Sidebar

Thứ Ba
07.05.2024

Chúa Nhật IV Phục Sinh A_2

MỤC TỬ ĐÀN CHIÊN
Ga 10, 1-10

CHÚA NHẬT HÔM NAY ĐƯỢC GỌI LÀ CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH, là ngày dành cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ. Hình ảnh mục tử chăn dắt đàn chiên thường được dùng để diễn tả những người có trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội, có nhiệm vụ chăm do đời sống giáo dân. Hình ảnh này được bắt nguồn từ trong Cựu Ước. Tiên tri Eâzêkiel đã dùng hình ảnh đàn chiên và chủ chiên để báo trước rằng Chúa sẽ đến dẫn dắt Israel như mục tử chăn dắt đàn chiên. Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng tự xưng Thầy là mục tử tốt lành.

Hình ảnh mục tử có vẻ xa lạ đối với người Việt nam hôm nay. Nhưng đối với người Palestine thời ấy, đầy là hình ảnh rất đẹp. Nó diễn tả sự gần gũi, quan tâm chăm sóc hết mình trong liên hệ chủ chăn và đàn chiên. Sự hiện diện gắn bó của mục tử đối với đàn chiên là không thể thiếu.

Đời sống của mục tử tại Palestine rất vất vả. Không có bầy chiên nào dám ăn cỏ nếu không có người chăn chiên bên cạnh. Vì thế, người chăn chiên không hề được nghỉ ngơi. Những vùng cỏ ít, chiên phải đi dông dài, không hàng rào bảo vệ, người chăn phải luôn luôn dõi theo đàn không rời mắt. Công việc của người chăn chiên không chỉ có tính cách thường trực mà còn có khả ngăn gặp nhiều nguy hiểm nữa. Phải tìm cách chống trả với những bầy thú dữ như sói , hay những lần phải đối mặt với những tên trộm cướp đến bắt chiên. Có thể nói những đặc điểm nổi bật nhát của người chăn chiên là: thường xuyên canh thức theo dõi, can đảm không sợ hãi, khiên nhẫn yêu thương bầy chiên mình.

Vì những đặc điểm ấy, Chúa Giêsu đã lấy người chăn chiên để nói về chính bản thân Ngài. Ngài đến trần gian và hy sinh tất cả cho đàn chiên là những con người yếu hèn, tội lỗi. Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành. Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống để tìm và cứu vớt những con chiên đi lạc xa đàn ( Mt 18,12; Lc 15,4). Ngài động lòng thương xót dân chúng vì họ như chiên không có người chăn dắt (Mt 9,36; Mc 6,34). Chúa Giêsu chính là vị mục tử trung thành của Thiên Chúa. Ngài đã tự nguyện đón nhận săn sóc bầy chiên chứ không phải làm cách miễn cưỡng, làm vị nhiệt tình chứ không vì ham lợi, không lạm dụng địa vị để đánh đập ức hiếp đàn chiên nhưng nều gương lành yêu thương trìu mến.

Người ta bảo, mối liên hệ giữa chiên và người chăn chiên ở Palestine rất khác ở Anh quốc. Ở Anh người ta nuôi chiên để giết lấy thịt. Còn ở Palestine thì không, nuôi chiên để lấy lông làm len. Vì thế mà chiên được sống nhiều năm hơn vớichủ nên có mối liên hệ thân tình. Thân tình đến độ chiên biết rõ tiếng chủ và chủ biết rõ đắc điểm của từng con chiên. Đối với chủ chăn Giêsu, Ngài không chỉ biết nhưng còn quan tâm, tích cực hơn nữa Ngài còn ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ diệt vong. Đây là một ân huệ lớn lao cho những chiên nào thuộc đàn của mục tử Giêsu.

Ngày nay, Giáo hội có những người tiếp tục công việc chăn dắt của Chúa Giêsu. Đó là những Giám mục, Linh mục, tu sĩ. Họ là người tự nguyện dấn thân bước theo vị mục tử Giêsu. Chúng ta cầu nguyện cho họ có nhiều nghị lực trung thành phục vụ Hội thánh Chúa. Giáo hội ngày nay rất cần những mục tử, nhất là những mục tử tốt lành: những mục tử sẵn sàng xả thân vì đàn chiên, những mục tử quan tâm chăm lo đàn chiên, những mục tử luôn thao thức phục vụ đàn chiên để "chiên được sống và sống dồi dào".

Thực tế, giới trẻ ngày nay dường như chẳng mấy quan tâm đến ơn gọi làm linh mục tu sĩ. Có nhiều lý do khiến các bạn trẻ chẳng màn gì đến ơn gọi: Chính từ nhận thức và hoàn cảnh sống làm cho họ ngại ngùng khi nói đến dấn thân hay từ bỏ. Trong gia đình ít con, con cái có học vị cao thì cha mẹ không dễ gì cho con cái đi tu. Vì sợ chúng phải khổ sở và không muốn chúng bị "xuống đời". Giới trẻ cũng quên nếp sống tự do, tự lập nhiều sáng tạo, sáng kiến. Chính vì thế, họ sợ gặp căng thẳng với nếp sống kỷ luật và hình thức tu trì hiện nay. Nhiều bạn trẻ cảm thấy tiến trình thành người linh mục, tu sĩ quá nhiêu khê, đòi hỏi phải từ bỏ nhiều thứ quá và họ sợ không thể làm nổi. Do đó, dù cho họ có tinh thần dấn thân phục vụ đi chăng nữa nhưng trước những khó khăn, thách đố cuộc sống dễ làm cho họ ngó lơ, miễn bàn khi nhắc đến đời sống tu trì dấn thân.

Chúa Giêsu luôn mời gọi mỗi người tiếp bước theo Ngài trong nhiệm vụ chăn dắt. Hình ảnh Mục tử nhân lành Giêsu sẽ không mờ nhạt đi nếu Giáo hội vẫn còn những con người dám xả thân phục vụ vì hạnh phúc con người, vì tương lai của Giáo hội và vì lý tưởng cao đẹp là mỗi ngày có thêm nhiều người nhận biết Thiên Chúa là tình yêu.

ĐIỂM TỰA BÌNH YÊN
Ga 10, 1-10

Trong khuôn viên Đại Chủng Viện Thánh Quý - Cần Thơ có một tiểu cảnh với chủ đề "nương tựa". Tiểu cảnh nầy 80% được tạo nên từ phế liệu: một khung bê-tông của tường rào hư bỏ ra, một ống cống không còn sử dụng được nữa, những đoạn dừa, những cây cao sâm banh chết... Tất cả chúng được sơn chút màu và được xếp tựa vào nhau thành những hình tam giác, hình mái nhà... Chúng cùng tựa vào nhau để tồn tại, để làm nên tiểu cảnh đẹp. Nếu thiếu một thứ trong chúng, người ta không thể hiểu được đó là gì. Tiểu cảnh này được các chủng sinh rất yêu thích vì nó nhắc nhớ tinh thần yêu thương nâng đỡ nhau mà mục tiêu đào tạo của chủng viện luôn đặt hàng đầu.

Vâng, con người mang xã hội tính, cần nương tựa vào nhau để tồn tại. Tuy nhiên, con người chưa phải là điểm tựa lý tưởng cho con người. Chỉ có Thiên Chúa mới là điểm tựa an toàn nhất, như một danh nhân đã nói: "Đừng dựa vào cây, cây sẽ đổ; đừng dựa vào người, người sẽ chết. Hãy dựa vào Thiên Chúa". Hay nói khác đi, Đức Kitô Phục Sinh là nơi tựa nương không hề ngã đổ, vì "Đức Kitô đã chết nhưng Người đã sống lại, cái chết không còn quyền chi đối với Người nữa" (Rm 6,9).

Phúc Âm hôm nay nêu lên cho chúng ta hình ảnh một người chủ chăn tốt lành. Người chủ chăn đó không ai khác hơn là Đức Kitô - Đấng "Thiên Chúa đã đặt lên làm Chúa và làm Đấng Kitô" (Cv 2,36), "Đấng chăm sóc linh hồn anh em" (1 Pr 2,25). Người đã tuyên bố: "Ta là cửa chuồng chiên... Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào" (Gn 10,10). Bạn có vui không khi có được một chỗ dựa an toàn như thế? Chỉ có chủ chăn tốt mới nhẫn nại chăm sóc chiên. Ngài quan tâm đoàn chiên đến nỗi biết tên từng con một. Ngài đi trước hướng dẫn đoàn chiên trong cuộc hành trình. Trong lúc chiên nghỉ ngơi thì Ngài là người canh cửa, bảo vệ đoàn chiên khỏi hiểm nguy của kẻ thù.

Trong cuộc sống đời thường, giữa những khó khăn thất bại, tôi cứ nghĩ rằng do mình bất tài, do mình thiếu cố gắng. Tôi cay cú và bực dọc, than thân trách phận. Thỉnh thoảng được thành công, tôi tự hào, tự mãn đó là sức lực của tôi, là phần tôi đáng được hưởng. Cuối cùng, dẫu được hay thua thì tôi vẫn là tôi với thân phận mỏng giòn, chỉ lanh quanh với những sự ảo huyền. Tôi đã không biết đặt hy vọng của mình nơi Chúa. Tôi cao ngạo nghĩ rằng tự sức mình làm được mọi sự. Ở bên Chúa ngọt ngào êm ái biết là đường nào mà tôi đâu biết.

"Hãy đến với Ta hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng nề, Ta sẽ bổ sức cho... Ách của Ta thì êm ái, gánh của Ta thì nhẹ nhàng" (Mt 11,28). Tựa vào Chúa, tôi đâu phải hụt hẫng, hoang mang. Ngài luôn bao bọc tôi, ôm ấp tôi trong bóng cánh của Ngài. Đôi lúc Ngài tập cho tôi bước đi trên chính đôi chân của mình, Ngài để tôi vấp ngã để tôi cứng cáp hơn, nhưng không bao giờ Ngài đẩy tôi vào chỗ hiểm nguy.

"Chúa là nơi con nương tựa, con còn sợ gì ai" (x. TV 22). Đức Phật cho rằng: "Đời là bể khổ". Điều này không sai. Tuy nhiên, chúng ta - các Kitô hữu - không lo âu, sợ hãi vì chúng ta có Chúa. Người luôn nâng đỡ chăm sóc cho chúng ta. Ước gì bạn không phải bận lòng với những thách đố của cuộc sống, vì Chúa luôn cùng đi và cùng làm với bạn.

"Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay" (Tv. 37)

NGƯỜI CHĂN CHIÊN
Ga 10, 1-10

Người mục tử nhân lành phải được thể hiện qua hành động với đoàn chiên, nghĩa là phải đi qua cửa mà vào, chiên nghe tiếng của anh ta; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra... anh đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng anh. Còn ngược lại, nếu ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm. Theo toàn thể văn mạch, Chúa Giêsu muốn nhắm đến các người biết phái và ký lục là những kẻ tự cho mình là lãnh đạo dân, hướng dẫn về đời sống thiêng liêng, nhưng thực ra họ chỉ là những kẻ háo danh và chỉ quan tâm đến thiện ích riêng tư của họ.

Thông thường chúng ta hay nghĩ mục tử là những người lãnh đạo, là những người hướng dẫn trong cộng đoàn họ đạo. Nhưng thực ra mục tử cũng có thể được hiểu rộng ra là các bậc cha mẹ trong gia đình. Chúa Chiên Lành hôm nay chính là mẫu gương cho các bậc cha mẹ noi theo. Ta cũng được Chúa trao cho những linh hồn để trông coi, dẫn dắt, là những người mục tử nhưng hành động của chúng ta có giống Chúa Giêsu Nhân Lành hay chúng ta vẫn còn đang hành động giống như kẻ trộm?

Vậy cha mẹ phải ăn ở thế nào cho đáng là chúa chiên lành của con cái mình.

Tự trong sâu thẳm đáy lòng với khuynh hướng tự nhiên cha mẹ dễ dàng chăm sóc hy sinh vì hạnh phúc của chính con mình. Trong thực tế có rất nhiều cha mẹ đã yêu thương con, chăm sóc cho con, lo cho con đầy đủ không để con cái thiếu thứ gì, như thế có thể gọi là mới làm tròn phận sự về phần xác. Còn về phần hồn thì sao? Ta đã quan tâm đủ đến con cái chưa? "gọi tên từng con" để chúng không bị lạc vào thế giới hiện đại của công nghệ thông tin, với những trò chơi và hình ảnh không thích hợp với tuổi của chúng. Ta có Ta có tránh cho chúng chơi với những bạn bè xấu, ta có cất bỏ những dịp đưa chúng đến sự xa hoa, truỵ lạc không? Nếu ta không làm như vậy thì ta không phải là chúa chiên lành, vì người mục tử nhân lành thì anh ta "đi trước và chiên đi theo sau" biết chỗ nào nguy hiểm để cho chiên tránh, biết chọn ngọn cỏ tốt cho chiên ăn, chỗ an toàn cho chiên nằm.

Hơn thề, ta có sẵn sàng hy sinh những tham vọng của ta, nếu Chúa gọi con cái chúng ta dâng mình cho Chúa hay không? Hay chúng ta chỉ ích kỷ muốn cho con cái chúng ta vâng theo những tính toán đời này của chúng ta, mà không cho chúng theo ơn Chúa kêu gọi. Nếu chúng ta làm như vậy, thì chúng ta không hành động như Chúa Chiên Lành, vì Chúa Chiên Lành sẵn sàng hy sinh vì con chiên chứ không cần lời lãi ở con chiên. Nếu làm như thế chúng ta có khác gì các Kinh sư và người Pharisêu. Chúng ta có biết từng con chiên của ta như Chúa không? Ngài có thể gọi "đích danh từng con" chứng tỏ Ngài rất hiểu và biết nằm lòng sự khác của các con để không bị nhầm lẫn con này với con kia. Trong đoàn chiên gia đình cũng thế, cha mẹ là những người chăn chiên cũng phải hiểu rõ tính nết từng đứa con mình, để mà sửa đổi những tính hư nết xấu, biết dẫn chúng đến những đồng cỏ nhân đức cho chúng ăn, có như vậy chúng mới có thể trở thành những con chiên mập, béo tốt và giúp ích cho tương lai được.

Trong một cộng đoàn, không chỉ có mục tử mới có bổn phận với con chiên, mà con chiên cũng có bổn phận với người mục tử. Nếu mục tử nhân lành biết chiên của mình, thì con chiên cũng phải "biết tiếng của anh". Ta là con chiên của Chúa, ta có thật sự biết Chúa và đi theo Chúa chưa? Hỡi ơi nhiều người Công Giáo thú nhận mình biết Chúa rất hời hợt. Có lẽ họ chỉ biết có Chúa. Còn những lời Người dạy qua các bài Giáp lý, Kinh Thánh đã được học từ nhỏ thì nay không còn nhớ gì hết. Không những thế, con chiên còn phải nghe lời và theo Người nữa. Khi nhìn lại mình chúng ta phải lấy làm xấu hổ vì đã không vâng lời Người bằng đoàn chiên vâng lời kẻ chăn. Trong khi Chúa hằng đi trước để chỉ lối cho ta. Vì thế nếu ta luôn "đi theo sau" chân Người, thì không bao giờ bị lạc đường sai lối. Nếu chúng ta có gặp nguy hiểm, hoạn nạn gian khổ, thì hãy nhớ rằng Chúa đã trải qua và chúng ta chỉ đi theo Người.

Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành, xin cho con được biết Chúa, nghe Chúa, theo Chúa và trở nên giống Chúa để cùng được đoàn tụ trên nước thiên đàng với Chúa. Amen

TÌM ĐƯỢC SỰ SỐNG NƠI MỤC TỬ GIÊSU
Ga 10, 1-10

Có thể nói ưu tư lớn nhất của con người là sự sống. Chính vì sự sống này mà ngày ngày con người phải tất bật lo toan để kiếm cho được chén cơm, manh áo. Vì sự sống ấy nên mỗi khi ra đường ngồi trên xe gắn máy hai bánh chúng ta buộc phải đội nón bảo hiểm. Cũng vì sự sống ấy mà nhiều lúc các bác sĩ gần như phải chiến đấu với thần chết từng giây phút cho bệnh nhân của mình. Vì thế, cái quý nhất của con người đó là sự sống.

Hơn nữa, người Công giáo chúng ta còn tin sự sống của mỗi người là quà tặng cao quý mà Thiên Chúa ban cho. Hay nói khác hơn sự sống của con người chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa. Cho nên, muốn bảo đảm được sự sống của mình không cách nào khác là chúng ta phải cậy dựa vào Thiên Chúa. Hiểu được tâm trạng ấy nên hôm nay Chúa Giêsu nói với từng người chúng ta: "Ta đến để cho chiên đ ược sống và sống dồi dào " (Ga 10, 10). Chúa Giêsu đã tự ví mình như người mục tử nhân lành đem lại sự sống cho chúng ta là những con chiên của Người. Ðây là hình ảnh rất quen thuộc với người Do thái.

Thật vậy, chúng ta biết Chúa Giêsu được sai xuống trần gian này là để hoàn tất ý định yêu thương ngàn đời của Chúa Cha. Bởi lẽ, ý định yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa là muốn con người được sống dồi dào và hạnh phúc. Ðáng tiếc là con người đã đánh mất. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn không chịu thua. Thiên Chúa đã tìm mọi cách để giúp con người tìm lại sự sống trọn vẹn ấy.

Chúng ta đang sống trong Mùa Phục sinh. Mùa Phục sinh nhắc ta nhớ đến chính Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và sự chết nhưng chính Người đã sống lại. Ðó là niềm tin căn bản của mỗi người chúng ta. Do đó, nếu chúng ta biết đi theo sự hướng dẫn của Người và nhất là biết sống như Người chắc chắn chúng ta sẽ tìm lại được sự sống thật.

Hôm nay cũng là ngày cầu cho ơn thiên triệu. Trước hết chúng ta hãy nhớ cầu nguyện cho những người được chia sẻ sứ mạng mục tử của Chúa Giêsu: các Linh mục của Chúa biết sống theo gương của Người. Ðó là biết tận tâm, tận lực để hiến trọn cuộc đời phục vụ những người được trao phó. Ðồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho ngày càng có nhiều bạn trẻ dám can đảm dấn thân vào đời sống tu trì

CHÚA CHIÊN LÀNH
Ga 10, 1-10

Dựa vào các bài đọc trong phụng vụ Lời Chúa, Chúa nhật IV Phục Sinh hôm nay được gọi là "Chúa nhật Chúa Chiên lành". Đấng Chăn Chiên Lành đó chính là Đức Kitô, một vị Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Toàn bộ Lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta thấy rõ khuôn mặt của Đức Kitô. Ngài là vị Mục tử nhân lành của tất cả chúng ta, của ông bà anh chị em và của tôi. Đồng thời, khi chiêm ngắm khuôn mặt của Đức Giêsu Mục tử, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta dành ngày Chúa Nhật hôm nay để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ, với ước mong, trong Giáo Hội ngày càng có nhiều "vị mục tử như lòng Chúa mong ước" (x. Pastores dabo vobis).

1. ĐỨC GIÊSU, VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH :

Trước hết, chúng ta cùng trở lại với các bài đọc để chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu, Vị Mục tử nhân lành. Khi nhận mình là người mục tử được Thiên Chúa sai đến để dẫn dắt dân Người, Đức Giêsu đã dẫn đưa thính giả của Ngài đến một hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc đối với dân Do-thái, vốn sống bằng nghề du mục. Đất nước Do-thái nằm trong một vùng đất bán sa mạc, nên các đồng cỏ không nhiều. Do đó, người mục tử thường phải cho chiên đi ăn ở những nơi rất xa, có khi hàng tuần lễ, hoặc cả mấy tháng trời mới về nhà. Trong thời gian cho chiên đi ăn, người chăn chiên coi như "cùng ăn, cùng ở" với chiên. Mối tương quan giữa họ và chiên thật thân thiết. Người mục tử chân chính biết rõ từng con chiên của mình và chiên cũng biết tiếng của họ. Họ gọi chiên của mình và chiên đi theo tiếng gọi của chủ. Có con nào bị lạc, họ liền đi tìm, con nào bị thương tích, họ hết lòng cứu chữa, và để giúp những con chiên nhỏ, yếu đuối đi kịp với cả đàn chiên, người mục tử cũng không ngần ngại vác chiên lên vai của mình.

Chính trong những tâm tình đó, Đức Giêsu đã tự ví mình là "cửa ràn chiên", là "mục tử tốt lành" được Chúa Cha sai đến để bảo vệ, gìn giữ và chăm sóc cho đàn chiên là toàn thể nhân loại. Ngài nói: "Ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên... và chiên nghe theo tiếng người ấy... Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra". Và quả thực, là người mục tử đích thực, Đức Giêsu biết rõ từng con chiên một. Ngài không chỉ biết con người bên ngoài, nhưng biết rõ tận cõi thâm sâu của từng người chúng ta. Ngài biết rõ từng nỗi ưu tư, từng nỗi băn khoăn lo lắng của chúng ta. Ngài cũng biết rõ lòng nhiệt thành cũng như những yếu đuối của chúng ta. Cảm nghiệm điều này, tác giả Thánh vịnh đã kêu lên: "Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết" (Tv 139, 1-4). 

Không chỉ biết rõ, Người Mục tử nhân lành còn hết lòng chăm sóc để đàn chiên của mình không bị thiếu thốn, nhưng luôn được no thỏa, như lời Thánh vương Đavít trong bài đáp ca: "Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng".

Mặt khác, là người Mục tử tốt lành, Đức Giêsu còn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình, để bảo vệ đàn chiên khỏi sự tấn công của kẻ thù. Ngài đã chấp nhận đi trọn con đường khổ giá trước, để chúng ta bước theo sau Ngài, đúng như lời Ngài đã nói trong bài Tin mừng: "Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau". Đức Giêsu đã đi trước và đi trọn vẹn con đường thập giá, để đem lại cho mỗi người chúng ta một sự sống mới, như lời thánh Phêrô trong bài đọc hai: "Đức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, ... Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Đấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người, trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành".

Như thế, với sự hiến thân mình làm hy lễ đền tội dâng lên Chúa Cha, Đức Giêsu đã thực sự chứng tỏ mình là Người Mục Tử nhân hậu, được Chúa Cha đã sai đến, để nhờ Ngài, mỗi người chúng ta "được sống và sống dồi dào". 

2. LỜI MỜI GỌI GIA NHẬP VÀO ĐOÀN CHIÊN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH :

Đức Giêsu chính là vị Mục Tử nhân hậu đến trong thế gian, chấp nhận hiến thân mình, để "thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một" (Ga 11, 52). Xác tín điều đó, sau ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô đã lớn tiếng kêu gọi: "Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội". Còn trong bài đọc hai, thánh nhân đã so sánh chúng ta, là những kẻ tin vào Đức Kitô, như những con chiên lạc, giờ đây đã trở về lại với đàn chiên: "Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Đấng canh giữ linh hồn anh em".

Trở về lại với vị Chủ chiên duy nhất và nhân hậu là Đức Kitô, mỗi người chúng ta không còn phải buồn sầu, thất vọng, cho dù cuộc sống vẫn còn đó những khó khăn, thử thách, như lời tâm sự của vua Đavít trong bài Đáp ca: "Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi. Cây roi và cây gậy của Người, đó là điều an ủi lòng tôi". Vâng, có Chúa ở cùng, chúng ta không còn lo mắc nạn, không còn lo phải bước đi trong đêm tối của gian nan một cách cô đơn nữa. 

3. CẦU NGUYỆN CHO ƠN THIÊN TRIỆU LINH MỤC, TU SĨ :

Nhận lãnh bí tích Rửa tội, được gia nhập vào Giáo Hội, mỗi người chúng ta được vinh dự trở nên một thành viên trong đoàn chiên của một mục tử duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hết lòng yêu thương chúng ta. Do đó, chúng ta cần lắng nghe lời dạy của Đức Giêsu Mục tử qua các đại diện của Ngài nơi trần gian, cụ thể là các giáo huấn của Giáo Hội, trong các vấn đề về luân lý như phá thai, chống bất công, tham nhũng... Và để xứng đáng là một con chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu, Mục Tử, chúng ta cũng cần loại bỏ khỏi bản thân mình những thói hư tật xấu như: tham lam, say sưa, bài bạc, nói hành, nói xấu, chửi thề, nói tục... 

Đồng thời, trong ngày cầu nguyện cho ơn Thiên triệu, chúng ta cũng nhớ cầu nguyện cho những người dấn thân trong đời sống tu trì, bởi lẽ, họ cũng là những con người yếu đuối, đầy sai phạm lỗi lầm, thậm chí còn hơn cả chúng ta. Và cùng với lời cầu nguyện, chúng ta cần hỗ trợ bằng chính sự cộng tác, và thái độ góp ý chân thành, để xây dựng và củng cố cho cộng đoàn chúng ta ngày càng phát triển, trở nên một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương.

Đặc biệt, ngày mai 18/4/2005, là ngày Hồng Y đoàn bước vào Mật viện để bầu Tân Đức Giáo Hoàng, chúng ta hãy cùng hiệp ý cầu nguyện, xin Thiên Chúa tuôn đổ ơn Thánh Thần xuống trên các vị Hồng Y, để các ngài sáng suốt lựa chọn một Tân Giáo Hoàng theo đúng Thánh Ý của Thiên Chúa. Và dù chưa biết vị Tân Giáo Hoàng là ai, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho Ngài luôn sống đúng là một vị "Mục Tử như lòng Chúa mong ước". Amen.

Lm Trần Thanh Sơn


CHÚA GIÊSU LÀ CỬA SỰ SỐNG

Hôm nay Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Hội Thánh cho chúng ta đọc Tin Mừng của Thánh Gioan, nói về người Mục Tử. Hình ảnh người mục tử ở Israel, cũng như nơi nhiều các dân tộc thuộc địa bàn văn hóa du mục là hình ảnh cổ điển, quen thuộc. Vì thế, ngay trong Cựu Ước chúng ta sẽ thấy nhiều tác gỉa dùng hình ảnh mục tử để chỉ các thủ lãnh của họ như Moisen (x.Hs.12,14; Is.63,11), như Davit (x.2Sm.5,2; 24,17), nhất là chỉ Giavê trong lịch sử (x.Kn48,15; Tv.74,1) hoặc Messia trong tương lai (x.Ez.34,11-16), hay chỉ vị vua Messia (x.Jer.23,4-5).

Sang Tân Ước, Chúa Giêsu nhiều lần sử dụng hình ảnh Mục Tử này :

Để mô tả Israel vào thời của Người như là một đòan chiên bị bỏ rơi (x.Mt.9,36; Mc.6.34) hay chiên lạc (x.Mt.10,6; Lc.15,4-7).

Để chỉ thị nhóm môn đệ của Người như là một Israel mới (x.Mc.14,27; Lc.12,32).

Để diễn tả chính vai trò của Người trong tuần khổ nạn (x.Mc.14,27) hoặc Phục Sinh (x.Mc.14,28) và thẩm phán (x.Mt.25,31-46).

Đối với đòan chiên, mục tử biết tên, gọi tên từng con chiên, chiên biết tiếng mục tử. Mục Tử dẫn đường, chiên bước theo. Đây chính là đặc điểm của người chủ chăn tốt, và người Mục Tử này qua cửa mà vào, người canh cửa mở cho Mục Tử vào, còn kẻ trộm thì trèo qua lối khác mà vào. Ràn chiên nghĩa bóng là dân Do Thái, là các tín hữu, Người qua cửa là chủ thực sự, chăn dắt chiên hay người được Giavê trao phó sứ mạng. Người không qua cửa là người cướp lấy chiên. Chúa Giêsu có ý tố cáo những người lãnh đạo Do Thái, tỏ ra bất trung với sứ mạng của mình, bỏ bê đàn chiên, để đàn chiên lạc lõng và phân tán, chỉ lo uống sữa, xén lông chiên để cầu lợi cho mình.

Đó chính là những thủ lãnh chính trị của Israel, các ác vương thời xưa, các người gây chiến, họ coi quyền hành của họ như một phương tiện để thỏa mãn sở thích hiếu chiến, thỏa mãn tính kiêu căng và các tham vọng của họ. Đồng thời Chúa Giêsu cũng muốn ám chỉ đến các thủ lãnh tôn giáo Isarel đã gạt dân của họ xa con đường sống, các người Do Thái đã tàn sát các Ngôn Sứ, các tiến sĩ thời Người đã ngăn chặn không cho thế hệ của họ đáp lại lời mời gọi của Nước Trời, các người thuộc phe Quốc Gia mơ ước một cuộc nổi lọan chống lại Rôma. Còn Chúa Giêsu thi Người trao ban sự sống.

Vâng, Chúa Giêsu chính là Người Mục Tử hướng dẫn dân Người đến với ơn cứu độ, Người là Mục Tử tốt lành gọi tên từng con chiên, biết rõ từng con, săn sóc, thuốc thang. Gọi tên không phải để "dò xét" theo kiểu con người, mà là dò xét theo kiểu của người yêu " Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ.." (x.Tv.138).

Ðồng thời Chúa Giêsu cũng là cửa để chiên ra vào, để giữ cho chiên an tòan, bảo vệ chiên, ban sự sống dồi dào cho chiên, thí mạng vì chiên. Ngài không lọai trừ ai ra khỏi ơn cứu độ " Ngài đến để tất cả mọi người được có sự sống một cách dồi dào..."(x.Jn.10,10b). Ngài là cánh cửa duy nhất đưa con người vào ơn cứu độ. Mọi người thiết yếu phải đi qua Ngài, không ai được ưu tiên chuẩn miễn khỏi đi qua Ngài.

Và chính Ngài trao sứ mạng cho những Mục Tử khác, và họ phải là mục tử như Ngài. Phải để cho Ngài là Mục Tử đối với đàn chiên qua mình. Phải làm cho chiên nhận biết Đức Kitô là Mục Tử của họ. Việc dẫn lộ cũng phải làm sao cho họ hiểu rằng không phải tôi dẫn lộ mà Đức Kitô dẫn lộ, như Gioan Tẩy Gỉa " Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại" ( x.Jn.3,30).

Là chiên chúng ta phải lắng nghe để nhận ra tiếng của Chúa Giêsu và đáp lại tiếng ấy là đi theo Ngài, sống như Ngài sống. Đây là một giáo huấn khẩn thiết và quan trọng, chúng ta phải thực sự xác tín rằng không có một vị hướng dẫn nào khác, một vị thầy nào khác hay một con đường nào khác ngòai Đức Kitô. Mà muốn đi theo đường của Ngài thì phải yêu kẻ thù, tha thứ cho kẻ thù và chết cho người yêu...Muốn làm được điều này phải nhờ sự hướng dẫn và nhờ sức mạnh của Thần Khí.

Lạy Chúa, Chúa đã ưu ái kêu gọi đích danh và dẫn đưa từng người chúng con vào đời sống Ktiô hữu, xin cho chúng con luôn là những con chiên ngoan hiền biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn tuân theo ý Chúa qua các vĩ Mục Tử trong Hội Thánh, để không bao giờ chúng con bị tách khỏi tình thương hải hà của Chúa.

Sr.Mai an Linh OP

CHỦ CHIÊN và CON CHIÊN
Ga 10,1-10 

Một trong những hình ảnh gây ấn tượng và mãi ghi khắc trong tâm hồn của tôi là hình ảnh Chúa Chiên Lành. Tôi đã thấy hình này trên một bức tranh khá lớn lúc tôi còn nhỏ bé. Tuy nhiên, bức tranh Chúa Chiên Tốt đã làm cho tôi xúc động, đáng yêu và giữ mãi trong tâm trí. Bây giờ lớn lên là linh mục tôi càng cảm thấy hình ảnh Chúa Chiên Lành thật đáng quí, đáng yêu biết bao.

CHÚA YÊU CHÚNG TA : 

Chúa yêu thương nhân loại, yêu thương con người, yêu thương mỗi người chúng ta. Điều kỳ diệu vẫn là Chúa yêu thương chúng ta trước, Chúa đi bước trước đến với chúng ta trái ngược với ý nghĩ chúng ta tưởng mình yêu thương Chúa trước. Chúa yêu thương con người vô điều kiện, yêu thương vô bờ bến. Tình yêu của Ngài đối với chúng ta là tình yêu vô vị lợi, tình yêu tự hiến:" Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu mến"( Ga 15, 13 ). Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, Người biết chiên của Người và chiên của Người biết Người ( Ga 10, 14 ). Người yêu thương đàn chiên và yêu thương từng con chiên một. Đọc Thánh Vịnh 22 ( 23 ), Thánh Vịnh " Chúa Chiên Lành ", chúng ta như được ấm áp lên vì Chúa yêu thương chiên của Người, dẫn chiên đến các cánh đồng cỏ xanh tươi và những dòng suối mát trong lành. Chúa hiểu biết đàn chiên và từng nhu cầu của mỗi con chiên. Người biết những gì con người cần cho linh hồn cũng như thể xác của họ. Do đó, con người không sợ sệt, không lo âu, không xao xuyến, con người phải tin tưởng nơi Người. Chúa muốn mỗi người, mọi người chỉ nghe tiếng gọi yêu thương duy nhất của Người, tiếng gọi cứu độ và ơn giải thoát của Người. Chúa luôn yêu cầu con người, mỗi người hãy đặt sinh mạng, cuộc đời của mình trong bàn tay nhân từ của Người, đừng nghe theo bất cứ tiếng gọi nào vì có thể đó là tiếng gọi của tiền tài, danh vọng, tình dục, thế gian và ma quỷ.Chúa nói:" Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào"( Ga 10, 10 ). Chúa muốn chiên của Người được sống tràn trề bên dòng suối Lời của Chúa và được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh của Người. Chúa là cửa ràn chiên, Chúa quả quyết Người là Đấng cứu thế đến cứu chuộc mọi người, ai muốn được cứu độ phải đến với Người, tin vào Người và sống theo lời Người dạy.

NGÀY CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI 

Hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ. Vâng, Chúa cũng đã đến trong một gia đình có cha có mẹ để dạy cho nhân loại hiểu rằng con người phải phát xuất từ một gia đình trân thế. Chúa đã đến từ trời, từ gia đình của Thiên Chúa ngang qua một gia đình được Thiên Chúa Cha tuyển chọn từ đời đời. Người đã lớn lên, rồi tới giờ Chúa Cha định, Người đã mời gọi các môn đệ, các tông đồ đi theo Người. Chính vì thế, công cuộc cứu chuộc của Người cần được nhiều người cộng tác. Chúa mời gọi có nhiều tâm hồn quảng đại, tự nguyện đi theo Người để góp tay vào công việc cứu thế của Người. Nhân loại và đặc biệt mỗi người chúng ta cần cầu nguyện để cho có nhiều thanh niên nam, nữ dấn thân vô điều kiện, vô vị lợi để phục vụ đàn chiên của Chúa, bởi vì chiên không thể nào thiếu chủ chiên được. Mọi Kitô hữu phải siêng năng cầu nguyện, cổ vũ ơn gọi linh mục và tu sĩ, khích lệ, động viên tinh thần và góp tài chánh để các Chủng Viện, các Đại Chủng Viện, các Nhà Dòng có thêm vật chất để nuôi dưỡng và đào tạo ơn gọi. Đặc biệt các giáo xứ, giáo họ phải nâng đỡ ơn gọi và góp phần vào công việc đào tạo linh mục và tu sĩ cho giáo phận, cho nhà dòng. Giáo xứ, giáo họ và từng gia đình cần gây nên bầu khí đạo đức, đặc biệt từng gia đình cần khơi lên lòng ước ao cho con mình biết dâng mình cho Chúa bằng chính đời sống gương mẫu của gia đình mình. Nhờ đời sống gương mẫu, nhờ sự khuyến khích động viên của từng gia đình, ơn gọi sẽ nẩy sinh từ những gia đình đạo đức và biết cổ vũ ơn gọi. Chúa là cửa Chuồng Chiên và Chuồng Chiên là Giáo Hội, cửa đi vào Hội Thánh là tin vào Chúa Giêsu. Chuồng Chiên cũng là Nước Trời mà cửa chính phải qua cũng là Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho có nhiều thanh niên nam nữ biết dấn thân làm linh mục và trở nên tu sĩ thánh thiện nhiệt thành để nhiều người được nhận biết Chúa là Mục Tử Tốt Lành, là Chuồng Chiên, là Nước Trời. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT (Sưu Tầm vietcatholic.org)

1340    12-05-2011 18:33:40