Sidebar

Thứ Tư
22.05.2024

Chúa Nhật V TN B

  1. Chúa Nhật V TN B
  2. Sống Là Chiến Đấu
  3. Chúa nhật V Thường Niên.
  4. Chúa Giêsu, Niềm Hy Vọng Của Loài Người.
  5. Đến Đem Sự Giải Thoát
  6. CN V TN B
  7. Đức Giêsu Mẫu Gương Tuyệt Vời
  8. Được Chữa Lành Và Phục Vụ
  9. Vui Mừng Vì Được Chữa Lành
  10. Tránh Nhưng Không Trốn Sự Đau Khổ
  11. Xin Ơn Chữa Lành Bệnh Tật Hồn Xác
  12. Khốn Thân Tôi Nếu Tôi Không Rao Giảng Tin Mừng
  13. Đi Gieo Tin Mừng
  14. Xin Cho Con Có Được Tấm Lòng Như Chúa
  15. Huyền Nhiệm Đau Khổ
  16. Niềm Vui Chúa Chữa Lành Và Chúa Tiếp Tục Rao Giảng
  17. Những Hoạt Động Và Cầu Nguyện Của Đức Giêsu
  18. Sứ Vụ Tình Yêu
  19. Lao Động Và Cầu Nguyện
  20. Một Ngày Làm Việc Của Chúa Giêsu
  21. Chúa Nhật 5 Thường Niên B
  22. Cách Thế Chúa Chữa Lành

 

CHÚA NHẬT V TN B
Mc 1,  29-39

Chúa Giêsu đến trần gian đem tình thương cho nhân loại. Ngài chữa bệnh và giúp chúng ta thấy được ý nghĩa của đau khổ và bệnh tật.

Sống trong thế trần, con người phải trải qua nguyên lý là "sinh, lão, bệnh, tử". Nguyên lý ấy chi phối mạnh mẽ đến nỗi không ai có thể thoát khỏi nó.  Một trong những đau khổ đeo bám con người là bệnh tật. Bệnh tật làm cho con người "đau" về thể xác và hơn thế nữa nó còn làm cho họ "khổ" về tinh thần. Hơn nữa vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái cho rằng bệnh tật của con người là do tội lỗi của họ, bệnh tật là do bị Thiên Chúa phạt. Do đó, những người mắc bệnh thường bị cách ly, họ bị cộng đoàn tránh xa và ruồng bỏ. Họ đau về thể xác rồi nhưng còn phải khổ hơn về tinh thần vì phải đối diện với quan niệm này.

Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian nhằm mang đến hạnh phúc cho con người. Bên cạnh việc rao giảng Tin mừng, Ngài còn chữa bệnh và cứu sống cho con người. Ngài đã phá tan những bệnh tật ngăn cách con người với Thiên Chúa và với nhau giúp cho con người sống hạnh phúc. Hôm nay Phúc âm ghi lại việc Ngài trả lại sức khoẻ cho bà mẹ vợ ông Simon. Ngài đem lại hạnh phúc cho bà và cho những người chứng kiến. Bởi vì Ngài có quyền năng trên bệnh tật và sự chết. Ngài chính là nguồn vui, là niềm hạnh phúc của nhân loại. Thông qua việc chữa lành Ngài còn hướng chúng ta đến cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chính nhờ mầu nhiệm Vượt qua này mà đau khổ của con người có được ý nghĩa tích cực: đau khổ không phải là hình phạt.  Ngài khai sáng cho người ta con đường mới: trong đau khổ người ta có thể kết hợp mật thiết với Chúa, gia tăng lòng tin và trông chờ vào Đấng có quyền năng giải thoát. Như thế, Chúa Giêsu còn hơn vị lương y. Ngài chính là vị cứu tinh của nhân loại. Bởi Ngài không những chữa lành những bệnh tật, đau khổ nơi thân xác mà còn chiến thắng cả cái chết và quyền lực của tội lỗi đang tác động trên đau khổ, để đem đến cho con người một sự giải thoát toàn diện, đưa họ vào sự sống đời đời, một niềm hạnh phúc bất tận. Nhờ đó, đau khổ sẽ là một sự hiện diện của tình yêu. Mặc dù đau khổ vẫn còn là một mầu nhiệm khôn dò, một vấn nạn chưa được giải quyết thoả đáng nhưng đã có tình yêu của Thiên Chúa, mầu nhiệm  ấy trở nên ý nghĩa hơn.

 Hôm nay chúng ta nhận ra ân huệ Chúa Giêsu đem đến cho con người. Ngài rao giảng Tin mừng và chữa lành. Ngài giúp chúng ta xác tín rằng dù con người có phải vất vả đối điện với đau khổ và bệnh tật nhưng con người vẫn có Thiên Chúa hằng quan tâm chăm sóc và chữa lành. Con người vẫn luôn có Thiên Chúa ở ngay bên để thông cảm, chia sẻ và nâng đỡ. Con người sẽ được khoẻ mạnh và sống bình an. Nhờ đó con người có thể sống vui tươi hơn, hạnh phúc hơn.

Nếu Chúa Giêsu là vị Bác sĩ tài giỏi và nhân từ thì chúng ta hãy chính là những người y tá bác ái, sẵn sàng cộng tác với Chúa Giêsu trong việc chữa lành bệnh nhân. Chúng ta hãy là những cánh tay nối dài của Chúa Giêsu, có thể giúp đỡ tha nhân, chúng ta có thể xoa dịu phần nào nỗi khổ đau của nhân loại mang lại niềm vui cho mọi người. Ngoài ra, đứng trước nỗi đau khổ của kẻ khác, có khi chúng ta cảm thấy bất lực, không biết làm cách nào để giúp đỡ họ. Những lúc đó, có thể người ta cần chúng ta cảm thông, chia sẻ với họ bằng thái độ thinh lặng, lắng nghe họ tâm sự, ánh mắt cảm thông. Ngay cả khi chúng ta không thực hiện được điều đó, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện cho họ. Cùng tất cả tấm lòng yêu thương chân thành của chúng ta, chúng ta hãy hiện diện với họ cả con tim và đức tin của mình.

Lạy  Chúa Giêsu, Ngài đã đến trần gian loan báo Tin mừng và chữa bệnh cho con người. Ngài cho chúng con thấy tình thương của Thiên Chúa và giúp chúng con thấy được mặc dù chúng con gặp đau khổ và bệnh tật, Thiên Chúa vẫn ở bên chúng con và đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Xin cho chúng con luôn tin yêu và phó thác vào Thiên Chúa tình thương và xin cho mỗi người Công giáo chúng con cũng biết đem niềm vui và hạnh phúc cho những ai mà chúng con gặp gỡ trong môi trường mình đang sống. Amen.

SỐNG LÀ CHIẾN ĐẤU
Mc. 1, 29 -39.

Trong chuyện ngụ ngôn của Lafontaine có kể một câu chuyện như thế này : có một tiều phu vác củi từ trong rừng về nhà. Củi thì nặng mà sức thì yếu cho nên ông ta cứ than thở hoài. Sau hết vì quá chán nản, ông đã kêu thần chết đến đem mạng sống mình đi phứt cho rồi. Vừa kêu dứt tiếng thì thần chết bỗng hiện ra, mặt mày khủng khiếp, tay cầm sẵn lưỡi hái. Thần chết hỏi : "Mi gọi ta đến để làm gì ?" Ông tiều phu mặc dù vừa mới đòi chết nhưng khi thấy thần chết thì hoảng sợ và không muốn chết nữa, bèn nói trớ : "Xin ông làm ơn đặt bó củi này lên vai hộ tôi". Thần chết bỏ lưỡi hái xuống và đem bó củi chất lên vai người tiều phu. Ông này vội vàng cám ơn và nhanh chân rảo bước, không còn thấy nặng nhọc gì nữa.

Câu chuyện ngụ ngôn trên có thể giúp ta hiểu được phần nào Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe. Tất cả 3 bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay đều bàn đến những việc lao động nhọc nhằn trong cuộc sống chúng ta nơi trần gian này. Cuộc sống này quả là vất vả : ai nấy phải làm lụng từ sáng tới chiều, quần quật hết ngày này sang ngày khác, hết tháng nọ sang tháng kia để kiếm lấy miếng cơm manh áo. Kẻ thì lao động chân tay, người thì lao động trí óc, nhưng tất cả mọi người đều phải làm việc vất vả. Làm để có cái mà ăn, ăn để có sức mà làm. Làm-ăn, ăn-làm như một cái vòng lẩn quẩn trói buộc con người, cho tới khi con người làm không nỗi, ăn không vô thì cũng là lúc sắp xuôi tay chấm dứt một kiếp sống làm người.

Trước cảnh sống cơ cực đó, những kẻ bi quan thì than thở như trong bài đọc thứ nhất của sách ông Gióp : "Lao động nhọc nhằn là kiếp sống của tôi. Ngày của tôi giống như ngày của một kẻ làm công, như một người nô lệ. Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối và mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc". Thái độ đó cũng giống như người tiều phu trong chuyện ngụ ngôn Lafontaine, làm việc cực nhọc quá nên bác tiều phu cứ đòi chết cho rồi. Khi người ta làm việc cực nhọc mà không hiểu được ý nghĩa và giá trị của việc mình làm thì người ta dễ có thái độ bi quan như thế.

Bài Tin mừng hôm nay mô tả một ngày làm việc của Chúa : Chúa vừa giảng dạy trong Hội đường và cứu chữa một người bị quỷ ám xong, vừa mới đi ra thì hay tin bà Nhạc mẫu của Phêrô đang bị sốt nặng. Người liền đến nơi cầm tay nâng bà dậy, bà liền khỏi sốt. Liền sau đó có cả một đám đông tụ họp trước cửa nhà, đó là những người đau đớn vì đủ thứ bệnh tật, Chúa lại phải cứu giúp họ. Mãi tới chiều tối Chúa mới có chút ít giờ nghỉ ngơi. Người tìm một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Vừa tảng sáng hôm sau thì các môn đệ lại đi tìm Người và cho hay dân chúng lại tấp nập tuôn đến xin Người cứu chữa.

Chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa mà còn phải làm việc vất vả từ sáng tới tối, hết ngày này sang ngày khác, không chỉ làm việc để lo cho bản thân Người mà làm việc để cứu giúp người khác, không phải chỉ lo phần xác người ta mà còn lo rao giảng để cứu giúp linh hồn người ta nữa. Qua tấm gương đó, Đức Giêsu muốn cho chúng ta thấy ý nghĩa và giá trị của việc lao động : lao động là bổn phận của mọi người, lao động giúp ích cho bản thân và cho người khác, lao động sinh ích lợi cả phần xác lẫn phần hồn. Những bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ hôm nay vạch cho ta thấy phương hướng sống trước những công việc bề bộn cực nhọc.

. Trước tiên chúng ta hãy dâng lên cho Chúa tất cả những công việc lao động của chúng ta.

. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta sức khoẻ thể xác và tinh thần để có thể đảm nhận những công việc ấy.

. Chúng ta hãy xin Ngài chúc lành cho việc làm của chúng ta sinh ra những kết quả tốt đẹp.

. Xin Chúa giúp chúng ta làm việc không phải chỉ cầu lợi ích cho bản thân mình, mà còn để giúp ích cho những người khác.

. Và đặc biệt xin Chúa giúp chúng ta biết để ra một phần thời giờ, một phần sức lực để làm việc mở mang Nước Chúa nơi trần gian...

Xin Chúa ban cho tất cả chúng con một khối óc biết sáng tạo, một đôi tay biết làm nên những bát cơm đầy để xoa dịu những cơn đau do đói khát đem lại, một đôi tay biết xây dựng một mái ấm gia đình nên tươi đẹp. Xin Chúa nâng đỡ những lao công vất vã của chúng con, và xin Chúa ban cho chúng con những ơn lành hồn xác. Amen

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN.
Mc. 1, 29 -39.

Anh chị em thân mến.
Nhìn những công nhân trong ngành xây dựng: họ chịu khó, cực nhọc, đổ rất nhiều công sức vào các công trình. Họ làm nên những ngôi nhà thật đẹp. Họ dùng hết khả năng mình có để tạo nên những nét thẩm mỹ cho đời. Khi kết thúc một công trình, họ không ở lại đó để nhận những lời khen thưởng, họ cũng không lưu luyến nơi mình làm việc mà không thể rời xa được. Cũng không có người nào đòi ở lại hay muốn làm chủ công trình mà mình đã khó nhọc làm nên. Nhưng mọi người đều vui vẻ ra đi khi kết thúc công việc, để đi đến nơi khác và tiếp tục công việc của mình và cũng kết thúc rồi lại ra đi, tìm công việc mới. Đó là nghề của họ, công việc họ phải làm như thế. Họ không bao giờ đòi làm chủ công trình mà họ làm nên, vì họ biết mình chỉ là người thợ, công việc của họ chỉ là công việc của người thợ, họ chỉ có trách nhiệm là hoàn thành công việc của mình thật tốt.

Chúa Giêsu là một người thợ, không chỉ để xây dựng những ngôi nhà bình thường, nhưng để xây dựng những ngôi nhà tâm hồn cho Thiên Chúa. Ngài làm việc cả ngày lẫn đêm, Ngài đem niềm vui, đem sức mạnh đến cho nhiều người. Những ngôi nhà tâm hồn đã bị hư hoại, Ngài đến làm cho nó tốt hơn. Những ngôi nhà không đứng vững được, Ngài nâng đở dậy và làm cho nó hoạt động. Những ngôi nhà tưởng chừng như bỏ đi, có bàn tay của Ngài, nó trở nên hữu dụng. Những ngôi nhà mọi người đều muốn tránh xa vì sợ nguy hiểm, nhưng bàn tay của Ngài chạm tới, nó trở nên mỹ miều và đạt được mức độ nghệ thuật cần thiết. Khi mọi người tìm đến để ca tụng, yêu cầu Ngài ở lại thì Ngài lại ra đi. Ra đi để tiếp tục xây dựng, để làm đẹp cho đời. Ngài không chiếm hữu cũng không đòi hỏi một sự đáp trả nào. Ngài ra đi để tiếp tục công việc mình phải làm. "Ta phải ra đi và đến nơi khác để rao giảng, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó".

Một công việc hết sức bình thường của một người thợ, không có gì khác thường, công việc mà biết bao người của mọi thời đại đều làm như thế. Nhưng công việc bình thường như thế lại có những người không làm như thế. Chúng ta những người được mời gọi theo chân Chúa Giêsu, được mời gọi để làm người thợ như Ngài.

Những người thợ của thời đại mới có khi không rành nghề cho bằng thợ của ngày xưa, nhưng lại đòi hỏi yêu sách nhiều hơn: nào là phải có điều kiện thuận tiện, phải được phục vụ chu đáo theo ý riêng, phải được đáp ứng những nhu cầu cần thiết và phải làm sao cho mọi người biết đến nữa chứ. Nếu cứ âm thầm lặng lẻ mà làm việc thì những người thợ của ngày hôm nay không thể chấp nhận được.

Nhu cầu được đáp ứng, nhưng người thợ không thể hoàn thành được công việc của mình, mà làm cho mọi người phải thất vọng vì tay nghề quá kém mà lại thiếu chữ tín.

May thay cũng còn có những người thợ hoàn thành tốt công việc của mình. Nhưng khi mọi người vui mừng tán thưởng, vây quanh chúc tụng, thế là anh ta chiếm ngay công trình mà mình vừa hoàn thành làm của riêng, không muốn rời xa nó. Càng không muốn ra đi để tiếp tục công việc mà nghề nghiệp đòi buộc. Người thợ đã bỏ nghề nghiệp của mình, giờ đây anh chỉ còn biết sống trong mơ, xa rời thực tế, một ngày nào đó anh phải trả giá cho giấc mơ của mình.

Cũng có được những người thợ của Chúa Kitô trong thời đại mới nầy. Họ noi gương Ngài thật chính đáng, nhìn thấy công việc mình phải làm, chu toàn thật tốt, đem niềm vui cho người và cho đời. Nhưng điều quan trọng là họ biết ra đi, biết tiếp tục công việc cần thiết mà nhiều người đang chờ đợi họ.

Chúng ta là những người thợ của ngày hôm nay, hiện tại chúng ta đang làm việc như thế nào? Là những người khó khăn hay thắc mắc không chấp nhận được hoàn cảnh hiện tại, hay chúng ta đang sống trong giấc mơ của những thành công và không muốn từ bỏ những gì mình đang có. Nếu như thế chúng ta không phải là người thợ chân chính.

Nếu trong đời sống hằng ngày mà biết chu toàn trách nhiệm, chấp nhận hoàn cảnh sống, biết tìm mọi cách để đem niềm vui cho đời và cho người với tất cả những gì có thể làm được. Đó là chúng ta đang bước chân theo Chúa Giêsu, biết ra đi rao giảng Tin Mừng.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban ơn can đảm, để mỗi người nhìn thấy được những việc cần phải làm và thi hành trọn vẹn.

CHÚA GIÊSU, NIỀM HY VỌNG CỦA LOÀI NGƯỜI.
Mc. 1, 29 -39.

Ở một phòng thí nghiệm, người ta thử 10 con chuột cho lội trong hồ kiếng không chỗ bám. Lúc đầu cho năm con vào, khoảng 8 giờ sau thì chúng chìm. Họ cho một đợt 5 con kế tiếp vào, khoảng 7 giờ thì vớt ra cho nghỉ. Sau đó lạI cho vào hồ tiếp. Ngạc nhiên thay, chúng lội suốt 20 giờ mới bắt đầu chìm. Lý do nào mà chúng có sức lội hơn gấp đôi đồng bạn? Các nhà khoa học nghiệm ra rằng: sở dĩ chúng lội được như vậy là vì chúng có niềm hy vọng nhờ vào kinh nghiệm được cứu thoát lần trước. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Sở dĩ chúng ta vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống là nhờ biết hy vọng. Ai không có hy vọng thì sẽ bị đau khổ và thử thách của cuộc sống nhấn chìm.

Người kitô hữu của chúng ta có niềm hy vọng rất lớn lao: niềm hy vọng này không phải hảo huyền, tạm bợ, không phải hy vọng nơi vật chất mau qua chóng tàn nhưng là hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng rất yêu thương chúng ta và đã hy sinh mạng sống vì chúng ta. Cuộc sống trần thế này luôn có những khó nhọc, cam go theo từng giai đoạn, theo từng hoàn cảnh của con người. Chẳng hạn: trẻ phải tập đi vất vả, phải đến trường, lo học hành, lớn phải lao động cực khổ để có miếng cơm manh áo để lo cho gia đình và xã hội. Đó là chưa nói đến những khó khăn đột xuất khác.

Trong bài đọc I, chính thánh Gióp cũng phải chịu nhiều đau khổ, cuộc sống con người cũng chẳng phải là là thời khổ dịch sao, số phận ê chề, ngày đời thấm thoát như thoi đưa, cuộc đời con người chỉ là hơi thở chẳng thấy hạnh phúc. Niềm hạnh phúc thánh Gióp trông chờ chỉ có được nơi Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đem lại niềm hy vọng cho dân Israel. Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa hứa ban để cứu nhân loại. Cụ thể trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đi đến đâu là đem tin mừng và cứu chữa tới đó. Vừa mới giảng dạy và trừ quỷ ở hội đường Caphanaum, Chúa Giêsu đến nhà Phêrô để chữa cho bà mẹ vợ của ông đang lên cơn sốt. Ngày hôm đó, vì là ngày Sabat nên ngườI Do thái nghỉ ngơi theo luật định. Nhưng khi vừa hết ngày Sabat ngườI ta lạI tuôn đến với chúa giêsu, đem theo mọi kẻ ốm đau bệnh tật và những kẻ bị quỷ ám để Chúa Giêsu chữa lành và giải thoát họ.

Sáng sớm hôm sau, khi Đức Giêsu còn đang cầu nguyện thì người ta đã kéo đến tìm, nhưng Chúa Giêsu biết nhiệm vụ của mình là đem Tin mừng, đem niềm hy vọng, niềm hạnh phúc đến cho mọi người nên Ngài không ở lại một chỗ đó mà tiếp tục đi đến những hội đường khác ở những miền khác nữa.

Trong bài đọc II thánh Phaolô rao giảng Tin mừng, đem niềm hy vọng và sự sống cho thế giới. Niềm hy vọng và sự sống đó phát xuất từ Đức Kitô. Ngài không chỉ đem hạnh phúc cho con người ở đời này mà còn cho cả đời sau nữa. Vì Tin mừng đó mà thánh Phaolô sẵn sàng hy sinh tất cả để ngườI ngườI được hạnh phúc.

Chúng ta là người kitô hữu, chúng ta có đặt hết niềm hy vọng đời mình vào Chúa Giêsu hay chưa, hay chúng ta đặt hy vọng nơi của cải, danh vọng địa vị. Nếu chúng ta đặt hy vọng nơi Chúa rồi, chúng ta hãy tiến thêm bước nữa là hàng ngày xét mình xem chúng ta đã sống với niềm hy vọng đó như thế nào, có sống vì Chúa Giêsu như thánh Phaolô chưa, có luôn nhớ tới Chúa, sống cho Chúa và nói về Chúa cho những người mình gặp gỡ hay chỉ giữ luật cho khỏi bị phạt thôi! Mỗi người chúng ta hãy quyết tâm đi lễ thường xuyên và đối xử tốt với những người xung quanh để họ nhận ra niềm hy vọng và hạnh phúc thật mà người kitô hữu đang theo đuổi để họ cũng được niềm hy vọng ấy và cùng chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu là hy vọng của đời con, là niềm trông cậy, là nguồn hạnh phúc cuộc đời con. Xin Chúa ban ơn giúp con sống niềm hy vọng thật trọn hảo để mai sau được về cùng Chúa hưởng phước Thiên đàng. Amen

ÐẾN ÐEM SỰ GIẢI THOÁT
Mc 1, 29 - 30

Một trong những sứ mạng quan trọng của Chúa Giêsu khi đến trần gian này là loan báo Tin mừng cho con người. Người không loan báo bằng lời nói suông nhưng bằng những việc làm đem lại sự giải thoát cho con người. Người giải thoát con người khỏi những bệnh hoạn tật nguyền phần xác. Hơn thế nữa, Người đem đến cho con người sự giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết.

Trong quá trình đi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu không dừng lại ở bất cứ nơi nào. Vì Người luôn muốn cho tất cả mọi người đều được hưởng nhờ sự giải thoát ấy. Cho nên, sau khi đã đem sự giải thoát ấy cho những người ở thành Capharnaum mặc dù được các Tông đồ báo: "Mọi người đang tìm Thầy đấy" (Mc 1, 37) Chúa Giêsu đã trả lời với họ: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó" (Mc 1, 38)

Ðoạn Tin mừng tuần trước chúng ta thấy dân chúng đã quá đỗi kinh ngạc về những lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Bởi lẽ, Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư (Mc 1, 22).Thẩm quyền của Chúa Giêsu không phải để cai trị hay để đàn áp con người nhưng hoàn toàn để phục vụ và hiến mạng sống vì và cho con người.

Cảm nhận được điều ấy nên Thánh Phaolô trong thư thứ hai gởi tín hữu Côrintô đã viết: "Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (2Cr 1, 16). Sau khi trở lại thánh nhân đã thấy rằng chính Chúa Giêsu đã giải thoát ông khỏi những điều không đúng. Do đó, suốt cả đời còn lại thánh nhân không ngại khó miễn sao cho Tin mừng của Chúa Giêsu được càng nhiều người biết đến càng tốt.

Mỗi người chúng ta không nhiều thì ít cũng đã và đang được đón nhận sự giải thoát cao quý của Chúa Giêsu. Ước gì qua cách sống đạo của chúng ta mỗi ngày được tiến bộ hơn. Sự tiến bộ nhờ biết gắn bó nhiều với Chúa Giêsu qua việc trung thành tham dự Thánh lễ Chúa nhật và các giờ Kinh sáng tối. Ðược như vậy là chúng ta đang cùng với Chúa Giêsu loan báo Tin mừng cho nhiều anh chị em xung quanh.

CN V TN B
Mc. 1, 29 -39.

Cả 3 bài đọc hôm nay đều nói đến việc lao động. Con người sinh ra trong trần gian này và chấp nhận qui luật của nó. Đó là phải lao động. Cuộc sống này quả là vất vả: ai nấy phải làm việc quần quật từ sáng đến tối, làm cực khổ hết ngày này sang ngày khác, làm quần quật hết tháng nọ sang tháng kia để kiếm lấy miếng cơm manh áo. Người thì lao động chân tay, người thì lao động trí óc, nhưng tất cả mọi người đều phải lao động vất vả. Làm để có cái mà ăn, ăn để có sức mà làm. Làm - ăn, ăn - làm như một cái vòng lẫn quẫn trói buộc con người, cho tới khi con người làm không nổi, ăn không vô thì cũng là lúc con người sắp xuôi tay chấm dứt một kiếp sống làm người.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một ngày làm việc vất vả của Chúa Giêsu: Người vừa giảng dạy trong Hội đường Do Thái và cứu chữa một người bị quỉ ám xong, Người vừa mới đi ra thì hay tin bà nhạc mẫu của Phêrô đang sốt nặng. Lập tức, Người liền đến nhà bà ấy và chữa lành cho bà. Rồi cũng liền sau đó có cả đám đông đang tụ họp trước cửa nhà, trong đó có nhiều người đau bệnh, cần tới Chúa Giêsu chữa trị. Mãi cho đến chiều tối Người mới có thời giờ nghỉ ngơi.

Chúng ta đã thấy đó, Chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa mà còn phải làm việc vất vả từ sáng đến chiều tối. Người không phải làm việc để có lợi cho bản thân mình, nhưng Người làm việc để giúp đỡ cho người khác. Người không những chữa lành, là lo cho họ phần xác mà còn lo về phần thiêng liêng, là rao giảng, dạy dỗ cho họ, cứu giúp linh hồn người ta. Qua công việc đó, Đức Giêsu muốn cho chúng ta thấy ý nghĩa và giá trị của công việc lao động: lao động là cần thiết, lao động là bổn phận của mọi người, lao động chẳng những giúp ích cho bản thân mà còn giúp đỡ cho tha nhân, lao động sinh ích lợi cho cả phần xác lẫn phần hồn nữa.

Từ các bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ hôm nay vạch ra cho chúng ta thấy phương hướng sống:

  • Trước các công việc làm, chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những công việc lao động của chúng ta.
  • Chúng ta hãy xin Chúa chúc phúc cho công việc chúng ta làm. Khi làm việc chúng ta ý thức mình làm vì sáng danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi tha nhân
  • Xin Chúa cho chúng ta có sức khỏe thể xác và tinh thần để ta hoàn thành công việc cách tốt đẹp

Xin Chúa cho chúng ta biết sống hết mình và làm việc hết mình vì lòng mến Chúa, để góp phần cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ. Và xin Chúa nâng đỡ những công lao vất vả của chúng ta. Amen.
CÂU CHUYỆN MINH HỌA VỀ VIỆC CẦU NGUYỆN
Vào cuối thế kỷ 19, nhà hoạt động nổi tiếng người pháp tên Frédéric Ozanam, đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin rất là nghiêm trọng. Một hôm,để tìm chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi nhà thờ ở Paris. Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện một cách sốt sắng ở hàng ghế đầu. Anh đứng lặng lẽ trong góc Nhà Thờ theo dõi cử chỉ của người này. Và khi người này vừa đứng lên để ra khỏi Nhà Thờ, thì anh nhận ra ngay đó chính là nhà bác học Pascal. Lòng đầy thắc mắc, anh theo nhà bác học về đến phòng làm việc của ông. Thấy anh đứng trước cửa phòng với vẻ rụt rè, nhà bác học lên tiếng hỏi:

Bạn đang cần gì? Tôi có thể giúp bạn giải một bài toán vật lý phải không? Chàng ta đáp: Thưa ông, tôi là sinh viên khoa văn, tôi dốt khoa học lắm. nhưng xin ông cho tôi hỏi một vấn đề đến đức tin.

Nhà Bác học trả lời:Đức tin là môn tôi yếu nhất. Nhưng nếu giúp anh được việc gì tôi sẳn sàng. Thưa ông có thể vừa là bác học vĩ đại vừa là tín hữu nhiệt thành cầu nguyện không?

Nhà Bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh. Ông ta trả lời: Anh ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện thôi.

Nhà bác học kiêm triết gia nổi tiếng Pascal nói một câu rất thời danh: " con người chỉ vĩ đại khi họ cầu nguyện".

Vậy cầu nguyện tức là thiết lập mối tương quan mật thiết với Chúa. Sự cầu nguyện làm cho con người vĩ đại vì nó thể hiện đúng đắn đạo làm người. Sự cầu nguyện làm cho con người nhìn thấy những giá trị của chính mình, thấy những yếu đuối, bất toàn trong đời sống của mình. Biết mình bởi đâu mà có, biết mình sống để làm gì, biết mình sẽ đi về đâu và biết mình pảhi sống làm sao cho tốt đẹp!

1292    01-02-2012 17:37:03