Sidebar

Thứ Sáu
04.10.2024

Chúa Nhật Phục Sinh Năm A

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Hoàng tử của một vương quốc giàu có, đem lòng yêu thương một cô gái đẹp, con một người làm bánh mì. Tuy bị hoàng gia phản đối, nhưng hoàng tử nhất mực cưới nàng làm vợ. Lễ thành hôn được tổ chức rất kín đáo và đơn giản trong đền vua, không có chư khách vị vọng nào, cũng không có đại diện các nước lân cận.

Nhiều năm trôi qua, hoàng tử và cô gái đẹp sống những ngày rất êm đềm hạnh phúc. Đến ngày vua băng hà, hoàng tử được lên ngôi thay vua cha cai trị dân nước. Bấy giờ, các quan cận thần triều đình mới cho hoàng tử biết, vì hạnh phúc của dân nước, ngài phải chọn một trong hai điều: hoặc là từ khước ngai vàng, hoặc là phải bỏ người vợ đẹp để chính thức thành hôn với công chúa của nước láng giềng.

Hoàng tử phân vân do dự giữa hạnh phúc cá nhân và an ninh trật tự của cả dân tộc. Trong khi đó các quan cận thần thuyết phục hoàng tử rằng cô vợ đẹp ấy cũng chỉ là cô con gái nhà nghèo.

Cuối cùng hoàng tử xiêu lòng và phải ngậm ngùi tâm sự với vợ: "vì an bình và hạnh phúc của cả dân nước, anh đành phải từ bỏ em, em hãy trở về gia đình cha mẹ em, và có thể đem theo cái gì quí giá nhất đối với em".

Tối hôm ấy, hoàng tử và người vợ đẹp dùng bữa tối cuối cùng tại hoàng cung. Bữa cơm chia ly thật buồn thảm, hoàng tử ăn trong nước mắt, lòng buồn rười rượi không nói nên lời. Tuy nhiên, người vợ vẫn thản nhiên chuốc rượu cho chồng, cạn ly này rồi lại đầy ly khác, trong khi hoàng tử lại cố uống cho quên sầu.

Sau bữa ăn thì hoàng tử say mê mệt không còn biết gì nữa. Lúc ấy nàng mới lấy cái mền chùm kín hoàng tử, rồi vác lên vai, kín đáo đi lối sau, ra khỏi hoàng cung, đi về nhà cha mẹ .

Sáng hôm sau, khi đã tĩnh rượu, hoàng tử mở mắt ra thấy mình đang ở trong căn nhà nghèo nàn của người làm bánh mì. Hoàng tử ngạc nhiên hỏi: "Làm sao thế này ? Anh đang ở đâu đây ?"

Cô vợ mỉm cười đáp: "Không phải là anh đã nói với em là phải trở về nhà cha mẹ và có thể đem theo cái gì quí nhất đối với em sao ? Mà điều quí nhất đối với em không còn cái gì khác hơn là chính anh, hoàng đế của lòng em".

Anh chị em thân mến,

Nếu bổng dưng chúng ta phải chổi dậy ra đi, phải lên đường mà không hẹn ngày trở về, chúng ta phải đem theo cái gì ? Cái gì là bảo vật quí giá nhất đối với chúng ta ?

Xét cho cùng, đời sống con người là cuộc hành trình tiến về đích điểm, không có ngày trở lại, cũng không thể nào đi ngược thời gian về lại điểm khởi hành. Đã sinh ra trên đời là phải lên đường, là lữ hành. Dầu muốn dầu không, mỗi ngày trong đời sống là một bước tiến gần đến sự chết.

Sống, chúng ta không biết sẽ đi về đâu, tương lai sẽ thế nào, chết là điều ai cũng có thể biết chắc, tuy không biết chết ngày nào, ở đâu, chết thế nào và cái gì đang đợi ta bên kia sự chết.

Đối với người không có niềm tin, cái chết là vực sâu đêm tối, là con đường cụt. Còn người tín hữu Kitô đặt nền tảng niềm tin của họ trên mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nếu Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết và sống lại khải hoàn thì mầu nhiệm sự chết không còn là vực thẳm tối tăm, không còn là đường cụt đầy thất vọng nữa.

Với niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh, cái chết là ngưỡng cửa bước vào sự sống thật, là tiến vào con đường sáng, là bắt đầu cuộc sống mới bất diệt. Ở bên kia sự chết, mỗi người chúng ta chỉ gặt hái được những gì đã gieo vãi trên trần gian này: ai gieo gió sẽ gặt bảo, ai gieo yêu thương sẽ gặt được hạnh phúc. Thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Galata như sau: "Người ta gieo gì sẽ gặt thứ ấy, gieo xác thịt sẽ gặt hư hỏng bởi xác thịt, ai gieo yêu thương sẽ gặt sự sống vĩnh cửu bởi yêu thương".

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đặt trọn niềm tin vào Chúa Phục Sinh, cho chúng con biết gieo vãi yêu thương trên mọi nẻo đường chúng con đi, để sau này chúng con sẽ gặt hái được hoa trái không bao giờ tàn là chính Chúa, vì Chúa là Tình Yêu, là kho tàng quí giá nhất của đời chúng con. Amen

Lm Andre Bé            

HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG
Ga 20, 1 - 9

"Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu". Mới xem qua câu nói này, thì tôi thấy không có tính chất cần thiết hay quan trọng nào liên quan đến Chúa Phục Sinh, chỉ là một câu phản ứng tự nhiên, xuất phát từ sự bối rối, lo lắng, run rẩy, sợ hãi, của các người phụ nữ. Những người phụ nữ này đi viếng mộ Chúa từ buổi sáng. Xét cho cùng, thì câu nói này ngụ ý việc trộm xác Chúa Giêsu. Như thế càng vô lý hơn, vì theo Tin Mừng Thánh Luca, thì nơi chôn cất Chúa Giêsu được lính canh rất cẩn thận, không thể nào có chuyện mất trộm. Tuy nhiên, khi tôi đọc kỷ bản văn và những đoạn Tin Mừng song song. Tôi thấy rằng: câu nói trên không đơn thuần là một phản ứng. Như vậy, câu nói trên mang một sứ điệp gì? Và nó xuất phát từ đâu? Do ai nói? Có sức đánh động như thế nào?

Trước tiên, Trong Tin Mừng Gioan hôm nay, câu nói trên là do các phụ nữ. Cụ thể, là bà Maria Macdala, mà trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu các phụ nữ không có thế giá gì. Hơn nữa, họ còn bị coi thường. Và người phụ nữ này được nhắc đến trong Tin Mừng Thánh Luca là người được Chúa Giêsu trừ bảy quỷ. Thế nên bà rất biết ơn và yêu mến Chúa. Trong xã hội Do Thái thời đó, người ta có thói quen đi viếng xác người thân trong vòng ba ngày kể từ ngày chôn cất. Như thế bà Maria Macdala tự coi mình như người thân của Chúa Giêsu.

Kế đến, Trong bối cảnh sáng sớm tinh sương. Câu nói trên kết hợp với hành động của Bà chạy về báo tin cho các Tông Đồ Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến. Chính vì thế, kết hợp với ý thức chạy về báo tin làm cho các Tông Đồ câu nói này của bà Maria Macdala càng có một sức đánh động thật lớn lao, xuất phát từ tấm lòng chân thành, từ con tim yêu mến nồng nhiệt đối với Chúa Giêsu và nó mang một sứ điệp chưa từng có trên đời. Đó là sứ điệp Đức Kitô Phục Sinh vinh hiển. Điều này được chứng thực khi hai môn đệ Chúa Giêsu, hổn ha hổn hển chạy ra mộ, và sau khi xem sự kiện, ngôi mộ trống. Thì kết quả là một trong hai người đã thấy và đã tin. Thật đúng thế, Tin Mừng trọng đại là Chúa Giêsu Phục Sinh vinh hiển qua sự kiện ngôi mộ trống. Đã làm cho môn đệ Chúa Giêsu yếu mến nghĩ rằng câu nói của bà Maria Macdala có lý, làm cho ông nhớ lại Lời Thánh Kinh là Chúa Giêsu Phục Sinh. Hơn nữa, bài đọc I mà chúng ta vừa nghe, cũng xác thực đều đó là "Ngày thứ ba Thiên Chúa đã cho Người trổi dậy và cho Người xuất hiện tỏ tường".

Ấy thế, lời nói và hành động của các phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay, làm cho Tin Mừng trọng đại được loan đi đến với các Tông Đồ Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến, kết cuộc là một môn đệ Chúa Giêsu thương mến đã tin qua câu nói: "Ông đã thấy và ông đã tin" mà thánh Gioan thuật lại. Vậy một cách nào đó nếu xét tỉ lệ phần trăm thì kết quả câu nói này đạt được là 50%. (hai người đến mộ một người đã thấy và đã tin). Như thế mọi người chúng ta cũng được mời gọi loan báo Tin Mừng trọng đại là Chúa Giêsu Phục Sinh cho mọi người và đây cũng là sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Noi gương các phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay, mỗi khi được ơn Chúa soi động, được cảm nghiệm về Chúa, chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm cho những người chung quanh bằng cách là chúng ta ra đi loan Tin Mừng Chúa Phục sinh với con tim yêu mến Chúa Phục Sinh cách nồng nhiệt. Nếu xet ở một khía cạnh khác, ta cũng thấy rằng: sứ mạng trọng đại này không phải chỉ dành cho cấp tu sĩ, giáo sĩ trí thức mà cho mọi thành phần Dân Chúa, như các phục nữ hôm nay, trong khả năng của mình mà loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh. Amen

CHÚA NHẬT I PS A

"Chúa đã sống lại thật, Alleluia!"

Đây là câu điệp khúc vang lên trong những ngày Giáo Hội Công Giáo mừng biến cố Chúa Phục Sinh. Một biến cố lịch sử có tầm quan trọng  to lớn đối với người Công Giáo nói chung và cách riêng đối với những môn đệ theo Chúa Giêsu thời bấy giờ. Thật vậy, người Công Giáo chúng ta hớn hở mừng vui biết bao khi biết Chúa chúng ta phục sinh, Ngài đã từ cõi chết sống lại. Còn nỗi vui mừng nào to lớn hơn nên điệp khúc "Alleluia", "hãy vui mừng lên" không ngừng vang lên vang mãi trên môi miệng và trong niềm tin, trong lòng của chúng ta. Người Công Giáo chúng ta hát đi hát lại điệp khúc hân hoan ấy vì Đức Kitô đã chiến thắng kẻ thù là Satan, Đấng Messia hoàn thành sứ mạng theo thánh ý Chúa Cha, Đấng Messia đã trải qua bao gian khổ, đau khổ đón nhận thập giá và rồi Ngài đã chết.  Sứ mạng Đấng Messia không dừng lại ở đó, Ngài đã thực hiện một phép lạ vĩ đại nhất trong lịch sử loài người từ trước đến nay, đó là Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết? Như thế, Ngài đã hoàn thành sứ mạng Messia trong vâng phục thánh ý Chúa Cha, đón nhận trong sự chết và mang lại sự sống trường sinh. Điều đó làm cho chúng ta vui mừng khi nghĩ về biến cố Phục sinh. Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng suy gẫm về biến cố Phục Sinh.

Phục sinh là sự kiện xảy ra đã mang đến nhiều sự bất ngờ và đầy kinh ngạc mặc dù người Do Thái có hiểu biết ý niệm về sự sống lại. Lần mở lại mạc khải trong Cựu ước, người DoThái  tin rằng chỉ có Thiên Chúa Giavê là Thiên Chúa Hằng Sống, làm chủ sự sống (Xh 3, 15) có quyền trên Shéol (Is 2, 6; Kn 16,13; Tv 139,8) có khả năng làm cho kẻ chết sống lại: "Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên" (1Sm 2, 6). Bên cạnh đó, các ngôn sứ loan báo về sự sống lại của dân Israel, Hôsê nói Thiên Chúa sẽ cho ta hồi sinh (Hs 6, 18), Isaia hy vọng người chết sống lại (Is 26, 19). Người ta cũng đã chứng kiến các tiên tri Êlia, Êlisê cho một số người chết được hồi sinh (1V 17, 17 - 24; 2V 4, 29 - 37; Hc 48, 5. 14). Ngoài ra, ta còn thấy ước vọng và lời cầu nguyện của Israel cũng hướng về chân lý này (Tv 16, 10, G 19, 25). Khi Isaia và Edekien  loan báo về sự sống của Israel thì niềm hy vọng của họ trở thành vững chắc hơn (Is 25, 7 - 8; 26, 19; Ed 37, 7 - 8; 37, 11 - 14).

Tuy nhiên, Thánh Matthêu kể về bà Maria Mađalena và một bà Maria khác đến mộ với sự buồn bã, vì nghĩ rằng xác Ngài vẫn còn nằm trong mộ. Tuy nhiên, các bà đã cảm nghiệm một sự kinh ngạc vĩ đại nhất trong cuộc đời. Chúa Giêsu không còn chết nữa, Ngài đã sống lại! Từ kinh ngạc chuyển sang vui mừng: "hai bà vội vã ra khỏi mồ vừa sợ hãi vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người" (Mt 28, 8). Sự buồn rầu và tuyệt vọng của họ đã bị đánh tan bởi sự kinh ngạc và vui mừng khi nghe tin Chúa đã sống lại. Trong thực tế cuộc sống của mình, chúng ta cũng đã có những cảm nghiệm giống như các bà phụ nữ ấy: khởi từ sự buồn bã, tăm tối và thất vọng chuyển sang kinh ngạc và vui mừng.  Điều chúng ta nghĩ rằng xấu nhất, nhưng với sự trợ giúp đầy quan phòng và yêu thương của Thiên Chúa, nó đã trở nên tốt hơn như khi một người ốm đau được ơn chữa lành, những kẻ thù nghịch được ơn hoà giải với nhau,...Việc Chúa Giêsu Kitô sống lại là một biến cố cực kỳ quan trọng, nhưng lại là sự việc mà lý trí con người khó hiểu nổi, vì nó ở ngoài và vượt trên lịch sử nhân loại, không một người nào đã thấy và có kinh nghiệm. Ngay các môn đệ đi theo Ngài và được Ngài báo trước cho biết việc đó, thế mà khi Ngài sống lại họ cũng chưa tin, huống chi những người khác. Phục sinh là một chân lý mà người ta chỉ có thể chấp nhận được nhờ đức tin.

 Sự vui mừng dẫn tới hành vi thờ phượng. "Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy" (Mt 28,9). Sự vui mừng dẫn tới hành vi thờ phượng. Các người phụ nữ thánh thiện đi theo Chúa Giêsu là những người đã được Chúa chữa lành, trung thành với Chúa trong suốt cuộc thương khó, cho đến khi Chúa chết trên thập giá và sau cùng an táng trong mồ. Họ không sợ sệt trước những quyền lực của quân lính Rôma và những người lãnh đạo tôn giáo. Họ đã theo Chúa bằng mọi cách. Đức tin và tình yêu đã giúp cho các bà nhận ra Chúa Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, phải thờ phượng Người.

 "Hãy đi báo tin cho các anh em Ta" (Mt 28, 10). Các người phụ nữ trở thành những nhà truyển giáo của Chúa Giêsu. Đức tin và tình yêu của các bà được Chúa tin tưởng trao phó trách nhiệm loan báo Tin Mừng này. Họ tham gia loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Những điều kỳ diệu bắt đầu xảy ra. Tuyệt vọng đã nhường bước cho hy vọng, bóng tối đã lùi bước trước ánh sáng. Hận thù đã dần nhường chỗ cho sự tha thứ, bình an, tình thương;  khổ đau đã thay thế bằng vui mừng.   

Tình yêu có năng lực tái sinh con người. Mệnh lệnh "Hãy đi báo tin" không chỉ được ban cho các bà và các môn đệ, nhưng còn cho mỗi người chúng ta. Tin Mừng Phục sinh là chính Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa đối với con người. là người Công Giáo, là những kitô hữu, là những chứng nhân của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi để chia sẻ Tin Mừng  và tình yêu đó với tất cả mọi người như Chúa Giêsu đã nói với các người phụ nữ (Mt 28,10). Như thế, ngày nay, Tin mừng Phục sinh mời gọi chúng ta hãy mở lòng mình ra cho Chúa Giêsu Phục Sinh, để Ngài làm cho chúng ta điều Ngài đã làm cho các môn đệ cũng như cho những người nghe lời họ giảng sau ngày lễ Phục Sinh đầu tiên. Chúng ta hãy để Chúa Giêsu giúp chúng ta biết yêu thương trở lại sau khi tình yêu của chúng ta đã bị ai đó từ chối, chúng ta hãy để Chúa Giêsu giúp chúng ta tin tưởng trở lại sau khi niềm tin của chúng ta đã bị kẻ khác phản bội,  hãy để Chúa Giêsu giúp chúng ta hy vọng trở lại sau khi chúng ta đã thấy niềm hy vọng của mình bị lung lay và tàn lụi.

 Niềm tin của các tông đồ và của các tín hữu tiên khởi vẫn còn được tiếp tục tuyên xưng. Mãi mãi vẫn còn có người tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, là Chúa. Ngài đã chết để cứu chuộc chúng ta và Ngài đã sống lại để bảo đảm chúng ta cũng sẽ sống lại. Và hiện Chúa Kitô Phục sinh vẫn đang đồng hành với chúng ta trong cuộc sống trần gian. Chúng ta vẫn gặp Ngài trong Giáo Hội, trong các bí tích, trong cầu nguyện, trong Lời Chúa và trong khi thi hành điều răn mới, đó là yêu thương của Ngài. Vì thế, chúng ta hãy sống tâm tình tin tưởng và yêu mến. Tin Chúa đã và đang sống, đang hiện diện và không ngừng ban ơn thánh hoá ta trong và qua các Bí tích nhất là bí tích thánh Thể và giao hoà, chúng ta tin và đón nhận với lòng yêu mến.

Lạy Chúa phục sinh, xin cho chúng con hân hoan sống tâm tình tin tưởng và yêu mến. Tin Chúa đang hiện diện. Yêu mến thờ phượng Chúa và yêu thương như Chúa yêu. Amen.

ĐỀN ĐÁP ÂN TÌNH
Mt. 28, 1 - 10.

Anh chị em thân mến.

Tác giả Khải Hưng, một nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, có để lại cho chúng ta tác phẩm mang tên "Anh Phải Sống". Trong tác phẩm có kể lại câu chuyện của đôi vợ chồng nghèo ở ven sông, họ có một chiếc xuồng nhỏ, hằng ngày đi vớt củi trên dòng sông. Một hôm cũng với công việc hằng ngày như thế; hai người đang cùng với chiếc xuồng trên sông, thì mây đen kéo đến thật nhanh. Dòng nước trước đây hiền lành, giờ đây giống như con thú dữ nhìn thấy con mồi, cứ chồm lên. Chiếc xuồng nhỏ không thể chịu đựng được những cú nhảy của cơn sóng dữ, nó hất tung hai người xuống nước. Người chồng cố tìm kiếm và gặp được vợ; anh bảo vợ cố bám vào anh để tìm đường vào bờ. Với dòng nước chảy mạnh, những hạt mưa từ trên đổ xuống, thêm những cơn gió mạnh rít từng cơn làm cho dòng nước thêm giận dữ, gây khó khăn cho cuộc đua vào bờ của hai người. Người vợ chợt nhớ đến đứa con thơ, còn đang nhờ người trông chừng: không biết nó sẽ ra sao khi cả hai không vào bờ được. Nghĩ thế, nàng từ từ buông lơi bàn tay ra. Người chồng đang mệt nhoài vì chống chọi với giòng nước miệng cứ la lớn: cố lên, bám chặc vào... cố lên bám chặc vào. Bỗng nhiên anh cảm thấy như tăng thêm sức mạnh, anh bơi nhanh hơn, anh cố bơi và tìm đến bờ sông an toàn. Bỗng anh chợt nhận ra, thì người vợ thân yêu không còn bên cạnh anh nữa. Anh đi dọc theo bờ sông, nhưng không còn nhìn thấy gì nữa.

Đứa con sau này sẽ nghĩ gì, khi biết được câu chuyện yêu thương như thế? Chắc nó sẽ cố gắng sống cho thật xứng đáng, để không làm cho cái chết của người mẹ trở nên vô ích.

Chúng ta đang mừng Chúa Phục Sinh. Nhưng tại sao lại Phục Sinh. Thưa vì Ngài đã chết nên mới Phục Sinh. Tại sao lại phải chết? Thưa Ngài phải chết vì những cơn giận dữ không biết kiềm chế của con người. Ngài chết vì sự phản bội của con người, vì họ không biết tôn trọng nhau. Ngài chết vì con người hèn nhát không dám bênh vực cho công lý, lo sợ mất đi những quyền lợi, sợ mất đi những gì mình đang có. Ngài còn chết vì con người quá hờ hững, không nhận ra Ngài đang kêu mời họ đến với Ngài. Chết vì yêu thương.

Thật thế Ngài chết vì những người mà Ngài yêu thương, Ngài chết để cho họ được sống. Nhưng Ngài không để họ sống cô đơn, nên Ngài đã sống lại, để mang sự sống bất diệt đến cho họ.

Tất cả chúng ta đang sống vì Con Thiên Chúa đã chết thay cho chúng ta, chúng ta đang sống trong sự sống mới của Ngài. Nhưng những cơn giận dữ vẫn còn mãi và đang hoạt động mạnh mẽ trong mỗi người. Mỗi lần phạm tội là mỗi lần phản bội tình yêu của Đấng đã yêu thương và chết vì chúng ta. Chúng ta vẫn cứ yên lặng trong sự hèn nhát của mình vì biết bao nỗi lo sợ ám ảnh cuộc sống. Còn nữa, sự ích kỷ chỉ nhìn thấy và chỉ biết có chính mình, làm cho chúng ta hờ hững với những người chung quanh, hờ hững với bao tiếng kêu than trách phiền. Như vậy chúng ta vẫn muốn cho cái chết của Đấng yêu thương chúng ta trở nên vô giá trị sao? Đứa con trong tác phẩm Anh Phải Sống của Khải Hưng có làm như thế không?. Chúng ta cũng phải sống sao cho xứng đáng với những gì mình nhận được.

Trong đời sống hằng ngày, có lúc nào đó chúng ta nhận được sự vui mừng, như những người phụ nữ nhận ra Chúa Giêsu và được lệnh truyền đi loan báo tin vui mừng cho người khác; nếu sự hiện diện của chúng ta là một niềm vui cho người khác thì hạnh phúc cho chúng ta biết dường nào, hoặc những lời nói, những việc làm của chúng ta đem lại niềm vui cho người khác, thì lúc đó, chúng ta đang thực hiện lời Chúa Giêsu đi loan báo Tin Mừng cho người khác. Nếu trong đời sống chúng ta cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, để biết đem tình yêu đó đến với mọi người; nếu chúng ta nhìn thấy được những người cần giúp đỡ và không ngần ngại, cho đi một chút thời gian, một chút tiền bạc, một chút gì mình có mà người kia đang cần. Nếu chúng ta biết dừng lại những lời nói không hay, mà nói lên những lời động viên an ủi để làm cho người trước mặt có thêm sức sống. Đó là chúng ta đang mang tình yêu thương của Đấng yêu thương chúng ta đến cho những người chung quanh. Đó là chúng ta đang sống sự sống mới của Đấng Phục Sinh.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết sống niềm vui Phục sinh và mang niềm vui đến cho mọi người.

1387    22-04-2011 10:52:52