Sidebar

Thứ Tư
22.05.2024

Chúa Nhật XII Thường Niên C

  1. Anh Em Bảo Thầy Là Ai ?
  2. Chúa Nhật 12 Quanh Năm
  3. Chúa Nhật 12 TN C
  4. Đau Khổ Sinh Hoa Trái
  5. Biết Đức Kitô
  6. Người Là Ai ?
  7. Ngộ Nhận
  8. Thầy Là Ai ?
  9. Đức Kitô, Cội Nguồn Sự Hiệp Nhất Của Chúng Ta
  10. Đức Kitô
  11. Thầy Là Ai? Ai Là Thầy?
  12. Hành Trang Theo Chúa: Cầu Nguyện
  13. Sống Vì Mọi Người
  14. Phút Dừng Chân Khẳng Định Căn Tính
  15. Thầy Là Đức Kitô
  16. Chúa Nhật XII Thường Niên
  17. Chúa Nhật 12 Thường Niên


ANH EM BẢO THẦY LÀ AI ?
Lc 9,28-24

Luca đọc đoạn nầy dưới ánh sáng Phục Sinh nghĩa là khi Giáo Hội đã tin chắc chắn Đức Giêsu là Chúa và là đấng Cứu Thế (Kitô). Kitô là từ Hy lạp. Messia là Do thái. Khác nhau. Messia Do thái mang niềm hy vọng Do thái về một vị vua oai hùng giải phóng đất nước Do thái về mặt chính trị. Còn Kitô là đấng Cứu thế được rao giảng cho dân ngoại, không còn hơi hám Do thái. Là Cứu Thế chứ không phải cứu tinh Do thái. Là cho cả thế gian.Do đó Luca bỏ đi những chi tiết có trong Mathêu và Marcô là văn hoá Do thái. Nên chúng ta thấy câu chuyện rất suông sẻ, thoát ra khỏi những khúc mẳc vòng vèo của truyền thống Do thái vg. chuyện Phêrô chưa hiểu vì sau Phục Sinh đã hiểu rất rỏ rồi. Chẳng những đã hiểu mà còn đã tin như đinh đóng cột rồi. Luca viết lại như đã tin. Bài gồm 3 phần rõ rệt:

1/ Tuyên xưng Đức Giêusu là Đấng Kitô mà còn thêm cho rõ là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Không phải của loài người thì càng không phải của Do thái. Cũng không nói là mạc khải của Chúa Cha. Là một tuyên xưng đức tin của Giáo Hội( giả thiết đã hiểu và đã tin chắc chắn nên mới tuyên xưng).(c.20) Giữ lại c. 21 cho bản văn có vẻ nguyên thuỷ là "không được nói điều ấy với ai".

2/ Giải thích Đức Kitô của Thiên Chúa là:

Con Người phải chịu đau khổ......Đức Kitô là người đầy tớ đau khổ của Thiên Chúa theo như Isaia đã tiên báo.Bây giờ đây không phải là loan báo sự thương khó nữa mà ĐG đã chịu thương khó rồi , đã Phục Sinh vinh quang và đang sống. Nên không có chuyện cải lại của Pherô và câu chuyện tiếp theo như trong Mathêu và Marcô. Đây là lời rao giảng cho dân ngoại.

3/ Điều kiện để làm môn đệ theo Đức Kitô: "Ai muốn theo tôi thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo". Theo là vác thập giá mình hằng ngày chứ không phải muốn ngồi tả hữu hoặc được vinh quang nào đó như trước kia mọi môn đệ đều mong ước.

Đức Kitô của tôi cũng phải là Đức Kitô của Thiên Chúa , là Đấng Thiên Chúa sai và làm ý của Thiên trong mọi sự.Xin Chúa Giêsu giúp con xác quyết 'đi theo Chúa là từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo'.

CHÚA NHẬT 12 QUANH NĂM
Lc 9, 18 - 24

Trước khi bắt đầu cuộc hành trình về Núi Thánh, thầy tu viện trưởng dẫn các tu sĩ của mình đến cửa hiệu bán thập giá lớn nhỏ đủ cỡ và nói: " mỗi người hãy chọn lấy cho mình một thập giá để vác trong suốt cuộc hành hương. Các tu sinh chạy nhanh đến tranh nhau chọn cho mình một cây thập giá nhỏ nhất. Khi tất cả đã chọn xong thì còn lại cây thập giá to nhất cho thầy tu viện trưởng! Thầy bước đến, vác lấy cây thập giá đó và bước đi cách nhẹ nhàng. Trong khi đó, vị tu sĩ dành được cây thập giá nhỏ nhất lại vác đi cách nhọc nhằn mệt mỏi...

Câu chuyện vui trên đây nói lên thái độ mỗi người chúng ta đối với thập giá. Chúng ta nói mình yêu mến Chúa, sẵn sàng vác thập giá theo Chúa nhưng trong thâm tâm chỉ muốn có cây thập giá nhẹ nhất, theo ý riêng mình chứ không phải theo ý Chúa. Chúng ta vẫn còn sống theo thói đời, suy nghĩ theo kiểu thế gian, tìm sự dễ dãi hơn là theo Chúa!

Rất nhiều người cậy dựa vào của cải, quyền thế của mình, không muốn vác thánh giá. nhiều người nghèo vẫn đặt của cải, tiền bạc lên hàng đầu, hơn cả Chúa, họ cũng không sống tinh thần nghèo khó! Thế gian không muốn theo ý Chúa và thường bịt mắt làm ngơ trước những lời dạy của Chúa giêsu. Nhiều người trong thế hệ trẻ sống theo thói đời, buông theo dục vọng và cảm tính. Họ giống như những con thiêu thân không ngừng lao vào chỗ nguy hiểm dẫn đến cái chết đời đời mà họ tưởng là con đường sán lạn đem lại hạnh phúc cho mình. Có nhiều người sống theo sự lôi cuốn của người khác, của hàng xóm, của các bạn cùng lứa chứ không có lập trường đúng sai rạch ròi! Nếu gặp bạn tốt thì họ cũng tốt, nếu gặp người xấu thì họ cũng theo cái xấu mà sống.

Chúng ta là những người nghe biết lời Chúa, là người còn thức tỉnh, tuy không hẳn là ngọn hải đăng giúp cho người khác biết đâu là bến bờ hạnh phúc nhưng có thể là ánh nến đủ soi lối cho những người đang ở gần chúng ta: những người trong gia đình, những bạn bè thân thuộc. Chúng ta hãy làm muối ướp cho đời bớt đi những truỵ lạc vì thiếu vị mặn của lòng bác ái chân thành và tinh thần vị tha.

Để hướng dẫn người khác, chúng ta phải mang theo thánh giá Chúa Giêsu và bước đi theo Ngài. Vác thánh giá là từ bỏ ý riêng và sẵn lòng đón nhận ý Chuá. "Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thánh giá mình hàng ngày mà theo. Còn ai không vác thánh giá, chỉ nhắm việc chăm chút thân xác, hoặc chỉ lo đời này thì cũng không giữ được nó. Vì vậy, chúng ta phải lo vấn đề đời sau, đừng sống như những người không biết Chúa.

Chúng ta cần lội ngược dòng đời. Thế gian tìm của cải, nhưng chúng ta tìm hạnh phúc đời đời. Nhiều nơi trên thế giới phân biệt sắc tộc, tôn giáo hoặc phân biệt đối xử, phe phái. Còn chúng ta là con cái Chúa hãy tìm sự công bằng, huynh đệ, bình đẳng, không phải trên môi miệng nhưng bằng lòng bác ái chân thành xuất phát từ lòng yêu mến Chúa là Chân Thiện Mỹ.

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhận ra tình thương của Chúa qua những công việc bổn phận là những thập giá Chúa gởi đến thanh luyện chúng con, giúp chúng con luôn hướng về Chúa và sự sống đời đời.

CHÚA NHẬT 12 TN C
Lc 9, 18 - 24

"Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo"

Hôm nay Chúa Giêsu cũng lại hỏi chúng ta: "Các con bảo Thầy là ai?" (Lc 9, 20).

Câu trả lời có thể là: Ngài là trái đất, là bầu trời xanh, là đại dương bao la, là bài ca, là cơn gió nhẹ ban mai, là thanh âm và hơi thở củ mọi loài sinh vật, là sự rực rỡ của mùa xuân, là nắng hè ấm áp, là những cơn mưa ngâu, là vẻ đẹp lúc sang thu, là cánh tuyết long lanh mùa đông, là ánh bình minh và hoàng hôn. Ngài là ánh mắt và nụ cười của trẻ thơ, là bàn tay êm ái của mẹ hiền, là cánh tay che chở của người cha, là tình huynh đệ của các anh chị em, là sự âu yếm của ông bà nội ngoại, là sự ồn ào tươi vui của bạn bè, là những lời thì thầm yêu đương, là sự ngây thơ của nụ hôn đầu tiên. Ngài là tiếng cầu cứu của trẻ thơ và người già bị bỏ rơi, là cơn đau sầu khổ của người bệnh, là bác sĩ, là niềm hy vọng, là người khách. Ngài là người bạn, là người yêu, là lối đi, là ánh sáng, là cuộc đời, là lời chúc lành, là bóng hình từ ái của người tu sĩ, là sự dịu ngọt linh thiêng trong bí tích Thánh Thể, là Đấng Cứu Độ của tôi. Và còn bao nhiêu trả lời khác nữa.

Thế nhưng, cảm nghiệm về "Chúa Giêsu là ai" trong cuộc đời của mỗi người rất khác nhau. Trong bài Phúc Âm ( Lc 9, 18-24) Chúa Giêsu hỏi các môn đệ "Thầy là ai" để giúp họ biết "họ là ai" trong tương quan giữa họ với Chúa Giêsu. Khi tuyên xưng "Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa" (Lc 9, 20). Phêrô cũng khẳng định ông là môn đệ của Ngài. Vì thế Chúa mới nói cho các môn đệ biết họ cũng phải đi theo con đường đau khổ giống như Ngài. "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9,22-23). Đó là con đường bước theo Thầy Giêsu củangười môn đệ..

Trong bài đọc thứ hai Thánh Phaolô nhắc nhở dân Galát rằng: "Anh em đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Đức Kitô" (Gl 3, 27). Mặc lấy Đức Kitô, hay mặc lấy chiếc áo trắng rửa tội là mang lấy thánh giá giống như Ngài. Đau khổ của thập giá tự bản chất là hình phạt của tội (St 3, 16-19). Nhưng qua Đức Kitô, đau khổ đã trở nên giá cứu chuộc nhân loại, thập giá trở thành Thánh Giá. Thánh Giá với tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh là một hình ảnh giúp chúng ta ý thức về ý nghĩa của sự đau khổ. Chúng ta giữ thân xác khổ đâu của Chúa Giêsu trên thập giá để nhắc nhở chúng ta đừng quên rằng nhờ sự khổ đau của Chúa Giêsu mà chúng ta được ơn cứu rỗi và cùng chia sẻ sự Sống Lại với Ngài (Ga 1, 4; 1Ga 1, 7). Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cây thập giá còn là một nhắc nhở về lời Ngài dạy bảo chúng ta hôm nay: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta" (Lc 9, 23). Thập giá Chúa Giêsu đề cập chính là sự chọn lựa từ bỏ mình để dâng hiến hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa (Rm 6, 13; 12, 1). Từ bỏ những ý kiến, suy nghĩ riêng tư, cả cái tôi kiêu căng, tự ái, ích kỷ, và lòng ham hố danh lợi (Pl 2, 21). "Hãy từ bỏ mình" là con đường tu đức biến đổi đau khổ của thập giá trở thành ơn cứu độ của Thánh Giá mà Chúa Giêsu đã dạy và chết vì yêu thương chúng ta. "Hãy từ bỏ mình" là con đường dài cho đến hơi thở cuối cùng. Con đường đó bắt đầu xem ra có vẻ dễ dàng, nhưng diễn tiến và kết thúc lại vô cùng khó khăn. Để hoàn toàn từ bỏ chính mình như Đức Kitô đã từ bỏ, chúng ta phải học biết cách yêu thương như Ngài đã yêu (Ga 15, 12; Ep 2, 4-6).

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết từ bỏ mọi sự để dứt khoát bước theo Ngài đến cùng. Amen.

ĐAU KHỔ SINH HOA TRÁI
Lc 9, 18 - 24

"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo".

Cậu bé nọ có một con chiên, cậu rất yêu quý và hay chơi đùa với nó. Lần kia, con chiên quẹt phải bụi gai khiến nó mất một mảng lông và bị chảy máu. Cậu bé một mực đòi bố chặt bỏ bụi gai đáng ghét kia đi, vì đã làm đau con chiên của cậu. Nhưng bố ngồi xuống bên cậu, không xa bụi gai lắm và thinh lặng quan sát. Một chú chim nhỏ bay đến đậu trên bụi gai và ngây ngất hót líu lo. Sau đó, nó nhặt một ít lông chiên còn vướng trên bụi gai và bay về làm tổ.

Câu chuyện này có tên là "Đau khổ sinh hoa trái". Đau khổ đâu phải lúc nào cũng là tai ương. Nếu không nói là có lợi nữa. Con chiên mất ít lông, rồi nó sẽ lành lại. Nhưng ít lông bị mất đó sẽ là chiếc tổ ấm áp cho con chim. Đau khổ không phải là đề tài mới mẻ, nhất là trong Phúc Âm, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ đề tài này cùng các bạn. Bởi từ xa xưa cho đến hiện đại người ta ngại nói về đau khổ và chẳng mấy ai tha thiết với nó. Với Kitô giáo nói đến đau khổ là nói đến thập giá. Mà thập giá thì quả là chua cay đắng đót. Ngày nay mà nói đến đau khổ hay vác thập giá có thể gây khó chịu cho một vài người. Với hạng người trần mắt thịt đó điều ấy quả là khờ dại. Nhưng điều điên dại của con người lại là khôn ngoan với Thiên Chúa và chính Thiên Chúa đã dùng chính con đường khó nguy ngập tràn đó để cứu chuộc con người.

Đức Giêsu đã khẳng định: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều" (Lc 9, 22). Đức Giêsu chẳng phải đã chịu đau khổ mới bước vào vinh quang đó sao? Đệ tử không hơn thầy. Nếu Đức Kitô đã chịu đau khổ như thế thì chúng ta không thể có được quang vinh mà thoát qua được khổ đau. Cha linh hướng của tôi nói rằng: "Anh em không thể tránh được đau khổ đâu. Thiên Chúa sẽ kéo anh em cho đến khi anh em đến chân thập giá mới thôi". Còn Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Nếu anh em không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không thể làm môn đệ của Thầy". Lời nhắc bảo này đã đủ cho chúng ta biết. Thập giá có đó. Chúng ta không thể tránh khỏi. Lời thánh Phaolô vẫn còn bên tai chúng ta: "Chúng ta phải chịu nhiều đau khổ mới vào Nước Thiên Chúa" (Cvtđ 14, 22).

Nhưng trớ trêu thay. Chúng ta ngày nay muốn vinh quang mà ngại hy sinh, muốn vào nước trời nhưng không muốn vác thập giá mà theo. Muốn được kho tàng trên trời nhưng không dám bỏ của cải trần gian. Bạn hãy nghe lời kết luận của Thomas à Kempis: "Chúa Giêsu luôn có nhiều người yêu mến Nước Trời nhưng ít người muốn vác thập giá. Chúa có nhiều người mong muốn an ủi, nhưng ít người muốn thử thách. Chúa tìm thấy nhiều người muốn ngồi dự tiệc với Người nhưng ít người muốn ăn chay. Tất cả đều muốn hạnh phúc với Người nhưng ít muốn chịu đau khổ vì Người. Nhiều người theo Chúa đến chỗ bẻ bánh, nhưng ít người muốn uống chén đau khổ của Người. Nhiều người tôn sùng phép lạ nhưng ít người tôn sùng thập giá". Ngày nay, người ta chẳng còn yêu chuộng sự đau khổ nữa. Người ta không muốn nói về hy sinh, khổ chế. Cho nên người ta muốn đi tìm những gì là nhanh, lẹ, thoải mái, êm dịu, dễ giải, thịnh vượng, hạnh phúc, tiến bộ. Và như thế những gì là rủi ro, bệnh tật, thất bại, tuyệt vọng, chán chường thì phải tránh bằng mọi giá.

Tuy vậy, nói như thế không có nghĩa là phía trước chúng ta chỉ toàn những đớn đau, vết thương, khó nhọc mà chúng ta phải chấp nhận một cách vô điều kiện. C. S Lewis viết: "Kitô giáo không lấy đi sự khó khăn của đời sống, nó chỉ đem lại một lý do để chịu đựng khó khăn ấy". Thập giá có cho người khác thì cũng có cho chính bạn. Thiên Chúa không ưu tiên cho bạn hơn người khác. Thế nhưng, nếu bạn không dành cho thập giá một tình yêu thì thập giá thật sự nặng nề. Khi bạn cho rằng đó là cơ hội để bạn chịu đau khổ và nên giống Chúa Kitô thì thập giá là niềm hạnh phúc. Chấp nhận đau khổ theo Đức Giêsu còn là một điều phúc (x. Mt 5,5). Chấp nhận đau khổ, nhất là với một tinh thần tự ý còn là một thình thức sám hối hữu hiệu. Đau khổ mang giá trị thanh tẩy thật, giúp tâm hồn dễ dàng tiến triển trên con đường nhân đức. Đau khổ là cách thể tuyệt vời để luyện tâp tâm tính như Raymond Offner đã nói: "Đau khổ làm cho người ta trở nên khôn ngoan sáng suốt hơn". Chúa chỉ thử thách những người chúa thương và muốn cho họ nên nghĩa thiết với Người trọn vẹn. Nên vấn đề ở đây không phải là tìm cách để loại trừ thập giá nhưng là tìm phương thế để vác lấy nó, mà vác cho có hiệu quả nữa.

Mỗi người sẽ có thập giá riêng, nặng nhẹ khác nhau. Niềm hy vọng nơi Tin Mừng Chúa phục sinh là nguyên cớ để chúng ta can đảm vác thập giá. Qua thập giá chúng ta hoàn tất cuộc đời mình và tìm được hạnh phúc vĩnh cửu, như lời khuyên của Padre Pio: "Sự từ bỏ chính mình không phải là món quà chúng ta dâng cho Chúa, nhưng là để Chúa làm nhiều hơn cho chúng ta". Hay nói như Đức cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận: "Tránh đau khổ con đừng mong làm thánh". Vì Đức Kitô, qua Đức Kitô và nhờ Đức Kitô mà chúng ta chịu trăm ngàn thử thách ở đời này.

BIẾT ĐỨC KITÔ
Lc 9, 18 - 24

Anh chị em thân mến.

Đọc các sách Tin Mừng, nhiều lần ta thấy được điều này là sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ thì thường khi Chúa cấm không cho người ta nói về phép lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện. Vì sao thế? Có phải Chúa sợ người ta sẽ ùn ùn kéo đến xin Chúa làm phép lạ? Có phải Chúa sợ người ta tin vào Chúa hay còn một điều gì khác mà Chúa cần phải từ từ tỏ lộ? Các bài đọc Chúa nhật hôm nay ta sẽ thấy được đâu là sứ mạng của Đấng Cứu Thế mà Chúa Giêsu đang đảm nhận, một Đấng Cứu Thế thể hiện tình yêu của Thiên Chúa qua con đường tự hạ, con đường thương khó không như Vì Cứu Thế theo suy nghĩ của bao người Do Thái.

Bài Tin mừng theo thánh Luca (Lc 9, 18- 24) được Giáo hội cho chúng ta đọc hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem người ta nhận Ngài là ai cũng như Ngài muốn các môn đệ nhận Ngài là ai sau khi đã có một thời gian dài cùng các môn đệ bôn ba đi rao giảng. Dân chúng thì mỗi người mỗi khác, có người cho rằng Ngài là ngôn sứ Elia, có người cho rằng Ngài là Giêrêmia hay một ngôn sứ nào đó. Tuy nhiên Chúa Giêsu muốn các môn đệ nói lên ý kiến của mình xem họ nhận Ngài là ai? Phêrô trả lời thay cho toàn thể môn đệ "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa". Đến đây, thánh Luca ghi rất rõ là "nhưng Chúa Giêsu nghiêm giọng truyền cho các ông không được nói điều ấy với ai và Ngài tiên báo Ngài sẽ bị loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy". Phải chăng Chúa Giêsu cấm các môn đệ nói ra điều đó vì Ngài không phải là Đấng Kitô. Tại sao được các môn đệ nhìn nhận đúng với thực tế như vậy mà Chúa Giêsu lại cấm. Muốn hiểu điều này ta hãy giở lại bài đọc một sách tiên tri Dacaria, tiên tri Dacaria tiên báo Vị Cứu Thế được Thiên Chúa ban cho nhân loại là Vị Cứu Thế bị giết chết, bị đâm thâu. Như thế Chúa Giêsu không muốn cho các môn đệ loan báo sứ mạng của Ngài là vì quan niệm của dân chúng khi đó chưa thể đón nhận được Đấng Cứu Thế chịu đau khổ. Ngay cả Phêrô còn không chịu nổi đã cản lối Thầy khi Chúa Giêsu loan báo Một Đấng Cứu Thế chịu đau khổ. Theo người Do Thái Đấng Cứu Thế phải là một Đấng giải phóng, một đấng uy hùng mạnh mẽ đứng lên tập họp dân chúng đánh trả quân Rôma đang đô hộ đất nước họ và cũng sẽ là đấng thôn tính muôn dân tộc trên trái đất. Trong bài Tin mừng hôm nay ta thấy rõ sau khi không muốn cho các môn đệ nói về Đấng Mêsia thì ngay lúc ấy Chúa Giêsu tiên báo cuộc thương khó. Đấng Cứu Thế thật là Đấng Cứu Thế giải phóng con người khỏi tội lỗi, khỏi sự chết giải phóng con người khỏi những gì còn lớn lao hơn nhiều so với tư tưởng của người Do Thái có được.

Mỗi người chúng ta hôm nay, chúng ta nhận được ơn cứu độ nơi Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Chúng ta tin chắc rằng Ngài là Đấng Cứu Thế của chúng ta, Ngài đã mở đường để chúng ta theo Ngài mà chiến thắng. Con đường Ngài đi là con đường hy sinh tự hạ. Để theo được Ngài hãy nghe lời Ngài mời gọi "Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo". Nghe lời Thầy Chí Thánh mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy thực hiện việc bỏ mình. Bỏ mình là một việc thật là khó đối với hay tự cao tự đại như chúng ta, bỏ mình đòi hỏi phải quên bản thân mình, không còn coi mình là trung tâm, là nhất nữa. Thay vào đó là cố gắng thực hiện ý Chúa trong đời sống của mình. Vác thập giá mình, bỏ mình thôi thì chưa đủ nhưng còn phải thực hiện ý Chúa là vác thập giá mình, là đón nhận những khó khăn khốn khó của bản thân mình. Đón nhận tất cả với một lòng tin tưởng sâu xa. Chúa có cách của Chúa để dẫn đưa con cái Chúa theo Chúa. Hãy phó thác cho Chúa cho dù trong cuộc đời chúng ta có những lúc như mờ tối, như vắng bóng Thiên Chúa. Hãy tin rằng Chúa luôn luôn bên ta, nâng đỡ ta mọi nơi mọi lúc.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng hơn về Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu Độ của chúng ta. Ngài không phải là một Thiên Chúa vô cảm, xa vời nhưng là Thiên Chúa gần gũi, yêu thương đã gánh vác những đau khổ của chúng ta, đã chia sẻ những nỗi đau khổ mà con người phải gánh chịu vì nguyên tội, Ngài đem tất cả đóng vào Thập giá để từ đây những ai muốn theo Ngài cũng phải biết qua con đường Thập giá thì cũng sẽ được chiến thắng như Ngài.

NGƯỜI LÀ AI ?
Lc 9, 18 - 24

Sau một thời gian thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó, nhất là sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, bấy giờ trong bầu khí ấm áp Chúa Giêsu muốn biết cảm nhận của dân chúng về mình. Người hỏi các ông: "Dân chúng nói Thầy là ai?". Đồng thời, Người cũng muốn biết các Tông đồ cho mình là ai. "Người lại hỏi: Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?". Cùng một câu hỏi nhưng đã có nhiều cảm nhận khác nhau. Các ông thưa: Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.... Còn ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa".

Thánh Phêrô đã nói lên bản tính thật của Chúa Giêsu. Vì yêu thương, mà Thiên Chúa đã ban chính Con Một mình xuống thế làm người trong thân phận thấp hèn để chịu khổ hình thập giá hầu cứu chuộc chúng ta. Có thể có những lúc chúng ta cảm thấy khó chịu hay mặc cảm vì Chúa của mình. Người có dư khả năng dùng quyền lực để thực hiện chương trình cứu độ chứ. Để rồi Đấng chúng ta tôn thờ phải là một Đấng oai quyền. Đằng này chúng ta lại tôn thờ một Đấng chịu đóng đinh một cách tủi nhục trên cây thập giá.

Có một câu chuyện kể rằng: "Ngày nọ, một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học. Điều cậu bé sợ đã thành sự thật, mẹ cậu bé nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên chủ nhiệm gặp mẹ cậu bé và cậu rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình. Mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi mẹ mình tại sao bị vết sẹo lớn vậy.

Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt, nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào một góc tránh mặt mọi người. Ở đó, cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo. "Làm sao chị bị vết sẹo như vậy trên mặt?" Cô giáo của cậu hỏi. Người mẹ trả lời, "Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì lửa bốc lên. Mọi người đều sợ không dám vào vì ngọn lửa đã bốc lên quá cao, và thế là tôi chạy vào. Khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó và tôi vội vàng lấy mình che cho nó. Tôi bị trúng ngất xỉu nhưng thật là may mắn là có một anh lính cứu hỏa đã vào và cứu cả hai mẹ con tôi." Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt. "Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho tới ngày hôm nay, tôi chưa hề hối tiếc về điều mình đã làm. "Đến đây, cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu bé ôm lấy mẹ mình và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.

Tấm lòng của người mẹ này phải chăng phần nào diễn tả chính tấm lòng của Chúa Giêsu dành cho con người chúng ta. Vậy chúng ta hãy chân thành cảm tạ Chúa Giêsu. Chúng ta hãy sống trong tâm tình biết ơn Người bằng cách thực hiện những lời Người dạy. Đó là điều làm đẹp lòng Chúa nhất.

NGỘ NHẬN
Lc 9, 18 - 24

"Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta." (Lc 9, 23)

Trong phim "Quo Vadis" có kể : khi cơn bắt đạo tại Rôma đã lên cực điểm, thánh Phêrô theo lời anh em khuyên, liền đi ra vùng ngoại ô để lánh nạn. Đang trên đường đi, Phêrô thấy Chúa hiện ra vác thập giá đi nguợc lại phía mình; Phêrô hỏi Chúa: Quo vadis, Domine? Lạy Chúa, Chúa đi đâu vậy? Chúa trả lời: Ta đi vào Rôma, để chịu đóng đinh một lần nữa thay cho con... Phêrô nghe vậy liền tức tốc trở lại Rôma, ở đó... ông đã lãnh triều thiên tử đạo. Đây là câu chuyện trong tiểu thuyết Quo vadis, đã được dựng thành phim. Câu chuyện này có hay không, xem ra không cần bàn; có điều câu chuyện này nói lên đúng đắn giáo lý của Chúa Kitô: người là Đấng Cứu thế của Thiên Chúa gởi đến, không chỉ là hình ảnh của một vị anh hùng tầm thường của của nhân loại. Bài TM hôm nay nói rõ điều đó.

a. Chúa Kitô, Ông là ai? Nhân loại nghĩ Người là ai?

Ngay cả ngày hôm nay, nhân loại cũng không hiểu bao nhiêu về Chúa Kitô; cùng lắm chỉ hiểu lỏm bõm như lời các tông đồ trả lời cho Chúa: người ta nói Thầy là Gioan tẩy giả, hay một tiên tri nào đó... Ngày nay, cứ trong 7 người, thì có một người tin Chúa; dù vậy trong 7 người này, thực sự hưa hẳn họ biết rõ về Thiên Chúa cả đâu. Xã hội hôm nay, có rất nhiều hạng người cho rằng mình biết Chúa kitô: 1. trước tiên, người không tin gì hết, thì cho rằng Chúa chỉ là một ý niệm do người ta thêu dệt mà thôi - 2. Người thích làm cách mạng, thì cho rằng Chúa là một nhà cách mạng, vì Chúa muốn biền đổi thế giới - 3. người Cao Đài cho Chúa Giêsu chỉ là bậc thánh nhân - 4. người không tin gì cả thì cho Chúa Giêsu là một nhà triết gia dạy người ta sống tốt ở đời. -5. có mấy ai tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi , để được sống thật trong chân lý và bình an; thứ Chân lý, bình an này thế gian không bao giờ ban cho được...

a. Chúa Kitô, Ông là ai? Kitô: tiếng hi lạp là Christos, có nghĩa là Đấng Cứu tinh, Cứu thế, Đấng được xức dầu. Tiếng Do thái là: Meshia: Đấng Thiên sai, giải thoát toàn dân.

Người Do thái, theo Lời Hứa trong Cựu Ước, họ sẽ đón nhận Đấng Meshia; vì thế họ thường mơ có một vị như David thứ 2 xuất hiện, một vị cứu tinh, một thủ lãnh tối cao, Đấng chăn dắt Israel, như một vị Vua oai hùng luôn thắng trận trong mọi cuộc chiến... Hình ảnh một Vị Cứu tinh, một Đấng Cứu thế trong đầu của mọi người Do thái là như thế. Chính vì vậy khi Chúa Kitô nói rõ cho mọi người được biết: Đấng Cứu thế của Thiên Chúa, chính là Người Tôi tớ đau khổ của Giavê trong sách tiên tri Isaia - chính là Con chiên vô tội, không tỳ vết, bị người ta đem đi làm thịt mà không hề hé môi, dù đó là Con Chiên gánh lấy tội trần gian. Chúa còn nói mạnh hơn: Đấng đó sẽ bị người Do thái loại bỏ, bị hành hạ và giết đi, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại.... Nhưng người Do thái đã không hiểu

Chúa Giêsu đã tiên báo như thế; chính các môn đệ cũng đã nghe, nhưng cũng không hiểu, vì thế thánh Phêrô còn khuyên can Chúa và cầu xin cho Người khỏi phải chịu cảnh như vậy. Chúa đã quở trách Phêrô nặng lời và còn gọi Phêrô là satan, cản trở công việc của Chúa.

c. Gợi ý sống và chia sẻ:

Trần gian không tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế có khả năng cứu vớt, giải phóng con người. Phần chúng ta là Kitô hữu, là môn đẽ Chúa Kitô, ta có tin không? Đấng Cứu thế mà chúng ta tin, không phải là một anh hùng dân tộc, đánh đông dẹp bắc, nhưng là một Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa, luôn vâng phục, khiêm tốn; chính nhờ đó mà nhân loại được cứu chuộc, được ơn tha thứ.

THẦY LÀ AI ?
Lc 9, 18-24
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Đi theo Chúa Giêsu, Người Thầy tuyệt hảo, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ về mọi phương diện. Ngài đã huấn luyện, giáo dục các môn đệ. Để minh chứng cho lời nói của Ngài, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ, đã dạy giáo lý, đã làm chứng cho Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ngài vừa nói vừa làm để uốn nắn, hun đúc các môn đệ và để đào tạo các môn đệ trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh. Sau khi ở với Chúa một thời gian tương đối lâu dài, Chúa đã nghe nhiều dư luận của quần chúng nhân dân nói về Ngài. Có người bảo Ngài là Êlia, người khác bảo Ngài là Gioan Tẩy Giả, nhưng lại có dư luận cho Ngài là một vị ngôn sứ nào đó...Tất cả đều con mơ hồ về Con Người, về lai lịch của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn biết quan điểm và các môn đệ nghĩ Chúa là ai ?

Thực tế, có rất nhiều luồng dư luận nói về Chúa Giêsu. Tất cả các nguồn, các luồng dư luận về con người của Chúa đều còn mơ hồ và chỉ đúng một khía cạnh nào đối với Chúa Giêsu mà thôi. Đối với đám đông dân chúng này, Chúa Giêsu chỉ là một ngôn sứ thần thế nào đó, có sứ mạng lớn lao để dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến trần gian, còn Chúa Giêsu vẫn chưa phải là Đấng Cứu Thế muôn dân hằng mong đợi. Còn các môn đệ, những người sống gần gũi với Chúa Giêsu, những người thân tín với Chúa, những người phải xác tín, cảm nghiệm và nhận ra Đấng Cứu Thế...Các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu thật là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa phải đến. Chính Phêrô đã mạnh mẽ, không úp mở, tuyên xưng rõ ràng, cụ thể: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa ". Đây là lời mặc khải bởi vì lời này phát xuất từ cõi lòng, từ đức tin sâu xa của Phêrô dưới sự soi sáng, dưới mặc khải của chính Thiên Chúa. Phêrô và các môn đệ hoàn toàn khác với đám dân, các Ngài tin thật Chúa là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế phải đến trong thế gian. Ngài không chỉ là Đấng dọn đường cho Đấng Thiên Sai như đám đông quần chúng nhân dân nghĩ và nói ra.

Chúa Giêsu đã xác nhận lời tuyên xưng đức tin của Phêrô và các môn đệ. Ngài minh chứng Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Ngài không hứa bất cứ điều gì với các môn đệ như cho các Ngài giầu có, cho các Ngài được vinh dự nơi thế gian, nhưng Ngài đã loan báo cho các môn đệ :" Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy ".

Còn các con nghĩ Thầy là ai ? - Đây là câu hỏi về sự quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu. Một câu hỏi và một câu trả lời đòi hỏi lương tâm của mỗi người. Chúng ta theo Chúa Giêsu, nhưng liệu cuộc sống của chúng ta và thái độ của chúng ta có nói lên Chúa đang hiện diện trong chúng ta, và chúng ta có minh chứng, xác nhận cho mọi người biết Chúa đang ở trong chúng ta. "Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi" không? Chúa Giêsu khi loan báo cuộc thống khổ và Phục sinh của Ngài là muốn kiểm chứng tính quan hệ giữa Ngài và các môn đệ. Vâng, nếu người ta chỉ nghĩ Chúa Giêsu là một Luật sĩ hay là một ngôn sứ thì giáo huấn của Ngài là điều quan trọng nhất, nhưng đàng này Ngài là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế thì Con Người và Mầu Nhiệm của Ngài là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, câu hỏi của Chúa Giêsu: "Các con nghĩ Thầy là ai?", không phải là câu hỏi tò mò, một câu hỏi bình thường nhưng Chúa Giêsu muốn kiểm chứng quan hệ đích thực, sâu xa của các môn đệ.

Để có thể biểu hiện, chứng tỏ chúng ta là Kitô hữu, cuộc sống, cử chỉ, thái độ của chúng ta, có cho người khác nhận ra chúng ta là người môn đệ của Chúa, có Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa hay không ? Muốn chứng tỏ chúng ta có Chúa và Chúa ở trong ta, chúng ta có sống đúng Tin Mừng nghĩa là chúng ta phải xóa bỏ những gì là ích kỷ, nhỏ nhen, căm ghét và cố gắng sống quảng đại, yêu thương, cảm thông và tha thứ với mọi người.

Lạy Chúa như các môn đệ xưa, chúng con xin thưa với Chúa :" Bỏ Chúa chúng con biết theo ai vì Chúa mới có Lời ban sự sống đời đời. Xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con xác tín và tuyên xưng mạnh mẽ :" Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống ". Amen.

ĐỨC KITÔ, CỘI NGUỒN SỰ HIỆP NHẤT CỦA CHÚNG TA
Lc 9, 18-24
Lm Jude Siciliano OP
Đôi khi Đức Giêsu được những thành viên của nhiều nhóm đạo đức gọi là Rabbi. Nhưng Người là một kiểu thầy dạy khác lạ. Trong Tin mừng theo thánh Mátthêu, chúng ta nghe thấy rằng Người giảng dạy không như những những vị khác đã dạy, nhưng "Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư" (7, 28-29).

Một trong những cách thức các thầy Rabbi dạy là đặt câu hỏi. Những vị thầy giỏi thì đặt những câu hỏi sao cho hướng đến những câu trả lời của người hỏi đặt ra hơn là chỉ cho họ câu trả lời. (Có câu nói đùa rằng: một sinh viên hỏi Rabbi, "Thưa Rabbi, tại sao thầy luôn trả lời bằng một câu hỏi khác?" Vị Rabbi trả lời, "Thế tại sao tôi không nên trả lời bằng một câu hỏi?")

Nếu Rabbi đưa ra câu trả lời, thì đó là câu trả lời của thầy. Nhưng nếu thầy hỏi câu hỏi đúng, thì ông có thể có một câu trả lời khác và câu trả lời của đồ đệ được ghi nhớ và được tiếp thu. Thêm nữa, nếu Rabbi đưa ra câu trả lời thì vấn đề đã được xác định rồi. Nhưng nếu câu hỏi khác được hỏi thì vấn đề tiếp tục được mở rộng cho việc tìm kiếm và khám phá thêm. Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu hỏi các các môn đệ một câu hỏi quan trọng. Người không đưa ra câu trả lời, nhưng cho họ thời gian và thêm kinh nghiệm để tìm ra câu hỏi của riêng họ.

Khởi đầu Tin mừng của mình, tác giả Luca thuật lại việc cha mẹ Đức Giêsu tìm kiếm Người sau khi họ phát hiện ra Người không cùng đi với họ trong đoàn hành hương từ dịp lễ Vượt qua ở Giêrusalem. Sau ba ngày tìm kiếm, họ thấy đứa con trai 12 tuổi của mình trong đền thờ, "đang ngồi giữa các thầy dạy, nghe và hỏi họ" (2,46).

Khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ: "đám đông bảo thầy là ai?" Họ đã ở với Người một thời gian và đã thấy và đã nghe khi Đức Giêsu nói những nhu cầu của dân chúng, dạy đám đông và đối đáp trước những tấn công từ nhóm đạo đức. Những lời đáp đầu tiên của họ với Đức Giêsu được rút ra từ những điều họ đã quan sát và đã nghe người khác nói.

Thế rồi, Đức Giêsu đưa ra câu hỏi, "Còn anh em bảo Thầy là ai?" Câu hỏi của vị Thầy đòi hỏi các môn đệ trở về lòng mình, rút ra từ những kinh nghiệm ở cùng Đức Giêsu và rút ra quyết định của riêng mình. Phêrô đáp thay cho cộng đoàn: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa". Câu trả lời của ông không chỉ là một chút thông tin để mang theo trong cả phần đời còn lại. Ông sẽ có Đức Kitô hằng sống với ông và sẽ có thêm cho kinh nghiệm, sự hấp thụ và hành trình. Câu hỏi của Đức Giêsu sẽ luôn gắn chặt trong trí nhớ và ý thức của ông và ông sẽ phải trở lại lòng mình để trả lời nó nhiều lần nữa khi ông biết hơn về "Đấng Kitô của Thiên Chúa".

Dù cho lời đáp của Phêrô đúng, nhưng ông sẽ phải củng cố nó cách quyết liệt để hợp với những sự kiện bi thảm sẽ nảy sinh khi ông tiếp tục theo Đức Giêsu. Đối với ông và các môn đệ khác "Đấng Kitô của Thiên Chúa" nghĩa là người cai trị đầy quyền lực sẽ lãnh đạo dân Israel và đánh đuổi người Rôma. Nhưng Đức Giêsu phá tan khái niệm đó khi Người khiển trách các môn đệ. Người hướng sự ám chỉ đến chính mình từ "Đấng Kitô của Thiên Chúa" đến "Con Người".

Bài tin mừng nằm trước bài Tin mừng hôm nay thuật lại phép lạ hóa bánh cho 5000 người ăn (9,10-17). Cách trình bày này hẳn sẽ đề nghị các môn đệ rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia hằng được mong đợi, "Đấng Kitô của Thiên Chúa". Cuối cùng, đây là Đấng Mêsia bắt đầu một thời đại mới. Điều này đủ thực, nhưng Đức Giêsu thêm rằng người ta chỉ vào được thời đại mới này khi họ có tình yêu hy sinh - sự hy hiến này đã được Đức Giêsu thực hiện trên thập giá. "Rồi Đức Giêsu nói với mọi người..." - Đức Giêsu đưa ra một lời mời gọi phổ quát cho bất kỳ ai khao khát chấp nhận nó. Nhưng những ai chấp nhận phải dám từ bỏ tất cả: tham vọng, những cách thức nhận biết tha nhân, những ưu tiên hằng ngày, những thói ích kỷ của họ - cuộc sống của họ chính là thế!

Nghe lời đáp của Phêrô Đức Giêsu hướng sự ám chỉ đến chính mình từ "Đấng Kitô của Thiên Chúa" tới "Con Người". Trong các Tin mừng, thuật ngữ này ám chỉ đến Đức Giêsu. Đây là một danh hiệu ưa thích dành cho Đức Giêsu trong Tin mừng Luca và mang các tầng ý nghĩa. Trước hết, đơn giản nó có nghĩa là "con người". Nhưng nó cũng là danh hiệu thiên sai được dùng 70 lần trong Tin mừng nhất lãm và 12 lần trong Tin mừng Gioan. Nó xuất hiện trong sách Đaniel (7,13) để mô tả "ai như con người", đại diện cho dân Israel mới và hiện ra trên mây trời để nhận vương quốc từ Đấng Lão Thành. "Con Người" được dùng thường xuyên qua các sách Tin mừng và thường ám chỉ sự vượt qua và cái chết - như trong bài Tin mừng hôm nay.

Sau khi Đức Giêsu phục sinh, Phêrô sẽ mở rộng câu trả lời của ông cho câu hỏi của Đức Giêsu. Trong chương 3 quyển thứ 2 của Luca, Công vụ tông đồ, sau khi Phêrô và Gioan chữa trị người què ở cổng Đền thờ (3,1-26), Phêrô nói với đám đông và ám chỉ Đức Giêsu như: tôi tớ của Thiên Chúa, Đấng Thánh và Đấng Công Chính, Tác giả của Sự sống, và Đấng Mêsia. Rõ ràng trong các sách Tin mừng, Phêrô có nhiều thiếu sót và những hành động sai lầm, nhưng nhờ kết quả của việc Đức Giêsu phục sinh và quà tặng của Thánh Thần, cuộc đời Phêrô đã thay đổi. Lời đáp của ông cho câu hỏi của Đức Giêsu tăng trưởng vì những sự kiện làm thay đổi cuộc sống nhờ vào sự vượt qua và sự phục sinh của Đức Giêsu.

Kinh nghiệm của Phêrô dạy rằng chúng ta không thể dùng câu trả lời của người khác để trả lời cho câu hỏi mà Đức Giêsu đã hỏi các môn đệ và tiếp tục hỏi chúng ta, "Còn anh em bảo Thầy là ai?" Câu hỏi này đòi chúng ta phải trả lời mỗi ngày. Chúng ta trả lời câu hỏi này bằng những quyết định mà chúng ta có liên quan đến chọn lựa của các bạn bè chúng ta; chúng ta sử dụng thời gian của mình ra sao; đầu tư cho các nguồn của chúng ta; đối xử với tha nhân, đặc biệt ý nghĩa tối thiểu; một sự sẵng sàng để được nhận biết như các môn đệ Đức Kitô; và sự thực hành từ chối bản thân trước của cải của người khác.

Đức Giêsu hứa trong quá trình từ bỏ cuộc sống hằng ngày của mình, chúng ta sẽ tìm lại được. Thế gian khuyên chúng ta tìm kiếm lợi lộc riêng mình, cẩn trọng và tìm kiếm bằng nỗ lực tối thiểu. Tôi đang giữ lại cho bản thân những gì? Tại sao? Đức Giêsu đòi hỏi sự rủi ro và lòng quảng đại khi người khác cần đến mình. Ở chỗ khác có nói hạt giống được tích trữ sẽ mục nát. Đó không phải sự tối thiểu mà tôi có thể làm - nhưng là hết khả năng.

Đức Giêsu không phải là người thích đau khổ, việc chọn đau khổ vì mục đích đau khổ. Hơn thế nữa, có lẽ được hướng dẫn bởi những ngôn sứ như Dacaria (trong bài đọc 1), Người đã nhận ra vai trò thiên sai như một người bị ruồng bỏ, đau khổ và thập giá. Người dạy cho Phêrô biết khái niệm về Đấng Mêsia. Đấng Mêsia sẽ phải đau khổ và trong hành động cũng dạy cho chúng ta cách thức để theo Người bằng cách sống cuộc đời của chúng ta. Theo Đức Giêsu làm cho chúng ta mở ra với cùng cách đối xử mà thế thế gian đã gây ra cho Người. Tuy nhiên, nó không kết thúc bằng cái chết, nhưng trong sự chung chia trong sự phục sinh và sự sống mới của Đức Giêsu.

Tín hữu Galat đề nghị cách thức những ai cùng với đời sống mới mà Đức Giêsu trao tặng, phải nhìn chính họ và thế giới. Khi chúng ta chịu thua thiệt như các môn đệ và đón nhận thập giá của Đức Kitô, thì chúng ta đã bước vào mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa và với cả người khác. Vì đời sống mới, chúng ta sẽ thấy được giá trị của mỗi và mọi người. Đó là lý do chúng ta được Đức Giêsu gọi để thể hiện sự ưa thích tối thiểu. Vì Đức Giêsu chúng ta chia sẻ cách ngang bằng như con cái của Thiên Chúa. "Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô"
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Vò Vấp

ĐỨC KITÔ
Lc 9, 18-24
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Truyện cũ: Có một người kia được Chúa cho vác một cây thập giá. Nhưng anh ta không kham chịu, anh đến xin Chúa cho đổi cây thập giá khác. Chúa bằng lòng: Ngoài nghĩa địa có vô số thập giá đủ loại. Con cứ ra đó, muốn chọn cây nào tùy thích. Dưới ánh trăng mờ trên nghĩa địa, anh ta đã thở phào nhẹ nhõm vất cây thập giá của mình và loay hoay chọn cây khác. Nhưng anh tìm mãi vẫn không được: Có cây thì qúa dài, cây thì qúa ngắn, có cây nhẹ nhàng nhưng sù xì khó vác, có cây trơn tru nhưng nặng qúa... Và rồi đêm nào cũng thế, cho đến một lần kia, anh tìm được cây thập giá vừa ý nhất, nhẹ nhàng và êm ái, anh vác thập giá đó về nhà. Nhưng hỡi ôi, khi nhìn kỹ lại, thì ra đó chính là cây thập giá đầu tiên mà Chúa đã trao cho anh ngày nào!

Tiên tri Zacharia thi hành sứ vụ tại Giêrsalem vào khoảng năm 520-518 trước Công Nguyên. Sau cuộc lưu đầy ở Babylon, tiên tri đã trở về Giêrusalem cùng thời với Zerubbabel. Quan niệm thần học của Zacharia chú ý đến chức vụ tư tế và xây dựng lại đền thờ. Khai mạc một thời kỳ mới trong sự thịnh vương và vinh quang cho Giêrusalem. Tiên tri đã tiên báo về thánh thánh và về Đấng sẽ cứu chuộc Dân Người: Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng (Zach 12, 10). Zachariah đã hình dung thấy sự đau khổ và sự chết của Đấng Cứu Thế.

Chúa Kitô xuất hiện trong lịch sử nhân loại một cách rất âm thầm. Ngài nhập thể và nhập thế để trở nên giống như mọi người. Chúa ra rao giảng và kết thân với những người đơn sơ thanh bần. Một cách khiêm hạ hòa trộn chung sống với những người chài lưới, thất học. Tuy nhiên qua cung cách giảng dạy đầy uy quyền của Chúa, nhiều người đã tin theo. Họ đi theo Chúa. Họ tin vào Chúa nhưng chưa nhận biết rõ Chúa là Đấng nào. Hình dáng bề ngoài giống như một tiên tri, một thầy dạy và một sứ giả tin mừng. Chúa đã dạm hỏi các môn đệ: "Còn anh em , anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa."(Lc 9, 20). Đấng Kitô bao hàm một ý nghĩa sâu thẳm. Chính Phêrô cũng không hiểu rõ. Đấng Kitô là Đấng được Xức Dầu loan báo Năm Hồng Ân. Ngài là Con Thiên Chúa giáng trần. Ngài là Đấng trung gian giữa trời và đất. Ngài là Đấng cứu độ trần gian.

Đấng Kitô hiện hữu từ đời đời. Đã hạ thân làm người trong thời gian và không gian. Ngài đã đồng hành với con người thời đại một cách rất kiên nhẫn. Đấng Kitô là Ngôi Lời và là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan thông suốt đã đối diện với sự nông cạn, hẹp hòi và ích kỷ của con người. Ngôn ngữ loài người rất giới hạn để Ngài mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Chúa đã thực hiện những phép lạ để nói lên quyền năng vô hạn của Ngài. Uy quyền đó có thể thay đổi mọi sự theo ý muốn của Ngài. Trong khi trí khôn hiểu biết của con người phàm trần còn u mê và giới hạn. Một biển cả mênh mông làm sao có thể chứa trong một lỗ còng cỏn con. Mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ muôn loài vượt trên tất cả sự suy tưởng của con người, làm sao hiểu thấu. Kiêu căng không chấp nhận sự cao siêu, nên nhiều người tìm cách chối từ. Có nhiều người đã từ chối chính Đấng đã dựng nên mình.

Chỉ cần một phép lạ thay đổi bản thể sự vật đáng làm cho chúng ta suy nghĩ và chìm đắm trong ân sủng của Thiên Chúa. Có nhiều người tìm cách chế diễu và nhạo cười những người tin vào quyền năng Thiên Chúa. Truyện kể: Trong một cuộc họp, một giáo sư vô thần chứng minh Chúa Kitô chỉ là một anh phù thủy. Khi đó, ông có một ly nước trước mặt. Ông bỏ vào một thứ bột và nước liền hóa ra mầu đỏ. Ông nói: Đó là một phép lạ. Đức Kitô đã giấu trong tay áo một thứ bột giống như bột này. Ông nói tiếp: Ngài đã làm phép lạ khi biến nước thành rượu theo cách này. Hãy xem đây, tôi còn làm những chuyện lạ hơn Đức Kitô nữa: Tôi biến rượu thành nước lã. Rồi ông đổ một thứ bột khác vào nước, nước đổi ra mầu trắng, rồi lại đỏ như trước với thứ bột khác. Một Kitô hữu đứng dậy nói: Thưa ông, ông thật giỏi. Nhưng tôi xin ông hãy uống thứ rượu đó, thứ rượu ông vừa làm phép lạ xem sao? Ông ta không dám uống vì đó là chất hóa học độc hại. Người Kitô hữu nói tiếp: Thưa quí vị, đó là sự khác biệt giữa Chúa Kitô và ông giáo sư này. Với rượu nho của Ngài. Ngài đã rót cho chúng ta 2000 năm hoan lạc rồi.

Qua nhiều thời đại, con người vẫn luôn tìm cách loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Họ muốn hoàn toàn làm chủ đời mình nhưng họ đã hoàn toàn bất lực và bó tay với sức tàn của hơi thở sự sống. Chúa cất hơi thở là họ sẽ trở về hư không. Thiên Chúa vẫn luôn hiện hữu từ đời này sang đời khác. Vũ trụ và muôn loài cũng hiện hữu trong sự xoay vần và thay đổi luôn. Sự có mặt của mỗi người ở trần gian chỉ trong khoảnh khắc của thời gian và không gian. Sự hiện hữu của con người ví như một hạt bụi hay một giọt nước trong đại dương nay còn mai biến mất. Sự có mặt của con người cũng chẳng làm thay đổi được sự hiện hữu của vũ trụ vạn vật. Đời sống con người như hoa sớm nở tối tàn thôi. Từ hư không, Thiên Chúa ban cho sự sống hiện hữu làm con người và tới một ngày, thân xác lại trở về hư không.

Đấng Kitô đã đến để mang Tin Mừng cứu độ và mạc khải cho con người về lối bước của Chúa. Ngài chỉ dậy cho chúng ta con đường lên thiên đàng. Chính Ngài đã mở lối theo con đường hẹp: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cung kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."(Lc 9, 22). Đấng Kitô đã hạ thấp xuống cùng tận để nâng chúng ta lên làm con Chúa và cho chung hưởng hạnh phúc đời đời. Giống như chiếc máy bay phải hạ cánh đáp xuống đất để đón khách và từ đó mới bay lên không trung. Chúa Kitô chịu xả thân nhục nhã, chịu chết và sống lại để mang ơn cứu độ cho chúng ta.

Thánh Phaolô đã dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Kitô. Chúng ta được lãnh nhận Bí Tích thánh tẩy. Chúng ta thuộc về Chúa và mang danh Chúa Kitô: Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô (Gal 3,28). Tất cả những người tin Chúa đều được chia sẻ sự sống ân sủng do giá máu của Ngài. Trong Chúa Kitô: Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy Lạp, nô lện hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Gal 3, 28). Thật nhiệm mầu và cao quí thay! Càng suy gẫm, chúng ta càng cảm thấy tình yêu thương của Thiên Chúa bao la tuyệt vời. Không còn tình yêu nào cao quí hơn nữa. Chúa Kitô đã dùng mọi cách để mời gọi, hướng dẫn và trao ban ân sủng để giúp chúng ta đạt đến sự sống đời đời.

Phần chúng ta: Chúa Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo (Lc 9, 23). Muốn dõi theo đường đi lối bước của Chúa, chúng ta không có con đường nào khác ngoài Thập Giá Đức Kitô. Chúng ta không vác thánh giá cuộc đời trong đơn côi nhưng cùng vác với Chúa. Chúa Giêsu khuyến khích: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Ta êm ái và gánh Ta nhẹ nhàng (Mt 11, 28-30).

THẦY LÀ AI? AI LÀ THẦY?
Lc 9, 18-24
Anmai, CsSr

Sống trên đời này, chuyện hết sức quan trọng của cuộc đời mỗi người đó chính là việc xác định nguồn cội của mình. Khi xác định được nguồn cội của mình thì mình sẽ sống hết lòng hết sức với cái nguồn cội ấy. Còn khi ta không biết nguồn cội của ta thì ta sẽ sống một cuộc đời vất vưởng.

Niềm tin của mỗi người sẽ hướng con người về cội nguồn ấy. Với Phật tử, họ tin rằng có kiếp luân hồi để rồi người ta sống ở đời này làm lành và cấm sát sinh để sau này khi trở về với vòng luân hồi thì họ sẽ không phải làm cái thân cái phận của những con vật thuở sinh thời họ đã giết. Cấm sát sinh là điều hết sức quan trọng của Phật tử. Người Công Giáo thì lại khác, người Công Giáo thì lại tin rằng con người phát xuất từ Thiên Chúa. Sau cái cõi nhân gian này, con người sẽ trở về với tro bụi và chờ thân xác phục sinh để hưởng phúc Thiên đàng mà Thiên Chúa đã hứa ban.

Trong hành trình cứu độ, Thiên Chúa lúc ẩn, lúc hiện để nhắc nhớ cho con người rằng chính Ngài là Chúa, là chủ cuộc đời của họ. Ngài nhắc nhở cho con người qua môi miệng của các ngôn sứ.

Dân Israel là một dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương và luôn ấp ủ trong lòng bàn tay của Ngài nhưng vì kém lòng tin, nhưng vì kiêu ngạo nên Israel đã nhiều lần muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình cho rảnh mắt.

Những ngôn sứ nói lời Thiên Chúa cho dân thì có người này người kia, người lớn người nhỏ. Có những ngôn sứ lớn và nổi tiếng như Isaiam Giêrêmia nhưng cũng có những ngôn sứ nhỏ bé như Hôsê, Xôphônia, Khácgai, Dacaria ... Hôm nay, chúng ta được nghe lời sấm của Thiên Chúa từ miệng của Dacaria, một ngôn sứ hết sức nhỏ bé.

Dacari đã công bố cho Israel biết rằng Đức Vua của Israel đang ngự đến trong khiêm tốn, trên một con lừa mà có cả con của nó đi theo mẹ. Đức Vua của Israel sẽ quét sạch chiến xa khỏi Épraim và chiến mã khỏi Giêrusalem, cung nỏ chiến tranh cũng sẽ bị Đức Vua bẻ gãy, Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng trái đất. Đức Vua của Israel sẽ xuất hiện giữa dân người, mũi tên của Người sẽ phóng đi tự tia chớp, Người sẽ tiến bước trong gió bão phương Nam. Đức Vua sẽ che chở cho dân và nghiền nát và chà đạp những viên đá phóng ... Đức Vua sẽ cứu thoát dân của Người như mục tử cứu thoát đoàn chiên ...

Qua miệng của Giacaria, hôm nay Đức Vua của Israel còn hứa: Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng. Ngày ấy, tiếng khóc than sẽ vang dội khắp Giêrusalem, như người ta than khóc thần Hađát Rimmôn ở cánh đồng Mơghítđô. Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế. Không chỉ thế, Đức Vua còn hứa thêm rằng: Ta sẽ đưa một phần ba này qua lửa, sẽ luyện chúng như người ta luyện bạc, và thử chúng như thử vàng. Chính chúng sẽ kêu cầu danh Ta, và Ta, Ta sẽ đáp lời chúng; Ta sẽ nói: "Chúng là dân của Ta", chúng thưa lại: "Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi."

Dừng lại một chút, chúng ta thấy mối tình giữa Thiên Chúa và dân Israel sao mà hay quá, sao mà đẹp quá ! Thiên Chúa đã quên hết tất cả tội lỗi, tẩy trừ tội lỗi cho dân để cho dân được trở thành con cái của Thiên Chúa như ngày xưa khi chưa phạm tội. Thiên Chúa luôn luôn hứa rằng Chúa là Chúa của dân và điều Ngài mong đợi duy nhất đó chính là dân nhận ra Ngài là Chúa của họ. Thế nhưng, đáng tiếc thay tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân đã bị dân bóp méo, bị dân làm cho nó ra hoen ố.

Thật sự ra mà nói thì cuộc đời nó không suông sẻ như người ta nghĩ. Giá như mà dân Israel lúc nào cũng tuyên xưng "Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi" thì hay biết mấy và chẳng có vấn đề gì cả. Dân Israel ngày xưa đã không trung thành giữ giao ước như lòng Chúa mong ước. Vì cái giao ước Tình Yêu được thiết lập bị bẻ gãy để rồi Thiên Chúa đã sai chính đứa con duy nhất, con Một của Ngài xuống trần gian để hàn lại, để sửa lại giao ước mà con người đã đánh mất.

Chúa Giêsu đã đến trong trần gian, đã sống trong trần gian một cách hết sức gần gụi, hết sức thân thương. Cũng đáng tiếc là trong cái hết sức gần gụi, hết sức thân thương đó đã làm cho người ta mờ con mắt ra và người ta không thấy Chúa Giêsu.

Trang Tin mừng hết sức vắn gọn hôm nay Thánh Luca thuật lại cho chúng ta hết sức là hay, vỏn vẹn chỉ có 4 câu thôi. Thật ra 4 câu nhưng chỉ có một câu quan trọng "Dân chúng nói Thầy là ai ?". "Dân chúng nói Thầy là ai ?" mới là chuyện quan trọng.

Chúa Giêsu hỏi và rồi người này kẻ nọ cũng trả lời nhưng phải chăng những câu trả lời ấy là những câu trả lời theo lối nhìn "phàm tục". Duy nhất chỉ có câu trả lời của thánh Phêrô là câu trả lời "thánh thiêng". Phêrô trả lời hết sức chính xác rằng: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa".

Câu trả lời hết sức quan trọng nhưng quan trọng hơn là sống câu trả lời đó như thế nào?

Thánh Phêrô trả lời đúng, các môn đệ khác trả lời chưa đúng nhưng cũng kịp thời sửa sai câu trả lời của mình theo như câu trả lời của Thánh Phêrô. Chuyện quan trọng là các môn đệ đã sống trọn vẹn cuộc đời của mình với câu trả lời của Thánh Phêrô.

Không phải ngày xưa Chúa Giêsu mới hỏi, ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta: Ai là thầy của chúng ta và thầy của chúng ta là ai trong cuộc đời của chúng ta. Mỗi người chúng ta trong mỗi bậc sống đều phải trả lời cái câu hỏi này vì câu hỏi này là câu hỏi căn cốt, câu hỏi quyết định đời sống của chúng ta.

Là chồng, chúng ta có can đảm trả lời: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa".
Là vợ, chúng ta có can đảm trả lời: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa".
Là con, chúng ta có can đảm: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa".
Là bề trên trong cộng đoàn tu, chúng ta có can đảm trả lời: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa".
Là bề dưới trong cộng đoàn tu, chúng ta có can đảm trả lời: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa".

Nếu chúng ta can đảm trả lời "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa" như Thánh Phêrô thì chúng ta cũng hãy diễn tả cuộc đời của chúng ta như Thánh Phêrô cũng như các môn đệ xưa đã diễn tả, đã sống. Đừng để cho lời nói của chúng ta xa lìa hành động của chúng ta. Khi chúng ta để lời nói xa rời hành động thì con người của chúng ta chẳng ra làm sao cả.

Văng vẳng bên tai lời của Chúa Giêsu: "Không phải những ai nói Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời". Nếu chúng ta tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa mà chúng ta không sống theo lời tuyên xưng ấy thì lời tuyên xưng của chúng ta cũng chỉ là lời tuyên xưng trống rỗng và sáo ngữ.

Nguyện xin Chúa Giêsu ban thêm sức cho mỗi người chúng ta để chúng ta can đảm tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa thì chúng ta cũng sống đúng như lời chúng ta tuyên xưng ấy. Xin Chúa ban sức cho chúng ta để chúng ta nhận ra Chúa chính là Thầy, là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống và là cùng đích của cuộc đời chúng ta.

HÀNH TRANG THEO CHÚA: CẦU NGUYỆN
Lc 9, 18-24
Lm. Jude Siciliano, OP

Bài Phúc âm hôm nay có vẻ như một bài kiểm tra trong lớp học. Thầy giáo đặt câu hỏi và học sinh hăm hở đưa tay trả lời. Chúng ta nghe câu Chúa Giêsu hỏi: "Dân chúng nói Thầy là ai?" Câu trả lời ngay: "Ông Gioan Tẩy Giả", "Elia", "Một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại".

Chúng ta nghe các câu trả lời, nhưng các bạn có biết phản ứng của các gương mặt của những người trả lời ra sao không? Chắc những người này đã kéo đoàn hò reo đi theo một thủ lĩnh với đầy tham vọng và đắc ý. Họ đang đi với một thủ lĩnh đang rao giảng và được dân chúng ủng hộ. Họ chỉ có suy nghĩ đơn giản là coi Thầy họ ngang hàng với Gioan Tẩy Giả, Elia, hay một ngôn sứ? Các môn đệ đang nghĩ họ đang tiến đến vinh quang. Có thể đúng thật, nhưng không phải loại vinh quang như các ông đang nghĩ.

Trong lớp, khi học sinh không trả lời đúng câu hỏi, thì Thầy giáo đặt lại câu hỏi theo cách khác. Đó là việc Chúa Giêsu làm. Chúa Giêsu lại đặt câu hỏi chú trọng vào các ông, mong rằng các ông sẽ trả lời đúng kinh nghiệm của các ông về Thầy họ. "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?". Phêrô, thủ lĩnh của nhóm, đôi khi cũng không trả lời đúng câu hỏi được. Nhưng, lần này, Phêrô có vẻ trả lời đúng "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa".

Gương mặt của Phêrô trong lúc trả lời trông ra sao? Có vẻ tôn kính, hay kính sợ? Hài lòng vì mình trả lời đúng? Phêrô trả lời đúng, nhưng ông ta hiểu sai về phong cách Chúa Giêsu là "Đấng Kitô của Thiên Chúa". Các môn đệ, kể cả Phêrô, còn phải tìm hiểu nhiều về Chúa Giêsu là ai. Vì thế khi thầy giáo bảo các học sinh im lặng có nghĩa là các em còn phải học hỏi nhiều. Cũng vậy, đối với các tông đồ, Chúa Giêsu muốn các ông luôn học hỏi về Ngài. Và các buổi học sau Chúa Giêsu dạy cho các ông về tin mừng Ngài đem đến. Là "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

Sau đó Chúa Giêsu bắt đầu hành trình đi Giê-ru-sa-lem. (Chúng ta sẽ nghe đoạn này phúc âm thánh Luca tuần tới). Ngài dạy các ông nhiều lần nữa trong lúc các ông đồng hành với Thầy lên thành thánh. Trên đường đi các ông sẽ nghe Thầy dạy dỗ; Thầy sẽ tranh luận với các lãnh đạo tôn giáo, và các ông sẽ trông thấy Thầy chữa bệnh và tha thứ cho người tội lỗi. Suốt mùa Hè cho đến tháng 11, chúng ta sẽ cùng đi với các ông, và sẽ nghe các câu chuyện Phúc âm trên đường lên Giê-ru-sa-lem.

Các môn đệ sẽ hiểu biết thêm Chúa Giêsu là ai. Nhưng cuối cùng, các ông sẽ ngỡ ngàng và bị khủng hoảng vì sự đau khổ của Chúa Giêsu và các ông sẽ bỏ chạy mất. Là Thầy các ông, Chúa Giêsu không bỏ rơi các ông. Ngài sẽ chịu đau khổ và chịu chết, nhưng, như Thầy đã nói với các ông là đó không phải là kết thúc câu chuyện "Đến ngày thứ ba" Thầy sẽ chỗi dậy. Lúc bấy giờ, các ông chưa hiểu Thầy muốn nói gì trên con đường vinh quang các ông đang đi. Nhưng, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục dạy dỗ các ông, cho đến khi Ngài trở về với Chúa Cha. Rồi Chúa Giêsu sẽ gởi Thánh Thần xuống trên các ông, vì ngay đoạn đầu Phúc âm chúng ta đã nghe Gioan Tẩy Giả nói: "Đấng đến sau ông sẽ "làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa" (Lc 3:16)

Các môn đệ cần phải hiểu các phép lạ Chúa Giêsu làm, và sự hoan hô của đám đông, không đáp đúng câu hỏi của Chúa Giêsu. "Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?" Tháng vừa qua, chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa. Nhưng, thử hỏi chúng ta có biết gì nhiều hơn các môn đệ trong lúc các ông đi theo Chúa Giêsu lên Giê-ru-sa-lem không? Hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta chút ánh sáng để hiểu biết thêm về việc làm môn đệ của Ngài là thế nào, và tôi muốn nói sang đề tài khác. Tôi cũng như một học sinh đang gặp một bài học khó hiểu. Tôi đợi đến giờ chơi để ra khỏi lớp.

Đối với môn đệ của Chúa Giêsu, không có niềm vui sâu đậm nào mà không có bóng dáng ơn Chúa Thánh Thần. Nói vậy không có nghĩa là đối với người môn đệ, đường lên Giê-ru-sa-lem là một hành trình vui vẻ đâu. Hôm nay Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết là ai muốn theo Ngài có thể phải trả một giá đắt là sẽ bị chết. Nếu theo Chúa Giêsu là lên đường thắng cuộc, thì chúng ta nên kết luận rằng thắng cuộc là do bởi sự cố gắng của chúng ta. Chúng ta làm việc nhiều, cố gắng nhiều và chúng ta thắng cuộc. Nhưng, ngược lại, khi chúng ta theo chân Chúa Giêsu, chúng ta nghiệm lại sự yếu đuối, và thất bại như các môn đệ đã gặp. Và rồi, chúng ta lại tìm thấy sự vui vẻ mới, và chúng ta kiên trì trong đau khổ, và điều đó do bởi Chúa Thánh Linh của Đấng đã hứa là Ngài sẽ chỗi dậy vào ngày thứ ba phải không?

Chúng ta hiểu ngay vì sao bài Phúc âm hôm nay liên hệ đến bài đọc thứ nhất của ngôn sứ Zacaria.

Đối với nhiều người, ngôn sứ viết về người chịu khổ là một điều khó hiểu. Mặc dù chúng ta không hiểu ngôn sứ có ý gì, nhưng các Kitô Hữu tiên khởi hiểu đoạn văn này ám chỉ Chúa Kitô. Ngôn sứ Zacaria có thể viết về một số người tốt và huy hoàng trong quá khứ, và ngay cả đến bây giờ, đã bị chịu khổ hình vì họ giúp đỡ người khác. Tiếc thay số các thánh chịu chết vì đạo rất nhiều. Không ai có thể biết được người nào đại diện Thiên Chúa, và theo đường Thiên Chúa có thể dắt đến đỉnh tối cao đó.

Zacaria diễn tả Thiên Chúa là "Thần Khí ơn huệ và khấn nguyện" đối với những người chống đối lại. Và rồi, như một tấm màn được vén lên, những người đó sẽ trông thấy sự dữ họ đã làm (chúng sẽ nhìn lên Ta, người chúng đã đâm, chúng sẽ khóc than như người ta khóc than người con một...") và họ sẽ thay lòng đổi dạ và trở về với Thiên Chúa. Sự tha thứ của Thiên Chúa sẽ như "suối mở ra... để tẩy rửa tội lụy và uế nhơ".

Hãy trở về với lớp học chúng ta. Chúng ta tập ăn năn như các môn đệ một cách máy móc, không như đức tin mà chúng ta đã tuyên xưng. Chúng ta chỉ trả lời "xin vâng" trên môi hay "Thầy là Đức Kitô" mép thôi nhưng lại không chấp nhận lối sống của Đấng Kitô, vì chúng ta chọn sự khai thác hơn là phục vụ; chọn sự lấy lòng hơn ngay thẳng; chọn sự tích lũy hơn là chia sẻ; chọn quyền uy hơn bình đẳng; chọn lên án hơn là tha thứ.

Chúng ta thấy rõ là Chúa Giêsu đã nói là làm môn đệ của Ngài không phải là việc làm bán thời gian: Chỉ là vào ngày Chúa Nhật ở nhà thờ và đôi khi hãy làm vài việc thiện trong cả tuần. Vác thánh giá không phải là hành động trong ngày thứ Sáu Tuần thánh, nhưng phải luôn vác khi nào chúng ta cảm thấy có năng lực. Và cũng không phải hy sinh vì danh thánh Chúa Giêsu là việc dành riêng cho các thánh Tử đạo mà thôi. Trái lại, Chúa Giêsu đòi hãy hy sinh mạng sống mình vì danh Ngài hàng ngày. Vì thế, trong suốt đời theo làm môn đệ Chúa. Và việc vác thánh giá không chỉ dành riêng cho một số ít người, nhưng tất cả chúng ta, các môn đệ đều phải làm để theo Chúa Giêsu.

Bài Phúc âm hôm nay bắt đầu "Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình". Việc cầu nguyện là điểm chính trong phúc âm thánh Luca, và thường xảy ra trước một việc quan trọng. Thí dụ: trước khi Chúa Giêsu chịu phép rửa (3:21); trước khi Chúa Giêsu chọn mười hai tông đồ (6:12); Phêrô tuyên xưng đấng Kitô trước khi Chúa Giêsu tiên báo sự đau khổ của Ngài (9:18); trước khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ đọc kinh "Lạy Cha" (11:2) v.v... Thánh Luca thường viết Chúa Giêsu đi một mình để cầu nguyện.

Người đọc Phúc âm thánh Luca cần phải học hỏi để trở nên môn đệ Chúa không chỉ do lời dạy của Chúa Giêsu, hay là người đó có lòng đạo đức tốt mà thôi. Nhưng thật ra, chúng ta học cầu nguyện nơi Chúa Giêsu vì Ngài luôn cầu nguyện; đó là hành trang của chúng ta trên đường đi theo Ngài, ngay cả khi chúng ta cùng chịu đau khổ vì Ngài tại Giê-ru-sa-lem. Ai lại muốn theo Thầy khi nghe thầy bảo hãy chịu đau khổ? Ai lại muốn khi làm môn đệ thì phải luôn chịu hy sinh? Ở Brooklyn, người ta thường trả lời vấn nạn này bằng câu "hãy thử xem".

Nhưng, Phúc âm thánh Luca (và sách Công vụ Tông đồ) hứa với chúng ta là chúng ta không đi một mình chúng ta trên đường đời. Chúng ta, những người đã nhận Bí tích Rửa tội, đã được Chúa Thánh Linh cho chúng ta năng lực và xức dầu chúng ta để hàng ngày giúp chúng ta làm việc bổn phận. Có lẽ vì thế mà thánh Luca nói Chúa Giêsu năng cầu nguyện để nhắc chúng ta luôn cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện, mắt chúng ta sẽ được mở ra, và chúng ta sẽ cảm nhận được Chúa Giêsu và Chúa Thánh Linh đang cùng đồng hành với chúng ta trên đường đi Giê-ru-sa-lem.
Chuyển ngữ FX. Trọng Yên, OP

SỐNG VÌ MỌI NGƯỜI
Lc 9, 18-24
Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Theo báo tuổi trẻ đã đăng về cái chết đẹp của chị Trương Thị Hồng Phượng. Chị đã tình nguyện hiến tặng giác mạc của mình để đem lại ánh sáng cho ai đó sau khi biết mình mắc bệnh ung thư dạ dày. Chị đã an nghỉ ngày 19.05 và gia đình cùng bác sĩ đã thực hiện theo đúng di nguyện của chị.

Chuyện chị Hồng Phượng hiến giác mạc đã làm rung động trái tim hàng triệu con người. Không phải đổi để lấy điều kiện vật chất cho gia đình, dù gia đình chị thuộc loại nghèo xơ nghèo xác, nghèo đến độ các bác sĩ điều trị không cầm nổi nước mắt... Nếu chị bán có rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua, thậm chí rất nhiều tiền đủ để gia đình chị xoay xở qua lúc khó khăn. Chị có quyền làm như vậy chứ. Chị hiến giác mạc để làm gì? Lấy tiếng ư?

Không! Đơn giản đối với chị con người khi chết rồi cũng trở về cát bụi, dù nghèo hay giàu, sang hay hèn, dù sáng mắt hay mù lòa. Rồi tất cả sẽ là quá khứ, sẽ chìm vào quên lãng, chỉ biết rằng sẽ có một người mù được nhìn thấy ánh sáng, được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, được tái sinh bằng trái tim của một người phụ nữ nhà quê nghèo mà giàu lòng nhân ái.

Trong truyện Thiên long bát bộ của Kim Dung cũng từng có nhân vật Du Thản Chi vì quá yêu thương nàng A Tử nên đã tự làm mình mù để A Tử được sáng mắt. Đó là cái đẹp của tình yêu, nhưng cũng là cái ngu dốt và nông nổi của tình yêu vì cuối cùng A Tử đã tự móc đôi mắt mình để trả cho Du Thản Chi. Nàng không cảm kích tình yêu vô bờ bến của Du Thản Chi mà ôm xác người yêu Kiều Phong nhảy xuống vực thẳm.

Nếu so sánh với Du Thản Chi, sự hi sinh của chị Phượng có nhiều điều đáng để người đời khâm phục vì chị đâu biết mình sẽ làm cho ai được sáng mắt, đâu cần người sẽ được tái sinh một cuộc đời mới từ trong tăm tối phải cảm kích, trả công... vì chị đã thanh thản về nơi chín suối.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có một cuộc sống đẹp. Một cuộc sống đẹp không phải là cuộc sống có nhiều tiền, nhiều của hay có công danh giữa đời. Một cuộc sống đẹp là cuộc sống biết hy sinh để đóng góp cho đời thêm niềm tươi vui và hy vọng. Một cuộc sống dám hiến dâng mạng sống mình cho lợi ích của tha nhân. Một cuộc sống từ bỏ những niềm vui cá nhân để sống vì hạnh phúc tha nhân. Một cuộc sống không tìm niềm vui cho cá nhân nhưng tìm niềm vui trong công việc phục vụ tha nhân.

Đó là một cung cách sống mà Chúa Giê-su đã sống và mời gọi chúng ta hãy sống theo mẫu gương của Ngài. Ngài hằng mời gọi chúng ta: "Ai muốn theo tôi thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo tôi". Thập giá chình là những bổn phận phải có để chu toàn vì thiện ích của tha nhân. Thập giá qua những hy sinh, những vất vả vì hạnh phúc của tha nhân. Thập giá qua những từ bỏ những đam mê bất chính, những niềm vui tội lỗi để làm gương sáng cho anh em, cho bạn bè. Chính Chúa Giê-su Ngài đã sống chu toàn thánh ý Chúa Cha đã cứu độ nhân loại. Chính Ngài đã từ bỏ mọi sự kể cả vinh dự Thiên Chúa để mặc lấy thân phận tôi đòi vì hạnh phúc của chúng sinh. Chính Ngài đã hiến dâng mạng sống mình vì bạn hữu, và để cứu độ nhân gian. Đó là một tình yêu cao vời đến nỗi "không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám chết cho bạn hữu của mình". Đó là một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu không toan tính thiệt hơn chỉ mong sao mang lại hạnh phúc cho những ai đang ngụp lặn trong đêm tối thất vọng, trong bóng đêm khổ đau.

Có lẽ mỗi người chúng ta đều thán phục cách cho đi của chị Hồng Phượng. Chị đã cho đi mà không so đo tính toán. Chị đã can đảm làm chứng cho một tình yêu vô vị lợi giữa một xã hội mà tình người đang giảm giá để cho vật chất lên ngôi. Con người hôm nay cần tiền chứ không cần tình. Người ta sẵn sàng chà đạp lên công lý, lên tình nhân loại nếu vật chất của họ bị đe doạ. Người ta không còn tình người vì tưởng rằng đồng tiền có thể giải quyết tất cả. Thế nhưng, giữa sa mạc khô cằn tình người vẫn còn đó những con người không để danh lợi thú làm mất đi tấm lòng cao thượng. Họ thà sống nghèo nhưng tấm lòng họ thật thanh cao. Họ sẵn sàng cống hiến cho đời đến hơi thở cuối cùng. Đó phải là cuộc sống của những người môn đệ Chúa. Một cuộc sống trao ban mà không so đo tính toán. Một cuộc sống hiến dâng đầy quảng đại và vô vị lợi. Một cuộc sống dám chấp nhận như hạt lúa chịu mục nát để mang lại màu xanh cho cuộc đời.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết từ bỏ chính mình để sống một cuộc sống có ích cho tha nhân. Ước gì mỗi người chúng ta biết khôn ngoan chọn lựa những giá trị vĩnh cửu thay cho những phù phiếm mau qua, như cha ông ta từng nói:

"Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây phúc để đời về sau".

Nguyện xin Chúa là Đấng dám chết cho người mình yêu giúp chúng ta biết sống cao đẹp trong hy sinh từ bỏ, trong bác ái dấn thân vì lợi ích tha nhân. Amen

PHÚT DỪNG CHÂN KHẲNG ĐỊNH CĂN TÍNH
Lc 9, 18-24
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Tôi là ai? Một câu hỏi mà các triết gia xưa nay không ngừng tự vấn bản thân mình. Nhiều triết gia cổ đại như Socrates đã khẳng định rằng biết mình chính là một trong những cái biết làm nền tảng của mọi sự hiểu biết và của sự thành công và cả sự thành nhân. Lão Tử nói: "Biết người là khôn. Biết mình là sáng". Khôn thì có thể dụng người, có thể lừa người, có thể thành đạt ở đời này trong lãnh vực kinh doanh, chính trị... Nhưng sáng thì có được nhận thức đúng đắn hơn về con người, về cuộc đời, về thế giới... Sáng thì giúp ta sống đúng phận người trong cõi nhân sinh, nói theo các hiền nhân thì cái sáng giúp ta sống đắc đạo dù nhiều khi có thể gặp vất vả hay lận đận trong cuộc đời này.

Nội dung bài Tin Mừng thánh Luca mà Giáo Hội cho trích đọc trong Chúa Nhật XII TN C cũng được Tin Mừng thánh Matthêu và Tin Mừng thánh Maccô tường thuật. Đây không chỉ là bằng cớ minh chứng tính lịch sử của sự kiện Chúa Giêsu tâm sự với các môn sinh mà còn có thể xem là một kỷ niệm khó quên đối với các ngài. Theo các chuyên gia nghiên cứu Tin Mừng, cách riêng các Tin Mừng Nhất Lãm thì cuộc đời hoạt động của Chúa Kitô có thể được phân thành ba giai đoạn chính như sau:

- Giai đoạn thứ nhất: Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, thi thố quyền năng và thu nạp môn đệ.
- Giai đoạn thứ hai: Chúa Giêsu huấn luyện các môn sinh.
- Giai đoạn thứ ba: Chúa Giêsu đi vào cuộc tử nạn và phục sinh.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn bản lề, mang tính quyết định cho công cuộc cứu thế của Chúa Kitô. Thời gian Chúa Kitô dẫn môn sinh lánh xa quần chúng, tạm ngưng các hoạt động rao giảng, chữa lành bệnh tật... để hàn huyên tâm sự không chỉ là thời gian Người dành riêng để huấn luyện các tông đồ mà còn là thời gian đặc biệt để chính Người "biết mình" hơn. Khi đã nhận rõ và xác tín về căn tính của mình thì người ta sẽ thấy đúng con đường mình sẽ đi cũng như nhiệm vụ mình sẽ hoàn thành. Quả thật, nhiều khi chúng ta có thể bị những hoạt động tốt đẹp bên ngoài lôi cuốn đi lệch mục tiêu sứ mệnh của mình. Ngoài những giây phút hồi tâm từng ngày vốn là cần thiết để kiểm định việc đã làm và hoạch định việc sẽ làm, cũng rất cần những khoảng thời gian dừng chân nào đó tương đối dài giúp nhận thức đúng và xác định căn tính của mình để lại tiếp tục dấn thân thực thi sứ mệnh. Qua câu chuyện giữa Chúa Giêsu và các môn đệ cũng như qua các bài đọc của Chúa Nhật XII TN C, chúng ta có thể nhận ra một vài phương thế để "biết mình" như sau:

- "Dân chúng nói Thầy là ai?" (Lc 9,18). Để biết mình thì việc lắng nghe, tiếp thu nhận định của tha nhân là điều như không thể thiếu. Phận người chúng ta khó tránh khỏi sự chủ quan khi xét, nghĩ về mình. Cha ông chúng ta đã từng cảm nghiệm: "việc người thì sáng, việc mình thì quáng".

- "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (Lc 9,20). Trong các ý kiến, các nhận định của tha nhân, thì các nhận định, các ý kiến của người thân quen xem ra khá gần với sự thật hơn cả. Khi hướng dẫn các em thiếu niên, thanh niên tìm hiểu các mặt mạnh-yếu của chúng, tôi thường nhắc nhớ các em ưu tiên lưu ý đến những nhận xét của cha mẹ, của anh chị em ruột thịt, của các bạn bè thân thuộc. Có thể nói rằng các nhận xét của những người này rất đáng lưu tâm vì chính họ là những người gần gũi chúng ta hơn nên biết nhiều về chúng ta, và nhất là, vì là những người có lòng với chúng ta, nên lời của họ trung thực hơn.

Các ý kiến, những nhận định của tha nhân dù gần hay xa, dù thân hay sơ tuy cần thiết và có giá trị nào đó, nhưng chúng không thể thay thể nhận định của bản thân mình. Trong niềm tin Kitô giáo thì sự tự nhận định của chúng ta không dừng lại ở việc tự kiểm thảo, tự suy tư, phân giải về mình mà theo ngôn ngũ triết học là phản tỉnh, mà còn phải nhận biết mình theo cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi tâm can bí ẩn lòng người, Đấng cho chúng ta từ hư vô được hiện hữu trong dòng đòi này. Nói như thánh Âugustinô thì chính Thiên Chúa mới cho chúng ta biết cách chính xác mình là ai và qua đó biết sứ mạng của mình là gì. Một lời cầu nguyện của thánh giáo phụ xem ra khá phổ biến, đó là: "Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết con".

Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách thế như qua kỳ công của Người là vũ trụ thiên nhiên, qua các biến cố lịch sử, qua tiếng lương tâm... nhưng trong các cách thế ấy thì có thể nói Thánh Kinh là cách thế Thiên Chúa tỏ bày chương trình và ý định của Người cách rõ nét hơn cả. Chúa Kitô khi vào đời trong thân phận phàm nhân, đã dùng phương thế này để nhận biết căn tính cũng như sứ mạng của Người.

"Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu... Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế" (Dcr 12,11;13,1). Khi khẳng khái tuyên xưng: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa", chắc chắn Phêrô chưa hiểu đủ và hiểu đúng nội hàm về Đấng Kitô. Trong nhiều đoạn Thánh Kinh thì những lời của ngôn sứ Giacaria trên đây đã góp phần giúp Chúa Giêsu nhận rõ căn tính và sứ mạng Kitô của mình. Biết mình đến thế gian không phải để được người ta hầu hạ nhưng để hầu thiên hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người, vì thế "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy" (Lc 9,22). Sau khi nhận rõ căn tính và sứ mạng của mình, thì Chúa Giêsu đã cương quyết lên Giêrusalem, nghĩa là Người biết Người sẽ làm những gì (x. Mt 20,17-19; Mc 10,32-34, Lc 18,31-34).

Tôi là ai? Bởi đâu tôi được sinh ra làm người và sống ở đời này để làm gì? Những câu hỏi trên đã làm nhiều học giả, nhiều nhà hiền triết thao thức và dường như không thể có câu trả lời thỏa đáng. Một sản phẩm không thể nào tự minh định đầy đủ về mình về lý do cũng như ý nghĩa sự hiện hữu của mình. Không một ai ngoài chính người làm ra sản phẩm ấy mới biết đích xác những điều ấy, nghĩa là sản phẩm ấy là gì, được làm ra như thế nào và để làm gì. Khi đã tin rằng chính Thiên Chúa dựng nên mọi sự và dựng nên chúng ta, thì chỉ có Người mới cho chúng ta biết cách chính xác chúng ta là ai, có mặt ở đời này để làm gì. Vì thế, những khoảnh khắc, những giai đoạn dừng chân để nhận thức căn tính cũng như sứ mạng của mình quả là điều không thể thiếu. Dừng chân để nghe tiếng Chúa qua nhận định của tha nhân, của người thân cận, qua dòng chảy của lịch sử tự nhiên và xã hội, qua lời Thánh Kinh mà đặc biệt là qua cuộc đời, việc làm, lời giảng dạy của Đấng chính là Ngôi Lời nhập thể. Biết mình là cái biết nền tảng để thành nhân và thành người con cái Chúa.

THẦY LÀ ĐỨC KITÔ
Lc 9, 18-24

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Theo Chúa Giêsu, các môn đệ vẫn chưa hiểu rõ về con người của Ngài. Thực tế, nhiều môn đệ còn mơ hồ về Thầy, họ cứ tưởng Thầy cũng chỉ là một ngôn sứ lớn hơn các ngôn sứ mà họ vẫn thường nghe chăng ? Do đó, đã có rất nhiều luồng dư luận nói về Chúa Giêsu. Tất cả các dư luận đề cập về Chúa đều không đúng ý của Chúa vì người ta chưa hiểu gì về Ngài. Hôm nay, Tin Mừng của thánh Luca 9, 18-24 cho nhân loại thấy, Chúa Giêsu bất thần hỏi các môn đệ nghĩ gì về Ngài...

Khi sống bên ai, sống bên người nào, nếu chúng ta không biết, không hiểu họ, chúng ta sẽ chẳng nhìn ra con người thực của họ. Câu chuyện về những người mù nghĩ về con voi, cho chúng ta hiểu phần nào về các luồng dư luận mà quần chúng nhân dân thời Chúa Giêsu đã nghĩ thế nào về Ngài.Các môn đệ đã báo cáo cho Chúa Giêsu: người thì bảo là Êlia. Có người nói Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả, mới bị bạo chúa Hêrôđê chặt đầu nay sống lại.Có nhiều người lơ mơ lờ mờ nói Chúa là một ngôn sứ nào đó. Như vậy, dư luận của đám đông nhân dân hiểu và biết rất mù mờ về Chúa Giêsu, họ chỉ hiểu về một khía cạnh nào đó của Chúa Giêsu mà thôi. Đối với đám dân này thì Chúa Giêsu chỉ là một ngôn sứ có thế giá, có sứ mạng lớn là dọn đường cho Chúa cứu thế đến, chứ Ngài chưa phải là Đấng Thiên sai mọi người đang trông đợi đến để cứu họ. Tuy nhiên, các môn đệ của Chúa quả thực đã làm cho Chúa mát lòng vì các Ngài coi Chúa là Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai phải đến. Phêrô đã nhanh nhảu đại diện các môn đệ thưa với Chúa Giêsu: " Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa "( Lc 9,18-20 ). Phêrô đã trả lời câu hỏi của Chúa cách quá chính xác, khiến Chúa cảm thấy hài lòng vì công lao Ngài dạy dỗ các môn đệ. Chúa Giêsu sau khi khen Phêrô đã xác nhận ngay là Đấng Kitô đây không phải là vị vua chiến thắng theo kiểu thế gian, không phải là vị vua bá chủ muôn dân, khôi phục lại vương quyền Israen, giải phóng nô lệ Roma. Nhưng Đức Kitô của Thiên Chúa là Đấng chiến thắng ma quỷ, chiến thắng tội lỗi, chiến thắng tử thần, chinh phục, cứu vớt các linh hồn, khôi phục quyền làm con Chúa. Tuy nhiên, con đường đi tới chiến thắng là con đường hẹp, con đường đau khổ, con đường thập giá." Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sống lại " ( Lc 9, 22 ). Con đường đi tới vinh quang là con đường tình yêu tự hiến, tình yêu vô vị lợi, tình yêu cao vời: " Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu " ( Ga 15, 13 ). " Khi nào Ta được giương cao lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta ". Chính vì thế, ai muốn đi theo Chúa, làm kôn đệ Chúa phải từ bỏ chính mình, vác thập mình hằng ngày mà theo ( Lc 9, 23 ).

Chúa đã dùng cây thập giá: một dụng cụ người Do Thái và Roma dùng để treo, để đóng đinh những người bị lên án. Đây là một dụng cụ thô bạo, tàn nhẫn, nhưng Chúa đã biến nó thành dấu chỉ yêu thương. Chính tình yêu đã biến thập giá thành cây cứu độ, nhẹ nhàng và đau khổ biến thành hạnh phúc, niềm vui.

Chúa vô tội nhưng đã vâng lời Chúa Cha chết thay cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Vậy là Kitô hữu chúng ta có dám chết cho chính mình, từ bỏ tội lỗi để bước theo chân Chúa ?

Lời tuyên xưng của thánh Phêrô và lòng yêu thương vô bờ của Chúa có khơi lên trong lòng chúng ta niềm vui vì chúng ta là Kitô hữu, có giúp mọi người nhận ra chúng ta đang sống sự sống của Chúa, có giúp người khác nhận ra Chúa Giêsu nơi chúng ta ? Và lời của thánh phaolô tông đồ: " Tôi sống nhưng không phải tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi " có nói lên rõ nét Chúa Giêsu đang ở trong mỗi người chúng ta không ? Chúng ta có dám hy sinh cho người khác không hay chúng ta chỉ nói ngoài môi miệng và sống ích kỷ, thiếu bác ái, thiếu quảng đại không ?

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng can đảm, nhiệt thành, quảng đại để chúng con chỉ sống cho Chúa và anh chị em đồng loại. Amen.

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN
Lc 9, 18-24

Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

1. Một ngôn sứ vĩ đại, nhưng không còn gì hơn nữa.

Mỗi người có một quan niệm khác nhau về Đức Giêsu, điều này không có gì mới. Bây giờ cũng chẳng khác gì thời các thành phố, các vương quốc và đế quốc xây dựng đầu tiên. Trong Tin Mừng, theo những gì Thánh Luca thuật lại cho ta, Đức Giêsu không xem thường những quan niệm trên, nhưng vì Ngài cho rằng chúng không đầy đủ nên Ngài đã sữa chữa và bổ túc thêm. Người ta cho rằng Đức Giêsu là một ngôn sứ, họ nói đúng. Họ nghĩ rằng Ngài không là một ngôn sứ nào đó, nhưng là một trong những ngôn sứ lớn: Elia, hoặc Giêrêmia hoặc Gioan Tẩy Giả sống lại. Đức Giêsu không phản đối danh hiệu ngôn sứ, nhưng Ngài làm rõ khi cho rằng danh hiệu ngôn sứ không diễn tả đầy đủ về Ngài. Vả lại, sự so sánh Ngài với Elia hay Giêrêmia hay Gioan Tẩy Giả không nói lên đầy đủ căn tính của Ngài; Thực sự, Ngài là vị ngôn sứ lớn, người nói nhân danh Thiên Chúa và giải trình lịch sử nhân loại dưới ánh sáng của chương trình của Thiên Chúa, nhưng Ngài còn vượt lên trên hơn nhiều những điều ấy.

2. Đấng Messia của Thiên Chúa, nhưng...

Phêrô và các tông đồ khác đã theo Đức Giêsu một thời gian, họ cùng chia sẻ với Ngài, thấy ngài cầu nguyện, rao giảng và chữa bệnh. Họ nghe những lời khuyên bảo của Ngài, nhất là những loan báo về Nước Thiên Chúa. Họ đã hiểu biết thêm về Đức Giêsu: Ngài không chỉ là một ngôn sứ nhưng còn là Đấng Messia của Thiên Chúa. Vâng, Đấng Messia, hậu duệ của Davít, nhà lãnh đạo chiến đấu, vị vua chiến thắng, đã hoàn thành việc bành trướng vương quốc Ítraen, tiêu diệt mọi quân thù. Với cương vị Đấng Messia, Đức Giêsu sẽ lập lại khuôn mặt của Đavít: sẽ đánh thắng quân Lamã, sẽ nới rộng biên giới, các vua lân bang sẽ quy phục. Vương quốc Ítraen, vương quốc của Giavê, sẽ trở nên vinh hiển. Đức Giêsu không bằng lòng với chủ thuyết Messia mà Phêrô và các tông đồ mơ tưởng đó. Đức Giêsu không chối bỏ, và cũng chẳng bao giờ chối bỏ Ngài là Đấng Messia, vì như thế sẽ là chối bỏ sự thật, bởi chính Ngài là sự thật. Nhưng Đức Giêsu không đồng hóa mình với khuôn mặt Đấng Messia như là vị lãnh đạo các đạo quân của Giavê. Đúng thế, Ngài là Đấng Messia của Thiên Chúa, nhưng một Đấng Messia khác hẳn với hình ảnh mà các môn đệ thân yêu đang nghĩ.

3. Một Đấng Messia chấp nhận đau khổ.

Vào thời điểm quyết định trong cuộc đời của Đức Giêsu, trước khi Ngài khởi đầu lên Giêrusalem, nơi bị đóng đinh, Ngài đã mạc khải trước về cuộc đời và bản thân của Ngài. Ngài bắt đầu nói về những điều thật khác và mới lạ so với những lời sấm ngôn trong Cựu Ước. Nói cách khác, Ngài bắt đầu nói về Đấng Messia sắp kết thúc cuộc đời trên ngai thập giá. Có lẽ ngôn sứ Giacaria có tiên báo trước một điều gì tương tự như thế khi ông viết: "Chúng sẽ than khóc Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một..." (Bài 1), qua câu này truyền thống Do Thái không bao giờ áp dụng cho Đấng Messia, vì chính Giavê phán. Đấng Messia đau khổ, là một điều bất thường và không ai dám nghĩ như thế vào thời đó, lại được Thánh Phaolô đồng hóa với Con Thiên Chúa. Vì lý do này, trong bài đọc 2, Ngài đã có thể nói rằng, là kitô hữu, "nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô" Người Con thật và duy nhất của Thiên Chúa. Giờ đây ta có thể trả lời dễ dàng câu hỏi được đặt ra, 'Đức Giêsu là ai?' Ngài là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống.

Gợi Ý Mục Vụ

1. Đời sống của mình chính là câu trả lời hay nhất

Vấn nạn về Đức Giêsu Kitô là một vấn đề ta chỉ có thể giải đáp sau khi suy nghĩ nhiều. Đây chắc chắn chẳng phải là một vấn nạn lỗi thời, chẳng đáng quan tâm Thực ra, đây là vấn đề duy nhất đáng quan tâm và chỉ có thể trả lời bằng chính cuộc sống của chính mình. Nói rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Kitô chết trên thập giá, rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, điều này vượt quá tâm trí và suy luận của ta. Chẳng bao giờ con người có thể thấu hiểu được chân lý đức tin ấy bằng lý luận của mình. Duy chỉ khi con người bắt đầu bước vào con đường hẹp của thập giá và, ngắm nhìn Đức Giêsu, bước theo bước chân của Ngài, họ mới khám phá ra rằng vấn nạn về Đức Giêsu Kitô cùng song hành với vấn nạn về con người, và trả lời được vấn nạn đầu, sẽ trả lời được cho vấn nạn sau. Chỉ những ai kinh nghiệm được sự đau khổ và nhận thức được giá trị cứu độ của đau khổ, cho cả người đang đau khổ và cả cho người hay những người mà họ chịu đau khổ cho, mới có thể nắm bắt được ý nghĩa về Đấng Messia chịu đau khổ. Những ai sống trong tình trạng con cái Thiên Chúa, phẩm giá cao cả của con cái và thái độ tuân phục của con cái, mới có thể trả lời vấn nạn này, Đức Giêsu Kitô là ai? Họ có thể loan báo Ngài với niềm xác tín trước mọi người. Nói cách khác, nếu ta sống cuộc sống kitô hữu cách hoàn hảo, ta chẳng cần phải tự hỏi, Đức Giêsu Kitô là ai? Bởi vì chính cuộc sống của chúng ta đã là câu trả lời cho vấn nạn ấy.

2. "Cầu nguyện để hiểu, hiểu để cầu nguyện."

Ta hiểu được các huyền nhiệm của niềm tin nơi nhà thờ tốt hơn nơi công sở. Bạn thấu hiểu tốt khi cầu nguyện hơn là khi nghiên cứu, dù cả hai đều cần. Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất nắm giữ chìa khóa của các mầu nhiệm. Chỉ mình Ngài mới có thể mở cửa nhà tạm của lòng Ngài ra cho ta. Trí khôn của ta, một khi được mở ra cho niềm tin, sẽ đưa chúng ta đến trước nhà tạm của mầu nhiệm. Khi mà Thiên Chúa cho phép ta đi vào trong mầu nhiệm, trí khôn ta sẽ giúp ta nắm bắt được một chút cái thực tại vô cùng cao siêu và vô tận. Tuy nhiên, chỉ khi cầu nguyện, với khiêm tốn, kiên trì và phó thác, ta mới làm cho Chúa mở cánh cửa nhà tạm mầu nhiệm ra cho ta. Bên trong cánh cửa ấy, linh hồn sẽ đạt đến sự ngây ngất và trí tuệ chúng ta sẽ như đang bơi vào những vùng nước chưa hề được biết đến. Môn thần học đích thực nhất là điều thực hành không chỉ dựa trên nền tảng của lòng tin, nhưng đặc biệt còn trên nền tảng của sự cầu nguyện nữa, một tâm trí biết cầu nguyện sẽ đưa đến việc tôn thờ mầu nhiệm. Cũng thế, bài giảng chân thật nhất là bài giảng đưa dẫn những chân lý đức tin đến sự chiêm niệm. Những điều thuộc Thiên Chúa, những người cầu nguyện mới hiểu, và những ai không cầu nguyện chẳng hiểu gì, hoặc chỉ rất ít. Nếu người kitô hữu chúng ta cầu nguyện tốt hơn và nhiều hơn, những vấn nạn của niềm tin sẽ giảm đi rất nhiều hoặc sẽ không còn nữa. Trong một thế giới mà đôi lúc ta chẳng thấy có ý nghĩa gì, cầu nguyện sẽ giúp ta tìm thấy ý nghĩa. Thật đáng giá!

CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN
Lc 9, 18-24

Lm Augustine, SJ

Là người can đảm
Sáng sớm ngày 27 tháng 7 năm 1940, ông Surihara tuổi 40, là đại sứ Nhật Bản tại cộng hòa Li-tu-a-nia, giật mình thức giấc bởi tiếng ồn ào của đám đông tới tấp đến trước tòa đại sứ. Nhìn qua cửa sổ, ông thấy dân chúng gồm cả mấy ngàn người ùn ùn kéo tới như trong một cảnh tị nạn.

Quả thật, người giúp việc đến thưa: "Đó là những người tị nạn Do Thái. Họ đến xin đại sứ cứu sống họ."

Kể từ tháng 9 năm 1939, đoàn quân của Đức Quốc Xã đã xâm chiếm lãnh thổ Ba Lan và nhà độc tài Hít-le (Adolf Hitler 1889-1945) đã ra lệnh khủng bố và tiêu diệt toàn bộ người Do Thái.

Đại sứ Surihara lên tiếng hỏi dân chúng muốn gì. Một luật sư tên là Giorac thay mặt đám đông trình bày với Đại sứ về số phận thảm thương của người Do Thái. Riêng gia đình luật sư Giorac đã bị quân Đức Quốc Xã giết chết hoàn toàn, chỉ còn một mình ông sống sót!

Để tránh nạn diệt chủng, người Do Thái chạy từ Balan sang tị nạn tại cộng hòa Li-tu-a-nia. Nhưng giờ đây chiến tranh đã lan tràn tới cộng hòa nhỏ bé này, nên đoàn người Do Thái lại phải lên đường chạy trốn. Lộ trình duy nhất để cứu sống họ là lộ trình xuyên qua lãnh thổ Liên Xô. Nhưng người Nga sẽ không cho phép người Do Thái nhập cảnh nếu họ không đưọc một nước thứ ba tiếp nhận. Tất cả đại sứ quán tại Li-tu-a-nia đều đóng cửa, không muốn giúp đỡ người Do Thái tị nạn.

Đại sứ Surihara nói với đoàn người tị nạn Do Thái rằng: "Tôi sẵn sàng cứu giúp quí vị, nhưng tôi phải hỏi ý kiến của Tôkyô trước đã."

Nghe Đại sứ Surihara trả lời, ông Giorac thực sự lo lắng. Vào giai đoạn hiện tại, tức là vào năm 1940, nhiều quốc gia không mấy thiện cảm với dân tộc Do Thái; riêng Nhật Bản còn tỏ ý đồ muốn liên kết với Đức Quốc Xã.

Đại sứ Surihara liền đánh điện về Bộ Ngoại Giao Tôkyô. Ông xin phép ký các chiếu khán chuyển tiếp ngay tức khắc cho lớp người Do Thái chạy tị nạn. Tôkyô trả lời rằng "Ông không được ký chiếu khán chuyển tiếp cho những người không được một quốc gia thứ ba tiếp nhận."

Hay là bậc anh hùng?

Đêm hôm đó, Đại sứ Surihara không thể nào ngủ được. Ông nói với vợ: "Anh phải làm một cái gì đó để cứu giúp những người tị nạn Do Thái đáng thương này." Vợ ông là bàLujico cũng là người công giáo tốt, hoàn toàn hiệp nhất với chồng: "Vâng chúng ta có bổn phận cứu giúp người Do Thái."

Đại sứ Surihara còn liên lạc với Tôkyô thêm hai lần nữa, nhưng lần nào cũng bị Bộ Ngoại Giao từ chối lời ông yêu cầu. Ông nói với vợ: "Nếu anh bất tuân lệnh chính phủ thì có nghĩa là con đường sự nghiệp của anh tiêu tan. Nhưng anh quyết định bất tuân. Nếu anh vâng lệnh chính phủ thì điều đó có nghĩa là anh không vâng lệnh Thiên Chúa. Anh đã chọn theo tiếng nói lương tâm để vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người." BàLujico vợ ông trả lời: "Vâng, chúng ta phải cứu sống càng nhiều người Do Thái càng tốt."

Quyết định rồi, Đại sứ Surihara đứng trước cửa đại sứ quán tuyên bố với đám đông người Do Thái: "Tôi sẽ ký chiếu khán chuyển tiếp cho tất cả những ai xin."

Đoàn người Do Thái tị nạn từ yên lặng ngỡ ngàng chuyển sang cử chỉ hò reo vui sướng. Nhiều người không cầm được nước mắt vì cảm động trước lời tuyên bố của Đại sứ Surihara.

Sáng hôm đó ngày 1 tháng 8, 1940, Đại sứ Surihara bắt đầu ký chiếu khán cho đoàn người tị nạn Do Thái chuyển tiếp sang Nhật. Ông làm việc bất kể ngày đêm. Trong vòng một tháng ông đã ký 3500 chiếu khán. Nhiều người nhận được chiếu khán Nhật Bản nói "Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ơn Đại sứ Suriharà."

Quả thật năm 1967, chính quyền Israel đã tổ chức lễ tưởng thưởng vị anh hùng Nhật Bản đã cứu sống nhiều người Do Thái thời thế chiến thứ hai. Vào dịp đó, ông Igo nhà vật lý học, nói về Đại sứ Surihara rằng: "Người can đảm là người làm điều khó làm trong khi vị anh hùng làm điều xem ra không thể nào làm được. Vị anh hùng hành động ngay cả khi ông biết mình không được bất cứ một lợi lộc nào."

Còn ông Giorac khi ấy là Bộ trưởng bộ tôn giáo, thì nói: "Đại sứ Surihara quả thực là vị Đại sứ của Thiên Chúa."

Đại Sứ của Thiên Chúa theo nghĩa tuyệt đối

Với bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca cũng hé mở cho thấy Đức Giêsu ý thức mình là ai, vượt trên tất cả những điều người ta có thể nghĩ về Người. Người không chỉ là một con người can đảm. Người cũng không phải chỉ là một bậc anh hùng. Nhưng Người là Đại Sứ của Thiên Chúa theo nghĩa tuyệt đối. Tức là Người Con của Thiên Chúa (Lc 1,35), được cưu mang do quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1,35), sinh ra là Đấng Cứu Độ (Lc 2,11). Do đó Người mới có quyền đòi hỏi mọi người phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Người (Lc 9,32). Người được Thiên Chúa phái đến không chỉ để cứu sống một số người nhưng là để cứu sống toàn thể nhân loại một cách vĩnh viễn.

Thánh Luca đã khéo đặt màn tuyên tín của tông đồ Phêrô đại diện nhóm Mười Hai ở đỉnh cao của sách Tin Mừng Luca về Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu đặt bối cảnh cho màn tuyên tín này bằng việc Người cầu nguyện một mình (c.18) cho thấy tầm quan trọng của nó.

c.20: Với lời tuyên xưng của Phêrô nhìn nhận Thầy Giêsu là "Đức Kitô của Thiên Chúa" như ngôn sứ Simêon đã tuyên xưng (Lc 2,26), cho thấy Đức Giêsu chính là Đấng mà Thiên Chúa phái đến để thực hiện kế hoạch cứu độ.

c.21: Cho thấy Đức Giêsu dứt khoát không muốn người ta lầm tưởng Người được Thiên Chúa sai đến để giải phóng Israel theo hướng chính trị.

Cứu nhân độ thế qua sự chết và sống lại

c.22: Ngược lại, Người thực hiện công trình cứu nhân độ thế bằng chính con đường đau khổ, chết và sống lại của Người. Người kết hợp nơi bản thân cả hai hình ảnh: hình ảnh của Con Người đến giữa mây trời theo lời ngôn sứ Đa-ni-en 7,13-14 và hình ảnh Người Tôi Tớ chịu đau khổ để đền tội cho dân, theo như ngôn sứ Isaia 40-45.

cc.23-24: Điều được Luca nhấn mạnh là mọi người. Mọi người đều được kêu gọi bước theo Đức Giêsu và việc đó có nghĩa là CHỌN con đường khổ nạn chính Người đã chọn (c.22). Nhưng con đường ấy lại chính là con đường đưa tới vinh quang khi Người bước vào trong vinh quang của Người, của Chúa CHA cùng với các thánh thiên thần (c.26).

Một cách đơn giản mọi người đều có thể dự phần vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu bằng cách từ bỏ mình hàng ngày. Bình thường việc từ bỏ đó không phải là một hy sinh lớn lao, tuy vẫn là con đường đưa nhiều người Kitô tới cái chết tử đạo như bài Tin Mừng hôm nay có thể đã ám chỉ (c.24).

Người môn đệ nào chấp nhận con đường đau khổ và gian nan thử thách hầu phục vụ Danh Chúa (1C 15, 31; 2C 4,10-11), người đó xem ra mất tất cả mọi sự (c.24). Nhưng dưới cái nhìn đức tin, người đó sẽ cứu chính mạng sống mình vì mạng sống của người ấy sẽ được đưa vào vinh quang Thiên Chúa trong ngày chung thẩm (c.26).

Ai là người môn đệ Đức Giêsu cũng đều phải sống mầu nhiệm Vượt Qua của Thầy Chí Thánh, như lời thánh Phaolô nói: "Anh em không biết rằng: Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong sự chết của Người sao?" (1C 6,3).

Nguồn vietcatholic.org

1962    21-06-2013 19:44:23