Sidebar

Thứ Ba
18.03.2025

Chúa Nhật IV TN B_4

NHỮNG HOẠT ĐỘNG VÀ SỰ CẦU NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU
Mc 1,29-39

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay tường thuật cho chúng ta về những hoạt động và những giờ phút yên tĩnh của Ðức Giêsu khi Người bắt đầu đời sống công khai ở Ga-li-lê-a. Suốt cả một ngày Người đã luôn năng nỗ và không bao giờ mỏi mệt chu toàn sứ mệnh mà Chúa Cha đã giao phó. Sứ mệnh chính yếu của Người là việc rao giảng Nước Thiên Chúa cho hết mọi người : « Chúng ta hãy đi sang các làng bên cạnh; Thầy cũng muốn rao giảng ở những chỗ đó nữa, bởi vì Thầy được sai đến là để làm chuyện đó ». Lời nói này của Ðức Giêsu đã giúp chúng ta hiểu được chính xác hơn mục đích của những phép lạ Người đã làm : Tất cả đều nhắm phục vụ cho công cuộc thuyết giáo của Ðức Giêsu về « Nước Trời sắp đến gần ». Mọi lời giảng dậy và mọi việc Người làm đều hoàn toàn nhắm tới sứ mệnh rao giảng Tin Mừng như mục đích duy nhất. Trước hết những lời nói và việc làm của Người là mạc khải cho những người có đức tin mầu nhiệm về Nước Thiên Chúa (x. Mc 2,10-12; 4,11). Như có lần thánh Augustinô đã viết : « Các phép lạ cũng có ngôn ngữ riêng, nếu như người ta hiểu được chúng : Chúng nói về Ðức Kitô » (In Johann. Tr.24,2)

Bởi vậy, Phúc Âm nhắc lại cho chúng ta về Ðức Giêsu, Ðấng đã chữa lành cho bà mẹ vợ của Simon, cho những bệnh nhân và những người bị quỉ ám mà vào cuối ngày người ta đã khiêng tới đặt trước cửa nhà Simon và Anrê để xin Người chữa cho. Nhưng việc quan trọng không phải là để mong được chữa lành bệnh, nhưng là để lắng nghe Ðức Giêsu thuyết giáo về Nước Trời. Tiếp đến, ngày xưa cũng như hôm nay, điều người ta cần phải làm là dứt khoát đáp lại lời kêu mời của Ðức Giêsu và sống như Người đã sống.


Tuy nhiên, một khi người ta đã không muốn tin và không đáp lại lời mời gọi của Ðức Giêsu thì cũng không thể hiểu biết được lời giảng và việc làm của Người (x. Mc 8,11). Dù cho họ có chứng kiến hay nghe nói về các phép lạ Người đã làm bao nhiêu lần đi nữa, thì con mắt tâm hồn họ vẫn trong cảnh mù lòa (x. Mc 4,12).


Do đó Ðức Giêsu đã dứt khoát và mạnh mẽ từ chối chứng nhân của ma quỉ. Người chỉ muốn thức tĩnh đức tin nơi mỗi người bằng chính lời nói và việc làm của mình. Do đó Người đã bỏ thành Ca-pha-na-um để đi sang các thôn xóm kế cận rao giảng. Ðức Giêsu giảng thuyết cho dân chúng về Nước Thiên Chúa và trừ khử ma quỉ. Vì Người đến trong thế gian là để thực thi chuyện đo.


Những hoạt động hăng say cho Nước Trời như thế của Ðức Giêsu chỉ bị gián đoạn bằng những giờ phút cầu nguyện hàn huyên với Chúa Cha trong nơi thanh vắng. Ðó chính là những giờ phút nghĩ ngơi yên tĩnh của Người. Nơi Ðức Giêsu : cuộc sống và sự cầu nguyện, cầu nguyện và cuộc sống hoàn toàn đan kết chặt chẽ với nhau : « Vào buổi sáng sớm, khi trời còn tối, Ðức Giêsu đã chỗi dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó ». Ðây là lần đầu tiên thánh sử Mác-cô tường thuật về sự cầu nguyện của Ðức Giêsu. Trong những phần kế tiếp của bản Phúc Âm, thánh nhân còn trình bày chân dung Ðức Giêsu như là gương mẫu trong sự cầu nguyện, và đồng thời thánh nhân cũng đã nhắc đến lời cảnh giác của Ðức Giêsu là phải cầu nguyện thế nào cho đúng đắn.


Trong bốn thánh sử ghi chép Phúc Âm chỉ có thánh Mác-cô nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu đã đi tới một nơi thanh vắng để Người cầu nguyện. Vâng, đoạn Phúc Âm ghi lại là sau khi làm phép lạ đầu tiên khiến bánh hóa nhiều để nuôi dân chúng, Ðức Giêsu đã đi lên Núi một mình « để cầu nguyện » (6,46). Trong Phúc Âm thánh Mác-cô người ta còn đọc được lời cầu nguyện tha thiết của Ðức Giêsu cùng Chúa Cha trong cơn sầu khổ tột độ : « Áp-ba, Cha ơi » (14,36). Kiểu nói « Áp-ba, Cha ơi » trong tiếng mẹ đẻ của Ðức Giêsu là kiểu nói đầy trìu mến của một đứa trẻ nói với cha ruột của mình. Kiểu nói « Áp-ba, cha ơi » vào thời Ðức Giêsu chưa một ai dám xử dụng để xưng hô với Thiên Chúa. Chỉ có Ðức Giêsu là người đầu tiên duy nhất đã xử dụng kiểu nói đó. Ðúng vậy, như một đứa bé lúc gặp phải nguy tử đã chạy đến ôm chặt vào cha mình, Ðức Giêsu đã chạy đến cùng Chúa Cha và tin tưởng van nài : « Áp-ba, Cha ơi, đối với Cha tất cả mọi sự đều có thể. Xin Cha cho con khỏi uống chén đắng này. Tuy nhiên, xin Cha đừng làm theo ý con, nhưng hãy làm theo ý Cha » (14,36). Tình con thảo và lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối của Ðức Giêsu trong khi câu chuyện trao đổi với Chúa Cha trên đã giúp cho chúng ta hiểu rõ được lời cầu nguyện của Người trong lúc hấp hối trên thánh giá: « Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con ? » (15,14). Ðây không phải là lời kêu hốt hoảng vô ý thức hay một sự bộc lộ thất vọng cay đắng. Trái lại, trong cơn hấp hối đầy sợ hãi, Ðức Giêsu đã xướng lên câu đấu của một thánh vịnh (Tv 22,2) như một lời nguyện thầm, mà kết cấu là sự phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa : « Chúa đã nhậm lời con xin » (Tv 22,22)


Ðức Giêsu cầu nguyện luôn và người mời gọi chúng ta cũng hãy cầu nguyện không ngừng. Thánh sử Mác-cô đã ghi lại những lời nhắc nhở của Ðức Giêsu về sự tĩnh thức cầu nguyện. Vâng, con người luôn phải siêng năng và tĩnh thức cầu nguyện, vì cuộc đời con người là một cuộc chiến đấu dằng co với đủ mọi thứ thù địch, trong đó gay cấn nhất là cuộc « nội chiến » trong chính mình : Con người phải chiến đấu chống trả những cám dỗ (14,38), những xu hướng và những đòi hỏi quá độ của thân xác. Tiếp đến, con người phải đề phòng những nghịch cảnh và những hoạn nạn sẽ xảy đến trong những ngày sau hết (13,18tt). Nhưng theo Phúc Âm Mác-cô, muốn cho lời cầu xin của mình được chấp nhận, con người cần phải thỏa mãn được hai điều kiện tiên quyết mà Ðức Giêsu đã đặt ra, đó là sự tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa (11,22-24) và sự luôn sẵn sàng tha thứ, hòa giải với đồng loại (11,25; Mt 6,14-15).


Trong cuộc đời công khai của Ðức Giêsu, những giờ phút cầu nguyện yên tĩnh trong nơi thanh vắng thực sự là thời gian tĩnh dưỡng, là thời gian « lấy lại sức » để tăng cường cho các hoạt động thuyết giáo của Người. « Ora et labora » - Cầu nguyện và làm việc - đã được Ðức Giêsu bắt đầu ở Na-da-ret trong suốt 30 năm trời và nay lại được tiếp tục trong cuộc sống công khai của Người. Ðiều đó đã đủ nói lên rằng : Cầu nguyện và hoạt động là hai điều kiện tất yếu cho cuộc sống của tất cả mọi Kitô hữu và nhất là của những ai dấn thân làm việc Tông đồ rao giảng Nước Thiên Chúa.


Một điểm khác đáng ghi nhận trong phần cuối bài Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay là thánh sử Mác-cô đã nhắc đến thánh Phêrô. Với tính bộc phát và hăng hái sẵn có của mình, Simon Phêrô đã dẫn các bạn đồng nghiệp đi lục soát tìm kiếm Ðức Giêsu khắp nơi, và khi gặp được Người đang cầu nguyện trong một nơi hoang vắng liền thối thúc Người : « Thưa Thầy, ai nấy đều đi tìm Thầy đó », chứ ông không hề nghĩ đến chuyện phải tôn trọng « giờ cầu nguyện » của Thầy. Chắc chắn rằng vào lúc bấy giờ Simon Phêrô chưa hiểu được việc cầu nguyện đối với Ðức Giêsu quan trọng như thế nào ! Ông cũng chưa biết đánh giá được sự yên tĩnh, sự lắng đọng của tâm hồn, hầu có thể nghe được tiếng Chúa, hầu có thể chìm sâu vào trong cầu nguyện !


Phải chăng trong cuộc sống hằng ngày đã có biết bao lần chúng ta cũng đã tư duy và hành động tương tự như Simon Phêrô xưa ? Thật sự, đời sống đức tin, đời sống Kitô hữu của chúng ta đang phải đứng trước những mối đe dọa nguy hiểm trầm trọng, nếu chúng ta - vì bất cứ lý do gì - coi thường hay rút ngắn những giờ phút cầu nguyện yên tĩnh trong sự lắng đọng của tâm hồn, để lao mình vào đủ thứ công việc - công việc sinh nhai cũng như công việc tông đồ. Vì đời sống một người mà thiếu cầu nguyện, những hoạt động tông đồ mà không có sự cầu nguyện kèm theo thì chỉ là cái xác không hồn hay chỉ là những chiếc xe thiếu xăng dầu.


Vâng, bài Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay tường thuật về các hoạt động và cầu nguyện của Ðức Giêsu, đã đặt ra cho lương tâm mỗi người Kitô hữu một vấn nạn thực tiễn : Liệu trong suốt chuỗi ngày sống, tôi còn dành cho mình có được giây phút nào đó để cầu nguyện nữa không ? Ước gì gương sống của Ðức Giêsu - Ora et labora - có được « tiếng dội » trong những ngày sống sắp tới của chúng ta.

LM Nguyễn Hữu Thy

THẦN TÍNH CHÚA ĐƯỢC VÉN MỞ
Mc 1, 21 - 28

Trách nhiệm của một tín hữu Dothái trong ngày lễ Sabát là đến hội đường để cùng nhau cầu nguyện, hát thánh vịnh và đọc sách luật. Chúa Giêsu cũng vậy. Người không miễn trừ cho mình khỏi trách nhiệm ấy. Thế nhưng, ngoài nhiệm vụ của một công dân Dothái chu toàn luật ngày Sabát, Chúa Giêsu còn đến hội đường để giảng dạy. Hội đường mà Chúa Giêsu đến giảng dạy hôm nay thuộc Caphácnaum, một thành nằm ở tây bắc biển hồ Galilê và cách phía tây cửa sông Giođan độ 4 cây số. Chính tại đây, Chúa Giêsu giảng dạy và chữa lành người bị thần ô uế ám như một Đấng có uy quyền.

Điều các tín hữu Dothái nhận thấy nơi lời giảng dạy của Chúa Giêsu có gì đó rất khác so với những gì họ từng nghe các Kinh sư giáo huấn. Điểm khác biệt ở đây chính là Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng có đầy đủ uy quyền chứ không như các Kinh sư của họ. Chúng ta biết các Kinh sư thường dựa vào lời các ngôn sứ hoặc dựa vào truyền thống của tiền nhân để giảng dạy. Chính vì thế, lời giáo huấn của họ phần lớn rập khuôn theo truyền thống mà không có sự sáng tạo, thiếu đi tính tự nhiên. Còn với Chúa Giêsu thì ngược lại. Lời giáo huấn của Người dựa vào uy quyền của Thiên Chúa. Lời giáo huấn của Chúa Giêsu chính là Lời Thiên Chúa nên lời đó có giá trị vĩnh cửu. Bởi Chúa Giêsu chính là Lời hằng sống đến từ Thiên Chúa, nên giáo huấn của Người là giáo huấn tinh tuyền, giáo huấn tình yêu và lòng bao dung tha thứ. Lời Chúa là lời sống động, có sức thu phục và cải biến lòng người. Chính vì thế, tín hữu Dothái bị thu hút và sửng sốt kinh ngạc trước những giáo huấn mà Chúa Giêsu giảng dạy cũng là điều dễ hiểu.


Chúa Giêsu không chỉ có uy quyền trong lời giáo huấn, uy quyền đó còn được tỏ hiện trong hành động. Điều này được thể hiện qua việc Người chữa lành cho người bị thần ô uế ám. Dân chúng ngày xưa quan niệm rằng tất cả sự dữ hay bệnh tật trên thế gian này đều do bàn tay của ác thần. Chính vì thế, khi có người nào bị bệnh, dân ngoại- kể cả dân Dothái, thường hay chạy đến với các thầy phù thuỷ, các pháp sư hay một vị nào đó có thẩm quyền về tôn giáo để nhờ can thiệp, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi sự quấy nhiễu của ác thần. Chính vì thế, đứng trước uy quyền của Chúa Giêsu, thần ô uế phải khiếp sợ, bởi hơn ai hết, nó biết rõ Chúa Giêsu là ai. "Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!". Với câu nói này, vô hình trung, ma quỷ đã nói chính xác danh tính Chúa Giêsu là Đấng Mêsia- người được xức dầu Thánh hiến. Đấng được xức dầu thánh hiến đến trần gian cũng có nghĩa là thời của ác thần đến ngày tận số. Chúa Giêsu không thoả hiệp với sự dữ. Người làm tất cả để cứu con người ra khỏi ách thống trị của ác thần. Chính điều này đã làm cho ma quỷ phải trục xuất khỏi người bệnh, trả anh về với con người tinh tuyền không vương tội lỗi. Khi ma quỷ ra khỏi con bệnh cũng có nghĩa là từ nay, anh là người có Chúa ở cùng. Có Chúa là có tất cả, không còn bất cứ sự dữ nào có thể tấn công và làm hại anh.


Thời đại chúng ta đang gánh chịu sự quấy nhiễu của ác thần. Sự tác quai tác quái do các thế lực sự dữ gây ra cho thế giới này tưởng chừng làm chúng ta quỵ ngã, đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Một thế giới tục hoá, không tôn trọng sự sống; một thế giới đầy dẫy những bất công và đói nghèo; một thế giới thù hằn ngày càng chồng chất, chiến tranh, khủng bố đe doạ đến sự tồn tại của nhân loại. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, thế giới này cần biết bao sự hiện diện của Chúa. Và ước gì câu nói của Chúa xưa khiến cho thần ô uế xuất ra khỏi người bệnh, nay cũng được vang lên để thế giới này bớt đi hận thù, chia rẽ thay vào đó là một thế giới biết quý trọng sự sống, biết yêu thương và phục vụ hướng tới một thế giới đại đồng trong sự chúc phúc của Thiên Chúa.


Thần tính của Chúa Giêsu được vén mở cho nhân loại để từ đây nhân loại không chỉ nhận thấy uy quyền của Chúa trong lời rao giảng mà còn cả trong việc làm của Người nữa. Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta tái khám phá Thần tính ấy để không ngừng xin Chúa gia tăng niềm tin, cậy, mến để vượt thắng thần ô uế đang ngự trị trong thế giới này.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN
Mc 1,21-28

1. Đoạn Tin Mừng này mở đầu cho một đơn vị văn chương trải dài từ câu 21 đến c 34, được gọi là "Một ngày ở Caphácnaum", trong đó Marcô liệt kê và mô tả những việc làm tiêu biểu của Chúa Giêsu trong một ngày. Việc thứ nhất là giảng dạy, việc thứ hai là trừ quỷ. Đáng chú ý là Chúa Giêsu làm cả hai việc một cách rất uy quyền.

2. "Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư": Khi giảng dạy, các rabbi do thái phải dựa theo truyền thống cha ông chứ không dám có ý kiến riêng; còn Chúa Giêsu thì lấy chính sứ điệp của mình ra giảng dạy, và Ngài dạy một cách xác tín trong tư cách là Đấng Messia.


3. Và cũng bằng uy quyền đặc biệt ấy, Đức Giêsu làm một hành động phi thường, là buộc quỷ xuất khỏi một người bị nó ám.


4. Phản ứng của dân chúng: "Mọi người sửng sốt và hỏi nhau thế nghĩa là gì": Họ hỏi nhau về nét mới mẻ trong lời giảng của Ngài và về uy quyền đặc biệt của Ngài trên cả tà thần. Câu hỏi này cũng tương đương với câu hỏi "Ông là ai?", là câu hỏi sẽ được lập đi lập lại mãi trong tác phẩm.


1. Mở đầu hoạt động công khai của mình, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là nhằm thuyết phục người ta tin tưởng vào quyền năng của Ngài, quyền năng trong lời giảng dạy và trong hoạt động. Thái độ đầu tiên ta phải có đối với Chúa Giêsu cũng là phải tin tưởng vào quyền năng của Ngài.


2. Nhưng tin tưởng không phải chỉ là tin suông mà còn phải dám phó thác vào Ngài, đừng như câu chuyện sau:


Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế la lấy hết sức lực, người vô thần la lớn: "Lạy Chúa". Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: "Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa." Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: "Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế." "Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất." Tiếng ấy trả lời: "Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra." Người vô thần thất vọng thốt lên: "Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao!" (Trích "Món quà giáng sinh")


3. Một bé trai hỏi bố: - Quỉ lớn hơn con không? - Lớn hơn.

- Quỉ lớn hơn bố không? - Lớn hơn.
- Quỉ lớn hơn Chúa Giêsu không? - Không con ạ. Chúa Giêsu lớn hơn quỉ.
Chú bé thinh lặng, rồi mỉm cười: "Vậy con không sợ quỉ." (Góp nhặt)

Lm Trọng Hương

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN
Mc 1:21-28

Ngay ngày sa-bát, Ngài vào hội đường giảng dạy...
Phúc Âm hôm nay trích từ trình thuật Marcô về một ngày hoạt động của Đức Giêsu tại Capernaum, cạnh biển hồ Galilêa. Bản văn chứa đựng hai đặc điểm làm chủ chốt cho sứ vụ công khai của Ngài: giảng dạy và chữa lành (hay trừ quỷ).

Đức Giêsu giảng dạy dân chúng, nhưng giáo huấn của Ngài khác biệt một trời một vực với huấn giáo của các kinh sư. Ngài dạy dỗ với thẩm quyền cá nhân (personal authority). Không có kinh sư nào đã tự mình đưa ra được một quyết định, mà luôn luôn phải dựa vào Luật Môsê. Đức Giêsu khác các kinh sư biết bao! Khi Ngài mở lời, Ngài mở lời như thể Ngài không cần quyền bính nào vượt trên mình nữa. Ngài nói với sự độc lập hoàn toàn. Ngài không trích dẫn thẩm quyền nào và không đưa ra chuyên gia nào. Ngài lên tiếng bằng tiếng nói thẳm cùng của Thiên Chúa (the finality of the voice of God). Giọng Ngài đầy quyền uy đã khiến "thiên hạ sửng sốt" (c. 22).


Nếu lời nói của Đức Giêsu làm kinh ngạc dân chúng trong hội đường, hành động của Ngài đã khiến họ như bị sét đánh. "Một người bị thần ô uế nhập" (c. 23), gây náo động, đã được Đức Giêsu chữa lành.


Thần ô uế hay ma quỷ được Satan cai quản. Chúng hoạt động nhằm cám dỗ người ta phạm tội. Chúng không do Satan dựng nên ố vì Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành của mọi sự. Đúng hơn chúng là các thiên thần sa đọa đã kết hợp với Satan trong sự nổi loạn của hắn. Mặc dù không phải mọi bệnh tật đến từ Satan, ma quỉ có thể gây ra cho một người bị câm, điếc, mù hay bệnh hoạn. Nhưng trong mọi trường hợp ma quỉ chạm trán với Đức Giêsu, chúng đều mất hết sức mạnh. Vậy Thiên Chúa hạn chế những gì các thần ô uế có thể làm; chúng không thể làm điều gì mà không có phép của Ngài. Trong thời gian Đức Giêsu sống tại thế, ma quỉ đã được phép hoạt động rất tích cực để bày tỏ một lần dứt khoát quyền năng và quyền bính của Chúa Kitô trên chúng.


Thần ô uế đã biết tức thì Đức Giêsu là "Đấng Thánh của Thiên Chúa" (c. 24). Ngay cả các thần linh ở dưới âm phủ, địa ngục, cũng đã nhận biết Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng Kitô, nghĩa là Đấng-được-xức-dầu, được thánh hiến, vì là Con Thiên Chúa. Và Ngài đến để tiêu diệt chúng. Thần ô uế đã phải nín câm và bị trục xuất (xem c. 25). Triều đại thiên sai đã tiến lên khi cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trên ma quỉ loan báo Vương Quốc Thiên Chúa.


Giêsu giảng dạy quyền uy,

Lời Ngài mạnh mẽ không tùy vào ai.
Quyền năng Ngài đã ra tay,
Xua trừ quỷ nhập, xuất ngay tức thì!

Lm Nguyễn Thanh Sơn

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN B
Mc 1:21-28

Sống trong một xã hội duy tự do dân chủ như ở Hoa Kỳ, không ít thì nhiều chúng ta cũng học suy nghĩ theo văn hóa của xã hội này. Tự do dân chủ là điều tốt nhưng không tuyệt đối tốt. Vì tự do dân chủ quá cho nên xã hội chúng ta đang bị khủng hoảng về vai trò của quyền bính. Nhiều người và nhiều gia đình đang bị khủng hoảng về vai trò của quyền bính. Cha mẹ không bảo được con cái. Con cái không nghe lời cha mẹ. Ngoài xã hội người dân không chấp nhận luật pháp. Ai là người có quyền bính? Một thí dụ trong trường hợp của Cậu bé Elien 6 tuổi người Cuba. Cậu cùng với mẹ đi vượt biển qua Hoa Kỳ, nhưng không may mẹ cậu bị chết. Cậu đã được cảnh sát duyên hải Hoa Kỳ cứu sống sau nhiều giờ lênh đênh trên biển. Vấn đề đã gây nên cuộc tranh luận sôi nổi giữa chính phủ Cuba, chính phủ Hoa Kỳ, giữa gia đình của cậu ở Cuba, và thân nhân của cậu ở Miami. Ai là người có quyền để quyết định về tương lai của cậu bé Elien? Sở Di Trú hay Hạ Nghị Viện? Tòa án hay thân nhân trong gia đình? Trong Giáo Hội cũng có khủng hoảng về quyền bính. Nhiều người không đồng ý tuân theo giáo huấn của Giáo Hội về những vấn đề như ngừa thai, điều hòa sinh sản, phá thai, ly dị và tái hôn... Ai là người có quyền giáo huấn?

Các bài đọc hôm nay cũng đề cập đến quyền bính. Đó là quyền bính tối cao của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Thánh sử Macô ghi lại, "Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chớ không như các luật sỹ."


Bài đọc thứ nhất Mai-sen nói với dân chúng là Thiên Chúa sẽ ban cho họ một tiên tri mới giống như ông. Mai-sen là người đã đươc gặp Thiên Chúa nơi bụi gai. Ông đã đối thoại với Thiên Chúa. Ông đã nhận lệnh của Thiên Chúa. Ông đã luôn bàn hỏi tham khảo với Thiên Chúa, và ông cũng đã lên núi cao để yết kiến Thiên Chúa. Ngài đã trao cho ông hòm bia với mười giới răn để truyền dạy dân chúng. Thiên Chúa đã chọn Maisen. Và Maisen đã trung tín làm tròn sứ vụ Thiên Chúa trao phó cho ông. Ông đã nói lại cho dân chúng tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy ông. Chính vì có sự liên lạc mật thiết và trung tín với Thiên Chúa như thế cho nên lời nói của Maisen có uy tín mạnh mẽ.


Trong bài Phúc âm, chúng ta nghe và thấy lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu. Đức Giêsu không những chỉ là người gặp Thiên Chúa, nhưng Ngài còn là Con Thiên Chúa. Ngài biết Thiên Chúa và là một với Thiên Chúa. Uy quyền của Đức Kitô là uy quyền của Đấng Thiên Sai. Chính vì vậy mà khi Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường ở Ca-pha-na-um, người ta đã rất đỗi ngạc nhiên.


Những người nghe Đức Giêsu giảng dạy và chứng kiến những việc Ngài làm đã nhận ra được chân dung của Ngài. Lời giảng dạy của Ngài không phải chỉ có chủ đích truyền đạt một mớ kiến thức lý thuyết. Nhưng Ngài còn giảng dạy với một tinh thần thâm tín yêu thương, hết lòng lo cho hạnh phúc của những người nghe Ngài. Do đó Ngài đã thuyết phục được lòng trí của những người nghe và đưa họ về với Thiên Chúa. Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa và Ngài giảng dạy tôn ý của Thiên Chúa Cha. Việc làm, lời giảng dạy và sự hiện diện của Ngài không những đã làm cho nhiều người ngỡ ngàng và thán phục, mà còn làm cho cả ma quỷ cũng phải khiếp sợ.


Ngày nay nhiều người trong chúng ta từ những vị linh mục hay tu sỹ đến những thầy cô dạy giáo lý và những người làm cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm giảng dạy và nói về Thiên Chúa, nhưng được mấy người đã thực sự cảm nghiệm được trách nhiệm trọng đại này? Được mấy người có uy tín trong những lời giảng dạy của mình? Để cho lời giảng dạy của chúng ta có uy tín, nguyên việc lãnh chức, khấn dòng, nghi thức sai đi hay giấy chứng hôn thú không đủ cho chúng ta uy tín. Đó mới chỉ là dấu chỉ chúng ta được tuyển chọn. Mỗi người chúng ta còn cần phải thường xuyên gặp gỡ và tham khảo với Thiên Chúa như Maisen và như Đức Giêsu đã làm. Chúng ta cũng cần ý thức trách nhiệm giảng dạy những gì Thiên Chúa truyền chứ không phải giảng dạy những gì chúng ta muốn. Muốn được như thế, chúng ta cần phải dành thời giờ để đi gặp gỡ và tham khảo với Thiên Chúa để lãnh nhận lời truyền dạy của Ngài. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm để nhận định và phân biệt sự khác nhau giữa một bài thuyết trình theo kiến thức của sách vở và một bài thuyết trình theo sự hiểu biết và thâm tín của kinh nghiệm sống.


Có câu truyện kể rằng trong một buổi họp để thi tuyển tài nghệ diễn xuất. Một anh thanh niên học về ngành kịch ảnh sân khấu đã bước ra và dõng dạc đọc thuộc lòng thánh vịnh 23, "Chúa là Đấng chăn dắt tôi. Tôi chẳng thiếu thốn chi..." Anh đã đọc với cung giọng trầm bổng dẽ dàng và rõ ràng với tài nghệ của một kịch sỹ để diễn tả ý nghĩa của thánh vịnh đó. Anh đã đọc thật hay và được khán thính giả yêu cầu đọc đi đọc lại ba lần với những tràng pháo tay tán thưởng vang dội.


Người thứ hai là một ông cụ già lưng hơi gù gù. Khi ông bước lên sân khấu thì mọi người im lặng. Giọng ông nhỏ nhẹ và phải chú ý mới có thể nghe được. Ông chậm rãi xướng lên thánh vịnh 23, "Chúa là Đấng chăn dắt tôi. Tôi chẳng thiếu thốn chi..." Ông đọc với một tâm tình có sức cảm kích khác biệt. Khi ông đọc xong, thì cả cử tọa trong phòng im lặng. Mọi người đều cúi đầu và như âm thầm cầu nguyện. Vài phút sau, người thanh niên thứ nhất bước lên sân khấu nhận định, "Thưa quý vị. Như quý vị cảm nhận. Rõ ràng là tôi biết và thuộc thánh vịnh 23, nhưng còn ông cụ đây mới thực sự là người biết Đấng Chăn Chiên."
(Jack Mc Ardle, 150 Stories for Preachers and Teachers # 5).

Điểm thứ hai chúng ta nhận thấy là sự hiện diện của thần ô uế. Bắt đầu công việc rao giảng là Đức Giêsu đã đối diện với thần ô uế như lời thánh Macô tường thuật. "Một người bị quỉ ô uế ám đã nhận ra danh tánh của Đức Giêsu và kêu lên, "Hỡi ông Giêsu Nagiaret, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa." Đức Giêsu đã quát bảo nó, "Hãy im đi và ra khỏi người này." Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi ra khỏi người ấy.


Ngày nay có lẽ nhiều người không còn nghĩ đến ảnh hưởng của thần ô uế bởi vì chúng ta có khuynh hướng cắt nghĩa theo khoa học tâm lý. Con người ngày nay thường dùng khoa trị liệu tâm lý để giải đoán hầu hết những hiện tượng không tự nhiên hay bất bình thường. Có phải việc tin là có sự quấy phá của thần ô uế đã trở nên quá cổ xưa hay không? Cuốn phim "The Exocist" thực hiện hồi thập niên 1970s đã dựa trên một chuyện có thật về một cậu bé 14 tuổi sống ở Mt. Rainier, Maryland năm 1949. Tuần báo Neweek đã diễn tả như sau: "những khung hình, ghế và giường của cậu bé tự nhiên di động. Ban đêm thì cậu không thể ngủ được. Sau khi được đưa vào bệnh viện của đại học Georgetown... cậu bé bắt đầu phun ra những lời chửi thề bằng những ngôn ngữ cổ xưa. Có một lần trong khi cậu đang bị trói cột chặt trên giường thì tự nhiên có những lằn rạch đỏ hiện lên trên thân mình của cậu." Cậu đã được giải thoát nhờ nghi thức trừ quỷ và cậu đang sống ở Wahsington D. C.. Vị linh mục già tham dự vào việc trừ quỷ cho cậu đã thề hứa không nói về vấn đề này. Ngài chỉ nói rằng kinh nghiệm đó đã có ảnh hưởng mạnh và thật sự thay đổi cuộc sống của ngài tốt hơn
(Mark Link, Sunday Homilies).

Chúng ta phải tin rằng ma quỷ vẫn hiện diện và lộng hành quấy phá. Nó lộng hành quấy phá nơi đời sống mỗi cá nhân, trong gia đình, ngoài cộng đoàn hay trong xã hội... Chúng quấy phá dưới nhiều hình thức. Chúng làm cho chúng ta, cho gia đình chúng ta và cho cộng đoàn giáo xứ ra ô uế. Chúng thổi sự ô uế của kiêu căng, tự phụ, ghen ghét, hằn thù, nói hành, chia rẽ, bè phái, tà dâm, hãm hiếp, trộm cắp, giết người, gian tham, lười biếng, hà tiện, nghiện ngập cờ bạc, rượu chè, xì ke ma túy, ly dị, chiến tranh, và muôn vàn hình thức ô uế khác. Muốn loại trừ thần ô uế ra khỏi cuộc sống, chúng ta phải đến gần Chúa Giêsu. Chỉ có Chúa Giêsu mới có uy quyền xua đuổi thần ô uế ra khỏi chúng ta.

Lm Gioan Trần Khả

SỨC MẠNH CỦA LỜI CHÚA
Mc.1,21-28

Truớc khi nhắm mắt ông Môsê đã tiên báo về vị ngôn sứ trổi vượt trên mọi Ngôn Sứ ( DNL.18,15-20) và đó chính là Đức Giêsu một vị Ngôn Sứ Siêu Việt, Người đã giảng dạy, hành động như một Đấng có uy quyền đến nỗi thần ô uế cũng phải vâng lệnh (Mc.1,21-28). Vì thế, bài Đáp ca mời gọi chúng ta hãy lắng nghe tiếng Người.

Khi xưa trong hành trình rao giảng của Đức Kitô, Người đã làm cho những thính giả phải bỡ ngỡ ngạc nhiên mà trầm trồ " giáo lý thì mới mẻ, Người dạy lại có uy quyền" (c.26). Vâng, giáo lý của Người thì mới mẻ không giống như những bài thuyết giáo của những Kinh Sư, Luật sĩ đã " đặt lên vai người ta những gánh nặng không thể vác nổi..." trái lại " ách Ta thì êm ái, gánh Ta lại nhẹ nhàng". Giáo lý mới mẻ vì Người đã không chấp nhận những lề luật gò bó, bóp chết con người " các ngươi đã nghe luật dạy rằng : mắt thế mắt răng thế răng....còn Ta dạy các ngươi : chớ báo óan..."(Mt.5,21). Với kẻ thù " Hãy tha thứ", với người bạo động " hãy yêu thương họ".


Không chỉ mới mẻ mà còn đầy quyền uy đến nỗi mà quỉ, thần ô uế cũng phải khuất phục " các thần ô uế phải vâng phục Người" (Mc. 1,27). Sự vâng phục của ma quỉ là dấu chứng thời đại của Đấng Messia đã tới, lời hứa Cứu Độ đã bắt đầu thực hiện. Đức Giêsu đến để giải phóng con người khỏi mọi sự dữ như tội lỗi, đau khổ, bệnh tật. Đối với con người ai cũng phải đụng đầu với đau khổ : nào thiên tai, bão lụt, mất mùa, bị lăng nhục, bị đói khát, bị ô nhiễm...và con người tìm cách chống lại những sự dữ ấy.


Chúa Giêsu Đấng công chính Người cũng chiến đấu chống lại các thứ đó, Người hủy diệt chúng và Người sẽ chiến thắng chúng. Cho nên những nổi loạn của con người cũng là của Người, Người ra sức chữa bệnh, làm sống lại kẻ đã chết, tranh đấu cho người bị áp bức, tha thứ cho kẻ có tội, và sau cùng Người lấy chính cái chết của mình để chiến thắng sự dữ. Mặc dù đôi khi Người nhấn mạnh tới mối liên hệ giữa đau khổ và tội lỗi, nhưng không phải để nói đó là tội của họ nhưng để thắng quyền lực của tội đang tác động trong đau khổ.


Tuy nhiên Đức Kitô muốn mời gọi chúng ta hãy chấp nhận những khổ đau, vì chính Ngừơi cũng mang thân phận con người vàchấp nhận tội lỗi của con ngừơi, Người đi vào bên trong đau khổ như một con đường cần thiết để đem ơn cứu độ cho con người, thì con người chúng ta không thể không chấp nhận đau khổ để mang lại hoa quả thiêng liêng " phải qua đau khổ mới tới vinh quang".


Nhưng nên nhớ rằng trước hết và trên hết là chúng ta phải dùng Lời Chúa để chiến thắng những đau khổ, nhất là những mưu mô cám dỗ của quỉ thần. Chắc chắn mỗi người chúng ta đã và đang bị những tà thần ám, tà thần ham mê danh vọng, tiền tại, hưởng lạc thú ...nhưng chúng ta đã dùng Lời Chúa để chiến thắng sự dữ ấy chưa? hay mỗi ngày chúng ta lại càng lún sâu vào sự dữ ấy ? Hoặc chúng ta đã dùng Lời Chúa mà sao không thấy hiệu nghiệm? Hãy kiểm điểm lại cách chúng ta đọc Lời Chúa, cảm nghiệm Lời Chúa và sống Lời Chúa.


Lạy Chúa, Chúa đã dùng Lời Chúa để xua trừ tà thần ô uế. Xin cho chúng con một tinh thần hâm mộ Lời Chúa với tâm tình khiêm tốn, đơn sơ, để sức mạnh Lời Chúa giúp chúng con chống lại những xu hướng xấu, biến đổi chúng con nên những công dân nhiệt thành và thánh thiện của Nước Chúa. Đồng thời cũng biết chấp nhận những đau khổ do bệnh tật hay thiên tai, để những đau khổ ấy tinh luyện đời sống Tin Cậy Mến nơi chúng con.

Sr Mai An Linh OP (Nguồn vietcatholic.org)

2046    27-01-2012 09:30:48