Đối với người VN chúng ta thì hình ảnh "người chăn chiên" là một hình ảnh rất xa lạ, vì nước ta không chăn nuôi chiên như những ïngười Do thái thời xưa. Hơn nữa, trong khi cả đất nước đang nói đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện "đàn chiên và mục tử" thì e rằng chúng ta bị coi là người quê mùa, lạc hậu. Nhưng đối với người công giáo chúng ta, thì hình ảnh "chiên và mục tử" là một hình ảnh đẹp, đầy ý nghĩa, nói lên mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa luôn yêu thương, quan tâm, tận tình chăm sóc dân của người không chỉ về vật chất mà còn về tâm linh, không chỉ ở đời này mà còn cả đời sau nữa. Bài Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng cụ thể, Chúa Giêsu ví mình như một Mục Tử Nhân Lành, luôn quan tâm, chăm sóc, yêu thương đàn chiên của mình.
Mục Tử Nhân Lành đi qua cửa chính mà vào chuồng chiên. Anh gọi chiên bằng một tiếng gọi riêng, chiên nhận ra tiếng anh và đi theo. Còn mục tử giả hiệu thì trèo tường mà vào chuồng, chiên chẳng những không theo mà còn sợ hãi, chạy trốn, vì chúng không biết tiếng người lạ. Chúa Giêsu gọi những mục tử giả hiệu này là trộm cướp. Họ đến chỉ để giết hại và phá huỷ đàn chiên, còn Chúa Giêsu đến để chiên được sống và sống dồi dào, giữa chiên và Ngài có một mối dây thân thiết "Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi". Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với Ngài, đến nỗi Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho chúng.
"Ta là Mục Tử Nhân Lành", Chúa Giêsu đã nói như thế. Các bạn muốn được nuôi dưỡng, được chăm sóc, được hướng dẫn thì như Chúa Giêsu đã nói "Hãy theo Ta", nhưng các bạn hãy cảnh giác, đừng có bắt cá hai tay, nghĩa là các bạn không thể vừa nghe theo tiếng gọi của MTNL lại vừa nghe theo tiếng gọi của thế gian. Vì chính Chúa Giêsu đã cảnh cáo "các ngươi không thể làm tôi hai chủ được". Tiếng của MTNL luôn luôn đối nghịch với tiếng của thế gian và chúng ta sẽ chọn một trong hai "Ngươi sẽ ghét chủ này và yêu chủ nọ hoặc sẽ bỏ chủ này mà theo chủ kia" (Lc 16,13).
Chúa Nhật thứ IV PS hằng năm, còn gọi là Chúa Nhật Chúa Chăn Chiên Lành, Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho ơn thiên triệu, nghĩa là cầu xin Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều người trẻ biết hy sinh, biết quãng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu để dâng mình cho Chúa trong ơn gọi làm LM, làm tu sĩ. Đây là vấn đề sống còn của Giáo Hội. Giáo Hội hôm nay cũng như trong tương lai vẫn luôn cần đến sự hướng dẫn của các mục tử để đoàn chiên được sống trong đồng cỏ xanh tươi. Vì thế, suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, Chúa Giêsu vị Mục tử tối cao đã chọn các Mục Tử là các GH, các GM, các LM, Ngài trao phó cho họ tất cả với điều kiện là phải trở nên vị Mục Tử tốt lành như Ngài.
Để có những ơn gọi cho Giáo Hội, để có những thợ gặt cho cánh đồng truyền giáo, thì ngay từ hôm nay các bạn phải biết tập lắng nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu, hãy tập sống theo gương Chúa Giêsu, vị MTNL bằng cách cố gắng thực hiện 3 việc sau đây:
Biết sống hy sinh: sự khác biệt giữa người MTNL và người chăn thuê ở chỗ là có dám hy sinh vì đàn chiên của mình hay không? Sự hy sinh của các bạn hôm nay sẽ là dấu chỉ cho thấy tương lai các bạn trở nên Mục Tử như lòng Chúa mong ước. Sự hy sinh đó được thể hiện bằng những việc cụ thể như: tham dự thánh lễ mỗi ngày, mỗi tuần, tích cực tham gia các phong trào thiếu nhi thánh thể và giới trẻ trong họ đạo của mình. Biết giúp nhau vượt khó, hy sinh tiền quà bánh, tiền mua sắm để giúp bạn có điều kiện đến trường.
Biết quan tâm đến người khác: Từ nhỏ cho tới lớn các bạn được cha mẹ quan tâm nhiều, từ việc ăn uống tới học tập, từ việc ăn mặc tới nghỉ ngơi. Điều này có thể dẫn các bạn đến chỗ đánh mất ý thức là chính các bạn phải quan tâm đến người khác. Quan tâm tức là nhìn thấy công ơn to lớn của cha mẹ mà cảm ơn, sống tốt. Quan tâm là biết trở thành đứa con ngoan trong gia đình qua việc cố gắng phụ giúp cha mẹ, cố gắng học hành cho thật tốt. Quan tâm là biết giúp đỡ, biết quên mình để phục vu ïcho lợi ích tha nhân, biết vui với niềm vui và buồn với nỗi khổ của người khác.
Sống có lý tưởng, có ước mơ: Sống là phải có lý tưởng, phải có ước mơ. Ước mơ làm LM, làm thầy giáo, làm kỹ sư, làm bác sĩ.....chính những ước mơ đó sẽ là động lực giúp các bạn phấn đấu vượt khó để vươn lên. Những ước mơ đó sẽ thôi thúc các bạn học và thực hành theo vị Mục Tử Giêsu đã làm là: hy sinh, quan tâm tới tha nhân và sống theo lý tưởng cao đẹp mà Chúa đã mời gọi. Amen
CHÚA NHẬT IV PS A
Ga 10, 1 - 10
Chúa nhật thứ 4 phục sinh được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên lành và cũng là ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.
Vì sao lại gọi Chúa nhật thứ 4 phục sinh được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên lành và vì sao lại gọi hôm nay là ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ?
Hình ảnh mà các bài đọc hôm nay trình bày cho chúng ta là hình ảnh người mục tử nhân lành. Chúa Giêsu đã tự ví mình là vị mục tử đó: "Ta là người mục tử nhân lành" (Ga 10, 11). Ngài đã dùng hình ảnh quen thuộc để mạc khải lòng yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa đối với con người và nhất là sự chăm sóc bảo vệ của Ngài đối với những ai tin nhận Ngài.
Thế nào là một mục tử nhân lành? Chính Chúa Giêsu đã chỉ rõ cho thấy người mục tử nhân lành phải có những ưu phẩm như là biết chiên, mục tử phải biết tâm tính của từng con chiên, biết rõ tình trạng hiện tại của chúng khoẻ mạnh hay đau bệnh tật. Biết rõ từng con, biết từng đặc điểm của chúng nên dễ dàng gọi đúng tên từng con. Bên cạnh đó, mục tử phải biết chăm sóc chiên, mục tử dẫn chiên đến đồng cỏ xanh, đến suối nước mát trong; giữ chiên tránh xa chỗ hiểm nguy của hố sâu, của sói dữ hay thác ghềnh. Mục tử phải lùa chiên vào chuồng cho kịp trời tối. Quan tâm càng nhiều thì đòi hỏi sự nhạy bén và vất vả càng cao. Hơn nữa, mục tử phải có tinh thần hy sinh là dám hiến mạng cho đàn chiên. Hy sinh để bảo vệ cho đàn chiên, bảo vệ cao độ đến nỗi không còn nghĩ ngợi về bản thân mình cho đàn chiên, quan tâm sự sống của chiên con, đặt lợi ích sự sống của chiên trên mạng sống của mình. Có dấn thân trong hy sinh mới hy vọng mang lại kết quả tích cực. Có yêu mến đàn chiên thì mới mong có hy sinh. Đàn chiên Chúa đang và luôn cần những con người biết yêu thương và hy sinh như Mục tử Giêsu.
Mục tử nhân lành hy sinh bản thân mình để chăm lo cho đàn chiên được phát triển tốt. Xuất phát từ tấm lòng nhân hậu và đầy yêu thương của người mục tử đối với đàn chiên mình, Mục Tử Giêsu quan tâm, để hết tâm huyết, đặt hết tình cảm của mình vào đàn chiên. Ngài xứng đáng là mục tử nhân lành gương mẫu, Ngài chăm sóc đàn chiên không nhằm mục đích làm kinh tế, không nhằm để bán lông, bán thịt. Ngược lại, Ngài quan tâm chăm sóc hết từng con chiên: "Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta", Ngài quan tâm chăm sóc đến những nhu cầu căn bản của đời sống của chiên con để chúng được no đủ và được bảo vệ, được an vui và hạnh phúc: "Ta đến để chúng được sống và sống đời đời." (Ga 10,14-15 )
Vì thế, khi so sánh mình với người mục tử tốt lành, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: Ngài chính là tiêu chuẩn, là mẫu mực để xác định sứ mạng đích thực của những người được gọi và tuyển chọn cộng tác với Ngài trong sứ mạng coi sóc đoàn chiên là cộng đoàn những kẻ tin Chúa.
Hôm nay là ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Từ nhiều năm nay, Giáo Hội dành riêng Chúa Nhật thứ tư Mùa Phục Sinh để kêu gọi người Kitô hữu cầu nguyện cho ơn kêu gọi. Thật thế, ngày nay nhiều nơi trên thế giới đang cần linh mục, tu sĩ. Giáo Hội luôn cần đến sự chăm sóc của các mục tử nhân lành để đoàn chiên được sống trong đồng cỏ xanh tươi. Giáo Hội vẫn cần đến các tu sĩ sống đời thánh hiến, để thế giới hiểu được thế nào là tình yêu, thấy được những thực tại vô hình, và vươn lên khỏi cái tự nhiên, bình thường, hợp lý. Được làm Kitô hữu là một ơn gọi của Thiên Chúa. Mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng, nhưng một số người được mời gọi đặc biệt để dấn thân cách trọn vẹn hơn cho Nước Chúa và bắt chước Đức Giêsu tận căn hơn. Khi đã quen nghe tiếng Chúa trong Thánh Kinh, người trẻ sẽ dễ nghe được tiếng Chúa mời gọi vang lên từ sâu thẳm của con tim mình. Biết chuyên tâm cầu nguyện, dành ưu tiên cho đời sống tâm linh, coi trọng việc cầu nguyện riêng tư, lặng lẽ trước nhan Chúa, người trẻ mới dám đáp lại tiếng Chúa kêu mời, quên mình để phục vụ cho lợi ích của tha nhân, khao khát làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa. Từ đó những bạn trẻ quảng đại sẽ được thúc đẩy dâng trọn đời mình để làm cho Chúa Kitô được nhận biết. Một Giáo Hội mạnh mẽ sẽ cho nhiều ơn gọi. Giới trẻ hôm nay không thiếu lòng quảng đại, không thiếu lý tưởng và những ước mơ cao cả. Họ cần có ai đó giúp họ gặp được Đức Giêsu, say mê con người Ngài, và chia sẻ nỗi bận tâm của Ngài về thế giới. Họ cần có ai đó giúp họ nghe được tiếng kêu của bao người đói khát chân lý và công lý, giúp họ cảm nhận được bổn phận lớn lao là xây dựng trái đất thành mái ấm yêu thương. Giới trẻ cần những người thầy, người bạn dám sống điều mình tin giữa muôn vàn khó khăn và giúp họ đứng vững trước cơn lốc của cám dỗ. Vì thế bổn phận truyền giáo là của mỗi người, hơn nữa, cộng đoàn cố gắng sống đức tin là vườn ươm ơn gọi để phục vụ Giáo Hội Chúa Kitô mà mỗi người đều có trách nhiệm cộng tác.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim mục tử nhân lành như Chúa. Xin cho mỗi người tín hữu chúng biết sống đức tin, cậy, mến và cho chúng con có những ơn gọi như Mục Tử Giêsu nhân lành. Amen.
CHỦ CHIÊN NHÂN LÀNH
Ga 10, 1-10
Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào ...
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật hôm nay được gọi là chúa nhật:Chúa chiên lành; chủ đề này dựa vào bài Phúc âm trong thánh lễ, nhất là dựa vào lời tự xưng của Chúa Giêsu: "Ta là Mục tử tốt lành...Ta biết các chiên Ta, và chiên Ta biết Ta". Có người nói: Chúa Giêsu nói như thế là quá lố, vì họ không tin Chúa...Thực ra, Chúa Giêsu là Chúa của Sự Thật, làm sao Người có thể nói thêm nói bớt, làm sao Người có thể dối gạt ta được? Con người do ảnh hưởng tội nguyên tổ, nên tánh còn xấu xa, con người mới dối gạt, lừa đảo nhau... Đây chính là chủ đề mà Hội Thánh muốn chúng ta suy niệm trong ngày chúa nhật hôm nay...
a/. Có một vài điều chúng ta cần lưu ý: Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, nên Người:
Luôn hiện diện bên đàn chiên: Chúa Giêsu thực là vị mục tử tốt lành, vì chính Chúa nói: "Thầy sẽ luôn ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.." Sau khi Chúa về trời cho đến hôm nay, Hội thánh luôn cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong Hội Thánh, tuy là sự hiện diện không hữu hình như xưa khi Chúa đi giảng dạy bên các tông đồ; nhưng rõ ràng các thánh, cả các người tín hữu luôn thấy Chúa hiện diện ngay trong cuộc sống của mình....
Cha Phaolô Mừng, sau năm 1975, được về làm sở Cái Đôi, một họ đạo ven biển của tỉnh Trà Vinh, nay gọi là Huyện Duyên Hảị Trong một thời gian khá lâu, có đến 10 năm, Cha không bao giờ đi đâu cả, ngay cả khi cuối năm, phải đi tĩnh tâm hàng năm, chung với các Cha, Cha cũng không đi nữa... Có người hỏi Cha: Tại sao vậy Cha cười cười và trả lời: "nước đổ ra biển, có khi nào nước đổ trở lên nguồn?" Sau này, sau những năm 1990, có người mới hỏi lại Cha về chuyện cũ, Cha lúc đó mới trả lời rõ ràng: "đó là thời kỳ bao cấp, rất khó khăn, mình là chủ chăn mà, bỏ họ đạo mà đi coi chừng mất nhà thờ, mất họ đạo, ai thường cho mình. Thà là...cứ bám trụ, có chết cùng chết với họ đạo...." Rõ ràng đây là một tấm gương mục tử sáng chói luôn hiện diện vui buồn, sướng khổ với họ đạo....
Biết rõ từng con chiên: Chúa Giêsu, vị mục tử tốt lành, nên Người biết rõ từng con chiên: con nào đau ốm - con nào bị tật nguyền - con nào thiếu thốn... Không có bất cứ điều gì khác lạ nào nơi con chiên mà vị Mục tử Giêsu không biết; chính vì lẽ đó mà Chúa Giêsu đã nói, không hề có chút kiêu kỳ: "Ta biết con chiên của Ta, và chiên của Ta cũng biết Ta".
Trong đời cha Thánh Curé D'Ars, ngài có thói quen hầu như mỗi khi viếng Chúa hay nguyện gẫm, ngài thường đem theo quyển sổ các gia đình công giáo trong họ đạọ Người ta nói ngài lật từng trang, xem qua các gia đình và cầu nguyện cho họ. Cha Thánh họ Ars hầu như biết rõ từng con chiên trong họ đạo của cha....
Hy sinh tính mạng mình vì đàn chiên: Ai đã đọc qua thiên hồi ký ghi lại cuộc hành trình truyền giáo của các cha Thừa sai Paris, cho người Thượng (ngày hôm nay là địa phận Kontum và Buôn ma Thuột), sẽ thấy vô cùng cảm phục vì sự hy sinh, vì sự bỏ mình vì đàn chiên của các ngàị Sống giữa rừng thiêng nước độc, đủ mọi thứ hiểm nguy, ăn uống thiếu thốn, dã thú, bệnh tật kiết lỵ, rét rừng, triều đình rình rập bắt bớ, thái độ e dè của kẻ ngoại cuồng tín. Vậy mà các ngài vẫn không sợhãi, vẫn sẳn sàng chết cho Chúa Kitô và các linh hồn. Gương hy sinh liều mình như thế, thử hỏi ngày nay chúng ta có gì để so sánh bằng các ngài không? Rõ ràng các ngài muốn bắt chước gương cao cả của Thầy Chí Thánh mình .....
b/. Gợi ý sống và chia sẻ: Chúa Kitô thực sự là Mục tử tốt lành. Các thánh cũng là những mục tử tốt lành, theo gương Chúa Kitộ Còn phần chúng ta, chúng ta có muốn là những con chiên tốt lành của Chúa Kitô không?
"Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào". Đây là những lời nói phát xuất từ tình yêu và tấm lòng của người mục tử sống hết mình vì đoàn chiên của mình. Nhưng đồng thời khi nghe những lời yêu thương này có người sẽ tự hỏi: thế nào là sống và sống dồi dào nghĩa là gì? Nơi những người chưa có niềm tin hoặc niềm tin còn non kém thì có lẽ sẽ tự hỏi rằng: Nếu Ngài không đến thì chúng tôi sẽ chết hết hay sao? Đâu là ý nghĩa của vấn đề mà Chúa Giêsu nói với chúng ta? Chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề với ý nghĩa đích thực của nó.
1.Thế nào là sống?
Nếu hiểu chữ sống là "có sinh khí và hoạt động" thì có lẽ nhiều người sẽ nói rằng: tôi đâu có tin Chúa và cũng chẳng cần Chúa đâu mà tôi vẫn sống và sống mạnh khoẻ đây. Thật ra, đó là thái độ của con người còn mê lầm và chưa nhận ra sự thật. Sự thật là Chúa đã dựng nên con người và ban cho họ sự sống trong tình yêu quan phóng của Ngài dù con người có nhận ra điều đó hay không?
Nhưng ở đây, khi Chúa Giêsu nói: "Ta đến để cho chúng được sống" thì từ "sống" mang một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.Nó vượt lên trên ý nghĩa là "có sinh khí và hoạt động". Sự sống mà Chúa Giêsu mang đến cho những ai tiếp nhận Ngài chính là sự sống đích thực và vĩnh cửu vì Ngài là nguồn của sự sống. Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định: "Ta là nước hằng sống, là Bánh trường sinh, là sự sống lại và là sự sống".
Dân Do thái ngày xưa đã sống trong sa mạc 40 năm trường và được ăn bánh mà họ gọi là bánh bởi trời là Manna để trải qua thời gian sa mạc đó. Nhưng đó không phải là bánh bởi trời đích thực vì bánh đó không phải là bánh của sự sống và không có khả năng ban sự sống cho con người.Chính Chúa Giêsu mới là : "Bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời" (Ga 6, 58).
Đức Giêsu cũng tỏ ra cho người phụ nữ xứ Samaria rằng: chính Ngài là Nước hằng sống khi chị này đến lấy nước tại giếng mà họ tự hào là của tổ phụ Giacop để lại.. Chúa nói : "ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ còn khát nữa và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời" (Ga 4, 14).
Với phép lạ Chúa Giêsu phục sinh cho Lazarô, Ngài cũng tỏ cho chúng ta thấy Ngài chính là sự sống: "Ta là sự sống và là sự sống lại" (Ga 11,25).
Như vậy, Chúa Giêsu đến với con người trong tư cách là mục tử nhân lành, mục tử hiến mạng sống mình vì đoàn chiên là chúng ta, để qua Ngài là nước hằng sống, là bánh trường sinh, là sự sống . . . Chúng ta có được sự sống đích thực. Với sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu, Ngài đã ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài đã phán với chúng ta : Ta là Nước hằng sống, là Bánh trường sinh, là sự sống, là Sự sáng trần gian . . .
2. Sống dồi dào là thế nào?
Nếu chúng ta nghĩ rằng sống dồi dào là sống tiện nghi, dư ăn dư để . . . thì có lẽ chúng ta cũng không thấy cần Chúa Giêsu đến với chúng ta làm gì. Vì thực tế, có nhiều người không hề tin Chúa mà họ vẫn sống giàu sang, của cải dư đầy, không thấy thiếu một thứ gì cả.
Nhưng "sống dồi dào" theo ý của Chúa Giêsu là sống vui tươi, hạnh phúc và tự do dù có thể họ không giàu sang và thành đạt theo kiểu thế gian.
Sống dồi dào là sự sống của những con người tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa. Mà Thần Khí vốn là tự do "Gió muốn thổi đâu thì thổi". Vì thế, ai còn bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì dù là tiền của, công việc, gia đình, luật lệ . . . thì họ quả là người đáng thương dù cho họ có đầy đủ mọi thứ của cải trần gian.
Tự do là phẩm giá cao trọng quí nhất của con người. Vậy chúng ta có thật là người tự do chưa? Hãy kiểm điểm xem điều gì còn làm cho chúng ta bận tâm hay đang trói buộc chúng ta, khiến chúng ta chưa có được sự sống dồi dào của Chúa. Hãy chạy đến với Đức Giêsu để chính Ngài sẽ ban lại cho chúng ta sự sống đích thực và được sống dồi dào.
Hôm nay cũng là ngày mà Giáo hội dành cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Chúng ta hãy cầu xin cho Hội thánh Chúa có nhiều người biết quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa để sống đời hiến dâng vì Chúa, vì Nước Trời và vì hạnh phúc của con người.
Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa cho các vị đang có trách nhiệm hướng dẫn và lãnh đạo dân Chúa biết noi gương Chúa Giêsu đến để làm cho chiên được sống và sống dồi dào qua đời sống hy sinh, dấn thân và phục vụ.
2017 12-05-2011 18:47:57