Sidebar

Chúa Nhật

08.09.2024

Chúa Nhật IV Mùa Chay B_2

TUYỆT VỌNG TRONG HY VỌNG
Ga 3,14-21.

"...ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời"(Ga 3,16).

Phật giáo có câu: "đời là bể khổ" nghĩa là con người từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời chỉ gặp toàn là đau khổ, tội lỗi, chết chốc... Đây là một trong những ưu tư mà con người phải mang lấy. Đặc biệt hơn khi đối diện với cái chết, con người dù tài giỏi đến đâu cũng đành bó tay và cúi đầu im lặng. Không khéo sẽ dẫn con người đến chổ tuyệt vọng. Nhưng là con người thì ai cũng mong cho mình một cuộc sống an vui, một gia đình ấm no và hạnh phúc. Nhưng đó chỉ là mộng ước, còn thực tế thử hỏi có mấy ai được như vậy?

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cái nhìn tích cực, mang đầy ý nghĩa và niềm hy vọng từ những đau khổ, tội lỗi và chết chốc trong cuộc sống. Như thánh Phaolô dạy, "Niềm hy vọng của tôi là Thập giá Đức Kitô" (Gl 6,14). Với tôi, sống là chiến đấu; chết là chiến thắng. Tôi hoàn toàn tin tưởng ký thác vào lòng từ bi nhân hậu cho tình yêu Thiên Chúa. Bởi vì, Đức Kitô đã chiến thắng sự chết và phục sinh vinh hiển ngay trong trần gian này. Đây là đích điểm mà tôi tin tưởng khi phải trực diện với biết bao nghiệt ngã của đau thương, biết bao sóng gió vùi dập lên cuộc đời, và nhất là mai đây phải ngậm ngùi trong tuyệt vọng của cái chết. Và lời hứa của Ngài là chìa khoá mở ra một chân trời hy vọng: "...ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời"(Ga 3,16). Chìa khoá này, giúp tôi xác tín một cách chắc chắn rằng: không có sự chết và càng không có sự chết trong khi chỉ có những người đang sống trên thế giới này và thế giới bên kia. Mặc dầu sự chết là một thực tại, nhưng chết chỉ trong chốc lát, một khoảnh khắc, một giây phút, một bước đi. Bước đi từ tạm thời sang vĩnh cửu. Bước đi từ hữu hạn sang vô hạn.

Và cũng chính lời hứa ấy đã âm thầm len lỏi và lấn sâu vào lòng của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, đến nỗi Ngài phải thốt lên trên giường hấp hối: "Tôi không chết, tôi đang bước vào sự sống". Hơn thế nữa Thánh Phanxicô đã xác tín niềm tin về cái chết của mình rằng: "Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai". Quả thế, với những người không có niềm tin thì chết là tuyệt vọng. Ngược lại, với tôi chết là chiến thắng là khởi điểm cho một cuộc sống mới: sống với Chúa, sống bên Chúa, sống trong Chúa và sống như Chúa.

Lạy Chúa Giêsu là Vua tình yêu, Ngài đã chiến thắng sự chết trong đau khổ, trong thất vọng trên giường thập giá. Xin cho con ý thức rằng: Chấp nhận mọi nghịch cảnh đau thương trong cuộc đời mà trên giường hấp hối, trước khi chết con chưa làm được. Nói lời yêu thương mà trong cơn nguy tử con không thể nói được. Hiến thân cho anh em khi còn sống mà trong nấm mồ con đang bất lực. Xin cho con tin tưởng vững vàng trong giay phút hiện tại, để rồi mai đây con không tuyệt vọng mà mãi mãi ra đi trong hy vọng và trong vinh quang bất diệt.

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
Ga 3,14-21.

Lịch phụng vụ của Giáo hội vẫn quen gọi Chúa nhật thứ tư này là Chúa nhật màu hồng, màu của niềm vui và hạnh phúc. Sở dĩ gọi làChúa nhật màu hồng là bởi vì trong ngày hôm nay, đồng thời với phẩm phục của chủ tế được thay đổi từ màu tím u buồn sang màu hồng trong sáng, thì những bài Thánh Kinh được chọn để đọc trong thánh lễ cũng loan báo một tin mừng trọng đại cho tất cả mọi người : "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính con một mình, để tất cả những ai tin vào con Ngài thì được sống đời đời.

Bởi vì Thiên Chúa không sai con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ con Ngài mà được cứu độ". Tin vui trọng đại này mặc dù được chính Đức Kitô làm cho trở nên hiện thực, nhưng nó đã được chuẩn bị từ thời Cựu ước, mà chúng ta đã có dịp nghe nhắc lại một cách sơ lược trong những ngày Chúa nhật vừa qua. Đúng vậy! Từ thời xa xưa trong Cựu ước, Thiên Chúa đã dùng nhiều phương cách, nhiều trung gian để loan báo ơn cứu độ mà Người sẽ thực hiện một cách rỏ ràng và dứt khoát nơi con một của mình là Đức Giêsu Kitô. Tin mừng ấy được bảo đảm bằng một giao ước long trọng với gia tộc Noe, một gia đình nhân loại mới được tái sinh, là sẽ không bao giờ có hình phạt Đại Hồng thủy như vậy nữa; Một sự kiện mà chúng ta đã nghe nhắc lại trong ngày Chúa nhật thứ nhất mùa chay.

Lợi dụng sự trung thành của Thiên Chúa, dân tộc mới này dần dần biến giao ước đó trở thành pháo đài của sự chống đối Người, mà tháp Ba-ben là một biểu tượng hữu hình. Thế nhưng không vì sự phản bội đó mà thiên Chúa hủy bỏ kế hoạch yêu thương của mình. Lời Chúa trong ngày chúa nhật thứ hai đã cho thấy rằng : Để bày tỏ sự trung thành của mình, Thiên Chúa đã nhẫn nại chọn trong đám nhận loại hư hỏng đó một người thật sự là biết trung thành và tin tưởng nơi Người, để hình thành một dân riêng của Chúa, đó là ông Ab-ra-ham.

Bước vào chúa nhật thứ ba, chúng ta tiếp tục nhìn thấy một sự quan tâm đặc biệt mà Thiên Chúa đã dành cho dân này : Người ân cần ban bố những huấn lệnh, những lời chỉ dạy tốt lành nhất, để cho họ thật sự trở thành một dân tộc được Chúa chúc phúc. Thế nhưng một lần nữa, tình thương của Thiên Chúa bị con người lợi dụng.


Bài đọc một của ngày hôm nay cho thấy rằng : Không phải chỉ có dân chúng, mà còn cả hàng tư tế, cũng tỏ ra gàng bướng bất trung. Bao nhiêu thói hư tật xấu, bao nhiêu tội ác khủng khiếp mà dân ngoại đã làm, thì bây giờ nó lại xảy ra trong chính đền thờ; làm cho đền thờ trở nên dơ bẩn hổn tạp, mở đường cho ngoại bang xăm chiếm. Và rồi cũng thêm một lần nữa, chúng ta nhìn thấy được lòng trung thành yêu thương của Thiên Chúa : Người đã dùng triều đại Vua Cyrô để xây dựng lại đền thờ và khôi phục vương quốc Israel.

Đúng như tác giả của bức thư gửi tín hữu Do Thái đã viết : "Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng đến thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử". Noe, Abraham hay Cyrô đều là hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu mang ơn cứu rỗi đến cho nhân loại. Và để chứng tỏ rằng : "thời kỳ đã mãn"; nghĩa là ơn cứu rỗi do Đức Giêsu mang đến là vĩnh viễn và dứt khoát, thì trong bài phúc âm hôm nay, khi trả lời với Nicôđêmô, Người quả quyết rằng : "Như Môisen đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị hủy diệt, nhưng được sống đời đời".

Quả thật, lịch sữ dân tộc Do thái sẽ không bao giờ quên được câu chuyện rắn đồng trong sa mạc. Lúc đó họ nổi loạn đòi giết chết cả ông Môisen. Lập tức Chúa để cho rắn lửa bò ra khắp nơi và cắn chết nhiều người. Khi ấy họ hoãng sợ tìm đến cầu cứu Môisen, và Chúa bảo Môisen làm một con rắn bằng đồng treo lên cao. Bất cứ người nào bị rắn cắn mà biết nhìn lên con rắn đồng ấy thì sẽ được cứu thoát. Nếu như năm xưa con rắn đồng được treo lên cao đó như là một dấu chỉ của lòng yêu thương tha thứ, để rồi cho dù con người có năm lần bảy lượt xúc phạm đến Chúa, nhưng nếu biết tỏ lòng hối cải và nhìn lên đó thì sẽ được cứu thoát; thì hôm nay cũng vậy, việc Đức Giêsu chấp nhận bị treo trên cây thập giá, cũng chính là một sáng kiến nói lên lòng tha thứ, để rồi bất cứ một ai nhìn lên đó và tin vào Người thì sẽ được cứu thoát.


Chính vì thế mà liền sau đó Đức Giêsu khẳng định rằng : " Thiên Chúa sai con một của Ngài đến thế gian không phải là để kết án luận phạt, nhưng là để thế gian nhờ con Ngài mà được cứu độ".

Tất cả những gì mà Đức Giêsu đã làm ở trần gian này, thì Người chỉ làm có một lần duy nhất, nhưng hiệu quả thì kéo dài đến mọi nơi mọi thời. Chúng ta không có mặt cùng thời với Chúa Giêsu, nhưng phần rỗi của chúng ta, những con người tội lỗi và bất toàn vẫn được Lời Chúa bảo đảm : "Ai tin thì sẽ không bị lên án, còn ai không tin sẽ bị kết án." Những người không tin không phải là bị kết án bởi Thiên Chúa, mà là tự kết án chính mình bằng thái độ ngoan cố của mình, giống như ngày xưa chỉ có những ai nhất định cúi mặt xuống đất mà không chịu nhìn lên con rắn đồng, thì kẻ ấy mới chết.

Nhưng rồi chúng ta phải thể hiện lòng tin của mình như thế nào ? Thánh Giacôbê tông đồ quả quyết rằng : "Đức tin không có việc làm là đức tin chết." Nghĩa là một đức tin đúng nghĩa phải là một đức tin được hòa quyện giữa lý trí và việc làm. Dĩ nhiên là có nhiều phương cách thể hiện lòng tin của mình. Thế nhưng chủ đề chung mà các bài đọc Thánh kinh của ngày hôm nay muốn thể hiện đã gợi lên cho chúng ta một bài học lớn.


Một bài học mà suốt cuộc đời này, chúng ta chỉ có vừa đủ thời gian để thực hiện nó; đó là mang tình thương của Chúa đến cho anh chị em mình bằng chính cuộc sống hàng ngày, qua những cung cách ứng xử thắm đượm lòng bác ái của chúng ta. Khi kết thúc cuộc sống đời này, Chúa sẽ không hỏi về số quần áo mà chúng ta đang có trong tủ của mình, nhưng sẽ hỏi rằng chúng ta đã giúp cho bao nhiêu người có quần áo để mặc ?

Chúa sẽ không hỏi mức lương cao nhất của chúng ta là bao nhiêu, nhưng sẽ hỏi là chúng ta có làm tổn thương nhân cách của mình để đạt được nó không ? Chúa sẽ không hỏi chúng ta là đã nhận được bao nhiêu lời động viên khuyến khích, mà sẽ hỏi rằng chúng ta đã sẵn lòng khích lệ người khác như thế nào ? Chúa sẽ không hỏi là chúng ta đã làm gì để lo cho bản thân, mà sẽ hỏi là chúng ta đã làm gì để giúp đỡ anh chi em của mình ? Chúa cũng sẽ không hỏi chúng ta đã sống bên cạnh những ai, mà sẽ hỏi rằng chúng ta đã đối xử như thế nào với những người láng giềng của mình ? Và nếu như ngay bây giờ, từng người trong chúng ta đang vui mừng hãnh diện với lòng mình về những điều đó khi mà chúng ta phải trả lời trước mặt Chúa, là chúng ta đang thể hiện niềm tin của mình vào Chúa cách đúng đắn.


Còn ngược lại, nếu chúng ta cảm thấy âu lo ngại ngùng trước những câu hỏi ấy, thì nhất định chúng ta hãy mau mắn sửa chữa, đặc biệt là trong mùa chay thánh này; đó chính là lý do mà ngay trong ngày khai mạc, Thánh Phaolô đã tuyên bố : "Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ".


Chúng ta nên nhớ rằng : không có một sự sửa chữa hay một sự đổi mới nào gọi là quá trể cả. Xin Chúa qua lời cầu bàu của Thánh cả Giuse, Người Công Chính, ban cho mỗi người chúng ta có được sự Công chính của Chúa để sống cuộc đời kitô hữu của mình. Nhờ đó mà mỗi ngày chúng ta được trở nên tốt hơn, xứng đáng hơn với tình thương và ơn cứu độ của Chúa dành cho chúng ta.

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
Jn 3, 14- 21

Một câu thơ mà ai trong chúng ta cũng đều biết:
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.

Tương truyền rằng: Có đôi vợ chồng nọ rất thương nhau. Người chồng vì nghĩa vụ non sông phải ra đi, để lại quê nhà người vợ thân yêu và đứa con nhỏ dạy. Ngày tháng cứ dần trôi. . . Một hôm người chồng trở về, vì không báo trước nên không có vợ ở nhà, chỉ có đứa con nhỏ giờ đây đã nói được những tiếng nói đầu tiên. Nhìn thấy đứa con nhỏ, anh ta rất vui mừng, gọi con đến và xưng là cha của nó. Nhưng ngở ngàng thay, đứa nhỏ không chịu, còn nói rằng : cha nó không bao giờ về vào lúc ban ngày, cha nó chỉ về vào ban đêm.

Người chồng nghi ngờ vợ, niềm uất hận dâng lên. Bổng đâu người vợ thân yêu từ ngoài đi vào, nhìn thấy chồng, rất vui mừng. Nhưng sự vồn vã yêu thương đâu chẵng thấy, mà trái lại, chị còn phải nhận thái độ lạnh nhạt và những lời cay đắng. Không thể biện minh được cho sự trong trắng của mình, chị mới tìm cái chết để giải thích cho nỗi oan tình. Chiều đến khi mọi vật đã chìm vào bóng đêm đứa nhỏ cứ đời mẹ, nhưng chẵng thấy.


Nó lại bảo là cha nó sắp về. Nó mới dẫn người chồng vào trong và chỉ lên vách. Cái bóng đen do ánh đèn tạo nên, đứa nhỏ gọi đó là cha của nó. Người chồng ngở ngàng hiểu ra mọi chuyện thì đã muộn. Anh đi tìm vợ, nhưng chẵng thấy. Ngôi miếu được dựng lên để giải oan, để xin lỗi người vợ và để nói lên mối tình chung thủy của vợ chàng Trương.

Người chồng đã đứng kề bên hạnh phúc, đối mặt với sự thật. Nhưng anh ta chưa nhận ra được sự thật, vì anh ta quá tự hào về những hiểu biết của chính mình, mà không cần nghe những lời giải thích cặn kẻ. Thế cho nên suốt cuộc đời anh ta sẽ chẵng bao giờ nhìn thấy và tìm được nguồn hạnh phúc nơi người vợ chung thủy của mình nữa.

Chúng ta cũng vừa chứng kiến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô . Ông nầy là ai ? Ong là thủ lãnh những người biệt phái, là một nhà thông thái, hiểu biết nhiều, có địa vị trong xã hội. Ông ta cũng nhìn thấy Chúa Giêsu, hiểu biết những việc làm của Ngài. Nhưng ông ta chưa dám đến với Ngài thật sự, vì những gì là của riêng ông ta, đã làm nặng nề bước chân tìm chân lý, đã che khuất đi ánh mắt đi tìm ánh sáng.

Những cái đó cũng làm mất đi sự can đảm cần thiết để có hành động nói lên sự thật. Chính vì thế ông ta mới tìm Chúa Giêsu vào lúc đêm về. Qua cuộc đối thoại không mang lại kết quả bao nhiêu, vì ông ta chưa ra khỏi chính mình được. Đến khi Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, khi đó ông mới được mở mắt ra, khi đó tất cả những gì là của ông, chẵng có giá trị gì. Mặc dù hiện tại, ông đang đứng trước chân lý, đang đứng trước nguồn hạnh phúc đích thực mà ông chẵng hay biết.

Sánh về địa vị, chắc chúng ta không bằng ông thủ lãnh người Do Thái kia đâu. Về sự hiểu biết, chắc cũng không ai dám tự hào là hơn ông. Về địa vị, chúng ta cứ nhìn lại chính mình xem. Vậy mà chúng ta có biết tìm đến Chúa chưa? Tìm đến để nghe Ngài nói, Ngài chỉ dạy. Chúng ta chê trách ông Nicôđêmô hơi thiếu can đảm. Nhưng vì ông đã có sự khởi đầu nên ông cũng đã có được kết quả tốt đẹp. Ông đã dám xuất hiện giữa ban ngày vào lúc cần thiết nhất, lúc mà các Tông đồ đã trốn chạy hết. Ông lo tất cả mọi việc thật chu đáo.

Thiên Chúa luôn chờ đợi và Ngài cũng tạo điều kiện cho ta, nhưng chúng ta có rời được chỗ ở, rời được con người của chính mình để đến với Ngài không. Hay chúng ta vẫn còn nặng nề với bao nhiêu vấn đề của cuộc sống. Công việc không thể; Vì chúng ta còn sợ; Hay là tôi đã hiểu biết nhiều, nên tôi không cần phải nghe ai chỉ dạy. Vậy thì làm sao chúng ta có thể gặp được Chúa. Thiên Chúa không hiện ra trực tiếp với chúng ta. Ngài nói, nếu cần thiết, có thể qua người con nhỏ trong gia đình để đánh động tâm hồn chúng ta. Ngài cũng muốn nói với chúng ta, qua những cử chỉ đơn sơ của những ngưới thấp hèn hơn chúng ta, đôi khi qua những người hành khất để đánh động lương tâm chúng ta.


Đôi khi cứng rắng hơn, Ngài nói qua những người có uy quyền với lời lẽ có khi làm chạm tự ái chúng ta để đánh động tâm hồn. Nhìn lại cách sống của chính mình, mỗi người sẽ nhận thấy mình đã tìm gặp được Chúa hay chưa. Nếu giờ nầy chúng ta đã can đãm hơn, biết chu toàn trách nhiệm hơn, siêng năng đến với Chúa hơn , biết làm gương tốt cho những người chung quanh. Đó là chúng ta đã gặp được Chúa, đã nhìn thấy ánh sáng. Đó là chúng ta không còn đi trong đêm tối nữa.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban ơn soi sáng cho mỗi người chúng ta biết siêng năng đến với Chúa, để nhận ra chân lý và luôn sống trong ánh sáng chân lý của Ngài.

YÊU THƯƠNG THA THỨ
Ga 3, 14- 21

1. Tặng quà là một trong những phương cách biểu hiện lòng yêu quý nhau. Món quà càng có giá trị, càng được chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể nói lên tâm tình của người tặng dành cho người nhận. Nhìn lại Lịch Sử Cứu Độ, Thiên Chúa luôn yêu thương dân Người, thời Cựu Ước, Thiên Chúa nhờ các ổ phụ, các ngôn sứ để dạy dỗ, mạc khải... tình yêu của Thiên Chúa cho dân riêng của Người. Thời Tân Ước, sau một thời gian lâu dài chuẩn bị, Thiên Chúa ban tặng chính Con Một là Đức Giêsu cho loài người, đây là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đức Giêsu đến thế gian không phải để luận phạt, mà đem ơn cứu độ, đem lòng yêu thương, tha thứ cho loài người.

2. Bài Tin Mừng hôm là một phần trong cuộc đối thoại với Ông Nicôđêmô. Đức Giêsu nhắc lại câu chuyện con rắn đồng trong sa mạc thời Xuất hành. Hình ảnh con rắn đồng, đó là tìền trưng của Đức Giêsu, Đấng Cứu Chuộc : "Như Môsê đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ giương cao như vậy".

Hẳn chúng ta còn nhớ, sau khi rời khỏi Ai Cập để tiến về đất Chúa hứa. Suốt bốn mươi năm trong hoang địa, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương chăm sóc dân Do thái, cho cột mây, cột lửa dẫn đường ; đói có mana, có chim cút ; khát có nước chảy ra từ tảng đá, thế nhưng họ vẫn chưa thoả mãn, vẫn kêu trách Thiên Chúa . Một lần cơn thịnh nộ của THIÊN CHÚA đã giáng xuống đám dân này, đã để cho rắn độc cắn chết nhiều người. Họ đã nhận ra lỗi lầm của họ và chạy đến cầu cứu với Môsê, Thiên Chúa dạy Môsê đúc con rắn bằng đồng treo lên cao, để ai bị rắn độc cắn, nếu nhìn lên con rắn đồng này sẽ được cứu. Thật ra, Không phải chỉ lần này, mà nhiều lần dân Do thái đã sa ngã, nhưng Thiên Chúa đều rộng lòng tha thứ. Điều này cho ta thấy Thiên Chúa , Đấng giàu lòng tha thứ và hay thương xót.

Nếu con rắn đồng là biểu tượng nói lên lòng yêu thương, tha thứ của Thiên Chúa , thì Đừc Kitô, Con Một của Người, được giương cao trên cây Thánh giá, chính là lòng tha thứ của Thiên Chúa dành cho loài người đạt đến đỉnh cao tuyệt đối : "Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Người mà được cứu độ".

Đọc Tin Mừng, chúng ta dễ thấy, lòng tha thứ của Đức Giêsu dành cho tất cả mọi người, nhất là những người được xem là tội lỗi như thu thuế, đàng điếm; ngay trên cây Thánh giá, Chúa đã tha cho người trộm lành, cho những kẻ bắt bớ sỉ nhục Ngài. Ngày hôm nay việc tha thứ vẫn được tiếp diễn, qua Bí tích Hòa giải, dù tội chúng ta nặng nề như thế nào, nếu thành tâm quay về cùng Chúa, Ngài sẽ tha thứ tất cả.

3. Mùa Chay là mùa của lòng yêu thương tha thứ. Bởi thế, cùng với việc cầu nguyện, ăn chay, thì sống bác ái đối với nhau là một việc làm rất cần thiết, hữu ích. Một trong những việc làm bác ái cụ thể mà Đức Kitô mời gọi chúng ta sống theo tinh thần, gương của Ngài đó là tha thứ cho nhau, quên đi những lỗi lầm của nhau. Thật vậy, trong đời sống chung làm sao tránh được những điều mất lòng nhau, nhiều khi vô tình hoặc do cố ý.

Hãy sống bác ái, bằng việc tha thứ, từ những người gần gũi. Hãy thực hiện việc tha thứ từ trong gia đình, cộng đoàn : vợ chồng đối với nhau, con cái đối với cha mẹ, cha mẹ đối với con cái, anh chị em đối với nhau, những người chung sống... Từ việc yêu thương tha thứ với những người trong gia đình, cộng đoàn, chúng ta sẽ đi xa hơn trong việc tha thứ đối với người khác : chòm xóm, những người cùng làm ăn buôn bán, nơi làm việc.

4. Muốn tha thứ cần phải có làm hòa. Có thể chúng ta muốn tha thức cho anh chị em chúng ta, nhưng do tự ái, tự cao, chúng ta đặt điều kiện người anh chị em đó phải đi bước trước đến với tôi thì tôi mới tha. Hãy nhìn vào Đức Giêsu, Ngài đã đi bước trước, bỏ trời cao để đến với con người tội lỗi. Bỏ ra món quà để tặng nhau, bỏ ra tiền bạc của cải đễ giúp nhau xem ra dễ hơn rất nhiều bỏ cái "tôi". Cái "tôi" tự ái, cái "tôi" tự cao, cái "tôi" bướng bỉnh. Vì thế có thể nói tha thứ là món quà quý giá mà chúng ta trao cho nhau. Bởi muốn tha thứ phải bỏ những cái "tô" hẹp nòi như đã nêu trên.

Muốn tha thứ cần phải quên đi những lầm lỗi của người khác, thường thì chúng ta dễ quên điều tốt mà lại nhớ lâu lỗi của người khác. Chính vì vậy khó tha thứ cho anh chị em của minh ! Chúng ta nên noi gương Thiên Chúa giàu lòng vị tha : Người không nhắc dân Do thái đã lỗi với Người bao nhiêu lần. Thiên Chúa cũng không nhớ quá khứ tội lỗi của chúng ta, thì chúng ta cũng đừng để lòng về thiếu sót của tha nhân, đó là điều kiện để chúng ta thực hiện việc tha thứ tốt hơn.

5. Người Kitô hữu không những được hưởng hồng ân Cứu Độ từ Thập giá của Đức Giêsu mà Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta thông phần vào việc chia sẻ niềm vui Thập giá của Ngài. Vì thế hãy tiếp tục đem tình yêu, sự tha thứ của Chúa đến với tha nhân. Hãy góp phần phân phát món quà quý giá này, đặc biệt là trong mùa Chay thánh, bằng cách sống yêu thương, tha thứ.

LÒNG TIN
Ga 3,14-21

Đang khi đàm đạo với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu nhắc lại hình ảnh " con rắn đồng " trong sa mạc. Đây là câu chuyện xảy ra trên đường từ Aicập về đất hứa. Ong Môisen theo lệnh Chúa dẫn " đám dân nô lệ " ra khỏi Aicập về Đất Hứa, trên đường đi Chúa ban Manna để nuôi dân chúng, nhưng ăn riết một thứ họ cũng chán, chẳng còn thấy ngon chút nào, chán đến phát ớn! Họ nhớ lại những củ hành của tỏi ở đất Aicập, vì dù là nô lệ họ vẫn được ăn nhiều thứ.

Càng nghĩ họ càng thèm những món ăn truớc đây họ đã được ăn, thèm nhỏ dãi luôn, không chịu được họ nỗi loạn chống lại ông Môisen, họ muốn quay về để được ăn dù phải làm nô lệ, làm tôi mọi, chẳng đáng một con người " họ cố chịu đấm để được ăn xôi, cho dù là xôi có hẩm, xôi hẩm cũng vẫn là xôi mà. Để uống nắn và lòng dân, Chúa cho có những con rắn lửa xuất hiện và chúng đã cắn chết rất nhiều người. Họ hoang mang sợ hãi kêu cầu Chúa tha thứ và cứu chữa họ.


Chúa bảo ông Môisen làm một con rắn bằng đồng treo lên cao, để ai bị rắn lửa cắn thì nhìn lên con rắn đồng ấy, thì sẽ được Chúa cứu khỏi chết. " Cũng như ông Môisen giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời " . Chúa Giêsu nói đến cái chết của Ngài sẽ phải chịu. Vâng ! Ngài sẽ phải bị treo lên cây thập giá, để những ai tin vào danh của Ngài và thực hành những Lời Ngài dạy bảo thì sẽ được cứu sống.


Xưa dân Do thái nổi loạn chống lại ông Môisen, nghĩa là không tin vào Thiên Chúa nữa. Khi họ bị rắn lửa cắn họ đã nghe theo lời ông Môisen dạy, nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được cứu sống. Không phải con rắn đồng có khả năng ấy, nhưng vì họ đã vâng nghe theo lời ông Môisen, nghĩa là tin vào Thiên Chúa, bởi ông là Ngôn sứ của Chúa. Chúa đã ra tay cứu chữa họ, dù họ đã bất trung chống lại Ngài. Xưa con rắn đồng cứu sống họ nhưng rồi họ vẫn phải chết, còn Chúa Giêsu sẽ cho những ai tin và thực hành Lời Ngài sự sống cả đời này và đời sau nữa.


Anh chị em, trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, có lẻ đã nhiều lần, nhiều lúc, ở đâu đó, chúng ta cũng bất trung, cũng phản bội lại ơn làm con Chúa khi chúng ta phạm tội hay chúng ta đồng loã với tội lỗi. Hãy mau quay về với Chúa, hãy ngước nhìn lên thánh giá Chúa với tâm tình hoán cải thực sự, hầu được ơn tha thứ. Hãy tin rằng Chúa sẽ tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta. Ân sủng và tình thương của Chúa lớn hơn tội lỗi và sự bất trung của chúng ta.


Tâm tình mà chúng ta cần phải có hôm nay là cám ơn Chúa vì tình thương Chúa lớn hơn tội của chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng học nơi Chúa bài học tha thứ, tha thứ luôn luôn cho anh chị em của mình.


Bản thân chúng ta là những con người tội lỗi yếu đuối, dễ phạm tội, dễ sa ngã, chúng ta cần được Chúa tha thứ thì chúng ta cũng phải biết không ngừng tha thứ cho những sai phạm của anh chị em chung quanh mình.

THẬP GIÁ CHÚA KITÔ
Ga 3, 14 - 21

Mùa chay là mùa ăn năn sám hối, là dịp thuận tiện để con người quay về với Chúa và làm hòa với anh em. Nhìn lên Chúa để noi gương bắt chước Ngài, nhìn lên Chúa để thấy mình còn thiếu sót, còn khiếm khuyết quá nhiều, nên cần phải cố gắng vươn tiến.Chúa Giêsu đã kinh qua đau khổ mới tới vinh quang và thập giá là nhục hình nhất Ngài phải chịu theo ý Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại, cứu rỗi con người. Chúa là ánh sáng chiếu soi, phá tan bóng tối và đêm đen, phá tan xiềng xích tội lỗi...

Vâng, trần gian luôn có bóng tối và ánh sáng. Bóng tối là mãnh lực của sự dữ, của tội lỗi, của muôn vàn mưu kế ma quỷ. Bóng tối của thế lực quyền lực, của danh vọng, của tiền tài, của ăn chơi trác tráng. Đó là những sức mạnh của ma quỷ, satan, của sự dữ tối tăm. Bóng tối tâm hồn còn vô cùng nguy hiểm, do đó, thánh Gioan đã viết: "
Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa " ( Ga 3, 19 ). Con người thường ghét ánh sáng hơn bóng tối. Đó là thảm kịch nơi lòng con người. Thực tế, con người sinh ra vốn dĩ lương thiện, nhưng sự tội đã làm cho con người xa Chúa và sống không tốt với người khác. Tội Ađam và Eva phản nghịch, bất tuân lệnh Chúa. Tội Cain ghen tương giết Abel...Và còn nhiều tội khác làm con người xa dần Thiên Chúa. Con người chỉ có thể vươn lên khi họ ưa sự sáng. Khi con người để cho ánh sáng dọi chiếu và vén mở chính mình, họ sẽ đối diện với sự thật, với tội lỗi của mình và rồi họ biết ăn năn sám hối như thế họ sẽ có được niềm vui. Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, thánh Gioan đã nhắc nhở nhân loại, nhắc nở con người rằng: " Thiên Chúa đã không gởi Con Người vào trong thế gian để kết án thế gian nhưng là để cho thế gian nhờ Người mà được cứu " ( Ga 3, 16 ). Con người chúng ta chỉ có thể vươn lên, vượt thắng khi dứt bỏ bóng tối để trở về với ánh sáng, bằng việc ngước nhìn lên. Ngước lên như dân Do Thái xưa trong sa mạc bị rắn độc cắn đã nhìn lên con rắn đồng được treo trên cây gỗ. Trong Tin Mừng của thánh Gioan, Chúa Giêsu đã phán: " Người phải được nhắc lên hay nâng lên ". Nhắc lên hay nâng lên ám chỉ Ngài bị đóng đinh trên thập giá. Đối với tử tội Do Thái xưa mà người Roma đã áp đặt, đó là họ bị đóng đinh trên thập tự giá gỗ. Đây là cái chết bi thảm trong mọi cái chết của tử tội. Thập giá xem ra là một thất bại ê chề chứ không phải là một chiến thắng. Tuy nhiên, đức tin cho hay thập giá là vinh quang, là chiến thắng. Chúa đã đánh tan sự chết và chiến thắng tử thần.Chính vì yêu, chính vì tự nguyện theo ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã chấp nhận bị đóng đinh trên thập giá bởi vì: " Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu " ( Ga 15, 13 ). Cái chết đối với Chúa là vinh quang, là khải hoàn như lời tung hô Thánh Thể, chúng ta kêu lên với Chúa chúng ta rằng: " Bằng sự chết của Ngài, Ngài đã phá hủy sự chết của chúng ta, bằng sự sống lại, Ngài đã phục hồi sự sống cho chúng ta ". Chính trong lời nguyện nhập lễ của thánh lễ cầu hồn, chúng ta đọc thấy: " Trong Đức Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, niềm hy vọng về sự sống lại của chúng ta đã ló rạng. Nỗi buồn về sự chết sẽ đưa tới lời hứa rạng ngời của sự bất tử. Đối với các tín hữu, sự sống thay đổi, chứ không mất đi. Khi thân xác của chúng ta ở trên mặt đất này chết đi thì chúng ta sẽ được đưa đến một nơi ở vĩnh viễn trên trời ".

Ngày nay, loài người, con người và chúng ta được cứu độ khi nhìn lên thập giá của Chúa Kitô: " Khi nào Ta được nâng lên khỏi đất Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta " và " Nơi Người ơn cứu độ chứa chan ". Thập giá không phải là cái gì thảm bại, không phải là sự ê chề, không phải là sự bi thảm. Thập giá là một khải hoàn ca. Bởi vì trong sự vinh quang của Chúa Kitô, con người được thông dự vào sự sống mới, sự sống trường sinh. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống nơi người Con của Người là Đức Kitô và chỉ nơi cái chết trên thập giá của Đức Kitô con người mới có sự sống vĩnh cửu.


Thánh Công Đồng Vaticanô trong Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 39 đã viết: " Được hình thành bởi tội lỗi, và bóng tối của thế gian này sẽ qua đi. Khi chúng ta được dạy rằng Thiên Chúa đã sửa soạn cho chúng ta một nơi ở mới và một miền đất mới, nơi đó sự công bình sẽ ngự trị và tất cả những người được chúc phúc sẽ được nhận lời, điều đó vượt quá sự khao khát bình an của con người trên trái đất này ".


Thập giá là tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha trao ban cho nhân loại qua người Con Một Yêu Dấu của Ngài là Đức Kitô. Nhìn lên thập giá để nhận ra tình thương và tình yêu của một Con Người đã hiến mạng sống cho nhân loại tất cả vì yêu.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT (Nguồn vietcatholic.org)

1611    14-03-2012 08:54:38