Bước vào thánh đường tham dự Thánh lễ hôm nay, chắc quý ông bà anh chị em hơi ngạc nhiên, vì ngay giữa Mùa Chay, mà bàn thờ lại có những bình hoa tươi, xinh xắn, còn Linh mục lại mặc lễ phục màu hồng. Tất cả như làm rộn lên trong từng người chúng ta một niềm vui. Vâng, đó là niềm vui của những con người nhận được một sự sống mới. Sự sống nhờ tin vào Đức Kitô. Và cũng thật lạ thường, "sự sống" ấy lại được Đức Kitô ban cho con người bằng "cái chết " trên thập giá của mình. Bởi vì, theo thánh Gioan, giờ Đức Giêsu chịu khổ nạn là lúc Ngài được "giương cao" , được tôn vinh. Thập giá không còn là dụng cụ của sự chết, nhưng trở thành Thánh giá biểu dương của sự sống, là ngai của Vua -Kitô đăng quang (Ga 3, 14; 8, 28; 12, 32).
Như thế, lời Chúa hôm nay là một câu trả lời tròn đầy cho thắc mắc: " Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" của các tông đồ khi các ông từ trên núi xuống sau sự kiện biến hình, trong Chúa Nhật 2 Mùa Chay; và đây cũng là lúc kiện toàn ý nghĩa cho lời tiên báo của Đức Kitô: "Phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại", mà chúng ta vừa nghe trong Chúa Nhật 3 Mùa Chay vừa qua.
Vì thế, trong giờ này, tôi muốn chia sẻ cùng quý ông bà anh chị em một vài suy nghĩ về niềm vui ơn cứu độ mà chúng ta đã nhận được nhờ ân sủng của Đức Kitô. Ngõ hầu, khơi lên trong từng người chúng ta một niềm tin và hy vọng vững chắc vào Đức Giêsu Kitô, Cứu Chúa của chúng ta.
1. Niềm vui được giải thoát:
Trước hết đó là niềm vui được giải thoát từ nơi lưu đày trở về của dân Chúa mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một. Sau biến cố lưu đày, tác giả sách Ký sự đã nhìn lại suốt dọc dài lịch sử của dân Chúa để tìm ra nguyên nhân khiến dân tộc bị lưu đày và tìm cách làm cho dân Israel thực sự xứng đáng là một dân của lời hứa.
Khi nhìn lại cuộc sống của dân Israel, tác giả cho thấy rằng: " Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa...". Nghĩa là, họ đã không trung thành với giao ước mà cha ông họ đã ký kết với Thiên Chúa. Họ đã chạy theo cách sống dễ dãi của các dân ngoại xung quanh, phản bội Thiên Chúa, sống bất công với anh em. Không những thế, họ còn "nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa và nhạo báng các tiên tri ". Sống như thế, hình phạt lưu đày là điều không thể tránh khỏi. Ông kết luận: "Sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người và vô phương cứu chữa". Bị lưu đày, dân Chúa phải rời xa quê cha đất tổ, không còn được sống nơi miền đất Hứa. Cả dân tộc phải sống tha phương, cầu thực nơi đất khách quê người. Như thế, họ tuy còn sống, nhưng khác gì đã chết, mà không phải một người nhưng là cả một dân tộc, bởi vì, đất nước họ đã bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Đây là giai đoạn đau buồn và tủi hổ nhất của dân Do thái như lời diễn tả của tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca: "Trên bờ sông Babilon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ lại thành thánh Sion".
Có cảm nhận được nỗi buồn đó của dân tộc Do thái, chúng ta mới thấy được niềm vui to lớn của họ khi nhận được chiếu chỉ hồi hương của hoàng đế Cyrus, vua Batư: " Đây hoàng đế Cyrus, vua xứ Batư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất,...Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên". Không vui sao được, vì với chiếu chỉ này, họ sắp được hồi hương trở về Thánh Địa. Họ lại được lên Giêrusalem để thờ phượng Thiên Chúa. Miệng họ lại được hát những khúc ca mừng trong những ngày lễ: "Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: "Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa! "Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân. Giêrusalem khác nào đô thị, được xây nên một khối vẹn toàn." (Tv 122, 1-3).
Thế nhưng, niềm vui này vẫn chưa được trọn vẹn, vì sau đó, họ vẫn còn tiếp tục chịu đô hộ bởi các đế quốc như Hy lạp, La mã. Do đó, từ trong tâm khảm, họ vẫn chờ đợi Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa.
2. Niềm vui của những kẻ tin:
Nỗi chờ mong của dân Do thái nay đã trở thành hiện thực với sự xuất hiện của Con Thiên Chúa. Chính Ngài là Đấng đem đến cho họ một sự giải thoát toàn diện, giải thoát khỏi tội lỗi, ban cho họ một sự sống mới, sự sống đời đời như lời Ngài nói với Nicôđêmô mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng: " Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời". Tuy nhiên, để thực sự nhận được sự sống này, chúng ta cần phải tin vào Đức Giêsu như lời Ngài tuyên bố: "Tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời". Tin vào Đức Giêsu, nghĩa là, luôn hướng nhìn vào Đức Giêsu và dám phó thác trọn vẹn cuộc đời chúng ta trong tay Ngài, để Ngài dẫn chúng ta đi. Tới đây, có lẽ chúng ta nhớ tới hình ảnh của Phêrô đi trên mặt nước. Khi ông tin và nhìn thẳng vào Đức Giêsu, ông đi được trên mặt nước, nhưng khi ông nhìn xuống, ông liền bị chìm (x. Mt 14, 28-31).
Niềm vui này trong chúng ta sẽ còn lớn lao hơn nữa, nếu chúng ta ý thức rằng sự giải thoát này không phải do công trạng của chúng ta, nhưng là do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô đã nói với các tín hữu thành Êphêsô: " Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Điều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ".
Giờ đây, để thực sự xứng đáng đón nhận ơn cứu độ do cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, mỗi người chúng ta hãy can đảm dứt khoát nói không với những thói hư, tật xấu. Tới đây, tôi lại nhớ tới bài vè mà các em thiếu nhi vẫn đọc:
Một không hút chích xì ke,
Hai không nhậu nhẹt, rượu chè bê tha.
Ba không học thói trăng hoa,
quan hệ bất chính, Sida có ngày.
Bốn không bài bạc tối ngày,
chơi đề cá độ cửa nhà tan hoang.
Năm không thích mốt, đua đòi,
nay quần mai áo, nợ đòi tứ tung.
Sáu không lên mặt "yêng hùng",
đua xe bạt mạng như khùng như điên
Và với các em thiếu nhi, thì các em cũng cần nói không với các thói xấu như:
Bảy không nói dối đặt điều,
ba hoa chảnh choẹ sớm chiều bạn xa.
Tám không trốn học bỏ nhà,
đi bờ đi bụi quen đà hư thân.
Chín không kết nhóm nhập băng,
phá làng phá xóm họ hàng khinh chê.
Mười không nói tục chưởi thề,
đùa cợt bất nhã, bạn bè tránh xa.
Không những nói không với thói hư tật xấu, mỗi người chúng ta còn phải sống như con cái của sự sáng, nghĩa là luôn sống chân thật trong suy nghĩ, lời nói cũng như hành động, như lời dạy của Đức Giêsu: " Ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa". Nếu tất cả chúng ta sống được như vậy, chúng ta chắc chắn sẽ "đựơc đồng ngự trị trên nước trời trong Đức Giêsu Kitô", và lúc đó niềm vui của chúng ta sẽ sung mãn và không bao giờ mất. Amen.
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
CHÚA NHẬT THỨ TƯ MÙA CHAY
Ga 3:14-21
Chân lý gây xúc động sâu xa nhất mà Giáo Hội hằng rao giảng là chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương từ trước muôn đời. Kitô giáo được xây dựng trên một niềm xác tín vững chắc rằng tình yêu Thiên Chúa đã hạ cố đến thế giới đau khổ bệnh tật này qua con người Đức Kitô. Đối với mọi tín hữu, đây là lời cốt tủy của Tin Mừng. Không có đoạn văn nào trong Kinh thánh nói rõ điều này hơn là lời Đức Chúa Giêsu nói với ông cụ Nicôđêmô: "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một mình, ngõ hầu những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng sẽ được sự sống vinh cửu."
Tình yêu chúng ta đối với tha nhân không phát xuất từ đâu khác hơn là tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian này bao la bát ngát đến nỗi Ngài hiến tặng mạng sống mình cho tất cả, chẳng loại trừ ai... Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta cứ như là không còn ai khác để cho Ngài yêu thương. Ngài như người cha luôn mong muốn cùng gia đình đồng hành suốt cuộc đời, và không thể an lòng cho đến khi con cái đi đây đi đó ai nấy đều an toàn trở về mái ấm gia đình.
Chính khi nhìn vào thập tự giá, chứng kiến hình ảnh Đức Kitô chịu khổ hình treo trên thập giá, thấm đẫm bao nhiêu là quyền lực của sự dữ nơi tội lỗi, chúng ta mới bắt đầu nhận ra tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta cao cả biết bao. Tất cả mọi độc ác hận thù ghen ghét bất công của cuộc đời đều đổ dồn vào cây khổ giá, sừng sững giữa trời và đất, trên ngọn đồi Canvê. Một trong những chi tiết đầy ngỡ ngàng nhất về cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu chính là Thập giá nay trở nên bằng chứng tột cùng cho tình yêu Thiên Chúa. Thập giá sừng sững trên đồi cao, xưa kia là dấu chỉ của tủi nhục, nay trở nên chiếc cầu ân sủng thần kỳ có sức chữa lành cả thế giới. Cây chết chóc nay trở nên cây sự sống, cây thất bại nay trở thành cây chiến thắng.
Bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết dân Do Thái đã bất tuân lề luật và phụ bạc tình yêu của Thiên Chúa như thế nào. Họ đã phá vỡ giao ước và kéo theo sự sụp đổ hoang tàn của đền thờ và thành thánh. Nhiều ngôn sứ đã lên tiếng kêu gọi thống hối và sửa đổi cách sống, nhưng vẫn hoài công, chẳng ai màng tới. Chưa hết, ngay trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc lưu đầy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Ngài nhưng tiếp tục kêu gọi họ quay về với lề luật, với Thiên Chúa. Lịch sử dân Do thái thật là một kho lưu trữ nhắc nhở cho chúng ta hay biết những gì sẽ xảy ra mỗi khi chúng ta phủ phàng từ chối tình yêu Thiên Chúa. Lịch sử ấy cũng đem lại cho chúng ta niềm an ủi rằng chúng ta cũng phải đối diện với việc chọn lựa đón nhận hay từ chối lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta đã tự đặt mình vào một tình thế nguy hiểm là sống chia lìa với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn kính trọng tự do cá nhân của chúng ta và sẽ không áp đặt ép uổng tình yêu của Ngài, đi ngược với những ước vọng chúng ta. Chúng ta có thể từ chối lòng thương yêu cũng như quà tặng tình nghĩa của Chúa. Chúng ta có thể quay lưng với tình yêu của Thiên Chúa mà ôm lấy bóng tối của tội lỗi và tự mình vĩnh viễn tách xa khỏi Ngài.
Hôm nay chúng ta đã đi được nửa con đường mùa Chay. Đây là lúc chúng ta duyệt xét lại những dốc lòng hồi đầu mùa Chay, và tự hỏi cuộc sống chúng ta đã hân hoan đáp lại tình yêu Thiên Chúa chưa? Tình yêu của Ngài có tìm được cách diễn tả qua nếp sống chúng ta chưa? Chúng ta đang làm gì để mang tình yêu của Ngài vào cuộc đời của bạn bè chúng ta? Mùa Chay là một lời mời gọi chúng ta bước ra khỏi nơi tối tăm của tội lỗi mà bước vào ánh sáng kỳ diệu của Đức Kitô.
Lm. Nguyễn Văn Phan, CSsR.
LÒNG NHÂN TỪ VÔ BIÊN CỦA CHÚA
Ga 3:14-21
Đọc Thánh Kinh Cựu Ước, người ta có cảm tưởng Thiên Chúa có vẻ dữ tợn, hay báo thù và trách phạt. Chẳng hạn khi dân chúng trở mặt chống lại Người, Chúa cho nước lụt tràn ngập đất đai, ruộng vườn của họ. Khi họ không tuân giữ giới răn Chúa, Người cho hạn hán thiêu hủy mùa gặt, và những sản phẩm ruộng vườn của họ. Khi dân Chúa bất trung phản nghịch cùng Người, Chúa gửi dịch tả đến miền đất của họ. Khi họ toan bỏ Chúa đi thờ các thần ngoại lai, Chúa ra tay sát phạt họ, và dùng dân ngoại thi hành hình phạt của Chúa.
Tuy nhiên vừa khi họ bị sát phạt, thì các tiên tri của Chúa liền xuống giọng. Các tiên tri bảo họ: đó là hình phạt của Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu. Vừa khi dân chúng thay đổi cách sống và ăn năn hối tội, thì họ lại được tha thứ và đưa về đất hứa. Bài trích sách Biên Niên quyển hai hôm nay là một ví dụ điển hình về lòng xót thương của Chúa. Bài Sách này được viết vào khoảng ba trăm năm trước Chúa giáng sinh, khi tác giả đã có thể nhìn về lịch sử quá vãng, mà dân chúng chồng chất bất trung này lên bất trung khác. Từ lần nọ qua lần kia, họ mần ngơ trước sự hiện diện của các sứ giả của Chúa. Và họ còn bách hại các tiên và các tổ phụ của Người.
Cho tới lúc mà Thiên Chúa không còn dung thứ được nữa, Người liền cho phép quân thù đến tấn công họ. Quân Babylon đến xâm chiếm đất nước của họ, giết chết hàng ngàn, hàng vạn người. Quân thù phá huỷ thành phố, thiêu đốt đền thờ và cưỡng ép dân còn sống sót đi lưu đầy bên Babylon.
Tuy vậy Chúa không lỡ bỏ rơi dân Người. Chúa dùng ông vua của dân ngoại là Cyrô, Vua xứ Ba Tư, để cứu thoát dân Người và đưa họ trở về đất hứa. Như vậy ta thấy những hình phạt của Chúa, không phải nhằm báo thù, trách phạt, mà là cách thế để luyện lọc, thanh tẩy và chữa trị họ, khiến họ trở nên tuỳ thuộc vào Chúa.
Phúc âm hôm nay nhắc nhở cho ta về một tai hoạ xẩy ra cho dân Người trong sa mạc trên đường tìm về đất hứa. Khi dân riêng của Chúa chối bỏ Người, Chúa phạt họ bằng cách gửi rắn độc đến giữa họ. Rồi với lòng thương xót, Chúa truyền cho Môisen làm con rắn đồng, treo trên cây gậy để cứu chữa họ. Bất cứ khi nào ai bị rắn độc cắn mà nhìn lên con rắn đồng, với niềm tin vào Chúa, thì được chữa khỏi.
Chúa coi cái việc treo con rắn đồng lên cây gậy như là dấu chỉ Người sẽ bị treo trên thập giá để tất cả những ai tin ở Người sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời.
Thánh Phaolô, người am hiểu lịch sử ơn cứu độ trong Thánh kinh Cựu ước đã thốt lên trong thư gửi tín hữu Êphêsô hôm nay : Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả, mà Người đã yêu thương ta, đến nỗi khi tội lỗi khiến ta phải chết, thì Người đã cho ta được cứu rỗi qua Đức Kitô (Ep 2:4-5).
Trải qua suốt dòng lịch sử Cựu ước, mỗi lần dân Chúa đi lầm đường lạc lối, mỗi lần họ bỏ Chúa để đi thờ các thần ngoại lai, thì Chúa lại sai các tiên tri, các tổ phụ đến cảnh giác họ. Và mổi lần họ ăn năn sám hối tội lỗi, thì Chúa lại mở rộng tay đón nhận họ trở về. Môisen được coi là người trung gian của lòng từ bi hay thương xót của Chúa. Những vị trung gian khác, ngay cả trước Môisen, đã sống đẹp lòng Chúa đến độ mỗi khi nhắc đến tên ho mà thôi, thì Chúa lại nguôi cơn giận và giang tay đón nhận họ trở về. Thiên Chúa cũng đối xử với ta như vậy, nếu ta thành tâm sám hối và từ bỏ đường tội lỗi.
Lm Trần Bình Trọng, USA
CHÚA NHẬT THỨ TƯ MÙA CHAY
Ga 3,14-21
1. Con người có thể thay đổi: người xấu thành người tốt
Sống trên đời, ta thấy ở bất cứ môi trường nào (đạo, đời), trong bất kỳ lãnh vực nào (chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội), trong bất kỳ cấp độ địa vị nào (cao, thấp), tuổi tác nào (già, trẻ)... cũng đều có người tốt kẻ xấu, người nhiều thiện chí kẻ lắm ác ý, người trung kẻ nịnh, v.v... Tình trạng khác biệt đó không luôn luôn cố định mà có thể biến đổi: người tốt có thể biến thành người xấu, hay ngược lại. Thật vậy, có người rất ác rất xấu, nhưng sau một biến cố nào đó, gặp một ai đó, đọc một cuốn sách nào đó, hoặc sống trong một môi trường mới nào đó, người đó thay đổi hoàn toàn, trở thành một người rất hiền rất tốt. Chẳng hạn, trong Kinh Thánh có những người như Maria Mađalêna (x. Mt 26,6-13), người trộm lành (Lc 23,39-43); trong lịch sử Giáo Hội có những người như Augustinô...
2. Vai trò của giáo dục
Chúng ta cần phải nắm lấy chân lý này: con người có thể biến đổi, từ xấu thành tốt, cũng như từ tốt thành xấu. Chính vì thế, vấn đề giáo dục rất quan trọng và cần thiết, nó đem lại hy vọng cho Giáo Hội và xã hội. Con người - mà tự do đã bị tội lỗi làm tổn thương - nếu không được giáo dục, sẽ rất yếu đuối, dễ bị lôi cuốn vào vòng tội lỗi: điều thiện mình muốn làm thì lại không làm, mà điều ác mình không muốn làm thì lại cứ làm (x. Rm 7,15-20). Được giáo dục, con người có thêm sức mạnh để làm điều thiện và tránh điều ác hơn. Tuy nhiên, khả năng này rất giới hạn.
Chính dựa trên khả năng thay đổi này mà có những nỗ lực giáo dục, chuyển hóa con người: nhiều nỗ lực đã thành công vẻ vang, nhưng cũng có nhiều nỗ lực không đi đến kết quả. Để giáo hóa, các nhà giáo dục thường dùng những phương tiện tự nhiên của con người: dạy lý thuyết, khích lệ, dỗ dành, đe dọa, thưởng phạt...
3.Đức Giêsu đến để cải hóa, cứu độ con người bằng đức tin
Thiên Chúa cũng quan niệm con người có thể thay đổi và nhờ đó được cứu rỗi. Khi thế gian bị tội lỗi làm hư hỏng, Thiên Chúa đã không lên án và hủy diệt thế gian, nhưng đã « sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ». Thiên Chúa vẫn hy vọng và chờ đợi con người thay đổi. Vì cho dù tự do của con người đã bị tội lỗi hủy hoại phần nào, khiến con người sẵn sàng làm nô lệ cho điều ác, nhưng con người vẫn còn phần nào tự do. Con người vẫn có thể chọn lựa giữa điều thiện và điều ác, giữa Thiên Chúa và những gì khác với Ngài. Ngài đã đi bước trước để làm cho hy vọng biến đổi con người thành hiện thực, bằng cách sai Đức Giêsu, Con của Ngài, đến trần gian. Sứ mạng của Đức Giê-su cũng là giáo hóa con người: Ngài đến để cải hóa người tội lỗi (x. Mt 9,13; Lc 5,32), biến họ nên thánh thiện (x. Rm 6,22), và hơn thế nữa, giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi (x. Mt 1,21; Mc 2,17; Rm 6,6.18; Dt 9,26b; 1Ga 1,7b). Ngài còn có quyền tha tội (Mt 9,5-6; Mt 26,28; Cv 10,43; Cl 1,14), và ban ơn cứu rỗi (x. Lc 19,9; Ga 4,42; Cv 4,12; 13,23 ). Nhưng Ngài cải hóa và cứu độ con người bằng đức tin: «Ai tin thì sẽ được cứu độ» (Mc 16,16; x. Cv 16,31).
Đức Giê-su đến không phải để đem đến một lý thuyết giáo dục, một triết lý mới để con người theo. Ngài đến để cứu con người khỏi xiềng xích của tội lỗi, khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết, là những thứ khiến con người đâm ra bạc nhược, ý chí yếu đuối. Ngài đến để đem lại sức mạnh cho con người, nhờ đó con người có thể đủ sức mạnh để thực hiện những điều thiện mình muốn làm, và nói « không» với những điều ác mình không muốn làm (x. Rm 7,15-20). Để có được sức mạnh đó, con người không cần phải học hỏi lý này thuyết nọ. Điều duy nhất và hết sức quan trọng con người phải làm để có được sức mạnh ấy là hoàn toàn tin tưởng vào Ngài, như bài Tin Mừng hôm nay xác quyết: «Ai tin vào Người thì được sống muôn đời», «Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án». Như vậy, sức mạnh đến từ đức tin, tin vào Đức Giêsu Kitô.
3.Giới hạn của giáo dục
Bất kỳ nhà giáo dục nào trên thế giới cũng đều nhận thấy khả năng giáo hóa của giáo dục rất giới hạn. Giáo dục có thể rất thành công trong việc dạy cho con người biết tất cả điều nào tốt, điều nào xấu, điều nào phải làm, điều nào nên tránh. Nhưng có thể một người biết rất rõ những điều ấy, và thành thật mong muốn làm theo sự hiểu biết ấy, vẫn cảm thấy không đủ năng lực để thực hiện. Người ấy vẫn cảm thấy có một lực nào đó ở ngay bên trong mình khiến mình làm ngược lại. Nghĩa là lực ấy cản trở mình làm điều tốt, và thúc đẩy mình làm điều xấu. Khốn thay, cái lực xấu ác ấy nhiều khi lại thắng và làm tê liệt được sức mạnh của ý chí. Đó chính là điều mà thánh Phaolô cảm nghiệm rất rõ nơi bản thân ông, và ông gọi cái lực xấu ác ấy là « tội»: «Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì (...) không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. (...) Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi» (Rm 7,15-20). Đây chính là nguyên nhân của mọi bi thảm trên trái đất: kẻ tội lỗi nhất thế giới vẫn luôn luôn phân biệt điều tốt điều xấu, vẫn luôn ao ước làm điều tốt, vẫn mong trở nên trở nên người tốt, nhưng không làm nổi. Vì lực xấu ác kia quá mạnh, đã lôi kéo, thúc đẩy người ấy làm những điều hắn không muốn. Lực ấy mạnh đến nỗi hắn dường như chỉ biết tuân theo, ý chí yếu đuối của hắn không cưỡng lại được.
5.Sức mạnh và sự cứu rỗi đến từ đức tin vào Đức Giê-su
Trước tình trạng bi thảm ấy, thánh Phaolô đã phải kêu cứu: « Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?» (Rm 7,24). Và may mắn thay, ông đã nhận ra người có khả năng cứu ông: «Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!» (7,25). Điều này đã được Đức Giêsu xác định với Nicôđêmô trong bài Tin Mừng hôm nay: «Ai tin vào Con Người thì được sống muôn đời», «Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án». Trong bài đọc hai, thánh Phaolô cũng xác nhận điều ấy: «Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa». Như vậy, muốn được cứu khỏi tình trạng yếu đuối, nô lệ tội lỗi, điều quan trọng là tin vào Đức Giêsu Kitô.
Đức tin tạo nên sức mạnh: « Mọi sự đều có thể đối với người tin» (Mc 9,23), vì «nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em» (Lc 17,6). Khả năng làm được tất cả mọi sự ấy không phải là khả năng của bản thân ta, vì như Đức Giêsu nói: «Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được» (Ga 15,5), mà là quyền năng của Thiên Chúa, «vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,27). Vì thế, khi tin thật sự vào Đức Giêsu, Đấng ban sức mạnh, ta có thể nói như thánh Phaolô: «Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể làm được tất cả mọi sự» (Pl 4,13).
Tin vững vàng vào Đức Giêsu, ta sẽ thật sự trở nên mạnh mẽ. Nhưng hãy xem, biết bao người mang danh là tin Đức Giêsu, vẫn cảm thấy mình còn yếu đuối, còn nô lệ cho tội lỗi. Vậy, vấn đề mà ta cần phải nghiêm túc đặt lại, là ta đã thật sự tin vào Đức Giêsu chưa, hay ta chỉ mang danh là tin Ngài thôi? Đức tin của ta vào Ngài là thứ đức tin nào: đức tin rẻ tiền (tin hờ, tin ngoài miệng) hay đức tin đắt giá (tin thật, bằng hành động, bằng đời sống dấn thân thật sự)? Rất nhiều Kitô hữu cảm thấy an tâm vì tưởng rằng khi tuyên xưng ngoài miệng rằng mình tin thì có nghĩa là mình đã tin. Thật ra, tin là một việc quan trọng, nhưng tin thế nào còn quan trọng hơn rất nhiều. Tin mà vẫn nghi nan trong lòng thì chẳng có tác dụng. Hãy xem gương của Phêrô, khi thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước đến với thuyền của mình, nhờ tin vững chắc vào Thầy mình, ông đi được trên mặt nước đến với Ngài. Nhưng khi thấy gió thổi, ông đâm sợ và nghi nan trong lòng. Lập tức ông bị chìm xuống (x. Mt 14,25-31).
Cầu Nguyện
Lạy Cha, con đã mang danh là tin vào Cha, vào Đức Giêsu biết bao nhiêu năm nay. Nhưng thử hỏi đức tin của con đã biến đổi con thế nào? Con đã thật sự tốt hơn, mạnh mẽ hơn những người không tin chưa? Đáng lẽ có đức tin, con phải vượt hơn họ xa lắm! Phải chăng, con mới chỉ mang danh là tin, chứ chưa thật sự tin? Xin Cha hãy ban cho con đức tin đích thật, một đức tin được minh chứng bằng hành động thật sự .
John Nguyễn (Nguồn vietcatholic.org)