Sidebar

Thứ Hai
28.04.2025

Chúa Nhật V Mùa Chay B_3

BÀI HỌC VÂNG PHỤC
Ga 12, 20-33

Mỗi một con người, đều mang trong mình một suy nghĩ riêng, một cái nhìn riêng, một lập trường riêng để nói lên sự cá biệt hay nói đúng hơn là sự khác biệt của con người. Mỗi một con người có một nhân vị. Mỗi một con người là cả một thế giới riêng biệt. Và vì vậy, đó mới là điểm lý thú của con người. Nếu ai cũng như ai thì thế giới này thật là buồn tẻ, thật là nhàm chán vì khi ấy chẳng còn gì để mà bàn nữa. Thế nhưng, từ cái cá tính, cá vị của con người đã gây nên không biết bao nhiêu xáo trộn trong cuộc đời này.

Nhìn vào đời sống thường nhật chúng ta thấy rõ điều này. Hai vợ chồng trẻ mới cưới, vì còn nồng nàn cái thuở ban đầu, cái ngày đầu của đời sống hôn nhân nên tràn đầy hạnnh phúc. Khi ấy, anh nói em nghe, em nói anh nghe nhưng rồi một thời gian qua đi khi đời sống hôn nhân có thời gian, có bề dày một chút thì cái kiểu mà anh nói em nghe em nói anh nghe không còn nữa và rồi nó gây ra xáo trộn trong gia đình. Khi ấy chồng không phục tùng vợ nữa và vợ cũng chẳng còn phục tùng chồng nữa. Nếu nhường nhịn nhau thì gia đình sẽ ấm êm còn nếu không nhường nhịn nhau thì sẽ đổ vỡ, sẽ chia ly. Nếu ai nào sống trong cái bầu khí bất phục tùng sẽ cảm thấy cực kỳ nhàm chán vì lẽ nó bất an làm sao đó. Khi đó, muốn giải quyết mọi xung đột, muốn mang bình an lại trong gia đình thì vợ và chồng phải nghe nhau, phải nhường nhịn nhau, phải tuân phục nhau.


Khi có con cũng thế, nếu như đứa con trong gia đình dễ dạy, dễ nghe, dễ vâng phục thì gia đình rất bình an và hạnh phúc. Nếu gia đình nào có đứa con ngỗ nghịch hay cãi lại cha mẹ thì ắt hẳn gia đình đó bất an. Ông bà ta vẫn thường nói "Cá không ăn muối cá ươn - con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư !" để diễn tả lối hành xử giữa cha và con qua hình ảnh của con cá. Điều chắc chắn và ai ai cũng biết đó là con cá, nếu không ướp muối, để ngoài gió lát sau nó sẽ ươn, nó sẽ tanh và hôi vô cùng. Với con cái cũng vậy, khi chúng cưỡng lại lời dạy dỗ của cha mẹ thì chắc chắn nó sẽ dẫn đến con đường của hư vong thôi.


Rộng hơn một chút, trong một gia đình, trong một cộng đoàn chắc chắn phải có người trên, kẻ dưới. Kẻ dưới dĩ nhiên phải vâng phục người cầm đầu của gia đình, của cộng đoàn. Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy rất rõ, gia đình, cộng đoàn nào mà bề dưới, con cái không vâng phục thì cha mẹ, bề trên của gia đình, của cộng đoàn ấy khổ sở vô cùng. Cha mẹ, bề trên lúc nào cũng muốn con cái mình tốt nên có những luật này lệ kia. Con cái và bế dưới thì khác, chúng muốn sống trong tự do để rồi không còn biết vâng phục cha mẹ, bề trên là gì cả.


Bài học vâng phục ngày hôm nay, chúng ta được xem lại một cách hết sức rõ ràng, thực tế trong đoạn sách ngắn ngủi mà Giêrêmia để lại cho chúng ta. Giêrêmia được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ, người phát ngôn của Chúa, người đại diện cho Chúa, người thay mặt Chúa nói với dân Chúa những lệnh truyền của Chúa. Thiên Chúa, Ngài vốn dĩ mang trong mình dòng máu của tình yêu thương bao dung và tha thứ. Con người bao nhiêu lần bất tuân lệnh truyền, lẽ ra huỷ bỏ giao ước đã thiết lập nhưng không. Thiên Chúa mãi yêu con người, tạo mọi cơ hội, mọi điều kiện để con người bỏ đường gian ác mà quay về đường ngay nẻo chính. 


Dân Israel đã huỷ bỏ giao ước. Hôm nay, qua miệng của Giêrêmia, Thiên Chúa lập giao ước mới với dân: "Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết Đức Chúa", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Israel sẽ tồn tại mãi (Gr 31, 31-35)


Với Giao Ước Mới, Thiên Chúa hứa là sẽ không nhớ đến lỗi lầm của Israel nữa và Ngài còn hứa Israel sẽ tồn tại mãi mãi.


Thế nhưng, tiếp tục nhìn vào lịch sử Israel, mối tình giữa Israel và Thiên Chúa nó làm sao ấy. Thiên Chúa mãi mãi yêu thương còn dân thì lại cứ bất tuân luật Chúa, không vâng phục lời của Ngài. Dân Chúa ương ngạnh, không vâng phục cho đến nỗi Ngài phải sai chính Con Một của mình đến để dạy do dân bài học vâng phục. Không đơn giản để học bài học vâng phục. Chúng ta thử đặt trường hợp của chúng ta vào Chúa Giêsu chúng ta sẽ cảm thấu được nỗi âu lo, sao xuyến, căng thẳng của một người sắp bước ra pháp trường.


Chúa Giêsu mang trong mình sự giằng co của một con người tự do và một con người vâng phục. Ngài hoàn toàn tự do để lựa chọn sự sống hay cái chết của Ngài. Suy nghĩ lắm chứ ! Đắn đo lắm chứ ! Buồn và đau đớn để rồi Ngài mới thỏ thẻ với Cha mình: "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến (Ga 12, 27)


"Chính vì giờ này con đã đến" ! Phải ! Chính vì cái giờ đau thương, giờ quyết liệt này mà Chúa Giêsu phải đến. 


Tác giả thư Do Thái đã nói với chúng ta điều ấy: 


"Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (Dt 5,7-9).


Để vâng phục không đơn giản, để vượt qua những trở ngại của vâng phục phải trải qua biết bao nhiêu đau khổ nhưng khi vượt qua đau khổ đấy sẽ được đến vinh quang. Thánh Phaolô, trong thư của Ngài gửi tín hữu Philip xác tín với chúng ta về thái độ, về hành động vâng phục của Chúa Giêsu: 


Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngườivà tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. (Pl 2, 6-9)

Vì sao Thánh Phaolô nhắc tín hữu Philip gương của Chúa Giêsu. Chắc có lẽ trong cộng đoàn Philip lúc bấy giờ có sự đụng chạm, có sự cãi vả nhau nên Thánh Phaolô phải nêu gương vâng phục của Chúa: "Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su. (Pl 2, 1-5).


Thái độ, hành động vâng phục tuyệt vời của Chúa Giêsu ngày hôm nay quả là bài học quý giá cho mỗi người chúng ta. Hôm nay, chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình. Là linh mục, là tu sĩ, là ông, là bà, là cha, là mẹ, là con, là cháu trong gia đình, chúng ta nhìn lại xem chúng ta có vâng phục giám mục địa phận, bề trên giám tỉnh, bề trên cộng đoàn, ông, bà, cha mẹ của chúng ta hay không ? Nếu chúng ta thật sự vâng phục bề trên, ông bà cha mẹ thì gia đình chúng ta sẽ ấm êm, hạnh phúc.


Các đấng các bậc làm bề trên và làm cha làm mẹ ắt hẳn có kinh nghiệm thực tế về chuyện vâng lời vâng phục của bề dưới, của con cái. Đành biết con người có cá tính, có lý lẽ riêng của mình nhưng vì hạnh phúc chung, vì lợi ích chung của gia đình, của cộng đoàn ta phải cố gắng bỏ đi cái ý riêng, cái lẽ riêng của ta để gia đình, để cộng đoàn được hạnh phúc hơn.


Nhìn lại như vậy để rồi chúng ta cầu nguyện cho nhau để ngày mỗi ngày chúng ta cân chỉnh cuộc đời của chúng ta sống sao vâng phục người trên của chúng ta.


Nguyện xin Chúa Giêsu là thầy dạy vâng phục ban thêm ơn cho chúng ta để chúng ta sống bài học vâng phục như Chúa đã từng vâng phục Cha.

Anmai, CSsR

LUẬT CỦA TÌNH YÊU
Ga 12, 20-33

"Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng, Lề luật của Ta" ( Gr 31, ). Chắc hẳn Lề luật mà Thiên Chúa muốn khắc ghi vào tâm khảm dân của Người chính là Luật của tình yêu. Sau này chính Con Một Người nhập thể đã khẳng định rằng mọi lề luật và lời ngôn sứ gồm tóm trong điều này là anh em hãy làm cho tha nhân những gì anh em muốn tha nhân làm cho mình. ( x. Mt 7,12 )

Một trong những khao khát đượm tình hiện sinh của con người đó là được sống và sống mãi. Cái khát vọng này như đã trở thành vô vọng với cả những người quyền cao chức trọng, với các vua chúa xưa nay. Sở dĩ nó đã trở thành vô vọng, vì người ta quá băn khoăn về cuộc sống đời này trong sự vị kỷ. "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời" ( Ga 12, ). Sự coi thường ở đây không phải là thái độ lơ là, vô trách nhiệm, mà là một sự hiến mình vì tha nhân trong tình yêu.


Quy luật của tình yêu đã được thánh Phanxicô Axidi phác họa trong lời kinh hoà bình: Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính khi quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời". Chắc hẳn thánh nhân thuộc nằm lòng lời khẳng định của Chúa Giêsu: "Thật, Thầy bảo thật với anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác." ( Ga 12,24 ).


Đã là quy luật thì có tính khách quan cần phải tuân thủ. Để tuân thủ quy luật nào đó thì trước hết phải nhận biết nó. Thế nhưng không phải mọi quy luật đều hiện hữu cách minh nhiên dễ thấy, dễ nhận ra mà có thể nói là trái lại. Định luật vạn vật hấp dẫn đã có từ khi vũ trụ hình thành thế mà đến cuối thế kỷ XVII Isaac Newton mới phát hiện. Việc khám phá định luật này là kết quả của một quá trình nghiên cứu mà việc thấy quả táo rơi chỉ là điểm khởi đầu. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã khẳng định: "Dầu là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục..." ( Dt 5,9 ), nói đúng hơn, đó là Chúa Giêsu đã trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào là yêu thương.


Yêu thương không hẳn là cho đi những gì mình có. Với quyền năng của Đấng tạo thành, có từ đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô có thể biểu lộ tình yêu bằng việc cung cấp lương thực cho con người. Người cũng đã biểu lộ tình yêu bằng việc giáng phúc thi ân chữa lành bệnh tật, cho người què được đi, người mù được thấy người điếc được nghe... Người cũng đã biểu lộ tình yêu khi làm chủ thiên nhiên hay làm chủ cả quỷ thần. Người lại đã từng biểu lộ tình yêu khi làm cho một số người sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, khi chỉ cho đi những gì mình có bằng khả năng và quyền hạn của mình thì cũng chưa hẳn đã là yêu đến cùng.


Yêu thương cách đích thực là cho đi những gì mình là. Phút giây nhập thể trong cung lòng mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự nguyện cho đi thân phận của một vị Thiên Chúa. Lời đáp ca trong Thánh Lễ Truyền Tin, nói đúng hơn là Thánh Lễ mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể: " Hy sinh và lễ vật, thì Chúa chẳng ưng, này Con xin đến để thực thi ý Người" ( x. Tv 40 ). Suốt ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nỗ lực không ngừng cho đi cái thân phận của Đấng Thiên Sai mang dáng dấp thế trần, theo quan niệm của nhiều người bấy giờ, dĩ nhiên trong đó có các môn đệ thân tín. Vì yêu thương Chúa Giêsu đã đau xót đến tột độ đến nỗi mồ hôi tuôn ra pha lẫn máu trong vườn cây dầu, để rồi cho đi thân phận một con người, thân phận của vị vua trên các vua và cả thân phận Con Thiên Chúa của mình khi chịu cái án bất công và cái chết nhục nhả trên thập giá. " Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào !" ( Mt 27,40 ). "Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi !"( Lc 23,37 ). Chúa Giêsu vẫn ở trên thập giá cho đến hơi thở cuối cùng.


Mất những tất cả gì mình có, thật đau xót, nhưng dẫu sao vẫn còn chính mình. Mất tất cả những gì mình là, đúng là một điều tồi tệ, vì chẳng còn gì, ngay cả bản thân. Thế nhưng khi cái điều tồi tệ ấy được thực hiện bằng sự ý thức và tự do vì hạnh phúc của tha nhân, thì nó trở thành tiền đề cho tiến trình yêu thương và phát triển. Khi bị mục nát đi, chẳng còn là hạt lúa thì cây lúa mọc lên và các gié lúa trĩu hạt hình thành.


Đã yêu là phải tuân thủ quy luật của tình yêu. Để biết được quy luật thì phải học hỏi, tìm tòi. Học mà thôi, vẫn chưa đủ, cần phải tập luyện liên lỉ. Có đau đớn và cũng có xót xa. Có xao xuyến và cũng có hy sinh. Nhưng không thể không tập luyện. Để được sống và sống dồi dào, để sinh được hoa trái và hoa trái tồn tại, khởi đầu xin hãy tập cho đi những gì mình có và tiến dần đến chỗ trao ban những gì mình là, vì người mình yêu, vì người yêu mình, vì cả người ghét mình và kẻ bách hại mình.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

HẠT LÚA MÌ MỤC NÁT
Ga 12,20-33
 

Càng gần tới tuần thánh, phụng vụ càng đưa chúng ta đi vào mầu nhiệm cao cả của sự chết của Đức Giêsu Kitô. Cái chết của Chúa Giêsu không phải chỉ là một biến cố đã qua trong lịch sử, cũng không phải chỉ là một biến cố đau thương làm cho mọi người kinh hãi, đưa con người đi tới tuyệt vọng. Chúa Giêsu chết là để đi vào vinh quang với Thiên Chúa Cha và trở nên Đấng ban sự sống. Chúa chết là để trở nên nguồn ban ơn cứu độ, để tất cả những ai nhìn lên Ngài sẽ được cứu sống." Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt " ( Ga 12, 24 ).

Bằng một lời mạc khải, Chúa Giêsu lấy dụ ngôn hạt lúa mì để bộc lộ chính con người của Ngài: hạt lúa phải chết đi, phải mục nát, nghĩa là nó phải biến đổi mới trở nên cây lúa được. Chúa nhấn mạnh sự đánh đổi diện mạo của hạt lúa. Qua ví dụ này, Chúa muốn nói: Chúa phải chết đi, Ngài mới đem muôn người vào sự sống mới. Chúa nêu lên một qui luật chung cho tất cả những ai muốn bước theo Ngài: " Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời ". Chúa Giêsu muốn cho nhân loại hiểu ra rằng sự sống hiện tại là cái gì sẽ qua, nếu ta cứ khư khư bám lấy nó, ta sẽ không giữ được, nhưng nếu ta liều mình qui hướng cuộc sống hiện tại về cuộc sống mới mà Chúa Giêsu đem đến thì ta sẽ có cuộc sống vĩnh cửu.Chúa Giêsu đã nêu gương cho nhân loại, cho chúng ta về chính cuộc sống của Ngài bởi vì Ngài đã chấp nhận kiếp con người dù rằng Ngài là Thiên Chúa để sống với, sống vì, sống cho chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Trong cuộc sống ở trần thế 30 năm ở Nagiarét, Chúa đã sống rất âm thầm, làm nghề thợ mộc để sinh nhai và 3 năm rao giảng, Ngài cũng sống đời sống rất bấp bênh, một cuộc đời có thể nói được là tay trắng. Ngài chấp nhận đi đây đi đó rao giảng Nước Trời với các tông đồ, không nhà không cửa: " Con chồn có hang, chim có tổ, con người không hòn đá gối đầu". Đây là một thực tế nói lên thân phận Người-Chúa-Của-Con-Thiên-Chúa.Vâng, Chúa Giêsu đã hoàn toàn hy sinh, từ bỏ tất cả để luôn thuộc về Thiên Chúa Cha.Chúa Giêsu đã chấp nhận nỗi kinh hoàng, thê lương, trần trụi, đau khổ tột bực để Ngài được chết đi như một hạt lúa mì mục nát, hầu trổ sinh nhiều bông lúa vàng.

Chúa Giêsu đã thực hiện việc yêu thương của Ngài bằng chính cái chết, bởi vì chết mới được nên lời. Chết mới nói lên được tất cả nỗi lòng và con người đầy nhân từ của Ngài: " Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình "( Ga 15, 12 ). Chúa đã không cuộn mình trong vỏ ốc ích kỷ của mình để hưởng thụ, để tự hãnh diện với con người cao cả của mình. Ngài đã ra khỏi chính mình để qui tụ mọi người, muôn người dưới chân thập giá:" Khi nào Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta ". Do đó, Ngài đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương loài người, yêu thương từng con người: " Chính vì thế mà con đã đến trong giờ này " ( Ga 12, 27 ). Chúa Giêsu đã sống bằng chính con người tự hiến của Ngài để qua cuộc sống tự hiến ấy, Chúa ban cho mọi người sự sống mới. Sự sống mà Ngài đã phải đánh đổi tất cả để chỉ có một mục đích duy nhất là yêu thương con người.

Đời sẽ mau qua, mau tàn, mau lụi. Cuộc đời giống như hoa nở sớm tàn, như một cây hoa phù du, hoa nở thật đẹp nhưng thật mau tàn úa. Do đó, đang khi sống trên trần gian, con người vẫn phải cần cù lao động để kiếm ra của cải, vật chất mà sống, để hưởng hoan lạc đời này nhưng con người vẫn phải hướng về tương lai bằng những việc làm hữu ích, bằng những việc thiện, lập nhiều công phúc. Tin vào Chúa, sống như Chúa là sứ điệp quan trọng để mỗi người biết từ bỏ, hy sinh và sống tốt lành, hầu đời sống tỏa nhiều hương thơm tốt đẹp.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết can đảm sống những gì phù hợp với Tin Mừng để chúng con luôn sống " không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi ". Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

GIỜ CON NGƯỜI ĐƯỢC TÔN VINH
Ga 12, 20-33

"Giờ Con Người được tôn vinh", một chủ đề quan trọng trong Tin mừng Chúa nhật hôm nay, mời gọi chúng ta suy chiêm. Chúng ta tìm hiểu xem Chúa Kytô được Tôn vinh như thế nào. Chúa Kytô được tôn vinh. Nhưng ai tôn vinh? 

Trình thuật Tin mừng cho chúng ta thấy, đầu tiên phải kể đến những người Hylạp. Đây là những người không thuộc chủng tộc Dothái, có văn hóa Hylạp, nhưng là những người Hylạp chính gốc có thiện cảm với đạo Dothái hoặc mới theo đạo này. Họ lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua. Chính cuộc hành hương đó là cơ hội thúc đẩy họ ước ao được gặp Chúa. Họ đến với Philipphê -quê ở Bêtxaiđa vốn có tên gọi Hylạp- vì nghĩ rằng ông này có thể làm trung gian cho họ được. Ông Philipphê đi nói với ông Anrê - người cùng quê và có tên Hylạp. Cả hai ông đều đến nói với Chúa. Người Hylạp đến tìm gặp Chúa là dấu chỉ cho thấy GIỜ ơn cứu độ ban tặng cho hết mọi người đã điểm. Chúa Kytô được tôn vinh nơi dân ngoại - những người muốn tìm gặp Chúa vì muốn tìm con đường chân lý, con đường của sự sống đích thực, muốn tìm thấy ánh sáng chiếu soi cho con người. 


Tiếp đến đó là việc Chúa Cha tôn vinh Người Con của mình. Trong cuộc đời Chúa Giêsu, nhiều lần Người được Chúa Cha tôn vinh và được các tác giả tin mừng Nhất lãm nhắc đến như khi Chúa chịu phép rửa (x. Mt 3, 17; Mc 1, 11; Lc 3, 22); rồi lúc Chúa Hiển dung (x. Mt 17, 5; Mc 9, 7; Lc 9, 35). Riêng thánh sử Gioan thì không nhắc những sự kiện trên, nhưng ở đây ngài nhắc tới "tiếng từ trời vọng xuống", đó là tiếng Chúa Cha tôn vinh Chúa Con, tiếng Chúa Cha đoái nghe và chấp nhận lời cầu xin của Chúa Giêsu về việc hiến dâng mạng sống vì thế gian. Chúa Kytô được tôn vinh như thế nào? 


Bằng một ví dụ rất cụ thể, Chúa Giêsu cho thấy một quy luật của sự sống : đó là hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì chỉ là hạt lúa trơ trọi một mình, mất hết tác dụng. Nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt. Qua hình ảnh sinh động này, Chúa Giêsu cho thấy chính Người là hạt lúa được gieo vào mảnh đất trần gian. Và, cuộc Thương khó và cái chết của Người chính là lúc hạt lúa bị "mục nát, bị hoà tan" để rồi từ trong sự tan biến ấy, sẽ dẫn đưa Người đến sự sống lại. Như thế là, Chúa Kytô được tôn vinh chỉ khi Người trải qua cuộc Khổ nạn, chịu chết và sống lại. Khi đó Người sẽ quy tụ dân Dothái và dân ngoại thành một cộng đoàn đông đảo những người được cứu độ 


Giờ Chúa Kytô được tôn vinh cũng chính là "giờ Người được giương cao lên khỏi mặt đất". Đó chính là lúc Người được nâng cao trên thập giá, tức là giờ Người chịu khổ hình; đồng thời cũng là lúc Người được đưa lên trời sau khi sống lại. Giờ Chúa Giêsu được tôn vinh cũng là giờ phán xét của những kẻ chống lại Thiên Chúa, chống lại Chúa Giêsu. Đó là giờ cáo chung của mãnh lực ác thần. 


Người Kytô chúng ta cũng được mời gọi tôn vinh Chúa Giêsu như những người Hylạp xưa tìm cách gặp gỡ Chúa, bằng cách ra sức học hỏi Lời Chúa để biết sống, biết yêu và biết bước đi trong ánh sáng của Chân lý. Chúa Giêsu đã áp dụng ví dụ "Hạt lúa mì" rất cụ thể. "Ai quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời". Cũng như hạt lúa, chúng ta cũng hãy để cho chính con người mình mục nát và tan biến, vượt qua những ích kỷ thấp hèn để chỉ sống cho Chúa và tha nhân, cho dù phải hy sinh, bị trù dập, hiểu lầm. Có như thế, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Chúa Kytô, bởi - hơn ai hết, Người cũng từng bị thế gian trù dập, ghen ghét và chịu chết nhục nhã trên Thập giá để mang ơn cứu độ cho trần gian. 


Cái chết của Chúa Kytô trên Thập giá là cửa ngõ bước vào thiên đường vinh quang, trở nên nguồn sống mới cho nhân trần. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết "chết đi" cho công lý và hoà bình, chết đi cho tình yêu, cho hạnh phúc và mưu ích cho phần rỗi của tha nhân. "Chết đi" để được sinh nhiều hoa trái thánh thiện. Chết để được sống- điều xem ra nghịch lý nhưng lại là chân lý tuyệt đối cho những ai đặt niềm tin vào mầu nhiệm Thập giá Đức Kytô.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

GIAO ƯỚC MỚI 
Ga 12, 20-33

Khi dân Israel còn lang thang trên đường về Đất Hứa, Thiên Chúa đã lập một Giao Ước với dân trên núi Sinai, Ngài hứa sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân của Ngài, Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ còn họ phải phụng sự một mình Ngài. Thiên Chúa thì luôn trung thành còn dân thì luôn luôn vi phạm Giao Ước, đến nỗi bị mất nước và lưu đầy. Sau này Thiên Chúa hứa sẽ lập một Giao Ước mới (STK.31,31-34), và Giáo Ước mới sẽ là quả tim mới (Đáp Ca), hay đúng hơn là chính cái chết của Chúa Giêsu, một giao ước được viết bằng máu mà bài Tin Mừng của Thánh Gioan 12,20-30 đã tường thuật Chúa Giêsu tiên báo « giờ đã đến » và trong thư Do Thái tác giả cũng coi cái chết của Chúa Giêsu là căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Ngừơi (Dt.5,7-9). 

Giờ mà Chúa Giêsu nói đây chính là thời điểm Người bước lên Thập Giá, là Giao Ước mới. Theo thánh Gioan thì Giờ của Chúa Giêsu là trung tâm điểm của lịch sử Kitô Giáo. Giờ đánh dấu việc Chúa Giêsu hòan tất sứ mạng mạc khải và cứu chuộc nhân loại. Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô đều qui hướng về Giờ đó. Cũng từ Giờ đó mà có sự phán xét, sự phân chia ánh sáng và bóng tối. Vì thế việc lương dân xuất hiện và hỏi thăm, làm Chúa Giêsu biết rằng giờ Người mong chờ thực sự đã đến và được nói bằng kiểu nói « giờ đã đến », giờ đã đến để Con Người được tôn vinh (c.33). 


Cần phải có giờ để có thể bắt đầu có niềm tin xác thực vào Đức Kitô hằng sống. Lời yêu cầu của dân ngoại cũng là một cử chỉ đón rước đầy rực rỡ dành cho Chúa Giêsu, thế nên Người rất vui lòng tiếp nhận và trả lời rằng chỉ khi nào Đức Kitô đi qua cuộc khổ nạn, trở thành vật hiến tế thì họ sẽ được thấy Đức Kitô « khi nào Ta được treo lên Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta »(c.32). Chúa Giêsu kéo con người lên vì lúc ấy mọi tương giao giữa con người và Thiên Chúa được thông suốt. Như thế mỗi người chúng ta có đi theo Đức Giêsu trên con đường Thập Giá thì mới đến được chỗ Đức Giêsu, mới tiếp nhận được Giao Ước mới. 


Bản chất của Giao Ước mới là máu, là đau khổ « phải qua đau khổ mới tới vinh quang ». Đây là tương quan tự nhiên, tương quan tất yếu, thuộc bản chất không thể khác được. Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh hạt lúa mì gieo xuống đất phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Hạt lúa mì mục nát chính là việc Chúa Giêsu phải đi qua cái chết. Bông hạt là tất cả các dân tộc, sẽ trở thành những tín hữu của Chúa, được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Mỗi ngừoi chúng ta có đi theo Đức Giêsu trên con đường Thập Giá thì mới đến được chỗ Đức Giêsu ở và mới được tôn vinh như Người. Chúa Giêsu đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người « chính vì thế mà Con đến trong giờ này » (c.27). Chính giờ Đức Giêsu gục đầu tắt thở thì cây Thập Giá trổ bông cứu rỗi. Cũng vậy khi người Kitô hữu chúng ta hiến dâng cái chết như lời tạ ơn cao đẹp thì hoa nhân ái sẽ trổ hoa Thiên Đang. 


Tuy nhiên nên nhớ rằng không phải bất cứ đau khổ nào cũng đưa tới vinh quang, cái chết nào cũng đưa tới sự sống. Đau khổ và cái chết phải gắn với Giờ của Đức Kitô, phải thi hành Giao Ước mới của Ngừơi đã ký kết, phải làm cho tính kiêu căng chết đi thì mới có hành vi khiêm tốn, phải làm cho tính hung bạo chết đi thì hành vi dịu dàng mới phát sinh, phải làm cho tính ích kỷ chết đi thì hành vi yêu thương mới xuất hiện và con người tội lỗi phải chết đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa mới sống mạnh. 


Lạy Chúa xin cho chúng con biết tự hủy, và mục nát qua đời sống đau khổ, hi sinh, từ bỏ ý riêng để sống theo Ý Chúa, biết xóa mình đi để chúng con sẽ trở nên như những hạt lúa trổ bông, đem an vui cho mọi người và góp phần vào sứ mệnh làm rạng Danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

Sr Mai An Linh, OP (Nguồn vietcatholic.org)

1152    24-03-2012 21:11:53