Sidebar

Thứ Ba
21.05.2024

Chúa Nhật VII TN B_2

ÐỨNG DẬY TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA
Mc 2, 1 - 12

Một đứa con trong gia đình có thể nói được là không nhiều thì ít vì yếu đuối nên phạm lỗi lầm. Thế nhưng, dù có nhiều lần vấp ngã nhưng mỗi lần như thế nó được cha mẹ sẵn sàng đón nhận và tha thứ thì đó là nguồn động viên cho nó rất nhiều. Nhờ đó, nó có thể sẽ trở thành tốt hơn. Bởi lẽ, nó được đứng dậy trong tình thương của cha mẹ nó.

Ðoạn Tin mừng hôm nay cho thấy người bị bệnh bại liệt chẳng những được Chúa Giêsu chữa khỏi bệnh mà Người còn ban cho anh một ơn hết sức lớn lao. Ơn đó chính là ơn tha thứ.

Theo quan niệm của phần đông người Do thái, đau khổ tật nguyền là do hậu quả của tội. Người bị bệnh bại liệt này chắc hẳn cũng bị nhiều người nhìn về anh như thế. Do đó, khi thấy mọi người vất vả đưa anh đến thì lời nói đầu tiên của Chúa Giêsu với anh là: "Này con, con đã được tha tội rồi." (Mc 2, 5). Lời nói này đã khiến cho nhiều kinh sư lấy làm khó chịu. Sự khó chịu này đứng về phương diện nào đó là đúng. Vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội cho con người.

Tuy nhiên, qua lời nói này cách nào đó Chúa Giêsu công khai tuyên bố Người chính là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa. Cho nên, Người có toàn quyền để tha tội cho con người. Bởi sứ mạng chính yếu của Người là đem đến cho con người sự giải thoát. Sự giải thoát lớn nhất là cho con người được thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết.

Còn hạnh phúc nào bằng khi anh bại liệt này đã được diễm phúc đón nhận những ơn ban hết sức cao quý ấy. Anh đã được đứng dậy trong tình thương của Chúa.

Có thể nói, trong cuộc sống chúng ta đã nhiều lần vấp ngã. Chỉ quan trọng một điều là chúng ta vấp ngã nhưng không bao giờ bị vùi dập. Chúng ta luôn được Chúa và Giáo hội tạo mọi điều kiện để chúng ta được đứng dậy. Ðiều đáng buồn là nhiều khi chúng ta không biết hoặc cố tình không chịu đứng dậy. Hãy tin tưởng và đứng dậy trong tình thương của Thiên Chúa. Ðồng thời, chúng ta cũng hãy biết nâng đỡ anh chị em mình khi thấy họ lỡ vấp phạm.

SỰ KHAO KHÁT VÀ ƠN BAN
Mc 2, 1- 12

Quan niệm của dân Do Thái thời Cựu Ước, xem bệnh tật và đau khổ như tai họa do thần minh gửi đến, hoặc là hậu quả của tội lỗi cá nhân hay của cha mẹ. Người đau yếu coi mình như bị Thiên Chúa chúc dữ và đe phạt. Trong các xứ đạo ngày xưa cũng thế, khi trong nhà có người bệnh thì trước tiên người ta mời Linh mục đến, sau đó mới tới bác sĩ. Ngày nay xem ra ngược lại. Đối với tín hữu có lòng tin thì cả Linh mục lẫn bác sĩ đều cần thiết cho việc chăm sóc bệnh nhân. Nói thế không có nghĩa là Linh mục chỉ lo phần tinh thần, còn bác sĩ chỉ lo phần thể xác. Nhưng cả tinh thần lẫn thể xác đều đi đôi với nhau, cho dù linh mục hay bác sĩ thì cũng muốn cho bệnh nhân của mình được khoe thể xác lẫn tinh thần. Do đó chúng ta cũng không lạ lùng gì khi thấy người ta khiêng người bất toại đến, Đức Giêsu biết ngay là bệnh nhân này cần được chăm sóc về thể xác. Nhưng Ngài vẫn thấy anh ta cần được chăm sóc linh hồn hơn, vì thế Ngài bắt đầu bằng việc tha tội cho anh "Hỡi con, tội con đã được tha" (Lc.5,20) chắc hẳn anh cũng cảm thấy bình an, thanh thản vì biết mình được Chúa cứu. Cuộc đời tưởng chừng như khép lại với người bất toại, nhưng khi gặp được Chúa thì một sức sống mới lại dâng trào. Anh như cảm thấy trút được gánh nặng. Trước hết, là gánh nặng của bệnh bất toại, sau nữa là gánh nặng của tội lỗi, vì người Do thái cho rằng : nguyên nhân của mọi bệnh tật là do tội lỗi.

1. Sự khao khát và đời sống hiệp thông

Trong bài Tin Mừng, ta thấy tình tương thân tương ái thể hiện qua việc người ta đồng lòng khiêng người bại liệt đến với Chúa Giêsu, phải vượt qua đám đông dân chúng, phải khiêng lên mái nhà, phải dở mái nhà và cột dây thòng người bệnh xuống, và còn phải lợp lại mái nhà cho gia chủ. Còn nguy hiểm hơn chính là người bị bại liệt , vì muốn hết bệnh, muốn đến với người có thể chữa cho mình hết bệnh, anh ta chấp nhận can đảm, chấp nhận hy sinh, để cho người ta thả mình nằm trên chõng xuống. Tình tương thân tương ái này được Chúa Giêsu chấp nhận vì Ngài đã thấy được lòng tin mãnh liệt nơi tâm hồn người bại liệt, nơi những người giúp đỡ anh và Ngài đã chữa người bại liệt được khỏi bệnh.

Trong cuộc sống chúng ta hôm nay, tình tương thân tương ái vẫn rất cần thiết hơn bao giờ hết, và vẫn còn được đề cao. Giáo Hội không ngừng kêu gọi gọi mỗi người thể hiện tình tương thân tương ái với những người chung quanh, họ vẫn còn đang đợi chúng ta "khiêng" họ đến với Chúa. Bời vì, những căn bệnh bại liệt về tâm hồn như khô khan, nguội lạnh, chán chường, cô đơn, bất mãn...đang tàn phá họ rất là đau khổ cũng có những người bị bại liệt về thể xác như lười biếng, hưởng thụ, bất cần... và họ cũng cần tình tương thân tương ái của chúng ta, để chúng ta cùng với họ đến với Chúa Giêsu, để được Ngài chữa lành cho. Ngược lại, nhiều lúc chính mỗi người chúng ta cũng đang bị bại liệt, khi chúng ta muốn tách rời khỏi tập thể, khi chúng ta thấy mình không cần liên đới với người khác, khi chúng ta cố chấp không chịu lắng nghe, khi chúng ta sống giả dối, khi chúng ta muốn sống xa Chúa, xa mọi người để hưởng thụ...

2. Nhận được ơn ban

Chắc chắn người vui sướng nhất phải là người bất toại. Từ bao năm tháng qua, ông ta bị tê liệt tay chân, không còn đi lại được, phải nằm liệt giường liệt chiếu. Chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, nhưng đành bó tay. Đời của ông kể như tàn! Ông không thể đi làm để nuôi sống gia đình, lo được gì cho vợ con Ông. Trái lại, Ông còn phiền lụy đến hết mọi người. Chắc cũng nhiều lúc, ông cảm thấy tuyệt vọng, chán chường. Tê liệt phần xác đã làm ông dần dần tê liệt nội tâm. Đau khổ nhất đối với Ông có lẽ Ông là những cảm nghiệm bị Thiên Chúa bỏ rơi và thử thách. Bất toại thể xác tượng trưng cho bệnh tê liệt về phần hồn. Bệnh tật là biểu tượng cho trạng thái tê liệt bên trong: cách thiêng liêng, bệnh nhân bị tê liệt, bị mù, bị điếc.. Bây giờ đây Ông vui sướng hân hoan, ông nhảy mừng "lập tức ông đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người". Ông đã được Chúa Giêsu chữa lành phần xác. Ông được phục hồi lại sức khỏe. Từ nay, ông có thể "tự do" đi lại, hoạt động như bao người khác không còn bị "nô lệ" bởi tội lỗi, bởi bệnh tật nữa. Ông có thể đi làm để nuôi sống vợ con. Cử chỉ "đứng lên vác chõng" mà về, nói lên sự lành mạnh thể lý và sức khỏe đủ để chu toàn bổn phận của con người.

Chắc chắn, Ông phải là người biết ơn Chúa Giêsu nhiều nhất và "ngợi khen" Thiên Chúa trước nhất. Chắc chắn, tâm hồn Ông được đổi mới. Đức tin vào Đấng Messia, Đấng Cứu Thế, đã bắt đầu nhen nhúm nơi ông. Ông cũng như nhiều người trong đám đông hôm nay đã tin vào Chúa Giêsu như Đấng Cứu Thế mà bấy lâu dân Do Thái hằng mong đợi.

Lạy Chúa, hạnh phúc của con chính là nhận được tình yêu của Chúa, xin cho chúng con cũng biết đem tình yêu này sưởi ấm những nơi lạnh giá và nhất là nơi những người đang bị "bại liệt" về tâm hồn đang chờ đón chúng con. Amen

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN
Mc 2 , 1- 12.

Hằng ngày chúng ta chứng kiến không biết bao nhiêu người kém may mắn hơn chúng ta: người nghèo khổ, bệnh tật,...Họ phải cố gắng vượt qua cuộc sống vất vả, khó nhọc để cố vươn lên và rất nhiều khi họ cũng cần đến những hành động cao cả, cử chỉ giúp đỡ của người khác.

Sự quyết tâm đó chúng ta cũng nhìn thấy qua sự việc người bất toại được chữa lành trong bài Tin Mừng hôm nay (Mc 2 , 1- 12). Cả một đám đông bao quanh trước nhà không còn một kẻ hở, không một người nào có thể vào bên trong, hay có thể từ trong mà ra ngoài được. Một người bệnh được mang đến bởi bốn người khác thì làm sao họ có thể đến gần được Chúa Giêsu. Nhưng vì họ đã quyết tâm, thì không có gì ngăn cản họ được. Sự quyết tâm đó đã chọc thủng mái nhà nơi Chúa Giêsu đang ngồi và người bệnh được đưa đến trước mặt Ngài. Hành động đó cho chúng ta thấy được tình tương thân tương ái thật cao cả. Hành động đó còn diển tả một đức tin " tập thể" hết sức lớn lao. Tình người và đức tin này đã đánh động đến "trái tim Mục Tử" của Chúa Giêsu. Người đáp ứng cho họ một phép lạ hết sức phi thường. Họ đã vượt qua bao nhiêu trở ngại, khó khăn để tìm đến sự sống, tìm đến ánh sáng, nên Người đã cho họ được toại nguyện. Đức tin của họ đã xuyên thủng mái nhà, đã xuyên thủng đám đông, để đưa họ đến trước mặt Chúa Giêsu.

Nhưng Chúa Giêsu không muốn chỉ để chữa bệnh nơi thân xác, mà Người muốn đưa họ đi xa hơn, đến những căn bệnh của tâm hồn, vì Người còn có thể chữa trị tâm hồn . Như một lương y tài ba, Người chữa trị tận cõi lòng, Người đã nói: "Tội con đã được tha". Chúa Giêsu cũng đang nói với từng người trong chúng ta mỗi khi chúng ta tìm đến Người với tâm tình thống hối ăn năn, cùng với sự quyết tâm thật sự của một đức tin mạnh mẽ, cụ thể qua bí tích Giài tội, hay những lúc ta ăn ăn thật lòng.

Có thể, trong chúng ta cũng có những người mắc bệnh như người bệnh bất toại trong bài Tin Mừng này. Mặc dù đôi chân chúng ta vẫn khỏe mạnh, vẫn bước đi, vẫn đến được nhiều nơi. Nhưng đến với Chúa thì rất ít, vì mỗi khi cần đến với Chúa thì chúng ta bị liệt giường, bị bất toại. Cơn bệnh bất toại của sự lười biếng, của sự ngoan cố trong sai lầm, vì chúng ta không muốn và không tin thì làm sao Chúa có thể thực hiện phép lạ cho chúng ta được.

Hay là chúng ta tự hào mình vẫn khỏe mạnh để chúng ta hòa nhập với đám đông vây kín cửa nhà không cho người khác vào. Chúng ta đứng bít lối, che mất lối cho người khác đi. Chẳng những thế, nhiều khi chúng ta còn cho rằng người khác không xứng đáng để gặp Chúa, chỉ có chúng ta mới xứng đáng mà thôi. Chính vì thế nhiều khi bằng lời nói, bằng hành động, chúng ta đã làm cho người khác không thể đến gần Chúa được.

Trong xã hội ngày hôm nay, tình tương thân tương ái vẫn còn rất cần thiết, và vẫn còn được đề cao. Bởi vì vẫn còn nhiều người chung quanh chúng ta vẫn còn đang bị bại liệt về tâm hồn như khô khan nguội lạnh, cô đơn, chán chường, bất mãn, mất đức tin...cũng có những người bại liệt về thể xác như: lười biếng, hưởng thụ, bất cần... nên họ cũng đang cần tình tương thân tương ái của chúng ta giúp đỡ, để chúng ta cùng với họ đền gần Chúa để được chữa lành. Và đ ể đưa người khác đến được với Chúa thì chính chúng ta cũng phải đến với Chúa, chính bản thân của mình cũng phải thật sự mạnh khỏe, với những bước đi vững vàng nhờ được Chúa tiếp sức, Chúa chữa lành, Chúa bồi dưỡng.

Rồi có thể chính chúng ta cũng đang bị bại liệt, vì có người trong chúng ta, tự mình muốn tách ra khỏi tập thể, hội đoàn, xứ đạo. Chúng ta cố chấp, không muốn lắng nghe ai cả, ngược lại còn muốn người klhác phải lắng nghe và phục vụ cho mình. Khi đó chúng ta muốn sống xa Chúa, xa mọi người, để sống giả dối, chỉ để hưởng thụ cho riêng mình. Do đó chúng ta cần luôn tỉnh thức và sáng suốt . Bằng việc thường xuyên xét mình, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy mình sai, dễ bị bệnh ...để luôn cậy dựa vào sức Chúa, cậy nhờ sức mạnh của tập thể, của anh em, của cộng đoàn họ đạo.

Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta, để biết siêng năng chạy đến với Chúa. Xin Chúa cũng ban ơn can đảm cho chúng ta, để chúng ta biết vượt mọi trở ngại của bản thân, của hoàn cảnh mà giúp đỡ nhiều người đến gần Chúa hơn.

TIN CHÚA CÓ QUYỀN LÀM PHÉP LẠ và  THA TỘI
Mc 2,1-12

Trong khi Chúa giảng dạy thì dân chúng đến vây quanh Người. Mỗi người đều có nhu cầu để xin Chúa, vì họ nghe biết Chúa làm nhiều phép lạ. Một người trong họ xin Chúa chữa khỏi bất toại. Chúa dùng cơ hội này để dạy đám đông, cho họ cái nhìn sâu hơn về sứ mệnh của Chúa giữa loài người. Chúa dùng việc chữa lành như một cơ hội để nói về việc tha tội. Không những Chúa ban cho người bất toại điều anh ta xin, nhưng còn ban cho anh ta điều anh ta cần, không những ban cho anh ta được phục hồi khỏi bất bệnh phần xác, mà còn ban cho anh ta được phục hồi khỏi tội linh hồn. Chúa dùng lời quyền thế để nói với người bất toại : "Tội con đã được tha rồi" (Mc 2:5). Bằng lời nói đó Chúa Giê-su đồng hoá với Thiên Chúa. Và đám đông lấy làm vấp phạm về lời Chúa nói : Làm sao ông ta dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ngoài một mình Thiên Chúa ra, ai có quyền tha tội? (Mc 2:7).

Tuy nhiên Chúa Giê-su đi guốc trong bụng họ, biết họ đang nghĩ gì nên quyết định làm chứng lời Người nói bằng hành động :" Để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất, Ta truyền cho anh chỗi dậy, vác chõng mà về "(Mc 2:10-11). Đám đông càng lấy làm sửng sốt hơn nữa, bởi vì ngoài việc chữa bệnh phần xác, Chúa còn chữa trị bệnh phần hồn, ban cho anh ta sự bình an, và đời sống mới trong ơn thánh, hơn cả cái điều anh ta xin.

Bài trích Sách tiên Tri Isaia hôm nay cho thấy, Thiên Chúa dùng miệng lưỡi vị Tiên Tri để loan báo Người sẽlàm mới lại lời giao ước trên núi Sinai. Mặc dầu dân riêng của Chúa thường bất trung, Chúa vẫn muốn đưa dẫn họ trở về nhà Chúa : "Ta sẽ xoá bỏ sự gian ác của ngươi, và sẽ không còn nhớ đến tội ngươi nữa "(Is 43:25). Theo Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Corintô thì lời Chúa hứa đã được thực hiện nơi Đức Giê-su. Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giê-su hiện ra với các tông đồ và phán: Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Bằng những lời này, Chúa Giê-su ban quyền tha tội cho các tông đồ và những người kế vị trong Giáo hội. Lời Chúa tha tội cho người bất toại cũng thường được nói với ta. Đó là lời ban ơn tha tội và chữa lành, lời ban bình an và sự sống mới. Phúc Âm hôm nay ghi lại Chúa Giê-su động lòng trắc ẩn vì đức tin quả quyết và sắt đá của người bất toại và của bạn hữu anh ta. Trèo lên mái nhà, rỡ mái để hạ người bất toại xuống là một việc làm quyetá tâm và tin tương vào quyền năng và quyền phép của Thiên Chúa. Phúc âm không ghi lại nhà đó là của ai, cũng không nói người chủ nhà có đòi bồi thường vì mái nhà của họ bị rỡ hay không. Có lẽ ngày xưa mái nhà đục lợp đơn giản và dân làng quen biết nhau cho nên họ thông cảm với người bất toại, mà không đòi bồi thường.

Để đáp ứng lòng tin của người bất toại và của các bạn hữu anh ta, Chúa đã chữa lành cho anh. Đám đông ngạc nhiên và ca tụng Thiên Chúa vì người đã làm một việc trọng đại qua Người Con. Phép lạ của Chúa là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa chứ không hẳn chỉ là việc làm do lòng thương xót. Bất cứ khi nào làm phép lạ, Chúa đều nại đến đức tin: đức tin đưa đến phép lạ, đức tin đem ơn chữa lành. Khi người Pha-ri-siêu xin Chúa một dấu lạ trên trời để thử Người, Chúa đã từ chối vì họ thiếu lòng tin. Phúc Âm Marcô có ghi lại: "Chúa thở dài và nói: Tại sao thế hệ này lại xin điều lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: sẽ chẳng cho thế hệ này điều lạ nào. Rồi Người bỏ đi." Như vậy ta thấy, nếu không có đức tin, sẽ không có phép lạ.

Lm Trần Bình Trọng, USA

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN B
Mc 2:1-12

Suốt ngày chúng ta sử dụng thoải mái hằng ngàn từ mà không mảy may nghĩ tới món quà của lời nói. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta mới thấy uy lực của Lời Chúa phát huy tác dụng trong một khung cảnh đáng ghi nhớ. Đó là lúc bốn người đàn ông xuất hiện bên một người bạn bại liệt mà họ vừa cất công hạ xuống dưới chân Đức Chúa Giêsu qua một lối trổ trên mái nhà. Anh này lâu nay đã là gánh nặng của bà con lối xóm và Đức Chúa Giêsu đã cảm thấy ngay nỗi lòng trắc ẩn sâu xa ẩn sau đức tin mãnh liệt của bốn ông bạn quí này. Ngay khi Ngài thốt ra Lời Chữa Lành: "Tội lỗi của anh đã được tha", quyền năng Thiên Chúa liền chạy qua khắp châu thân của người bất toại, giải thoát anh khỏi căn bệnh bại liệt thể xác bất toại thiêng liêng. Sau một phút sững sờ, người ấy nhỗm dậy, vác chõng lên, đi ra ngoài. Bệnh tật của anh được chữa khỏi là dấu chỉ cho thấy mọi tội lỗi của anh cũng được thực sự tha thứ. Các ký lục, vốn là phát ngôn nhân của niềm tin truyền thống Do thái giáo, đã đứng lên tuyên bố ngay rằng chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội và chất vấn Đức Chúa Giêsu về những việc Ngài vừa mới làm.

Sống trong một thời đại mà có hiện tượng "mốt" phớt lờ thực tại tội lỗi, không coi đó là chuyện xúc phạm đến Thiên Chúa, tội lỗi xuất hiện trần trụi nhan nhãn trước mắt chúng ta, tạo thành một rào cản đáng nể giữa Đức Kitô và chúng ta. Giống như người bệnh trong Tin Mừng, chúng ta rất cần đến Lời Chữa Lành của Đức Chúa Giêsu để giải thoát chúng ta khỏi bao gánh nặng của quá khứ và tạo điều kiện cho chúng ta sống một cuộc sống mới. Lời Ngài chữa lành mọi bệnh tật trong tâm hồn chúng ta và phục hồi trọn vẹn cuộc sống viên mãn cho cả con người chúng ta, cho dù có bị tâm thần bại liệt vì những việc sai trái trong quá khứ đi nữa. Chúng ta sẽ không mấy ngạc nhiên khi thấy trọng tâm sứ vụ của Đức Kitô là tha thứ tội lỗi vì sứ mệnh của Ngài là đem bình an Thiên Chúa đến và quét sạch bạo quyền sự dữ nơi trần gian.

Tội lỗi chính là một hình thức bại liệt gây hậu quả nghiêm trọng tới tất cả chúng ta. Tội lỗi đặt một rào cản giữa chúng ta và Thiên Chúa. Tuy nhiên Đức Chúa Giêsu thấu hiểu sự yếu đuối của một tội nhân, và Ngài quan tâm đến việc chữa trị bệnh tật thiêng liêng cho chúng ta. Mục đích của Ngài là giải thoát chúng ta, cho chúng ta bước vào cuộc sống tình nghĩa với Thiên Chúa. Mặc cho tâm tình chúng ta hay vô ơn bạc nghĩa, Ngài vẫn cứ một mực yêu thương chúng ta và mong mỏi chúng ta đừng quay lui trở bước, đừng tưởng nhớ bám víu vào những tội lỗi ngày qua. Ngài luôn luôn minh bạch nói rằng Ngài không muốn giam hãm chúng ta vào trong quá khứ hay nhốt kín chúng ta trong vòng những thất bại của chúng ta.

Tha thứ là điều tuyệt vời nhất và là cách chữa lành sâu xa nhất mà một người có thể cảm nghiệm được. Một trong những quà tặng quí giá nhất mà Đức Kitô trao cho Giáo Hội chính là quyền năng tha thứ, để rồi Giáo Hội sẵn sàng ban phát lại cho chúng ta qua tác vụ của bất cứ linh mục nào. Những lời tha thứ Đức Kitô nói với người bại liệt ngày xưa thì nay lại được nói với chúng ta trong Bí tích Hoà Giải. Tất cả chúng ta đều bị bại liệt do một thứ tội lỗi nào đó và lúc ấy chúng ta lại cần đến những lời chữa lành của Chúa Giêsu hơn là chúng ta tưởng. Thật là ngốc nghếch dại dột nếu chúng ta cứ nằm lỳ trong chiếc chõng ọp ẹp của tâm hồn chịu cảnh tê bại trong tội lỗi chỉ vì sợ sệt hay ngại ngùng tìm đến toà cáo giải. Chúa Giêsu và những vị linh mục của Ngài luôn thao thức ngóng chờ bất cứ ai muốn trở về với nguồn ân sủng.

Lm. Nguyễn Văn Phan, CSsR.

CON NGƯỜI CÓ QUYỀN THA TỘI
Mc 2:1-12

Nhà văn hào Ami Castro, nước Y đã tưởng tượng ra câu chuyện : Ngày kia các thánh trên thiên đàng không chịu nổi sự xúc phạm của con người nơi thế gian với Thiên Chúa. Các ngài họp nhau lại và biểu quyết rằng: " Vì Thiên Chúa đã chịu chết trên thập giá để cứu chuộc họ nhưng họ coi thường, vẫn xúc phạmđén Thiên Chúa. Vậy chúng ta cầm phải dùng biện pháp mạnh may ra mới thuyết phục được con người ". Các ngài chiêu mộ toàn đạo binh trên trời xâm nhập trái đất. Chỉ trong nháy mắt các đạo binh thánh đã chinh phục toàn bộ thế giới. Các ngài trao quyền cai trị thế giới cho những người công chính còn sót lại ở trần gian và tâp trung các người tội lỗi vào một thung lũng lớn. Tại đây, các ngài dựng một giàn hỏa thiêu vĩ đại để tiêu diệt tất cả bọn họ và tin tưởng rằng sau lần thanh lọc này dòng giống loài người trên trái đất chỉ còn toàn những người công chính. Khi mọi việc đã sẵn sàng để thi hành việc thiêu hủy. Các ngài bỗng thấy giữa đáng người tội lỗi một kẻ đang vác cây thập giá. Hắn còn ra hiệu cho những người khác đến giúp hắn. Thấy cảnh tượng chướng mắt ấy, các thánh bực mình quát lớn: "Tại sao người tội lỗi lại bị xử theo hình phạt chỉ dành cho một mình Con Thiên Chúa mà thôi".

Nghĩ thế, nên các ngài điệu kẻ vác thập giá đến, trói chân tay hắn lại rồi giải đến trước mặt thánh Phêrô để chịu xét xử. Vừa nhìn thoáng qua kẻ vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra "Thầy mình ". Các thánh ngỡ ngàng khi phêrô tiết lộ " Con Thiên Chúa đang ở giữa những người tội lỗi đấy ". Các ngài mới nhớ lại lời Kinh Thánh: "Thấy lòng tin của họ, Ngài nói với người bất toại : Hỡi con, tội con đã được tha" (Mc.2:5). Đoạn khác Ngài nói: " Để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất, Ngài nói : Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà" (Mc.2:11).

Chúa Giêsu nhìn thấy người bất toại đáng thương đã được các bạn hữu, bà con lối xóm thương, đem đến xin Chúa chữa lành. Vừa trông thấy anh, Chúa đã thấu tỏmiềm thống hối của anh về những tội lỗi đè nặng tâm hồn, và kéo theo tật nguyền thế xác, nên Ngài đã nới: "Tội của con đã được tha ", trước khi chữa lành thể xác " Hãy đứng dậy vác chõng mà về ", khiến các thầy Thông Giáo ngỡ ngàng phẫn nộ: "Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội", mà họ không nghĩ Ngài là Thiên Chúa, có quyền làm việc đó. Trọng tâm sứ vụ của Chúa Giêsu là tha thứ tội lỗi để vãn hồi bình an cho tâm hồn. Khiến các thần trời có thế lực tiêu diệt trần gian cũng phải ngừng tay khi Đấng uy quyền tỏ tình thương xót những người tội lỗi.

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã ban tặng cho Giáo Hội ấn quyền cứu rỗi là đã bân cho Linh Mục tác quyền xá giải "Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần", để con được trở về với ân sủng bình an.

Chúa Giêsu thành Nazareth, Đấng có quyền chữa lành những tội nhân thời Do Thái xưa, thì nay Ngài cũng hiện thân trong vị Linh Mục thừa tác để tha tội và chữa lành cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng có quyền tha tội và chữa lành chúng con, xin cho chúng con được lành mạnh qua bàn tay ban phát thi ân của các Linh mục Chúa.

Lm. Thu Băng, CMC

BẠI LIỆT TINH THẦN
Mc. 2,1-12

Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta có thể ghi nhận được ba bài học : một nơi Chúa Giêsu, một nơi người bại liệt và một nơi các kinh sư.

Bài học thứ nhất : ai cũng biết bại liệt là bất lực, vừa là nỗi khổ cho chính mình vừa là gánh nặng cho thân nhân, họ hàng. Chắc chắn Chúa Giêsu thấy nơi người bại liệt nỗi đau khổ về thể xác. Nhưng tại sao câu đầu tiên Chúa nói với anh ta lại là lời tha tội ? Anh ta có tội gì chăng nên mới bị bại liệt như vậy ? Người Do thái có quan niệm như thế : bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Ai mắc bệnh tật đều là người có tội. bệnh tật càng nặng tức là tội lỗi càng nhiều và càng nặng, nên mới bị phạt ra bên ngoài bằng bệnh tật như thế.

Ở đây, Chúa Giêsu không đồng ý hay đồng tình với quan niệm ấy, bởi vì chủ trương của Chúa là : tội lỗi là tội lỗi, bệnh tật là bệnh tật. Đây là hai vấn đề riêng biệt, không có liên quan với nhau. Có thể có người vừa có bệnh vừa có tội. Nhưng cũng có người có bệnh mà không có tội, hoặc ngược lại, có tội mà không có bệnh tật gì. Cho nên, khi Chúa nói : "Này con, tội con được tha rồi" là Chúa muốn minh chứng Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội. Vì đối với người Do thái, chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Nhưng tha tội mà không được khỏi bệnh thì người Do thái không tin. Trái lại, khỏi bệnh không thôi thì bình thường quá. Vì vậy, Chúa đã thực hiện cả hai : vừa tha tội vừa chữa bệnh. Đây là một hành động của Thiên Chúa toàn năng, đầy thương xót cả xác lẫn hồn.

Bài học thứ hai, người bại liệt được Chúa Giêsu chữa lành, vì anh có một lòng tin mạnh mẽ vào quyền phép và tình thương của Chúa, đúng như người ta vẫn thường nói : tin là tín nhiệm, tin thì không sợ. Người nào còn sợ là người chưa đủ tin. Người bại liệt đã có một lòng tin như thế. Anh để cho người ta khiêng lên mái nhà, dỡ mái thòng xuống mà không phản đối và không sợ hãi gì hết. Và nhất là khi đã được đặt trước mặt Chúa, anh không xin gì, không nói gì cả. Bởi vì anh tin rằng Thiên Chúa biết mọi sự, Ngài biết anh đang cần gì. Anh biết rằng Thiên Chúa thương anh hơn chính anh. Anh chỉ ngước mắt nhìn Chúa và chờ đợi. Rồi câu nói đầu tiên của Chúa lại là lời tha tội chứ không phải là lời chữa bệnh. Anh vui lòng chấp nhận, bởi vì anh biết Thiên Chúa bao giờ cũng có lý hơn anh. Chính do lòng tin mạnh mẽ đó anh đã được Chúa Giêsu cứu chữa.

Bài học thứ ba, những kinh sư là những người chứng kiến phép lạ ấy. Họ không bại liệt về thể xác, nhưng họ lại bại liệt về tinh thần. Có thể nói : họ có một chứng bại liệt trong trái tim, bởi vì họ không cảm nhận được nỗi khổ của người bại liệt, và cũng không cảm nhận được niềm vui của người ấy khi được chữa khỏi. Họ còn mắc chứng bại liệt trong trí khôn, bởi vì họ không hiểu được, hay đúng hơn, họ không muốn hiểu lời Chúa cắt nghĩa. Chúa bảo họ rằng : Ngài có quyền tha tội. Lời Chúa thật rõ ràng. Một trí khôn bình thường có thể hiểu ra ngay, nhưng họ không muốn hiểu. Rồi họ còn mắc chứng bại liệt trong lương tâm, bởi vì họ quyết tâm làm hại Chúa mà lương tâm họ không áy náy gì. Đúng lý ra khi thấy Chúa nhân lành, cư xử tốt, cứu giúp người bệnh tật, thì họ phải vui, phải ca ngợi Chúa. Nhưng không, họ bực tức, họ khó chịu.

Tất cả chúng ta không bị bại liệt về thể xác nhưng chúng ta có lòng tin mạnh mẽ của người bại liệt được Chúa chữa lành không ? Và rất có thể chúng ta đang mắc chúng bại liệt tinh thần trong trái tim, trong trí khôn hay trong lương tâm chăng ? Đừng cố chấp, chai lì như những kinh sư và Pha-ri-sêu, trái lại, hãy khiêm nhường, tin tưởng vào quyền phép và tình thương của Chúa.

Báo chí đã thuật lại rằng : vào đêm kia, một đám cháy bùng lên tại một ngôi nhà. Tức khác trong ngọn lửa phừng phừng bốc cao, người ta thấy người cha, người mẹ và mấy đứa con chạy ra sân. Bất chợt họ nhận ra thiếu thằng con trai út 5 tuổi. Ngay sau đó họ nghe tiếng nó kêu cứu và ló đầu qua cửa sổ trên lầu. Thấy nó, ông bố quát to : "Nhảy xuống đây". Đứa bé chỉ thấy khói lửa mịt mù, nhưng nó nghe ra tiếng cha nó, nó liền đáp : "Ba ơi, con không thấy ba đâu cả". Ông bố lại quát : "Ba thấy con, con cứ nhảy xuống có ba đỡ, đừng sợ". và đứa bé đã nhảy xuống bình an vô sự, vì ông bố đã kịp đỡ lấy nó.

Đứa bé trong ngôi nhà bốc cháy ấy là hình ảnh diễn tả người Ki-tô đứng trước mặt Thiên Chúa. Trong cơn khốn quẫn, người ấy nghe ra tiếng Chúa bảo mình : "Hãy tin tưởng vào Ta, hãy nhảy vào vòng tay của Ta". Và người Ki-tô hữu ấy rất nhiều phen đã muốn trả lời : "Chúa ơi, con chẳng thấy Chúa đâu cả", và đã tưởng rằng Thiên Chúa bỏ rơi mình. Không, Thiên Chúa không bao giờ quên ai cả, chỉ có người ta quên Chúa mà thôi.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP (nguồn vietcatholic.org)

2205    14-02-2012 09:12:04