Chỉ còn một tuần nữa là đến Tuần Thánh. Vì thế, lời Chúa hôm nay hướng chúng ta dần dần tới cái chết đau thương và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu. Cụ thể, trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh : hạt lúa gieo xuống đất để ám chỉ về cái chết của Ngài. Nhưng hạt lúa gieo xuống đất để làm gì và cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa thế nào?
Một hạt lúa gieo xuống đất là nó chấp nhận chết đi để mưu ích cho con người, nghĩa là nó trở thành một cây lúa xanh tươi, để rồi sau này sẽ nhân thừa lên và sinh ra trăm ngàn ức triệu hạt lúa khác, một cách vô định hay bất tận. Cho nên, Chúa Giêsu không nói ngoa khi tuyên bố : "Nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời". Như vậy, nếu không chấp nhận chết đi, thì hạt lúa sẽ chấm dứt sức sống một cách ích kỷ nơi chính mình. Trái lại, nếu nó chấp nhận từ bỏ sự sống hạt lúa của nó, thì nó sẽ giữ được sự sống ấy bằng cách chuyển sự sống nó sang cây lúa và sang các bông hạt sau này, nghĩa là sự sống từ bỏ kia sẽ không mất đi nhưng sẽ tồn tại mãi mãi.
Chúa Giêsu là một hạt lúa đầu tiên như thế. Ngài đã làm chết đi nơi mình những gì "là Chúa" và "của Chúa" để cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta sự sống đích thực. Ngài đã từ bỏ mọi cách thức ưu đãi, giàu sang, danh vọng và quyền uy để chọn một cuộc sống tầm thường, âm thầm, đạm bạc suốt ba mươi năm trời, không ai để ý tới, không có một ưu đãi nào dành cho con nhà giàu, nhà sang. Rồi khi hoạt động công khai, Ngài cũng chọn một đời hoạt động bấp bênh. Ngài đi theo con đường của một người không có thế lực, không có bất cứ phương tiện nào sẵn sàng. Ngài vào đời với hai bàn tay trắng, không một lời giới thiệu, gửi gắm của người có uy quyền. Và suốt ba năm, Ngài đã trải qua mọi hoàn cảnh, mọi tình huống của một người tay trắng đó : bị công kích, bị khước từ, bị mạ lỵ, bị chụp mũ, bị nếm mùi : "Bụt nhà không thiêng".
Cuối cùng, cách thế để đi tới chiến thắng vinh quang cũng lại là cách thế đau thương nhất, khốn cực nhất của trần gian. Con người, ai ai cũng vậy, rất sợ đánh đập, rất sợ tòa án, rất sợ và ghê sợ tử hình. Nhưng Chúa đã đi vào, đã gánh chịu, đã đón nhận tất cả để chứng tỏ Ngài hoàn toàn từ bỏ chính mình. Từ bỏ đến cấp độ kinh hoàng nhất. Tất cả chỉ vì Ngài muốn mình phải chết đi như một hạt lúa để trổ sinh vô số bông lúa và hạt lúa khác. Nếu ông Te-tu-li-a-nô đã nói : "Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh các tín hữu", thì máu của Chúa Giêsu còn giá trị hơn biết bao nhiêu.
Nói rõ hơn, Chúa Giêsu chấp nhận chết đi, chôn vùi trong lòng đất để trở nên nguyên nhân cứu độ, phát sinh nhiều Ki-tô khác. Ngài chịu treo lên thập giá là để trở thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta được nhìn lên Ngài và được sống. Ngài có vẻ như thất bại hoàn toàn khi bị treo lên thập giá, nhưng đó lại chính là lúc Ngài ném được thủ lãnh thế gian ra ngoài và trở thành Đấng phán xét và ban sự sống. Ngài chết là để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành Đấng ban sự sống cho chúng ta.
Hơn nữa, hạt lúa chấp nhận bị nghiền nát để trở thành cơm bánh nuôi sống con người, thì Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài chấp nhận bị nghiền nát trong cuộc thụ nạn để trở thành bánh thánh dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ thập giá, đồng thời trở nên lương thực nuôi các tín hữu. Tóm lại, Chúa Giêsu đã chết, nhưng không chết luôn mà đã phục sinh để tồn tại mãi và ban sự sống đời đời cho con người.
Là Ki-tô hữu, chúng ta chỉ có thể lập công phúc, được cứu rỗi, được sống muôn đời và hữu ích cho người khác...khi biết từ bỏ sự sống tạm bợ, tức là từ bỏ tất cả những gì mà người đời gọi là "sống". Có người từ bỏ được tiền của, danh vọng nhưng lại không bỏ được ý riêng mình; có người bỏ được ý riêng của người khác chứ không chịu bỏ ý riêng mình; có người từ bỏ nhiều mà không từ bỏ tất cả; có người bỏ được những cái to lớn nhưng lại không bỏ được những cái nhỏ mọn hay những cái cần phải bỏ; có người bỏ được lúc này nhưng lại không bỏ được lúc khác...
Từ bỏ là một nhân đức của anh hùng. Là một nhân đức được thử luyện mỗi ngày cả ngàn lần, nhưng cũng có cả hơn ngàn lý do để chối bỏ. Vì thế, chúng ta cần đặt lại giá trị của hy sinh từ bỏ mà chúng ta đã bỏ quên hoặc coi thường. Chúng ta hãy suy nghĩ xem : hiện giờ chúng ta có thấy mình cần từ bỏ gì không : một thói quen không tốt, một tật xấu, một tội lỗi hay bất cứ thứ gì không đúng với Tin Mừng, không hợp với tinh thần Ki-tô, không đúng với cung cách một người con của Chúa.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
TÌNH YÊU LÀ CỘI NGUỒN
Ga.12,20-33
Ba bài đọc hôm nay không đóng khung con người trong những suy tư về kiếp nhân sinh; nhưng xa hơn, đưa mỗi người chúng ta đi ngược lại dòng lịch sử nhân loại để tìm về cội nguồn, để lục tìm, đào bới lại tình yêu của Thiên Chúa đã nhiều lần bị lãng quên trong dòng đời vội vàng, huyên náo.
"Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng" (Gr.31:33). Trải dài trên con đường lịch sử của Dân Chúa, Thiên Chúa đã kiên nhẫn nhắc nhở con người hãy tìm về nguồn gốc của mình. "Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh mình" (St. 1: 27), và "Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp" (St. 1:31). Con người được kết tạo bằng Tình Yêu Thiên Chúa. Hay nói cách khác, con người là tinh hoa của Tình Yêu Thượng Đế. Từng tế bào trong con người là kết tụ bởi bao rung động của Tình Yêu. Ánh nhìn yêu thương từ buổi đầu tạo dựng vẫn âm hưởng, hình ảnh Thiên Chúa vẫn hiện hữu trong mỗi người. Nhưng, tình yêu con người đối với Thiên Chúa là một tình yêu mau lụi tàn và chóng quên. Điệp khúc "hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống" (Kh 2:5) như một khẳng định mạnh mẽ hơn về vai trò của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa đòi hỏi ở con người có gì khác hơn là sự nhận ra chính cội nguồn của mình và sống đúng với những gì được mời gọi.
"Lạy Cha, xin tôn vinh Cha" (Ga 12:28). Chúa Giêsu đến thế gian với sứ mạng thi hành Thánh Ý Cha là bày tỏ tình yêu chung thủy và tuyệt đối của Thiên Chúa đối với thụ tạo. Thiên Chúa không dừng lại sau khi đã dựng nên con người nhưng liên lỉ yêu thương và nâng niu con người trong tình yêu của một người Cha. Và, Chúa Giêsu là chiếc cầu nối thập toàn minh chứng cho tình yêu ấy. Chúa Giêsu luôn xác định mình đến chỉ để "tôn vinh Cha", và Thánh Ý Cha là tất cả động lực cho cuộc đời dương thế của mình. Trong lăng kính ấy, Chúa Giêsu đã chu toàn chức năng của mình đến mức tuyệt hảo nhất.
Con người được sinh ra không chỉ để hiện diện hoặc thêm một con số cho thế giới này nhưng Thiên Chúa tạo dựng con người cho một mục đích cao cả nào đó (Teresa Calcutta). Vâng, mỗi người được gọi mời là một mảnh tình yêu Thiên Chúa hiện hữu cho người khác. Vì là tinh hoa tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, sứ mệnh đầu tiên mà mỗi người được gọi mời là trổ sinh và thăng hoa lòng biết ơn đối với Đấng Tạo Hóa, là tình yêu cho người khác như Chúa Giêsu... và mỗi người khi đã ôm trọn và thực thi sứ mệnh của mình thì là lúc có thể nói như Chúa Giêsu "Lạy Cha, xin tôn vinh Cha."
Nhưng, để được như vậy, chúng ta hãy nhịp bước với Đức Kitô trên con đường khổ giá với Ngài, hiến cuộc đời trong bàn tay Thiên Chúa Cha để tìm kiếm Thánh Ý Ngài. Mỗi người phải trở thành hạt lúa mì chết đi trong lòng đất để bùng lên một sức sống mới; nghĩa là, phải chết cho sự ích kỷ tội lỗi của bản tính con người để bắt đầu khai sáng sự sống mới trong Đức Kitô. Vì mỗi người chúng ta là hạt lúa mì, là phần của mùa gặt vĩnh cữu của Chúa. Khi Ngài lên tiếng mời gọi là Ngài đòi buộc mỗi người phải chết đi và loại bỏ tất cả những gì không trung thực với cuộc sống, tránh xa đường tội lỗi, chấp nhận đau khổ, và sống cho tha nhân. Đường thập giá là ngưỡng cửa riêng của mỗi người, là thách đố của mỗi người bước theo con đường đó. Tuần chịu nạn đang tiến tới gần, mỗi người hãy tự vấn lương tâm để canh tân cuộc sống và đi vào chính nội tâm của mình, lột bỏ những lớp vỏ tội lỗi của bản tính con người mà quyền lực sự dữ đã in vết trên cuộc đời của ta.
Sau cùng, chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa hàn gắn lại những mảnh tình yêu mà vô tình chúng ta đã làm tan vỡ để cuộc đời mỗi người sẽ là khúc trường ca "tôn vinh cha muôn đời" và là quĩ đạo yêu thương phản ảnh sự hiện hữu của Chúa Ba Ngôi cho nhân loại.
Sr. Ngọc Quyên, CMR
Lời Tin Mừng hôm này Chúa Giêsu nói đến Mầm sống lúa mới chỉ được trổ sinh khi hạt húa thực sự bị hủy đi, khiến tôi nhớ đến một tư tưởng chi phối khá mạnh nơi con người ngày nay là sự sống của các thai nhi mà Công đồng Vaticanô II đã phải dùng một Thông Điệp để nói về sự sống. Vậy sự sống là gì ?
Romain Rolland viết: "Sự sống là cái mà không thể dùng trí khôn và con mắt mà nhận thức hay diễn tả. Sự sống là cái làm cho thụ tạo trở nên sống động". Nhìn một ngọn cây rung động, ta thấy nó chứa một sức sống mơn mởn vươn lên. Nhìn con vật đùa dỡn trước sân cỏ, ta thấy có một sức đánh động nó ngó ngoáy, ve vẩy. Nhìn con người ta lại thấy nó có một sức linh hoạt hơn nữa, khác với loài cây cỏ, khác với loài động vật hay xác chết.
Các nhà bác học chỉ có thể giải thích được sự cấu tạo của vật thể, chỉ có thể biết con người gồm có tim, óc, phèo, phổi.... Nhưng đến sự sống thì con người bất khả thuyết minh.
Trong một cuộc triển lãn nghệ thuật, điêu khắc gia Michel Angelos đã mất ngủ để suy nghĩ về câu nói của một nhà phê bình trứ danh, khi ông ngắm nhìn pho tượng đá Moisen: "Pho tượng tuyệt tác, linh động, sắc sảo như người, nhưng thiếu một điều.....". Ba đêm trời suy nghĩ không ra, Michel Angelos xin đến gặp nhà phê bình để hỏi cho ra lẽ. Nhà phê bình cười rồi bảo: "Bức tượng đá đẹp, nhưng tiếc một điều là nếu nó có thêm chút sự sống nữa thì toàn vẹn". Angelos nghe xong lời ấy có vẻ bất mãn, liền nói lên cách tự nhiên: "Sự sống ai mà tạo nên được".
Ngày nay trong các phòng triển lãm đặc biệt tại Kansas City, tôi đi tham quan, đến một gian hàng người ta chơi cái trò suy đoán "Thực hư": Trong gian phòng người ta trình bày 4 người đang ngồi đọc báo và mời các khách tham quan nhận ra trong 4 người áy ai là thật ai lả giả. Nhiều người đoán cô gái tóc đen là người thật, lại hóa ra cô là người giả. Nhiều người đoán cậu thanh niên có đôi mắt xanh, tay có từng cái lông tơ là người giả, lại hóa ra chàng trai thật 100%. Nhờ kỹ thuật vượt mức, người ta đã làm nên những vật không khác gì vật thật, nhiều cái còn đẹp và tinh vi hơn cả vật thật nữa. Tôi trồng một vườn hoa vào cuối mùa đông, có cắm xen lẫn một số bông hoa giả, nhiều người đã khen tôi mát tay, khéo trồng hoa, đến mùa Đông rồi mà hoa còn nở tươi thật là tươi. Có người phải rờ tay vào xem mới biết là hoa giả.
Sự sống thật là quí hóa, không ai tạo được, ngoại trừ Thiên Chúa. Bác Sĩ, Lương Y không dám rút ngắn cơn hấp hối của bệnh nhân. Hình phạt lớn nhất của tội nhân là tình phạt "tử hình", cắt đứt sự sống của tội nhân. Liều thuốc trường sinh vốn là liều thuốc tiên, là ước mơ của nhân loại. Vị Hoàng Đế khét tiếng của Trung Quốc dạo chơi trên bờ Vạn Lý Trường Thành cùng bày mỹ nữ và các quân thần, để ngắm nhìn công trình vĩ đại mình thực hiện, nhìn ngắm sự hưng thịnh của đất nước được mình bảo vệ. Bỗng chốc ông òa lên khóc nức nở. Các quan vấn an và hỏi căn do tại sao Hoàng Đế nhỏ châu lệ? Hoàng đế trả lời: "Đất nước ta hưng thịnh, trù phú thế này, quê hương ta đẹp đẽ biết bao! và dân ta hiền hòa thanh lịch.... Thế mà tuổi ta đã về chiều. Tiếc rằng ta không còn sống được bao lâu để cai dân trị nước". Một vì Đại Thần đứng phía sau cười nắc nẻ, khiến vua bực tức hạch tội: "Tại sao ngươi cười ta?" Vị Đại Thần tâu: "Nếu các vị Tiên Đế trước cứ sống lâu trên ngai, thì bây giờ đã đến phiên bệ hạ trị nước chưa?".
Được ngồi trên ngai mà ham ước sống đã đành, mà cả những người nghèo khổ đói rách cũng ham sống nữa. Một trong những chuyện hay của Lã Phụng Tiên có kể: Ngày đó một gã tiều phu già luống tuổi, đang ngồi nghỉ mệt bên lề đường. Ông than cho kiếp con người ông bạc phước, đày đọa kiếp thân tàn, làm ăn cực nhọc cả đời. Ông muốn chết cho xong kiếp sống lầm than. Bỗng thần chết xuất hiện giúp ông thực hiện ý muốn. Vừa trông thấy thần chết cầm hái từ thần, ông nhanh trí đánh trống lảng: "Xin nhờ Thần đưa giúp tôi bó củi lên vai, nghỉ lâu quá rồi". Bước đi mau chân ông lão không dám ngoái cổ lại nhìn sự thật đàng sau.
Sự sống ai cũng nhận thức là quí, nhưng không hiểu được.
Sự sống không thuộc về trần gian, người trần gian không ai có thể làm nên được. Cũng không ai phát sinh từ cục đá mà ra, nhưng từ ý muốn của Đấng tạo thành. Chúa nặn con người từ bùn đất, rồi Ngài thổi sinh khí vào, bỗng nó trở nên sống động. Thân xác Lazarô chết 4 ngày đã lên mùi hôi thối, nhưng với quyền năng của Chúa, Ngài đã cho nó trở lại trạng thái bình thường và cho sống lại. Vật sống chính là sinh khí của Thiên Chúa, phát sinh từ Thiên Chúa. Ta nghe tiếng "Chết" đầu tiên khi Chúa phán cùng Adam, Evà: "Khi nào các ngươi ăn trái Ta cấm, các ngươi sẽ chết", thế nhưng Adam, Evà ăn vô thể xác vẫn sống. Ông bà Tổ Tông không chết theo cách ta hiểu là hết thở. Ông bà vẫn sống, vẫn hoạt động, nhưng cái chết Chúa tuyên án đây là: Mất sự tương giao với Thiên Chúa, là bẻ gẫy, là cách xa Thiên Chúa. Con người phạm tội đã chết trong một hình thức sống.
Tai điếc là tai chết, mặc dù tai vẫn còn, âm thanh vẫn còn, nhưng không còn tác dụng với tai nữa, không còn liên lạc giữa tai và âm thanh nữa. Tai điếc là tai đã chết. Người mù cặp mắt vẫn còn, màu sắc, ánh sáng vẫn có, nhưng ánh sáng và màu sắc không còn tác dụng với mắt. Mắt đã chết. Cũng thế, con người là loài sinh linh hiện hữu, con người vẫn sống đầy mặt đất, Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa hằng hữu, Ngài vẫn hiện hữu trên chúng ta, nhưng con người và Thiên Chúa không còn liên lạc, không còn tác dụng với nhau nữa, vì sự tội đã phá vỡ sự tương quan đó. Con người chết. Nhưng lòng thương Chúa không bỏ con người, Ngài ban Con Một Ngài xuống trần làm nhịp cầu nối lại tình liên đới cha con. Đó là ý nghĩa đích thực khi Ngài phán: "Ta là sự sống". Do đó kẻ tin và đón nhận thì dù có chết cũng được sống. Mỗi khi chúng ta phạm tội, là chúng ta đã chết trong cái xác sinh động còn sống thôi. Cái chết theo chúng ta hiểu là một sự thay đổi hình thức. Chết là cánh cửa đóng lại với bên này và mở ra cho đời sau. Chết là con đò chở người từ bến đời này qua bến đời sau. Nếu ta phạm tội đời này thì con đò cũng chở chúng ta về bến xa Chúa là địa ngục. Nếu chúng ta được ân nghĩa với Chúa ở đời này, thì cửa mở ra cho đời sau là cửa ân nghĩa thiên đàng.
Con người vốn thiết tha với cõi đời này là vì nó thực tế, nó hiển nhiên. Con người sợ đời sau vì nó mập mờ, không biết đến bến nào. Nhưng nếu ta chỉ sống có cái xác trên trần gian thôi, thì chưa phải là sống thực. Vậy phải ráng có sự sống thực, có Chúa Kitô là sự sống, có lề luật là thành lũy tránh sự dữ, có yêu thương nhau làm bảo đảm sự sống ở đời này và bảo đảm sự sống vui của đời sau. Ước gì chúng ta luôn sống trong thể xác linh động này, sống trong bình an của tâm hồn, sống trong ân phúc liên đới mật thiết với Chúa, để khi dù thân xác ta chết, ta vẫn được sống đời đời. (Jn. 12:20-33)
Lm. Thu Băng, CMC
HẠT LÚA MÌ MỤC NÁT TRỔ SINH HOA TRÁI
Ga 12:20-33
"Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất, không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác "(Ga 12:24). Thoạt nghe, ta có thể cho rằng đó là lời phát biểu tầm thường, vì ai quan sát cũng đều thấy và biết như vậy. Tuy nhiên Chúa Giêsu không chỉ nói đến cái tiến trình biến đổi của thực vật, như cỏ cây hoa lá mà thôi. Cái luật đó còn được áp dụng cho cả loài người về đời sống thể lý, tinh thần và thiêng liêng nữa.
Phúc âm hôm nay ghi lại, Chúa cầu nguyện với tâm hồn xao xuyến, xin cho được thoát khỏi chén đắng nghĩa là được thoát khỏi án tử hình. Tuy nhiên Người cũng cầu nguyện xin cho được vâng theo thánh ý Chúa Cha, tức là chấp nhận cái chết trên thập giá để làm giá cứu chuộc loài người. Qua miệng tiên tri Isaia, Thiên Chúa đã hứa với dân Người một giao ước mới và vĩnh cửu, để thay thế cái giao ước cũ trên núi Si-nai, cái giao ước mà dân Chúa đã không tuân giữ. Giao ước mới này không được viết trên bia đá, cũng không phải bằng máu chiên cừu, mà Môi-sen đã dùng để phê chuẩn giao ước cũ, nhưng được phê chuẩn bằng máu con Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của lời truyền phép mà linh mục chủ tế đọc trong thánh lễ: "Đây là máu tân ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội". Theo thơ gửi tín hữu Do Thái, ta được biết vâng lời và chấp nhận khổ giá là một phần của cái giao ước mới. Cái sứ điệp mà Đức Kitô đến để công bố trong giao ước mới đưa tới sự chết. Vì vâng lời, nên Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại. Chúa Giêsu với tư cách là Thiên Chúa, không thể chịu đau khổ vá chịu chết. Chúa chỉ chịu đau khổ và chịu chết trong cái thân xác loài người của Người mà thôi. Vì thế khi sống lại, Chúa cũng sống lại trong cái thân xác loài người của Ngưòi. Còn xét về bản tính Thiên Chúa, thì trước sau, Ngôi Hai Thiên Chúa vẫn là một, không hơn không kém, không thêm, không bớt, không thể chết đi, cũng không thể sống lại.
Để chia sẻ sự sống mới với Chúa Kitô, ta phải sẵn sàng chết đi với Người. Đó là trường hợp các vị tử đạo đã làm, nghĩa là chấp nhận cái chết vì đức tin vào Chúa để được hưởng sự sống mới. Ta cũng có thể hiểu cái chết ở đây theo nghĩa bóng. Có những văn sĩ cũng đã dùng quan niệm chết đi theo nghĩa bóng như "chia ly là chết cho mình một nửa".
Theo nghĩa bóng của cái chết thì người tín hữu phải sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính mê nết xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ, chết đi cho tính thù hằn giận ghét, chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ sống chết mặc bay để có thể được tham dự vào đời sống mới với Đức Kitô. Sẵn sàng chịu chê cười nhạo báng và chịu bách hại vì tin yêu Chúa là chết đi một phần. Sẵn sàng trả cái giá trong cách sống, cách nói năng và hành động để làm môn đệ Chúa cũng là chết đi cho mình một phần. Sẵn sàng chịu mất mát, mất bạn bè, mất việc làm, mất địa vị xã hội, nếu những sự việc trên làm cản trở cho bước đường làm môn đệ, làm sứt mẻ mối liên hệ vơi Chúa, cũng là chet đi cho mình một phần. Nói tóm lại chỉ khi nào người ta tham dự vào cuộc hi sinh khổ hình của Chúa, người ta mới có thể chia sẻ cuộc phục sinh vinh hiển với Người (2 Tim 2:11).
Theo cái định luật đào thải của bộ máy tiêu hoá, thì cái gì vào, nó phải ra. Nếu không sẽ bị ứ đọng. Theo cái định luật cung cầu của kinh tế, thì có nhập cảng, phải có xuất cảng. Nếu không, quốc gia sẽ không có ngoại tệ. Về đời sống tâm lý và đời sống thiêng liêng cũng có định luật. Khi người ta chỉ sống cho mình, không cho đi, thì cái liên hệ với người khác sẽ bị cằn cỗi, và đời sống liêng liêng sẽ không được vươn lên. Tất cả những định luật đó : định luật tự nhiên, định luật tâm lý, định luât kinh tế, nguyên tắc làm giàu cho đới sống tinh thần và đời sống thiêng liêng đã được Thiên Chúa đặt để trong vũ trụ và trong tâm khảm loài người.
Lm Trần Bình Trọng, USA
HẠT LÚA MÌ GIEO XUỐNG ĐẤT
Ga 12, 20 - 33
"Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sinh nhiều bông hạt". Lời Chúa nói hôm nay làm ta nhớ tới các thánh Tử đạo đã hy sinh mạng sống để hạt giống đức tin sinh nhiều hoa trái. Giáo Hội Việt Nam, chỉ là một Giáo Hội còn non trẻ, đã hiến dâng bao nhiêu người con suốt ba thế kỷ bắt đạo, cho đến nay, con số ấy vẫn không ai biết chính xác. Bất cứ ở đâu trên mảnh đất châu Á này, nếu Đức tin được rao giảng, thì ở đó lại thấm đẫm dòng máu các anh hùng Tử đạo. Con số các thánh Tử đạo càng tăng lên theo cấp số nhân nếu ta quay nhìn cả Giáo Hội hoàng vũ qua mấy ngàn năm nay. Hình như không có thời buổi nào, không có thế kỷ nào, không có Giáo Hội địa phương nào mà không bắt đầu được sinh ra từ máu Tử đạo. Những năm gần đây, Đức Thánh Cha đã phong khá nhiều vị thánh, hầu hết các vị thánh ấy là các thánh Tử đạo của thời đại mới. Máu các thánh Tử đạo cứ tiếp tục đổ xuống, càng đổ bao nhiêu, đức tin càng lớn, sức sống của Giáo Hội Chúa Kitô càng căng tràn và mạnh mẽ bấy nhiêu. Chúa Kitô, Hạt Lúa Mì Anh Trưởng đã rơi xuống đất, làm nảy sinh vô vàng hạt lúa, và những hạt lúa từ thời đại này sang thời đại khác cứ tiếp tục trổ sinh bông hạt. Bởi thế có một nguyên tắc rất kỳ diệu, rất nhiệm mầu, nhưng đã trở nên rất bình thường: Giáo Hội càng bị bắt bớ khốc liệt, người Công Giáo càng bị giết hại đẫm máu, thì Giáo Hội càng sống mãnh liệt và mau chóng lan rộng, đức tin của người Công Giáo càng được tôi luyện và trưởng thành bấy nhiêu.
Trong xã hội cũng có bao nhiêu vị anh hùng hiến dâng mạng sống vì công lý, vì hòa bình. Năm 1968, cả thế giới chấn động khi nghe tin Mục sư Martin Luther Kinh, người đã đấu tranh không mệt mỏi cho quyền bình đẳng của người da đen bị sát hại. Năm 1995, cả thế giới sững sờ thương tiếc thủ tướng Israel, ông Y Rabin, bị người Dothái quá khích giết. Họ không chấp nhận đường lối ôn hòa của ông đối với người Palestin.
Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn còn xúc động nhớ lại cái chết của ông Mahatma Gandhi, vị cha già của dân tộc An, đã từng bị một thanh niên An giáo quá khích sát hại. Anh ta không chấp nhận việc ngài đã tha thứ và dạy hãy tha thứ cho người Hồi giáo. Và còn biết bao nhiêu người vì tình yêu con người, tình yêu đồng loại đã hiến dâng mạng sống như thế. Họ đã chết nhưng tên tuổi, sự nghiệp của họ vẫn sống muôn đời.
Các thánh tử đạo và những tâm hồn xây dựng hòa bình ấy chính là hình ảnh của hạt lúa mì được gieo trong lòng thế giới. Hoa quả của đức tin, hoa quả của hòa bình đang tươi nỡ khắp nơi trong Giáo Hội và trên thế giới.
Ngày nay có biết bao anh chị em nhìn vào tấm gương của các ngài mà dấn thân xây dựng, gìn giữ, bảo vệ đức tin và kiến tạo hòa bình, làm nảy sinh tình yêu khắp nơi, quên cả sức lực, quên cả bản thân để danh Chúa rạng ngờ, Nước Chúa trị đến, cuộc sống bình an, thịnh vượng hơn. Những năm gần đây, đa số những vị được phong thánh là các vị tử đạo của thời đại mới. Hóa ra, những hạt lúc mì cứ rơi xuống, rồi lại sinh hoa kết quả, hết lớp này đến lớp khác. Ngày nào đức tin còn bị bắt bớ, thế giới vẫn tồn tại bất công, sự sống bị chà đạp, ngày ấy vẫn còn những hạt lúa mì rơi xuống và vô vàn bông lúa mì trỗ sinh.
Chúa Kitô, Đấng đã sống cho tình yêu, chết cho tình yêu, và sống lại vì tình yêu, luôn là mãnh lực cuốn hút muôn người hiến dâng mạng sống, và lưu danh ngàn đời. Chúa Kitô, hạt Lúa Mì cao cả làm trổ sinh vô vàn bông hạt tươi tốt...
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng (Nguồn vietcatholic.org)