Cuộc đời chúng ta vừa học cho vừa học nhận. Nhận để làm giầu và đồng thời cũng là nhận để cho. Nếu chỉ cho mà không nhận hẳn nguồn cho sẽ cạn dần, cuối cùng không còn bao nhiêu để cho. Vì thế cần phải vừa cho vừa nhận. Nói về của cải vật chất trần thế là thế. Tuy nhiên lí luận hợp lí này không đúng với tình yêu, tình thương và lòng mến con người dành cho nhau. Tình yêu, lòng mến, tình người, con người dành cho nhau không bao giờ cạn. Trái ngược hẳn với của cải vật chất trần thế. Trong tình yêu càng cho đi nhiều chừng nào thì nguồn tình yêu càng triển nở chừng đó. Nguồn tình yêu sung mãn đến độ không bao giờ cạn. Nguồn tình yêu khô cạn, héo hắt là nguồn tình yêu tích trữ. Càng tích trữ nguồn tình yêu càng khô cạn. Tựa như giếng nước trong. Một khi không múc nước, nước giếng vẫn không dâng cao hơn, vẫn không tràn đầy trái lại nước giếng trở nên hôi, bẩn, chứa nhiều vi khuẩn trở thành nước giếng tù hãm, ô nhiễm, độc hại. Trái lại nước giếng trong sáng nhờ có người múc nước hàng ngày. Múc cạn hôm sau nước lại tràn đầy. Cứ thế nước giếng đủ nước cung cấp cho cả làng. Mọi người được tươi mát nhờ nước giếng được múc cạn mỗi ngày.
Tình yêu tích trữ chính là tình yêu tù hãm, loại tình yêu ô nhiễm này độc hại vì nó chỉ biết yêu những gì thuộc về nó mà loại bỏ tình yêu không thuộc về nó. Loại bỏ tình yêu khác chỉ là bước đầu. Bước tiếp theo của loại bỏ chính là tàn phá, giết chết các tình yêu không thuộc về nó. Nguồn gốc của độc tài phát sinh, thúc đẩy bởi loại tình yêu loại bỏ. Những gì không thuộc về nó thì không thể tồn tại. Nếu tồn tại nó không sống yên ổn nên cần loại trừ, triệt tiêu. Nói cách khác tình yêu tích trữ là tình yêu ích kỉ. Bản tính ích kỉ là luôn lo thu quén, gom góp cho chính nó và yêu quí những gì thuộc về nó. Yêu chính nó trên hết mọi sự nên nguồn tình yêu nào không thoả mãn tính ích kỉ đều bị loại trừ.
Trong tình yêu, cho đi chính là làm cho tình yêu triển nở, làm giầu tình yêu bằng cách cho đi. Đây không phải là phí phạm mà chính là tạo cơ hội thuận tiện cho tình yêu nở hoa, kết trái. Hoa trái của tình yêu không thành tựu nơi người cho hay nguồn tình yêu xuất phát. Hoa trái tình yêu thành tựu nơi người lãnh nhận, nơi nguồn tình yêu được trao đến. Dâng hiến, cho đi làm giầu cho tình yêu, tạo cơ hội cho tình yêu đơm hoa, kết trái.Theo nghĩa này trao tặng tình yêu chính là cho sự sống, đổi mới, làm cho tốt hơn. Đây chính là ý nghĩa câu Kinh Thánh,
Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban cho Con Một Ngài, để những ai tin vào Người Con sẽ không phải chết nhưng nhận được sự sống trường sinh. Gioan 3,16.
Cho đi những gì dư thừa, không thích, dù vẫn còn tốt, vẫn mang lại lợi ích cho người nhưng có khác chi nhờ người dọn rác dùm. Cho như thế không phải là cho một cách chân thành. Cho đi điều mình yêu quí, ưa thích, ấp ủ thật lòng như thế mới thật sự là cho đi. Ngoài ra đều không phải là chân thành. Dâng hiến tình yêu một cách tự nguyện, không điều kiện ràng buộc, không mong đền đáp chính là mối tình Thiên Chúa trao tặng nhân loại. Vì trao tặng nên không ép buộc phải đón nhận. Ai đón nhận thì được hưởng hoa trái tình yêu Chúa ban, đó là sự sống mới, sự sống trường sinh. Ai từ chối đồng nghĩa với từ chối sự sống trường sinh. Bởi vì từ chối sự sống trường sinh đời sau nên người ta tranh nhau tìm kiếm sự sống tạm bợ đời này. Để được sống an nhàn người ta bắt người khác phục vụ họ. Để được sống hoan lạc người ta đi tìm lạc thú qua mọi thú vui trần thế. Để được phục vụ cần có người phục vụ và tất nhiên cần tiền chi tiêu cho người cung cấp dịch vụ. Tranh nhau vì tiền từ đó mà ra. Nguồn gốc chính là từ chối sự sống đời sau, sự sống trường sinh Chúa ban. Vì thế Kinh thánh ghi tiếp những ai từ chối đón nhận Con Một Thiên Chúa là tự mình chọn sự sống đời này để rồi chết trong tuyệt vọng. Nói cách khác là tự chọn cuộc sống ngắn ngủi đời này. Chọn sống trong sợ hãi, u sầu vì sợ thần chết đến bất tử.
Chọn tin Con Một Thiên Chúa hay chọn từ chối không tin cùng sống trong một xã hội, một thế giới nhưng có sự khác biệt. Kitô hữu tin vào Thiên Chúa nên học từ Thiên Chúa là cho đi để được nhận lãnh. Hành động bác ái, yêu thương chính là cho đi để tình yêu được đong đầy.
Lm Vũ đình Tường
HÃY NHÌN LÊN CON RẮN ĐỒNG
Ga 3, 14-21
Thường con người muốn dễ dãi hơn muốn khó khăn, muốn đi trên những con đường rộng thênh thang hơn đi trên những con đường hẹp, muốn bóng tối hơn là thích ánh sáng chói chan! Sống thỏa hiệp, sống buông thả để được những cái lợi, cái sung sướng trước mắt là thảm kịch sống của con người: " Ánh sáng đã đến thế gian, những người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa " ( Ga 3, 19 ). Cái nghịch lý của con người như thánh Phaolô nói: " Có những điều muốn làm tôi lại không, mà có những điều tôi không muốn làm tôi lại làm ".
Đường hẹp và vác thập giá thì ít ai muốn đi, muốn thực hiện.Con người thường thích bóng tối, thích đồng lão với tội lỗi vì tội lỗi thì buông thả, dễ dãi và đường rộng thênh thang.Theo Chúa, Ngài khuyên nhủ: " Vác thập giá mỗi ngày mà theo Ngài ".Lời mời gọi này của Chúa Giêsu quả thực không phải ai cũng hiểu được và không phải ai cũng ưa thích.Bởi vì, có ai thích cái khó bao giờ. Nhưng tin vào Chúa đòi hỏi phải kiên vững, đòi hỏi phải vươn lên mãi. Chúa là ánh sáng. Con người chỉ có thể tới với ánh sáng nếu họ biết từ bỏ, biết đẩy xa bóng tối là dính bén tội lỗi dù rằng tội đó là nhỏ nhặt, dù rằng đó chỉ là những tật xấu thường tình. Do đó, để tìm được ánh sáng, con người cần thay đổi cuộc sống, cần đổi mới để tin vào Chúa hơn. Con người không được chạy trốn ánh sáng như Ađam và Eva, như Cain sau khi đã giết em mình là Abêlê.Ánh sáng sẽ phơi bầy trần trụi con người mình để mình cảm thấy cần ơn Chúa, cần chính Chúa.
Chúa Giêsu đã bộc lộ cho nhân loại một con đường duy nhất: " Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời "( Ga 3, 16 ). Dân Do Thái khi xưa trong sa mạc kêu trách Chúa, nên họ bị rắn độc cắn chết. Môsê van nài Chúa và một con rắn được đúc bằng đồng được treo lên, ai nhìn lên con rắn đồng thì được cứu thoát. Ngày nay, chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là bằng chứng hùng hồn của tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu." Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu" ( Ga 15, 13 ). Ai tin tưởng nhìn lên thập giá với lòng yêu thương, khiêm nhường sẽ nhận được ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Thập giá là nơi qui tụ con người và là nơi tưới đổ hồng ân cứu rỗi xuống cho muôn dân. Thập giá là tột cùng của tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã từng nói: " Đức tin của con đã cứu chữa con " ( Mc 10, 52 ).
Chúa đã chết vì yêu thương và cứu độ chúng ta. Thập giá là cây tình thương, là quả phúc đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Do đó, chúng ta phải làm cho đức tin tỏa sáng, đức tin trong sáng. Đức tin mang lại niềm vui và nụ cười cho mọi người. Cuộc đời này quả có nhiều đau khổ nhưng so sánh với sự đau khổ của Chúa Giêsu thì đau khổ của chúng ta chưa thấm vào đâu. Chúng ta hãy làm cho những việc làm của chúng ta tỏa sáng để nhiều người nhận ra tình thương vô biên của Chúa. Bởi vì, chỉ nơi thập giá mới có ơn cứu độ.
Lạy Chúa ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết làm tỏa sáng đức tin của chúng con bằng những việc bác ái tốt đẹp.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
THẬP GIÁ - NGUỒN ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ
Ga 3, 14-21
Bầu khí căng thẳng do sự kiện Chúa Giêsu vào đền thờ đánh đuổi những kẻ "buôn thần bán thánh" ra khỏi nơi thờ phượng vẫn chưa dịu xuống. Trong khi người Dothái, nhất là mấy vị thủ lãnh và phe cánh bị Chúa Giêsu "sờ gáy" bực tức ra mặt, thì vẫn có vài người hiểu chuyện, đó là Nicôđêmô- thủ lãnh Pharisêu. Nhờ có ông- qua cuộc đối thoại với Chúa Giêsu, giúp chúng ta khám phá nhiều vấn đề thú vị.
Thánh Gioan mô tả việc ông Nicôđêmô đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm hẳn phải có lý do của nó. Thật sự thì sau lần gặp gỡ này, thánh sử còn cho ông Nicôđêmô xuất hiện một lần nữa, đó là vào lúc mai táng Chúa Giêsu. Ông cùng với ông Giôxép đem theo 100 cân mộc dược trộn với trầm hương để tẩm liệm xác Chúa (x. Ga 19, 39). Như thế, được gặp gỡ Chúa, Nicôđêmô đã biến đổi con người mình. Ông biến đổi từ chỗ đến gặp Chúa trong bóng tối vì sợ nghi kỵ bởi ông là thủ lãnh dân Dothái đến việc ông can đảm bước ra ánh sáng, sẵn sàng đi theo Chúa, dành cho Chúa những gì quý báu nhất trong ngày mai táng. Như thế, điều chúng ta khám phá ở đây là, Nicôđêmô đã nhìn ra điều mà lâu nay vẫn còn tiềm ẩn trong bóng tối đó là chính Chúa Kytô, Ánh sáng của thế gian đã đến. Và chính Người đã hy sinh chính mạng sống mình vì nhân loại.
Trong cuộc đối thoại đó, vấn đề "sinh lại bởi Ơn trên" được Nicôđêmô thắc mắc nhiều nhất. Mà thắc mắc cũng đúng thôi. Bởi theo ông, làm gì có chuyện người sinh ra rồi sau đó lại trở vào dạ mẹ lần thứ hai? Và để trả lời cho vấn nạn này, Chúa Giêsu đã giúp ông cũng như cho mỗi người chúng ta tìm ra câu trả lời.
Trước hết hình ảnh con rắn đồng được Chúa Giêsu nhắc đến xảy ra vào thời xuất hành của dân Dothái. Chúng ta biết, trong hành trình về Đất hứa, dân Chúa phải trải qua 40 năm trường trong hoang địa, thiếu thốn đủ bề. Chính vì thế, dân Dothái đã mất kiên nhẫn, thiếu niềm tin vào Thiên Chúa. Họ trở mặt quay lưng lại với Thiên Chúa. Họ trách mắng Thiên Chúa và ông Môsê tại sao lại đưa họ ra khỏi Aicập, để họ chết trong sa mạc, không thức ăn, không đồ uống,... (x. Ds 21, 4-9). Chính vì thế, Thiên Chúa đã cho đại dịch rắn lan tràn vào trong vùng có con cái Israel trú ngụ, cắn chết nhiều người. Dân hối hận, kêu cầu Môsê để ông cầu khẩn Thiên Chúa. Theo ý Chúa, ông Môsê treo một con rắn đồng lên cao, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng với lòng tin sẽ được thoát chết. Sách Khôn ngoan đã giải thích về hiện tượng này nhằm tránh cho dân một lối nhìn ma thuật : "Việc ai nhìn lên thì được cứu không phải do vật được nhìn, mà là do Chúa, Đấng cứu độ của mọi người" (x. Kn 16,7).
Chúa Giêsu liên kết hình ảnh con rắn đồng bị treo lên với chính hình ảnh của mình. Thật vậy, Chúa Giêsu cũng phải chịu treo lên cây thập giá để lôi kéo toàn thể nhân loại lên cùng Chúa và nhất là để ai nhìn lên hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh với niềm tin thì sẽ được "sự sống đời đời".
Như thế, mầu nhiệm Thập giá chính là tình yêu "điên rồ" nhất mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Tình yêu "điên rồ" này đã được Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô, đó chính là ý định cứu độ của Thiên Chúa khi sai chính Con Một của mình đến thế gian. Người Con đến không phải để lên án nhưng để nhờ đó thế gian được cứu độ qua chính cái chết trên thập giá của mình. Chính vì thế, điều quan trọng để được cứu độ chính là tin vào danh Con Một của Thiên Chúa.Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn mạc khải cho Nicôđênô biết chính Người là Ánh sáng thật của Thiên Chúa. Ánh sáng đó giờ đây đã đến thế gian. Việc chọn lựa ánh sáng hay bóng tối mà cụ thể là chọn điều lành hay làm điều xấu, chọn Chúa hay chọn ác thần, tất cả đều do con người tự do quyết định.
Tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đã được tỏ bày qua Đức Giêsu Con Một của Người và mời gọi con người đáp trả bằng tự do chứ không ép buộc. Sự đáp trả đó được minh chứng bởi cuộc xét xử đang được thực hiện. Trong cuộc xét xử đó, hoặc con người khước từ Thiên Chúa, đóng cửa không đón tiếp, mù quáng không muốn nhận Ánh sáng, chìm đắm trong tối tăm và bị luận phạt; Hoặc cởi mở đón nhận Ánh sáng, đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa thì phải thay đổi cuộc sống để bước theo đường lối của Thiên Chúa. Có như thế, con người mới trở thành "dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa" cho trần gian này.
Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta nhận chân giá trị đích thực của thập giá mà Chúa Giêsu đã dùng để cứu rỗi nhân loại. Chúa Kytô chính là Ánh sáng và Thập giá của Người chính là nguồn ơn cứu độ, là vinh quang, là tình yêu tự hiến của chúng ta. Ước gì cây Thập giá -nguồn Ánh sáng cứu độ trần gian, được mỗi người chúng ta không ngừng tuyên xưng và loan truyền cho thế giới này.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI
Ga 3, 14-21
Những ngày này quanh quẫn bên người mẹ đang thoi thóp thở những làn hơi cuối ở quê nhà, thỉnh thoảng mẹ lại thều thào nói đang đến được một vùng tràn đầy ánh sáng có rất nhiều thiên thần bay lượn vây quanh. Rồi khi cắn chặt răng quằn quại với cơn đau điến người thịt xác, mẹ mê sảng la lên qủy ma đang chực chờ ẩn hiện đưa mẹ đến một nơi xa thật xa vô cùng tăm tối.
Tìm đọc một vài tin tức địa phương để 'thư giản' vãn thời gian, điều đầu tiên đập ngay vào mắt là chuyện dài... cúp điện! Người dân ở đây cơ hồ như quen với lúc tối lúc sáng lúc có lúc không đã từ lâu nên chẳng mấy ai thở than. Mà giả như có muốn thì cũng chẳng biết nơi đâu mà trút tiếng thở dài!!!
Có ai đó nói rằng bất hạnh của người này là hạnh phúc của người kia. Điều này thật vô cùng đúng mỗi khi điện cúp vì đây là cơ hội bằng vàng cho những tay đạo chích. Thời tiết oi bức khó chịu nên sau một ngày dài làm việc khi vừa bước vào nhà mà điện đóm lại không có, việc đầu tiên là mở tung mọi cửa sổ rồi tắm một cái cho đã đời. Bọn trộm chuyên nghiệp chỉ chờ có thế! Dùng những cần dài với móc câu trét đầy 'keo dính chuột' cực mạnh, chúng câu bất cứ cái gì mà khổ chủ vô ý bỏ quên!
Đau đớn hơn, họ còn là nạn nhân của những tên trộm ngày thời đại -những cái gọi là 'đầy tớ nhân dân': đám quan lại tham ô hủ hóa dùng đủ mọi thủ đoạn tinh vi đến man rợ rợn người đục khoét công qủy nhởn nhơ vênh vang sống ung thối trên mồ hôi nước mắt của chính đồng bào máu thịt -những người dân tội nghiệp ba miền hiền lành khốn khổ ngụp lặn miệt mài lây lất sống cháo buổi mai khoai buổi chiều. Ngày cũng như đêm! Bóng tối đương nhiên đồng nghĩa với xấu xa nhưng ngay cả ánh sáng cũng đã chưa dọi chiếu hết bình minh công chính cho phần đất quá cơ khổ này. Lo toan đè nén ban ngày rồi trăn trở sợ sệt lo âu khi hoàng hôn vừa buông xuống. Thương ôi! "Người chết hai lần..."
Khi xã hội chỉ biết đắm chìm vào việc phát triển kinh tế và con người chỉ mãi lặn lội giữa những sóng đời vật chất, tình nhân loại và nghĩa đồng bào đã không còn nữa. Và khi mọi trọng tâm chỉ chuyên chú vào chỉ tiêu báo cáo, khi giá trị con người chỉ được nhìn qua lăng kính thành tích thi công, tôn giáo và luân lý khó có thể nẩy hạt gieo mầm. Như Dorothy Thompson viết: "Khi Thiên Chúa ra đi, tất cả sẽ ra đi." Hoặc như George Washington phát biểu trong bài diễn văn từ biệt: "Luân lý sẽ chẳng có thể trường tồn nếu không có đức tin và tôn giáo."
Thiên Chúa không thể ra đi khi mỗi chúng ta luôn tin vào Con Một Chúa. Nhưng tin vào Con Một Chúa không phải giản đơn chỉ tin những gì đã xảy ra bên này và bên kia bờ sông Babylon hơn hai ngàn năm trước rồi lãng quên hoặc sống cùng sống với thực tế chung quanh. Tin vào Con Một Chúa là phải sống như Con Một Chúa.
Sống như Con Một Chúa là phải luôn "yêu sự sáng" và "đến cùng sự sáng" bằng "hành động trong sự thật". Ở đây, sự thật đã thật khó tìm mỗi khi hoàng hôn xuống. Và cũng chẳng dễ tìm khi bình minh vừa ửng hiện chân trời. Tự dưng muốn ngồi bên một bờ sông vắng, treo cây đàn, khóc thương về một chốn củ nơi xưa!
Lm Nguyễn Khoa Toàn
THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG THẾ GIAN
Ga 3, 14-21
Chúa nhật thứ tư mùa chay càng giúp ta đi vào mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Tuần trước thánh Gioan đã giới thiệu dung mạo của Chúa Giêsu qua việc Ngài loan báo với dân Do Thái và qua các môn đệ Ngài về sự chết, phục sinh của Ngài. Tiếp nối tư tưởng đó, các bài đọc sáng nay nhắm đưa ta vào con người thực tế của Chúa Giêsu và nhất là dẫn dân Chúa tới mầu nhiệm của lòng tin: Đức Kitô chết, sống lại.
1. Tìm hiểu ý nghĩa của Chúa nhật này ?
2. Và tìm chủ đích của vai trò sống đạo của ta là mục đích của Chúa nhật 4 mùa chay nhắm tới.
I. Ý NGHĨA CỦA CHÚA NHẬT THỨ TƯ MÙA CHAY:
Đoạn Tin Mừng của thánh sử Gioan 3, 14-21 thật rõ nét. Nó có chủ đích diễn tả đầy đủ ý nghĩa việc Chúa Giêsu chết và phục sinh. Xưa trong sa mạc, Môsê mỗi lần giơ cao con rắn đồng lên là dân được cứu thoát. Ai nhìn lên rắn đồng sẽ không bị rắn khác cắn chết, hủy diệt. Hình bóng của con rắn đồng trong sa mạc là tiên trưng cho việc Chúa Giêsu sẽ bị nhân loại treo lên trên thập giá vì tội lỗi của họ. Việc Chúa chấp nhận ý định của cha Ngài, chết treo trên thập giá, nhằm gỡ nhân loại khỏi tật nguyền thân xác và linh hồn. Tâm hồn con người đang bị chìm ngập trong vũng lầy của tội lỗi. Nay sẽ được giải thoát khỏi ách thống trị của tội nhờ vào một con người: Ađam mới là Đức Giêsu Kitô. Quả thực,gian trần này luôn bị chìm ngập trong tội lỗi của mình và của tổ tiên mình phản bội Chúa. Nhưng Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài xuống gian trần để giải thoát mọi người khỏi sự áp bức, ức chế của lề luật, của tội lỗi. Chúa Giêsu là ánh sáng. Sự sáng luôn chiếu dọi cho nhân loại. Nhờ ánh sáng ấy, con người sẽ tìm thấy chân lý, tìm thấy sự thật và tìm thấy chính mình. Đức Giêsu Kitô đến nhân loại, kêu gọi mọi người, ban ơn cứu độ cho mọi người và điều cốt yếu, Ngài muốn mời gọi tất cả mọi người sống trong tình thương của Ngài. Ơn cứu độ không dành riêng cho một người nào, một dân tộc nào. Ơn cứu độ đến với mọi người và muốn cho mọi người được giải thoát. Đức Giêsu Kitô là Sự Thật, là Đường, là Ánh Sáng. Ngài không muốn ai bị hư mất nhưng muốn ban sự sống đời đời cho mọi người biết tin vào sự sống và sự chết của Ngài.
Như vậy, đoạn Tin Mừng của thánh Gioan soi chiếu rõ nét cho hai bài sách thánh cựu ước và tân ước. Bài sách ký sự cho thấy sự thịnh nộ và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúa thịnh nộ vì sự bất trung của toàn thể dân chúng từ đầu mục, tư tế cho đến thứ dân. Mọi người đã làm cho đền thờ Chúa trở nên dơ uế vì lòng lì lợm và sự bắt chước thói hư, nết xấu của ngoại bang: thờ ngẫu tượng, bất trung với lề luật, với chính Giavê Thiên Chúa. Thiên Chúa đã phá hủy đền thờ Giêrusalem qua tay đế quốc Roma và dân còn sót lại đều bị lưu đầy qua Babylon. Tuy vậy, Thiên Chúa cũng đã giải thoát họ để ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia dùng lời nói của vua Ba Tư tên Cyrô: "Ai thuộc về Chúa, phó thác và gắn bó với Ngài sẽ được Thiên Chúa chúc phúc, ở với họ và gìn giữ họ". Họ sẽ tiến về Giêrusalem huy hoàng. Thánh Phaolô lại làm sáng tỏ ý định cứu rỗi của Chúa Giêsu qua đoạn thơ Ephêsô 2,4-10. Theo thánh Phaolô, Thiên Chúa giầu lòng thương xót đã cứu chuộc dân Ngài qua chính sự chết và sự phục sinh của Ngài. Mặc dầu ta tội lỗi đáng chết, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương, giải thoát ta bằng chính con người của Ngài để ta được sống với Ngài nhờ đức tin và ân sủng của Ngài, tiến về Giêrusalem mới là Thiên Đàng, là tình thương của Thiên Chúa. Ngay trong bài nhập lễ, ngôn sứ Isaia đã cất cao lên bài ca vui mừng của dân Do Thái tiến về Giêrusalem. Ta cũng hãy vui mừng bước tới Giêrusalem thiêng liêng, là Nhà Chúa, là thành lũy hạnh phúc. Như thế, giữa cảnh ăn chay kham khổ, bổn đạo xưa hướng lòng lên chiêm ngắm hạnh phúc Thiên Đàng, để thêm sức mạnh bước tới cùng.
II. VAI TRÒ SỐNG ĐẠO:
Trong mùa chay thánh Giáo Hội kêu gọi mọi người:" Sám hối và tin vào Tin Mừng". Sám hối là quay trở về với chính mình, biết mình để sửa đổi những khuyết điểm và nâng cao, phát huy những ưu điểm, những tinh túy của mình. Phải biết mình mới mong sửa chữa, mới mong tiến bộ và tiến vững chắc được. Ai đã sinh ra trên trần gian này, đều vướng mắc tội do Ađam nguyên tổ để lại. Tội ấy đã được nước rửa tội tẩy xóa. Tuy nhiên, đời sống hằng ngày ta có nhiều khiếm khuyết, đều có nhiều tội lỗi do xác thịt yếu hèn của ta gây nên. Biết chấp nhận là yếu hèn, là số không, là tội lỗi, cần có nhiều ân huệ của Chúa, sẽ được Thiên Chúa gia ân giáng phúc. Đọc lại đoạn phúc âm của thánh Luca 18, 9-14, ta sẽ thấy vai trò khiêm nhượng của người thu thuế sẽ được Chúa thương xót như thế nào ? Người thu thuế đứng xa xa, đấm ngực mà nguyện rằng:" Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội"( Lc 18, 13 ). Lời đơn sơ, khiêm tốn, xưng thú sự yếu hèn của mình sẽ được Thiên Chúa thứ tha và ban ơn cứu độ. Trái lại, người tưởng mình thánh thiện, ngoan đạo trước mặt Thiên Chúa như trong đoạn Tin Mừng Luca 18, 9-14 không được Thiên Chúa chấp nhận vì sự tự tôn, tự đại, tự kiêu căng, khoe khoang về lòng đạo đức của mình. Thái độ tin nhận và khiêm tốn là thước đo lòng đạo đức của ta. Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống"( Ga 8, 12b ). Đi trong sự sáng là tránh xa mọi tội lỗi, là nhìn nhận sự yếu hèn, khiếm khuyết của ta và nhờ vào ánh sáng nhân từ của Chúa tế độ cho ta. Giáo Hội trong những ngày này khuyên nhủ con cái của mình sống cố gắng, hy sinh, sớm quay trở về với Chúa qua việc biết mình, để rồi thông cảm với sự yếu hèn của kẻ khác. Sự tuyên xưng Đức Giêsu Kitô chết và sống lại, cứu chuộc nhân loại sẽ đạt được nước trời. Vương quốc ấy là vương quốc ánh sáng, vương quốc chân thật và bình an. Ta hãy phó thác thật sự vào lòng nhân từ của Chúa và cất cao lời ca với tác giả thánh vịnh 22:" Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi".
Lòng từ bi của Thiên Chúa quả thật lớn lao. Ngài đã hy sinh mạng sống Ngài trên thập giá để cứu chuộc mọi người. Thiên Chúa sai Đức Giêsu Kitô đến trần gian cho mọi người, không dành riêng cho dân Do Thái mà Ngài muốn kết tụ mọi người có lòng tin như ngôn sứ Isaia đã hát lên: " Hỡi Giêrusalem, hãy hân hoan, và hỡi tất cả các ngươi là những kẻ yêu quí thành ấy, hãy tụ họp lại; hỡi các ngươi là những kẻ ưu phiền, hãy hân hoan vui mừng, để các ngươi nhảy mừng và hưởng no đầy nguồn an ủi các ngươi".
Đi vào thánh lễ sáng nay, chúng ta hãy hát to lời ngợi ca vì muôn ơn lành Chúa đã đổ xuống trên ta, để ta được sống bình an. Xin Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse mà chúng ta dành riêng trọn tháng này để kính Ngài, ban cho ta sự công chính, lòng trung thành và đức khiêm nhượng như Ngài hầu ta sống mỗi ngày một gắn bó hơn với niềm tin mà ta đã lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Bất cứ ai đã đọc sách Xuất Hành trong Cựu Ước, kể lại cuộc hành trình về đất hứa của dân Do thái, đều nhớ câu truyện con rắn đồng. Đó là khi gần đến đất hứa, dân Do thái lại kêu trách Chúa và trách ông Mô-sê. Chúa liền cho rắn bò ra khắp nơi cắn chết nhiều người. Thấy vậy, dân chúng lại ăn năn hối hận, chạy đến kêu ông Mô-sê cứu giúp. Ông Mô-sê cầu xin Chúa. Chúa bảo ông hãy làm một con rắn bằng đồng treo lên cao, để hễ ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên rắn đồng thì được khỏi. Rắn đồng đó, như bài Tin Mừng kể lại, Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để chỉ về Ngài : cũng như xưa, rắn đồng bị treo lên, Ngài cũng phải bị treo lên như vậy. Và cũng thế, rắn đồng chữa cho bất cứ ai nhìn lên nó, thì Chúa cũng chữa bất cứ ai tin cậy ở Ngài. Vì thế, sau khi dùng hình ảnh để so sánh, Chúa quả quyết : "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời".
Quả thật, thập giá của Chúa đem lại sự sống đích thực, sự sống đời đời cho những ai tin tưởng, cậy trông vào Chúa. Bằng chứng cụ thể để bảo đảm điều này là người trộm lành trong Tin Mừng : khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá trên núi Sọ, thì có hai phạm nhân khác là hai tên trộm cướp, cũng bị đóng đinh như thế ở hai bên Chúa : Đít-ma bên phải và Ghét-ta bên trái. Khi ba thập giá được dựng lên, treo ba thân xác chơ vơ giữa nền trời, người ta nghe tiếng tên trộm Ghét-ta chửa bới, nguyền rủa, nói những lời xúc phạm và đòi xuống khỏi thập giá. Trái lại, tên trộm Đít-ma, như được ánh sáng từ thập giá ở giữa chiếu soi, anh buồn rầu, hối hận tội lỗi tầy trời của mình và quay sang Chúa Giêsu, anh tha thiết thưa : "Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của Ông, xin nhớ đến tôi". Trước lời khẩn nài đầy tin tưởng ấy, Chúa nói : "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng".
Trước khi thưa với Chúa Giêsu như trên, người trộm này đã nhìn nhận tội lỗi của mình khi anh đối chất với người bạn tù cùng bị đóng đinh với anh. Anh nói : "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm". Như vậy, dầu sao trong tâm hồn người đạo chích này cũng đã dậy lên những tâm tình thống hối nồng nàn. Dĩ vãng của anh thật tồi tệ, có lẽ tệ hơn cả Ba-ra-ba, vì Ba-ra-ba thì được tha, còn anh lại bị đóng đinh. Đời anh xấu xa quá. Anh biết và thành thật cảm nhận điều đó; đồng thời anh cũng tin nhận Đấng cùng chịu án với anh thật vô tội và qua cung cách của Ngài, anh tin phải là Đấng Thánh. Nên chỉ một tia sáng từ thập giá Chúa chiếu ra đã làm rực sáng đức tin của anh. Anh đã thấy thập giá, anh đã tin vào giá trị của thập giá, và biết Đấng bị đóng đinh là ai, nên anh mới xin Ngài nhớ đến anh khi Ngài về nơi vương quốc của Ngài.
Như vậy, trên núi Sọ, đám đông dân chúng đòi Chúa xuống khỏi thập giá, thì người trộm lại đòi được đưa lên. Quần chúng cầu mong Chúa thuyết giảng một thứ tôn giáo không thập giá, còn người trộm lại tìm được niềm tin khi bị treo trên thập giá. Phải chăng sự hối cải của người trộm là chìa khóa, là gương mẫu cho sự hối cải của chúng ta ngày nay ?
Kể từ khi thập hình của người Rô ma được áp đặt cho Chúa Giêsu, thì thập giá đã trở thành Thánh giá và bóng Thánh giá của Ngài đã bao trùm cả trái đất. Không ai có thể đứng ngoài bóng mát của Thánh giá. Không ai có thể ở ngoài vòng lôi kéo của Chúa Giêsu. Không bao giờ con người có thể loại bỏ Chúa ra khỏi lịch sử của mình nữa.
Thánh giá không chỉ được dựng lên trên nóc nhà thờ, trong cung thánh hay trong nhà của người tín hữu mà còn phải được tôn vinh giữa phố chợ, ở khắp mọi nơi. Chúa Giêsu đã không bị đóng đinh trong một thánh đường, giữa hai hàng nến cháy, nhưng trên thập giá giữa hai người trộm cướp. Ngài đã bị treo lên giữa ngã ba đường để cho mọi người qua lại đều nhìn thấy. Ngài đã chết trước sự chứng kiến của mọi người. Ngài đã chết cho mọi người. Ngài đã chết cho từng người trong nhân loại. Ngài đã chết nhân danh chúng ta để chúng ta được qui tụ vào gia đình con cái của Thiên Chúa.
Khi chiêm ngắm thập giá của Đấng Phục Sinh, chúng ta không ngừng nghe vang dội từ thập giá ấy lời nhắc nhở về một tình yêu thương cao cả dành cho tất cả chúng ta, cũng như nhắc nhở về những tội lỗi chúng ta đã phạm để thúc giục chúng ta ăn năn sám hối. Do đó, sự hối cải của người trộm lành là gương mẫu cho sự hối cải của chúng ta.
Đúng thế, ở trần gian chỉ có một điều xấu xa hơn tội lỗi, đó là không nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình. Không có bệnh, chẳng ai tìm đến bác sĩ. Cũng vậy, không nhận mình tội lỗi, chẳng ai đi tìm Chúa Cứu Thế. Chỉ khi nào cho mình là dại dột hay chỉ khi nào bắt đầu công nhận mình là người tội lỗi, đó là lúc khởi sự bước vào con đường của người trộm lành đưa đến hối cải. Biết mình tội lỗi, đó là điều kiện để hối cải, cũng như biết mình bệnh hoạn là điều kiện để chữa trị.
Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy đến với Chúa và hạ mình xuống như người trộm lành, nhìn nhận mình là người tội lỗi và tin tưởng vào lòng khoan dung của Chúa, thì kể cả trong tình trạng xấu xa nhất, chúng ta vẫn được Chúa thương yêu tha thứ.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP (Nguồn vietcatholic.org)
1176 14-03-2012 08:51:29