Sidebar

Thứ Sáu
20.09.2024

Chúa Nhật Lễ Lá A_5

HOAN HÔ - ĐẢ ĐẢO
Mt 26,14 -27,66

Hôm nay toàn thể Giáo hội tưởng niệm Chúa Kitô vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Vì thế ngày lễ hôm nay gồm có hai phần : phần đầu kính nhớ việc Chúa vào thành thánh bằng cuộc rước kiệu lá, phần hai là thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. 

Trước hết, ngày Chúa Nhật trước khi đi thụ nạn, Chúa Giêsu lên thủ đô Giêrusalem lần cuối cùng. Dân chúng lũ lượt kéo nhau đi như cuộc biểu tình vĩ đại, trên đường vào thành thánh, họ trải áo choàng trên đường và chặt những nhánh lá cây trải trên đường để Chúa đi qua, tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô Chúa, họ dành cho Chúa một nghi lễ đón rước như cho một vị vua của họ. Họ vừa đi vừa tung hô : "Hoan hô con vua Đa vít", "Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến". Người người nồng nhiệt hò la, Chúa Giêsu im lặng chấp nhận để họ đón rước và tung hô như thế. Ngài là một vị vua vinh quang nhưng khiêm hạ, Ngài không phải là vị vua như dân Do Thái mong đợi, nghĩa là vua phần xác, đến để giải phóng dân tộc họ khỏi ách đô hộ ngoại bang Rôma, đem cơm áo ấm no cho họ. Nhưng Ngài là vua trong lòng của họ, đem đến tình thương và hòa bình.

Đàng khác, cũng trong ngày lễ hôm nay, chúng ta nghe đọc bài tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Cuộc khổ nạn diễn ra vào ngày thứ sáu sau Chúa Nhật Lễ Lá, nghĩa là chỉ sau ít ngày nhiệt liệt tung hô Chúa Giêsu, dân Do Thái lại biểu tình đã đảo, chống đối, hò la đòi giết Chúa. Ngài đã bị bắt, bị trói và bị dẫn đến trước mặt thượng tế Cai-Pha, rồi đến trước tổng trấn Phi-la-tô, bị xét hỏi, bị đánh đập, bị kết án và cuối cùng bị hành quyết trên núi Sọ như một tên trọng phạm của xã hội. 

Ngày lễ hôm nay cho chúng ta thấy hai thái độ trái ngược nhau của dân Do Thái : hoan hô Chúa và đả đảo Chúa, đưa Chúa lên ngai vua và hạ bệ Chúa trên thập giá. Chắc chúng ta khó chịu, bực tức và lên án thái độ đổi thay, lòng dạ tráo trở của những người đó phải không ? Nhưng chúng ta hãy ý tứ, có người đã viết như thế này : "Giữa Chúa Nhật Lễ Lá và thứ Sáu Tuần Thánh có thể phản chiếu cả cuộc đời của các Ki-tô hữu : Hôm nay chúng ta hoan hô, chúc tụng Chúa : vạn tuế, vạn tuế, ngày mai có thể chúng ta sẽ gào thét : đả đảo, hãy đóng đinh, hãy đóng đinh hắn vào thập giá. Hôm nay chúng ta yêu thương, ngày mai chúng ta oán ghét. Hôm nay chúng ta hân hoan, ngày mai chúng ta buồn sầu. Hôm nay chúng ta hiền hòa, ngày mai chúng ta hung dữ. Hôm nay chúng ta tin tưởng, ngày mai chúng ta hoài nghi. Vâng, danh sách các mâu thuẫn giữa thiện và ác còn có thể tiếp tục nối dài, và thực sự giữa Chúa nhật Lễ Lá và thứ Sáu Tuần Thánh có thể phản chiếu cả cuộc đời của Ki-tô hữu".

Để làm sáng tỏ những tư tưởng trên, một diễn giả đã dùng một cành lá dừa. Cành lá dừa xanh tươi tượng trưng cho những đặc tính tích cực của Chúa Nhật Lễ Lá như hoan hô, chúc tụng, yêu thương, hân hoan, hiền hòa, tin tưởng. Mỗi lần nêu lên một khía cạnh tiêu cực của cuộc sống như khước từ, oán ghét, buồn phiền, hung dữ, hoài nghi, diễn giả tuốt bỏ phần lá xanh, chỉ còn để lại cọng của cành lá dừa. Cuối cùng, cành lá dừa xanh tươi đã biến thành một bó roi có thể dùng để hành hạ nhau, biến thiên đàng thành địa ngục.

Chắc tất cả chúng ta đều hiểu và thấm thía những điều trên đây ? Cuộc sống của chúng ta có nhiều tiêu cực hơn tích cực, chúng ta làm khổ nhau nhiều hơn làm đẹp lòng nhau. Có phải chúng ta xích mích, gây chia rẽ bất hòa nhiều hơn là xây dựng, yêu thương, đoàn kết ? Chúng ta tôn vinh Chúa ở trong nhà thờ nhưng chúng ta có tôn vinh Chúa trong cuộc sống ở ngoài nhà thờ không ? Mỗi khi chúng ta không tôn trọng bất cứ người anh em nào là chúng ta không tôn vinh Chúa. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta luôn trung thành với lời chúng ta hoan hô "vạn tuế" để trong cuộc sống, chúng ta quyết tâm đem ra thực hành chương trình xây dựng hòa bình và tình thương của Chúa. 

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP.

HIẾN TẾ TÌNH YÊU
Mt 26, 14-27,66

Chúng ta đang sống trong những ngày trọng đại nhất của niên lịch phụng vụ. Cùng với Giáo hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh- kỷ niệm ngày Chúa Giêsu vinh hiển tiến vào thành thánh Giêrusalem, chịu Khổ nạn, chịu chết và sống lại. Chúng ta đồng hành với Chúa Giêsu trên đường thập giá để cảm nghiệm mầu nhiệm Tình yêu tự hiến mà Chúa Cha đã ân ban cho nhân loại.

Từ bàn Tiệc ly- Bí tích Tình yêu...

Chúa Giêsu- hơn ai hết, hiểu rằng vâng theo thánh ý Cha là chấp nhận hy sinh, chấp nhận sự chà đạp, khinh bỉ, nhục mạ và đánh đập đến "thân tàn ma dại" do con người - vốn dĩ được Người hết mực yêu thương- gây ra. Người còn biết rằng trong số những môn đệ bước theo Người, đại bộ phận cũng chỉ là những con người hết sức tầm thường, nếu không muốn nói là những người rồi đây sẽ trở thành những kẻ nhút nhát, run sợ khi chứng kiến sự bách hại đến với Thầy và, tệ hơn, còn là những kẻ lừa Thầy phản bạn như trường hợp của Giuđa Ítcariốt. Tuy thế, Chúa Giêsu vẫn hết mực yêu thương và lo lắng cho họ. Chính vì thế, trước khi bước vào con đường Khổ nạn, chính Người đã trao lại cho các ông Bí tích Tình yêu, thiết lập giao ước mới hầu đảm bảo việc Người sẽ hiện diện mãi mãi giữa lòng nhân loại.

Vâng, những lầm lỗi do nhút nhát hay vì phản bội của các môn đệ không ngăn nổi trái tim chan chứa Tình yêu của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể thấy việc Người cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ, rồi ánh mắt diệu hiền trả lời câu hỏi của Giuđa Ítcariốt, đến lời tiên báo nhẹ nhàng cho Phêrô,... tất cả đều phát xuất từ trái tim thấm đượm tình yêu. Đó chính là những dấu ấn khó phai trong tâm trí các môn đệ. Đây cũng chính là điều khiến các ông không ngừng làm chứng và loan báo cho muôn dân về dấu ấn Tình yêu vĩ đại ấy.

Đến đồi Gôngôtha- Hiến tế Tình yêu

Chúng ta biết, Khổ nạn và Phục sinh đều được các thánh sử ghi lại nhưng trong từng chi tiết, mỗi thánh sử có một cái nhìn tương đối khác biệt. Sở dĩ như vậy là vì các tác giả thánh muốn làm nổi bật một ý nghĩa riêng mà mình muốn trình bày. Nếu như Máccô diễn tả cuộc Thương khó của Chúa Giêsu cách trần trụi, nghĩa là có sao nói vậy; Luca trình bày cuộc Thương khó như một bài suy niệm; còn Gioan thì trình bày Đấng chịu nạn như vị Vua oai nghiêm tiến đến ngai vàng thì thánh sử Mátthêu lại giới thiệu Chúa Giêsu là người Công chính, bị bách hại để ứng nghiệm lời Kinh thánh.

Rõ ràng thánh sử Mátthêu nhìn cuộc Thương khó của Chúa Giêsu dưới cái nhìn tiên báo của kinh thánh Cựu ước nhằm nhắn gửi cho độc giả Kytô giáo gốc Dothái thông điệp: Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia mà họ đang mong chờ. Với cách nhìn này, Chúa Giêsu bước vào cuộc Thương khó với nhiều hình ảnh khá sống động. Sự phản bội của Giuđa khi bán đứng Thầy mình với giá 30 đồng: Chúa Giêsu bị người đời ruồng bỏ, bị xem như người nô lệ (x. 26,15); Trong vườn Ghếtsêmani, khi bị bắt, các môn đệ chạy trốn: Chúa Giêsu như người mục tử bị đánh đập khiến cho đàn chiên môn đệ tan tác như Ngôn sứ Dacaria loan báo (x. 26, 56b; Dcr 13,7); Khi đứng trước Thượng hội đồng Dothái, Chúa Giêsu minh chứng chính Người là Con Người - nhân vật mà Ngôn sứ Đanien đã loan báo thưở xưa (x. 26, 64; Đn 7,13); Trên đồi Gôngôtha, khi chịu treo trên thập giá, Chúa Giêsu như Người Tôi trung, như Chiên Vượt qua chịu sát tế - làm của lễ Hiến tế tình yêu dâng lên Cha hầu nhân loại được cứu độ.

Chúng ta thấy gì khi chiêm ngắm hiến tế Tình yêu mà Chúa Giêsu đã dâng hiến trên đồi Gôngôtha xưa? Thánh Tôma Aquinô đã khẳng quyết rằng : "Không có gương nhân đức nào mà không có nơi Thập giá Chúa Giêsu". Theo đó, nếu chúng ta tìm gương bác ái ư? Hãy nhìn vào Thập giá- nơi treo Đấng hy sinh vì bạn hữu. Đi tìm gương nhẫn nhục ư? Hãy nhìn vào Thập giá- nơi được sánh ví như Chiên con bị xén lông, bị đem đi xẻ thịt mà không một lời kêu ca. Hay chúng ta đi tìm gương khiêm nhường? Hãy nhìn vào Thập giá- nơi treo Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng Ngài đã tự hạ, vâng lời cho đến chết. Một tấm gương khinh chê của cải ư? Hãy nhìn vào Thập giá - nơi treo Đấng trần truồng, bị nhục mạ chế giễu, khinh khi...

Như thế đã rõ, khi chiêm ngắm đường Thương khó Chúa, người kytô hữu lại được đồng hành và chia sẻ những đớn đau mà Chúa phải trải qua; đây còn là dịp để chúng ta nhận ra tình yêu, lòng bao dung và sự tha thứ Chúa dành cho nhân loại. Chiêm ngắm cuộc Khổ nạn của Chúa, chúng ta được mời gọi bước theo Thầy Chí Thánh trong vâng phục và yêu thương, đồng thời không ngừng rao giảng và làm chứng cho thế giới này biết thế nào là tình yêu tự hiến, là tặng phẩm Thần linh mà Thiên Chúa ưu ái dành cho nhân loại.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

ĐƯỜNG THẬP GIÁ
Mt 26, 14-27, 66

Hôm nay, Chúa Nhật lễ Lá, khởi đầu cho tuần Thánh, tuần lễ quan trọng nhất trong cả năm Phụng vụ của Kitô giáo, tôi muốn được cùng quý OBACE suy niệm về con đường thập giá.

1. Con đường thập giá của Đức Kitô:Khi nói đến con đường thập giá, trong trí chúng ta thường xuất hiện khuôn mặt của những tên lý hình lạnh lùng, hung dữ, vói những đòn roi, và những vết đinh. Tuy nhiên, không chỉ là những nỗi đau trên thân xác, tâm hồn Đức Giêsu còn phải gánh chịu một nỗi đau khác, đau đớn hơn, chua chát hơn, đủ làm nên những giọt máu đổ ra trộn lẫn với mô hôi của Ngài.

Trước hết là nỗi đau khi bị người thân yêu nhất phản bội. Chúng ta biết trong ba năm trời rao giảng, Đức Giêsu đã qui tụ quanh mình được một nhóm nhỏ 12 người. Nhóm người này có thể nói được là những người thân tín nhất của Đức Giêsu. Ngài đã dành nhiều thời gian để gặp gỡ riêng tư, để giải thích, hướng dẫn và dạy dỗ các ông nhiều điều. Và trong nhóm đó, có hai môn đệ Ngài tin tưởng nhất: một là Phêrô, hai là Giuđa. Với Phêrô, Đức Giêsu đã tin tưởng ông, nên đặt ông làm thủ lãnh của các tông đồ; còn với Giuđa, Đức Giêsu đã tin tưởng đến nỗi đã giao cho ông cả "khúc ruột" của Ngài, khi trao cho ông nhiệm vụ quản lý. 

Thế nhưng, sự thể thật trớ trêu. Khi được giao giữ túi tiền, Giuđã liền đem cả Thầy mình mà bán đi với cái giá thật rẻ mạt chỉ với giá "ba mươi đồng bạc". Còn Phêrô cũng chả hơn gì, là thủ lãnh của cả nhóm, vậy mà khi Thầy mình bị bắt, chỉ trong một đêm, "trước khi gà gáy", ông đã lớn tiếng thề thốt, và chối chẳng có quan hệ, cũng chẳng phải là đồng hương với Thầy mình. Cho dù, người đối diện với ông chỉ là một người đầy tớ gái, chẳng có chút thế giá nào trong xã hội lúc bấy giờ. Đức Giêsu đã bị chính những "đệ tử ruột" của mình phản bội.

Kế đó là nỗi đau khổ bởi cô đơn. Sau bữa tiệc, nhìn thấy trước gánh nặng của con đường thập giá, Đức Giêsu nói với các tông đồ: "Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết được, các con hãy ở lại đây và thức với Thầy". Thế nhưng, có lẽ vì mỏi mệt, vì những chén rượu các ông vừa uống trong bữa ăn, và có lẽ cũng vì các ông không thể hiểu và thông cảm với những nỗi đau khổ đang dằn vặt trong tâm hồn của Đức Giêsu, nên các ông ngủ cả, không một ai thức cùng Đức Giêsu. Đức Giêsu đang phải trải qua một nỗi đau khổ, cô đơn không biết chia sẻ với ai, còn Chúa Cha thì lại im lặng. 

Đúng là một nỗi dằn vặt, cô đơn đến cùng cực. 

Dưới gánh nặng cùng cực đó của con đường thập giá, đã có lúc Đức Giêsu kêu lên với Chúa Cha "Lạy Cha, nếu được, xin cho Con khỏi chén này!". Nhưng rồi trong tình yêu và niềm tin, Ngài liền thưa tiếp với Chúa Cha "Nhưng đừng như ý Con muốn, một theo ý Cha muốn". Và không chỉ là một lần, sau lần cầu nguyện thứ hai, Đức Giêsu lại kêu lên: "Lạy Cha, nếu chén này không thể qua đi được mà Con phải uống, thì xin theo ý Cha". Và không chỉ có thế, ngay cả khi đã bị đóng đinh trên thập giá, thì những tên cướp bị đóng đinh với Đức Giêsu, tức là những kẻ mạt hạng cuối cùng trong xã hội cũng lớn tiếng nhục mạ Ngài. Thật, chẳng còn nỗi đau khổ nào, hay sự oan ức, sự sỉ nhục nào mà Đức Giêsu đã không phải gánh chịu đúng như lời ngôn sứ Isaia đã báo trước: "Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi". Đức Giêsu quả thật đã "huỷ bỏ chính mình,... đã tự hạ mình, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá".

Thế nhưng, cho dù con đường thập giá có khủng khiếp và nặng nề đến đâu đi chăng nữa, thì với lòng tin tưởng và nhất là nhờ sức mạnh tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha và đối với toàn thể nhân loại, cuối cùng, Đức Giêsu cũng đã đi trọn con đường thập giá cho đến tận đỉnh đồi Canvê. Chính vì thế "Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa".

Như thế, thập giá trên đỉnh đồi Canvê trước đây là một biểu tượng của ô nhục, biểu tượng của tội lỗi, thì giờ đây, nhờ Đức Giêsu, đã trở nên cây Thánh Giá, biểu tượng cho sức mạnh và lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhờ Thánh giá, chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa. Tin mừng thuật lại khi Đức Giêsu trút hơi thở, thì "màn đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới". Màn đền thờ đã xé ra, giao ước cũ chấm dứt, để bắt đầu một giao ước mới, giao ước được ký kết không phải bởi máu chiên bò, nhưng bằng chính Máu của Đức Giêsu, Máu của chính Con Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã đi trọn con đường thập giá, và đã phục sinh vinh hiển để đem lại ơn cứu độ cho mỗi người chúng ta. Do đó, để nhận được ơn cứu độ của Ngài, mỗi người chúng ta chắc chắn cũng phải đi trọn con đường thập giá của mình.

2. Con đường thập giá của chúng ta:

Bước đi theo Đức Giêsu trên con đường thập giá hôm nay, cho dù chúng ta không bị đòn vọt, tù tội, không có mão gai, không bị đóng đinh vào tay chân, không bị lưỡi đòng đâm thâu, nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Đi con đường thập giá của Đức Giêsu, chúng ta vẫn phải đối diện với nỗi đau đớn của sự phản bội, vu khống, bội bạc của những người đang cùng sống với chúng ta. Thậm chí, có khi sự vô ơn, bội bạc đó còn đến bởi những người thân yêu nhất của chúng ta như: anh chị em, con cái, hoặc đến từ những người bạn từ thuở còn thơ.

Mặt khác, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy, nền luân lý của thế giới hôm nay đang bị rối loạn. Tôi nói là "rối loạn", bởi lẽ người ta dễ dàng "khóc", và lớn tiếng kêu gọi "chia sẻ" khi thấy những nạn nhân của sóng thần, thiên tai, nhưng lại cho phép và cổ võ việc giết những con người vô tội, vô phương chống cự, đó là những thai nhi còn nằm trong bụng mẹ, hay những người già yếu, bệnh tật, với những tên gọi thật đẹp như "kế hoạch hoá gia đình", "chết êm dịu". Chẳng lẽ, mạng sống của những người này lại "rẻ", hơn mạng sống của những người kia!!! Do đó, một khi dám đi ngược lại những trào lưu thực dụng của xã hội hôm nay, để đấu tranh dành quyền cho sự sống, cho công bình, lẽ phải, là lúc chúng ta đang đi con đường thập giá của Đức Giêsu. 

Khôn ngoan trần thế còn dạy chúng ta "phụ người hơn để người phụ mình". Còn đường thập giá của Đức Giêsu thì lại mời gọi chúng ta yêu thương, cầu nguyện và tha thứ cho kẻ thù, kẻ làm hại chúng ta thà "người phụ mình, hơn là mình phụ người". Con đường thập giá mà chúng ta phải đi mỗi ngày, còn là cuộc đấu tranh để có những quyết định chẳng phải là dễ dàng, trong từng biến cố lớn nhỏ của cuộc sống khi phải đối diện với những đòi hỏi của công bình, bác ái, chẳng hạn như việc: đút lót, tham nhũng, hay đơn giản hơn, việc "quay" bài của các em học sinh.

Và bởi vì đi ngược với suy nghĩ, với cách sống của con người hôm nay, nên lắm lúc người kitô hữu chúng ta cảm thấy mình như cô đơn, như đang đứng bên lề của xã hội. Nhưng cho dù vậy, chúng ta cũng không được phép nản lòng, thối chí, bởi vì chúng ta không vác thập giá một mình, chúng ta có Đức Giêsu, người Thầy, và là Chúa của chúng ta cùng vác với chúng ta. Và nếu chúng ta dám đi trọn con đường thập giá với Ngài, thì chắc chắn, cuối cùng chúng ta cũng sẽ được cùng Ngài hưởng trọn niềm vui của cuộc Phục Sinh vinh hiển. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Mt 26:14-27, 66 

Phụng vụ hôm nay được bao trong một bức màn của sự đau khổ. Tuy nhiên, ta có cảm tưởng rằng sứ điệp không nằm ở đó nhưng ở chính nơi hành động mầu nhiệm và cao cả của Thiên Chúa, qua những đau khổ độc ác nhất. Trong bài ca thứ ba của người tôi tớ Giavê, ta đọc thấy: "Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế tôi đã không hổ thẹn" (Bài 1) 

Trong bài thánh ca Kitô của thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Philipphê, Ngài nói với ta: "Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu". 

Và trong bài Thương Khó, Đức Giêsu xin với Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha". Và tác giả Tin Mừng đã viết: vào lúc Đức Giêsu tắt thở thì bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới, đất rung, đá vỡ", tất cả những dấu ấy là bằng chứng sự tỏ hiện của Thiên Chúa vào thời sau cùng, theo não trạng do thái. Cần nhấn mạnh rằng đau khổ không phải là một nghịch lý, không phải là một tính toán sai lầm của Chúa trong công trình tạo dựng, nhưng điều muốn trình bày là: Thiên Chúa là Chúa trên mọi đau khổ và điều này sẽ mang lại cho đau khổ một ý nghĩa. 

Sứ Điệp niềm tin

Ngay chính Chúa Giêsu Nagiarét cũng không được miễn chuẩn khởi đau khổ. Đau khổ là thành phần hình thành lịch sử con người, một thực tại hữu hạn, bất toàn và dễ sai phạm. Là những điều không thể tránh được, nên mỗi người cần đối diện và chấp nhận thân phận con người của mình cùng với lòng tin. Cũng có nghĩa là chúng có một giá trị phi thường mà con người cần khám phá ra: một giá trị luân lý trong việc hình thành nhân bản. Những ai biết chấp nhận đau khổ, càng trở nên người có giá trị cứu độ trong chương trình cứu chuộc của Chúa. Những đau khổ của con nguời góp phần vào công trình cứu độ do Đức Kitô mang lại.

Hình ảnh người tôi tớ của Giavê, chủ đề của bài đọc 1, làm ta kinh ngạc và sửng sốt. Ngài là người vô tội. Dù không làm hại ai, Ngài phải nhận những lăng nhục, sỉ vả. Ngài là con người đạo đức biết nhận ra bàn tay của Chúa giữa những điều xảy ra cho mình và cảm nghiệm được sức mạnh và sự hiện diện của Chúa. Ngài là người môn đệ của Chúa, Đấng biến đau khổ thành những điều lành, đã ban cho những kẻ bị đau khổ miệng lưỡi khôn ngoan. Điều này được thực hiện cách xác thực nhất nơi Đức Giêsu Nagiarét trong suốt giai đoạn thương khó của Ngài. Chính vì thế, những kitô hữu tiên khởi đã nghĩ như thế về Ngài, và đã lưu lại một hình ảnh trong bài thánh ca mà Thánh Phaolô truyền lại cho ta trong thư gởi tín hữu Philipphê. "Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ...Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự".(Bài đọc 2) 

Và chẳng phải là cả bài tường thuật Thương Khó là những đau khổ của người bị thương tích, và bị giết cách vô tội vì tội lỗi của các "tên sát nhân"? Đó chẳng phải là cách diễn tả tuyệt vời tình yêu đầy đau khổ của Chúa Cha, nhờ đó mà những kế hoạch nhiệm mầu và khôn tả của Ngài được thực hiện, "để con người được sống"? Đó chẳng phải là hành vi cuối cùng nhất của sự khiêm nhương tự hủy mình, đã được Chúa Cha siêu tôn? Đối với bản tính nhân loại, đau khổ không ngừng là nỗi ám ảnh, khiếp sợ, nhưng phía sau nó lại là khuôn mặt rạng rỡ, vui tươi đẹp đẽ của sự ngọt ngào phong nhiêu. 

Gợi ý Mục Vụ

Thái độ của tôi ra sao trước những đau khổ, tai họa, một rối loạn mang tính xã hội, luân lý hoặc đạo đức? Đâu là thái độ của kitô hữu giữa những người đang cùng sống, sinh hoạt? Làm sao họ hiểu và đối diện được cái chết của một người thân yêu, của một người vô tội? Làm thế nào họ chấp nhận được những bất hạnh của riêng họ, ví dụ: căn bệnh hiểm nghèo, tai nạn giao thông, lao động, cảnh cô độc và bỏ rơi, những giới hạn của tuổi già? 

Người linh mục cần biết thông cảm những đau khổ, những thử thách, những lo âu, phiền muộn của người giáo dân, của những ai mà ngài mang tin mừng đến. Tôi có là người mục tử nhân lành biết từng con chiên của tôi, và tôi có gần gủi với họ, nhất là trong những lúc gian nguy không? Tin vào sự hiện diện và quan phòng của Chúa trong những lúc khó khăn và thống khổ là điều rất cần thiết. Trong cái hỗn mang do đau khổ gây nên, trong cơn khủng hoảng nội tâm muốn chống đối, trong thái độ thiếu tự chủ, niềm tin là chiếc chìa khóa chuẩn bị người kitô hữu tìm được sự thanh thản, mở cửa hy vọng, trông cậy vào Chúa của sự sống và của lịch sử. Niềm tin vào sự hiện diện của Chúa trong những đau khổ và gian truân là chủ đề của bài giảng; nhưng trong suốt thời gian của thử thách và muộn phiền, niềm tin ấy cần được diển tả ra bằng hành động. Trong những lúc như thế, linh mục người của niềm tin, cần khơi lên ngọn lửa đức tin nơi người khác.

Lm Phêrô Phạm Ngọc Lê

1422    14-04-2011 09:59:24