Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Chúa Nhật Thăng Thiên A_4

XÂY DỰNG NƯỚC TRỜI
Mt 28, 16-20

Chúng ta vừa nghe những câu cuối cùng trong Tin mừng theo thánh Matthêu. Đây là những lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi từ giã trần gian về trời. Nên có tầm quan trọng rất lớn. Chính vì thế Chúa Giêsu triệu tập các môn đệ lên một ngọn núi cao. Trong Tin mừng, những biến cố quan trọng bao giờ cũng diễn ra trên ngọn núi cao. Chúa ký kết giao ước với dân Do thái trên núi. Chúa giảng bài giảng đầu tiên trên núi. Chúa biến hình trên núi. Chúa chịu chết trên núi. Và hôm nay Chúa trao sứ điệp cuối cùng trên núi. Sứ điệp này thật quan trọng vì cho ta hiểu được định mệnh của con người, hiểu được sự thật về Nước Trời và hướng dẫn đời sống của ta trên trần gian.

Sứ điệp đó cho thấy định mệnh con người.

Chúa Giêsu nói : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Khi bị treo trên thánh giá, không một mảnh vải che thân, ai cũng nghĩ là Chúa Giêsu đã mất tất cả. Nhưng hôm nay khi về trời, Chúa Giêsu được tất cả. Trong hoang địa, Chúa Giêsu đã từ chối cơn cám dỗ thờ lạy ma quỉ nhằm được lợi lộc trần gian. Thì nay Đức Chúa Cha đem tất cả đặt dưới chân Người. Là người đầu tiên về trời, Chúa Giêsu mở cho ta một chân trời hi vọng. Định mệnh con người không bị tàn lụi đi theo thân xác ở trần gian, nhưng triển nở đến vô tận trên Nước Trời. Định mệnh con người không chìm trong nhục nhằn thống khổ, nhưng sẽ trổi vượt trong vinh quang trên Nước Trời. Định mệnh con người không phải chịu giam cầm trong số phận xác đất vật hèn ngang hàng với cỏ cây súc vật, nhưng sẽ được nâng lên ngang hàng với các bậc thần thánh trên Nước Trời.

Sứ điệp đó cho thấy sự thật về Nước Trời.

Chúa Giêsu nói : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Theo quan niệm dân gian ta thường phân chia trời với đất. Trời cách xa đất ngàn trùng. Đất chẳng bao giờ với được tới trời. Trời chẳng bao giờ có thể cúi xuống tới đất. Nhưng với lời Chúa Giêsu hôm nay, ta thấy trời đất không cách xa nhau. Chúa Giêsu về trời nhưng vẫn ở bên cạnh ta mọi ngày mọi giờ cho đến tận thế. Chúa Giêsu không nói Chúa sẽ lên trời, nhưng Chúa thường nói Người sẽ về với Chúa Cha. Nước Trời chính là sự sống trong Chúa Cha, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Nước Trời chính là sự sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Nước Trời là được hưởng hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa. Như thế Nước Trời là một trạng thái chứ không phải một nơi chốn. Ai sống trong tình yêu Thiên Chúa thì đã ở trong Nước Trời rồi.

Sứ điệp đó cho thấy sứ mạng của người môn đệ.

Chính vì không cách biệt mà trời và đất không đối lập nhau. Trời không tách rời đất. Đất không đối lập với trời. Nước Trời phải được xây dựng ngay từ bây giờ, trên mặt đất. Trái đất Chúa ban cho để ta xây dựng thành Nước Trời. Đó là sứ mạng của người môn đệ. Đó là tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu. Xây dựng bằng cách nào. Thưa bằng “dậy cho họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em”. Những điều Chúa Giêsu dậy đã được tóm tắt trong điều răn mới : “Thầy truyền cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Điều răn mới này thay thế mọi điều răn cũ. Như thế sứ mạng của người môn đệ Chúa là sống yêu thương, là làm cho mọi người sống yêu thương. Khi mọi người biết yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta, Nước Trời đã hiện diện.

Hôm nay mừng lễ Chúa Giêsu về trời, ta hiểu rằng định mệnh của chúng ta thật cao quí vì không kết thúc ở trần gian mà còn tiếp tục trên Nước Trời. Ta hiểu rằng Trời và Đất không cách xa đối lập nhau, nhưng Nước Trời phải được xây dựng ngay từ bây giờ trên mặt đất và Trái Đất Chúa ban cho để ta xây dựng thành Nước Trời. Ta hiểu rằng sứ mạng của ta phải nối tiếp sứ mạng của Chúa Giêsu, sống yêu thương và làm cho mọi người sống trong yêu thương. Khi ta hoàn thành sứ mạng như Chúa Giêsu ta sẽ được chung phần hạnh phúc với Chúa.

Lạy Chúa xin nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời. Amen.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

HÃY ĐI
Mt 28,16-20

Trước khi lên trời, Chúa Giêsu dặn các tông đồ ba điều: (1) đón nhận Chúa Thánh Thần; (2) đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng hay làm chứng về Chúa; (3) có Chúa ở với các ngài mọi ngày cho đến tận thế.

Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết trước khi Chúa lên trời, các tông đồ hỏi Chúa: “Có phải Thầy sắp khôi phục nước Israel không?” Còn sau khi Chúa được cất lên trên các đám mây, các ngài lại “đứng nhìn trời”. Đó là hai thái độ phần nào đối nghịch, nhưng cả hai không phải là điều Chúa Giêsu chờ mong nơi các môn đệ. “Khôi phục nước Israel” là những mơ ước rất bình thường của mọi người, phần nào như “vợ đẹp con khôn”, “nhà lầu xe hơi”… Trái lại, “đứng nhìn trời” lại là thái độ “trần thế lòng con chê chán rồi”, như lời một bài hát: chỉ nhớ đến Chúa thôi, còn việc đời thì “mũ ni che tai”. Sau khi Chúa Thánh Thần đến, các tông đồ đã hiểu và thực hiện điều Chúa Giêsu dạy. Hội Thánh nói chung và mỗi tín hữu, cả giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân, đôi khi phải xét mình xem có nhớ và thực hiện lời Chúa Giêsu dạy trước khi lên trời không, hay vẫn “chưa hiểu” như các tông đồ trước đó. Có một đoàn người leo lên một ngọn núi cao. Đường đi khá xa và khó. Ai cũng mệt nhọc. Lưng chừng núi có một quán nước. Ông chủ quán chào mời: “Chẳng biết trên ấy có gì không! Mệt nhọc để làm gì mất công? Dừng lại đây uống nước thôi! Nhiều người cũng làm thế mà!” Một người sau khi suy nghĩ đã trả lời: “Thú thật là chân tôi đã mỏi mệt nên rất muốn dừng lại, nhưng tim tôi đã ở trên núi rồi, nên không dừng lại được.”

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trái tim của Chúa, để ngay cả khi đôi chân con rã rời như chính đôi chân của Chúa, chúng con vẫn tiến bước với Chúa giữa bao khó khăn của cuộc sống, đồng thời giúp cả nhân loại cùng tiến bước với Chúa.

Lm Cosma Hoàng Văn Đạt SJ

ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI
Mt 28,16-20

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Lên Trời
Vừa xong giờ kinh gia đình tối thứ tư, với chuỗi hạt mân côi Năm Sự Mừng, Cu Út lớp 3, hỏi Mẹ:
-“Mẹ ơi, “ái mộ những sự trên trời” là gì thế, Mẹ”.
Mẹ vui mừng trả lời con:
- “ Ái là Yêu, Mộ là mến… là yêu mến những sự trên trời đấy con à”
-“Những sự trên trời là sự gì?”
Mẹ của Cu Út lớ ngớ, không biết phải trả lời con thế nào. Mẹ nhớ ra: “Thứ hai thì gẩm: Đức Chúa Giêsu Lên Trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Mẹ nói:
-“Những sự trên trời là những thứ mà Chúa Giêsu Lên Trời chuẩn bị cho mình đó con à.
-“Chúa Lên Trời là lên làm sao? Chuẩn bị cho mình thứ gì?”
-“Là Chúa Giêsu về với Chúa Cha, chuẩn bị cho mình về với Chúa Cha…”
Cu Út không bằng lòng:
-“Con không hiểu gì cả. Về với Chúa Cha? Về đâu”
………..
Một em bé không cố ý làm bài kiểm tra giáo lý mẹ mình, nhưng quả thật, để trả lời cho bé hiểu về việc Chúa Giêsu Lên Trời và chuẩn bị cho chúng ta về với Chúa Cha thì không dễ dàng chút nào. Mẹ có thể hiểu được cả một cuộc đời mầu nhiệm của Chúa Giêsu với niềm tin và sự trải nghiệm trong hành trình đức tin của mình, nhưng để giải thích cho một tâm hồn non nớt thì không biết phải đi từ đâu…

Những sự ở trên trời, chỉ có người ở trên trời mới biết. Chúa Giêsu, người ở trên trời, xuống thế làm người, rao giảng cho con người trần gian biết có một cuộc sống mới, có một cuộc sống thiêng thánh, cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu… cuộc sống ấy ở trong Nước Trời, Nước Thiên Chúa. Để có thể tin được rằng: có một cuộc sống khác với cuộc sống trần gian nầy, và để có thể biết được chuyện ở trên trời, thì chỉ có con người khiêm cung chấp nhận và vâng phục mạc khải từ trời, rồi sống mạc khải ấy mới thấu hiểu được.

Chúa Lên Trời, Chúa Thăng Thiên là cách nói diễn tả hình ảnh không gian mà các Tông đồ chứng kiến “ Người được cất lên Ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galile, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,9-11). Thực ra, phải nói là Chúa Giêsu về với Chúa Cha, về với cuộc sống, với thế giới, nơi Ngài đã xuất phát để đi làm nhiệm vụ cứu thế… Việc “về với Cha”, Chúa Giêsu đã nói trước tới biến cố nầy với bà Maria Madalena sau khi sống lại: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Như vậy các biến cố tử nạn, Phục sinh và về cùng Chúa Cha đã nằm trong hoạch định ngàn đời của Thiên Chúa, trong đó, Lên Trời hay lên cùng Cha là đích điểm của Mầu Nhiệm Vượt Qua: Qua tử nạn, đến Phục sinh; qua Phục sinh ở trần gian, đến việc “Về Với Thiên Chúa Cha” trong đời sống Thiên Chúa vĩnh cữu. Và không chỉ về với Cha, mà còn tham dự vào quyền năng, uy quyền của Thiên Chúa Cha trong Nước Ngài. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Ephêsô còn xác quyết uy quyền của Chúa Giêsu là vương quyền, là Vua Vũ Trụ: “Đến thời viên mãn, Thiên Chúa qui tụ mọi loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ga 1,10), và là Vua Lịch Sử Cứu độ: “Thiên Chúa đặt tất cả mọi sự dưới chân Đức Kitô và đặt người làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Ga 1,22).

Như thế, giải thích của người Mẹ trên đây với cậu con trai út chắc là không sai lạc giáo lý: Lên trời là về cùng Chúa Cha và ái mộ những sự ở trên trời, chính là yêu mến, khát khao cho chính mình cũng được về với Thiên Cha trong vương quốc Chúa Giêsu. Để hiểu cho thấu mầu nhiệm vượt qua nơi Chúa Giêsu, và giải thích được như thế, chắc chắn người Mẹ nầy cũng đã kết hiệp với Chúa Giêsu cách chí thiết để sống mầu nhiệm vượt qua của chính mình: Được Thiên Chúa sinh ra trong đời, vượt qua sự ràng buộc, sự nô lệ của tội lỗi nhờ ơn tái sinh nơi giếng nước rửa tội; vượt qua những rào cản là những hấp dẫn của “những sự dưới đất”đồng thời chấp nhận mất mát là tử nạn với Đức Kitô; vượt qua cuộc tử nạn hằng ngày để phục sinh tại thế nhờ cuộc sống siêu thoát và kết hiệp; và cuối cùng, chờ ngày vượt qua đời tạm nầy mà lên trời, mà về cùng Thiên Chúa Cha trong cuộc sống vĩnh cửu.

Thực tế là một thách đố to lớn đối với đời sống vượt qua của Kitô hữu công giáo, ở mọi thời, nhất là thời nầy, khi giá trị các sự ở dưới đất nầy đang nổi loạn đòi chiếm ưu thế trong đời sống các gia đình: tiện nghi vật chất thẩm định giá trị nhân bản nên phải đua đòi cho bằng chị, bằng em; người người khôn ra đang thụ hưởng những hiệu quả của một nền văn minh mà không cần nghĩ đến hậu quả thì ta dại gì mà phải khép mình trong lời mời gọi của Tin Mừng! Buổi sáng thật tĩnh lặng, may ra nếu có, thì cũng chỉ mấy phút trong giờ kinh nguyện ngắn ngủi, sau đó là chuyện cơm áo gạo tiền làm cho cả ngày đời phải loay xoay toàn chuyện dưới đất. Thiết nghĩ, Chúa Giêsu biết rõ cái căn tính phàm phu tục tử trong mỗi con người, nên Ngài đã bàn giao công cuộc cứu thế vĩ đại của Ngài cho Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ. Tưởng là Chúa Thánh Thần không nói gì, làm gì, nhưng Ngài đang nói tất cả, kể cả đối với những người đang cố quên sự hiện diện của Ngài; Ngài đang làm tất cả, kể cả đối với những người tránh né sự hướng dẫn, chỉ đạo, hay sự can thiệp tài tình của Ngài. Ngài soi sáng cho chúng ta việc “phải làm”. Ngài không soi sáng cho chúng ta việc “thích làm”. Cho dù có đôi khi ta vẫn đọc kinh “cúi xin Chúa sáng soi” trước những công việc ta thích làm cho danh ta cả sáng, hoặc cho “những sự dưới đất” được thành công, thì Chúa Thánh thần khôn ngoan vẫn dẫn dắt chúng ta nhận ra khuôn mặt thật của sự dối trá trong lòng mình. Nhờ Ngài, mà thực tế thách đố kia không còn đáng lo ngại nữa, và đời sống tín hữu thật sự cảm nghiệm được ơn Ngài tác động-sáng soi hướng dẫn đời mình hướng về “những sự trên trời”, “ái mộ những sự trên trời”, chắc ăn hơn.

Và chỉ khi nào thực sự “ái mộ những sự ở trên trời”, thì có thể nói, chúng ta mới thực hiện nỗi lời di chúc của Chúa Giêsu : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,18-20)

Đây không phải là lời di chúc để thừa hưởng một quyền bính, nhưng là một chuyển giao đặc nhiệm quan trọng trong chương trình của Thiên Chúa Cha: qui tụ mọi loài dưới quyền thủ lảnh của Chúa Giêsu Kitô, để mọi loài chung hưởng Tình Yêu vô biên và ơn cứu chuộc vĩ đại hơn tội lỗi con người. Nhiệm vụ đặc biệt ấy không chỉ trao ban cho các tông đồ, mà còn cho tất cả chúng ta hôm nay: Giới thiệu Chúa Giêsu Kitô cho mọi người để họ đón nhận chính Ngài qua bí tích rửa tội và dạy họ tuân giữ mọi điều răn của Ngài để được về với nguồn cội yêu thương và hạnh phúc vĩnh cửu là Thiên Chúa. “Dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” đồng nghĩa với việc anh em tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền để họ thấy mà ngợi khen Cha ở trên trời, vì gương sáng là lời giảng dạy tốt nhất. Thực vậy, thời đại nầy người ta không tin người rao giảng, người ta có thể tin người sống lời rao giảng của mình. Vì thế, đòi hỏi tinh thần thoát tục và gương sống “ái mộ những sự trên trời” đối với những chứng nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và không nên trách cứ ai, nếu họ dựa vào tiêu chuẩn “dính bén với các sự dưới đất” mà đánh giá cao thấp giá trị của người tông đồ Chúa hôm nay. Có thể nói việc “dính bén với các sự dưới đất” của một chứng nhân gây nên việc phản tác dụng truyền giáo cách nguy hiểm, vì không những làm cho người ta không tin vào cuộc sống mới trong Nước Thiên Chúa, mà còn là cái cớ để người ta tin vào cuộc sống hiện tại này hạnh phúc hơn: cứ lao mình vào những chuyện dưới đất, như người rao giảng chuyện trên trời đã lao. Ôi thật nguy hiểm và thiệt hại cho công cuộc của Chúa Giêsu nếu chúng ta không sống tinh thần của Ngài trước khi loan báo Ngài cho mọi người.

Mừng Chúa Giêsu Lên Trời, một cơ hội cho mỗi tín hữu tự kiểm lại lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, tự kiểm lại lòng khát khao với cuộc sống vĩnh cửu đời sau, tự kiểm lại mức độ dính bén với các sự dưới đất, và nhất là tự kiểm lại hiệu quả làm chứng cho Chúa Giêsu, cho Nước Thiên Chúa của mình trong cuộc đời.

Mẹ Maria chắc chắn là mẫu gương “ái mộ những sự trên trời” hơn cả và loài người chúng con. Mẹ cũng là mẫu gương “chứng nhân Chúa Kitô” thật sống động vì lòng Mẹ luôn hướng về Nước của Thiên Chúa. Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con sống mầu nhiệm vượt qua của đời mình, nhờ kết hiệp với cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, noi gương Mẹ chí thánh -cho chúng con xứng đáng hưởng hạnh phúc trong Vương Quốc của Chúa Giêsu, con chí ái của Mẹ- cho cuộc sống chúng con thực sự trở nên lời rao giảng Thiên Chúa cho mọi người. A men.

Pm. Cao Huy Hoàng

HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN THÀNH MÔN ĐỆ
Mt 28,16-20

Trước khi về trời Chúa đã truyền cho các môn đệ: "Hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ" (Mt 28:19). Mệnh lệnh này của Chúa Giêsu trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong xã hội ngày nay, bởi vì lúc này người ta biết đến Chúa Giêsu rất nhiều, nhưng theo Chúa thì ít. Mà trong số những người theo Chúa thì cũng có nhiều người chẳng thật sự là môn đệ Chúa. Có những người theo Chúa bề ngoài, nhưng trong lòng lại tôn thờ cái tôi, tiền tài, danh vọng và cả cái bụng của mình. Vậy tôi phải làm gì để thật sự trở thành môn đệ Chúa và có thể giúp những người chung quanh tôi trở thành môn đệ Chúa như Người đã truyền cho tôi trong bài Tin Mừng hôm nay?

1. Trước hết tôi phải là một môn đệ đích thực của Chúa

Thật khó mà làm cho người khác thành môn đệ của Chúa nếu tôi không thật sự biết Chúa, yêu mến Chúa và đi theo đường của Chúa như một người môn đệ đích thực. Làm một môn đệ thật khác với làm một học trò. Người học trò chỉ cần học những gì thầy dạy để theo đuổi mục đích riêng của mình. Người môn đệ phải đi theo thầy từng giây phút trong đời mình và phải theo đuổi cùng một mục đích như thầy mình. Muốn làm môn đệ Đức Kitô thì tôi phải học để mỗi ngày một nên giống Chúa hơn bằng cách thay đổi cách sống của mình cho rập khuôn với cách sống của Đức Kitô. Tôi phải hy sinh cho những người tôi phục vụ như Đức Kitô đã hy sinh cho tôi, và nếu cần thì phải sẵn sàng chết như Đức Kitô để họ được sống. Người môn đệ chân chính phải hoàn toàn quên mình để chỉ làm theo Thánh Ý Chúa; phải bỏ ỳ riêng mình để chỉ nói cho người khác những gì Chúa muốn mình nói; phải hoàn toàn để Chúa dùng mình như một dụng cụ trong tay Người; phải bằng lòng mất tất cả để được Đức Kitô làm gia nghiệp.

2. Muốn thành môn đệ tôi cần phải cố gắng rất nhiều

Ở thời đại mà trào lưu xã hội đi cùng chiều với Tin Mừng thì làm môn đệ Chúa rất dễ. Nhưng ở thời đại "lội ngược dòng" như thời đại của tôi, làm môn đệ Chúa thật quá khó khăn. Trong lúc người ta đang tìm cách tiến thân, thì tôi phải cố gắng tự hạ. Trong lúc người ta tìm danh vọng thì tôi phải quên mình. Trong lúc người ta tìm cách trả đũa nhau, thì tôi phải nhịn nhục, tha thứ. Trong lúc người ta làm mọi cách để có tiền, thì tôi phải biết chia sẻ những gì tôi có với tha nhân.... Nhưng vì tôi không muốn người khác nghĩ là tôi lập dị, nên đôi khi tôi cũng phải làm giống họ, hay ít ra nói vuốt đuôi họ, để họ khỏi tẩy chay tôi. Vì thế có những đấng bậc không dám nói thẳng vì sợ mất lòng giáo dân. Có những người có trách nhiệm giáo huấn mập mờ về vấn đề luân lý, vì không biết, hay vì sợ... mất lòng người thụ huấn.... Nếu tôi làm như thế thí tôi chưa thật sự là môn đệ Chúa. Mà chưa là môn đệ thật của Chúa thì làm sao tôi có thể làm cho muôn dân thành môn đệ?

Một khó khăn mà tôi gặp là tôi cũng bận rộn với sinh kế như trăm triệu tín hữu giáo dân khác. Tôi cũng có một gia đình để nuôi. Tôi cũng có một bầy con để dạy dỗ. Làm sao tôi có thì giờ để theo Chúa? Là một tín hữu, tôi không làm việc toàn phần cho Chúa như các Linh Mục hay Tu Sĩ. Làm sao tôi có thể chu toàn cả bổn phận trần thế lẫn bổn phận truyền giáo của tôi? Muốn biết về Chúa thì tôi phải có giờ học về Chúa. Muốn làm giống Chúa thì tôi phải có giờ tìm hiểu xem Chúa đã làm gì. Muốn nên giống Chúa thì tôi phải có giờ cầu nguyện và linh thao. Mà là giáo dân, tôi phải làm việc ở sở quần quật suốt ngày, còn phải đi công tác xa xôi, lái xe, cắt cỏ, mua sắm, nấu nướng, dạy con cái học hành và giải trí, thì tôi làm sao có giờ để học hỏi làm môn đệ Chúa?

Khi nhìn lại các môn đệ đầu tiên của Chúa, tôi thấy các ngài cũng có gia đình như tôi, cũng phải lo sinh kế như tôi. Thực ra hoàn cảnh của các ngài đôi khi còn khó khăn gấp bội hoàn cảnh của tôi. Ngay cả Thánh Phaolô, là tông đồ dân ngoại, dù độc thân, cũng phải làm nghề may lều để sinh sống trong lúc truyền giáo. Nếu Chúa cho tôi đủ mọi dễ dãi để làm môn đệ Chúa thì Người đã chẳng cần đến tôi. Chúa muốn tôi sống và theo Chúa trong hoàn cảnh thường nhật của tôi. Tuy khó khăn đấy, nhưng với ơn Chúa và một lòng tín thác vào Chúa, chắc chắn tôi sẽ làm được, vì Chúa đã bảo tôi rẳng nếu tôi có Đức Tin thì mọi sự đều có thể được (x. Mk 9:23).

3. Rao giảng không những bằng lời nói mà còn bằng việc làm.

Cha ông tôi có một câu nói rất hay: "Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo!"

Chúa muốn tôi hoàn toàn theo Chúa trong khi phải đương đầu với những khó khăn trong đời sống thường nhật để khám phá ra những phương thế theo Chúa hữu hiệu mà người khác có thể bắt chước tôi mà theo Chúa.

Thánh Phaolô đã không kêu gọi các tín hữu làm môn đệ Đức Kitô, nhưng Ngài thường xuyên nhắc nhở họ: "anh chị em hãy theo gương tôi như tôi theo gương Đức Kitô" (x. 1 Cor 11:1; x. 1Cor 4:16; Phil 3:17; 1 Thes 1:6; 2 Thes 3:7; 3:9). Nói như thế có phải Ngài quá tự hào không?

Thưa không, bởi vì người ta không thể theo gương Chúa vì không thấy Chúa, nhưng người ta dễ dàng theo gương các linh mục, các tu sĩ, và nhất là các Giáo Lý viên và phụ huynh như tôi. Mặc dù tôi chưa hoàn thiện, nhưng tôi có bổn phận làm gương cho người khác trong mọi việc tôi làm. Nếu tôi cố gắng làm tất cả vì Chúa thì tôi sẽ trở nên gương sáng cho họ, đặc biệt là vợ con tôi, học trò tôi và đồng nghiệp tôi. Họ sẽ bắt chước cách tôi chiến đấu với xác thịt, với cám dỗ và những áp lực xấu xa trong đời sống. Họ sẽ học theo cách tôi đối xử với tha nhân và cách tôi sống theo Đức Kitô, để rồi họ sẽ nên giống Chúa như tôi. Nếu tôi giống Đức Kitô nhiều, thì họ cũng giống Đức Kitô nhiều. Và ngược lại... nếu tôi sống như một "Tên Phản Kitô" thì khốn nạn cho tôi và cho những kẻ theo tôi!

Lạy Chúa, Chúa đã dạy con rằng chỉ có một cách duy nhất để giúp người khác trở thành môn đệ Chúa là con phải làm một môn đệ chân chính và trung thành của Chúa. Từ đó gương sáng của con sẽ trợ lực cho những lời con nói với người khác về Chúa, và làm cho họ trở thành môn đệ của Chúa. Xin Chúa ban ơn Thánh Thần của Chúa xuống trên con để con biết quên mình đi theo Chúa trong từng giây phút của đời con, ngõ hầu làm gương cho những người Chúa dđ4 và đang trao phó cho con trên đường làm môn đệ Chúa. Amen.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

CHÚA VỀ TRỜI
Mt 28, 16-20

Lễ Chúa về trời là một trong những lễ quan trọng nhất của năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo. Đây là lý do đặc biệt để chúng ta mừng lễ này một cách trọng thể.Chúng ta có thể xem lễ này như một cuộc chuyền lửa, một cuộc tiếp sức trong cuộc chạy đua giữa các vận động viên để đem lửa châm vào ngọn lửa chính ở sân vận động suốt trong cuộc tranh tài. Đây là cuộc chuyền đức tin, một hoạt động truyền giáo để loan truyền Đức Kitô phục sinh cho những người khác.

Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài đã được tôn vinh nơi Chúa Cha. Nhưng để củng cố lòng tin còn non yếu của các môn đệ, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ. Nói cách khác, trong suốt 40 ngày sau lễ Phục Sinh, Chúa Giêsu vẫn thường xuyên hiện diện với các môn đệ để các môn đệ yên lòng và để Ngài nhắc nhở, trấn an, dạy dỗ các môn đệ trước khi Chúa sai các môn đệ đi khắp tứ phương thiên hạ để rao giảng Tin Mừng. Vâng, vào ngày thứ 40, Chúa đã về trời trước sự chứng kiến của các môn đệ và rồi Ngài không còn hiện ra với các môn đệ như trước đó nữa cho tới ngày tận cùng thế giới. Ngày Lễ Thăng Thiên, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm Thăng Thiên hơn là ngày giờ xẩy ra việc Chúa về trời.

Mầu nhiệm Chúa về trời cho chúng ta hiểu rằng Chúa về trời nhưng Ngài vẫn hiện diện một cách thiêng liêng giữa thế giới, giữa nhân loại, giữa chúng ta. Về trời nghĩa là Ngài không còn hiện diện bằng xương bằng thịt như xưa, nên mắt phàm các môn đệ và chúng ta không thể nhìn thấy Ngài. Chúa đã hứa với các môn đệ: ” Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế “. Dấu hiệu Chúa hiện diện là Ngài ban Thánh Thần xuống trên các môn đệ và đây cũng là dấu chỉ Ngài đang ở giữa chúng ta, ở trong chúng ta qua Chúa Thánh Thần. Và mầu nhiệm Chúa về trời cũng nhắc nhở chúng ta, nhắc nhở Giáo Hội rằng tuy còn đang trên cuộc hành trình đức tin nhưng mọi người hãy luôn hướng về trời, hướng về cái đích cuối cùng là Quê Trời nơi hạnh phúc vì chúng ta được gặp gỡ Chúa và sống trong Chúa.

Ngày hôm nay, trước khi khuất mặt các môn đệ để về trời, Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các Ông: ” Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế “. Lệnh truyền ấy và bài sai các môn đệ đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu Phục Sinh, đồng thời chứng kiến việc Chúa vinh thăng về trời các môn đệ không thể nào im hơi lặng tiếng. Họ đã xác quyết mạnh mẽ:” Thiên Chúa đã phục sinh Chúa Kitô mà anh em đã giết rồi treo trên cây gỗ…và tôn Ngài làm thủ lãnh và Đấng cứu độ để đem lại cho Israen ơn tha thứ và hoán cải. Về những sự việc đó, chúng tôi đây là những chứng nhân cùng với Thánh Thần mà Thiên Chúa ban cho những ai vâng phục Người “. Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để chúng ta được nên công chính “…

Làm chứng cho Chúa phục sinh, tất cả các môn đệ đều đổ máu đào tuyên xưng lòng trung thành của mình vào Đấng đã chết và sống lại. Chúng ta cũng được kêu mời làm chứng cho Chúa sống lại bằng chính cuộc sống tốt lành, gương mẫu của chúng ta. Chúng ta về trời với Chúa bằng hy sinh, kiên nhẫn và trung thành của chúng ta đối với Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

Cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa Giêsu phục sinh đã chuyền lửa, chuyền đức tin và chuyền cây gậy tượng trưng công việc truyền giáo cho các môn đệ để các môn đệ tiếp tục làm công việc ấy cho Chúa Giêsu phục sinh. Ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho Chúa sống lại bằng đức tin và bằng cách mà Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta.

Các con là muối ướp cho đời, nếu muối nhạt, thì chẳng còn cách gì mà 1158    02-06-2011 20:38:41