Sidebar

Thứ Ba
21.05.2024

Chúa Nhật VII TN B_4

ĐỨC TIN TRONG SÁNG
Mc 2, 1-12

Người bại liệt chịu nhiều thiệt thòi. Không làm được những việc cần làm. Không đến được những nơi muốn đến. Chúa Giêsu làm phép lạ chữa nhiều bệnh. Tin ấy lan tới mọi hang cùng ngõ hẻm thành Ca-phác-na-um. Người bại liệt nghe biết, nhưng ông không làm cách nào đến gặp Chúa Giêsu để xin Người chữa lành. Đó là hình ảnh của những tâm hồn bại liệt. Chúa vẫn rộng rãi ban phát ân huệ của Người, nhưng những tâm hồn bại liệt, dù muốn cũng không thể đến lãnh nhận được.

Có tâm hồn bị bại liệt vì yếu đuối. Tâm hồn yếu đuối bị những đam mê, dục vọng đè bẹp, không sao chỗi dậy được. Đam mê, dục vọng giống như những sợi dây, rất mềm mại nhưng cũng rất chặt chẽ. Tâm hồn bị đam mê, dục vọng trói buộc sẽ trở nên tê liệt, thấy những điều tốt đẹp nhưng ngại ngùng phấn đấu, mất hết ý chí chỗi dậy, vươn lên.

Có tâm hồn bị bại liệt vì do dự. Tâm hồn do dự có nhiều ước muốn tốt đẹp, nhưng cứ mãi băn khoăn suy tính, rồi cơ hội qua đi mà vẫn không làm được điều mong muốn. Truyện ngụ ngôn kể lại: có con ngựa vừa đói vừa khát. Người ta đem đến một máng cỏ và một máng nước. Con ngựa cứ quay sang máng nước rồi lại quay sang máng cỏ, không biết nên ăn hay nên uống trước. Sau cùng nó chết vì đói và vì khát. Ngạn ngữ Pháp có câu: Hoả ngục được lát bằng những ước muốn tốt. Ước muốn suông mà không làm sẽ chẳng giúp thăng tiến thân phận con người.

Có tâm hồn bị bại liệt vì chai đá. Tâm hồn chai đá hoàn toàn mất hết khả năng ước muốn điều lành, thờ ơ với việc thăng tiến bản thân, dị ứng với những việc đạo đức. Đây là thứ bại liệt đáng sợ nhất.

Người bại liệt trong Tin mừng đã tìm ra phương thế để đến với Chúa. Ông nhờ những người thân khiêng tới. Cảnh 4 anh em khiêng người bại liệt, trèo lên mái nhà, rỡ ngói, thả chiếc cáng xuống trước mặt Chúa Giêsu, cho ta thấy một đức tin đơn sơ trong sáng.
Đức tin đơn sơ trong sáng không suy tính, do dự, nhưng cương quyết bắt tay vào việc làm. Nhìn thấy việc phải làm, họ bắt tay vào làm ngay không để chậm trễ, không mất thời giờ bàn bạc, so đo, tính toán, trốn tránh trách nhiệm. Biết người bệnh cần gặp Đức Giê su, họ lập tức đi tìm cáng và bảo nhau khiêng người bệnh đến ngay.

Đức tin đơn sơ trong sáng lập tức lên đường, không chịu ngồi lì một chỗ. Đã quyết là lên đường ngay, không ngần ngại vì đường xa, không e dè vì gánh nặng. Họ khiêng người bệnh, nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt, ánh mắt vẫn tin tưởng, nụ cười vẫn vui tươi vì tâm hồn họ luôn luôn sẵn sàng lên đường.

Đức tin đơn sơ trong sáng giúp họ đồng tâm nhất trí với nhau. Niềm tin chân thực loại trừ mọi xung khắc bất đồng, dẫn đến đoàn kết, hợp tác, cùng nhau làm những việc tốt có ích lợi cho người khác.

Đức tin đơn sơ trong sáng không lùi bước trước khó khăn. Gặp đám đông vây quanh, chắn lối đến với Đức Giê su, họ không sờn lòng nản chí, không bàn chuyện tháo lui, nhưng cương quyết tìm biện pháp khắc phục những khó khăn. Đã nỗ lực đổ mồ hôi để khiêng người bệnh đến, giờ đây họ lại phải nỗ lực vận dụng trí não để tìm cách đưa người bệnh tiếp cận Đức Giê su. Đức tin trong sáng đã làm cho trí khôn họ trở nên sáng suốt. Họ mau chóng tìm được một lối khác để đến với Người.

Đức tin đơn sơ trong sáng có những sáng kiến tuyệt vời, táo bạo. Không vào được cửa chính, họ trèo lên mái nhà. Không có cửa thì họ làm ra cửa. Tháo rỡ mái nhà quả là một biện pháp táo bạo. Biện pháp táo bạo càng chứng tỏ đức tin mãnh liệt của họ.

Đức tin trong sáng có sự tế nhị, nhẹ nhàng. Chắc chắn họ phải xin phép chủ nhà và sau đó, phải lợp lại mái nhà hẳn hoi tử tế. Trước sự tế nhị của họ, chắc chắn chủ nhà phải hài lòng và cảm phục.

Đức tin trong sáng không nhiều lời. Tự những việc làm đã nói nhiều hơn những bài diễn văn lê thê. Họ chưa nói lời nào để cầu xin Chúa, nhưng nhìn thấy người bệnh được thòng xuống trước mặt mình, Đức Giê su và tất cả mọi người đều thấy được đức tin của họ, và Đức Giê su đã chữa bệnh trước khi họ cầu xin.

Nhìn vào đức tin trong sáng của 4 người khiêng, ta thấy đức tin của mình còn đang bị tê liệt, không hoạt động. Ta bị tê liệt vì những đam mê dục vọng trói buộc. Ta bị tê liệt vì những lười biếng thiếu cố gắng. Ta bị tê liệt vì những ước muốn nửa vời. Ta bị tê liệt vì lòng nguội lạnh thiếu nhạy cảm trước những nhu cầu thiêng liêng.

Hôm nay, ta hãy noi gương 4 người khiêng bệnh nhân. Hãy ra khỏi tình trạng tê liệt tâm hồn. Hãy lên đường, ra đi đừng ngại ngùng, do dự. Hãy biến đức tin thành những việc làm chuyên chở đức bác ái. Hãy phấn đấu vượt qua mọi khó khăn. Hãy sống đức tin một cách sáng tạo, vui tươi và đoàn kết. Một đức tin như thế sẽ trở thành ngọn đèn phá tan đi bóng tối đang phủ vây giăng mắc, soi đường cho ta đi đến với Chúa, cùng đích của đời ta.

Lạy Chúa, xin hãy thêm đức tin cho chúng con. Amen.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

THIÊN CHÚA TRUNG TÍN, CON NGƯỜI NGỜ VỰC
Mc 2, 1-12

Bài học tuyệt vời của Khổng Tử để lại cho hậu thế: con người sống phải có "nhân - lễ - nghĩa - trí - tín". Trong cái gọi là ngũ thường ấy có "chữ tín". Để viết chữ tín, để đọc chữ tín, để nói chữ tín thật là đơn giản nhưng rồi sống chữ tín ấy không đơn giản chút nào cả. Đôi khi cả đời người vẫn chưa sống được vẹn tròn chữ tín. Thiên Chúa, ngay từ những ngày tạo thiên lập địa Ngài vẫn giữ chữ tín với con người, còn con người cứ ngờ vực Thiên Chúa để rồi mối tương quan ấy chuệch choạc làm sao ấy.

Đã bao lần, con người quay lưng với Chúa, đã bỏ con đường của Chúa để đi theo tà thần vì con người ngờ vực. Dẫu ngờ vực, dẫu thất tín bất trung nhưng Thiên Chúa vẫn giữ lòng tín trung với con người. Biết bao nhiêu lần trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn luôn hứa với con người rằng Ngài yêu thương con người và không bao giờ bỏ rơi con người. Bằng chứng thực tế là hôm nay, qua miệng ngôn sứ Isaia, chúng ta lại được nghe lời Chúa hứa với dân Người:

"
Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.
Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta;
vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn,
cho dân Ta tuyển chọn được giải khát.
Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.
Israel bội nghĩa vong ân
Vậy mà, hỡi Giacob, ngươi đã chẳng kêu cầu Ta;
phải, hỡi Israel, ngươi đã chán Ta rồi.
Ngươi đã không đem chiên đến làm lễ toàn thiêu dâng Ta,
làm hy lễ cho Ta được vinh hiển.
Ta đâu có làm ngươi khổ cực vì phải dâng lễ phẩm cho Ta,
cũng chẳng làm cho ngươi chán chường
vì chuyện hương với khói.
Ngươi đã không bỏ tiền mua hương liệu dâng Ta,
cũng không dâng mỡ béo cho Ta được thoả dạ no lòng.
Ngươi lại còn làm cho Ta cực khổ vì lầm lỗi của ngươi,
làm cho Ta chán chường vì tội ác ngươi phạm.
Nhưng chính Ta đây, vì danh dự của Ta,
Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi,
và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa
". (Is 43, 21.22.24b.25)

Những tâm tình của Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia chúng ta thấy Chúa dễ thương làm sao ấy ! Chúa như bà mẹ hiền, ấp ủ Israel trong vòng tay yêu thương của mình. Như là hờn, như là trách ấy nhưng cuối cùng vẫn là yêu, vẫn là thương. Thương đến độ không còn nhớ đến lỗi lầm xưa của Israel nữa. Chúng ta nhìn lại cuộc tình giữa Chúa và dân Israel ngày xưa chúng ta thấy buồn cười. Một bên thì qúa yêu, một bên thì cứ bướng bỉnh trước tình yêu ấy. Đặt trường hợp chúng ta, người yêu của chúng ta chỉ cần phản bội chúng ta một lần là chúng ta sẽ từ bỏ để đi tìm người yêu khác chứ chả dại gì đi yêu cái người mà cứ phản bội.

Rất buồn cười: Israel, bao nhiêu lần cũng hứa, cũng sám hối, cũng ăn năn nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy, vẫn cứ ngờ vực trước tình yêu bao la của Chúa.

Lòng con người, miệng lưỡi con người nó làm sao ấy chứ nó không thật. Điều này, Thánh Phaolô trong thư gửi cộng đoàn Côrintô nói cho chúng ta: "Xin Thiên Chúa trung thành chứng giám cho chúng tôi ! Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là "có" vừa là "không". Vì Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Xin-va-nô, Ti-mô-thê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là "có" vừa là "không", nhưng nơi Người chỉ toàn là "có". Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người". (2 Cr 1,18-20).

Thiên Chúa đã hứa là Ngài thực hiện chứ không phải là vừa có và vừa không còn con người thì ngược lại, con người ngày hôm nay lúc có lúc không chẳng thể nào mà hiểu được, chẳng thể nào mà tin được.

Thiên Chúa, Ngài đã hứa là Ngài giữ chữ tín cho đến tận cùng của cuộc đời dẫu cho phải hy sinh cả mạng sống của mình. Vì sao ? Vì Ngài là Thiên Chúa. Con người thì khác, vì sợ thiệt thòi về phía mình nên con người cứ thất hứa, cứ nghi ngờ nhau. Nếu giữ chữ tín, đôi khi phải thiệt thòi. Đơn giản như là chuyện phải giữ các Lề Luật của Thiên Chúa thì con người sẽ phải chịu thiệt về mình vì ngày hôm nay sự giả trá nó cứ tràn ngập trong cuộc đời. Vì hoàn cảnh của cuộc đời để rồi con người chẳng thể tin nhau nữa. Chúa thì Chúa khác, Chúa biết là những hành động của Chúa sẽ bị chỉ trích, bị lên án nhưng vì chữ tín, vì tình thương Chúa vẫn thực hiện tình thương ấy.

Bằng chứng cụ thể hôm nay Chúa Giêsu biểu lộ tình thương ấy cho con người qua câu chuyện mà Thánh Maccô thuật lại cho chúng ta.

Theo quan niệm của người Do Thái, người bị tật nguyền là do tội lỗi của họ gây ra. Bệnh bên ngoài cũng là do bệnh trong lòng của họ, người phạm tội xấu xa nên bị phạt như vậy. Quan niệm của người Do Thái ngày xưa hết sức là buồn cười. Chúa Giêsu, thấy anh chàng bại liệt, Chúa Giêsu chạnh lòng thương và lấy quyền năng của mình để chữa lành cho anh cả hồn lẫn xác. Thế nhưng, đáng tiếc thay là những kinh sư có mặt hôm ấy không tin vào quyền năng của Chúa, không tin vào lời của Thiên Chúa nên đã nghĩ xấu về hành động của Chúa Giêsu. Vì là Đấng có quyền năng, tuy những kinh sư không nói nhưng Chúa thấu hiểu lòng của họ và Chúa đã vạch trần bộ mặt của họ, vạch trần cõi lòng sâu thẳm của họ.

Đối lập với những kinh sư hôm ấy là những người đem anh chàng bại liệt đến để Chúa chữa lành. Vì dân chúng tụ tập quá đông trong nhà ngoài sân như thánh Maccô mô tả, họ đành phải khoét một cái lỗ hổng trên mái nhà và thả cái chõng xuống. Nghe như vậy, thấy như vậy không phải là đơn giản. Thử hỏi, chúng ta phải xúm lại mất bao nhiêu người mới lo cho bệnh nhân di chuyển, đàng này còn phải khoét mái nhà để chuyển anh ta xuống. Thật sự là lòng tin của nhóm người này quá lớn và Chúa đã đáp trả lại lòng tin của những người tin ấy bằng cách chữa lành cho anh.

Đó là chuyện ngày xưa, còn ngày nay thì sao ? Ngày nay vẫn có sự đối lập đấy trong cuộc đời này giữa những người tin và những người không tin. Những người không tin sẽ mỉa mai, sẽ miệt thị những người tin như những kinh sư hôm nay mỉa mai không tin Chúa Giêsu như vậy. Những người không tin vì họ trống vắng Thiên Chúa hay nói đúng hơn là họ không có Thiên Chúa trong cuộc đời nên họ đã chống đối và phỉ báng Chúa.

Những người ngày hôm nay khoét lỗ hổng để đưa anh chàng bệnh nhân xuống cho Chúa chữa lành phải chăng là hình ảnh, là bài học cho mỗi người chúng ta. Liệu rằng chúng ta có tin vào quyền năng của Chúa, vào lời hứa của Chúa, vào chữ tín của Chúa để tín thác cuộc đời của Chúa hay không ? Cũng chẳng biết trách ai khi con người ngày hôm nay đánh mất lòng tin vào Chúa nhiều quá để rồi họ cứ ngờ vực Chúa. Ngay cả như con người với con người họ còn ngờ vực nhau huống hồ gì là Thiên Chúa.

Nhìn vào thực trạng của cuộc sống, chẳng hiểu vì sao và vì sao mà tìm chữ tín nơi con người khó quá ! Người ta không còn chân thành và trung tín với nhau nữa nên tất cả các tương quan giữa người với người đều mang đậm chất của sự nghi ngờ lẫn nhau.

Đời sống của những gia đình trẻ ngày hôm nay đang đứng trên bờ vực của chia ly, phân cách. Chồng không còn tin vợ, vợ chẳng còn tin chồng, con cái chẳng tin cha mẹ và cha mẹ cũng chẳng còn tin con cái nữa. Thậm chí, những cộng đoàn sống chung với nhau cho lý tưởng cao đẹp nào đó cũng chẳng còn tin nhau như ngày xưa. Vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân nên một số người đã phá bĩnh đi cái tinh tuý, cái cao đẹp của lý tưởng họ đang sống và họ đi nói nhau đủ thứ đủ điều. Khi nói như vậy thì đâm ra xào xáo trong cộng đoàn, người này nói người kia, người kia nói người nọ để rồi chẳng còn ai dám tin ai mà tâm sự, mà chia sẻ cho nhau nữa. Và từ đó, đôi khi nhìn bề ngoài đời sống gia đình, đời sống chung đó cao đẹp nhưng bên dưới nó mang đầy sự ngờ vực, không tin tưởng nhau nữa.

Với Thiên Chúa, dù thế nào đi chăng nữa, dù có thiệt thòi và thậm chí đến mất mạng sống, Thiên Chúa vẫn tín trung với con người. Thiên Chúa mãi mãi yêu thương và tín trung với chúng ta. Lòng tín trung giữa ta và Thiên Chúa còn được bao nhiêu đó là câu trả lời của mỗi người chúng ta.

Ngày hôm nay, cơ hội để chúng ta nhìn lại chúng ta còn sống trung tín với ông bà cha mẹ và các thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn của chúng ta hay không ? Hay là chúng ta sống chung với nhau mà như đùa cợt với nhau vậy. Bề ngoài thì thơn thớt nói cười nhưng bên trong không còn tin tưởng nhau nữa.

Lý do căn bản nhất mà chúng ta đánh mất đi lòng tin tưởng nơi nhau đó là vì chúng ta đã đánh mất lòng tin của chúng ta vào Tình Thương Bao La của Thiên Chúa. Lẽ ra tin Chúa chúng ta lại tin người đời, người đời lại thất tín bất trung để rồi ta lại chán ngán với cuộc đời. Chúa vẫn ở đó, Chúa vẫn chờ đợi chúng ta và Chúa vẫn trung tín với chúng ta. Chuyện quan trọng là chúng ta còn tín trung với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại chúng ta nữa hay không mà thôi.

Anmai, CSsR

TỘI CON ĐÃ ĐƯỢC THỨ THA
Mc 2, 1-12

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, giới thiệu Nước Trời, Chúa Giêsu không bao giờ chỉ thuyết giảng, dạy bảo suông nhưng Ngài luôn luôn hành động, lời nói đi đôi với việc làm. Chúa Giêsu luôn làm phép lạ để minh chứng uy quyền và chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế. Chúa nhật VII thường niên, năm B cho chúng ta thấy quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu nói với người bất toại: " Hỡi con, tội của con đã được tha " ( Lc 5, 20 ). Chúa Giêsu không những làm một hành động phi thường là chữa lành người bất toại về mặt thể xác nhưng còn chữa lành anh ta về mặt linh hồn.

Đúng, chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền năng như vậy bởi vì trong phép lạ chữa lành người bất toại, Chúa Giêsu không nói, hay không dùng một cách chữa trị y khoa nào, như chích thuốc, như kê toa mua thuốc, nhưng Ngài đã dùng một lời quyền năng nói với người bất toại: " Con đã được tha tội ", Ngài không nói: " Ta chữa bệnh cho con ". Vâng, qua hành động, qua phép lạ này, Chúa Giêsu đã mạc khải Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, vì chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Hôm nay, chứng kiến Chúa Giêsu tha tội, những kẻ chống đối Ngài nghĩ thầm trong lòng: " Ông này nói phạm thượng " vì chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền năng tha tội. Những kẻ chống đối Chúa Giêsu là những kẻ không tin, những kẻ không chấp nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Tuy nhiên, đây cũng là dịp, là cơ hội rất tốt để Chúa mạc khải thiên tính của Ngài, bởi Ngài là Thiên Chúa, là Đấng thấu suốt tâm can, cõi lòng, sự thầm kín nhất của con người, Chúa Giêsu hỏi họ: " Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy ? ". Chúa nói với những kẻ không tin: " Trong hai điều: Một là bảo người bất toại: " Tội con đã được tha " hay cách thức thứ hai bảo: " Đứng dậy, vác chõng mà về ", điều nào dễ hơn. Chúa xác định cả hai điều này đều khó, nhưng Chúa quả quyết: " Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội,-Đức Giêsu bảo người bại liệt,-Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác chõng của con mà đi về nhà " ( Mc 2, 10-11 ). Tức thì, người bại liệt, vác chõng mà đi trước mặt mọi người, khiến mọi người sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa ( Mc 2, 12 ).

Chúa làm phép lạ này để biểu tỏ quyền năng của Ngài vì Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội. Chúa đem lại bình an cho người bất toại và đem lại hạnh phúc cho anh ta vì từ nay anh sẽ đi lại và sinh hoạt được như mọi người. Đó là niềm vui khôn tả của người bất toại và gia đình của anh ta, đồng thời cũng làm cho mọi người khác được vui lây.

Chúa đã thiết lập Bí tích hòa giải để tha tội cho con người, cho nhân loại.Qua Bí tích hòa giải, con người được tìm lại sự an bình đã bị ma quỉ làm mất. Ngày nay, nhiều người chống đối và không tin Chúa, không chấp nhận quyền tha tội của Chúa, quyền này đã được Chúa trao phó cho các tông đồ, các tông đồ lại trao cho Giáo Hội.Do đó, Giáo Hội vẫn tiếp tục công việc tha tội trong Bí tích giải tội. Nhờ Bí tích hòa giải, tội nhân sau khi được rửa tội sẽ lãnh nhận ơn tha thứ, làm hòa với Thiên Chúa và với anh chị em của mình.

Vâng, con người luôn cần có ơn tha thứ của Chúa. Có thể, nhiều người chỉ còn biết xin ơn nhưng lại thiếu đi, đánh mất ý thức về tội. Nên, họ bị khủng hoảng đối với Bí tích giải tội vì nghi ngờ lòng thương xót của Chúa. Chúng ta hãy thật lòng sám hối và đến với Chúa Giêsu trong Bí tích giải tội, để lắng nghe Người nói với tất cả chúng ta như Chúa đã nói với kẻ bất toại: " Hỡi con, tội của con đã được tha ".

Chúng ta hãy chạy tới với Chúa qua Bí tích sám hối và hòa giải vì Chúa sẽ ban sự bình an cho chúng ta,sự an bình và hạnh phúc như người bất toại đã cảm nghiệm khi được Chúa chữa lành. Chúng ta hãy mở lòng để đón nhận sự tha thứ của Chúa và hạnh phúc vì Ngài đem lại sự bình an cho chúng ta.

Hạnh phúc của người Kitô hữu là được Chúa yêu thương, ban cho chúng ta ơn lớn lao là Bí tích giao hòa.Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Chúa vì hồng ân lớn lao Ngài đã ban cho mỗi ngưởi chúng ta qua Bí tích giải tội. Sự tha thứ của Chúa là lòng quảng đại xót thương của Ngài đối với con người tội lỗi yếu hèn của chúng ta.

Lạy Chúa, con tin cậy vào tình thương Chúa,
Được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng.
Con sẽ hát bài ca dâng Chúa
Vì phúc lộc Ngài ban ( Tv 12, 6 ).

Nữ nhạc sĩ Hải Triều đã viết ca khúc " Bến Thiên Đàng " để nói lên ước nguyện được kết hiệp với Chúa trong niềm tin và tâm hồn sạch tội: " Chúa ơi, tình Chúa bao la ! Cho con no thỏa hương hoa Thiên Đàng. Hồn con khát khao, kề bên Chúa yêu, như nai tơ mơ dòng suối, lúc nắng cháy khô rừng hoang. Như chim non trong rừng vắng, lúc gió rét đông vừa sang. Như dương gian đêm chùng xuống, bóng tối hắt hiu buồn vương. Tâm tư con mơ về Bến, lúc sóng gió đưa thuyền xa. Ôi, con mơ bến Thiên Đàng. Chúa ơi, tình Chúa bao la ! Cho con no thỏa hương hoa Thiên Đàng ".

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa ( Lời nguyện nhập lễ, Chúa nhật VII thường niên ).

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


BẠN CHÂN TÌNH
Mc 2,1-12

Cuộc sống mất nhiều ý nghĩa khi cuộc sống đó thiếu đi những người bạn chân tình. Theo quan niệm xã hội bạn chân tình là người ta biết rõ về họ, nhận được những giúp đỡ lúc quan trọng, khi cần thiết có nhau. Cả hai giúp nhau vật chất, tinh thần và cùng hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Nếu có thể thì giúp nhau có nơi ăn, chốn ở vững vàng. Hoặc hỗ trợ nhau để ổn định, có cuộc sống tương đối ấm no. Những tình bạn như thế xã hội ca ngợi, khuyến khích và đề cao. Quả thật về phương diện vật chất là như thế. Xã hội loài người dùng vật chất đo lòng người. Xã hội làm thế vì xã hội không còn cách nào khác, không còn phương tiện nào tốt hơn bằng cách dựa vào của cải của chính xã hội để đo tình bạn.

Tôn giáo không bài xích những tình bạn cao thượng kể trên. Trái lại tôn giáo khuyến khích con người nâng đỡ nhau một cách vô vị lợi. Tôn giáo đề cao hành động bác ái không điều kiện đính kèm. Tôn giáo tổ chức các hiệp hội bác ái, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau đặt căn bản trên tình người, tình nhân loại và quan trọng hơn cả là tình Chúa yêu ta. Tôn giáo không dùng của cải vật chất xã hội để đo lường tình bạn. Thước vàng đo tình bạn chân tình trong tôn giáo là tình yêu chân thành con người dành cho nhau. Bạn chân tình theo ý nghĩa tôn giáo là những người có thể không giúp ta làm giầu vật chất, an nhàn tấm thân, nhưng là những người dẫn chúng ta tiến tới trên con đường lành, giúp chúng ta đạt tới cuộc sống trọn hảo. Quan trọng hơn hết là giúp chúng ta tiến gần tới Thiên Chúa mỗi ngày trong cuộc sống.

Theo quan điểm trên thì nhóm người khiêng người què nằm trên giường bệnh là nhóm bạn chân tình. Anh là người may mắn có được những người bạn tốt lành trên. Là người bệnh liệt giường anh hẳn không có nhiều của cải để cho người khác nhưng nhận nhiều của cải, giúp đỡ hơn cho. Kinh thánh không nhắc đến nhưng có lẽ anh cho họ tình người, tình thương, qua lời cám ơn, qua ánh mắt trìu mến, qua tấm lòng trong sáng và qua lời nói đơn sơ, chân thành. Anh nhận tình bạn và có lẽ hình ảnh sống động, mãnh liệt nhất chính là hình ảnh họ khiêng anh đến gặp Đức Kitô. Sâu đậm hơn nữa khi không còn lối đi, họ mạnh dạn rỡ mái nhà nơi Đức Kitô đang rao giảng rồi thả giường bệnh xuống trước mặt Ngài. Mọi người đền kinh ngạc, kể cả Đức Kitô cũng kinh ngạc. Người ta kinh ngạc vì đám người này bạo gan, dám phá nhà người khác. Đức Kitô kinh ngạc vì đức tin của những người này. Họ tin chắc một điều Đức Kitô sẽ không từ chối nhưng sẽ chữa anh khỏi què. Niềm tin giúp họ toại nguyện. Đức Kitô chữa anh khỏi tê liệt thân xác và giải thoát anh khỏi ràng buộc, kiềm chế của ma quỷ. Khỏi tê liệt thân xác thì quá rõ ràng, anh vác chõng đi về trước mặt đám đông làm nhân chứng. Giải thoát khỏi tội lỗi, ràng buộc của ma quỉ thì anh là người hiễu rõ hơn ai hết. Người có lòng tin vào Đức Kitô cũng hiểu nhưng không hiểu bằng chính anh. Nhóm Biệt Phái, Kinh Sư chống đối Đức Kitô, vừa lên tiếng phản đối đã cứng lưỡi, vội nuốt vào những suy nghĩ chưa kịp phát ra khỏi cuống họng.

Anh què cám ơn Đức Kitô rất nhiều và anh cũng không quên cám ơn người đã khiêng anh đến gặp Đức Kitô. Nhờ lòng tốt của họ mà anh gặp Ngài. Mối tình bạn chân thành đó đưa anh đến gặp Đức Kitô và được chữa lành. Công việc của mỗi người Kitô hữu chính là dẫn người khác đến với Đức Kitô bằng tư tưởng, lời nói và hành động của mình. Làm được việc dẫn đưa, giới thiệu đó. Mọi việc khác còn lại, chữa lành, cải hoá, tha thứ là việc của chính Đức Kitô.

Lm Vũ đình Tường (nguồn vietcatholic.org)

1692    14-02-2012 09:05:30