- Người Kitô Hữu Sinh Hoa Trái Trong Chúa Kitô
- Hiệp Thông Với Chúa và Với Tha Nhân
- Chúa Nhật V Phục Sinh
- Chúa Nhật V Phục Sinh
- Thầy Là Cây Nho Thật
- Chúa Nhật V Phục Sinh
- Chúa Nhật V Phục Sinh
- Chúa Nhật V Phục Sinh
- Định Danh Kitô Hữu
- Ở Lại Trong Thầy
- Một Kết Quả Đã Biến Đổi Thế Giới
- Ai Đổi Đời Ai
- Gốc Nho Này Chúa Bứng Từ Ai Cập
- Cây Nho Thật
- Sống Liên Đới
- Chúa Nhật V Phục Sinh
- Như Cành Hợp Nhất Với Cây
- Chúa Nhật 5 Phục Sinh
- Cành Nho Sinh Hoa Trái
- Thầy Là Cây Nho Các Con Là Cành
NGƯỜI KITÔ HỮU SINH HOA TRÁI TRONG CHÚA KITÔ
Ga 15, 1 - 6
Người trồng cây mong được ăn trái. Muốn cây có trái, người ta phải lắm công phu chăm sóc. Không phải cây cứ xanh tốt lớn mạnh là có trái. Có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến ngày mùa thu hoạch thì chẳng thấy được trái nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại. Cũng vậy, một cây nho muốn có nhiều hoa trái cần phải có hai điều kiện. Một là cành nho phải liên kết với cây. Cành nho không liên kết với cây nho, không thể sinh hoa trái. Cành nho không liên kết với cây nho thì dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn. Sâu bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành nho kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ thân cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái. Hai là cành lá nho phải được cắt tỉa. Ai đã trồng cây thì biết cành lá phải được cắt tỉa thế nào. Nếu cứ để cành lá cây nho phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi xem rất đẹp mắt nhưng không có trái nho nào cả. Muốn cây nho có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.
Như cành gắn liền với thân cây nho mới sống được và sinh hoa trái. Nếu cành nào tách rời khỏi thân cây nho, sẽ khô héo và cho vào lửa. Cũng vậy, người tín hữu phải sống kết hợp với Chúa Kitô mới có sự sống của Thiên Chúa và được sống đời đời, nếu không, sẽ chết đi và bị quăng vào lửa.
Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của chúng ta. Tách lìa Người, chúng ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào cuộc sống, làm cho chúng ta được vui sống và sống sung mãn. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho chúng ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú. Vì vậy, mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và các Kitô hữu là mối liên hệ mật thiết đến nỗi cả hai trở nên như một, vì cùng sống chung một sự sống. Chúa Kitô và các Kitô hữu tạo thảnh một cộng đồng sự sống, như các chi thể trong một thân thể mà thánh Phaolô gọi là "nhiệm thể, hay thân thể mầu nhiệm" của Chúa Kitô. Trong nhiệm thể ấy, các chi thể liên kết với nhau và liên kết với một đầu như các cành nho liên kết với thân cây nho và một góc nho. Cũng như nhựa sống lưu thông từ góc nho đến các cành cây, thì sự sống của Thiên Chúa cũng được chuyển đến các chi thể như trong một thân thể. Như thế, các Kitô hữu được gắn với nhau vào một góc là Chúa Giêsu: "Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em"
Phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm rà. Cũng vì thế, con người chúng ta cũng phải để Chúa cắt tỉa những gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhường. Chúa cắt tỉa chúng ta bằng những thất bại ta gặp phải. Chúa huấn luyện ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh. Chúa mài giũa chúng ta bằng những hiểu lầm nghi kỵ của người khác. Chúa đào tạo chúng ta trong những phản bội của người thân tín. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.
Một điểm khác cũng được Chúa Giêsu nhấn mạnh ở đây, đó là"Cành nho phải sinh hoa trái". Người Kitô hữu không chỉ gắn với thân cây mà còn sinh hoa trái nữa. Bởi vì, không thiếu những cành gắn chặt với cây mà không sinh trái nào. Những cành đó sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa. Không sinh trái là bằng chứng không còn "Ở trong Thầy" , không còn kết hợp với Thầy, mặc dầu bên ngoài vẫn là một cây "xanh rờn" ! Sinh hoa kết quả dồi dào mới trở thành người môn đệ thật của Thầy. Hình ảnh có thể làm cho chúng ta sửng sốt. Đâu phải đợiđến khi bị liệt vào hạng khô khan, nguội lạnh hay phạm những tội tầyđình mới bị loại khỏi cộng đoàn của Chúa. Sự sống từ Chúa Giêsu chi có thể là sức sống, làm nở hoa kết trái. chỉ có hai trạng thái: sinh trái hoặc không sinh trái, không có trạng thái thứ ba, hiểu theo nghĩa "cầm hơi hay cầm chừng". Người Kitô hữu trở thảnh môn đệ của Chúa Kitô bằng chính việc sinh nhiểu hoa trái và Thiên Chúa được tôn vinh cũng bằng chính việc người Kitô hữu sinh nhiều hoa trái. Chúa Giêsu đã khẳng định: "điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy".
Thế nào là sinh hoa kết trái? chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời ngay trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Gioan nói: " ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy, và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy". Thánh Gioan còn căn dặn: "Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm" (1Ga 3, 18). Do đó, chúng ta có thể hiểu được rằng, "sinh hoa trái" là yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, tạo sự hạnh phúc cho người khác. Phải phục vụ thật lợi ích của anh em, thì mới nói được rằng chúng ta đang ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta. Chỉ có tình thương yêu đích thực, thực từ trong lòng ra hành động, mới là tình yêu thương hiệp nhất, hiệp nhất chúng ta nên một với anh em, hiệp nhất chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô là " cây nho Chúa Cha trồng tỉa" để sinh nhiều hoa thơm trái ngọt.
Hình ảnh của sự cắt tỉa còn gợi lên sự mất mát, đau đớn. Thế nhưng, mất mát dẫn đến thắng lợi, khổ đau dẫn đến vinh quang, sự chết dẫn đến phục sinh. Đó là bài học xuyên suốt cuộc đời, lời rao giảng và cái chết của Chúa Giêsu. Nhựa sống từ cây nho là Chúa Giêsu đã không ngừng nuôi sống Giáo Hội. Với cái nhìn đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất, qua việc trở lại với những giá trị của Tin Mừng, Giáo Hội cởi bỏ được chiếc áo của quyền lực và hào nhoáng, để mặc lấy tinh thần phục vụ, khiêm tốn, đơn nghèo. Sự hoán cải của nhiều Kitô hữu trở thành con đường cho những người thành tâm thiện chí của người cần gặp Chúa Kitô. Giáo Hội sinh nhiều con cái là nhờ các chi thể của mình là những cành nho luôn được cắt tỉa.
Như cành liền cây mới sống được và phải cắt tỉa mới sinh nhiều hoa trái, Người Kitô hữu phải sống nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô mới có thể sống như Chúa Kitô, sống cho Thiên Chúa và cho mọi người anh em. Đó là đòi hỏi căn bản của đời sống Kitô hữu. Chúng ta yêu thương mọi người một cách chân thành, và giúp đỡ họ thỉ chúng ta là người ở trong Thiên Chúa, kết hợp với Chúa Kitô, mới thật là cành nho gắn liền với cây nho. Chính Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu là Cây Nho thật, xin cho chúng con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong chúng con, để chúng con sinh nhiều hoa trái tốt như lòng Chúa mong ước. Amen.
HIỆP THÔNG VỚI CHÚA VÀ VỚI THA NHÂN
Ga 15,1-8
1. Têrêsa: Mãu gương hiệp thông với Chúa:
Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, sinh năm 1873 tại A-lăng-sông (Alancon) nước Pháp. Ngay từ năm 15 tuổi, Tê-rê-sa đã được đặc ân gia nhập dòng kín Các-men. Chín năm sau, tức năm 1897, chị Tê-rê-sa đã an nghỉ trong Chúa do bị bệnh lao phổi. Thế mà, ngay sau khi qua đời, tiếng thơm nhân đức của ngài đã vang đi khắp nơi. Rồi 28 năm sau, tức vào năm 1925, Tê-rê-sa đã được Đức Pi-ô XI phong lên bậc hiển thánh và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Mới đây, Đức Gio-an Phao-lô Đệ Nhị lại phong Tê-rê-sa làm tiến sĩ của Hội Thánh.
Đọc tiểu sử của thánh nữ, ta thấy chị không phải vất vả đi khắp nơi giảng dạy giáo lý Thánh Kinh cho dân chúng, đương đầu với lạc giáo như thánh Đa-minh; Không sống khắc khổ hay ăn chay đánh tội như thánh Phan-xi-cô Khó Khăn; Không phải bỏ quê hương đi đến những vùng xa xôi truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê ; Không để lại nhiều tác phẩm có giá trị triết lý và thần học như thánh Tô-ma A-qui-nô ; Không làm nhiều phép lạ giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh như thánh Mác-tin Po-rê; Không chịu cực hình đau khổ để làm chứng cho Chúa như các thánh tử đạo Việt Nam... Thế nhưng tại sao Tê-rê-sa lại được Hội Thánh tôn vinh như một đại Thánh của thế kỷ XX và XXI? Thưa chính là nhờ chị có đời sống nội tâm đạo đức, luôn kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su như cành nho gắn liền với thân cây nho. Nhờ sự kết hiệp đó, dù không làm được những việc lớn lao bề ngoài, nhưng Tê-rê-sa đã đem lại nhiều ích lợi cho Hội Thánh, đặc biệt là đường lối nên thánh của chị thánh phù hợp với Lời Chúa dạy và với tâm lý của con người thời đại mới. Nhờ kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su, mà Tê-rê-sa đã đem lại một sinh lực mới cho Hội Thánh, như lời Chúa phán: "Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5).
2. Hiệp thông với Chúa như cành nho kết hiệp với thân cây nho:
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự hiệp thông với Đức Giê-su là điều kiện để đức Tin của các môn đệ phát sinh hoa trái. Cũng như cành nho phải kết hiệp mật thiết với thân cây mới sinh hoa kết quả thế nào, thì các tín hữu cũng phải kết hiệp mật thiết vối Chúa Giê-su mới có thể chu tòan sứ mệnh làm vinh danh cho Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi anh em.
3. Hiệp thông với Chúa để hiệp thông với tha nhân:
Qua tác phẩm "Tự thuật" mà Tê-rê-sa đã vâng lời bề trên trình bày về linh đạo của mình. Linh đạo ấy được gọi là Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng, là Đức Bác Ái rút ra từ lời dạy và gương lành của Đức Giê-su trong Tân Ước, và được tóm gọn như sau:
- Luôn tin yêu phó thác mọi sự cho Chúa quan phòng, giống như đứa con thơ ở trong lòng bà mẹ.
- Quyết tâm thực thi tình mến Chúa yêu người trong cuộc sống hằng ngày: "Sống đời thường bằng một cách thức phi thường".
- Tận hiến toàn thân để làm vinh danh Chúa và khiêm nhường phục vụ tha nhân.
- Vui vẻ đón nhận những sự hiểu lầm bất công hay khinh dể của tha nhân, như những món quà Chúa gởi đến giúp ta nên thánh.
Tê-rê-sa đã viết trong cuốn Tự Thuật như sau: "Đức Ái đã cho tôi thấy chìa khóa về ơn gọi của tôi. Tôi hiểu rằng: nếu Hội Thánh là một thân thể gồm nhiều chi thể, thì các chi thể đương nhiên phải có một chi trọng yếu hơn. Đó là trái tim luôn cháy lửa yêu mến. Chỉ có lòng mến mới thúc bách mọi thành viên trong Hội Thánh hăng hái hoạt động. Nếu ngọn lửa mến đó tắt đi thì các tông đồ không còn rao giảng Tin mừng, các vị tử đạo sẽ không hy sinh đổ máu. Tôi hiểu lòng mến bao trùm mọi ơn gọi khác, bao quát mọi không gian và thời gian. Tóm lại lòng mến là vĩnh cửu". Quả vậy, chính lòng mến Chúa tha thiết đã làm cho Tê-rê-sa tiến lên tới đỉnh trọn lành, và kết thúc cuộc đời trong sự bình an hạnh phúc.
Về đời sống nội tâm, Tê-rê-sa đã thưa với Đức Giê-su trong cuốn Tự Thuật như sau: "Ôi Giê-su là Tình Yêu của con. Con đã khám phá ra ơn gọi của con là Sống Tình Yêu! Con đã tìm ra chỗ đứng của con trong lòng Hội Thánh là mẹ con mà Chúa đã ban cho con. Con sẽ là Tình Yêu, và như vậy con sẽ là tất cả..."
4. Lạy Chúa Giêsu.
Hôm nay xin Chúa cũng giúp chúng con biết noi gương Đức Maria trong việc hiệp thông với Chúa và với tha nhân: Sau khi thụ thai Hài nhi Giêsu, Mẹ đã đem Thai Nhi đi viếng thăm bà chị họ để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho cả gia đình Gia-ca-ri-a. Nhờ đó thai nhi Gio-an Tẩy Giả đã nhảy mừng trong dạ mẹ vì được khỏi tội tổ tông truyền. Xin cho chúng con hôm nay, mỗi lần dự lễ và rước Chúa Giêsu vào lòng, cũng biết đem Chúa là tình yêu đến chia sẻ cho những người thân chưa tin nhận Chúa, thăm viếng thắt chặt tình thân với các thành viên trong cộng đoàn... và sẵn sàng khiêm tốn phục vụ Chúa hiện thân trong những người neo đơn bệnh tật và bất hạnh... Nhờ được luôn hiệp thông với Chúa, chúng con sẽ biết quên mình, vác thập giá là những rủi ro trái ý gặp phải hằng ngày và bước theo chân Chúa trên đường lên Núi Sọ noi gương Mẹ Maria xưa. AMEN.
LM ĐAN VINH www.hiephoithanhmau.com
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Ga. 15, 1 - 8
Anh chị em thân mến.
Nước VN chúng ta đang trên đà phát triển, nên hệ thống giao thông cũng dần dần được nâng cấp. Nếu chúng ta nhìn thấy được tiến trình cho con đường được bằng phẵng tốt đẹp, chúng ta phải công nhận rằng ,đó là một kỳ công. Con đường được hình thành từ những viên đá có nhiều góc cạnh khác nhau. Nhưng chúng phải biết nhường nhịn nhau, chúng được xoay trở cách nào đó, để có thể nằm sát bên nhau mà không có một trở ngại nào đáng kể.
Nếu có viên đá nào không muốn đồng số phận, mà lại muốn vươn lên trên để cho mọi người có thể nhìn thấy nó. Khi đó có thể viên đá đó sẽ tự hào vì mình khôn ngoan hơn cấc viên đá khác. Nhưng thực ra, đó là điều hết sức vô phúc cho nó. Viên đá đó sẽ bị nhận xuống bằng những đe, búa rất nặng cho đến đỗi thân hình nó không còn nguyên vẹn. Nếu nó cứng đầu hơn, không chịu chìm xuống, cũng không chịu bể ra, thì số phận của nó sẽ bị loại ra ngoài. Nó không được liên kết với các bạn để tạo nên một con đường tốt đẹp, phục vụ cho con người. Số phận nó từ đây không ai còn biết đến nữa, vì nó đã trở nên vô ích, nên nó phải sống trong sự cô đơn và buồn tẻ.
"Thầy là cây nho, chúng con là cành."
Cành cây luôn dính liền với thân cây mới có sự sống. Cành cây muốn đạt được kết quả tốt đẹp, thì phải được thân cây truyền cho nhựa sống dồi dào. Có những lúc cành cây còn phải chịu sự cắt tỉa,để bỏ đi những gì không cần thiết. Sự bỏ đi sẽ làm cho cành cây nhiều khi trở nên đau đớn. Nhưng đó là sụ đau đớn cần thiết. Khi cơn đau qua đi, cành cây sẽ mạnh mẽ hơn, cho những cành tươi tốt hơn, để có thể cho những hoa trái cần thiết hơn. Nếu những cành nào vượt cao quá mà dùng những tàn lá của mình, che lấp đi những cành khác, nó cũng bị cắt tỉa để cho thân cây được thoáng mát và những cành khác cũng có cơ hội phát triển. Còn nếu cành nào tự lìa bỏ thân cây vì bất cứ lý do gì, thì số phận của nó chắc ai cũng biết. Nó không thể nào tự sống nỗi.
Các Môn Đệ là những cành nho thật sự, biết bám chặc vào thân, nên các ông đã sinh nhiều hoa trái tốt đẹp. Những hoa trái mà ngày nay chúng ta còn đang tiếp tục hưởng dùng.
" Thầy là cây nho, chúng con là cành."
Mỗi người trong chúng ta cũng là những cành nho gắng liền với gốc là Chúa Kitô. Chủ vườn luôn chăm sóc vườn nho của mình thật chu đáo. Ông đến cắt tỉa, săn sóc từng cành, sẳn sàng bỏ đi những gì làm nguy hại cho những cành nho yêu quí của mình. Ông muốn cho những cành mà ông chăm sóc được luôn tốt đẹp để nó đạt được kết quả khả quan hơn. Nên ông cũng thường tìm đến để xem sự chăm sóc của mình có kết quả gì không. Ông vui mừng biết bao khi trong tay có những chùm nho tươi đẹp. Trái lại ông cũng rất buồn khi tìm mãi mà chẵng thấy một kết quả nào, cho dù ông đã cố công chăm sóc. Nếu cành nào quá vô dụng đến thế, chắc ông sẽ không để nó đeo bám vào thân làm gì. Số phận nó sẽ bị tách rời khỏi thân, tách rời khỏi những cành khác, nó không còn được ở gần những cành khác, mà phải chịu số phận cô đơn và khô héo đi trong sự buồn tẻ, để rồi không còn ai biết đến nó nữa.
Con người chúng ta trong cuộc sống, có những lúc mình gặp những buồn hiền cay đắng, những điều không may. Có thể đó là những lúc chủ vườn nho đang cắt tỉa đi những chồi phát triển không đúng chỗ. Có những lúc chúng ta được sung túc may mắn, làm ăn thuận lợi. Những lúc đó, chủ vườn cũng đến tìm kết quả nơi chúng ta. Nếu những cành nho chỉ biết phát triển những cành lá, làm tổn hao nhựa sống chung của gốc mà không có kết quả, trái lại những cành lá của nó càng ngày càng che lấp đi những cành khác. Nó cũng bị cắt tỉa đi. Đó là những lúc chúng ta tự phụ về những gì mình có được, để rồi không còn biết đến ai, nhưng trái lại còn đè bẹp kẻ khác. Khi đó chủ vườn sẽ làm công việc của mình đối với những cành lá như thế. Vị chủ vườn sẽ vui mừng biết bao, khi thấy những cành nho mà mình đã chăm sóc có kết quả tốt đẹp. Cũng như những viên đá trên đường biết liên kết và nhường nhịn nhau, tạo nên con đường láng, phẳng, phục vụ cho con người.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết luôn sống kết hợp với Chúa và anh em, để có được sức sống dồi dào và đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong đời sống hằng ngày.
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Ga. 15, 1 - 8
Nếu như có người hỏi rằng : "Với sự cố gắng của riêng bản thân mình, chúng ta có thể sống đẹp lòng Chúa được không ?", thì anh chị em sẽ trả lời như thế nào? Có lẽ hầu hết chúng ta đều có thể trả lời ngay được rằng : "Không". Tại sao? Thưa bởi vì chính Đức Giêsu đã quả quyết rằng : "Không có Thầy, chúng con không thể làm gì được.".
Nghĩa là nếu không có ơn Chúa tác động, nếu không có ơn Chúa trợ giúp, thì chúng ta không thể sống đẹp lòng Chúa được. Nói khác đi là chúng ta có sống đạo tốt hay không, và tốt đến mức độ nào là hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ gắn bó với Đức Kitô. Cho nên trong bài phúc âm ngày hôm nay, Đức Giêsu đã dùng một hình ảnh rất quen thuộc với người Do Thái để nói lên một chân lý quan trọng trong đời sống người Kitô hữu, đó là sự cần thiết phải gắn bó với Chúa Kitô "Thầy là cây nho, chúng con là cành nho, cành nào kết hợp cùng cây, sẽ trổ sinh hoa trái". Cũng như cành nho muốn được sống, muốn đơm hoa kết trái, nó cần phải bám chặt vào thân nho như thế nào, thì đời sống người kitô như thế.
Mặc dù hình ảnh cây nho và cành nho nó không quen thuộc với chúng ta ở đây, nhưng chúng ta có thể dễ dàng hiểu được điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây : Cành cây mà không gắn được với thân cây thì nó sẽ khô héo và chết đi, dù đó là bất cứ cây gì đi nữa. Điều quan trọng mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở đây không phải là quá trình sinh trưởng của cây nho, mà là suy nghĩ xem có những cách nào để giúp ta sống gắn bó với Đức Giêsu.
Bởi vì qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được coi là những cành nho của Chúa, mà bổn phận của cành nho là phải cho những trái thơm tho ngọt ngào. Còn ngược lại không thực hiện được bổn phận đó, thì số phận của nó cũng đã được nêu rõ trong bài phúc âm này qua những lời tuyên bố của Đức Giêsu : "Nhành nào không sinh trái thì sẽ bị chặt đi, nó sẽ ra khô héo và người ta sẽ gom nó lại mà đốt đi". Như Thánh Phaolô đã xác quyết rằng : "Nếu Đức Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta sẽ nên trống rỗng", thì hôm nay Giáo Hội cũng khẳng định với chúng ta rằng : Nếu anh chị em là những Kitô hữu, là những cành nho của thân nho Đức Kitô, mà không biết sống gắn bó với Người, thì tất cả những gì chúng ta đang theo đuổi trong đời sống đạo ngày hôm nay, những gì chúng ta hy vọng và tin tưởng ở cuộc sống đời sau sẽ không có nền tảng và cũng chẳng có gì là bảo đảm.
Bởi vì Đức Kitô là Đấng trung gian duy nhất của ơn cứu độ khi Người phán rằng : " Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến đựơc với Cha mà không qua Thầy".
Thưa anh chị em! Nếu như trong đời sống đạo của mình, việc gắn bó với Chúa vẫn còn là một điều mới mẽ, xa lạ, thì ngay từ ngày hôm nay, chúng ta hãy quyết tâm thực hiện điều đó đi. Chúng ta có thể sống gắn bó với Chúa bằng tấm lòng yêu mến của chúng ta đối với Người. Kinh nghiệm cho thấy rằng : Khi yêu ai, người ta luôn nghĩ tới người đó, muốn được ở gần người đó và nhất là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu.
Nơi bài đọc II, Thánh Gioan đã khéo léo chỉ cho chúng ta cách thể hiện tình yêu đẹp đẽ, đúng đắn khi Ngài nói rằng : "Chúng ta đừng yêu thương bằng lời nói, nhưng hãy yêu thương bằng chính việc làm chân thật của mình". Mà việc làm ở đây chính là tuân giữ các giới răn của Chúa. Ai tuân giữ giới răn của Chúa là ở lại trong Thiên Chúa. Khi nói tới giới răn, nói tới lề luật, thì dường như chúng ta có cảm giác khó chịu, lắc đầu ngao ngán, bởi vì chúng ta thường coi đó như là một gánh nặng, một thứ dây vô hình trói buột sự tự do của mình.
Thế nhưng nhìn cho kỹ, chúng ta sẽ phải cám ơn Chúa vì lề luật đó là một thứ rào chắn cần thiết che chở chúng ta khỏi phải rơi xuống vực thẳm. Bao lâu chúng ta còn tuân giữ lề luật của Chúa là bấy lâu chúng ta vẫn còn đang đi trên đường dẫn tới hạnh phúc. Còn đi trên đường này là chúng ta còn đi với Chúa, mà còn đi với Chúa là chúng ta còn đang gắn bó với Người. Ngoài ra, chúng ta có thể hiện sự gắn bó với Chúa qua việc sống gắn bó với anh chị em sống xung quanh mình. Tôi là một cành nho, anh chị em tôi, những người đang sống chung quanh tôi, cũng là những cành nho khác như tôi. Tất cả mọi cành nho đều sống nhờ vào nguồn dinh dưỡng của một cây mà thôi. Cho nên giữa những cành nho với nhau cũng có những liên hệ đặc biệt khác nữa. Một cành nào đó bất ngờ bị chặt đi, thì không chỉ riêng một mình nó đớn đau mà là toàn bộ cây nho cũng đau đớn như thế.
La Fontaine đã viết một câu chuyện ngụ ngôn như thế này : "Một ngày nọ, tất cả các chi thể trong thân mình quyết tâm đình công, không chịu làm việc để phản đối cái miệng, vì nhận thấy rằng : cái miệng từ đó tới giờ chỉ có ăn mà không chịu làm gì cả. Trước sự phản đối này, cái miệng quyết định là từ nay sẽ không ăn nữa. Kết quả là chỉ sau một ngày mà thôi, tất cả các chi thể khác đều mệt mỏi rã rời và không còn đủ khả năng để trở lại với công việc của mình nữa".
Trong cuộc sống đời thường, đã muốn hay không muốn chúng ta cũng phải dựa vào người khác để có cái ăn cái mặc để chúng ta có thể sống và tồn tại. Thì trong đời sống đạo, đời sống siêu nhiên cũng vậy, chúng ta không phải là những hòn đá nằm cạnh nhau một cách lạnh lùng, mà chúng ta là những anh em với nhau, những anh em có cùng một Cha trên trời, những anh em cũng sống nhờ vào một nguồn sống duy nhất là Đức Kitô, cho nên chúng ta phải yêu thương gắn bó với nhau. Vã lại chính Đức Kitô đã từng xác nhận rằng : "Điều gì các con đã làm cho một trong những anh em bé mọn nhất ở đây, là các con đã làm cho chính Ta". Như thế, sống gắn bó với anh chị em của mình cũng là lúc chúng ta đang sống gắn bó với Chúa.
Thưa anh chị em! Nếu như Phụng Vụ Lời Chúa của ngày Chúa Nhật hôm nay, đã giúp cho chúng ta phần nào hiểu đựơc sự cần thiết phải gắn bó với Đức Kitô và biết đựơc một vài cách thức để thể hiện sự gắn bó đó, thì con tin rằng : Nhờ ơn Chúa soi sáng mỗi người chúng ta cũng sẽ biết được rằng mình sẽ phải làm gì để cành nho đời sống đạo của mình có thể sống và trổ sinh hoa trái như lòng Chúa ước mong.
THẦY LÀ CÂY NHO THẬT
Ga 15,1-8
1. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, trong bầu khí thân mật sau buổi tiệc ly với các môn đệ của mình, Đức Giêsu trong tư cách là người bạn, người thầy, người cha. Người đã nhấn mạnh mối tương quan cần phải có giữa Người với các môn đệ, hình ảnh cây nho và cành nho, một hình ảnh rất quen thuộc với người Do thái, được dùng để nói lên sự liên hệ này. Vượt trên không gian và thời gian, dụ ngôn này vẫn phù hợp với chúng ta và đáng cho chúng ta suy gẫm.
2. Chính Đức Giêsu đã giải thích dụ ngôn này, cây nho là Đức Giêsu, cành nho là người môn đệ và người trồng nho chính là Chúa Cha. Chỉ trong liên kết chặt chẽ với Đức Giêsu người môn đệ mới có thể sống phong phú. Để sinh hoa trái tốt đẹp người môn đệ cũng phải được cắt tỉa và chính đời sống tốt đẹp của người Kitô hữu đó là một hình thức tôn vinh Chúa Cha.
3. Người Kitô hữu cần phải được liên kết mật thiết với Thiên Chúa, qua Đức Giêsu. Đức Giêsu là cây nho đích thực mà Chúa Cha đã trồng, bằng cách sai Người xuống thế gian. Nơi Đức Giêsu mới có sự sống thật, sự sống thần linh. Qua cuộc khổ nạn, tử nạn và phục sinh Người ban sự sống thần linh cho tất cả mọi người, mà loài người đã đánh mất vì tội Ađam, để biến họ thành con cái đích thực của Thiên Chúa.
Cây và cành phải có mối tương quan mật thiết với nhau. Cây nho mà không có cành thì không thể có sức sống mạnh và mang trái được. Cũng thế Đức Giêsu mời gọi các môn đệ cộng tác để tiếp nối công trình cứu độ của Người, nhưng dầu sao người môn đệ cũng chỉ là cành mà thôi, Cành muốn sống hữu ích, mang lại hoa trái thì phải liên kết mật thiết với cây nho :"Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái" . Tôi biết có những giáo dân tuy rất xa nhà thờ, nhưng họ cố gắng đi lễ mỗi khi có dịp và có thể được, ngoài ra họ còn giữ được việc đọc kinh hôm, kinh mai, nhờ thế họ là những tông đồ rất nhiệt thành. Tôi cũng được biết có những người mang danh là Kitô hữu, tuy không xa nhà thờ, mà việc kinh, lễ rất lôi thôi, cho nên con cái của họ đa phần là bị rối rắm trong hôn nhân. Vậy để đức tin được vững mạnh, người Kitô hữu phải dùng mọi phương thế để kết hợp mật thiết với Đức Kitô.
4. Không những người Kitô hữu phải dùng mọi phương thế để kết hợp mật thiết với Đức Kitô mà thôi, mà cũng như cành nho muốn sinh nhiều hoa trái cần phải vượt qua những trở ngại của thời tiết, môi trường sống và được cắt tỉa.
Cây nho nơi vườn, không hẳn bao giờ môi trường sống cũng luôn thuận lợi, mà có khi gặp nắng hạn hay mưa dầm... Đời sống đạo của người Kitô hữu không phải bao giờ cũng dễ dàng, mà luôn có những thử thách, những khó khăn từ phía bên ngoài hay chính bản thân. Đức Kitô là cây nho đích thực của Thiên Chúa mà cũng phải trải qua thử thách : Người phải qua đau khổ mới trở thành vị lãnh đạo thập toàn đưa mọi người đến ơn cứu độ (x. Dt 2,10). Người cũng luôn mời gọi chúng ta cùng chia sẻ đau khổ thì mới có thể thông phần vinh phúc với Người.
Như cây nho cần được tỉa cành mới có thể tốt được, cũng vậy để đời sống thiêng liêng được phong phú, người môn đệ Chúa cũng rất cần phải được cắt tỉa dần lội lỗi, bỏ các thói hư tật xấu, có như vậy ngày mới có thể thanh sạch và hoàn thiện hơn. Cắt tỉa thì tiếc xót và đau đớn nhưng đó là việc cần thiết để sinh kết quả bội phần. Trung kiên qua thử thách, quyết bỏ các tính hư tật xấu, nhờ đó người môn để có thể nên tốt hơn, trở nên muối, men cho đời.
5. Đời sống tốt đẹp của người tín hữu đó là một phương cách hữu hiệu để tôn vinh Thiên Chúa Cha. Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta vẫn nguyện xin "danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Xin đừng đọc suông, mà đời sống của người Kitô hữu phải làm sao để tôn vinh Thiên Chúa thực sự. Chính trong liên kết mật thiết với Đức Kitô, cây nho đích thức của Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ được thánh hoá chính nơi bản thân mình bằng đời sống, bằng việc làm tốt đẹp, như ánh đèn toả sáng. Tiến xa hơn đó là thánh hoá tha nhân qua việc tông đồ. Công cuộc cứu rỗi của Đức Giêsu nhờ đó tiếp tục được lan rộng, đó chính là chúng ta góp phần tích cực tôn vinh Thiên Chúa, bởi vì ý của Thiên Chúa là muốn mọi người được nhận biết Thiên Chúa là Cha và họ được cứu rỗi.
6.Lạy Đức Kitô, cây nho đích thực của Thiên Chúa, xin cho mọi người chúng con biết ý thức luôn kết hiệp mật thiết với Người, để cho đời sống của chúng con được tràn đầy ân sủng và đem nguồn ơn cứu độ của Người đến cho tha nhân. Amen.
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Ga 15, 1- 8
"Thầy là cây nho, chúng con là cành, ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái" . (Ga 15,5)
Qua bài Tin Mừng này, ta hết sức cảm phục Chúa Giêsu, vì cách Người dùng hình ảnh thật giản dị, dễ hiểu, để diển tả một mầu nhiệm vừa cao cả, lại vừa hết sức trừu tượng; để nói về mối liên kết chặt chẽ phải có giữa người Kitô hữu với Chúa Giêsu, Người dùng hình ảnh cành nho luôn dính chặt vào thân nho; và cành nho, tự nó ý thức phải luôn dính chặt vào thân cây, nếu không nó sẽ chết. Như vậy muốn là người Kitô hữu thực sự có hạnh phúc, chính là phải "ở lại " trong Chúa Kitô, như cành nho không tách rời rời khỏi thân nho. Nhưng ở lại trong Chúa Kitô như thế nào? Và sinh hoa trái ra sao?
1. Giải thích:
a. Động từ Hy Lạp: ở lại (menein en) từ câu 2 đến câu 10, thánh Gioan dùng đến 10 lần có nghĩa: ở lại trong Chúa Giêsu ở lại trong lời Chúa , ở lại trong tình thương của Chúa, trong các môn đệ v.v.. Còn một nghĩa nữa làgắn liền với: "cành nho gắn liền với thân nho."
b. Với cách dịch động từ Menein en: "ở lại" , hay "gắn liền" , hay có vài bản dịch khác dịch là: tháp chặt vào, dính liền, không thể tách rời, xem ra cũng không phải là sai nghĩa như điều Chúa Giêsu muốn nói : Như cành nho phải liên kết với Thân nho thế nào thì người Kitô hữu cũng phải kết hợp chặt chẻ với Đức Kitô là sức sống, là hạnh phúc của họ. Sự liên kết đó đòi hỏi người Kitô hữu phải sống và hành động theo Lời của Đấng đã chết và sống lại vì yêu thương chúng ta.
c. Thực hành: Linh mục nhận lãnh chức vụ Linh mục từ Giám mục, từ Hội Thánh, nhưng lại không có ý hiệp thông, liên kết chặt chẽ với Hội Thánh, Linh mục sẽ ban Bí Tích thành sự, nhưng không sinh hiệu quả sống động cho người lãnh nhận... Như khi người giáo dân bình thường chúc lành cho nhau trong sự chân thành, yêu mến, ơn phúc lành đó sẽ ở lại nơi người được chúc phúc, và sinh ơn ích cho họ biết bao trong đời sống, dù họ không thấy được bằng mắt xác thịt.
2. Gợi ý suy niệm:
a. Ai trồng nho, lại không muốn nó sinh trái. Đất đai ở Việt Nam không phù hợp mấy với cây nho, nhưng ta thấy cũng có nhiều nơi trồng được, dù kết quả không cao. Cành, nhánh nho muốn sinh trái, phải được tháp chặt (ở lại, gắn liền, liên kết) với thân nho, nếu không, cành nho không những không sinh trái, mà còn phải chết nữa, vì tự mình cành nho không thể cho mình nhựa sống. Khi ta lãnh nhận Bí Tích Rửa tội là lãnh nhận ơn gọi trở thành cành nho, được gắn liền (tháp chặt, ở lại, liên kết) với Thân nho là Đức Kitô, ta có nhận ra ơn sủng cao cả này không? Ta có biết luôn cảm tạ Chúa mọi nơi mọi lúc và hết sức nỗ lực gắn liền "tháp chặt" và kết hợp với Thân Nho là Đức Kitô không? Là người Kitô hữu, ta có nghĩ mình được quyền sống bên lề họ đạo, không phải tham gia vào sinh hoạt của họ đạo, vì nghĩ rằng, mình đã đi lễ, cầu nguyện và giữ mọi Lề Luật của Hội Thánh là đủ không?
b. Cành nho muốn sinh nhiều trái, phải chịu để cho ông chủ cắt tỉa bớt những cành dư thừa. Ta có muốn và sẵn sàng để Chúa cắt tỉa những tính hư tật xấu, để ta ngày càng được tháp chặt, gắn liền với Thân Nho, để sinh nhiều hoa trái hơn nữa không?
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Ga 15, 1- 8
Cây nho và việc trồng nho rất quen thuộc đối với người Do thái nên Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho nói lên mối liên hệ rất mật thiết giữa Chúa và dân của Ngài. Chúa Giêsu là cây nho còn dân chúng xưa cũng như chúng ta hôm nay là cành nho gắn liền với thân nho là Chúa Giêsu. Cành nho hút nhựa sống từ thân cây nho để sống và sinh hoa kết quả. Nếu không liên kết, không gắn liền với thân nho, cành nho sẽ khô héo, tàn úa và chết đi, không thể sinh hoa quả được.
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội chúng ta được tháp nhập vào đời sống của thân nho là Chúa Giêsu, trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa. Khi tham dự Thánh lễ và Rước lễ chúng ta được nuôi dưỡng, được hút nhựa sống từ thân cây nho là Chúa Giêsu. Khi cành nho là chúng ta bị sâu bệnh, héo úa do tội tội lỗi của chúng ta, chúng ta được chữa lành và tha thứ qua Bí tích Giải tội. Ân sủng Chúa là nhựa sống của thân nho không ngừng cung cấp cho ngành nho là chúng ta, để chúng ta được sống và sống dồi dào và để chúng ta sinh hoa kết quả tốt lành trong đời sống đạo của chúng ta.
Ngược lại, nếu chúng ta không liên kết, không gắn bó với Chúa qua việc năng lãnh nhận các Bí tích thì đời sống của chúng ta sẽ héo úa, khô cằn vì thiếu nhựa sống từ thân cây là Chúa Giêsu. Như vậy thì đời sống chúng ta sẽ sẽ cằn cỗi, không sinh hoa trái được.
Nhờ đời sống cầu nguyện, nhờ việc năng lãnh nhận Bí tích nhất là Bí tích Giải tội và Thánh Thể, người Kitô hữu chúng ta ngày càng gắn bó hơn với Chúa Kitô, mà gắn bó với Chúa Kitô có nghĩa là cũng gắn bó với Chúa Cha. Nhờ gắn bó với Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ nhận ra những người chung quanh là anh chị em cùng là con một Cha trên trời.
Chúng ta là cành nho cần liên kết mật thiết với thân nho là Chúa Giêsu để chúng ta được sống, nhưng chúng ta cũng cần phải liên kết mật thiết với các cành nho khác là các anh chị em chung quanh chúng ta nữa. Thân nho là Chúa Giêsu cung cấp nhựa sống cho các cành nho, nhưng các cành nho cũng phải chuyển thông sự sống cho nhau nữa. Một cành nho héo úa, bệnh hoạn cũng ảnh hưởng đến sức sống của các cành nho khác.
Cũng vậy tội lỗi của một người trong chúng ta cũng ảnh hưởng đến người khác, đến cộng đoàn họ đạo, làm bớt đi sự thánh thiện của Hội Thánh. Và sự thánh thiện, tốt lành của một người sẽ làm tăng thêm sự thánh thiện, tốt lành của toàn thể Hội Thánh. Nếu họ đạo chúng ta có nhiều người tội lỗi thì sẽ làm giảm bớt đi sự tốt lành, thánh thiện của họ đạo, của mỗi người chúng ta và làm cho họ đạo chậm phát triển. Ngược lại nếu họ đạo chúng ta có nhiều người thánh thiện và rất ít người tội lỗi thì sẽ làm tăng sự thánh thiện tốt lành của họ đạo và của mỗi người chúng ta và sẽ làm cho họ đạo phát triển rất nhanh. Đó là sự liên đới trong cộng đồng của những người có cùng cùng một niềm tin như chúng ta.
Là người Kitô hữu, chúng ta đã trở nên một trong Chúa Kitô qua Bí tích Rửa tội. Chúng ta đang bước theo Chúa Kitô trên con đường tiến đến sự hoàn hảo như Thầy chí thánh của chúng ta là Chúa Kitô. Chúng ta còn trãi qua nhiều cám dổ của ma quỷ, của tội lỗi, của sự xấu để thanh luyện con người chúng ta.
Nếu không có Chúa chúng ta không thể đi trọn con đường như Chúa đã đi, nên chúng ta cần phải liên kết mật thiết với Chúa qua các Bí Tích để chúng ta có đủ sức mạnh thiêng liêng mà bước đi trên con đường theo Chúa. Chúng ta không đơn côi, không cô độc nhưng chúng ta còn có Chúa, còn có Hội Thánh, còn có biết bao người cùng niềm tin với chúng ta. Chúng ta hãy vững tin vào Chúa, hãy trợ giúp nhau sống tốt, hãy làm gương tốt cho nhau, hãy dìu dắt nhau để chúng ta được tăng thêm sức mạnh và luôn vững bước trên con đường theo Chúa, để Chúa ở đâu chúng ta cũng được ở đó với Chúa.
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Ga 15, 1- 8
Cây nho, cành nho và trái nho
Người ta nói rằng ở Ephesô có 1 ngôi đền rất nổi tiếng. Đó là đền thờ thần Diana. Một trong những nét độc đáo làm cho ngôi đền trở thành nổi tiếng là trong ngôi đền đó có cả 1 thang lầu làm từ 1 gốc cây nho duy nhất được mang về từ đảo Chypre. Rất oai nghi! Rất hùng tráng. Biết được như thế chúng ta mới có thể phần nào hiểu được hình ảnh và ý niệm về cây nho mà hôm nay chúa Giêsu đãsánh ví với Ngài.
Một cách cụ thể, hôm nay Chúa Giêsu xác định và tuyên bố: "Thầy là cây nho các con là nhành". (Yn 15,5). Tại làm sao Chúa lại tyên bố như thế. Lời tuyên bố ấy được nói trong hoàn cảnh nào và có ý nghĩa gì?
Theo chú giải Kinh Thánh thì Đức Giêsu nói những lời này với các môn đệ ngay sau bữa ăn cuối cùng với các ông. Giả thiết rằng có thể trên đường đi từ nhà tiệc ly đến vườn Giêtsêmani. Đức Giêsu biết rằng Người sẽ phải rời xa các môn đệ để bước vào cái chết. Người cũng biết môn đệ Phêrô sẽ chối Thầy, Giuđa sẽ phản bội . Tất cả các môn đệ còn lại cũng sẽ chối bỏ Người. Mọi sự như tan vỡ và chấm dứt. Chính trong hoàn cảnh đó, Đức Giêsu đã xưng mình là cây nho và các môn đệ là cành nho.
Khi khám phá ra điều này, tôi hiểu rằng Chúa muốn bộc lộ 1 ước mơ, và Ngài muốn ước mơ đó trở thành hiện thực. Cũng có thể nói được rằng ước mơ đó là 1 chân lý. Chân lý đó ở chỗ này:
Cho dù các môn đệ có phản bội, có khước từ nhưng Ngài vẫn gắn bó vơi họ.
Và cho dù Chúa Giêsu không ở với họ theo nghĩa thể lý nữa thì chính sự liên kết bền chặt giữa các môn đệ là yếu tố nền tảng làm cho các ông vẫn đứng vững và đoàn kết với nhau bất chấp phản bội, bất chấp khước từ, bất chấp yếu đuối đến độ hèn nhát.
Chúa Giêsu diễn tả điều tôi vừa nói bằng hình ảnh gắn liền của thân nho và cành nho. Cây nho và cành nho có cùng 1 sự sống và cùng 1 dòng nhựa. Cành sống nhờ cây. Cành có khả năng sinh được hoa quả là nhờ nối kết với thân cây. Nếu cành tách lìa khỏi thân cây, chúng sẽ không chỉ trở nên cằn cỗi mà còn nhanh chóng bị khô héo và chết rục.
Cũng thế, giống như những cành cây cần thân cây. Chúng ta cần đến Đức Giêsu Kitô vì sự sống của Người. Khi bị tách lìa khỏi Người, chúng ta không có sự sống và không có khả năng sinh trái. Nhưng cây cũng cần đến cành. Chính những cành nho mới sinh những trái nho. Như thế, chúng ta không những cần đến Đức Giêsu mà Người cũng cần đến chúng ta. Người đợi chờ hoa trái của Người trổ sinh nơi chúng ta, qua chúng ta. Nói cách khác chúng ta có bổn phận sinh hoa trái cho Người.
Thếnhưng thực tế chúng ta đã thực sự sản sinh ra những trái nho ấy chưa. Người khác có cảm nếm và thưởng thức được vị ngon vị ngọt của những trái nho ấy chưa.
Như thế, hoá ra lời tin mừng hôm nay lại là một lời tra vấn chúng ta, khi ta nhìn thấy sự cằn cỗi của ta, trong Giáo Hội và của thế giới. Đời ta không trổ sinh hoa trái được là vì ta chưa chịu cắt tỉa khi đời sống ta có nhiều cái thừa và không ít những cái thiếu. Thừa tiền bạc, thừa địa vị, thừa ích kỷ, thừa cái tôi chật hẹp của mình. Nhưng ta lại thiếu quá nhiều, thiếu cảm thông, thiếu chia sẻ, thiếu hợp tác, thiếu quan tâm đến người khác... Đang khi đó, Giáo Hội tuy có không ít những thánh nhân nhưng lại có quá nhiều người như chúng ta. Điều đó làm cho khuôn mặt Giáo Hội thêm già nua, cằn cỗi. Bên cạnh đó, xã hội càng ngày càng nảy sinh nhiều vấn nạn: sự chênh lệch giàu nghèo, nạn ma túy, tình dục, siđa, nạn tham nhũng ở Á Châu và Việt Nam ... đang là vấn đề thời sự. Khuôn mặt thế giới đang héo tàn.
Vì thế trách nhiệm sinh hoa trái thánh thiện đạo đức đòi hỏi ta rất lớn và rất nhiều. Và muốn được như thế đời ta cần chấp nhận cắt tỉa những gì cản trở những gì không cần thiết cho mùa dơm hoa kết trái. Đồng thời, ta hãy đóng góp những hoa trái tốt lành ấy cho nhân loại cho Giáo Hội. Được như thế mọi người sẽ nhận ra cây nho thật là Đức Kitô. Người trồng nho là Thiên Chúa. Và người ta sẽ cảm nếm được hương vị ngọt ngào, thánh thiện, thanh khiết của những trái nho. Amen
Một hình ảnh rất đẹp khác mà Chúa Giêsu đã sử dụng để nói lên tương quan sống còn và tương quan triển nở giữa các môn đệ của Ngài với Ngài là hình ảnh cành nho với thân nho. Muốn sinh nhiều hoa trái thiêng liêng, người Kitô hữu cần phải kết hợp mật thiết với Chúa Kitô là nguồn sống, tức là phải ở lại trong tình yêu của Ngài. Ở lại qua việc tuân giữ lời Ngài. Đồng thời phải chấp nhận để cho Thiên Chúa cắt tỉa, thanh luyện, nghĩa là phải chấp nhận hy sinh thử thách và gian khổ. Dĩ nhiên cắt tỉa là phải đau đớn. Có khi bị rướm máu.
Nhìn lại thực trạng sống đạo hôm nay, chúng ta dễ dàng thấy có 3 hạng Kitô hữu:
- Hữu danh vô thần:
Họ là những người mang danh là Kitô hữu, xưng mình là đạo gốc đạo dòng, là "cành nho" chính thống, nhưng đã tách lìa Đức Kitô và xa lìa Giáo hội. Họ sống như những người vô thần không hơn không kém. Họ không giữ đạo và cũng không sống đạo.
Đây là hạng người đáng sợ nhất vì họ rất dễ rơi vào nguy cơ tháp nối với cây tiền tài, cây danh vọng, cây quyền lực, cây sắc dục.... Và chắc chắn cành nho đời họ sẽ sinh trái nho hoang nho dại, thậm chí là nho độc nho hại nữa.
- Hữu danh vô thực:
Là những người mang danh có đạo, có khi giữ đạo tốt, nhưng không sống đạo hay sống đạo kiểu cầm chừng, đủ rỗi linh hồn là được. Có đạo nhưng không thực hành đạo vì ngại bị cắt tỉa, ngại dấn thân, sợ thua thiệt.
Số phận của những người hữu danh vô thực thì sao ? Có thể nói được rằng số phận của họ thật đáng buồn vì họ như những "cành nho vô tích sự" không sinh được hoa trái thiêng liêng nào, nên chỉ còn có việc chặt làm củi.
- Hữu danh hữu thực:
Đây là những Kitô hữu sống đạo thực sự. Họ sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh sinh, mọi cắt tỉa mỗi ngày để hoa trái được phong nhiêu: "Hạt 30, hạt 60, hạt 100". Đối với họ, Lời Chúa luôn là nhựa sống đem lại sự sống cho cành nho đời họ. Lời Chúa còn là phương thế cắt tỉa, thanh luyện để họ có thể sinh hoa trái dồi dào hơn: hoa trái bác ái yêu thương, hoa trái công bình chính trực, hoa trái hiệp nhất bình an....
Tôi đang thuộc hạng người nào trên đây ? Phúc cho tôi nếu tôi có tên trong danh sách những người thuộc hạng thứ 3, "hữu danh hữu thực". Ngược lại, thật bất hạnh cho tôi nếu tôi bị liệt vào hàng ngũ những người thuộc diện "hữu danh vô thực", hay "hữu danh vô thần", là những hạng Kitô hữu sẽ bị phán xét công thẳng trước toà phán xét của Thiên Chúa sau này.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
Chúa Giêsu đã ví mình như Mục Tử tốt lành, hôm nay Ngài lại tuyên bố: " Thầy là cây nho thật ".Chúa dùng hình ảnh cây nho để nói lên sự gắn bó của Ngài với các Kitô hữu. Bởi vì theo Kinh Thánh, cây nho là một biểu tượng, một hình ảnh rất quen thuộc đối với người Do Thái. Thực tế, có người đã nói cây nho là cây sự sống được Thiên Chúa trồng trong vườn Eden ( Stk 2, 9 ).
Hình ảnh vườn nho, cây nho, trái nho, chùm nho là một hình ảnh thân quen đối với người Do Thái và những nước Âu Châu, Mỹ Châu vv...Hình ảnh cây nho và sự liên kết, gắn bó giữa thân và các cành ám chỉ Đức Kitô Phục Sinh như cây nho và các Kitô hữu như các cành. Cây và cành có cùng một sự sống. Nhựa nguyên lưu thông trong thân cây và chuyền tới khắp các cành nhờ đó các lá, cành xanh tươi. Sự sống từ cây nho làm cho các cành sinh hoa trái.Chúa đã nói nhiều lần về sự sinh trái và ở lại trong Ngài. Vì nếu cây nho không còn nhựa thì các cành sẽ khô héo. Còn nếu thân nho và các cành nho liên kết, nhựa lưu thông đều thì cây và các cành sẽ xanh tươi, và các nhánh cây nho sẽ sinh hoa kết trái. Các cành nho càng liên kết với thân nho thì càng sinh hoa trái. Chúa dạy chúng ta phải luôn kết hợp mật thiết với Chúa. Có kết hợp mật thiết với Chúa, chúng ta mới đem lại kết quả thiêng liêng đối với người khác và với chính mình chúng ta được.
Kết hợp với Chúa là sống mật thiết với tình yêu của Chúa như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống, như nhiều Vị Thánh đã sống. Kết hợp với Chúa là sống thân mật với Chúa trong tình yêu. Ở lại trong Chúa sẽ sinh hoa trái. Không ở trong Chúa, không thể nào sinh hoa kết quả. Nhìn hoa, nhìn trái chúng ta sẽ thấy mức độ gắn bó của cành. Giáo Hội sẽ vững bền, nếu Giáo Hội luôn ở trong Chúa. Ở lại trong Chúa, Giáo Hội sẽ sinh nhiều con cái như lòng Chúa mong ước. Chúng ta làm cho vinh quang của Thiên Chúa được tỏa sáng nếu chúng ta luôn ở trong Ngài. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm cho vinh quang của Thiên Chúa bị khô cằn khi chúng ta sống ngoài Thiên Chúa. Thế giới ngày nay vẫn tự hào là đang sống trong nền văn minh kỹ thuật tột bậc, nhưng tất cả những kỹ thuật cao, những văn minh tiến bộ, khoa học kỹ thuật vẫn trở thành những sự bế tắc. Con người với văn minh, khoa học kỹ thuật tột bậc vẫn cảm thấy bơ vơ, vẫn tự loay hoay trong vòng tròn không sao tự cứu nổi mình. Con người vẫn phải chết, con người không thể tự cứu mình.Con người luôn bế tắc, do đó, họ cần ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Chúa phán: "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em ". Ở lại trong Thầy phải trả giá theo Thầy. " Ai muốn theo Ta hãy từ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy ". Con người chúng ta muốn được sự sống mới của Đấng Phục Sinh, chúng ta cũng phải kinh qua đau khổ, sự chết và phục sinh với Chúa. Chúa Giêsu cũng đã được cắt tỉa bởi sự khổ đau và sự chết.
Dòng nhựa nguyên lưu thông từ thân tới các cành. Con người cũng hãy gắn với sự Phục Sinh của Chúa như nhựa nguyên lưu thông trong thân và các cành nho. Chúng ta hãy làm cho thế giới tốt tươi để mọi người nhận ra Cây Nho đích thực là Đức Kitô và Người trồng nho là chính Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,Chúa là cây nho, chúng con là cành. Cành nho sống tươi tốt là nhờ cây nho. Con người chúng ta sống được cũng bởi nhờ Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khi tụ họp với nhau nhân danh Ngài, bằng cách lắng nghe lời Ngài, và bằng sự chia sẻ Mình và Máu Chúa Kitô. Khi thực hiện những điều đó là chúng con làm cho thế giới này nhìn thấy Chúa ở khắp nơi.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Đức Kitô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử; xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn: này chúng con là những kẻ tin kính Đức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Amen. ( Lời nguyện nhập lễ lễ Chúa nhật V Phục Sinh ).
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
MỘT KẾT QUẢ ĐÃ BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI
Ga 15,1-8
Tuy là những Kitô hữu, có lẽ chúng ta cũng đã có lần tự hỏi : Kitô Giáo đã thực sự cải thiện được gì trong thế giới ? Ðến nay đã hơn hai ngàn năm trôi qua kể từ khi Ðức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa : Một viễn tượng về một thế giới hòa bình, tự do và công bằng ! Nhưng người ta sẽ tìm đâu ra được một thế giới lý tưởng như thế ? Người ta sẽ tìm đâu ra được những ảnh hưởng, những hoa quả của một tôn giáo lấy Ðức Giêsu làm cứu cánh ? Vì tình trạng ích kỷ, bạo động, bóc lột, hận thù, đàn áp và nghèo đói vẫn tiếp tục tồn tại trên cuộc sống nhân loại. Thế giới vẫn như cũ, hầu như không hề có gì thay đổi. Nhiều người đã phải chấp nhận thực tại đó và đành cam lòng chịu đựng. Họ chủ trương : Có lẽ một ngày nào đó sẽ có được một thực tại lý tưởng như trong Nước Thiên Chúa, nhưng điều đó chỉ có ở bên kia thế giới ! Con người và thế giới muôn đời vẫn thế, khó lòng đổi thay được, dù bất cứ quyền lực nào - thế quyền hay cả thần quyền - cũng không đổi thay được, nếu không sẽ xúc phạm đến quyền tự do căn bản của con người.
Tiếp đến, sự hoài nghi về Thiên Chúa. Người ta sẽ đặt câu hỏi : Tại sao Thiên Chúa không biến đổi thế giới ? Nếu Thiên Chúa toàn năng, tại sao Người lại cứ để cho cuộc đời đầy khổ đau như thế mãi ? Trước những câu hỏi nghiêm chỉnh và cụ thể như thế, bài Phúc Âm hôm nay đã đưa ra một câu trả lời hết sức thỏa đáng : Ðể trả lời, Ðức Giêsu kể cho thính giả của Người nghe dụ ngôn « Cây nho và cành nho ». Bổn phận của cành nho là đâm hoa kết qua xum xuê đầy cành. Trong khi đó cây nho lại thông chuyển cho các cành nho nguồn nhựa sống và sức mạnh, để các cành nho có thể đâm hoa kết quả được. Cái hình ảnh về sự tương quan mật thiết giữa cây nho và cành nho như thế đã được Ðức Giêsu giải thích như sau : « Thầy là cây nho, các con là cành nho ». Ðiều đó có nghĩa là chúng ta phải đâm hoa kết trái, và Ðức Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh và các khả năng cần thiết để hiện thực được điều đó !
Nhưng thứ hoa quả được đề cập tới ở đây là thứ hoa quà nào? Chính Ðức Giêsu đã trả lời câu hỏi đó khi Người nói về cây nho và cành nho. Người nói : «Các con hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương các con ». Vậy, thứ hoa quả mà Ðức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải mang lại trong suốt cuộc sống mình là tình yêu. Tình yêu mà chúng ta đã được lãnh nhận từ Thiên Chúa, chúng ta phải tiếp tục thông ban cho người khác như nhựa sống từ thân cây nho thông ra và lưu chuyển giữa các cành nho vậy.
Vâng, thân cây nho chuyển thông cho các cành lá nhựa sống và sức mạnh. Nhưng công việc đâm hoa kết quả là phận sự của cành nho, chứ không phải của thân cây. Ðúng thế, Thiên Chúa ban cho con người sức mạnh, các khả năng, các ơn thánh, nghĩa là các phương tiện; Còn việc mang lại hoa quả là bổn phận của con người, việc kiến tạo một thế giới an bình và tươi đẹp là bổn phận của chúng ta. Vâng, bổn phận của chúng ta là phải sống và thực thi tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu đã đổi mới thế giới. Chúng ta phải tiếp tục thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa đến tất cả mọi đồng loại. Thiên Chúa cần đến chúng ta. Thiên Chúa cần đến mỗi người trong chúng ta theo khả năng mà Người đã ban cho từng người. Và nếu mỗi người biết đem khả năng đó của mình để cộng tác vào cuộc sống xã hội và thế giới, đương nhiên sẽ mang lại hoa trái.
Nhưng cành nho tự mình không thể đâm hoa kết trái được, nhưng phải nhờ có sức mạnh và nhựa sống từ thân cây thông chuyển cho. Ðiều đó có nghĩa là mọi điều thiện hảo chúng ta làm cũng như mọi tình yêu chúng ta trao ban, đều phát xuất từ Thiên Chúa. Còn chính chúng ta, tự bản chúng ta không thể làm được bất cứ điều gì thiện hảo. Vâng, chúng ta chỉ mang lại những hoa trái có giá trị và lành thánh, nếu Thánh Thần Thiên Chúa hành động qua chúng ta. Qua tình yêu của con người, Thiên Chúa hành động trong thê gian. Sự liên đới vô vị lợi với những người nghèo khổ và những người bị coi khinh, sự kính trọng đối với mọi người, sự khước từ bạo động và mù quáng chạy theo danh vọng, sự tôn trọng sự sống con người và môi trường thiên nhiên, v.v... là tất cả những điều mà thế giới hôm nay cần đến hơn bao giờ hết, và tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, hình ảnh về « cây nho và cành nho » này xem ra vẫn còn xa lạ đối với một số Kitô hữu nào đó trong chúng ta. Con người chúng ta rất khó tin được rằng qua chúng ta tình yêu Thiên Chúa có thể biến đổi được thế giới. Chúng ta thường tin vào khả năng nhân loại của chính mình hơn ! Chúng ta cho rằng tự mình, chúng ta có thể mang lại hoa trái. Nhưng thực ra, chúng ta chỉ có thể mang lại hoa trái trong cuộc sống, nếu chúng ta biết rộng mở lòng mình để đón nhận nhựa sống ơn thánh của Thiên Chúa. Qua mỗi người trong chúng ta, sức sống thần thiêng đó hoạt động và có thể làm cho thế giới trở thành nhân bản hơn và nhờ đó trở thành Kitô giáo hơn. Vậy, các cành nho đâm hoa kết quả đúng với danh xưng của mình, thứ hoa quả làm vui lòng người và đổi mới được thế giới !
Tóm tắt, ở bất cứ nơi nào con người cảm nhận được tình yêu của những đồng loại của mình và qua đó cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, thì ở đó thế giới tự đổi mới. Thế giới nhờ thế sẽ trở nên nhân bản hơn. Vậy, thế giới có tiếp tục phát triển đúng với thánh ý Thiên Chúa hay không, tất cả hoàn toàn đều tùy thuộc vào chúng ta. Ở đây, có lẽ chúng ta có thể nói được rằng : Khi dựng nên thế giới Thiên Chúa không cần con người, không cần sự cộng tác của con người, nhưng để biến đổi thế giới trở nên nhân bản và tươi dẹp hơn, nhất thiết Thiên Chúa phải cần đến con người, cần đến sự góp tay của con người, vì Người tôn trọng sự tự do của con người ! Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh qua Lời Người, qua các Phép Bí Tích và qua sự trợ giúp đầy yêu thương của Người dành cho loài người chúng ta. Do đó bổn phận của chúng ta vẫn luôn là : phải đâm hoa kết quả, nghĩa là phải tiếp tục thông ban cho mọi anh em đồng loại sự trợ giúp đầy yêu thương của Thiên Chúa!
LM Nguyễn Hữu Thy
Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Phục Sinh trên đường đi Damas đã đổi đời Phaolô. Từ một người nhiệt thành với truyền thống tổ tiên, làm Phaolô hăm hở đi bắt các Kitô hữu về "trị tội", trở thành một tông đồ hăng say làm chứng tin mừng Đức Giêsu Phục Sinh. Niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh làm Phaolô và các Kitô hữu trở thành những con người khác, như dấu chỉ Thiên Chúa đang hiện diện và yêu thương con người.
1. Phaolô làm chứng Đức Giêsu đã phục sinh
Trước khi ngã ngựa trên đường Damas, Phaolô là một người rất đặc biệt. Ngài là một biệt phái, nghĩa là, một người rất nhiệt thành với lề luật Do Thái, và sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ lề luật. Phaolô đã từng là người giữ áo cho những người ném đá thánh Têphanô. Phaolô đã được phép của các người cầm quyền để đi lùng bắt các Kitô hữu Do Thái đem về Giêrusalem để trị tội. "Có lúc, những người bắt bớ các con, cứ tưởng rằng đó là việc tôn thờ Thiên Chúa" (Ga.16, 2). Nhưng với biến cố Damas, Phaolô đã trở thành con người khác.
Trước khi gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh, với Phaolô, Do Thái giáo là tôn giáo duy nhất đúng. Tất cả những gì trái với quan niệm truyền thống cha ông để lại, là sai lầm và phải loại bỏ. Những ai cố tình đi theo một niềm tin khác, phải bị trừng phạt. Đó là lý do tại sao Phaolô đi lùng bắt Kitô hữu ở Damas. Sau biến cố Damas, Phaolô đã thay đổi cái nhìn và thay đổi lập trường sống. Do Thái giáo vẫn đúng đó, nhưng "cái khác" vẫn có thể là sự thật. Đức Giêsu Phục Sinh là một thực tại mà Phaolô đã được gặp gỡ, cảm nghiệm, và rồi trở thành chứng nhân cho Ngài. Phaolô được ơn mở mắt để nhìn ra thực tại Đức Giêsu Phục Sinh; qua biến cố ngã ngựa, ông không thể phủ nhận được điều trước đó ông đã một mực chối từ, ông đã nhận ra sự thật, và kể từ đó Phaolô đã rao giảng cho dù bị ghét và bị tìm giết.
Đức Giêsu Phục Sinh đã đổi đời Phaolô. Từ một người không tin vào Đức Giêsu, Phaolô trở thành chứng nhân nhiệt thành của Đức Giêsu Phục Sinh. Từ một người lùng bắt người khác, giờ đây lại là kẻ bị lùng bắt. Biến cố gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trên đường đi Damas đã làm Phaolô thành một người hoàn toàn khác, đến độ ngài nói: "kể từ khi tôi biết Đức Giêsu Phục Sinh, tôi coi mọi sự như phân bón. Kể từ khi biết Đức Giêsu, tôi coi mọi sự như thua lỗ bất lợi cả trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô Chúa tôi" (Pl.3, 8-9). Phaolô đã được Thiên Chúa biến đổi qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Phục Sinh.
2. Đời sống của một người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh
Trong thư thứ nhất của thánh Gioan, Kitô hữu được nhắn nhủ: "chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm". Đức tin phải chi phối cách sống của Kitô hữu. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Đức tin của Kitô hữu không chỉ là chấp nhận một mệnh đề là đúng, nhưng còn là cái biết chi phối toàn bộ đời sống của họ. Chính việc làm của Kitô hữu giúp cho người khác thấy đức tin của họ.
Lời Chúa trong thư của thánh Gioan hôm nay còn cho Kitô hữu hiểu hơn nữa về Thiên Chúa và về con người. Nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, thì chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa; nhưng nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, thì chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết mọi sự. Thiên Chúa nhân từ và yêu thương chúng ta hơn chúng ta có thể tưởng được. "Như trời cao hơn đất bao nhiêu, tư tưởng của Ta cũng vượt xa tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu". Đừng bao giờ ép Thiên Chúa phải phạt người khác theo phán đoán của mình. Thiên Chúa không phạt ai cả, Ngài chỉ biết yêu thôi. Đau khổ là do con người làm cho nhau hoặc tự chuốc lấy cho mình mà thôi.
Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Vời mà con người không thể hiểu thấu. Ngài nhân từ yêu thương con người hơn con người có thể nghĩ có thể ngờ. Ngài yêu thương con người ngay khi con người còn là tội nhân, xấu xa hư hỏng. Không ai có thể ngờ Ngài đã cho Đức Giêsu phục sinh. Không ai dám ngờ rằng Thiên Chúa có thể chấp nhận để con người giết Con Ngài. Không ai dám ngờ rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương con người đến độ Lời của Ngài nhập thể làm người, ngay cả khi con người đang phản bội và xa lánh Ngài. Thiên Chúa nhập thể là điều vượt sức hiểu của con người, và vượt ngay cả sức hiểu biết của thiên thần. Thiên Chúa là Đấng vượt quá lòng chúng ta có thể ngờ, và bây giờ Ngài vẫn đang tiếp tục làm những điều kỳ diệu và tuyệt vời cho mỗi người chúng ta, trong đời mỗi người chúng ta.
3. Thầy là cây nho các con là nhành
Tương quan giữa Thiên Chúa, Đức Giêsu, và chúng ta, được Tin Mừng theo thánh Gioan diễn tả như tương quan giữa người trồng nho, cây nho và nhành nho. Đức Giêsu là cây nho, chúng ta là nhành. Một nhành chỉ sống được và sinh hoa trái nếu nhành đó liên kết với thân cây, để lấy nhựa sống từ cây. Giữa chúng ta và Đức Giêsu, có một mối dây rất gần gũi và mật thiết, như nhành và cây. Nhành nào tách khỏi cây, sẽ khô héo và chết. Tương tự vậy, chúng ta sẽ khô héo và chết nếu chúng ta không liên kết với Đức Giêsu. Đức Giêsu là sức sống của mỗi người chúng ta.
Thiên Chúa như người chủ vườn nho. Ngài chăm sóc cây nho và nhành nho. Ngài muốn cây nho nhành nho sinh nhiều hoa trái. Ngài chăm bón cắt tỉa, để nhành nho sinh trái nhiều hơn. Hình ảnh Thiên Chúa như người chủ vườn rất quen thuộc đối với Đức Giêsu. Người chủ vườn trông nom, chăm bón vun trồng để cây nho nhành nho sinh trái. Thiên Chúa chăm sóc mỗi người chúng ta như vậy. Nếu Ngài có cắt tỉa, là để chúng ta sinh nhiều hoa trái hơn.
Tương quan giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa như tương quan giữa cây nho và ông chủ vườn. Cây nho luôn tùy thuộc chủ vườn. Người chủ vườn luôn quan tâm và chăm bón để cây nho có nhựa sống cung cấp cho nhành cây, để sinh nhiều hoa trái. Đây là hình ảnh, nó chỉ diễn tả phần nào sự thật. Thiên Chúa luôn có sáng kiến tuyệt vời, để làm những điều kỳ diệu, và ngay cả có thể làm cho những cành nho như thể khô đét có được sức sống và sinh trái. Thiên Chúa là người chủ vườn tuyệt vời. Thiên Chúa làm chúng ta có sức sống và sinh trái qua Đức Giêsu.
LM Phạm Thanh Liêm, SJ
GỐC NHO NÀY CHÚA BỨNG TỪ AI CẬP
Ga 15, 1-8
Gốc nho này, Chúa bứng từ Aicập Đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng... ... bóng um tùm phủ xanh đầu núi, cành sum xuê rợp bá hương thần, nhánh vươn dài tới phía đại dương, chồi mọc xa đến tận miền sông Cả. (Tv 79,9.11-12)
Đọc những câu thánh vịnh trên, có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc, tại sao khi viết về cây nho mà tác giả thánh vịnh lại miêu tả bằng những hình ảnh như gốc, bóng um tùm, cành sum xuê, nhánh vươn dài, chồi mọc xa... khác với hình ảnh về cây nho - hay đúng hơn là dây nho được trồng thiếu gì ở Ninh Thuận, Nha Trang hoặc xa hơn là ở Bordeaux, Bourgogne bên Pháp? Thực hư thế nào?
Trước hết, đối với cư dân Palestine, cây nho vốn được xem là tài sản quý. Palestine lâu nay vẫn được xem là nơi có những cây nho "khổng lồ". Cây phát triển to lớn thành những cây cổ thụ với cành lá sum xuê chứ không phải như những dây nho nhỏ xíu được cắt tỉa gọn gàng như những vùng nêu trên. Còn nữa, ở Êphêxô trong đền thờ thần Diana, người ta có thể thấy nguyên một chiếc thang gỗ lớn được tạc từ một gốc nho duy nhất đem về từ đảo Chypre. Chính vì vậy, chúng ta thấy có những hình ảnh "vĩ đại" được miêu tả về cây nho của tác giả thánh vịnh. Cây nho trở thành biểu tượng cho sự phú túc, cho sự hào phóng của Thiên chúa đối với dân riêng của người. Hiểu được như thế về cây nho vùng Palestine, chúng ta sẽ hiểu hơn về trình thuật tin mừng hôm nay.
Trước hết, Chúa Giêsu sánh ví chính Người là cây nho thật. Cây nho thật, khác với cây nho dại- điều mà ngôn sứ Giêrêmia đã từng lên tiếng khiển trách dân Israel. "Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hoá thành cành nho tạp chủng?" (Gr 2, 21). Như thế, cây nho thật, nho thuần chủng là loại nho giống tốt, được chủ chăm sóc kỹ càng nên sinh nhiều trái thơm ngon, không giống như cây nho dại, nho tạp chủng, nho bị bỏ hoang nên sinh ra toàn trái nho bệnh tật và chua lòm. Chúa Giêsu chính là cây nho quý nhất mà Chúa Cha đã vun trồng, cắt tỉa chăm sóc để đem lại hoa trái thánh thiện công chính và sự sống dồi dào cho nhân loại. Sự chăm nom săn sóc của Chúa Cha đối với cây nho là Chúa Giêsu cho thấy tình yêu vô bờ bến Người đã ưu ái dành cho Chúa Con như là mối dây liên kết tình Cha - Con. Chính vì thế, khi đến thế gian, Chúa Giêsu đã tự hiến sự sống mình, kết thành những trái nho mọng nước, ngạt ngào hương thơm để tôn vinh Chúa Cha và đem lại ơn cứu rỗi cho con người.
Không chỉ có thế, Chúa Giêsu còn sánh ví mỗi người chúng ta là cành nho được liên kết với thân nho là chính Đức Kytô. "Thầy là cây nho, anh em là cành". Khi khẳng định như thế, Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ của Người cần phải liên kết mật thiết với Người như cành nho được xuất phát và liên kết với cây nho. Điều này thật hiển nhiên. Vì có như thế nó mới được dưỡng nuôi bằng chính nhựa sống chảy ra từ chính thân nho. Tuy nhiên kinh nghiệm làm nho cho thấy rằng mục đích chính của chủ vườn nho là mong sao cho những cành nho kia sinh nhiều trái mọng nước. Để được điều đó, nếu cành nho không được cắt tỉa, thì nó chỉ có cành lá sum xuê, nhiều nhánh vươn dài mà chẳng có trái. Nhờ cắt tỉa, cây nho đau đớn, rướm máu, tuôn đổ nhựa sống, nảy sinh những hoa trái mọng nước. Cắt tỉa, làm cho sạch là hình ảnh của sự tinh luyện thử thách. Chắc chắn chẳng vui gì khi phải cắt tỉa, vứt bỏ những cành, nhánh nho nhưng nếu không như thế thì làm sao sinh nhiều hoa trái, làm sao sinh lợi. Vì thế tinh luyện thử thách là điều cần thiết để giúp chúng ta trưởng thành hơn.
Chúa Giêsu chính là thân nho nơi ngập tràn nhựa sống Thần linh. Nhựa sống Thần linh ấy chính là Mình và Máu Người hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta là những cành nho mong được tiếp nhận nhựa sống Thần linh ấy để sinh nhiều hoa trái. Muốn vậy, chúng ta hãy mau mắn đến với Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể để kín múc nhựa sống Thần linh ấy; đồng thời hãy để cho Lời Chúa "cắt tỉa" và "rửa sạch" những gì là sum xuê, là tươi tốt của những cành nho không sinh lợi, đó là những đam mê, những dục vọng, những đố kỵ, ghen tương,... Cắt tỉa và rửa sạch những cành nho ấy, chắc chắn chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn và vui sướng hơn vì chúng ta được gắn kết mật thiết với Chúa trong Tình yêu.
Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta duyệt xét lại cuộc sống đạo của mình. Là những cành nho được liên kết với Chúa Giêsu qua bí tích thánh tẩy, chúng ta đã thật sự liên kết với Chúa, với Giáo hội trong yêu thương và phục vụ chưa? Hay vẫn còn đó những cành lá thừa thải là những dục vọng thấp hèn, vị kỷ nhỏ nhen, không quan tâm đến nhu cầu của những anh em nghèo khổ,v.v... Chúng ta chỉ thật sự ở trong Chúa Kytô, liên kết với Chúa Kytô khi chúng ta biết sống cho người anh em mình cách chân tình, vô vị lợi. Và khi ấy, nhựa sống của cây nho thần linh là Chúa Kytô sẽ nuôi dưỡng và bổ sức cho chúng ta, biến chúng ta thành những cành nho sinh lợi, gắn kết thật sự với Chúa Kytô- cây nho của Thiên Chúa.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
Tư tưởng xuyên suốt trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay đó là hoa quả của Thánh Thần. Thánh Phaolô một con người say máu các Kitô hữu, thế nhưng khi được Thần Khí Chúa đánh ngã, ông đã trở nên lợi khí cho Tin Mừng, Lời Chúa nhờ ông mà được loan truyền (Cv. 9,26-31). Và bài Tin Mừng Chúa Giêsu cũng nói đến cây nho và cành nho phải có sự liên kết mật thiết cành và cây thì mới sinh hoa trái được, nghĩa là nếu chúng ta biết kết hợp với Chúa Giêsu thì hoa trái của Thánh Thần là những nhân đức mới phát sinh ( Jn.15,1-8). Thật vậy, tình yêu chỉ có ý nghĩa khi nó sinh trái trăng qua những hành động cụ thể ( 1Jn.3,18-24).
Trong chương trình cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã muốn có một dân riêng thánh thiện « minh chính » kiểu mẫu. Ngài đã săn sóc dân ấy như ông chủ săn sóc vườn nho của mình. Tiên tri Isaia đã diễn tả về vừơn nho như sau : ông tìm đất, vỡ đất, nhặt đá, chọn giống và đặt tháp canh giữ vườn, sau cùng là khoét bồn đạp nho. Những công việc ông làm chứng tỏ ông đặt nhiều hi vọng vào vườn nho « còn gì mà tôi không làm ? » ông đã làm hết sức mình rồi, và Ngài những mong dân ấy kết trái ngon, sinh quả ngọt nhưng nó chỉ sinh toàn nho dại, nho chua mà Iasia muốn ám chỉ là dân Israel, họ luôn manh tâm tội lỗi.
Vì yêu mến Cha nên Chúa Giêsu muốn là cây nho đích thực để gây tạo một vườn nho thực tốt cho Cha để thoả mãn tình yêu của Thiên Chúa Cha nên Người nhận « Thầy là cây nho đích thực » nhưng cây nho chỉ có ý nghĩa khi nó có những cành lá hoa trái xum xê, và cành nho chỉ sống được khi nó gắn liền với cây nho, nó sẽ được nhựa của cây nho lưu thông nuôi dưỡng. Cây nho và cành nho cần đến nhau và liên kết với nhau. Một cành nho muốn tươi tốt và sai trái nhiều thì phải bám chặt vào cây nho. Nhưng bám chặt vào cây nho chỉ là để tiếp lấy nhựa từ cây chảy qua các ống dẫn nhựa đến tận các tế bào nhỏ mà nuôi dữơng cho toàn thân toàn cành. Cành nào bám vào cây mà không để cho nhựa tràn vào nuôi sống thì cành ấy chết khô trên gốc. Cành nào cản trở nhựa sống chảy tới, thì tùy theo mức độ cản trở mà cành nho sẽ khô héo nhiều hay ít, cằn cỗi nhiều hay ít. Cho nên muốn tươi tốt, muốn có sức sinh nhiều trái thì ống nhựa phải thông, phải không có sức cản để cho nhựa tràn vào mọi nơi.
Tuy nhiên có những cành hút nhiều nhựa nhưng chỉ có lá xum xê mà không có trái, đó là cành làm phí nhựa. Cho nên muốn cây nho sinh nhiều trái, chẳng những các cành nho phải bám trên cây mà các chỗ chết cản nhựa không tới được toàn thân thì phải cắt bỏ đi, những cành tươi tốt mà không sinh trái nhiều cũng phải tỉa, có như thế cây mới có những trái trăng tươi tốt đích thật. Trái đích thật là đưa lại những kết quả mà chủ mong muốn.
Cũng vậy người môn đệ muốn sinh nhiều trái cũng phải lưu lại trong Chúa Giêsu để cho nhựa sống của Người tràn vào toàn thân, nuôi sống từng tế bào nhỏ nơi thân mình, nghĩa là sự sống của chúng ta phải cần liên kết với Chúa Giêsu, Người đã ví mình như cây nho và chúng ta là cành nho. Chúa cần đến chúng ta để sinh trái trăng cho Người và chúng ta lại càng cần đến Chúa hơn, vì có Chúa chúng ta mới có thể sống và trưởng thành. Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta thì Người cũng mong chờ nơi chúng ta sinh hoa trái Thánh Thần « Điều làm vinh hiển Cha là các con sinh hoa trái... », chính khi sinh hoa trái là đáp trả lòng mong muốn của Chúa.
Phải để cho lời dạy của Người và Thần Khí của Cha tỉa sạch những chỗ chết, những chỗ cản, phải để cho các Ngài cắt đi những phần thân bám trên gốc ăn hại nhựa mà không sinh trái. Nếu thấy Thiên Chúa cắt tỉa chúng ta là vì Ngài mong chúng ta sinh hoa trái. Giờ đây Chúa Giêsu vinh hiển, Người thực sự cần đến con người để tiếp tục chương trình cứu rỗi cách hữu hình như rao giảng Tin Mừng, phân phát Bí Tích...Tuy nhiên chúng ta chỉ là khí cụ để phát sinh hoa trái thiêng liêng cho người khác. Mỗi người Thiên Chúa mong chờ một cái gì riêng, vì thế chúng ta phải nhận định Chúa đang chờ mong gi nơi tôi ! và nhờ đức tin cùng đức ái mà trú ngụ lâu dài trong Chúa Giêsu như nguồn mạch sự sống. Thành quả của người Tông Đồ tùy thuộc vào sự kết hợp này.
Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa hôm nay như nhựa sống ân sủng tràn đầy vào tâm hồn chúng con, để dù có gặp gian nan thử thách, chúng con vẫn không tách khỏi thân nho nhưng lưu lại, gắn bó với Chúa Giêsu nhiều hơn, nhờ đó những cắt tỉa qua đau khổ chúng con càng sinh nhiều hoa trái thiêng liêng là các nhân đức và các linh hồn.
Sr Mai An Linh, OP
Trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, nói đến tổ chức cơ cấu của Hội Thánh, người ta thường nghĩ đến hình ảnh một kim tự tháp : ở chóp đỉnh là Đức Giáo hoàng, dưới là các hồng y, giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, và cái đáy dưới cùng là giáo dân. Hình ảnh này đưa đến một quan niệm không đúng về nhiệm vụ của mỗi thành phần, nhất là giáo dân, bị coi là thấp kém, chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời cấp trên.
Nhưng từ Công Đồng Va-ti-ca-nô II, hình ảnh trên đã được thay thế bằng hình ảnh có một tâm điểm là Đức Giêsu, từ tâm điểm này có nhiều vòng tròn đồng tâm : một vòng là các giáo sĩ, gồm các giám mục có Đức Giáo hoàng đứng đầu, và các cộng sự viên là linh mục và phó tế; vòng khác là các tu sĩ; và vòng rộng lớn hơn là giáo dân. Hình ảnh này cho thấy mọi thành phần đều liên đới với nhau và tất cả đều qui hướng về trọng tâm là Đức Giêsu.
Một hình ảnh khác sâu sắc hơn, thánh Phaolô đã nói tới và nay được chú ý, đó là hình ảnh một thân thể, có Đức Giêsu là đầu, mọi người Kitô hữu, dù là giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ...đều là các chi thể của thân thể. Mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng, không ai thay thế được. Hình ảnh này diễn tả rõ hơn và đúng hơn mối hiệp thông giữa các thành phần với nhau và với Đức Giêsu; và cũng cho thấy rằng tất cả đều cùng có trách nhiệm thi hành sứ vụ mà Đức Giêsu trao phó để xây dựng sự hiệp thông trong Hội Thánh.
Nhưng tất cả những điều trên đây đã được chính Đức Giêsu đề cập tới trong Tin Mừng hôm nay. Đó là hình ảnh cây nho. Đối với dân Do thái, vườn nho và cây nho là một hình ảnh rất lâu đời, rất quen thuộc, được dùng để tượng trưng cho dân tộc, một dân riêng được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc đặc biệt. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc này để áp dụng vào Ngài và chúng ta : Ngài là cây nho, chúng ta là cành. Sự liên kết và hỗ tương giữa thân cây với cành, và giữa các cành với nhau, đó là hình ảnh sự liên kết và hỗ tương giữa Chúa Giêsu với chúng ta, và giữa chúng ta với nhau.
Một điều hiển nhiên và rõ ràng là cành cây phải hoàn toàn cần tới thân cây mới sống được. Nếu cắt lìa thân nho, thì cành sẽ khô héo và chết. Đó là hình ảnh cho chúng ta biết : mỗi người chúng ta cần phải liên kết với Chúa Giêsu, thì chúng ta mới sống và sống mạnh được. Chúng ta cần tới Chúa để đạt ơn cứu rỗi, nghĩa là chúng ta không thể thành toàn, tự giải thoát, thần hóa con người của mình, nếu không sống trong Chúa, nhờ Chúa và với Chúa. Điều này phải hiểu một cách tuyệt đối. Cũng giống như bóng đèn điện : có bao giờ một bóng đèn bị cắt đứt với dòng điện hay bị cúp điện mà còn sáng không ? Hay một nhánh sông cắt đứt với con sông cả mà còn nước không ? Hay một cành cây cắt đứt lìa thân cây mà còn sống không? Có lẽ nó có thể sống một vài ngày tạm bợ rồi sẽ chết khô.
Cũng thế, một khi chúng ta xa lìa Chúa, tâm hồn chúng ta cũng sẽ chết khô. Bên ngoài chúng ta có thể là thành công trên phạm vi danh vọng, tiền tài, được ca tụng, kính nể...nhưng trước mặt Chúa, chúng ta là kẻ chết và chết khô. Vậy chúng ta có thể kết hợp với Chúa Giêsu cách nào ? Bằng những phương thế rất quen thuộc và cụ thể là cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích thánh Thể, bí tích quan trọng và hiệu năng nhất, để chúng ta thường xuyên duy trì mối tương quan huyết mạch với Chúa Giêsu.
Đó là phía giữa Chúa với chúng ta, tức là giữa thân nho và cành nho. Còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao ? Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hiệp với nhau trên con đường cứu rỗi. Ở đời này, không ai chủ trương "mỗi người là một hòn đảo" mà sống tốt được. Cũng như một thân cây nho chuyển thông sức sống, nhựa sống cho các cành, thì Chúa Giêsu cũng làm như thế. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống thì sẽ cằn cỗi, khô héo và rụng gẫy đi. Nhựa sống trong thân cây nho hằng lưu chuyển, không cành nào được giữ riêng lại cho mình mà ngăn cản nhựa sống truyền sang cho những cành khác.
Chúng ta sống với nhau trong một cộng đoàn, một gia đình, cũng được ví như thế, được so sánh như một cây nho. Chúng ta tiếp nhận được sự sống của Chúa, chúng ta phải chuyển thông cho nhau để tất cả chúng ta cùng sống và sống tốt đẹp. Thế mà trong cuộc sống rất có thể chúng ta sống mà không quan tâm đến mối tương quan giữa mình với anh em. Vì không để ý "mình vì mọi người và mọi người vì mình", nên chúng ta đã sống "mình vì mình và mọi người vì mình". Như thế là ích kỷ. Chúng ta cứ thử nhìn chung quanh chúng ta xem, thật đáng buồn : người ích kỷ nhiều hơn người vị tha. Ai cũng thấy "cái tôi" của mình là lớn hơn cả và coi người khác không ra gì. Là con cái Chúa, chúng ta không được sống như thế. Chúng ta cần có nhau, hãy nâng đỡ nhau, hãy thông cảm nhau. Đó chính là đạo bác ái của chúng ta vậy.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng,OP.
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Ga. 15,1-8
1. «Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi»
Đức Giêsu tự ví mình là cây nho, và những người theo Ngài là những cành nho. Cành nho sống được là nhờ thân nho. Rời thân nho, cành nho sẽ khô héo và bị quăng vào lửa. Tuy nhiên, Đức Giêsu đưa ra trường hợp này: có những cành nho, tuy gắn liền với cây nho, nhưng lại không sinh hoa trái. Trường hợp này, cành nho sẽ bị chặt khỏi cây nho.
Nói đến trường hợp này, người Kitô hữu không khỏi nghĩ về bản thân mình, liệu đó có phải là trường hợp của mình không? Vì người Kitô hữu là người gắn liền với Đức Giêsu, nhưng quả thật có rất nhiều Kitô hữu suốt bao năm trường đã chẳng sinh ra hoa trái nào! Biết bao Kitô hữu theo Đức Giêsu từ nhỏ tới lớn, thậm chí tới già, nhưng xét cho kỹ và nói cho khách quan, thì họ chẳng tốt hơn người ngoại loại trung bình chút nào! Nhiều người còn tệ hơn cả những người ngoại loại ấy nữa! Họ sẵn sàng ăn gian nói dối, đối xử bất công, sống không tình nghĩa, v.v
Tương tự, có biết bao linh mục, tu sĩ, mang danh theo Chúa hàng chục hay mấy chục năm, nhưng chẳng tốt hơn những giáo dân bình thường bao nhiêu, đôi khi còn tệ hơn! Sách Khải Huyền nói về hạng người này: « Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta» (Kh 3,15-16).
Trường hợp này rất có thể đúng cho tôi, cho bạn. Vì thế, mỗi người chúng ta cần phải tự vấn mình trước mặt Chúa, để sửa đổi trước khi quá muộn. Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng ta sửa đổi, để Ngài khỏi phải ra tay! « Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống» (Ed 18,23; 33,11; x.33,19).
2. «Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn»
Người làm vườn giỏi biết chăm sóc cây thì biết cắt tỉa cành để nó sinh nhiều hoa trái hơn. Nếu người Kitô hữu là cành nho, Đức Giêsu là cây nho, Thiên Chúa Cha là người trồng nho, thì ắt nhiên Chúa Cha sẽ phải « tỉa cành» để người Kitô hữu «sinh nhiều hoa trái» hơn. Người Kitô hữu «sinh nhiều hoa trái» là người có nhiều tiến bộ về mặt tâm linh (mến Chúa yêu người ngày càng nhiều hơn). Và Chúa Cha «tỉa cành» là giúp người Kitô hữu bỏ bớt những bận tâm vô ích để có thể tập trung năng lực vào việc tiến bộ tâm linh. Ngài có thể làm điều ấy bằng cách làm cho người Kitô hữu ấy bị thiệt thòi mất mát về vật chất, thể chất, cũng như tinh thần, hoặc cho người ấy trải qua những đau khổ thử thách. Vì những đau khổ thử thách có khả năng thánh hóa rất hữu hiệu.
Chính Đức Giêsu, thánh thiện như vậy mà cũng được Chúa Cha « tỉa cành» cho Ngài. Thánh Phaolô nói về điều ấy: «Thiên Chúa (
) đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn dẫn đưa mọi người tới nguồn ơn cứu đo» (Dt 2,10). Như vậy, theo thánh Phaolô, nhờ chịu gian khổ mà Đức Giêsu trở nên một người lãnh đạo hoàn hảo. Tin Mừng cũng nói: «Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?» (Lc 24,26). Còn chúng ta, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta chia sẻ đau khổ với Đức Giêsu, để cùng tham dự vào vinh quang và hạnh phúc của Ngài: «Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người» (Rm 8,17). «Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hy» (1Pr 4,13). «Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường» (1Pr 5,10).
Đọc hạnh các thánh ta thấy hầu như vị thánh nào cũng đều có kinh nghiệm được Thiên Chúa thánh hóa bằng đau khổ. Chẳng hạn, thánh Têrêxa Avila đã bị Thiên Chúa thử thách bằng biết bao đau khổ, đến độ thánh nhân phải kêu lên: « Chúa đối xử với bạn bè Chúa như vậy, hèn chi Chúa ít bạn là phải!» «Chúa ít bạn là phải!» vì nhiều người dù biết rằng đau khổ có tác dụng thánh hóa bản thân, nhưng vẫn sợ và tránh né đau khổ: nếu phải đau khổ mới nên thánh thì thôi, thà đừng nên thánh! Nghĩ như thế thật là nông cạn, vì nên thánh, nên hoàn hảo là điều rất quí giá: những đau khổ ta phải chịu chẳng là gì cả so với vinh quang và hạnh phúc ta được nhờ sự hoàn hảo thánh thiện, và sự thánh thiện hoàn hảo này ta đạt được là nhờ đau khổ. Thánh Phaolô viết: «Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta!» (Rm 8,18). Thánh Phêrô cũng khuyên ta đừng sợ hãi đau khổ: «Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến» (1Pr 3,14). Vua Đavít cũng nhận ra ích lợi của đau khổ đối với sự thánh thiện: «Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài» (Tv 119,71).
Người tốt chấp nhận đau khổ vì đau khổ Chúa gửi đến cho mình chẳng những làm cho mình nên công chính, mà còn làm cho những người khác nên thánh thiện nữa: « Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh được tội lỗi của họ» (Is 53,11). Như vậy, tự nguyện chấp nhận đau khổ (chịu đau đớn, cực hình, chịu thiệt thòi, mất tiền, mất thì giờ, mất sức khỏe, bị nghi ngờ, hàm oan
) vì tha nhân là một hành vi bác ái, là một phương tiện thực hiện yêu thương. Vì nhờ ta chấp nhận đau khổ mà nhiều người nên công chính và được hạnh phúc. Vì thế, người có lòng yêu thương thật sự sẽ sẵn sàng lợi dụng đau khổ của mình để làm lợi cho người khác.
3. «Gắn liền với» hay «ở lại trong» Đức Giêsu là gì?
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng nhiều lần hai từ ngữ «ở lại trong» và «gắn liền với» Ngài, và coi đó như điều kiện cần thiết để «sinh hoa trái» hay «sinh nhiều hoa trái». Chẳng hạn câu: «Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy». Hai từ ngữ ấy có nghĩa gì? Chúng ta đã thật sự «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu chưa? - Thực ra, ai là người Kitô hữu thì cũng, một cách nào đó, «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu. Nhưng phải nói rằng tình trạng ấy có nhiều mức độ khác nhau, từ hời hợt bên ngoài đến thâm sâu bên trong.
Thật vậy, nhiều người mang danh Kitô hữu, nhưng chẳng có tinh thần Kitô hữu bao nhiêu. Họ là những người Kitô hữu «hữu danh vô thực». Thánh Phaolô có nói về một tình trạng tương tự như vậy trong Do-thái giáo (x. Rm 2,17-23). Có nhiều Kitô hữu có vẻ rất ngoan đạo, đi lễ và rước lễ hằng ngày, có vẻ rất hăng hái trong những việc liên quan đến nhà thờ, hội đoàn, công tác tông đồ. Nhưng đời sống của họ lại chẳng toát lên được tinh thần Kitô giáo, là chân thật, công bằng, yêu thương, thông cảm, tha thứ.
Tình trạng «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu phải được thể hiện trong ba phạm vi:
* ý thức: luôn luôn ý thức Đức Giêsu ở với mình, ở trong mình. Ngài là tình yêu và sức mạnh của mình. Ngài vô cùng quyền năng, nên với Ngài ta có thể làm được mọi sự. Luôn luôn ý thức Ngài yêu thương mình, nên hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho tình yêu của Ngài. Nhờ đó, ta luôn luôn bình an, không phải lo lắng gì cho bản thân mình: «Chúa khoan nhân là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì, tôi không còn e sợ nỗi gì
» (Tv 23). Ý thức này phải trở thành một tâm trạng thường hằng của ta.
* tình cảm: luôn luôn yêu mến Ngài, hướng về Ngài, lấy Ngài là lẽ sống cho cuộc đời mình. Vì thế, dấn thân hết mình cho Ngài, cho Nước Ngài, cho kế hoạch cứu độ của Ngài, một cách quảng đại, không so đo tính toán. Ngoài ra, tình yêu của ta đối với Ngài phải được thể hiện cụ thể nơi những hiện thân của Ngài, là tha nhân chung quanh ta, đặc biệt những người gần gũi ta nhất (cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè
)
* hành động: luôn luôn làm theo ý muốn của Ngài, theo sự đòi hỏi của tình yêu trong lòng mình. Ý muốn của Ngài được thể hiện qua lời Ngài, qua luật yêu thương của Ngài, qua tiếng lương tâm, qua những biến cố hay hoàn cảnh xảy ra trong đời, đặc biệt những nghịch cảnh.
Khi luôn luôn «gắn liền với» hay «ở lại trong» Ngài, ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, và đời ta sẽ trở thành một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy sức mạnh, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa.
Cầu nguyện
Lạy Cha, Cha là nguồn sống, nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu của muôn loài vạn vật. Con muốn kết hiệp với Cha để nhận được sự sống, sức mạnh và tình yêu hầu sống một cuộc sống tươi đẹp, ích lợi, đồng thời để những ai tiếp xúc với con cũng nhận được sự sống, sức mạnh và tình yêu của Cha từ nơi con. Xin hãy giúp con gắn bó mật thiết với Cha .
John Nguyễn
NHƯ CÀNH HỢP NHẤT VỚI CÂY
Ga 15:1-8
Phúc âm Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu dùng cái hình ảnh con chiên và người chăn chiên để nói lên cái mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Phúc âm hôm nay Chúa dùng hình ảnh cây nho và ngành nho để nói lên cái sự hiệp nhất, nói một cách xác thực hơn, cái sự thông hiệp giữa loài người với Thiên Chúa. Chúa ví Người như cây nho, Chúa Cha là người trồng nho, còn ta là nghành nho. Cây nho gồm nhiều ngành được hợp nhất với nhau, tạo thành một đơn vị của cây, vì cành cây chia sẻ nhựa sống với gốc rễ. Vậy nếu không gắn liền với thân cây, cành cây sẽ không có nhựa sống. Cũng như ngành nho cần phải được gắn liền với thân cây thì mới sinh hoa kết quả, người tín hưũ cũng cần được hiệp nhất với Chúa Ki-tô bằng ơn thánh để có thể sinh hoa kết quả thiêng liêng trong đời sống.
Vậy làm sao để được hiệp nhất với Chúa? Người tín hữu hiệp nhất với Chúa Kitô không phải là việc kết hợp bên ngoài như gia nhập tổ chức nọ, hội đoàn kia. Người tín hữu hiệp nhất với Chúa Kitô bằng ơn thánh. Vì thế tội phạm sẽ làm giảm ơn thánh, do đó làm giảm sự hiệp nhất với Chúa. Để được hiệp nhất với Chúa, người tín hữu cần ở lại trong tình yêu của Chúa. Ở lại trong tình yêu của Chúa là tuân giữ giới răn Chúa như Thánh Gio-an quả quyết trong Thư gửi tín hữu Do Thái : Ai tuân giữ răn của Thiên Chúa, thì ở lại trong Thiên Chúa (1 Ga 3:24). Chúa hứa cho những ai ở lại trong tình yêu Chúa, mà họ xin điều gì thì Chúa sẽ ban cho. Hợp nhất trong tình yêu Chúa có nghĩa là thần trí của Chúa phải thấm nhập vào mỗi lãnh vực của đời sống: tư tưởng, cảm tình, ước muốn, hành động ...
Trong Phúc âm hôm nay, Chúa phán: Ai ở lại trong Thày và Thày ở trong người ấy, sẽ sinh nhiều hoa trái (Ga 15:5). Để cắt nghĩa cái sự hiệp nhất này, Thánh Phaolô nại đến ví dụ cụ thể của thân thể con người. Mặc dù được làm thành bởi nhiều phần, cái thân thể tạo thành một đơn vị độc nhất. Thánh Phaolô nhìn thấy cái sự hiệp nhất trong một thân thể tương tự như cái sự hiệp nhất trong nhiệm thể màu nhiệm của Chúa Kitô là Giáo hội. Trong cái nhiệm thể màu nhiệm này là Giáo Hội thì Chúa Kitô là đầu, còn người tín hữu là những phần chi thể. Thánh Phao-lô là người hơn ai hết hiểu được cái ý niệm thần học về nhiệm thể màu nhiệm Chúa Kitô. Trên đường đi Đamascô để bách hại người Kitô giáo, Phaolô bị quật ngã khoi lưng ngựa, rồi nghe tiếng phán bảo: Saolê, Saolê, tại sao nhà ngươi bách hại ta (Cv 9:4)? Thực ra thì Phaolô chỉ bách hại người Ki-tô giáo, chứ không bách hại Người phán ra tiếng đó. Sau này nhờ cầu nguyện, suy niệm và được ơn thánh soi sáng, Thánh Phaolô hiểu được tại sao bách hại người Kitô giáo là bách hại chính Đức Ki-tô vì người tín hữu là những chi thể trong thân thể màu nhiệm của Đức Kitô. Nói theo tiếng dùng của Chúa trong Phúc âm hôm nay, người tín hữu là ngành nho trong cây nho là Đức Kitô.
Giáo hội là cộng đồng dân Chúa và là gia đình của Chúa chỉ khi nào các thành phần qui tụ và hiệp nhất trong niềm tin cậy mến. Nếu chỉ qui tụ trong thời gian hoặc không gian, thì không phải là cộng đồng dân Chúa. Người ta có thể qui tụ lại cùng nơi, cùng lúc, cùng đợi một chuyến xe, nhưng đó chỉ là đám đông, chứ không phải là cộng đồng, lại càng không phải là cộng đồng dân Chúa. Khi mà người ta đến với nhau thì có sự việc xẩy ra. Đó là một nguyên tắc xã hội học. Nguyên tắc này còn được áp dụng cho lãnh vực tôn giáo. Khi mà người Kitô giáo đến với nhau thì sẽ xẩy ra những hoạt động Kitô giáo, nghĩa là những hoạt động thiêng liêng. Khi mà người Kitô giáo hiệp nhất đến với nhau, họ sẽ mang lại hoa trái thiêng liêng. Sản xuất hoa trái cho bữa ăn đòi nhiều thời giờ và công sức như canh tác, vun xới, trồng, tưới, tỉa bón, hái về nhà gọt rửa rồi nấu nướng. Để có được hoa trái thiêng liêng cũng đòi hỏi nhiều thời giờ luyện tập như cầu nguyện, suy niệm, hy sinh, hãm mình, vị tha, bác ái...
Lm. Trần Bình Trọng USA
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH
Ga 15:1-8
Trong một chương trình về làm vườn trên truyền hình, khi giải thích cách thức tỉa cành, chuyên gia nọ có nhận xét rằng thật đáng ngạc nhiên là hằng năm sau mùa đông người ta có thể xén tỉa cắt bỏ biết bao là cành khô củi mục từ một cây vẫn còn rất khỏe mạnh tươi tốt, đồng thời lưu ý thêm rằng cần xén tỉa kỹ lưỡng cây cối mới có thể sinh ra quả ngon. Tin Mừng hôm nay cũng nói với chúng ta rằng còn đáng ngạc nhiên hơn khi cuộc sống tốt lành chúng ta cũng có nhiều cây khô củi mục. Xét nhiều phương diện, cuộc đời chúng ta cũng không mấy khác gì với một vườn cây. Nếu chúng ta muốn sau này thu hoạch thật tốt, thì chắc chắn là phải liên tục chăm sóc vun trồng ngay từ đầu. Chúng ta cũng cần chạy tìm Đức Chúa Giêsu tư vấn, vì Người là bậc thầy trong lãnh vực " trồng ngưòi" này. Chúng ta cũng phải tự nhổ bỏ cỏ dại gai góc không thương tiếc, kẻo chúng chen lấn thui chột sức thăng trưởng của niềm tin Kitô giáo. Điều này có nghĩa là cần chặt bỏ những gì vô ích và gìn giữ những gì tốt đẹp. Việc xén tỉa mà Đức Kitô đang nhắc đến chính là việc thanh tẩy trọn vẹn tất cả con người: thân xác, và tâm hồn.
Là một Kitô hữu, không dễ gì giữ mãi vóc dáng tươi tốt ban đầu. Ngay cả những cuộc đời thánh thiện nhất cũng có thể tìm thấy lợi ích khi chịu xén tỉa đôi chút. Hoa trái tốt lành mà chúng ta mong mỏi sản sinh cho đời chính là tình yêu bác ái đối với tha nhân qua lời nói và việc làm. Đây là dấu thử nghiệm chánh hiệu cầu chứng của chúng ta vì hoa trái bác ái nào cũng có dấu ấn của Đức Kitô đóng trên chúng. Thật đáng tiếc nếu chúng ta đóng kín tâm hồn, quay lưng những anh chị em hàng xóm bằng cách nói xấu nói hành, bêu diếu những gương xấu lỡ lầm của họ, dồn họ vào đường cùng, làm mất danh thơm tiếng tốt của họ... Không ai lại không có lỗi lầm, thậm chí những người tốt lành nhất cũng có thể có cái mặt yếu nhất mà người ta có thể lợi dụng tấn công tơi tả. Quyết định nào cũng có cái giá phải trả, chúng ta không nên làm ngơ hay giảm thiểu những khó khăn gắn liền với quyết định sống yêu thương, sống tình yêu. Chúng ta không thể bẽ gẫy phá đổ những rào cản hận thù hay định kiến mở đường cho lòng tốt và khoan dung đi vào cuộc sống của anh chị em, nếu như chúng ta không quyết tâm chăm sóc tu dưỡng ngôn từ của chính mình bằng cách "giữ mồm giữ miệng" hay đúng hơn là "gọt dũa lại" cái lưỡi của mình. Tính hư tật xấu cũng như tội lỗi chúng ta thường ngăn chặn hay làm giảm hiệu quả việc chúng ta sống yêu thương qua tha nhân.
Đức Giêsu đã tạo một ảnh hưởng lớn lao trên đời sống thế gian này nhờ những môn đệ, những kẻ đi theo Người, biết cách sống sao cho mọi người nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa hoạt động trong mọi tình huống đời thường. Đức Kitô tùy thuộc vào chúng ta có trở nên đôi tay và môi miệng Người hay không, để đem ánh sáng cứu độ đến cho người khác. Sự đóng góp to lớn nhất mà mỗi người trong chúng ta có thể làm cho Giáo Hội là chúng ta cho phép tình yêu của Đức Kitô thấm nhập vào trong máu của chúng ta. Nếu chúng ta sống trong Đức Kitô và Đức Kitô sống trong chúng ta, thì hoa trái chúng ta mang lại thật là ngoài sức tưởng tượng. Hôm nay là cơ hội cho chúng ta suy tư lại mức độ chúng ta gắn bó với Tin mừng, vì nếu lìa xa Đức Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không tăng trường vững bền. Thiên Chúa đòi hỏi con cái của Ngài cũng nhiều, khi Ngài mong muốn chúng ta xây dựng Giáo Hội trở nên một cộng đồng đầy sức sống năng động qua việc sống một đời tốt lành thánh thiện đầy hoa trái.
Lm. Nguyễn Văn Phan, DCCt
CÀNH NHO SINH HOA TRÁI
Ga 15:1-8
Những hình ảnh cành nho, vườn nho, cây nho, cây nho được cắt tỉa là những hình ảnh rất quen thuộc đối với người Do thái. Vì trên quê hương Chúa Giêsu, nơi đâu, hầu như người ta cũng trồng nho. Mạc khải của Thánh Kinh lại luôn luôn mang tính biểu tượng và hình ảnh rất cao, ít bao giờ thích dùng những gì xa lạ, khó hiểu đối với đời sống dân chúng. Vì thế, cành nho, cây nho, vườn nho... đã gắn liền với mạc khải, cho đến mức, dẫu trong số chúng ta, hình như có người còn chưa một lần nhìn thấy cây nho, nhưng do suy niệm Lời Chúa, chúng ta cũng quên đi cả thắc mắc: nho là như thế nào. Nghĩa là cách nào đó, chúng ta cũng đã quen nhiều với hình ảnh cây nho...
Ngay từ rất xa xưa, Cựu ước đã mô tả dân Israel như một gốc nho hay vườn nho của Thiên Chúa: " Vườn nho của Đức Chúa Giavê, ấy là nhà Israel. Cây nho Chúa mến yêu quí chuộng, ấy là người xứ Giuda" (Is 5,7). Nhưng hầu hết những hình ảnh cây nho biểu trưng cho Israel luôn luôn đi liền với lời khiển trách, cảnh cáo hay đe dọa. Chẳng hạn bài ca về cây nho trong sách tiên tri Isaia: "Có gì làm hơn được cho vườn nho của Ta, mà Ta đã chẳng làm? Ta những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?... Ta chỉ mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than" (Is 5, 4. 7). Hoặc như tiên tri Giêrêmia: "Ta trồng ngươi như cây nho sai trái, được tuyển chọn giống tốt. Sao ngươi lại trở thành cây nho dại" (Gr 2, 21). Hay trong sách tiên tri Êgiêkiel, vì sự kiêu ngạo của Israel, bằng hình thức ẩn dụ của cành nho, Thiên Chúa trách cứ dân Người nặng như một lời đe dọa: "Cũng như gỗ cây nho trong đám cây trên rừng đã bị Ta quăng làm mồi cho lửa, thì dân cư Giêrusalem cũng bị Ta thiêu như thế" (Êd 15, 6). Và còn rất nhiều những hình ảnh về cây nho mà mạc khải của Cựu ước dùng như một thông điệp để nói với dân của Chúa.
Và hôm nay trong Tin Mừng, Chúa Giêsu tự nhận là " Cây nho thật", "Chúa Cha là người trồng nho", tất cả chúng ta, những Kitô hữu là "cành nho" gắn vào thân nho là Chúa Giêsu. Có một điều đáng lưu tâm đó là: Nếu trong Cựu ước, hình ảnh của cây nho như một lời cảnh cáo, đe dọa Israel vì tội lỗi của họ thì lời của Chúa Giêsu hôm nay cũng gióng lên một tiếng chuông cảnh báo như thế: "Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa để nó sinh trái nhiều hơn".
Như vậy, Thế nào là sinh hoa trái?
Ngay trong bài đọc hai, Thánh Gioan đã cho ta câu trả lời rất xúc tích nhưng rất đầy đủ. Đó là sống giới răn của Thiên Chúa. Mà "giới răn của Chúa là: ta hãy TIN vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải YÊU THƯƠNG nhau như Người đã dạy". Và chỉ khi sống giới răn của Người, nghĩa là lãnh nhận ĐỨC TIN và thể hiện đức tin ấy bằng TÌNH YÊU, ta mới được một điều quí giá là: "ta ở trong Thiên Chúa và Người ở trong ta". Nhưng nói cho cùng, đức tin và tình yêu chỉ là hai cách diễn tả của một khuôn mặt là chính đời sống của người tín hữu mà thôi. Đức tin thôi thúc ta sống đời sống yêu thương với mọi anh em xung quanh ta. Còn đời sống yêu thương chính là sự biểu lộ ra bên ngoài của một đức tin mạnh mẽ, một tâm hồn phó thác lớn lao. Không chỉ đề cập đến tình yêu của ta đối với anh em, đối với thánh Gioan, tình yêu ấy phải rõ ràng và cụ thể: "Chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và sự chân thật".
Bởi thế bạn và tôi chỉ có thể là những cành nho biết sinh hoa trái khi cả bạn lẫn tôi biết sống hữu hiệu, để nhờ chính cuộc sống ấy, có thể làm biến đổi môi trường chung quanh, tạo dựng hạnh phúc cho người khác. Điều mà ta có thể làm ngay tức khắc đó là hãy trung thành, hãy tận tụy, hãy yêu quí, hãy ra sức sống hết mình với giây phút hiện tại Chúa ban, để bằng tất cả nỗ lực và chú tâm vào việc làm lương thiện hiện tại này, bạn và tôi đã tạo cho đời, và cho chính mình nữa, biết bao nhiêu hạnh phúc, biết bao nhiêu nụ cười bình an. Bằng cách ấy, bạn và tôi trở thành những cành nho tốt biết sinh hoa trái, biết làm sáng danh chính Cây Nho Thật là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ước mong tất cả chúng ta luôn là những cành nho tốt tươi biết gắn chặt đời mình với thân nho là chính Chúa Kitô, nhờ đó, dù chỉ là một cành nho mang thân phận con người mong manh, ta sẽ làm cho đời mình sinh nhiều hoa trái, nhiều kết quả tốt đẹp cho Giáo Hội và cho mọi người quanh ta.
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
THẦY LÀ CÂY NHO CÁC CON LÀ CÀNH
Ga 15:1-8
Bài đọc thứ nhất của sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại việc thánh Phaolô được Chúa Giêsu kêu gọi trở lại với Giáo Hội trên con đường đi Emmau để bách hại đạo Chúa. Chúa Giêsu đã biến cành cây (Phaolô) cho hợp với thân cây (Chúa Giêsu) thì sẽ biến thành cây sinh nhiều hoa trái. Từ con người phản nghịch trở thành con người của ơn thánh. Từ con người ghét đạo trở thành con người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng.
Tại Phi Châu, có ông già vào thăm cha, thấy trong nhà cha có cây đèn đốt ngược (Bóng điện). Ông xin cha một cái. Cha cho ông cái bóng điện hư. Đưa về ông cột dây vào rồi treo lên trần nhà. Không thấy bóng sáng như ở nhà cha. Ông hỏi cha, cha cho biết: Nếu muốn bóng sáng thì phải có điện chuyển qua dây vào bóng đèn mới sáng được. Cũng như ông muốn là người có đạo, sống sốt sáng là nhờ có ơn Chúa thông qua ông khi chịu phép Rửa tội, ông mới trở nên người Công Giáo, mới sống đạo, mới biết Chúa, mới được đầy sống sáng trong đức tin.
Muốn cho sinh hoa kết trái, cành nho phải hợp với thân cây nho, thân cây truyền sức sống bổ dưỡng để cành sinh hoa kết quả được. Về mặt tinh thần cũng vậy, muốn có sự sống là Chúa Kitô, phải hiệp thông với Chúa là nguồn, bằng cách năng chịu các Phép Bí Tích, năng đọc Sách Thánh, năng lãnh nhận lời hằng sống, năng xem lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa. Cũng như tấm bánh miến, phải do hàng trăm hạt lúa miến kết hợp lại, biến thành Mình Thánh Chúa. Cũng như giọt rượu nho do trăm ngàn trái nho ép thành chất rượu lại phải được truyền biến thành Máu Thánh Chúa.
Đừng như cây bầu, cây bí có nhánh lá xum xuê, có nhánh bị sâu đục chui vào thân, bề ngoài lành lặn nhưng bên trong sâu ăn làm dây leo bị khô héo. Giáo Hội là nhóm người tụ họp với nhau để cử hành các Bí Tích, có Chúa ở giữa. Giáo Hội cũng là nhóm người tụ họp nhau để cầu nguyện " Ở đâu có hai ba người tụ họp mà cầu nguyện thì Chúa ở giữa". Giáo Hội cũng là nhóm người hợp nhau để làm việc bác ái, việc thiện "Ai làm cho anh em tức là làm cho chính Chúa".
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn kết hợp với Ngài, bằng cách tụ họp nhau nhân danh Ngài, bằng cách lắng nghe lời Ngài, bằng cách chia sẻ Mình và Máu Ngài mỗi khi có thể, để chúng con liên kết với Ngài là thân cây nho, hầu chúng con được lãnh nhận hoa trái dồi dào. (5/2003)
Lm. Thu Băng, CMC (Nguồn vietcatholic.org)
1582 04-05-2012 16:21:38