Sidebar

Chúa Nhật

23.03.2025

Chúa Nhật V Mùa Chay B_2

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY B
Ga 12, 20-33

Chúa nhật hôm nay được coi như là Chúa nhật cuối cùng của thời gian chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Phục Sinh. Bước qua tuần tới là chúng ta bước vào Tuần Thánh, tuần lễ quan trọng nhất đối với chúng ta là những người sống niềm tin Kitô giáo. Và để giúp mỗi người chúng ta bước vào Tuần Thánh một cách vừa sốt sắng vừa ích lợi, Phụng vụ Lời Chúa trong ngày Chúa nhật cuối cùng này sẽ cho chúng ta thấy được ý nghĩavà giá trị của cuộc khổ nạn mà mà Đức Giêsu sẽ thực hiện trước mặt mọi người.

Nơi bài đọc thứ nhất, Lời Chúa qua miệng tiên tri Giêrêmia phán rằng : "Đã tới ngày Ta ký kết giao ước mới với dân Israel. Giao ước này không giống như giao ước mà Ta đã ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta dẫn dắt chúng ra khỏi Ai cập, mà chúng đã nhiều lần phản nghịch. Giao ước mới này sẽ không còn ghi trên bia đá, nhưng là ghi vào tận đáy lòng của chúng. Cốt lõi của giao ước này chính là tình thương và sự tha thứ, nhờ đó mà mọi người từ lớn tới nhỏ đều nhận biết Ta. Và Ta, Ta sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa." Vậy thì thử hỏi rằng: Bao giờ thì Thiên Chúa sẽ thực hiện việc ký kết mà Người vừa tiên báo ? Thưa đó chính là ngày hôm nay, bằng chính cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Tác giả bức thư gửi tín hữu Do thái, nơi bài đọc thứ hai khẳng định là : "Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu chính là một biến cố đem lại ơn cứu rỗi cho tất cả mọi kẻ tùng phục Người." Còn nơi bài Phúc âm, Thánh Gioan như muốn diễn tả nỗi thao thức của Chúa Giêsu về cái chết mà Người sắp phải chịu : "Khi nào Ta được đưa lên khỏi mặt đất, Ta sẽ lôi kéo mọi người lên cùng Ta." Và để cho mọi người có thể hiểu được điều mà Người mới vừa tuyên bố, Đức Giêsu đã dùng một hình ảnh quen thuộc, hình ảnh một hạt lúa được gieo trồng xuống đất, để nói về giá trị của cuộc khổ nạn mà Người sắp phải chịu : "Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình.

Nhưng nếu nó chết đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt." Vâng! Đúng là như vậy; Nếu hạt lúa được gieo xuống mà không chấp nhận chết đi, thì nó vẫn mãi mãi là một hạt lúa khô cằn đơn độc. Trái lại, nếu nó chấp nhận chết đi, chấp nhận từ bỏ sự sống hạt lúa của nó, thì nó sẽ đem lại ích lợi cho mọi người. Bởi vì nó sẽ trở thành một cây lúa tươi tốt và trổ sinh nhiều bông hạt khác. Cho nên sự sống được từ bỏ kia không những là không mất đi cách vô ích, mà ngược lại nó sẽ tồn tại mãi mãi. Như thế thì Chúa Giêsu hoàn toàn có lý khi tuyên bố rằng : "Nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được nó cho sự sống đời đời." Hạt lúa mà Đức Giêsu muốn nói đến ở đây, không ai khác hơn là chính Người. Từ Thiên cung ngự xuống, Người đã chấp nhận chết đi nơi mình những gì "là Chúa" và "của Chúa", để trổ sinh những hoa trái của ơn cứu chuộc, đó là đem lại cho mọi người sự sống đời đời.

Quả thật, nếu nhìn lại cuộc đời của Đức Giêsu nơi các tác giả Phúc âm, chúng ta đều thấy rằng : Người chính là Thiên Chúa quyền năng từ trời xuống thế làm người, chấp nhận một kiếp sống nhạt nhẻo tầm thường tại làng quê Nagiarét. Đến lúc khởi sự công việc rao giảng Nước Trời, Người lại chọn một cách thức cũng nghèo nàn : không tiền bạc, không phương tiện, không thế lực, cũng không có đến một lời giới thiệu hay sự bảo trợ nào của những người có uy tín trong xã hội. Và rồi trong suốt ba năm giảng dạy, Người đã nếm trải qua mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi tâm trạng của một con người thấp cổ bé miệng : bị hiểu lầm chống đối, bị khước từ đánh đập và bị xử tử bằng một bản án dành cho những tội phạm nguy hiểm nhất. Và cuối cùng trên thánh giá, Đức Giêsu gục đầu như một kẻ thất bại hoàn toàn.


Thế nhưng đó chính là lúc Người chiến thắng, đó chính là lúc thế gian bị xét xử khai trừ, vì đó chính là lúc mà như Người đã báo trước : "Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến". Rồi gần với chúng ta hơn nữa là nếu hạt lúa chấp nhận bị nghiền nát để trở nên cơm bánh nuôi sống con người, thì Đức Giêsu cũng vậy, Người chấp nhận bị chôn vùi, bị nghiền nát trong cuộc khổ nạn, để trở thành tấm bánh trên bàn thờ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta. Như thế, hạt lúa mà Đức Chúa Cha gieo vào trần thế này đã chết; Đức Giêsu đã chết.


Thế nhưng cái chết đó không phải là vĩnh viễn, mà cái chết đó đã được phục sinh và tồn tại mãi mãi để đem lại sự sống vĩnh cữu cho con người. Ngày hôm nay chúng ta sống trong một bối cảnh hoàn toàn khác với những người Do thái thời xưa. Chúa đã chết rồi và Chúa cũng đã phục sinh rồi. Chúng ta đã biết; chúng ta đã tin điều đó, và chính vì đã tin điều đó mà bây giờ chúng ta mới có mặt trong ngôi nhà thờ này. Vậy thì xin hỏi rằng : Việc tìm hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có còn cần thiết nữa không ? Thưa cần ! ngày hôm nay Giáo hội cho chúng ta đọc lại câu chuyện này, trước khi mừng kỷ niệm cuộc khổ nạn của Chúa, chính là để nhắc cho chúng ta nhớ lại căn nguyên, nguồn gốc ơn cứu rỗi của mình.

Đồng thời cũng là để cho chúng ta nhìn vào đó mà suy nghĩ, chọn lựa một nếp sống mang lại ích lợi cho phần rỗi linh hồn của mình và cho những người chung quanh. Hạt lúa mà không chấp nhận chết đi cuộc sống riêng tư của nó, thì nó sẽ nên trơ trọi lẽ loi. Đời sống gia đình mà không chấp nhận chôn vùi những ý riêng, những sở thích cá nhân, thì những thành viên sống trong đó vẫn mãi mãi là mhững hòn đá nằm cạnh nhau mà thôi. Đời sống đức tin mà không chấp nhận nghiền nát những cái gọi là tính toán, hẹp hòi, ích kỷ, thì cuộc sống sẽ đơn điệu nhàm chán, và dần dần việc sống đạo sẽ trở một gánh nặng cho mình.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho nhau, để mỗi người chúng ta sớm nhận ra những điều mà mình cần phải để cho nó chết đi, để nhường chổ cho những điều tốt đẹp được tỏ hiện. Bởi vì con người tội lỗi có chết dần đi, thì con người vốn được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa mới dần dần được sống lại; Đó cũng chính là cách tốt nhất để chúng ta chuẩn bị bước vào Tuần Thánh sắp tới đây.

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY.
Jn 12, 20 - 33.

Nói về tình yêu, trong chúng ta , ai cũng nhớ đến mối tình cao đẹp trong câu chuyện xưa có tên : "Trần Minh Khố Chuối." Ngày nay được các nghệ sĩ đỗi tên là :"Bên cầu dệt lụa." Câu chuyện diễn tả mối tình cao đẹp của đôi bạn Trần Minh và Nguyệt Nga. Hai người đã vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, để tìm hạnh phúc cho nhau. Tôi thiết nghĩ : Nếu Trần Minh vì quá tự ái, nuôi mối hận riêng tư trong lòng, tìm cách trả thù thì cũng không được một kết cuộc tốt đẹp như thế. Còn nếu Nguyệt Nga cứ giữ mãi danh phận của một tiểu thư đài cát, không dám hy sinh cho tình yêu thì họ cũng không thấy được bông hoa tình yêu. Nhưng vì họ đã biết vun trồng, biết chấp nhận những nghịch cảnh, biết vượt qua chính mình, biết cùng góp sức từ bỏ đi những gì là riêng tư, nên họ nhận được phần thưởng tốt đẹp và xứng đáng.

"Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không tối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi,thì sẽ trổ sinh nhiều bông hạt." Chúa Giêsu đã nói lên một chân lý, để dạy cho con người cách sống ở đời, nhưng đặt biệt, Ngài còn muốn kêu gọi mọi người thực hiện để tìm hạnh phúc đích thực và vững bền. Ngài không chỉ nói suông nhưng Ngài đã thực hiện những gì mình đã nói, đã dạy. Ngài đã để cho thân xác hay hư nát của Ngài tiêu tan đi cho đến độ Ngài không cần gìn giữ nó cho riêng Mình nữa mà Ngài dám hy sinh nó cho những người mình yêu thương. Sự hy sinh của Ngài làm cho những người đương thời không thể hiểu được. Mọi người tưởng rằng Ngài đã chết thật, nhưng đang lúc đó, Ngài đã chứng tỏ một sức sống mãnh liệt cho tình yêu. "Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất . . ."

Nhìn vào đời sống thực tế, chúng ta cũng nhìn thấy biết bao người đã hy sinh đời sống của mình, họ đám từ bỏ tất cả để đạt cho được mục đích mà mình muốn. Nhưng nhìn chung, tất cả những gì con người ước muốn chỉ thỏa mản những đòi hỏi riêng tư, không có giá trị lâu dài. Con người càng đòi hỏi và niềm khát vọng mỗi ngày càng dâng cao. Nên con người không tìm được hạnh phúc trong những khát vọng ích kỷ cá nhân. Đáp ứng những khát vọng chỉ là đi tìm chính mình, lo bảo vệ mình mà thôi. "Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất."

Mỗi người chúng ta nhìn vào chính mình xem : Bao nhiêu lần vì tự ái, chúng ta không thể nào nghe người khác khi họ chỉ cho chúng ta thấy những thiếu sót, sai phạm, để chúng ta sửa đỗi cho tốt hơn. Đó là những lúc chúng ta không dám chết đi cho lòng tự ái, tính kiêu căng của mình. Còn bao nhiêu lần nữa, chúng ta thấy được những tật xấu của mình, thấy được những điều bê tha, thấy được những điều không nên làm, thế mà chúng ta vẫn làm. Đó là chúng ta chưa dám chết cho những ý riêng, chưa dám chết cho những dục vọng của chính mình. Có những lần chúng ta nhìn thấy những điều không hợp lý, những điều bất công, nhưng, chúng ta đành lánh mặt đi nơi khác cho được yên thân. Đó là lúc chúng ta chưa dám chết cho sự hèn nhát của chính mình. Cũng có những lúc chúng ta nhìn thấy được trách nhiệm của chính mình trong cuộc sống, nhưng chúng ta vẫn không chu toàn được, vì thiếu sự cố gắng. Đó là những lúc chúng ta chưa dám chết cho sự lười biếng của chính mình.

Đối với Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta cảm nhận được sự ngọt ngào trong những lần thành công, trong niềm hạnh phúc mà mình đạt được. Lời Chúa dạy, chúng ta biết rất rỏ, chúng ta vẫn không thi hành. Chúng ta chưa dám chết đi cho những gì là riêng tư của chính mình, thì làm sao chúng ta đạt được bông hoa hạnh phúc của tình yêu bất tận. Đôi bạn tình Trần Minh, Nguyệt Nga đã dám hy sinh những gì là riêng tư , nên họ mới đạt được hạnh phúc chung cuộc. Còn chúng ta, Thiên Chúa đã yêu thương, đã lo lắng cho chúng ta tất cả mọi việc, nhưng rồi, chúng ta chỉ biết lo cho những ích kỷ , những kiêu căng, sự lười biếng; thì làm sao chúng ta có thể nhìn thấy được những bông hoa của tình yêu bất diệt được để mà tận hưởng.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng t a biết hy sinh, biết chịu khó thêm một chút nữa, để bông hoa tươi đẹp của cuộc sống được nở rộ chung quanh chúng ta.


HẠT GIỐNG SINH HOA KẾT QUẢ
Ga 12,20-33

1. Trong khi giảng dạy, Đức Giêsu thường dùng những hình ảnh quen thuộc với dân chúng để giải thích chân lý Ngài muốn mạc khải. Đoạn Tin Mừng hôm nay, Ngài sử dụng hình ảnh hạt giống được gieo, để cho chúng ta thấy tại sao Ngài phải bước vào cuộc Vượt qua: "Nếu hạt lúa mì rơi vào lòng đất, mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trội một mình. Còn nếu nó thối đi thì mới sinh nhiều bông hạt". Thậy vậy, hạt giống được gieo vào lòng đất nếu bị phân hủy ("thối") mới có thể đem lại sự sống mới ; nếu không bị phân huỷ hẳn là trơ trội một mình, không sinh ích gì, ai trong chúng ta cũng dễ dàng đón nhận sự thật này.

2. Đức Giêsu, Chúa chúng ta là hạt giống đặc biệt đem sức sống mới cho loài người. Ngài có thể cứu độ chúng ta bằng nhiều phương cách ; nhưng Ngài đã chấp nhận "bị phân huỷ" tức hy sinh đi những cái gì "là Chúa" và "của Chúa" để cứu chuộc chúng ta. Ngài bỏ trời cao xuống gian trần, làm người như bao con người khác, ngoài trừ tội lỗi. Hơn thế nữa, chấp nhận làm thân phận của người nghèo. Ba mươi năm sống ẩn dật, ba năm đi rao giảng thì bị công kích, chống đối. Cuối cùng chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá (x. Plp 2,6-8). Biến cố này xem ra là một thất bại nặng nề trước mặt người đời, nhưng là giờ phút quyết định cuộc giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của Satan.

3. Hình ảnh về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu được gợi lên rất rõ như một hạt lúa mì bị tan rữa trong lòng đất, nhưng sẽ dẫn tới một mùa lúa bội thu, phong phú. Cái chết của Đức Giêsu không dừng lại ở sự cằn cỗi, mất mát, như người đời tưởng, mà cái chết của Ngài có sức mạnh qui tụ mọi người, mọi dân, mọi nước : " Khi nào Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta ". Nếu ông Tertulianô cho rằng : "Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu", thì máu Đức Giêsu có giá trị tuyệt đối, là hạt giống mẹ của các hạt giống đức tin.

4. Đức Giêsu không chỉ là hạt giống đức tin của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu muốn chúng ta, những môn đệ của Ngài, cũng hãy là hạt giống đức tin. Trước hết, hạt giống ấy phải phân huỷ để sinh hoa kết quả cho chính mình. Nghĩa là phải theo quy luật hy sinh của hạt lúa giống ấy để đạt tới hạnh phúc đời đời: "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất ; còn ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời". "Sự sống" ở đây là sự sống đời này và tất cả những gì liên quan đến nó như tiền tài, danh vọng, thú vui, nếu như chúng ta quá bận tâm, bám víu vào nó, mà sao lãng sự sống đời đời thật là một đại hoạ! Thánh Phanxicô Assise, trong lời kinh Hoà Bình, đã cảm nghiệm chân lý sâu sắc này và đã ca lên:"Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời". Kế đến, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào hạt giống Giêsu, chúng ta phải có trách nhiệm mang hạt giống đức tin đến cho tha nhân nữa.

5. Cuộc Vượt qua của Đức Giêsu vừa như là hạt giống âm thầm, vừa là biến cố vinh quang của Chúa, nhưng tất cả điều đem lại sức sống mới cho nhân loại. Điều này làm cho chúng ta nhớ rằng mọi Kitô hữu trong hoàn cảnh sống của mình đều có trách nhiệm chia sẻ hạt giống đức tin cho tha nhân. Chúng ta cùng suy nghĩ về hai người con Chúa, thánh Phanxicô Assise và Cố ĐGH Gioan Phaolô đệ nhị, sống hai thời khác nhau, địa vị khác nhau, nhưng cả hai đều là những hạt giống đức tin nhiệt thành :

Chuyện kể rằng một ngày kia thánh Phanxicô Assise ( + 1226) rủ một thầy dòng nữa cùng đi truyền giáo, hai người đi hết phố này sang phố khác rồi trở về, thầy cùng đi chúng mới hỏi : Chúng ta đâu có giảng thuyết lời nào đâu mà gọi là đi truyền giáo ? Phanxicô mới trả lời : Sự hiện diện của chúng ta, cách ăn mặc và nếp sống nghèo khó của chúng ta đó chính là một hình thức chúng ta giới thiệu Chúa cho người khác rồi !

Đức Cố GH Gioan Phaolô đệ nhị cũng là một người rất nhiệt thành trong công việc truyền giáo, những năm đầu triều đại Giáo Hoàng của ngài, ngài đã chọn việc đi thăm viếng nhiều quốc gia, chúng ta không biết bao nhiêu người gia nhập đạo Công Giáo trong triều đại của ngài, nhưng lễ tang của ngài vào những ngày của tháng 04 năm 2005 vừa qua, rất đông đại diện các quốc gia đến tham dự, rất nhiều người tiếc xót khi vĩnh biệt người đại diện của Thiên Chúa ở trần gian này! Chắc hẳn qua đó nhiều tâm hồn suy nghĩ về Thiên Chúa, về Đức Giêsu mà Đức Gioan Phaolô đệ nhị và chúng ta tôn thờ.

6. Lạy Đức Giêsu, giờ Vượt qua của Ngài, tuy âm thầm lặng lẽ, tuy xem ra thất bại, nhưng vinh quang và đã tuôn ban nguồn ơn cứu rỗi cho muôn dân. Xin cho mỗi người chúng con biết tích cực đón nhận hồng ân cứu rỗi, đồng thời cũng biến chúng con thành những hạt giống đem nguồn sống thật đến cho tha nhân. Amen

HẠT LÚA MÌ
Ga 12, 20-33

Ở Việt Nam chúng ta ít thấy những cây lúa mì và những bông lúa mì trĩu trái. Tuy nhiên, hình ảnh những ruộng lúa tại Việt Nam vẫn đem lại cho chúng ta nhiều ấn tượng và cảm xúc. Bởi vì cũng như những bông lúa mì, những bông lúa thường khi chín vàng dưới ánh nắng, hạt lúa có rơi xuống ruộng, có rơi xuống đất thì cũng như những hạt lúa mì, khi hạt chín rơi xuống đất, một thời gian nó sẽ mọc lên. Đó là hình ảnh rất tự nhiên đời thường, nhưng ở đây Chúa Giêsu muốn nói đến chính Con Người của Mình: " Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi " ( Ga 12, 32 ).

Đức Giêsu đã trả lời với Anrê và Philipphê khi có một số người nhờ các tông đồ hỏi Chúa Giêsu, Ngài trả lời: " Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình;còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác " ( Ga 12,23-24 ). Đây là lời khẳng định của Chúa Giêsu, vì hạt lúa tức thân xác của Chúa không chết đi theo ý định của Thiên Chúa Cha, nhân loại sẽ không được cứu độ. Tự chết vì người khác không phải là điều dễ chấp nhận bởi vì con người ít quảng đại và thường bo bo giữ những gì mình đã có. Chúa Giêsu nếu không chấp nhận hy sinh, nếu Ngài không chết đi, nhân loại vẫn còn nguyện trong u tối, trong tội lỗi. Thật vậy, Chúa nói: " Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được cho sự sống đời đời " ( Ga 12, 25 ). Chúa đành mất mạng sống mình vì thế gian, vì loài người, Ngài đem lại hạnh phúc cho mọi người. Con người chúng ta cũng vậy, dường như khi mình bám víu lấy của cải, danh vọng, vật chất, tiền tài, họ cảm thấy bơ vơ trơ trọi vì họ chỉ dành riêng cho chính bản thân mình mà thôi. Con người chỉ có thể được triển nở, hạnh phúc khi họ đi ra khỏi cái vỏ ốc ích kỷ và ra khỏi những bận tâm tính toán để chỉ làm lợi cho mình, hầu sống cho tha nhân và Thiên Chúa.


Con người chỉ có thể an bình khi sống xả kỷ và quảng đại, hy sinh cho người khác. Con người chỉ có thế bình an khi sống hy sinh, quên mình, từ bỏ đón lấy cái chết như hạt lúa mì vùi sâu trong lòng đất. Tuy nhiên, những quên mình, hy sinh, từ bỏ, quảng đại lại làm cho chính Đức Giêsu xao xuyến, dao động: " Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha xin tôn vinh danh Cha " ( Ga 12, 27-28 ). Vâng, Chúa Giêsu cũng bị giằng co giữa những thử thách, những mất mát, thua thiệt ở đời này, tuy nhiên Chúa Giêsu đã vượt thắng và luôn hy sinh, hiến mình vì mọi người. Cuộc đời con người chúng ta cũng thế, hy sinh, từ bỏ là những cố gắng phải vượt thắng, nhưng khi đã tỉnh thức, cầu nguyện và cố gắng, con người sẽ cảm thấy chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời, lúc mất là lúc được lại. 


Người Kitô hữu luôn ý thức rằng chết là được sống. Bởi vì chính trong giờ phút quyết liệt Chúa Giêsu đã chiến thắng và Ngài đã tiêu diệt sự chết. Các thánh tử đạo đã minh chứng cái mất, cái được. Cái chết của Cha Maria Kolbê và của nhiều thánh tử đạo đã nói lên lời yêu thương Thiên Chúa, yêu thương con người và tôn vinh Thiên Chúa.


Trong sự chết và sống lại của Chúa Giêsu chúng ta hiểu được sự quan phòng của Thiên Chúa Cha. Cái chết của Con Thiên Chúa dẫn đến sự sống của Người, và sự chết của Người cũng dẫn tới sự sống lại của chúng ta.


Chúa Giêsu qua cái chết của Ngài trên thập giá đã trổ nụ, đơm hoa dồi dào. Người Kitô hữu qua cái chết lành, qua cái chết vâng phục Chúa Cha cũng tỏa hương thơm thiên đàng.


Chúa Giêsu đã nói: " Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ sống đời đời và Ta sẽ cho chúng sống lại trong ngày sau hết " Và chúng ta tin rằng: " Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi " ( Ga 12, 32 ).


Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình; xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết noi gương Người tận tình yêu thương mọi anh em.Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen. ( Lời nguyện nhập lễ, lễ chúa nhật V Mùa Chay ).

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

GIỜ ĐÃ ĐIỂM
Ga 12, 20-33

Người ta thường ví von: sống kể ngày, chết kể năm. Khi nói đến cái chết người ta không nói đến ngày, tháng năm mà lại nói đến giờ chết. Nói đến giờ chết vì nó xảy ra trong khoảng khắc, trong giờ phút nào đó. Một khi giờ đã điểm không ai có thể chống cự, có cố gắng cũng chỉ dùng máy trợ tim, giúp tim đập với hy vọng bập bùng theo từng nhịp tâm đập. Hy vọng bởi vì không thể dự đoán biến chứng nào sắp xảy đến, phản ứng nào đang rình rập và giờ phút nào là giờ phút giờ đã điểm. 

Điều chắc chắn giúp các Kitô hữu vững tin vào Chúa là giờ chết của ta không phải là bị huỷ diệt, tắt ngủm hơi thở là hết, là chết. Theo mạch văn của Kinh Thánh, giờ con người thế gian sợ hãi lại là giờ người Kitô hữu vững tin vào Chúa, làm Vinh Danh Thiên Chúa. Không niềm tin chết là hết, vinh quang tàn lụi. Có niềm tin chết là bắt đầu cuộc sống mới, vinh danh bắt đầu sáng chói. Phải chăng đây chính là giờ mà Chúa Nhật đầu mùa chay nhắc đến trên núi thánh. Áo trắng như tuyết, mặt mày sáng rực như ánh hào quang. Cái chết của người không có niềm tin chính là danh vọng đang có biến mất, chấm dứt. Cuộc đời đổi trắng ra đen. Cái chết của người Kitô hữu trái lại biến đổi đời mình đang từ không danh vọng lại được ban cho danh vọng. Rõ là đang đen ra trắng. Trắng như tuyết, chói lọi như ánh sáng hừng đông vì họ chết trong ánh sáng Đức Kitô, Người là sự sáng đến trong thế gian để ban ánh sáng chói lọi cho những ai tin vào Ngài. Ánh sáng chói lọi này bắt đầu toả sáng khi giờ người đó điểm cũng chính là lúc họ kết hợp, nên một với Đức Kitô để Ngài sống lại vinh hiển thế nào thì chúng ta những người tin theo cũng được sống lại với Người như vậy.

Nói như thế không có nghĩa người Kitô hữu không buồn sầu khi nghe tin người thân qua đời, hay chính mình mang bệnh nan y. Không phải thế, người Kitô hữu không vô cảm đến phũ phàng, vô tình như thế. Đứng trước cái chết dù là của người thân hay cái chết thương tâm của một người chúng ta không khỏi tiếc thương bởi vì đó là dấu hiệu của chia lìa, ngăn cách. Dù là ngăn cách một thời gian cũng là ngăn cách. Chúng ta khóc thương vì gắn bó tình cảm con người bị chia sẻ, vì cảm thấy mất mát dù là mất tạm bợ. Chúng ta khóc thương, đau buồn xúc động vì đó là phản ứng tự nhiên của cảm xúc con người. Cảm xúc đó cần được bộc lộ, diễn tả thể hiện tình yêu chân thành. Bản tính thự nhiên là như thế. Điểm khác biệt là Kitô hữu khóc, thương và nhớ nhưng không bao giờ tuyệt vọng. Trái lại Kitô hữu luôn sống trong hi vọng, hi vọng ngày gặp lại người thân, ngày tái đoàn tụ trên thiên quốc. Ngày mà Đức Kitô diễn tả như hạt lúa mì chết đi để biến thành cây lúa mới với bông lúa vàng trĩu hạt, mỗi hạt vàng ươm, đầy hạt gạo thơm, của mùa thu hoạch tràn đầy niềm vui, hạnh phúc. 

Nước không thể bốc hơi nếu nhiệt độ không biến thể lỏng thành thể khí. Gió không lay động cành cây nếu không khí không chuyển động. Chúng ta không tiến vào vinh quang Thiên Chúa nếu không có cảnh chia li giữa ta và trái đất. Giờ phút chia li đó mang lại niềm đau nhưng cần thiết giúp ta trở về với Đấng Sáng Tạo nên ta.

Lm Vũ đình Tường

CHUYỆN TÌNH CÓ HẬU
Ga 12, 20-33

Hàng năm theo niên lịch phụng vụ, để chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh, Hội Thánh không chỉ dành quãng thời gian mùa Vọng mà còn dành một tuần đặc biệt từ 17-24/12 như thời gian chuẫn bị gần. Tuần đặc biệt này có các bài đọc riêng để giúp tín hữu y thức hơn. Để đón mừng đại lễ Phục Sinh, đón mừng mầu nhiệm Khổ Nạn -Phục Sinh của Đức Kitô thì có những ngày mùa chay thánh và tuần lễ chuẩn bị gần khởi từ chủ nhật thứ V mùa chay. Xin chia sẻ đôi nét suy nghĩ được gợi ý từ hai bài đọc của ngày thứ hai tuần đặc biệt này: bài trích sách tiên tri Đaniel kể về chuyện bà Suzana và bài trích tin mừng thánh Gioan về chuyện người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang.

Thưở còn "làm chú" trong Tiểu Chủng Viện dù phải nghe một bài đọc rất dài, bài trích sách tiên tri Daniel nhưng không ai trong chúng tôi cảm thấy oải vì chuyện kể về bà Suzana vừa hấp dẫn vừa lôi cuốn trí tò mò của các chú thiếu niên đang độ tuổi nhổ giò. Hơn nữa, ai cũng hể hả như vừa theo dõi một cuốn phim hay, một câu chuyện đậm tính bi hài mà lại kết thúc có hậu: kẻ gian ác phải chết còn người vô tội thì được cứu sống. Câu chuyện bà Suzana còn trên môi miệng những chú tinh nghịch trong các giờ chơi những ngày sau đó: nè,cho tao biết cây chò hay cây sồi ? Sự tinh nghịch của chúng tôi cũng có phần do thích thú trước trí thông minh của cậu bé Đanien biết phân biệt điểm khác nhau giữa sự thật và điều dối trá. Sự thật vì chỉ có một nên phải tương đồng còn điều dối trá thì dễ khác biệt. Đây là một trong những chìa khoá giúp các nhà điều tra tìm ra sự thật hoặc phát giác sự giả dối. Hai người gian dối nếu không quá lanh mưu hay lưu manh thì rất dễ lộ tẩy do những khác biệt trong lời khai về một vấn đề hay một sự kiện. Đanien đã khôn ngoan tách hai ông lão dù tóc đã bạc nhưng tuổi mãi ở tầm 35 riêng ra để tra xét. Và thế là sự dối trá đã lộ ra nơi chính lời khai của hai ông. Người thì nói bà Suzana phạm tội dưới gốc cây sồi ông kia lại bảo dưới gốc cây chò. Thú thật khi chọc ghẹo nhau, lũ mới lớn chúng tôi đã tự thú nhận trí tò mò của mình về những chuyện " rồi ai cũng sẽ biết". Tuy nhiên phải nhìn nhận điều này rằng tính có hậu của câu chuyện làm ai ai cũng hể hả. Kẻ gian ác, dù là vị vọng hay quyền cao chức trọng cũng phải chết, phải bị nghiêm trị còn người vô tội cần được cứu sống, người thấp cổ bé miệng và người bị bóc lột, bị áp bức cần được giải phóng. Chúa đã thực thi điều ấy và chúng ta đương nhiên phải làm như vậy. Phải có công bình và cần giữ công lý nghiêm minh. 


Trên núi cây dầu, trời vừa tảng sáng, một đoàn người trai gái, già trẻ, lớn chức, bé quyền đủ cả, mặt hí hửng dẫn một chị phụ nữ ngoại tình đến gặp Chúa Giê-su: " Thưa thầy hạng phụ nữ này theo luật Môsê thì phải ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy thế nào ?". Thánh Gioan nhận ra đây chính là một mũi tên nhắm hai mục đích mà mục đích chính là Chúa Giê-su. Những tưởng rằng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, Chúa Giê-su thế nào cũng bị sập bẫy, một cái bẫy tinh quái, hiểm độc do các luật sĩ và biệt phái giăng ra để thực hiện âm mưu thâm độc của mình. Các ông này không ngần ngại thức trắng đêm để bắt tại trận tội yếu đuối, bất trung của người phụ nữ để làm mồi nhử, hãm hại Chúa Giê-su. Nếu tội của người phụ nữ là một thì tội các ông này phải đáng mười vì đâu phải do yếu đuối như chị phụ nữ kia mà là do lòng nham hiểm ác độc, một sự ác độc nham hiểm tột độ đến nỗi không chừa một thủ đoạn bỉ ổi nào. 


Chúa Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất và khi bị gặn hỏi nhiều lần Ngài đã đứng lên rồi ôn tồn: "Ai trong các ngươi xét mình vô tội hãy ném đá chị này trước đi'. Rồi Ngài lại cúi xuống tiếp tục lấy ngón tay viết lên đất. Không biết Chúa Giê-su viết những gì nhưng chắc chắn khó có ai đọc ra vì trời vừa tảng sáng và khoảng cách giữa Ngài với đám đông chắc không thể gần vì có sự ngăn cách của người phụ nữ, nhất là đám đông đứng đối diện thật khó mà đọc được những gì Ngài viết. Xét theo công lý như cảm nghĩ của con người thì những người có mặt sáng hôm ấy ( trừ Chúa Giê-su ), tất thảy đều phải chết, nhất là những kẻ lòng dạ nham hiểm, ác độc. 


Tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của ta cũng không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của ta và đường lối của ta vượt cao hơn tư tưởng và đường lối các ngươi bấy nhiêu. Mạc khải của Thiên Chúa dần hé mở qua lời của tiên tri Isaia. Mạc khải ấy nay hiện thực và nên hoàn hảo nơi chính Đức Giê-su: kẻ có tội, người gian ác không phải chết. Đám đông hung dữ hôm ấy lẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đã được cứu sống bằng lòng nhân hậu của Chúa Giê-su. "Ta cũng không kết tội chị hãy về và đừng phạm tội nữa". Chúa Giê-su không chỉ khoan dung với chị phụ nữ mà còn tế nhị đánh thức lương tri của đám đông hiểm độc bấy giờ. Thánh Gioan đã tường thuật rằng sau khi ngẩng lên nói: "Ai trong các ngươi......" thì Ngài lại cúi xuống viết dưới đất. Giả như lúc bấy giờ sau khi nói, Chúa Giê-su vẫn ngước mắt nhìn chằm chằm vào đám đông thì thử hỏi có được mấy ai tự nguyện rút lui, nhất là người rút lui đầu tiên. Hình như Chúa Giê-su không muốn nhìn, Ngài tế nhị tạo cơ hội cho những người hôm ấy nhìn nhận tôi lỗi mình và rút lui trong danh dự. " Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tôi lỗi của loài người, để họ còn ăn năn hối cải' ( Kn 11,23 ).Kẻ gian ác đã được cứu sống đúng như lời Chúa đã phán: "Ta lấy mạng sống ta mà thề: Ta đâu muốn cho kẻ dữ phải diệt vong, nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống". ( x.Ed 18,23 ).


Lẽ công minh theo cảm nghĩ của con người, một kết cục có hậu mà thường ai cũng thích khi xem phim hay đọc tiểu thuyết đó là kẻ gian ác phải chết và người công chính được cứu sống. Tuy nhiên đây chỉ là lẽ công minh hay là sở thích của đám đông dân thường. Với các hiền triết, các nhà đạo đức thì dường như có cao hơn một bậc. Nên khoan dung với người có tội, cần lượng thứ cho người gian ác để giúp họ hoán cải, ăn năn. "Buông đao thành Phật. Quay đầu là bờ". Những lời giáo huấn trong Phật giáo cho ta hay chân lý này. Các quốc gia tiến bộ đã và dần bỏ án tử hình. Án hình giam giữ cũng là một trong những cách thế giúp tội nhân có cơ hội ăn năn và sửa đổi. Kẻ gian ác không bị diệt trừ ngay nhưng cần được giáo huấn để đổi thay.


Tuy nhiên để thực hiện điều này thì một người công chính, duy nhất xứng là công chính đã không được cứu sống. " Người này đích thực là người công chính" ( Lc 23,47 ). Để kẻ gian ác được cứu sống thì Giê-su Kitô, người công chính đích thực đã phải chết. Chuyện thật nghịch lý nhưng rất đượm tình. Chết cho người công chính thì xưa nay vốn hiếm, ở đây Thiên Chúa lại tự nguỵên hy sinh vì chúng ta là những tội nhân. Tình yêu thật khó lý giải vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu. Có nhiều người dễ biện minh rằng nếu ta hành xử như thế thì có thể làm cho nhiều người lạm dụng tình yêu và không chịu đổi thay hay vươn lên. Cũng có thể lắm nhưng ngược với khôn ngoan loài người như Tào Tháo đã quan niệm: thà ta phụ người chứ không để người phụ ta hay thà giết lầm hơn bỏ sót thì với tình yêu đích thật phải chăng phải là thà yêu lầm còn hơn bỏ sót. Dẫu có lầm thì cái lầm trong tình yêu cũng thật đáng yêu vậy.

Lm. Giu-se Nguyễn Văn Nghĩa (Nguồn vietcatholic.org)

1958    24-03-2012 21:14:47