Sidebar

Thứ Bảy
07.12.2024

Chúa Nhật IV Mùa Chay B

  1. Đón Nhận Thập Giá Chúa Kitô
  2. Từ Bóng Tối Tới Ánh Sáng
  3. Nô Lệ Tự Nguyện
  4. Tuyệt Vọng Trong Hy Vọng
  5. Chúa Nhật IV Mùa Chay
  6. Chúa Nhật IV Mùa Chay
  7. Yêu Thương Tha Thứ
  8. Lòng Tin
  9. Thập Giá Chúa Kitô
  10. Cho Là Cõi Phúc
  11. Hãy Nhìn Lên Con Rắn Đồng
  12. Thập Giá - Nguồn Ánh Sáng Cứu Độ
  13. Ánh Sáng Và Bóng Tối
  14. Thiên Chúa Yêu Thương Thế Gian
  15. Nhìn Lên Thập Giá
  16. Niềm Vui Cứu Độ
  17. Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay
  18. Lòng Nhân Từ Vô Biên Của Chúa
  19. Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay

 

ĐÓN NHẬN THẬP GIÁ CHÚA KITÔ
Ga 3, 14 - 21

Thánh giá không chỉ được dựng lên trước nóc nhà thờ, trong cung thánh hay trong nhà của người Công Giáo mà còn phải được tôn vinh ở khắp mọi nơi. Chúa Giêsu đã bị treo lên để cho mọi người nhìn thấy. Ngài đã chết trước sự chứng kiến của mọi người. Ngài đã chết cho nhân loại. Ngài đã thể hiện tình yêu tột đỉnh. 

Nói về tình thương tha thứ của Thiên Chúa, người ta thường kể lại cho nhau nghe về câu chuyện ở một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng thánh giá rất đặc biệt. Đó là Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.

Người ta kể rằng, một lần kia, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi tòa giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe: "Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh".  Hối nhân ra khỏi tòa giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: "Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha!". Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lổ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói: "Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con". Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, thể hiện sự tha thứ của Thiên Chúa đối với hối nhân.

Bước vào Chúa Nhật 4 Mùa Chay, hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá Chúa Kitô. Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Thiên Chúa. Ngài luôn tha thứ. "Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tội lỗi, quay trở lại để được sống"  (Ez 33, 11). Quả vậy Thiên Chúa sai con một của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian nhưng để thế gian nhờ con của Ngài mà được cứu độ. (Ga 3, 17). Cũng như Môisen treo con rắn đồng trong Samạc thế nào, thì con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Ngài sẽ không phải chết nhưng được sống đời đời (Ga 3, 14).  Thập giá đã trở thành dấu chỉ ơn cứu độ và Đấng bị treo trên thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin Ngài.

Thánh Gioan đã nói: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban con Một, để ai tin con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời" (Ga 3, 16). Thiên Chúa một lần nữa đã biểu lộ tất cả tình thương của Ngài đối với chúng ta trong Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tất cả bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu của Ngài được thể hiện cụ thể qua sự trao ban. Điều quý giá nhất của Người Cha chính là Người Con. Thế mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho nhân loại chính con một dấu yêu của Ngài. Ngài đã cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu chính là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại. Việc trao ban này trước tiên được biểu lộ qua việc Ngài sai Con Một yêu dấu đến trong trần gian, mang lấy thân phận con người và cuối cùng qua việc trao nộp Con Một cho loài người treo trên thập giá. Chúa Giêsu trên thập giá chính là lúc Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài làm Đấng ban sự sống cho loài người một cách trọn vẹn nhất, dứt khoát nhất. Bởi vậy lúc đó chính là lúc Thiên Chúa đặt con của Ngài làm Đấng ban sự sống đời đời. Vì con của Ngài đến không phải kết án thế gian nhưng để cứu thoát loài người khỏi chết và ban cho họ thông phần vào cuộc phục sinh vinh quang của Ngài.

Như thế, đứng trước thập giá Chúa Kitô chúng ta tin hay không? Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ. Chính thái độ đó sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Chúng ta đã nghe Chúa Giêsu nói: "ai đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối và tự mình đoạ đày mình trong cảnh tăm tối trong cõi chết". Thiên Chúa không cần luận phạt nữa.

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban con Một của Ngài. Đó là chân lý cơ bản của chúng ta. Tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu là dấu chỉ mà Chúa muốn nói với chúng ta là Chúa yêu thương chúng ta. Yêu thương con người đến nỗi sẵn sàng để ngưiơì con Một yêu quý của Ngài chết thay cho chúng ta.

Khi chiêm ngắm thập giá của Đấng Phục sinh, chúng ta không ngừng nghe vang dội từ thập giá ấy lời nhắc nhở về một tình yêu thương Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta, cũng như nhắc nhở về những tội lỗi chúng ta đã phạm để thúc giục chúng ta ăn năn sám hối. Ngài đã chết cho nhân loại để chúng ta được qui tụ vào gia đình con cái của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy nhìn lên thập giá để thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa. Một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán và mọi khát vọng của chúng ta.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô không phải để chúng ta thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi nhưng trái lại để cảm nhận được hồng ân bao la của Chúa để cho tâm hồn được phấn khởi tin yêu hơn.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Ngài để chúng ta biết cảm thông và tha thứ cho tha nhân. Càng cảm nhận được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Hãy tha thứ để được Chúa thứ tha. Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương. Một lần nữa hãy nhìn lên thập giá Chúa Kitô. Hãy xem đó thì biết phép công thẳng của Chúa là dường nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề gớm ghiếc là ngần nào. Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa quá yêu thương ta là dường nào!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết trân trọng tình thương mà Chúa dành cho chúng con. Xin cho chúng con luôn coi thập giá Chúa Kitô là hy vọng sự sống đời đời của chúng con. Đồng thời xin cho chúng con biết yêu thương và tha thứ cho anh chị em chúng con như Chúa đã yêu thương mà tha thứ. Amen.

TỪ BÓNG TỐI TỚI ÁNH SÁNG
Ga 3,14-21.

Mỗi khi đọc Kinh thánh, nếu chịu khó để ý một chút, chúng ta sẽ thấy tên tuổi của nhân vật Nicôđêmô được kinh Thánh nói tới ba lần, vào ba hoàn cảnh và ba thời điểm khác nhau:

Lần thứ nhất: ông ta chủ động đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm. Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay sẽ nói với chúng ta về cuộc gặp gỡ này.


Lần thứ hai: khi các thủ lĩnh tôn giáo Do Thái đang bàn tính để tìm cách giết Chúa Giêsu. Nicôđêmô vốn là thành viên của Thượng Hội đồng Do Thái Giáo, ông đã phản đối quyết định đó với ý kiến rằng: "Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?" (Ga 7, 15)


Lần thứ ba: lúc táng xác Chúa Giêsu. Ông cũng đến để tẩn liệm thi hài Chúa Giêsu bằng cách thức sang trọng như tẩn liệm một vị vua. Thánh Gioan kể : " Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Chúa Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn theo tục lệ chôn cất của người Do Thái." (Ga 19, 39-40). Sở dĩ tôi liệt kê ba lần như thế vì tôi muốn làm nổi bật lên khuôn mặt của Nicôđêmô và con người của ông. Con người ấy đã đi qua một hành trình mà tôi tạm gọi là hành trình từ bóng tối tới ánh sáng, mà ba lần ở trên là ba cột mốc quan trọng trọng trong hành trình đó.


Ở lần thứ nhất , xét về phương diện thời điểm thì đây là giai đoạn mang một bầu khí căng thẳng do Chúa vừa đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ.(x. Ga 2, 13-25). Sự căng thẳng này chưa kịp lắng dịu thì Nicôđêmô đã lén lút đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm. Ông ta gặp Chúa lúc đêm tối nhằm giữ kín sự việc và để tránh dòm ngó, soi mói của người khác, đặc biệt là của giới lãnh đạo Do Thái Giáo, đồng nghiệp của ông. Chi tiết ban đêm mà Thánh Gioan mô tả sẽ nói cho chúng ta biết điều đó. Và còn hơn thế nữa, hàm chứa trong chi tiết ấy tôi còn khám phá thêm điều này của Nicôđêmô: Ông đang ở trong đêm tối. Và từ trong đêm tối đó, ông đang dò dẫm, âm thầm tìm đến nguồn sáng. Nicôđêmô là ai?Kinh thánh bảo rằng ông là một thủ lãnh của người Do thái( x. Ga 3,1).


Tức là môt người có địa vị trong xã hội. Và gắn liền với địa vị đó, chắn chắn ông là người có nhiều kiến thức và là một người có trình độ, chính những cái đó sẽ cho ông có khả năng là một người Giàu có.


Tóm lại, cuộc sống ông đầy đủ, bảo đảm, và an ninh. Vậy ông còn thiếu cái gì? Bên ngoài xem ra ông đầy đủ. Ông có tất cả.nhưng những cái mà ông đang có đó không thể làm cho ông được sống thoả mãn. Vì thế, tự trong thâm tâm của ông vẫn luôn nói với ông rằng ông vẫn còn thiếu một cái gì đó. Cái đó là cái gì nếu không phải là sự sống đời đời. Nên ông vẫn phải đi tìm. Và ông hy vọng rằng nơi Chúa Giêsu, ông sẽ khám phá và có được sự sống ấy. Và thế là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và anh tân tòng Nicôđêmô bắt đầu. Chắc chắn cuộc nói chuyện này rất dài và rất lâu. Tôi không muốn đi sâu vào cuộc đối thoại này vì sợ làm mất nhiều thì giờ của anh chị em.


Nhưng thay vào đó là điều tôi muốn nhấn mạnh trong bài chia sẻ này là: Chúng ta có thể khám phá ra điều gì về Nicôđêmô qua ba lần được Thánh kinh mô tả? Là gì, nếu không phải đấy là ba giai đoạn của một hành trình hoán cải mà Nicôđêmô đã đi qua.

Lần xuất hiện đầu tiên cho thấy ông là người cởi mở, nhiều thiện chí và là một người thật sự muốn tìm kiếm chân lý.
Lần xuất hiện thứ hai chứng tỏ ông là một người công chính, một mực khăng khăng rằng không được kết án Chúa Giêsu trước khi đưa ra xét xử công khai. Và lần xuất hiện thứ ba cho thấy rằng ông là một người giàu có nhưng quảng đại và có lòng thương xót nữa. Dám bỏ tiền ra mua số lượng lớn là một trăm cân mộc dược và trầm hương, là những thứ quý hiếm. Chúng ta đang sống trong bầu không khí của mùa chay. Ai trong chúng ta cũng biết mùa chay là mùa hoán cải. Vì thế để gọi là hoán cải, chúng ta cần làm lại hành trình của Nicôđêmô. Hành trình đó được khởi đi từ một khao khát được sống. Khao khát đó sẽ giúp cho ta:

1. Ra khỏi chính mình để đi tìm, để tiếp cận, để gặp gỡ Chúa Giêsu là Đấng ban sự sống và là Sự Sống.
2. Một khi đã khám phá Sự sống đó, sẽ dẫn chúng ta tới sự can đảm để bảo vệ cho sự sống ấy.
3. Cuối cùng là lòng quảng đại để sống cho, sống vì và sống với Sự Sống đó.
- Đó là những Giá trị của Tin Mừng.
- Đó là hành trình của Mùa chay.
- Đó là hành trình của hoán cải.
- Đó là hành trình của bóng tối đến ánh sáng, hành trình đi từ bống tối của sự chết đến ánh sáng của Sự sống. Amen.

NÔ LỆ TỰ NGUYỆN
Ga 3, 14 - 21

Ngày nay, có lẽ con người khao khát, tìm kiếm tự do hơn bao giờ hết. Đây thật là một nhu cầu cần thiết và không thể thiếu. Người ta dị ứng hoặc không thích nghe đến từ " luật" vì nó làm cho ta cảm thấy bị bó buộc. Nhưng có những thứ tự do sẽ dẫn chúng ta đến nô lệ. Và có thứ nô lệ làm cho người ta được tự do, được cứu độ. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết thế nào là tự do đích thực.

Bài đọc I cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về tự do. Khi dân Do thái muốn sống và làm theo sở thích, theo bản năng, đi trong tội lỗi, họ nghĩ như vậy mới tự do nhưng kết quả họ phải chịu sống trong cảnh nô lệ tủi nhục nơi đất khách Babilon.

Đức Kitô là ánh sáng tình yêu mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại. Ngài đến trần gian để cứu độ chúng ta không phải bằng khả năng của ta nhưng bằng tình thương của Ngài. Đứng trước tình yêu bao la đó, chúng ta có hai thái độ: Tin hay không tin. Nếu tin vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ được sống. Trái lại, nếu từ chối, chúng ta sẽ bị luận phạt.

Người thời đại không muốn bị trói buộc hay uốn mình trong một khuôn khổ. Nghĩa là người ta chỉ thích làm theo những gì mình muốn: Muốn ăn, muốn nói, muốn chơi, muốn làm gì tuỳ theo sở thích. Nhưng tự do đó sẽ biến chúng ta thành nô lệ sống buông thả theo bản năng, và trở thành một con người vô kỹ luật, vô ý thức. Chính những thứ đó sẽ làm mất nhân cách và phẩm giá của chúng ta.

Nhưng, có thứ nô lệ sẽ mang lại cho chúng ta tự do và hạnh phúc. Đó là nô lệ cho Thiên Chúa và lề luật của Ngài. Kỳ thực, khi đó người ta không cảm thấy mình nô lệ, trái lại cảm thấy tự do, hạnh phúc: "Chúng tasống dưới chế độ Lề luật nhưng thật sự chúng ta là con cái của tự do.". Lề luật Chúa không làm cho chúng ta trở thành tên nô lệ nhưng nhằm mang lại hạnh phúc. Vì nô lệ tội lỗi, thì phải chết; còn nô lệ phục vụ Thiên Chúa thì sẽ được nên công chính, thánh thiện và sự sống đời đời. Khi có niềm vui và hạnh phúc, chúng ta không thể là nô lệ.

Là người chắc chắn không ai muốn sống trong bóng tối, nhưng sống theo ánh sáng thì ai cũng ngại. Chấp nhận Đức Kitô thì dễ, nhưng sống theo giáo huấn của Ngài thì không mấy ai thích: " Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy". Và điều này sẽ làm cho chúng ta mất tự do. Nhưng tự do là gì, nếu không phải đi trong đường lối của Thiên Chúa, khi đó chúng ta sễ được tự do vì:" Sự Thật sẽ giải phóng các con." Ga 8, 32. Lề luật giúp cho con người sử dụng tự do một cách có ý thức và trách nhiệm. Sống nuông chìu theo sở thích bản năng, vô kỹ luật thì cũng giống như ngựa không dây cương, hay thuyền không bánh láy, chúng ta không thể điều khiển cuộc đời mình, cuối cùng trở thành nô lệ cho tội lỗi. Cũng như Krisnamuti nói: "Chỉ có chân lý mới đem lại sự tự do cho chúng ta, chứ không phải ước vọng của chúng ta muốn được tự do."

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho chúng con nhận ra Chúa là Chân Lý, và xin ánh sáng Chân lý Chúa luôn chỉ đường dẫn lối để chúng con xua tan bóng đêm tội lỗi nơi tâm hồn chúng con. Amen.

1737    14-03-2012 09:00:55