THẦY Ở CÙNG ANH EM
Mt 28, 16-20
Anh chị em thân mến,
Mấy năm trước, một giáo phái bên Mỹ, qui tụ được năm bảy chục người gì đó. Ông giáo chủ cũng là người có uy tín nên nói ra câu nào cũng được các đệ tử lắng nghe, dù ông cũng lợi dụng sự cả tin của tín đồ, để thu góp của cải của họ. Năm 2003, ông giáo chủ bảo ngày 20 tháng 12 năm này, các người ở tinh cầu mới sẽ đến vào ban đêm để rước họ đi lên ở trên tinh cầu mới đó. Sống trên tinh cầu đó được so sánh như lên thiên đàng. Các môn đồ đã tin vào lời ông giáo chủ; vào giờ đó ngày đó, ông giáo chủ và môn đồ đều tự sát để được rước lên tinh cầu mới. Ai sợ chết, đều bị ép buộc tự sát... Vài hôm sau, cảnh sát mới phát hiện, dân quanh vùng báo vì mùi hôi thôi xông lên...Chúa nhật hôm nay, Hội thánh cũng nói về việc Chúa Giêsu lên trời trong vinh quang. Tuy nhiên việc lên trời này đáng hân hoan, không phải đáng kinh sợ như câu chuyện chúng ta nghe ở trên. Kính mời suy niệm...
a/. Trước hết, theo bài Tin Mừng hôm nay, Matthêu tường thuật biến cố Chúa về trời cách đặc biệt: Chúa Giêsu hẹn 11 tông đồ và một số môn đệ, đến miền Bắc Galilêa, nước Do Thái, trên một ngọn núi, không rõ là ngọn núi nào... Tại đó, trước khi về trời, Chúa nói mấy lời từ biệt, dặn dò các ông với những lời nói vừa trang trọng, vừa rất thân tình, dạy các ông phải tiếp tục sứ mạng đem giáo lý và ơn cứu độ đến tận cùng thế giới. Đó chính là sứ mạng Chúa Cha đã giao phó cho Ngài; giờ đây Ngài đã hoàn tất trong vinh quang, nên Ngài phải về bên Chúa Cha. Dù vậy Chúa Giêsu cũng hứa hẹn với các ông là không bỏ các ông mồ côi. Ngài về trời để dọn chỗ cho các ông; nhưng trong khi còn ở trần gian, Ngài vẫn ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế...
b/. Sau đây là một vài câu hỏi suy niệm: * Tại sao nói Chúa Giêsu về trời trong vinh quang? Chúng ta phải nghĩ thế nào?
Thưa chính là vì Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng Chúa Cha giao phó cách tốt đẹp, về trời trong vinh quang chính là để được Chúa Cha tôn vinh...Chúa Con về trời là về cùng Chúa Cha, về bên Chúa Cha, để được Cha khen thưởng, để được tôn vinh, vì đã thực hiện trọn vẹn sứ mạng cứu chuộc Cha giao phó. Chúa Cha yêu Chúa Con hết mực, thế mà khi Chúa Con làm tròn sứ mạng Cha giao phó, chẳng lẽ Cha không vui, chẳng lẽ Cha không khen thưởng? Chúng ta thử suy nghĩ: sau khi Chúa Con hoàn tất công việc cứu chuộc cách xuất sắc, nếu Chúa Cha không khen thưởng Chúa Con, đó mới là điều lạ chứ! Vì Chúa Cha tôn vinh Chúa Con, nên Chúa Con về trời để được trao cho toàn quyền trên trời dưới đất (Mt 28, 18), vì thế Chúa mới sai các môn đệ tiếp tục công việc của Chúa...
* Khi Chúa về trời, Ngài có bỏ môn đệ mồ côi không? Chúa về trời, có nghĩa là không còn hiện diện với các môn đệ bằng thể xác vật chất nữa, không còn cùng ăn cùng ngủ, giảng dạy họ hằng ngày, nâng đỡ đời sống vui buồn sướng khổ với họ trực tiếp, như khi Chúa còn sống. Dù vậy lời Chúa nói: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế, đây không phải là câu nói ngược. Hội thánh Chúa Giêsu thiết lập ở trần gian, trên nền tảng các tông đồ luôn vẫn có Chúa hiện diện cách thiêng liêng, qua các bí tích, nhất là qua sự hiện diện đầy ơn sũng của Chúa Thánh Thần...
Một điều khác, Chúa về trời thì có lợi cho các tông đồ (Gn 16, 7) : Thầy không đi, thì Thánh Thần sẽ không đến (Gn 16, 7) - Thầy đi để dọn chỗ cho anh em (trong Nước Trời) (Gn 14, 2) - Thầy sẽ trở lại đem anh em về với Thầy (Gn 14, 3).
c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Nghe nói về Nước Trời, quê hương trên trời, ai nghe cũng thích, cũng ham muốn cả; tuy nhiên muốn được lên trời, ta có sẵn sàng sống ở dưới đất này cho đàng hoàng tử tế, để mai sau đáng được lên trên đó không? Nhất là ta có cố gắng sống đúng lời Chúa dạy không?
CHÚA TRONG CUỘC SỐNG
Mt. 28, 16-20.
Anh chị em thân mến.
Nói đến tình bạn tri kỷ thâm giao, tôi chợt nhớ đến câu chuyện Lưu Bình và Dương Lễ. Đôi bạn tri kỷ này đã sống chết có nhau, cho dù phải trải qua những sóng gió của cuộc đời.
Lưu Bình là một chàng trai giàu có và phong lưu, trong một hoàn cảnh bất ngờ, anh gặp một chàng thư sinh nghèo khó nhưng hiếu học là Dương Lễ. Hai người kết nghĩa huynh đệ. Dương Lễ hiếu học nên đến kỳ thi anh đạt được công danh. Còn Lưu Bình vì có tiền của nhiều nên anh không chăm học, đến kỳ thi, anh đi không rồi lại trở về không. Anh cũng không buồn sầu lo lắng gì, cứ mãi lo ăn chơi. Dương lễ đau xót nhưng khuyên bạn không được. Việc gì đến rồi cũng phải đến.
Một hôm Lưu Bình đến nhà Dương Lễ xin tá túc, vì nhớ đến tình bạn tri kỷ mà hai người đã từng thề ước với nhau, đồng thời Lưu Bình còn nhớ đến những gì mà mình đã từng cưu mang nên Dương Lễ mới được như ngày hôm nay. Nhưng nào ngờ, khi vừa nhìn thấy người bạn năm xưa, Dương Lễ trở mặt không nhìn, còn nói những lời chê bai thậm tệ. Lưu Bình thất vọng bỏ đi, lòng buồn cho thế thái nhân tình. Trong lúc thất vọng, anh gặp được một người an ủi và lo lắng. Từ đó anh cố gắng học hành để đạt cho được ý nguyện, trước tiên là để trả thù cho thế thái nhân tình, kế đến là để làm lại cuộc đời. Ngày vinh quang đã đến, trời không phụ lòng người. Anh vội trở về tìm người đã giúp anh làm nên danh phận, nhưng không thấy, anh đến nhà người bạn mà anh cho là bất nhân, để tìm cách trả lại mối hận năm xưa. Nhưng lại một bất ngờ nữa, người đã từng giúp anh trong những tháng ngày gian khổ, giờ đây lại đang ở bên cạnh người mà anh cho là bất nhân. Anh chợt hiểu ra, vì lo lắng yêu thương, nên người bạn tri kỷ đã dùng khổ nhục kế và cho người vợ thân yêu nhất của mình giúp đỡ anh lập được công danh. Đôi bạn càng hiểu nhau càng thương mến nhau hơn.
Chỉ có tình yêu thương chân thành, mới có thể làm cho tình bạn cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể như là ở kề cận để lo lắng cho nhau.
Chúa Giêsu chuẩn bị mọi sự thật chu đáo trước khi Ngài rời xa các môn đệ. Ngài truyền lệnh cho các ông thi hành "các con hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần", không phải chỉ có thế, Ngài còn hứa một điều hết sức quan trọng: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Các môn đệ không còn buồn sầu lo lắng gì nữa, mà các ông thi hành mệnh lệnh đã được trao cho. Các ông thi hành với một con tim cháy bừng lửa yêu thương, với một niềm tin vững mạnh là luôn có người mình yêu thương ở bên cạnh.
Mỗi người trong chúng ta đang sống trong tình yêu thương, mà Chúa Giêsu cũng chuẩn bị chu đáo cho chúng ta trong mọi việc và Ngài cũng hứa như các tông đồ khi xưa: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế". Nhưng nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta sống dường như không có Chúa bên cạnh, chúng ta mãi đi tìm những thú vui cho riêng mình mà để ngoài tai tất cả mọi lời nói, lời khuyên can. Những gương tốt ngay trước mắt, chúng ta cũng không cần nhìn đến. Những khi sa cơ thất thế, chúng ta quay qua phiền trách tất cả mọi người, phiền trách cả Thiên Chúa của chúng ta. Chúng ta ngỡ rằng Ngài ở tận trên trời xa xôi nên không nhìn thấy cũng không biết những gì chúng ta đã và đang làm.
Nếu chúng biết thức tỉnh như anh chàng Lưu Bình, thì cơ may vẫn còn đến với chúng ta, khi đó chúng ta đã nhận ra ơn Chúa qua những người chung quanh, qua những bàn tay giúp đỡ chúng ta, qua những lời nói chân thành, có khi còn qua những thất bại trong cuộc đời. Nếu chúng ta biết nhận ra Chúa, thì bất cứ giờ phút nào Ngài vẫn luôn ở bên chúng ta như Ngài đã hứa. Nếu chúng ta biết tuân giữ những điều Ngài truyền dạy, biết đến với mọi người để đem mọi người về làm môn đệ của Chúa, một môn đệ của Tình Yêu Thương, thì thật là hạnh phúc cho chúng ta.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta được biết nhận ra Chúa trong cuộc sống hằng ngày, để biết luôn lắng nghe và vâng phục Thánh Ý Chúa.
Ý NGHĨA THĂNG THIÊN
Mt 28,16-20
5g17' sáng ngày 19.04 vừa qua, mọi người đã chứng kiến một bước tiến mới của ngành viễn thông Việt Nam khi vệ tinh đầu tiên của Việt Nam bay vào không gian. Từ độ cao 35.768 km so với mặt đất, vệ tinh Vinasat-1 sẽ trở thành người bạn đồng hành không mệt mỏi trong suốt vòng đời 15-20 năm của nó nhằm phục vụ lợi ích cho nhân dân Việt Nam .
Hai tuần sau đó, tức là hôm nay, người Kitô hữu chúng ta cử hành thánh lễ mừng kính biến cố thăng thiên của Đức Giêsu, biến cố đánh dấu lần hiện ra cuối cùng của Đức Giêsu với các Tông đồ; để rồi từ đó trở đi, Người đồng hành cách thiêng liêng với Giáo Hội trong hành trình hướng về quê trời. Từ sự kiện thời sự vừa xảy ra, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về biến cố thăng thiên của Đức Giêsu trong đời sống chúng ta.
Vệ tinh Vinasat-1 khi bay vào không gian, nó được định vị tại một khoảng không gian dành riêng cho nó, quỹ đạo 132 độ Đông. Còn khi nói Đức Giêsu lên trời, chúng ta phải hiểu thế nào? Có phải Người đi đến một nơi có thể định vị được trong không gian bao la nầy không? "Trời" của Kinh Thánh không nhất thiết đồng nghĩa với "trời" của con người. Khi nói Đức Giêsu lên trời không có nghĩa là Người bay lên khoảng không gian trên đầu ta. Trời là nơi Thiên Chúa ngự, mà Thiên Chúa không lệ thuộc vào thế giới vật chất như con người, nên "nơi" của Ngài không lệ thuộc không gian và thời gian, không xác định cụ thể một nơi có thể đo đạc và nhìn thấy được. Do đó, khi nói Đức Giêsu lên trời, ta không nên hiểu Người bay lên một nơi nào đó trên tầng mây xanh; trái lại, phải hiểu rằng Người về cùng Chúa Cha và Chúa Cha "tôn vinh Người lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai" (Ep 1,21).
Vệ tinh Vinasat-1 sẽ phủ sóng toàn cõi Việt Nam và một số nước khác trong vùng, giúp cho việc truyền tải thông tin dễ dàng hơn. Nó sẽ là công cụ hữu dụng cho ngành viễn thông Việt Nam . Còn Đức Giêsu lên trời đem lại lợi ích gì cho con người nói chung, cách riêng là những Kitô hữu chúng ta? Đức Giêsu lên trời không có nghĩa là Người sẽ mãi mãi rời xa chúng ta. Ngược lại, Người sẽ ở gần chúng ta hơn bao giờ hết. Nếu như trong thân xác thể lý trước đây, Người chỉ hiện diện tại một nơi trong cùng một thời gian mà thôi; thì giờ đây, với thân xác phục sinh không còn lệ thuộc thời gian và không gian, Người hiện diện với mọi người và bên mỗi người để nâng đỡ, ủi an, dìu dắt tất cả đến với Chúa Cha. Không những thế, Thánh Thần của Người sẽ hoạt động mạnh mẽ để tăng sức cho con người yếu đuối có đủ khả năng tiến về quê trời. Đức Giêsu lên trời vừa là bảo chứng cho cuộc sống vinh quang thiên quốc, vừa phát sinh nguồn lực dẫn đưa con người đến sự sống đời đời.
Vệ tinh Vinasat-1 đã đi vào không gian nhưng con người phải biết cách sử dụng và khai thác đúng cách thì nó mới đem lại lợi ích cho con người. Đức Giêsu lên trời cũng sẽ chỉ là một biến cố lịch sử, chẳng có ích gì nếu chúng ta không nhận biết được ý nghĩa của sự Thăng Thiên, và sống tích cực với ý nghĩa ấy. Mỗi Kitô hữu, qua kho tàng đức tin của Giáo Hội, nhận ra rằng Đức Kitô Phục Sinh luôn hiện diện bên mình, trong đời sống mình; và mình có nhiệm vụ làm sáng lên hình ảnh Người bằng cuộc sống giữa lòng xã hội. Đồng thời, theo lệnh truyền của Đức Kitô, mỗi người cũng được mời gọi làm cho mọi người nhận biết sự hiện diện của Người bằng lời nói và bằng chính hình ảnh sống động của Đức Kitô nơi bản thân mình. Có như thế, "vùng phủ sóng" của Đức Kitô Phục Sinh mới rộng lan trong lòng thế giới và trở nên hữu hiệu cho hành trình tiến về sự sống đời đời của con người.
Mừng Đức Giêsu lên trời, chúng ta hướng lòng lên cao, chiêm ngưỡng Đức Giêsu là mẫu mực cho đời sống mình, rồi trở về cuộc sống thường nhật, ra sức bắt chước Người trong cách ăn, nết ở; để "tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Nhờ đó, sức sống của Đức Kitô phục sinh ở mãi trong ta và rồi lan rộng cho mọi người bên ta.
Trong lá thư của cha tuyên uý Vania gởi cho cha me trước khi gục ngã dưới làn mưa đạn đại để như sau: "Cha mẹ yêu dấu Thiên Chúa đã vạch chỉ cho con con đường con phải theo Ngài. Con không chắc là có thể còn sống để trở về với cha mẹ nữa, con không cảm thấy lo sợ vì có Chúa ở cùng con. Người ta cấm cản không cho con rao giảng về Chúa, và con phải trải qua nhiều khó khăn thử thách, thế nhưng con tuyên bố với họ là con sẽ không sợ, mà tiếp tục rao giảng Tin Mừng và tình yêu Chúa Kitô, bởi vì đó là điều Thánh Linh đã phán bảo con; Hôm mùng 10 tháng này, khi con rao giảng một binh sĩ đã tin Chúa".
Qua đời sống chứng nhân của cha Viana, rao giảng là một công việc rất cần thiết và hệ trọng, một công việc phải được xuất phát từ một con tim quảng đại, nhiệt thành trong tình yêu Chúa. Để được như thế thì lời Đức Giêsu nói với các môn đệ trước khi Ngài về trời: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; giảng dạy cho họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho các con", không phải là một lời nói thông thường mà như một lời trăn trối thiêng liêng, một sứ mệnh vô cùng cao quý, vô cùng to lớn và vô cùng nặng nề.
Công cuộc truyền giáo của Người, công việc rao giảng để dẫn đường chỉ lối cho mọi người về với Chúa Cha vẫn chưa hoàn tất. Còn rất nhiều người đang sống trong u mê, họ vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng của Chúa. Cánh đồng truyền giáo còn bao la bát ngát. Đó không chỉ là sứ mạng của các tông đồ, của các giám mục, linh mục ngày nay, mà là sứ mạng của toàn thể Giáo Hội của tất cả mọi người.
Qua mọi thời, Giáo Hội vẫn tiếp tục sứ mạng đó, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, những khi Giáo Hội bị bách hại dã man, các môn đệ của Chúa vẫn hiên ngang rao giảng, thực hiện sứ mạng mà Chúa Kitô đã giao phó. Giống cha Viana, họ cũng sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Nước Trời, để minh chứng cho niềm tin của họ vào Đức Kitô.
Ngày lễ Chúa Lên Trời phụng vụ muốn cho chúng ta thấy nhóm mười một đã thực sự trưởng thành, và trở thành chứng nhân của Chúa Phục Sinh. Nhưng họ còn phải chờ đón ơn Thánh Thần mới có thể ra đi tuyên chứng. Vì thế, lễ Chúa Lên Trời muốn nói lên sự kiện mới trong cuộc sống của Hội Thánh và của chúng ta hơn là một biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được đổi mới và lãnh nhận sứ mạng truyền giáo của Đức Giêsu qua Bí Tích Thánh Tẩy. Người truyền giáo là người dám loan truyền sự hiện diện của Chúa giữa nhân loại, nghĩa là cho mọi người nhìn thấy Chúa qua đời sống chứng nhân thường ngày. Thử hỏi, Giáo Hội Việt Nam, Khi Tin Mừng mới được gieo vãi vào Việt Nam, được phát triển mạnh mẽ, rồi qua bao triều bạo Chúa bắt bớ và giết chóc nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ. Những nhân chứng đó chính là hình ảnh Chúa Kitô hiện diện qua các thánh tử đạo. Còn ngày nay, trong một thế giới vô thần lại cần rất nhiều chứng nhân hơn nữa, cần những nhân chứng biết hy sinh đem Lời Chúa đến như dòng nước ấm rửa tan sự băng giá còn khô cứng trong lòng của họ. Nhiệm vụ này đòi hỏi mỗi người chúng ta hãy kiên trì làm chứng bằng chính đời sống của mình.
Nhu cầu được biết Tin Mừng là khát vọng của nhiều người còn chưa biết Chúa, họ vẫn còn đang mò mẫm tìm đường. Vì thế "lời trăn trối" của Đức Giêsu hôm nay cần thiết hơn bao giờ hết. Đòi hỏi mỗi người hãy cấp bách đi gieo Lời Chúa, gieo Tin Mừng trên những cách đồng xa, những nơi mà hạt giống Tin Mừng chưa được gieo vãi, vì ở đó đang đói khát Tin Mừng, đang mong được thoát khỏi cảnh nô lệ tội lỗi của ma quỷ và của sự chết. Khát vọng đó là mảnh đất tươi tốt thúc bách chúng ta mau mắn thi hành sứ mạng của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho thế giới này ngày cáng có nhiều người trẻ dám dấn thân, phục vụ trong cánh đồng truyền giáo của Chúa. Amen
ĐẤT TRỜI GIAO DUYÊN
Mt 28, 16-20
Tv 115 có viết "Trời là trời của Chúa, còn đất thì Chúa cho con cái loài người." (Tv 115,16 ). Như thế, trời là nơi Chúa ngự. Nhưng Thiên Chúa không chỉ ở trên trời mà Ngài còn yêu con người và thương trái đất đến nỗi Ngài đã sai Con Một của Ngài đến ở với con người. "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời." (Ga 3,16 ). Và từ khi Con Thiên Chúa đến đặt chân ở trái đất này và cắm lều ở đó thì Đất và Trời đã giao duyên.
Trái đất giờ đây cũng trở thành nơi Chúa ngự. Đất thấp đã mang dáng dấp của trời cao. Đây quả là mầu nhiệm của tình yêu, vượt quá sức hiểu biết của con người. Thiên Chúa "cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất ?" (Tv 113,6), một sự cúi mình vì yêu. Nhờ Đức Giêsu Kitô, con người nơi đất thấp đã được chạm đến trời cao và có thể bước vào trời cao. Quả là một huyền nhiệm của tình yêu! Thật chẳng có gì quá đáng khi nói: "Thiên Chúa xuống làm người để cho con người lên làm Chúa". Trong huyền nhiệm của tình yêu thì điều đó hoàn toàn có thể hiểu được!
Thật ra, Đất thấp chẳng xa lạ gì với Đức Giêsu Kitô vì nhờ Ngài mà nó được dựng nên. Nhưng từ khi Ngài đến ở với con người thì đất đã bắt đầu thành trời và mãi mãi thuộc về trời cao. Chính Đức Giêsu Kitô đã nói: "Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).
Tôi rất thích ngắm nhìn cảnh một đứa bé lên 2, lên 3 được cha của nó nâng nó lên và cho ngồi trên đôi vai của mình. Đứa bé thích thú và sung sướng vì cảm thấy mình cao bằng và thậm chí cao hơn cha của nó. Vì thương con của mình nên người cha cúi mình xuống để nâng nó lên. Thiên Chúa cũng hành động như thế và còn vượt xa hơn thế nhiều lần đối với con người chúng ta.
Tình yêu đã làm cho trời cao ngang bằng với đất thấp; đất trời đã giao duyên và nên một với nhau trong Đức Giêsu Kitô.
Hiểu như thế, chúng ta sẽ không còn thắc mắc hay lo buồn khi nói Chúa lên trời nữa. Chúa lên trời cũng đồng nghĩa với việc Chúa đang ở bên tôi. Có khác chăng là cách thức Ngài hiện diện với chúng ta mà thôi. Trong Đức Giêsu Kitô, trời và đất là một. Đây quả là nguồn động viện và khích lệ quá lớn đối với đời sống của người Kitô hữu chúng ta. Vì từng giây từng phút, chúng ta đang sống và đang hoạt động với Đức Giêsu Kitô.
Như vậy, nhiệm vụ xây dựng Quê hương Nước Trời của người Kitô hữu chính là công việc xây dựng quê hương trần thế này. Nếu trời là nơi Chúa ngự, là nơi chốn của tình yêu, của công lý, của hoà bình và hạnh phúc thì con người cũng phải có trách nhiệm biến trái đất này thành nơi ở của những điều thiện hảo đó. Như vậy, Nước Trời đâu còn là cái gì đó xa lạ hay là sản phẩm hoang tưởng của những con người ngây ngô như một số người vẫn nghĩ như thế.
Trời cao và đất thấp ở bên nhau khi mọi người Kitô hữu biết sống với nhau cách chân tình, biết chia sẻ cho tha nhân những gì mình có , biết chấp nhận hy sinh và phục vụ anh em mình.
Trời cao và đất thấp đã gần nhau khi con người không còn bị mê hoặc bởi những của cải lợi danh, không bị những đam mê của xác thịt kéo ghì mình lại hay không chùn bước trước những đau khổ và chết chóc trong đời thường.
Hãy làm chứng về Nước Trời và làm cho "Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời" bằng cuộc sống vui tươi và hạnh phúc ở đời này; hạnh phúc khi hy sinh, tự hiến, khi chịu thua thiệt, mất mát, khi chịu lãng quên . . . Chúng ta không thể làm chứng về thiên đàng bằng một cuộc sống u sầu buồn bã được.Thiên đàng mai sau đã chớm nở ngay trong cuộc sống hạnh phúc ở đời này.
Nhà tỉ phú Warren Buffett đã nói một câu rất chí lý: "Nếu bạn không thấy hạnh phúc là lỗi của bạn". Sự thật là như thế. Tôi chỉ có thể được hạnh phúc sống dời sau bên Chúa nếu tôi biết bắt đầu sống hạnh phúc bên Chúa ngay từ bây giờ, ngay từ đời này.
Lạy Chúa, xin cho con biết ngước mắt nhìn lên trời cao với một tâm hồn đơn sơ và tự do của người con cái Chúa. Xin đừng để những vất vả và chán chường của cuộc sống ở đời này làm con quên mất trời cao. Xin cũng đừng để những vẻ đẹp của trần gian với những cám dỗ và quyến rũ của nó làm cản bước tiến của con trên đường về với Chúa. Ước gì qua từng ngày sống hiện tại của con đây là một phản chiếu cho mọi người thấy Nước Chúa đang tỏ. Amen.
Lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về Trời: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần..." (Mt 28,19) thôi thúc các Tông đồ ra đi gieo rắc Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho muôn dân. Đó chính là lệnh lên đường, mà mỗi người tín hữu, những kẻ tin vào Chúa Kitô phải thực hiện. Vì tin chính là làm chứng cho Chúa Kitô. Và nếu nhờ tin mà được rỗi, thì mọi tín hữu - không chỉ lo cho riêng mình - mà có trách nhiệm lo cho mọi người được phúc cứu độ.
Sứ mạng được giao phó cho mười một Tông đồ là: Giảng dạy để chuẫn bị cho mọi người (chứ không chỉ riêng người Do thái) lãnh nhận Phép Rửa tội, biến đổi họ trờ thành môn đệ Chúa Kitô, thành Kitô hữu và nhờ sống niềm tin vào Chúa Kitô mà được rỗi.
Kế thừa niềm tin của các Tông đồ, chúng ta cũng nhận lãnh sứ mạng lên đường, ra đi mở mang Nước Chúa, qua đời sống chứng tá của mình trong môi trường sống hằng ngày. "Ra khơi thả lưới" (x.Lc 5,4) như lời Chúa dạy!
Mỗi tín hữu cần phải ra đi khỏi chính con người của mình, để mưu cầu hạnh phúc cho người khác, mà đây lại là hạnh phúc tôi hậu của đời người: hạnh phúc đời đời. Không ai lên thiên đàng một mình, vì như thế chưa phải là tin. Đức tin mà chúng ta có được là nhờ Hội Thánh trao ban và cùng với Hội Thánh chúng ta tin và làm cho người khác cũng được tin.
Ra đi còn có nghĩa chúng ta phải vượt xa hơn khỏi những lo toan đời thường cho gia đình mình, vật chất cũng như tinh thần, để đem Chúa đến cho những người chung quanh: những người thân cận, làng xóm, những người chúng ta gặp trong mối giao tiếp nghề nghiệp của mình... bằng mối quan tâm đến nhu cầu của những anh em nghèo khổ, bấtt hạnh; bằng những lời nói khích lệ, bao dung; bằng những việc làm đầy thiện ý; bằng chính cả con người sẳn sàng cống hiến, chia sẻ cho mọi người, vì Chúa.
Cuộc ra đi nào cũng cần phải chuẫn bị hành trang, đó là sức mạnh của ơn Chúa qua việc cầu nguyện, chuyên cần lãnh các Bí tích, sống lời Chúa dạy và đích đến làm cho mọi người, qua chúng ta, đón nhận đức tin mà được rỗi. Nếu rao giảng Lời Chúa, là nói điều Chúa muốn nói chứ không phải ý của chúng ta, thì cũng vậy đời sống người Kitô hữu phải là hình ảnh sống động đầy yêu thương, nhân hậu của Chúa Kitô, được khắc sâu trong tâm hồn chúng ta, toả lan ra bên ngoài.
Có ngày gieo, thì sẽ có ngày gặt. Xin cho chúng con được góp một cánh tay vào ngày mùa sau hết trong cõi đời đời.
KHÁT VỌNG LÊN TRỜI CAO
Mt 28,16-20
KHÁT VỌNG LÊN TRỜI CAO hình thành nơi con người từ rất sớm. Lúc nhỏ ta thường ngước nhìn lên trời với ước mơ thật con trẻ. Ước mơ tầm thường nhưng thật lớn lao. Phải chi mình được lên trên trời để có thể nhìn thấy những gì trên trái đất. Ước vọng ấy cũng là khát vọng của bao con người. Cuộc trần nhiều khổ ải, đời sống còn lắm gian nan người ta còn mơ ước đến một cuộc sống trên cao tách biệt nơi trần thế, nơi đó con người được sống công bằng và hạnh phúc.
Con người coi trời là cõi xa xôi với nhiều điều bí nhiệm. Dù chưa rõ sinh hoạt nơi đó như thế nào nhưng con người vẫn tiếp tục ước mơ. Ước mơ một ngày tìm được lối thoát cho cuộc đời. Đói kém, đau buồn, giả dối, bất công mà con người phải đối diện hằng ngày làm cho cuộc sống thêm nặng trì, uể oải. Dù không hiểu rõ hạnh phúc trời cao là thế nào, có bền vững hay không nhưng con người vẫn tiếp tục hướng về trên cao.
Chúa về trời không phải Chúa bay lên khoảng không gian rộng lớn đang bao trùm quả đất. Trời không phải là chốn cao xanh, hay ở một nơi muôn trùng xa cách. Trời không phải là bầu khí quyển hay phần vũ trụ ở trên đầu ta. Theo cái nhìn Kitô giáo, trời là nơi Thiên Chúa ngự trị, nói có tình yêu chân thực mà con người luôn kiếm tìm. Trời có nghĩa là thế giới thuộc về Thiên Chúa. Trời là đích điểm của đời sống Kitô hữu. Hạnh phúc vĩnh cửu của con người là trở về với Thiên Chúa là Cha. Trước khi Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha, Ngài hứa ban cho ta một chỗ trong nước Cha: "Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy".
Mừng Lễ Thăng Thiên là mừng ngày Đức Giêsu được tôn vinh. Một con người tên Giêsu nay được hưởng vinh quang và danh dự của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa, được sống bên Chúa. Chúa về trời là một khẳng định về niềm hy vọng của con người sẽ trở thành hiện thực.
Chúa Giêsu về trời không phải là một cuộc chia ly xa cách, không phải là cảnh tiễn đưa Chúa về phương trời xa lạ. Thăng thiên chỉ là sự thay đổi cách thức hiện diện. Ta không còn thấy Ngài, không còn đụng chạm tiếp xúc Ngài bằng các giác quan tự nhiên nhưng chúng ta vẫn gặp thấy Ngài trong niềm tin và lòng yêu mến. Tuy Chúa đi xa nhưng thật ra Ngài đang ở gần. Tuy Chúa vắng mặt nhưng Ngài đang hiện diện bên ta. Ngài hiện diện như Ngài nói: "Và đây Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20)
Khát vọng về trời là khát vọng được lên cùng Thiên Chúa. Khát vọng ấy không phải chỉ ngước nhìn là đủ. Ngước nhìn là tâm thái của người đang khao khát, khao khát nên trọn vẹn khi con người được lên trời, cùng hưởng phúc với Chúa Giêsu. Trời không được xây dựng trên mây trên gió nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không là chốn mơ mộng viễn vong nhưng là đã bắt đầu ngay trong thực tế hiện tại. Sống và làm việc ở trần gian đó là một nhu cầu phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ nời trần thế đó là điều kiện để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Đức Giêsu đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới len trời. Nhiệm vụ đó là rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Đến đâu Ngài thi ân giáng phúc đến đó. Đi đến đâu là gieo yêu thương đến đó. Chúa Giêsu cũng đã sai các tông đồ hãy đi và làm những điều tốt đẹp cho con người.
Lời căn dặn sau cùng của Chúa Giêsu là phương cách để con người được về cùng Thiên Chúa: Aïnh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất. Giêrusalem là nơi các tông đồ đang ở. Giuđêa xa hơn một chút nhưng khá quen thuộc vì có nhiều đã tin Chúa. Samari tuy gần mà xa vì dân miền này biết Chúa Giêsu nhưng không có cảm tình với Ngài. Đến tận cùng thế giới là mục tiêu xa nhất và bao quát nhất.
Anh chị em thân mến, Chúa về trời và những lời Ngài dạy cho ta có cái nhìn đúng đắn hơn về trời và đất. Chúa về trời cho ta biết rằng ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác; ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Tự bản chất, cuộc sống này không có tính cách vĩnh cửu. Dù muốn dù không thì mỗi chúng ta cũng sẽ phải từ giã nó để trở về quê trời, nơi Thiên Chúa ngự trị. Người khôn ngoan là người biết sắm sẵn và xây dựng tương lai đời minh không phải nơi trần thế nhưng ở quê trời.
Vâng nghe Lời Chúa, rao giảng lời Ngài và chu toàn trách nhiệm đời này là bước chuẩn bị tốt nhất cho một đời sống hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.
1432 02-06-2011 20:43:12