LẠY THẦY, XIN THÊM LÒNG TIN CHO CHÚNG CON
Mt 14, 22-33
Liệu người ta có sống được không khi không có lòng tin? Câu trả lời dường như quá dễ dàng, người ta chết vì thiếu cơm thiếu gạo, thiếu chất dinh dưỡng hay thuốc men chứ có ai chết vì thiếu lòng tin!
Nhưng cứ thử hình dung, một đứa trẻ nếu không có lòng tin vào tình thương, vào trách nhiệm của cha mẹ mình thì dù có ăn ngon mặc đẹp, được hưởng thụ mọi tiện nghi, thậm chí được học hành thì đứa trẻ ấy cũng chẳng bao giờ được sung sướng. Nếu sống như vậy nó chỉ là một đứa trẻ vất vưởng mồ côi, có lẽ trong số những trẻ bỏ nhà đi bụi đời nhiều em đã mang theo cõi lòng tan hoang như thế. Bình thường, ra khỏi cái thế giới của gia đình, một thiếu niên có thêm lòng tin mới, tin vào thầy cô bạn bè, nhà trường. Chúng đau khổ khi bị bạn bè chơi xấu, và đâu đó nhà trường đã biến thành thị trường, người dạy không vì chúng mà vì túi tiền của cha mẹ chúng nên chúng đã hỗn láo, hư hỏng hoặc lớn lên ra trường đi làm, chúng tìm mọi cách để tận thu lại với đời.
Vợ chồng mà không tin nhau thì dù nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm thì cũng chỉ là một sự "liên hiệp", và những cuộc hành lạc hợp pháp. Không niềm tin thì không thể có tình yêu, còn hạnh phúc càng là chuyện hoang tưởng.
Một cuộc sống thiếu lòng tin thì đó không phải là cuộc sống...
Chẳng hiểu làm sao mà ngày hôm nay con người sống trong một thế giới thiếu vắng lòng tin để rồi từ thiếu vắng lòng tin nó đã gây ra cho con người biết bao nhiêu là xáo trộn, biết bao nhiêu à bất an. Ngày hôm nay người ta phải đối diện với quá nhiều sự giả trá, sự gian tà để rồi không còn tin vào nhau như xưa nữa.
Nhan nhản, sách báo, tivi, các chương trình truyền thông đại chúng cho chúng ta thấy một cuộc đời thật ê chề, thật chán chường. Tất cả chỉ là những lời hứa hão huyền, những lời hứa cuội. Mới đây thôi, tuần qua, một sự kiện đáng nhớ của người dân Sài Gòn : cơn mưa chiều ngày 1 tháng 8 đã biến Sài Gòn thành một dòng sông. Do đâu ? Do người ta hứa hẹn, người ta thiếu trách nhiệm để ma lo cho dân. Ngân sách rót ra cho chuyện sửa chữa cầu cống, ngập lụt đổ ra bạc tỷ, tiền ấy gom góp từ mồ hôi nước mắt của dân, vậy mà sau những trận mưa thì người dân hoàn toàn chịu trận. Chịu riết rồi chẳng còn ai tin vào lời hứa là sẽ lo cho dân, sẽ phục vụ dân nữa. Một lần, hai lần, ba lần người ta còn cố gắng chờ đợi để mà tin nhưng nhiều lần quá chẳng ai còn can đảm để mà tin.
Ngoài đường là như vậy, còn trong nhà thì sao ? Trong nhà hình như cũng nhuốm một cái màu đen tối của sự mất niềm tin vào nhau. Ai cũng sợ sống sự thật, đối diện với sự thật để rồi người ta không còn đến với nhau thật lòng nữa. Chắc có lẽ từ cái lối sống "làm láo báo cáo hay" nó nhen nhúm vào trong con người ta khi nào mà người ta không hay để rồi ai cũng báo cáo, cũng "nổ" cũng tô son trát phấn về mình. Vì sao ? Vì sợ người đối diện biết cái bộ mặt thật của mình nên người ta phải làm như vậy. Và khi làm như vậy đến một lúc nào đó cũng xuất đầu lộ diện thì thử hỏi còn ai dám tin vào nhau nữa ?
Cay đắng, bi đát ở chỗ là con người, ai ai cũng thấy và cần sống với những người có niềm tin vào nhau nhưng rồi người ta cư xử với nhau làm sao đấy. Cứ thật thật giả giả lẫn lộn để rồi đi tìm một lòng tin nguyên vẹn hơi bị hiếm.
Đứng trước vấn nạn của lòng tin, chúng ta có lòng tin như thế nào với người xung quanh và người xung quanh chúng ta có tin chúng ta hay không ? Cách riêng, người kitô hữu, người có Chúa thì sống lòng tin như thế nào ?
Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ về lòng tin. Phêrô, là người đã từng theo Thầy mình đi rao giảng nhưng đụng chuyện Phêrô cũng chưa tin vào Chúa, vẫn ngờ vực Chúa. Qua thái độ ngờ vực của Phêrô, Chúa Giêsu đã thẳng thắn trách móc ông. Chúng ta nhìn lại đời mình, chúng ta theo Chúa nhiều năm lắm, có người hai chục, có người ba chục, có người bốn chục ... được Chúa yêu thương nhiều, được Chúa ủ ấp nhiều nhưng hình như chúng ta vẫn mang trong mình thái độ ngờ vực như Phêrô thì phải. Thế nhưng chuyện hay nơi Phêrô là sau bao nhiêu lần ngã lên vấp xuống nhưng cuối cùng Phêrô đã tin và sống chết với Thầy. Còn chúng ta, chúng ta sẽ sống sao với Thầy của chúng ta ?
Ngày hôm nay, cơ hội để chúng ta đặt lại niềm tin của chúng ta vào Chúa. Chúng ta đã theo Chúa nhiều năm nhưng hiện giờ lòng tin của chúng ta vào Chúa như thế nào ? Chúng ta tin vào người đời hay tin vào Thiên Chúa.
Chúa vẫn nhắc nhở chúng ta trong các thánh vịnh :
Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời
Thì hơn tin cậy ở người trần gian
Tin vào thần thế vua quan
chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời (Tv 117, 8.9)
Cuộc đời mỗi người chúng ta vẫn bị giằng co, vẫn đứng giữa cái ngã ba đường là dựa vào Chúa hay dựa vào thần thế vua quan, tin vào Chúa hay tin vào của cải vật chất ? Đây không phải là chuyện đơn giản mà là chuyện chúng ta phải đối diện mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật.
Nhìn lại cuộc đời mỗi người chúng ta, nhìn lại tất cả các biến cố lớn bé từ khi cất tiếng khóc chào đời đến ngày hôm nay chúng ta thử hỏi xem ai đã quan phòng cho cuộc đời chúng ta ? Ai yêu thương chúng ta ? Ai là thành luỹ đời chúng ta ? Ai là cùng đích đời chúng ta ? Vậy mà chúng ta đã không dựa vào tình yêu, vào đấng quan phòng, vào thành luỹ, vào Chúa của đời chúng ta mà chúng ta cứ quanh quẩn mãi trong cái thế giới vật chất, trong cái thế giới mau qua chóng tàn này.
Tuần trước, khi đang giúp cho một đôi hôn phối do một cha trong Dòng nhờ bỗng dưng cô bé nói với tôi rằng : "Mẹ bạn trai con đi coi thầy rồi, phải là trong tháng 10 này phải cưới vì tuổi của con và tuổi của anh ấy chỉ cưới trong tháng 10. Nếu không thì chúng con phải đợi đến 3, 4 năm nữa mới cưới được !".
Tôi nghe xong tôi ngạc nhiên vì tôi biết rằng hai bên đều là đạo gốc, được học hành giáo lý nghiêm túc ở một giáo xứ lớn hẳn hoi mà nói với tôi như thế ! Hoá ra là mẹ của chú rễ dù là người có đạo nhưng hình như chẳng còn tin vào Chúa mà tin vào ông thầy bói. Tôi bèn nói với hai bạn trẻ rằng tôi cảm ơn mẹ của chú rễ. Và, nếu được xin kính mời bà mẹ của chú rễ đến đây, dẫn tôi đến với ông thầy bói nào đó đã coi cho hai bạn. Tôi nói rằng :
Thứ nhất : tại sao ông thầy bói coi cho hai bạn được mà sao không coi tương lai cho ông như thế nào ? Tại sao ông phải đi lượm bạc cắc từ những người nhẹ dạ và thiếu lòng tin vào Chúa ? Nếu giỏi, sao ông không coi chiều nay xổ số ra số mấy để ông mua nguyên tập vé số để có nhà lầu xe hơi mà phải đi coi bói thế này ?
Thứ hai : nếu được nhờ ông coi xem tương lai tôi có làm giám mục hay không ? Nếu tôi làm giám mục tôi mời ông về ở trong "Toà" với tôi ? Làm gì mà ông coi được ? Ngay cái bản thân của ông ông không biết ông sống ngày nào, chết ngày nào sao mà coi được cho ai ?
Và còn nữa về chuyện thiếu lòng tin vào nhau, thiếu lòng tin vào Chúa nên đến với bói toán. Nhất là các cô các chị. Đôi khi chồng mình mệt mỏi hay có vấn đề gì không chịu hỏi, chạy tới hỏi ông thầy bói và khi mở bài lên con đầm bích. Ông phán ngay cho một câu là chồng chị có một người nước da ngăm ngăm theo đuổi ! Thế là về nhà mặt nặng mày nề với ông chồng mà không chịu hỏi thực hư !
Thời buổi ngày hôm nay người ta thường nói đùa với nhau là "lên cung trăng" rồi mà người ta còn tin vào bói toán. Thật ra số người tin vào bói toán ngày nay còn nhiều chứ không phải là ít, cách riêng là nữ giới. Vì nhẹ dạ, vì thiếu lòng tin và nhất là thiếu lòng tin vào Thiên Chúa nên họ dựa vào bói toán là điều dễ hiểu. Lẽ ra trong những cơn gian nan thử thách của cuộc đời họ tìm đến Chúa, họ cậy vào Chúa nhưng không, họ đã tìm đến những con người tầm thường của thế gian.
Và như đã nói ở trên, cuối đời Phêrô hối hận về tất cả những gì mình làm buồn phiền Thầy mình nên Ngài đã làm lại tất cả những gì có thể được để minh chứng cho tình yêu của Ngài đối với Thầy Chí Thánh. Và với lời nguyện xin quen thuộc của Ngài khi Chúa Giêsu hiện ra sau khi Phục Sinh với mẻ cá lạ, mỗi người chúng ta trong từng phút từng giây của cuộc đời cũng biết thưa như Phêrô : "Lạy Ngài ơi thương đến ! Xin củng cố giúp con ! Này lòng tin con đây còn mỏng dòn non yếu ! "Lạy Ngài ơi thương đến ! Xin củng cố giúp con ! Này lòng tin con đây hầu đã vỡ tan rồi" (bài Con tin thưa Thầy - linh mục Thành Tâm)
Khi và chỉ khi ta đặt niềm tin của ta vào Chúa như Phêrô thì cuộc đời ta mới bình an giữa muôn sóng sóng gió của cuộc đời này được.
Nguyện xin Chúa là nguồn mạch của sự sống, nguồn mạch tình yêu, nguồn mạch của lòng tin đến và ở lại trên cuộc đời của mỗi người chúng ta để chúng ta luôn trao phó cuộc đời của chúng ta vào trong bàn tay của Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào mà chúng ta đang sống.
LM Anmai, DCCT
CON ĐƯỜNG CỦA CHÚA
Mt 14, 22-33
Sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn uống no nê, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Rồi Người một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Tại sao Chúa có thái độ kỳ lạ như thế ? Tại sao Chúa Giêsu bắt ép các môn đệ ra đi ? Tại sao giữa lúc dân chúng đang phấn khởi tinh thần, giữa lúc uy tín của Người dâng cao như núi, Người lại bỏ đi ? Trong Phúc âm, thánh Marcô và thánh Matthêu không nói rõ lý do. Nhưng Phúc âm thánh Gioan thì nói rõ : "Chúa Giêsu bỏ đi vì Người biết dân chúng muốn tôn Người lên làm vua" (Ga 6, 14-15). Thật là một quyết định khác thường. Theo thói thường, ta sẽ khuyên Chúa Giêsu lên ngôi làm vua rồi đi khắp nơi làm phép lạ nuôi người ta ăn uống no nê, mọi người sẽ theo Chúa và chịu phép rửa tội, cả thế giới sẽ thuộc về Chúa, khỏi mất công truyền giáo khổ cực.
Không, con đường của Chúa thì khác với con đường của ta.
Con đường của ta là con đường kiêu ngạo trong khi con đường của Thiên Chúa là con đường khiêm nhường. Ta luôn tìm cách nâng mình lên, còn Thiên Chúa luôn tìm cách hạ mình xuống. Ta muốn xưng mình là Chúa trong khi Thiên Chúa lại muốn xuống làm người. Không chỉ làm một người bình thường, nhưng còn mặc lấy thân phận nghèo hèn, yếu ớt, thậm chí bị coi như một người tội lỗi nữa. Khi nâng mình lên, ta thường hạ người khác xuống. Còn Thiên Chúa tự hạ mình xuống để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Con người và Thiên Chúa đều sử dụng bậc thang, nhưng theo những mục đích khác nhau. Con người sử dụng bậc thang để leo lên cao. Ai cũng muốn lên cao trong đời sống vật chất. Ai cũng muốn leo cao trong địa vị xã hội. Ai cũng muốn leo cao trong bậc thang danh vọng. Còn Thiên Chúa lại sử dụng bậc thang để đi xuống. Từ trời Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Từ một người bình thường, Chúa còn xuống làm một người nghèo hèn, một người tội lỗi, một người thất bại.
Con đường ta chọn là con đường rộng rãi, dễ dãi. Còn con đường của Chúa là con đường chật hẹp khó khăn. Ta luôn tìm sự dễ dãi : làm sao cho đời sống đỡ vất vả, làm sao cho có những tiện nghi phục vụ đời sống, làm sao cho cuộc đời thành công tốt đẹp. Còn Thiên Chúa lại chọn con đường chật hẹp, bé nhỏ, khiêm nhường. Trong nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn cho khách hàng mọi sự tiện nghi thoải mái. Còn Chúa Giêsu thì hứa với những kẻ muốn theo Người rằng : "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta"(Mt 16, 24). Trong các trường học người ta quảng cáo : ai học trường này sẽ thành công, sẽ lên chức, sẽ lên lương. Còn Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ : "Trong anh em, ai lớn nhất thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ" (Lc 22, 26).
Chính Chúa Giêsu không đi vào con đường rộng rãi thênh thang, nhưng đã chọn con đường bé nhỏ, chật hẹp. Người không chọn cứu chuộc con người bằng những thành công lẫy lừng, những phép lạ kinh thiên động địa. Nhưng Người đã chọn cứu chuộc nhân loại bằng con đường đau khổ, con đường thập giá, con đường tử nạn. Chính vì thế, hôm nay, vì sợ đám đông tôn Người lên làm vua, đi xa con đường khiêm nhường bé nhỏ, Người đã bỏ đám đông mà đi. Người sợ các môn đệ bị nhiễm thói khoe khoang, phô trương, quyền lực, nên thúc giục các ông xuống thuyền sang bờ bên kia trước.
Đây không phải lần đầu tiên Chúa gặp cơn cám dỗ loại này. Trong sa mạc ma quỉ đã xui giục Người bỏ con đường khiêm nhường, đau khổ để đi vào con đường vinh quang, dễ dãi. Đây cũng chưa phải là cơn cám dỗ cuối cùng. Cám dỗ sẽ còn trở lại với lời khuyên của Phêrô khi ông ngăn cản Thày ra đi chịu chết (x. Mt 16, 23). Cơn cám dỗ khốc liệt tiếp tục trong vườn Giệtsimani khiến Người nao núng hầu như muốn tháo lui (x. Mt 26, 39). Cơn cám dỗ không buông tha cả khi Người đã bị treo trên thánh giá với lời thách thức của mọi người : "Nếu Ông là Con Thiên chúa, hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin" (x. Mt 27, 42). Nhưng Người đã chiến thắng tất cả những cơn cám dỗ của ma quỉ, kiên quyết đi vào con đường thánh ý Chúa Cha, con đường khiêm nhường, vâng lời, hi sinh gian khổ.
Bản thân ta và Hội Thánh, nếu muốn trung thành với Chúa, không thể có chọn lựa nào khác ngoài con đường của Chúa đã đi.
Quá khứ đã minh chứng : Chính khi giàu sang, quyền thế, thì Hội Thánh sa sút, khủng hoảng. Trái lại những khi gặp khó khăn, nghèo khổ, bắt bớ, Hội Thánh lại phát triển mạnh mẽ, vì đang đi vào con đường của Chúa.
Là môn đệ Chúa, ta hãy mạnh dạn bước theo Chúa vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, vào con đường chật hẹp từ bỏ mình, vào con đường thánh giá đau khổ. Tuy khó khăn, đau đớn, nhưng đó mới là con đường dẫn ta đến với Chúa, ơn cứu độ của ta.
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, mọi loài và dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Do đó, Thiên Chúa có toàn quyền trên vũ trụ, vạn vật, con người, và mọi loài, mọi vật, thiên nhiên, con người đều phải vâng phục lệnh của Ngài. Quyền năng của Chúa được thi thố ngay trên biển cả, khi sóng to, gió lớn, bão táp xẩy đến, lúc các môn đệ đang run sợ...Chúa hướng về phía họ, đi trên mặt hồ, Ngài làm phép lạ khiến biển im, gió lặng. Ngài khiến Phêrô đi trên mặt biển đến với Ngài. Các môn đệ đã nhận ra quyền năng của Chúa, nên các Ngài đã xưng tụng Chúa :" Thật là Con Thiên Chúa ". Cái trớ trêu là nhiều người chứng kiến phép lạ, nhưng đã không nhận ra Ngài. Chúa đến trần gian không phải để giương Đông kích Tây, không phải để thị oai, xưng hùng xưng bá, Ngài đến để ban bình an, ban ơn cứu độ, chạnh lòng thương xót và trung thành giữ trọn Giao ước mà Ngài đã ký kết với dân, Ngài sẽ ban cho nhân loại mọi điều thiện hảo, Ngài dùng quyền năng để thi thố ơn lành của Ngài cho nhân loại, cho con người...
PHÊRÔ VÀ CÁC MÔN ĐỆ TƯỞNG CHÚA GIÊSU LÀ MA :
Là những ngư phủ lành nghề, các tông đồ hiểu nước rất rõ. Nước mang lại nguồn sống cho các ông. Nước mênh mông của hồ, của biển, của đại dương mang nguồn sống cho các loài cá, loài tôm, loài ốc, loài vật và cả con người vv...Có nước nghĩa là có sự sống cho con người và cho các loài vật sống dưới nước. Nước là nguồn cung cấp sự sống cho con người, cho động vật, cho thảo mộc. Không có nước vũ trụ sẽ khô cằn và sẽ chết. Tuy nhiên, hôm nay trong một bối cảnh xem ra thật khác lạ. Các môn đệ đang ở dưới thuyền sau khi phép lạ Chúa Giêsu làm cho năm chiếc bánh và hai con cá nuôi sống nhiều ngàn người ăn. Chúa thi thố quyền năng của Ngài chế ngự thiên nhiên. Số là đang đêm thuyền của các môn đệ đã ra xa bờ khoảng mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió ( Mt 14, 24 ). Sóng gào, nước gầm rú dưới thuyền của các ông, nước giờ đây đồng nghĩa là chết. Tin Mừng viết:" Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau :" Ma đấy!", và sợ hãi la lên "( Mt 14, 26 ). Đúng là các môn đệ chưa nhận ra Chúa vì trong bóng đêm họ lầm tưởng Chúa là ma. Chúa Giêsu trấn an các ông :" Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ " ( Mt 14, 27 ). Bây giờ họ mới hoàn hồn. Phêrô với tính bốc đồng muốn được Thầy ban đặc ân cho mình được tới với Thầy. Chúa nói với Phêrô:" Cứ đến !" ( Mt 14, 29 ). Chúa chiều lòng Phêrô nhưng ông không thành công vì thiếu lòng tin khi thấy gió thổi mạnh, ông bắt đầu chìm xuống nước. Phải chăng Chúa muốn dạy cho Phêrô và mọi người bài học hãy bằng lòng với cách Chúa thực hiện điều này điều nọ, chứ đừng đòi hỏi Người phải làm theo ý của con người ?. Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy Phêrô và nói :" Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?"( Mt 14, 31 ). Khi Thầy trò lên thuyền thì gió lặng ngay ( Mt 14, 32 ).
TIN MỪNG MUỐN NÓI GÌ ? :
Chúa có toàn quyền trên mọi loài, mọi vật, trên vũ trụ, thiên nhiên, con người. Tin Mừng hôm nay là một trong những bằng chứng để quả quyết điều đó : Sóng to, gió lớn im lặng khi Chúa Giêsu có mặt. Thực ra, đối với Chúa Giêsu điều này chẳng có gì là khó khăn cả và về chúng ta, phần con người điều này cũng chẳng có gì là khó hiểu cả bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa và là Đấng sáng tạo, tạo dựng mọi loài, mọi vật. Chính Ngài cầm quyền trên mọi sự, mọi định luật khoa học, toán học, vật lý vv...Do đó, việc Ngài đi trên mặt nước chẳng có gì là phản khoa học, hoặc tỏ ra vô lý nhưng lại chứng tỏ uy quyền Thiên Chúa của Ngài. Các môn đệ đêm hôm ấy nhận ra uy quyền của Chúa và họ càng gia tăng lòng tin nơi Ngài. Đối với nhân loại, đối với con người, đức tin của chúng ta, của mỗi người hầu như còn non kém và hay thay đổi, nên chúng ta phải cầu xin Chúa tăng thêm lòng tin cho chúng ta. Phêrô là gương điển hình cho chúng ta. Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước, ông vui sướng và cầu xin cho mình cũng được phúc đi trên mặt nước, Chúa đã ban cho ông ơn ấy, nhưng vừa đi ông thấy gió to thổi mạnh, ông lại sợ và chìm mình xuống nước, khiến ông phải cầu cứu Chúa và Chúa đã cứu ông. Dù sao đây cũng là lời cầu nguyện chân thành của Phêrô. Ông ý thức sự yếu hèn của mình và xin Chúa nâng đỡ, cứu vớt. Con người chúng ta cũng vậy thôi, trong cuộc hành trình về Trời, chúng ta gặp không biết bao nhiêu khó khăn thử thách, chúng ta hãy thành thực cầu xin Chúa giúp chúng ta và khiêm tốn xin Chúa cứu vớt. Chúng ta hãy tin tưởng, Chúa luôn có mặt bên ta để cứu giúp chúng ta như đã cứu vớt Phêrô:" Hãy yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ ". Đây là lời trấn an của Chúa và Chúa đã thực hiện như lời Chúa nói. Chúng ta hãy tin tưởng thật sự và khiêm tốn phó thác cho Ngài cuộc đời với những thử thách, khó khăn vv...
ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ CUỘC ĐỜI CỦA MỖI NGƯỜI :
Mỗi người chúng ta đều có chỗ trong trái tim Chúa, Ngài không gọi chúng ta cách chung chung. Ngài kêu tên từng người. Chúa dậy chúng ta, Ngài ở khắp mọi nơi, nhưng Ngài không ở trong gió bão, trong những đam mê, trong sự huyên náo ồn ào, trong những chia rẽ, hận thù, ghen ghét của con người. Chúa ở trong thinh lặng, thanh vắng, thanh bình, ở nơi những tâm hồn thanh sạch, đầy niềm tin như bài đọc thứ nhất diễn tả. Trong bài Tin Mừng Chúa dậy chúng ta phải hết lòng tin cậy vào Chúa. Chúa quở trách Phêrô vì ông tin vào Chúa nhưng lại nghi ngờ quyền năng của Ngài khi bị dao động, khi thấy gió thổi, sóng to. Chúa muốn chúng ta khiêm tốn vâng theo lời Chúa và sẵn sàng tin theo Chúa:" Chính Thầy đây, đừng sợ ".
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn vững vàng trước mọi thử thách của cuộc đời. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT (nguồn vietcatholic.org)
1607 05-08-2011 06:08:11