Sidebar

Chúa Nhật

10.11.2024

Chúa Nhật Phục Sinh Năm A_3

TRÊN CON ĐƯỜNG MÒN CỦA KIẾP NHÂN SINH

Hôm nay các tờ lịch trên thế giới đều đồng thanh gọi tên : NGÀY CHÚA NHẬT, Ngày mà cách đây 2000 năm trước, khi Kitô giáo chưa xuất hiện trong thế giới nầy thì người ta vẫn gọi tên là "Ngày Thứ Nhất" hay "Ngày Mặt Trời" (Sunday). Tuy nhiên, kể từ cái buổi sáng Tinh mơ "Ngày Thứ Nhất trong tuần", khi các phụ nữ thân quen của Thầy Giêsu đến thăm mộ Thầy chỉ thấy "Mồ Trống", các thiên thần báo tin Thầy đã sống lại...Rồi các "ngày thứ nhất tiếp sau", Đức Kitô phục sinh đã hiện đến gặp các môn sinh...Cứ như thế, cuộc gặp gỡ của các kitô hữu ban đầu diển ra đều đặn vào "ngày thứ nhất trong tuần" và họ đã gọi ngày của cuộc họp mặt đặc biệt đó là "Ngày của Chúa". Kể từ đó "Ngày của Chúa", hay Chúa Nhật đã đi vào nhịp thời gian, đã hằn sâu trong lịch sử và cuộc sống của loài người....

1. Phục sinh : Chân lý đến từ cuộc gặp gỡ.

Như vậy, có thể nói ở nơi cội nguồn của Kitô giáo, ở điểm xuất phát của niềm tin Kitô chính là cuộc gặp gỡ với Đấng từ trong cõi chết sống lại. Một cuộc gặp gỡ giữa thân phận con người mang đầy vết thương của tội lỗi và nỗi niềm buồn đau thất vọng của cái chết với thân phận của một Đấng Cứu độ quyền năng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Cuộc gặp gỡ để đóng lại cái hồ sơ đen tối của "Ngày Thứ Sáu buồn đau ảm đạm" để mở ra một chương mới trong lộ trình cứu độ của Thiên Chúa : con đường phục sinh để dẫn tới hạnh phúc vĩnh hằng.

Vâng, cuộc họp mừng Lễ Tạ Ơn hôm nay, ở khắp nơi, mọi thời, chính là cuộc gặp gỡ thân mật và đích thật nầy giữa chúng ta và Chúa chúng ta, Đức Kitô phục sinh, giữa cộng đoàn chúng ta, gia đình giáo xứ chúng ta với Đấng Phục sinh đang trở về như cuộc trở về vào buổi sáng "Ngày Thứ Nhất trong tuần" gần bên "Ngôi mộ trống", nhưu cuộc trở về để gặp mặt, để ban bình an, ban Lời chân lý như cuộc trở về trong mái nhà tiệc ly nơi các môn sinh đang họp mặt đợi chờ trong lo âu thấp thỏm. Cho dù với một không gian khác và vào một thời điểm khác, nhưng cuộc họp mừng Chúa Sống Lại hôm nay cốt lõi cũng chỉ là cuộc hội ngộ với Đấng Phục Sinh đang trở về, đang hiện diện, đang ủi an và chia sẻ tình yêu thân mật và hồn nhiên như Ngài đã hiện diện và sẻ chia cùng các môn sinh với "bữa điểm tâm đơn giản nhưng ấm áp tình thân trên bờ hồ Tibêriát" (Ga 21, 1-14), hay như bữa cơm chiều đạm bạc thân thương bên quán vắng Emmau (Lc 24,13-35). Đó chính là niềm tin muôn nơi và muôn thuở của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu, là ý nghĩa đích thực của cuộc họp mừng phục sinh, là nội dung cốt yếu của Tin Mừng phải được sẻ chia và làm chứng, như lời "lời chứng và chia sẻ của Thánh Phêrô" từ thuở khai sinh Giáo Hội mà BĐ 1 sách CVTĐ đã thuật lại hôm nay :

"Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân do Thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người trên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại"

Cùng với Phêrô, mọi Tông đố khác, các bài giáo lý đầu tiên của Kitô giáo do các Ngài thực hiện, niềm tin nguyên thủy mà các Ngài muốn chuyển tải cho thế giới, giản đơn, cũng chỉ với một đề tài duy nhất đó là " Chúng tôi làm chứng : Đức Kitô đã chết và đã sống lại".

"Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời..." (1 Ga 1,1-2)

Phaolô, một tông đồ trở lại cũng đã dõng dạc :

"Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng nầy; điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các Ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong thánh vịnh 2 : Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con". (Cv 13,32-33)

Thế nhưng, cũng đã có những lập luận cho rằng : những lời khẳng định trên chỉ thuần túy là do óc tưởng tượng của con người, hay do một âm mưu tinh quái nào đó đạo diễn.

Cứ cho là như thế đi thì thử hỏi đã 2000 năm rồi, tại sao sự "dối trá bịp bơm như thế lại không bị lật tẩy", tàn rụi như bao nhiêu sự dối trá khác đã "đội nón ra đi" trong khi chân lý Phục Sinh lại cứ trụ vững hiên ngang và càng ngày đơm hoa kết trái phong phú giữa dòng chảy khắc nghiệt của lịch sử con người ? Điều đó, chỉ có thể cắt nghĩa được : bên sau Lời chứng ấy, bên trong Tin Mừng ấy, ở giữa câu chuyện phục sinh ấy, mồ trống ây, có một Đấng Phục Sinh đang thực sự hiện diện trong quyền năng vĩnh cửu của Ngài. Vâng, Kitô giáo chính là Đức Giếu-Kitô đang hiện diện, Kitô giao chính là cuộc gặp gỡ giữa con người và một Đấng Phục Sinh, một cuộc gặp gỡ đã trở thành cốt yêu của đức tin, của việc tôn thờ, của định hướng sống; và như thế, cử hành mầu nhiệm Phục Sinh hôm nay chính là tái diễn cuộc gặp gỡ ấy, và hơn nữa, chính là sống lại chính cái biến cố phi thường của Đấng đã vì yêu thương mà nhập thể làm người, đã vì yêu thương mà loan báo Tin Mừng cứu độ và giải thoát, đã vì yêu thương mà hiến thân chịu chết và cũng đã vì yêu thương đã sống lại để ban nguồn sống mới.

2. Đức Kitô phục sinh mở cửa huyền nhiệm cuộc sống :

Nhưng sau cuộc phục sinh của Đức Kitô thì chuyện gì đã xảy ra cho thế giới ?

Quả thật nếu Đức Kitô không sống lại, thì không ai, không một ý thức hệ nào, một triết thuyết nào, một hiền nhân nào có thể giải mả được những "phi lý trong cuộc đời nầy". Hai môn đệ trẻ của Chúa Giêsu trên cuộc hành trình về làng Emmau vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần cũng đã đặt vấn đề về sự phi lý đó : "tại sao ông Thầy Giêsu người Na-da-rét, uy tín trong lời nói việc làm, thánh thiện và công chính đến thế mà lại phải chết thảm ?" (Lc 24,1-35). Và trong cuộc sống đời thường hôm nay hằng ngày đang xảy ra bao nhiêu chuyện phi lý như thế : Tại sao cuộc sống đang tươi đẹp hạnh phúc (như ....) bổng dưng phải từ giã cõi đời trong một tai nạn xe thảm khốc ? Tại sao đứa bé kia có tội tình gì mà vừa mới lọt lòng mẹ đã mang dị tật bẩm sinh ? Và tại sao người thiếu nữ dịu dàng khả ái tương lai đang rạng rỡ với mãnh bằng đại học xuất sắc kia lại đành chấp nhận bản án tử với căn bệnh ung thư quái ác ?... Hay xa hơn một chút, sâu hơn một chút trong ý nghĩa của kiếp nhân sinh : Con người sinh ra để làm cái gì ? Thế giới nầy rồi sẽ kết thúc ra sao ? Đau khổ, bất hạnh, sự dữ, cái chết...có ý nghĩa gì không hay chỉ là một thứ "định mệnh" khắc nghiệt, một thứ trò chơi của quyền lực vô minh...?. Nếu Đức Kitô sau buổi chiều thê lương Thứ Sáu cứ "bặt vô âm tín", để sau đó xác thân từ từ thối rửa trong mộ đá... thì chắc chắn cho đến mãi hôm nay, vẫn còn những chàng trai, những cô gái, những cụ già, những em thơ...trên mọi nẽo đường trần thế cứ hoang mang hoài, cứ thắc mắc hoài, trăn trở hoài về những vấn nạn của cái sống và cái chết, của hạnh phúc và khổ đau, của hôm nay và vĩnh cửu


Và Đức Kitô phục sinh đã đến, đã thỏ thẻ chuyện trò, đã khai lòng mở dạ, đã hong lại niềm tin, đã đốt lên sức sống cho họ cũng như cho bao nhiêu thế hệ con người. Biết bao nhiêu người đã cảm nhận được điều đó như cách cảm nhận của đoạn cuối bài thơ trên :

3. Đức Kitô Phục sinh trên con đường mòn của kiếp nhân sinh :

Và như thế, sống mầu nhiệm Chúa sống lại đó chính là đón nhận, gặp gỡ và bước đi "trên con đường mòn của kiếp nhân sinh" với Đấng đã chết và đã sống lại, Đức Kitô, Đừng, Sự thật và Sự sống.

Chính sự tiếp nhận Đấng sống lại từ cõi chết sẽ mang lại hoa trái của niềm vui và sự sống, của ánh sáng và hy vọng, cho dù một tiếp nhận tình cờ như kiểu Gia-kê, môt tiếp nhận "bất đắc dĩ" như Simon vác đỡ thánh giá, một tiếp nhận bắt buộc khi bị đánh ngã như Phaolô trên đường Damas, một tiếp nhận lúc đường cùng khi không còn gì để bám víu như Phêrô sau "những bước chân trên sóng", một tiếp nhận đầy mắc cở thẹn thùng như "người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình", hay sự tiếp nhận trong nổi đau ngút ngàn của Matta, Maria khi vừa mất em, hay sự tiếp nhận đầy niềm tin phó thác của người sĩ quan ngoại giáo : "Lạy chúa, con chẳng đáng Chúa ngự đến nhà con. Chúa chỉ cần phán một lời...", hay như sự tiếp nhận đầy ngỡ ngàng, chân chất như chàng mù từ lúc mới sinh "Lạy Ngài con tin".

LM Giuse Trương Đình Hiền

THẤY và TIN

Không biết đây là lần thứ mấy, tôi và quý vị tham dự Thánh lễ nói chung và lễ Phục Sinh nói riêng? Có thể là 10, 20, 30, hay 40, 60... lần? Và cũng không ít hơn từng ấy lần, chúng ta đã nghe các đoạn Tin mừng nói về câu chuyện Đức Kitô Phục Sinh. Tóm tắt câu chuyện rất đơn giản. Trước đó, vào ngày thứ Sáu, ngày áp lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu đã bị hàng lãnh đạo Do Thái kết án và sau đó, Ngài đã bị đóng đinh và chết trên thập giá, rồi xác Ngài đã được mai táng trong huyệt đá. Và rồi vào sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần, sau đại lễ Vượt Qua của người

Do Thái. Các người phụ nữ ra thăm mồ, vì quá thương nhớ một con người hiền lành đã bị kết oán oan ức, nhưng có lẽ cũng là để ướp lại xác Chúa bởi lẽ, hôm trước quá vội vã, họ làm chưa được cẩn thận.

Thế nhưng ra đến nơi, trước mắt họ chỉ còn lại một ngôi mộ trống, chỉ còn lại tấm khăn liệm và các dải băng nhỏ, nhưng xác Chúa thì không còn. Vâng, trước mắt chỉ là một ngôi mộ trống với tấm khăn liệm và những dây băng, nhưng chỉ cần từng ấy thôi cũng đủ để cho người môn đệ Chúa yêu tin rằng: Thầy mình đã Phục sinh. Tin mừng thuật lại: "Ông thấy và ông tin". Đây không phải là một niềm tin mơ hồ, chung chung, nhưng là một niềm xác tín thật sự của tông đồ Gioan. Một niềm tin đủ để ông giao trọn cuộc sống đời mình cho Đấng Phục Sinh.

Trở lại với bài đọc một được trích từ sách Công vụ Tông đồ, thuật lại bài giảng của thánh Phêrô cho viên bách quản Cornêliô. Chúng ta thấy: Trong lần rao giảng này, một lần nữa, thánh Phêrô loan báo cho viên bách quản cũng như cho mọi người chúng ta về con người của Đức Giêsu Kitô. Ngài đã thực sự sinh ra và sống như một con người tại miền đất Palestina. Ngài đã sống, rao giảng và làm nhiều phép lạ tại đất nước Do Thái. Ngài đã chết thật bởi bị đóng đinh trên thập giá, nhưng "ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại".

Thánh nhân còn cho biết rằng: sau khi sống lại, Đấng Phục Sinh cũng đã hiện ra với các tông đồ là "nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước". Và thánh nhân còn khẳng định "chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại". Nếu nhớ lại cảnh thánh Phêrô ba lần chối Thầy mình trước những người đầy tớ, trong sân nhà vị Thượng Tế hôm nào. Chắc hẳn chúng ta sẽ thấy lời rao giảng quả quyết này là một dấu chứng thực sự sống động cho niềm tin của thánh Phêrô vào Đấng Phục Sinh. Chính niềm tin vào Đấng Phục Sinh đã làm cho thánh Phêrô trở nên một con người mới, một nhân chứng sống động về sự Phục Sinh của Đức Kitô. Niềm tin đó đã thúc đẩy thánh nhân vượt qua mọi nỗi sợ hãi, để lên đường rao giảng cho mọi người, kể cả gia đình viên bách quản Cornêliô là những người ngoài Do thái. Và thánh nhân còn quả quyết: "Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ Danh Người mà được tha tội". Thế nhưng, chỉ nguyên một việc tuyên xưng đức tin nơi môi miệng hay việc tham dự các lễ nghi phụng vụ đông đảo, sầm uất thì chưa đủ bảo đảm cho đức tin của mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô nói: "Nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chớ đừng nghĩ đến những sự dưới đất". Như thế, một đức tin chân thật cần được minh chứng bằng chính cuộc sống thường ngày của mỗi người chúng ta.

Tới đây, tôi nhớ có một câu chuyện kể rằng: Một hôm có một người nông dân vô tình nhặt được một trứng đại bàng. Anh ta đem về cho ấp chung với trứng gà. Ít lâu sau, cả trứng gà lẫn trứng đại bàng đều nở. Tất cả đều đi theo gà mẹ để kiếm ăn. Thế rồi, ngày tháng dần trôi, bầy gà con và cả đại bàng cùng lớn lên bên chân gà mẹ, cạnh đống rơm, bụi cỏ. Thỉnh thoảng, đại bàng cũng thấy hình như mình có một cái gì đó khác với các anh em gà của mình, nhưng chú cũng không biết rõ là cái gì.

Một hôm, đại bàng ta đang bới đất để tìm con giun, con dế như các con gà khác, bỗng nhiên bầu trời như tối sầm đi, các con gà đều chạy lại với nhau một chỗ. Ngước mắt lên bầu trời, chú thấy có một con chim gì thật to lớn, bay lượn trên bầu trời thật hiên ngang, hùng dũng. Chú liền lên tiếng hỏi, thì được trả lời: "Đó là đại bàng. Vua của các loài chim đó!". Tự nhiên, như một bản năng, chú cũng muốn vươn đôi cánh của mình để cất cánh bay lên bầu trời tự do như những con đại bàng kia, nhưng lập tức, những con gà khác liền nói với chú: "Chú mày là gà, chúng tao cũng là gà. Không bay được đâu". Và thế là chú đại bàng con lại tiếp tục, bới đất kiếm ăn và rồi chết trong thân phận của một con gà.

Nghe xong câu chuyện, có lẽ mỗi người chúng ta đều nghĩ tội nghiệp cho chú đại bàng con. Chú là đại bàng, nhưng không biết bay cao, bay xa như đại bàng, để rồi sống và chết như một con gà tầm thường.

Thế nhưng có thể trong cuộc sống hàng ngày, tôi và quý OBACE vẫn đang sống như chú đại bàng kia. Chúng ta đã được nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy, được vinh dự trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được mời gọi sống "thánh thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng Thánh" (Mt 4, 48), vậy mà chúng ta vẫn chưa hướng được lên trời cao. Chúng ta vẫn cứ mãi chạy theo những cái "dưới đất", tức là những lợi lộc trước mắt. Chúng ta chưa đủ niềm tin và nghị lực để vượt qua những rào cản của thành kiến, dư luận để tự mình "bay" đến với những anh chị em đang bị đẩy ra bên lề xã hội, những người bệnh tật, nghèo hèn.

Chúng ta cũng chưa thể nói rằng mình tin vào Đấng Phục Sinh, nếu sau khi rời khỏi ngôi thánh đường này trở về nhà, chúng ta lại tiếp tục nói hành, nói xấu anh chị em mình.

Chúng ta cũng không thể nói rằng tôi tin vào Đấng Phục Sinh, nếu trong cuộc sống hàng ngày của mình, chúng ta vẫn tiếp tục sống giả dối, lừa gạt lẫn nhau; vẫn tiếp tục một cuộc sống tranh quyền, đoạt lợi bằng mọi thủ đoạn.

Và nếu trong cuộc sống của mình, chúng ta còn có những suy nghĩ phân biệt người sang, kẻ hèn; chúng ta còn phân biệt giữa người tới trước và những anh chị em mới gia nhập cộng đoàn chúng ta sau này, thì chắc chắn, lối sống đó không phải là một dấu hiệu của một niềm tin chân thật vào Đấng Phục Sinh, bởi lẽ, với cuộc Vượt Qua của mình, Đấng Phục Sinh đã phá tan mọi rào cản về ngôn ngữ, chủng tộc, phá tan sự ngăn cách giữa người Do Thái và "dân ngoại", để đôi bên được trở nên một (x. Ep 2, 14;

Dt10, 20).

Mừng đại lễ Phục Sinh hôm nay, chúng ta cùng hiệp ý xin Thánh Thần của Đấng Phục Sinh ngự đến biến đổi tâm hồn của mỗi người chúng ta, để chúng ta thực sự trở nên những con người mới, những con người biết "tìm những sự trên trời", chớ không chỉ là "những sự dưới đất". Nhờ đó, khi "Đức Kitô là sự sống chúng ta xuất hiện, bấy giờ, chúng ta cũng sẽ được xuất hiện với Người trong vinh quang". Amen.

Lm Trần Thanh Sơn


HÃY VUI LÊN

Đây là đại ý của phụng vụ Lời Chúa, Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay, sứ thần và chính Đức Giêsu đã mời gọicác bà, những người đi thăm mộ trong lúc trời hừng sáng và mời gọi mọi người Kitô hữu chúng ta nữa " Hãy vui lên Chúa đã sống lại rồi".

Đối với các bà, một tâm trạng bấn lọan : Mới ngày nào đây Thầy mình được khen ngợi " Xưa nay chưa hề có ai nói năng như ông này"(Jn.7,46), " ông nói như Đấng có uy quyền"(Mt.7,29) và được tung hô " hoan hô Đấng nhân danh Chúa mà đến"(Mt.21,9). Thế mà nay họ lại giết treo trên cây Thập Gía và được chôn trong mộ đá. Tâm hồn các bà là cả một bể sầu khôn nguôi, chẳng ai có thể chia sẻ, ủi an, lòng các bà nặng trĩu như phiến đá che mộ kia.

Nhưng "một người xuất hiện ngồi trên phiến đá và lên tiếng : các bà đừng sợ" (Mt.28,5), lời trấn an tưởng chừng như một cánh tay che chở, nhưng thực ra "các bà vẫn sợ hãi"(Mt.28,8a), sự buồn rầu trở thành nỗi sợ hãi, lo lắng, nhưng sự sợ hãi này khác với lính canh mồ. Thật vậy,

Tác giả nhằm đề cao sự tương phản giữa phản ứng của quân canh mồ và của các bà. Quyền năng của Thiên Chúa biểu hiện gây ra nơi mọi người cảm tính sợ hãi. Nhưng nếu sự sợ hãi ấy không đưa đến đức tin, thì nó làm cho con người nên bất động "lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết"(Mt.28,4). Trái lại, nếu biết kiếm tìm Thiên Chúa, sự sợ hãi ấy sẽ chuyển đổi thành niềm vui và hối thúc con người phấn khởi hành động và chúng ta đã thấy sự ấy nơi hai hạng người trên.

Kìa lời nói lại vang lên " tôi biết các bà đi tìm Đức Giêsu chịu đóng đinh, Người không còn đây nữa, vì Người đã chỗi dậy"(Mt.28,5b). Lời loan báo vỡ òa như thác nước đổ xuống, như phiến đá nặng ngàn cân kia đã được lăn ra khỏi cửa mồ và người loan báo đang ngồi trên đó " hãy về báo tin cho môn đệ, Người đã chỗi dậy từ cõi chết, hẹn gặp ở Galilê "(Mt.28,7). Tỉnh hay mơ đây ? Các bà " vừa sợ vừa rất đỗi vui mừng"(Mt.28, 8a).

Sợ vì phải chạm trán, tiếp xúc và chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ. Mừng vì biết rằng Chúa Giêsu đã sống lại, biết chắc rằng sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ là dấu chỉ cứu thóat cho các bà. Các bà vui niềm vui của các nhà đạo sĩ khi thấy lại ngôi sao lạ dẫn đường(x.Mt.2,10), của các mục đồng khi được tin báo Đấng Cứu Thế đã sinh ra(x.Lc.2,10).

Đúng là hãy vui lên đừng sợ, vui lên cho những tâm hồn biết cất đi, lấy đi tảng đá ích kỷ, kiêu ngạo khỏi lòng mình để Đức Giêsu có thể Phục Sinh nơi tâm hồn họ và hăm hở loan báo Tin Mừng như những phụ nữ hôm nay " các bà chạy đi báo tin"(Mt.28,9), chạy chứ không phải đi vì là Tin Mừng vĩ đại, không thể chần chừ, không thể lần lữa rầy mai, ngay nhịp độ của trình thuật cũng cho thấy là chạy. Sau đó chính Chúa Giêsu cũng đã hiện ra và cũng chào các bà : đừng sợ, hãy vui lên (x.Mt.28,10). Cuộc gặp gỡ tuy đơn sơ nhưng đầy cảm động với lời chào bầy tỏ niềm hân hoan cánh chung (x.Xp.3,14; Ge.2,21; Za.9,9)

Phản ứng của các bà là nhào đến ôm chân Chúa Giêsu tỏ lòng kính tôn, yêu mến Ngài, hành động tôn kính mang sắc thái long trọng lạ thường, hơn hẳn các lời khác được mô tả trong Tin Mừng (x.Mt.8,2; 9,18; 14,33), cho thấy tâm tình của các bà đối với Chúa Giêsu mà các bà gặp lại, một cách đầy thích thú. Rồi Chúa Giêsu cũng lập lại lệnh truyền mà vị thiên sứ đã ra cho các bà " hãy đi báo cho anh em Thầy để họ đến Galilê và sẽ gặp Thầy ở đó"(Mt.28,10). Dù các tông đồ đã phản bội và và chối từ Chúa Giêsu, Ngài cũng vẫn tha thứ hết cho họ, Ngài vẫn còn gọi họ là các anh em của Ngài, một khi Ngài đã vào chốn vinh quang cũng thế, tội lỗi của chúng ta nhiều, nhưng cũng được tha thứ hết trong đêm cực thánh này và sẽ được Ngài gọi là anh em. Qua câu này, Đấng Phục Sinh diễn tả tình thân mật với các môn đệ của Ngài, Ngài tha thứ lầm lỗi mà họ đã phạm trong giờ thương khó của Ngài.

Hiệp với niềm vui của tòan thể Hội Thánh " Hãy vui lên", người Kitô hữu chúng ta tham dự vào đêm Phục Sinh bằng cả niềm vui của mình : vui mừng vì được cứu độ, vui mừng trước sự can thiệp vô tiền khóang hậu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, nhất là vui mừng vì được chung phần vinh quang của Đức Kitô mà phần bảo đảm nhận được qua Bí Tích Thánh Tẩy.

Lòng trung thành của các bà được bù đắp : vì họ đã theo Chúa trên Núi Sọ, đã chứng kiến giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu, nên họ được phúc là chứng nhân đầu tiên của Phục Sinh...và trở thành sứ giả loan tin vui Phục Sinh cho mọi người. Chính nhờ sứ mạng của một vài người nữ, mà Đấng Phục Sinh đã bắt đầu chinh phục cả thế giới. Vì "Thiên Chúa đã chọn những gì thế gian coi là yếu đuối để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ"(1Cr.1,27). Người Kitô hữu đích thực là người gieo rắc niềm vui Phục Sinh ra trong môi trường sống của mình ...

Sr.Mai an Linh OP

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT   
Ga 20, 1-9

Có nhiều lần khi dâng lễ Phục Sinh cho anh chị em Dân tộc Kơho, tôi đã xác tín và nói to điều này với tất cả những anh chị em Dân tộc đang có mặt mừng lễ Phục Sinh:” Nếu chúng ta theo Đạo Công Giáo, Chúa chúng ta Đức Kitô chết mà không sống lại thì quả thực Đạo chúng ta đang theo không có giá trị gì ! Và tôi giải thích tiếp, không có một Vị Lãnh Đạo, Sáng Lập Đạo nào trên thế giới lại nói: chết rồi ba ngày sẽ sống lại. Riêng Chúa Giêsu chúng ta đang tin, đang tôn thờ đã chết và đã sống lại thật đúng như lời Ngài nói và rồi cả nhà thờ vỗ tay vang lên. Alléluia, Chúa đã sống lại thật. Alléluia “.

Tin Mừng hôm nay viết về vị tông đồ Gioan như sau: ” Ông đã thấy và Ông đã tin “ (Ga 20, 8b ). Gioan đã thấy ngôi mộ t và đã tin Chúa đã sống lại thật sau khi Ngài được an táng ba ngày trong mồ. Thánh Gioan đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Kitô phục sinh. Đó là niềm tin cơ bản nhất của người Kitô hữu. Người Dân tộc Kơho mà tôi đã có dịp phục vụ họ nhiều năm. Theo tôi nhận xét, họ có đức tin tuyệt vời. Đức tin không phải tự nhắm mắt lại để tin những điều người khác nói, nhưng đức tin của họ phát xuất tự đáy cõi lòng và khi đã tin, họ tin rất chân thật, sâu xa. Sở dĩ họ có lòng tin và đức tin sâu xa như thế bởi vì niềm tin của họ không so đo, họ không đòi phải chứng minh như những người trí thức, như những nhà khoa học. Đức tin của họ phát xuất từ cõi thâm sâu của con tim. Thực tế, họ tin vào Chúa phục sinh như Kinh Thánh và Huấn Quyền Hội Thánh dạy họ, nhưng trên hết mọi sự là do lòng đạo đức của họ.

Chúa đã sống lại thật là Tin Mừng Phục Sinh lớn lao cho cả nhân loại. Đêm vọng Phục Sinh nhân loại cử hành lại việc Chúa Giêsu chết và sống lại. Ngày Chúa nhật Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu chiêm ngắm Chúa Giêsu sống lại, Chúa Giêsu Phục Sinh. Thánh Gioan trong Ga 20, 1-9 đã dẫn mọi Kitô hữu cùng chiêm ngắm ngôi mộ trống với thánh Phêrô và thánh Gioan. Thánh Phêrô giảng cho mọi người nghe lời tuyên xưng Chúa sống lại…Và khi linh mục rảy nước thánh, ca đoàn hát “ Tôi đã nhìn thấy nước chảy vọt ra từ trái tim Chúa Kitô, Alléluia ! Chúa Kitô chiến thắng đã trở về, tỏ cho thấy vết thương nơi cạnh sườn Ngài. Alléluia “. Còn Kinh tiền tụng lại hát vang: ” Đám người được rửa tội, rực rỡ trong niềm vui Phục sinh, đang nhảy mừng trên khắp mặt đất “.

Niềm vui Phục sinh phải được lan tỏa nơi mọi người. Cuộc đời của người Kitô hữu luôn đầy ắp niềm vui Phục sinh. Chúa Phục sinh hiện diện trong các mầu nhiệm: Ngài hiện diện trong anh sáng, trong các Lời Kinh Thánh và nay Chúa Phục sinh hiện diện trong các Bí tích như Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể. Chúa hiện diện hoàn hảo trong Mình Máu Chúa Kitô. Người Kitô hữu phải sống Tin Mừng Phục Sinh trong từng biến cố cuộc đời: vui, buồn, thử thách, tất cả phải dậy lên niềm vui Phục Sinh. Anh nến phục sinh mà mỗi người Kitô hữu đã thắp lên từ cây nến mẹ Phục sinh phải chiếu tỏa luôn mãi cho mình và đến với mọi người.

Niềm vui Phục sinh phải được mọi Kitô hữu tỏa sáng để làm chứng cho Chúa sống lại. Phục sinh là sống chia sẻ, bác ái, yêu thương.Niềm vui Phục sinh là đẩy lùi những đam mê, xác thịt để sống chính trực công chính.

Chúng ta sẽ làm chứng cho Đức Kitô Phục sinh khi chúng ta luôn sống đức tin sâu xa và tin tưởng như thánh Gioan: ” Tôi đã thấy và tôi đã tin “ ( Ga 20, 8 ba ).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đánh bại thần chết, xin thương cứu độ chúng con. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT (Sưu Tầm Internet)

 

1702    22-04-2011 10:32:34