Sidebar

Thứ Sáu
10.05.2024

Chúa Nhật VII TN B_3

CHÚA GIÊSU - ĐẤNG GIAO HOÀ
Mc 2, 1-12

Sau khi đã ra đi khắp nơi rao giảng, hôm nay, Đức Giêsu lại trở về Capharnaum, trung tâm giảng giáo của Ngài tại Galilê. Tại đây, dân chúng đã kéo nhau đến với Ngài thật đông đảo từ trong nhà ra tới ngoài ngõ. Thậm chí ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng. Chính lúc đó, xảy ra một sự kiện bất ngờ. Mái nhà ngay chỗ Đức Giêsu ngồi bị dỡ ra, và một người bất toại được các bạn hữu thòng xuống trước mặt Ngài.

Chưa hết ngạc nhiên vì sự hiện diện bất ngờ của người bất toại, đám đông dân chúng, đặc biệt là các luật sĩ có mặt lúc đó lại giật mình khi nghe Đức Giêsu nói với người bất toại: "Hỡi con, tội lỗi con được tha".

Như thế, qua việc chữa lành người bất toại, Đức Giêsu đã chứng tỏ Ngài chính thực là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa. Ngài là Đấng đến để giao hoà con người lại với Thiên Chúa bằng cách tha thứ tội lỗi cho con người.

1. Tình trạng của người bất toại:

Nhìn người bất toại nằm yên trên giường không thể tự mình làm bất cứ điều gì, có lẽ chúng ta cảm thấy không liên quan gì đến mình, nhưng thực ra, đó mới thực là hình ảnh của từng người chúng ta. Bởi vì, thành thật với lương tâm, chắc có lẽ tôi và quý ông bà anh chị em cũng nhận thấy có nhiều việc mà mình không thể tự làm, và lắm khi chúng ta cũng thể làm được điều mình muốn. Nếu như thế, thì phải chăng, tôi và quý ông bà anh chị em cũng đang mang một hình thức bại liệt, bất toại nào đó nơi bản thân mình.

Phải chăng trong cuộc sống của mình, mỗi người chúng ta đã chẳng có những ước mơ, những dự định thật tốt lành? Thế nhưng, mãi cho đến nay, chúng ta vẫn chưa được thực hiện. Chúng ta chưa thực hiện được phải chăng là do chúng ta đang bị những đam mê, những dục vọng và cả sự lười biếng lôi kéo. Đó chẳng phải là một sự bại liệt sao?

Ngoài ra còn có những tâm hồn bị bại liệt vì chai đá. Những tâm hồn chai đá hoàn toàn mất hết khả năng ước muốn điều lành, thờ ơ với việc thăng tiến bản thân, dị ứng với những việc đạo đức. Hay nói một cách khác, đó là thứ bại liệt của những tâm hồn đang sống trong tội lỗi. Và đây là thứ bại liệt đáng sợ nhất.

Tuy nhiên, người bại liệt hôm nay đã cho chúng ta một mẫu gương thật sống động. Anh ta đã không chịu chấp nhận mãi thân phận bại liệt của mình. Anh ta đã tìm mọi cách để được chữa lành.

2. Điều kiện được chữa lành:

Trước hết, để được chữa lành, người bất toại này đã cần đến sự hỗ trợ tích cực của người khác. Hình ảnh bốn người trèo lên mái nhà, kéo theo một cái chõng có người bại liệt, rồi dỡ ngói, và thòng chiếc chõng xuống trước mặt Đức Giêsu và đám đông thật là một hình ảnh đẹp và cảm động. Nó cho thấy một đức tin mạnh mẽ, nhưng đơn sơ của chính đương sự và người thân của anh ta.

Chính hành động kiên quyết, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, trở ngại của người bất toại và những người khiêng anh ta, đã chứng tỏ đây là một đức tin chân thật, một đức tin như tổ phụ Abraham khi xưa: "Đi mà không biết mình đi đâu" (Dt 11, 8). Chính đức tin này là một yếu tố quan trọng giúp cho người bất toại được chữa lành. Tin mừng ghi lại: "Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con tội lỗi con được tha".

Tuy nhiên, chỉ nguyên đức tin của đương sự cũng chưa đủ để được tha thứ. Nền tảng của ơn tha thứ này chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót này đã được ngôn sứ Isaia báo trước cách đó hơn 500 năm. Lúc đó, dân Do Thái đang sống cơ cực, tủi nhục trong cảnh lưu đày do bởi tội lỗi của họ. Họ đã bất lực không thể làm gì để giải thoát mình khỏi cảnh nô lệ. Ngay trong những lúc tưởng chừng như cùng đường đó, Thiên Chúa đã loan báo một tương lai tươi sáng: "Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới.... Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan."

Đây là lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa, chứ không do công trạng của con người, như lời Người phán: "Hỡi nhà Giacóp, ngươi đã chẳng kêu cầu Ta.... Chính Ta đây, chính vì Ta mà Ta xóa bỏ sự gian ác của ngươi, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của ngươi nữa". Với lòng thương xót, Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ tất cả các tội lỗi, bất trung và cả những bội bạc của họ.

Tất cả những lời hứa này của Thiên Chúa, đã được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, như lời khẳng định của thánh Phaolô: "Quả thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô,..., Người không phải vừa "Có" lại vừa "Không", trái lại, nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành "Có" nơi Người".

Như thế, để lãnh được ơn giao hoà, mỗi người chúng ta cần có một đức tin vững vàng và một lòng cậy trông tha thiết vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Mặt khác, niềm tin và lòng cậy trông này của từng người chúng ta muốn được phát triển đến sự sung mãn, còn cần đến sự nuôi dưỡng và nâng đỡ của cộng đoàn.

3. Dấu chỉ của tâm hồn được giao hoà:

Tin mừng kể tiếp: đám đông dân chúng khi chứng kiến cảnh người bất toại vác chõng ra đi trước mặt mình đã "sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ". Còn thánh Phaolô, sau khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa qua Đức Kitô đã tuyên xưng: "Vì thế, nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời "Amen" tôn vinh Thiên Chúa". Và tác giả Thánh vịnh cũng cất lời tạ ơn sau khi được chữa lành: "Phần tôi khi được lành mạnh xin Chúa nâng đỡ,... Chúc tụng Chúa, là Thiên Chúa của Israel, tự thuở này tới thuở kia! Amen!Amen!".

Như thế, được giao hoà, được tha tội là một hồng ân, và tâm tình thích hợp nhất là tâm tình tri ân, và tôn vinh Thiên Chúa. Đây không chỉ là lời tôn vinh trên môi miệng, nhưng phải bằng chính cả cuộc sống của mình. Tới đây, tôi xin chia sẻ với quý ông bà anh chị em một câu chuyện có thật về đời sống của một người sau khi đã được giao hoà thật sự, nhưng tôi xin tạm không nói tên.

Có một người sau khi phát hiện mình mắc bệnh Sida, do tuyệt vọng, anh ta đã lao đầu vào xe lửa để tự tử, nhưng không thành, anh bị gãy hai chân. Sau đó, anh được đem vào bệnh viện, nhưng khi phát hiện anh nhiễm virus HIV, và cũng chẳng có người thân, bệnh viện đã để anh nằm đó, giữa những máu me.

Tình cờ lúc đó, có một bác sĩ Công giáo, dù không phải ca trực, đã đưa anh ta vào phòng mổ, tháo khớp cả 2 chân của anh. Tỉnh dậy, anh ta trách bác sĩ này, tại sao không để anh ta chết. Bác sĩ trả lời: "Vì tôi là bác sĩ, và là một người Công giáo, tôi không thể để anh chết như vậy được. Tôi đã cứu anh phần xác, còn lại là do anh".

Một thời gian sau, anh ta đã xin được Rửa tội. Anh ta đã giao hoà lại với Chúa và mọi người.

Sau đó, anh sống bình an tại trung tâm Mai Hoà (trung tâm tiếp nhận các bệnh nhân Sida giai đoạn chót tại Củ Chi). Mỗi khi có một bệnh nhân mới vào, anh liền đẩy xe lăn của mình lại để động viên họ, và giúp đỡ các Soeurs săn sóc họ. Gặp các cha anh khoe và tính từng ngày anh được làm con Chúa (18 ngày, 25 ngày...). Hiện nay anh đã được về với Chúa, là nguồn bình an của anh.

Tôi và quý ông bà anh chị em cũng đã nhiều lần đến với toà Cáo giải. Thế nhưng, chúng ta đã thực sự cảm nghiệm được niềm vui, và bình an sau khi giao hoà chưa? Nếu chưa, có lẽ chúng ta cần xem xét lại cách thức và tâm tình của chúng ta mỗi khi chúng ta đến với bí tích Hoà giải. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

TỘI CON ĐÃ ĐƯỢC THA
Mc.2,1-12

Người xưa vẫn quan niệm bệnh tật là do tội, cho nên người ta luôn bị ám ảnh bởi mặc cảm tội lỗi trong quá khứ và tìm cách xa lánh người khác. Nhưng Thiên Chúa lại có cái nhìn khác nên Ngài đã xác quyết: " Chính vì Ta mà Ta xóa bỏ mọi gian ác của ngươi và sẽ không còn nhớ đến tội ngươi nữa - Ta sẽ làm những cái mới" (Is. 43,18-25). Vì thế mà trong bài Đáp Ca chúng ta vừa nghe là tâm tình của một bệnh nhân " xin Chúa cứu chữa hồn con vì con đã phạm tội phản nghịch cùng Chúa", lòng tin tưởng Chúa sẽ cứu chữa dù mình có tội lỗi tầy trời. Đây cũng là tâm tình của người bất toại trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 7 thường niên hôm nay: Chúa Giêsu đã tha tội và chữa cho anh (Mc. 2,1-12).

Người bất tọai đã tin tưởng vào Chúa, lòng trông cậy của anh không bị rơi vào quên lãng mà còn được Chúa tuyên dương " người thu thuế và đĩ điếm sẽ vào Nước Trời trước các ngươi". Để minh chứng điều này Chúa Giêsu đã nói với người bất toại, bạn bè và những người kết án anh rằng: sự bất hạnh không phải là hình phạt của tội, vì đối với Nước Thiên Chúa điều căn bản là cống hiến phần rỗi. Người bất toại tưởng chừng cuộc đời mình như khép lại, nhưng lúc này đây " tội con đã được tha", làm anh cảm thấy như có một sức sống mới đang dâng tràn trong lòng vì anh trút được gánh nặng tội lỗi, nó là nguyên nhân đưa đến bệnh bất toại, và hơn thế nữa " hãy đứng dậy...". Việc được chữa lành chính là bằng chứng cho việc được tha tội.

Như thế Chúa Giêsu làm cho người bất toại đứng lên được, thì cộng đồng lại trở nên bất động, người bất toại nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Messia, là Thiên Chúa nên anh " sửng sốt mà ngợi khen Thiên Chúa" nhưng những người Biệt phái, những kẻ bảo vệ trật tự tôn giáo lại không nhận ra và cho Chúa Giêsu là " Nó nói phạm thượng!". Một sự đổi ngôi thật khốc liệt, người tưởng mình là lành mạnh ( công chính) thì giờ đây lại tê liệt, mù tối. Còn người bệnh hoạn lại trở nên tinh tường nhờ lòng tin và trông cậy. Từ chỗ ngạc nhiên, thán phục anh đã dễ dàng bước tới việc tin nhận và tín thác vào Chúa.

Anh xin Chúa chữa bệnh nhưng Người lại tha tội vì Chúa muốn cho anh nhận ra rằng : cái làm cho con người bất lực, khốn khổ hơn bệnh tê liệt đó là tội lỗi. Tội trọng làm cho con người không thể làm được việc gì có ích cho phần rỗi. Chúa Giêsu thông biết nên Người cũng thấy bệnh nhân đang đau khổ cả trong tinh thần lẫn thể xác, anh cũng mong được ơn tha thứ, nên Chúa Giêsu tha tội trước vì tha tội là trọng tâm, còn việc chữa bệnh mới chỉ là một dấu chỉ thôi, nên thường khi Chúa chữa bệnh Người đều nói đến việc tha tội.

Chúa minh xác rõ ràng Người có quyền tha tội, Người dùng từ ngữ CON NGƯỜI, một nhân vật kỳ lạ trong Daniel, nhân vật được Thiên Chúa trao quyền trên mọi vương quốc cách vĩnh cửu, Con Người này sẽ trở lại ngày thế mạt để xét xử thế gian, nhưng ở đây Chúa Giêsu dùng quyền ấy để tha thứ chứ không để luận phạt. Minh xác như thế Chúa Giêsu gián tiếp mạc khải thân vị đích thực của Người " nhận là Thiên Chúa".

Trong chúng ta không ai mà không có tội, nên cần được chữa lành bệnh thiêng liêng vì tội làm cho người ta bại liệt, mất khả năng yêu thương, mất khả năng sống tự do, mất hi vọng và niềm vui mừng nên cần được Chúa chữa, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta Bí Tích Hòa Giải. Tuy nhiên như trong bài Tin Mừng, anh bất toại phải cần nhờ đến bạn bè khiêng anh đến với Chúa, thì đây chúng ta cũng phải cần sư giúp đỡ của người khác hoặc chính chúng ta giúp đỡ anh chị em chúng ta đến với Chúa, hãy mở rộng lòng để đón nhận ơn tha thứ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con xác tín rằng Chúa yêu thương chúng con, để chúng con hoàn toàn phó thác vào Chúa, sẵn sàng tin yêu chạy đến Chúa trong Bí Tích Giao Hòa hầu được lãnh nhận ơn tha thứ. Nhờ đó, chúng con sẽ sống trong ân sủng của Ơn Cứu Độ.

Sr Mai An Linh, OP

TIN VÀO ÐẤNG CÓ QUYỀN CHỮA BỆNH VÀ THA TỘI
Mc 2:1-12

Trong khi Chúa giảng dạy tại thành Ca-phác-na-um thì dân chúng tuốn đến vây quanh Người tại nhà một người kia. Nghe biết Chúa làm nhiều phép lạ chữa nhiều người, người ta tụ họp vây quanh Chúa cả trong nhà lẫn ngoài sân để nhìn xem Chúa hay để xin ơn. Rồi có bốn người khênh đến một người bất toại để xin Chúa chữa. Vì dân chúng đứng đông nghẹt, họ không thể đem người bất toại đến gần Chúa được. Họ bèn dỡ mái nhà để thả người bất toại nằm trên chõng xuống gần chỗ Chúa ngồi.

Có linh mục kia trước khi đi tu thường thắc mắc tại sao người ta có thể đưa người bất toại nằm trên chõng lên mái nhà dốc được, nhỡ té thì sao? Chắc họ phải trèo giỏi lắm? Rồi chủ nhà có đòi bồi thường không? Khảo cổ học cho thấy mái nhà thời bấy giờ ở miền đất Chúa Giêsu sinh trưởng làm bằng đất sét trộn với vôi và bện với cành cây, rơm rạ hay cỏ khô. Mái nhà giống như sân thượng, có lan can vây quanh ((2 V 1:2) và có thang ở trong hay ngoài, chứ không phải mái dốc. Chiều đến họ leo lên hóng mát và nói chuyện. Việc dỡ mái nhà chắc phải là việc dễ dàng chứ không phải đập phá như người ta tưởng tượng. Và việc sửa lại mái cũng đơn giản. Ai giầu tưởng tượng có thể cho diễn lại cảnh này thành vở kịch thánh tuyệt vời với những vai sau đây. Ðám đông trong nhà giật mình không biết chuyện gì xẩy ra trên mái nhà khi nghe tiếng động, rồi thấy có người đang lay hoay cậy mái... Chủ nhà thì ngỡ ngàng toan bảo họ dừng lại: Sao các anh gỡ mái nhà tôi? Người nhà đâu, kêu cảnh sát, mau lên, lẹ đi!!! Còn Chúa Giêsu lại bình tĩnh, cảm kích vì đức tin sắt đá của họ...

Trèo lên mái nhà, dỡ mái để hạ người bất toại xuống là một việc làm quyết tâm và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Phúc âm hôm nay ghi lại Chúa Giêsu động lòng trắc ẩn vì đức tin quả quyết của người bất toại và của bạn hữu anh ta. Tuy nhiên Chúa lại chưa chữa trị chứng bất toại ngay cho anh ta. Tại sao lại như vậy? Thưa rằng Chúa dùng cơ hội này để dạy đám đông bài học, cho họ cái nhìn sâu hơn về sứ mệnh của Chúa giữa loài người. Nói cách khác Chúa dùng cơ hội này để nói về việc tha tội hầu gây chú ý trong đám đông. Chúa dùng lời quyền thế mà nói với người bất toại: Này con, tội con được tha rồi (Mc 2:5). Bằng lời ban ơn tha tội, Chúa Giêsu đồng hoá với Thiên Chúa.

Lấy làm vấp phạm về lời ban ơn ơn tha tội, nên mấy người kinh sư mới nói với nhau: Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa (Mc 2:7)? Tuy nhiên Chúa Giêsu đi guốc trong bụng họ, nên quyết định làm chứng quyền tha tội bằng một phép lạ, bảo người bất toại: Ðứng dậy, vác chõng mà đi về nhà (Mc 2:11). Việc chữa người bất toại là để đáp ứng lòng tin của anh ta và bốn người giúp khiêng anh.

Còn đám đông ngạc nhiên và ca tụng Thiên Chúa vì Người đã làm một việc lạ lùng qua Người Con Một. Bất cứ khi nào làm phép lạ, Chúa đều nại đến đức tin: đức tin đưa đến phép lạ, đức tin đem ơn chữa lành. Khi người Pharisêu xin Chúa một dấu lạ trên trời để thử Người, thì Chúa từ chối vì họ thiếu lòng tin. Theo Phúc âm Marcô, Chúa thở dài và thắc mắc tại sao họ lại xin dấu lạ và Người bảo họ: Thế hệ này sẽ không được một phép lạ nào (Mc 8:12). Như vậy ta thấy, nếu thiếu lòng tin, sẽ không có phép lạ, cũng không được ơn chữa lành.

Ðám đông càng lấy làm sửng sốt hơn nữa, bởi vì ngoài việc chữa bệnh phần xác, Chúa còn chữa trị bệnh phần hồn, ban cho anh ta được ơn tha tội, một đời sống mới trong ơn thánh, hơn cả điều anh ta xin được lành bệnh. Không những Chúa ban cho người bất toại điều anh ta xin, mà còn ban cho anh ta điều anh ta cần, không những ban cho anh ta được phục hồi khỏi bệnh phần xác, mà còn ban cho anh ta được phục hồi khỏi bệnh phần hồn.

Bài trích sách ngôn sứ Isaia hôm nay cho thấy, Thiên Chúa dùng miệng lưỡi vị ngôn sứ để loan báo Người sẽ đến làm mới lại lời giao ước trên núi Sinai. Mặc dầu dân riêng của Chúa thường bất trung phản nghịch cùng Chúa, Chúa vẫn muốn đưa dẫn họ trở về nhà Chúa: Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa (Is 43:25). Theo thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô thì lời Chúa hứa đã được thực hiện nơi Ðức Giêsu (2 Cr 1:20). Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu còn hiện ra và ban cho các tông đồ quyền tha tội, và qua các tông đồ cho những đấng kế vị và thừa hành trong Giáo hội: Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20:22. Lời Chúa tha tội cho người bất toại cũng thường được nói với ta trong bí tích giải tội. Ðó là lời ban ơn tha tội, lời ban bình an và sự sống mới.

Vì có lòng tin, Chúa ban cho người bất toại không những điều anh ta xin là chữa lành phần xác, mà còn ban cho anh điều anh ta cần là chữa phần hồn. Việc Chúa chữa trị người bất toại trong Phúc âm hôm nay khỏi bệnh thiêng liêng mặc dầu anh ta không xin phải nhắc nhở cho ta cần tìm đến thầy linh dược. Như vậy bài học nào ta có thể học trong Phúc âm hôm nay? Bài học thứ nhất là khi đau yếu, bệnh tật ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị. Chúa dùng bác sĩ, nha sĩ cùng với thuốc men như là dụng cụ chữa trị. Ðồng thời ta cũng cần cầu nguyện xin Chúa ban cho được khỏi bệnh. Bài học thứ hai là nếu bị đau yếu về phần hồn, ta cũng cần tìm đến thầy thuốc thiêng liêng để được chữa lành trong bí tích cáo giải.

Lời cầu nguyện, xin được ơn chữa lành bệnh tật phần xác phần hồn:

Lạy Chúa, cũng như Chúa đã chữa trị người bất toại
khi bệnh nhân được đem đến với Chúa,
xin Chúa lắng nghe những ngưởi kêu cầu đến Chúa
ngày đêm, với tất cả lòng chân thành và khiêm tốn của họ,
mà ban cho họ điều họ van xin.
Và xin Chúa cũng chữa lành bệnh tật xác hồn con
để con được phụng sự Chúa với tâm hồn thanh thoả. Amen.

LM Trần Bình Trọng

SAO VẬY HỠI KINH SƯ ?
Mc 2, 1 - 12

Trở lại Caphánaum lần này, Chúa Giêsu phải đối diện với những vấn nạn do các thế lực tôn giáo - vốn đang rất sợ uy thế của Người, gây ra. Chính tại đây, năm cuộc tranh luận diễn ra giữa Chúa Giêsu với giới lãnh đạo tinh thần Dothái. Từ Chúa nhật này trở đi, chúng ta sẽ tìm hiểu một vài điểm tranh luận để thấy đâu là ý nghĩa trọng yếu nơi sứ mạng của Chúa Giêsu và cũng để hiểu thêm đâu là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn ngày càng sâu đậm giữa Chúa Giêsu với mấy ông lãnh đạo tinh thần Dothái giáo. Cuộc tranh luận thứ nhất diễn ra xung quanh sự kiện Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị bệnh bại liệt. Quả thật, khi đọc qua câu chuyện này, ngoài mấy ông kinh sư Dothái, không ai trong chúng ta lại không cảm động trước ước muốn mãnh liệt được gặp Chúa để được chữa lành của người bệnh bại liệt cũng như những người vất vả tìm mọi cách để cho anh tiếp cận với Đấng anh cần tìm. Lẽ ra là người lãnh đạo tinh thần, chứng kiến sự việc này, các ông phải vui mừng vì thấy con dân mình được thoát khỏi sự trói buộc của tội lỗi. Các ông đã không vui mừng thì thôi, lại còn gây khó dễ không chỉ cho Chúa Giêsu mà còn cho chính người bệnh nữa. Điều đó cho thấy tính nệ luật và ích kỷ cố hữu trong con người của mấy ông "kẹ" lãnh đạo tinh thần này. Không dám nói ra, chỉ lẩm bẩm trong lòng với sự tức tối ra mặt về điều mà các ông cho rằng Chúa Giêsu phạm vào tội "phạm thượng" khi "dám phán" một câu xanh rờn trước mặt bá quan văn võ và trước mặt người bại liệt : "Này con, con đã được tha tội rồi"! Phạm thượng quá rồi còn gì - mấy đấng nhà ta lý luận, vì cứ chiếu theo Cựu ước, chỉ một mình Giavê Thiên Chúa mới có quyền tha tội, vậy mà cái tay Giêsu vô danh này lại dám mở mồm "đao to búa lớn" trước bàn dân thiên hạ thì còn ra thể thống gì nữa ?! Mấy ông kinh sư ơi! Chẳng lẽ các vị không biết hay cố tình không biết theo Cựu ước, lành bệnh là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa thứ tha tội lỗi hay sao? (x. Tv 103, 3; Is 19, 22; 57, 18-19). Chính sự càn gỡ này của quý vị, mà Chúa Giêsu phải lên tiếng để quý vị hiểu chân lý đích thực đang ở đâu trong bộ óc rỗng tuếch và nông cạn của quý vị. Chúa Giêsu cần phải lôi những suy nghĩ nông cạn của các kinh sư ra ánh sáng. Người chất vấn các kinh sư về điều mà các ông đang suy nghĩ trong đầu : "Sao trong bụng các ông lại suy nghĩ những điều ấy?... Trong hai điều, điều nào dễ hơn...?". Không để các kinh sư phải trả lời, vì thật ra, các ông cũng không thể trả lời nổi chất vấn của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu lập tức cho các ông thấy quyền năng Thiên Chúa đang tồn tại trong Người. Lần đầu tiên trong Tin mừng Máccô, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là Con Người - Đấng mà tiên tri Đaniel từng loan báo (x. Đn 7, 14). Như thế, Chúa Giêsu cho các kinh sư thấy, chính Người có đầy đủ uy quyền để tha tội. Và, tha tội chính là nền tảng, là trọng tâm của ơn cứu độ. Chính Chúa Giêsu đã tự hiến chính bản thân mình để thứ tha tội lỗi cho nhân loại. Không biết mấy ông kinh sư nghĩ sao khi tận mắt chứng kiến việc người bại liệt "đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người" nhỉ? Dân chúng thì sủng sốt và tung hô Thiên Chúa là dĩ nhiên rồi. Bởi họ vui mừng vì nhận ra Chúa Giêsu chính là người có uy quyền trong lời nói và cả trong hành động nữa. Chúa Giêsu không nói và làm như mấy vị kinh sư "đáng kính" của họ là suốt ngày rình mò xem ai vi phạm lề luật rồi hỷ hoan lôi họ ra trước toà để luận tội, để phạt. Chúa Giêsu thì không vậy. Người đến để yêu thương, để chữa lành; Người đến để đem lại ơn giải thoát cho nhân loại. Chính điểm rất khác biệt này đã làm cho các kinh sư tức tối. Các ông không như dân chúng, chứng kiến những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Kytô để tạ ơn và tán tụng Người. Trái lại, các ông cố chấp trong con người nhỏ nhen ích kỷ của mình để rồi đưa đến những cuộc rạn nứt ngày càng lớn giữa các ông với Chúa Giêsu. Chứng kiến những kỳ công Chúa thực hiện cho anh em đồng loại, dân chúng Dothái sửng sốt và không ngừng chúc tụng Thiên Chúa; mấy ngừơi kinh sư thì xem ra lạnh lùng, tức tối, tìm mọi cách để tấn công nhằm hạ bệ Chúa Giêsu, còn chúng ta - những Kytô hữu, thì sao? Cho hay tự vấn lương tâm của mình để có những điều chỉnh thích hợp với Tin mừng của Thiên Chúa là điều cần thiết lắm thay!

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb


CHỮA NGƯỜI BẠI LIỆT
Mc 2, 1-12

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta càng ngày càng hiểu được lòng nhân từ của Chúa. Ngài đến trần gian để đem an bình và hạnh phúc cho nhân loại. Ngài luôn chạnh thương những người đau yếu, bệnh tật, những người bị ma quỷ ám hại và những người thấp cổ bé họng. Đức Giêsu Kitô quả thực là Đấng cứu thế đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ. Do đó, tình thương của Ngài thật bao la, Ngài thương yêu mọi người và muốn con người được hạnh phúc. Ngài đã làm nhiều phép lạ chữa lành. Những người đón nhận phép lạ của Ngài là những người có lòng tin. Chính nhờ lòng tin của người bệnh mà Chúa Giêsu ra tay chữa lành. Phép lạ Chúa chữa cho người bại liệt hôm nay là một minh chứng đặc biệt Chúa làm cho ai có lòng tin.

Đọc đọn Tin Mừng của thánh Marcô 2, 1-12, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về lòng tin của những người khiêng người bại liệt đến với Chúa Giêsu. Tin Mừng ở đây cho hay, dân chúng tụ tập nghe Chúa Giêsu rao giảng rất động đứng kín cả chỗ vào nhà. Do đó, họ không còn phương cách nào để có thể đưa kẻ bại liệt vào gặp Chúa Giêsu được. Họ đã có một sáng kiến hay nói đúng hơn, lòng tin đã thúc bách họ, lên nhà dỡ mái ra và rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống ( Mc 2, 4 ). Đây có thể gọi được là lòng tin tập thể, lòng tin hợp nhất. Người bại liệt và các người khiêng đều có lòng tin. Đức Giêsu thấy họ có lòng tin như vậy thì nói:" Này con, tội con đã được tha rồi " ( Mc 2, 5 ).Khi Chúa Giêsu nói lời tha tội, hẳn người bại liệt cảm thấy bình an, thanh thản vì biết rằng mình đã được Chúa cứu. Đời của người bại liệt trước khi gặp Đức Giêsu, tưởng đã tàn, đã lụi, nhưng khi gặp được Chúa thì một sức sống mới thực sự đã bao trùm dâng cao. Người bại liệt cảm thấy đã trút nhẹ được gánh nặng của bệnh tật và trút được gánh nặng của tội lỗi, bởi vì theo quan niệm của người Do Thái bệnh tật do tội lỗi gây ra. Sau khi tuyên bố tha tội, Chúa Giêsu đã cho người bại liệt được lành bệnh.Việc chữa lành người bất toại chính là bằng chứng lời tha tội có hiệu quả. Và khi người bại liệt chấp nhận lời tha tội của Chúa Giêsu thì đồng thời anh cũng tin nhận Người là Đấng cứu thế, là Thiên Chúa thật, là Đấng Thiên sai, là " Con Người " mà ngôn sứ Đaniel đã loan báo.

Đối với người Do Thái bệnh là do tội. Bệnh càng nặng thì tội càng nặng. Tội nặng mới bị Thiên Chúa phạt ra bên ngoài bằng bệnh tật như thế. Chúa Giêsu không đồng ý quan niệm này. Đối với Ngài bệnh là bệnh và tội là tội. Cái gì ra cái nấy. Có người có thể vừa có bệnh vừa có tội. Có người có bệnh mà không có tội và ngược lại. Do dó, khi Chúa nói " Này con, tội con được tha rồi ", Chúa chỉ có ý minh chứng Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội, vì đối với người Do Thái: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Tuy nhiên, tha tội mà không khỏi bệnh, người Do Thái không tin, mà khỏi bệnh không thôi thì lại rất là bình thường. Chính vì thế, để giải quyết vấn đề, Chúa Giêsu đã thực cả hai: vừa tha tội, vừa chữa bệnh. Đây là hành động của Thiên Chúa toàn năng, đầy thương xót cả hồn lẫn xác.

Người bệnh hoạn và người tội lỗi, cả hai thật đáng thương. Chúa Giêsu luôn dạy mọi người: " Hãy yêu thương nhau ". Ngài đã thực hiện tình thương của Ngài qua cử chỉ Ngài quì chân xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài đã lui tới, đồng bàn với những người tội lỗi, yếu đuối. Ngàiđã đi đến với mọi thành phần xã hội và sống gần gũi với họ. Ngài đã nói: " Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em ". Do đó, chúng ta nếu không động viên, an ủi, khích lệ những người bệnh hoạn, tội lỗi thì cũng đừng nói những lời hoặc có những cử chỉ làm cho họ buồn phiền và đau khổ thêm.

Hãy mau mắn đến với Chúa Giêsu nơi tòa giải tội, để lắng nghe và được ơn tha thứ như Ngài đã nói với người bại liệt: " Này con, tội của con đã được tha " ( Mc 2, 5 ). Khi nghe lời tha tội, chắc hẳn chúng ta sẽ cảm thấy tâm hồn được bình an, thư thái như người bại liệt đã cảm nhận sau khi được chúa chữa lành và tha thứ tội lỗi. Chúng ta hãy mở lòng để đón nhận sự tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Đón nhận ơn tha thứ của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có thái độ nhân từ và khoan dung đối với người khác hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ tội lỗi chúng con, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được phúc bình an của lòng thương xót của Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT  (nguồn vietcatholic.org)

2895    14-02-2012 09:08:43