CHÚA GIÊSU LÀ ÐẤNG BAN SỰ SỐNG
Mc 5, 21 - 43
Thiên Chúa là chủ sự sống. Ngài đã tạo dựng nên chúng ta và có quyền trên sự sống của chúng ta. Khi con người đánh mất sự sống đời đời, chính Chúa Giêsu đã đến để cứu con người khỏi sự chết bằng sự hy sinh trên thập giá, mang lại sự sống đời đời cho loài người.
Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tỏ mình là Đấng ban sự sống, Đấng cứu chữa bệnh tật để con người được sự sống tròn đầy cho loài người chúng ta.
1. Chúa Giêsu chữa bà bị băng huyết 12 năm:
- Trên đường đi chữa bệnh cho em bé, có người phụ nữ bị xuất huyết 12 năm. Bà đã chịu cực khổ và chạy thuốc nhiều năm nhưng bệnh không thuyên giảm mà tiếp tục tăng nặng hơn, khiến bà lúc nào cũng ở trong tình trạng ô uế, phải tránh xa mọi người, sự sống của bà đang cạn kiệt dần dần. Nhờ chạm vào Chúa Giêsu là nguồn sống với niềm tin chân thật, sức mạnh từ Chúa đã chữa lành bà, đem lại cho bà sức sống mới.
2. Chúa Giêsu cho bé gái hồi sinh:
Khi nghe biết con gái ông trưởng hội đường hấp hối, Chúa Giêsu liền đi với ông, nhưng dọc đường, người nhà báo là con ông đã chết. Gia đình ông định bỏ cuộc nhưng Chúa Giêsu đã củng cố lòng tin của họ. Ngài không để đám đông đi theo nhưng cùng với 3 tông đồ thân tín đi đến nhà ông. Chúa Giêsu là Đấng có quyền trên sự sống nên Ngài không ngại đến nhà ông và ban sự sống cho em bé dù em đã tắt thở.
3. Chúa Giêsu tự mình sống lại:
Chúa Giêsu là chủ sự sống, từng ban sự sống chp người khác, dù là người đang bệnh hay đã chết nhiều ngày như Lazarô. Thế nên, khi Ngài cho đi mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại như Chúa Cha đã định thì Ngài cũng có quyền chỗi dậy để chúng ta nắm chắc sự sống lại mai sau trên nước Ngài hiển trị.
Chúa Giêsu là sự sống, chúng ta là môn đệ của Ngài phải là những sứ giả đem Tin mừng sự sống đến cho mọi người. Ai gặp khó khăn trong cuộc sống như nghèo khó về vật chất hay tinh thần thì chúng ta phải giúp đỡ họ: bằng lời an ủi, khích lệ cho những ai gặp khó khăn tinh thần; bằng cơm bánh, của cải vật chất cho những ai gặp cảnh túng thiếu. Đó cũng là những gì mà thánh Phêrô trong Bài đọc II nhắn nhủ các tín hữu Corintô: anh em trổi vượt người khác về lòng tin, về hùng biện, sự hiểu biết, thì cũng phải trổi vượt trong việc phúc đức theo gương Chúa Giêsu. Ngài giàu sang đã trở nên thân phận nghèo khó vì chúng ta để nhờ đó, chúng ta trở nên giàu có, từ thân phân nô lệ trở nên con cái thiên Chúa. Vậy chúng ta cũng phải biết giúp đỡ nhau, đem Sự Sống là Đức Kitô ngự trong chúng ta cho thế giới được tràn đầy bình an đời này và nhất là hạnh phúc đời sau.
Lạy Chúa Giêsu là nguồn sức sống của chúng con, xin cho chúng con được đầy tràn sức sống của Chúa để chúng con trở nên những chứng nhân rao truyền sự sống của Chúa trên khắp địa cầu và nhiều người được ơn cứu độ.
TIN TƯỞNG VÀO CHÚA KHI GẶP ĐAU KHỔ
Mc 5, 21 - 43
Trong thông điệp Spe Salvi của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, số 36, ngài đã nói đến đau khổ là thành phần của cuộc sống con người. Đối với những đau khổ thể lý, con người đã thực hiện được các tiến bộ đáng kể. Nhưng các khổ đau tinh thần lại gia tăng rất nhiều trong những thập niên vừa qua. Đứng trước hiện trạng như vậy, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi con người phải làm hết sức để vượt thắng đau khổ. Thế nhưng, ngài cũng nhấn mạnh việc loại bỏ hoàn toàn đau khổ ra khỏi thế gian này nằm ngoài tầm tay của con người, vì không ai có đủ khả năng khai trừ quyền lực của sự dữ, của tội lỗi vốn là nguồn gốc của đau khổ. Do đó, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi con người hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa trước sự đau khổ của con người, bởi vì chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể chữa lành được những đau khổ của nhân loại.
Những lời kêu gọi chúng ta của Đức Giáo cũng là lời mời gọi trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Maccô đã cho chúng ta thấy hình ảnh người đàn bà bị bệnh băng huyết và ông trưởng Hội Đường tên là Giairô đã đến với Chúa Giêsu trong sự tuyệt vọng vì phải chịu những đau khổ về thể xác và tinh thần mà họ không thể kêu cầu với ai để cứu giúp họ.
Người đàn bà đã đến với Chúa Giêsu trong sự tuyệt vọng, vì đã 12 năm bà phải chịu đau khổ vì một chứng bệnh mà đã nhiều lần chữa trị đều vô hiệu trong đôi bàn tay của nhiều bác sĩ. Bà cũng đã trả tiền chữa trị cho đến những đồng bạc cuối cùng, bà đã tận dụng hết mọi khả năng chữa trị của con người, nhưng cũng không thể chữa lành bệnh cho bà. Tuy bà phải chịu nhiều đau khổ về thể xác như vậy, nhưng có lẽ không bằng sự đau khổ về tinh thần mà bà phải chịu khi sống trong xã hội, khi sống với những người xung quanh. Đối với người Do Thái, một người đàn bà bị bệnh băng huyết bị coi là ô uế và bị cấm đụng đến người khác, vì ai đụng chạm đến bà cũng sẽ trở nên ô uế. Cho nên, nỗi đau khổ của bà là một tình trạng cô độc vì bị mọi người xa lánh, bà không thể đến được với ai và cũng không ai dám đến với bà để có thể an ủi và cảm thông với sự đau khổ mà bà phải chịu trong một thời gian dài như vậy.
Đồng thời, cùng với sự đau khổ của người đàn bà bị băng huyết này, thì sự đau khổ của ông trưởng Hội Đường cũng không kém, ông rất đau khổ vì đứa con gái của ông đang trong cơn thập tử nhất sinh. Và khi ông đến kêu cầu Chúa Giêsu thì người nhà cho ông biết là con ông đã chết, do đó, sự đau khổ của ông đã tăng lên gấp bội vì phải vĩnh viễn mất đi đứa con yêu quý của mình.
Thế nhưng, trong sự đau khổ lớn lao như vậy, họ không thể kêu cầu đến bất cứ ai được nữa, không còn ai có thể giúp đỡ họ khi mà nhu cầu của họ vượt quá khả năng của con người, thì họ đã đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa và Chúa đã chữa lành cho họ. “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”.
Đau khổ là một thực tế mà không ai trong chúng ta trốn tránh được, không ai mà không có đau khổ trong cuộc đời của mình. Hay nói khác hơn, mỗi người đều mang trong lòng mình một nỗi đau, nỗi đau muôn hình vạn dạng, anh chị em đau vì chồng, khổ vì con, anh chị em đau đớn trong thân xác mà khổ sở trong tâm hồn. Đó là một thực tế chúng ta không thể phủ nhận được. Và việc loại trừ đau khổ này nằm ngoài tầm tay của chúng ta và không ai có đủ khả năng để khai trừ sự đau khổ này ngoài Thiên Chúa như chúng ta thấy trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, cũng như lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết trong thông điệp Spe Salvi.
Khi nói về vấn đề này, có một hình ảnh mà chúng ta cần phải noi gương trong cuộc sống của mình, đó là Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, trong suốt 13 năm giam cầm trong một tình trạng đau khổ về thân xác và tinh thần hầu như tuyệt vọng. Mặc dầu ngài chẳng có tội lỗi gì, một người hiền lành, đạo đức, cả cuộc đời yêu thương, phục vụ người khác mà cuối cùng phải vào nhà tù. Cái hình ảnh đó cho chúng ta thấy một thực tế, đó là không phải mình cố gắng sống đạo đức, sống yêu thương, sống tốt lành mà cuộc đời của mình không có đau khổ, có khi còn phải chịu đau khổ nhiều hơn người khác nữa. Thế mà Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận vẫn đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Chính vì vậy, khi mà Đức Giáo Hoàng nói về Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong thông điệp Spe Salvi ở số 32, ngài viết như sau: “Nếu không còn ai nghe tôi nữa, thì vẫn còn có Chúa lắng nghe tôi. Nếu tôi không còn có thể nói chuyện với ai, nếu tôi không còn có thể kêu cầu đến bất cứ người nào, tôi vẫn luôn có thể thưa chuyện với Chúa. Nếu không còn ai giúp đỡ, khi nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, thì Thiên Chúa vẫn có thể giúp đỡ tôi”.
Chúng ta có thể dùng những lời này làm châm ngôn để an ủi cho mỗi người chúng ta mỗi khi gặp đau khổ, lúc nào cảm thấy cô đơn quá, không ai hiểu mình, không ai nghe mình, không ai thông cảm với mình, thì đừng quên là vẫn còn có Chúa. Hơn nữa, ngay cả khi chúng ta phạm tội, cũng là một sự đau khổ trong tâm hồn của mình, mà không ai có thể chữa lành được cho chúng ta, thì chúng ta hãy mau mắn chạy đến Tòa Giải Tội, nơi đó, Chúa luôn chờ đợi chúng ta, lắng nghe chúng ta và chữa lành cho chúng ta khỏi mọi tội lỗi và đem lại sự bình an trong tâm hồn chúng ta.
Đau khổ là một yếu tố không thể tránh khỏi của nhân loại. Mặc dù con đường đau khổ có thể dẫn chúng ta đến sự tuyệt vọng trong đời sống. Thế nhưng, với niềm tin của chúng ta, chúng ta hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, vì chỉ mình Chúa mới có thể giải thoát chúng ta khỏi mọi đau khổ.
Lạy Chúa, trong chương trình quan phòng cứu độ của Ngài, con tin rằng đau khổ không nhận chìm con, nhưng mời gọi con tỉnh thức trong sự cậy trông và tin tưởng. Đau khổ nhắc nhở con thân phận và kiếp sống mỏng manh của mình, để con không quá bám vào bất cứ điều gì hay bất cứ người nào mà chỉ hy vọng vào một mình Chúa mà thôi. Xin ban cho chúng con sức mạnh của lòng yêu mến Chúa để chúng con luôn bình tâm trong mọi nổi khổ đau của cuộc đời mình. Amen
SỨC MẠNH NIỀM TIN
Mc 5, 21 - 43
Một tổng thống có những cuộc thăm viếng thường xuyên những người lính tại một bệnh viện. Ông đi từ phòng này tới phòng khác, khích lệ và cảm thông với những bệnh nhân. Ông đến cạnh một anh lính trẻ đang hấp hối và hỏi: “Này bạn, tôi có thể giúp gì cho bạn ?”
Anh nhìn lên và diễn tả điều ao ước : “ Ngài sẽ viết thư cho mẹ tôi giúp tôi được không ?”
Ông đồng ý: “Tôi sẽ viết” và yêu cầu lấy giấy bút. Ông ngồi cạnh giường và viết những gì anh đọc cho. Viết xong, ông quay lại nói : “Tôi sẽ gởi thư này ngay sau khi rời khỏi văn phòng. Và bây giờ còn điều gì khác tôi có thể làm không ?”
Anh ngước nhìn, ngập ngừng, và cuối cùng buộc miệng: “Ngài có thể ở lại với tôi ? Tôi muốn ngài nắm tay tôi” .Ông nắm tay anh cho đến khi anh chết vài giờ sau đó.
Trong truyện người bệnh dám đòi điều kiện với viên tổng thổng. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm không dám mở miệng xin Đức Giêsu mà chỉ lén “sờ vào áo của Người”. Còn ông Giaia thì đỡ hơn không phải e dè như người đàn bà bị băng huyết. Vì băng huyết là một chứng bệnh dơ dáy. Người Do thái không chỉ thấy nó dơ về mặt thể lý mà còn coi nó là một thứ ô uế luân lý. Cho nên có luật cấm những kẻ mắc bệnh đó không được đụng chạm tới người khác, chạm tới ai thì người ấy kể như bị lây ô uế đó. Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết này cũng không dám cất tiếng kêu xin Đức Giêsu vì sợ người ta biết mình bệnh và xua đuổi mình. Bà định im lặng rờ vào mình Đức Giêsu. Nhưng vậy là phạm luật thánh, là có tội: thật là khó xử. Còn ông Giairô thì xin Chúa đến chữa trị cho con gái mình đang bệnh nặng. Đức Giêsu đã chấp thuận, nhưng khi hai người đang trên đường về nhà ông thì ông được tin con gái đã chết. Cả hai mới bắt đầu nhen nhúm hy vọng thì lề luật khắc khe đó như ngăn cản sự sống của hai con ngưòi khốn khổ này. Nhưng cuối cùng thì rào cảng đó đã bị phá bỏ nhờ tình yêu Đức Giêsu và đức tin của người bệnh.
1. Tình yêu với người bất hạnh
Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng cho tất cả mọi người nhưng Ngài đặc biệt quan tâm đến những người nghèo khổ, bệnh tật. Đôi lúc tự chúng thất vọng như bị Chúa bỏ rơi, có thể đó là những lúc chúng ta chưa cảm nhận được tình yêu Chúa, chứ ơn Ngài luôn đổ tràn và tình thương Người không bao giờ chấm dứt. Cũng tương tự, như người đàn bà bị loạn huyết và ông Giai-rô hôm nay chắc chắn khi Đức Giêsu chưa chữa lành bệnh thì họ vẫn chưa thấy được tình Chúa yêu. Họ đã gặp được Chúa mà họ vẫn còn chưa hoàn toàn tin, bằng chứng là những người xung quanh “chế nhạo Người” mà ông Giai-rô là chủ nhà mà lại không có một lời biện minh, vì ông ta chưa cảm nhận đủ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho gia đình ông nên ông không đủ can đảm để làm chứng. Có câu chuyện kể rằng: Một người vô thần ngày nọ đứng giữa công trường, ngửa mặt thách Chúa trong 5 phút, xem có dám giết ông không. 5 phút trôi qua, chẳng có chuyện gì xảy ra. Anh ngạo nghễ ăn nói xúc phạm đến Chúa. Chợt một bà già hỏi :
- Này ông, ông có đứa con nào không ?
- Ồ, sao bà lại hỏi thế ?
- Nếu một đứa con anh cầm con dao đưa cho anh bảo anh giết nó, anh có làm không ?
- Không, tôi thương chúng lắm.
-Chúa cũng vậy, Ngài thương anh lắm, đâu nỡ giết anh.
Cuối cùng chúng ta nhận ra rằng tình thương Thiên Chúa dành cho chúng ta luôn bao la nhưng nhận được bao nhiêu tùy ở mỗi người.
2. Đức tin
Người được biệt danh là “cha của những kẻ tin” là Abraham, khi đã lớn tuổi mới có được một đứa con trai, nhưng vâng lệnh Chúa ông đưa con lên núi sát tế và lòng đau như cắt mà vẫn tin rằng Chúa sẽ thực hiện lời hứa làm cho ông thành tổ phụ một dân đông đảo. Ông vẫn tin và quả thực Chúa đã làm ông thành tổ phụ những người tin. Và mẫu gương thứ hai là Phêrô khi tin ông dám bước đi trên mặt nước biển, Nhưng khi bắt đầu hoài nghi thì cũng là lúc ông bắt đầu chìm xuống. Khi có đức tin thì con người sẽ được múc lấy nguồn năng lực từ Đức Giêsu như chính người đàn bà bị bệnh hôm nay, chính nhờ đức mà bà đã được nhận nguồn năng lực từ Đức Giêsu “Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra”. Thì ngày hôm nay, đức tin chính là điều kiện cần và đủ để chúng ta được sống và sống dồi dào, vì chính Đức Giêsu đã khẳng định "Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin vào Ta, cho dầu có chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không chết bao giờ" .
Lạy Chúa, Xin giúp chúng con vững tin vào Chúa, và biết chạy đến với Chúa xin Ngài chữa con lành chứng bệnh phần hồn và phần xác . Amen
CHÚA NHÂT 13 THƯỜNG NIÊN - B
Mc 5, 21 - 43
Bài Tin Mừng tường thuật hai phép lạ Chúa Giêsu đã làm: phép lạ cho một phụ nữ được khỏi bệnh băng huyết, và phép lạ cho con gái ông trưởng hội đường Gia-ia được sống lại. Chúng ta thấy hai phép lạ như có một số điểm tương đồng : người phụ nữ mắc bệnh đã 12 năm, bằng với số tuổi của em bé kia, vì Tin Mừng cho biết khi em chết em được 12 tuổi. Cả hai phép lạ xảy ra đều do hành động thể lý là chạm tay vào tua áo Chúa và Chúa cầm tay em bé đã chết. Chúa Giêsu ban phép lạ này do lòng tin.
Trước hết, chúng ta thấy Chúa Giêsu nhận lời kêu xin của ông Gia-ia đi chữa bệnh cho con gái ông. Dân chúng đông đảo đi theo có vẻ háo hức và chen lấn, các môn đệ cùng đi bên Chúa. Gĩưa lúc ấy các môn đệ nhận ra một người đến quỳ trước Thầy mình, nhưng lúc ấy phép lạ đã xảy ra rồi, đó là một phụ nữ đầy lòng tin đã được Chúa cho khỏi bệnh. Thực vậy, giữa đám đông dân chúng dày đặc, phụ nữ này nhận ra một vị Thiên Chúa ẩn dật nhưng đầy quyền năng, bà không dám công khai trực tiếp xin Chúa trước mặt mọi người, có thể là vì xấu hổ hoặc ngại ngùng. Ngoài ra, bà cũng biết luật Lêvi cấm ngặt về loại bệnh này. Đối với người Do Thái, băng huyết là một bệnh được liệt vào số các chứng bệnh nan y và ô nhục, làm cho người bệnh ra dơ bẩn trước mặt Chúa và cộng đồng. Hơn nữa, chứng bệnh này còn làm cho người khác lây sự dơ bẩn của bệnh nhân, tức là họ đụng chạm đến ai hay ai đụng chạm đến họ đều trở thành dơ bẩn và phải dâng lễ tẩy uế mới được sạch. Đó là điều hết sức rắc rối.
Nên bà không dám đến trước mặt Chúa xin Chúa chữa lành, nhưng bà có một lòng tin chắc chắn vào sức mạnh uy quyền toàn năng của Chúa. Bà tự nhủ : “Không cần phải ra mặt, chỉ cần đụng chạm vào tua áo khoác ngoài của Ngài thôi thì chắc chắn sẽ được khỏi”. Chúng ta thấy bà thật khiêm tốn. Vì thế, bất chấp tất cả luật lệ phiền phức và nghiêm ngặt, bà lén đến sau lưng Chúa, để thực hiện ý định rút ơn Chúa, và kết quả bà được toại nguyện. Bà thể hiện đức tin một cách sâu sắc, như chính Chúa xác nhận và thưởng công cho lòng tin của bà : “Lòng tin của con đã cứu chữa con”.
Phép lạ thứ hai Chúa Giêsu làm là nơi nhà ông trưởng hội đường Gia-ia. Ông có đứa con gái mắc bệnh nặng thập tử nhất sinh, ông đến xin Chúa cứu con ông. Lòng tin mạnh mẽ được bộc lộ ra qua tất cả con người ông, nghĩa là qua các cử chỉ cũng như lời yêu cầu của ông. Thực vậy, khi đến trước mặt Chúa, ông quỳ sụp dưới chân Chúa, đây là một cử chỉ dành riêng cho Thiên Chúa Giavê trong Cựu ước, cử chỉ này chứng tỏ ông tin và nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai. Cử chỉ thứ hai là ông xin Chúa đến đặt tay trên con ông. Ông tin chắc chắn chứ không hồ nghi: “Thưa Thầy, con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”. Ông tin chắc chắn sự việc sẽ xảy ra như thế, nếu Chúa muốn. Ngài động đến đâu thì sức mạnh và sự sống lan tràn tới đó. Nhận thấy lòng tin mạnh mẽ của ông, Chúa đi tới nhà ông và cho con gái ông sống lại.
Đức tin thì không thể nhìn thấy, bởi vì nó không phải là vật chất, nhưng thuộc về tinh thần. Người ta không thể thấy được nó nhưng người ta có thể biết nó có nhờ khi nó biểu lộ qua hành động bên ngoài. Cũng như không ai nhìn thấy lòng tin của ông Gia-ia và của người đàn bà băng huyết, nhưng qua thái độ, lời nói và cử chỉ của họ đã biểu lộ lòng tin của họ. Cũng vậy, chúng ta có đức tin hay không, chẳng ai biết, nhưng khi thấy chúng ta đi vào nhà thờ nghiêm trang, người ta có thể biết được chúng ta là người có đức tin. Như thế, một điều chúng ta có thể ghi nhận là : đức tin chỉ ở trong lòng thôi thì chưa đủ mà còn phải biểu lộ ra bên ngoài.
Vì thế, chúng ta cần phải có một đức tin mạnh mẽ như ông Gia-ia, hiên ngang mà không hổ thẹn, vững chắc chứ không hồ nghi. Đàng khác, chúng ta cũng cần có một đức tin kín đáo nhưng dẻo dai như lòng tin của người phụ nữ trên đây, bà không cần kêu xin mai như ông Gia-ia, bà chỉ có một thái độ khẩn khoản khiêm nhường và đầy tin tưởng trong tâm hồn, thế là đủ. Chúa đang chờ đợi ở chúng ta cónhững tâm tình như thế.
Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta
CHÚA LÀ SỰ SỐNG
Mc 5, 21 - 43
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Sống vui, sống mãi và sống hạnh phúc, nhất là chiến thắng cái chết, không chỉ trong tư tưởng, nhưng là một khát vọng của con người ở mọi nơi mọi thời. Sự sống lại của Chúa Giêsu khẳng định, khát vọng ấy thực sự có thể, vì cái chết không phải là một phần cấu trúc sáng tạo, về nguyên lý là không thể đảo ngược, Chúa là Sự Sống : "Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết…" (Kn 1,13).
Bởi ác quỉ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian (x. Kn 1, 13-15), nhưng Thiên Chúa "sẽ không thí bỏ mạng tôi cho âm phủ" (Tv 16,10). Lời Thánh Vịnh trên được Chúa Giêsu là đầu và là trưởng tử hoàn tất khi sống lại từ trong cõi chết. Sự chết dẫn Người xuống mồ, nhưng không tiêu tan. Người đã chiến thắng sự chết. Chỉ có Lời quyền năng Thiên Chúa Tình Yêu mới đủ mạnh để phá đổ những rào cản của sự chết.
« Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại » là lời tuyên xưng vào sự hiện hữu thực sự của Thiên Chúa, cho phép chúng ta hát vang lời Alleluia ở giữa một thế giới, bóng tối tử thần đang đe dọa chúng ta.
Đoạn Tin Mừng thánh Marcô hôm nay như một dạng "phóng sự" được thánh Phêrô trực tiếp chứng kiến những sự kiện, chúng ta cần đọc với cái nhìn đơn giản mới thấy được sự phong phú của nó.
Chúa Giêsu đến và đặt tay lên đứa bé
Điều mà Giairô mong đợi nơi Chúa Giêsu là "đến đặt tay lên em bé để nó được khỏi và được sống" (Mc 5, 23). Thái độ của Giairô thật là ấn tượng. Đường đường là trưởng hội đường Do Thái, vậy mà ông "sụp lạy và van xin" Chúa Giêsu (Mc 5, 22), ông quên đi nhân cách, địa vị của mình trước đám đông nhiều người biết ông, ông tiên phong tin cậy vào Chúa Giêsu. Tất nhiên, vì cô gái diệu, ông làm tất cả.
Chúng ta cũng thế, trong lúc ốm đau bệnh tật, vô phương cứu chữa, hy vọng tiêu tan, thì lời kêu cầu vang lên tới Chúa thật tha thiết. Lời van xin của người cha : "Xin Ngài đến…để nó được khỏi và được sống !" Chúa Giêsu không nói một lời nào, lời trấn an Giairô cũng không. Đôi lúc Chúa vẫn im lặng đối với lời van xin của chúng ta, khi nhận lời chúng ta cầu nguyện. Chúa đồng hành và ở với chúng ta, ngay cả khi chưa nhận lời chúng ta.
Ai chạm đến Ta ?
Một câu hỏi cất lên giữa đám đông khiến các môn đệ sửng sốt : "Thầy coi đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vầy mà Thầy con hỏi : Ai chạm đến Ta ?" (Mc 5, 31) Thì ra "có một người đàn bà bị bệnh" (Mc 5, 25) đã đi lẫn vào trong đám đông đến sau Người. Có thể bà sợ đến với Chúa trước nhiều người. Sợ họ biết việc mình làm. "Mười hai năm trời sống với bệnh xuất huyết" (Mc 5, 25), nghe nói về Chúa Giêsu, Đấng đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền trong dân, cơ hội tuyệt vời đã đến, bà quyết định chạm tới áo Chúa.
Phản ứng của Chúa Giêsu không làm bà ngạc nhiên và xấu hổ. Không ai đụng đến áo Chúa mà Chúa không biết. Trước mặt Chúa, chúng ta không phải là người vô danh, mất hút giữa đám đông. Chúa thấy chúng ta kêu cầu, cả lúc chúng ta không thể hiện công khai. Chúa biết tất cả vì Người là Đấng toàn tri, là sức mạnh của Thiên Chúa, là Sự Sống. Người đàn bà đã nhận lại được sự sống qua việc chữa lành nhờ đụng chạm tới áo Chúa Giêsu (x. Mc 5, 33). Bởi trong chính cuộc đối thoại với người đàn bà nhút nhát đang tuyệt vọng này, từ việc chữa lành thể xác Chúa ban cho bà ơn cứu độ, bình an và sức khỏe xác hồn.
Dù đến với Chúa thế nào đi chăng nữa, lời thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta : "Bạn có biết sự hào phóng, ân hạn, nhưng không của các món quà của Chúa Giêsu Kitô" (2Cr 8, 9).
Họ liền chế diễu Người
Những "người nhà" Giairô là những người tốt. Với sự thận trọng, họ sẽ gặp người cha và báo cho ông biết về cái chết của con gái ông : "Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa ?" (Mc 5, 35). Nói thế, không phải họ thiếu lòng tin, nhưng là họ không thể tưởng tượng được một tình huống đã chết rồi có thể sống lại được.
Thoáng nghe lời họ nói, Chúa Giêsu bảo : "Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó" (Mc 5, 39). Họ thấy nực cười, vì chính lúc Giairô vắng nhà thì con gái ông trút hơn thở lần cuối. Chúa mời gọi ông Giairô : "Ông đừng sợ, hãy cứ tin" (Mc 5, 36) Giairô đã tin vào quyền năng chữa bệnh của Chúa. Ông được mời đi xa hơn sự tin tưởng là sống niềm tin vào Chúa.
Chúa Giêsu muốn chúng ta có một niềm tin sắt đá, một đức tin chuyển núi rời non, vượt trên sự chết. Kẻ có tội không bao giờ chết trước mặt Thiên Chúa. Người ấy có thể sống lại nhờ ân sủng Thiên Chúa trao ban, vì Chúa là Sự Sống. "Thiên Chúa không vui mừng khi người sống phải chết" (Kn 1,13).
Hãy cho em bé ăn
Giairô và vợ ông, cùng với ba tông đồ được Chúa mang theo. Chúa Giêsu không cầu xin Chúa Cha, không ban một lời chúc lành nào, vì Chúa là Sự Sống. Người có thể trả lại sự sống cho em bé một cách dễ dàng khi cầm tay nó. Người vẫn cầm tay chúng ta mà chúng ta không biết.
Những người chứng kiến không được chuẩn bị để đánh giá một cử chỉ như vậy có nghĩa gì. Còn quá sớm để giải thích cho họ ý nghĩa đầy đủ về sự sống lại của em bé. Nếu Đức Giêsu giữ bí mật, khác hẳn với việc Chúa chữa người đàn bà chạm vào Chúa, Người đã mang theo ba nhân chứng là những chứng nhân từ núi Chúa biến hình cho đến khi Chúa chịu Khổ Nạn và Phục Sinh. Im lặng là cần thiết, vì sự sống lại như thế được coi là dấu chỉ rõ ràng thời thiên sai.
Chúa Giêsu bảo họ : "Hãy cho em bé ăn" (Mc 5, 43). Vì em mà Chúa Giêsu đến. "Ăn" là cử chỉ Chúa Giêsu báo trước sự phục sinh của Chúa, vào buổi chiều tối Chúa Phục sinh, Chúa hỏi các môn đệ : " các con có gì để ăn ?" không phải là để ăn cho thể xác, nhưng là để họ có niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô.
Giờ đây, Tiệc Thánh chúng ta cử hành là dấu chỉ của niềm vui được chia sẻ trong đức tin trước Thiên Chúa hằng sống, với sự sống viên mãn tràn đầy chứng thực rằng sự sống mạnh hơn cái chết. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
TIN TƯỞNG HAY SỢ SỆT
Mc 5, 21 - 43
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Thiên Chúa không dựng nên sự chết theo lời của Sách Khôn Ngoan khẳng định. Điều này đã được chứng tỏ khi Chúa giựt cô bé của ông Giairô khỏi tay tử thần, Người đã loan báo sự Phục sinh của Người và của mỗi người chúng ta. Hôm nay trong đoạn Tin Mừng của thánh Máccô, chúng ta được chứng kiến quyền năng vô biên của Chúa Giêsu…Cả hai nhân vật mà thánh Máccô thuật lại đều bị giao động giữa sợ sệt và tin tưởng khi đối diện với Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta phải có thái độ nào khi đứng trước Chúa Giêsu?
Tin Mừng trong trích đoạn Chúa nhật XIII, năm B của thánh Máccô cho thấy Chúa Giêsu làm hai phép lạ : phép lạ thứ nhất Chúa làm cho con ông Trưởng Hội đường là Giairô có đứa con gái vừa chết được Chúa cho sống lại. Thánh Máccô thuật lại “ một ông Trưởng Hội đường tới phủ phục dưới chân Chúa Giêsu, năn nỉ Người: con gái nhà tôi gần chết, xin Ngài đến đặt
tay lên cháu để cháu qua khỏi và được sống “. Chúng ta nhận ra niềm tin khởi đầu của ông bởi vì trước một cơn bạo bệnh, nguy cơ con ông gần chết, ông đã không tìm thầy thuốc, không tìm thầy bói, thầy cúng nhưng ông đã hướng về Chúa, đã đặt hết niềm tin vào Ngài. Tuy nhiên, khi nghe tin cái chết đã cất sự sống của con gái ông thì một khung trời tối đen đã ập xuống trên ông, nhưng Chúa đã an ủi ông :” Ông đừng sợ, chỉ cần tin “. Quả thực ông đã có niềm tin ngay từ đầu và giờ này, cái chết cướp con gái ông, niềm tin của ông lại trở nên to lớn hơn. Giairô vẫn một niềm tin vào Chúa…Đức Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín, cha mẹ cô bé ra riêng và nói với họ :” Con bé không chết đâu, nó ngủ đấy “ giữa lúc đám đông cười nhạo Chúa vì họ biết cô bé đã chết rồi ! Chúa đã chứng tỏ quyền năng của Ngài khi tới nơi, cầm lấy tay cô bé và nói :” Ta-li-tha-kum, nghĩa là :” Này bé, Thầy truyền cho con : chỗi dậy đi ! “. Mọi người kinh ngạc sững sờ vì Chúa đã làm cho cô bé sống lại…Đang khi Chúa Giêsu gặp ông Giairô thì một người đàn bà mắc bệnh băng huyết đã mười hai năm, lén đụng vào gấu áo Chúa Giêsu. Sở dĩ lén vì bà đang bị ô uế ( Lv 15, 25 ). Chúng ta ghi nhận sức mạnh của quyền năng tuyệt đối của Chúa Giêsu trước sự bất lực của các lương y, bác sĩ vv…và lòng tin mạnh mẽ tuy âm thầm của người đàn bà mắc bệnh loạn huyết này…Việc ghi nhận này được diễn tả rõ nơi bà bị bệnh loạn huyết :” Tức khắc, máu cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh “ ( Mc 5, 29 ).Thật kỳ diệu. Thật không thể diễn tả nổi sự vui mừng, an bình của người đàn bà mắc bệnh này. Bà đã lén đụng vào áo của Chúa.Nhưng giờ này Chúa buộc bà phải đối diện với Chúa, với mọi người và bà đã công khai thuật lại sự việc và bệnh hoạn của bà ! Bà đã trình bày sự thật, và khi nhấn mạnh tới niềm tin của bà, Chúa Giêsu cho bà ta lui về trong bình an:” Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”( Mc 5, 42 ).
Cuộc hành trình đức tin của chúng ta là một cuộc chiến đấu lâu dài. Chúng ta phải sống bằng đức tin, chứ không phải bằng tình cảm chóng qua. Tin công khai như ông Trưởng Hội đường hay rụt rè, bẽn lẽn, sợ sệt như người đàn bà bị bệnh băng huyết. Hai đức tin công khai và âm thầm, tất cả đã đưa hai người vào mối quan hệ thâm sâu với Chúa Giêsu, nhờ thế cả hai người đều đạt được đức tin trọn vẹn như chung ta chứng kiến và phép lạ Chúa làm đã xẩy ra.
Qua bài đọc Chúa nhật XIII, năm B hôm nay, chúng ta thử đặt lại đức xem chúng ta đã tin tưởng vào Chúa Giêsu thật sự hay chúng ta lo âu sợ sệt, và không dám đối diện công khai với Chúa Giêsu để xin Ngài cứu chữa ?
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn luôn bám chặt và đặt hết lòng tin của chúng con vào sự quan phòng của Chúa. Amen.
CHÚA GIÊSU LUÔN QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI
Mc 5, 21 - 43
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy mỗi tác giả Phúc Âm đều có những nét riêng biệt diễn tả con người của Đức Kitô. Tuy nhiên, dù có những điểm khác biệt trong Tin Mừng của mình. Nhưng tất cả các tác giả Tin Mừng đều cố gắng với sự linh hứng của Chúa Thánh Thần đều nói lên tính cách trung thực và đồng nhất về Chúa Giêsu Nagiarét, Đấng Cứu Thế đã đến trong thế gian. Thánh Máccô trình bầy Chúa Giêsu như Một- Con -Người-Chúa, một người luôn yêu thương và cảm thông với chúng ta.
Các bài đọc Chúa nhật XIII thường niên, năm B, đặc biệt đoạn Tin Mừng của thánh Máccô nhằm giới thiệu một Đức Kitô nhân từ, giầu lòng thương xót. Ngài luôn quan tâm, săn sóc và yêu thương, giúp đỡ con người. Tin Mừng Mc 5,21-43 thuật lại hai phép lả Chúa Giêsu đã làm để cứu vớt con người.Phép lạ thứ nhất, Chúa làm cho đứa bé con ông trưởng Hội đường Giairô, chết sống lại. Phép lạ thứ hai, Chúa làm cho người đàn bà bị bệnh băng huyết lâu năm được khỏi. Cả hai phép lả được Chúa làm là do lòng tin của con người. Ông trưởng hội đường đã tỏ thái độ tin sâu xa khi Ông khẩn khoản nài xin Chúa Giêsu: ” Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu thoát và được sống “ ( Mc 5, 23 ).Còn người đàn bà bị bệnh băng huyết từ lâu đã có một đức tin thật đáng nể: ” Tôi mà sờ được vào áo của Người thôi, là sẽ được cứu “ ( Mc 5, 28 ). Nơi Ông Giairô. Lòng tin được biểu lộ cách cụ thể, mãnh liệt, rõ ràng, còn nơi người đàn bà, lòng tin rụt rè, kín đáo. Nhưng dù lòng tin có mãnh liệt hay rụt rè, tất cả đều nói lên đức tin của con người. Và như thế, đức tin là yếu tố quyết định để Chúa làm phép lạ.
Ở đây, chúng ta nhận ra rằng trong đời sống truyền giáo, đời sống phục vụ của Chúa Giêsu, Ngài luôn dành thời gian cho mọi hạng người. Dù người có địa vị như ông trưởng Hội đườung, hay người vô danh tiểu tốt như người đàn bà đang bị bệnh, Chúa luôn yêu thương họ như nhau. Mỗi người đều có chỗ đứng trong trái tim của Người. Tin Mừng cho chúng ta thấy rất nhiều lớp người đã tới với Chúa Giêsu và chính Người cũng đã tới với nhiều lớp người trong xã hội. Chúa luôn yêu mến mọi người với trái tim con người. Người là Chúa, nhưng qua việc Nhập thể, Ngài đã chấp nhận kiếp sống làm người, ngoại trừ tội lỗi, do đó, Người chia sẻ kiếp người và cảm thông với những nỗi vui buồn của con người. Chúa đã cầm tay chúng ta bằng chính đôi tay của Người, gọi tên chúng ta, và làm cho chúng ta sống lại nhờ Người tẩy sạch tội lỗi cho chúng ta. Chúa đã nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Mình Máu của Người.
Vâng, cuộc đời của mỗi người chúng ta ở trần gian là một cuộc hành trình đức tin. Con người chúng ta sống bằng đức tin chứ không chỉ duy tình cảm hời hợt bên ngoài. Bởi vì nếu chỉ dựa vào tình cảm chúng ta sẽ dễ chán nản, thất vọng …Đức tin sẽ giúp chúng ta vượt thắng mọi sự. Cuộc đời có lúc vui, có lúc buồn, có lúc thuận, có lúc nghịch nhưng chúng ta vẫn giữ vững một niềm tin.
Chúng ta tin khi có Chúa ở với chúng ta, chúng ta sẽ chiến thắng tất cả bởi vì Chúa đã nói trong Tin Mừng: ” Không có ta chúng con thể làm được gì “ và Chúa hứa: ” Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế “. Thánh Phaolô đã rất xác tín: ” Tôi sống không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Đối với Chúa, chúng ta tất cả đều được ngài quan tâm. Chúa Giêsu luôn luôn dành thời gian cho chúng ta.
Chúa đã yêu thương chúng ta như một người Cha nhân hậu tốt lành. Ngài biết chiên và gọi tên từng con chiên: ” Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào “ ( Ga 10, 10 ). Chúa luôn tôn trọng sự tự do của chúng ta và để chúng ta đáp trả lại tình yêu ấy. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết đáp trả tình thương của Chúa như một đứa con ngoan, một đứa con hết sức thảo hiếu bằng cách luôn hướng về Chúa trong mọi cơn thử thách, nguy nan.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn đặt niềm tin tín thác nơi Chúa. Amen.
GẶP GỠ
Mc 5, 21 - 43
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
“Nếu tôi chạm vào gấu áo của Nguời thì tôi sẽ được khỏi bệnh” ( Mc 5, 28 ). Sự đụng chạm này đã linh nghiệm. Người phụ nữ được chữa lành khỏi bệnh băng huyết. Sức khoẻ của bà được phục hồi. “Người cầm lấy tay em bé và nói: Talithakum …lập tức em bé đứng dậy và đi lại được” ( Mc 5,41-42 ). Cái cầm tay này đã linh nghiệm. Em bé đã được hồi sinh. Ôi, có những cái đụng chạm tuyệt vời, những cái đụng chạm làm phát sinh điều tốt đẹp. “ Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã chạm đến Ta ?” ( c. 31 ). Quả thật, trong một ngày, một tuần… không biết bao lần ta đụng chạm, tiếp xúc với tha nhân cách này hay cách khác. Có nhiều cái đụng chạm, tiếp xúc hoá thành sự gặp gỡ và phát sinh hiệu quả tốt đẹp nhưng cũng có nhiều cái đụng chạm, tiếp xúc trở nên sự đụng độ và gây ra hậu quả chẳng hay. Khi sinh thời, rất nhiều người đã tiếp xúc với Chúa Giêsu và họ đã hưởng nhận biết bao ơn lành. Tuy nhiên cũng không ít người tiếp xúc với Chúa mà kết quả xem ra xấu xa và tồi tệ hơn chẳng hạn như phần lớn các luật sĩ, biệt phái… Có thể khẳng định cái yếu tố khiến cho những sự tiếp xúc phát sinh những kết quả trái ngược như thế, đó là ý hướng, thái độ của người tiếp xúc: tin tưởng hay hoài nghi vì đố kỵ.
“Này bà, lòng tin bà đã cứu chữa bà. Bà hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”. “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” ( Mc 5,34.36 ). Những lời của Chúa Giêsu nói với người phụ nữ bị băng huyết và với ông trưởng hội đường qua bài Tin Mừng hôm nay khiến ta liên tưởng đến lòng tin. Thật vậy, đọc Tin Mừng ta phải chân nhận rằng chính do bởi lòng tin của người ta mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ để chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ hay phục sinh kẻ chết... Hình như chỉ mỗi một lần Chúa biểu dương uy quyền để củng cố đức tin người ta như phép lạ hoá nước thành rượu tại Cana. Tuy nhiên xét cho cùng, phép lạ ấy cũng được xuất phát từ lòng tin của Mẹ Maria. Mẹ đã vững tin nên dù nghe câu trả lời như từ chối của Chúa Giêsu thì Mẹ vẫn biểu gia nhân: “ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” ( Ga 2,5 ). Niềm tin làm phát sinh nhiều hiệu quả tốt đẹp lạ thường. Niềm tin giúp ta vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn. Niềm tin có sức chữa lành tật bệnh và khiến ta vui sống. Quả thật nếu không có lòng tin ở nhau thì ta thật khó mà tồn tại và phát triển. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đồ: Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải thì các con có thể lấp biển, dời non. Điều kiện có vẻ như tiên quyết mà Chúa Giêsu đòi hỏi ở những ai muốn Người thi ân giáng phúc đó là tin vào Người.
Tin Mừng còn dẫn chứng cho ta hay rằng những người không tin vào Chúa Giêsu có thể nói là các Thượng tế, luật sĩ và biệt phái. Dĩ nhiên không phải là tất cả nhưng hầu như đại đa số trong họ. Một trong những nguyên cớ khiến họ không tin vào Chúa Giêsu đó là lòng ganh tương đố kỵ. Bài đọc thứ nhất, sách Khôn ngoan nói rõ: “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” ( Kn 2,24 ). Vì lòng ganh tương đố kỵ mà nhiều người đang lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ dù có tiếp xúc với Chúa thì cả “những cái họ đang có cũng sẽ bị lấy mất”.
Ganh đua và ganh tị xem ra gần giống nhau ở đích nhắm. Cả hai đều không muốn kẻ khác hơn mình. Trong khi người ganh đua thì tìm cách học hỏi, nỗ lực rèn luyện…để vươn lên cho hơn người thì kẻ ganh tị chỉ loay hoay tìm cách hạn chế, hạ bệ kẻ khác để họ phải thua mình. Dĩ nhiên, kẻ ganh tị sẽ không trừ một thủ đoạn nào. Đặc biệt khi kẻ ganh tị lại lợi thế hơn nhờ chức quyền, địa vị thì thủ đoạn sẽ tinh vi và nhiều khi đi đến chỗ bất nhân cách trắng trợn nếu không muốn gọi là vô liêm sỉ. Như lời tác giả sách Khôn ngoan thì đằng sau kẻ ganh tị luôn có bóng dáng của Thần Dữ và hậu quả là “sự chết” cho cả người bị ganh tị lẫn kẻ ganh tương đố kỵ.
Mẹ Hội Thánh, đặc biệt từ sau Công Đồng Vaticanô II luôn cổ võ con cái mình tích cực gặp gỡ, đối thoại với thế giới, với anh em khác đạo và với cả anh em vô thần. (x.MV 92; TG 12 ). Ai cũng mong cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ta và tha nhân mang lại kết quả. Thánh Công Đồng dạy ta cần phải khiêm tốn lắng nghe trong chân thành và sẵn sàng đón nhận những khác biệt chính đáng của tha nhân. Để có được thái độ này tiên vàn ta phải có lòng tin vào tha nhân. Tin vào thiện ý và thiện chí của nhau là tiên đề của mọi cuộc tiếp xúc hay đối thoại.
Chúa Giêsu đã làm guơng cho ta về thái độ này. Ngoại trừ một số người mà Chúa Giêsu đã biết rõ lòng dạ chai đá của họ, thì để khơi gợi lòng tin nơi những người mà Người gặp gỡ, Người thường đi bước trước bằng cách tin vào họ. Chính nhờ tin vào một chút thiện hảo nơi tấm lòng thiếu phụ Samaria bên bờ giếng Giacop, Chúa Giêsu đã đốt lên niềm tin của chị. Tin Mừng thứ tư đặc biệt nhấn mạnh đến chủ đề lòng tin. Những bài tường thuật về công việc của Chúa Giêsu cũng như những bài diễn từ khá dài của Người thường xoay quanh chủ đề lòng tin. Mặc dù thấy rõ sự cứng lòng tin của nhiều người Do Thái thế mà Chúa Giêsu vẫn không ngừng rao giảng và dùng việc làm để minh chứng cũng đủ cho ta thấy Chúa luôn hy vọng, tin tưởng. Chúa ban ơn tha thứ vì Người tin ở ta. Chúa không ngần ngại sửa dạy cả những người có chức có quyền thời bấy giờ vì Người tin tưởng sẽ có ngày họ đổi thay.
Giữa Hội Thánh và Chính Quyền các cấp, giữa ta và anh chị em lương dân hay khác đạo, giữa ta với ta, bậc bề trên và người bề dưới trong đạo, điều lý tưởng là có sự tiếp xúc chứ không phải đụng độ, có sự đối thoại chứ không phải đối đầu. Để lý tưởng này được hiện thực, thiết nghĩ cần phải có lòng tin vào nhau. Những người biệt phái, tư tế, luật sĩ thời Chúa Giêsu, họ thiếu lòng tin thường là do bởi lòng ganh tị. Họ ganh tị vì không muốn cái anh thợ mộc Giêsu này hơn mình hay qua mặt mình.
Lòng tin thường phát xuất từ tình yêu. Hiện thực cuộc sống cho ta thấy điều này: tình yêu đến trước rồi đôi nam nữ dần tin nhau chứ không phải vì họ tin nhau trước rồi họ mới yêu nhau. Để xây dựng lòng tin, trước hết ta hãy có một chút tình. Ta hãy đi bước trước trong việc yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương. Nguời không chỉ chăm sóc các môn đệ mà còn tìm mọi cách để cho các ông sinh hoa kết trái và tạo điều kiện để các ông “làm được nhiều việc lớn lao hơn cả những việc Người làm” ( x.Ga 14,11-12 ).
Nếu như Chính Quyền không sợ Hội Thánh gây ảnh hưởng hay ngược lại, nếu như các tôn giáo không sợ nhau chiêu mộ tín đồ, nếu như bề trên không sợ bề dưới tài giỏi hơn mình và nếu… thì sự tiếp xúc, đối thoại chắc chắn sẽ hiện thực. Khi đã có lòng tin ở thiện ý và thiện chí của nhau thì sự gặp gỡ sẽ ở trong tầm tay chúng ta và kết quả là nhiều điều tốt đẹp sẽ diễn ra trước mắt chúng ta.
ĐỤNG ĐẾN ÁO
Mc 5, 21 - 43
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Trong cuộc đời công khai giới thiệu Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã qui tụ một số môn đệ đi theo Ngài và Ngài đã huấn luyện họ, dạy dỗ họ, làm nhiều phép lạ kèm theo những lời Ngài giảng dạy để chứng tỏ quyền của Ngài. Nhữg phép lạ Chúa Giêsu làm minh chứng Ngài yêu thương nhân loại, yêu thương con người. Chúa Nhật 13 thường niên, năm B, Hội Thánh cho đọc đoạn Tin Mừng của thánh Máccô nói về hai phép lạ: phép lạ cứu chữa con gái ông Gia-ia thoát chết và phép lạ chữa người đàn bà loạn huyết lâu năm được khỏi. Hai phép lạ này đều là kết quảcủa lòng tin…
Chúng ta phải để cho Lời Chúa soi dẫn và Chúa Thánh Thần dùng Lời của Chúa để biến đổi chúng ta. Bài đọc I cho thấy Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài cách tốt đẹp, ma quỉ gây ra cái chết vì thù địch với con người, ghen tỵ với con người vì con người được Thiên Chúa ưu đãi, muốn thoát sự kềm tỏa của ma quỉ, con người phải thực hành sự công chính. Bài đọc 2, Đức Kitô đã thí mạng sống để cứu độ con người, do đó, con người phải thí mình vì anh em. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hướng chúng ta về lòng nhân hậu và chạnh thương của Chúa khi con người biết chạy tới với Ngài và xin Ngài cứu giúp. Hành động đức tin và gắn bó chặt nơi Chúa sẽ được Chúa cứu vớt.Nơi ông trưởng hội đường, lòng tin được bày tỏ rõ ràng, còn nơi người đàn bà, lòng tin rụt rè, e lệ và kín đáo. Tuy nhiên, dù lòng tin có kín đáo hay rõ ràng, thì chính lòng tin của con người đã giúp cho phép lạ xảy ra. Điều này minh chứng muốn có phép lạ phải có lòng tin vững vàng, lòng tin phải tỏ lộ và minh chứng. Ở đây, hai phép lạ. Hai con người. Hai cách biểu tỏ lòng tin nhờ đó, Chúa sẽ can thiệp và cứu giúp con người. Phải có đức tin mới có phép lạ. Phải có tấm lòng, phải có sự quảng đại cộng tác với nhau, như phải có sự cộng tác của con người với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa đã làm phép lạ. Ông Gia-ia đã biểu lộ lòng tin lặn lội tìm tới Chúa Giêsu cũng như người đàn bà bị loạn huyết chỉ ao ước được đụng chạm tới Chúa Giêsu thì bà sẽ được khỏi. Quả thực, hai con người, hai cách biểu tỏ lòng tin, Chúa Giêsu đều cứu vớt.
Đức tin sẽ giúp con người vui sống, phấn khởi và hạnh phúc. Không có đức tin, không có niềm hy vọng, niềm tin, con người sẽ đau khổ, thất vọng, buồn nản, ê chề. Đời của mỗi người là một cuộc hành trình đức tin, là một cuộc phấn đấu không ngừng. Đức tin khác với tình cảm buồn vui. Tình cảm luôn thay đổi còn đức tin luôn bền vững. Chính vì thế, đức tin của mỗi người chúng ta phải vững chắc không được sống tình cảm vui buồn. Bởi vì, tình cảm dễ thay đổi. Vui thì khác. Buồn thì khác.Gương đức tin của ông trưởng hội đường, và người đàn bà bị bệnh loạn huyết trong Tin Mừng sáng nay mời gọi chúng ta kiểm điểm lại thái độ sống của mỗi người chúng ta. Đời sống con người chúng ta có phải lúc vui chúng ta biểu lộ đức tin và ngược lại lúc buồn chúng ta biểu lộ đức tin khác. Chúng ta yếu đức tin hay luôn phó thác nơi Chúa. Chúng ta có cậy dựa vào những mưu kế trần gian để lươn lẹo, luồn lách để sống không ?
Gương đức tin của Abraham, của Môsê, của Isaac, Giacóp và của nhiều người trong Tin Mừng phải là kim chỉ nam cho đời sống của mỗi người. Chúng ta có cậy dựa vào Chúa không ? Bởi Chúa đã nói Ngài là khiên thuẫn chở che chúng ta mà. Ngài nói chúng ta chỉ cần tin. Chúng ta đã tin đủ chưa ? Chúa nói như thế nhưng đó lại là cả một thách đố lớn lao đối với chúng ta. Chúa nói không phải những ai chỉ nói ngoài môi miệng:” Lạy Chúa, lạy Chúa là được rỗi, nhưng là những ai nghe và thực thi Lời Chúa “.
Đức tin quả thật là thách đố lớn lao đối với mọi người.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa. Amen.
NIỀM TIN QUYẾT ĐỊNH TẤT CẢ
Mc 5, 21 - 43
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
Trong cuộc sống nhân sinh, “tứ khổ” sinh – lão – bệnh – tử luôn là mối lo canh cánh của con người. Thật vậy, bất luận là ai, địa vị thế nào, hoàn cảnh ra sao, tất cả đều phải trải qua những vấn nạn nêu trên. Vì thế, con người luôn tìm mọi phương cách để có thể giảm bớt những liên luỵ do những “vị khách không mời” cũng đến này. Người Kytô chúng ta cũng đi tìm và, chúng ta đã tìm ra phương cách hầu có thể giải trừ những vấn nạn nêu trên. Phương cách đó như thế nào? Tin mừng hôm nay giúp chúng ta tìm ra lời giải đáp.
Tin mừng hôm nay cho thấy cả hai trường hợp người đàn bà bị băng huyết ròng rã 12 năm trời và con gái ông Giaia bị bệnh thập tử nhất sinh đều hết phương cứu chữa. Chúng ta biết, theo quan niệm của người Dothái, máu huyết trong cơ thể con người tượng trưng cho sự sống. Chính máu huyết làm cho sự sống con người được tồn tại. Thế mà người đàn bà trong Tin mừng hôm nay lại bị băng huyết. Điều đó cho thấy, sự sống trong con người bà đang bị mất dần; và, cái chết chắc chắn chỉ còn là vấn đề của thời gian mà thôi. Không nói, chắc chúng ta cũng hiểu tâm trạng lo lắng nếu không muốn nói là tuyệt vọng của bà. Bởi ròng rã 12 năm trời, bà đã tìm thầy chạy thuốc, tiêu hao hết gia sản, mà căn bệnh vẫn không thuyên giảm. Lo lắng tuyệt vọng bao trùm cho đến khi bà nghe danh Chúa Giêsu.
Còn ông trưởng hội đường Dothái Giaia thì sao? Con gái rượu của ông đang nằm trên giường bệnh, đang đối diện với lưỡi hái tử thần. Dĩ nhiên căn bệnh của con gái ông cũng đã trải qua rất nhiều thầy thuốc, qua bao nhiêu lương y tài giỏi, nhưng tất cả đều bất lực. Quả thật, dù tài năng đến mấy, không ai dám nói mạnh khi đứng trước bệnh tật và sự chết. Vì thế, ông trưởng hội đường đã đến với Chúa Giêsu và điều ông muốn là xin Người dủ lòng thương, đặt tay trên người con gái yêu quý của ông để nó được cứu thoát và được sống.
Nghe biết danh Chúa, nhưng vì sợ phải phiền luỵ, vì luật Lêvi cấm không ai được đụng chạm đến bà – một con người ô uế (x. Lv 15, 19-27), người đàn bà bị băng huyết chỉ nghĩ một cách hết sức đơn sơ và mộc mạc rằng, “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu”. Quả thật niềm tin đơn sơ và mộc mạc ấy lại phát sinh hiệu quả tức thì. Căn bệnh khốn khổ của bà lập tức được chữa khỏi. Và như thế cũng có nghĩa rằng, từ nay bà đã được cứu sống, và sự sống vẫn còn tồn tại trong bà. Niềm tin đơn sơ ấy của bà được Chúa Giêsu tái xác nhận khi bà lên tiếng tự nhận những ý nghĩ đã dẫn bà đến hành động và được chữa khỏi. “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”.
Còn viên trưởng hội đường Giaia thì sao? Đến với Chúa Giêsu, đặt niềm tin vào Người nhưng quanh ông vẫn còn những tiếng nói hồ nghi, khiến ông hết sức khó xử, không biết phải phân định thế nào cho phải. “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy chi nữa?”. Quả thật lòng ông không rối bời và đau đớn sao được khi nghe hung tin con gái yêu của ông đã chết. Niềm đau ấy dường như tăng lên gấp bội khi ông cố công đến gặp người mà ông đang đặt hết niềm hy vọng, thế mà Người đã chậm bước, con gái ông thật xấu số. Có lẽ hiểu được nổi đau và tâm trạng hoảng loạn của ông, Chúa Giêsu đã lên tiếng trấn an. “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Vâng, chỉ đơn giản vậy thôi, con gái ông từ cõi chết đã sống lại. Bỏ qua tai những lời hồ nghi để tin vào Đấng quyền năng, con gái ông đã được cứu thoát. Cho hay, phép lạ xảy ra hoàn toàn không chỉ đến từ phía Thiên Chúa mà còn đến từ phía con người, đến từ chính niềm tin đôi khi rất đơn sơ và mộc mạc.
Có ở trong trường hợp của người đàn bà bị băng huyết cũng như của ông trưởng hội đường Dothái Giaia, chúng ta mới cảm nghiệm hết thế nào là niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Niềm tin, tự nó là một sức mạnh tinh thần vô hình khiến chúng ta vượt thắng mọi nổi sợ hãi, vượt qua những cản trở do luật lệ quy định, vượt qua những định kiến, những hồ nghi để can đảm tín thác mọi sự vào bàn tay quyền năng của Thiên Chúa. Niềm tin của người Kytô chúng ta có đối tượng, có nguồn gốc rõ ràng chứ không phải là niềm tin mù quáng, nhất thời. Đối tượng là Thiên Chúa và nguồn gốc xuất khởi từ quyền năng vô biên của Người.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa giúp mỗi người chúng ta duyệt xét lại niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Hãy xem niềm tin mạnh mẽ của người đàn bà bị băng huyết và của ông trưởng hội đường Giaia để thấy được niềm tin ở nơi Thiên Chúa của chúng ta đang ở mức độ nào. Xin Chúa giúp cho niềm tin của chúng ta được lớn mạnh, để, một khi niềm tin được lớn mạnh, nó như viên ngọc quý được đặt đúng chiều và sẽ toả sáng cho muôn người.
THIÊN CHÚA ĐẤNG BAN SỰ SỐNG
Mc 5, 21 - 43
Sr Mai An Linh OP
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã “ dựng nên con người giống hình ảnh Người” để con người được tham dự vào sự sống vĩnh cửu, nhưng vì tội lỗi nên con người phải chết (Kn.1,13-15…). Thế nhưng những ai biết kêu cầu Người thì được Người cứu sống ( Đáp ca:TV.29), điển hình là người phụ nữ bị bệnh loạn huyết 12 năm đã tin tưởng kêu xin Chúa Giêsu, đã được Người chữa lành để tiếp tục sống, cũng như ông trưởng hội đường Giairô đã biết trông cậy nài xin Chúa chữa người con gái của ông và Chúa đã cho nó sống lại (Mc.5,21-43).
Muốn được Thiên Chúa tái tạo sự sống thể lý cũng như sự sống thiêng liêng, con người phải có đức tin như người phụ nữ bị bệnh loạn huyết và ông Giairô trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Qua đó chúng ta thử xét lại đức tin của chúng ta xem sao: Tin khi đời sống bính an, thuận buồm xuối gió thì chưa hẳn là đức tin thật, nó phải được tôi luyện trong đau khổ, trong khó khăn, trong những lúc gặp gian nan thử thách mà vẫn kiên trì, thì đức tin ấy mới có thể làm nên phép lạ. Hay nói đúng hơn lúc ấy Thiên Chúa mới trợ giúp, mới cứu chữa, vì khi đó không phải ta tin vào sức riêng mình mà tin vào sức Chúa thì Chúa phải thực hiện thôi. Như Abraham xưa, như Phêrô đi trên mặt biển, như người phụ nữ và ông Giairô hôm nay.
Vậy lòng tin của chúng ta lúc này ra sao ? chúng ta vẫn hằng tuyên xưng trong kinh Tin Kính chúng ta đọc, nhưng có lẽ lòng tin đó mới ở trên môi miệng chứ chưa thực sự ở trong hành động. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta một đức tin bền vững để không phải chỉ tin Chúa ngày hôm nay khi cuộc đời ta đang bình an, xuôi chảy, nhưng vẫn còn đủ sức để tin vững mạnh hơn nếu ngày mai chúng ta rơi vào hoàn cảnh khó khăn thử thách.
Ngoài ra tin là cộng tác với ơn Chúa và muốn sống đời đời cũng phải đồng hành với Chúa như người phụ nữ loạn huyết, chị nghĩ mình phải làm một cái gì đó chư không chỉ tin suông, nên chị đã đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình. Ông Giairô cũng vậy, ông tin Chúa Giêsu có thể cứu sống con ông, ông vội vã đến với Chúa. Cả hai đều tin tưởng vào Chúa và nỗ lực cộng tác với ơn Chúa. Vì thế, chúng ta không thể thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy xử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban, còn phần kia tùy Chúa định liệu.
Chúa đã cho người phụ nữ khỏi bệnh để tiếp tục cuộc sống trần gian và cho con gái của ông Giairô chỗi dậy và Chúa cũng cho mỗi người chúng ta cuộc sống vĩnh cửu qua Bí Tích Thánh Tẩy, đưa chúng ta từ sự chết đến sự sống và Người không ngừng nói với chúng ta : “ Hãy chỗi dậy” vì sự sống đức tin đã giải thoát ta khỏi tình trạng tội lỗi và đưa chúng ta tới bàn tiệc Thánh Thể, để chúng ta được sống muôn đời. Như thế không phải chúng ta chỉ đụng chạm đến Chúa như người phụ nữ, mà còn được ăn thịt máu Người, không phải chúng ta chỉ được Chúa truyền chỗi dậy như con gái ông Giairô, mà còn kết hợp với Người nên một, được sống sự sống của Thiên Chúa hàng ngày.
Lạy Chúa, xin cho chúng con một đức tin vững mạnh và tâm hồn đơn sơ khiêm tốn của người phụ nữ, để được giải cứu chúng con khỏi tình trạng ươn lười thiêng liêng, đã làm cản trở bước tiến chúng con đến với Chúa, hầu giúp cho đời Kitô hữu của chúng con mỗi ngày nên hoàn thiện hơn.
SỐNG ĐỨC TIN
Mc 5, 21 - 43
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
Khi chúng ta muốn xin ai hay thỉnh cầu ai điều gì, thì hoặc là chúng ta ưa thích điều đó, hoặc là chúng ta cảm thấy cần thiết điều đó, và chúng ta tin tưởng người kia sẽ đáp ứng được nhu cầu của chúng ta. Người đàn bà mắc bệnh băng huyết và người cha có đứa con gái bị bệnh nặng gần chết đã làm như thế. Cả hai đã tin Chúa Giêsu nên đến xin Chúa cứu chữa. Chính vì có lòng tin mạnh mẽ mà cả hai đã được hưởng phép lạ của Chúa Giêsu. Nhưng làm sao chúng ta thấy được hay biết được lòng tin của họ ? Vì nó đã được biểu lộ ra qua thái độ, cử chỉ, lời nói và hành động của họ.
Chúng ta thấy người đàn bà này không dám công khai trực tiếp xin Chúa chữa bệnh cho bà trước mặt mọi người. Bà tự nhủ : “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa”. Thế là bất chấp tất cả những luật lệ cấm đoán phiền phức và khắt khe, bà lén lút chen tới sau lưng Chúa, để thực hiện ý định rút ơn Chúa, và kết quả bà đã được toại nguyện. Đó, chúng ta thấy được, biết được đức tin của bà qua việc làm đầy tin tưởng của bà. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận và ban thưởng cho lòng tin ấy : “Lòng tin của con đã cứu chữa con”.
Trường hợp của ông trưởng hội đường Gia-ia cũng thế. Lòng tin của ông được biểu lộ qua tất cả con người của ông, nghĩa là qua cử chỉ, thái độ và lời nói của ông : Khi đến trước mặt Chúa Giêsu, ông đã quì sụp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin : “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”. Phải tin Chúa Giêsu là ai, phải tin Chúa có quyền phép thế nào ông ta mới có cử chỉ, thái độ và lời kêu xin như thế. Nhận thấy lòng tin mạnh mẽ của ông, Chúa Giêsu đã nhận lời đến nhà ông và làm phép lạ cho con gái ông sống lại.
Chúng ta hôm nay đã có đức tin, chúng ta đã tin Chúa Giêsu. Chúng ta phải làm gì ? Chúng ta phải sống niềm tin đó. Sống niềm tin có nghĩa là chúng ta phải thể hiện niềm tin ấy trong đời sống hằng ngày. Đó là cách thẩm định đức tin của chúng ta. Niềm tin ấy, như Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta đã nói : “Phải được biểu lộ và nuôi dưỡng, dù chỉ bằng một nụ cười hay một ánh mắt cảm thông”.
Một lần kia, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Tê-rê-xa phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội. Mẹ Tê-rê-xa nói với ông : “Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin”. Người phóng viên hỏi : “Tôi phải làm gì để có đức tin ?”. Mẹ Tê-rê-xa đáp : “Ông hãy cầu nguyện”. Ông chống chế : “Tôi không biết và không thể cầu nguyện”. Mẹ Tê-rê-xa dịu dàng nói : “Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Nhưng về phần ông, ông hãy cố gắng mỉm cười với những người chung quanh ông. Một nụ cười có thể đánh động được tâm hồn người khác. Một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng ta”.
Đúng thế, những hành động cụ thể thường hùng hồn hơn, có khả năng thuyết phục hơn những lời nói suông. Những thực hiện trước mắt có giá trị hơn những dự án viển vông. Đó là cách thẩm định thông thường trong cuộc sống của chúng ta. Những người chung quanh có lẽ cũng đánh giá niềm tin của chúng ta khi nhìn vào cách sống đạo của chúng ta, nghĩa là niềm tin của chúng ta chỉ đáng tin cậy khi được thể hiện bằng những việc làm cụ thể.
Vì thế, chúng ta tin vào tình yêu Chúa Kitô, tin vào bản thân Ngài. Niềm tin ấy không chỉ là một hạt giống gieo trong lòng chúng ta rồi nằm yên đấy. Một niềm tin như thế có lẽ chẳng ích lợi gì cho chính mình hay cho bất cứ ai. Đức tin của chúng ta phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm, để mọi người có thể, nhận ra khuôn mặt của Đấng mà chúng ta suy phục, tôn thờ.
TIN SỢ SỆT
Mc 5, 21 - 43
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
Cộng tác với ơn Chúa là điều tối quan trọng để Chúa ban ơn và làm phép lạ. Bài Tin Mừng của thánh Marcô 5, 21-43 là bằng chứng lạ lùng về con người có đầy quyền năng và uy quyền của Chúa. Đức Giêsu cho ta thấy Ngài là Đấng không dựng nên sự chết, Ngài có khả năng chiến thắng sự chết.
Ông Gia-ia tin Chúa có thể cứu sống con gái ông. Với niềm tin tưởng thô sơ như thế nhưng đầy xác tín phép lạ đã xẩy ra. Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu và các môn đệ đi qua bờ bên kia, có đám đông dân chúng đi theo vì hay tin Đức Giêsu sẽ ở đó. Lúc đó có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta liền phủ phục dưới chân của Người và van xin: ” Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó qua khỏi và được sống” ( Lc 5, 23 ). Ông Gia-ia đã khước từ bám víu vào loài người để đặt niềm tin trọn vẹn vào Đức Giêsu. Tuy nhiên cái tin đau đớn về cái chết của con gái ông Gia-ia đã làm tối mày tối mặt ông. Ông cảm thấy nặng chĩu tâm hồn và cõi lòng.
Nghe được tin đó, Chúa Giêsu liền an ủi ông: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” ( Mc 5,36 ). Điều ông xin Đức Giêsu lúc nãy bây giờ đã vượt quá sức tưởng tượng của ông.
Nhưng có lẽ nhờ đó niềm tin của ông lớn mạnh hơn khi Đức Giêsu mời ông tin…Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng cha mẹ đức bé ra riêng một nơi và nói:” Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy” ( Mc 5, 39 ). Đám đông không tin, chế giễu, cười nhạo Người. Qua niềm tin của ông Gia-ia, ta thấy thấp thoáng niềm tin của ông vào Đức Giêsu sẽ làm cho kẻ chết sống lại.
Trong khi Đức Giêsu đang gặp ông trưởng hội đường thì có người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm (Mc 5,25 ), lén từ phía sau đụng vào áo của Người ( Mc 5,27 ).
Bà lách qua đám đông, lén sờ vào gấu áo của Chúa Giêsu. Chữ lén ở đây cho ta thấy tình trạng ô uế của người phụ nữ vì bị băng huyết (Lv 15/25 ). Đoạn này làm nổi bật hai nét chính yếu: lòng tin nguyên sơ của người phụ nữ, nhưng là niềm tin vững chắc vì bà tin chỉ cần đụng vào gấu áo của Chúa Giêsu thì bà sẽ được khỏi bệnh. Nét thứ hai là sức mạnh quyền năng của Đức Giêsu trước bệnh hoạn tật nguyền, thứ bệnh mà các lương y đã hoàn toàn bó tay chịu trận, không chữa nổi. Hai nét chính này được diễn tả dưới những cụm từ:” tức khắc, máu cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh”( Mc 5, 29 ). Tuy nhiên, Đức Giêsu đã bắt bà phải chạm mặt với Người và để bà phải tự giới thiệu công khai chính mình. Do đó, Chúa Giêsu cho bà đi vào mối quan hệ trực diện với Chúa, mối quan hệ cá nhân với Người, soi sáng cho bà cũng như đã soi sáng cho ông Gia-ia và ba môn đệ thân tín, đến nỗi người phụ nữ đã phải trình bầy sự thật ( Mc 5, 33 ). Và khi nói cho bà về niềm tin, Chúa Giêsu đã cho bà về bình an:” Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” ( Mc 5, 34 ). Người phụ nữ bị băng huyết đã từ một niềm tin thô thiển đạt tới một đức tin trọn vẹn vào Đáng cứu thế và ông Gia-ia đứng bên cạnh Chúa Giêsu quả thực ông cũng bỏ tất cả sự hờ hững, tin sơ sài để đạt tới niềm tin vững mạnh vào Đức Giêsu, Đấng quyền năng tuyệt đối.
Chúa cho con người sự tự do để con người hoàn toàn trách nhiệm xử dụng sự tự do của họ. Chúa luôn tôn trọng con người chứ không coi con người chỉ là những con số. Ngài yêu thương và gọi tên từng người một. Sự yêu thương của Ngài quả thực đã tới chỗ cao vời khôn xiết :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Phép lạ chỉ có thể xẩy ra khi có sự cộng tác của con người. Sự cộng tác này trước tiên là lòng tin trọn vẹn vào Đấng có uy quyền và rồi sự cộng tác bằng cả vật chất nữa. Trong phép lạ hôm nay, Chúa chỉ cho con ông Gia-ia sống lại, khi ông tin trọn vẹn vào Người và người phụ nữ bị băng huyết chỉ có thể được bình an và được chữa khỏi khi bà kể rõ sự tình với Chúa, nghĩa là bà đi vào mối thâm sâu tình thân với Đấng có quyền trên mọi sự. Phép lạ tại tiệc cưới ở Cana xứ Galilêa, xẩy ra khi người nhà đám đã đổ đầy các chum như lời Chúa nói (Ga 2, 7 ).
Để nuôi dân chúng đã đi theo Chúa nghe Người giảng dậy, Chúa Giêsu đã nhờ tới hai con cá và năm chiếc bánh lúa mạch ( Mc 6, 35-43 ). Để chữa anh mù, Chúa đã xin anh xuống hồ rửa mắt, còn Ngài chỉ thoa bùn vào mắt anh mà thôi. Chúa cho ta tự do, nhưng Ngài đòi ta cộng tác vào công việc của Ngài…Thánh Phaolô cũng đã nói :” Đức tin không có việc làm là đức tin chết “. Hay như Mẹ Têrêsa Calcutta:” Khi chạm vào một người nghèo, bạn hãy làm như thể bạn đang chạm vào Chúa Giêsu tình yêu” hoặc như James Woodbridge:” Đức tin là con mắt để nhìn thấy Chúa, là bàn tay để nắm lấy Ngài, là sức mạnh giúp ta tự hiến cho Ngài “.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con chỉ một niềm tin trọn vẹn vào Chúa.
NGÀI ĐÃ TOÀN THẮNG SỰ CHẾT
Mc 5, 21 - 43
Cố Lm. Hồng Phúc, DccT
Đọc Cựu Ước chúng ta thấy từ đầu tới cuối những chuyện chết chóc, giặc giã, lưu đày, di tản: từ chuyện tháp Abel ở trang đầu sách Sáng Thế đến cuộc tàn sát ở Alexandria do tác giả sách Khôn Ngoan ghi lại. Thánh Kinh là pho sách tường thuật một cuộc chiến đấu không ngừng chống lại sự dữ, sự chết. Dân Chúa cảm nghiệm rằng lịch sử dân mình là lịch sử của một cuộc chiến đấu cho cuộc sống còn, sống mãi. Thiên Chúa Israel là Thiên Chúa của kẻ sống. Sự chết do tội lỗi gây nên, nhưng nhân loại sẽ được sống: "Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn".
Rồi một ngày kia, Con Thiên Chúa xuất hiện, trong đau khổ, ô nhục. Ngài đã chết nhưng Ngài đã toàn thắng sự chết. Ngài đã phục sinh, sống lại. Thánh Phaolô hô to niềm hy vọng đó: "Hỡi sự chết, chiến thắng người ở đâu?" Khi mà Chúa đã sống lại!
Xưa nay, các nhà hiền triết vẫn đi tìm câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: "Sự dữ bởi đâu mà đến? Khoa học cố tìm ra thuốc trị bệnh, nhưng vẫn bó tay trước sự chết. Ai sẽ cho ta câu trả lời thỏa đáng? Thưa: Chỉ một mình Chúa Giêsu. Ngài là câu trả lời ngàn đời của Thiên Chúa. "Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin vào Ta, cho dầu có chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không chết bao giờ" (Ga 11,25-26).
Trong một trang dài, Marcô mô tả Chúa Giêsu hiện diện giữa người bệnh tật, đau khổ. Ngài đến "không phải để cất sự đau khổ mà để hiện diện với người đau khổ" (F. Mauriac).
Hôm nay, Ngài đang ở bờ biển, có đám đông dân chúng tụ họp xung quanh thì có ông trưởng hội đường tên là Giarô đến, sụp lạy van xin Ngài đến cứu con gái ông đang hấp hối. Chúa ra đi với ông. Đám đông dân chúng cùng đi theo, chen lấn Ngài tứ phía. Ngài không phải là một thầy thuốc tầm thường, "người ta vừa mất tiền, vừa không bớt bệnh". Đối với những người hèn mọn nhưng đầy tin tưởng vào Ngài, Ngài ban cho họ một dấu lạ, một sức sống từ nơi Ngài xuất phát ra, ban sự sống xua đuổi sự chết. Một người phụ nữ bị bệnh xuất huyết từ 12 năm nay, cố đến chạm tới áo Ngài, tức thì được khỏi bệnh.
Ngài vào nhà ông trưởng hội đường mà người con gái vừa tắt thở. Người ta kêu la khóc lóc om sòm, khóc thật, hay là khóc mướn, xung quanh thi hài của cô bé. Ngài cầm tay đứa nhỏ và nói: "Talitha, Koumi" – "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy". Và em bé 12, mở mắt chỗi dậy, bước đi. Em đòi ăn, đòi ăn là dấu chỉ sự sống đã tái nhập, đã phục hồi.
Mọi người đều sửng sốt, kinh ngạc.
Đứng trước những dữ kiện "phép lạ" Chúa làm mà Phúc Âm kể lại, (1/3 của Phúc Âm Marcô) chúng ta thấy ngày nay có hai phản ứng trái ngược nhau. Một số người khoa học cho rằng phép lạ chỉ gây rắc rối cho đức tin, dần hồi khoa học sẽ giải quyết nhiều bệnh lý. Trái lại, ngày nay, phong trào Thánh Linh đang phát triển mạnh làm cho người ta tin tưởng rằng trong một cộng đoàn có Chúa Thánh Linh hoạt động, phép lạ không còn là một sự phi thường. Kinh nghiệm bản thân và sự quan sát khách quan minh chứng (Đọc Des Miracles Aujourd" hui, Phép lạ ngày nay, của Sr. Briege Mckenna, O.S.C).
Chúng ta nên nhớ rằng Phúc Âm coi các phép lạ là những "dấu chỉ", "quyền năng", "lạ thường", và đã là dấu chỉ thì hướng về Đấng là dấu chỉ hơn là việc làm. Vậy các phép lạ Chúa làm là dấu chỉ ơn cứu độ đã đến: Sự dữ đã rút lui, satan bị đánh bại và Nước Thiên Chúa đã đến. Các phép lạ còn là dấu chỉ rằng Chúa là chân lý, là sự thật; lời nói của Ngài đi đôi với việc làm để minh chứng. Nhất là dấu chỉ sự phục sinh, phép lạ lớn lao hơn cả. Và sau này, các bí tích mà Chúa thiết lập là dấu chỉ nhờ sự sống lại, Chúa ban cho chúng ta được tái sinh trong đời sống mới.
"Chúa Giêsu không thay đổi, Ngài vẫn là Ngài, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Vẫn là Ngài khi Ngài chữa lành mọi bệnh tật tại Palestine. Ngài vẫn còn tiếp tục giữ lời phán hứa và đáp lại nguyện vọng, nhu cầu của dân Ngài" (Sr. Briege McKenna). Tại Portland tháng 7 năm 1992, một vị linh mục của Phong trào Thánh Linh được "ơn chữa bệnh" đã đến cầu nguyện và chữa bệnh. 14 ngàn người đã đến tham dự. Một người bị bệnh tim nguy ngập, được đặt tay cầu nguyện, đã ngất đi và đã được lành, đi làm việc như trước (theo một nhân chứng).
"Lạy Chúa, tôi ca tụng Chúa, vì đã giải thoát tôi". (Tv. 29,2 – Đáp ca)
Nguồn vietcatholic.org
1391 27-06-2015 08:17:43