Sidebar

Thứ Tư
22.05.2024

Chúa Nhật VI TN B_4

CHÚA NHẬT THỨ VI THƯỜNG NIÊN
Mc 1:40-45

Ngay từ thời cổ xưa, bệnh phong cùi đã gây ra mối lo sợ cho loài người, tương tự như mối lo sợ của người đời nay về những bệnh nan trị như ung thư, si-đa... Ngoài việc phải phấn đấu với chứng bệnh huỷ hoại thân thể, người phong cùi còn phải chịu một hình phạt thấm thía hơn về tinh thần: đó là bị người đời xa tránh.

Người phong cùi thời xưa phải sống tách biệt khỏi người lành mạnh. Sách Lêvi ghi lại: Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại (Lv 13:46). Nếu gặp người mạnh khoẻ ngoài đường, họ phải hô hoán lên: Ô uế (Lv 13:45) cho người khác biết mà đề phòng. Ngoài ra người phong cùi không được phép đến nơi thờ phượng công cộng vì bệnh phong cùi bị coi là nhơ bẩn. Vì thế mà người phong cùi trong Phúc âm hôm nay quyết tâm đến gặp Chúa để xin được chữa lành: Nếu Ngài muốn, xin Ngài cứu chữa tôi (Mc 1:40). Ðộng lòng thương xót, Chúa giơ tay động vào người cùi mà bảo: Tôi muốn, anh hãy được sạch (Mc 1:42).


Ðọc những vần thơ của Hàn Mặc Tử, người thi sĩ trẻ tuổi tài cao mắc bệnh cùi, phải vào ở trại Qui Hoà, biểu lộ những rung cảm trong cảnh buồn tủi và sầu khổ, ta mới hiểu được nỗi đau đớn trong cảnh cô đơn thất vọng của người mắc bệnh như thế nào! Cuối cùng người thi sĩ bệnh phong đã tìm nương tựa vào Chúa và niềm an ủi nơi trinh nữ Maria.


Hình ảnh linh mục Ða-miêng, vị tông đồ người cùi, cho thấy một đời hi sinh quên mình. Khi Ðức cha ở đảo Molokai giới thiệu cha Ðamiêng với dân cùi ở đảo là cha tình nguyện đến phục vụ họ. Cha Ðamiêng rởn tóc gáy khi nhìn thấy họ đến sờ vào thân mình cha. Ðức cha giải thích cho cha Ðamiêng là họ không thể hiểu nổi tại sao một người ở phương xa từ Bỉ quốc, không liên hệ gì với họ, lại còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như họ, lại có thể đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt nhìn của mình nên mới đến sờ thử vào người cha, xem cha có thực sự mắc bệnh cùi không? Rồi họ nói với nhau: Không. Dần dần cha Ðamiêng hoà đồng được với họ và không còn cảm thấy ghê tởm như ngày đầu. Một ngày kia đến lượt cha cũng mắc bệnh cùi.


Một vị tông đồ khác, Ðức cha Cassaigne, từ chức tổng giám mục Sàigòn để lên phục vụ người cùi ở Di Linh. Ðức cha viết thư về Pháp kể lại: khi những ung nhọt bắt đầu lở loét, khiến người xung quanh tởm ghớm, người cùi không tự giúp mình được nữa, thì dân làng đưa họ vào xó rừng, để người cùi ở lại đó một mình, cô đơn, hiu quạnh, đói khổ mà chết dần chết mòn. Cuối cùng Ðức Cha Cassaigne cũng chết vì mắc bệnh cùi.


Tình yêu Chúa còn thúc đẩy những nữ tu và giáo dân như Sơ Maria Goretti và chị Anna Xuân đã phục vụ những trại cùi ở quê nhà. Nữ tu Nguyễn Thị Khuyên sau hai mươi năm săn sóc người cùi ở trại Ja Lai, Kông Tum cũng mắc bệnh mà chết. Năm 1963, báo chí Sàigòn loan tin về một chiêu đãi viên trẻ đẹp, hãng máy bay PANAM Mỹ, tình nguyện sang phục vụ người cùi ở trại Di Linh sáu tháng. Ðến xin ý kiến Giám mục Fulton Sheen xem cô phải làm gì để tạ ơn Thiên Chúa cho sắc đẹp của cô như Ðức Cha đã có lần khen và hỏi xem cô đã làm gì để tạ ơn Chúa. Bất chợt không sửa soạn, Ðức Cha đề nghị cô nên sang Việt Nam giúp Ðức Cha Cassaigne phục vụ người cùi ở đây một thời gian để làm dịu bớt những đau khổ và lẻ loi của người xấu số. Thất vọng về lời đề nghị, cô bỏ ra về mà không thèm chào. Nhờ suy nghĩ và cầu nguyện, cuối cùng cô đã chấp nhận ra đi.


Hiện nay vẫn còn có những trại phong cùi trên thế giới. Năm 2005, con số khai báo cho Liên hiệp quốc là 47.596 người mắc bệnh phong cùi ở Phi châu, 36.877 ở Mỹ châu, 5.398 ở miền tây Ðia Trung Hải, 186.182 ở Ðông Nam Á châu gồm Việt nam với 28 trại phong cùi và 10.010 ở phía Tây Thái Bình Dương. Ngày nay vẫn còn có những linh mục, nữ tu, và giáo dân tình nguyện phục vụ họ. Vào Ngày Phong Cùi Thế Giới 29 tháng 01, 2006 Ðức giáo hoàng Bênêđítô XVI cho rằng nguyên nhân của bệnh phong cùi là do sự nghèo đói và kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm cách diệt trừ mầm mống của bệnh này. Có dịp đi thăm một trại phong cùi, với cặp mắt quan sát bệnh nhân cũng như những người phục vụ họ, cùng với đầu óc suy tư và ghi nhận, ta sẽ thấy đời sống thay đổi. Rồi sẽ thấy mình bớt phạm tội trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Và rồi mình cũng sẽ tự hỏi mình xem yếu tố nào đã thúc đẩy những người này dám hi sinh quên mình để phục vụ họ như vậy?


Giới tu đức học và dẫn đàng thiêng liêng thường ví tội lỗi như một thứ bệnh cùi thiêng liêng. Nếu bệnh cùi thể xác khiến người ta bị cô lập hoá về phương diện thể lý, thì bệnh cùi thiêng liêng là tội lỗi, cũng khiến người ta bị cô lập về đời sống thiêng liêng. Tội làm sứt mẻ tình bạn với Chúa và tha nhân. Có những tội khiến ta không còn dám đến nhà thờ và lên rước lễ. Tội còn làm sứt mẻ tình bạn, tình cộng đồng. Có những tội khiến người ta muốn tránh, không muốn gặp người khác vì mắc cở. Người khác cũng không muốn gặp họ vì không muốn gợi lại những kỉ niệm đau lòng quá khứ và không muốn trở thành nạn nhân lần thứ hai.


Ðể được thoát khỏi cảnh tuyệt vọng, người phong cùi đã tìm đến Chúa để xin được ơn chữa lành. Bệnh nhân đã không để cho thất vọng chi phối. Anh ta đã đến kêu cầu với Chúa. Ðiều mà người mắc bệnh cùi thiêng liêng cần có là đức tin và lòng cậy trông như niềm tin cậy của người phong cùi vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa. Ðể có thể nại đến lòng thương xót và quyền năng của Chúa, người ta phải nhận mình có bệnh hoặc có tội. Người không nhận mình có bệnh hay có tội, thì không tìm đến thầy thuốc. Họ là những người vô phương cứu chữa.


Lời cầu nguyện cho bệnh nhân phong và những người phục vụ họ:


Lạy Chúa, Chúa đã đến chữa người phong cùi thuở xưa.
Xin Chúa cũng chữa bệnh phong trong thời hiện đại,
ban cho bệnh nhân lòng tin cậy, phó thác vào Chúa.
Xin soi sáng cho giới bác sĩ và khoa học gia
để họ tìm ra thuốc men và cách thế trị bệnh.
Còn những người phục vụ bệnh nhân,
xin Chúa là nguồn sức mạnh và kiên nhẫn của họ
và gìn giữ họ khỏi bị nhiễm bệnh. Amen.

LM Trần Bình Trọng

CHÚA CHỮA NGƯỜI CÙI
Mc 1, 40 - 45

Trên thế giới ngày nay, bệnh phong cùi không còn là bệnh nan y nữa nhưng mặc cảm đối với căn bệnh này vẫn không phải là đã chấm dứt. Người ta vẫn sợ bệnh này và vẫn còn cái nhìn kinh sợ, thiếu thiện cảm với những con người xấu số này. Thời Chúa Giêsu, bệnh phong cùi bị liệt vào loại bị cấm kỵ tiếp xúc, người bị bệnh phải tránh xa và phải làm hiệu để người khác tránh xa mình. Thật là một căn bệnh nguy hiểm đối với xã hội lúc đó. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại hoàn toàn khác, bởi vì Ngài luôn yêu thương mọi người và cứu vớt mọi người, Ngài đã chữa lành cho người bị bệnh phong cùi như đoạn Tin Mừng của thánh Marcô 1, 40-45 thuật lại hôm nay.

Theo quan niệm của người Do Thái, bệnh hoạn là do tội lỗi gây ra, bệnh càng nặng tỏ dấu là người ấy có tội nặng nề. Chính vì thế, đối với bệnh cùi hủi, người Do Thái cho rằng đây là căn bệnh bất trị, người mắc bệnh này là người bị Chúa phạt, Chúa nguyền rủa bởi vì họ quá tội lỗi.Người Do Thái quan niệm như thế, nên họ xa lánh người bị bệnh phong cùi, đẩy những người phong cùi ra khỏi xã hội và ghép họ vào những thành phần bất hảo, còn sống nhưng coi như đã chết rồi.Bệnh phong trên thế giới ngày nay dù rằng không còn phải là bệnh nan y nữa nếu được phát hiện và được điều trị sớm sủa. Tuy nhiên, không phải mọi người đều chấp nhận dễ dàng và có thiện cảm với những người bị mắc bệnh cùi hủi. Người Do Thái sợ bệnh phong làm cho họ lây nhiễm. Người ngày nay cũng không khác gì bởi vì tâm lý con người lúc nào cũng sợ căn bệnh quái ác này và né tránh.Tâm lý thông thường của con người là sợ bị lây nhiễm. Thời Chúa Giêsu không hiểu có bao nhiêu người phong bị đẩy ra khỏi xã hội Do Thái, nhưng có lẽ khá đông. Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng nhiều trường hợp những người phong đến xin Chúa Giêsu chữa lành và Chúa đã chữa lành cho họ.


Sách Lêvi đã có một chương rất chi tiết đối với những người mắc bệnh phong cùi. Bệnh phong quả thực đã có từ bao đời nay. Bao giờ bệnh phong cũng bị coi là bệnh thật nguy hiểm và cần phải né tránh bởi con người sợ bị lây nhiễm.Đối với Chúa Giêsu, Ngài yêu thương mọi người và vì Ngài là Thiên Chúa, có uy quyền tuyệt đối trên sự sống, sự chết và bệnh hoạn tật nguyền. Do đó, Ngài chữa đủ mọi chứng bệnh hoạn mà không cần đến bất cứ một thứ thuốc nào cả. Tin Mừng của thánh Marcô đoạn 1, 40-45 cho chúng ta thấy việc làm nhân từ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu thấy người phong hủi van xin: " Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch " ( Mc 1, 40 ). Thấy lòng tin của người phong, Chúa lập tức giơ tay đụng vào người bị phong hủi và da người này được sạch. Không những Chúa chữa lành cho người phong hủi này, nhưng Ngài còn làm nhiều hơn nữa, còn đi xa hơn nữa hơn là chỉ chữa lành: bệnh nhân được gia nhập lại vào xã hội, một xã hội đã coi người này như bị ô uế, như đã chết, và ngay từ lúc được Chúa chữa lành, người phong sẽ được gia nhập xã hội như mọi người khác và không bị mọi người xa tránh nữa. Và vì thế, luật của Thiên Chúa và luật xã hội sẽ công nhận phẩm giá của người phong cùi được chữa lành. Như thế, chúng ta hiểu được tấm lòng cao cả và bao la của Thiên Chúa yêu thương con người biết là chừng nào.


Mặc dầu vẫn còn nhiều e dè và còn nhiều người có thái độ ghê sợ, né tránh những người bị bệnh phong cùi. Nhưng ngày nay, chúng ta phải nhìn nhận quan niệm quá khắt khe và sợ sệt đối với những người mắc bệnh phong cùi đã chuyển biến rất rõ rệt. Nhiều người và nhiều tổ chứa xã hội từ thiện đã và đang xả thân giúp đỡ những bệnh nhân bị cùi hủi. Nhiều trại phong trên thế giới đã được các nhà nước, các cơ quan từ thiện thiết lập để chăm sóc, giúp đõ những người bệnh xấu số này. Thuốc thang, vật chất đã được nhiều nước đổ ra để săn sóc và an ủi những người đáng thương này. Người ta làm một bản thống kê tương đối chính xác cho hay trên thế giới đã có khoảng 15 đến 20 triệu người bệnh phong cùi. Với số bệnh nhân này, quả thực họ là những người thật đáng quan tâm.


Bệnh tật là điều bình thường của kiếp sống con người. Không phải có tội là bị bệnh, có người bị bệnh nhưng không có tội. Bệnh là do định luật tự nhiên của mỗi người. Ai cũng có bệnh, không bệnh lớn thì bệnh nhỏ. Chẳng ai thoát khỏi bệnh hoạn ở đời. Do đó, chúng ta phải cảm thông, giúp đỡ và chia sẻ với những người bị bệnh. Đặc biệt đối với những người có căn bệnh hiểm nghèo. Bởi vì, chúng ta phải có tâm tình như thánh Phaolô " Vui với người vui. Khóc với người khóc " và phải sống như Chúa Giêsu: " yêu thương như Thầy yêu thương " ( Ga 15, 12 ).

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

BỆNH PHONG TÂM HỒN
Mc 1, 40 - 45

Thời xưa, bệnh phong là một bệnh nan y, bị mọi người kinh tởm xa lánh. Trong đạo Do thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu cũng phải kêu to lên: "Ô uế, ô uế", cho mọi người biết mà xa tránh. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị coi như mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà bị coi như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nỗi đau đớn còn hơn cả cái chết gặm nhấm, thiêu đốt.

Một lần nữa, Chúa Giêsu lại vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong. Không những Người đến gần mà còn đưa tay chạm vào thân mình bệnh nhân. Lòng thương yêu đã khiến Chúa Giêsu dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Chúa Giêsu đã bất chấp nguy hiểm bị lây nhiễm, đã bất chấp những điều bị coi là cấm kỵ của đạo Do thái. 


Khi chữa khỏi bệnh phong, Người đã giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ. Giọng nói anh thanh tao. Anh cũng là một người như bao người khác.


Nhưng điều quan trọng hơn, đó là khi chữa anh khỏi chứng bệnh nan y, Chúa Giêsu đồng thời cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi Chúa Giêsu vuốt ve thân thể bệnh tật của anh, Người đã vuốt ve tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh. Nay anh cảm thấy qua Chúa Giêsu mọi người gần gũi anh hơn bao giờ. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt. Nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi. Nay, dưới bàn tay dịu hiền của Chúa Giêsu, anh cảm thấy được yêu thương vỗ về. Những vết thương sâu thẳm trong trái tim anh đã liền da lành lặn. Chúa Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.


Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội, Chúa Giêsu bảo anh đi trình diện với thày cả theo như luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nay anh được bàn tay âu yếm ân cần của Đức Giê su đón nhận anh trở lại xã hội loài người. Qua vị thượng tế, anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm anh được phục hồi. Danh dự anh được tôn cao. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người, như mọi người.


Chúng ta ai cũng có những mặc cảm đè nặng tâm hồn, những vết thương sâu kín, những niềm đau khôn nguôi, những nỗi buồn hầu như không ai thông cảm an ủi được. Hãy noi gương người bệnh phong chạy đến với Chúa Giêsu. Người sẽ xoá đi những mặc cảm đè nặng hồn ta. Người sẽ chữa lành những vết thương bao năm gặm nhấm trái tim ta. Người sẽ xoa dịu những nỗi đau vò xé tâm tư. Người sẽ an ủi những nỗi buồn phủ kín hồn ta.


Phần ta, hãy biết noi gương bắt chước Chúa Giêsu, đừng loại trừ anh em mình ra khỏi đời sống xã hội. Hãy biết đến với những anh em bị bỏ rơi. Hãy biết an ủi những anh em đang buồn khổ. Hãy biết tránh cho anh em những mặc cảm nặng nề. Hãy hàn gắn những vết thương trong tâm hồn anh em. Hãy tôn trọng danh dự và nhân phẩm của anh em. Hãy giúp cho anh em mình được hoà nhập vào đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội. Nước ta đang quyết tâm thanh toán bệnh phong vào cuối năm nay. Xứ đạo ta cũng hãy quyết tâm thanh toán bệnh phong trong tâm hồn. Hãy diệt trừ bệnh phong chia rẽ. Hãy tẩy chay bệnh phong loại trừ. Hãy xoá đi bệnh phong phân biệt. Hãy phá tan bệnh phong nghi kị. Hãy bài trừ bệnh phong kết án. Nếu ta thanh toán được bệnh phong tâm hồn, thân thể xứ đạo ta sẽ liền da liền thịt, khuôn mặt xứ đạo ta sẽ hồng hào, rạng rỡ vui tươi phản ảnh được khuôn mặt đích thực của Đức Kitô.


Lạy Chúa Giêsu, xin cứu độ chúng con. Amen.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN B
Mc 1,40-45

Con người không chỉ có nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ mà còn nhu cầu tinh thần cũng như nhu cầu tâm linh nữa. Nhu cầu tinh thần thể hiện qua việc tâm sự buồn cần chia sẻ cùng người tin tưởng, biết lắng nghe. Nềm vui cần chia sẻ cho người khác biết để niềm vui được trọn vẹn. Niềm vui trọn vẹn là niềm vui được chia sẻ cho mọi người cùng chung niềm vui với mình. Niềm vui không trọn vẹn là niềm vui bị giấu kín trong cõi lòng. Phải dấu kín vì sợ. Thí dụ một người trúng số độc đắc không giám công khai cho người khác biết niềm vui vì sợ niềm vui kia sẽ mang đến hậu quả tai hại vì thế chỉ âm thầm vui một mình.

Biết được nhu cầu cần chia sẻ cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy người bị bệnh phong cùi là bệnh thời đó không thuốc chữa. Ai mắc bệnh đó coi như bị bỏ ra ngoài xã hội, bị xã hội ruồng bỏ, không cho sinh hoạt chung trong cộng đoàn. Người đó có cuộc sống dật dờ, sống cũng như chết vì không còn bạn bè, thân thích. Anh ta được Đức Kitô chữa lành. Niềm vui của anh tràn ngập tâm hồn nên anh không thể cầm giữ trong lòng mà cất tiếng ca tụng Thiên Chúa. Mặc dù Đức Kitô dặn anh đừng nói cho ai biết việc này cho đến khi vào đền thờ dâng lời tạ ơn nhưng anh không kiềm chế được niềm vui và để cho nó bộc phát. Có lẽ dù không lớn tiếng nói, khuôn mặt anh không dấu được niềm vui. Miệng luôn điểm nụ cười. Làn da trên người tố cáo niềm vui nội tâm, nó không còn sần sùi, trông đến gớm như xưa nhưng bóng nhẵn. Chính những dấu chỉ này tố cáo anh nhận được ơn đặc biệt. Vì thế khi nhìn bàn tay sạch bệnh anh không thể nào không lớn tiếng vui mừng. Soi bóng mình trên nước anh không khỏi nhảy múa. Toàn thân con người anh tự tố cáo, toàn thân con người viết lên bản nhạc vui, nội tâm mừng rỡ, tấm lòng hân hoan. Chính vì thế mà anh không thể kìm hãm được niềm vui.


Hàng năm tôi có cơ may nhận biết những khuôn mặt ngây thơ, rộn rã, niềm vui như thế. Đó là những khuôn mặt cười tươi, hồn nhiên, trong sáng của các em chuẩn bị tập dợt trong dịp lãnh nhận bí tích Thêm Sức hay Rước Lễ lần đầu. Trên khuôn mặt thơ dại kia cũng vẽ lên niềm vui rực sáng như thế. Các em cũng tung tăng trong y phục bóng láng, cũng vui vẻ khoe nhau quần áo, lơ, giầy mới. Các em cũng bước đi đá chân sáo, nhảy nhót nhịp nhàng diễn tả niềm vui tràn đầy trong tâm hồn. Rất ít thấy niềm vui như trên thể hiện nơi người lớn. Người lớn diễn tả niềm vui rộn ràng, kín đáo hơn các em. Tôi bắt gặp người nào đó tay làm miệng hát nho nhỏ câu ca tụng tình Chúa. Viềm vui diễn tả nhẹ nhàng qua nốt nhạc. Tôi thấy anh nọ thanh thản trong bộ y phục, đường ủi thẳng tắp, không một vết nhăn. Cái càvạt còn thơm mùi vải mới. Thái độ thong thả của anh cho biết anh đang vui trong lòng, lòng phơi phới tiến về trung tâm chia sẻ niềm vui với mọi người. Tôi gặp cụ già, rẽ ngôi giữa đầu, quần áo chỉnh tề đến trước giờ hội hơn tiếng đồng hồ. Điều đó biểu lộ niềm vui mong chờ cụ ôm ấp trong tim. 


Những niềm vui đó bàng bạc trong cuộc sống, trong những sinh hoạt tôn giáo, những dịp đại lễ, nhắc chúng ta tôn giáo không phải luôn là gánh nặng với nhiều luật lệ cứng ngắc. Tôn giáo là cánh cửa mang lại niềm vui, thức tỉnh niềm vui trong tâm hồn. Niềm vui được đánh thức, được khuếch tán rộng ra mỗi khi tâm hồn ta gặp gỡ Đức Kitô. 


Anh cùi gặp Đức Kitô xin Ngài được chữa lành, làm sống lại cuộc đời ủ dột. Xã hội loài người liệt anh vào hạng vất bỏ. Đức Kitô ban cho anh sự sống với, sống vui mạnh hơn những người đón nhận ơn mưa móc, hưởng lộc từ xã hội. 


Xin ơn gặp gỡ Đức Kitô, cuộc đời được biến đổi thành chuỗi ngày vui thoả.

Lm Vũ đình Tường

CHÚA CHỮA NGƯỜI PHONG CÙI
Mc 1, 40-45

Xưa nay, bệnh phong cùi vẫn làm cho người khác e sợ, lánh xa.Dù rằng, ngày nay y khoa không còn bó tay trước bệnh phong cùi mà lúc xưa nhân loại xếp vào loại bệnh nan y...Bệnh phong vào thời Chúa Giêsu vẫn bị xếp vào loại bệnh bất trị, ai cũng phải tránh xa người bị phong cùi và người mắc bệnh phong đi đâu cũng phải la to lên:" Ô uế ! Ô uế " ( Lv 13, 45-46).

Bệnh phong cùi xem ra là một hình phạt của Thiên Chúa theo quan niệm của người Do Thai. Vâng, người Do Thái cho rằng những người mắc bệnh phong cùi là những người bị Thiên Chúa chúc dữ và xã hội loại trừ. Họ bị liệt vào thành phần tội lỗi và không được tham dự bất cứ nghi lễ gì trong các hội đường. Họ phải sống xa xã hội và sống thành từng nhóm nơi các mồ mả,nơi thâm sâu cùng cốc. Họ phải la lên "nhơ bẩn, nhơ bẩn " để mọi người nghe mà tránh xa. Do đó, chúng ta thấy hoàn cảnh của một người bị bệnh phong hủi hôm nay trong Tin Mừng của thánh Marcô. Vâng, người bị bệnh phong cùi trong Tin Mừng hôm nay có tư cách khá đặc biệt. Anh không mặc cảm, không la to như mọi khi, nhưng anh tự ý đến gặp Chúa Giêsu, và khi đến trước mặt Ngài, anh ta quỳ xuống van xin rằng: " Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch " ( Mc 1, 40 ). Anh cùi nại vào lòng thương xót của Chúa. Anh ta không dám xin, nhưng để quyền tự do của Chúa, chữa hay không chữa tùy ý Ngài...Anh phó thác hoàn toàn vào Chúa. Anh tin tưởng và hết sức muốn Chúa chữa bệnh cho anh. Nên, chính sự đơn sơ, phó thác và tin mãnh liệt vào Chúa đã khiến Chúa chạnh lòng thương, cứu vớt, chữa lành cho anh. Lòng tin đã giúp anh: " Tôi muốn, anh sạch đi " ( Mc 1,42 ). Phép Chúa Giêsu làm cho anh phong cùi phát xuất từ lòng tin của anh và từ quyền năng của Thiên Chúa.


Chúa Giêsu đã chạm vào người phong, một cử chỉ không được phép vì phạm luật. Nhưng Chúa vẫn làm bất chấp luật lệ Do Thái. Chúa Giêsu muốn đánh đổ những lệch lạc của người Do Thái liên quan đến lề luật. Chúa đặt tay trên người cùi khiến họ được tiếp xúc với Con- Người- Chúa- của- Chúa, nhờ đó con người được lãnh nhận ân sủng từ nơi Người. Do đó, bệnh phong biến mất và anh ta được lành sạch.


Người phong cùi trong lúc thất vọng vì mang một căn bệnh quái ác, nan y, trong khi anh bị xã hội khinh chê, loại trừ và ghép vào loại tội lỗi công khai. Anh đã tin tưởng, phó thác nơi Chúa, nên anh đã được Chúa yêu thương, cứu chữa.


Chúa Giêsu vừa tự do với lề luật, vừa lệ thuộc lề luật. Ngài bảo người phong cùi được lành sạch đi trình diện tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê. Người phong cùi giờ đây được tự do hoàn toàn, anh được nhập với xã hội đời thường, được chung sống với cộng đoàn và được hiệp thông với Thiên Chúa. Anh được trả lại phẩm giá con người, phẩm giá anh bị mất khi anh bị mang căn bệnh nan y này. Giờ anh được tự do và được vui sống. Anh mang theo mình một niềm vui khôn tả. Anh đi loan báo khắp nơi về một Đấng đã chữa lành anh là Đức Giêsu. Anh phong cùi được lành sạch đã có thể vào thành tự do, còn Đức Giêsu thì phải ở ngoài thành và đi vào nơi hoang vắng.


Bệnh phong ngày nay không còn là bệnh nan y, bất trị nữa vì y học đã tìm ra vi trùng Hansen. Nhưng những người bị bệnh phong cùi được điều trị khỏi bệnh nhưng hòa nhập tự nhiên vào xã hội bình thường như mọi người vẫn là chuyện khó. Ở đời, còn có nhiều loại bệnh, nhiều loại người chúng ta vẫn khó tới gần hay họ cũng rất khó tới với chúng ta được. Chúng ta hãy có lòng nhân từ như Chúa bởi vì chúng ta không bị bệnh phong nhưng một cách nào đó tội lỗi vẫn làm cho chúng ta giống như một loại bệnh cùi khiến chúng ta xa cách Chúa và con người.


Lạy Chúa, xin tăng thêm lòng tin cho chúng con để chúng con vững mạng đón nhận anh em chúng con dẫu họ có bị bệnh nan y trong cuộc đời. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

MANG CHÚA ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI
Mc 1: 40-45

Vào Thánh lễ cuối tuần ở tất cả những nơi mà tôi đến giảng, sau phần hiệp lễ, các thừa tác viên đưa Mình Thánh cho bệnh nhân tại nhà, tại bệnh viện hay nhà tù được mời tiến lên. Họ được trao cho một hộp đựng một hay nhiều Bánh Thánh. Một số người mang Thánh Thể cho người nghèo là người thân trong nhà hoặc bạn hữu, một số khác cần nhiều Mình Thánh hơn vì họ sẽ đi thăm những nhà hưu dưỡng hay những nhà tù trong khu vực.

Khi kết lễ, trước khi họ lên đường, những người tốt bụng này được chúc lành trước cộng đoàn. Thường thì vị linh mục ban phép lành sẽ nói vài lời với họ - những lời mà cộng đoàn có thể "nghe được".


Gần đầy, một linh mục đã nói với bốn thừa tác viên mà ngài vừa trao hộp đựng Thánh Thể cho, "Chúng tôi biết ơn các vị vì những gì các vị đã làm thay chúng tôi. Một người bị ốm hay không có khả năng đến với chúng ta có thể khiến họ cảm thấy mình bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài và tách biệt với cộng đoàn giáo xứ. Trong sự cô đơn của mình, họ có thể cảm thấy không chỉ bị cộng đoàn lãng quên mà thậm chí cả Chúa cũng quên họ. Các thừa tác viên như các vị nhắc cho họ biết chúng ta không quên họ và vẫn nhớ họ. Các vị mang sự hiện diện của Chúa Giêsu đến với họ không chỉ trong Thánh Thể, nhưng còn trong chính sự hiện diện của mình. Hãy nói với anh chị em của chúng ta rằng hôm nay chúng ta đã cầu nguyện cho họ và sẽ còn tiếp tục cầu nguyện cho họ nữa. Cũng vậy, hãy chia sẻ với họ Lời Chúa mà quý vị đã nghe khi chúng ta cử hành phụng vụ". Rồi linh mục này chúc lành cho các thừa tác viên và sai họ đi nhân danh cộng đoàn giáo xứ.


Ngược với những gì tôi vừa mô tả, bài đọc trích sách Lêvi hôm nay có vẻ khó nghe, một cách thực hành khốc liệt thời sơ khai. Đó là phương cách áp dụng cho người phong cùi, nhưng đó là vì họ thiếu hiểu biết y khoa, tất cả những bệnh ngoài da đều cho là phong hủi. Người sơ khai sợ phải tiếp xúc với những người mang bệnh phong vì họ không có thuốc chữa trị. Vì thế, như luật Lêvi quy định, những người mắc bệnh phong phải "ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại".


Dân Israel tin rằng họ đang sống trong tương quan với Thiên Chúa thánh thiêng của họ. Trong mối tương quan đó họ cũng muốn chính họ được nên thánh. Đối với họ, thánh có nghĩa là không bị ô uế - cả tinh thần lẫn thể xác. Vì thế, họ loại trừ tất cả những ai mà họ cho là không thanh sạch ra khỏi cộng đoàn của mình. Một kiểu loại trừ như thế gây nên những ảnh hưởng nghiệt ngã trong thời xưa. Bị trục xuất ra khỏi cộng đồng thì cũng như là mang án tử.


Bị loại trừ cũng có nghĩa là những người mắc bệnh phong hủi không được cử hành thờ phượng cùng với cộng đồng. Vì thế, họ không chỉ bị xem là ô uế về thể xác mà còn bị xem là ô uế cả tâm hồn. Họ chỉ như những xác chết biết đi. Họ cảm thấy bị xa cách con người và có thể cả Thiên Chúa.


Đó cũng là cách mà những người ốm đau hay bệnh tật cảm thấy. Tôi thấy hân hoan vì phụng vụ giáo xứ mà nơi đó tôi chứng kiến việc chúc lành và sai các thừa tác viên Thánh Thể ra đi. Một đàng họ mang Chúa Giêsu đến với bệnh nhân trong bí tích và đàng khác họ mang Chúa Giêsu đến trong chính bí tích của riêng họ, Chúa Giêsu hiện diện. Nhưng, nếu quý vị hỏi bất kỳ một nào trong số họ về những cảm nghiệm, thì câu trả lời sẽ là họ gặp Đức Giêsu ngay trong những người họ thăm viếng - Người được tìm thấy nơi Người hằng muốn hiện diện: giữa người nghèo, ốm đau, bị cầm tù, và bị xua đuổi. Chúng ta biết họ đúng vì giống như câu chuyện Tin mừng mà chúng ta được nghe hôm nay.


Thay vì giật lùi để tránh xa người phong hủi đang tiến về phía mình, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương anh và Người đã chạm đến anh. Người nối lại khoảng cách giữa sạch và không sạch, những người trong cộng đoàn "được kính trọng" và những người ở ngoài cộng đoàn "không được nể vì". Khi Người làm thế, Người thực thi với quyền năng của Thiên Chúa. Đâu là Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải? Đó chính là Thiên Chúa của những người bị loại trừ và nghèo khó; Thiên Chúa, Đấng đến với những người đau ốm đau và bị loại trừ để họ được bình an vô sự mà trở về với gia đình và cộng đoàn.


Trong ánh sáng của Tin mừng hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta cư xử thế nào đối với những người bệnh? Chúng ta có kính trọng những người bên lề xã hội? Chúng ta cho ai là "bình thường" và ai là "bất thường"? Liệu chúng ta có đối xử với công bằng với họ hay không? Tôi nghe những tranh luận chính trị gần đây dường như chế nhạo một vài nhóm sắc tộc cũng nhữ những người nghèo (đôi khi có vẻ như không tế nhị cho lắm). Họ cho rằng, đó là những người "lười biếng", "ăn bám", "gian lận an sinh xã hội"... Chúng ta có thể tìm ra thuốc trị bệnh phong thể lý, nhưng bệnh phong cùi xã hội và tinh thần vẫn còn đây đó. Và "bệnh phong" hiện đại không ít hơn những người bị xua đuổi mà chúng ta đọc thấy trong Sách Thánh. 


Maccô cho ta hay rằng Đức Giêsu "chạnh lòng thương" người bệnh phong. Từ gốc Hylạp mô tả một cảm xúc sâu sắc hơn. Động từ "splanchnizomai" có nghĩa là "tận đáy lòng". Hay nói cách khác, Đức Giêsu phản ứng một cách sâu sắc tự thấy cảm thương và chữa anh ta khỏi bệnh. Một bản dịch khác thì nói Đức Giêsu "cảm thấy bực bội". Đức Giêsu bày tỏ lòng cảm thương với những ai đang chịu đau khổ và về những gì gây ra đau khổ ấy. Câu chuyện mời gọi chúng ta đừng đứng đàng xa hay tách biệt khỏi những người thiếu thốn - nhưng thúc bách chúng ta phải "bực bội" với những gì gây cho con người phải đau khổ và rồi chúng ta hành xử như Đức Giêsu đã làm, "bước ra" và giúp xoa dịu nỗi khổ đau.


Một đề tài lập đi lập lại trong Tin mừng Maccô là "Bí mật của Đấng Thiên Sai". Hôm nay chúng ta bắt gặp đề tài này khi Đức Giêsu nói với người thanh niên được chữa lành, "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." Còn gì có thể rõ hơn? Nhưng người thanh niên không nói về điều đã xảy ra cho anh. Dù anh không nói, thì sự chứng thực bằng phép lạ của Người có lẽ cũng được loan báo bằng chính tình trạng được chữa lành của anh.


Thiên Chúa đạ chạm đến chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Chúng ta đã được và sẽ còn tiếp tục được tẩy sạch bệnh phong cùi của tinh thần chúng ta là tội lỗi. Tội lỗi tách lìa chúng ta khỏi cộng đoàn và dồn chúng ta vào xó tường. Nhưng đã bao lần trên hành trình đời mình chúng ta đã tiến về phía Đức Giêsu, xin được làm cho sạch và đón nhận ơn tha thứ - để rồi được canh tân và quay trở về với cộng đoàn?


Không giống như người phong hủi được chữa lành kia, chúng ta được mời gọi loan báo điều đã xảy ra cho chúng ta qua sự gặp gỡ với Đức Giêsu trong Bí tích Rửa tội. Giống như các thừa tác viên trong cộng đoàn giáo xứ, chúng ta cũng ra đi đến với những người ốm đau, thiếu thốn và nhắc họ nhớ rằng cộng đoàn không quên họ. Chúng ta cũng có thể thăm những tù nhân, hay những người bệnh đang hấp hối - là những "người phong hủi" trong mắt nhiều người và bị tách ra khỏi cộng đoàn. Chúng ta có thể là những tình nguyện viên trong cộng đòan hay trong giáo xứ để cho số người nghèo đói ngày càng gia tăng được có cái ăn và giúp người bơ vơ tìm được chỗ ở. Hãy nghĩ đến những người bị xem là "phong hủi" cách nào đó trong cộng đoàn của chúng ta để rồi làm như Đức Giêsu đã làm, "đến với họ".


Hai tuần nữa chúng ta sẽ bắt đầu bước vào Mùa Chay. Chúng ta có thể chọn từ bỏ bánh kẹo, thuốc lá hay bia rượu,... Nhưng chúng ta sẽ làm gì với khoản tiền tiết kiệm đó? "Hãy ra đi" đến với những người phong hủi gần nhất để giúp họ. 

Chuyển ngữ:: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp (Nguồn vietcatholic.org)

1998    10-02-2012 10:13:47