Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chúa Nhật VII TN A_2

Sống Chữ Nhẫn

Tích xưa kể rằng: Hàn Tín thời Hán Cao Tổ, thuở hàn vi phải đi câu cá đổi gạo mà ăn. Thế mà có những lúc không đủ ăn. Có bà thợ giặt cảm thương đã mời Hàn Tín đến dùng cơm tại nhà. Hàn Tín đi đâu cũng mang thanh gươm kè kè bên mình.

Một hôm, có tên đồ tể Ác Thiểu muốn hạ nhục Hàn Tín, chận đường thách:

Chú thường mang gươm, chả biết để làm gì! Bây giờ tôi không cho chú đi. Chú có gan thì sẵn thanh gươm đó hãy chém tôi đi, bằng không thì phải lòn trôn tôi mà đi.

Hàn Tín chẳng chút do dự, lòn trôn tên hạ tiện đó mà đi, vì tự nhủ: "Giết thằng này thì được rồi, nhưng mà lấy mạng mình đổi mạng nó, thì không đáng tí nào!"

Sau Hàn Tín nhờ có công giúp Hán Cao Tổ dựng nước mà được phong làm Vua Tam Tể. Lúc bấy giờ, Hàn Tín bèn mời bà thợ giặt đến biếu nghìn lạng vàng để tạ ơn. Rồi không những không thèm trả thù tên đồ tể mất dạy xưa, lại phong cho hắn chức Trung Huý. Ác Thiểu rất ngạc nhiên, khúm núm nói: "Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, đã dại dột xúc phạm đến oai nghiêm ngài, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu ban chức tước?

Hàn Tín ôn tồn bảo: "Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận. Hành động của ngươi ngày xưa tuy quá đáng, nhưng cũng là bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi chớ tị hiềm mà hãy nhận chức ta ban".

Lối báo đền ân oán của Hàn Tín thật là hay. Đối với người ân thì ban thường, song đối với người oán cũng vẫn ban thưởng chớ không trả thù. Thật là một người quân tử.

Là người con của Chúa, Chúa dạy chúng ta hãy làm hoà trước để khỏi xảy ra điều tai hại hơn. Đây là một lời khuyên quan trọng: chẳng những không được làm hại ai hay có ý mưu hại ai, mà còn phải đi trước một bước mà làm hoà. Nói rõ hơn, trước một điều bất công, vô tình hay hữu ý, thiên hạ gây cho ta: như xỉ nhục, xỉ vả, chê cười, nói hành, vu vạ, cáo gian. . . Tất nhiên lòng tự ái chúng ta bị va chạm, không thể nhịn được, lòng chúng ta như muốn trả đũa ngay. Đó là tính tự nhiên của con người. Nhưng Chúa muốn chúng ta sống khác hơn, sống cao thượng hơn. Chúa muốn chúng ta tha thứ và làm hoà. Tha thứ và làm hoà là điều kiện phải có để đến với Chúa. Không thể đến với Chúa mà lòng còn ngổn ngang những tức giận, ghen tương, đố kỵ. Nhân vô thập toàn, ai cũng có những lầm lỗi, ai ai cũng cần được tha thứ, thế nên cũng cần phải biết tha thứ cho nhau. Người ta vẫn thường nói để sống với Chúa cần có đức tin để mình tin tưởng, phó thác cậy trông vào Chúa giữa những phong ba của dòng đời, và để sống với tha nhân, cần phải có lòng độ lượng, để mình sống bao dung và tha thứ cho người khác. Nếu chúng ta không có lòng độ lượng có lẽ mình sẽ chẳng sống được với ai, và cũng chẳng ai sống được vời mình. Đây cũng là điều mà Chúa mời gọi chúng ta phải công chính hơn những người biệt phái trong tình yêu tha thứ. Không chỉ yêu kẻ yêu mình mà còn yêu cả kẻ ghét mình. Không chỉ quý mến kẻ thi ân cho mình mà còn làm ơn cho kẻ làm hại chính mình. Bởi vì, oán báo oán thì oán chập chùng. Chúa mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho kẻ thù, hãy làm hoà cùng kẻ thù và hãy cầu nguyện cho kẻ thù. Chính Chúa đã sống tình yêu đó trên thập tự giá, nơi đó người ta đã tuôn đổ sự tàn ác trên thân thể Ngài, thế mà Ngài vẫn xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm. Tình thương Chúa không dừng lại ở việc tha thứ mà còn thi ân cho mọi người, kẻ lành cũng như người dữ. Kẻ thờ phượng Chúa cũng như kẻ chống đối lại Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy sống tình thương bao dung đó cho anh em của mình. Hãy quên đi những xúc phạm của nhau. Hãy làm hoà để thêm bạn bớt thù. Hãy tha thứ để tìm được sự bình an tâm hồn cho bản thân và cho những người chung quanh. Xin Chúa là Đấng hằng thương xót và tha thứ, xin giúp chúng ta biết tha thứ lỗi lầm của anh em, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Khôn Ngoan Tìm Được Viên Ngọc Quý
Mt 13,44-52

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu người ta không khỏi ngạc nhiên và cảm phục vì Chúa dùng những dụ ngôn, những câu chuyện thực tế đời thường để nói về Nước Trời. Ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không giảng dạy những sự viễn vông ở trên trời cao hay nói những lý thuyết khô cằn, cứng nhắc, nhưng Ngài luôn dùng những câu chuyện đời thường để giúp con người dễ hiểu, dễ nhận ra điều Ngài muốn nói, muốn nhắn nhủ, muốn dạy bảo vv...Chúa ban cho con người trí khôn, sự khôn ngoan để con người biết điều gì nên làm, điều gì phải tránh. Vua Salomon xin sự khôn ngoan để vua biết đem lại sự hạnh phúc cho dân tộc của ông. Tin Mừng của thánh Matthêu (13,44-52) cho chúng ta thấy rõ điều ấy :" Nước Trời giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy ". 

Tin Mừng của Chúa Giêsu là những lời vàng ngọc đưa nhân loại, con người và mỗi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, đi từ cảm phục này đến lòng kính tin,cậy trông và yêu mến. Lời của Chúa đã được gieo vãi từ bao ngàn năm qua nhưng ngay từ thời Ngài, các Kinh sư, Luật sĩ và Pharisiêu, cùng nhiều người đã không đón nhận và còn chống đối lại Ngài. Họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Do đó, Chúa đã chúc phúc cho những con người nhỏ bé, những Anawim, những người nghèo của Ngài : các tông đồ, những kẻ bị hất hủi bên lề xã hội đã lắng nghe, thực thi Lời của Chúa bởi vì họ có mắt đã nhìn thấy Chúa, có tai đã biết nghe Lời của Ngài. Tin Mừng hôm nay gồm hai dụ ngôn " Kho Tàng " và " Viên Ngọc Quý ". Hai dụ ngôn này cho con người, cho mỗi người chúng ta thấy sự khôn ngoan của người tìm ra kho tàng, cũng như người tìm được viên ngọc quý. Họ về nhà bán tất cả sản nghiệp đang có để tậu cho bằng được kho tàng và viên ngọc quý vì họ biết rằng kho tàng và viên ngọc quý còn đáng giá gấp bội so với của cải, sản nghiệp họ đang quản lý. Kho bau và viên ngọc quý, Chúa dùng để giúp con người nghiệm ra điều quý giá nhất là Nước Trời, Ngài muốn nói. Nước Trời là giá trị cao quý nhất, tuyệt đối mà của cải, danh vọng trần gian, giá trị con người cho là tốt đẹp đều phải lu mờ, nhường bước cho Nước Thiên Chúa. Nước Trời là phần rỗi, là ơn cứu độ Chúa đem tới cho nhân loại. Nước Trời là sự sống đời đời, là nước hằng sống Chúa hứa ban cho người nữ bên giếng Giacóp. Đây là giá trị tuyệt đối, giá trị cao vời, người môn đệ của Chúa phải quan tâm trước hết, sẵn sàng hy sinh cho dù có phải thí mạng mình để chiếm cho bằng được. Bởi vì, khi vào đời con người tay trắng tay, khi nhắm mắt xuôi tay, con người cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Con người là bụi tro, sẽ trở về với cát bụi. Tuy nhiên, người môn đệ Chúa đã cảm nghiệm sâu xa :" Sự sống thay đổi chứ không mất đi. Và trần gian này chỉ là nơi tạm, Chúa đã dọn sẵn cho môn đệ Chúa một nơi ở vĩnh viễn là Nước Trời ". Người môn đệ Chúa phải sẵn sàng đón nhận Lời Chúa chỉ dạy và sẵn sàng tìm kiếm cho bằng được Nước Thiên Chúa.

Con người đang sống ở trần gian giữa những trăn trở, giữa những xoay chuyển, vần xoay của vật chất. Do đó, con người phải vất vả làm ăn, cực khổ với cuộc sống để đấu tranh sinh tồn. Đây là điều cần thiết và hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, cuộc đời chỉ là tạm bợ, như gió thoảng, như mây bay, như hơi thở vv...Cuộc đời này rồi sẽ qua đi không ai có thể tự hào, tự mãn mình không cần gì hết, mình sẽ sống mãi mà không bao giờ chết. Chính vì thế, con người phải tìm kiếm sự gì là quý giá nhất, sự sống vĩnh cửu và tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Đời là một cuộc chơi. Cuộc vui nào rồi cũng mau qua. Cuộc tiệc nào rồi cũng phải tới giờ chấm dứt. Người môn đệ Chúa phải là người khôn ngoan định đoạt đời mình, con người có tự do nhưng tự do Chúa cho là để con người biết định đoạt phần rỗi của mình. Cuộc sống hôm nay sẽ định đọat cho tương lai sau này. Chúa nói: " Hãy tỉnh thức và cầu nguyện ". Chúa luôn nhân từ, thương yêu con người, Ngài luôn tha thiết chờ đợi conngười trở về, tin tương vào Ngài và Ngài sẵn sàng đưa vòng tay ôm chầm lấy người hối cải như người con hoang đang trở về đã được cha yêu thương đón nhận và thứ tha. Vâng, con người phải mau mắn đáp trả tình thương vô biên của Ngài và sống tình con ngoan hiền với Ngài. 

Những năm làm việc truyền giáo, tôi đã được chứng kiến biết bao cảnh thương tâm và xúc động đến rơi lệ mỗi lần đi xức dầu ở xa được hân hoan đón nhận những tâm hồn biết ăn năn sám hối trở về cùng Chúa và biết rằng cuộc đời này là bể dâu, cuộc đời mau qua, chóng tàn như hoa phù du sớm nở chiều tàn. Một hôm tôi nghe tiếng điện thoại của Ban phần việc ở xa nhà xứ 25 cây số, mời tôi đi xức dầu cho một bà cụ già gần 80 tuổi. Bà cụ đã hơn 40 năm không xưng tội, xa Chúa vì ở vào trường hợp éo le và không có cơ hội gặp các vị chủ chăn. Khi tôi đi Honda tới, bước vào nhà và tiến đến bên giường bà cụ, bà ôm chầm lấy tôi khóc nức nở, bà nói với tôi câu rất cảm động:" Cha ơi, con sung sướng lắm vì gặp Cha, con đã xa Chúa quá nhiều nhưng con tin vào Chúa, cuộc đời con sắp hết, đời là tạm bợ, con muốn về với Chúa. Bà tiếp tục khóc và khóc to, khóc nức nở, tôi khuyên bà và nói về tình thương của Chúa đối với bà cụ, rồi tôi giúp bà xưng tội, xức dầu, trao Mình Thánh cho bà cụ. Bà cụ sung sướng nói với tôi, con cám ơn Cha vì Cha đã cứu con, đã đem Chúa cho con. Tôi vô cùng sung sướng và chỉ một tuần sau bà cụ đã trở về với Chúa, chính tôi đã cử hành lễ an táng cho bà cụ tại tư gia.

Vâng tình thương Chúa vô biên, trần gian sẽ qua đi nhưng kho báu, viên ngọc quý là Chúa, là Nước Trời mới quý giá, mới ưu tiên hàng đầu để người môn đệ Chúa đáng kiếm tìm.

Lạy Chúa Giêsu, xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết tìm kiếm Nước Trời hơn là chỉ chú tâm đến những sự phù phiếm, chóng qua. Amen.

Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Hãy Yêu Tha Nhân Như Chính Mình
Matthêu: 5: 38-48

Khi mùa Chay đến sớm trong chu kỳ phụng vụ thông thường thì chúng ta không có Chúa Nhật VII cùng với những bài đọc hôm nay. Những Chúa Nhật mùa Chay trở thành tâm điểm và thay thế một số Chúa Nhật trong mùa Thường Niên. Nhưng mùa Chay năm nay đến trễ, vì thế chúng ta có cơ hội nghe những bài đọc Kinh Thánh mà lẽ ra bị bỏ qua nếu mùa Chay đến sớm hơn. Tôi nghĩ rằng quý vị sẽ thở phào nhẹ nhõm nếu mùa Chay đến sớm hơn và Tin Mừng hôm nay không nằm trong chu kỳ phụng vụ. Quả là khó khăn cho chúng ta!

Không chỉ riêng quý vị cảm thấy lúng túng đối với đoạn chọn từ Bài Giảng Trên Núi hôm nay. Chẳng phải là mọi Kitô hữu đều cảm thấy khó chịu khi nghe Đức Giêsu nói: "Đừng chống cự người ác", "giơ cả má bên trái", "đưa cả áo bên ngoài", "đi thêm một dặm", "yêu thương kẻ thù"...hay sao? Chúng ta thực sự muốn giơ tay phản đối khi Đức Giêsu kết luận: "Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện". Tôi có thể nghe một số người nói: "Thôi nào ông Giêsu, thực tế chút đi!".

Thoạt tiên khi nghe, chúng ta có thể hiểu vì sao bài Phúc Âm hôm nay, thực ra là trọn vẹn Bài Giảng Trên Núi, làm cho Kitô giáo giống như một lối sống không thực tế và thực tiễn trên thế gian này. Hôm nay, thánh Phaolô diễn tả điều ấy như sau: "Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa...". Chúng ta nói thêm rằng: "Và sự khôn ngoan của Thiên Chúa là sự điên rồ trước mắt thế gian".

Vì vậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, phản ứng ban đầu của thế gian đối với Bài Giảng là xem lời dạy của Đức Giêsu hoàn toàn vô lý: phi thực tế trong "thế giới hiện thực". Nhưng "thế giới hiện thực" chỉ là tình trạng hỗn độn và sự khôn ngoan của thế gian đã gây ra tình trạng hỗn độn ấy. Vì thế, trước khi con người vội vã ngoảnh mặt đi trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa được mạc khải trong Bài Giảng, thì có lẽ họ muốn dừng lại và xét xem đâu là sự khôn ngoan đích thực. Các bài đọc Kinh Thánh cho thấy rõ tình yêu của Thiên Chúa có sức biến đổi. Trong đức tin, những ai đã từng cảm nghiệm, từng nhận ra và hiện nay hoàn toàn ở lại trong tình yêu ấy thì đều là những người có thể đáp trả như Thiên Chúa đã làm - yêu vô điều kiện. Đức Giêsu đang nói về một tình yêu đặc biệt - tình yêu chia sẻ. Đó là loại tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể trao tặng người khác một tình yêu như thế khi chúng ta thực sự biết về tình yêu đó, vì chính chúng ta đã cảm nghiệm nó từ chính Thiên Chúa.

Là những tín hữu, chúng ta cần hướng lòng mình để lắng nghe và tin tưởng vào những điều được loan báo hôm nay. Thật dễ hiểu rằng, cả trong bài đọc của Lêvi và Mát-thêu đều dạy chúng ta phải yêu thương những người thân cận. Nhưng Đức Giêsu xóa bỏ ranh giới giữa người thân cận và người không thân cận. Không có giới hạn nơi những người chúng ta yêu. Do đó, Ngài cho chúng ta biết rằng tình yêu của chúng ta không được giới hạn ở những người tốt ("đừng chống cự người ác"), không giới hạn ở gia đình và bạn bè ("yêu thương kẻ thù") hay chỉ những người yêu thương chúng ta ("...nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?"). Điểm cốt yếu là, theo gương Đức Giêsu, chúng ta phải yêu thương tha nhân như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta.

Chúng ta cần trợ giúp để luôn lắng nghe và thấu hiểu sứ điệp Tin Mừng: Đức Giêsu là bằng chứng tích cực về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chỉ những ai đón nhận và hoàn toàn ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa thì mới có thể nghĩ đến việc đáp trả tình yêu đó bằng cách thi hành điều Thiên Chúa dạy - yêu thương tha nhân, kể cả kẻ thù cách vô điều kiện.

Chúng ta hãy xem bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay. Trong sách Xuất Hành (21,24) có "luật báo oán" - dạy rằng con người được yêu cầu xử phạt và đền bù tùy theo thiệt hại. Luật này thường được cộng đồng sử dụng để phân xử và đưa ra mức hình phạt. Hình phạt không được vượt quá tội. Nếu hình phạt vượt quá tội thì sẽ có nguy cơ càng gây ra thêm thù hận và ý muốn báo thù vô cùng tận. Hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta không được có bất cứ kiểu báo thù nào. Nghĩa là chúng ta không thể để cho người khác định đoạt chúng ta sẽ đáp trả bằng cách nào. Có lẽ, Đức Giêsu đang nhấn mạnhvấn đề, nhưng Ngài đã rất cố gắng khi dạy chúng ta biết giơ cả má bên phải ra nữa.

Áo choàng là chiếc áo dài người ta mặc cả ngày. Nó cũng giữ ấm cho con người vào ban đêm. Một lần nữa Đức Giêsu lại nhấn mạnhvấn đề khi Ngài nói về việc đưa cả áo ngoài của mình cho ai muốn lấy áo trong. Không có áo ngoài thì con người sẽ trần truồng! Có lẽ Ngài muốn nói rằng người Kitô hữu không chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình, nhưng còn cho đi nhiều hơn cả những gì luật công bình đòi buộc.

Lính La-mã có thể bắt những người thường dân phải phục vụ họ. Như vậy, họ có thể yêu cầu một người vác vật nặng đi một dặm - nhưng không được hơn. Đức Giêsu nói rằng: khi anh em bị yêu cầu làm như thế thì hãy đi thêm một dặm nữa. Nếu người Kitô hữu làm những điều quá phi thường, như chúng ta đang nói là "đi thêm một dặm", thì điều đó sẽ có tác dụng thế nào trên người lính La-mã, là người sẽ nghĩ rằng mình có trách nhiệm với hoàn cảnh và con người?

Nó sẽ có tác dụng ra sao trên con người hiện đại, là những người nghĩ rằng họ có trách nhiệm với những hoạt động hay cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta tự quyết định đi thêm một dặm nữa?

Liên quan đến những người hành khất hay những ai đến với chúng ta trong lúc khó khăn: Luật tôn giáo đòi hỏi người Do Thái cho vay mà không đặt lãi. Điều này giúp ích cho những ai gặp khó khăn. Thay vào đó, Đức Giêsu không bảo các môn đệ của mình "cho vay", nhưng là "cho". Dường như Ngài đang mời gọi các môn đệ của mình tập thói quen quảng đại. Nếu chúng ta làm như thế thì hành động của chúng ta sẽ nổi bật lên, biểu hiện cho thứ khôn ngoan thách thức sự khôn ngoan của thế gian.

Chúng ta đã biết nhiều người vượt qua những ranh giới của lòng quảng đại thường ngày. Người già với số tiền trợ cấp mua đồ dùng cho các cha mẹ đơn thân; người thợ ở lại sau những giờ làm việc để giúp huấn luyện những thợ mới mà không cần thêm lương; những luật sư và giáo viên hy sinh thời gian của mình để giúp những người thất nghiệp và ít học...

Hôm nay chúng ta nghe từ sách Lê-vi lời yêu cầu: "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình". Nhưng sách Lê-vi không nói ngươi phải "ghét kẻ thù". Có lẽ đó là điều được thêm vào bởi lòng nhiệt thành quá mức và cực kỳ yêu nước vào thời Đức Giêsu. Tuy nhiên, "người thân cận" lại ám chỉ đến người trong cộng đồng. Đức Giêsu không mời gọi chúng ta sản sinh ra thứ tình yêu dựa trên cảm xúc để dành cho người chúng ta không thích hay thậm chí là ghét. Thay vào đó, Ngài mời gọi chúng ta làm điều thiện cho con người - cho dù người đó là kẻ thù. Ngài nói với chúng ta: ngay cả người ác cũng đối xử tốt với đồng bạn. Vậy chúng ta cũng phải tiến xa hơn trong việc đối xử với tha nhân.

Sau cùng, chúng ta phải trở nên "hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện". Chúng ta không thể thánh thiện như Thiên Chúa, vì thế Đức Giêsu không kêu gọi chúng ta đạt tới kiểu hoàn thiện đó. Nhưng, chúng ta phải tập noi theo tình yêu của Thiên Chúa và loại bỏ những đường lối và những chuẩn mực về yêu thương theo kiểu thế gian. Thiên Chúa yêu cả người tốt lẫn kẻ xấu - chúng ta cũng thế. Thiên Chúa tha thứ cho những người tội lỗi - chúng ta cũng tha thứ cho anh chị em mình. Thiên Chúa đáng tin cậy - chúng ta cũng vậy.

Cùng với giáo huấn này, chúng ta có thể thấy rằng Đức Giêsu không quan tâm đến các môn đệ thiếu nhiệt tình hay nửa vời. Chúng ta cũng không phải là những Kitô hữu chỉ tốt ở nhà và khi tụ họp ở nhà thờ. Không có ranh giới cho tình yêu của người Kitô hữu, vì Thiên Chúa không bị giới hạn hay vạch ra những ranh giới cho tình yêu của Thiên Chúa - một số người bị ở trong phạm vi của tình yêu, còn số khác thì không. Chúng ta phải nhìn vào và bắt chước cách thức yêu thương của Thiên Chúa, chứ không phải cách thức yêu của người ta.

Tôi có một vị thầy dạy thần học luân lý, người chia sẻ với chúng tôi về Bài Giảng Trên Núi. Khi chúng tôi bắt đầu cảm nhận được điều Đức Giêsu đang đòi hỏi chúng tôi thì vị thầy đã thấy nơi chúng tôi sự bối rối và chán nản. Cứ như thể là chúng tôi đang nói: "Ai có thể sống như vậy?". Ông nói với chúng tôi rằng Bài Giảng sẽ đưa chúng tôi đến một lời nguyện rất giản dị và ông đã minh chứng. Ông giơ tay lên không trung, ngước mắt lên với giọng nói làm cho lớp học bên cạnh hoảng hốt, rồi la lớn: "Hãy cứu tôi!". Thế rồi ông nói: "Đó là một lời kinh tuyệt vời để cầu nguyện khi bạn đọc Bài Giảng Trên Núi".

Trở lại với sách Lê-vi, Thiên Chúa dạy Mô-sê nói với dân: "Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh". Có lẽ trong lúc nghe những lời này, người ta muốn làm theo những gì mà vị thầy dạy thần học của tôi dạy chúng tôi về lời cầu nguyện: giơ tay lên cao, ngước mắt lên trời và kêu "Hãy cứu tôi!".

Nhưng sự thánh thiện của Israel không đến từ bất cứ đức hạnh có tính cố hữu và trịch thượng nào, hay chỉ là nỗ lực trong vai trò của con người. Thay vào đó, sự thánh thiện của Israel được hình thành là bởi Thiên Chúa đã thiết lập mối tương quan với họ. Thiên Chúa đã chọn họ, giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ và thiết lập với họ một giao ước. Trong cảnh nô lệ, dân có thể kêu cầu với Thiên Chúa "Xin hãy cứu tôi!"; họ không thể tự cứu lấy mình. Họ cũng không thể tự mình tuân giữ một bộ luật nghiêm khắc về thái độ ứng xử như thế. Nhưng họ không đơn độc - Thiên Chúa đã chọn họ. Họ thuộc về Thiên Chúa và vì thế, nếu họ chịu mở lòng ra thì sự thánh thiện của Thiên Chúa sẽ thanh tẩy họ.

Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã bước vào một giao ước mới với chúng ta. Khi nghe những mệnh lệnh của Bài Giảng Trên Núi, chúng ta có thể giơ tay lên trong sự bối rối và chán nản, hay chúng ta có thể hướng về Đức Giêsu và cất lên lời cầu nguyện - "Xin hãy cứu con!". Đức tin của chúng ta đảm bảo rằng trong mối tương quan với Ngài, chúng ta sẽ có thể làm như Ngài đã làm và những gì lúc này Người hướng dẫn chúng ta: hãy quảng đại với những ai khốn khó; đừng trả thù khi bị xúc phạm; cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta và thậm chí, với ân sủng của Thiên Chúa, hãy tha thứ cho kẻ thù của chúng ta.

Chuyển ngữ Anh Em HV Đaminh Gò Vấp

Lm Jude Siciliano, OP

1461    17-02-2011 20:42:09