Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Chúa Nhật VI Phục Sinh A_2

ĐỜI KHÔNG ĐƠN CÔI
Ga. 14, 15-21.

Trước khi bước vào con đường tử nạn và phục sinh vinh quang, Chúa Giêsu đã để lại di huấn cho các tông đồ: Ngài ra đi, nhưng Ngài không bỏ các ông mồ côi (x. Ga 14,18). Ngài cũng đảm bảo với các ông, trước khi về trời, khi sai các ông đi loan báo tin mừng cứu độ cho muôn dân: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đồng thời, để củng cố niềm tin của các ông, Chúa Giêsu còn hứa ban cho các ông một Đấng Bảo Trợ khác, đó là Chúa Thánh Thần.

Thật ra chính Chúa Giêsu cũng là Đấng Bàu Chữa cho tội nhân bên cạnh Chúa Cha (x.1ga 2,1), nhưng khi Ngài phục sinh vinh quang, không còn hiện diện hữu hình bên cạnh các tông đồ nữa, thì Thánh Thần được Chúa Cha sai đến giúp chúng ta sống tâm tình nghĩa tử, mà chính Chúa Giêsu, qua công cuộc nhập thể của người đã mang lại thân phận ấy cho chúng ta. Là Thần Khí Sự Thật (x.ga 14,17), Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về mầu nhiệm Chúa Giêsu, cử chỉ, lời nói, cách sống của ngài, để giúp chúng ta can đảm sống đức tin trong hoàn cảnh hiện tại của mỗi người. như vậy, dù chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất là Chúa Giêsu Kitô (1tm 2,5), nhưng có hai Đấng Bàu Chữa: Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu về trời, nhưng không bỏ các tông đồ mồ côi. Ngài đã xa cách các ông về mặt thể lý, khiến các ông không còn sờ đụng, xem thấy hoặc nghe tiếng nói từ chính miệng Ngài nữa, nhưng thực ra Ngài vẫn hiện diện bên các ông, trong các ông. Bởi vì thân xác Chúa phục sinh đã được biến đổi trở nên thiêng liêng, không còn bị lệ thuộc bởi vật chất, không gian và thời gian, nên giờ đây, Ngài hiện diện một cách sâu xa hơn, gần gủi, gắn bó hơn trong Hội Thánh, nơi nhà tạm, trong tâm hồn mọi tín hữu có ơn thánh hoá và ở khắp mọi nơi .

Là Kitô hữu, chúng ta có Chúa Giêsu trong tâm hồn. mà ở đâu có Chúa Giêsu thì ở đó có Chúa Ba Ngôi và chính Chúa Thánh Thần, Đấng Bàu Chữa sẽ chứng thực, soi sáng, làm cho chúng ta nhận ra sự kết hiệp mật thiết nầy. Như vậy, đường đời các tông đồ và chúng ta, những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô đâu có đơn côi!

Chúa Giêsu vừa là Chúa Cứu Độ, vừa là Thầy, vừa là bạn đồng hành của những kẻ tin vào người. được Chúa yêu thương ban ơn cứu rỗi, được Thầy dẫn dắt trên nẻo đường đời gian nan bất trắc, được có bạn đường chung thủy không bao giờ bỏ rơi chúng ta, ngay cả lúc chết… như thế còn hạnh phúc nào lớn hơn cho chúng ta! đời Kitô hữu chính là sống trong niềm hy vọng, phó thác, buông mình vào tay Thiên Chúa tình thương, không chỉ một lần, mà là sự chọn lựa hằng ngày của mỗi người.

Đâu đó vang lên bài thánh ca: “Đường đi có Chúa gian nguy con có lo chi…”

YÊU THƯƠNG VÀ VÂNG PHỤC
Ga. 14, 15-21.

Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Chúa Giêsu giáo huấn cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Trong những giờ phút sau cùng này, Ngài đã nói với các môn đệ những lời căn bản nhất. Những điều ấy như là những chỉ dẫn thiết yếu cho các môn đệ trong tương lai, và đó cũng chính là những gì Ngài muốn họ sống trong khi không có Ngài hiện diện bên cạnh cách hữu hình. Một trong những điều ấy là: "nếu các con yêu mến Thầy , các con hãy giữ các giới răn của Thầy".

Chúa không nói với chúng ta đến việc tuân giữ các giới răn một cách lý thuyết mà nói bằng chính cuộc sống của Ngài. Điều gì thật sự có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và chứng tỏ chúng ta là Kitô hữu? Không thể gọi chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu cách đúng nghĩa, nếu chúng ta không lắng nghe và cố gắng thực hiện lời của Ngài. Chúng ta càng không là Kitô hữu nếu chúng ta không nỗ lực sống những gì Chúa Giêsu dạy.

Nhưng chúng ta cần phải xác tín một điều. Chúng ta không phải giữ giới răn của Chúa để được Ngài yêu mến, mà chúng ta giữ giới răn Chúa bởi gì Ngài đã yêu mến ta trước. Trong suốt bữa tiệc ly, Chúa Giêsu không ngừng nhắc nhở: "hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương". Điều đó cho chúng ta thấy, chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước, và yêu thương chúng ta cách nhưng không, vô điều kiện.

Một sự thật quan trọng chúng ta cần phải nhận ra là chúng ta đã được yêu thương cách nhưng không. Nhiều khi chính chúng ta cũng không tin rằng tại sao chúng ta lại được Chúa yêu thương như thế. Vì chúng thường nghĩ, hay để ý: Chúa chỉ yêu thương chúng ta khi chúng ta tốt. Nhưng thật ra Chúa không thương yêu chúng ta vì chúng ta tốt lành, thánh thiện nhưng bởi vì Chúa tốt lành, thánh thiện. Vì ngay cả sự hiện hữu của chúng ta trên đời đã là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa dành cho chúng ta là Tin Mừng cho nhân loại. Bổn phận của chúng ta là nỗ lực, cố gắng đáp lại tình yêu ấy.

Chúa Giêsu biết rằng, Chúa Cha đã yêu thương Ngài và Ngài đã đáp lại bằng cách yêu thương Chúa Cha. Và Ngài đã chứng tỏ tình yêu đối với Chúa Cha qua thái độ vâng phục, thậm chí vâng phục đến nỗi dâng hiến cả cuộc sống mình. Cũng chính nhờ sự vâng phục mà chúng ta chứng tỏ tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu. Như thế có ý nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta phải biết lắng nghe lời Ngài và mang ra thực hành trong cuộc sống. Yêu thương là vâng phục, và vâng phục là yêu thương.

Có nhiều người chỉ biết tuyên bố yêu Chúa Giêsu trong lời nói, nhưng lại chối bỏ Ngài trong đời sống họ. Tình yêu thật sự phải được minh chứng bằng việc làm cụ thể. Người ta chỉ biết chúng ta qua hành động chứ không phải bằng những lời nói ngoài môi miệng.

Nhưng thật sự không phải dễ sống như người môn đệ của Chúa Giêsu trong thế giới hiện đại hôm nay. Đó cũng chính là lý do mà Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Để khi chúng ta yếu đuối, chúng ta cầu nguyện với Ngài. Chính Thánh Thần sẽ an ủi khi ta buồn, soi sáng lúc ta lâm vào tăm tối và làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ, dũng cảm khi chúng ta yếu đuối.

Danh từ mà Chúa Giêsu gọi Thánh Thần là "Đấng An Ủi", Ngài chính là Đấng nâng đỡ, bào chữa khi chúng ta gặp thử thách gian nan. Chính Ngài đã ban sức mạnh để nâng đỡ các môn đệ trong lúc gặp thử thách. Cũng chính nhờ Người mà các môn đệ Chúa Giêsu có thể đón nhận những đau khổ như thập giá phát sinh ơn cứu độ. Như thánh Phêrô tông đồ nhắc nhỡ trong bài đọc II: "thà chịu đau khổ vì làm những việc lành còn hơn là làm điều dữ". Chính khi thi hành điều thiện mà gặp đau khổ thì đời sống đức tin chúng ta sẽ lớn lên và mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, chúng ta còn có một gương mẫu là Đức Kitô, Đấng dù vô tội nhưng vẫn chịu đau khỗ và chết vì tội lỗi chúng ta.

Các tông đồ biết rằng chính Chúa Giêsu yêu thương họ. Và chúng ta biết Ngài cũng yêu thương chúng ta. Không có một tình yêu nào lại mang bóng dáng của sự lầm lỗi, vì đã là tình yêu thì không phải là tội lỗi. Bạn chỉ có thể cảm nhận điều này ngay trong trái tim bạn. Nó như một ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn bạn, thêm sức mạnh để bạn có thể vượt qua những giây phút tăm tối trong cuộc đời. Tình yêu làm cho chúng ta gắn bó, hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và nối kết chúng ta lại với nhau. Đời sống người Kitô hữu chỉ có thể lớn lên khi được nuôi dưỡng trong môi trường, bầu khí yêu thương, thánh thiện.

"Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Điều đó đã thâu tóm lại tất cả những gì lề luật dạy.

GIỮ GIỚI RĂN VÌ YÊU MẾN
Ga. 14, 15-21.

Làm bất cứ điều gì nếu ta thực hiện với cả tấm lòng và nhất là khi ta đặt vào đó tình yêu thì cho dù vất vả cách mấy cũng trở nên nhẹ nhàng, thoải mái. Hơn thế, hiệu quả đem lại có giá trị cao và phi thường. Một anh thanh niên và một cô thiếu nữ thật lòng yêu thương nhau sẽ tự cam kết sống với nhau cho đến răng long đầu bạc. Mặc dù trước cam kết đó sẽ là không biết bao nhiêu vất vả, khó khăn. Cha mẹ dầm sương dãi nắng, đổ mồ hôi sôi nước mắt hay bán mặt cho đất bán lưng cho trời chỉ vì yêu thương lo cho con cái mình. Cho dù điều đó không ai buộc họ phải làm. Cũng thế, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi ta tuân giữ giới răn của Người vì yêu mến.

Mở đầu đoạn Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ tuân giữ các điều răn của Thầy” (Ga, 14, 15). Thông thường khi được kêu gọi tuân giữ điều gì ta hay tự hỏi nó sẽ đem lại lợi ích gì cho tôi. Chẳng hạn khi được kêu gọi đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông thì tôi được an toàn hơn nếu lỡ có xảy ra tai nạn. Tôi được kêu gọi ăn chín uống sôi, ăn sạch uống sạch để bảo vệ khỏi mắc bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm đến tính mạng... Do đó, có lẽ chúng ta cũng sẽ tự hỏi tuân giữ giới răn Chúa tôi sẽ được gì. Chắc chắn có lợi ích nên Người mới mời gọi ta. “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14, 16) ; “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14, 18) và “...sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy." (Ga 14, 21). Thật là những lợi ích hết sức thiêng liêng quý giá. Chỉ trong cái nhìn đức tin chúng ta mới có thể cảm nhận được những lợi ích đó.

Hơn thế nữa, tuân giữ những giới răn của Chúa vì để đáp đền tình yêu Thiên Chúa sẽ lý do cao cả và quý nhất. Ðiều răn quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã có lần nói chính là mến Chúa yêu người (Mc 12, 24 - 38)

Làm sao ta có thể mến Chúa yêu người nếu như ta chưa thật sự cảm nhận được tình yêu mà Chúa dành cho mình. Ðược sinh ra làm người và được làm con Chúa đó là ơn ban nhưng không mà Thiên Chúa đã ban cho ta. Vì thương mà Thiên Chúa đã chẳng tiếc gì kể cả Con Một của Ngài. Bấy nhiêu cũng quá đủ để ta thấy Thiên Chúa yêu thương ta như thế nào. Ðặc biệt, những ngày trong mùa Phục sinh này càng làm cho tưởng nhớ tình thương Chúa dành cho ta. Chúa Giêsu đã được phục sinh vinh quang sau khi đi trọn con đường trần thế này. Ðó là điều bảo đảm nhất để ta thêm nghị lực mà tuân giữ giới răn của Người.

Xin bình an và tình yêu của Chúa Giêsu phục sinh cho ta tiếp tục cảm nhận được nhiều hơn tình yêu bao la Chúa dành cho mình. Ðể rồi vì đền đáp tình yêu Chúa mà ta tuân giữ giới răn mà Người truyền dạy.

THUỘC VỀ CHÚA
Ga. 14, 15-21.

Kitô giáo là tôn giáo của Đấng đã sống lại, Đấng đang sống sự sống tràn trề của Thiên Chúa. Có lẽ, hơn ai hết, Thánh Phaolô đã cảm nếm hương vị tuyệt vời về biến cố sống lại của Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã bị cuốn hút bởi Đấng Phục sinh sau biến cố lạ lùng xảy ra với ông trên con đường Đamas. Rồi sau khi được Đấng Phục sinh chinh phục, ông cảm thấy được Ngài là tất cả của ông. Không còn gì đáng mơ ước hơn nữa nếu đã có được Ngài ở bên và được thuộc về Ngài. Thánh Phaolô đã dùng bao nhiêu là từ ngữ và lời nói phát xuất từ con tim của Ngài để nói lên hạnh phúc được thuộc về Chúa: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”. Đó là tâm tình và sức sống của một kẻ cảm nghiệm mình được yêu và đang yêu.

Tất cả niềm hạnh phúc và sức mạnh dấn thân của Phaolô được khởi đi từ cảm nghiệm Đức Giêsu Kitô đang sống và đang đồng hành với ông trong cuộc đời này. Thánh Phaolô đã thốt lên: “ Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng . . . Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,14.19-20), để từ đây, ai thuộc về Đức Giêsu Kitô là thuộc về thế giới của sự sống, của kẻ sống và sống vĩnh cửu.

Trong cuộc đời này, có những khi ta cảm tưởng mình như đang bước đi trong bóng đêm dày đặc, đang rơi xuống vực thẳm đen tối khi bao nhiêu những dự định hay những mối quan hệ tình cảm bỗng nhiên bị đổ vỡ và tan biến. Đó phải chăng là một cuộc chết đi cho những dự tính nông cạn, thiển cận của con người được mời gọi tham dự vào cuộc sống mới, cuộc sống của Đấng Phục sinh.

Marian Picasso là cháu của hoạ sĩ Picasso. Từ năm 1973 đến năm 1975, bà phải chịu nhiều cái tang lớn: ông nội mất, anh ruột tự tử, cha của bà đột ngột qua đời. Đây thật là những mất mát không sao bù đắp được, dù bà nắm trong tay một gia sản khổng lồ. Năm 1990, bà đến Việt Nam và nhận các bé mồ côi hay bị bỏ rơi về làm con nuôi và giúp các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nơi ăn học. Từ lúc ấy, bà cảm nhận được một sự thay đổi nơi nội tâm “nhờ giúp đỡ những trẻ em này, tôi tìm lại được chính mình. Giờ đây, tôi cảm thấy mình như sống lại, và tôi muốn phân phát sự sống đó cho các em”.

Hẳn đã có những người Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm của Marina , kinh nghiệm thấy mình được sống lại nhờ biết ra khỏi nổi đau của mình để chia sẻ niềm hạnh phúc cho những ai đang cần đến chúng ta. Kinh nghiệm tìm lại được chính mình bình an khi không còn bận tâm lo cho mình nữa. Kinh nghiệm thấy sự sống được nhân lên gấp bội khi biết chia sẻ tận tình.

Thuộc về Chúa Giêsu Kitô là sống theo gương mẫu của Ngài và sống như Ngài đã sống. “hy sinh mạng sống của mình vì người mình yêu”. Sống thật là biết cho đi. Khi biết trao ban tận tình là thuộc về Đấng hằng sống. Đức Giêsu Phục sinh không chỉ hiện ra một vài lần nhưng Ngài muốn ở mãi bên chúng ta cho đến tận thế, một sự hiện diện 2 chiều, mới mẻ và thâm sâu “anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”, một sự hiện diện tràn đầy sức sống “Thầy sống và anh em cũng sống”. Nhờ qua Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu tự bản chất đã được Phục sinh và sự Phục sinh ấy không ngừng lớn mạnh nhờ thông hiệp với Đấng đang sống là Đức Giêsu Kitô.

Mùa Phục sinh là mùa nhắc chúng ta nhìn lại sự sống nơi mình. Lắm khi chúng ta sống èo uột chỉ vì không dám yêu thương, không dám hy sinh và không dám cho đi. Bắt đầu ra khỏi chính mình để sống yêu thương là bắt đầu thấy Chúa tỏ mình, thấy sự sống của Thiên Chúa bùng lên mạnh mẽ nơi chúng ta. Thế giới hôm nay đang cố làm cho cuộc sống được đảm bảo hơn, tiện nghi hơn và kéo dài hơn, nhưng con người vẫn sống trong lo sợ, nguy hiểm và may rủi rất cao do chiến tranh, khủng bố, tội ác, đói nghèo . . . cuộc sống bị héo úa vì không tìm thấy ý nghĩa. Thế giới đang đói khát sự sống đích thực. Nếu chúng ta thật sự là người đang sống trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta có thể trao ban cho thế giới sự sống đó qua việc phục vụ trong tình yêu.

HOA QUẢ CỦA TÌNH YÊU
Ga. 14, 15-21.

Trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu tuyên bố Ngài sẽ ra đi, nhưng Ngài sẽ cho anh em một “Đấng Bảo Trợ” “không để anh em mồ côi”“Ngài ở trong các con” . Hơn nữa là sẽ được “Cha Ta yêu mến”. Để được điều đó đòi hỏi phải có hai điều kiện cần là “yêu mến”“tuân giữ” các điều răn của Thầy. Hôm nay ta lại thấy rõ đặc điểm trong Tin Mừng Gioan mời gọi con người đi vào tình yêu của Chúa Kitô, tình yêu trọn hảo làm phát sinh hiệu quả:

1. Nhờ tình yêu mà con người được Đấng Bào Chữa.

Danh từ “Đấng Bầu Chữa”, do tiếng Hy Lạp là “Paracletos” chỉ người được mời đến bên cạnh bị cáo, để giúp đỡ và bênh vực cho đương sự, giống như trạng sư được mời đến để bầu chữa. Khi Chúa Giêsu nói đến “Đấng Bầu Chữa khác”, nghĩa là sẽ có hai Đấng Phù Trợ luôn nâng đỡ và không bao giờ để cho chúng ta mồ côi. Nhất là khi gặp những người buồn phiền lo sợ thử thách trong cuộc sống, chúng ta không bao giờ cô đơn, vì có Chúa Thánh Thần hằng hướng dẫn và ban sức mạnh cho ta.

2. Nhờ tình yêu con người không bị mồ côi.

Đức Giêsu đã quả quyết với các tông đồ trước khi ra đi “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi”. Câu nói đó ngầm hiểu sẽ có Ngài ở bên khi không có Ngài. Nghĩa là người sẽ trở lại không phải trong thân xác này, nhưng là thân xác sau khi Phục Sinh. Chắc chắc lúc đó các tông đồ không thể hiểu được lời Đức Giêsu, chỉ khi được ánh sáng Phục Sinh chiếu soi thì họ mới hiểu rõ: Thầy mình đã đi thật, thế gian không còn thấy Người nữa, vì Người đã chết theo xác thịt; nhưng Người đã trở lại với các môn đệ trong những lần tỏ mình ra. Và nhất là sau khi được lãnh nhận Thần Khí, họ cảm thấy như Người đang ở gần họ, Hơn thế, ta thấy thời Giáo Hội sơ khai đã trải qua bao bắt bớ thử thách, phải sống trong gông cùm xiềng xích, sống trong cảnh đầu rơi máu chảy dưới tay bạo chúa. Nhưng “Thân thể Chúa Kitô” vẫn sống và phát triển mạnh mẽ, vì luôn có “Đầu” là Đức Kitô bên cạnh. Điều này giúp ta luôn xác tín Ngài luôn ở với ta, và trong ta cả khi ta không thấy Ngài.

3. Nhờ tình yêu con người được tình yêu.

Chúng ta có thể định nghĩa hạnh phúc của một người là biết yêu và được yêu . Qua câu nói của Đức Giêsu như kết quả của tình yêu cao cả “Ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến,và Thầy sẽ yêu nó và sẽ tỏ mình ra cho nó”. Nhưng một sai lầm thường gặp của con người là cứ ngỡ mình được Chúa yêu đó là công trạng của mình, nhưng thực ra không phải. Vì khi ta chưa yêu Ngài hay thậm chí khi còn mang tội thì Ngài đã đã yêu ta và yêu từ ngàn xưa rồi. Chúng ta biết yêu chính là nhờ ơn ban như không của Ngài. Một tình yêu có sự liên đới hiệp thông như Chúa Cha đã yêu Chúa Con thế nào thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau như vậy, vì tình yêu Chúa Ban Ngôi hiện diện trong ta, trong gia đình và trong cộng đoàn của ta, lòng ta sẽ cảm thấy hoan lạc và bình an can đảm dấn thân mang tình yêu Ba Ngôi ấy mà trao tặng cho nhau. Chỉ khi nào mang có tình yêu Ba Ngôi, khi ấy lòng ta mới không còn nổi loạn, không còn nghi nan, không còn ích kỷ, không còn để bụng giận hờn ghen ghét… Chỉ khi nào tất cả mọi người đều được lãnh nhận tình yêu Ba Ngôi khi đó cộng đoàn, gia đình mới có tình yêu Chúa Kitô, chỉ khi nào cộng đoàn gia đình có tình yêu Chúa Kitô thì cộng đoàn gia đình mới là cộng đoàn đúng nghĩa; sinh động đầy sức sống và hiệp thông, vì cộng đoàn đó biết yêu như chính Chúa đã yêu.

Lạy chúa, chỉ có tình yêu mới giúp cho con người xoá bỏ được hận thù, chỉ có tình yêu mới làm cho đất nước được hoà bình, con người được ấm no, và có tình yêu đó mới làm cho con người được hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, vì Chúa là tình yêu . Amen

YÊU CHO TRỌN
Ga. 14, 15-21.

Tình yêu nam nữ là đề tài tốn nhiều giấy mực lẫn thời gian nhất trong các đề tài. Từ cổ chí kim, từ người ít học đến bậc vĩ nhân, từ làng quê heo hút đến phố thị rộn ràng... không nơi đâu hay người nào lại không biết đến hay một lần nói về tình yêu, một thứ tình cảm tuyệt hảo nhưng không kém những hệ lụy. Euripide từng thốt lên: "Tình yêu là cái gì êm đẹp nhất và cay đắng nhất". Thế nhưng, hầu như ít ai chịu đứng ngoài cuộc của những hệ lụy đó, như ai đó đã nói đùa: "Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ; thà chịu khổ chứ không chịu lỗ". Nhưng theo chủ quan của tôi, sở dĩ yêu thì khổ là do chưa yêu thật lòng và không nắm bắt được quy luật của tình yêu. Bởi vì "yêu không phải là nhìn nhau, nhưng cùng nhau nhìn về một hướng" (Saint - Exupéry).

Từ tình yêu nam nữ tôi nghĩ về tình yêu của tôi với Thiên Chúa. Thần học Kitô giáo cũng đã không ngại hao tốn giấy mực để cố gắng diễn đạt mẫu tình yêu rất thiêng liêng này. Nhưng cũng có nhiều người ngày nay cảm thấy mệt mỏi, chán chường bởi đã "lỡ giữ" Đạo Chúa; hay nói khác hơn, họ không muốn giữ đạo nữa, bởi giữ đạo cực quá, Giáo Hội có nhiều luật lệ quá.

Không phải như vậy đâu bạn ơi! Việc bạn chẳng còn thấy Chúa hấp dẫn với bạn hay bạn thấy luật lệ trở thành gánh nặng cho bạn vì bạn đã không yêu Chúa và muốn Chúa đến với bạn nữa. "Khi yêu trái ấu cũng tròn" phải không? Ở đây, tôi nhấn mạnh đến một lý do khác, đó là bạn muốn biến Thiên Chúa theo cách thế của riêng bạn, và lúc đó bạn mới chịu đến với Ngài. Bạn đặt ra những tiêu chuẩn cho Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài. Tất nhiên, những tiêu chuẩn nầy hợp "gu" với bạn; nhưng thực tế, Thiên Chúa không là một thỏi vàng cho bạn đúc lên một chiếc nhẫn vừa tay bạn. Vậy bạn yêu Chúa hay yêu bản thân mình?

Tình yêu Thiên Chúa đi đôi với việc chu toàn lề luật của Ngài, "yêu thương là chu toàn lề luật" (Rm 13,8-10), "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy" (Gn 14,15). Mà điều răn của Chúa là gì? Là "hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương" (Gn 15,12). Cũng đâu có gì vượt xa cái tự nhiên của con người đâu. Chẳng phải là mọi người đang rầm rộ kêu gọi hãy sống trong hòa bình, hợp tác, chia sẻ, yêu thương đó sao? Có khác là người Kitô hữu thương yêu tha nhân trong tình yêu của Đức Kitô, nhân danh tình yêu Ngài để hành động.

Ngày nay, người ta thường có khuynh hướng nhận lãnh tình yêu mà không nghĩ đến việc cho đi tình yêu, muốn được yêu nhưng ngại hy sinh cho tình yêu, muốn nhận Thiên Chúa là Chủ đời mình nhưng từ chối vâng phục Ngài. Thực ra, nếu chúng ta có hay không giữ các giới răn của Chúa, cũng không đem lại lợi ích gì cho Ngài (kinh Nguyện Thánh Thể), nhưng chắc chắn là có lợi cho chúng ta. "Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy; mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy" (Gn 14,21).

Nói yêu thì dễ, nhưng hành động vì yêu thì không dễ. Bạn tuyên xưng mình là Kitô hữu, vậy bạn đã có hành động thiết thực nào để minh chứng cho niềm tin 1256    26-05-2011 22:15:57