Sidebar

Thứ Tư
22.05.2024

Chúa Nhật XIX Thường Niên B năm 2015

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN
Ga 6, 41- 51

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Đó là tư tưởng then chốt của Tin Mừng Chúa nhật hôm nay và cũng là đề tài tranh luận giữa người Do Thái và Chúa Giêsu.

Chúng ta biết, ngày xưa Chúa đã nuôi dân Do Thái bằng manna suốt 40 năm trong sa mạc trên đường họ về Đất Hứa. Kinh Thánh Cựu ước còn kể lại hai phép lạ về bánh: một phép lạ đã xảy ra với ngôn sứ Êlisa: có người đem đến dâng cho ngôn sứ Êlisa 20 chiếc bánh làm bằng lúa mạch và cốm đầu mùa. Ngôn sứ bảo dọn cho mọi người ăn, và 20 chiếc bánh cho 100 người ăn no mà còn dư. Phép lạ thứ hai kể lại trong bài đọc hôm nay: trên đường vào sa mạc tiến đến đỉnh núi Khôrếp để trốn bạo chúa A-cáp và hoàng hậu Dêdaben, ngôn sứ Êlia cảm thấy mệt mỏi, chán chường, thất vọng, chỉ cầu mong được chết đi cho xong, nhưng Thiên Chúa đã sai sứ thần đến ban bánh nướng cho ngôn sứ ăn hai lần, và theo Kinh Thánh, “nhờ sức của lương thực ấy, ông đi một hơi 40 đêm ngày tới núi của Thiên Chúa”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Không ai đến được với Ta , nếu Chúa Cha là Đấng sai Ta, không lôi kéo người ấy”. Chúng ta đến được với Chúa Giêsu là nhờ on Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ca tụng và cảm tạ Cha trên trời đã cho chúng ta được vào trong số nhung người được tuyển chọn. Chúng ta đừng để cho bất cứ điều gì lôi kéo chúng ta ra khỏi Chúa Giêsu. Ngược lại, chúng ta hãy nỗ lực để càng ngày càng sống gần gui mật thiết với Chúa hơn. Sống như vậy là cách chúng ta biểu lộ lòng biết ơn đối với Chúa,

Chúa Giêsu dần dần biểu lộ rõ ràng bản thân của Người. Lúc đầu, Người nói: “Ta là bánh từ trời xuống”. Kế tiếp, Người nói thêm: “Ta là bánh hằng sống”. Rồi Người kết luận: “Bánh Ta sẽ ban tặng, chính là thịt Ta đây”. Chúa Giêsu chính là bánh của chúng ta.

Chúa còn nói: “Ai tin thì được sự sống đời đời”. Tin Chúa Giêsu là bánh hằng sống. Nếu ai không tin vào lời này của Chúa Giêsu thi se không có sự sống đời đời.

Hơn thế nữa, Chúa còn nói: “Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” “Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”, “Đây là bánh từ trời xuống, để ai ăn thi khỏi phải chết”. Nhưng câu này cho thấy, bí tích Thánh thể là bảo đảm cho chúng ta được phục sinh và được sự sống đời đời. Vì thế, để được sự sống đời đời Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta hai điều là tin Người là bánh hằng sống và ăn bánh này, tức là ăn thit của Người.

Manna là bánh từ trời xuống. Nhưng dân Israel ăn manna và vẫn phải chết. Còn ai ăn bánh hằng sống là thịt của Chúa Giêsu thì sẽ được sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa ban cho con chính Chúa qua bí tích Thánh thể. Xin Chúa giúp con rước Chúa cách xứng đáng để con có được sự sống đời đời.

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN.
Ga 6, 41- 51

Anh chị em thân mến.
Có một câu chuyện kể rằng: Vào những lúc con người mới phát minh ra động cơ, con người vui mừng vì sự tiến bộ vượt trên tưởng tượng của mình. Chính vì thế có nhiều người không thể tin được. Có một cụ già nọ, nghe các sinh viên kể lại về chiếc tàu hỏa chạy mà không cần phải nhờ đến trâu, bò, hay ngựa kéo, nhưng nhờ động cơ máy mà nó hoạt động và chạy rất nhanh. Cụ già không tin. Các thanh niên tìm cách đưa cụ già đến một nhà ga để cụ nhìn xem tận mắt. Khi đoàn tàu từ từ tiến đến và dừng lại, các thanh niên đến bên cụ, với vẽ mặt vui mừng, định hỏi xem cụ tin chưa. Bổng nhiên từ toa chở hàng, người ta mở cửa và dẫn một đàn bò từ trên toa xuống. Cụ già nhìn thấy đàn bò, nở một nụ cười tự mãn và chỉ vào đám thanh niên, cụ nói : "chúng bây đã bị mắc lừa". Cụ quay lưng bỏ đi không chịu nghe các thanh niên giải thích.

Cụ già quá tự mãn về sự hiểu biết của mình, và cụ đã đóng khung nó lại. Thế giới đối với cụ chỉ có đối với những gì cụ hiểu biết. Ngoài những điều đó ra, tất cả đều không tồn tại. Nên cụ không thể nghe những gì người khác nói, cho dù đó là sự thật tốt đẹp .

Những người Do Thái khó chịu với Chúa Giêsu vì Ngài nói những điều không hợp với ý muốn của họ, ngoài những gì họ đã biết, nên họ không thể nghe được. Họ chỉ nhìn thấy những thực tại trước mắt. Chúa Giêsu lại mời gọi họ vượt xa hơn những gì họ đang tìm kiếm. Họ tìm những của ăn, những lợi lộc hiện tại của ngày hôm nay, còn Chúa Giêsu lại mời gọi họ tìm của ăn cho sự sống đời đời, tìm lợi lộc vĩnh cửu. Họ không thể chấp nhận. Họ chỉ nhìn thấy sự xuất thân tầm thường của một người mang tên Giêsu, hèn kém hơn họ, nên họ không thể nghe những gì mà Ngài kêu gọi họ. Họ cũng đã đóng khung sự hiểu biết của mình, nên họ không thể mở tai để nghe những Lời tốt đẹp, Lời sự thật và sự sống. Chính vì thế, họ đã tự đóng khung cuộc đời của mình lại, trói buộc trong sự hiểu biết nông cạn của mình, họ không thể tiến xa hơn để về với Chúa được.

Đã là con người, ai cũng có một chút tự hào về chính mình: tự hào về nghề nghiệp, tự hào về sự hiểu biết, tự hào về địa vị bản thân, tự hào về con người của mình. Nhưng nếu quá cố chấp mà chỉ sống trong sự tự hào đó, thì chúng ta chỉ làm trò cười cho bao nhiêu người chung quanh. Còn biết bao nhiêu điều chúng ta chưa biết, và cũng còn rất nhiều điều chúng ta không thể biết và không thể hiểu được. Những người Do Thái ngày xưa không chấp nhận Chúa Giêsu cũng vì họ quá tự hào, nên họ không tìm hiểu, không lắng nghe. Còn chúng ta ngày hôm nay, chúng ta đã biết và biết rất rõ những gì Chúa Giêsu đã nói mà chúng ta vừa nghe lại trong bài phúc âm. Nhưng rồi, nhìn lại cuộc sống của mỗi người, chúng ta sẽ thấy mình là người chấp nhận hay từ chối ơn Chúa. Chúng ta theo Chúa, giữ đạo trong những lúc sung túc, đời sống được may mắn, công việc làm ăn thuận lợi. Thế thì trong những lúc cuộc sống gặp bất trắc, những lúc buồn chán thất vọng hay sa cơ thất thế, vận may không còn ưu đãi mình nữa. Khi đó Thiên Chúa có còn được một chỗ đứng nào trong tâm hồn chúng ta hay không. Hay khi đó Thiên Chúa của chúng ta chỉ là một nỗi bực mình, là một nơi để chúng ta trút những gì tức giận. Nhìn lại xem, tại sao chúng ta làm thế ? Chúng ta đã bước theo vết chân của những người Do Thái khi xưa. Vì Thiên chúa của chúng ta không còn phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình nữa. Thiên Chúa không còn vâng nghe theo ý muốn của chúng ta nữa, Thiên đã ở ngoài cái khung mà chúng ta đã đóng cho Ngài. Nên chúng ta không thể chấp nhận. Như vậy chúng ta muốn Thiên Chúa phải phục vụ cho chúng ta hơn là phải biết lắng nghe và vâng theo những gì Ngài dạy bảo.

"Tôi là Bánh hằng sống từ Trời xuống, ai ăn Bánh nầy sẽ được sống đời đời."

Chúng đang tìm của ăn hiện tại, để rồi chúng ta chôn vùi cả cuộc đời mình trong đó, cho đến đỗi không còn nhìn thấy hay lắng nghe được những gì tốt đẹp hơn. Hay chúng ta đang dùng của đời này như phương tiện Chúa ban để tiến tới sự sống vĩnh cửu, qua cách sống không bị những gì là chóng qua lôi kéo để bị đóng khung vào trong đó.

Xin Chúa cho chúng con biết nhìn thấy, biết lắng nghe để cũng biết chọn lựa cuộc sống vĩnh cửu đích thực.

ÐÓN NHẬN VÌ TIN
Ga 6, 41- 51

Một trong những điều kiện cần thiết để một người nam và một người nữ đến được với nhau là tin tưởng nhau. Có tin tưởng nhau thì hai người mới dám quyết định đón nhận nhau. Ðể rồi cả hai sẽ chung sống với nhau thành vợ chồng cho dù cả hai người có thể còn nhiều thiếu sót.

Từ Chúa nhật thứ 17 Thường niên đến nay Giáo hội cho chúng ta suy niệm chương 6 Phúc âm theo Thánh Gioan. Ðây là chương dài và mang nhiều ý nghĩa quan trọng cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu. Mở đầu chương này là phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá nuôi hơn năm ngàn người ăn no nê.

Liền sau phép lạ này Chúa Giêsu đã nhắc nhở dân Do thái: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông ” (Ga 6, 26 - 27)

Hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi dân Do thái cũng như chúng ta : “Ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi ” (Ga 6, 45b). Nghĩa là, Ng ười muốn chúng ta đón nhận Người vì tin vào Chúa Cha. Hay nói cách khác tin vào Chúa Cha chính là động lực để đón nhận Chúa Giêsu và những lời giảng dạy của Người.

Trong mỗi Thánh lễ chúng ta được nuôi dưỡng bằng chính Lời hằng sống và Bánh hằng sống của Chúa Giêsu. Ðây là của ăn đem lại cho chúng ta sự sống đời đời.

Cũng trong cái nhìn ấy, cùng với Giáo hội chúng ta đang sống trong năm Thánh về Linh mục. Ðức Thánh Cha mời gọi các thành phần dân Chúa lưu tâm cách đặc biệt đến các linh mục. Cách riêng ngài muốn các linh mục ý thức hơn về đặc ân cao quý mà mình đang lãnh nhận.

Làm sao anh chị em giáo dân được nuôi dưỡng bằng Lời và Bánh hằng sống nếu không có linh mục cử hành Thánh lễ. Bởi lẽ, linh mục được gọi là “Chúa Kitô khác”. Qua linh mục các thành phần dân Chúa được đón nhận những ơn thánh hết sưc cao quý. Do đó, chúng ta hãy biết trân trọng đón nhận và gìn giữ những ơn lành được ban qua tay linh mục.

TIN CHÚA GIÊSU NGỰ THẬT TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Ga 6, 41- 51

Lm. Anthony Trung Thành

Tần Thuỷ Hoàng là vị vua Trung Quốc, sống trước Chúa Giáng sinh khoảng 200 năm. Ông là người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành, dài hơn 2000 dặm. Đó là kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà các phi hành gia có thể nhìn thấy từ ngoài không gian. Theo tạp chí National Geographic, Tần thuỷ Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng. Một ngày kia, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển đông, dân chúng ở đó đã khám phá ra bí quyết trường sinh.

Tần Thuỷ Hoàng liền phái một số tàu thuyền chất đầy châu báu lên đường, hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ.

Thế rồi ông lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga rộng lớn, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thuỷ tinh làm sông ngân hà, lấy vàng ngọc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bảo ham sống sợ chết ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên 50 tuổi thì chết đi.

Ước mơ của Tần Thuỷ Hoàng đã được Chúa Giê-su mạc khải cho chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay, khi Ngài nói: “Ta là bánh ban sự sống…ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,47).

Dĩ nhiên chúng ta phải hiểu sự sống đời đời Chúa hứa ở đây là sự sống mai sau chứ không phải sự sống đời này.

Như vậy, để được sống đời đời Chúa chỉ đòi chúng ta ăn bánh của Người ban là Bí Tích Thánh Thể. Nhưng vì đây là bí tích nên cần phải có lòng tin. Sau lời truyền phép, Linh mục trịnh trọng tuyên bố: “đây là mầu nhiệm đức tin”. Nghĩa là ta không hiểu hết về bí tích Thánh Thể vì như Thánh tiến sĩ Tô-ma đã nói: “ngôn ngữ nhân loại không thể diễn tả nổi”, nhưng chúng ta tin. Chúng ta tin Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể.

Vì sao? Trong thế giới vật chất này cũng có lắm điều không thể hiểu được mà ta vẫn tin. Chẳng hạn, cơm cá chúng ta ăn làm sao lại trở nên xương thịt ta? Cùng một chất đất mà cây cối hút lấy thì làm ra sản phẩm khác nhau: cây lúa làm ra gạo, cây lạc làm ra dầu, cây mía làm ra đường...mỡ bỏ vào nồi rán lên thì chảy ra nước, trứng bỏ vào thì đông lại. Đó là luật tự nhiên Chúa ấn định, thì việc Chúa khiến bánh rượu trở thành Mình Máu Người cũng thế thôi. Chúa đã tạo thành vũ trụ bởi không thì biến đổi bản chất bánh rượu sang bản chất Mình Máu Người cũng thế thôi. Đấng đã có quyền khiến sóng yên biển lặng, làm cho bánh hoá nhiều, làm cho nước trở thành rượu ngon…thì việc làm cho bánh rượu trở thành Mình Máu Người cũng không có gì là khó.

Hơn nữa, phép lạ từ bí tích Thánh Thể diễn ra khắp nơi trên thế giới: chị Têrêxa Newman ở Đức và bà Marthe Robin ở Pháp suốt mấy chục năm trời không ăn không uống gì, chỉ sống nhờ rước Mình Thánh Chúa.

Thánh Antôn đã kiệu mình Thánh Chúa ra giữa chợ thành phố Tuolouse, truyền cho một con lừa nhịn đói ba ngày bỏ thúng lúa mà chạy đến thờ lạy Mình Thánh.

Tiểu sử thánh Louis IX (1214-1270) vua nước Pháp có ghi: một linh mục đang làm lễ trong nhà nguyện của hoàng gia. Bỗng cha xuất thần vào lúc truyền phép. Người ta thấy trên bàn tay ngài có một em bé đẹp tuyệt trần. người ta chạy đi báo cho vua hay. Vua trả lời: “ta tin thật Chúa Giê-su hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Ta không cần đến xem. Ta tin Ngài ở trong đó hơn ta thấy Ngài. Do đó ta không đi xem kẻo mất công phúc Đức Tin của ta”. (Lc.số 214, 7-2000, tr.8).

Đời vua Philippe de Hardi (1362-1404) của nước Pháp, một tên ăn trộm vào nhà thờ Saint Denis, lấy chén thánh đựng Mình Thánh Chúa định đem ra ngoài đồng trút Mình Thánh Chúa xuống rồi đem chén thánh đi bán. Nhưng Mình Thánh không rơi xuống mà lại bay chung quanh trên đầu tên ăn trộm. thấy vậy người ta bắt nó nộp cho quan và báo cho cha xứ. cha Mattheu de Vedôme báo ngay với Đức Cha và kêu gọi các Linh Mục, Tu Sĩ đến cầu kinh và hát thánh vịnh. Trước sự chứng kiến của đông người, tự nhiên Mình Thánh đang bay trên không từ từ hạ xuống tay cha xứ họ Saint Gervais. Ngày nay, hằng năm, tại nhà thờ Saint Gervais vẫn hát lễ trọng vào chúa nhật đầu tháng 9 để kỷ niệm phép lạ này. (Bđd)

Số phép lạ đã được nhà chức trách giáo hội điều tra thận trọng và xác nhận kỹ càng thì rất nhiều. riêng bia kỷ niệm tại nhà thờ Mont Martre ở Pháp đã ghi 130 phép lạ. Và ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang chứng kiến nhiều phép lạ. Tại Lộ Đức cùng với nước suối của Đức Mẹ, Mình Thánh Chúa vẫn còn làm nhiều phép lạ chữa bệnh. Tháng 8 năm 1947, trong số các đoàn tín hữu hành hương ở trung tâm thánh mẫu Lộ Đức, có em bé Jacques 12 tuổi, bị tê liệt tứ chi từ năm lên 7. Buổi chiều hôm ấy, như mỗi lần có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa tại quảng trường trước đền thánh do Đức Giám Mục giáo phận chủ sự. Khi tiến quan hàng các bệnh nhân nằm trên cáng. Đức Cha cầm mặt nhật đựng Mình Thánh Chúa làm dấu thánh giá ban phép lành cho các bệnh nhân. Ngài đến trước bé Jacques bất toại, đang được cha mẹ và họ hàng đứng quanh và thành tâm sốt sắng cầu nguyện. Cảnh tượng thật là cảm động. Đức Giám Mục giơ cao Mình Thánh Chúa trên thân thể bé Jacques bị tê liệt, trong lúc đám đông các tín hữu cầu nguyện : “Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho em bé này đi được”. nhưng phép lạ vẫn không xảy ra, và đoàn kiệu Thánh thể vẫn tiếp tục tiến sang các giường bệnh nhân khác. khi Đức Giám Mục đi thêm được khoảng 10 giường bệnh, thì bé Jacques bất toại ngoái nhìn theo mặt nhật đựng Mình Thánh Chúa và kêu to tiếng : “Lạy Chúa Giêsu, Chúa không chữa con lành bệnh, con sẽ méc má Chúa cho mà coi !”. Trước tiếng la to của bé Jacques, đoàn rước Thánh Thể dừng lại và mọi người kinh ngạc khi thấy bé tê liệt đã chổi dậy, nhảy xuống khỏi cáng và chạy về phía Đức Giám Mục. Em đã hoàn toàn được khỏi bệnh cách lạ lùng.

Những dẫn chứng trên đây củng cố thêm lòng tin của chúng ta vào bí tích Thánh Thể. Để từ đó, chúng ta luôn đến với Chúa Thánh Thể để được bồi bổ sức lực trên con đường về với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa ngự thật trong bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con năng tham dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng. Xin cho chúng con năng thăm viếng Chúa ngự nơi nhà tạm và có thái độ cung kính đúng mức khi vào nhà thờ. Xin cho lời hứa của Chúa “ai ăn bánh này thì được sống đời đời”(Ga 6,51) được thực hiện nơi mỗi chúng con. Amen

ĐỂ CÓ THỂ TIN PHẢI GIỮ TÂM HỒN RỘNG MỞ
Ga 6, 41- 51

Lm Trần Bình Trọng

Phúc âm tuần trước ghi lại đám đông dân chúng đi theo Ðức Giêsu sang bên kia bờ hồ Galilê. Họ nhắc lại chuyện tổ tiên họ đã ăn man-na trong sa mạc do Môsê ban phát (Ga 6:31).

Ðức Giêsu bảo họ bánh mà Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian (c. 33), họ liền xin cho được bánh đó (c. 34).

Dân chúng trong Phúc âm hôm nay đã phải nghe biết về phép lạ Ðức Giêsu làm khi biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana và phép lạ Người chữa con của viên sĩ quan cận vệ nhà vua cũng ở Cana miền Galilê, vì họ cũng là người Galilê. Và chính họ đã ăn bánh do phép lạ Ðức Giêsu làm ở bờ hồ Galilê khi họ đói. Thấy dấu lạ, họ bảo nhau ông này phải là vị ngôn sứ Thiên Chúa sai đến. Họ nói như vậy vì họ phải biết có những ngôn sứ trong Cựu ước cũng đã làm được phép lạ.

Tuy nhiên khi Ðức Giêsu phán tại Ca-phác-na-um, chính Người là bánh bởi trời xuống (Ga 6:41) thì họ lại tẩy chay Người. Họ cho rằng họ biết tất cả về gia cảnh, thân thế và sự nghiệp của Chúa. Theo họ thì Ðức Giêsu chỉ là con ông thợ mộc Giuse và bà Maria nội trợ, sống ẩn dật giữa họ hơn ba mươi năm nơi phố nhỏ tầm thường tại Nadarét. Như vậy thì làm sao Người có thể nói Người bởi trời mà xuống được (Ga 6:42)? Làm sao Người có thể mời gọi họ đặt niềm tin nơi Người? Làm sao Người có thể ban cho họ bánh hằng sống? Do đó mà người Việt nam mới truyền tụng những kiểu nói như: quen quá hoá nhàm để chỉ cho thấy không có gì mới lạ hay gần chùa gọi bụt bằng anh để chỉ thái độ coi thường người trên.

Ðể có thể chấp nhận lời giảng dạy của Đức Giêsu về bánh hằng sống trong Phúc âm hôm nay, khác với bánh man-na mà cha ông họ đã ăn trong sa mạc, Ðức Giêsu muốn họ đặt niềm tin nơi Người là Ðấng từ trời xuống trước đã, nghĩa là họ phải tin Người là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên đối với họ, việc tin Người là con Thiên Chúa lại đặt ra một vấn đề gai góc cho họ. Từ trước đến nay người Galilê nói riêng và người Do thái nói chung chỉ thờ một Thiên Chúa. Tôn giáo của họ là tôn giáo độc thần. Vì thế khi Ðức Giêsu khẳng định Người từ trời xuống, và là con Thiên Chúa thì lại đưa vào đầu óc họ ý tưởng đa thần, nghĩa là có hơn hai thần, hơn hai chúa. Như vậy làm sao họ có thể chấp nhận hai chúa được?

Tuy nhiên Ðức Giêsu vẫn giữ lập trường giảng dạy mà nói rằng Người là bánh hằng sống từ trời xuống (Ga 6:41); ai được Chúa Cha lôi kéo đến cùng Người thì Người sẽ cho sống lại ngày sau hết (c. 44); ai tin vào Người thì có sự sống đời đời (c. 47). Nói như vậy là Ðức Giêsu coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Ðối với người không tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì đó là lời nói phạm thượng đến Thiên Chúa. Mà nếu Ðức Giêsu phạm tội phạm thượng thì làm sao Người có thể làm phép lạ được? Những người không tin, như những người trong Phúc âm hôm nay có thể trả lời: hoặc họ không hiểu, hay phép lạ là do sản phẩm của môn đệ của ông Giêsu bầy ra.

Không phải chỉ có những người Galilê mới từ chối việc tin tưởng vào Ðức Kitô là Con Thiên Chúa và là bánh hằng sống. Bài trích sách các Vua hôm nay mô tả nỗi chán nản của ngôn sứ Êlia, được sai đến vương quốc miền bắc là It-ra-en rao giảng tôn giáo thật, chống lại những quyền lực mà bà hoàng hậu I-de-ven ngoại đạo đã đưa vào đất nước. Nản chí vì dân cứng lòng tin và hoàng hậu I-de-ven còn tìm cách sát hại, Êlia trốn lên núi Khô-rếp, không còn muốn ăn uống. Thiên thần Chúa hiện ra đem bánh bảo ông ăn để lấy sức đi tiếp (1 V 19:4-8).

Vậy để có thể tin, người ta phải giữ tâm hồn rộng mở trước những mạc khải và quyền lực siêu nhiên. Nói cách khác người ta cần loại bỏ những thành kiến và định kiến về đạo và người giảng đạo. Có bao giờ ta chủ trương giữ đạo tại tâm, cho rằng không cần đến nhà thờ đọc kinh, dự lễ, mà chỉ cần giữ đạo trong lòng là đủ không? Có bao giờ ta cho rằng việc đọc kinh, dự lễ là việc của đàn bà con nít chăng? Có bao giờ ta chỉ muốn giữ đạo theo sở thích, cá tính riêng của mình, hứng thì giữ đạo, không thì bỏ cuộc? Có bao giờ ta cho rằng đạo phải phù hợp với ước muốn cá nhân, đạo phải thế nọ thế kia chăng?

Hôm nay mỗi người cần xin Chúa giúp cho mình biết loại bỏ những thành kiến về đạo và người giảng đạo và ban cho được mở rộng tâm hồn đón nhận lời Chúa và Mình thánh Chúa, là bánh hằng sống, bánh làm no thoả những khát vọng thiêng liêng của tâm hồn, bánh đem lại sự sống vĩnh cửu.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn mở rộng tâm hồn trước quyền lực siêu nhiên:

Lậy Chúa Giêsu! Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa!
Xin làm mới lại đức tin của con
vào sự hiện diện thực sự của Chúa trong Bí tích Thánh thể.
Xin loại bỏ tâm trạng ‘quen quá hóa nhàm’ nơi con.
Và xin tha thứ những lần con đóng cửa lòng lại
trước lời mời gọi của Chúa
vào việc tin và ăn bánh hằng sống. Amen.

SẼ TRƯỜNG SINH NẾU ĂN BÁNH GIÊSU
Ga 6, 41- 51

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Ngoài sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, con người ở mọi nơi mọi thời vẫn hằng khao khát sống sống trường sinh bất lão. Vì khát khao vậy, nên người ta ra công tìm mọi cách để kéo dài sự sống bao nhiêu có thể. Hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta một thứ lương thực trường tồn là chính Chúa: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51).

Bánh trong sa mạc
Trên hành trình về Đất Hứa, qua sa mạc Sin, giữa Êlim và Sinai, dân Israel nổi loạn kêu trách Môsê đã dẫn họ ra khỏi Ai Cập để vào đây phải chết đói (x. Xh 16,3). Môsê đã xinThiên Chúa ban cho Manna từ trời xuống làm của ăn dòng dã 40 năm trường (x. Xh 16, 1- 36 ).

Đến lượt Êlia, người Tisbê, ở Galaad, sứ ngôn của Thiên Chúa, trong thời kỳ hạn hán không có mưa, có sương, Thiên Chúa đã dùng quạ ở thung lũng Cơrít và bà góa thành Xarépta nuôi ông (x. 1V 17, 1-15). Và trong cuộc hành trình đến núi Horeb của Thiên Chúa, ngài đã dùng chính Thiên Thần mang bánh đến cho ông ăn, nhờ “sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa” (1V 19, 8).

Cho dù là Manna từ trời xuống nuôi dân Israel trong sa mạc, hay bánh Thiên Thần mang đến cho Êlia nuôi sống người ta 40 ngày cùng lắm là 40 năm đi nữa, thì những thứ bánh đó cũng chỉ nuôi sống con người cách rất tạm bợ, kẻ ăn những thứ bánh ấy vẫn đói, vẫn khát và vẫn phải chết. Hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta bánh bởi trời xuống là chính Chúa, Người đến làm no thỏa cái đói tinh thần con người, ai ăn chính Người sẽ khỏi đói muôn đời, và nhất là khỏi chết đời đời.

Bánh Giêsu
Thật không phải dễ để giúp những người Do thái thời Chúa Giêsu đón nhận Chúa là Bánh Hằng Sống, thứ bánh họ cần thiết phải kiếm tìm, và ăn không phải nhằm thỏa mãn thể lý trong một thời gian, nhưng còn để sống vĩnh viễn. Chính vì thế, từ phép lạ hóa bánh ra nhiều làm thỏa mãn cái đói thể xác của họ một cách lạ lùng, Người chuẩn bị họ đón nhận lời loan báo, Người chính là bánh từ trời xuống (x. Ga 6, 41) làm thỏa mãn một cách vĩnh viễn :“Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51).

Trong hành trình dài nơi sa mạc, toàn dân Do thái đã sống kinh nghiệm Manna, bánh từ trời xuống dưỡng nuôi họ cho tới khi vào đất hứa. Thật đáng ngưỡng mộ Thiên Chúa đã làm mưa Manna từ trời xuống mỗi ngày cho cha ông chúng họ ăn no thỏa thích. Đó là lý do tại sao người ta nói : “Bánh Thiên Thần phàm nhân được hưởng” (Tv 77, 25). Tuy nhiên, những người ăn bánh này trong sa mạc đều đã chết. Nay, Chúa Giêsu là bánh đích thực do Thiên Chúa Cha ban xuống từ trời, ai ăn sẽ khỏi phải chết muôn đời, bánh đó chính là thân mình Chúa Giêsu, Người quả quyết: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời”(Ga 6, 51). Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống, là hồng ân bởi trời, là chính Chúa ngự trên các tầng trời, có khả năng duy trì sự sống không phải chỉ trong một lúc hay một đoạn đường, mà luôn mãi. Người là lương thực ban sự sống vĩnh cửu, bởi vì Người là Con Một Thiên Chúa, ở cung lòng Thiên Chúa Cha, đến để trao ban cho con người sự sống tràn đầy, dẫn con người vào trong chính sự sống của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã thất bại, gặp phải điều cấm kỵ trong dân Israel khi tuyên bố :“Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51 ). Người dẫn chứng : “Cha ông các ngươi đã ăn Manna trong sa mạc và đã chết”, khiến họ kêu trách: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống”(Ga 6, 42). Họ không vượt qua được các nguồn gốc trần gian, và vì thế họ khước từ tiếp nhận Chúa Giêsu như Lời nhập thể của Thiên Chúa. Và như một hệ quả, họ đã mang án tử để đi vào cõi chết vì không tin. Họ còn quá xa bánh bởi trời và không cảm thấy đói bánh ấy.

Phần chúng ta giờ này đây phải tự hỏi xem chúng ta có thật sự tin Chúa là bánh hằng sống, có cảm thấy đói Lời Chúa, đói bánh Giêsu không? Nếu chúng ta cảm thấy đói thực sự, chúng ta hay tin vào Chúa và để Thiên Chúa lôi kéo. Vì chỉ có ai được Thiên Chúa Cha lôi kéo, chỉ có ai lắng nghe Người và để cho Người dậy dỗ, mới có thể tin nơi Chúa Giêsu, găp gỡ Người và nuôi dưỡng mình bởi Người, và như thế tìm ra sự sống thật, tìm ra con đường sự sống, công lý, sự thật và tình yêu. Vì thật ra, ai ăn bánh hằng sống thì tin nơi Chúa, và ai tin thì ăn và trong một cách vô hình họ được no thỏa.

Ngày hôm nay, qua bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi chúng ta hãy đến để đón nhận bánh ban sự sống, bánh bởi Trời đích thực là chính thân mình Người: “Đây là Mình Thầy”; “Đây là Máu Thầy”; “Ai tin và đón nhận sẽ được sống muôn đời”.

Xin cho mỗi người chúng ta có lòng tin yêu Chúa hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể, để qua việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta được sống trường sinh. Amen.

TRƯỜNG SINH BẤT TỬ
Ga 6, 41- 51

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Con người sinh ra nơi trần gian này, ai cũng muốn được sống lâu, được kéo dài cuộc sống, được trường sinh, bất tử…Do đó, mỗi lần có người thân trong gia đình hay một người nào đó nơi thôn xóm qua đời, thì cái mộng bất tử đều tiêu tan…Con người từ trước đến nay đều tìm thuốc, tìm phương thế đề kéo dài cuộc sống. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu nói về cuộc sống trường sinh nhiều người đã tuôn đến nghe Ngài.

Thực tế, người Kitô hữu đang phải trải qua cuộc hành trình đức tin, cuộc lữ hành trần thế với bao thăng trầm, thử thách, đói có, khát có, thiên tai, bệnh hoạn vv…Người Kitô hữu luôn cần được nâng đỡ, dưỡng nuôi, chở che để vượt qua cuộc hành trình lâu dài này…Xưa Êlia được thiên thần hiện ra ban bánh lúa mạch để có sức đi tới núi của Chúa.Manna được Thiên Chúa cho rơi từ trời xuống nuôi dưỡng dân Do Thái có sức đi vào đất hứa. Chính Chúa Giêsu trước khi đi giảng đạo, đã vào sa mạc tĩnh tâm, cầu nguyện, ma quỷ đã lợi dụng sư nhịn ăn của Ngài để cám dỗ Ngài về cái đói. Nó bảo Ngài hãy khiến đá hóa thành bánh mà ăn. Bánh, lương thực là điều cần thiết để nuôi sống con người. Chúa Giêsu đã đi từ bánh thường đến việc hướng con người đến sự sống đời đời, đến bánh trường sinh. Trước đó, Chúa Giêsu đã làm cho bánh và cá hóa nên nhiều để nuôi nhiều ngàn người ăn, qua đó, Chúa hướng dân tới sự sống đời đời. Dân nghe được Lời Chúa, họ đã bị đánh động bởi tính tò mò, nên, họ đã thốt lên “ Xin ban cho chúng tôi thứ bánh đó “, Ngài đã tuyên bố mạnh mẽ với họ :” Tôi là bánh hằng sống “ ( Ga 6. 48 ).

Chúa Giêsu còn xác quyết :” Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống “ ( Ga 6, 51 ). Chúa đã xác nhận :” Ngài là bánh ban sự sống “. Người Pharisêu và phần đông người Do Thái không chấp nhận vì họ không có đức tin. Khi nói tới bánh trường sinh, chúng ta thường nghĩ ngay tới Bí Tich Thánh Thể mà quên đi rằng Lời Chúa là Tiệc Lời Chúa. Bởi vì trước khi linh mục truyền phép để Bánh và Rượu trở nên Mình Máu của Chúa thì phải qua phần Tiệc Lời Chúa. Lời Chúa rất quan trọng vì Chúa đã quả quyết :” Con người sống không nguyên bởi bánh mà còn bằng Lời Chúa do miệng Chúa phán ra “. Chính Chúa đã nói :” Thầy có những Lời ban sự sống đời đời “ ( Ga 6, 68 ).

Chúa Giêsu là bánh hằng sống vì Ngài là Đấng ban sự sống. Ngài là bánh bởi trời vì Ngài từ trời xuống. Ngài là bánh trường sinh vì Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng hằng sống. Chúa Giêsu là bánh ban sự sống vì Ngài đưa con người đến cùng Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu và ý thức rằng không phải đi nhà thờ, chịu lễ là đã có sự sống đời đời ngay đâu, nhưng Chúa còn đòi hỏi chúng ta tin vào Ngài bời vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Lãnh nhận Lời Chúa, rước lấy Mình và Máu Chúa là tốt nhưng Chúa còn đòi hỏi chúng ta tin, đi theo Người và chấp nhận con đường khổ giá của Ngài.

Do đó, lương thực vật chất hằng ngày là cần thiết để nuôi sống con người chúng ta, nhưng Chúa còn hướng chúng ta về sự sống đời đời, sự sống nhờ cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn tin và đi theo Chúa vì Chúa mới có Lời ban sự sống đời đời. Amen.

BÍ TÍCH TÌNH YÊU
Ga 6, 41- 51

Anmai, CSsR

Câu chuyện về chàng ngôn sứ Êlia thật hấp dẫn. Êlia là một ngôn sứ lớn thời Cựu Ước. Êlia người Títbe, trong số dân cư ngụ tại Galaát. Một lần nọ, Êlia nói với vua Akháp rằng: "Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của Israel, Đấng tôi phục vụ: trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh.". Êlia loan báo nạn đói sắp xảy ra và thật vì đó là lời của Chúa qua ngôn sứ Êlia.

Để ý một chút, Êlia khẳng định rằng “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của Israel” chứ không phải Thiên Chúa nào khác ở trong cuộc đời của ông. Vì Thiên Chúa luôn ở với ông và ông gắn bó với Thiên Chúa nên rồi dù cho người ta bị đói do hạn hán nhưng Êlia trong suốt thời gian hạn hán ấy đã sống vô tư nhờ sự quan phòng của Chúa. Không chỉ mình Êlia mà cả bà goá thành Sarepta nữa. Bà ấy nghe theo lời của ngôn sứ nên bà cũng không phải chết đói vì Thiên Chúa của Israel đã phán thế này: "Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất." (1 V 17, 14).

Không chỉ cho bà goá thành Sarepta no bụng nhưng rồi qua lời cầu khẩn với Thiên Chúa, Êlia đã cầu nguyện với Thiên Chúa để cho con của bà được sống lại. Êlia tin vào lời hứa của Thiên Chúa và Thiên Chúa đã ban cho ông những lời ông thỉnh nguyện. Vấn đề vẫn ở chỗ là Êlia tin vào Chúa, nếu như Êlia không tin thì làm sao Thiên Chúa thực thi quyền năng, thực thi phép lạ trên đời của ông cũng như bà goá được ? Thiên Chúa mãi mãi là thử thách lòng tin của con người, vào sự kết hiệp giữa con người và Thiên Chúa.

Chuyện tình giữa Êlia và Thiên Chúa phải nói rất là vui. Thiên Chúa thương cho cái hũ bột không vơi và bình dầu không cạn ây để nuôi Êlia cũng như bà goá đấy nhưng cuộc đời của Êlia đâu có bằng phẳng như ta nghĩ, như ta tưởng. Chuyện tìn của Êlia và Thiên Chúa hình như vẫn có những trục trặt và những trục trặt ấy chính là dịp mà Thiên Chúa thử thách lòng tin của ông. Bằng chứng là trong hành trình lên núi Khorep - núi của Thiên Chúa, ông gặp những khó khăn thử thách của cuộc đời và hôm nay ông xin với Chúa là Chúa hãy cho ông chết nhưng không, Thiên Chúa đã không cho ông chết như lời ông xin mà Thiên Chúa đã cho ông sống. Qua sứ thần của Chúa, Êlia được ăn bánh nướng và được uống nước của Thiên Chúa và ông lại tiếp tục hành trình lữ thứ trần gian mà Thiên Chúa mời gọi ông. Sau những ngày ăn và uống “bánh và nước” của Thiên Chúa ấy, Êlia đã hoàn thành sứ mạng ngôn sứ mà Thiên Chúa mời gọi ông một cách tuyệt vời.

Không phải thời Cựu Ước mà vào thời Tân Ước cũng vậy, nhiều và rất nhiều người đã không tin vào Thiên Chúa, cách riêng là Ngôi Hai Con Thiên Chúa là người. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người ở giữa họ, sống chung với họ, đã làm phép lạ giữa họ nhưng họ vẫn không tin. Bằng chứng là sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều và Chúa Giêsu đã báo cho họ biết rằng Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống thì họ lại không tin ? Họ xầm xì và phản đối kịch liệt: "Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống”” ? (Ga 6, 42).

Với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu, qua phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi dưỡng xác phàm nay còn mai mất của con người đó, Chúa Giêsu muốn đẩy họ đến lương thực trường tồn chứ không phải là lương thực hay hư nát như tổ tiên của người Do Thái đã ăn trong sa mạc. Chúa Giêsu, ngày hôm nay, đã nói một cách hết sức mạnh mẽ, hết sức xác tín và hết sức rõ ràng cho người Do Thái thời bấy giờ là: "Các ông đừng có xầm xì với nhau ! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." (Ga 6, 43-51)

Chúa đã nói thẳng như vậy nhưng đáng tiếc thay là lòng của họ cứ chai ra, cứ lỳ ra và không tin vào Chúa. Chúa qúa biết tổ tiên của họ đã ăn bánh và đã chết và vì thế, con người cần một thứ lương thực trường tồn, lương thực của Thiên Chúa để tiến bước vào Nước Trời, tiến bước vào Núi Chúa như Êlia vậy.

Con người, cứ ỷ lại sức của mình, vẫn loay hoay luẩn quẩn ở trong cái xác thịt trần gian này để rồi cứ mãi quay quắt đi tìm kế sinh nhai cho cuộc đời mình. Tìm kế sinh nhai cho cuộc đời của mình không phải là điều xấu nhưng chúng ta cần phải xác định rõ với nhau rằng những thứ manna mà ngày xưa nuôi tổ tiên người Do Thái không phải là bánh đích thực mà chỉ có Lời Chúa, chỉ có Mình và Máu Thánh Chúa mới là bánh đích thực mà thôi. Chúa không lên án, Chúa không kết án con người khi con người ra công làm việc tìm kiếm của ăn nuôi con người ở trần gian nhưng Chúa mời gọi con người đi xa hơn một bước nữa là đừng vì của nuôi trần gian nhưng hãy ra công tìm kiếm thứ lương thực mà không hề hư mất, lương thực mà có thể nuôi con người trường tồn.

Cuộc đời chúng ta sẽ đi theo vết xe cũ của cha ông nếu như chúng ta cứ bám víu, cứ loay hoay với lương thực hay hư nát mà không tìm đến bánh đích thực.

Bánh đích thực mà Chúa muốn nói đến đó chính là thân mình Ngài đã nộp vì chúng ta như lời thư Thánh Phaolô tông đồ vừa quả quyết với chúng ta: “như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt”. Vì tình yêu, vì lòng mến mà Đức Kitô đã chịu trao nộp làm hiến tế cho chúng ta. Và với hy lễ, hiến tế ấy, Thánh Phaolô mời gọi cộng đoàn Êphêsô là hãy bắt chước Thiên Chúa và hãy sống trong tình bác ái Kitô giáo chứ không phải là sống chia rẽ, hận thù.

Ngài đã không ngần ngại mời gọi chúng ta: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô”. (Ep 4, 30-32).

Mà thật, nếu như một người nào đó kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu qua Bí Tích Thánh Thể, nơi mình và máu của Ngài thì cũng phải mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu, mặc lấy lòng mến của Chúa Giêsu khi đối xử, khi sống với anh chị em đồng loại.

Hoa quả của Lời Chúa, hoa quả của Mình và Máu Thánh Chúa rất rõ rệt chứ không mơ mơ hồ hồ như một số người lầm tưởng.

Mình và Máu Thánh Chúa ấy chính là bí tích Tình Yêu, Bí tích Nhiệm Mầu của Ngôi Hai Con Thiên Chúa làm người. Nếu ai đã đến với Bí Tích Tình Yêu, kín múc nguồn suối Tình Yêu thật sự từ Tình Yêu Ngôi Hai Con Thiên Chúa làm người ấy ắt hẳn sẽ mang trong mình tình yêu thật sư, tình yêu ấy sẽ không bao giờ gắt gỏng, thoá mạ, giận hờn hay la lối và không có những hành vi gian ác.

Có một người kia đến chia sẻ với tôi là không biết sao anh ta vẫn tham dự Thánh Lễ mỗi ngày nhưng chẳng hiểu sao về đến nhà là cứ la lối vợ con và khi đi làm thì lại ích kỷ và vun vén ? Anh suy nghĩ mãi nhưng vẫn không nghĩ ra tại sao anh ta lại như vậy ?

Điều đơn giản, tôi đã trả lời với anh rằng anh chưa kết hiệp mật thiết với Chúa đủ vì lẽ hoa quả của Bí Tích Tình Yêu ấy cũng phải là tình yêu chứ không thể nào là giận hờn, ghen ghét, ích kỷ được. Hoa quả của Bí Tích Tình Yêu nó khác với những hoa quả bình thường. Tôi bèn xin anh là xin anh hãy cầu nguyện nhiều và kết hiệp một cách sâu hơn với Chúa Giêsu Thánh Thể thì hành vi, lối sống của anh nó khác.

Tâm tình của Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm về Bí Tích Thánh Thể thật là dễ thương, thật là hay: “… Bí tích Tình Yêu, Máu thân Mình Chúa hiến thân chịu chết cho trần gian được ơn cứu rỗi. Bí Tích cao siêu, Chúa muốn nuôi dân Người lầm than năm tháng lưu đày: “Này đây Máu Ta ! được ban làm của uống. Này đây thân Ta ban làm bánh nuôi người thế, Bí Tích Tình Yêu, bí tích cao siêu Ngài vì yêu thương ta tình yêu cao vời thay, Thánh Thể nhiệm mầu, chúng con quỳ đây dâng lên toà Chúa, dấu chứng tin yêu, dâng khúc nhạc lòng cảm mến không nguôi”.

Tâm tình của Cha Thành Tâm có lẽ cũng là tâm tình của mỗi người chúng ta khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể mở lòng chúng ta để chúng ta mau mắn đến với Ngài, rước lấy Mình và Máu Ngài để rồi ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta. Khi Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa thật thì chắc chắc cuộc đời của mỗi người chúng ta sẽ khác. Khi cuộc đời có nhiều tâm hồn kết hiệp mật thiết với Chúa thật và hoa quả của Bí Tích Tình Yêu tràn đầy trong cuộc đời này thì tự nhiên cuộc đời này đầy hương hoa của Tình Yêu tuyệt hảo là Chúa Giêsu.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa Giêsu của Tình Yêu đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta cũng yêu và sống yêu như Ngài đã sống.

NGUỒN TRỢ LỰC ĐỜI TA
Ga 6, 41- 51
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Một hiện thực của cuộc đời: Không ai được ở mãi trên các tầng mây. Sau phút giây vinh quang, thành công, sốt sắng là một chuỗi ngày vất vả, truân chuyên lẫn nhàm chán của đời thường, và chưa kể đến biết bao trở ngại phải đương đầu và cả những thất bại phải chuốc lấy cách này cách khác. Thời kỳ sốt mến sau ngày chịu chức linh mục, giai đoạn thánh thiện sau ngày tuyên khấn trong Hội dòng, tháng ngày mặn nồng sau lễ hôn ước, khoảng thời gian sau khi nhận một nhiệm sở, một chức vụ…sao mà chẳng thể được lâu. Thế rồi ta phải hạ cánh với các cảnh ngộ cuộc đời dù chẳng mong và thường không như ý.

Cảnh ngộ của Ngôn sứ Êlia qua bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật XIX TN B là một minh chứng. Trước mặt vua Akhap, một mình thách đấu với 450 ngôn sứ thần Baal trên núi Carmel, ngài Êlia thật can trường và đáng khâm phục. Êlia đã chiến thắng, khi cầu khẩn Thiên Chúa và được Người nhậm lời cho lửa từ trời xuống thiêu hủy lễ vật. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất chúng ta phải tôn thờ, ngoài Người ra, tất thảy đều là “sản phẩm do tay loài người làm nên”. Êlia hãnh diện về niềm tin của mình. Ngài phấn khởi về chiến công của mình.

Thế nhưng Êlia đã phải lập tức rời bỏ vinh quang của chiến thắng lẫy lừng ấy để chạy trốn khỏi sự truy diệt của hoàng hậu Giêgiaben. Chỉ mỗi một tiểu đồng cùng chung cảnh ngộ với ngài. Nhưng khi vào sa mạc, thì ngôn sứ Êlia chỉ còn một thân một mình. Một mình một thân trong cảnh tình của kẻ chiến bại giữa hoang mạc khô cằn. Êlia buồn bã, thất vọng, Ngài xin Chúa cất mạng sống mình đi: “ Lạy Đức Chúa, đủ rồi ! bây giờ, xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.” Thành công thì chốc lát, nhưng khó khăn, cảnh gập ghềnh thì ít thoảng qua. Cuộc đời làm con Chúa, cuộc đời người tông đồ không ít lần rơi vào cảnh “đêm tối của đức tin”. Tha nhân vẫn có đó mà ta như bước đi một mình. Như Êlia, đã đôi lần ta muốn thiếp ngủ đi.

Chúa lại đến đánh thức ta. “Chổi dậy mau, vì đường vẫn còn xa !”( x.1V 19,7 ) Thiên Chúa không để một ai chịu thử thách quá sức mình. “Ơn Ta đủ cho con” ( x.2 Cor 12,9 ). Nguồn trợ lực không phải ở dưới trần này mà là từ trên cao. Khi trao cho vị ngôn sứ bánh và nước, sứ thần muốn khẳng định với Êlia và với chúng ta rằng Chúa chính là nguồn sống đích thực đời ta, là năng lực giúp ta tiến bước trên cõi lữ thứ này.

Nguồn sống từ trời cao không còn là thứ bánh vật chất thưở nào cho dân đi trong hoang mạc 40 năm về đất hứa hay cho Êlia đủ sức tiếp bước trong 40 ngày để đến núi Horeb gặp Chúa. Nguồn sống ấy nay đã được tỏ bày cách minh nhiên là chính Đấng từ trời xuống, Giêsu Kitô. “ Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” ( Ga 6, 50-51 ). Chúa Kitô không ngại ngần tỏ bày một sự thật cho dù nó đi ngược với quan niệm thời bấy giờ. Người Do Thái vẫn hằng quan niệm ăn thịt ai, là xem người đó như kẻ thù ( x.Tv 27,2; Dcr 11,9 ), và uống máu là một trọng tội đáng bị tru diệt ( x.St 9,4; Lv 3,17; Dnl 12,23). Chắc chắn Chúa Giêsu biết rõ điều này, thế mà Người vẫn minh nhiên công bố thì ta đủ thấy tầm quan trọng của chân lý được tuyên.

Khi tuyên bố mình chính là bánh hằng sống, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là nguồn sống của chúng ta. Ai muốn được sống, sống đời đời thì phải đón nhận Người, vì không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người. ( x.Ga 14,6). Người là lẽ sống, là nguồn sống của đời chúng ta. Người là nguồn trợ lực giúp chúng ta vững trước trước gian nan, khốn khó. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” ( Mt 11,28).

Thực tế đã có đó nhiều người vững vàng trong cảnh lao tù, khốn khó, nhờ sức mạnh của Thánh Thể Chúa. Đã có đó nhiều vị tông đồ lấy lại được sức mạnh mà kiên trì với sứ mệnh nhờ những phút giây hiện diện trước Thánh Thể. Cành nho chỉ có thể sinh trái, đơm hoa nhờ kết liền với thân nho. Không có Người thì chúng ta chẳng thể làm được sự gì tốt đẹp ( x.Ga 15,1-8 ). Kitô hữu chúng ta ít nhiều đều xác tín và cảm nghiệm chân lý này ngay trong cuộc đời của mình.

Sau khi Chúa Kitô truyền hãy cầm lấy bánh mà ăn, hãy cầm lấy chén mà uống, thì Người đã truyền rằng hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy ( x.1Cor 11,23-25 ). Đón nhận Chúa Kitô là bánh hằng sống, là lương thực trường sinh, là nguồn trợ lực trong những cơn gian nan, khốn khó, cô đơn, thất vọng, để có thể tiếp tục hành trình dương thế, thì chính chúng ta cũng phải trở nên tấm bánh trao ban sự sống, nguồn trợ lực cho tha nhân. Thiết tưởng cũng thật cần thiết kiểm điểm xem sự hiện diện của chúng ta có đem lại sự bình an, sức sống, nguồn trợ lực cho những người mà chúng ta gặp gỡ hay đang chung sống với chúng ta như thế nào ?

BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG: CÚ SỐC ĐỐI VỚI NGƯỜI DO THÁI
Ga 6, 41- 51

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Chàng Rôbinsơn trong câu chuyện “Trên Hoang Đảo” của Daniel Defoe đã lấy làm kinh tởm khi thấy người thổ dân moi tim kẻ thù để ăn. Sở dĩ họ moi tim kẻ thù để ăn, vì họ tin rằng: “Ăn gì bổ nấy, ăn cá thì giỏi bơi lội, ăn tim người thì thêm dũng cảm”. Đối với chàng Rôbinsơn thì việc làm của những người thổ dân này là man rợ, là không thể chấp nhận được (x. Lời Chúa 5 phút/ ngày, 11.4.2008).

Khi Chúa Giêsu tuyên bố thịt máu Ngài chính là của ăn nuôi sống con người, dân Do Thái cũng có phản ứng tương tự chàng Rôbinsơn. Bởi lẽ ăn thịt và uống máu người là điều nghịch với luân lý tự nhiên, nếu không muốn nói là dã man, là mọi rợ…. Điều này cũng đụng phải luật cấm của Dothái giáo. Tự hiến chính mình làm của ăn của uống để cho người khác được sống đời đời lại càng khó chấp nhận.

Thật ra, ngay khi Chúa Giêsu khẳng định “Ta là bánh từ trời xuống”, người Dothái đã lấy làm khó chịu, và họ đã xầm xì phản đối ra mặt. Họ xầm xì phản đối là phải. Vì chưng họ quá biết rõ gốc gác xuất thân của Chúa Giêsu. Họ cũng quá biết con người và sự nghiệp của Ngài ra sao. Lời xầm xì đó là gì ? Rất có thể là: “Giả như ông ta là một con người huyền bí như Daniel, hay Isaia xuất hiện trên cõi trần thì lời tuyên bố này còn nghe được. Đàng này ông ta là con một ông thợ quèn Giuse, gia thế bết bát. Bản thân ông ta cũng chẳng có gì đáng nói: 30 năm làm nghề mộc, sống tầm tầm nơi một làng quê vô danh tiểu tốt. Bà con anh em của ông ta cũng thế cả thôi. Vậy mà dám tuyên bố: ‘Ta là Bánh từ trời xuống’. Quả là ông này thuộc ‘họ nổ’, quê ở ‘Trảng Bom’ rồi !”, …v.v…

Phản ứng đó trở nên gay gắt hơn khi nghe Chúa Giêsu bộc bạch bánh đó là Bánh Trường Sinh, bánh đem lại sự sống đời đời, bánh trổi vượt hơn cả Manna thời Cựu ước. Nghe lời này, chắc hẳn có cảm thấ lùng bùng lỗ tai, bởi thực tế chưa có ai trên đời này mà không chết, kể cả các tổ phụ đáng kính của họ. Ngay như Môisê là vị sứ ngôn vĩ đại có khả năng “khiến” Manna từ trời rơi xuống cho dân chúng ăn, thế mà Môisê cũng đã chết. Rõ ràng đối với họ, ông Giêsu này vừa mới ăn gan hùm hoặc mới uống mật gấu nguyên chất, nên mới dám tuyên bố táo tợn như vậy. Không khéo, có kẻ còn muốn tới sờ trán Chúa Giêsu xem có phải bị sốt do cúm … H1N1 hay không mà dám ngoa ngôn mạnh mồm như thế nữa kìa !?

Chưa dừng lại ở đó. Khi Chúa Giêsu quả quyết thêm rằng Bánh hằng sống từ trời đó chính là thịt của ngài, dân Do thái thực sự đã bị “sốc”, sốc trầm trọng. “Bánh từ trời” hay “Bánh hằng sống” gì gì đó có thể họ tạm chấp nhận được, vì ít ra Ngài cũng đã từng làm phép lạ uy quyền hoá bánh ra nhiều và các phép lạ khác trước đó. Thế còn khẳng định “Bánh ta ban tặng chính là thịt ta đây” thì không thể nào chấp nhận nổi. Quả nhiên, đối với họ lúc này, Chúa Giêsu “mất trí” nặng rồi. Ăn thịt người là mọi rợ, là dã man. Hơn nữa, xưa nay chưa từng có ai tự lấy thịt mình làm của ăn nuôi sống người khác bao giờ.

Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu đã khẳng định rằng có lãnh nhận chính Đấng là nguồn mạch sự sống thì mới có thể có sự sống đời đời nơi mình được. Đây là một mạc khải lớn lao và siêu việt, vượt quá sức tưởng tưởng của con người đương thời. Tất nhiên, mạc khải không bao giờ là đối tượng của lý trí tự nhiên. Bởi vậy cần phải đón nhận bằng đức tin, bằng ân sủng đến từ Thiên Chúa Cha, như lời Chúa Giêsu xác quyết: “Chẳng ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”.

Nói cách khác, để có thể chấp nhận “ăn Thịt và uống Máu Chúa”, dù là dưới hình Bánh và hình Rượu của bí tích, thì cũng cần phải có đức tin do Thiên Chúa ân ban. Không có đức tin, người ta sẽ coi Bí tích Thánh Thể như là phù chú, bùa ngãi… Không có đức tin, không thể nhận ra sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Tin là tin vào Lời của Chúa, là lời chân thật; tin là tin vào cái chết tự hiến, cái chết vì yêu của Chúa trên thập giá; và tin là tin vào sự phục sinh vinh quang của Ngài. Nếu ta tin những điều đó, ta sẽ nhận ra sự hiện diện thực sự của Chúa trong Thánh Thể, và ta có thể tiếp rước Ngài làm của ăn thiêng liêng mang lại sự sống đời đời.

Tôi vẫn thường tiếp rước Thánh thể Chúa bằng tâm tình nào, thái độ nào ? Bằng đức tin hay bằng lý trí, bằng ân sủng của thiên Chúa hay bằng sức riêng của con người ?

TA LÀ BÁNH HẰNG SỐNG
Ga 6, 41- 51

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Mỗi ngày Việt nam đang phải đối đầu với bao cái ác hoành hành. Những cái chết của phi nhân bất nghĩa, của tình người băng giá, của đạo đức suy đồi, của tham lam bất chính. Đây phải là lúc chúng ta nhìn lại nhân sinh quan cuộc sống, tại sao giữa nền văn minh nhân loại lại đổ vỡ tình người, lại tan nát tất cả những luân thường đạo lý mà bốn ngàn năm văn hiến của cha ông đã gầy dựng? Chúng ta thử nhìn lại thống kê của trang điện tử www.tin247.com/ mỗi ngày Việt Nam có:

Phá thai hơn 500.000 ca phá thai một năm, trung bình mỗi ngày có hơn 1300 thai nhi bị giết hại

Mỗi tháng có gần 1.100 người chết vì TNGT, trung bình mỗi ngày hơn 35 người chết vì tan nạn giao thông.

Trung bình mỗi ngày lại có thêm 50 - 100 người nhiễm AIDS

Mỗi một ngày tứ Bắc chí Nam có hàng ngàn có gái đem thân xác đổi lấy những đồng tiền dơ bẩn.

Mỗi ngày những vụ án hình sự lại nhiều trò man rợ kinh hoàng hơn.

Đạo lý làm người nay ở đâu? Con người có còn là “nhân chi sơ tính bản thiện” hay đã bị thoái hóa mất tính người? Con người biết thiện và ác, có khả năng tự chủ bản thân hơn loài vật, sao lại dễ dàng làm điều xấu, điều hại người hơn là làm điều tốt, điều cứu sống anh em?

Là người ky-tô hữu, ai trong chúng ta cũng tự hào vì mình là hình ảnh Thiên Chúa. Ai trong chúng ta cũng tự hào mình vượt lên trên muôn loài muôn vật vì “nhân linh ư vạn vật”. Ai trong chúng ta cũng hiểu rằng con người có tương giao với Thiên Chúa, với thần linh. Con người đến từ Thiên Chúa. Con người thuộc về Thiên Chúa, vì con người bởi Thiên Chúa mà ra. Nhưng liệu rằng, khi nhìn vào cuộc sống của chúng ta người ta có nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa hay người ta sẽ ngán ngẩm bảo rằng: cuộc sống của anh, suy nghĩ độc ác, ích kỷ, những ước muốn tầm thường, những lời nói giết người không dao của anh làm tan nát tâm hồn bao người,. ..tất cả chúng tôi nào có lạ gì, sao anh bảo anh đến từ Thiên Chúa tình thương và nhân lành? “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy: là các con yêu thương nhau”. Liệu rằng dấu hiệu ấy có được tỏ hiện qua lời nói việc làm của chúng ta hay không?

Cuộc đời dương thế của Chúa Giê-su là chứng minh Ngài từ Thiên Chúa mà đến. Ngài đến để giới thiệu một Thiên Chúa yêu thương. Ngài đi gieo vãi yêu thương. Ngài đi nối kết tình người. Ngài đi xoa dịu đau thương. Ngài sống một cuộc đời thanh thoát không lệ thuộc của cải danh vọng trần gian. Ngài không bẻ gãy cây lau bị dập. Ngài không kết án ai. Ngài luôn bao dung tha thứ. Ngài đã từng tha thứ cho cả kẻ gây nên nhục hình cho Ngài. Đỉnh cao của dấu hiệu yêu thương ấy là chết cho người mình thương.

Cuộc đời Ngài ví tựa tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Tấm bánh mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Tấm bánh làm vui lòng trẻ thơ cũng như người già. Tấm bánh hòa tan cho muôn người. Kẻ thấp hèn cũng như người giầu sang. Tấm bánh thêm sức mạnh cho mọi người. Kẻ no đầy cũng như người khát. Tấm bánh nối kết tình mọi người. Vì “bánh ngọt bẻ đôi” sẽ là nhịp cầu thân ái cho người với người gần nhau hơn. Tấm bánh đời Ngài ban cho thế gian để cho thế gian được sống và sống dồi dào. “Và ai ăn bánh này sẽ không phải chết bao giờ”. Đó là tấm bánh phục sinh. Bánh cải từ hoàn sinh. Bánh trao ban sự sống đời này và cả đời sau.

Phải chăng Ngài cũng mời gọi chúng ta đón nhận tấm bánh đời Ngài để sức sống, ân sủng, tình thương của Ngài thẩm thấu trong cuộc đời chúng ta, để chính chúng ta cũng trở thành tấm bánh trao ban bình an và hạnh phúc cho tha nhân?

Phải chăng Ngài cũng đang mời gọi chúng ta, không chỉ nhận ra mình mang nguồn gốc từ trời, mà phải sống và hành động như con cái của Chúa. Sống hoàn thiện mình mỗi ngày như cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Mỗi ngày chúng ta phải thanh tẩy mình khỏi mọi điều gian ác, khỏi những ước muốn tầm thường và mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu như Đức Ky-tô để dung nhan Thiên Chúa được tỏ hiện trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Ước gì trong mỗi lời nói hành động đầy yêu thương bác ái của chúng ta mà các anh chị em chung quanh sẽ ngợi ca Cha chúng ta là Đấng ngự trên trời. Ứơc gì khi chúng ta nhận ra tình thương của Chúa dành cho mình, thì mỗi người hãy biết sống tâm tình tạ ơn Chúa, đồng thời biết noi gương Chúa sống yêu thương anh em đồng loại của mình.

Nguyện xin Chúa Giê-su Thánh Thể là tấm bánh bẻ ra cho muôn người nâng đỡ và giúp chúng ta biết sống cao thượng, sống đúng với phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa. Amen

LƯƠNG THỰC NUÔI SỐNG MUÔN ĐỜI
Ga 6, 41- 51

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta đi từ những ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, những bất ngờ này tới bất ngờ khác,và như thế, con người luôn cảm phục một Thiên Chúa vô cùng cao cả, nhưng lại là một Thiên Chúa vô cùng gần gũi với con người.Thiên Chúa ấy đã sai con của Ngài là Đức Giêsu sống với, sống cho con người và sống vì con người.Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ, đã làm cho người chết sống lại, đã xua trừ ma quỷ, đã chữa mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền.Điều quan trọng nhất, Ngài đã từng bước hướng dẫn những người theo Chúa đi từ thứ bánh, đi từ lương thực hằng ngày, của ăn nuôi sống thể xác đến thứ bánh quí giá,thứ bánh nuôi sống linh hồn, thứ bánh mang lại sự sống trường sinh.Đức Giêsu đã đưa những người nghe Ngài về cái đói thể xác, cái đói về tâm linh, về tinh thần, cái ước vọng vô biên về sự sống đời đời. Để rồi, ai cũng vậy, nhất nhất những người đang nghe Ngài rao giảng đều nài nỉ Ngài: ” Xin cho chúng tôi của ăn đó “ và Ngài tuyên bố:” Ta là bánh hằng sống “.

“Tôi là Bánh trường sinh “( Ga 6,48 ).”Tôi là Bánh từ trời xuống”( Ga 6,51): Dân chúng theo Chúa, nghe Chúa giảng dạy.Họ quên đi tất cả,quên thời gian, quên khó nhọc và quên cả cái đói, cái khát đang đè nặng trên họ.Tuy nhiên, Chúa luôn quan tâm tới dân chúng. Chúa luôn để ý tới đoàn lũ đông đảo đang cần tới lương thực, đang cần đến của ăn để lấp đầy cái đói, cái khát đang hoành hành họ. Ngài đã gợi ý cho các môn đệ, Ngài cần một Anrê giới thiệu một em bé, Ngài cần em bé dâng hay nói đúng hơn bán cho Anrê hai con cá và năm chiếc bánh. Ngài cần sự cộng tác của các môn đệ để chính các môn đệ ổn định dân chúng và rồi phép lạ đã xẩy ra. Nhưng điều quan trọng nhất qua phép lạ này, Ngài hướng dân chúng về một của ăn không bao giờ mất, một thứ lương thực trường sinh, ban cho dân chúng sự sống vĩnh cửu. Lương thực đó chính là Đức Giêsu,Con Thiên Chúa ( Ga 6, 32 – 33 ) mà Chúa Cha ban cho nhân loại, ban cho con người.

Dân Do Thái xưa chỉ dừng lại ở thứ bánh mau qua là Manna từ trời Thiên Chúa cho mưa xuống nuôi dân đi trong sa mạc. Nay,Chúa muốn cho dân thấy Chúa chính là Bánh trường sinh.Ước mơ được sống bất tử của con người luôn là vấn nạn ngàn đời của mỗi người. Cái chết là nỗi giày vò con người muôn thuở.Do đó, được Chúa hứa ban sự sống trường sinh, bất tử, dân chúng hồ hởi tuôn đến với Chúa để xin cho được thứ Bánh đó và thứ nước uống vào không khát nữa. Sự sống và cơn khát sẽ hết là chính Đức Giêsu, Ngài đang hiện diện giữa con người, giữa loài người, giữa chúng ta. Chúa hiện diện như lời Ngài nói: ” Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Ta, Ta sẽ ở đó với họ”( Mt 18, 20 ). Chúa hiện diện với nhân loại, với chúng ta trong Kinh Thánh qua Lời của Người. Lời của Người đã nói cách đây hơn 2.000 năm cũng là Lời Người đang nói với con người, với nhân loại, với chúng ta trong Tin Mừng. Chúa hiện diện với thế giới, với con người qua các giáo huấn của Giáo Hội, qua các lời giảng giải và qua các Bí Tích mà các Linh mục trao ban. Chúa hiện diện với nhân loại, với chúng ta qua Bí Tich Thánh Thể: ” Ta là Bánh hằng sống…Ai ăn Bánh này sẽ được sống đời đời “ ( Ga 6, 52 ).

Của ăn nuôi sống thân xác không phải là không cần thiết. Bởi vì, chính Chúa Giêsu cũng đã bị ma quỷ, satan cám dỗ trong hoang địa khi Ngài ăn chay, cầu nguyện bốn mươi đêm ngày. Satan đã đánh ngay vào cái đói của Chúa để mong cám dỗ Chúa, cám dỗ ấy chúng ta vẫn thường gặp hằng ngày.

Cơm, bánh: của ăn thân xác sẽ bị hư nát và khi con người nhắm mắt xuôi tay sẽ không mang theo được bắt cứ cái gì, kể cả tiền bạc, vàng, đá quí vv…Như vậy, sự sống đời đời không phải là một lý thuyết viển vông, xa vời, nhưng là một thực tại đang ở trước mắt và đang triển nở thực sự trong đời sống của mỗi Kitô hữu.Mình Máu của Chúa Kitô, Lời của Chúa chính là lương thực nuôi người Kitô hữu.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn tin vào Chúa, tin vào sự hiện diện của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể và để mỗi lần chúng con tham dự thánh lễ, mỗi lần chúng con rước Chúa vào lòng là chúng con nhận lãnh sự sống trường sinh. Amen.

CHÚA GIÊSU – NGUỒN SỐNG ĐÍCH THỰC
Ga 6, 41- 51

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Ở Chúa nhật trước, chúng ta thấy dân chúng kéo đến với Chúa Giêsu không vì mong muốn khám phá Chân lý, khám phá con người Giêsu cũng như những lời giáo huấn của Người mà chỉ vì mong được ăn uống no nê, mong được hưởng thụ cho sướng tấm thân. Lần đó, Chúa Giêsu đã dẫn họ đến với một thứ bánh không hề hư nát là Bánh Trường Sinh. Muốn có bánh đó thì điều kiện tiên quyết là “phải làm những gì Thiên Chúa muốn và tin vào Đức Kytô” (Ga 6, 29). Đến Chúa nhật này, chúng ta thấy người Dothái bắt đầu xầm xì thắc mắc về những dẫn giải của Chúa Giêsu. Lời của người này sao mà khó nghe quá! Không nản chí, Chúa Giêsu tiếp tục giảng giải cho họ về việc Người chính là Bánh Hằng Sống.

Thói xầm xì nhỏ to những chuyện khó ưa có thể nói là căn bệnh thâm căn cố đế của con người. Nhưng, để được lưu vào sử sách, người Dothái có lẽ phải đứng vào hàng “top ten”. Thật vậy, trong lịch sử thời Xuất hành, dân này đã nhiều lần xầm xì bất mãn. Bị đói : xầm xì; bị khát : càu nhàu; giặc giã, tai ương: trách móc, lẩm bẩm kêu ca (x. Xh 15,24; 16,2; 17,3; Ds 16,2; 20,4). Nay, thời Chúa Giêsu, họ cũng rơi vào căn bệnh “cha nào con ấy”. Ông này chẳng phải là, là, là… mà sao lại, lại, lại… Thế đấy! Căn bệnh này luôn tiềm ẩn trong lòng người và nó ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của những ai dám coi thường nó.

Thắc mắc của người Dothái chỉ là thắc mắc, xầm xì của “người trần mắt thịt”, chỉ xem Chúa là một người bình thường, sống và sinh hoạt như họ không hơn không kém. Chúa Giêsu mạc khải cho họ về con người Thần linh của Người. “Chả ai đến được với tôi nếu Chúa Cha không lôi kéo, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”. Nói cách một cách nôm na, điều ấy - bánh Hằng sống - làm sao người phàm trần có thể hiểu được nếu như Chúa Giêsu không mạc khải và Thiên Chúa không lôi kéo mời gọi. Vì thế, việc người Dothái xầm xì cũng là việc dễ hiểu.

Chúa Giêsu đến để mạc khải cho họ một thứ Bánh Trường Sinh. Thứ bánh này không phải như Manna xưa cha ông họ đã ăn và đã chết. Bánh Trường Sinh này chính Chúa Giêsu, bánh chính hiệu của Chúa Cha, ai ăn sẽ được sống đời đời. Chúa Giêsu quả quyết như vậy và chúng ta cũng xác tín mạnh mẽ như thế.

Bánh Hằng Sống chính là TIN vào Chúa Giêsu. “Ai tin thì được sống đời đời”. Chính vì Tin vào Chúa Giêsu, mà Bánh hằng sống – qua bí tích Thánh Thể- được Giáo hội long trọng cử hành mỗi ngày trên toàn thế giới, qua đôi tay của các vị Tư tế, để trở nên nguồn linh dược thần linh nuôi sống nhân trần. Chính vì Tin vào Chúa Giêsu, hai ngàn năm qua, nguồn linh dược thần linh này trở nên nguồn lương thực độc nhất vô nhị với đầy đủ hương vị thích hợp cho mọi người, bất kể họ là ai, thuộc chủng tộc, mầu da nào, hay khác biệt về phong tục tập quán, tất cả đều Tin và chia sẻ nguồn linh dược thần diệu này mà không chút nhàm chán.

Bánh Hằng Sống là ĐẾN với Chúa Giêsu. “Chẳng ai đến được với tôi…”; “Ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha thì đến với tôi”. Đến với Chúa Giêsu, sức hấp lực này dĩ nhiên không như những người Dothái đã làm - nghĩa là đến với Người chỉ để được ăn no mà thôi. Không! Chúng ta không đến với Chúa Giêsu chỉ vì những cái lợi tạm thời chóng qua, mau hư nát mà tìm đến với những giá trị mang ơn cứu độ, có giá trị vĩnh hằng. Đến với Chúa Giêsu, chúng ta ao ước được lắng nghe Lời Hằng sống và mong được lãnh nhận lương thực thần linh nuôi dưỡng linh hồn. Và, đến với Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể, chúng ta tin rằng sẽ được cùng với Người chiêm ngưỡng trước cuộc sống mai sau.

Bánh Hằng Sống chính là THỊT Chúa Giêsu. “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Vâng, không ai trong chúng ta hoài nghi về mầu nhiệm tuyệt vời này. Chúa Giêsu đã trở nên người phàm như chúng ta và giờ đây, chính thân xác ấy lại trở nên nguồn thần linh vô giá nuôi sống nhân trần. Mầu nhiệm Tình yêu này sẽ mãi là mầu nhiệm độc nhất vô nhị, khiến cho chúng ta một khi đã lãnh nhận thì mãi mãi vẫn còn khao khát được lãnh nhận nhiều hơn nữa.

Tạ ơn Chúa đã nuôi dưỡng chúng ta không chỉ bằng Lời mà còn bằng chính Bánh Hằng sống từ trời. Xin cho mỗi người chúng ta biết đón nhận Lời và Bánh nguồn sống ấy trong tâm tình cảm tạ tri ân, đồng thời biết chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng và tinh tuyền để có thể đón nhận nguồn hồng ân vô giá này cách xứng hợp.

ĂN CHÚA SẼ SỐNG MUÔN ĐỜI
Ga 6, 41- 51

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

Bài Tin Mừng tiếp tục kể lại bài giảng về bánh hằng sống của Chúa Giêsu. Qua bài giảng này Chúa Giêsu muốn mạc khải về phép Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập. Chúng ta hãy ôn lại ít điều giáo lý về việc rước Chúa, tức là việc rước lễ, đem lại cho chúng ta rất nhiều ơn ích lớn lao, có thể tóm tắt trong bốn điều :

Thứ nhất, rước Chúa chúng ta được tăng thêm ơn thánh hóa. Khi chúng ta lãnh các bí tích Thêm sức, Giải tội, Xức dầu, Truyền chức thánh và Hôn phối, chúng ta cũng được tăng thêm ơn thánh hóa, nhưng khi lãnh bí tích Thánh Thể chúng ta được tăng thêm ơn thánh hóa nhiều nhất, vì không phải chúng ta chỉ lãnh thêm ơn thánh mà là lãnh nhận chính Đấng ban ơn thánh, là chính nguồn mach ơn phúc.

Thứ hai, rước Chúa làm chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và với anh chị em tín hữu khác. Cũng như khi chúng ta ăn bất cứ thứ gì, thì của ăn đó được biến hóa và trở nên thịt máu và chính con người chúng ta. Vậy khi ăn thịt Chúa, thì thịt Chúa sẽ trở nên thịt máu chúng ta. Chúng ta sẽ sống trong Chúa và Chúa sẽ sống trong chúng ta, như Chúa đã phán : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”. Khi đó chúng ta có thể nói như thánh Phaolô : “Không phải tôi sống nữa mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Không những chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu mà chúng ta còn hiệp nhất với anh chị em tín hữu trong cả hoàn cầu nữa. Bởi vì chúng ta cùng chia sẻ một lương thực là cùng chia sẻ một sự sống, nên chúng ta hiệp thông và hiệp nhất với nhau, như thánh Phaolô đã nói : “Chúng ta ăn mình Chúa nên tất cả chúng ta đều là một”. Do đó, đã hiệp nhất với Chúa Giêsu thì cũng hiệp nhất với nhau.

Thứ ba, rước Chúa chúng ta được tha các tội nhẹ và bảo vệ chúng ta khỏi tội trọng. Hằng ngày chúng ta phạm nhiều tội nhẹ trong tư tưởng, ước muốn, lời nói, việc làm. Những tội này không những không ngăn trở chúng ta rước lễ, mà chính việc rước lễ sẽ tha tội nhẹ cho chúng ta. Còn khi có tội trọng thì không được rước lễ. Nhưng chính việc rước lễ sẽ giúp chúng ta, sẽ gìn giữ chúng ta khỏi sa ngã phạm tội trọng, như Cộng Đồng Tri-đen-ti-nô đã nói : “Việc rước Chúa là một liều thuốc gìn giữ chúng ta khỏi sa ngã phạm tội trọng”.

Thứ tư, rước Chúa ban cho chúng ta sự sống đời đời ngay khi chúng ta còn sống trên mặt đất này. Chúa Giêsu nói rõ : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”. Chúa không nói người ấy “sẽ được sống muôn đời”. Nhưng Chúa nhấn mạnh người ấy “được sống muôn đời”. Còn việc bảo đảm sẽ được sống lại sau này thì chính Chúa Giêsu đã khẳng định : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”. Như vậy, phép Thánh Thể, sự phục sinh và cuộc sống vĩnh cửu có tương quan với nhau, nghĩa là bây giờ nhờ rước Chúa, chúng ta có đời sống ân sủng, sau khi chết, linh hồn chúng ta được hạnh phúc trường cửu, và ngày tận thế, thân xác chúng ta sẽ được đồng vinh hiển cùng với linh hồn.

Anh chị em có đọc được ở đâu hay tìm thấy nơi một tôn giáo nào khác có một đấng thần minh, dám nói như Chúa Giêsu đã nói hôm nay không : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”?. Chúa Giêsu dám nói như thế, vì Ngài có nền tảng, vì Ngài là Thiên Chúa hằng sống, nên Ngài có quyền ban sự sống đời đời cho những ai tin Ngài. Ngài là lẽ sống của họ. Trong những thế kỳ đầu của Giáo Hội, dân ngoại bỡ ngỡ khi thấy người có đạo anh dũng chịu chết vì Chúa. Đâu là lý do của sự can đảm lạ lùng ấy ? Thánh Si-pơ-ri-a-nô trả lời : “Chính nhờ Mình Thánh Chúa Giêsu gìn giữ mà người có đạo mới ra pháp trường một cách anh dũng như vậy”. Đời vua Tự Đức, tổ tiên chúng ta cũng không thua kém các vị tử đạo đầu tiên ở Rô-ma. Nhờ đâu ? Nhờ rước Mình Thánh Chúa. Bằng chứng : trong một sắc lệnh cấm đạo của vua Tự Đức có một điều như sau : “Không được để cho người ta đem đến cho kẻ có đạo thứ bánh mầu nhiệm gì đó, vì thứ bánh ấy làm cho họ không sợ đau đớn và vui vẻ chịu chết”.

Quả thực, ăn thịt máu Chúa sẽ tìm được sức mạnh thánh hóa và can đảm. Thịt máu Chúa còn đem lại hiệu quả cuối cùng là sự sống lại và sự sống đời đời. Vì thế, nếu chúng ta đến dâng lễ mà chúng ta không rước Mình Thánh Chúa, thì cũng không khác gì đi ăn tiệc mà không ăn gì cả. Và như thế là chúng ta đã từ chối ân huệ lớn lao, như nhà vua kia mời dự tiệc cưới con mình mà bị từ chối, là năm trinh nữ khờ dại không vào phòng tiệc, là chôn giấu nén bạc chủ trao cho, là mất kho tàng và đá ngọc, là vứt hòn hgọc đi. Tóm lại, Mình Máu Chúa là của ăn không những nuôi dưỡng linh hồn mà còn tăng thêm niềm tin, lòng yêu mến và hy vọng, giúp chúng ta sống hào hùng, sống tốt đẹp ở đời này và bảo đảm cho chúng ta hạnh phúc đời sau. Vậy chúng ta hãy quý mến phép Thánh Thể và siêng năng rước lễ, để lãnh nhận những ơn ích và những hiệu quả cáo quý ấy.

CHÚA GIÊSU LÀ BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG
Ga 6, 41- 51

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Các bài Chúa nhật 19 thường niên, năm B vẫn nối tiếp tư tưởng của các Chúa nhật trước, loan báo sự mạc khải lớn lao về chính Mình Máu Đức Kitô. Đây là mạc khải ơn cứu chuộc biểu lộ ngang qua cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Thịt và Máu của Chúa Giêsu là lương thực nuôi sống nhân loại, nuôi sống con người.

I. Ý NGHĨA CÁC BÀI ĐỌC:
Hình ảnh ngôn sứ Elia trong sách thứ nhất các vua đoạn 19, 4-8 là hình ảnh tiên trưng của Đức Kitô trong sa mạc ăn chay, hãm mình trước khi bước vào chặng đường cứu chuộc nhân loại. Elia nhờ sức mạnh của lương thực Thiên Chúa trao ban đã đi liên tục bốn mươi đêm ngày tới núi Horeb, núi của Thiên Chúa. Sức mạnh của lương thực Thiên Chúa tặng ban cho Elia là sức mạnh của Mình Máu Chúa Kitô trong Tân Ước. Ai chịu lấy Mình và Máu của Chúa sẽ được sống đời đời (Ga 6, 51 ). Hình ảnh của ngôn sứ Elia tiến tới núi của Thiên Chúa cũng là hình ảnh của Hội Thánh đang hành trình về nhà Cha trên trời. Một hình ảnh được ghi đậm nét với những con người đã được ghi dấu đức tin qua bí tích rửa tội. Qua dấu đức tin, mọi Kitô hữu đều được sống trong tình thương của Đức Giêsu Kitô. Tình thương được diễn tả qua cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu để làm của lễ ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa, cứu chuộc chúng ta.

Ý nghĩa các bài đọc ấy đưa chúng ta vào cốt lõi Tin Mừng thánh Gioan 6, 41-52. Bởi vì đoạn Tin Mừng này nói lên sự mạc khải về chính Mình Máu Chúa, về phép Thánh Thể Đức Giêsu Kitô sẽ thiết lập vào ngày thứ năm tuần thánh. Nhân tranh luận về bánh, người Do Thái đã sửng sốt đến không nhìn nhận ra con người thật của Chúa Giêsu. Họ chỉ nhìn ra con người rất người của Chúa Giêsu mà thôi: nghĩa là họ chỉ nhìn thấy một Giêsu tầm thường, âm thầm, khiêm nhượng, không hào nhoáng, Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giuse và con bà Maria nội trợ. Tuy nhiên qua cái tầm thường hầu như rất tầm thường ấy lại hàm chứa một mầu nhiệm lớn lao nơi con người Giêsu Nagiarét: mầu nhiệm tình thương ngang qua cái chết trên thập giá và sự khải hoàn phục sinh vinh thắng. Mầu nhiệm này là lời loan báo ơn cứu độ chứa chan nơi Đức Kitô và chỉ nơi Ngài mới có ơn cứu độ. Tin vào Chúa, gắn bó, kết hiệp mật thiết với Chúa, chịu lấy Mình và Máu của Ngài con người sẽ có sự sống vĩnh cửu. Xưa dân Do Thái ăn Manna trong sa mạc, rồi cũng phải chết, nhưng kẻ nào tin và chịu lấy Mình, Máu Chúa sẽ được sống đời đời ( Ga 6, 49-50 ).

II. Ý NGHĨA CHÚA NHẬT HÔM NAY NHẮM TỚI:
Con người sống nhờ lương thực nuôi thể xác, họ sẽ ở thế quân bình, nếu phần hồn cũng như phần xác được nuôi dưỡng bằng nhau, được chăm sóc như nhau. Xác mạnh, hồn yếu, con người sẽ trở thành què quặt, Do đó, thái độ lòng tin luôn là yếu tố quyết định để con người tạo cho mình thế quân bình để sống. Con người có thể sáng chế những máy móc, máy bay, xe hơi tinh vi, tiến bộ vượt bực, nhưng con người không thể tạo dựng trời đất, sự sống nếu không nhờ sức thiêng lôi kéo. Trước một thế giới càng ngày càng xa Thiên Chúa. Dân Chúa có bổn phận, trách nhiệm chứng tỏ lòng tin và rao giảng, làm chứng cho Chúa phục sinh. Sự thật là Đức Kitô đã ngang qua thập giá để cứu độ nhân loại và Bí tích Thánh Thể là hiện tại hóa cuộc hy sinh tế hiến của Chúa cứu chuộc nhân loại, cứu độ con người. Bánh sự sống và Máu vinh quang của Chúa con người có thể lãnh nhận hằng giây hằng phút trong cuộc sống hằng ngày. Cuộc hy sinh tế hiến của Chúa Giêsu được các linh mục hiện tại hóa hằng giây hằng phút trên thế giới qua các thánh lễ các Ngài cử hành. Tin vào Chúa là nhận chân sự cứu rỗi của Chúa và lãnh nhận hy tế qua bí tích Thánh Thể là lãnh nhận sự sống vĩnh cửu. Tin vào Đức Kitô, tiến về Chúa Giêsu, kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu phải là một sự tiến triển không ngừng trong đời sống của người Kitô hữu. Tin là một sự tín thác hoàn toàn khiêm nhượng và hoàn toàn phó dâng, cậy trông nơi Chúa Giêsu. Sức mạnh nội tâm vô biên giúp chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu là chịu lấy Mình Máu Chúa. Lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô là ta đạt được sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra Chúa nơi chính bí tích Thánh Thế, Bánh ban sự sống đời đời. Amen.

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN
Ga 6, 41- 51

Br. BM Thiện Mỹ, CMC

Một buổi tối, tại nhà xứ Mai Khôi, trong dịp tĩnh tâm của giới trẻ vào mùa chay, một thanh niên miền bắc kể lại câu chuyện: Anh sống trong một xứ đạo thiếu linh mục, đời sống bí tích khô khan, thấy kẻ đau khổ ít khi anh tỏ lòng thương xót họ. Và ngày kia, anh nghe tiếng hát của một cô gái đâu đây, cô hát bài về Đức Maria. Lời hát tuy không hay, nhưng chẳng hiểu sao tâm hồn mình xúc động. Anh liền tìm đến tiếng hát và nhận thấy đó là một cô gái mù. Thương cảm, anh hỏi tại sao lại hát như thế. Chị trả lời rằng chị hát để ca ngợi và nói lên niềm vui của mình, vì Chúa đã thương chị và cho chị được thông phần vào nỗi đau khổ của Người trên Thập Giá.

Những lời nói này đã đánh động tâm hồn chàng thanh niên. Anh sực nhớ mình cũng là KiTô hữu, tuy mắt sáng nhưng chưa bao giờ cảm nhận tình yêu Thiên Chúa thương mình đến thế. Từ đó, anh thay đổi dần dần và hoán cải đời sống.

Thiên Chúa mời gọi con người nhận ra Ngài trong những sinh hoạt tầm thường nhất: Của ăn, áo mặc, tiếng cười, tiếng hát, trong những biến cố to nhỏ hằng ngày. Thiên Chúa gởi xuống trần gian nhiều sứ gỉa khác nhau: Người thanh niên trong câu chuyện kể trên đã nhận ra được hình ảnh Đức Kitô trong tiếng hát bình dị của một cô gái mù. Thánh Phanxicô Xaviê biến đổi cuộc đời nhờ câu nói của Thánh Ignatio: "Được lời lãi cả vũ trụ mà mất linh hồn mình nào có ích chi". Thánh Ephrem đã chinh phục người đàn bà tội lỗi v.v. Còn thông điệp vĩ đại nhất của Thiên Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay đến từ con bác thợ mộc người xứ Galilê. Chính Ngài đã nói: "Tôi là bánh từ trời xuống". Thế là có những người xì xầm với nhau: "Ông này chẳng phải là ông Giêsu con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông lại nói :"Tôi từ trời xuống".

Tất cả những ai đánh giá con Thiên Chúa làm người với những cách thức bề ngoài đều không nhận ra Ngài là Đức KiTô. Chẳng hạn nếu chúng ta là thợ xây cất, khi so sánh với bác thợ mộc, đối với xã hội hai công việc này có vẻ như xoàng xoàng xoàng với nhau. Còn những vị có thế giá phải kể đến các quan quyền Vua Chúa. Những tiến sĩ, luật sĩ, kỹ sư, bác sĩ hay những thương gia giầu có.

Nhưng những ai có Đức Tin mạnh mẽ sáng suốt đều nhận ra giá trị siêu vời của địa vị Con Thiên Chúa làm người, con của bác thợ mộc nhà quê. Lần mở lại các trang Phúc Âm có kể lại rằng nhiều người đã thán phục sự khôn ngoan thông thái phi thường khi Chúa đối chất với các bậc thầy Do Thái lúc Ngài mới lên 12 tuổi. Quả thực giáo lý Ngài thật sâu sắc, lời Ngài thật sống động, sự dậy dỗ của Ngài như Đấng có quyền, chứù không như các luật sĩ và Pharisiêu. Còn phép lạ của Ngài thì man cơ xiết kể: "Mọi người lấy làm thán phục và ngợi khen Đức Chúa Trời. Họ nói rằng: Hôm nay ta đã thấy những việc lạ lùng". (Lc. 17,26).

Tín hiệu về sự hiện hữu của Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng làm thế nào để nhận biết được Ngài. Nhìn vào vũ trụ bao la, biển rộng mênh mông, sự vận hành trật tự của các vị tinh tú, chúng ta đều cảm nghiệm được Thiên Chúa. Một bông hoa thơm đẹp, một con vật xinh xắn chúng ta liền nghĩ tưởng về Đấng tạo dựng. Nhưng bầu trời tinh thần nơi vẻ đẹp lòng người mới làm cho chúng ta thấm thía sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu trở nên con Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria, chắc hẳn là do nhân đức tuyệt vời của các Ngài. Qua sự thánh thiện của gia đình Nazaret và những lời tiên báo trước đây về Đấng Cứu Thế ở trong kinh thánh, việc Chúa xưng mình :"Ta là Bánh Hằng Sống" thì chẳng có gì là đột xuất cả. Còn những kẻ nghe và tin vào lời Chúa lại vô cùng sung sướng khi biết được Ngài là của ăn nuôi sống linh hồn muôn đời.

Ở đời này chúng ta được thừa hưởng cả gia tài vũ trụ mà Chúa tạo dựng dành cho con người. Nhưng chính Chúa lại bảo của cải ở đời này là những thứ mau qua, những gì tạm bợ, của ăn hư nát, những vật mối mọt có thể đục khoét, trong cuộc hành trình tiến về nhà Thiên Chúa, những thứ ấy dừng lại ở ngưỡng cửa tử thần. Vì thế Bánh Hằng Sống giải đáp điều bí ẩn khao khát tận đáy lòng con người về sự vô biên, bất tử và là hành trang bảo đảm cho linh hồn trường tồn mai hậu.

Ý tưởng Bánh Hằng Sống cũng là ý tưởng chính yếu trong bài tin mừng Chúa Nhật hôm nay, điều này gợi nhớ kỷ niệm không bao giờ quên đối với người Do Thái khi ông Moisen dẫn đưa dân riêng của Chúa tiến vào đất hứa. Vì dong duổi dặm trường Chúa khiến bánh Manna từ trời rơi xuống để nuôi dân Do Thái khỏi chết đói trong sa mạc. Nhưng bánh Manna chỉ có hiệu lực thể lý, còn Bánh Hằng Sống mà Chúa nói hôm nay sẽ phát sinh sự sống đời đời. Ngài đã nói và thực hiện trong ngày đại lễ tiệc ly vượt qua trước ngày khổ nạn và phục sinh của Chúa. Bữa tiệc ly này còn tiếp tục cho đến tận thế qua các Thánh Lễ trên bàn thờ mỗi ngày.

Như vậy trên đường tiến về quê trời chúng ta sẽ không bị nản chí khi thấy thế gian rồi đây sẽ tàn lụi và mọi sự thuộc về thế gian cũng sẽ qua đi. Vì chúng ta đã hy vọng vào nguồn mạch sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa là bí tích Thánh Thể, đó là gia sản quí báu cho chúng ta trên nước trời. Điều cần thiết là chúng ta luôn cố gắng chiếm hữu và cầu xin Đức Mẹ ban cho chúng ta quả phúc bởi lòng Mẹ sinh ra là Bánh Trường Sinh bất tử nuôi sống linh hồn chúng ta.

Nguồn vietcatholic.org

 

1646    08-08-2015 07:05:32