CỘNG TÁC VỚI THIÊN CHÚA
Lc 1, 26 -38.
Hôm nay chúng ta bước vào Chúa Nhật IV muà vọng, thời điểm gần hơn của Lể Chúa Giáng Sinh. Thời điểm này Giáo Hội trình bày cho chúng ta một gương mặt quan trọng của biến cố Chúa Giáng Sinh. Đó chính là Đức Maria, một người nữ đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa, để qua Người, Con Thiên Chúa được Nhập Thể và Nhập Thế.
Đức Maria là một thiếu nữ bề ngoài bình thường như mọi người thiếu nữ khác nhưng là người đặc biệt hơn mọi thiếu nữ khác vì được "đầy ân sủng" và được "Thiên Chúa ở cùng" (Lc 1, 28). Hơn nữa, Đức Maria là người được chọn làm Mẹ Đấng Messia ( Lc 1, 30 -33). Mặc dù được những ưu tiên như thế nhưng Mẹ Maria không tỏ ra kiêu căng, ngược lại, Đức Maria đã làm theo sáng kiến của Thiên Chúa trong tâm tình khiêm tốn, Vâng Phục Ngài cách tuyệt đối.
Con người là một tạo vật được Thiên Chúa yêu thương , và vì yêu thương mà Ngài đã dựng nên. Ngài ước ao sẻ chia tình yêu thương nên đã tạo dựng con ngưởi, một lòai thụ tạo trên mọi loài thụ tạo. Nhưng khác với mọi thụ tạo khác, con người có lý trí, ý chí và con người còn có tự do, nó có thể ước muốn, đón nhận hay chối từ món quà của Thiên Chúa, có thể nói tiếng "xin vâng" hay "không xin vâng" với lời mời gọi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn muốn cho con người hạnh phúc và Ngài tôn trọng tự do của con ngươi. Vì được tự do và muốn làm theo ý mình nên người nữ đầu tiên tức là Bà Evà đã phạm tội, Bà đã đưa nhân lọai vào sự chết do bất tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Ngược lại, Đức Maria được coi là Bà Evà mới, dùng sự tự do của mình để hoàn toàn vâng phục và cộng tác với sáng kiến của Thiên Chúa, để Ngài thực hiện chương trình cứu độ trong cuộc đời mình.
Đọc lại bài Tin Mừng Lc 1, 26 - 38 này, ta được chứng kiến giây phút lịch sử của tình thương, giây phút tràn trề niềm hy vọng, giây phút mang lại sự sống mới, sự sống cứu độ đến cho con người.
Sống trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ, như những người khác, Đức Maria đang trông chờ Đấng Cứu Thế. Mẹ nhìn thấy sự lầm than khốn khổ của con người, nỗi trông chờ Đấng mang ân sủng đến cho con người của nhân loại của Đức Maria. Đức Maria cũng có những dự tính riêng tư, có cách sống cho riêng mình để hiến dâng cho Thiên Chúa những gì cần thiết. Mẹ đã sẳn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Vì thế, khi được sứ thần đề nghị Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa thì Mẹ chấp nhận ngay, Mẹ đã nhận lời với tâm tình của một người tôi tớ, đón nhận tất cả trong sự vâng phục.
Tiếng "Xin Vâng" của Đức Maria âm thầm lăng lẽ trong ngôi nhà nhỏ bé. Việc Chúa khởi đầu bao giờ cũng nhỏ bé, nơi những con người nhỏ bé. Tiếng "Xin Vâng" với lòng yêu mến và sự khiêm hạ của Đức Maria đã trổ sinh sự sống mới cho con người. Từ tiếng "Xin vâng" của Đức Maria mà Thiên Chúa làm nên một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu độ con người. Mẹ đã góp phần vào ơn cứu độ thế giới, qua việc hiến dâng bản thân mình, sẳn sàng phục vụ cho ý muốn của Thiên Chúa.
Càng nhìn về Đức Maria, càng cho ta thấy mẫu gươngvề sự cộng tác với Thiên Chúa. Cuộc sống có những điều xảy đến ngoài ý muốn của mình. Xin Chúa cho ta biết can đảm chấp nhận. Ngoài ra chúng ta biết cho đi những định kiến, nóng vội, những trái ý trong cuộc sống.... khi có những người không làm cho mình vui. Đó là lúc chúng ta đi theo bước chân của Mẹ.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã vui lòng cộng tác với Thánh Ý Thiên Chúa, Mẹ là Đấng đồng công Cứu chuộc, là máng chuyển thông ơn cho nhân loại. Xin Mẹ dạy chúng con biết sống đạo cho nên, biết thờ phượng Chúa cho phải Đạo, và sẳn sàng yêu thương, giúp đỡ cho tha nhân,.. để nhằm làm sáng danh Chúa. Amen.
TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM
Lc 1, 26 - 38
Thánh Agustinô đã nói: "Khi tạo dựng nên con, Chúa không cần hỏi ý kiến của con, nhưng để thánh hoá và cứu độ con thì Chúa cần sự góp sức của con". Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa quyền năng: "không có gì mà Thiên Chúa không làm được". Dẫu vậy, Thiên Chúa không muốn hành động lấn át tự do của con người, nhưng Ngài luôn luôn tôn trọng tự do của con người. Tự do chính là tặng phẩm cao quý nhất mà Thiên Chúa ban cho con người. Khi ban tặng tự do cho con người, Thiên Chúa vẫn biết rằng: con người có thể lạm dụng tự do để làm việc chuyện xấu, nhưng Ngài vẫn ban cho con người tự do vì quá yêu thương họ. Tự do đi liền với trách nhiệm. Vì có tự do nên con người phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm, nhất là trách nhiệm về những việc liên quan đến phần rỗi đời đời của mình.
Con người thường dùng tự do để thực hiện những chọn lựa của mình và họ phải chịu trách nhiệm trong những chọn lựa ấy. Con người có thể dùng tự do để chọn Thiên Chúa là gia nghiệp của đời mình, làm hạnh phúc của đời mình; nhưng con người cũng có thể dùng tự do của mình để khước từ Thiên Chúa và chống lại Thiên Chúa. Chúng ta đã thấy được rất rõ điều này trong cuộc sống. Nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy được rằng: Càng biết dùng tự do của mình để chọn những điều tốt thì chúng ta càng được tự do, nhưng nếu chúng ta sử dụng tự do của mình để chọn những điều xấu thì chúng ta càng bị mất tự do.
Bài Tin mừng hôm nay tường thuật lại cho chúng ta nghe biến cố "truyền tin". Thiên Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến báo tin cho Đức Maria biết là Thiên Chúa muốn mời gọi Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua việc cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa chờ đợi sự tự do đáp trả của Đức Maria trong việc quan trọng này. Chúng ta thấy, Đức Maria cũng rất bối rối và đầy thắc mắc khi nghe lời báo tin của Sứ thần. Nhưng sau khi được nghe giải thích: Đấng Mẹ sẽ cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, là Con Thiên Chúa tối cao và sẽ trở thành Đấng Cứu độ muôn dân, Mẹ đã tự nguyện nói lên 2 tiếng "Xin vâng". Đức Maria đã đồng ý để cho Thiên Chúa hành động trên cuộc đời của Mẹ. Mẹ đã dùng sự tự do của mình để chọn Thiên Chúa, chọn chương trình của Thiên Chúa để làm theo và Mẹ hoàn toàn chịu trách nhiệm về những chọn lựa của mình. Mẹ đã quên đi lời cầu nguyện mà mọi người thường dùng để thưa với Chúa là: "Xin ý Chúa được đổi lại", nhưng Mẹ đã học biết và thân thưa với Chúa lời cầu nguyện lớn nhất của trần gian là: "Xin ý Chúa được thực hiện" .
Chắc chúng ta cũng có suy nghĩ này là: được kêu gọi làm Mẹ Thiên Chúa thì còn gì bằng! Tội gì mà không chịu? Nhưng đó là cách nhìn trần thế và mang tính dụ lợi của con người. Quả thật là khi kết thúc cuộc đời trần thế, thì Mẹ Maria được vinh dự đón nhận triều thiên vinh quang với tước hiệu Nữ vương Thiên quốc. Nhưng để đạt được điều đó. Đức Maria đã trải qua một cuộc đời đầy những gian lao, đau khổ và nguy hiểm. Trước hết, Đức Maria đã phải hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để cho chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Tin mừng cho chúng ta biết là trước khi được Sứ thần đến báo tin làm Mẹ Đấng Cứu Thế, thì Đức Maria đã đính hôn với thánh Giuse rồi. Đính hôn nhưng chưa chung sống. Như thế, nhận cưu mang Con Thiên Chúa, Mẹ có thể bị hiểu lầm từ nhiều phía: từ thánh Giuse và từ những người quen biết Mẹ, ngay cả Mẹ có thể bị ném đá cho đến chết. Vì đối với luật Do thái, một phụ nữ chưa có chồng chính thức mà mang thai thì sẽ bị ném đá cho đến chết. Như thế, chúng ta thấy nguy hiểm đang đe doạ Mẹ, nhưng Mẹ vẫn tín thác vào Thiên Chúa và chịu trách nhiệm cho những gì Mẹ đã chọn lựa. Một lần xin vâng là Mẹ xin được trọn vẹn thuộc về Chúa. Chọn lựa của Mẹ Maria là sự chọn lựa cao nhất và lớn lao nhất trong lịch sử của nhân loại.
Chọn lựa của Mẹ Maria làm cho chúng ta phải suy nghĩ về chọn lựa đối nghịch lại của bà Eva ngày xưa. Eva cũng dùng tự do của mình để chọn lựa, nhưng chọn lựa của bà Eva đã làm cho mọi sự bị xáo trộn và đảo ngược theo chiều hướng xấu. Mọi sự đang tốt đẹp trở nên xấu xa và tội lỗi. Hậu quả bi thương ấy không những ảnh hưởng cho riêng bà mà còn cho biết bao nhiêu con người khác. Chọn lựa của bà Eva ngày xưa xuất phát từ sự tham lam và kiêu căng. Bà Eva đã chọn làm theo ý riêng mình mà khinh thường mệnh lệnh của Chúa, khinh thường thánh ý của Chúa và cũng là khinh thường chính Thiên Chúa nữa. Ngược lại, Đức Maria đã chọn lựa làm theo ý Chúa để làm vinh danh Chúa và mang lại nhiều ích lợi cho con người. Hạnh phúc không phải là kết quả của những chọn lựa tham lam và kiêu căng theo ý con người, nhưng là chọn lựa và làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Con người thường lầm tưởng là tiền tài, danh vọng, sức khoẻ sẽ mang lại hạnh phúc cho con người. Những điều ấy tuy có làm cho con người bớt đi phần nào những gánh nặng trong cuộc sống trần thế, nhưng đó chưa phải là hạnh phúc đích thực của con người đâu. Chúng ta đừng lầm tưởng và mê muội như thế. Chọn lựa sai lầm trong cuộc sống sẽ đưa đến hậu quả tai hại biết là dường nào, và trách nhiệm nặng nề ấy chúng ta phải mang lấy.
Chuyện kể rằng: "Có một người nông dân nghèo, suốt đời vất vả ngược xuôi nhưng cũng không có đủ cơm ăn áo mặc cho đàng hoàng. Thình lình anh nghe người ta nói là ở trên ngọn núi cao cách nhà anh khoảng 200 dặm, có một vị pháp sư tài giỏi, có thể giúp anh thoát cảnh nghèo khổ. Thế là anh khăn gói lên đường. Vất vả tìm kiếm và cuối cùng anh cũng tìm được vị pháp sư ấy. Vị Pháp sư hỏi anh muốn gì? Anh trình bày với vị Pháp sư hoàn cảnh của mình và mong muốn được giúp đỡ. Vị Pháp sư bình thản trả lời: "tưởng gì chứ chuyện đó thì dễ thôi. Nhưng tôi cũng nói cho anh biết nó nguy hiểm lắm". Anh nông dân nghèo liền trả lời: "Không sao. Chỉ có cái nghèo mới nguy hiểm chứ ngoài ra không có gì nguy hiểm cả". Thế là anh năn nỉ cho bằng được điều anh mong ước. Cuối cùng vị Pháp sự cũng chìu ý anh. Vị Pháp sư căn dặn rằng: "Tôi sẽ dạy anh thuộc lòng câu thần chú này. Bất cứ khi nào anh đọc câu thần chú lên thì có một thằng quỷ xuất hiện và đợi lệnh anh. Nhưng anh nhớ là phải có việc cho nó làm, nếu không thì nó sẽ vặn cổ anh đó". Anh nông dân hí hửng ra về. Vừa đến nhà, anh liền đọc câu thần chú lên và một thằng quỷ xuất hiện. Anh ra lệnh nó dọn cho anh một bữa ăn thịnh soạn. Tưởng cũng phải mất 1 tiếng đồng hồ. Ai ngờ chỉ 30 giây là xong ngay. Nó đứng chờ lệnh anh. Anh ra lệnh cho nó xây cho anh một căn nhà sang trọng cỡ nhà vua ở. Tưởng phải mất một vài tháng, nào ngờ chỉ 5 phút là xong. Anh ra lệnh tiếp cho nó đi tìm cho anh một người mỹ nữ về làm vợ. Tưởng mất vài ngày, nào ngờ cũng chỉ 3 phút là có ngay cho anh một cô giá tuyệt trần. Hốt hoảng anh không còn biết phải ra lệnh gì nữa. Nhưng thằng quỷ nói: "Nếu ông không có việc cho tôi làm là tôi sẽ vặn cổ ông đó". Sợ quá, anh bảo nó canh nhà cho anh đi công việc. Nó tuân lệnh và anh hối hả chạy đi tìm vị Pháp sư để xin được giúp đỡ. Gặp vị pháp sư anh liền trình bày vấn đề. Vị Pháp sư bình thả trả lời: "Tôi đã nói với anh rồi. Nó nguy hiểm lắm, thế mà anh không nghe". Anh năn nỉ vị Pháp sư thương giúp anh khỏi chết. Thế là vị Pháp sự dặên bảo anh về nhà bảo thằng quỷ ngồi đó vuốt đuôi con chó cho thẳng ra. Và thế là thằng quỷ phải làm công việc ấy cho đến thiên thu vì đuôi con chó được vuốt thẳng ra lại co vào mãi. Thế là anh thoát nạn.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng: chọn lựa sai lầm trong cuộc sống này thật là nguy hiểm và chúng ta phải lãnh lấy trách nhiệm nặng nề là dường nào. Câu chuyện cũng cho chúng ta thấy: hạnh phúc không hệ tại ở việc có đầy đủ mọi thứ sang trọng ở trần gian nhưng là niềm vui được sống bình an trong những chọn lựa của mình, với những gì mình đang có trong tầm tay.
Ước gì mỗi người chúng ta biết tận dụng tự do cũng như mọi khả năng của mình để chọn và làm theo ý Chúa như Đức Maria đã làm để chúng ta được hạnh phúc ngay ở trần gian này vì mình được tâm hồn bình an và nhất là ngày sau chúng ta được chia sẻ vinh quang với Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Amen.
XIN VÂNG TRONG NIỀM TIN VÀ HY VỌNG
Lc 1, 26 - 38
Hôm nay, cùng với Giáo hội chúng ta bước vào Chúa nhật cuối cùng của Mùa vọng năm Phụng vụ 2009. Nếu như hai Chúa nhật trước Giáo hội giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt nổi bật là Gioan Tẩy Giả, thì Chúa nhật thứ này chúng ta được giới thiệu một khuôn mặt nổi bật hơn. Khuôn mặt ấy chính là Ðức Maria một mẫu gương sống động về niềm tin và hy vọng.
Có lẽ, đoạn Tin mừng mà Giáo hội cho chúng ta suy niệm hôm nay rất quen thuộc với từng người tín hữu chúng ta. Bởi vì, đây là một trong những biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ. Ðức Maria đã đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa qua lời của thiên sứ Gariel. Lời mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ con người. Lời mời gọi làm mẹ Con Thiên Chúa làm người.
Ðức Maria đã đáp lời thiên sứ: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1, 38). Với lời thưa này, Mẹ không đáp trả một cách bộp chộp nhưng hoàn toàn có suy nghĩ chín chắn. Bằng chứng là Mẹ đã có đối thoại với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" (Lc 1, 34). Sau khi nhận ra đây là thánh ý Thiên Chúa, Ðức Maria đã hoàn toàn xin vâng theo ý Chúa.
Mặc dù trước mắt Mẹ sẽ phải trả giá trước dư luận: "chưa chồng mà có chửa". Mẹ tin tưởng và hy vọng Thiên Chúa sẽ có cách làm cho Mẹ đủ sức vượt qua khó khăn thử thách này. Hơn thế nữa Mẹ tin tưởng và hy vọng qua người con Mẹ sinh ra sẽ đem đến cho nhân loại một bầu khí mới. Và đúng vậy, những gì Mẹ tin tưởng và hy vọng đã hoàn toàn trở nên sự thật. Chúa Giêsu đã đem đến cho nhân loại một sức sống mới. Một sức sống không một ai ở trần gian này có thể làm được.
Chúng ta còn nhớ trong năm vừa qua Ðức Thánh Cha Beneđicto 16 đã ra Thông điệp Niềm hy vọng Kitô giáo. Trong thông điệp này ngài kêu mời các con cái mình hãy sống tin tưởng và hy vọng vào Chúa. Có tin tưởng và hy vọng vào Chúa đời sống hiện tại của chúng ta mới có thể thay đổi. Ðời sống thay đổi theo những gì Chúa khuyên dạy.
Mỗi người chúng ta hãy tiếp tục sống những ngày còn lại của mùa vọng trong niềm tin và hy vọng vào Chúa như gương Ðức Maria. Ðể rồi Lễ Giáng Sinh sắp tới thật sự là một Ðại lễ theo đúng nghĩa của nó.
Hành trình chuẩn bị chờ đón Chúa đến sắp kết thúc với CN 4 MV. Thời gian chuẩn bị không còn nhiều nữa. Ân huệ Thiên Chúa vẫn ban dư đầy. Còn chúng ta chuẩn bị đón rước Chúa như thế nào? Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi mở cho chúng ta cách chuẩn bị đón rước Chúa.
Khi Vua Đavit đang yên ổn trong cửa ấm nhà êm. Ông nhớ đến Thiên Chúa. Ông muốn thể hiện lòng biết ơn của mình bằng việc xây một ngôi đền cho Thiên Chúa ngự. Ông tâm sự với tiên tri Nathan ước muốn của mình. Và ông nhận được sự tán thành của vị tiên tri. Nhưng đó không phải là điều Thiên Chúa muốn. Qua đó, Thiên Chúa nhắc Đavit về thân phận của ông, đồng thời muốn Đavit ý thức đời sống mình cần phải cậy dựa vào ai! Thiên Chúa hứa sẽ giữ gìn Đavit và dòng dõi ông cũng như vương quyền của Vua nếu Vua biết sống trong đường lối và sự tuân phục Thiên Chúa.
Và Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa ấy qua dòng thời gian mặc dầu không phải lúc nào con cháu Đavit cũng trung thành với Thiên Chúa. Chính Đấng Cứu Thế cũng được sinh ra trong chính dòng tộc Vua Đavit. Đấng Cứu Thế ấy đã xuống thế làm người, đã gặp gỡ con người nhờ sự vâng phục của một người phụ nữ.
Thời đức mẹ, ai ai cũng mong đợi Đấng Cứu Thế. Và mỗi người có một cách thế riêng của mình. Mẹ Maria cũng có chương trình riêng của Mẹ để cầu mong Đấng Cứu Thế. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ lời với Mẹ - muốn chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế - Mẹ đã sẵn sàng thưa hai tiếng xin vâng với một tâm hồn khiêm nhường: này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.
Hai tiếng "xin vâng" Mẹ đã dễ dàng thưa, nhưng để sống với tiếng xin vâng ấy, trước mặt Mẹ là một tương lại mù tối. Luật lệ xã hội thời ấy rất khắt khe, làm sao Mẹ có thể giải thích được với mọi người. Gia đình hai bên, hàng xóm và ngay cả người bạn đính hôn sẽ nghĩ gì về mình đây? Mình có đủ sức bảo vệ mạng sống của mình hay không? Còn bào thai kia là Đấng Cứu Thế nữa thì sao?
Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra trong đầu Mẹ nhưng tình yêu Thiên Chúa đã chiến thắng tất cả. Mẹ chấp nhận mọi nguy hiểm và mọi điều xấu nhất có thể xảy đến cho mình vì Mẹ yêu Chúa. Và chính tình yêu ấy Mẹ luôn được Chúa gìn giữ.
Với một tâm hồn khiêm nhường đơn sơ, Mẹ Maria hoàn toàn phó thác trọn vẹn vận mạng của mình trong tay Thiên Chúa. Với tiếng thưa xin vâng hoàn toàn trong thái độ khiêm tốn, tin tưởng và tự do, Mẹ đã đáp lại ơn Thiên Chúa kêu mời. Và Thiên Chúa đã làm đảo lộn lại tất cả những gì con người "toan tính" và mong đợi.
Đấng Cứu Thế giờ đây là một bào thai nhỏ bé nơi cung lòng của một người phụ nữ bình thường. Đấng Cứu Độ nhân loại lại được sinh ra trong cảnh nghèo hèn, đơn sơ. Mầu nhiệm cao cả đã được giấu kín từ ngàn xưa nay được biểu lộ nơi con người đơn sơ khiêm tốn. Theo Thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Roma thì: mầu nhiệm ấy đã được loan báo cho muôn dân, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. Nhưng muôn dân chỉ có thể tin và vâng phục khi để tâm hồn mình khiêm nhường hoàn toàn thẳm sâu như tâm hồn Mẹ Maria.
Chờ đón Chúa nhưng Mẹ Maria đã hoàn toàn để tâm hồn mình thẳm sâu hầu ân huệ Thiên Chúa tuôn đổ xuống tràn đầy trên Mẹ. Và Thiên Chúa đã lo liệu cho Mẹ tất cả dù tương lai mịt mù đang chờ đón Mẹ. Cuộc sống của chúng ta cũng không tránh khỏi những khúc quanh mịt mù đen tối. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng hãy học nơi gương Đức Mẹ hôm nay mà biết phó thác trọn vẹn cho Chúa. Càng phó thác ta càng nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Đồng thời hãy biết vâng theo thánh ý Người như Vua Đavit xưa. Để chính sự vâng phục của chúng ta chương trình của Thiên Chúa được thực hiện trong cuộc sống hôm nay.
XIN MẸ DẠY CON HAI TIẾNG XIN VÂNG
Lc 1, 26 - 38
Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật, mọi loài hữu hình và vô hình. Mọi sự đều tốt đẹp và tồn tại trong tốt đẹp, chỉ với một điều kiện là: các thiên thần và loài người luôn biết thờ phượng, kính mến và vâng lời Thiên Chúa.
Ma quỷ và tổ tông loài người đã không vâng lời Thiên Chúa, không thờ phượng kính mến Chúa, nên đã gây ra một sự phản nghịch với Thiên Chúa, một sự hỗn độn giữa các loài, mất trật tự trong chính loài mình, và ngay cả trong chính bản thân mình.
Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế, để giao hoà mọi loài với nhau và giao hoà đất với trời, giao hoà con người với Thiên Chúa, Ngài chuộc lại sự bình an hạnh phúc ban đầu cho mọi loài.
Như vậy, để cứu chuộc nhân loại, Đấng Cứu Thế phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa cách triệt để. Cũng một thể ấy, người mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế cũng phải vâng lời Thiên Chúa cách trọn vẹn. Ngay cả người cha theo luật của Đấng Cứu Thế cũng phải vâng lời Thiên Chúa cách tuyệt đối. Chúng ta có thể thấy rõ, Chúa Giêsu vâng phục thánh ý Thiên Chúa khi Người cầu nguyện: "Lạy Cha, nếu có thể được...". Đức Maria thưa với thiên thần: "Nầy tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền". Thánh Giuse âm thầm chỗi dậy thi hành hết những gì Chúa muốn.
Để chuẩn bị đón nhận Chúa Cứu Thế, thánh Giuse và Đức Maria đều tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa. Trong những ngày chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh, trong ngày Chúa nhật thứ tư mùa Vọng hôm nay, mỗi người chúng ta phải tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa. Nếu như chúng ta có vấp phải sự bất tuân luật Chúa, chúng ta phải thật lòng sám hối, và nhất quyết không phạm tội. Hơn nữa, chúng ta còn phải trang trí cho tâm lòng chúng ta những bông hoa đẹp là các việc lành, những dầu thơm của các nhân đức, những ánh sáng màu sắc của đức tin, và những nghĩa cử của lòng bác ái .v.v...
Trên tất cả mọi sự, thì đức vâng lời là làm đẹp lòng Thiên Chúa, là hơn mọi lễ vật. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết thưa xin vâng, và biết thi hành thánh ý Chúa trên hết mọi sự. Xin cho chúng con xứng đáng đón mừng Chúa Hài Nhi giáng sinh ngự đến cứu chuộc chúng con. Amen.
Cách đây ít lâu, có một tờ báo có thuật lại chuyện về ông bầu của một đội bóng. Ông là một người rất nổi tiếng. Trong giới thể thao ai cũng biết đến tên của ông. Hôm đó ông cùng với vợ đi nghỉ xả hơi nơi một thành phố nhỏ. Buổi sáng trời mưa buồn, ông đưa vợ đi xem chiếu bóng tại một rạp hát trong thành phố. Lúc ấy, trong rạp hát đã có sáu người đến trước ông. Ông vừa bước chân vào thì tất cả đều đứng lên vỗ tay reo hò chào mừng. Ông vẫy tay chào và mỉm cười cùng họ cách khoái chí. Ngồi xuống, ông nói với bà vợ : "Mình ở xa cách đây cả ngàn cây số, mà ai cũng biết đến mình và kính trọng mình, đến nỗi vừa thấy mình bước chân vào rạp hát là họ đứng dậy chào và vỗ tay hoan hô. Chắc là họ đã ngưỡng mộ mình và đã biết mình qua màn ảnh Tivi.
Sau đó, có một người tiến đến bắt tay chào ông. Mặt mày hớn hở, ông nói : "Làm sao ông bạn có thể nhận diện được tôi ?" Người kia trả lời : "Tôi đâu có biết ông là ai. Nhưng khi chúng tôi thấy ông và vợ ông bước vào rạp hát, chúng tôi đứng lên vỗ tay reo mừng, vì vài phút trước khi ông tới, người quản lý rạp hát nói với chúng tôi rằng sáng nay sẽ không chiếu phim, nếu không có thêm hai khán giả nữa". Bấy giờ, ông ấy mới tỉnh ngộ. Ông nói : "Tôi lấy làm xấu hổ vô cùng. Thì ra họ vừa đứng lên vỗ tay reo mừng, không phải reo mừng tôi, nhưng là reo mừng chính họ, vì họ đã có đủ điều kiện để được xem chiếu bóng". Thật là chua chát !
Thánh Augustinô xưa kia cũng đã dạy : "Kiêu ngạo sẽ biến đổi các thiên thần thành quỷ dữ. Còn khiêm nhường sẽ làm cho con người trở nên thiên thần". Ngài còn nhấn mạnh đến sự quan trọng của nhân đức khiêm nhường như sau : "Nếu bạn hỏi tôi nhân đức nào là nhân đức quan trọng nhất, tôi sẽ nói là nhân đức khiêm nhường. Nếu bạn hỏi tiếp nhân đức nào là nhân đức thứ nhì, tôi sẽ nói là khiêm nhường. Nếu bạn hỏi nữa nhân đức nào là nhân đức thứ ba, tôi cũng sẽ trả lời là khiêm nhường".
Mẹ Maria đã sống khiêm nhường để luôn chu toàn thánh ý Chúa. Thực vậy, chúng ta hãy nhớ lại : Thuở xưa tại vườn địa đàng, bà Eva vì kiêu ngạo muốn trở nên bằng Thiên Chúa, cho nên đã giơ tay hái trái cấm mà ăn, để rồi truyền lại cho chúng ta là con cháu những hậu quả đau đớn của tội nguyên tổ. Trong khi đó Mẹ Maria, đã đi ngược lại con đường xưa, bởi vì Mẹ luôn sống khiêm nhường và vâng phục thánh ý Chúa, trong cảnh truyền tin, chúng ta đã thấy sau khi nhận ra thánh ý Chúa, Mẹ đã cúi đầu thưa lên : - Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần Chúa truyền.
Một sự xin vâng tức khắc và vô điều kiện. Giá như chúng ta thì có lẽ chúng ta sẽ trì hoãn, sẽ viện cớ này cớ kia để mà thoái thác : nào là không dám đâu, nào là chưa sẵn sàng, nào là để suy nghĩ, nào là để xem lại, hỏi lại, hoặc là để cầu nguyện thêm cái đã...
Chính vì thái độ khiêm nhường và vâng phục này, mà Mẹ đã xứng đáng được đặt làm Mẹ Đấng cứu thế, Mẹ Chúa Giêsu giáng sinh.
Chúng ta thấy đó, đối với Đức Mẹ lúc ấy, một tương lai mịt mờ đang chờ đón, nhưng Đức Mẹ vẫn dám nói "xin vâng" trong tin yêu. Đời chúng ta không thể kém Đức Mẹ đâu, sống ở trần gian này, cuộc đời chúng ta cũng gặp nhiều khúc quanh, gánh nặng, nhiều lúc mịt mù lắm mây giăng. Nói rõ hơn, tất cả chúng ta đã, đang hoặc sẽ gặp đau khổ, có người đã trải qua đau khổ, có người đang quằn quại trong đau khổ, có người đang bị đau khổ rình rập, không ai dám quả quyết mình không có đau khổ, giàu hay nghèo, đi tu hay sống đời gia đình, đều có những đau khổ riêng của mình. Vì thế, đau khổ nhiều hay ít chưa phải là quan trọng, điều quan trọng là thái độ và tinh thần của chúng ta thế nào trước đau khổ. Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của Đức Mẹ mà an tâm phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa, hãy hết lòng tin tưởng và cầu xin Chúa, vì đối với Thiên Chúa, không có gì mà Chúa không làm được.
Tóm lại, mỗi khi gặp đau khổ, chúng ta hãy ca lên bài ca "xin vâng" để xin Mẹ trợ giúp : "Mẹ ơi, đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó. Xin Mẹ day con hai tiếng xin vâng : hôm nay, tương lai và suốt đời". Để con cũng được giống như Mẹ, vui đón nhận tình yêu Giáng sinh trong an bình và hạnh phúc. Amen.
CÙNG MẸ MARIA SỬA SOẠN ĐÓN NHẬN NGÔI LỜI NHẬP THẾ
Lc 1,26-38
Vào thời trước Chúa Giáng Sinh, thì dân Do Thái mong đợi Đấng Cứu Thế đến hơn bao giờ hết, vì họ đã chán ngấy cái tình trạng suy đồi ở xã hội Do Thái. Những nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như dân sự đều trên đường xuống dốc. Còn trên bình diện chính trị, thì đất nước của họ bị đế quốc La Mã cai trị. Vì thế mà dân chúng mong đợi Đấng Cứu Thế đến hơn bao giờ hết. Và theo quan niệm của dân chúng thời bấy giờ thì họ mong đợi vị cứu tính đến để giải thoát họ khỏi cảnh lầm than, đô hộ, chứ không hẳn là giải thoát họ khỏi tội lỗi. Còn phụ nữ Do Thái nói chung thì mong được làm mẹ Đấng Cứu thế. Riêng trinh nữ Maria thì lại không có cao vọng làm mẹ Đấng Cứu thế, mặc dầu có cơ hội vì đã đính hôn với ông Giuse. Cái luật đính hôn của Do Thái thời bấy giờ rất là nghiêm túc. Đã đính hôn có nghĩa là đã cưới hỏi theo pháp lý. Tuy nhiên bà Maria qua một sự thỏa thuận nào đó với ông Giuse, như một lời khấn, đã giữ mình đồng trinh. Chẳng thế, mà khi sứ thần Gabriel đến thỉnh nguyện trinh nữ chấp nhận địa vị làm mẹ Đấng cứu thế, trinh nữ tỏ mối quan tâm về cái lời hứa đồng trinh của mình: Điều đó xẩy đến thế nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng (Lc 1:34). Điều đó chứng tỏ Trinh nữ yêu quí đức đồng trinh như thế nào! Chỉ khi Sứ thần bảo đảm với Trinh nữ là việc Trinh nữ thụ thai là do quyền phép Chúa Thánh linh thì Đức Maria mới chấp nhận địa vị làm mẹ Đấng Cứu thế. Việc thánh Giuse từ bỏ Đức Maria ra đi cách kín đáo khi nhận ra Bà đang mang thai cũng chứng tỏ là Thánh Giuse ý thức được rằng hai Ông Bà không sống với nhau như vợ chồng.
Phúc âm hôm nay ghi lại Trinh nữ Maria mở rộng tâm hồn đáp trả lời Chúa và vâng theo thánh ý Chúa. Trinh nữ Maria chấp nhận lời Chúa truyền qua miệng Sứ thần Gabriel để được thụ thai, mặc dù không hiểu sự việc có thể xẩy ra như thế nào, vì trinh nữ đã khấn hứa giữ mình đồng trinh. Mặc dù không hiểu, nhưng Trinh nữ đã tin tưởng vào quyền phép của Thiên Chúa, để chấp nhận bằng hai tiếng Xin Vâng theo thánh ý Chúa. Bằng việc chấp nhận thánh chỉ của Thiên Chúa, nên Con Một Thiên Chúa, đã được thụ thai cách huyền diệu trong lòng Trinh Nữ. Thời bấy giờ, Trinh Nữ Maria cũng nóng lòng mong đợi Đấng Cứu Thế đến như dân Do Thái nói chung, như những phụ nữ Do Thái riêng. Đặc biệt, Trinh nữ mong đợi Đấng Cứu thế sinh ra từ lòng mình.
Vậy cái lòng mong đợi mà ta cần có là cái mong đợi của Trinh nữa Maria mang thai. Đàn ông và những người đàn bà không lập gia đình không có được cái kinh nghiệm mang thai đó. Mặc dù không có kinh nghiệm mang thai, ta cũng có thể tưởng tượng ra phần nào trinh nữa Maria nóng lòng chờ đợi Con mình sinh ra như thế nào. Cũng chín tháng cưu mang như những người đàn bà mang thai khác. Việc trinh nữ Maria mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa, tin vào lời Chúa, vâng theo thánh ý Chúa, cộng tác với ơn Chúa phải giúp ta làm sao để sửa soạn đón mừng Chúa đến. Việc trinh nữ Maria thụ thai cách kỳ diệu, không có sự cộng tác của người nam phải kiến ta nảy sinh ra cái cảm giác lạ lùng và kính sợ. Không may sống trong thời đại kỹ thuật khoa học, con người đã đi cái cảm giác đó, mất đi cái cảm giác kính sợ, lạ lùng trước những quyền lực siêu nhiên. Đức tin của trinh nữ Maria vào lời Chúa phải có sức linh ứng, giúp ta mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa và thực thi ý Chúa. Lời Chúa không phải là cái gì thuộc quá khứ không ăn nhập với nếp sống hiện tại. Lời Chúa nói với loài người cả ngàn năm trước đây, và Lời Chúa phải có sức sống động trong ta, vì Chúa là Đấng hằng sống.
Lm Trần Bình Trọng, USA
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B
Lc 1,26-38
Khi hồi tưởng lại những kỷ niệm thời thơ ấu, chúng ta thường thấy hình ảnh người mẹ thân yêu hiện ra. Cho dù còn trẻ hay đã già, dù nước da trắng hay sẫm, dù thế nào đi nữa, thì người ấy vẫn là người mẹ lo toan cho cuộc sống của chúng ta. Mối liên hệ giữa mẹ và con rất là đặc biệt và luôn dựa trên một mối dây yêu thương. Bởi thế không lạ gì mà Mẹ Maria xuất hiện giữa Tin Mừng hôm nay, gởi gắm cho chúng ta một sứ điệp rất đơn giản mà lại rất xúc động chưa từng thấy. Đơn giản là một thiếu nữ đang quỳ gối đón nhận sứ điệp huyền nhiệm từ thiên sứ Gabrien, với tâm tình rất thanh thản, và nàng đã trao về Thiên Chúa trọn vẹn cuộc đời mình khi nói: "Xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần truyền."
Giây phút Truyền Tin là khoảnh khắc Thiên Chúa " bật mí" cái bí mật từ ngàn đời. Đúng là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi muốn trở thành một người giữa chúng ta. Và Thiên Chúa phải cần đến Mẹ Maria là để Ngài có thể sai Con Một Ngài đến giữa chúng ta, thực hiện chương trình cứu độ của Ngài đối với trần gian. Mẹ đã được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa để làm mẹ của Đức Kitô. Thì lúc Mẹ nói: "Xin vâng" với thiên sứ chính là phút bình mình của ơn cứu độ của nhân loại. Và Mẹ sẽ sinh hạ ơn cứu độ ấy tại Bêlem vào Đêm Giáng Sinh. Mẹ Maria đã không thưa "Xin vâng" một lần với Thiên Chúa mà thôi, nhưng Mẹ luôn luôn xác nhận lại hai tiếng "Xin vâng" ấy nhiều lần trong đời. Mẹ đã không hề nghĩ tới chuyện mọi cánh cửa nhà trọ sẽ đóng lại, xua đuổi Mẹ đúng vào ngày sinh hạ Hài Nhi. Sau đó Mẹ lại phải lên đường bôn tẩu sang đất Ai cập, và 33 năm sau lại phải chứng kiến xác con treo trên khổ giá, một cái chết của kẻ tội đồ. Những lúc ấy Mẹ lại thưa với Thiên Chúa của Mẹ hai tiếng "Xin vâng".
Hôm nay Chúa nhật thứ 4 Mùa Vọng, lễ Giáng Sinh sắp đến nơi rồi, tâm tự chúng ta đang hướng về Mẹ Maria. Mẹ là tấm gương cho chúng ta soi về việc phải lắng nghe lời Chúa và chờ mong Chúa đến. Mỗi khi tâm trí Mẹ hồi tưởng lại lời chào của thiên sứ năm nào, chắc chắn là Mẹ lại dần dần hiểu thêm ý nghĩa sứ điệp và mầu nhiệm Giáng Sinh. Thiên Chúa không chỉ muốn trở nên một người như chúng ta mà khi hành động như thế Ngài còn muốn chúng ta trở nên giống như Ngài.
Khi lắng nghe Lời Chúa, Mẹ Maria đã cho chúng ta thấy đây là một khía cạnh quan trọng nhất của đời sống Kitô hữu. Làm một Kitô hữu chính là trở nên một người ngày đêm hướng mở đôi tai tâm hồn lắng nghe tiếng Chúa gọi hầu có thể đáp lại ngay tiếng Ngài. Chúng ta có thể cầu xin Mẹ giúp đỡ mỗi một người có được cung cách thái độ lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa, ngõ hầu chúng ta luôn sẵn sàng và sẵn lòng mang Đức Kitô đến cho đời như Mẹ đã làm ngày xưa.
Mẹ Maria đã sinh hạ Đức Kitô trong máng cỏ và nay lại muốn sinh hạ Chúa trong tâm hồn chúng ta. Mẹ đã sửa sang cuộc sống của Mẹ thành một nơi xứng hợp cho Chúa đến thì nay chúng ta cũng phải làm như thế. Thiên Chúa đã không để Mẹ Maria đứng bên ngoài lễ Giáng Sinh, chúng ta cũng thế không thể để cho Mẹ đứng bên lề cuộc sống chúng ta.
Lm. Nguyễn Văn Phan, CSsR (Nguồn vietcatholic.org)
1878 16-12-2011 10:20:14