Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Chúa Nhật Thăng Thiên A_3

LÊN TRỜI : ƯỚC MƠ CAO ĐẸP
Mt 28,16-20

Mới đây, trong những ngày đầu tiên của thiên niên kỷ, một chuyến du lịch đã làm sửng sốt nhiều người vì sự tốn kém khủng khiếp của nó: chuyến du lịch của Denis Tito, một nhà triệu phú Hoa Kỳ, người đã trả 20 triệu đô la cho tấm vé du lịch 6 ngày trên không gian.

Từ thuở bé, khi nhìn ngắm trời sao ban đêm, Tito mơ ước một ngày ngào đó mình sẽ được bay vào trời cao. Thế rồi lớn lên, ông đi học và trở thành kỹ sư làm việc cho NASA, cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Hoa kỳ. Tito chuyên về thiết kế các đường bay thám hiểm Hỏa tinh và Kim tinh. Sau đó ông chuyển qua đầu tư và trở thành triệu phú.


Tuy làm triệu phú nhưng Tito vẫn không mất đi ước mơ bay vào vũ trụ, dầu rằng ông biết rõ giấc mơ ấy rất mong manh. Bởi vì hầu hết các phi hành gia đều xuất thân từ những phi công máy bay phản lực với nhiều tài năng và thể lực tốt, trong khi kích thước và trọng lượng cơ thể của ông lại rất khiêm tốn: cao 5"5 và nặng 140 cân Anh (pounds).


Nhưng khi cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga chịu bán cho Titô một ghế du lịch giá 20 triệu, và sau bảy tháng trời huấn luyện không ngừng, giấc mơ của Tito đã thành sự thật. Ông phát biểu trước chuyến bay: "
Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Tôi muốn thực hiện hết những giấc mơ lành mạnh và hợp pháp của mình."

"Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống", và trong cuộc đời đó có biết bao ước mơ được đan dệt. Nhưng thử hỏi ước mơ của tôi có lành mạnh và hợp pháp không? Các mơ ước của tôi tốt đẹp cao sang hay tầm thường hèn hạ? Chúng nâng tôi lên hay nhận chìm phá hủy?


Nói đến ước mơ là nói đến những mục tiêu chưa có trong hiện tại. Mục tiêu tuy nằm trong tương lai, nhưng lại chi phối đời sống con người từ ngày hôm nay. Khi một bạn trẻ mong rằng mai kia mình sẽ có tấm bằng cao học, trong hiện tại họ đã phải thức khuya dậy sớm, thu tích bao kiến thức cần thiết để một ngày nao chiếm được mảnh bằng như lòng ước mong. Thành ra, ước mơ hướng con người đến với tương lai, nhưng đã làm nên cung cách sống trong hiện tại.


Nhìn vào ngày mai để ngày hôm nay ta sống trọn vẹn hơn chính là lối đường khôn ngoan mà lễ Đức Giêsu Lên Trời muốn nói.


Không ít người bị quan niệm vật chất chi phối nên khi nói "Chúa Giêsu lên trời" người ta mau liên tưởng đến hình ảnh Ngài bốc mình khỏi mặt đất, bay vào một nơi nào đó trên trời cao. Điều này khiến cho có kẻ cứ lầm tưởng thiên đàng là một chốn nào đó trong không gian. Yuri Gagarin, phi hành gia đầu tiên của Nga, sau khi bay lên vào vũ trụ đã trở về tuyên bố: "
Tôi nhìn khắp cùng không gian, nhưng chẳng thấy Chúa đâu. Vậy mà người có Đạo lại nói "Lạy Cha chúng con ở trên trời"".

Nghe thế, nhiều người bị lung lay niềm tin vì cứ tưởng Chúa ở trên trời cao xanh, bây giờ các khoa học gia lên trời và dùng cả viễn vọng kính tối tân tìm kiếm mà chẳng thấy ai, nên nghĩ là không có Chúa.


Có người lại lầm tưởng trên thiên đàng người ta vẫn sống như đời thường, tức cũng ăn uống ngủ nghỉ, cưới vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái. Thế nên mới có cảnh bè phái Sađucêô đặt vấn đề: một bà lấy bảy anh em, thế khi về trời bà ta là vợ của ai.


Nếu thiên đàng là một cõi vật chất nào đó trong không gian thì nó cũng sẽ suy tàn như bao vật chất khác. "Lên thiên đàng" không phải là bay lên trời xanh kia, song là bước khỏi thế giới hữu hình để đi vào mối liên hệ vô hình, không bị chi phối bởi thời gian, không gian, hay giác quan, song là yêu thương bao trùm tất cả.


Thế nên khi nói "Chúa Giêu lên trời" có nghĩa là Ngài đi trở về với mối liên hệ vô hình trong tình yêu tinh tuyền và trọn vẹn của Thiên Chúa.


Trên thế gian, khi yêu nhau con người phải dùng đến sự vật hữu hình để diễn tả và cảm nhận. Không ai thấy hình thù của tình yêu nên người ta phải bày tỏ qua cánh hoa, vòng tay, ánh mắt, nụ hôn... Nói yêu nhau mà không có hành động diễn tả thì chẳng ai có thể cảm nhận được. Ấy là vì con người bị giới hạn trong thế giới vật chất hữu hình. Thế nên, khi Thiên Chúa tỏ tình với nhân loại, Ngài cũng phải diễn tả qua những gì người ta thấy, sờ, nghe và cảm nhận được. Cao điểm của lời tỏ tình ấy là việc Thiên Chúa làm người để sống giữa con người.


Thế nhưng qua việc "lên trời", Chúa Giêsu đã khẳng định rằng con người không bị thế giới vật chất hữu hình chi phối mãi. Sẽ đến một ngày người ta thoát khỏi thế giới đó, chấm dứt những liên hệ trong không gian và thời gian để đi vào mối liên hệ tinh tuyền của tình yêu.


Chắc hẳn ước mơ cao quí nhất của đời người là ước mơ hạnh phúc. Nhưng có hạnh phúc nào lại thiếu vắng tình yêu. Tình yêu càng tinh tuyền, hạnh phúc càng trọn vẹn. Tình yêu tinh tuyền và trọn vẹn nhất chỉ có trong vương quốc Thiên Chúa.


Trước khi về trời, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy tập sống tình yêu đó ngay trên thế gian. Ngài bảo các ông: "
Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân", "các con là chứng nhân của Thầy". Nhưng giảng dạy và chứng nhân cho điều chi nếu không phải là Tình yêu Thiên Chúa ban cho con người. Lời giảng dạy chân thực nào cũng cần kèm theo đời sống chứng tá. Chắc chắn không mấy ai dám tin nhận lời dạy của các môn đệ khi thấy các ông bê bối xấu xa, vợ nọ con kia, đam mê vật chất, gian dối hận thù, tranh giành quyền lực đánh chí choé. Người ta có tin là vì các ông đã tập sống như lời Đức Giêsu căn dặn: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau."

Thành ra việc mừng lễ Chúa Giêsu lên trời lại khai mở trong tôi một thái độ sống: sống trong cuộc đời nhưng phải hướng về quê trời. Sự hướng mình lên cao đó giúp tôi vược thắng những tình cảm thấp hèn của xác thịt, thế gian, vật chất hầu đi đến một tình yêu cao cả hơn. Đó là tình yêu chân lý, yêu sự sống, yêu những giá trị thiêng liêng, với khả năng nâng tôi lên cao hơn trong tình Chúa và tình người.

Lm Bùi Quang Tuấn CSsR

SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
Mt 28, 16-20

Tháng 7 năm 1972 sau những tháng dài bị tra tấn trong trại lính, nơi ngài thi hành nghĩa vụ linh mục, cha Vania đã ngã gục dưới làn mưa đạn.

Trong lá thư cuối cùng ngài viết cho cha mẹ già có những dòng sau đây:


"
Cha mẹ yêu dấu! Thiên Chúa đã chỉ cho con một con đường phải theo. Con không chắc có thể còn sống được để trở về với cha mẹ nữa hay không, bởi vì những cuộc tra tấn lúc này dã man hơn trước kia rất nhiều. Thế nhưng con không lo sợ, vì có Chúa ở cùng con. Xin cha mẹ cứ an tâm, đừng lo lắng cũng đừng buồn phiền về số phận của con nữa. Lúc này con yếu và kiệt sức lắm rồi. Con xin chào thăm cha mẹ trong tình yêu Chúa Kitô và trong sự bình an của Thiên Chúa Cha. Người ta cấm cản con không được rao giảng về Chúa Kitô nữa, và con phải trải qua nhiều thử thách. Thế nhưng, con tuyên bố với họ là con sẽ không sợ rao giảng Tin Mừng và tình yêu của Chúa Kitô. Đây là một sứ mệnh cao cả và con hãnh diện được tiến bước theo mệnh lệnh của Chúa. Con không xấu hổ rao giảng về Chúa Kitô. Các phép lạ Chúa Kitô làm đều minh chứng rằng có Thiên Chúa, do đó con sẽ mạnh dạn tiếp tục gieo vãi hạt giống Tin Mừng, vì đó là điều Chúa Thánh Thần phán bảo con."

Rao giảng Tin Mừng là sứ vụ Chúa Giêsu đã trăn trối lại cho các môn đệ Ngài, cho Giáo hội nói chung và cho mỗi người chúng ta nói riêng. Trước khi Ngài xa cách con cái Ngài, Ngài đã để lại cho mỗi người chúng ta lời di chúc qua các tông đồ: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dậy bảo họ luôn giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.


Qua các thời đại, Giáo hội đã, đang và luôn mãi hăng hái, trung kiên thi hành sứ mệnh đó. Mặc dù Giáo hội luôn phải trải qua những giai đoạn khó khăn, bách hại, cấm cách; nhưng dân Chúa vẫn hiên ngang rao giảng và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Tin Mừng, vì Nước Trời. Lòng can đảm, chí trung thành đó đã cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta không phải đơn phương chiến đấu, nhưng Chúa luôn đồng hành với mỗi người như lời Ngài đã phán: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho tới tận thế. Chính tên Ngài cũng đã minh chứng điều đó, Em-ma-nu-en=Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.


Lạy Chúa, Lời Chúa đã nhắc nhở cho mỗi người chúng con ý thức về sứ mệnh Kitô hữu của mình. Xin cho chúng con biết hăng say thi hành mệnh lệnh đó trong cuộc sống hằng ngày để ánh sáng Tin Mừng được chiếu tỏa khắp nơi
.

Sr Margareta Maria Hiền

QUÊ HƯƠNG ĐÍCH THỰC
Mt 28,16-20

Bài đọc sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho biết : Chúa Giêsu lên trời trước mặt nhiều môm đệ vào ngày thứ 40 sau phục sinh, tức là lần hiện ra cuối cùng với họ, và trong khoảng thời gian 40 ngày, kể từ ngày phục sinh, Chúa Giêsu không ở liền với các môn đệ mọi giây phút, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hiện ra thôi. Như thế, những lúc không hiện ra với các môn đệ thì Chúa ở đâu ? Thực ra, vấn đề thăng thiên của Chúa có thể ghi lại những điểm chính như sau :

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã được tôn vinh nơi Chúa Cha ngay lập tức rồi. Nói cách khác, Chúa Giêsu phục sinh rồi lên trời ngay để ngự bên hữu Chúa Cha. Tuy nhiên, trong quãng thời gian 40 ngày, kể từ ngày phục sinh, Chúa đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, và vào lần cuối cùng, ngày thứ 40, Chúa hiện ra đàm đạo với các môn đệ, nhắn nhủ họ nhiều điều, rồi Ngài lên trời trước mắt họ. Từ đấy Ngài không còn hiện ra với họ như trước đó nữa cho tới ngày tận thế. Dầu sao ngày lễ Thăng Thiên hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta lưu ý đến ý nghĩa của mầu nhiệm Thăng Thiêng hơn là đến ngày giờ mầu nhiệm ấy xảy ra.


Mầu nhiệm Thăng Thiên nhắc nhở ít nhất hai điều : Thứ nhất, Chúa Giêsu về trời, nhưng ngài vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta. Là những con người tại thế, bị ảnh hưởng và chi phối bởi giác quan, chỉ quen chấp nhận những gì giác quan kiểm chứng được, nên chúng ta dễ cảm thấy rằng : ra đi là mất mát, chia lìa là đau đớn kinh khủng, là chết đi một chút. Do đấy chúng ta cũng thường nghĩ rằng : Chúa Giêsu đã về trời, thế là mọi sự hết mất rồi. Nhưng sự thật không phải thế. Chúa Giêsu Phục Sinh đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng Ngài lại vẫn còn hiện diện với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Thăng Thiên chính là một cuộc chuyển tiếp từ hiện diện hữu hình sang hiện diện thiêng liêng. Nghĩa là từ đây Chúa Giêsu phục sinh chấm dứt cách hiện diện với các môn đệ khiến cho giác quan của họ kiểm nhận được, màhiện diện một cách thiêng liêng. Dấu hiệu của sự hiện diện này là Ngài ban Thánh Thần xuống trên các tông đồ. Đúng vậy, Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta, trong chúng ta qua Chúa Thánh Thần. Đó cũng là ý nghĩa của câu Chúa khẳng định với các tông đồ : "
Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".

Điều thứ hai nhắc nhở chúng ta : Chúng ta đang sống ở trần gian, nhưng phải luôn hướng về trời. Những du khách có dịp đi du ngoạn ở miền bắc nước Tô Cách Lan, thường gặp thấy những đống đá chồng chất lên nhau. Những đống đá này hàm chứa một ý nghĩa lịch sử cho dân chúng miền đó. Đây là kỷ niệm của những người dân đã di cư đi nơi khác làm ăn. Người ta kể lại rằng : vì thiếu công ăn việc làm, dân chúng miền này phải tìm đến những nước công nghiệp như Canada, Uc hay Mỹ để tìm kế sinh nhai. Khi ra đi, họ thường nhặt một hòn đá của làng mình và đem theo cho đến khi bóng xóm làng chỉ còn là một chấm mờ ở đàng sau, họ dừng lại, đặt hòn đá xuống như một kỷ niệm yêu thương cuối cùng để lại cho quê hương của họ. Rồi hằng năm, vào dịp lễ thánh An-rê, bổn mạng nước Tô Cách Lan, người dân Tô Cách Lan trên khắp thế giới thường họp nhau lại để tưởng nhớ tới quê hương mình đã cách xa, và cũng để nhớ đến họ hàng thân thuộc còn ở lại quê nhà.


Bất cứ một người dân di cư nào cũng đã gói ghém trong hành trang của mình ít nhiều tình yêu quê hương sâu đậm. Người ta tìm ra hai nguyên nhân chính yếu đã là những động lực thúc đẩy các cuộc ra đi này, đó là một đời sống nghèo nàn, cơ cực, đói khát, với những điều kiện quá khắc khổ, không công ăn việc làm, không bảo đảm tương lai. Và một hấp lực lôi cuốn từ đàng trước, đó là một đời sống no đủ, sung túc hơn, với những hứa hẹn của một tương lai tươi sáng, bảo đảm và vững chắc hơn.


Người Kitô hữu cũng có thể được ví như những người dân di cư đó. Và cuộc ra đi của chúng ta là một cuộc hành hương về nước trời. Chúng ta cũng có một động lực thúc đẩy từ cuộc sống trần gian đầy vất vả này, và một hấp lực lôi cuốn của một quê hương hạnh phúc.


Sống ở đời này, ai ai cũng có những hy vọng. Chúng ta hy vọng về nước trời như là cái đích cuối cùng ở cuối con đường trần gian. Cuộc sống hôm nay nơi trần gian phải có một mục đích. Nếu sống hết ngày này qua ngày khác, phấn đấu lam lũ làm ăn, vất vả, cực khổ...chỉ để sống vậy thôi, chứ không biết mình sống để làm gì thì đời chúng ta thật là vô nghĩa và phi lý. Vậy chúng ta đã có mục đích sống cho đời mình chăng ? Mục đích đó là mục đích nào ? Thưa đó là nước trời. Vì vậy cuộc đời này là một cuộc hành hương về nước trời.


Ước gì từng hành động, từng suy nghĩ, từng gặp gỡ, từng hơi thở của chúng ta cũng đều là một đáp trả tích cực của chúng ta với lời mời gọi vào sự sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự khôn ngoan hướng dẫn chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước gì trong từng bước lữ hành về cõi phúc ấy, chúng ta đã có thể nếm được niềm vui và hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này.

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP.

SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO
Mt 28,16-20

Ngày 15/11/1998, linh mục Luchiano Benedicti thuộc hội Giáo Hoàng truyền giáo đã được các phiến quân Hồi giáo ở mạn nam Phi Luật Tân trả tự do sau đúng sáu mươi tám ngày bị bắt làm con tin. Trong một cuộc phỏng vấn liền sau đó, linh mục này cho báo chí biết ngài sẽ trở lại chính nơi mình đã bị bắt cóc. Ngài khẳng định rằng: " Sứ mệnh của tôi chưa hoàn tất" (Chu Văn, Truyện Tử Tế, tập 3, Làm chứng cho tình yêu, trang 15).

Khi nói đến "
Sứ mạng của tôi chưa hoàn tất", Cha Lucchiano muốn nói đến sứ mạng làm chứng cho mọi người về tình yêu của Đức Giêsu, một tình yêu dám "chết vì người mình yêu". Sứ mạng này không phải do tự ý Cha Luchiano muốn làm hay thích làm, nhưng là do chính Đức Giêsu trước khi về trời đã trao cho cha Luchiano, và không chỉ cho cha Luchiano mà còn cho từng người chúng ta, cho tôi và quý ông bà anh chị em khi Ngài phán "Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con".

1. Truyền giáo, bản chất của người Kitô hữu:


Sứ mệnh này đã được trao cho từng người chúng ta vào ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa. Nhờ phép rửa, mỗi người chúng ta trở thành một chi thể trong Nhiệm Thể có Chúa Kitô là Đầu như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai "
Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm Đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài". Vì là chi thể, mỗi người chúng ta có nhiệm vụ đóng góp phần của mình để làm cho cả thân thể ngày càng lớn lên và được sung mãn, nghĩa là làm cho Nước Chúa ngày càng được mở rộng, hay nói một cách khác, mỗi người chúng ta đều có nhiệm vụ truyền giáo. Truyền giáo là một bổn phận đòi buộc của mọi tín hữu, của những người tin vào Đức Kitô, Đấng đã chết và phục sinh để cứu độ chúng ta. Vì thế, Công đồng Vatican II trong Sắc lệnh về truyền giáo số 2 viết: "Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo". Khi nói tự bản tính, Công đồng muốn nhấn mạnh với từng người chúng ta rằng, nếu không truyền giáo, thì không còn là Giáo Hội, mà Giáo Hội là do từng người chúng ta, do quý ông bà anh chị em và tôi làm nên. Do đó, nếu chúng ta không truyền giáo, thì chúng ta không còn lý do tồn tại, không phải là một Kitô hữu đúng nghĩa nữa.

Chính vì muốn nhấn mạnh đến sứ mạng truyền giáo này của Giáo Hội, mà sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu đã hẹn gặp các Tông đồ, không phải tại Giêrusalem, thủ đô và là thành thánh của người Do Thái, nhưng trên một ngọn núi tại xứ Galilê, một miền đất vẫn được coi là biểu trưng của dân ngoại (x. Mt 4, 12-23). Nếu như trước đây, Ngài đã sai các môn đệ chỉ đi rao giảng cho những chiên lạc nhà Israel (x. Mt 10, 5-6), thì giờ đây, sau khi Phục Sinh, cũng từ nơi miền đất Galilê ấy, và cũng từ chính Đức Giêsu, và cũng một lệnh lên đường ấy, nhưng được mở rộng hơn, không còn giới hạn: "
Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất".

Lệnh truyền giáo được mở rộng vì giờ đây Đức Giêsu ấy sau khi từ cõi chết sống lại, đã được Thiên Chúa "
đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa đã khiến mọi sự quy phục Người". Vâng, chính với quyền năng ấy mà Ngài sai các môn đệ và từng người chúng ta lên đường đến với muôn dân.

Như thế, đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe, nhìn bên ngoài là một đoạn kết thúc, nhưng thực ra, nó chưa kết thúc, nhưng là một đoạn khởi đầu. Khởi đầu một giai đoạn mới trong đời sống Giáo Hội, giai đoạn sống và loan truyền niềm tin vào Đấng Phục Sinh. Và cũng trong tinh thần đó, Giáo Hội đã chọn ngày lễ Thăng Thiên hôm nay làm ngày "Truyền Thông Thế Giới". Chúng ta cần thông truyền cho cả thế giới và từng người trong thế giới hôm nay biết về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại và tất cả những ai tin nơi Ngài sẽ nhận được sự sống đời đời.


2. Việc truyền giáo trong thế giới hôm nay:


Khi nói đến truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đến công việc của các nhà Thừa Sai, của các linh mục, tu sĩ, của những người ra đi đến những miền đất xa xôi nào đó, để rao giảng Tin mừng. Và như thế, vô tình, chúng ta đã tách bổn phận truyền giáo ra khỏi đời sống hàng ngày của chúng ta.


Suy nghĩ như thế là chưa đủ. Truyền giáo, trước hết, là bổn phận của từng người chúng ta và đối tượng của việc truyền giáo vừa là những người chưa tin, nhưng cũng lại là chính chúng ta.


Truyền giáo là làm cho mọi người trở thành môn đệ của Đức Kitô, làm cho Tin mừng của Đức Kitô thấm nhập vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Như thế, việc truyền giáo không chỉ là nói về Thiên Chúa, về Đức Kitô, nhưng quan trọng hơn, đó là dẫn đưa mọi người về với Đức Kitô bằng chính đời sống chứng tá của từng người chúng ta. Đó là điều mà chính Đấng Phục Sinh trước khi về Trời đã căn dặn các tông đồ và cũng là với tôi và quý ông bà anh chị em: "
Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy".

Tuy nhiên, để có thể làm chứng cho Đức Kitô, và làm cho mọi người trở thành môn đệ của Ngài, tôi thiết nghĩ, từng người chúng ta, tôi và quý ông bà anh chị em cần có những cảm nghiệm riêng tư của mình về Đức Kitô, cần nhận ra được tình yêu của Đức Kitô đang bao phủ cuộc đời mình, cần có một xác tín về sự quan phòng của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta cần có một cảm nghiệm về sự bình an và niềm vui của một người đang có Chúa ở cùng. Có được như thế, chúng ta mới có thể chia sẻ kinh nghiệm này với các người khác, và dạy họ tuân giữ các giới luật của Đức Giêsu, mà thực ra chỉ tóm gọn lại trong một giới luật là tình yêu. Khi nói về việc rao giảng Tin mừng trong thế giới hôm nay, thì chúng ta không thể không nhắc đến Đức Cố Giáo Hoàng Gioan - Phaolô II. Với một đức tin chân thật và một cuộc sống luôn gắn bó với Chúa trong lời cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã không ngần ngại khi phải lên tiếng xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ, nhưng cũng thật kiên quyết khi phải lên tiếng để bảo vệ các chân lý của Thiên Chúa. Ngay khi nghe tin Đức Thánh Cha vừa qua đời, Thủ Tướng nước Anh, Tony Blair đã phát biểu: "
Ngay cả nếu bạn không phải Công Giáo, hay không phải là Kitô hữu, thậm chí không có chút niềm tin nào, điều mà người ta có thể thấy nơi Đức Giáo Hoàng Gioan - Phaolô II là một đức tin chân thật và sâu sắc về tinh thần, một tấm gương sáng chói cho thấy đức tin là gì".

Như thế, để việc truyền giáo trong thế giới hôm nay thực sự trở nên sống động và hiệu quả, thì lời rao giảng của chuùng ta cần phải đi đôi với chính đời sống chứng nhân của chúng ta. Thí dụ, cùng sống trong cùng một khu xóm, nhưng nếu mọi người thấy quý ông không nhậu nhẹt say sưa, không cờ bạc, không la vợ, đánh con, nhưng biết chăm sóc gia đình chu đáo, đồng thời còn dành thời giờ để đến thăm nom, an ủi, giúp đỡ, chia sẻ với những người già yếu bệnh tật, cô đơn; hay thấy quý bà không ngồi lê đôi mách, nói hành nói xấu, nhưng biết lo lắng tần tảo, yêu thương chồng con, vui vẻ với làng xóm; hay thấy các bạn trẻ trong giáo xứ sống lành mạnh, biết kính trên nhường dưới, không đua đòi, không ăn nói tục tằn, nhưng chăm chỉ học hành, sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ, nhiệt thành với công việc chung ... thì hẳn những người xung quanh phải đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta sống được như vậy ở giữa đời? Và khi đi tìm câu trả lời, họ sẽ tìm đến được với Đức Kitô, Đấng đã dạy chúng ta sống như vậy, thì đó quả là một lời rao giảng hiệu nghiệm nhất, và từng người chúng ta sẽ là những nhà truyền giáo đúng nghĩa nhất.


Ngày nay, Đức Giêsu vẫn là Đấng Emmanuel, Ngài vẫn đang hiện diện và ở giữa nhân loại, nhất là trong bí tích Thánh Thể. Chớ gì nhờ việc hiệp lễ, mỗi người chúng ta thực sự cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta, để đến lượt chúng ta sống và làm cho những người chưa tin Chúa, nhận ra và tin theo Ngài. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

ĐIỂM HẸN GALILÊ
Mt 28,16-20

Cảnh cuối cùng của Tin mừng Mathêu cho thấy các môn đệ đã đi Galilê như lệnh của Thiên Thần (Mt.28,7) và lệnh của Đức Giêsu truyền qua mấy phụ nữ (c.20) và Đức Giêsu hiện ra với các ông không phải là trình thuật Phục Sinh mà có một vai trò khác, đó là dẫn chúng ta sang " thời gian của Hội Thánh", Đấng được tôn vinh - Đấng quyền uy trên toàn thế giới, sai môn đệ đi với những lời căn dặn rõ ràng và hứa ở với họ ở với họ cho đến tận thế.

Điểm hẹn gặp lần cuối, giữa Chúa Giêsu và các tông đồ không phải ở Giêrusalem như Luca, nhưng là ở Galilê. Mathêu muốn khẳng định rằng : Dân Do Thái bất trung, không tiếp nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến, nên Tin Mừng được rao giảng cho dân ngoại mà Galilê là biểu tượng.


Đức Giêsu khải hoàn, Đức Giêsu sống lại vẫn là Đức Giêsu của Galilê, một Con Người qua hai giai đoạn : rao giảng và được tôn vinh. Chúng ta cũng thế, cuộc đời trần thế và cuộc đời vinh quang mai sau. Thế nhưng cuộc đời chúng ta cái gì nối kết hai quãng đời ấy? - Đó là Tình Yêu. Khi vào vương quốc của Thiền Chúa rồi, chúng ta vẫn tiếp tục điều mà chúng ta đã thực tập dưới thế, đó là yêu thương. Vậy hãy đặt niềm hi vọng nơi Đức Kitô Thăng Thiên rằng : Chúng ta sẽ được cùng ngự trị với Ngài nếu chúng ta biết bước theo Ngài khắp nơi Ngài đã đi qua.


Khi đến Galilê Chúa Giêsu đến gặp các tông đồ như đã hẹn và Ngài cũng không ngừng đến với chúng ta, gặp gỡ chúng ta qua các nẻo đường đời của chúng ta. Nếu Ngài phải quay về trời, thân xác xa cách chúng ta, nhưng chính là để từ nay ở gần chúng ta hơn và hiện diện với chúng ta trong mọi lúc. Phần chúng ta phải sống với Ngài mật thiết, vì Ngài biết chúng ta rất rõ, rõ hơn chúng ta biết mình. Ngài thấu suốt nỗi lòng thầm kín của chúng ta, Ngài hiểu rõ nỗi khao khát ước vọng của chúng ta và mong chúng ta. Chúng ta hãy phó thác trọn vẹn cho Ngài rồi hãy thực hiện điều Ngài chờ đợi nơi chúng ta là làm sứ giả rao giảng Tin mừng cho mọi người bằng chính cuộc đời của chúng ta.


Khi các môn đệ tới gặp Chúa Giêsu, các ông " phục lạy Ngài". Sự kiện phục lạy chỉ được dùng cho những ai đã nhận biết phẩm vị của Đức Giêsu và nhìn nhận phẩm vị này qua cử chỉ đó, như các đạo sĩ trong câu chuyện thời thơ ấu của Chúa Giêsu ( Mt.2,8-11), người phong cùi được sạch ( Mt.6,8), các môn đệ trên thuyền (Mt.14,33) và người đàn bà xứ Canaan ( Mt.15,25). Lòng tôn kính của các môn đệ quả có tính cách sùng bái tôn giáo và phụng vụ. Nó diễn tả trước những gì sẽ được phát biểu trong lời tuyên bố về quyền năng của Đức Giêsu ở câu 18b.


Ngài đã toàn thắng sự chết, và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng tham dự vào sự chiến thắng ấy. Trận chiến quyết định đã xong rồi, chỉ còn những trận lẻ tẻ trong từng tâm hồn và cuộc sống của mỗi người. Chúng ta đã thành kẻ chiến thắng khi liên kết với Đức Kitô. Vậy đừng để bại trận nhục nhã ê chề nữa khi cố tình phạm tội.


Trước khi từ biệt các môn đệ để về trời, Chúa Giêsu nhắn nhủ các ông phải làm cho muôn dân đi vào mối tương quan với Chúa Giêsu, gắn bó mật thiết với Ngài như các ông đã từng có những tương quan ấy. Các ông phải rao giảng về Đức Kitô cho những người chưa biết để họ tin vào Ngài. Đồng thời phải dậy dỗ, giáo huấn cho những người đã tin.


Làm công việc này các ông không phải làm một mình mà " Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế". Ở với các ông không có nghĩa là sự hiện diện bằng xương bằng thịt, mà Chúa Giêsu thay đổi cách hiện diện, nghĩa là sau khi Phục Sinh thân xác Ngài không còn lệ thuộc không gian và thời gian. Ngài vẫn đang sống, đang tác động một cách có ý thức trên chúng ta, chúng ta cảm thấy sức mạnh Ngài, chính Ngài hoạt động trong chúng ta, trong thế giới. Chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài hay không ?


Vì thế, lời hứa của Chúa Giêsu qủa là bảo đảm cho chiến thắng của chúng ta, Chúa ở với chúng ta trong những giờ phút khó khăn thử thách. Ngài sẽ là sức mạnh nâng đỡ chúng ta và Chúa đã phù trì thì ai thắng nổi ? Sự xác tín ấy phải là nguồn vui cho cuộc đời ta.


Lạy Chúa Giêsu, Chúa lên trời là dấu chứng chắc chắn của niềm hi vọng, nhà chúng con ở trên trời. Chúa đi và chờ đón chúng con. Xin cho chúng con ngay trong cuộc sống hiện tạibi khao khát những sự trên trời và luôn mặc lấy Chúa Kitô vinh quang.

Mai an Linh OP. (nguồn vietcatholic.org)

1098    02-06-2011 20:43:07