Sidebar

Thứ Tư
22.05.2024

Chúa Nhật VII TN B

 

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN B
Mc 2 , 1-12

Con người là tạo vật luôn cần sự trợ lực từ phía Thiên Chúa. Khi con người chạy đến kêu cầu Thiên Chúa, Thiên Chúa sẵn sàng ra tay trợ giúp con người. Bởi vì Thiên Chúa muốn con người luôn được hưởng sự sung mãn tình yêu của Ngài.

Con người có liên hệ mật thiết với nhau và càng có mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Con người có liên hệ mật thiết với nhau nên họ cần người khác giúp đỡ. Bởi vì, con người là một hữu thể mang tính xã hội nên sống trong xã hội, con người cần duy trì những mối tương quan. Trong mối tương quan, con người chấp nhận những hy sinh, chấp nhận vượt qua những trở ngại để thể hiện tình yêu thương bác ái. Đoạn Phúc âm hôm nay cho thấy tình yêu ấy, tình tương thân tương ái với nhau. Lòng bác ái giúp cho người ta thêm sáng kiến để có thể làm việc hiệu quả hơn. Thật thế, lòng bác ái giúp cho những người trong đoạn phúc âm thể hiện cử chỉ đẹp. Họ nhận ra bệnh nhân cần họ giúp đỡ. Lòng bác ái giúp cho họ sáng kiến tìm cách đưa bệnh nhân tiếp cận Thầy thuốc, đưa người bại liệt đến với Chúa Giêsu. Họ phải vượt qua những trở ngại. Họ không nề hà vất vả. Họ phải khiêng bệnh nhân lên mái nhà, dở mái nhà và cột dây thòng bệnh nhân xuống gặp Chúa Giêsu. Họ dám sống tinh thần hiệp thông, giúp đỡ tha nhân. Như vậy, là con người với nhau, những người khiêng bệnh nhân đã làm một việc "đại nghĩa". Họ xứng đáng là những anh hùng, những anh hùng của lòng bác ái.

Chính người bại liệt cũng thể hiện đức tin và ước muốn được Chúa Giêsu chữa khỏi bệnh. Vì muốn hết bệnh, người bại liệt can đảm, chấp nhận để cho người ta khiêng mình trên chõng mang đến với Chúa Giêsu. Người bại liệt này đã chấp nhận vượt qua những rào cản, những khó khăn thể lý, tâm lý và những giới hạn của bản thân. Điều này cho thấy người bại liệt thể hiện niềm tin vào những người giúp đỡ. Thế nhưng quan trọng hơn người bại liệt đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu. Do đó, bệnh nhân xứng đáng là người hùng của niềm tin.

Đứng trước những cử chỉ này, cử chỉ của niềm tin mãnh liệt nơi tâm hồn người bại liệt, và cử chỉ của những anh hùng bác ái. Chúa Giêsu cảm phục họ. Chúa Giêsu chấp nhận họ và chữa lành cho người bại liệt được khỏi bệnh theo ý nguyện của họ. Chúa Giêsu chữa lành cho người bại liệt, chấp nhận khao khát của những người khiêng anh bại liệt đến với mình. Ngài chữa lành cho não trang của đám đông và nhất là chữa trị và sửa đổi quan điểm sai lệch, chữa trị quan điểm thiếu bác ái của những người luật sĩ và biệt phái.

Được chữa lành, người bại liệt rất hạnh phúc! Đã từ lâu, anh ta bại liệt tay chân, không còn đi lại được. Tìm thầy chạy thuốc đã nhiều, nhưng đành bó tay. Cuộc đời của anh ta coi như hết! Anh phiền lụy đến mọi người. Chắc cũng nhiều lúc, anh ta cảm thấy tuyệt vọng, chán chường. Tê liệt phần xác đã làm ông dần dần tê liệt nội tâm. Đau khổ nhất đối với anh có lẽ anh cảm nghiệm bị Thiên Chúa bỏ rơi và thử thách. Bại liệt về thể xác tượng trưng cho bệnh tật về phần hồn. Bây giờ đây anh vui sướng hân hoan, anh nhảy mừng "lập tức anh đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người". Anh đã được Chúa Giêsu chữa lành phần xác. Anh muốn chứng tỏ cho mọi người thấy Chúa Giêsu thương anh và chữa trị bệnh cho anh, Chúa Giêsu cho anh được phục hồi sức khỏe. Từ nay, anh có thể "tự do" đi lại, hoạt động như bao người khác không còn bị "nô lệ" bởi tội lỗi, bởi bệnh tật nữa. Cử chỉ "đứng lên vác chõng" mà về, nói lên sự lành mạnh thể lý và sức khỏe đủ để chu toàn bổn phận của con người. Chắc chắn, Người bại liệt biết ơn Chúa Giêsu nhiều nhất và "ngợi khen" Thiên Chúa trước nhất. Anh đã được chữa bệnh phần xác lẫn phần hồn. Thân xác và tâm hồn anh được đổi mới.  Cuộc đời tưởng chừng như khép lại với người bất toại, nhưng khi gặp được Chúa thì một sức sống mới lại dâng trào. Anh như cảm thấy trút được gánh nặng, gánh nặng của bệnh bất toại và gánh nặng của tội lỗi, vì người Do thái cho rằng nguyên nhân của mọi bệnh tật là do tội lỗi. Vì thế, anh cũng như nhiều người trong đám đông đã đặt đúng niềm tin vào Chúa Giêsu như Đấng Cứu Thế mà bấy lâu dân Do Thái hằng mong đợi.

Trong cuộc sống chúng ta hôm nay, tình tương thân tương ái vẫn còn rất cần thiết, và vẫn còn được đề cao.  Nhiều người chung quanh chúng ta có thể vẫn đang bị bại liệt về tâm hồn như khô khan, nguội lạnh, chán nản, cô đơn, bất mãn, lười biếng, hưởng thụ. Họ đang cần chúng ta. Họ cần chúng ta cùng với họ đến với Chúa Giêsu, để được Ngài chữa lành cho. Có thể rất gần hơn nữa, đó chính là mỗi người chúng ta cũng đang bị bại liệt, khi chúng ta muốn tách rời khỏi tập thể, khi chúng ta thấy mình không cần liên đới với người khác, khi chúng ta cố chấp không chịu lắng nghe, khi chúng ta muốn sống xa Chúa, xa mọi người, không sống niềm tin và tình bác ái.

Bài học mà chúng ta nhận được từ người bại liệt là can đảm đến với Chúa Giêsu, đặt niềm tin vào Ngài. Chắc chắn hậu quả của bệnh tật làm cho anh ta bị ràng buộc, khổ sở và mất tự do. Thế nhưng khi anh can đảm đến với Chúa Giêsu thì anh được chữa lành. Anh đã hạnh phúc. Anh đã loan báo niềm vui đó. Anh đáng là mẫu gương cho chúng ta bắt chước. Còn phần chúng ta, ít nhiều chúng ta cũng đã từng kinh nghiệm được giải thoát khỏi một ràng buộc nào đó. Sự ràng buộc làm chúng ta mất tự do, nó làm cho chúng ta đau đớn. Chúng ta đã có kinh nghiệm giải thoát này nơi Bí tích Giải Tội. Bí tích Giải Tội thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Có thể nói Lòng thương xót của Thiên Chúa chịu thua lòng hối cải của hối nhân. Thật sự là thế, Thiên Chúa muốn chúng ta hãy mạnh dạn đến với Ngài để nhận ơn tha thứ. Thiên Chúa sẵn sàng chia sẻ nỗi vất vả tội lỗi của hối nhân. Hãy can đảm đến với bí tích Giải tội và xưng tội thường xuyên. Bí tích Giải tội là phương thế Thiên Chúa ban ân sủng cho con người. May mắn thay cho tội nhân còn có sự trợ lực vô song từ Bí tích này. Được Thiên Chúa chữa lành chúng ta sẽ được sống vui tươi, được sống dồi dào bình an trong ân sủng và hạnh phúc tràn đầy trong đời sống thiêng liêng kết hợp với Chúa.

Hằng ngày Thiên Chúa luôn cứu sống và chữa lành con người, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi và đón nhận con người. Thiên Chúa vẫn luôn trợ lực để con người sống hạnh phúc, bình an, sống xứng đáng với phẩm giá là con Thiên Chúa, là anh em với nhau. Vì thế chúng ta hãy sống tốt mối tương quan với Thiên Chúa, với bản thân mình và với nhau. 

Lạy Chúa Giêsu, hạnh phúc của chúng con là đón nhận được tình yêu thương và sự chữa lành của Chúa, xin cho chúng con cũng biết siêng năng chạy đến bí tích Giải tội, kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa. Đồng thời xin cho chúng con biết đem tình yêu này giúp đỡ anh em chúng con cũng đang cần đến lòng thương xót của Chúa. Chúng con sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ cho anh em chúng con. Amen

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN B
Mc 2, 1-12

Quyền năng của Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa...

Anh chị em thân mến,
Người ta định nghĩa Đức tin thế này: Hỏi Đức tin là gì? Thưa Đức tin là: hình ảnh của một người: đang đứng trên bờ vực thẳm nhìn xuống dưới không thấy đáy, rồi nhảy xuống với lòng tin vững chắc là mình sẽ được cứu, mình vẫn còn sống, không phải va vào đá mà chết... Thực ra, nếu người đó biết trước chắc chắn là mình nhảy xuống mà vẫn còn sống, thì không phải là đức tin nữa; vì đó là sự thật hiển nhiên rồi. Với người kitô hữu, dĩ nhiên đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban, nhưng ngọn đèn đức tin có tỏa sáng, có vững mạnh hay không là tùy thuộc phần lớn nơi bản thân của họ, với ơn Chúa, họ có siêng năng gìn giữ hay không. Vì thế, Chúa Giêsu nói: "Nếu đức tin các con bằng hạt cải, các con có thể biến núi dời non được..." Câu chuyện người bại liệt trong Tin mừng hôm nay, là hình ảnh minh chứng lòng tin sắc đá; chính Chúa Giêsu cũng phải khen họ. Kính mời suy niệm...

a/. Bây giờ chúng ta thử đọc lại bài Tin Mừng vừa nghe:

| Một người bại liệt nằm trên chỏng có bốn người khiêng. Họ đem bệnh nhân đến xin Chúa Giêsu chữa lành. Vì dân chúng quá đông đang bao quanh nơi Chúa ở, nên họ không khiêng bệnh nhân đến gần Chúa được. Họ bèn trèo lên mái nhà dở mái xuống, rồi dùng dây thòng bệnh nhân nằm trên chỏng, xuống ngay chổ Chúa ngồi. Chúa thấy được lòng tin cả 5 người đó, nên Chúa nói với người liệt: "Tội của con đã được tha." Các kinh sư thắc mắc về câu Chúa vừa nói...Nhưng sau đó, Chúa chữa lành cho anh ta bằng cách nói: "Ta truyền cho con: hãy đứng dậy, vác chỏng mà về." Lập tức, người bệnh đứng dậy vác chỏng ra về. Mọi người sửng sốt kinh ngạc về phép lạ này...

| Nguời bị bệnh bại liệt: Người bị bệnh phong cùi (được nói tới trong CN tuần rồi), họ phải sống ngoài trại, bị ghê tởm; mọi người sợ hải khi tới gần họ. Trái lại người bại liệt vẫn sống giữa mọi người, nhưng họ không có vai trò chức vụ gì. Cuộc đời của họ gần như không có ý nghĩa: không đi lại - làm lụng - giao tiếp. Người bệnh không tự lo cho mình được, cần phải nhờ kẻ khác, ngay cả trong việc cá nhân. Họ bị mặc cảm mình là gánh nặng của gia đình, xã hội. Họ mặc cảm mình là người sống "thừa", mặc cảm bị Chúa chúc dữ, bị trừng phạt. chính vì thế, đau khổ thể xác thì ít, nhưng đau khổ tâm hồn lớn lao hơn nhiều...

b/. Việc Chúa tha tội chữa lành cho anh bại liệt:

| Kinh sư cứng lòng: Thấy lòng tin của anh bại liệt, Chúa nói: " Này con, tội con được tha rồi." Mấy ông kinh sư ngồi gần đó xì xào bàn tán về câu nói này. Câu chuyện Tin mừng hôm nay cho thấy, các kinh sư, biệt phái họ không biết Chúa Giêsu,họ cũng không tin vào Chúa nữa, vì Chúa không qua trường lớp như họ. Họ nghĩ Chúa bất quá nhờ ai đó, có quyền năng chút đỉnh... chữa được ít bệnh tật.. Nói tóm lại, họ không tin Chúa là một tiên tri, vì chính họ nói Chúa dùng quyền năng của tướng quỷ (Beelzeboul) mà trừ quỷ. Họ càng không biết, và cũng không nhìn nhận Chúa là Đấng Cứu thế, huống chi nhìn nhận người là TC. Họ nói: "Đấng Cứu thế khi Người đến, chúng ta biết vì là dòng dỏi David, còn ông này, chúng ta chẳng biết nguồn gốc từ đâu." (Gn 9, 29). Trong khi dân chúng lại rất tin nơi Chúa Giêsu.

| Chúa Giêsu chẳng những chữa lành tật bệnh phần xác, Nguời còn chữa lành cả tật bệnh tâm hồn nữa. Chúa đẩy lùi bệnh bại liệt và xóa bỏ tận gốc rễ nổi ám ảnh bệnh tật và mặc cảm tội lỗi. Chính khi Chúa nói: "Tội con được tha", tức thì bệnh cũng được khỏi. Người bệnh khỏi tội, cũng tức là khỏi bệnh. Chúa tha tội, là cho người bệnh được giao hòa với Chúa, cũng chính là phục hồi sự sống con người trọn vẹn hồn xác. Đây cũng chính là điều Marcô muốn trình bày hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế trong Phúc âm Ngài...

Gần cả năm nay, chúng ta thấy lưu hành một đĩa DVD, ghi hình một anh chàng tên là Jack (?), người Mỹ, không tay không chân. Vậy mà nhờ ơn Chúa, anh đã phấn đấu can đảm vui tươi đón nhận cuộc sống của chính mình. Anh chàng này là người Tin lành. Hình như anh đã đi diễn thuyết nhiều nơi bên Mỹ, bên Úc, đã làm thế giới cảm động, vì niềm tin, và sự vui sống, tin vào Thiên Chúa. Chắc chắn muốn có được cuộc sống ngày hôm nay như thế không phải dễ, vì khi còn trẻ anh đã mấy lần tự tữ. Điều này chỉ có Lời Thiên Chúa là sức sống mới có thể cứu anh, mới có thể ban cho anh niềm tin, và vui sống như hôm nay...

c/. Gợi ý sống và chia sẻ:

Lòng tin của người bại liệt và mấy người khiêng thật là mạnh mẽ. Chính Chúa phải khen họ. Trong cuộc sống đời thường của mỗi kitô hữu chúng ta, chúng ta có đủ lòng tin như họ, để Chúa Giêsu sẵn sàng làm phép lạ, là biến đổi chúng ta nên chứng nhân can trường của Chúa trong thế giới hôm nay không?

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN
Mc 2 , 1- 12.

Anh chị em thân mến.
Chúng ta nhìn thấy giữa mặt sân ximăng bằng phẵng, bổng nhiên có một chồi non của những cọng cỏ dại mọc lên. Nếu chúng ta quan sát kỷ, sẽ thấy chồi non rất yếu, rất mềm mại. Thế mà nó tự vươn lên giữa những tảng đá cứng. Nó không chịu khuất phục những gì muốn ngăn cản nó, nó nhất định đi tìm ánh sáng, đi tìm sự sống, cho dù nó bị đè bẹp, bị chôn vùi như thế nào đi nữa nó vẫn cố vươn lên. Với một quyết tâm như thế, cùng với sự kiên trì, thì không có một chướng ngại nào có thể ngăn cản được.

Sự quyết tâm đó chúng ta cũng nhìn thấy qua sự việc người bất toại được chữa lành trong bài phúc âm hôm nay. Cả một đám đông bao quanh trước nhà không còn một kẻ hở, không một người nào có thể vào bên trong, hay có thể từ trong mà ra ngoài được. Một người bệnh được mang đến bởi bốn người khác thì làm sao họ có thể đến gần được Chúa Giêsu. Nhưng họ đã quyết tâm, thì không có gì ngăn cản được. Sự quyết tâm đó đã chọc thủng mái nhà nơi Chúa Giêsu đang ngồi và người bệnh được đưa đến trước mặt Ngài. Niềm tin vững mạnh đã được thể hiện qua hành động, Chúa Giêsu đã nhìn thấy niềm tin đó, họ đã vượt qua bao nhiêu trở ngại, khó khăn để tìm đến sự sống, tìm đến ánh sáng, nên Ngài đã cho họ được toại nguyện. Niềm tin của họ đã xuyên thủng mái nhà, đã xuyên thủng đám đông, để đưa họ đến trước mặt Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu không muốn để họ chỉ dừng lại nơi thân xác, mà Ngài muốn đưa họ đi xa hơn, đến những căn bệnh của tâm hồn. Nên Ngài đã nói: "Tội con đã được tha".

Chúa Giêsu cũng nói với từng người trong chúng ta mỗi khi chúng ta tìm đến Ngài với tâm tình thống hối ăn năn, cùng với sự quyết tâm thật sự của một niềm tin vững mạnh.

Chúng ta cũng như người bệnh bất toại trong bài phúc âm, mặc dù đôi chân chúng ta vẫn khỏe mạnh, vẫn bước đi, vẫn đến được nhiều nơi. Nhưng đến với Chúa thì rất ít, vì mỗi khi cần đến với Chúa thì chúng ta bị liệt giường, bị bất toại. Cơn bệnh bất toại của sự lười biếng, của sự ngoan cố trong sai lầm, thì không ai có thể chửa được cho chúng ta, cả Chúa Giêsu cũng đành bó tay, vì chúng ta không muốn và không tin thì làm sao Ngài có thể thực hiện phép lạ cho chúng ta được. Hay là chúng ta tự hào mình vẫn khỏe mạnh để chúng ta hòa nhập với đám đông vây kín cửa nhà không cho người khác vào. Chẵng những thế, nhiều khi chúng ta còn cho rằng người khác không xứng đáng để gặp Chúa, chỉ có chúng ta mới xứng đáng mà thôi. Chính vì thế nhiều khi bằng lời nói, bằng hành động, chúng ta đã làm cho người khác không thể đến gần Chúa được. Mỗi người để ra một phút suy nghĩ xem: bao nhiêu lần chúng ta đưa người khác đến với Chúa thật sự, bao nhiêu lần chúng ta cố gắn vượt qua tất cả mọi trở ngại, mọi khó khăn để biết giúp đở người khác thật sự.

Nhưng để đưa người khác đến được với Chúa thì chính chúng ta cũng phải đến với Chúa, chính bản thân của mình cũng phải thật sự mạnh giỏi, với những bước đi vững vàng.

Để đưa người khác đến với Chúa thật sự, thì chính bản thân chúng ta phải nghe tiếng Chúa nói với chính mình: ''Tội con đã được tha."

Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta, để biết siêng năng chạy đến với Chúa. Xin Chúa cũng ban ơn can đảm cho chúng ta, để chúng ta biết vượt mọi trở ngại của bản thân, của hoàn cảnh mà giúp đở mọi người đến gần Chúa hơn.

1795    14-02-2012 09:18:24