Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Chúa Nhật VII TN A

 

NÊN HOÀN THIỆN NHƯ CHA TRÊN TRỜI
Mt 5, 38 - 48

Từ sau khi nguyên tổ chúng ta phạm tội thì con người đã trở nên yếu đuối và rất dễ sa ngã. Do đó, con người rất cần những quy tắc sống. Nhờ đó, con người dựa vào để thi hành trong cuộc sống của mình.

Thấy được điều đó nên Thiên Chúa tình yêu đã ban bố cho dân Do thái những quy tắc sống qua ông Môisen. Vì thế, đối với người Do thái luật Môisen được coi như kim chỉ nam cho cuộc sống của họ.

Thế nhưng có vẻ như Chúa Giêsu không tuân giữ đúng luật Môisen nên làm cho người Do thái cách chung và với những Luật sĩ và Pharisêu cảm thấy dị ứng. Từ bối cảnh ấy Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 5, 20). Nghĩa là Người muốn các môn đệ giữ lề luật Môisen với tinh thần mới. Bởi lẽ, "Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới" (Mt 9, 17).

Nối tiếp những lời dạy tuần trước, hôm nay Chúa Giêsu kêu mời các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta đi tới một mức độ cao hơn: "Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn thiện""(Mt 5, 48). Hoàn thiện qua việc tuân giữ luật Môisen với một tinh thần vị tha.

Ngay từ thuở ban đầu, con người chúng ta đã được dựng nên theo và giống hình ảnh Thiên Chúa. Vì vậy, trong cuộc hành trình trên dương thế nầy chúng ta được kêu mời sống thế nào để mỗi ngày trở nên giống như Ðấng đã dựng nên chúng ta. Bao nhiêu lần chúng ta xúc phạm đến Chúa đều được Chúa thứ tha tất cả. Tác giả Thánh vịnh 129 cảm nghiệm được điều đó nên đã thốt lên:

"Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,

nào có ai đứng vững được chăng?

Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ

để chúng con biết kính sợ Ngài" (Tv 129, 3 - 4).

Hôm nay Chúa Giêsu đưa ra những lời chỉ dạy nhằm giúp chúng ta thoát khỏi lối sống ích kỷ, hay tự ái và muốn trả đủa. Vì người sống theo lối sống như thế e rằng khó có được sự bình an trong tâm hồn. Ông Ganđi, là cha đẻ của chủ trương bất bạo động đã thốt nên một lời nói bất hủ rất đáng chúng ta suy nghĩ: "Bất bạo động là luật của loài người còn bạo động là luật của loài thú". Ông bà chúng ta cũng đã dạy "lấy oán trả oán oán chồng chất còn lấy ơn trả oán thì oán sẽ hết".

Là người con Chúa Cha trên trời và cũng là môn đệ của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta hãy làm theo những lời dạy vàng ngọc của Chúa Giêsu hôm nay.

 

Yêu Thương Trọn Hảo
Mt 5,38-48

 

Qua đoạn Tin Mừng, Thánh Mattheu thuật lại luật yêu thương trọn hảo của Chúa Giêsu. Chúa dạy ta cách sống, cách xử thế đối với mọi người, cả những người yêu thương ta lẫn người không yêu thương chúng ta. Đây là điểm vàng son của đạo Kitô giáo.

Theo luật cũ trong Cựu Ước thì một người làm lỗi phải chịu trừng phạt tùy theo tội nặng hay nhẹ. Nếu một người làm người khác bị thương, thì phải đền bù theo luật ác giả ác báo: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Chúa Giêsu, Ngài mời gọi ta sống, nhân hậu, tha thứ, ân cần yêu thương tha nhân. Ngài đã đưa ra nhiều  thí dụ: "Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài".

Chúa Giêsu dạy như thế không có nghĩa là Chúa đề cao lối sống buông xuôi, đầu hàng, cam chịu. Nhưng Chúa Giêsu muốn dạy rằng: Hãy khôn ngoan mà dùng tình thương là thượng sách. Tình thương mới xóa bỏ hận thù, lấy ơn mà đền oán, chứ không thể áp dụng "dĩ độc trị độc". Thực tế, trả thù không bao giờ xóa bỏ được hận thù, mà còn chồng chất hận thù lên mãi. Có lẽ trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có người sống theo lối "ăn miếng trả miếng", "hòn đá nén đi hòn chì nén lại", nên chúng ta thấy khó am hợp với lời Chúa dạy là tha thứ, là yêu thương.

Giáo huấn của Chúa, khó thì khó thật, nhưng không phải là không thực hiện được. Trong thực tế, đã có những người dù không phải là Kitô hữu, dù chưa biết Tin Mừng đã thực hiện điều này. Người ta kể rằng: gần hai nước Lương và Sở, có hai người làm nghề trồng dưa: Một người ở nước Lương và một người ở nước Sở. Nhờ sự chăm tưới và bón phân, vườn dưa của người nước Lương lên tốt, kết quả rất mỹ mãn và hàng năm đem lại một mối lợi đáng kể. Còn anh chàng nước sở, lười biếng cỏ chẳng làm, dưa không tưới và bón phân, dĩ nhiên không kết quả bao nhiêu. Thấy vậy anh ta sinh ghen ghét, đêm đêm lẻn sang vườn người nước lương phá hoại.

Vườn dưa đang tốt, song mỗi ngày cứ thấy lụi tàn dần, tìm hiểu và biết được kẻ phá hoại, tức mình lắm, định trả đũa. Nhưng trước khi thi hành, anh đem việc đến trình quan là Tống Hựu. Tống Hựu can và nói: "Làm như thế chỉ tổ gây thên hận thù, tôi khuyên anh: thay vì trả đũa  ,mỗi đêm lẻn sang đó tưới nước và bón phân. Nhưng phải bí mật đừng cho nó thấy". Thấy bên kia không trả đũa, lại nhận ra vườn mình ngày cang xanh tốt. Sau lâu ngày mới biết người kia không báo thù mà còn làm ơn, anh liền sang xin lỗi. Hai gia đình đã kết thân và trở nên giàu có.

Vậy thì, tại sao hay lý do nào Chúa dạy chúng ta phải yêu thương hết mọi người, kể cả những người không thích chúng ta, thù ghét chúng ta. Thưa, vì mọi người đã được tạo dựng nên giống hình ảnh Chúa và đã được Chúa Ki tô cứu chuộc bằng giá máu châu báu của Người, nên mọi người đều đáng kính trọng và đáng kính yêu. Và đặc biệt, vì mọi người là con một Cha chung trên trời và là anh em với nhau. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện rằng: "Lạy Cha chúng con ở trên trời", vì Chúa là Cha chung hết  mọi người, hằng cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ dữ người lành, làm mưa xuống trên kẻ công chính và người bất lương. Vậy nếu mọi người đều là con một Cha trên trời, thì chúng ta đều là anh em với nhau. Mà là vì anh em với nhau, thì chúng ta phải yêu thương nhau. Chúng ta phải yêu thương hết mọi người không loại trừ ai cả, có như thế chúng ta mới xứng đáng là con cha trên trời. Một khi có tình yêu như vậy, nhất định chúng ta  sẽ xóa bỏ mọi hận thù, ghen ghét, nhất định chúng ta sẽ khoan dung quảng đại với mọi người.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa và nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Amen

Đừng Báo Thù
 Mt 5, 38-48

Báo thù là một việc làm phản Kitô giáo. Luật Cựu Ước viết :" Mắt đền mắt, răng đền răng ". Đây là công thức của luật báo thù. Còn trong Luật Mới của Chúa Giêsu :" Còn Thầy, Thầy bảo các con : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con ".

Đối với Luật cũ hoặc cứ theo sự thường tình, anh làm hại tôi, tôi tìm cách làm hại anh. Ai xúc phạm tới ta, ta phải làm lại cho người ấy bấy lâu. Sở dĩ con người lý luận như thế bởi vì con người là con người và lý luận theo con người. Đó là sự công bằng theo con người. Thực tế luật này đã được ghi chép thành bản văn của vua xứ Babylon trước Công Nguyên năm 1750. Và chúng ta có thể nghiên cứu và tìm hiểu trong Bộ Ngũ Kinh. Chúng ta thấy có ghi vài điều khoản của Luật này và đó là sự bất toàn của luật Môsê thời Cựu Ước.

Luật này không chỉ nằm trong luật thành văn của con người từ bao thế hệ nhưng nó còn đang nằm trong tâm hồn, trong con tim của từng con người. Tuy nhiên, Chúa Giêsu khi tới trần gian, khi đưa ra một giới luật mới, Ngài đã xin các môn đệ cũng như những người theo Ngài :" Hãy dập tất ngay mầm mống hận thù đang âm ỉ, đang nằm trong con tim, trong tâm hồn, trong con người mỗi người chúng ta ". " Đừng chống cự người ác ". Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tinh thần tha thứ nơi tâm hồn con người :" Hãy tha thứ cho kẻ thù ". Nếu đọc lại lịch sử của các Vị sáng lập Đạo, chưa có Vị đã dạy :" Hãy yêu kẻ thù ". Tuy nhiên, chúng ta thấy Chúa Giêsu mình Ngài và chỉ duy nhất Ngài đã dạy :" Hãy yêu kẻ thù " " Hãy cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em " ( Mt 6, 44 ). Chúa Giêsu không chỉ dạy bằng môi miệng :" Hãy tha thứ ", nhưng chính Ngài đã làm gương cho nhân loại, chính Ngài đã để lại cho loài người, cho mỗi người con bài học cao quí, tuyệt vời : " Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm " ( Lc 23, 34 ). Vâng, chính nơi Thập giá, Chúa Giêsu bị đóng đinh bị treo lên, Ngài đã không than trách, không uất hận, nhưng Ngài đã tha thứ tất cả cho chính những người làm hại và đóng đinh, kết án tử hình cho Ngài. Ngài đã nói :" Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu người hiến mạng sống vì người mình yêu " ( Ga 15, 13 ). Đây là tình yêu vô vị lợi, tình yêu tự hiến.

Chúa Giêsu dạy chúng ta tha thứ và yêu thương mọi người, yêu thương ngay cả kẻ thù của mình. Bởi vì Ngài cho chúng ta hay :" Các con phải trở nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo " ( Mt 5, 48 ). Do đó, chúng ta sẽ hiểu thế nào là tha thứ. Không biết tha thứ thì không thể biết yêu thương. Nơi kẻ xấu không phải cái gì họ cũng xấu nhưng như lời thánh Phaolô tông đồ viết :" Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm "  (  Rm 7, 19 ). Người ác, kẻ thù vì những yếu đuối, những thiên kiến những bất toàn nên chính họ mới cần được Thiên Chúa cứu chuộc và chờ đợi, mong chờ chúng ta yêu thương, tha thứ.

Chúng ta cũng không nên nuôi sự hờn giận, tìm cách trả thù vv...Nhưng hãy sống bao dung. Sự quảng đại bao dung luôn đem lại cho chúng ta sự an bình và hạnh phúc.

Tất cả con người được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Nên, thánh Phaolô đã tự vấn chúng ta :" Anh em không ý thức anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần ư, và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong lòng anh em sao ? ".  Chính Thánh Thần sẽ giúp chúng ta hiểu được địa vị làm con của Thiên Chúa của chúng ta. Do đó, chúng ta được kêu gọi để hành động, để ứng xử theo những tiêu chuẩn của Thiên Chúa, chứ không phải theo những tiêu chuẩn của xã hội nhân loại và thế giới con người.

Sống làm con cái Thiên Chúa, người môn đệ Chúa Kitô phải sống như Chúa, sống như Thầy đã yêu ( Ga 15, 12 ). Lời Chúa, Kinh Thánh, Huấn Quyền của Giáo Hội sẽ giúp dẫn con người tới gần Chúa và gần gũi anh em. Mình Máu Thánh Chúa trong Bí Tích Thánh Thể sẽ làm cho con người sống kết hiệp với Ngài để rồi càng ngày con người càng bắt chước Cha trên trời là Đấng trọn lành, hoàn hảo.

Thánh Phanxicô khó khăn đã dạy cho chúng ta một bài học tuyệt hảo :" Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn u sầu ".

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn noi gương Chúa mà yêu thương tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng con ".Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT

Có Phải Không Thể Yêu Kẻ Thù?
Mát-thêu 5:38-48

Yêu thương kẻ thù chắc chắn phải là một vấn đề vô cùng độc đáo trong giáo lý của Chúa Giê-su và của đạo Công giáo.  Đó cũng là điều nói thì dễ, nhưng thực hành thì hết sức khó, hoặc có thể nói đó là điều không thể thực hiện theo sức riêng của con người.

Trước khi quảng diễn lời dạy "hãy yêu kẻ thù", Chúa Giê-su nêu lên lẽ công bằng của sự thù nghịch theo Lề Luật Mô-sê.  Luật công bằng của người xưa là:  mắt đền mắt, răng đền răng.  Cho nên ý niệm truyền thống về bạn hay thù được xây dựng trên căn bản lẽ công bằng.  Người ta bị ràng buộc trong giới hạn của lẽ công bằng, do đó không thể chấp nhận việc yêu kẻ thù vì làm như thế người ta sẽ không duy trì được sự công bằng nữa.  Nhưng Chúa Giê-su không lấy lẽ công bằng của Luật Mô-sê để dạy chúng ta về việc yêu kẻ thù, mà Người lấy tình yêu của Thiên Chúa Cha làm nền móng cho việc yêu kẻ thù.  Kẻ xấu và tội lỗi đều là "kẻ thù" của Thiên Chúa.  Vậy mà Cha trên trời vẫn "cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính".  Cha nào con nấy.  Nếu Cha trên trời yêu kẻ thù của Người thì chúng ta là con, cũng phải yêu kẻ thù của Người và của chúng ta.  Quả thực Chúa Giê-su đã "kiện toàn" Lề Luật khi Người mở ra một con đường mới cho một vấn đề bế tắc là hãy yêu kẻ thù.  Vậy theo Chúa Giê-su, thế nào là "yêu kẻ thù"?

Yêu kẻ thù là dám vượt lên trên lẽ công bằng để thực hiện một việc làm tích cực.  Dĩ nhiên những thí dụ Chúa Giê-su đưa ra, như vả cả hai má, lấy cả áo trong lẫn áo ngoài, hoặc đi thêm dặm đường nữa với kẻ thù, tất cả chỉ là những hình ảnh mô tả thái độ tích cực là động lực của tình yêu.  Chỉ có động lực tình yêu này mới có thể giúp chúng ta vượt trên lẽ công bằng để đến với kẻ thù và yêu thương họ, vì tình yêu bao giờ cũng tích cực.

Yêu kẻ thù còn là điều kiện để "được trở nên con cái của Cha trên trời" và là dấu chỉ chúng ta khác biệt với những người không phải là con cái Chúa.  Chúng ta hãy nhìn vào gương của Chúa Giê-su, Trưởng Tử của nhân loại mới, đã đối xử thế nào với kẻ thù.  Không kể bao lần "đụng độ" với kẻ thù mà Người vẫn hòa nhã yêu thương, trên thập giá và trước khi nhắm mắt, Người đã xin Cha tha thứ cho những kẻ giết Người.  Người Con Yêu Dấu ấy của Thiên Chúa đã dạy các em Người hãy yêu kẻ thù để xứng đáng làm con cái Thiên Chúa.

Sau hết, yêu kẻ thù là phương thế nên hoàn thiện như Cha trên trời.  Yêu kẻ thù (tức là những kẻ tội lỗi) là đặc điểm hoàn thiện của Thiên Chúa.  Phải chăng Chúa muốn chúng ta lấy việc yêu kẻ thù làm phương thế tốt nhất để nên hoàn thiện giống như Chúa, nên Người mới để chúng ta có nhiều "kẻ thù" hơn là bạn hữu?

Sống sứ điệp Tin Mừng

Thực tế cho thấy yêu kẻ thù là điều không thể thực hiện.  Nhưng chẳng lẽ Chúa Giê-su dạy chúng ta làm một điều vượt ngoài khả năng con người?  Đối với chúng ta, đó là điều không thể, nhưng "đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" (Lu-ca 1:37).  Chính vì thế Chúa Giê-su mới "kéo" Cha trên trời xuống với chúng ta, để chúng ta ý thức mình là con cái Chúa và chính Người nêu gương yêu kẻ thù, chúng ta mới hoàn toàn có thể yêu kẻ thù.

Chúa Giê-su đưa ra một thí dụ rất cụ thể để chúng ta thực hành việc yêu kẻ thù, đó là "chào hỏi" kẻ thù.  Trong đời sống hằng ngày, biết bao lần chúng ta không muốn "chào hỏi" nhiều người.  Có thể đấy là người vợ, người chồng hoặc con cái.  Có thể là người làm cùng sở.  Cũng có thể là một người đã gây cho chúng ta một thiệt hại không thể đền bù hay sửa chữa.  Vậy chúng ta phải làm thế nào để xóa đi hàng rào ngăn cản là lẽ công bằng, là niềm tự ái có lý của chúng ta?  Bạn và tôi hãy nhìn lên Cha trên trời, Đấng đã hết lòng yêu thương chúng ta là kẻ tội lỗi và kẻ thù của Người, đến nỗi sai Con Một Người xuống trần để chết cho chúng ta (Gio-an 3:16).  Nhờ Chúa Cha là Tình yêu, Chúa Con là sự Tha thứ và Chúa Thánh Thần là Sức mạnh hiệp nhất, nhất định chúng ta có thể yêu kẻ thù được!                 

Lm. Đaminh Trần đình Nhi   

1671    19-02-2011 20:09:18