Sidebar

Thứ Tư
22.05.2024

Chúa Nhật V TN B_4

NHỮNG HOẠT ĐỘNG VÀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC GIÊSU
Mc 1,29-39

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay tường thuật cho chúng ta về những hoạt động và những giờ phút yên tĩnh của Ðức Giêsu khi Người bắt đầu đời sống công khai ở Ga-li-lê-a. Suốt cả một ngày Người đã luôn năng nỗ và không bao giờ mỏi mệt chu toàn sứ mệnh mà Chúa Cha đã giao phó. Sứ mệnh chính yếu của Người là việc rao giảng Nước Thiên Chúa cho hết mọi người : « Chúng ta hãy đi sang các làng bên cạnh; Thầy cũng muốn rao giảng ở những chỗ đó nữa, bởi vì Thầy được sai đến là để làm chuyện đó ». Lời nói này của Ðức Giêsu đã giúp chúng ta hiểu được chính xác hơn mục đích của những phép lạ Người đã làm : Tất cả đều nhắm phục vụ cho công cuộc thuyết giáo của Ðức Giêsu về « Nước Trời sắp đến gần ». Mọi lời giảng dậy và mọi việc Người làm đều hoàn toàn nhắm tới sứ mệnh rao giảng Tin Mừng như mục đích duy nhất. Trước hết những lời nói và việc làm của Người là mạc khải cho những người có đức tin mầu nhiệm về Nước Thiên Chúa (x. Mc 2,10-12; 4,11). Như có lần thánh Augustinô đã viết : « Các phép lạ cũng có ngôn ngữ riêng, nếu như người ta hiểu được chúng : Chúng nói về Ðức Kitô » (In Johann. Tr.24,2)

Bởi vậy, Phúc Âm nhắc lại cho chúng ta về Ðức Giêsu, Ðấng đã chữa lành cho bà mẹ vợ của Simon, cho những bệnh nhân và những người bị quỉ ám mà vào cuối ngày người ta đã khiêng tới đặt trước cửa nhà Simon và Anrê để xin Người chữa cho. Nhưng việc quan trọng không phải là để mong được chữa lành bệnh, nhưng là để lắng nghe Ðức Giêsu thuyết giáo về Nước Trời. Tiếp đến, ngày xưa cũng như hôm nay, điều người ta cần phải làm là dứt khoát đáp lại lời kêu mời của Ðức Giêsu và sống như Người đã sống.


Tuy nhiên, một khi người ta đã không muốn tin và không đáp lại lời mời gọi của Ðức Giêsu thì cũng không thể hiểu biết được lời giảng và việc làm của Người (x. Mc 8,11). Dù cho họ có chứng kiến hay nghe nói về các phép lạ Người đã làm bao nhiêu lần đi nữa, thì con mắt tâm hồn họ vẫn trong cảnh mù lòa (x. Mc 4,12).


Do đó Ðức Giêsu đã dứt khoát và mạnh mẽ từ chối chứng nhân của ma quỉ. Người chỉ muốn thức tĩnh đức tin nơi mỗi người bằng chính lời nói và việc làm của mình. Do đó Người đã bỏ thành Ca-pha-na-um để đi sang các thôn xóm kế cận rao giảng. Ðức Giêsu giảng thuyết cho dân chúng về Nước Thiên Chúa và trừ khử ma quỉ. Vì Người đến trong thế gian là để thực thi chuyện đo.


Những hoạt động hăng say cho Nước Trời như thế của Ðức Giêsu chỉ bị gián đoạn bằng những giờ phút cầu nguyện hàn huyên với Chúa Cha trong nơi thanh vắng. Ðó chính là những giờ phút nghĩ ngơi yên tĩnh của Người. Nơi Ðức Giêsu : cuộc sống và sự cầu nguyện, cầu nguyện và cuộc sống hoàn toàn đan kết chặt chẽ với nhau : « Vào buổi sáng sớm, khi trời còn tối, Ðức Giêsu đã chỗi dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó ». Ðây là lần đầu tiên thánh sử Mác-cô tường thuật về sự cầu nguyện của Ðức Giêsu. Trong những phần kế tiếp của bản Phúc Âm, thánh nhân còn trình bày chân dung Ðức Giêsu như là gương mẫu trong sự cầu nguyện, và đồng thời thánh nhân cũng đã nhắc đến lời cảnh giác của Ðức Giêsu là phải cầu nguyện thế nào cho đúng đắn.


Trong bốn thánh sử ghi chép Phúc Âm chỉ có thánh Mác-cô nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu đã đi tới một nơi thanh vắng để Người cầu nguyện. Vâng, đoạn Phúc Âm ghi lại là sau khi làm phép lạ đầu tiên khiến bánh hóa nhiều để nuôi dân chúng, Ðức Giêsu đã đi lên Núi một mình « để cầu nguyện » (6,46). Trong Phúc Âm thánh Mác-cô người ta còn đọc được lời cầu nguyện tha thiết của Ðức Giêsu cùng Chúa Cha trong cơn sầu khổ tột độ : « Áp-ba, Cha ơi » (14,36). Kiểu nói « Áp-ba, Cha ơi » trong tiếng mẹ đẻ của Ðức Giêsu là kiểu nói đầy trìu mến của một đứa trẻ nói với cha ruột của mình. Kiểu nói « Áp-ba, cha ơi » vào thời Ðức Giêsu chưa một ai dám xử dụng để xưng hô với Thiên Chúa. Chỉ có Ðức Giêsu là người đầu tiên duy nhất đã xử dụng kiểu nói đó. Ðúng vậy, như một đứa bé lúc gặp phải nguy tử đã chạy đến ôm chặt vào cha mình, Ðức Giêsu đã chạy đến cùng Chúa Cha và tin tưởng van nài : « Áp-ba, Cha ơi, đối với Cha tất cả mọi sự đều có thể. Xin Cha cho con khỏi uống chén đắng này. Tuy nhiên, xin Cha đừng làm theo ý con, nhưng hãy làm theo ý Cha » (14,36). Tình con thảo và lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối của Ðức Giêsu trong khi câu chuyện trao đổi với Chúa Cha trên đã giúp cho chúng ta hiểu rõ được lời cầu nguyện của Người trong lúc hấp hối trên thánh giá: « Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con ? » (15,14). Ðây không phải là lời kêu hốt hoảng vô ý thức hay một sự bộc lộ thất vọng cay đắng. Trái lại, trong cơn hấp hối đầy sợ hãi, Ðức Giêsu đã xướng lên câu đấu của một thánh vịnh (Tv 22,2) như một lời nguyện thầm, mà kết cấu là sự phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa : « Chúa đã nhậm lời con xin » (Tv 22,22)


Ðức Giêsu cầu nguyện luôn và người mời gọi chúng ta cũng hãy cầu nguyện không ngừng. Thánh sử Mác-cô đã ghi lại những lời nhắc nhở của Ðức Giêsu về sự tĩnh thức cầu nguyện. Vâng, con người luôn phải siêng năng và tĩnh thức cầu nguyện, vì cuộc đời con người là một cuộc chiến đấu dằng co với đủ mọi thứ thù địch, trong đó gay cấn nhất là cuộc « nội chiến » trong chính mình : Con người phải chiến đấu chống trả những cám dỗ (14,38), những xu hướng và những đòi hỏi quá độ của thân xác. Tiếp đến, con người phải đề phòng những nghịch cảnh và những hoạn nạn sẽ xảy đến trong những ngày sau hết (13,18tt). Nhưng theo Phúc Âm Mác-cô, muốn cho lời cầu xin của mình được chấp nhận, con người cần phải thỏa mãn được hai điều kiện tiên quyết mà Ðức Giêsu đã đặt ra, đó là sự tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa (11,22-24) và sự luôn sẵn sàng tha thứ, hòa giải với đồng loại (11,25; Mt 6,14-15).


Trong cuộc đời công khai của Ðức Giêsu, những giờ phút cầu nguyện yên tĩnh trong nơi thanh vắng thực sự là thời gian tĩnh dưỡng, là thời gian « lấy lại sức » để tăng cường cho các hoạt động thuyết giáo của Người. « Ora et labora » - Cầu nguyện và làm việc - đã được Ðức Giêsu bắt đầu ở Na-da-ret trong suốt 30 năm trời và nay lại được tiếp tục trong cuộc sống công khai của Người. Ðiều đó đã đủ nói lên rằng : Cầu nguyện và hoạt động là hai điều kiện tất yếu cho cuộc sống của tất cả mọi Kitô hữu và nhất là của những ai dấn thân làm việc Tông đồ rao giảng Nước Thiên Chúa.


Một điểm khác đáng ghi nhận trong phần cuối bài Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay là thánh sử Mác-cô đã nhắc đến thánh Phêrô. Với tính bộc phát và hăng hái sẵn có của mình, Simon Phêrô đã dẫn các bạn đồng nghiệp đi lục soát tìm kiếm Ðức Giêsu khắp nơi, và khi gặp được Người đang cầu nguyện trong một nơi hoang vắng liền thối thúc Người : « Thưa Thầy, ai nấy đều đi tìm Thầy đó », chứ ông không hề nghĩ đến chuyện phải tôn trọng « giờ cầu nguyện » của Thầy. Chắc chắn rằng vào lúc bấy giờ Simon Phêrô chưa hiểu được việc cầu nguyện đối với Ðức Giêsu quan trọng như thế nào ! Ông cũng chưa biết đánh giá được sự yên tĩnh, sự lắng đọng của tâm hồn, hầu có thể nghe được tiếng Chúa, hầu có thể chìm sâu vào trong cầu nguyện !


Phải chăng trong cuộc sống hằng ngày đã có biết bao lần chúng ta cũng đã tư duy và hành động tương tự như Simon Phêrô xưa ? Thật sự, đời sống đức tin, đời sống Kitô hữu của chúng ta đang phải đứng trước những mối đe dọa nguy hiểm trầm trọng, nếu chúng ta - vì bất cứ lý do gì - coi thường hay rút ngắn những giờ phút cầu nguyện yên tĩnh trong sự lắng đọng của tâm hồn, để lao mình vào đủ thứ công việc - công việc sinh nhai cũng như công việc tông đồ. Vì đời sống một người mà thiếu cầu nguyện, những hoạt động tông đồ mà không có sự cầu nguyện kèm theo thì chỉ là cái xác không hồn hay chỉ là những chiếc xe thiếu xăng dầu.


Vâng, bài Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay tường thuật về các hoạt động và cầu nguyện của Ðức Giêsu, đã đặt ra cho lương tâm mỗi người Kitô hữu một vấn nạn thực tiễn : Liệu trong suốt chuỗi ngày sống, tôi còn dành cho mình có được giây phút nào đó để cầu nguyện nữa không ? Ước gì gương sống của Ðức Giêsu - Ora et labora - có được « tiếng dội » trong những ngày sống sắp tới của chúng ta.

LM Nguyễn Hữu Thy

 SỨ VỤ TÌNH YÊU
Mc 1, 29-39

Bài Tin mừng hôm nay tiếp tục nói về sứ vụ của Đức Giêsu tại Capharnaum. Để có thể thấy rõ hơn về hoạt động của Ngài, chúng ta cùng xem lại bài Tin mừng Chúa Nhật vừa rồi, vì trùng vào ngày Tết và lễ Đức Mẹ dâng Con vào Đền thờ nên chúng ta chưa có dịp nghe. Sau khi gọi các môn đệ đầu tiên mà chúng ta đã nghe trong Chúa Nhật tuần 3, Tin mừng Chúa Nhật tuần 4 vừa qua thuật lại việc Đức Giêsu vào hội đường và giảng dạy cho dân chúng. Khi nghe giáo huấn của Ngài, dân chúng đã hết sức ngạc nhiên vì "Ngài dạy dỗ họ như Đấng có uy quyền, chứ không như các ký lục". Hơn nữa, Ngài còn dùng quyền năng mà giải thoát "một người bị thần ô uế nhập". Tất cả những điều đó đã gợi lên một thắc mắc nơi dân chúng về Ngài: "Thế nghĩa là gì?" (x. Mc 1, 21-28).

Kế đó, theo bước Đức Giêsu rời khỏi hội đường, thánh sử Marcô thuật lại liên tiếp ba câu chuyện nhỏ mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng Chúa Nhật 5 hôm nay.


Chữa bệnh cho bà nhạc gia ông Simon "ở trong nhà".


Chữa bệnh và đuổi quỷ cho nhiều người "trước cửa nhà", nơi "cả thành tụ họp".


Cuối cùng là việc Chúa đi cầu nguyện ở một nơi "hoang vắng", và lên đường rao giảng cho khắp các thành lân cận.


Như thế, nhìn thoáng qua, chúng ta có thể nghĩ rằng, sứ vụ của Đức Giêsu đến thế gian này là để chữa bệnh và đuổi quỷ. Điều này đúng nhưng chưa phải là tất cả. Sứ vụ chính yếu của Đức Giêsu khi đến trần gian này, thực ra là để loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, như lời rao giảng đầu tiên mà Ngài đã công bố: "Nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy sám hối và tin vào Tin mừng" (Mc 1, 15). Sứ vụ này một lần nữa được Đức Giêsu nói rõ với các tông đồ trong bài Tin mừng hôm nay: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Tin Mừng này không chỉ dành riêng cho người Do thái, nhưng là cho tất cả mọi người.


1. Từ Đức Giêsu... Đức Giêsu xuống thế để loan Tin mừng Nước Thiên Chúa. Đây chính là Tin mừng của tình yêu, một tình yêu Nhập Thể làm người, hiến thân làm hy tế và để lại thân mình làm của ăn cho chúng ta. Tin mừng về tình yêu này đã được Đức Giêsu khẳng định trong bữa tiệc sau cùng với các môn đệ: "Ta ban cho các ngươi một điều răn mới: là hãy yêu mến nhau. Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau" (Ga 13, 34). Thế nhưng, trong bước đường thi hành sứ vụ của mình, Đức Giêsu đã phải đối diện với biết bao cảnh đau thương của con người, về tinh thần cũng như thể xác. Những nỗi đau mà chúng ta dù muốn hay không, vẫn bị chúng bám chặt lấy. Chính ông Gióp trong bài đọc một giữa những cơn thử thách cũng đã phải thốt lên: "Quân dịch là đời sống của con người trên trái đất... Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: "Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối". Và ông kết luận: "Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc".


Đó còn là nỗi đau đớn, bất an của những con người sống trong tình trạng tội lỗi, bị bỏ rơi, như bà nhạc gia của Simon đang bị sốt [1], và biết bao bệnh nhân cùng với những người bị quỷ ám. Tất cả những người đó đều cần được Tin mừng của tình yêu soi dọi.


Tin mừng tình yêu mà Đức Giêsu loan báo không phải chỉ là những lời nói xuông, nhưng là một tình yêu cụ thể. Một tình yêu khiến "Ngài tiến lại gần, cầm lấy tay bà, và nâng đỡ dậy". Tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca cũng có cùng một cảm nghiệm đó khi nói: "Chính Người chữa những kẻ dập nát tâm can, và băng bó vết thương tâm của họ". Thánh Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ cũng đã làm chứng: "Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người" (Cv 10,38).


Như thế, Tin mừng tình yêu mà Đức Giêsu đến để rao giảng không dừng ở dân tộc Do Thái mà còn dành cho muôn dân, cho từng người chúng ta. Tôi và quý ông bà anh chị em cũng đã từng nhiều lần được Tình yêu của Thiên Chúa đến cầm lấy tay và nâng dậy sau mỗi lần chúng ta sa ngã, hay gặp thất bại trong cuộc sống. Thế nhưng, sau đó chúng ta đã làm gì để đáp lại hồng ân đó?


2.. .. đến chúng ta hôm nay Có lẽ tâm tình đầu tiên thích hợp nhất là tâm tình ca ngợi tri ân, một sự tri ân với cả tấm lòng thành, như lời tác giả Thánh vịnh: "Hãy chúc tụng Chúa, Đấng cứu chữa những kẻ dập nát tâm can".


Kế đó, lòng tri ân của chúng ta không được dừng ở những lời chúc tụng xuông trên môi miệng, nhưng phải được thể hiện qua những hành động cụ thể. Đó là tiếp bước Đức Giêsu và bắt chước bà nhạc gia của Simon sau khi được chữa lành đã chỗi dậy đi "tiếp đãi các ngài", chúng ta cũng phải là sứ giả của Tin mừng tình yêu. Chính thánh Phaolô, sau khi được Đức Giêsu cầm tay giúp ông chỗi dậy trên đường Đamát (x. Cv 9, 1-18), cũng đã nhiệt thành ra đi rao giảng Tin mừng. Đối với thánh nhân loan truyền Tin mừng không phải là một sự bắt buộc, nhưng chính là một nhu cầu sống còn của bản thân: "Nếu tôi rao giảng Phúc Âm, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm".


Hơn nữa, cảm nghiệm được vị ngọt của Tin mừng tình yêu mà Đức Giêsu dành cho mình, thánh Phaolô cũng đã "chạnh lòng thương" đối với những người chưa nhận lãnh Tin mừng. Ngài sẵn sàng làm mọi sự để đưa họ đến với Thiên Chúa là nguồn tình yêu thật như lời ngài tâm sự chúng ta vừa nghe: "Tôi đã đành làm nô lệ mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút nguời yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi".


Như vậy, điều chúng ta cần noi gương Đức Giêsu không phải là việc chữa bệnh hay làm điều gì thật rầm rộ bên ngoài, mà chính là khả năng "chạnh lòng thương" trước những đau khổ của tha nhân. Thiết tưởng tất cả mọi Ki-tô hữu muốn thật sự là Ki-tô hữu đều phải biết "chạnh lòng thương", nghĩa là biết nhạy cảm trước những đau khổ, trước những cảnh thương tâm đang xảy ra cho những người chung quanh, đồng thời quyết tâm ra tay hành động theo sự thúc đẩy của tình thương. Sự nhạy cảm do tình thương ấy chính là dấu hiệu chắc chắn cho biết Thiên Chúa đang thật sự ở với chúng ta, trong chúng ta, bởi vì thánh Gioan đã nói: "Ai không yêu thương anh em mình thì không thuộc về Thiên Chúa" (1 Ga 3,10; x. 3,17; 4,8).


Giờ đây, hướng về bàn thờ, nơi cử hành hiến lễ của tình yêu, chúng ta cùng cầu xin Thánh Thể trợ lực, để từng người chúng ta cũng biết sống yêu thương ngay từ trong gia đình, cho đến khu xóm, và với những người chúng ta tiếp xúc. Có lẽ đó là cách thiết thực nhất để chúng ta góp phần chu toàn sứ vụ loan báo Tin mừng tình yêu của Thiên Chúa. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

LAO ĐỘNG VÀ CẦU NGUYỆN
Mc 1, 29 - 39

Một ngày ở Caphácnaum được sánh ví như "ngày làm việc mẫu" của Chúa Giêsu. Trong ngày đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu không chỉ làm việc liên lỉ, rao giảng Tin mừng, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng,... mà còn không ngừng kết hiệp với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện.

Ra khỏi hội đường Dothái, công việc tiếp theo của Chúa Giêsu là đến thăm viếng bà nhạc mẫu Simon Phêrô. Chính tại đây, Chúa Giêsu không chỉ giúp cho bà khỏi căn bệnh sốt mà còn chữa nhiều người khỏi bệnh. Thời Chúa Giêsu, người ta quan niệm bệnh sốt là do ma quỷ nhập khiến người bệnh khi nóng khi lạnh rất khó kiểm soát. Chính vì thế, việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc mẫu của Phêrô còn mang ý nghĩa biểu tượng. Chúa Kytô không chỉ đến để giải thoát nhân loại khỏi quyền lực ma quỷ mà còn để minh chứng cho nhân loại thấy chính Người là Đấng Mêsia đến để phục hồi vương quyền nước Thiên Chúa. Điều này chúng ta thấy rất rõ khi thánh sử Máccô dùng động từ "chỗi dậy" (Egeirein) khi chữa bệnh cho bà nhạc mẫu Phêrô. Động từ egeirein có nghĩa đặc biệt, chỉ sự chỗi dậy từ cõi chết. Chính Máccô trong Tin mừng của mình còn dùng ít là bốn lần nữa để chỉ tình trạng chỗi dậy từ cõi chết (x. 5, 41-42; 9, 27; 12, 26; 16, 6). Như thế, qua việc bà nhạc mẫu của Phêrô và dân chúng được khỏi bệnh, cho thấy vương quyền của Thiên Chúa đã đến thật sự. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ, chiến thắng tử thần bằng hành động cho bà nhạc mẫu Phêrô, dân chúng và cuối cùng chính Người cũng chỗi dậy từ cõi chết. Không những thế, một ngày hoạt động liên lỉ không biết mệt mỏi của Chúa Giêsu cho thấy Người yêu thương con người, muốn giải thoát con người khỏi sự kiềm kẹp của bóng đêm tội lỗi, dẫn đưa họ bước vào đường nẻo bình an, vào vinh quang bất diệt của hồng ân cứu độ.


Không chỉ làm việc, Chúa Giêsu còn tìm mọi thời gian, bao có thể để cầu nguyện. Có thể nói, cầu nguyện là điều không thể thiếu trong đời sống tại thế của Chúa Giêsu. Người làm việc không ngừng, nhưng cũng kết hiệp với Chúa Cha cách liên lỉ. Chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn kết hiệp với Chúa Cha, trò chuyện tâm sự với Cha của Người. Cầu nguyện không ngừng nhất là trong những công việc quan trọng cần đến sự cố vấn của Chúa Cha luôn là điểm nổi bật trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chính vì thế, đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu là mẫu gương cho mỗi người chúng ta.


Thế nhưng cầu nguyện là gì ? Chúng ta có thể hiểu đơn giản thế này. Cầu nguyện là một cuộc nói chuyện thân mật giữa chúng ta với Thiên Chúa như hai người bạn thân. Trong cuộc trò chuyện đó, chúng ta chia sẻ với Chúa những niềm vui, nổi buồn trong cuộc sống nhân sinh; đồng thời cũng là lúc chúng ta lắng nghe Chúa "chia sẻ" với chúng ta những nổi niềm riêng tư của Người. Sau cuộc trò chuyện, điều gì sẽ xảy đến? Chúng ta thường nói niềm vui nếu được chia sẻ sẽ nhân lên gấp bội và, nổi buồn nếu được sẻ chia sẽ vơi đi một nửa. Chính vì thế, hiệu quả của việc cầu nguyện là gì nếu không phải là việc tâm hồn chúng ta được thư thái, bình an, được cảm thông và tăng thêm sức mạnh cho tâm hồn? Không chỉ vậy, cầu nguyện còn giúp chúng ta có được sự cố vấn cần thiết để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống nhờ vị Cố vấn kỳ diệu là Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không sợ lạc lối vì biết rõ đường lối của Thiên Chúa rất mực công minh và ngay thẳng nếu chúng ta tuân giữ những hướng dẫn của Người.


Chúa Giêsu đã đi bước trước làm mẫu gương cho chúng ta trong đời sống lao động và cầu nguyện. Lao động mà không cầu nguyện sẽ làm cuộc sống con người mệt mỏi và đơn điệu; ngược lại cầu nguyện mà không lao động khiến con người trở nên sống hình thức, lười biếng và ỷ lại. Vì thế, xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết kết hợp cách hài hoà giữa lao động và cầu nguyện để nhờ đó, nhân loại không chỉ biết trân trọng những giá trị do lao động mang lại mà còn biết trân quý hiệu quả lớn lao của đời sống kết hiệp với Thiên Chúa.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA CHÚA GIÊSU
Mc.1,29-39

Ngày mà nguyện tổ chúng ta phạm tội, Thiên Chúa đã với Adam: " ngươi phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có cơm ăn". Vì thế, Cựu Ước vẫn có quan niệm rằng : Làm việc là một hình phạt bởi tội, một thứ lao dịch trong đời sống của con người (Job. 1,1-7). Thế nhưng khi Chúa Giêsu đến Người đã dạy cho người ta hiểu rằng : lao động là một ân ban, họ được cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, và Chúa Giêsu đã nêu gương làm việc mà Marcô tác giả Tin Mừng thứ hai tường thuật ( Mc.1,29-39), nơi khác Chúa Giêsu còn nói " Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Và Thánh Phalô cũng noi gương Chúa Giêsu, Ngài ra sức làm việc, rao giảng Tin Mừng không biết mỏi mệt " khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng" và còn hăng hái chu toàn những công việc nặng nhọc như dệt thảm để không trở nên gánh nặng cho mọi người, Ngài tự nguyện làm việc không ngơi nghỉ ( x. 1Cor.9,16-19;22-23).

Chúng ta hãy nhìn vào gương mẫu làm việc của Chúa Giêsu trong một ngày tại Caphanaum như thế nào để rút ra bài học:


Bài Tin Mừng kể : Chúa Giêsu vào Hội Đường để rao giảng, Người là một nhà giảng thuyết lợi khẩu, Người đã làm cho những thính giả nghe Người giảng phải say mê, khen ngợi, vì Lời Người như đi vào tâm hồn người nghe, Lời Người nói thì chính Người đã sống một cách thiết thân cho nên có sức cuốn hút người nghe. Trong khi rao giảng Người chữa bệnh cho những ai đang cần đến Người như nhạc mẫu của Phêrô, những người đau yếu bệnh tật khác, cả những người bị quỉ ám cũng được Người trừ cho khỏi. Tuy nhiên, Đức Giêsu không chữa lành hết mọi bệnh nhân, Người chỉ chữa trị một số người tiêu biểu, như một thứ việc làm báo trứơc " thời cánh chung". Tất cả những công việc chữa trị, trừ quỉ chỉ là để củng cố cho lời giảng dạy của Người, Như bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu tất bật từ sáng đến tối, không phải làm vì ích lợi bản thân mà lo cứu giúp người khác, nhưng cũng không phải chỉ lo chữa trị phần xác mà còn cả phần hồn nên Người đã phải rời đi nơi khác để rao giảng, mặc dù ở nơi đó còn rất nhiều người tuôn đến với Chúa để được chữa lành, nhưng Người không muốn người ta lầm tưởng Người là Đấng Mêssia chỉ lo cơm ăn áo mặc, mà trái lại Người là Đấng giải thoát người ta khỏi mọi thứ nô lệ.


Như thế lao động là bổn phận của mọi người, nó giúp ích cho bản thân, cho người khác và cho xã hội. Tuy nhiên làm việc mà không có bồi bổ thân xác thì một ngày nào đó người ta sẽ dần mòn ngã quị. Chúa Giêsu, Người cảm nhận được điều đó hơn ai hết nên sau những giờ làm việc Người thường tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện với Chúa Cha trong cô tịch. Người kín múc nguồn sức mạnh nơi Cha, Người tỏ bầy mọi thống thiết của nhân lọai với Cha. Đức Kitô đang hiện diện với Cha nhưng không phải một mình mà có cả nhân loại ở đó, trong Người là hiện thân của con người nhân lọai, một kiếp người lầm than mang đầy những nhọc nhằn cơ cực, bệnh tật, chắc chắn lúc ấy Chúa Giêsu tỏ bầy với Chúa Cha tất cả và toàn thể nhân lọai như đang ở trước mặt Người.


Ngày sống của Chúa Giêsu là thế, còn chúng ta thì sao? Hình như chúng ta cũng làm việc nhưng không giống Chúa. Chúng ta quên công việc loan báo Tin Mừng mà chỉ lo lao động vì lao động, đến nỗi không còn giờ để nghỉ ngơi, lao động đã làm cho chúng ta bị thoái hóa, bị vong thân. Và trong nơi mỗi người chúng ta, những con người đầy những bệnh tật cần được chữa trị, đó là tội lỗi, những con người quên mất mình đến nỗi không biết mình bệnh tật để rồi không lo tìm thầy chạy thuốc, nên không tìm đến Bí tích Hòa giải, Bí tích Thánh Thể và quên cầu nguyện. Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà Người còn cầu nguyện huống là nữa là chúng ta! Chú Nhật hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách thức lao động của mình.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ẩn mình trong Chúa trong giờ cầu nguyện, đừng để tội lỗi làm chúng con xa lìa Chúa, nhưng xin chữa lành và biến đổi chúng con thành những cộng sự viên của Chúa trong công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ.

Sr Mai An Linh OP

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B
Mc 1:29-39

Hằng ngày chúng ta đối diện trước những hình ảnh tàn khốc trên TV, nào là chiến tranh, nạn đói, nào là trẻ em đang hấp hối. Đứng trước những nỗi đau khổ khôn cùng như thế của nhân loại không lạ gì nhiều người đã đi đến chỗ kết luận rằng một là do hình phạt của Thiên Chúa, hai là không có Thiên Chúa nào hết. Không sao hiểu nổi những con người ăn ngay ở lành lại phải chịu đựng nhiều nỗi khổ đau và vác những thập giá nặng nề đến thế! Không gì đe dọa niềm tin cậy chúng ta vào một Thiên Chúa yêu thương quan phòng hơn là phải chứng kiến những cảnh khổ đau trên đời này.

Sách Gióp là một nỗ lực
tiếp cận trực diện vơí vấn đề đau khổ của con người. Ông Gióp, một người đạo hạnh ăn ngay ở lành, bị Thiên Chúa đem ra thử thách. Ông bị mất tất cả vợ con và tất cả mọi tài sản, rồi sau cùng bị ngã quỵ vì đủ thứ bệnh tật. Ông bị buông xuôi bỏ cuộc đến nỗi cảm thấy rằng ngoài cái nỗi khốn cùng này ông không còn gì đáng sống nữa. Nghĩ tới nghĩ lui tại sao ông phải chịu đau khổ, hay tại sao Thiên Chúa giáng xuống quá nặng tay, ông Gióp không tìm thấy một câu trả lời thuyết phục nào có thể đem lại ý nghĩa cho nỗi tuyệt vọng hiện thời của ông. Sự thật là không dễ gì có ngay câu trả lời. Gióp không phải là người đầu tiên cũng chẳng phải là người cuối cùng bị dày vò và bế tắc trước vấn nạn đau khổ con người. Bệnh tật và cái chết có thể là những thời khắc quan trọng nhất và đòi nhiều nỗ lực nhất trong cuộc đời.

Chúng ta thường quên lãng hay chối từ Thiên Chúa cho tới khi chúng ta bị một cơn khủng hoảng nào đó đánh gục và ngã quỵ tới chỗ cảm thấy bất lực. Khi chúng ta chỗi dậy thoát khỏi cơn tuyệt vọng ấy, chúng ta tất tả tìm đến Ngài tìm ơn sủng chữa lành. Chúng ta được đưa đẩy đến chỗ hoàn toàn tín nhiệm vào Thiên Chúa, vì không có cách nào khác để đối diện với đau khổ hơn là nhận thức rằng đau khổ là một phần của chương trình Thiên Chúa. Bệnh tật có thể giúp thúc đẩy chúng ta gạt sang một bên những hoạt động sôi nổi cuồng nhiệt của cuộc sống thường nhật để thay vào đó tập trung tâm tư vào ngôi nhà vĩnh cửu mà Thiên Chúa Cha đã dọn sẵn cho chúng ta trên trời. Đây là những cơ hội đặc biệt đúng lúc để chúng ta giáp mặt với hy vọng và thất vọng của cuộc sống. Không cần gì mà nghĩ ngợi rằng chúng ta sẽ làm gì nếu hoàn cảnh của chúng ta có thay đổi khác đi.


Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Chúa Giêsu đến với bà nhạc của ông Simon, giơ tay ra chữa lành cho bà ấy. Đức Kitô không trao cho chúng ta câu trả lời về vấn đề đau khổ cũng không giải thích tại sao con người phải chịu đau khổ nhưng Ngài cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc biến đau khổ thành niềm vui. Bằng cách đồng hóa mình với bệnh nhân hay người hấp hối Đức Chúa Giêsu khi hấp hối trên Thập Giá đã mặc khải cho chúng ta thấy rõ ràng đau khổ là một phần trong chương trình của Thiên Chúa. Tất cả đều tùy thuộc cách chúng ta vác thập giá của mình bởi lẽ một khi kết hợp những gian nan thử thách của chúng ta với những gian nan thử thách của Đức Kitô, chúng ta có thể vui hưởng chiến thắng của Ngài. Cho dù bất cứ điều gì xảy ra, đối với những ai yêu mến Thiên Chúa và sẵn sàng chung phần thương khó với Chúa Giêsu, tất cả mọi việc đều có ý nghĩa. Tin Mừng không bảo đảm cho chúng ta thoát khỏi những nỗi khổ đau nhưng đoan chắc với chúng ta rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta cho dù những nỗi khổ đau của chúng ta có lớn đến đâu đi chăng nữa.

Lm. Nguyễn Văn Phan, CSsR.

CÁCH THẾ CHÚA CHỮA LÀNH
Mc 1,29-39

Đa số loài người đều có lúc mang bệnh tật: bệnh thể lý, bệnh tâm lý, bệnh thiêng liêng.. Và mỗi người đều muốn được chữa lành. Vì thế ta có thể đồng hoá với dân chúng trong Phúc âm hôm nay, vây quanh Chúa để xin được chữa lành bệnh tật. Chúa đến không những để giải thoát con người khỏi tội lỗi, nhưng còn chữa họ khỏi bệnh tật, và giải thát họ khỏi quỉ thần ám ảnh, nghĩa là đem lại tự do cho con người. Chúa dùng loài người như là bác sĩ, nha sĩ, y tá với thuốc men để chữa trị bệnh tật. Tuy nhiên Chúa cũng chữa trị bệnh tật loài người cách trực tiếp mà không cần bác sĩ, nha sĩ và thuốc men. Cách thế chữa trị đó được gọi là phép lạ.

Có những trường hợp Chúa không chữa trị loài người khỏi bệnh ngay, nhưng Chúa chữa trị dần dần để thử đức tin và lòng kiên nhẫn của loài người. Lại có những trường hợp Chúa muốn loài người cộng tác với đường lối chữa trị tự nhiên, bằng cách soi sáng cho người ta biết cách săn sóc bản thân mình như ăn ngủ điều độ, tập thể thao dưỡng sức. Cái vấn nạn ở đây là sự thể đã không xẩy ra như vậy. Có những người đi bác sĩ thường xuyên, nằm nhà thương lâu ngày, cầu nguyện liên tục mà bệnh tật vẫn không thuyên giảm. Nhiều người phải mang bệnh tật suốt đời. Như vậy bệnh tật có phải là do hậu quả của tội lỗi gây ra không? Hình như Thánh kinh cựu ước có ám chỉ như vậy, nghĩa là những tai hoạ cho loài người được coi là hình phạt của Thiên Chúa. Tuy nhiên tội lỗi không cắt nghĩa được hết. Sách Gióp trong Thánh kinh đã chứng minh điều đó. Ông Gióp phàn nàn về những tai hoạ xẩy đến cho ông và gia đình ông như việc mất của cải, vợ con. Các bạn ông nghĩ rằng những bất hạnh đó là hình phạt cho tội lỗi của ông. Tuy nhiên ông Gióp không thể chấp nhận lối giải thích đó vì ông sống đời công chính và cảm thấy lương tâm không có gì trách móc. Vậy thì phải có lý do nào khác, điều mà ta không hiểu được. Bằng chứng là ta thấy trẻ em vô tội cũng phải mang bệnh tật.


Là người công giáo, ta phải tin rằng Chúa có thể giải thoát ta khỏi bệnh tật, nếu điều đó có ích lợi cho tâm hồn. Tuy nhiên đức tin của người công giáo không dựa trên việc phục hồi khỏi bệnh tật phần xác mà thôi. Xét về phương diện nào đó thì loài người, loài vật cũng như cỏ cây hoa lá được sinh ra, lớn lên, rồi chết. Việc phục hồi khỏi bệnh tật phần xác là một niềm vui, một ân huệ. Tuy nhiên đó không phải là điều quan trọng nhất trong cái ước muốn của người Ki-tô giáo.


Chúa Cứu Thế đến với mục đích chính là để chữa lành bệnh tật thiêng liêng của loài người, giải phóng con người khỏi tội lỗi, để phục hồi sự sống thiêng liêng bằng cách giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao khi ta cầu nguyện, xin ơn chữa lành bệnh tật phần xác mà Chúa lại ban ơn chữa lành bệnh tật phần hồn. Có những trường hợp mà việc mang bệnh tật phần xác có thể mang lại lợi ích cho đời sống thiêng liêng. Có những người nếu được chữa khỏi bệnh tật phần xác người ta có thể lầm tưởng rằng đời sống thiêng liêng của họ là tốt lành, không gì đáng trách. Nếu Chúa ban ơn ngay cho mỗi người, họ có thể chóng quên ơn Chúa, không đánh giá được tầm quan trọng của ơn chữa lành, khiến họ bớt tuỳ thuộc vào Chúa. Vì thế bệnh tật có thể là một đường lối Chúa dùng để đưa người ta xích lại gần Chúa, khiến người ta tuỳ thuộc vào Chúa nhiều hơn. Đó là lý do giải thích tại sao trong Phúc Âm hôm nay Chúa tách biệt khỏi đám đông dân chúng để đi cầu nguyện một mình, trong khi còn nhiều người đau yếu bệnh tật cần được chữa lành mà Chúa vẫn bỏ đi. Lý do là vì Chúa còn cái sứ mệnh quan trọng khác để thi hành là truyền bá tin mừng cứu độ, đem ơn chữa lành cho cả tâm hồn.


Để đi đến kết luận thực hành, thái độ người công giáo phải có là khi đau ốm bệnh tật, ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị, đồng thời ta cầu xin cho được ơn chữa lành. Tuy nhiên bao lâu ta còn mang bệnh tật, ta cần cầu xin để được ơn can đảm chịu đựng vì yêu mến Chúa. Người công giáo chấp nhận đau khổ bệnh tật không phải như một đường cùng không lối thoát. Người công giáo chấp nhận đau khổ bệnh tật vì tin yêu và phó thác để tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa. Chỉ bằng việc chấp nhận đó mới đem lại bình an và ơn phúc cho tâm hồn.

Lm Trần Bình Trọng, USA (Nguồn vietcatholic.org)

1728    01-02-2012 17:17:48