NGÀI ĐÃ SỐNG LẠI
Mt. 28, 1 - 10.
(Gn 20, 1, 1-9) Theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết.
Anh chị em thân mến,
Xin được kể một câu chuyện: Một người đàn bà nhà quê đến hôn chân Chúa Giêsu nằm trên Thánh giá. Một anh lính sô viết đến hỏi bà: "Tại sao bà không đến hôn chân vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta, mà lại hôn chân một người chết trần trụi như thế?" Bà trả lời: "Có chứ, tôi sẽ hôn chân vị lãnh tụ, nếu ông ấy chịu đóng đinh vì tôi..." Thật, đúng như lời người đàn bà này nói: người Kitô hữu hôn chân Chúa Giêsu, nghĩa là tin nơi Chúa, chính vì Chúa đã chịu đóng đinh, đã chết và đã sống lại vì mọi người. Niềm vui của ngày lễ Phục sinh hôm nay, chính là Hội Thánh muốn mọi người hiểu rõ được chân lý đó. Trân trọng kính mời anh chị em cùng suy niệm.
a/. Chúng ta cần tìm hiểu vài câu:
Ngày đầu tuần, Maria Magdala đi ra mồ từ sáng sớm và thấy mộ trống: ngày đầu tuần: người Do thái lấy ngày thứ Bảy là ngày lễ, ngày nghĩ, nên ngày đi sau ngày thứ Bảy họ coi là ngày đầu tuần. Đó là ngày Chúa Nhật. Chỉ sau này, với lịch phụng vụ Rôma, người ta mới lấy ngày Chúa Nhật làm ngày đầu tuần...
Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ: theo lời mấy bà, trong đó có bà Maria Magdala, họ ra mồ Chúa từ sớm, nên họ thấy mồ trống; vì vậy họ chạy về báo tin cho các tông đồ hay, nên Phêrô và Gioan liền chạy ra mồ xem thực hư...
Ông đã thấy và tin. Trước đó hai ông không hiểu rằng: theo Kinh Thánh người phải chỗi dậy từ cõi chết... hai ông này đã chạy ra mồ, và thấy sự việc như lời các bà nói. Hai ông còn thấy băng vải liệm còn để đó; cả khăn che đầu cũng còn và được cuộn lại xếp qua một bên; đó là dấu chỉ cho biết Chúa đã sống lại, vì nếu Chúa không sống lại, hoặc ai đem xác Chúa đi giấu, không lẽ họ lại để khăn vải liệm ở lại, ngay trong mồ Chúa?
b/. Lễ Phục sinh không chỉ là cao điểm của mùa Phục sinh, mà còn là điểm cuối cùng của cả năm phụng vụ. Ngày lễ này, ngoài ơn lành Chúa ban cho, còn đem lại điều quan trọng hơn nữa vì đem lại sự sống thật cho người tín hữu: "nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin anh em thật là vô ích...". Đó chính là lời rao giảng rõ ràng của vị Thánh Phaolô tông đồ dân ngoại trong thư thứ I gởi cho giáo đoàn Côrintô (ICor 15,17). Thật vậy, nhờ việc Chúa sống lại, người ta mới hiểu được giáo lý Chúa Giêsu đã dạy, mới hiểu được cuộc sống của Người ở trần thế.
Vì vậy, Hội Thánh không chỉ kỷ niệm lại biến cố phục sinh mỗi năm một lần, mà hàng tuần vào ngày Chúa Nhật nữa. Có một điều mà nhiều khi người Kitô hữu chúng ta không hiểu, mà cũng là một thách thức cho niềm tin chúng ta, đó là: Biến cố phục sinh quan trọng và lớn lao như vậy, lại không dựa vào những chứng cứ lịch sử cụ thể, rõ ràng, mà lại dựa vào lòng tin, căn cứ vào những chứng tích cá nhân, vào lời Kinh thánh đã tiên báo, vào lời Chúa đã nói trước (Mt 18,6) v.v...hoặc dựa vào chính máu đào của các tông đồ, họ đã tự nhận đã thấy và làm chứng để mọi người cùng tin(Cv 2,32)... Đúng là một mầu nhiệm, Thiên Chúa, chỉ hé lộ cho người thấy chút ít ở trần gian. Chỉ sau này trên nước trời, ta mới hiểu rõ ràng; vì khi còn ở trần gian, nếu ta hiểu rõ ràng cả, thì còn chi là công nghiệp nữa....
c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Chúa Kitô thực sự đã sống lại, điều này ta có tin không? Bà Maria và các tông đồ đã đồng hành với Chúa, đã trải qua cuộc khổ nạn của ngày Thứ Sáu, nghĩa là nhận ra Chúa vì yêu họ mà đã chết cho họ, nên họ đã tin Chúa phục sinh. Phần chúng ta, nếu chúng ta tin, thì tại sao nhiều lúc chúng ta vẫn sống thờ ơ, nguội lạnh, sống trong tội, sống như là không có Chúa hiện diện vậy? Ta nghĩ làm sao đây?
Đại lễ Phục Sinh giúp chúng ta tưởng niệm lại biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại; ngày Chúa sống lại ra khỏi mồ một cách vinh hiển. Biến cố ấy chính là niềm hy vọng, là điểm đến và mong ước của toàn thể nhân loại. nếu Chúa Giêsu không sống lại thì bao nhiêu hy sinh mơ ước của con người ở trần thế này không còn ý nghĩa gì nữa.
Để nói về sự Phục Sinh! là một điều rất khó thuyết phục cho những kẻ cứng tin, hay cho những người chống đối. Cũng còn một số những người tin đó là một biền cố thật sự thì lại cố ý bóp méo hoặc nói sai lệch đi vì một nguyên nhân nào đó, như những tên lính canh chẳng hạn. Còn cuộc sống tân tiến như ngày nay thì họ xem cuộc sống lại mai sau là một cái gì huyền bí giả tưởng. mọi điều ophải được chứng thực bằng mắt thấy tai nghe, bằng những phương pháp mà họ có thể thử nghiệm được thì họ mới tin. Cho dù chúng ta tin hay không thì Thiên Chúa chết và sống lại cũng là một chân lý mà tất cả sự kiện và lịch sử đó đã được xảy ra hơn hai ngàn năm nay. Và trong thực tế cũng có rất nhiều lý chứng xác nhận Đức Giêsu Phục Sinh là sự thật.
Ngôi mồ trống và khăn liệm.
Người đầu tiên nhìn thấy ngôi mồ trống là Maria Madalena, bà đã nhìn vào trong mồ và thấy ngôi mộ trống, mà cho dù ngôi mộ cố trống thì cũng không thể khẳng định là Đức Giêsu đã sống lại. Nhưng lúc đó bà Madalêna cũng không nghĩ là Chúa đã sống lại thật. Bà chỉ nghĩ theo lẽ tự nhiên là: "người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ". Vật chứng tiếp thao là khăn liệm, một vật chứng rất có giá trị về sự Phục Sinh của Đức Giêsu, hiện nay vẫn còn được giữ tại nhà thờ thánh Gioan, ở Turin Bắc nước Ý. Bên trong trong mồ các khăn liệm vẫn còn khác với Lazarô khi sống lại "chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn". Khi sống lại Chúa Giêsu không cần đến sự trợ giúp của ai khác, Vì chính Người đã lăn tảng đá đóng kín mồ thề nào, thì Người cũng tự tháo gỡ các khăn liệm và khăn phủ mặt thế ấy. Sự kiện các khăn liệm còn đó, và khăn phủ mặt được buộc lại để riêng một chỗ, loại bỏ giả thiết của Madalena, cũng như những người cho rằng xác Chúa đã bị đánh cắp. Vì không đời nào người trộm xác lại có thời gian thảnh thơi lột các khăn liệm ra sắp xếp lại cho ngay ngắn rồi mới ôm xác đi. Điều đó thật vô lý.
Như vậy khăn che mặt còn là một dấu chỉ vững chắc cho việc Chúa sống lại. Cũng nhờ dấu chỉ này mà Gioan đã tin Chúa sống lại ngay khi vừa mới bước vào trong mồ. Đây cũng là dấu chỉ cho tất cả những người đang còn nghi ngờ về sự Phục sinh của Chúa. Nếu chúng ta không đích thân thấy Chúa sống lại để tin, thì chúng ta cũng phải biết nhìn vào các dấu chỉ này để tin.
Đời sống chứng nhân.
Đức tin cũa chúng ta chỉ có thể đặt trên nền tảng của các nhân chứng, của những người đã được sống với Chúa. Có thể nói họ là những người gần gũi với Chúa như "hình với bóng". Hằng ngày họ được tiếp cận, gặp gỡ và hiểu Ngài hơn ai hết. Chính họ là những người đã chứng kiến tận mắt và sờ tận tay cuộc khổ nạn, cái chết trên thập giá và sự sống lại của Người, và chứng từ của họ đã được chứng minh bằng chính giá máu, bằng chính cuộc sống của họ. Và như thề, chứng từ của họ là sự thật, vì không bao giờ có ai sẵn sàng chết cho một sự dối trá lừa đảo. Nhất là chứng thực của Thánh Phaolô. Ngày xưa Chúa vẫn là kẻ thù của Chúa, đi bắt đạo khắp nơi. Thế mà bỗng dưng ông thay đổi thái độ, bỏ chức quyền giàu sang, trở thàh thù địch của dòng họ chỉ vì tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Trước đời sống hoàn toàn tận hiến cho Chúa Phục Sinh của ông và của các tông đồ, không còn có thể nói rằng chân lý ấy là một sự lường gạt dối trá nữa.
Cuối cùng ta cò thể kết luận: chúa giêsu đã sống lại và không ai có thể chối cãi. Những bằng chứng về sự Phục Sinh rất nhiều hiển nhiên, với hơn hai ngàn năm lịch sử, nếu là một chuyện hoang đường về một người tử tội sống lại sẽ không còn tồn tại như thế.
Lạy Chúa, biến cố Phục Sinh đã thắp lên trong tâm hồn con niềm hy vọng chứa chan, bởi vì nếu trung thành phụng sự Chúa, con cũng sẽ được chia sẻ. được sống lại trong vinh quang với Chúa. Amen
NIỀM VUI THAY ÐỔI LÒNG NGƯỜI
Mt. 28, 1 - 10.
Người ta thường nói: "Một nụ c ười bằng mười thang thuốc bổ " . Niềm vui sẽ làm cho con ng ười người ta phấn khởi và sống lạc quan hơn. Hơn nữa, niềm vui còn có sức làm thay đổi lòng người. Chúng ta đã qua Mùa chay của năm Phụng vụ 2008 và chúng ta đang cùng với Giáo hội bước sang mùa Phụng vụ mới - mùa Phục sinh. Ðây là mùa vui nhất trong cả năm Phụng vụ. Vui mừng vì Ðấng Cứu Chuộc chúng ta thật sự đã sống lại. Vui mừng vì Thầy của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Vui mừng vì ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được sống lại vinh quang như Chúa của mình.
Như chúng ta đã từng học trong giáo lý có hai dấu hiệu chứng tỏ Chúa Giêsu đã thật sự sống lại: một là ngôi mộ trống với khăn liệm xếp ngay ngắn; hai là Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra với nhiều người. Chẳng hạn như với Phêrô, Gioan hay như với Mađalêna.
Có một dấu hiệu khác mà có lẽ chúng ta ít để ý nhưng lại hết sức quan trọng. Ðó là sự thay đổi thái độ của các Tông đồ. Như chúng ta biết khi Chúa Giêsu bị bắt thì các Tông đồ như rắn mất đầu. Các ông chỉ còn biết trốn vào phòng đóng kín cửa mà không dám ra ngoài. Chỉ có Gioan là theo Chúa Giêsu tới cùng. Phêrô chạy theo nhưng khi bị người ta hỏi thì đã vội chối leo lẻo đến 3 lần. Còn các Tông đồ khác thì chẳng ai dám theo. Thế nhưng, Tin mừng phục sinh đã làm thay đổi hẳn thái độ của các ông. Từ những người nhút nhát sợ sệt chuyển sang can đảm, hăng hái đi rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu phục sinh.
Tâm lý thông thường khi có niềm vui thì chúng ta khó mà giữ riêng được cho mình. Chúng ta phải tìm mọi cách để cho nhiều người biết càng tốt. Bởi lẽ, "niềm vui chia sẻ thì nhân đôi còn nổi buồn chia sẻ thì vơi đi một nửa ". Các Tông đồ cũng thế, với Tin mừng phục sinh - một Tin mừng trọng đại các ông không thể ở mãi trong phòng được. Giờ đây các ông đã mạnh dạn mở toang cửa và chia mỗi người một ngã đi loan Tin mừng Chúa Giêsu phục sinh.
Qua Mùa Chay, Chúa và Giáo hội đã cho chúng ta nhìn ra được con người thật của mình: là một thụ tạo yếu đuối không hơn không kém. Dầu vậy chúng ta được chính Ðấng Tạo Hóa yêu thương là dường nào. Bấy nhiêu cũng đủ để chúng ta cảm thấy vui mừng. Lại nữa Chúa Giêsu còn hứa: "Thầy đi dọn chỗ cho các con" (Ga 14, 3). Cho nên, nếu nh ư Chúa của chúng ta đã phục sinh vinh hiển thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ được phục sinh như Người. Ðó là niềm tin của người mỗi người tín hữu chúng ta. Là những người tín hữu, chúng ta hãy sống như thế nào để mọi người xung quanh nhận thấy được đạo của chúng ta thật sự là đạo của niềm vui. Một gương mặt nhăn nhó, một lời nói xúc phạm đến danh dự của người khác hay một cử chỉ lừa dối chắc không thể loan báo Tin mừng phục sinh được.
Trong gia đình vợ chồng con cái biết hy sinh, đùm bọc, tha thứ và nhường nhịn nhau.
Trong cùng lối xóm biết chia sẻ và giúp đỡ nhau. Bởi lẽ "Bà con xa không bằng láng giềng gần".
Trong cùng họ đạo sống đoàn kết và lắng nghe nhau .
Khi sống tốt như vậy là chúng ta đang tuyên xưng niềm tin của mình cũng như đang loan báo Tin mừng Phục sinh.
Nguyện xin niềm vui phục sinh luôn ở mãi với gia đình cũng như từng người chúng ta.
PHỤC SINH NIỀM HY VỌNG CỦA NHÂN LOẠI
Mt. 28, 1 - 10.
Hôm nay toàn thể Giáo hội cử hành đại lễ Phục sinh. Đây là ngày mà Đức Kitô, người anh của chúng ta đã phá tan xiềng xích của sự chết và chỗi dậy vinh quang tử nấm mồ. Ngài đã thực hiện điều này không phải cho chính Ngài nhưng là cho tất cả chúng ta. Ngài muốn chúng ta cũng được thông phần, sẻ chia chiến thắng vĩ đại trên tội lỗi và bóng đêm sự chết bằng cách tin cậy và hy vọng vào Ngài.
Đúng thế! Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã mang lại một niềm hy vọng lớn lao cho nhân loại đang run sợ trước cái chết và đau khổ do hậu quả của tội lỗi. Nhưng thật đang buồn cho chúng ta vì thế giới không mấy quan tâm đến sự Phục sinh của Chúa.
Điều này thật ra cũng dễ hiểu vì lý do của chúng rất đơn giản. Vì dù là biến cố vĩ đại, nhưng biến cố này đã được Đức Kitô thực hiện cách âm thầm, khiêm tốn. Chúa Giêsu phục sinh không xuất hiện một cách long trọng, vẻ vang trong đền thánh Giêrusalem để cho những người nỗi nang trong xã hội Do thái thời bấy giờ chiêm ngưỡng. Nhưng Ngài xuất hiện cho những người tầm thường, những người do chính Ngài ọi tên, những người cùng Ngài bẽ bánh, những người biết lắng nghe những lời bình an của Ngài... đặc biệt là những người biết ý thực được sự xuất hiện của Ngài. Và thậm chí họ là những người đã từng gặp khó khăn trong niềm tin vào sự phục sinh của Ngài.
Tin vào biến cố Phục sinh của Chúa Giêsu đã là một điều không phải dễ. Nhưng sống niềm tin ấy lại là một việc vô cùng khó khăn. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại hành trình đức tin và thái độ của Phêrô, Gioan và Maria Macđala trước biến cố Phục sinh của Chúa.
Thời Chúa Giêsu, chắc chắn có rất nhiều người đến nghe Ngài rao giảng. Và chắc chắn tất cả những người trong nhóm họ ít hay nhiều cũng đã từng nghe qua lời loan báo Phục sinh của Chúa. Đặc biệt là các tông đồ, nhòm đông đảo môn đệ từng kề cận bên Ngài suốt những chặng đường rao giảng mà Chúa đã đi qua.
Nhưng sáng hôm nay, chỉ có một mình Maria đi thăm mồ Chúa từ sáng sớm. Việc thăm mồ của bà không phải hoàn toàn để tìm Chúa Giêsu Phục sinh, nhưng bằng con tim dạt dào lòng mến đối với vị thầy Giêsu chí thánh đã từng tha thứ và hướng cuộc đời bà rời xa bóng đêm tội lỗi, lật sang trang mới. Chính lòng cảm mến đó đã thúc đẩy bà lên đường viếng mộ Chúa, đây chỉ là việc thăm viếng bình thường. Nhưng đau thương chồng chất đau thương, bà hốt hoảng, xót xa khi nhận ra xác Thầy không còn nữa. Bà không nghĩ rằng Chúa đã sống lại, đã quên lời Thầy báo trước hôm nào. Bằng linh tính của người phụ nữ và bằng cảm thức của một con tim dạt dào tình yêu đối với Chúa Giêsu làm bà lo âu khắc khoải. Bà nghĩ ngay "xác Thầy đã bị đánh cắp". Niềm hy vọng của bà hiện nay là làm sao tìm lại xác của Thầy đã chết.
Maria chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan, cả ba hối hả chạy đến mồ. Không thấy xác Thầy đâu, chỉ còn lại nấm mồ trống trơ, lạnh vắng với những khăn vải liệm được xếp ngăn nắp. Đứng trước mồ Chúa, ba người có ba thái độ khác nhau.
Nhìn những tấm khăn vải liệm được xếp ngăn nắp, Gioan tin Thầy mình đã sống lại. Vì chẳng ai ăn cắp xác Chúa lại phải tốn giờ sắp gọn gàng khăn liêm như thế!
Còn Phêrô thì không thấy Tin Mừng ghi lại một lời nào trước ngôi mộ trống. Chúng chỉ biết thánh Phêrô trở về nhà trong sự thinh lặng và chìm sâu trong suy nghĩ. Không phải ngài cứng lòng tin. Nhưng có lẽ vì là thủ lãnh tông đồ đoàn nên ngài cần thận trọng khi tuyên bố những gì về đức tin. Vì lời tuyên xưng của ngài có ảnh hưởng đến toàn thể Giáo hội. Còn Maria thì vẫn là bâng khuân với suy nghĩ "xác Thầy đã bị đánh cắp".
Giờ đây, Chúa đã phục sinh! Cái chúng ta cần làm hôm nay chính là sống niềm tin ấy. Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của Maria Macđala, nhưng cũng cần phải có sự nhạy cảm của Gioan để nhận ra dấu chỉ của Chúa và cần có sự thận trọng của Phêrô để khỏi rơi vào lầm lạc và mê tín. Tin vào Chúa Giêsu phục sinh là biết nhận ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời nhất là ý nghĩa của đau khổ và sự chết. Chúng ta cần phải có lòng tin để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hốt hoảng trước những thất bại, dổ vỡ, mất mát trong cuộc đời. Tất cả những gì chúng ta đang tìm kiếm rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng chúng ta cần phải nhìn thấy sự phục sinh của Chúa ngang qua những gì hư nát. Như Gioan nhận ra Chúa đã sống lại khi nhìn những mãnh khăn liệm.
Niềm tin vòa Chúa Giêsu phục sinh chính là nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta vào sự sống vĩnh cữu. Chính niềm hy vọng này là sức mạnh giúp chúng ta kiên tâm, bền chí để vượt qua những thử thách nghiệt ngã, ngang trái trong cuộc đời. Qua đó, chúng ta có được một niềm vui âm thầm, lặng lẽ và cảm nhận được sự bình an sâu sắc từ trong sâu thẳm của tâm hồn. Vì chúng ta biết rằng: Tình yêu mạnh hơn sự sợ hãi, sự sống mạnh hơn cái chết và niềm hy vọng vượt thắng nỗi thất vọng.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã sống đến cùng cuộc vượt qua của Chúa. Xin cho chúng con biết sống cuộc vượt qua của đời mình.
Vượt qua sự nhỏ mọn ích kỷ,
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì chúng con xuống,
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã,
Vượt qua nhưng đêm tối cô dơn của vườn cây dầu đời con,
Vượt qua những nỗi khắc khoải, nghi ngờ trong niềm tin,
Vượt qua những thành kiến của con đang áp đặt cho người khác.
Ước gì chúng con biét noi gương Chúa Phục sinh, luôn biết gieo rắc bình an, hy vọng,
Tin tưởng và niềm vui khắp muôn nơi.
Ước ước gì mọi người khi gặp con cũng nhận ra sự sống mãnh liệt của Chúa. (Rabbouni)
Tôi muốn nhìn toàn bộ biến cố Phục sinh trong khía cạnh tình yêu để thấy được rằng, kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa là một kế hoạch của tình yêu từ khởi sự cho đến hoàn thành.
Trong Tin mừng thứ 4, Thánh Gioan tông đồ đã viết như sau: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (Ga 3,16-17). Như vậy, chúng ta thấy được rằng mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể từ Giáng sinh cho đến chịu nạn chịu chết và Phục sinh là một chu trình khép kín của tình yêu. Chúa Cha yêu thế gian nên sai Con của mình xuống nhằm cứu chuộc thế gian. Rồi đến lượt mình, Đức Giêsu đã hoàn thành mọi sự theo ý Chúa Cha cũng vì tình yêu: Yêu mến Chúa Cha và yêu thương con người. Và kế hoạch yêu thương ấy sẽ còn tiếp diễn cho đến ngày tận thế.
Trong biến cố tử nạn của Đức Giêsu, rất nhiều người trong chúng ta hiểu cách sai lệch về Chúa Cha. Chúng ta nghĩ rằng: Thiên Chúa Cha là một bạo chúa khi bắt con của mình khi bắt con của mình đi vào con đường chết và chết một cách thê thảm như thế. Chúng ta có thể có quan niệm như thế là vì những từ ngữ được dùng trong thần học và Giáo lý như: giá chuộc, cứu chuộc, chuộc tội . . . Những từ ngữ ấy rất có thể làm chúng ta nghĩ sai lệch về Thiên Chúa Cha, bóp méo hình ảnh và khuôn mặt của Chúa Cha trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng thật ra, toàn bộ kế hoạch cứu chuộc con người là một kế hoạch của tình yêu. Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, thì Chúa Cha là Tình yêu đóng đinh, còn Chúa Giêsu Kitô là Tình yêu bị đóng đinh. Chúa Cha không hề bỏ rơi Con của mình, cũng không bao giờ muốn Con của mình phải chết cách nhục nhã và đau đớn đến tột cùng như thế mới hả giận, mới tha thứ tội lỗi cho con người. Nhưng tất cả chỉ vì tình yêu dành cho con người mà thôi : "Thiên Chúa yêu thế gian"Trong vụ án Đức Giêsu và nhất là trên đỉnh đồi Calvê, hình như xung quanh Ngài chỉ toàn những kẻ chống đối, kết án và muốn loại trừ Ngài mà thôi. Còn những gương mặt yêu mến Ngài, những người kề vai sát cách với Ngài hầu như im hơi lặng tiếng. Trong giờ phút não nề và ô nhục đó, hình như tội ác đã chiến thắng, sự dữ đã lên ngôi và đè bẹp sự thiện. Vì thế, Đức Giêsu cảm thấy cô đơn tột cùng và Ngài có cảm tưởng như chính Chúa Cha cũng đã lìa bỏ Ngài nữa: "Lạy Cha, cả Cha cũng bỏ con sao?". Nhưng sau những giây phút kinh hoàng ấy, sau những giây phút lên ngôi tạm thời ấy, tội ác, sự dữ và tử thần bị đánh bại. Tình yêu sau những phút giây tạm thời mờ nhạt ấy giờ đã toả sáng. Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần và đã Phục sinh khải hoàn vinh hiển! Tình yêu lên ngôi đã kéo theo những ai từng yêu và được yêu bắt đầu xuất hiện.
Trước hết là một gương mặt quen thuộc đã được Tình Yêu cứu vớt là Maria Mađalêna. Người phụ nữ này đã được tình yêu của Chúa bao bọc cách đặc biệt nên tâm hồn của bà luôn hướng về Chúa. Và chính tình yêu đã thôi thúc bà lên đường, ra đi viếng mộ Chúa từ lúc sáng sớm khi trời còn tối. Rồi khi nhận ra sự việc bất thường, tình yêu đã khiến đôi chân bà chạy thật nhanh "Xăm xăm quay gót băng đồng" để về báo tin cho 2 môn đệ là Simon Phêrô và Gioan.
Kế đến là Phêrô và Gioan, 2 người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến cách riêng. Tình yêu Chúa Giêsu nơi các ông đã khiến cho những bước chân của mình như nhanh hơn trong lúc chạy đến mộ Chúa. Gioan chạy nhanh hơn có lẽ vì ông còn trẻ hơn Phêrô, nhưng chắc chắn là ông được động lực của tình yêu thúc đấy nữa. Rồi cũng vì tình yêu sâu đậm với Thầy Giêsu nơi ông, ông đã tin vào lời Chúa Giêsu đã nói : "Sau 3 ngày, Thầy sẽ sống lại". Tình yêu đã khiến cho mắt tâm hồn ông sáng hơn để nhận ra sự thật và hết lòng tin tưởng vào sự Phục sinh của Thầy mình.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta cũng là những con người được Thiên Chúa yêu thương, là "con yêu quí của Chúa Cha", chúng ta có bừng sáng niềm tin và hy vọng trong biến cố Phục sinh huy hoàng của Đức Giêsu Kitô hay không? Nếu chỉ xét về lý mà thôi hay đòi hỏi những bằng chứng cụ thể theo kiểu của Tôma ngày xưa, thì có lẽ chúng ta trở thành những kẻ dửng dưng với biến cố Đức Giêsu Kitô Phục sinh. Nhưng nếu chúng ta có niềm tin và lòng yêu mến nơi Ngài, thì mắt tâm hồn của chúng ta sẽ sáng lên và sẽ nhận được niềm vui Phục sinh đang tràn lan trong tâm hồn chúng ta cũng như nơi toàn thể vũ trụ này nữa.
Chúa đã Phục sinh là sự thật. Các tông đồ và những môn đệ được Chúa yêu đã minh chứng cho chúng ta sự thật ấy. Thật ra, nếu chúng ta là những kẻ mạnh tin, thì chẳng cần gì đến những chứng cứ theo kiểu thế gian nữa, chỉ cần tin vào Lời Chúa là đủ. Ước gì sự thật "Chúa Phục sinh" luôn là động lực giúp ta hoàn thành cuộc đời cách ý nghĩa và tích cực nhất. Ước gì sự thật ấy sẽ giải thoát chúng ta. Ước gì chúng ta là những kẻ được Chúa yêu cách đặc biệt luôn nhận ra Chúa Giêsu Phục sinh đang sống động trong cuộc đời của mình qua mọi biến cố hằng ngày. Amen.
NIỀM TIN VÀO SỰ PHỤC SINH
Mt. 28, 1 - 10.
Cái chết của Đức Giêsu Nazareth là sự thất bại quá lớn trước mắt mọi người, kể cả các tông đồ. Thật vậy, thế lực của đền thờ bắt tay với quyền bính xã hội đã treo Đức Giêsu lên thập giá, như một tên tội phạm đáng nguyền rủa. Nhưng với Đức Giêsu, đó chính là con đường mà Ngài phải đi qua, vì Ngài đã từng ví von: "Nếu hạt lúc gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Gn 12,24).
Vâng, vũ trụ như ngưng lại, im lìm vì than khóc Con Thiên Chúa. Thế nhưng hôm nay, sự im lặng ấy bị phá tan do lời công bố: "Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết!" (x. Mt 28,7). Muôn vật mừng rỡ hân hoan trước biến cố huy hoàng ấy. Khi đó, mọi người hiểu rằng hy lễ của Con Thiên Chúa không dừng lại ở cái chết mà hướng đến sự Phục Sinh. Cuộc tử nạn của Đức Giêsu không phải là một cuộc chiến bại mà là một chiến thắng của Thiên Chúa trên tội lỗi. Với niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, Giáo Hội đã long trọng tuyên xưng: "Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau" (kinh Tin Kính).
Ngày nay, con người tiến bộ vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Nhưng nếu nhìn sâu vào đời sống của xã hội loài người, chúng ta thấy vẫn còn tồn tại nhiều mưu mô cám dỗ, nhiều cạm bẫy của thế lực ma quỷ chờ chực, lôi kéo con người trở lại với những gì là thấp hèn, bỉ ổi của thú tính. Nhìn xem trên các phương tiện truyền thông, chúng ta không khó để tìm thấy những tin tức về chiến tranh, áp bức, thác loạn... Mọi người vẫn đang chứng kiến bao cảnh khó khăn của đồng loại, bao bất công của xã hội loài người. Tất cả chỉ vì con người vẫn mãi tìm kiếm những gì thấp hèn thuộc hạ giới.
Trong biến cố Phục Sinh, với quyền năng Thiên Chúa, ngôi mộ chôn cất Đức Giêsu đã mở ra. Từ đó, nhưng hòn đá chôn vùi cuộc đời ta cũng sẽ được lăn đi. Đó có thể là hòn đá ích kỷ, tham lam, lãnh đạm, thiếu tình thương... Đức Kitô Phục Sinh sẽ giúp ta lăn những hòn đá ấy đi, để ta mạnh dạn sống niềm tin qua việc dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân, thực thi bác ái tích cực hơn.
Do đó, để thực sự sống lại với Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta hãy trở lại với cõi lòng mình để xét xem những hòn đá nào cần được lăn đi. Cùng với Đức Kitô, chúng ta hãy vứt nó ra khỏi cuộc đời mình, để tận hưởng niềm vui Phục Sinh trọn vẹn hơn. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần phải trở nên công cụ trợ lực cho nhau, để mọi người cùng hưởng chung niềm vui Phục Sinh.
Đức Giêsu đã chết để chúng ta được sống, và Ngài đã phục sinh để năng đỡ niềm tin của chúng ta, đem lại cho chúng ta một niềm hy vọng. Chúng ta quyết tâm tiếp tục sống cuộc sống của Chúa: dám sống cho một niềm tin, dám chết cho một cuộc tình. Chúng ta tin vững vàng vào Chúa và can đảm tận hiến đời mình cho luật yêu thương: yêu Chúa và thương anh em. Chắc chắn niềm hy vọng của chúng ta sẽ trở thành hiện thực khi Đức Kitô Phục Sinh trở lại trong vinh quang.
Bài giảng của ĐTC Benedictô XVI
CHÚA NHẬT PHỤC SINH: THÔNG ĐIỆP URBI ET ORBI
Ngày 23 tháng Ba, 2008
Resurrexi et adhuc tecum sum. Alleluia! - Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha. Allêluia! Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại, lặp lại những lời công bố hân hoan này với chúng ta hôm nay: lời công bố Phục Sinh. Chúng ta hãy chào đón lời công bố này với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn sâu xa!
Resurrexi et adhuc tecum sum - Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha. Những lời này, trích từ một văn bản cổ xưa của Thánh Vịnh 138 (c. 18b), được hát lên trong phần đầu của Thánh Lễ hôm nay. Trong đó, vào lúc ánh mặt trời của ngày lễ Phục Sinh đang vươn lên, Giáo Hội nhận ra giọng nói của chính Chúa Giêsu, Đấng mà khi sống lại hướng về Chúa Cha với tất cả niềm hân hoan và mến yêu, đã thưa lên: Cha ơi, này con đây! Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha, và Con sẽ ở bên Cha mãi mãi; Thần Khí của Cha đã không bao giờ bỏ rơi Con. Qua đó, chúng ta có thể đi đến một nhận thức mới về những đoạn khác trong Thánh Vịnh này: "Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài... cả tối tăm cũng chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau." (Tv 138: 8, 12). Thật thế: trong đêm canh thức Phục Sinh long trọng này, bóng tối trở thành ánh sáng, đêm đen nhường chỗ cho ngày sáng không có chiều tàn. Cái chết và sự phục sinh của Ngôi Lời nhập thể là một biến cố của tình yêu bất khả chiến bại, đó là chiến thắng của Tình Yêu giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết. Chiến thắng ấy đã thay đổi dòng lịch sử, ban cho sự sống nhân loại một ý nghĩa, một giá trị vĩnh cửu và mới mẻ.
"Con đã sống lại, Con vẫn ở gần bên Cha đến muôn đời." Những lời này mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô Phục Sinh, trong khi để cho tiếng nói của Người vang vọng trong tim ta. Với hiến tế cứu độ của Người, Chúa Giêsu thành Na-da-rét đã làm cho chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, để cả chúng ta cũng được dự phần trong cuộc đối thoại mầu nhiệm giữa Người và Chúa Cha. Chúng ta được nhắc nhớ về những lời Người đã từng nói với những ai lắng nghe: "Mọi sự đã được Cha Ta giao phó cho Ta. Và không ai biết rõ Cha trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mặc khải cho" (Mt 11, 27). Trong hướng nhìn này, chúng ta ghi nhận rằng những lời Chúa Giêsu Phục Sinh nói với Chúa Cha hôm nay - "Con vẫn hằng ở bên Cha" - cũng áp dụng gián tiếp cho cả chúng ta, "những con cái của Thiên Chúa và là những người đồng thừa tự với Chúa Kitô, miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người ngõ hầu chúng ta có thể cùng được hưởng vinh quang với Người" (x. Rm 8, 17). Qua sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, hôm nay chúng ta cũng vươn đến một cuộc sống mới, và khi liên kết tiếng nói của chúng ta với tiếng nói của Người, chúng ta công bố rằng chúng ta muốn lưu lại muôn đời bên Thiên Chúa, người Cha tốt lành và nhân hậu vô biên.
Bằng cách này, chúng ta tiến vào những chiều sâu của mầu nhiệm Vượt Qua. Biến cố đầy kinh ngạc về sự phục sinh của Chúa Giêsu bản chất là một biến cố của tình yêu: tình yêu của Chúa Cha khi trao ban Con của Người để cứu chuộc trần gian; tình yêu của Chúa Con trong sự vâng phục Chúa Cha vì tất cả chúng ta; tình yêu của Chúa Thánh Thần khi nâng Chúa Giêsu từ kẻ chết lên thân thể được biến đổi sáng láng của Người. Và còn nữa: tình yêu đáp trả của Chúa Cha "ôm ấp" Chúa Con "cách mới mẻ", bao bọc Người trong vinh quang; tình yêu đáp trả của Chúa Con đối với Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, được trang hoàng bằng nhân loại đã được biến đổi. Từ nghi thức hôm nay, chúng ta sống lại cảm nghiệm tuyệt đối, một lần cho tất cả về sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta nhận được lời mời gọi hoán cải cho Tình Yêu; chúng ta nhận được lời mời gọi loại trừ thù hận và ích kỷ, và bước theo trong vâng phục những bước chân của Chiên Con bị sát tế vì ơn cứu độ chúng ta, để bắt chước Đấng Cứu Chuộc là Đấng "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng", Đấng là "nơi yên nghỉ cho linh hồn chúng ta" (x. Mt 11, 29).
Anh chị em Kitô hữu mọi nơi trên thế giới thân mến, anh chị em là những người nam nữ có tinh thần chân thành mở rộng cho sự thật, xin đừng để con tim nào đóng lại trước quyền năng của tình yêu cứu độ này! Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại cho tất cả mọi người; Người là niềm hi vọng của chúng ta - là niềm hi vọng đích thực cho mỗi người. Hôm nay, như Người đã làm với các môn đệ tại Galilê trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu phục sinh cũng sai chúng ta đến mọi nơi như những chứng nhân hi vọng, và Người bảo đảm với chúng ta: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20). Khi hướng lòng trí chúng ta vào những vết thương nơi thân thể biến đổi của Người, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị của đau khổ, chúng ta có thể chăm sóc cho nhiều vết thương đang tiếp tục làm biến dạng nhân loại trong chính thời đại chúng ta. Nơi những thương tích vinh quang của Người, chúng ta nhận ra những dấu chỉ không thể tàn phai của tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Đấng mà các tiên tri loan báo: chính Người băng bó những tấm lòng tan nát, bảo vệ kẻ cô thế, công bố tự do cho kẻ bị giam cầm, an ủi mọi kẻ khóc than, ban cho họ dầu thơm hoan lạc thay tang chế, và bài tụng ca thay tâm hồn sầu não (x. Is 61, 1, 2, 3). Nếu chúng ta tiến lại gần Người với một lòng tín thác khiêm cung, chúng ta sẽ gặp thấy trong ánh mắt Người lời đáp trả cho những khát vọng sâu xa nhất trong tâm hồn chúng ta: đó là được biết Chúa và được thiết lập một tương quan sống động trong sự hiệp thông thực sự của tình yêu, một sự hiệp thông lấp đầy cuộc đời ta, và những quan hệ giữa con người và xã hội với cùng một tình yêu như thế. Vì lí do này, nhân loại cần Chúa Kitô: trong Người chúng ta có niềm hi vọng, "chúng ta được cứu rỗi" (x. Rm 8: 24).
Rất thường là những quan hệ giữa các cá nhân, giữa các nhóm và giữa các dân tộc đã không được đánh dấu bởi tình yêu mà bởi sự ích kỷ, bất công, thù hận và bạo lực! Đó là những tai ương của nhân loại, công khai và âm ỉ ở khắp chân trời góc biển, dù thường khi chúng bị lờ đi và đôi khi được cố ý che dấu; đó là những vết thương tra tấn những linh hồn và thân xác của biết bao người anh chị em chúng ta. Những vết thương đó đang chờ được chăm sóc và chữa lành bởi những vết thương vinh quang của Chúa Phục Sinh (x. Pr 2, 24-25) và bởi tình liên đới của những ai đang bước theo bước chân Người, thực thi những việc bác ái nhân danh Người, dấn thân tích cực cho công lí và loan truyền những dấu chỉ hi vọng rực sáng trong những miền đẫm máu bởi xung đột cũng như ở bất cứ nơi đâu mà phẩm giá con người tiếp tục bị sỉ nhục và chà đạp. Chúng ta hi vọng rằng đây chính là những nơi mà những hành động tự chế và tha thứ sẽ được gia tăng!
Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy để cho ánh sáng toả chiếu từ ngày long trọng này thắp sáng chúng ta; chúng ta hãy mở rộng con người chúng ta với lòng phó thác chân thành nơi Chúa Kitô phục sinh để cho vinh quang của Người trên tội lỗi và sự chết có thể chiến thắng khải hoàn nơi mỗi người chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong các thành phố và trong các quốc gia chúng ta. Hãy để ánh sáng này chiếu soi mọi miền thế giới. Cách riêng, làm sao chúng ta lại có thể quên một số nơi ở Châu Phi, như Dafur và Sô-ma-li-a, miền Trung Đông bị xâu xé, đặc biệt Thánh Địa, I-rắc, Li-Băng, và cuối cùng là Tây Tạng, tôi khích lệ tất cả mọi người hãy tìm ra những giải pháp bảo vệ hoà bình và thiện ích chung! Chúng ta hãy khấn xin sự viên mãn của hồng ân Vượt Qua của Người, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Đấng sau khi đã thông phần những đau khổ trong cuộc thương khó và khổ hình thập giá của người Con vô tội của Mẹ, cũng được hưởng niềm hân hoan khôn tả của sự phục sinh của Người. Được chia sẻ vinh quang của Chúa Kitô, xin Mẹ là người bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trên nẻo đường đi đến tình liên đới huynh đệ và hoà bình. Đó là những lời chúc Phục Sinh của tôi gửi đến những ai hiện diện nơi đây, cũng như những người nam nữ của mọi quốc gia và lục địa đang hiệp nhất với chúng ta qua truyền thanh và truyền hình. Xin chúc mừng Phục Sinh!
Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch
ĐTC Benedictô XVI (Sưu Tầm Internet)
1567 22-04-2011 10:32:13