Sidebar

Thứ Ba
10.09.2024

Chúa Nhật Lễ Lá A_2

CON VUA ĐAVÍT
Mt 26,14 - 27, 66

Hôm nay mỗi người cầm nhành lá trên tay đi kiệu là biểu dương vinh quang của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem như một vị vua. Nhiều người giơ cao nhành lá và tung hô vạn tuế Đức Vua. Số khác còn nhiệt tình cởi áo lót đường cho vua Giêsu tiến vào. Nhưng một điều rất lạ: Đức Vua đi vào thành trên lưng lừa chứ không phải là một tuấn mã oai phong. Đón mừng Ngài chỉ có đám đông môn đệ và dân chúng, chứ tuyệt nhiên không có ai trong giới lãnh đạo Do thái. Những người này có đó, nhưng không phải để đón mừng mà để bắt bẻ. Tất cả các dấu này đang báo trước một cuộc Thương khó Chúa Giêsu sắp phải trải qua.

Cuộc thương khó Chúa Giêsu nhắc lại cho ta những đê hèn tội ác mà con người đã gây ra. Chúng ta nhớ lại sự hèn nhát của các môn đệ: Họ đã bỏ Ngài ngay những lúc Ngài cần có họ ở bên cạnh. Chúng ta nhớ lại lòng dạ xấu xa của những nhà lãnh đạo Do thái: Họ đã tìm mọi cách để vu khống và giết Chúa Giêsu. Chúng ta cũng nhớ lại sự hung dữ củ những người lính: Họ đã hành hạ Ngài cách tàn nhẫn. Chúng ta phải nhớ lại những điều ấy vì chúng có liên quan với chúng ta.

Tuy nhiên, đó không phải là mục đích chính bài thương Khó. Điều mà tác giả Tin mừng muốn nhắc đến chính là tấm lòng của Chúa Giêsu. Điều mà chúng ta phải nhớ nhiều nhất đó là sự trung thành và lòng nhân từ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã lãnh lấy tất cả tội lỗi con người vào chính thân mình Ngài. Ngài đã dùng cái chết trên thập giá để đền thay cho tất cả.

Bài đọc I, sách Isaia đã cho ta thấy hình ảnh Người tôi tớ Thiên Chúa thật đau khổ. Người tôi tớ này không bao giờ cưỡng lại Thiên Chúa. Trái lại, luôn lắng nghe lời Ngài và làm theo ý Ngài. Người tôi tớ này không bao giờ chống lại sự áp bức của người khác. Người tôi tớ này đặt trọn niềm trông cậy vào Thiên Chúa. Mặc dù bản thân chịu đau khổ, Người tôi tớ lại tìm cách nâng đỡ những người đang chịu khổ đau. Hình ảnh Người tôi tớ đau khổ này đã được hoạ lại nơi con người Chúa Giêsu.

Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không phải là một màn kịch nhưng là một sự thật. Ngài đã chịu rất nhiều đau khổ trong thân xác và trong tinh thần. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Những người Do thái cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài. Các binh sĩ La mã đã hành hung, đánh đập Ngài và cuối cùng treo Ngài trên Thập giá. Một hình phạt đau đớn nhất và sỉ nhục nhất. Nhưng tất cả những đau khổ ấy Ngài đã tự nguyện gánh chịu vì tội lỗi chúng ta và vì yêu ta. Chúng ta đã tuyên xưng rằng "vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta" nghĩa là chính tội lỗi chúng ta mà Chúa Giêsu đã bị treo trên thập giá. Tội lỗi chúng ta ngày nay là một lời chối bỏ, một tiếng reo hò, một sự sĩ vả hay một cái đinh đóng sâu vào thân thể của Chúa.

Nhìn lên thập giá ta thấy được án phạt của tội lỗi. Nhìn lên thập giá ta còn thấy tình yêu của Thiên Chúa đang bao trùm lên cả nhân loại. Phải, bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhận thấy tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu không hề có một điều kiện, một tình yêu vượt lên mọi tiêu chuẩn phán đoán của con người. Tất cả chỉ nhằm đáp ứng khát vọng hạnh phúc của con người. Vì thế, khi nhìn lên thánh giá, không phải để ta thất vọng về những gánh nặng của tội lỗi vươn mang mà trái lại, để tâm hồn thêm phấn khởi và tin yêu hơn, vì Thiên Chúa luôn yêu thương và tha thứ cho con người.

Nhìn bề ngoài thì xem ra cái chết của Chúa Giêsu là một thất bại hoàn toàn. Nhưng thực ra đó là một chiến thắng : Sự thiện đã chiến thắng sự dữ, tình yêu chiến thắng hận thù, ánh sáng sự thật đẩy lùi bóng tối bất công. Chúa Giêsu, Người đã chết thay cho mọi người, Người chịu mọi đau khổ chỉ để con người được sống và sống hạnh phúc.

Tưởng niệm cuộc thương khó Chúa Giêsu, chúng ta nhìn ra hậu quả đáng ghét do tội lỗi con người gây ra đồng thời giúp ta cảm nếm tình yêu tự hiến của Con Thiên Chúa. Chính Chúa đã chết vì tội chúng ta và Chúa vẫn còn tiếp tục chết trên thánh giá để tha thứ tội lỗi mỗi người. Ta hãy tin tưởng nơi tình yêu tha thứ của Thiên Chúa và sẵn sàng chạy đến Ngài để được thứ tha.

VÀO THÀNH GIÊRUSALEM
Mt 26,14 - 27, 66

Mt 21, 1-11: Phúc cho Đấng nhân danh Chúa mà đến (Mt 11, 9)

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là chúa nhật Lễ Lá. Nhìn vào khung cảnh của ngày lễ này, ta thấy hai điễm hoàn toàn trái nghịch nhau; một là cuộc kiệu Chúa vinh quang vào thành Giêrusalem. Hai là câu chuyện bài Thương khó diễn tả về cuộc Khổ nạn của Chúa, ngày thứ Sáu tới; câu chuyện đầy ảm đạm pha màu vô cùng tang tóc... Hai khung cảnh hoàn toàn trái ngược nhau... Vậy đâu là ý nghĩa mà Hội Thánh muốn ta tìm hiểu trong ngày lễ Lá hôm nay? Kính mời anh chị em cùng suy niệm...

a/. Xin được kể một câu chuyện: Winston Churchill, Thủ Tướng nước Anh, sau một lần diển thuyết có cả chục ngàn người tham dự, một người bạn thân hồ hởi đến bên ông và nói: này Thủ Tướng, ông có sung sướng vì cả mười ngàn người hoan hô trong cuộc diển thuyết này không? W. Churchill bình tỉnh trả lời: "không, tôi không vui sướng vì chuyện đó đâu, vì khi tôi bị treo cổ, sẽ có cả trăm ngàn người đến coi tôi mà chê bai đả đảo..."

Đúng như lời ông thủ Tướng Anh nói, Chúa Giêsu trong ngày lễ Lá được đón rước long trọng chừng nào, thì ngày thứ Sáu Thánh, lại có nhiều người đả đảo còn nhiều hơn nữa. Người ta thường nói: Tổng thống nước nào được đón rước long trọng, thì đến khi bị hạ bệ, ông sẽ có nhiều người đả đảo hơn nữa...Phần Chúa Giêsu, dĩ nhiên chúng ta biết, không phải hết toàn bộ những người lãnh đạo Do thái đều lên án giết Chúa, chỉ có một nhóm quá khích nhỏ mà thôi. Tuy nhiên câu chuyện ngày lễ Lá hôm nay có hai điễm gần như trái nghịch nhau. Đây là điều mà Hội thánh muốn chúng ta suy niệm trong ngày lễ hôm nay...

b/. Câu hỏi đầu tiên: Chúa Giêsu rất khiêm tốn, và thường hay tránh không để người ta tôn vinh mình, vậy tại sao trong ngày lễ Lá, Chúa để họ đón rước vào thành Giêrusalem long trọng như thế ?

Thực ra câu trả lời không khó. Thứ 1: Ở đây, Chúa Giêsu muốn hoàn thành mọi việc theo Thánh Ý Chúa Cha. Dĩ nhiên Chúa chẳng ham vinh quang trần gian, vì Chúa biết trước ngày Thứ Sáu tới, chính họ sẽ lên án giết Chúa. Thứ 2: Chúa để cho dân chúng đón rước, chính là muốn làm trọn lời ngôn sứ hầu chứng minh Người là Vua, là ngôn sứ đích thật; chính Người mở cuộc khải hoàn vinh quang vào Thiên quốc, cho Người và cho nhân loại, qua con đường đau khổ và phục sinh nơi chính bản thân Chúa.

Câu hỏi thứ hai: Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên khi chịu khổ nạn, Chúa vẫn có thể làm cho mình chịu roi đòn, nhưng không đau đớn, vì Chúa là Thiên Chúa nên Người muốn điều gì mà không được?

Hỏi như thế có nghĩa là những đau khổ của Cuộc khổ nạn trong thân xác Chúa là giả tạo, vậy nếu tất cả là giả tạo thì làm gì chúng ta được ơn cứu rổi? Hơn nữa, nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu là Sự Thật, là Chân Thiện Mỹ, thì làm sao có sự giả tạo được? Hiểu đến đó, chúng ta mới thấy, Chúa Giêsu trong bản tính con người, khi chịu Khổ Nạn, đã chịu mọi khổ hình đau đớn trong thân xác y như ta. Chính nhờ đó, nhân loại chúng ta mới được cứu rỗi. Và vì Chúa Giêsu thực sự đã chịu đau khổ trong thân xác NgườI, vì nhân loại chúng ta, rõ ràng điều đó cũng muốn nói lên: Chúa Giêsu dù là Thiên Chúa, đã khiêm tốn biết bao, và chính vì cái giá của sự khiêm tốn đó, mới có thể đền thay cho bao nhiêu tội lỗi tầy trời của nhân loại chúng ta.

c/. Gợi ý sống và chia sẻ:

Chúa Giêsu dù là Thiên Chúa, trong cuộc Khổ Nạn của mình, Chúa đã tỏ ra khiêm tốn biết bao, để đền tội cho ta. Con ta là tội nhân thì lại kiêu căng quá chừng, chúng ta nghĩ sao? Ta có thấy cần khiêm tốn như Chúa không? Ta có tin Chúa là Đấng Cứu Thế, là Chúa, là Adam mới, là Anh Cả của ta, đã chết để cho chúng ta được sống không?

VUA NGƯỜI NHÂN ÁI
Mt 26,14 - 27, 66

Khung cảnh được trình bày trong đoạn Tin mừng hôm nay có thể nói là hoàn toàn đối nghịch lại với khung cảnh trong đoạn Tin mừng của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Đức Giêsu hôm nay xuất hiện như một vị vua mới được phong vương trở về, một vị vua hiền hậu và khiêm tốn "ngồi trên lưng lừa". Dân chúng thì hết lòng tung hô và tán tụng. Họ đã "trải áo xuống đường, chặt cành cây trải lối đi", miệng thì không ngớt lời hò la " Hoan hô con vua Đavit, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, hoan hô trên các tầng trời".

Còn Đức Giêsu của ngày thứ sáu Tuần Thánh. Đức Giêsu xuất hiện trong hình dạng "không còn hình tượng người ta nữa", bị đánh đòn, xỉ vả và nhục mạ. Dân chúng thì hò hét đòi "đóng đinh nó vào thập giá".

Điều gì đã là cho mọi sự thay đổi như thế khi cũng chính là Đức Giêsu đó và cũng chính là đám đông dân chúng đó? Tại sao lại thế? Ai đã thay đổi?

"Đức Giêsu vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy đến muôn đời". Ngài vẫn là vị Vua nhân ái, hiền từ và khiêm hạ. Ngài biết rõ sứ mạng của Ngài khi đến trần gian là để cứu chuộc con người. Ngài tự nguyện chịu chết để cho con người được sống và Ngài đã làm người để cho con người được làm Chúa.

Còn dân chúng: 1 dạ 2 lòng. Họ chạy theo lợi lộc thấp hèn. Khi thấy Đức Giêsu không chiều theo sở thích của họ và không làm theo những gì họ mong muốn, hay khi thấy Đức Giêsu có vẻ yếu thế trước mặt các nhà lãnh đạo Do thái, họ liền trở mặt lại với Ngài, chối bỏ Ngài và muốn loại trừ Ngài. Hơn nữa, Đức Giêsu là người luôn nói lên sự thật, những sự thật xem ra quá "đụng chạm" đến tự ái của họ, đụng chạm đến quyền lợi của họ . . . nên họ phát điên lên trong lòng. Dù mâu thuẫn giữa Đức Giêsu và các nhà lãnh đạo Do thái và dân chúng đã lên đến đỉnh điểm, nhưng việc Đức Giêsu đi vào cuộc tử nạn là do sự tự nguyện của Ngài chứ không phải có ai làm gì được Ngài. Nói cách khác, dù cho các nhà lãnh đạo hay dân chúng có giận Đức Giêsu đến sôi gan tím ruột nhưng không ai có thể làm gì được Ngài, nhưng việc Ngài chịu nạn chịu chết là do tự ý Ngài muốn và vì đó là thánh ý của Chúa Cha nên Ngài muốn chu toàn cho đến cùng mà thôi.

Andre, một tên tội phạm nguy hiểm và khét tiếng của Nước Bỉ, sau khi hoàn lương đã kể lại lịch sử của đời anh như sau: " Tôi từng là một tên tội phạm nguy hiểm, từng vào tù ra khám 5 - 7 lần, từng cướp nhà Băng và buôn bán ma tuý. Cuối cùng, tôi đã bị bắt và bị kết án 21 năm tù giam".

Rồi trong nhà tù, có một linh mục đến thăm anh và trao cho anh cuốn sách Phúc âm. Nhận quyển sách nhưng anh chẳng buồn đọc. Nhưng chán quá rồi cũng mở ra xem. Xem thì xem vậy thôi chứ cũng chẳng hiểu gì và cũng chẳng tin gì, vì anh cho rằng những gì kể trong sách Phúc âm chỉ là những chuyện tưởng tượng mà thôi. Rồi có một lần buồn chán quá, anh đem sách Phúc âm ra và nói những lời đầy thách thức như sau: "Này ông Giêsu, ông có thật không? Nếu ông có thật và tài giỏi giống như cuốn sách kia kể thì tối nay mời ông đến đây, chúng ta nói chuyện với nhau. Nói xong rồi, anh ta lăn ra ngủ và cũng chẳng nhớ gì. Nào ngờ, đúng 2 giờ sáng, anh ta bị đánh thức dậy, chạy ra hỏi anh giữ ngục:

"Anh gọi tôi à?"
Nhưng anh giữ ngục bảo: "không, tôi đâu có gọi anh, vào ngủ đi".
Anh vào ngủ lại và lại bị đánh thức. Lần này, có một tiếng nói rất uy nghi phía trên đầu anh: "Dậy đi con, mình có hẹn với nhau mà".
Anh ta hỏi lại: "Ai thế?"
"Ta là Chúa của mọi loài và là Thiên Chúa của con đây".

Và ngay lúc ấy, anh thấy có một luồng ánh sáng rực rỡ, ánh sáng ấy xoá tan hết những sự vật trong căn phòng và trong luồng ánh sáng đó, một con người xuất hiện, người mà anh chưa gặp bao giờ. Con người ấy mang thương tích nơi chân, tay và cạnh sườn mình. Người ấy nòi: " Ta là Giêsu, Chúa của con đây. Những vết thương này là vì con đó". Anh ta bàng hoàng kinh hãi và đầy xúc động. Và lập tức, từ một con thú dữ, anh trở thành một con chiên ngoan hiền. Anh gục đầu và khóc lóc thảm thiết. Giờ đây anh đã hiểu, vậy là suốt 37 năm qua, anh đã vô tình đóng vào tay, vào chân và cạnh sườn của Chúa những cây đinh đau đớn. Anh đã hoàn toàn bị qui phục và trở nên người con cái ngoan hiền của Chúa. Đó là những lời tự thuật của Andrê với các bạn trẻ khi anh đi thuyết trình khắp nơi trên thế giới.

Như vậy, Chúa Giêsu đi vào cuộc tử nạn, chịu thương tích là vì chúng ta đó. Chúng ta có suy nghĩ gì khi Chúa nói với chúng ta: " Những thương tích này là vì con đó!" Chúng ta có thật sự hoán cải và trở thành chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa khi chúng ta nhận ra điều đó không? Hay chúng ta còn giữ trong mình thái độ của dân chúng ngày xưa, chạy theo những lợi lộc thấp hèn để phản đối Chúavà đòi đóng đinh Chúa của chúng ta?

Đừng làm cho những vết thương nơi thân thể Chúa tiếp tục bị chảy máu nữa. Đừng tiếp tục đóng đinh Ngài nữa!

LỄ LÁ TRONG ĐỜI THƯỜNG
Mt 26,14 - 27, 66

Tham dự Thánh Lễ hôm nay, mỗi người sẽ nhận được một nhành lá được thắt rất xinh, và hầu như ai ai cũng đều gìn giữ nhành lá nầy rất cẩn thận vì nó đã được làm phép. Mỗi người một nhành lá trên tay để sống lại cảnh huy hoàng khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem năm xưa...

Thánh Matthêu diễn tả khá sinh động quang cảnh nầy. Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa con, có trải áo choàng, mặt đường cũng được dân chúng trải áo. Đám đông dân chúng tay cầm nhành lá, reo hò vang dậy: "Hoan hô con Vua Đavit! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!" (Mt 21,9). Thật hoành tráng! Khác gì người ta đang chào đón một nguyên thủ quốc gia hay một siêu sao, một thần tượng!

Thế nhưng, chính những con người nầy hôm nay hò la, tung hô thần tượng của họ, cũng lại là những người đồng ý tha cho Baraba, để nhất quyết lên án tử cho thần tượng của họ: "Đóng đinh nó vào thập giá". Thật là "dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người" !

Chúng ta vui mừng cầm lá trên tay, chúng ta hãnh diện được đứng vào hàng ngũ những kẻ "mặc áo dài trắng, tay cầm cành lá đang tung hô Thiên Chúa cùng Chiên Con" (Kh 7,9-10). Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ rằng mình đang cầm những mũi đinh nhọn tiếp tục đóng đinh Chúa không?

Có câu chuyện về một cô bé: "Lễ Lá năm ấy, cô bé khoát một bộ áo dài trắng vào người, bước ra cổng để đi dự lễ. Bỗng... "Xoạt!"... Trên nền trắng của chiếc áo dài, loang lỗ đầy những vệt nước dơ. Chị Ba cùng xóm vì tránh chiếc xe đò đã chạy vào vũng nước, làm cho nước văng tung toé lên người cô bé. Chị luống cuống dừng xe lại: "Xin lỗi em! Chị vô ý quá!". "Lỗi với phải gì! Có mắt không mà không nhìn trước sau?". Cô bé gần như quát lên...

Lựa được nhành lá đẹp nhất, cô bé hãnh diện cùng đám đông tiến vào nhà thờ... Nhưng... ngồi kế bên cô bé lại là chị. Thế là từ đó, đầu óc cô bé cứ nghĩ đến những "kế hoạch sẽ thực hiện" khi về đến nhà để cho chị "biết tay"...

"Còn chúng ta, chúng ta đối xử với Chúa hiện diện nơi người khác như thế nào?". Lời giảng của Cha chủ tế kéo cô ra khỏi dòng suy nghĩ... Cô bé nhìn xuống... Nhành lá cô bé đang cầm sao giống lưỡi gươm đến như vậy...".

Vâng, biết bao lần chúng ta tiếp tục giết Chúa bằng những mũi đinh, lưỡi kiếm là chính những lỗi lầm, sai sót của chúng ta. Chúng ta tham dự thánh lễ cách sốt sắng, nhưng khi trở về cuộc sống đời thường, chúng ta chưa sống tích cực cho danh nghĩa Kitô hữu của mình, thậm chí lại còn xung đột trong tương quan với Chúa và với tha nhân.

Tung hô Chúa bằng lễ nghi thôi chưa đủ, chúng ta cần phải tung hô Chúa bằng chính cuộc sống của mình theo gương Chúa. Cuộc đời của ta phải là họa ảnh dung mạo Đức Kitô, một Đức Kitô hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (x. Mt 11,29), một Đức Kitô không mắc nợ gì ai ngoài món nợ yêu thương.

Lạy Chúa, hôm nay con cầm lá trên tay để đón Chúa, nhưng lòng con còn nhiều hận thù, ghen ghét. Đó là con mang gươm giết Ngài lần nữa. Xin Chúa biến đổi con, để con biết yêu Chúa, yêu anh em như Chúa hằng yêu mến con.

NGƯỜI MÔN ĐỆ BẤT CHÍNH
Mt 26,14 - 27, 66

Khi nhắc đến Giuđa thì ai cũng nghĩ đến kể phản bội, một con người không nghĩ đến tình thầy trò, nhẫn tâm bán Thầy hết mực yêu thương mình với giá 30 đồng, một cái gí rẻ mạt chỉ bằng một phần mười bình thuốc thơm mà bà Maria lấy để rửa chân Đức Giêsu. Qua lời nói đầy âm mưu không chút trong sáng, nhẫn tâm đến không còn tình người của Giuđa khi nói với các thượng tế và kỳ mục: "Tôi nộp ông ấy cho quý vị thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu". "họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc". Khi nghe đến đây, thì ai trong chúng ta cũng căm hận Giuđa, một con người ham mê tiền bạc và danh vọng, thích làm tôi của cải hơn là làm môn đệ của một ông thầy âm thầm nghèo khó, căm hận vì ông chọn ông Giêsu quyền lực thế gian hơn chọn ông Giêsu đang trốn chui trốn nhủi sợ người ta bắt bớ. Qua những hành động và lời nói, cũng như suy nghĩ của Giuđa, ta dễ dàng nhận ra ông là người môn đệ có những đặc tính sau:

Ham mê tiền bạc.

Giu đa cũng được chính Đức Giêsu tuyển chọn như các tông đồ khác, nhưng tại sao Giuđa lại phản bội? Có phải Đức Giêsu quá khó khăn với ông chăng? Hay vì được giữ túi tiền nên ông đã thâm lạm. Tất cả những nguyên nhân trên hầu như không hoàn toàn thuyết phục. Chính ý tưởng bán Thầy của ông đã được hình thành khá sớm, không chỉ có ông bị ý tưởng này làm lung lạc, mà cả các tông đồ khác cũng thế. Nhưng những người khác chỉ bị lung lay trong chốc lát, rồi sau đó tỉnh ngộ ngay nhờ đức tin của Phêrô: "Thưa Thầy bỏ Thầy chúng con biết đến với ai". Còn Giuđa có tai mà không nghe, có mắt mà như mù, cứ u mê trong sự lôi cuốn của tiền bạc. Cho đến nỗi Đức Giêsu như muốn chỉ ra ông để cảnh tỉnh "Thế mà một người trong anh em là quỷ", mà ông vẫn còn chưa chịu sáng mắt tỉnh ngộ. Cách đánh giá đúng nhất về Giuda, chính là nhận định theo Tin mừng Gioan "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo".

Chạy theo danh vọng.

Không phải chính mình Giuđa mới lầm tưởng về công việc của Đấng Cứu Thế, mà hầu như tất cả. Cho đến lúc Đức Giêsu sắp chịu khổ nạn các môn đệ vẫn còn lầm tưởng về sứ mạng của Ngài, họ vẫn ao ước vào một cuộc chiến thắng khải hoàn như các vua chúa trần gian. Một cuộc khải hoàn chiến thắng tràn đầy danh vọng, chức tước, và hy vọng sẽ được chia sẻ vinh quang trần thế với Ngài. Các môn đệ vẫn còn sống trong ảo tưởng đó mãi cho đến đêm bị bắt trong vườn Giêtsêmani. Còn Giuđa thì như một con người đi quá đà, hình ảnh ông thầy Kitô của mình phải như ý mình muốn, và chính Giuđa cũng được Đức Kitô cho nhiều cơ hội để cảnh tỉnh, để lựa chọn. Nhưng trong đầu ông lúc này chỉ có danh vọng và danh vọng, không còn lòng đơn sơ chân thành, không chấp nhận Thầy nữa, mà tự tạo cho mình một Đức Kitô ích kỷ, vụ lợi. Có thể nói ông rất thất vọng vọng về hình ảnh Đức Kitô mà ông mong muốn với Đức Kitô thực tế. Vì thế ông bắt đầu ghét Ngài và bán Ngài để trả thù vì bị thất vọng.

Sống giả hình.

Trong số các tông đồ, có thể nói Giuđa là người có học thức cao nhất, nên đã được phân công làm thủ quỹ giũ tiền. Nhưng thay vì sử dụng những tài năng của mình để làm giàu cho Nước Trời, thì ông lại dùng nó như một sự khôn ranh để qua mặt Thầy vá các anh em. Như qua lời nói: "Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo" . Ta dễ dàng nhận ra giữa hành động và lời nói của Giuđa không thống nhất "miệng nam mô, bụng bồ dao găm". Trong khi miệng nói như thế, nhưng lòng lại mưu mô lừa lọc định qua mặt mọi người. Hơn thế nữa, khi đối diện với chính Thầy mình, đối diện với thực tế mà ông còn giả bộ như một môn đệ trung thành khi mở miệng hỏi: "Rap-bi, chẳng lẽ con sao?". Đến giây phút cuối cùng mà Giuda còn muốn qua mặt Thầy, qua mặt các môn đệ, và cuối cùng kết thúc bằng "nụ hôn" thể hiện tình yêu nộp Thầy.

Trong cuộc sống lữ hành chúng ta đang đi trên rất nhiều con đường, có thể chúng ta đang đi trên con đường của Giuđa, con đường của Phêrô, hay con đường của Hêrôđê. Nếu chúng ta đã lầm đường lạc lối, thì tuần thánh và ngay bây giờ chúng ta hãy bắt đầu lại, hãy quyết tâm đi trên con đường mà Chúa đã đi, đã chọn và chịu chết để được Phục Sinh.

Lạy Chúa! Xin cho con biết can đảm dứt bỏ tội lỗi, bởi vì một khi con nhượng bộ cho tội lỗi là con đã bán Chúa như Giuđa ngày xưa. Amen.

BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU
Mt 26,14 - 27, 66

Vài lưu ý để hiểu bài Thương Khó.

- Được viết với cái nhìn hậu Phục Sinh nhưng có lẽ trước nhất trong các văn bản Phúc Âm vì ngay khi các tông đồ bắt đầu rao giảng là "Đức Giêsu mà các ông đã đóng đinh, chết treo thập giá đã sống lại vinh quang". Lời rao giảng nầy được lập đi lập lại bằng truyền khẩu rồi thì có bản văn cho nhiều người tham gia rao giảng dể hơn.

- Là phần viết có nhiều chi tiết có tính lịch sử nhiều nhất nhưng không có tông đồ nào là chứng nhân nhản tiền vì khi Đức Giêsu  bị bắt các ông đều trốn mất hết chỉ có Gioan có mặt dưới chân thập giá nhưng không chắc là có theo Đức Giêsu suốt đường thập giá. Về tuần tự diển biến các sự việc thì bốn bài giống nhau như đã xảy ra.

-  Các tác giả không viết tường thuật hay trình thuật như quen gọi nhưng sáng tác với ý tưởng thần học riêng như với Mt là "để Kinh Thánh được trọn". Mc và Lc thì hoàn toàn lấy từ tài liệu "rao giảng". Ga thì là "những suy tư "thần học".Biến cố Đức Giêsu  còn được ghi vào ký ức của các tông đồ mỗi nguời mỗi khác tùy cơ địa mỗi người. Rồi mỗi người khi rao giảng lại lựa chọn những gì thích hợp để cống hiến cho cộng đoàn và như thế mà có các sách như Phúc Âm theo thánh Mt (đặc biệt Mt còn phải quan tâm nhiều tới những lời Kinh thánh CỨ đã tiên báo). Vì vậy mà có nhiều chi tiết khác nhau (khác nhau lớn nữa).

 Bài Thương Khó theo Mt có các chi tiết tóm tắc như sau :

- Đức Giêsu  bị bắt: Giuda dẩn đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Chào hôn Đức Giêsu . Một trong những kẻ theo Đức Giêsu  tuốt gươm chém đứt tai (4PÂ)...Các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. (Mt và Mc).

- Đức Giêsu ra trước Thượng Hội Đồng: Thượng Tế Caipha, các kinh sư và kỳ mục hợp sẳn. Phêrô theo xa xa. Họ tìm lời chứng gian để buộc tội Đức Giêsu ...Phá đền thờ Thiên Chúa đi rồi nội ba ngày Ta sẽ làm lại. Đức Giêsu  làm thinh...Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?...Chính Ngài nói đó. Hắn nói phạm thượng. Hắn đáng chết. Rồi họ khạc nhổ vào mặt Người, đấm đánh Người, có kẻ tát Người.

- Phêrô chối : Tôi không biết.... Gà chưa kịp gáy thí anh đã chối Thầy ba lần. Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết.

- Trước Pilatô:  Ông có phải là vua dân Do thái không? Chính Ngài nói đó. Vợ Pilatô chiêm bao. Dân chúng đòi tha Baraba đóng đinh Đức Giêsu  vào thập giá. Pilatô rữa tay" tôi vô can trong việc đổ máu ngưới nầy". Máu nó cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi. Pilatô trao Người cho quân lính đánh đòn rồi đem đi đóng dinh vào thập giá.

- Đức Giêsu đội mủ gai: quân lính cho người đội mủ gai, cầm gậy là một cây sậy (vương trượng) rồi quỳ lạy"vạn tuế Đức vua dân Do thái". Chúng khạc nhổ vào Ngưới, lấy cây sậy đập lên đầu Người, mặc áo lại như trước rồi điệu Nguời đi đóng đinh vào thập giá.

- Đức Giêsu  chịu đóng đinh vào thập giá: Dọc đuờng có Simon vác đở thập giá.Đến nơi gọi là Núi sọ, cho uống rượu pha mật đắng. Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng rút thăm chia áo Người. Phía trên đầu Người có bản án INRI. Bị sỉ vả nhạo cười trên thập giá:  Mi phá đền thờ và trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi. Nếu là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào....Cả những tên cướp cùng chịu đóng đinh cũng sỉ vả Người.

- Đức Giêsu  chết trên thập giá: từ mưới hai giờ trưa bóng tối bao phủ cả mặt đất cho tới ba giờ chiều... Để coi Êlia có đến cứu hắn không. Đức Giêsu  kêu lớn tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng. Bức màn trong đền thờ xé ra làm hai, từ trên xuống dưới.  Đất run đá vở, mồ mả mở toan, xác của nhiều vị thánh đời xưa trổi dậy, ra khỏi mồ, vào thành thánh và hiện ra với nhiều người. Ông đại đội trưởng và lính canh mộ sợ hải, ông tuyên xưng"ông nầy là con Thiên Chúa".

Vài điểm cần giải thích:

- Từ mười hai giờ trưa bóng tối bao phủ cả mặt đất cho tới ba giờ chiều: cách nói ẩn dụ ám chỉ "chiến thắng của tối tăm" trong một lúc.

- Trút hơi thở cuối cùng: Dịch sát chử.Mc và Lc: tắt thở. Ga: trao trả thần khí (remit son esprit theo Bible de Jerusalem). Còn có cách nói"trút linh hồn". Có bản chú thích là Đức Giêsu  "ban lại thần khí" mà Người đã lảnh nhận cho thế gian.

- Bức màn trong đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới: sân khấu thì gọi là kéo màn ra, mở màn. Ẩn dụ ám chỉ : Bức màn trong đền thờ là để ngăn phần cực thánh (thượng tế chỉ vào được một lần trong năm) với phần còn lại của cung thánh. Kéo màn ra là mở màn không che nữa. Mạc khải cũng có nghĩa là vén màn. DG chết chấm dứt mạc khải chính thức về Thiên Chúa vì đã đầy đủ. Không còn bức màn, con người có thể đến được với Thiên Chúa. Hoàn tất công trình mạc khải"cừu  độ".

- Đất run, đá vở, mồ mả mở toan, xác của nhiều vị thánh đời xưa trổi dậy, ra khỏi mồ....: (Đức Giêsu  xuống nguc tổ tông) Bình giải ý tưởng trong CỨ  (riêng của Mt): Khi nghe tiếng Con Thiên Chúa những kẻ ở trong mộ sẽ trổi dậy ra khỏi mồ "sống lại". Ơn cứu độ là làm cho sống lại. Đức Giêsu  đã hoàn thành ơn cứu độ. Đã có sự sống lại. Những vị thánh đời xưa là những kẻ sống lại trước vì đang chờ đợi. Để ra khỏi mộ thì mộ phải mở ra , phải có động đất"đất run, đá vở".

- Vào thành thánh hiện ra với nhiều người : Có vào thành hiện ra mới có người thấy mới biết. Là văn chương ẩn dụ. Còn được chú giải là" vào thánh thánh Giêrusalem "mới". Hoặc là"Đức Giêsu  xuống ngục tổ tông công bố ơn cứu độ cho các tổ phụ và rước các ngài lên trời vì "trời đã mở ra". Sự chết đã bị bẻ gảy, sự sống đã được "cứu" phục hồi cho nhân loại.

Qua bài thương khó chúng ta thấy về mặt hiện tượng : Đức Giêsu  chết do sự xung đột với người do thái bắt đầu ngay lúc Người khởi đầu hoạt động công khai giữa cái mới-củ, giữa quyền lợi, địa vị và từ bỏ khó nghèo.Sự xung đột có vẻ tự nhiên nhưng cũng có vẻ là Đức Giêsu  chủ động tạo ra và gia tăng để đưa tới kết thúc là cái chết. Còn ý nghĩa , cách thức, mức độ cực nhọc, đau khổ...của cái chết.là do Đức Giêsu  tự nguyện chọn lấy bằng cách "Người làm thinh", mặc ai làm gì thì làm. Lòng dạ độc ác thì phải đạt đỉnh nếu được "để mặc". Thần học của Giáo Hội mới giải thích ý nghĩa cứu độ tiềm ẩn bằng phạm trù của những lảnh vực khác nhau.

Bị hạ xuống rốt cùng là thể hiện sự vâng phục tột đỉnh, chuộc lại sự không vâng phục tích lủy từ đầu lịch sữ nhân loại cho đến ngày nay. Như vậy là vì YÊU. Tình yêu là động lực.

Chúng ta không nhìn thập giá và một thây ma bầm dập, máu me, đầy thương tích mà thương khóc. Chúng ta không tôn vinh thập giá và khổ hình vì dù là của Chúa Giêsu cũng vẫn là sự dữ ghê tỏm. Hãy nhìn thấy ở đó sự tự hạ tự hủy mà Đức Giêsu , tự nguyện chấp nhận, gánh lấy để tỏ hiện một sự vâng phục tột đỉnh để chuộc tội, để đền bù tội lỗi chúng ta, chết vì tội chúng ta nơi Chúa Cha. Chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu  chuộc tội chúng ta là vâng phục để chuộc lại sự không vâng phục của nhân loại từ thế hệ Adam đến chúng ta. Đền bù tội lỗi chúng ta cũng từ Adam  vì có tội thì phải đền. Chết vì chúng ta là chuộc tội,. là đền tội để cứu chúng ta thì chúng ta mới được sống. Cốt yếu là làm gương, là đi trước dẩn đường và dạy chúng ta biết ý của Chúa Cha mà vâng phục như Người để được cứu. Không phải Người đã chuộc tội, đã đền bù tội lỗi chúng ta , đã chết vì chúng ta thì chúng ta khỏi rồi, sống rồi, khỏi phải làm gì nữa. Tha hồ tiếp tục.

Chúng ta phải cảm kích tình yêu của Người, đáp lại lời mời gọi của thập giá"đi theo Đức Giêsu", vác thập giá mình, thập giá của cuộc đời mình như Người đã vác cho chúng ta thấy mà noi theo.

Ôi thập giá là muôn lời nhắn gọi

Hãy đến nào, đến để cạn nguồn yêu

Ôi thập giá là nhuốc nhục trăm chiều

Mà chúa chịu vì yêu người nhân thế.

1983    14-04-2011 10:10:33