hôm nay. Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Gio-na kêu gọi dân thành Ni-ni-vê đổi mới đời sống để được tha thứ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu kêu gọi dân Do thái đổi mới đời sống để đón nhận Nước Chúa đang đến. Đáp lại lời Người, các môn đệ bước theo Đức Giêsu trong một đời sống mới. Cuộc đổi mới được tiến hành qua ba bước.
Bước thứ nhất : Nhận biết mình tội lỗi.
Tội lỗi như một cơn mê làm ta đắm đuối không nhận biết tình trạng tâm hồn của mình. Muốn đổi mới, cần phải thức tỉnh, nhìn rõ sự thực về mình, thấy rõ tình trạng tội lỗi, hiểu biết sự nguy hại của tội. Thảo Đàn bừng tỉnh sau những lầm lỡ, nhận thức mình đang đứng bên bờ vực thẳm, nên đã kịp dừng chân. Dân thành Ni-ni-vê, sau khi nghe tiên tri Gio-na rao giảng, ý thức về tình trạng nguy ngập của thành, nên đã chấm dứt tình trạng tội lỗi. Để biết rõ tình trạng tâm hồn, để nhận biết tội lỗi, cần phải siêng năng xét mình. Xét mình giống như ngọn đèn pha soi vào tất cả những ngõ ngách trong tâm hồn, phơi bày ra tất cả những gì còn ẩn giấu. Xét mình giống như cái cuốc đào bới những tầng lớp sâu thẳm của tâm hồn để lộ ra những tội lỗi còn bị thời gian, sự quên lãng và sự vô tình vùi lấp.
Bước thứ hai : Sám hối.
Khi đã nhận biết tội lỗi, tâm hồn phải tiến tới một thái độ tích cực hơn, đó là sám hối. Nhận thức tội lỗi giống như ta nhìn thấy một căn nhà rác rưới bẩn thỉu. Sám hối là bắt tay vào quét dọn sạch sẽ. Sám hối như giòng nước gột rửa linh hồn. Sám hối như chiếc dao mổ của bác sĩ cắt bỏ những ung nhọt gieo mầm mống bệnh tật. Sám hối càng mãnh liệt, tội lỗi càng lùi xa. Sám hối càng sâu xa, linh hồn càng mau chóng hồi sinh. Nhờ sám hối sâu xa, Thảo Đàn đã từ bỏ con đường nghiện ngập. Nhờ sám hối mãnh liệt, dân thành Ni-ni-vê đã bảo nhau, từ người già đến em bé đều xức tro, ăn chay cầu nguyện, quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi. Tâm hồn sám hối là tâm hồn được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận ơn Chúa.
Bước thứ ba : Đổi mới cuộc đời.
Sám hối chân thành bao giờ cũng đi đến đổi mới cuộc đời. Vì sám hối là muốn đoạn tuyệt với con đường xưa cũ để bước vào một con đường mới. Vì tâm hồn sám hối không những muốn sửa chữa lại những lỗi lầm quá khứ mà còn quyết tâm xây dựng một tương lai tươi mới,trong sạch hơn, tốt đẹp hơn, ích lợi hơn. Vì muốn hoàn toàn đổi mới, Thảo Đàn không chỉ tránh xa nhưng còn dấn thân giúp người khác đâú tranh chống tệ nạn xã hội. Vì muốn đổi mới cuộc đời, các tông đồ đã từ bỏ nếp sống cũ, từ giã những người thân, bỏ hết tài sản để lên đường đi theo Chúa. Con đường mới là con đường theo thánh ý Chúa, con đường dẫn ta đi trong tình yêu mến Chúa và yêu mến anh em. Tình yêu mến sẽ làm cho đời sống ta có ý nghĩa và trở nên phong phú vì sẽ đem lại những hoa quả thiêng liêng. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ đón nhận được Nước Chúa đang đến. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ góp phần đem Nước Chúa đến với anh em.
Đầu năm mới, ai cũng có ước mong mọi sự mới mẻ. Không gì đẹp hơn một tâm hồn đổi mới. Để đổi mới tâm hồn, ta hãy nhận biết tội lỗi và ăn năn sám hối. Với ơn Chúa giúp và với quyết tâm đổi mới, ta sẽ nhìn thấy những việc cần phải làm. Với những việc làm do Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ta sẽ thực sự bước vào Năm Mới với cả tâm hồn đã được đổi mới.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới mọi sự trong ngoài của chúng con.
Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B
Mc 1,14-20
1. Đức Giê-su đến để xây dựng triều đại Thiên Chúa
Khi bắt đầu xuất hiện công khai để loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su tuyên bố với mọi người: « Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng». Ngài nói vậy nghĩa là gì? - «Thời kỳ đã mãn» nghĩa là đã hết một thời kỳ, và đã đến lúc bắt đầu một thời kỳ mới. Thời cũ là thời của Cựu Ước, với những tinh thần và luật lệ của Cựu Ước. Thời của Cựu Ước là thời chuẩn bị cho thời của Tân Ước. Và Đức Giê-su đến để khai mở thời kỳ Tân Ước, với những tinh thần và luật lệ mới của Tân Ước. Thời Tân Ước là thời xây dựng triều đại Thiên Chúa do Đức Giê-su chủ xướng và thiết lập. Ngài nói: «Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần». «Đã đến gần» có nghĩa là còn đang đến chứ chưa thành hiện thực. Triều đại ấy có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào Đức Giê-su và những người cộng tác với Ngài.
2. Triều đại Thiên Chúa hay Nước Thiên Chúa là gì?
Triều đại Thiên Chúa mà Đức Giê-su muốn thiết lập là một kỷ nguyên mới, trong đó nhân loại được sống trong an bình hạnh phúc, nhờ biết yêu thương nhau, hy sinh cho nhau, sống cho nhau. Ngài đã đưa ra một «điều răn mới» cho kỷ nguyên mới này: « Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34; x. 15,12.17). Và yêu thương phải trở thành dấu hiệu đặc trưng của những ai theo Ngài, đặc trưng đến nỗi chỉ việc nhìn vào tình thương họ dành cho nhau, mà mọi người nhận ra họ là người theo Ngài: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,35). Ngài đã thiết lập Giáo Hội như một cộng đoàn đặc biệt của Ngài nhằm thực hiện Nước Thiên Chúa, trong đó, tình thương thống trị trong lòng mọi người, khiến mọi người trong cộng đoàn đó yêu thương và hy sinh cho nhau, coi nhau như anh chị em, nhờ đó họ luôn luôn đầy đủ và hạnh phúc. Và nhờ sự hấp dẫn luôn luôn có của tình thương, Giáo Hội ấy ngày càng mở rộng, và lan tràn khắp thế giới. Lúc ấy, thế giới sẽ trở thành Nước Thiên Chúa, ngay tại trần gian này. Ngài đã ban cho Giáo Hội những phương tiện rất hữu hiệu là các bí tích để thông ban sức mạnh thiêng liêng để con người thực hiện điều ấy.
3. Một lý do khiến Giáo Hội chưa thực hiện được Nước Thiên Chúa
Thế nhưng cho đến nay, nhìn vào Giáo Hội và thế giới, người ta không khỏi nghi ngờ: liệu việc xây dựng « Triều đại Thiên Chúa» hay «Nước Trời» của Đức Giê-su có thành tựu được không? Xem ra lý tưởng của Đức Giê-su vẫn còn xa vời lắm, mặc dù Giáo Hội đã nỗ lực thực hiện lý tưởng ấy suốt 2000 năm nay. Có thể một trong những lý do khiến chúng ta không thành công là chúng ta chưa quan tâm đủ đến sứ điệp trọng tâm của Đức Giê-su là tinh thần yêu thương, mà quá quan tâm đến những phương tiện - là việc cầu nguyện, các bí tích - để đạt được tinh thần ấy.
Quả thật, những phương tiện mà Đức Giê-su đặt ra rất cần thiết và hữu ích, nhưng dù thế nào chăng nữa, chúng vẫn chỉ là những phương tiện. Biến những phương tiện ấy thành mục đích hay cứu cánh là vô hiệu hóa chúng, thậm chí làm chúng biến chất, làm chúng trở nên có hại thay vì có lợi. Nếu «đồng tiền là một đầy tớ rất tốt, nhưng lại là một ông chủ rất xấu», thì tương tự như vậy: các phương tiện Đức Giê-su lập ra như các bí tích, việc cầu nguyện, v.v... là những phương tiện rất tốt, nhưng lại là những mục đích rất xấu. Nghĩa là nếu chúng ta nhắm mục đích rõ ràng là sống yêu thương nhau, và quyết tâm thực hiện sự yêu thương ấy, thì việc cầu nguyện và các bí tích sẽ là những phương tiện hết sức hữu hiệu để đạt được mục đích ấy. Còn nếu chúng ta coi chúng là mục đích, thì chúng sẽ trở thành những yếu tố phá hoại sự yêu thương ấy, cũng là phá hoại tôn giáo.
Khốn thay rất nhiều Ki-tô hữu không hề ý thức sứ điệp căn bản của Đức Giê-su là tình yêu thương, nên không mấy quan tâm tới điều chính yếu ấy. Họ chỉ chủ yếu quan tâm tới việc thực hành những phương tiện mà Đức Giê-su lập ra để đạt mục đích ấy, và coi việc thực hành những phương tiện ấy chính là bản chất việc sống đạo Ki-tô giáo. Họ đã biến phương tiện thành mục đích, vì thế, những phương tiện ấy chẳng những chẳng đạt được mục đích mà Đức Giê-su muốn chúng đạt được, mà chúng lại trở thành một thế lực ngăn cản con người đạt đến mục đích ấy. Thật vậy, biết bao Ki-tô hữu cảm thấy mình đạo đức chỉ vì đã đi lễ hằng ngày, rất siêng năng lãnh nhận các bí tích, rất chuyên cần đọc kinh cầu nguyện... đang khi họ đối xử với tha nhân, thậm chí với cả những người trong gia đình mình, chẳng mấy tốt đẹp. Như thế họ đã quan niệm sai lầm về việc sống đạo, nhất là về bản chất của Ki-tô giáo. Điều này thiết tưởng những người có nhiệm vụ rao giảng, dạy dỗ trong Giáo Hội phải chịu trách nhiệm phần nào!
4. Để xây dựng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su cần những người cộng tác
Ngay khi bắt đầu sứ mạng loan báo và xây dựng Nước Thiên Chúa, việc đầu tiên Đức Giê-su phải làm là tìm những người có tâm huyết cộng tác với Ngài. Chắc hẳn những người được Ngài mời gọi theo Ngài làm tông đồ, Ngài đã nhận ra nhiệt huyết của họ trong những lần Ngài nói chuyện với dân chúng về Nước Trời trước đó. Vì thế, khi Ngài mời gọi họ, họ lập tức bỏ mọi sự để lên đường theo Ngài ngay. Và với 12 môn đệ - tức 12 người cộng tác đắc lực - được Ngài tuyển chọn, Ngài đã lập nên cả một Giáo Hội phát triển rộng lớn như ngày nay. Sau 20 thế kỷ khởi công xây dựng Nước Thiên Chúa, người theo Đức Giê-su hiện nay trên thế giới tuy rất đông nhưng dẫu sao vẫn còn rất ít ỏi so với số lượng đáng lẽ phải đạt được. Vì hiện nay số người Ki-tô hữu mới chỉ chiếm 1/3 dân số thế giới. Đó là nói về số lượng, còn chất lượng người Ki-tô hữu thì sao? Bao nhiêu phần trăm Ki-tô hữu thật sự sống tinh thần yêu thương của Đức Giê-su đúng như Ngài đã truyền: « Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34)? Đối với thế giới, Ki-tô giáo có phải là một biểu tượng hay gương mẫu của tình thương, của sự khoan dung, hay chỉ là biểu tượng của lễ nghi, của sự khắt khe, không khoan nhượng?
Thời nào Đức Giê-su cũng cần những người có tâm huyết cộng tác với Ngài. Và chắc chắn thời nào cũng không thiếu những con người nhiệt tình sẵn sàng hy sinh cho công cuộc của Ngài. Nhưng nhiệt huyết xuông, không đủ, chúng ta cần phải đi đúng đường lối của Ngài. Nếu không, nỗ lực của Giáo Hội chúng ta sẽ chỉ là những nỗ lực kiểu « dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì». Thiết tưởng chúng ta cần phải nắm vững cái nào là cái chính yếu, cái nào là cái phụ thuộc; cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện; cái nào là bản chất, cái nào là hiện tượng. Nhờ phân biệt rõ ràng như thế, chúng ta mới biết hy sinh cái phụ thuộc cho cái chính yếu, coi nhẹ phương tiện hơn mục đích, coi trọng bản chất hơn hiện tượng.
Cứ thử xét cách dùng danh từ của nhà đạo chúng ta thì biết chúng ta đã quan trọng hóa cái gì: cái chính yếu hay cái phụ thuộc? Chúng ta gọi những việc cầu nguyện hay bí tích là những « việc đạo đức». Điều đó khiến nhiều Ki-tô hữu lầm tưởng rằng cứ cầu nguyện hay lãnh nhận các bí tích cho nhiều là trở thành người đạo đức. Nhưng thật ra rất nhiều người làm được như vậy một cách rất gương mẫu, nhưng chẳng ai mến phục chỉ vì họ sống thiếu tình thương. Thực ra đạo đức được thể hiện trong chính cuộc sống thường ngày: trong cách cư xử, cách làm việc, cách nói năng
Một người có đạo đức khác với những người không đạo đức chủ yếu ở trong chính cách cư xử, làm việc, nói năng
chứ không phải trong việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Vì thế, thiết tưởng khi chúng ta làm những bổn phận hằng ngày như làm ăn buôn bán, quét nhà nấu ăn giặt giũ, tiếp xúc nói chuyện cư xử với mọi người...nếu chúng ta làm với tinh thần yêu thương vị tha, thì chính khi làm như vậy là ta thực hiện những việc đạo đức. Việc cầu nguyện và các bí tích giúp ta có ơn Chúa, có sức mạnh để làm những việc ấy với tinh thần yêu thương của Chúa, chứ chúng không thay thế tinh thần yêu thương ấy.
Cầu nguyện hay lãnh nhận các bí tích mà không thể hiện tình yêu thương trong cách cư xử, làm việc, ăn nói, suy nghĩ, thì giống như một người đi làm quần quật suốt ngày để có tiền, nhưng chẳng dùng số tiền ấy vào việc gì, cứ cất vào một chỗ để dành. Như thế tiền bạc ấy trở nên vô ích. Tiền bạc chỉ trở nên ích lợi và đem lại hạnh phúc khi được chi tiêu để thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của đời sống. Cũng vậy, cầu nguyện hay lãnh nhận bí tích chỉ có ích lợi và đem lại ơn cứu rỗi khi chúng nhắm thực hiện mục đích mà Chúa muốn là thể hiện tình yêu thương cách hữu hiệu.
Cầu nguyện
Lạy Cha, bản chất của Cha là Tình Yêu, và bản chất của Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập cũng là Tình Yêu. Do đó, tình yêu chính là mục đích và bản chất của Ki-tô giáo. Việc cầu nguyện, các bí tích chính là những phương tiện hữu hiệu để thực hiện mục đích hay bản chất ấy. Xin Cha đừng để người Ki-tô hữu chúng con lầm lẫn mục đích với phương tiện, điều chính yếu với điều phụ thuộc. Có như vậy, Nước Trời mới thật sự hình thành tại trần gian này. Xin cho chính bản thân con ý thức điều đó .
John Nguyễn
HÃY HỐI CẢI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG
Mc 1,14-20
Ninivê kinh thành sám hối: một kinh thành "lớn quá trời rộng ba ngày đàng" (Gn 3,3), đặc biệt đó là một kinh thành ngoại giáo. Chính trong kinh thành này, lời sấm của Ngôn sứ Giona đã vang dội khắp hang cùng ngõ hẻm, dội tới cung điện đức vua. Điều kinh ngạc là dân thành đã "tin vào Thiên Chúa" và tin vào lời rao giảng sám hối của sứ giả Thiên Chúa sai đến. Nhà vua đã ra chiếu chỉ bắt toàn dân từ vua quan tới thứ dân phải theo nghi tiết sám hối... Và Thiên Chúa đã chấp nhận tấm lòng thống hối của Ninivê.
Đức Kitô, sau thời gian tĩnh tâm trong sa mạc đã khai mào việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa tại Galiê:
"Thời buổi đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần bên" (Mc 1,14)
Theo địa dư, Galilê giáp với xứ Samarie và miền Syrô-Phénicie, ngoài dân địa phương là người Do Thái lập cư, còn có các sắc dân thiểu số ngoại bang khác cư trú, họ là những người ngoại giáo. Điều đáng lưu ý là Đức Kitô đã bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa từ Galilê. Rồi sau khi sống lại, Ngài cũng hẹn với các môn đệ của Ngài ở Galilê (Mc 14,28 và 16,7). Quả thực, Tin Mừng đã được công bố cho cả dân tộc Do Thái và dân ngoại.
Một trong những điều kiện tiên quyết để đón nhận nước Thiên Chúa chính là lòng hối cải: "Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,14). Đọc hạnh các thánh, nhất là những vị đại thánh, chúng ta kinh ngạc và thán phục con đường cải quá tự tân dẫn các ngài từ con đường sa đọa tội lỗi quay trở về với Thiên Chúa: Một Augustin, một Charles de Foucauld... và biết bao những tâm hồn lành thánh khác. Lòng hối cải thường bắt đầu với sự đánh động từ thâm sâu của Thiên Chúa, nói một cách khác chính ân thánh của Thiên Chúa biến cải tâm hồn và làm cho con người tìm về đàng ngay nẻo chính. Tiếp đến là một đoạn tuyệt, cắt đứt với đời sống dĩ vãng, cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, con người được tái tạo trong ân thánh. Dân thành Ninivê đã nhận lấy lời cảnh cáo của sứ giả Thiên Chúa, đã ăn năn sám hối và chắc hẳn đã cải bỏ nếp sống lăng loàn cũ để bắt đầu cuộc sống mới trong đức tin vào Thiên Chúa.
Lý do khiến con người hối cải thật lớn lao: để tiếp nhận Nước Thiên Chúa, đón nhận ơn cứu độ. Con người từ bỏ kiếp sống nô lệ tội ác trở về với thiên chức con cái Thiên Chúa. Trong cái nhìn vĩnh cửu và khải huyền đó, thánh Phaolô đã khuyên tín hữu thành Corinthô hãy hướng nhìn về tương lai:
"Vì bộ dạng thế gian này đang qua đi" (1 Cr 7,31)
Dân thành Ninivê sống vào thế kỷ thứ 8 trước kỷ nguyên, rồi đến các tín hữu thành Côrinthô cũng như những người đồng thời với Đức Kitô quả thực họ đã qua đi. Bao nhiêu đế quốc đã sụp đổ hoang tàn không còn vết tích. Và thế gian với những phù hoa của nó: tiền tài, danh vọng và sắc dục... tất cả cũng sẽ qua đi. Sống trong kiếp phù du, con người thường bị vật chất ru ngủ, quên đi kho tàng khôn sánh ví là Nước Thiên Chúa. "Và tức khắc họ đã bỏ cả chài lưới mà theo Ngài", các môn đệ đầu tiên theo Đức Kitô hẳn đã hiểu phần nào Tin Mừng nước Thiên Chúa họ đã nghe Thầy mình rao giảng, họ đã sẵn sàng từ bỏ tất cả, ngay cả những gì cấp thiết nhất cho kế sinh nhai của họ. Còn chúng ta, những người con đang sống trong thế giới mau qua chóng hết này, chúng ta phải có thái độ và nếp sống nào đối với Tin Mừng Nước Thiên Chúa chúng ta đã lãnh nhận?
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
Nguồn vietcatholic.org