Sidebar

Thứ Ba
21.05.2024

Chúa Nhật VI TN B

  1. Chúa Nhật VI Thường Niên B
  2. Lạy Ngài, Nếu Ngài Muốn Thì Ngài Có Thể
  3. Đức Giêsu, Đấng Cứu Chữa Người Bất Hạnh
  4. Tông Đồ Người Phong
  5. Chúa Nhật VI Thường Niên.
  6. Bệnh "Cùi" Tâm Hồn Và Thân Xác
  7. Cn VI TN B 
  8. Được Lành Sạch Để Hoà Nhập Lại Cộng Đoàn
  9. Niềm Tin Vào Lòng Thương Xót
  10. Chúa Nhật VI Thường Niên
  11. Sao Thoát Khỏi Cảnh Cô Lập Của Bệnh "Cùi"
  12. Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Thường Niên
  13. Bệnh Cùi Tâm Hồn
  14. Lạc Quan Vui Sống
  15. Sức Mạnh Của Lòng Tin
  16. Phục Hồi Nhân Phẩm
  17. Tìm Đến Và Chữa Lành
  18. Hãy Đem Đến Cho Xã Hội Chút Tình Người
  19. Chúa Nhật Thứ VI Thường Niên
  20. Chúa Chữa Người Cùi
  21. Bệnh Phong Tâm Hồn
  22. Chúa Nhật 6 Thường Niên B
  23. Chúa Chữa Người Phong Cùi
  24. Mang Chúa Đến Với Mọi Người

 

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN B
Mc 1, 40-45

Con người luôn muốn được khoẻ mạnh, sống chan hoà với mọi người trong xã hội. Cho nên, hôm nay phúc âm kể lại việc Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho một người cùi, đem anh ta trở về với Thiên Chúa, trở về với chính mình và trở về gia nhập vào đời sống cộng đoàn.

Thời Chúa Giêsu, y học chưa phát triển nên bệnh cùi là một bệnh nan y. Bệnh cùi gây nhiều khổ đau, khổ sở cho người mắc phải. Nó làm cho cơ thể người bệnh đau đớn nhức nhối, chết dần chết mòn. Hơn thế nữa, nó còn là một chứng bệnh dễ lây, vì thế người ta thường cô lập những kẻ mắc phải chứng bệnh này ở một nơi riêng, không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Trong đạo Do Thái, người mắc bệnh này bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu cũng phải kêu to lên : "ô uế, ô uế" cho mọi người biết mà xa tránh. Ai tiếp xúc với người bệnh cùi đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh này bị coi như mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người cùi. Thế nên ta thấy cảm thương và đau xót cho người cùi. Bởi lẽ người cùi không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt. Họ bị xã hội khinh dễ và loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà bị coi như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nỗi đau đớn còn hơn cả cái chết ảnh hưởng dần dần.

Nỗi đau khổ tệ hại nhất của người cùi không phải là căn bệnh cùi gây ra, nhưng chính là nỗi đau bị tất cả mọi người ruồng bỏ. Do đó, chúng ta không lạ gì khi biết người cùi mặc cảm chán nản sợ sệt. Họ thất vọng về chính bản thân mình, họ chán nản và căm ghét xã hội đã bỏ rơi họ, xã hội đã cách ly và tránh xa họ. Hơn nữa, người mắc bệnh cùi không được cử hành việc tế tự. Họ mắc bệnh thì không được ở trong cộng đoàn để lo phụng sự Thiên Chúa. Từ những dữ kiện trên cho ta thấy những người cùi khao khát được lành sạch, thoát khỏi bệnh tật để được sống tự do sinh hoạt như những người khoẻ mạnh khác, được sống chung với cộng đoàn và cũng được thi hành việc tế tự thờ phượng Thiên Chúa theo bổn phận mình.

Chính niềm khát khao đó và cộng thêm niềm tin nên người cùi này hết sức can đảm đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho mình. Người cùi đã làm một điều táo bạo vượt ra ngoài luật lệ cho phép. Điều duy nhất khiến anh ta có can đảm để làm như vậy, đó là lòng tin vào Chúa Giêsu, một người mà anh đã được nghe nói đến. Anh ta không sợ mình làm cho Ngài bị dơ bẩn, nhưng anh ta hy vọng chính Ngài sẽ làm cho anh được sạch. Lòng tin này khiến anh quỳ gối xuống trước mặt Ngài và kêu van: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi nên sạch".

Anh mong được khỏi bệnh. Anh mong được làm một con người bình thường, nối lại những liên hệ với xã hội. Anh tin là Ngài có thể làm được. Trước niềm tin này Chúa Giêsu đã động lòng thương, Ngài đã chữa anh ta. Ngài trả lại cho anh ta toàn bộ những gì đã mất. Kết quả của đức tin và sự nỗ lực hết mình là phép lạ của Chúa Giêsu xảy ra cho anh.

Khi chữa bệnh, Chúa Giêsu đã giải thoát anh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành sạch. Anh được gia nhập cộng đoàn. Khi chữa anh khỏi bệnh, Chúa Giêsu đồng thời cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Những vết thương sâu thẳm trong trái tim anh đã liền da lành lặn. Chúa Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh. Anh đã được Thiên Chúa tái tạo con người tốt đẹp như thuở ban đầu trong ý định của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, một lần nữa, Chúa Giêsu lại vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người cùi. Không những Ngài đến gần mà còn đưa tay chạm vào thân mình bệnh nhân. Lòng thương xót đã khiến Chúa Giêsu dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Chúa Giêsu đã bất chấp nguy hiểm bị lây nhiễm, đã bất chấp những điều bị coi là cấm kỵ của đạo Do Thái. Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn dành cho con người nhữg điều tốt đẹp nhất.

Có thể nói hình ảnh của bệnh cùi cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho tội lỗi. Bởi vì tội lỗi làm cho tâm hồn chúng ta trở nên xấu xa trước mắt Thiên Chúa. Nó cũng làm cho tâm hồn chúng ta bị băng hoại và sau cùng giết chết sự sống của Thiên Chúa, sự sống ân sủng trong chúng ta. Đồng thời, tội lỗi còn là như một chứng bệnh truyền nhiễm, do gương mù gương xấu của chúng ta mà nó sẽ lây lan sang những người chung quanh. Ngày nay, người ta mất ý thức về tội. Người Kitô hữu coi phạm tội là việc bình thường. Người ta cứ phạm tội.  Tội lỗi mỗi ngày một nhiều hơn, nó tràn ngập khắp nơi. Nó ảnh hưởng xấu đến đời sống vật chất, tinh thần và cuối cùng là sự chết. Tội lỗi làm cho chúng ta mất liên lạc. Tội lỗi làm cho con người không hiệp thông với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Vì thế, sau khi đã tái nhận biết sự nặng nề và xấu xa của tội lỗi là như thế, chúng ta hãy quyết tâm thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa.

Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội, Chúa Giêsu bảo anh đi trình diện với thượng tế theo như luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nay anh được bàn tay âu yếm ân cần của Chúa Giêsu đón nhận anh trở lại xã hội loài người. Qua vị thượng tế, anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm anh được phục hồi. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người, như mọi người.  Phần chúng ta, là người Công giáo, chúng ta phạm tội, Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta hãy sám hối, khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi của mình và can đảm đi xưng tội. Nhờ đó chúng ta sẽ được Chúa tha thứ. Bởi vì bí tích Giải tội chính là Bí tích của lòng thương xót của Thiên Chúa. Và tòa Giải tội chính là nơi để chúng ta gặp gỡ và làm hòa cùng Thiên Chúa. Chắc trong chúng ta ít nhiều ai cũng có những mặc cảm đè nặng tâm hồn, có những vết thương sâu kín, những nỗi buồn hầu như không ai thông cảm an ủi được. Hãy noi gương người bệnh phong chạy đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ xóa đi những mặc cảm đè nặng hồn ta. Người sẽ chữa lành những vết thương bao năm gặm nhấm trái tim ta. Người sẽ xoa dịu những nỗi đau vò xé tâm tư. Người sẽ an ủi những nỗi buồn phủ kín hồn ta. Hơn nữa, bắt chước Chúa Giêsu, chúng ta không loại trừ anh em mình ra khỏi lòng mình, khỏi xã hội. Hãy can đảm và vui lòng đến với những người bị bỏ rơi, biết an ủi những người đang buồn khổ, biết tránh cho tha nhân những mặc cảm nặng nề, tôn trọng danh dự và nhân phẩm của tha nhân, giúp cho tha nhân được hòa nhập vào đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội. Chúng ta hãy mạnh dạn diệt trừ bệnh chia rẽ, loại trừ, phân biệt, nghi kị... anh em mình. 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã chữa lành người cùi trong đoạn phúc âm hôm nay. Xin Chúa cũng chữa lành những thương tích do tội lỗi đang phá hoại linh hồn chúng con. Xin cho chúng con can đảm đến với Bí tích Giải tội để được tha thứ, để đón nhận lòng thương xót và ân sủng của Chúa. Đồng thời, xin cho chúng con không loại trừ tha nhân nhưng luôn biết thương yêu và giúp đỡ họ. Amen.

LẠY NGÀI, NẾU NGÀI MUỐN THÌ NGÀI CÓ THỂ
Mc 1,40-45

Đáng lẻ những bài tường thuật phép lạ phải có tính lịch sữ cao. Nhưng vì được viết lâu sau PS và dưới ánh sáng PS lại nằm trong ý đồ của tác giả nên bị cắt xén và sữa đổi ngay cả với những chi tiết có tính lịch sữ như  thời điểm và địa điểm. Mc chỉ muốn hé mở từ từ 'bí mật thiên sai' của DG nên 'cấm không cho nói'. Có lẽ ý chính của đoạn nầy là cách cầu nguyện có hiệu quả: cầu nguyên theo ý Chúa 'nếu Chúa muốn' chứ không xin theo ý ta vì như vậy là ép buộc Chúa, không để Chúa tự do. Chuá không thể chấp nhận.

Vài điểm CHÚ GIẢI

 - Một người cùi đến gặp Người: kẻ cùi phải tránh xa mọi nguời và phải la lên 'cùi,cùi' Anh nầy bạo gan mới dám 'đến gặp'. Lòng tin mạnh mẻ khiến anh 'liều'. 

- Anh ta quì xuống van xin 'nếu Ngài muốn Ngài cò thể làm cho tôi được sạch': Khiêm tốn. Xin tận đáy lòng. Dấu chỉ nữa của lòng tin mạnh. Xin thì phải theo ý người cho. Ngài có thể. Tin chắc. Muốn là quyền của Ngài. Ép buộc không được. Vô phép! Chúa chỉ làm theo ý Chúa

- Người động lòng thương giơ tay chạm vào anh: Thấy lòng tin Người động lòng thương. Chỉ lòng tin mạnh mới làm cho Người động lòng và chạm vào. Ít được chú ý nên xin không được.

- Và bảo 'Ta muốn, anh hãy sạch đi': Chúa vô cùng yêu thương luôn muốn cúư chữa và ban ơn. Chúa muốn nhưng 'anh hãy sạch đi'. Sạch hay không là cuối cùng tuỳ ở anh. Anh không tự muốn bằng lòng tin mạnh thì cái 'Ta muốn' của Chúa không đến được với anh. Không có kết quả dù cái 'Ta muốn' có toàn năng. Là ý chính của tác giả khi thuật câu chuyện nầy để dạy cách cầu nguyện hiệu quả. Chỉ cầu nguyện cách nầy là có hiệu quả. DG đả nói'cầu nguyện mà tin thật trong lòng thì được ngay'. Phải cho Chúa thấy lòng tin.  Đức tin làm cho người ta cầu nguyện khiêm tốn và xin theo ý Chúa.Chúa chỉ làm theo ý Chúa chứ không làm theo ý bất cứ ai. Không xin theo ý Chúa là không biết xin vì Chúa không cho.

- Lập tức bệnh cùi biến khỏi anh và anh được sạch: Chúa cho thì kết quả tức khắc dù là bệnh nan y vì không có gì là không thể đối với Chúa.

- Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay và bảo 'coi chừng đừng nói với ai: Có lẻ chỉ có mình anh ta vì anh ta dám đến gần và DG không muốn cho người ta biết (sẽ phiền phức) nên mới đuổi. Hơn nữa chưa đến giờ trong chương trình của Chúa Cha (sau thập giá và Phục Sinh). Bây giờ chưa hiểu đúng về Đấng Messia của Thiên Chúa vì người ta đang mong đấng 'Messia do thái'.

-Nhưng hãy đi trình diện với tư tế.....: Phải giữ trọn lề luật và DG còn muốn anh ta nhờ giữ luật mà được chính thức phục hồi tư cách làm người bình thường mà bệnh cùi đã tước mất.

- Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền tin ấy khắp nơi......: Không vâng lời Chúa. Khi xin thì tin mà được rồi thì hết tin. PÂ khó hiểu vì lẩn lộn chi tiết lịch sữ trong ánh sáng PS. Mc được viết năm 67-70 khi mệnh lệnh rao giảng đang được thực hiện rộng rãi.

Cầu nguyện - cầu xin - là việc làm chiếm phần lớn sinh hoạt giữ đạo của người tín hũư. Nhưng cầu xin nhiều mà chẳng thấy được bao nhiêu vì không quan tâm và không làm đúng như DG dạy. Mở miệng ra là xin, lời nguyện nào cũng chỉ là xin mà không xin với những điều kiện DG day Xin mà tin thật trong lòng thì được. Người ta chỉ cầu nguyện bằng môi miệng mà  không xin bằng cả tấm lòng nên không thấy được.

Phải cho Chúa thấy lòng tin 'thấy lòng tin của họ' DG nói với người bại liệt 'cùi thiêng liêng' tội con đã được tha. Điều kiện thứ nhất phải là sạch tội. Người cùi đến gặp DG quì xuống van xin. Khiêm tốn trước mặt Chúa dù là cùi Chúa cũng động lòng thương. Phải có lòng tin mới làm được cử chỉ nầy. Điều kiện thứ hai là 'nếu Ngài muốn' xin theo ý Chúa. Chúa muốn thì không gì là không thể. Phải để Chúa muốn theo ý Chúa. Đừng bắt Chúa muốn theo ý ta: là không có lòng tin, phải để Chúa tự do muốn. Làm cho Chúa muốn là tin: Chúa yêu thương, Chúa tốt lành . Mọi điều Chúa muốn đều là tốt nhất cho ta. Đừng dạy Chúa muốn thế nầy thế kia.

Chúa biết cùi là không tốt. Chúa muốn cho người cùi hết bệnh. Phần người cùi phải cho Chúa thấy lòng tin. Tin thì sám hối, bỏ tội làm ngăn cách với Chúa như bệnh cùi cách ly người cùi với cộng đoàn dân thánh. Tin-sám hối là khiêm tốn phó thác vào tình yêu và sự tốt lành của Chúa.

Một chi tiết không được quan tâm là DG bảo 'đừng nói với ai' nhưng ra khỏi đó thì anh ta  'rao truyền khắp nơi' làm hại DG 'không thể vào thành hay làng nào được mà phải dừng lại ở những nơi vắng vẻ'. Khi xin thì biết xin theo ý Chúa mà được rồi thì bỏ ý Chúa làm theo ý thích của mình nên 'làm hại DG'. Phải luôn làm ý Chúa. Xin Chúa thì theo ý Chúa là tỏ lòng tin còn khi  làm thì cũng phải làm theo ý Chúa luôn mới nói lên lòng tin thật sự. Lâu dài mới đủ chứng minh.

LẠY NGÀI NẾU NGAI MUỐN......

ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU CHỮA NGƯỜI BẤT HẠNH 
Mc. 1, 40 -45.

Ngày nay, bệnh AIDS là mối đe doạ cho loài người. Tính đến nay có đến hàng triệu người nhiễm HIV. Rất nhiều người đang lâm vào tình cảnh bi đát, đau thương như đang đứng bên bờ vực thẳm. Nhưng bệnh này còn đỡ hơn bệnh cùi ngày xưa. Trong sách Lêvi qui định : ai bị cùi sẽ phải ở riêng, phải mặc áo rách và đi tới đâu cũng phải tự mình kêu lên: " ô uế" để mọi người tránh xa ra. Đối với người mắc bệnh nan y đó phải khổ sở đến mức nào vì họ bị loại khỏi xã hội, không tiếp xúc được với ai, không được ai chăm sóc và nâng đỡ!

Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã cứu chữa anh cùi cả phần xác lẫn phần hồn. Chính Ngài đã giúp anh thóat khỏi mặc cảm bị mọi người bỏ rơi và xa lánh, chính Ngài giúp anh hòa nhập với xã hội. Ngài dạy anh đi trình diện tư tế theo luật định để anh được hoà nhập với cộng đoàn, được quyền tiếp xúc với mọi người và được hưởng quyền lợi chính đáng như mọi người khác. Điều này cho thấy sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với những người đau khổ, thấp hèn. Ngài giải thóat anh khỏi mọi nỗi khổ đau và cho anh hiểu tình thương vô biên của thiên Chúa đối với mình. Lúc anh tiếp xúc được với Ngài thì bệnh cùi của anh biến đi.

Chúa Giêsu là người có hành động táo bạo, dám đụng vào anh cùi, không sợ sự ô uế của anh lây qua. Ngược lại, chính sự trong sạch của Chúa Giêsu và tình yêu của Ngài đã làm cho bệnh cùi phải biến đi. Tuy nhiên, có người thắc mắc tại sao Chúa Giêsu lại không cho anh loan tin vui đó cho mọi người. Có lẽ theo quan niệm của người Do thái thời đó, họ quá chú trọng đến một Messia đến giải phóng dân tộc hơn là cứu chuộc tòan diện cả hồn và xác; họ mong một Messia uy quyền hay ra hình phạt hơn là đối xử nhân từ với tội nhân nên Chúa Giêsu chưa muốn tỏ mình ra ngay lúc đó chăng? Có lẽ Ngài muốn rằng: Qua những lời rao giảng của Ngài, dân chúng sẽ hiểu đúng và chính xác về Ngài hơn. Ngài không muốn họ tìm Người chỉ vì phép lạ, nhưng tìm đến Ngài để hiểu biết đường lối Chúa và đón nhận ơn cứu rỗi.

Có một điều lạ là làm sao anh cùi biết về Chúa Giêsu, và quyết chí tìm đến Ngài để xin được cứu chữa. Bởi vì người cùi đâu được chen vào đám đông để nghe Chúa Giêsu giảng, cũng đâu được nói chuyện với ai vì mọi người đều sợ bệnh cùi của anh! Có lẽ anh không cần nghe nhiều về Chúa như mọi người nhưng lòng của anh luôn biết hướng về ngài, chỉ cần nghe một chút đã nhận ra được quyền năng của Ngài. Điều đáng lưu ý là anh cùi có lòng tin, đến van xin Chúa thì Ngài mới chữa lành cho. Nếu anh không biết kêu cầu Chúa thì anh sẽ khó mà khỏi bệnh.

Ngày hôm nay, lòai người chúng ta cũng gặp rất nhiều căn bệnh trầm kha về tinh thần hoặc về thể xác nhưng có được bao nhiêu phần trăm biết chạy đến Chúa Giêsu để được Ngài cứu chữa! Chắc hẳn, Ngài đang thiết tha mời gọi mỗi người chúng ta : hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc mang gánh nặng nề ,Ta sẽ bổ sức cho.

Khi được Chúa chữa lành hay bổ sức cho, chúng ta hãy biết cám ơn Chúa, biết chúc tụng Chúa, biết đáp đền ơn Ngài bằng việc giúp những người khác biết Chúa Giêsu bằng cách rao truyền và làm chứng về lòng nhân từ và ơn cứu độ Chúa ban cho lòai người. Chúng ta hãy làm như lời thánh Phaolô dạy trong bài đọc 2: hãy làm tất cả để tôn vinh Chúa, đừng làm gương xấu nhưng hãy bắt chước Đức Kitô, làm mọi việc vì Chúa, vì ích lợi của tha nhân để họ được ơn cứu độ nhờ đời sống gương mẫu và lời rao giảng của mình. Chúng ta hãy bắt chước thánh Phaolô loan báo Tin Mừng Chúa cứu độ cho những người mà mình gặp gỡ, như anh cùi vừa được ơn lành bệnh thì không kềm lòng được, anh phải rao truyền cho mọi người biết ngay.

Chúng ta biết rõ rằng: Chúa Giêsu đã chết nhưng đã phục sinh để cứu chuộc mọi người chúng ta, nhưng chúng ta còn thụ động trong việc giữ đạo, không thiết tha sống theo lời dạy bảo của Chúa, chưa lo nói về Chúa cho người khác nghe! Nhiều khi chúng ta có dịp nói về chuá nhưng chúng ta vẫn trù trừ, không tỏ ra hết lòng tin cậy Chúa và không truyền đạt cho những người xung quanh biết về Chúa ! Đó là sai sót lớn của chúng ta hôm nay. Có lẽ bài Tin Mừng hôm nay là thuốc chữa bệnh cho chúng ta, nhắc chúng ta nhớ lại bổn phận khi chịu Bí tích Thêm sức, đó là : can đảm thi hành Lời Chúa, hăng hái họat động tông đồ, góp phần xây dựng xã hội để thể hiện đức tin của mình, làm chứng cho Chúa giữa xã hội lòai người.

Nếu mọi người hăng hái rao truyền về Chúa như anh cùi hôm nay thì thế giới không mấy chốc sẽ tràn đầy Tin Mừng của Chúa. Từ đó, trên môi miệng của mọi người sẽ là những lời yêu thương, hy vọng và vui mừng vì Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta.

TÔNG ĐỒ NGƯỜI PHONG 
Mc. 1, 40 -45.

Có một hòn đảo nằm chơi vơi giữa biển Thái Bình Dương mênh mông, trên đảo chỉ toàn là những người phong : cụt tay, đứt chân, mắt đui, mày lở, răng rụng... Một hôm, Đức giám mục phụ trách quần đảo này gióng tiếng kêu gọi các linh mục ở Âu Châu hãy tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một linh mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh đã hăng hái đáp lời, đó là cha Đa-Miêng, sau này được tặng thêm biệt danh "Tông đồ người phong".

Khi đặt chân đến hòn đảo này, cha Đa-Miêng đã được tiếp đón và giới thiệu như sau : chiều hôm đó, trong ngôi nhà thờ rất đông người phong, đức giám mục đứng trên bàn thờ quay xuống giới thiệu với mọi người : "Các con thân mến, các con hằng mong ước có một linh mục đến ở cùng các con, yêu thương săn sóc các con, thì đây cha Đa-Miêng, một linh mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết, các con có sung sướng không ?" Cả nhà thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đa-Miêng đứng cạnh đức giám mục chẳng hiểu họ nói gì. Rồi họ từ từ bước lên cung thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Đa-Miêng thấy họ đến gần mình thì sởn tóc gáy và nổi da gà, trông họ như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây ? Họ tiến đến bên cha, người thì sờ vào mặt, người thì sờ vào tay, người thì sờ vào áo cha.. Cha hỏi đức giám mục : "Thưa đưc cha, họ làm gì vậy ?" Đức cha trả lời : "Họ nói họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, trẻ trung, đẹp trai, không bệnh tật như họ, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn này, họ không tin mắt mình nên họ đến sờ mó vào người cha, xem cha có bị phong như họ không, và họ nói với nhau : "Không, cha đẹp quá, cha không bệnh tật gì cả, cha thương chúng ta quá".

Sống với những người phong ở đây được một thời gian, dần dần Cha Đa-Miêng hòa đồng được với họ, nói tiếng của họ, cha không còn cảm thấy tởm gớm họ như những ngày đầu mới đến, nói đúng hơn, cha đã quá yêu Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong họ, nên chẳng còn thấy ghê sợ gớm tởm nữa. Một ngày kia đến lượt cha cũng mắc bệnh phong, thân mình lở loét, nhức nhối, mặt mày sần sùi, đen đủi, trông rất dễ sợ. Một số báo ở Bỉ đăng hình cha và kể lại sự hy sinh vĩ đại của cha. Thân mẫu của cha, mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình bà cũng chẳng nhận ra nổi đứa con yêu, bà hỏi đứa cháu : "Hình ai đây mà trông ghê sợ vậy ?" cô cháu trả lời : "Một người phong bên đảo Môlôkai của cha Đa-Miêng đấy". Qua mắt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ. Cha Đa-Miêng đã sống với người phong trên hòn đảo này cho đến chết, tình yêu Chúa đã giúp cha hy sinh suốt đời vì họ.

Phong, hủi hay cùi cũng là một thứ bệnh. Đã có lần nào anh chị em gặp một người phong cỡ nặng chưa ? Mời anh chị em vào trại phong Di Linh, Quy Hòa, Bến Sắn... anh chị em sẽ thấy một người phong nặng, không còn hình tượng gì là con người nữa, tứ chi rụng hết, mặt mũi sần sùi, thân mình lở loét. Có người đến đây không chịu nổi sự dơ bẩn đã té xỉu vì hôi thối nặng mùi. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng sợ mắc phải chứng bệnh như thế, chúng ta sẽ tránh xa và gìn giữ vệ sinh cẩn thận kẻo mắc thứ bệnh này.

Cũng vậy, bệnh phong đối với xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu bị kể là dơ bẩn, một loại không thánh nữa, bị cô lập riêng ra một nơi, không được ở chung với dân làng, ngay cả cha mẹ thân nhân cũng không được chứa người đó trong nhà. Một người phong thời Chúa Giêsu là một nạn nhân thật sự bị ruồng bỏ, đi đâu người đó cũng phải lắc chuông loặc kêu lên "dơ, dơ" để mọi người biết mà tránh xa... Đau khổ nhất là bị cộng đồng Do Thái giáo gạt ra ngoài như một loại dứt phép thông công, cho nên, người mắc bệnh phong hết sức đau khổ về tinh thần cũng như thể xác, về của ăn họ chỉ sống nhờ của bố thí.

Nhưng trong câu chuyện Tin Mừng kể lại, chúng ta thấy người phong này đã đi vào xóm làng, chạy theo Chúa Giêsu và xin Ngài cứu chữa. Làm như thế là người này đã vi phạm luật lệ thời đó và có thể bị ném đá chết. Nhưng niềm tin vào Chúa đã khiến anh không sợ hãi để liều mình như thế. Thực vậy, anh đến với Chúa với một niềm tin tuyệt đối, anh khiêm nhường quỳ xuống van xin : "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch". Chúng ta hãy để ý câu anh nói "Nếu Ngài muốn", anh nói như thế không phải là anh hồ nghi gì quyền năng của Chúa, mà ngược lại, anh hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa. Nói rõ hơn, anh biết rằng Chúa có thể và Chúa có quyền làm cho anh khỏi bệnh, nhưng điều đó còn tùy ý Chúa, tùy lòng thương xót của Chúa. Đây cũng là gương mẫu nhắc nhở chúng ta mỗi khi cầu xin Chúa điều gì : xin vâng, xin tùy ý Chúa, xin tùy lòng thương xót của Chúa.

Đàng khác, người Do Thái hết sức khinh bỉ những người phong, đến nỗi bất cứ ai giao tiếp cách nào với họ, như nói chuyện với họ thôi, cũng bị kể là dơ bẩn và không nên thánh được. Thế mà Chúa Giêsu đã nói chuyện và đụng chạm đến người phong này để chữa lành anh ta thì đủ nói lên lòng thương xót của Chúa như thế nào. Có những phép lạ Chúa chỉ phán một lời hay chỉ làm một cử chỉ nào đó, ở đây Chúa dùng cả hai : Chúa vừa nói "Tôi muốn, anh sạch đi" vừa cầm tay bệnh nhân để nói lên tình thương của Ngài đối với anh ta.

Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta : những người phong là những người đáng thương, chúng ta đừng bao giờ sợ hãi mà xa tránh, nhưng hãy thật lòng thăm hỏi và cố gắng chia sẻ, giúp đỡ tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của chúng ta.

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN. 
Mc. 1, 40 -45.

Anh chị em thân mến. 
Chúng ta biết câu chuyện nàng công chúa lọ lem. 
Một cô gái hiền từ xinh đẹp, siêng năng cần mẫn trong công việc, nhưng lại phải sống trong một hoàn cảnh thật éo le. Những người chung quanh không thông cảm cũng không nhìn thấy những cực khổ mà nàng phải chịu, lại còn tìm cách làm cho nàng phải vất vả thêm.

Có dịp lễ hội nàng ước mong đi tham dự, nhưng khó quá. Nàng không biết làm sao cho công việc được kết thúc sớm, cũng không biết làm sao có bộ áo đẹp để dự lễ hội như những thiếu nữ cùng trang lứa khác. Điều nàng muốn đã được thực hiện; công việc được kết thúc và áo đẹp cũng được mang đến cho nàng. Nhưng dự lễ hội nàng phải lo về sớm trước giờ quy định. Trong lúc vội vàng trở về, nàng đánh rơi chiếc giầy của mình.

Ở hiền gặp lành, điều nàng mong muốn thoát khỏi cảnh cơ cực đã được thực hiện. Vị hoàng tử đã cho nàng thoát cảnh lọ lem, cho nàng một địa vị mới. Nàng đã hoàn toàn thay da đỗi thịt. Từ nay nàng không còn phải cực khổ, không còn phải lam lủ, nàng đã được hoà nhập với mọi người, được mọi người biết đến và yêu thương. Nàng đã cố gắng và được giúp đở để nàng đạt được những gì mình mong muốn.

Nếu Ngài muốn, Ngài cho tôi nên sạch.

Lời van xin thống thiết nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào Đấng mà anh ta van xin. Người cùi thốt lên được lời van xin nầy vì anh ta nhận ra được tình trạng hiện tại của mình, anh ta cảm nhận được tất cả nỗi thống khổ mà mình đang mang. Anh ta mong muốn thoát khỏi nó: anh muốn thoát khỏi những đau đớn của thể xác lẫn tinh thần, anh muốn thoát khỏi nỗi cô đơn để có thể hoà nhập được với cộng đoàn. Anh càng mong muốn hơn cho mình được trở nên tinh sạch như mọi người, bản thân anh cũng không chấp nhận được tình trạng hiện tại của chính mình. Ước muốn và hành động để thực hiện ước muốn. Anh vượt qua mọi trở ngại và đến với Chúa Giêsu, anh vượt trở ngại của đám đông, trở ngại của căn bệnh, trở ngại của sự e dè trước những luật lệ của xã hội.

Chúa Giêsu nhìn thấy anh cùng với nỗi niềm ước mơ chân thành. Ngài ban cho anh những gì cần thiết để anh được tinh sạch, trở về cuộc sống đời thường. "Ta muốn, anh hãy trở nên sạch".

Thiên Chúa cũng muốn cho hết mọi người như thế. Ngài cũng nói với mỗi người chúng ta như thế: "Ta muốn, con hãy trở nên sạch".

Nhưng những gì Thiên Chúa muốn, có phải là những gì mà mỗi người đang muốn? Hay những gì Ngài muốn, mà đành phải chờ đợi vì không thấy con người đến với Ngài để Ngài thực hiện ý muốn.

Mỗi người trong chúng ta, để một chút thinh lặng, nhìn vào tình trạng hiện tại của chính mình. Mỗi người đang mang một căn bệnh của thời đại, căn bệnh truyền nhiễm mà không ai có thể đến gần được, căn bệnh làm cho con người của mình chết dần chết mòn theo năm tháng, căn bệnh làm cho chúng ta không thể hoà nhập được với mọi người. Cũng chính căn bệnh đó làm cho con người trở nên cô đơn tuyệt vọng. Nhưng chúng ta có nhìn thấy, có nhận ra tình trạng hiện tại của mình không? Chúng ta có muốn thoát khỏi nó để tìm mọi phương cách, cố gắng như nàng công chúa lọ lem. Nếu chúng ta biết cố gắng, muốn thoát khỏi những đau khổ của hiện tại mà biết tìm đến với Chúa, cầu xin và vâng thheo thánh ý Chúa. Nếu mỗi người biết thực hiện ý muốn ngay lành của mình, mà đến trước mặt Chúa với lòng chân thành, thì tình trạng hiện tại của chúng ta có lẽ khá hơn bây giờ nhiều lắm.

Mỗi người đang bằng lòng với những gì của hiện tại và không muốn bỏ đi những gì mình đang có. Chúng ta không muốn cho mình sạch hơn, mới hơn, cũng không muốn đến với Chúa. Còn việc hoà nhập với mọi người, không cần thiết, vì bản thân của mình tự rời xa mọi người, để không còn phải nghe những lời nói mà mình không thích. Chúng ta cũng không muốn nghe lời nói của Chúa Giêsu: "Ta muốn con hãy trở nên sạch". Nếu như thế thì làm sao Thiên Chúa có thể làm gì được cho chúng ta.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết nhận ra tình trạng hiện tại của chính mình, biết năng đến với Chúa để Ngài làm cho chúng ta được trở nên sạch.

1859    10-02-2012 10:32:07