- Thức Tỉnh Chờ Ðón Cuộc Sống Thật
- Chúa Nhật 19 TN C
- Tỉnh Thức - Sẳn Sàng
- Đừng Sợ
- Chúa Nhật XIX Thường Niên
- Tin Là Sẵn Sàng
- Hãy Tình Thức Sẵn Sàng
- Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng Đón Chúa Đến Thế Nào?
- Chúa Nhật 19 Thường Niên
- Chúa Đang Đi Tìm Ta, Người Sẽ Đến
- Chúa Nhật 19 Thường Niên
- Tin Là Sống
- Tỉnh Thức Trong Phục Vụ
- Muốn Tỉnh Thức Phải Biết Cầu Nguyện
- Tỉnh Thức
- Tỉnh Thức Để Đón Chúa
- Tỉnh Thức Và Sẳn Sàng
- Sống Là Chuẩn Bị Chết
- Đức Giê Su Trở Lại Với Người Tỉnh Thức Đợi Chờ
- Hãy Tỉnh Thức
- Ngạc Nhiên
THỨC TỈNH CHỜ ÐÓN CUỘC SỐNG THẬT
Lc 12, 32 - 48
Ai trong chúng ta cũng công nhận cuộc sống của con người trên trần gian này chỉ là tạm bợ và chóng qua. Dù muốn dù không một ngày nào đó tất cả con người chúng ta cũng phải lìa bỏ cuộc sống trần gian này. Cho dù người ta có giàu sang hay nghèo khó, sinh sống nơi thành thị hay vùng thôn quê hẻo lành, có quyền cao chức trọng hay chẳng có địa vị nào trong xã hội thì tất cả đều phải chấp nhận sự thật này. Sự thật là sau cuộc sống tạm bợ này chúng ta sẽ còn có một cuộc sống thật bền vững và chắc chắn nếu chúng ta biết sống thức tỉnh.
Tuần trước Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." (Lc 12, 15). Vì con người chúng ta thường dễ bị cám dỗ để gắn bó quá nhiều với những gì thuộc thế giới này - vào của cải vật chất. Thế nhưng, những của cải vật chất đó không thể bảo đảm cho chúng ta cuộc sống thật mai sau.
Cũng trong những lời nhắc nhở đó, hôm nay Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy sống thức tỉnh như thái độ của người đầy tớ luôn trong tư thế sẵn sàng chờ đón chủ đi ăn cưới về. "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. (Lc 12, 35 - 37)
Mỗi người chúng ta từ Thiên Chúa mà đến. Vì "lá rụng về cội" nên chúng ta đ ược kêu mời sống làm sao để được trở về với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Trở về với Thiên Chúa để được hưởng lại cuộc sống thật do tội nguyên tổ đã đánh mất. Ðiều đáng nói là không biết ngày giờ nào hay lúc nào Chúa mời gọi chúng ta trở về.
Nếu thật sự tin vào cuộc sống thật sau cuộc sống tạm bợ này chúng ta sẽ sống rất tích cực và lạc quan. Ngược lại, chắc hẳn chúng ta sẽ sống rất uể oải và không chút hy vọng gì vào tương lai. Nếu như vậy thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên hết sức vô nghĩa, chẳng có giá trị gì.
Như vậy, sống thức tỉnh trong hy vọng vào cuộc sống thật mời gọi chúng ta phó thác trọn vẹn đời ta cho Chúa. Phó thác trọn vẹn cho Chúa bằng cách gắn bó với Người qua việc siêng năng lãnh nhận các Bí tích. Ðồng thời, hằng ngày chúng ta biết chu toàn tốt bổn phận của mình - bổn phận trong gia đình, trong Giáo hội hay ngoài xã hội.
CHÚA NHẬT 19 TN C
Lc 12, 32- 4 8
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói về một nơi mà trước đây chúng ta chưa bao giờ đến: "các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban Nước Trời cho các con" (Lc 12, 32).
Nước Trời mà Chúa Giêsu đã hứa rằng Thiên Chúa Cha, Đấng luôn yêu thương, sẽ ban tặng cho chúng ta với điều kiện chúng ta phải đặt trọn vẹn niềm tin tưởng nơi Ngài bằng cách: "Các con hãy bán những của cải các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó" (Lc 12, 33-34). Vậy Nước Trời ở đâu?
Sách Giáo Lý Công Giáo đã dạy ( số 2816- 2820) và Thánh Phaolô để diễn tả: "Nước Thiên Chúa là công chính, an bình và vui vẻ trong Chúa Thánh Thần" (Rm 14, 17)
Trong bài đọc thứ hai (Dt 11, 1-2; 8- 19) chúng ta nghe lại câu chuyện của tổ phụ Abraham, cha của những người có lòng tin. Qua đức tin, Abraham đã vâng lời Thiên Chúa để ra đi đến "một nơi chưa bao giờ đến" để được lãnh nhận làm gia nghiệp. Ông đã lên đường theo tiếng Chúa phán. Abraham có đức tin vào Đấng đã ban lời hứa. Ông tin vào lời Thiên Chúa hứa và biết rằng Thiên Chúa đồng hành với mình trên đường về đất hứa. Cuộc hành trình của Abraham là một cuộc hành trình đức tin (Dt 11,12-16). Giống như Abraham, cuộc đời của chúng ta cũng là một cuộc hành trình của niềm tin đi về Nước Trời mà Chúa Giêsu đã hứa hôm nay: "Cha các con đã vui lòng ban Nước Trời cho các con" (Lc 12, 32). Ngài đòi hỏi chúng ta phải tin, phải lên đường ngay. Phải có đối tượng và mục đích rõ ràng. Phải dự trù hành trang cần thiết cho cuộc hành trình dài. Hành trang phải thật nhẹ nhàng. Từ bỏ của cải vật chất là điều kiện cần thiết (1 Pr 1,17), "Hãy bán những của các con có mà bố thí. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó" (Lc 12, 33-34). Tuy nhiên, con người thời đại đã làm ngược lại với Lời Chúa dạy hôm nay (Pl 3, 19). Họ tin vào của cải, trương mục ngân hàng, vốn đầu tư, công ăn việc làm, chế độ bảo hiểm, hưu dưỡng, đất đai, nhà cửa. Khi đặt trọn vẹn tin tưởng vào của cải vật chất thì hãy coi chừng kẻo sẽ bị mất tất cả, mất hết của cải đời này lẫn hạnh phúc đời sau (Gc 4, 4).
Tiền của vật chất đã không làm con người dễ dàng hướng về Nước Trời được (Mt 19, 23). Và nó cũng không làm con người biết sẵn sàng chờ đợi giờ phút "Con Người" đến nữa.
Hành trình đức tin về Nước Trời phải từ bỏ của cải vật chất và thế gian để giúp ta sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào Thiên Chúa muốn (2 Ga 4, 6-8). Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh của người ăn mặc sẵn sàng lúc làm việc: "Các con hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến" (Lc 12, 35-40)
Thánh Augustino là một con người tội lỗi, sau này lại trở thành một Giám Mục, là thánh tiến sĩ của Giáo Hội. Mẹ của ngài, bà thánh Monica đã cầu nguyện kiên trì để ngài bỏ đường tội lỗi để phục vụ Chúa Giêsu Kitô, nhưng Augustino vẫn chứng nào tật nấy. Cho đến một hôm, đang khi kể chuyện cuộc đời mình cho một anh bạn nghe, Augustinô đã bật khóc nức nở khi nghe có tiếng thôi thúc : "Hãy cầm lên mà đọc; hãy cầm lên mà đọc". Sau này, Augusttinô đã viết trong cuốn Tự Thuật như sau:
"Ngay lúc đó tôi liền ngưng khóc, tôi bước đi lấy cuốn Thánh Kinh, mở ra và đọc đoạn đầu tiên đã được biểu tỏ cho tôi, vì tôi nghĩ rằng đây là lệnh từ trời. Rồi nhanh chóng, tôi trở lại chiếc ghế dài nơi bạn tôi, Alypius đang ngồi, và đặt cuốn Thánh Kinh xuống ghế. Thình lình tôi lại chộp lấy nó, mở ra, và trong thinh lặng tôi đọc đoạn Thánh Kinh in ngay vào mắt tôi: "Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người sống giữa ban ngày: Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng" (Rm 13,13-14). Tôi không muốn đọc thêm nữa, cũng chẳng cần phải đọc thêm. Ngay lập tức, khi câu cuối cùng vừa kết thúc, giống như luồng ánh sáng của sự thật rót vào trong tim tôi. Và tất cả bóng tối của nghi ngờ đã biến mất."
Nếu "Con Người" đã đến trước cái ngày định mệnh này thì Augustinô đã bị bắt quả tang chưa sẵn sàng chuẩn bị gì cả. Có lẽ ngài đã còn đang ngủ. Tuy nhiên từ lúc đó trở đi, Augustino đã sửa soạn sẵn sàng Ngài đã cảnh giác và thức tỉnh khỏi tội lỗi.
Một tác giả nào đó đã cho chúng ta những lời khuyên chân thành và thực tế về giá trị của những giây phút hiện tại trong cuộc sống trần gian như sau:
Để nhận ra giá trị của một năm: Hãy hỏi một học sinh thi rớt cuối năm.
Để nhận ra giá trị của một tháng: Hãy hỏi một người mẹ sinh con thiếu tháng.
Để nhận ra giá trị của một tuần: Hãy hỏi người chủ bút của tờ tuần báo.
Để nhận ra giá trị của một ngày: Hãy hỏi công nhân lao động phải nuôi 10 đứa con.
Để nhận ra giá trị của một giờ: Hãy hỏi những tình nhân phải chờ đợi nhau.
Để nhận ra giá trị của một phút: Hãy hỏi người vừa trễ chuyến xe lửa, hay xe buýt.
Để nhận ra giá trị của một giây: Hãy hỏi người vừa thoát khỏi tai nạn.
Để nhận ra giá trị của một sao: Hãy hỏi nhà thể thao Olympic được huy chương bạc.
Và sau cùng, để nhận ra gía trị của một đời người: Hãy hỏi, ai sẽ khóc trong buổi tang lễ của bạn.
Vì thế, chúng ta cần thay đổi thái độ sống chưa xứng hợp với vai trò là người Công Giáo. Chúng ta hãy đặt Chúa lên trên hết, để mọi việc việc làm của chúng ta đều hướng về Chúa, nghe theo tiếng Chúa gọi mời là "tìm kiếm Nước Thiên Chúa".
Áp dụng Lời Chúa hôm nay, tôi xin đề nghị đối với các bậc làm cha mẹ: Bởi vì Thiên Chúa đã trao trách nhiệm cho các cha mẹ nên chúng ta hãy biết cách giáo dục, nuôi nấng, hướng dẫn, sửa dạy và chịu trách nhiệm về con cái.
Trên hết, cha mẹ hãy làm gương lành cho chúng và phải chỉ dạy cho chúng. Hãy tham dự thánh lễ, năng lãnh nhận các bí tích. Đừng say sưa, cờ bạc; tránh cãi vã, và những việc không tốt thường con em sẽ theo vết chân bạn.
Gia đình cùng quây quần đọc kinh hôm, kinh mai với nhau ngay từ khi con cái còn nhỏ. Đọc Lời Chúa và lần chuỗi. Bên cạnh đó, Cha mẹ nên đọc gương thánh nhân cho con cái nghe để khuyến khích chúng bắt chước những đức tính tốt ấy
Mặt khác, để giáo dục con cái thì Cha mẹ nên làm gương cho chúng nó: Biết lắng nghe con cái, hãy cho con cái có dịp trình bày hoàn cảnh của chúng. Thông cảm, sẵn sàng dành thời gian chia sẻ, dạy dỗ và tỏ ra quan tâm đối với những khó khăn mà chúng gặp phải khi tiếp xúc với xã hội, tập cho chúng nó biết quan sát, nhận định và phán đoán theo lề luật của Chúa và Giáo hội. Cha mẹ dạy cho chúng nó biết quý trọng những giá trị Nước Trời, không ham mê của cải, không ăn trộm cắp, biết giữ giới răn của Chúa. Cha mẹ nên tránh nói những câu: "Đồ khùng, đồ ngu, im đi...".
Ngoài ra, hãy hy sinh chú ý tới những cái con cái thích. Khen thưởng để khích lệ, tha thứ để khích lệ và sửa sai cho chúng nó.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết qúy trọng những giá trị Nước Trời, để chúng con luôn biết sống theo Lời Chúa chỉ dạy ngay từ hôm nay, biết sống tỉnh thức và chu toàn bổn phận của công dân Nước Trời bởi vì quê hương của chúng con là Nước Trời.
TỈNH THỨC - SẲN SÀNG
Lc 12,32-48
Cha đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em
Hãy bán tài sản của mình mà bố thí
Như người đợi chủ đi ăn cưới về . Phúc cho...chủ sẽ thắt lưng đưa họ vào bàn ăn và phục vụ từng người.
Nếu chủ nhà biết giờ nào trộm đến....Anh em hãy sẳn sàng vì lúc không ngờ thì Con Người đến. Người quản gia trung tín, khôn ngoan...thật là phúc. Chủ sẽ đặt lên coi sóc tất cả tài sản mình. Trái lại, chủ sẽ bắt phải chịu số phận của kẻ bất trung.
Biết ý chủ mà không làm hoặc làm sai thì bị đòn nhiều.
Được cho nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều. Được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều.
Là dụ ngôn, phải hiểu theo nghiã ẩn dụ. Nói về giờ của mỗi người, giờ quyết định cho số phận vĩnh viển của mỗi người. Một lần cho mãi mãi. Vì không hiểu đúng nên bị coi thường, bị bỏ qua. Nghe rồi bỏ. Lười học Lời Chúa sẽ thiệt thòi đấy. Không học, không biết- khỏi làm. Làm bậy không có tội (vì không biết không có tội). Người ta thích vậy.
Thiên Chúa yêu thương, nhân hậu vô cùng - là ban cho mỗi người - đủ thời gian và phương tiện dồi dào - để đủ khả năng bảo đảm lo được cho phần rỗi đời đời của mình. Mọi người đều bảo đảm có đủ như vậy. Đó là lòng nhân hậu vô cùng của Thiên Chúa. Vậy đó! Chứ không phai là cho làm xấu thả ga mà không bắt tội, tội bao nhiêu cứ tha hết, cho Nước Chúa hết. Mới là thương vô cùng.!
Thiên Chúa cho thời gian ba năm "đã ba năm ta tìm trái nơi cây vả nầy". Xin cho nó thêm một năm nữa. Tôi sẽ bón phân thêm...sang năm ông hãy đốn. Vậy là chờ thêm một năm . Nhưng một năm thôi nhé ! Sang năm đốn đấy! Không có thêm nữa đâu! Đừng đợi . Đừng nói Chúa khoan nhân vô cùng thì phải cho thêm và thêm vô cùng. Đừng lợi dụng quá đáng. Đừng coi Chúa như trẻ con muốn lợi dụng cỡ nào cũng được, theo ý xấu của ta. Thiên Chúa cho tự do là nhân hậu đó. Tôn trọng tự do của ta là Thiên Chúa nhân hậu đó. Quá nhân hậu rồi đó.
Thiên Chúa không bắt bí ta, không bắt ta bất ngờ nhưng vì ta không chịu ngờ rồi cho là bất ngờ. Không hề có bất ngờ, ngay cả trong thiên nhiên. Tại vì ta không biết thôi. Một sợi tóc trên đầu ta cũng không rụng xuống mà không có sự sắp đặt của Thiên Chúa, Thiên Chúa chờ đợi và chờ đợi đủ rồi thì mới đến. Bất ngờ là phía con ngừời. Là con người quá đáng.
Lời của Đức Giêsu: Làm việc và phần thuởng/phạt. Con người có cả cuộc đời trước mặt Chúa chứ không chỉ là trong giây phút Chúa dến. Không chỉ chờ giây phút Chúa đến giờ chết. Tới đó hẳn lo! Phải có cả một cuộc đời sẳn sàng.
Nguời đầy tớ - bổn phận là thức đợi chủ đi ăn cưới về - bất cứ lúc nào - ban ngày thì thức rồ - ban đêm cũng phải thức - dù canh hai canh ba. Chủ sẽ thưởng: chủ thắc lưng- đặt người đầy tớ vào bàn ăn và phục vụ. Lạ đời! Là dụ ngôn Nước Trời. Thiên Chúa sẽ thết tiệc khao thưởng các dầy tớ trung thành. Người thết tiệc là phuc vụ. Người đến để phục vụ. Người thắt lưng cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Người ăn tiệc là người ngồi bàn. Phần thưởng thật là lớn! Kinh ngạc!
Nhưng thức chờ đợi không phải là không ngủ. Không phải là ngồi yên mở mắt. Mà là làm người quản gia trung thành và khôn ngoan. Làm tốt bổn phận mình từng giây từng phút. Chủ về mà gặp thấy như vậy thì phúc cho đầy tớ ấy. Chủ sẽ tin tưởng mà dặt nó cai quản mọi tài sản mình. Trái lại, nếu nó nghĩ là chủ về muộn nên sai sưa rồi đánh đập tớ trai tớ gái trong nhà như mình là chủ. Chủ sẽ về lúc nó không ngờ vào giờ nó không biết, sẽ loại trừ nó và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung.
Chưa mà. Hôm qua chưa mà, Hôm nay cũng chưa. Ngày mai, ngày kia cũng chưa. Sang năm......cũng chưa. Hầu hết đều nghĩ như vậy. Bỏ Phục sinh, khuyên lo đi. Cha để con từ từ mà. Cứ thế từ từ năm nầy rồi năm nữa rồi chết vẫn chưa. Ôi!
Chúa muốn gặp ta đang làm việc thế nào chứ không phải tính sổ hay phán xét gi cả: Làm việc đẹp lòng Chúa, theo ý Chúa, đúng ý Chúa. Dominico Savio đang chơi ngoài sân với các bạn. Cha linh hướng hỏi: nếu 15 phút nữa con chết thì con làm gì? Con tiếp tuc chơi vì chơi là bổn phận lúc nầy. Làm bổn phận cho tốt là ý Chúa , đẹp lòng Chúa. Là sẳn sàng.
Làm tốt bổn phận. Khi chủ về - bất cứ lúc nào - cũng không bị bất ngờ. Phải trung thành mọi phút giây. Không xao lãng giây phút nào. Đó Là tình thức - sẳn sàng cụ thể. Là điều cốt yếu nhất nói lên sự trung thành xứng đáng hưởng phần thưởng lớn lao Nước Trời. Phần thưởng lón lao thì đòi hỏi một mức độ xứng đáng nào đó là hợp lý thôi. Càng lớn lao đòi hỏi càng cao. Sự liên tục trung thành bù đắp cho sự bất cân xứng giữa việc làm của ta và phần thưởng của Chúa. Người ta thường muốn làm ít mà được thưởng nhiều. Thậm chí muốn làm "toàn bậy" mà được thưởng Nước Trời lớn lao vô cùng. Hợp lý không? Chúng ta muốn làm cho Thiên Chúa là một Thiên Chúa không hợp lý sao! Mà không hợp lý là loạn cả.
Xin Chúa tha thứ? Rước cha. Cha tha cho. Chỉ cần cha nói "cha tha tội cho con" thì sạch hết. Dể ịu! Không gặp cha thì xin chuông tử, xin lễ an táng, xin đưa đón, làm phép huyệt, xin cầu lễ...... Cũng như tham nhũng có chết thằng tây con tàu nào đâu thì có ngu mới không à. Dại gì mà tỉnh mà thức mà chờ mà đợi. Dại gì mà không chè chén say sưa, không đánh đập tớ trai tớ gái cho oai ra phết! Có khoản nào Chúa Giêsu đã ám chỉ như vậy không? Đừng có mơ!
Rất rõ ràng. Biết ý chủ mà không làm hoặc làm sai thì bị đòn nhiều hơn. Có đạo, đạo dòng, là tu sĩ, linh mục........sẽ bị phán xét nghiêm ngặt hơn (không phải dễ dàng hơn).
Được cho nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều. Được giao phó nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn. Phần thưởng sẽ lớn nhưng phạt cũng nặng. Giao cho nhiều phải sinh lợi nhiều, được hưởng nhiều và trái lại.
Lạy Chúa Giêsu xin giúp chúng con hiểu thấu Lời Chúa và biết áp dụng cho có lợi để được phần thưởng Nước Cha mà Cha đã vui lòng ban cho.
Bài phúc âm hôm nay là một phần bài diễn văn rất dài của Chúa Giêsu, có ý để cho các môn đệ đừng để mình bị lo lắng bởi những công việc trần thế, nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có nhiều dụ ngôn. Chúa đã dùng những lúc, những nơi khác nhau được đặt gần lại nhau nhằm cùng hướng về một đề tài như đã nói trên. Đầu tiên Chúa ban Nước Trời nhưng nước Ngài là kho tàng qúy giá hơn mọi thứ của cải vật chất ở đời này, vì thế đòi người ta phải mộ mến hơn và phải bỏ của cải để dễ dàng xứng đáng lãnh nhận. Nước Chúa sẽ được ban cho ta một cách hoàn toàn và như một phần thưởng khi Đức Kitô quang lâm, vì thế trong khi chờ đợi ta phải sẵn sàng vâng theo ý Chúa. Thiếu sự tỉnh thức này thì thật là tai hại.
Đức Giêsu đã sánh ví các môn đệ của Ngài với đoàn chiên nhỏ bé bị đe dọa bởi sói rừng. Ngài biết trước và Ngài cũng đã loan báo rồi đây họ sẽ gặp nhiều nỗi khốn khổ vì Ngài. Ngài thông cảm nỗi lo lắng sợ hãi của họ. Để an ủi khích lệ họ Ngài đã tuyên bố: "Đừng sợ hỡi đoàn chiên nhỏ bé, vì Cha các người hứa ban nước của Người cho các ngươi". Như thế Ngài muốn bảo các ông rằng không được sợ hãi trước sức mạnh của kẻ thù. Một số ít người không phải là dấu hiệu của sự bại trận, Cha đã dành cho vương quốc mà kẻ thù không đủ sức cản trở đâu. Đó là ơn cứu độ, là sự giải thoát , là vinh dự và là hạnh phúc. Những của cải trần gian là thứ sẽ hư hỏng, hao mòn và bị hủy diệt nữa, mối mọt có thể gặm... chỉ có Nước Chúa là kho tàng vĩnh cữu. Vì thế tinh thần siêu thoát là điều cần phải có. Hơn nữa sự từ bỏ của cải là cách tốt nhất để đạt được Nước Trời, vì chính Chúa Giêsu đã trả lời cho người hỏi Ngài: phải làm thế nào đễ được vào Nước Trời. Ngài đã trả lời cách khẳng định: "hãy bán đi và bố thí cho kẻ khó rồi đến mà theo Ta". Để đạt được Nước Trời không phải chỉ từ bỏ là đủ, nhưng đòi hỏi người môn đệ phải biết trung tín như người đầy tớ đợi chủ về. mà biết tỉnh thức sẵn sàng chờ đợi chủ. Đó chính là nỗ lực mà mọi người đều có thể đạt được, nếu chúng ta đủ lòng mộ mến. Chính Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi những áp bức của kẻ thù, Ngài chỉ bảo và nhắc nhở chúng ta đừng quên cùng đích của cuộc đời, và phải dùng hết cách để đạt tới Nước Trời như Ngài đã sẵn sàng ban cho
Thường thì vào những giờ phút gay go nhất của cuộc đời, chúng ta thường hay rơi vào ngõ bí, hoặc rơi vào giếng sâu như Giêrêmia, thì Chúa gần chúng ta nhất và chờ đợi lòng tin cậy nơi chúng ta để ra tay hành động. Chúng ta đừng để mất lòng tin cây nơi Chúa, Đấng có thể cứu chúng ta, giải thoát chúng ta, chữa lành chúng ta. Hạy nhìn thẳng tới đích mà chúng ta phải đến là Nước Trời. Nói khác đi là Nước Chúa,hay đúng hơn là chính Cháu vì ngài là hạnh phúc đời đời của ta. Tất cả những gì cản trở cho cuộc hành trình này chúng ta phải dẹp bỏ, kể cả những gì thân thiết nhất của ta cũng vậy. Tinh thần siêu thoát rất cần thiết cho cuộc hành trình được dễ dàng thêm.
Hãy mau mắn đáp lại tiếng gọi của Chúa một cách tin tưởng phó thác. Có nhiều điều Chúa muốn lại là cái ta không thấy, không hiểu lúc bây giờ. Tất cả những ơn gọi đều có những khó khăn và bấp bênh, những cái không dự đoán trước được. Cũng có khi cũng giống như Apraham, chúng ta đi nhưng không biết Chúa muốn dẫn mình đi đâu. Chính những yếu tố đó sẽ đánh giá niềm Tin - Cây - của chúng ta và cho ta dịp theo Chúa thật sự.
Những thất bại tạm thời của ta không được làm chúng ta nãn lòng. Chúng ta còn nhớ mẻ cá lớn tiếp theo một đêm vất vả mà chăng được gì. Cho nên chúng ta đừng ngại hãy thả một lần nữa với một lòng trông cậy vào sự can thiệp của Chúa. Đức tin đoì hỏi ở người tín hữu nhiều hy sinh lắm.
Sự chết của Đức Kitô mà chúng ta tưởng niệm bắng cách cử hành bí tích thánh thề nhắc cho chúng ta sự can thiệp cứu độ đặc biệt của Thiên Chúa, tình yêu của Ngài, khiến chúng ta phải tạ ơn và thêm tin tưởng cậy trông. Dự tiệc bàn thánh ở đời này chúng ta nỗ lực làm những gì Chúa muốn để được dự tiệc vĩnh viễn với Ngài trên trời. Amen
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN
Lc. 12, 32 - 48
Anh chị em thân mến.
Chúng tôi vừa tiển đưa một cha già về nơi an nghỉ đời đời. Việc cha ra đi từ giã cõi đời nầy là một việc bình thường không ai tránh khỏi được.
Nhưng trước mắt những người chung quanh thì có người cho đây là một việc hết sức bất ngờ, vì mới tiếp xúc với cha trước đó chừng vài giờ, cha còn rất tỉnh, còn ngồi được, còn đi được, không có vẽ gì là yếu đuối. Đối với một số người hiểu biết hơn về căn bệnh của cha, thì dường như cũng không ngờ là nhanh đến thế. Còn đối với cha, dường như không có gì là bất ngờ, cha đã chuẩn bị xong tất cả những gì cần thiết, ngay cả những lời xin tha thứ. Đó là những gì thuộc khía cạnh con người với nhau mà cha còn chuẩn bị chu đáo đến thế. Tôi thiết nghĩ, cha chuẩn bị hết sức chu đáo cho đời sống vĩnh cửu, cho việc bước vào đời sống mới, đời sống của một công dân nước trời. Đối với cha, tất cả mọi việc đã sẵn sàng.
Các con hãy sẵn sàng, vì giờ nào các con không ngờ thì Con Người sẽ đến.
Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, nhắc mọi người luôn sẵn sàng chuẫn bị cho ngày trọng đại của cuộc đời. Các môn đệ ngở rằng, Chúa Giêsu chỉ nói những điều đó cho người đời, còn các ông thì ngoại lệ. Không, Ngài không bảo thế. Mỗi người có một trách nhiệm và Thiên Chúa đòi hỏi mọi người chu toàn trách nhiệm đã được trao phó một cách tốt đẹp. Trách nhiệm càng cao thì đòi hỏi càng nặng. Đã trao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn. Tất cả mọi người đều chuẩn bị, luôn ở trong tình trạng sẵn sàng, nếu lơ đểnh thì hối tiếc không kiệp, vì không biết giờ nào, chủ sẽ đòi để trình bày về trách nhiệm đã được trao cho.
Nhìn vào trào lưu xã hội, mọi người đang tìm cái vĩnh cửu nơi cái bất toàn của cuộc sống trần gian nầy. Mọi người đang cố bám lấy những gì mà nó có thể rời khỏi tầm tay con người bất cứ giờ phút nào. Mọi người cũng dường như không bao giờ nghĩ đến cái chết , hay đúng hơn là không dám nghĩ đến nó.
Chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu, những môn đệ của thời đại mới, những người đã từng nghe từng biết rất nhiều về những lời giảng dạy, những việc làm của Ngài. Những người đã từng được chỉ dạy về nước trời. Chúng ta cũng từng tự hào, mình biết rất nhiều về đời sống đạo và cũng chỉ dạy rất nhiều người. Thế thì nghe lời Chúa ngày hôm nay, chúng ta có dám hỏi như Phêrô: Thầy nói những điều đó về chúng con hay về người khác. Nếu dám hỏi như thế, thì chúng ta cũng sẽ có câu trả lời để suy nghĩ.
Mỗi người nhìn vào đời sống của chính mình, nhìn vào những việc làm đã qua và trong hiện tại:
Là một người công giáo, nhưng trách nhiệm đối Chúa, nhiều khi còn rất là lếu láo, chúng ta chỉ cho Chúa những thời gian dư thừa. Vậy mà trong thời gian dư thừa đó, chúng ta còn xén bớt, còn ăn gian Chúa nữa. Cứ nhìn xem, những lần đến nhà thờ, những lần đọc kinh, những lần làm việc đạo đức, chúng ta cảm thấy khó khăn và tìm mọi cách cho thoải mái hết sức có thể. Chúng ta tính toán với Chúa từng giây từng phút. Dường như nhà thờ là nơi để chúng ta tìm sự yên tịnh, để dể dàng tính toán cho công việc làm ăn tiếp sau đó. Như vậy trong một giờ ngồi trong nhà thờ, chúng ta để trọn vẹn cho Chúa được bao nhiêu?
Còn về cách sống của một người công giáo trong trách nhiệm ở đời, giữa người với người. Thiên Chúa đã đặt để mỗi người một hoàn cảnh. Trách nhiệm đó Ngài sẽ đòi mỗi người trả lời. Nếu giờ nầy Ngài đến, Ngài nhìn thấy gì nơi mỗi người? Ngài nhìn thấy những người quản lý trung thành của Ngài đang chu toàn trách nhiệm hết sức tốt đẹp, hay Ngài nhìn thấy họ đang tìm cách hưởng thụ cho sung sướng bản thân, mà làm khổ những người tôi tớ khác của Ngài. Chúng ta có nhìn thấy mọi người đang kêu than vì bị chúng ta hành hạ cách này hay cách khác không? Chúng ta có nhìn thấy mọi người đang phàn nàn vì chúng ta lôi thôi trong trách nhiệm của mình không? Thế thì chúng ta đã chuẩn bị ra đi như cha già đã ra đi trong tuần qua như thế nào?
Xin Chúa ban ơn cho mỗi người biết luôn sẵn sàng chờ đón Chúa cách Tốt đẹp như Lòng Chúa mong ước.
TIN LÀ SẴN SÀNG
Lc. 12, 32 - 48
Chúa nhật tuần trước Chúa Giêsu đã dạy chúng ta đừng quá dính bén với của cải vật chất đời này. Người kêu gọi chúng ta hãy biết làm giàu trước mặt Chúa. Đó là một trong những điều quan trọng trong đời sống của người kitô hữu. Nếu không tin vào Chúa, không tin vào sự sống đời sau chắc hẳn chúng ta sẽ khó lòng chấp nhận lời dạy này của Chúa Giêsu. Cũng trong cái nhìn ấy, Chúa nhật hôm nay Người kêu gọi chúng ta hãy biết thức tỉnh và sẵn sàng. Thức tỉnh và sẵn sàng để đón chờ Chúa đến.
Sẵn sàng luôn luôn là một thái độ chủ động tích cực. Người có thái độ sẵn sàng là người luôn sống trong tâm trạng bình an, không phải nơm nớp lo sợ, vì mọi sự đã được xếp đặt an toàn, kẻ trộm có đến bất ngờ thì cũng bó tay, chẳng lấy được của mình cái gì. Đây là một thái độ khôn ngoan nhất. Với cái nhìn đức tin, đây là người biết sống đẹp lòng Chúa. Vì họ đã nhận ra được tình thương của Chúa dành cho mình. Cho nên, bất cứ lúc nào Chúa gọi họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng như 10 trinh nữ khôn ngoan biết chuẩn bị sẵn dầu để đón chàng rễ. (Mt 25, 1 - 13)
Có lẽ, khi nhắc đến Thánh Đaminh Saviô thì không ai trong chúng ta có thể quên một sự kiện đặc biệt về ngài. Một hôm, vào giờ chơi thể thao, Saviô đang chơi với những bạn ngoài sân. Cha Gioan Boscô mới gọi thánh nhân ra và hỏi:
"... Giả như 15 phút nữa Chúa gọi con về với Chúa, thì bây giờ con làm gì?"
"... Con vẫn tiếp tục chơi!"
"... Con không đi xưng tội hay cầu nguyện để dọn mình chết sao?"
"... Bây giờ là giờ chơi, mọi người có bổn phận phải chơi để thân thể khỏe mạnh. Vì thế, con nghĩ cứ chơi là đẹp ý Chúa nhất. Dọn mình chết không gì tốt bằng làm điều đẹp lòng Chúa nhất. Vả lại, lúc nào tâm hồn con cũng sẵn sàng trở về với Chúa!..."
Câu trả lời của Saviô đã làm cho nhiều bạn và cho cả Cha Gioan Boscô hết sức ngạc nhiên . Quả thật, đấy mới là một thái độ sẵn sàng đúng nghĩa. Thánh nhân đã tin vào Chúa một cách vững mạnh.
Ngược lại, đó là thái độ của một người luôn bê trễ, ù lì. Thái độ của người đầy tớ xấu nghĩ rằng: " Chủ ta còn lâu mới về, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa" . Cũng giống như 10 cô trinh nữ dại khờ không biết chuẩn bị dầu đèn để đón chàng rễ. (Mt 25, 1 - 13)
Do đó, khi chúng ta biết chu toàn bổn phận của mình trong từng giây phút của cuộc đời là chúng ta đang sẵn sàng đón chờ Chúa đến.
Hãy chu toàn tốt bổn phận của một người chồng, người cha trong gia đình.
Hãy chu toàn tốt bổn phận của một người vợ, người mẹ trong gia đình.
Hãy chu toàn tốt bổn phận của một con trong gia đình...
Và trên hết hãy chu toàn tốt bổn phận của một người tín hữu, một người con Chúa trong niềm tin yêu phó thác.
HÃY TÌNH THỨC SẴN SÀNG
Lc. 12, 32 - 48
1. Cách đây ít lâu, tôi nhận được tin một linh mục ngủ vào ban tối và sau đó ngài không còn thức dậy nữa, khi người ta phát hiện thì ngài đã qua đời từ lúc nào không ai hay biết! Hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông, biết bao tin tức về cái chết của người nầy người kia được loan đi, cá nhân có, tập thể có, với nhiều lý do khác nhau ; nhưng có khi nào chúng ta nghĩ về sự ra đi về thế giới bên kia của mình hay không ? Có ai ngờ rằng cứ một phút trôi qua, bình quân gần 200 người trên trần gian nầy phải lìa thế? Mang thân phận con người, có sinh ắt có tử, thế nhưng có những người sống như không bao giờ phải chết. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy luôn tỉnh thức sẵn sàng, bởi vì không biết lúc nào chúng ta sẽ phải trình diện trước mặt Chúa.
2. Với dụ ngôn thứ nhất, về "Người Đầy Tớ Tỉnh Thức"(x. Lc 12,35-38), Đức Giêsu dạy ta bài học tỉnh thức sẵn sàng là luôn canh chờ, như người đầy tớ canh chờ ông chủ đi ăn cưới trở về. Với dụ ngôn thứ hai, về "Chủ Nhà Tỉnh Thức"(x. Lc 12,39-40), Ngài dạy chúng ta tỉnh thức sẵn sàng là luôn canh phòng. Dụ ngôn nầy không nhằm so sánh Thiên Chúa với tên trộm, mà so sánh việc Thiên Chúa đến cũng bất ngờ như kẻ trộm. Như ông chủ từ tiệc cưới trở về cách bất ngờ hay như kẻ trộm lúc nào đột nhập vào nhà để trộm cướp không thể biết trước được, cũng vậy không ai trong chúng ta biết ngày giờ nào ta phải ra trước toà Chúa phán xét hay là khi nào Chúa sẽ trở lại trong vinh quang, vì thế cách tốt nhất mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta là hãy luôn có thái độ canh chờ và canh phòng.
3. Nếu thái độ tỉnh thức sẵn sàng bằng cách ngồi nhưng không thì rất phí thời gian. Thậm chí không làm gì thì dễ sinh ngủ gục, chừng đó không đón được chủ trở về đúng lúc, cũng như không thể canh phòng được kẻ trộm! Vì thế Đức Giêsu muốn dạy ta cách tích cực hơn trong việc canh chờ và canh phòng đó là phải chu toàn nhiệm vụ được giao phó. Điều nầy được minh hoạ qua dụ ngôn thứ ba, về "Người Quản Gia Trung Thành"(x. Lc 12,41-48). Cái quý của người quản gia nầy là không dùng chức vụ được giao để tư lợi cho bản thân, mà để phục vụ theo ý chủ. Qua đó Đức Giêsu muốn dạy tỉnh thức bằng cách chu toàn tốt nhất nhiệm vụ được giao phó. Nhờ ơn Chúa giúp, người Kitô hữu cố gắng dùng những khả năng mà Thiên Chúa ban cho để phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Đó chính là thái độ tỉnh thức sẵn sàng, có như thế thì dù chúng ta trở về cùng Ngài lúc nào, ta cũng vẫn có thể bình an thanh thản ra đi.
4. Trong cuộc sống, có nhiều điều làm cho chúng ta mãi mê chìm đắm mà thiếu tỉnh thức sẵn sàng, nhất là trong thời đại con người có khuynh hướng hưởng thụ, những lợi ích trước mắt được coi trọng mà xem nhẹ những giá trị tinh thần. Vì thế có những người đắm chìm trong sắc dục, rượu chè, cờ bạc mà không lo nghĩ đến sự sống đời sau. Có những người lo học hành, công danh mà không nghĩ gì đến việc thiêng liêng, hay chỉ xem đó là thứ yếu. Có những người lo làm giàu trước mắt mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa... Cũng có những người chỉ lo cho bản thân mà thiếu quan tâm chăm sóc cho những người mình có trách nhiệm về vật chất và tâm linh. Có những người rất mật thiết với Chúa nhưng lại xa cách anh em, hay ngược lại có những người tích cực trong công việc xã hội nhưng dửng dưng với niềm tin vào Thiên Chúa... Tuy những cách sống khác nhau như thế, nhưng tựu chung lại đều là thiếu tỉnh thức sẵn sàng, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với Chúa, tha nhân và ngay cả bản thân, điều nầy không thể chấp nhận nơi người Kitô hữu.
5. Những người không biết Thiên Chúa và lời dạy của Ngài, nếu có làm điều sai trái, họ có thể được khoan hồng hơn khi ra trước toà Chúa phán xét. Bởi họ không được giao phó, hoặc giao phó ít thì họ sẽ được đòi hỏi ít. Còn những ai được danh dự làm con Chúa, được giao phó nhiều mà không cố gắng sống tốt thì sẽ đáng trách hơn (x. Lc 12,47-48).
Đừng chần chừ gì nữa mà ngay từ bây giờ, hãy tỉnh thức sẵn sàng như lời Đức Giêsu mời gọi. Chúng ta thường muốn làm vui lòng những ông chủ trần gian, tại sao chúng ta không cố gắng để làm vui lòng ông chủ thật là Thiên Chúa ? Chúng ta thường canh giữ cẩn mật không để thất thoát những đồ vật xem ra quý giá hay tiền bạc dù những thứ đó chỉ là tạm bợ, mà lại dửng dưng với mạng sống thật, đó là linh hồn (x. Mc 8,36)? Chúng ta thường cố gắng chu toàn bổn phận nhiệm vụ trần thế, tại sao chúng ta không cố gắng chu toàn bổn phận công dân Nước Trời ?
Hãy tỉnh thức sẵn sàng bằng cách sống hết mình cho Thiên Chúa và tha nhân (x. Lc 10,27), chính là phương cách dẫn đưa ta đến sự sống đời đời vậy.
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN THẾ NÀO?
Lc. 12, 32 - 48
1. LỜI CHÚA: "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay" (Lc 12,36).
2. CÂU CHUYỆN:
1)Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên là Viên Thủ Trung. Ông là một nhà chân tu. Nhà sư thường đặt trên bàn làm việc của mình một chiếc quan tài nhỏ làm bằng gỗ quí, có một cái nắp có thể mở ra đóng vào được. Khách đến chơi trông thấy chiếc quan tài thường hỏi nhà sư rằng: "Ngài chế tạo ra cái này để làm gì vậy?" Nhà sư trả lời: "Người ta sống tất nhiên sẽ có lúc phải chết. Mà chết rồi là sẽ được đặt vào nằm trong cái hòm này. Tôi thực lấy làm lạ: người đời ai cũng chỉ biết đi tìm phú quí, công danh, tài sắc... mà chẳng hề nghĩ đến cái chết. Phần tôi, mỗi khi có điều gì không vừa ý, tôi liền ngồi vào bàn và nhìn ngắm chiếc quan tài một hồi lâu. Sau đó tôi cảm thấy tâm hồn mình được bình an.
2)Một nhóm bạn đang chơi đá bóng ngoài sân trường. Trong lúc nghỉ ngơi sau hiệp thi đấu, thầy quản giáo hỏi các em rằng: "Giả như Chúa cho các em biết các em chỉ còn sống được 15 phút nữa là sẽ phải chết. Vậy các em sẽ làm gì trong thời gian còn lại này? Em thì trả lời sẽ về từ giã cha mẹ và những người thân. Em khác cho biết sẽ đi gặp cha linh hướng và xin xưng tội. Em khác nữa thì nói mình sẽ vào nhà nguyện chầu Thánh Thể thật sốt sắng. Còn một cậu bé vốn có lòng đạo đức nhất la Lu-y Gông-gia-ga thì lại thưa: "Thưa Thầy, còn em cứ tiếp tục chơi ạ!" Khi được hỏi lý do tại sao lại cứ chơi khi biết mình sắp chết, thì cậu bé đã trả lời: "Vì mỗi sáng thức dậy em đều dâng ngày mới cho Chúa. Và trong ngày em năng nói với Chúa những lời nguyện tắt. Em nghĩ Chúa cũng chỉ cần em làm như vậy".
3. SUY NIỆM:
1) Phải tỉnh thức và sẵn sàng luôn: Tin mừng hôm nay nhắc nhở mọi người muốn được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su thì cần có thái độ "Tỉnh thức và sẵn sàng":
- Như người đầy tớ trung tín (c 35-38): Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ngủ trong tình trạng tỉnh thức, giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm để khi chủ về gõ cửa là mở ngay.
- Như người chủ nhà có trách nhiệm (c 39-40): Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh cho trộm khỏi đến đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc có tinh thân trach nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn như người ta thường nói: "Cẩn tắc vô ưu". Mẹ Têrêsa Calcutta cũng khuyên các tu sĩ dưới quyền rằng: "Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là đức ái. Hoa trái của đức ái là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an ".
- Như người quản gia trung tín và khôn ngoan (c 42-48): Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc anh quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân. Nhưng nếu anh ta "nghĩ bụng: Chủ ta còn lâu mới về, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa", thì số phận của anh ta sẽ "phải chung số phận với những tên thất tín". Vào thời Hội Thánh sơ khai, các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca vì nghĩ lầm rằng ngày tận thế đã gần kề, nên có lối sống buông thả không chịu làm việc gì cả. Do đó, thánh Phao-lô đã phải viết thư để chấn chỉnh lối sống lười biếng ấy như sau: "Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói: Trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy: hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân" (2 Ts 3,10-12).
2) Cụ thể chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến thế nào?:
- "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn":
Mỗi tín hữu chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng chu toàn các bổn phận đạo đức hằng ngày như dâng lễ cầu nguyện sớm tối để đón nhận ơn Chúa. Tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách tay luôn cầm cây đèn là đưc Tin, chứa đầy dầu ân sủng là đức Cậy, để luôn cháy sáng là đức Mến giữa cuộc sống đời thường.
- Phải làm gì để đón Chúa đến ngay từ bây giờ?: Hãy luôn ý thức sống tốt giây phút hiện tại bằng việc chu toàn bổn phận hằng ngày. Tránh chỉ lo tích trữ của cải cho mình, đừng quá bám víu vào những của cải trần gian như Lời Chúa dạy: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá" (Lc 12,32-34).
- Chu toàn công việc bổn phận: Đối với những ai được Chúa trao quyền quản lý một gia đình, một hội đoàn, một cộng đoàn dòng tu hay giáo xứ... Hãy nhớ rằng: Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Quyền bính là phương tiện để phục vụ tha nhân. Người ta có thể lạm dụng quyền bính để phục vụ bản thân và làm khổ kẻ khác như tên quản lý trong bài Tin mừng đã "Đánh đập tôi trai tớ gái", "chè chén say sưa" vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về. Người quản lý sẽ bị phạt nặng hơn vì đã biết ý Chúa mà còn cố tình bỏ việc bổn phận của mình.
- "Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến":
Sẵn sàng để biết sử dụng của cải đúng theo ý Chúa: Cụ thể là chia cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, góp phần nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, người già neo đơn và động viên an ủi nhưng người đau khổ bất hạnh... Hiện nay nhiều người tuy rất tỉnh thức đọc kinh cầu nguyện, nhưng lại đang mê ngủ trước những đòi hỏi phải chia sẻ bác ái của Tin Mừng. Nếu các tín hữu luôn tỉnh thức bằng việc quan tâm giúp đỡ người bên cạnh thì hai phần ba nhân loại sẽ không còn nghèo đói nữa. Bắt đầu từ hôm nay chúng ta hãy tập quảng đại cho đi những gì mình có. Hãy "làm những công việc bình thường bằng một cách thức phi thường" noi gương thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, để chiếu ánh sáng tin yêu giúp cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa như lời Chúa dạy: "Cũng vậy ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh emlàm mà tôn vinh Cha của anh em" (Mt 5,16).
- Phải sẵn sàngphục vụ để loan báo Tin Mừng: Những ai không có tiền vẫn có thể làm việc tông đồ băng việc phục vụ. Mẹ Têrêsa Can-quýt-ta và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã không cho người nghèo đói bệnh tật tiền bạc vật chất, nhưng cho sự ân cần phục vụ trong yêu thương. Đây cũng là một phương cách loan báo Tin Mưng hữu hiệu. Hiện nay có nhiều tín hữu vẫn đang mê ngủ khi chỉ lo hưởng thụ tiện nghi vật chất va các đam mê thấp hèn... mà không ưu tiên tìm kiếm Nước Trời bằng việc chia sẻ phục vụ tha nhân. Thánh Phao-lô đã khuyên tín hữu chúng ta như sau: "Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!" (Ep 5,14).
4. THẢO LUẬN:
1)Bạn đã thấy một người bị chết cách bất đắc kỳ tử chưa?
2)Bạn có cần chuẩn bị cho giờ chết của mình không? 3)Bạn cần làm gì để đón cái chết sẽ đến cách bất ngờ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho con biết tỉnh thức để đừng bao giờ ngủ quên trong những đam mê lạc thú giả tạo. Xin cho lòng trí con hiểu rằng: đồng tiền chỉ là phương tiện giúp con nên hoàn thiện hơn, giúp con có điều kiện thực thi bác ái là chia sẻ cơm áo cho người nghèo. Xin cho con xác tín rằng: Khi giờ chết đến, con sẽ không thể mang theo được tiền của mà con đã ky cóp bấy lâu. Chính những đồng tiền cho đi, đồng tiền quảng đại chia sẻ cho kẻ khác, sẽ trở nên kho tàng quý giá không bao giờ bị hư nát cho con ở đời sau. Xin giúp con luôn biết hướng lòng trí về những sự trên trời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN
Lc 12, 32 - 48
John Nguyễn
1. Hãy tỉnh thức... hãy sẵn sàng...
Đức Giê-su khuyên chúng ta luôn luôn tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức để làm gì? Để luôn luôn sẵn sàng đến trước mặt Chúa bất cứ lúc nào Chúa gọi, với tâm hồn trong sáng, đầy tình yêu và đáng yêu. Một người luôn sống đẹp lòng Chúa, yêu thương mọi người, thì luôn luôn cảm thấy mình sẵn sàng đến trước mặt Chúa. Tỉnh thức đối với họ không phải là một tâm trạng bất an của người phải luôn canh chừng kẻo kẻ trộm hay kẻ cướp tới nhà. Tỉnh thức ở đây là một tâm trạng luôn luôn bình an, không phải nơm nớp lo sợ, vì mọi sự đã được xếp đặt an toàn, kẻ trộm có đến bất ngờ thì cũng bó tay, chẳng lấy được mình cái gì. Tỉnh thức kiểu này mới là khôn ngoan nhất.
Từ nhỏ tôi đã nghe cha linh hướng của tôi kể câu chuyện về ông thánh còn rất trẻ tuổi Đaminh Saviô. Đó là câu chuyện tôi rất thích và ảnh hưởng đến đời sống của tôi rất nhiều. Một hôm, vào giờ chơi thể thao, Saviô đang chơi với chúng bạn ngoài sân. Cha Bốscô bèn gọi thánh nhân ra hỏi:
- «Giả như 15 phút nữa Chúa gọi con về với Chúa, thì bây giờ con làm gì?»
- «Con vẫn tiếp tục chơi!»
- «Con không đi xưng tội hay cầu nguyện để dọn mình chết sao?»
- «Bây giờ là giờ chơi, mọi người có bổn phận phải chơi để thân thể khỏe mạnh. Vì thế, con nghĩ cứ chơi là đẹp ý Chúa nhất. Dọn mình chết không gì tốt bằng làm điều đẹp lòng Chúa nhất. Vả lại, lúc nào tâm hồn con cũng sẵn sàng trở về với Chúa!» ...
Khi kể câu chuyện ấy xong, cha linh hướng bảo rằng: «Nếu vào giờ chơi luật tu viện buộc phải chơi, mà các con vào nhà thờ cầu nguyện, thì việc cầu nguyện ấy không đẹp lòng Chúa đâu! Vả lại, chính khi các con chơi để đẹp lòng Chúa, vì Chúa muốn giờ đó các con chơi, thì lúc ấy chơi chính là cầu nguyện, mặc dù các con chẳng có vẻ gì là cầu nguyện, hay chẳng có ý hướng cầu nguyện gì lúc ấy cả». Từ khi nghe cha linh hướng nói như thế, tôi bắt đầu có ý nghĩ đến hình thức cầu nguyện bằng hành động hay bằng việc làm, và làm việc trong cầu nguyện.
2. Tỉnh thức theo kiểu ... cầu nguyện bằng hành động
Tỉnh thức kiểu của Saviô trên có vẻ như không tỉnh thức, nhưng đích thực là luôn luôn tỉnh thức, có vẻ như không cầu nguyện, nhưng đích thực là luôn luôn cầu nguyện.
Tôi cũng thích câu chuyện 2 người ghiền hút thuốc hỏi cha linh hướng. Một người hỏi: «Thưa cha, vừa cầu nguyện vừa hút thuốc có được không?» Cha nói: «Không được!». Còn người kia hỏi: «Vừa hút thuốc vừa cầu nguyện có nên chăng?» Cha đáp: «Tốt lắm! Nên lắm!» Hai câu trả lời ấy rất đúng nhưng lại làm cho hai người có hai thái độ cầu nguyện khác nhau: một người bỏ hút thuốc để cầu nguyện, và một người vẫn cứ hút, nhưng có thói quen hễ bắt đầu hút thuốc là bắt đầu cầu nguyện.
Thì ra không nên làm gì khác trong khi cầu nguyện, nhưng lại có thể cầu nguyện khi làm bất cứ điều gì. Thế là từ đấy về sau, nhất là trong đời sống giáo dân của tôi vốn không thể dành nhiều giờ để cầu nguyện, tôi thường tập cầu nguyện và kết hiệp với Chúa khi làm bất cứ điều gì. Vì thế, công việc tôi làm thường được chìm trong ý hướng tỉnh thức và cầu nguyện. Nhờ đó, tôi dễ làm tốt đẹp công việc của mình, với ý hướng siêu nhiên. Và khẩu hiệu của tôi là «biến mọi hành động, mọi công việc thành cầu nguyện». Đời sống nội tâm của tôi nhờ thế phát triển hơn, mà có vẻ như rất ít khi cầu nguyện.
Tuy nhiên, tôi vẫn dành ra mỗi ngày vài lần, mỗi lần ít phút để cầu nguyện «nghiêm túc», nghĩa là trong những phút cầu nguyện ấy tôi không làm gì khác. Chính nhờ những giây phút «cầu nguyện kiểu thuần túy» ấy, tôi mới trung thành được với thói quen vừa làm mọi việc vừa cầu nguyện.
3. Cầu nguyện bằng hành động cũng là cách cầu nguyện tuyệt vời
Cầu nguyện là nói với Chúa. Nhưng quả thật, trong đời sống con người, lời nói không phải luôn luôn đi đôi với hành động. Biết bao người khi cầu nguyện, họ nói với Chúa một đằng, còn trong đời sống thực tế họ lại hành động một đằng khác. Họ giống như người con thứ hai trong dụ ngôn «hai người con» trong Tin Mừng (Mt 21,28-32): nói rất hay mà làm rất dở. Đây cũng là một căn bệnh của thời đại, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Tuy nhiên, có những người không nói, hoặc nói ít, nhưng hành động thật sự. Họ không nói hay tuyên bố là họ yêu ai cả, nhưng hành động và cách xử sự của họ chứng tỏ họ yêu thương mọi người thật sự.
Xét điều ấy, ta thấy hành động cũng là một cách nói rất có giá trị. Nói tôi yêu bạn, hoặc biểu lộ tình yêu bằng hy sinh thật sự cho bạn, thì cách nào nói lên tình yêu nhiều hơn và chân thật hơn? Nếu hy sinh thật sự có giá trị hơn lời nói, thì cầu nguyện bằng hành động là một cách cầu nguyện tuyệt vời, chắc chắn có giá trị hơn hẳn trước mặt Thiên Chúa. Đó cũng là kết hợp với Chúa qua ý chí và hành động. Nếu chỉ cầu nguyện bằng lời nói xuông, không có hành động kèm theo bảo chứng cho những lời nói ấy, thì hóa ra lời cầu nguyện của ta chỉ toàn là nói «sạo», hoặc hứa hão với Chúa! Đức Giê-su cũng nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào thôi» (Mt 7,21). Như vậy, những Ki-tô hữu nào không thể dành nhiều thì giờ để «cầu nguyện kiểu thuần túy», vẫn có thể cầu nguyện khi làm tất cả mọi việc, hoặc biến tất cả mọi việc ấy thành cầu nguyện. Thiết tưởng đó là một cách tỉnh thức rất hữu hiệu và đẹp lòng Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Cha, lúc nào con cũng có thể hành động trong ý hướng muốn làm đẹp lòng Cha, và làm theo cách Cha mong muốn con làm. Nghĩa là con phải làm cách nào hoàn chỉnh nhất, hợp lý nhất, đem lại ích lợi và hạnh phúc cho nhiều người nhất. Con muốn hiệp nhất ý của con với ý của Cha trong từng hành động một. Và con nghĩ đó là cách cầu nguyện bằng hành động, hay biến hành động thành cầu nguyện. Xin cho con đủ tình yêu để thực hiện được điều ấy. Amen.
CHÚA ĐANG ĐI TÌM TA, NGƯỜI SẼ ĐẾN
Lc 12, 32 - 48
Lm Đổ Bá Công
Người ta kể rằng, khi thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu lúc còn thơ ấu, thánh nữ đọc bài thương khó của Chúa Giêsu, và được nghe nói rằng vì yêu thương nhân loại, Ngài đã trải qua cuộc khổ nạn ấy. Têrêxa đâm đầu chạy, cứ chạy mà không biết mình chạy đi đâu. Chạy được một quảng đường xa, thì gặp một cậu bé trai cùng tuổi chận lại. Cậu ấy hỏi Têrêxa:
- Cô đi tìm ai? Và cô là ai?
- Tôi là Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Và Têrêxa hỏi ngay lại rằng :
- Còn cậu, cậu là ai mà lại hỏi tên tôi?
- Ta là Giêsu Hài Đồng của Têrêxa.
Thì ra, khi Têrêxa đi tìm Chúa, chính Chúa lại đến tìm Têrêxa.
Cuộc đời của người tín hữu chúng ta là cuộc đời lên đường đến với Chúa. Thật vậy, ít nữa là trên nguyên tắc, thế nên :
1- Nguòi tín hữu cần phải tìm kiếm Thiên Chúa.
2- Và phải ý thức rằng Chúa đang tìm kiếm chúng ta để gặp gỡ.
Chúng ta cần phải đi tìm kiếm Thiên Chúa: Cũng như Abraham trong bài đọc II và thánh nữ Têrêxa trong câu chuyện kể trên, họ đã lên đường "ra đi mà không biết mình đi đâu", nhưng cả hai đều biết "vì ai mà mình đã ra đi". Như thế, tương tự Abraham và Têrêxa, chúng ta biết, chúng ta đang đi tìm Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài vừa là một con người vừa là một vị Thiên Chúa, đến thế gian để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Không có Ngài thì không có ơn cứu rỗi.
Charles de Foucauld đã đi tìm Chúa trong sa mạc Sahara và qua những cuộc thám hiểm rừng núi ở Phi châu, một cuộc tìm kiếm khắc khoải và bồn chồn, nhưng những quanh cảnh bao la hùng vĩ ấy lại nói cho ngài có Thiên Chúa, và ngài quyết đi tìm, và ngài đã tìm được Chúa trong cảnh bao la hùng vĩ ấy. Và sự kiện ấy bắt đầu ngài phải dấn thân. Ngài đã thốt lên câu nói lịch sử đáng ghi nhớ : "Thà tôi không biết Thiên Chúa thì thôi, nhưng một khi tôi đã biết và tôi đã tin, tôi đã yêu, thì tôi không thể không sống cho Ngài."
Bài Tin Mừng cho chúng ta hay: Người biết ý chủ mình mà không chịu làm theo ý chủ, thì khi gặp chủ, những người ấy phải bị trận đòn khủng khiếp. Còn những người không biết ý chủ mà làm những điều xằng bậy, khi chủ về sẽ lãnh những trận đòn ít thôi (x Lc 12: 47-48).
Đến đây chúng ta hãy tự vấn lương tâm : chúng ta biết Chúa, chúng ta đã tìm Chúa và đã gặp Chúa. Gặp Ngài ta mới ngồi trước mặt Ngài đây. Nhưng thử hỏi chúng ta đã dấn thân chưa, như một Charles de Foucauld, một Têrêxa vừa mới nêu trên?
Thiên Chúa đang tìm kiếm chúng ta để gặp gỡ: Đúng vậy, Thiên Chúa đang đi tìm ta. Chúng ta đừng tưởng Chúa ngồi một nơi nào đó rồi chờ đón chúng ta đến với Ngài. Không. Chính Ngài đã đi tìm chúng ta. Câu chuyện của thánh nữ Têrêxa trong phần mở đầu làm chứng điều ấy : "Chính Thiên Chúa đã kêu gọi Abraham, chính Thiên Chúa thúc giục Môisen, rồi chính Thiên Chúa đến với chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô. Lời của Ngài, tức là chính Ngài, vẫn đang trên đường đến với tâm hồn chúng ta". Đành rằng lắm khi chúng ta đã dựng lên biết bao rào chắn ngăn cách, chẳng hạn những bận rộn, những nỗi lo âu, những chuyện lo lắng vu vơ, những thú vui luôn thay đổi, tiền tài danh vọng... Nhưng Thiên Chúa vẫn tìm kiếm tâm hồn chúng ta. Ngài đến tìm chúng ta qua làn gió nhẹ, qua tiếng chuông chiều thánh thót, qua giọt sương mai, và có khi qua những tiếng gió bão bùng, như tiếng quở trách của chủ nhà về lúc đêm khuya trên các tôi tớ đắc tội. "Mỗi hoàn cảnh, mỗi cuộc gặp gỡ là mỗi dịp Chúa đến với chúng ta. Ngài đến với chúng ta mang theo những băn khoăn gieo vào lòng chúng ta, cùng với những đòi hỏi đặt ra cho chúng ta". Vậy, chúng ta đi tìm Chúa qua những công trình vĩ đại Ngài làm chung quanh chúng ta, qua những biến cố tay Ngài tạo ra để cảnh tỉnh, đánh thức chúng ta.
Để kết thúc, chúng ta hãy nêu lên chính hình ảnh chúng ta trên con đường đi về nhà Chúa : đôi mắt chúng ta hãy nhìn thẳng trước mặt, đôi chân ta phải bước thoăn thoắt, và đôi tay ta, một bên ngả ra để đón nhận từng hồng ân phải đón nhận, và tay kia biết nắm lại để khước từ từng cám dỗ phải từ khước và vừa đi vừa tin vững chắc rằng từ phía bên kia Thiên Chúa đang đến đón ta.
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN
Lc 12, 32 - 48
Lm Augustine S.J
Tin Mừng hôm nay loan báo điều hết sức lớn lao, đó là: "Cha của anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em." (c.32). Thiên Chúa mời gọi ta sống với Người, trở nên những chi thể của gia đình Người. Thật là điều hạnh phúc khiến cho mọi sự khác đều chẳng đáng kể. Chỉ có một điều duy nhất để làm: đó là yêu thương! Yêu thương là con đường duy nhất đưa ta đến với Cha. Trong bài Tin Mừng hôm nay, yêu thương có hai dung mạo đó là hiến dâng và tỉnh thức.
1. -"Hãy bán của cải mình đi mà bố thí". -Nguồn phú túc duy nhất là tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa Cha. Tất cả những điều khác chỉ có ý nghĩa khi chúng là phương tiện để yêu thương. Vậy ta sở hữu không phải để giữ lại nhưng là để cho đi. Hãy nghe kinh nghiệm sống do chị Liễu chia sẻ.
Quà Hài Nhi Giêsu tặng
Đó là ngày 20 tháng 12. Lời Chúa trong thánh lễ là "Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại" (Lc 6,38). Tôi đi dự lễ tại nhà thờ Chánh tòa. Ở cửa vào, một cô gái 13-14 tuổi xin của bố thí. Tôi cho cô bé chút tiền nhưng cô bé ấy nói: "Thưa Bà, Bà có thể kiếm cho cháu một đôi giầy không, vì chân cháu lạnh cứng với đôi giầy này?" Tôi hứa với cô bé rằng tôi sẽ cố gắng theo khả năng để kiếm cho cô một đôi giầy ngày 24 tháng 12, khi tôi đi dự lễ cùng giờ và cùng nơi tôi gặp cô bé. Đúng hẹn, cô bé vừa thấy toi liền hỏi: "Bà có nhớ kiếm giầy cho cháu không?" "Chúa ơi, tôi quên tiệt mất rồi! Xin lỗi cháu." Tôi nói cho xong chuyện rồi vào nhà thờ. Hãy con chút thời giờ trước khi thánh lễ bắt đầu. Tôi ngồi ở hàng ghế sát bàn thờ. Nhưng tôi không được an lòng vì có tiếng nội tâm trách móc tôi: "Ngươi đã quyết tâm yêu thương mọi người, thế mà ngươi quên đi những cơ hội cụ thể để yêu thương." Tôi không thể ngồi yên được vì tôi cảm được thế nào là lạnh ở hai bàn chân. Tôi liền bước ra khỏi nhà thờ để nói với cô bé: "Này cháu, tôi có thể tặng cho cháu đôi giầy của tôi được không?" Tôi thực sự gắn bó với đôi giầy ống của tôi vì đó là đôi giầy ống xinh xắn và ấm chân. Tôi ưa đi đôi giầy này. Tôi nói với cô bé: "Hãy trao đổi để tôi cho cháu đôi giầy của tôi, và cháu sẽ cho tôi đôi giầy của cháu." Cô bé trố mắt nhìn tôi... Cô ta lưỡng lự một hồi, trước khi chấp nhận điều tôi đề nghị. Chúng tôi đã trao đổi cho nhau đôi giầy mình đang đi. Cô bé đi giầy số 37, còn tôi số 38. Vậy nên đôi giầy tôi mới xỏ vào hơi cức khiến chân tôi hơi đau. Tôi đã tham dự thánh lễ và ra về với đôi chân thật lạnh cứng. Khi ra về, tôi nghĩ tôi phải mua một đôi giầy ấm áp hơn. Ngày 25 tháng 12 tôi có hẹn phải vắng nhà nhiều ngày nên sợ bị cóng chân. Nhưng tôi không thể bỏ ra hơn 50 mỹ kim để mua giầy, thế mà đôi giầy nào cũng đắt hơn số tiền đó. Mãi tới trưa tôi mới mua được một đôi giầy khá đẹp với giá 49 mỹ kim. Mua xong, tôi vội chạy lại trả cô bé đôi giầy xem ra còn mới nên có thể dùng vào mùa hè. Cô bé vui vẻ nói với tôi: "Đó chính là món quà đẹp nhất mà Hài Nhi Giêsu tặng cho em!" Hai chúng tôi chào biệt và tôi trở về nhà.
Về trước cửa nhà tôi ở, tình cờ một người đàn ông tiến đến bắt tay tôi. Đó là người con của một bệnh nhân tôi từng săn sóc nơi bệnh viện. Khi bắt tay mừng Noen, ông ấy đặt nơi tay tôi tờ 50 mỹ kim và nói: "Đây là món quà tượng trưng để tỏ lòng biết ơn chị đã săn sóc cho mẹ tôi!" Tôi mừng rỡ vì một lần nữa lại được thấy Lời Chúa nói là lời chân thật: "Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại." (Lc 6,38).
Nền kinh tế của Thiên Chúa
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lý luận của Thiên Chúa ngược lại với lý luận của loài người thường rất hay ích kỷ. Nói chung, người ta có chiều hướng sở hữu càng thêm nhiều càng tốt, cũng như có chiều hướng tích trữ và thâu lượm báu vật. Cả trong đời sống thiêng liêng, người ta cũng muốn được nên giầu có thêm. Nhưng Chúa Giêsu nói: "Hãy tặng người khác, hãy chia sẽ với anh em về điều bạn có. Nền kinh tế loài người được đặt cơ sở trên việc tích trữ: càng tích trữ càng trở nên giàu. Nhưng nền kinh tế của Thiên Chúa được đặt cơ sở trên nguyên tắc khác hẳn: càng cho đi ta càng trở nên giàu có; càng chia sẻ, ta càng có thêm; thực ra điều ta cho đi chính là cái ta giữ lại được cho mình nơi Chúa.
Chia sẻ cái hiện là của anh
Nói chung, người ta có chiều hướng sống theo cá nhân, chỉ nghĩ đến mình trước đã, chỉ lo đáp ứng những nhu cầu riêng về vật chất cũng như tinh thần. Chẳng hạn, ta có khuynh hướng chạy đến với Chúa vì cá nhân mình mà thôi. Nhưng Thiên Chúa có cái nhìn khác hẳn, bởi lẽ Thiên Chúa luôn sống sự sống liên vị giữa Ba Ngôi: Mọi sự đều là của chung giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng: "Hãy chia sẻ tất cả cái hiện là của anh cũng như tất cả những điều anh có." Hãy chia sẻ cả những của cải thiêng liêng anh có, tức là những ơn mà Thiên Chúa ban cho anh. Ngay việc trao đổi để biết nhau một cách thâm sâu, đó là tạo nên sự hiệp nhất. Đó là cách sống thần linh, cách của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tất cả những điều vừa nói đòi ta phải có lòng yêu thương. Cần phải tập luyện nghiêm chỉnh. Nhưng đó là ơn gọi Kitô hữu chúng ta. Ta được mời gọi để sống sự sống trên trời. Và phải chuẩn bị cho sự sống đó.
2. -Hãy tỉnh thức: "Hãy thắt lưng... thắp đèn cho sẵn sàng để khi chủ về tới gõ cửa là mở ngay"
Cần mở cửa ngay cho chủ khi ông về tới nhà, đó là điều quan trọng. Chúa Giêsu nhắc nhở tới ba lần việc phải tỉnh thức. Lý do vì với Chúa Giêsu, tỉnh thức nói đây có nghĩa là thể hiện mục đích cơ bản của đời ta. Theo não trạng của người đời, ta sinh ra là để hưởng lấy sự sống, để sống một đời đầy đủ tiện nghi, để thành công trên đường đời, để trở nên giàu có và có uy quyền trên người khác: nói tóm lại, để sống qui về mình nhằm lợi ích cho mình.
Nếu người đầy tớ nghĩ bụng "chủ ta còn lâu mới về và bắt đầu đánh đập tớ trai tớ gái và chè chén say sưa" (c.45): Chúa Giêsu không chấp nhận lối sống đó. Với Chúa, sống như vậy là thất bại: "Ông chủ sẽ loại hắn ra."(c.46). Với Chúa Giêsu, mục đích đời người là gia nhập Nước Thiên Chúa, để được đồng bàn cùng Thiên Chúa và được Thiên Chúa phục vụ: "Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ" (c.37). Đó là hình ảnh Nước Thiên Chúa, tức là: được ở bên Chúa, được ngồi ăn với Người. Đó là hạnh phúc và là mục đích của đời người. Để đạt được hạnh phúc đó ta phải:
a) Cầu nguyện: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện" (Lc 21,36).
b) Làm mọi việc theo ý Chúa: ý muốn của Thiên Chúa là ta phải yêu thương (x. Rm 13,8-10). Ai yêu thương, người đó tỉnh thức. Cách tốt nhất để tỉnh thức là biết yêu thương và cho đi. Con tim rạo rực yêu thương không thể ngủ được. "Tôi đang ngủ nhưng hồn sực tỉnh. Tôi nghe người yêu tôi khẽ gọi: mở cửa cho anh, em của anh" (Diệu ca 5,2).
TIN LÀ SỐNG
Lc 12, 32 - 48
Lm Bùi Quang Tuấn CSsr
"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay" (Lc 12:35).
Bản thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc cho hay cứ trung bình mỗi ngày trên thế giới có khoảng 270 ngàn người chết: chết vì bệnh tật, bom đạn, hoạn nạn, thiên tai... Có lắm người chết vì bị hạ sát, nhưng cũng không thiếu người chết vì tự sát. Có nhiều kẻ chết do người khác gây ra như vụ nổ bom toà đại sứ Mỹ ở Nairobi, Kenya, vụ tàn sát tập thể tại Nam Tư, song cũng không thiếu kẻ chết vì tai hoạ thiên nhiên như lũ lụt tại Trung quốc, sóng thần tại New Guinea, đất động tại Ấn độ.
Mỗi ngày có 270 ngàn người chết. Như thế mỗi giờ có trên 10 ngàn người, và mỗi phút có gần 200 người phải rời khỏi thế gian. Nhưng thử hỏi: "Rời thế gian để đi đâu?" Đi vào cõi nửa thực nửa hư như người Do thái hằng quan niệm? Đi vào cõi thinh không hư vô, hoặc đi đầu thai ở một kiếp khác? Hay chết là hết?
Nếu nói chết rồi sẽ đi đầu thai kiếp khác thì e rằng người ta chẳng cần phải quan tâm lo lắng về đời sống ăn ngay ở lành làm gì. Vì có kẻ cho rằng: "Tại sao không ăn chơi hưởng thụ cho thoải mái để bù lấp những ngày cơ cực. Nếu không may sau này có bị đầu thai làm kiếp trâu bò lừa ngựa, thì cũng không thành vấn đề, bởi vì hiện nay cũng từng phải vất vả quần quật, 'cày bừa' tối ngày nên có kinh nghiệm rồi." Có người còn tâm sự: Ở Việt nam còn được sinh ra trong tuổi con rồng, con gà hay con rắn..., chứ qua bên Mỹ, dường như ai cũng cầm tinh giống nhau: tinh con trâu. Vì ai cũng phải đi cày tối ngày. Thế nên nếu có đầu thai làm kiếp trâu bò, tưởng cũng không đáng ngại ngùng.
Thành ra nếu chết rồi đi đầu thai kiếp khác thì không công bằng và đáp ứng xứng hợp với nhân phẩm cao cả của con người chút nào. Với lại thú vật thì đâu có tri thức để phân biệt đúng sai, lành dữ, và như thế làm sao chúng có dịp chọn lựa hay từ khước, lập công hay phạm tội? Làm sao có cơ may để đi đến một kiếp tốt hơn hay xấu hơn?
Còn nếu nói chết là hết thì càng bất công và xúc phạm đến phẩm giá con người cách khủng khiếp. Chính chủ nghĩa vô thần, những triết thuyết cộng sản và chủ nghĩa hưởng thụ đã đưa con người đến với khái niệm chết là hết đầy bất nhân kia.
Nếu chết là tận tuyệt thì tội tình chi người ta phải hy sinh hãm mình, ăn ngay ở lành, quảng đại tha thứ, hay từ tâm nhân ái? Nếu chết là hết thì dại gì người ta phải dấn thân tu hành, đi lễ giữ luật cho vất vả?
Nếu chết là hết thì đúng là con người đang sống trước một ngõ cụt vô cùng bất công. Bởi vì rồi đây người lành kẻ ác cũng như nhau, người dấn thân phục vụ yêu thương nhân loại cũng chẳng hơn gì kẻ gây tang thương khốn khổ cho bao người.
Nếu chết là hết thì tôi phải tỉnh thức làm chi, ngày Chúa đến hay không nào có quan hệ gì.
Nhưng không. Ngàn lần không! Chết không phải là hết. Niềm tin Kitô giáo xác quyết chết là bước vào một cuộc sống mới và đời đời. Trong cuộc sống đó tôi sẽ khổ đau ngàn thu hay hạnh phúc đời đời tùy thuộc vào cung cách sống niềm tin hiện nay của tôi. Như thế tôi cần phải tự vấn: niềm tin của mình đang ngủ vùi, chìm đắm, hay tỉnh thức hoạt động? Nó đang sống hay đã chết tiệt rồi?
Cách đây không lâu, trên chương trình truyền hình Public Eye có trình chiếu một vụ xử án rất cảm động. Số là cách đây 19 năm, một tài xế xe truck say rượu đã gây ra tai nạn và làm cho em bé tên Josehp V. mới được một tuổi phải mang thương tật suốt đời.
Suốt 19 năm qua, bé Joe, nay là một thanh niên 20 tuổi, đã phải sống trong cay đắng tủi hờn. Đi đâu cũng bị kinh tởm ruồng rẫy. Gia đình cũng đã phải chia sẻ nỗi đau khổ không kém.
Mới đây, người tài xế, sau thời gian dài lẩn trốn, đã bị bắt lại và đem ra xét xử. Tại toà, trước khi vị chánh án buộc tội, các nạn nhân và những người liên hệ được phép tiến lên phát biểu cảm tưởng, trong đó có anh Joe. Nhiều tâm tư-căm thù, uất hận, thương cảm-đã được phát biểu, nhưng có ba tâm tư đã làm cho tôi khó quên.
Người bố của anh Joe tiến lên trước toà và nói: "Trong suốt 19 năm qua, tôi không biết nên cầu cho con tôi sống hay xin cho nó chết. Cầu cho sống thì quả là đau khổ cho nó quá, bởi vì sau khi tại nạn xảy ra hai cánh tay con tôi bị cắt cụt, chỉ có khúc xương và cục thịt lủng lẳng ở hai đầu cánh tay. Gương mặt bị phỏng nặng và biến dạng. Môi cũng như mí mắt không còn nữa. Da thì chảy ra nên không còn hình thù của một gương mặt con người, đến nỗi các đứa bé khác khi nhìn vào thì tưởng là nó đeo mặt nạ. Bước đến đâu con tôi cũng bị kinh tởm hất hủi. Cho nên tôi không biết có nên cầu cho nó sống không. Còn cầu cho chết thì tôi không thể, vì tôi là người tin Chúa, nên tôi không thể cầu cho ai chết được hết".
Đến phiên người mẹ của Joe bước lên trước máy vi âm. Bà nói: "Trong suốt 19 năm qua tôi đã phải đau cái nỗi đau của con tôi. Ví dụ lúc được 5 tuổi Joe hỏi tôi: 'Mẹ ơi khi nào thì các ngón tay của con mọc ra hả mẹ?' Hay lúc được 8 tuổi, bé đã thắc mắc: 'Mẹ ơi, sao da của con không được trơn như của mẹ hay của mấy em vậy?'" Người mẹ vừa thổn thức vừa nói tiếp: "Tôi không biết phải trả lời thế nào chỉ biết ôm lấy con tôi mà khóc, mà thương nó thôi."
Cuối cùng anh Joe cũng tiến lên để nói những lời có tính cách quyết định cho bản án. Anh hướng về phía người tài xế và nhẹ nhàng nói: "Thưa ông, nếu không có đức tin thì có lẽ tôi đã kết thúc đời mình từ lâu rồi. Đời tôi sẽ bị kết thúc bởi sự chối từ kinh tởm của người khác, hoặc khi tôi chợt nhìn vào trong gương và thấy được nét mặt kinh khủng của mình. Nhưng tôi không muốn hủy diệt đời mình trong sự thù hận ghen ghét. Tôi không thù ông, không giận ông và cũng không kết án ông. Tôi chỉ xin nói với ông một điều cuối cùng này: bất cứ chuyện gì có xảy đến thì cũng hãy biết rằng ơn phúc của Thượng đế vẫn hằng tràn đầy trên chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta."
Tôi tự hỏi: Do đâu mà một chàng thanh niên đầy bất hạnh lại có thể nói lên được những lời đầy khích lệ, yêu thương và tha thứ như vậy? Nhờ đâu mà cha mẹ anh Joe có thể can đảm cảm thông và gánh vác nổi đau khổ của đời mình và đời con như vậy? Tựa vào đâu mà họ có được sức mạnh để yêu thương và duy trì sự sống chứ không tận diệt hay khước từ như vậy?
Câu trả lời duy nhất chính là nhờ vào đức tin-một đức tin tỉnh thức và sống động, một đức tin được tôi luyện qua năm tháng và những bước thăng trầm trong cuộc đời. Những câu nói của ba con người trên kia đã xác quyết điều đó.
Thế giới, gia đình và lương tâm của nhiều người đang ngủ vùi trong hận thù, chôn sâu trong chiến tranh, sa đoạ trong các đam mê hưởng thụ trần tục. Chính vì sự hưởng thụ thiếu ý thức và vô trách nhiệm của người tài xế kia đã gây nên bao khổ đau cho người khác, nhưng chính nhờ niềm tin vào chân lý yêu thương mà người ta đã tồn tại để xoa dịu bao nhiêu u sầu và đem lại hạnh phúc cho nhiều tâm hồn.
Hạnh phúc và sự sống phát xuất từ niềm tin tỉnh thức như vậy chắc chắn không bị chấm dứt với cái chết, không bị đi vào hư không trống rỗng, cũng chẳng phải đầu thai kiếp này hay kiếp khác, nhưng sẽ tồn tại đến muôn đời trong tình yêu cua Thiên Chúa.
TỈNH THỨC TRONG PHỤC VỤ
Lc 12, 32 - 48
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
Khuynh hướng của con người thường thích tích trữ cho nhiều của cải, bôn ba để kiếm sống và lo thụ hưởng càng nhiều càng tốt, họ làm như không bao giờ họ phải chết. Song song với đa số lớp người ham sống, thích hưởng thụ, thích dễ dãi, rất ít người luôn ngẫm nghĩ về cái chết của chính mình và coi của cải trần gian chỉ là tạm bợ, chóng qua, mau tàn. Tin Mừng Lc 12, 32 - 48 nhắc nhở mọi người :" Tỉnh thức và sẵn sàng ".
HÃY TỈNH THỨC : Chúa Giêsu luôn mời gọi mọi người tỉnh thức :" Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn" ( Lc 12, 35 ). Tỉnh thức như năm cô trinh nữ khôn ngoan, mang đèn mà lại mang cả dầu; như người đầy tớ trung tín đợi chủ về; như người khôn ngoan canh chừng tên ăn trộm; như người quản lý khôn ngoan làm theo ý chủ. Tỉnh thức không có nghĩa la ngủ no say, ngủ li bì nhưng mà là tỉnh thức trong khi ngủ. Tỉnh thức cũng có nghĩa là luôn khôn ngoan, chóng vánh làm theo ý của chủ mình. Thường người Kitô hữu rất tỉnh thức trong các kinh nguyện, trong những nghĩa vụ đạo đức như giữ các ngày thứ sáu đầu tháng, như đi lễ,sáng chiều, nhưng lại rất mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Đạo Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ con người. Đạo là tình thương, là con đường, đạo luôn luôn thức tỉnh mọi người. Đã là con đường đi, người Kitô hữu phải tỉnh thức, không được ngủ, không ngủ gà ngủ gật, bởi vì có tỉnh thức, có mở to mắt, họ mới thấy hướng đi, thấy bến bờ, mục đích để đến đích bình an. Tỉnh thức để nhận ra Nước Trời đang hiện diện. Tỉnh thức để không gây ngộ nhận cho người khác, không bóp méo Tin Mừng và Giáo Hội. Tỉnh thức chính là phục vụ. Và phục vụ càng nhiều, người Kitô hữu sẽ nhận ra Nước Trời đang đến, càng phục người Kitô hữu càng trở nên giống Chúa trong cung cách phục vụ yêu thương của Ngài. Ai làm lớn phải phục vụ anh em. Đây là cung cách phục vụ khiêm tốn của Chúa. Phục vụ như người tôi tớ. Phục vụ bằng cách rửa chân cho các môn đệ. Ân huệ người Kitô hữu nhận được nơi phép rửa là để san sẻ. Tình yêu nhưng không người Kitô hữu nhận được trong đức tin là để trao ban vì "Sống là để yêu thương và phục vụ ".
CHÚA ĐẾN CÁCH BẤT NGỜ : Con người sống trên thế gian đâu có biết trước được lúc nào, giờ nào, phút nào họ sẽ chết ? Có những con người vẫn tưởng rằng chẳng bao giờ họ phải chết. Do đó, họ vẫn bám víu thế gian, sống để hưởng thụ, sống để vui chơi vv...Tuy nhiên, đa số con người rất đỗi hoang mang, lo âu, xao xuyến vì Chúa sẽ đến thật bất ngờ :" Vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến " ( Lc 12, 40 ). Chúa sẽ đến không ai ngờ được. Kẻ trộm bao giờ cũng đột nhập cách thật bất ngờ và vũ khí sắc bén nhất của anh ta là bất ngờ. Chúa cũng đến cách rất bất ngờ và Ngài chỉ nhắc nhở mọi người phải tỉnh thức. Đừng quá bám víu, miệt mài trong những của cải chóng tàn, chóng phai của đời tạm này mà quên đi đời sống vĩnh cửu, sự sống đời đời mai sau. Chúa đến bất ngờ nhưng lại rất thú vị và hạnh phúc cho những người biết tỉnh thức như năm cô trinh nữ khôn ngoan, như người quản lý luôn biết khôn ngoan làm theo ý chủ của mình. Chẳng ai biết mình sẽ chết lúc nào, chết khi nào, nhưng cái chết sẽ trở nên hạnh phúc cho những ai luôn biết thức tỉnh. Chỉ sợ, con người cứ tưởng mình còn ngày mai, còn giờ để chuẩn bị, nhưng kỳ thực giờ chết sẽ đến một cách rất đột ngột phũ phàng. Do đó, Chúa luôn nhắc nhở con người hãy tỉnh thức. Tỉnh thức để chiêm ngắm, trân trọng và khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa và những ơn lành Người ban, làm cho đời con người sáng hơn, tươi hơn, có ý nghĩa hơn.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống thế nào để đạo lý của Chúa và Hội Thánh không bị hoen ố, không gây ngộ nhận cho những người ngọai giáo, nhưng được trình bầy bằng những hình ảnh cao đẹp của Tin Mừng: " Công bằng, bác ái và yêu thương ".
MUỐN TỈNH THỨC PHẢI BIẾT CẦU NGUYỆN
Lc 12, 32 - 48
Lm. Jude Siciliano, OP.
Bài Tin Mừng hôm nay khá dài, gồm nhiều đoạn văn gom lại các lời dạy dỗ của Chúa Giêsu, liên quan đến chủ đề tỉnh thức và trung tín. Cũng có bài ngắn từ câu 35 đến 40 về cùng một đề tài. Dĩ nhiên, không đầy đủ chi tiết như bài dài. Lời giáo huấn của Chúa Giêsu đương nhiên là quí báu và hữu ích. Nếu chúng ta để tâm suy gẫm, chắc chắn sẽ sinh nhiều hoa trái trong linh hồn, và người khác cũng được hưởng nhờ. Nhưng sợ quí vị không đủ kiên nhẫn, nên tôi chọn phần ngắn.
Quả thực, giữa tháng Tám này mà giọng điệu Tin Mừng nghe như đầu Mùa Vọng hoặc giữa mùa Chay, vì những từ ngữ gợi nhớ việc tỉnh thức, canh tân, sửa sọan, thắp đèn cháy sáng, chuẩn bị đón tiếp ông chủ trở về... Liệu có mấy ai khi nghe đọc mà không tưởng mình đang ở giữa các mùa trên? Thực ra, Phụng vụ có nhiều mặt và mỗi mùa hội tụ vào một khía cạnh nào đó của cuộc sống tín hữu. Mùa Vọng mong chờ, hy vọng và khát khao. Mùa Chay sám hối, ăn năn, tha thứ. Tuy nhiên, không hẳn phải luôn như vậy. Chúng ta phải tỉnh thức, cầu nguyện, hãm mình, ăn chay, đền tội, thống hối, mong chờ ở mọi thời gian trong năm, chứ không riêng gì từng mùa. Chúng ta phải luôn dự phòng trước sự xâm nhập của vị "Đạo chích Thần linh" bất cứ lúc nào, chứ không riêng gì mùa Vọng. Chúng ta phải ý thức được tính "bấc ngờ" của cuộc đời như Phúc Am tuần trước, chứ mình không có quyền định đoạt thời điểm cho mọi biến cố. Điều chắc chắn là làm sao để đừng say sưa, chè chén khi Chúa đến.
Muốn có thái độ ấy thì suy nghĩ kỹ lời giáo huấn của Chúa hôm nay: "Hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn, hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới sẽ gõ cửa là mở ngay." Các thánh thường chỉ ra phương tiện hữu hiệu để có thái độ này là cầu nguyện. Nhưng đa phần tín hữu hiểu sai. Người ta tưởng rằng tổ chức lễ lậy, rước sách linh đình, đại hội nọ kia mới là cầu nguyện. Thực ra, nếu không có cầu nguyện riêng tư, chuẩn bị tâm hồn, sống thân mật với Chúa trước đã, thì những hoạt động như vậy chỉ là bề mặt, rỗng tuếch, mệt nhọc chứ chẳng hữu ích chi. Hội thánh thường chia cầu nguyện thành nhiều giai đọan, để duy trì được tính liên tục cầu nguyện như Chúa Giêsu dạy: Cầu nguyện phụng vụ, cố định như lễ qui, cầu nguyện tự do và tự phát do nhu cầu tâm linh, cầu nguyện chung, cầu nguyện riêng tư. Mỗi loại cầu nguyện đều cần thiết và hữu ích, chúng hỗ tương cho nhau, chứ không bên trọng bên khinh. Ngòai ra, còn cầu nguyện tạ ơn, ngợi khen, xin ơn... nhiều vô kể. Điều quan trọng là phải có tâm hồn yêu mến. Trái tim các trẻ em dễ dàng nghiêng về tình yêu, cho nên luôn được cha mẹ quí chuộng, thứ tha và thương mến. Vậy thì điều chúng ta phải có là tình yêu và khiêm tốn trước tôn nhan Thiên Chúa. Người ta nói rằng, ở đâu có khiêm tốn và yêu thương thật, ở đấy có cộng đòan các thánh. Các cộng đòan tu trì cầu nguyện nhiều đấy nhưng chẳng phải là cộng đòan các thánh vì thiếu khiêm tốn và yêu thương chân thành, ngay chính.
Vậy thì muốn tỉnh thức, chúng ta phải biết cầu nguyện. Muốn cầu nguyện, chúng ta phải biết ăn chay, hãm mình, hy sinh, thực hành bác ái. Thiếu một yếu tố nào, đời sống thiêng liêng cũng bất thành, chỉ giả hình như Pharisêu ngày xưa. Nói cách tổng quát, có hai cách cầu nguyện quan trọng là chung và riêng; cầu nguyện công cộng, riêng tư. Cả hai đều cần thiết, nhưng riêng tư là linh hồn của công cộng. Không có riêng tư thì công cộng rỗng tuếch, chỉ là não bạt, thanh la phèng phèng vô nghĩa. Nhưng nếu đi song song, chúng trợ giúp lẫn nhau. Cả hai đều là hiệp thông với Thiên Chúa. Đấng nói với chúng ta qua Kinh Thánh và cộng đòan, chúng ta đáp trả lại bằng trái tim. Cầu nguyện cộng đòan như gia đình của Đức Kitô, Đấng chủ sự. Riêng tư là thành phần của gia đình đó, như con cái yêu mến cha mẹ, hiếu thảo và phụng thờ. Cho nên không thể thiếu yếu tố nào. Nội dung lời cầu nguyện thì vô kể không liệt kê hết được, tùy nhu cầu của linh hồn, Giáo hội và xã hội: ngợi khen, tạ ơn, van xin. Điều này thánh To-ma đã bàn kỹ trong Tổng luận Thần học của ông.
Nói thì quá dễ nhưng thực hành thì cả một vấn đề, thiếu sót phần này, thừa thải phần khác. Cho nên phải cầu xin Thánh Linh và tập tành cho được cầu nguyện nên. Lúc ấy mới có khả năng tỉnh thức thực sự. Chúa nói rõ với chúng ta điều này trong Tin Mừng hôm nay: "Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì con người sẽ đến." Tuy nhiên, nếu chúng ta tỉnh thức thì phần thưởng quả là bội hậu: "Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình". Hơn thế nữa, Chúa còn thêm: "Hỡi đòan chiên bé nhỏ! Đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em." Vậy việc tỉnh thức cầu nguyện là quan trọng. Nhưng trong khi chúng ta vật lộn với những hòan cảnh khó khăn, làm sao chúng ta biết được Chúa trợ giúp mình. Bài đọc 2, trích thư gởi tín hữu Do Thái cho chúng ta câu trả lời: "Thưa anh em, đức tin là bảo đảm cho những điều chúng ta hy vọng, là chứng cớ cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám". Vậy thì cầu nguyện, tỉnh thức cần có đức tin, không có đức tin chẳng thể cầu nguyện. Vì không tin Thiên Chúa, cầu nguyện với ai? Lá thư kêu mời chúng ta nhìn vào gương sáng của Cụ tổ Abraham. Cụ trông cậy vào Thiên Chúa ngay cả trong hòan cảnh xem ra tuyệt vọng. Hai cụ đã già nua làm sao còn trông mong có con nối giòng? Vậy mà hại cụ vẫn tin tưởng, cậy trông. Cụ tổ Abraham chỉ dựa vào lời hứa và vào những gì lý lẽ của trí khôn chỉ bảo, tức quyền năng của Thiên Chúa, còn bền ngòai xem ra vô vọng. Ông có lý do mạnh mẽ để không thể tin cậy vào Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên, lòng tin không nhượng bộ của ông khiến ông đứng vững. Ông có ngọn đèn đức tin soi dẫn qua mọi gian nan thử thách. Đó là đức tin mà Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em". Bằng những lời đầy an ủi này, xem ra Chúa Giêsu thấu hiểu tâm hồn các Tông đồ, những người đang theo Ngài lên Giêrusalem với bao nhiêu thử thách. Chúng ta hôm nay, nhìn vào nhiễu nhương của cuộc sống và tự hỏi: làm sao đức tin của người tín hữu có thể đứng vững với ý kiến trái ngược nhau về luân lý, xã hội, kinh tế, chính trị? Quí vị lớn tuổi hẳn còn nhớ luận điệu mạt sát tư bản, ủng hộ chủ nghĩa xã hội, tưởng chừng như không còn lựa chọn nào khác. Vậy mà chỉ mấy chục năm sau, não trạng ấy đã thay đổi 180O : ủng hộ tư bản, tẩy chay chuyên chính độc quyền. Ai đúng, ai sai? Đó chỉ là một ví dụ nhỏ. Còn bao nhiêu vấn đề khác nặng nề hơn liên quan đến lương tâm, tội phúc, sức khỏe, tình yêu, phần rỗi? Làm sao kể cho hết những mối sợ hãi cá nhân, tập thể, giáo hội, gia đình? Cho nên, chúng ta phải tự mình quyết định, tự mình phấn đấu. Các luận điệu khác chỉ mang tính dối trá, lừa gạt.
May thay, Lời Chúa hôm nay, cho chúng ta phần an ủi: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ". Thì ra, chúng ta không phấn đấu một mình, đã có Chúa Giêsu trợ giúp, chỉ đạo. Bổn phận của mỗi người là lắng nghe tiếng Ngài, trong Kinh Thánh, lương tâm, trong lẽ phải. Kẻ viết bài này đã từng phải phấn đấu như vậy và đã từng bị hành xích rất nhiều từ những kẻ thừa quyền hợp pháp. Nhưng xin lắng nghe tiếng kêu gọi của Thầy chí thánh: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ" vì lẽ phải không bao giờ chết. Cho dù có bị trù dập như Chúa Giêsu thì cũng sẽ trổi dậy. Đúng vậy, Ngài là vị Mục tử nhân lành. Mặc dầu chúng ta có phải đi qua những thung lũng âm u, đầy tối tăm, sợ hãi, thì Ngài cũng hứa sẽ đem tới: "đồng cỏ xanh tươi, bên dòng suối trong lành" như thánh vịnh 23. Chúa Giêsu bảo đảm với môn đệ rằng: ân huệ Ngài ban vượt qua mọi kho tàng quí báu khác: "Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em".
Chắc chắn đó là một Tin mừng Ngài loan báo trước khi kêu gọi chúng ta từ bỏ tài sản vật chất, bán hết gia tài phân phát cho những người nghèo khó. Việc tiếp theo là phục vụ Chúa và hy vọng Ngài trở lại, dù việc trở lại không phải là nhanh chóng. Người môn đệ luôn cậy trông vào Thiên Chúa và cầm đèn cháy sáng trong tay. Tư thế đó, họ luôn sẵn sàng, chẳng phải bận tâm điều chi khác ngoài chu toàn ý Thiên Chúa.
Các môn đệ, cũng như chúng ta, cần lắng nghe lời Chúa Giêsu khuyên họ khi đang trên đường đi lên Giêrusalem, và chúng ta, trên con đường gồ ghề của thế gian. Chắc chắn, chúng ta sẽ gặp khó khăn, chống đối, thù ghét, bắt bớ. Lúc ấy, nếu không nhìn thẳng vào Lời Chúa mà tiến bước, chúng ta sẽ thay đổi lòng dạ, thay đổi ý kiến và sẽ chìm xuống biển cả như ông Phêrô thuở xưa. Sở dĩ, ông Phêrô chìm vì đã quay mặt nhìn sóng gió, thay vì nhìn vào chính Chúa. Đây là một kinh nghiệm để đời cho những người theo Chúa. Họ chú tâm vào thu tích của cải, tiện nghi. Trước sau rồi cũng sẽ sa ngã. Họ sẽ mất lòng tin vào Thần Khí Đức Kitô khi vướng mắc vào những lộn xộn của cuộc đời. Đó là lý do Chúa Giêsu khích lệ chúng ta bằng những lời dạy dỗ và với dụ ngôn ông chủ đi ăn cưới về. Môn đệ Chúa luôn phải cảnh giác, trung tín và tỉnh thức.
Chúa Giêsu kết thúc câu chuyện khá gây ngạc nhiên. Đáng lý ông chủ phải ngồi vào bàn ăn và các đầy tớ phục dịch ông. Dầu sao ông vẫn là chủ, có quyền đòi hỏi như vậy. Nhưng Chúa kể ngược lại, chủ bảo đầy tớ ngồi ăn, còn ông hầu hạ? Nếu như ông chủ là Chúa Giêsu thì chúng ta chẳng còn phải sợ hãi chi, ông chủ chẳng giữ lại điều gì, kể cả quyền hành. Mà đúng như vậy, khi tới Giêrusalem, Chúa sẽ thí mạng sống cho nhân loại. Ngài bày tỏ tình yêu dịu dàng cho đến tận cùng. Cho nên lời an ủi của Ngài: "Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em", có cơ sở chân thật, chứ không phải bánh vẽ. Thiên Chúa Cha đã biết rõ những nhu cầu hàng ngày về thân xác và linh hồn mỗi người. Bổn phận chúng ta là kêu xin và tỏ lòng yêu mến, trông cậy, lệ thuộc vào Ngài.
Thiên Chúa xưa kia đã thực hiện những điềm thiêng dấu lạ cho tuyển dân Do Thái vì yêu thương. Ngày nay, Ngài không làm như vậy cho môn đệ Đức Kitô nữa sao? Ngài vẫn tự xưng là Mục tử tốt lành kia mà? Vậy cho dù những khốn khó của cuộc đời, cho dù những Giêrusalem khắp nơi, cho dù những chống đối, hận thù, bách hại, người tín hữu không có chi phải sợ: "Hỡi đàn chiên bé nhỏ, đừng sợ". Điều phải chú ý là trong thánh lễ hôm nay, chúng ta chuyên tâm vào tỉnh thức và cầu nguyện, như con chim cú đi tìm mồi ban đêm. Chuyện kể rằng, một thày dòng to béo kia, muốn qua một con sông. Trưa hè, trời nắng, bến sông thưa người. Nhưng người lái đò vẫn nể lòng đưa thầy qua sông. Được một quãng, thầy hỏi: "Anh có biết tên đức vua của nước ta không?", "Thưa thầy không", anh lái đò trả lời, "nhà con nghèo, phải học chèo thuyền sớm, con chỉ biết đọc, biết viết và làm bốn con tính". Thầy dòng thở dài than thở: "thế là anh bị thiệt mất phân nửa cuộc đời". Được một lúc, buồn tình, thầy lại hỏi: "Anh có biết tính toán ngày tháng theo trăng sao không nhỉ?". "Thưa thầy không, con chỉ biết Chúa dựng nên chúng và con hết lòng thờ phượng Ngài". "Thế thì anh bị thiệt mất ba phần tư cuộc đời rồi". Thuyền tới giữa dòng, sóng to gió lớn nổi lên, và lật chìm. Anh lái đò hỏi thầy dòng: "Thầy có biết bơi không?". "Không, chưa bao giờ tôi học bơi cả!". "Thế thì thầy phí uổng trọn cuộc đời rồi!". Nghe xong, thầy dòng chìm xuống đáy sông. Anh lái đò bơi vào bờ một mình. Câu chuyện nhắc chúng ta phải biết lựa chọn những chi là căn bản và nghe theo lời khuyên của thánh Phao Lô: "Anh chị em chú tâm vào đấy là phải." Xin Chúa cho chúng ta tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Amen.
TỈNH THỨC
Lc 12, 32 - 48
Lm Vũ đình Tường
Tỉnh thức rất cần cho cuộc sống về cả hai phương diện tri thức và tâm thức.
Tỉnh thức khác với canh thức. Trong lúc canh thức có trường hợp ngủ gà, ngủ vịt, mơ màng. Tỉnh thức đòi hỏi một mức độ cao hơn lúc nào cũng phải tỉnh táo đề phòng trong tư thế sẵn sàng.
Ngoài ra tỉnh thức đòi hỏi tinh thần sáng suốt giúp mau chóng nhận định sự việc và giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp hầu tránh được những đáng tiếc xảy ra. Tỉnh thức như thế có nghĩa là sẵn sàng đối phó mau lẹ đáp ứng với tình thế mới khi biến cố ập đến. Tỉnh thức giúp tránh hầu hết sai lầm trong việc nhận định sự việc. Nếu có sai lầm cũng không trầm trọng và sai lầm có thể kịp thời sửa chữa, bổ sung vì tỉnh thức giúp sớm nhận ra sai lầm.
Biến cố trong cuộc sống liên kết với nhau như sợi giây xích, như chiếc đồng hồ hoạt động. Một bộ phận dù nhỏ cũng đủ gây cho đồng hồ chạy sai hay ngưng chạy và người ta sớm nhận ra để sửa chữa kịp thời. Tương tự như trên người tỉnh thức có khả năng sớm nhận điều sai lầm, kịp thời sửa sai mà không cần mất thời gian hoặc có người mách bảo.
Tỉnh thức về phương diện tâm linh đòi hỏi cố gắng cao hơn. Tỉnh thức để nhận biết mình đang phục vụ Chúa qua anh em, nhận biết mình đang trung thành với Chúa và nhận biết Chúa qua mọi biến cố của cuộc sống. Tỉnh thức về tâm linh giúp nhận ra sai lầm, nhận ra tội ngay trước khi phạm tội để tránh. Tránh được hay không lại là vấn đề khác nhưng người tỉnh thức có khả năng nhận biết đúng sai, phải trái, tội phúc trước khi người đó bắt tay vào việc. Tiếng nói lương tâm ngăn cản đóng một phần trong việc giúp người tỉnh thức nhận biết việc nên làm và điều nên tránh.
SẴN SÀNG
Tỉnh thức và sẵn sàng đi chung với nhau, có thể nói người sẵn sàng là người tỉnh thức và ngược lại. Tỉnh thức và sẵn sàng có chung mục đích.
Tỉnh thức trong Phúc Âm một là sẵn sàng ra đón khi chủ về, khi chủ mời gọi như bài đọc hôm nay xác định. Không để cho chủ đợi ta nhưng chính ta sẵn sàng đợi chủ về.
Tỉnh thức còn một mục đích nữa là tránh được cơn cám dỗ. Điều này có thể thực hiện được khi tỉnh thức và cầu nguyện đi chung với nhau. Trên vườn Cây Dầu Chúa kêu gọi các tông đồ. Hãy tỉnh thức cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ vì hồn thì sẵn sàng nhưng xác thì yếu đuối.
Thiếu tỉnh thức con người có thể bị mê hoặc bởi các thú vui trần thế mà quên đi nhiệm vụ hoặc ngay cả giữ đạo một cách cứng nhắc đưa đến việc bất đồng với anh chị em khác, phê bình người khác kẻ cấp tiến, người lạc đạo. Chống lại cả việc Chúa Thánh Thần âm thầm làm việc đổi mới tâm hồn. Ma quỷ thường dùng bùa mê ru ngủ con người và dẫn đưa họ vào con đường phạm tội. Một khi đã mê ngủ thì không còn tỉnh táo để nhận định, quyết định, ngay cả việc sai trái kẻ mê ngủ cũng không nhận ra. Chính vì thế mà lọt tròng kẻ lập mưu tính kế. Họ dụ dỗ bằng lời nói ngon, nói ngọt đưa người đó đến chỗ thích thú và nhập cuộc rồi bị sai khiến, hướng dẫn làm điều sai trái.
TỈNH THỨC ĐỂ ĐÓN CHÚA
Lc 12, 32 - 48
Lm. Giuse Nguyễn Minh Chánh
1/Tại sao phải tỉnh thức:
Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải tỉnh thức vì chúng ta thường xuyên bị mê đắm bởi những quyến rũ củatrần thế. Thích những gì thuộc về trần thế. thích tìm kiếm những gì là của trần thế và lấy làm rất thoả mãn với những cái của trần thế.
Khi con người bị say đắmvào những cái hão huyền trên trần gian, thì cùng lúc cuộc sống con người đang bị cuốn hút, đang mắc vào những cạm bẫy có thể làm tổn thương và giết chết cuộc sống. Cho dẫu trước mắt đó là một tấm màn đầy dẫy những thực tại hấp dẫn làm vui mắt con người như :tiền, quyền, danh, lợi, thú ... Khi đang sống trong tình trạng như thế, chắc chắn cuộc sống của con người sẽ bị hôn mê và tê liệt. Đến nỗi cuộc sống ấy sẽ làm cho họ không đủ sức để mở đôi mắt hướng về những gì là Chân - Thiện - Mỹ, và cũng không còn khả năng vực dậy để tìm kiếm những vẻ đẹp đem lại ý nghĩa cuối cùng cho kiếp người.
Hôm nay Lời Chúa dạy chúng ta Phải Tỉnh Thức, đó là Chúa đang thức tỉnh chúng ta Chúa thức tỉnh chúng ta vì Chúa không muốn chúng ta phải chìm đắm vào những giấc mơ hão huyền. Cũng đừng bao giờ thoả mãn với những thứ trên trần gian nay còn mai mất, hay tan biến cách đột ngột theo thời gian, nhất là theo những biến cố. Như vậy, một biệt thự hay một ngôi nhà đẹp với đầy đủ những tiện nghi sang trọng, một tài khoản khổng lồ, một chiếc xe không "đụng hàng" dành cho những đại gia "đỏ", một địa vị tại trần thế ..., đã đủ để chúng ta hài lòng và thoả mãn chưa ? Đối với những người sống đức tin thì không ! Vì cái cần nhất và thoả mãn nhất cho cuộc sống không phải là tiền tài, danh vọng, địa vị hay hưởng thụ, nhưng là chính Chúa, là Ơn Cứu Độ, là Hạnh Phúc toàn vẹn. Đây chính là Sự Thật cuối cùng của con người. Sự Thật này chúng ta không phủ nhận, nhưng luôn luôn phải trang bị cho mình một tư thế để ôm ấp sự thật tuyệt vời, để chiếm hữu hạnh phúc tuyệt đối. Tư thế mà chúng ta chuẩn bị đã được Chúa nhắc trong Tin Mừng, đó là :
2/ Tỉnh Thức để đón Chúa :
Chúa Giêsu dạy chúng ta tỉnh thức không gì khác hơn là đón Chúa đến. Chúa Giêsu chính là Hồng An của Chúa Cha ban cho nhân loại, Ngài là Ơn Cứu Độ duy nhất. Đấng từ Trời xuống, nên chúng ta phải đón nhận. Vì lẽ đó, chúng ta phải tỉnh thức để mở lòng đón nhận món quà quý giá nhất của Chúa Cha. Hãy xem việc tìm Ơn Cứu Độ là việc hàng đầu, việc cần thiết, việc ưu tiên tuyệt đối, việc rất quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Thử hỏi : ai trong chúng ta đã nghĩ đến việc mở lòng đón nhận Chúa là nguồn Ơn Cứu Độ, là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sinh hoạt hàng ngày ? Khó lắm ! Gọi là khó vì chúng ta quá bon chen tìm kiếm những thứ vật chất trên trần gian, quá bận tâm tìm mọi cách để củng cố địa vị tại trần thế, quá bận rộn với một cuộc sống phải tiện nghi, phải hưởng thụ, phải vui chơi giải trí. Từ đó khó lòng để chúng ta xem Chúa là đôí tượng hàng đầu duy nhất, phải bỏ công sức tìm kiếm Ngài.
Vì Chúa là Đấng vô hình nên chúng ta ít cảm nghiệm thật sự những vẻ đẹp tuyệt đối từ nơi Chúa, những giá trị chân thực vĩnh cửu từ nơi Ngài. Còn những sung túc trên trần gian là cái hữu hình, nên sướng khổ hay thành công thất bại là chúng ta thấy ngay tức khắc. Như vậy, một sự đảo lộn đã nảy sinh trong cuộc sống con người cách nghiêm trọng. Những giá trị tuyệt đối Vĩnh Hằng, cung cấp đầy đủ cho thực chất của một con người, thì con người lại coi là thứ yếu phụ thuộc. Còn những cái đánh lừa con người, đưa đẩy con người vào sai lầm của cuộc sống, thì lại là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để con người tìm mọi cách chiếm hữu.
Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức. Nếu như tỉnh thức để có cơ hội làm giàu, cơ hội được thăng quan tiến chức, có dịp tìm những thú vui nơi trần thế, thì có lẽ ngươi ta sẽ hăm hở chen chúc nhau để mở mắt mong chờ. Nhưng kêu gọi tỉnh thức để chờ Chúa đến thì là quá mơ hồ đối với những cách sống theo chiều hướng duy vật hưởng thụ. Nhưng nếu chúng ta là người có đức tin, đặc biệt là người biết sống Đức Tin, thì Lời Chúa gọi hãy tỉnh thức, đó còn là lời động viên an ủi để chúng ta can đảm mở lòng đón nhận Chúa là giá trị tuyệt đối, khi trước mắt chúng ta phải đối diện bởi những cái hấp dẫn hào nhoáng của sự sung túc trên trần thế.
Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức. Nếu như trí khôn chúng ta khám phá nơi Chúa là tất cả :Hạnh Phúc tất cả, Chân Lý tất cả, Vẻ Đẹp tất cả, Sự Thật tất cả ..., thì chúng ta rất dễ dàng quay lưng với những cái gian dối để đón chờ Chúa đến trong tâm hồn.
Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức. Nếu như con tim chúng ta dành trọn cho Chúa, xem Chúa là tất cả của đời ta, hết lòng yêu mến Ngài trong từng phút giây, thì chúng ta sẽ dễ dàng nói không với những thứ hạnh phúc tạm bợ của thế gian, luôn rình rập để lôi kéo đời ta.
Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức. Đó là Chúa muốn chúng ta dành trọn thời gian, dành trọn cuộc đời để yêu mến Ngài không giới hạn, khao khát Ngài không điểm dừng. Vì Chúa muốn nói với chúng ta : Chúa là tất cả.
Vì Chúa là tất cả nên ngoài Chúa ra chúng ta đừng tìm thứ hạnh phúc nào khác.
Vì Chúa là tất cả nên hằng ngày chúng ta cố gắng sống những tâm tình của Thánh Augustinô sau đây, như để nói lên thái độ tỉnh thức đón chờ Chúa và tâm tình khao khát được Chúa đến trong cuộc đời :
"Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên hồn con luôn khát khao cho đến khi được về an nghi bên Chúa ". Amen.
TỈNH THỨC và SẲN SÀNG
Lc 12, 32-48
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Thực tình mà nói con người được sinh ra nơi trần gian luôn phải đấu tranh để sinh tồn. Con người lúc nào cũng vậy, con người phải lao động cần cù, cật lực để kiếm miếng cơm manh áo. Người ta phải có những sáng kiến, những kế hoạch để làm việc để tồn tại. Nhưng nhiều khi vì quá chú tâm tới của cải vật chất, quá chú ý tới lương thực hằng ngày, con người quên đi cái đích mình phải nhắm tới. Cái đích đó là sự sống vĩnh cửu, là sự sống đời đời, lương thực không hư không nát. Chúa nhắc nhở, Chúa cảnh tỉnh con người trong nhiều trường hợp, trong nhiều hoàn cảnh " Hãy tỉnh thức và sẵn sàng ".
Tỉnh thức và sẵn sàng như năm cô trinh nữ khôn ngoan đợi tân lang tới, tỉnh thức và sẵn sàng như người khôn ngoan canh chừng tên trộm cắp, như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi làm về, như người quản lý khôn ngoan biết làm theo ý chủ mình. Tỉnh thức ở đây có nghĩa là biết ngủ trong tỉnh thức, biết cầm đèn cháy sáng trong tay, biết lắng nghe tiếng gõ cửa. Tỉnh thức không phải cứ nằm đó mắt mở chầm chầm, không phải không ngủ nhưng là biết mau mắn chỗi dậy trong lúc mình đang ngủ mê. Điều này, giống như một tên trộm rình mò một nhà nào đó để đào ngạch, khoét vách. Chúa nói với con người rằng Chúa đến thật bất ngờ: " Vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến " ( Lc 12, 40 ). Con người với thân phận của mình, con người với thân xác của mình: lúc khỏe, lúc bệnh. Con người giống như kiếp hoa phù du, sớm nở tối tàn. Con người giống như bóng câu cửa sổ. Con người rất mong manh dễ bể, dễ vỡ.Chính vì thế, Chúa đến với từng người, với con người thật bất ngờ. Do đó, chúng ta thường đọc thấy lời này Maranatha xin hãy đến. Maranatha một gợi ý về ngày cuối cùng, về ngày tận thế, ngày cánh chung.Ngày mà Chúa sẽ khởi đầu cuộc sống mới của con người trong ngày vinh quang tràn đầy thần lực của Thiên Chúa. Bởi vì chính Chúa trong ngày chung cuộc sẽ cho con người vui hưởng hạnh phúc của Ngài: " Ngài sẽ cho các ngươi ngồi vào bàn ăn và lần lượt hầu hạ các ngươi ". Tuy nhiên, sự lo âu của con người trước cái chết sẽ không hủy diệt niềm tin của họ, nên Giêsu muốn con người và mỗi người chúng ta: " Hãy sống như những người đang chờ đợi chủ về ". Sự chết, ngày tận thế xưa đã tác động các tín hữu Thessalonica đến nỗi họ không làm gì cả. Chính vì thế, thánh Phaolô phải chấn chỉnh họ: " Không, ngày của Chúa chưa đến ! Phải sống, phải làm việc " ( 2 Thess ). Chúa Giêsu buộc con người và mỗi người phải có đời sống, thái độ tỉnh thức: " Hãy là những người đang chờ đợi ". Đợi chờ như người quản lý trung thành và khôn ngoan.
Việc Chúa đến bất ngờ là một biến cố vui mừng. Biến cố này sẽ trở nên vô nghĩa và bất hạnh đối với những kẻ không khôn ngoan, không tỉnh thức, không trung thành, gắn bó và chu toàn bổn phận. Những ai tỉnh thức, khôn ngoan và trung thành thì việc Chúa đến bất ngờ là một biến cố thật thú vị...
Maranatha, lạy Chúa xin mau đến.Tỉnh thức và sẵn sàng để đón Chúa đến.Tỉnh thức và sẵn sàng để nhắm đích tới là Nước Trời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống khôn ngoan, trung thành và tỉnh thức để đón Chúa đến. Amen.
SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT
Lc 12, 32 - 48
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
Có người bi quan bảo rằng: "sống là chuẩn bị chết". Mỗi ngày sống là một nhịp cầu tiến gần đến cái chết hơn nữa. Cái chết nó đến cũng thật bất ngờ. Bất ngờ như tên trộm đột nhập vào nhà và lấy đi sự sống của chúng ta. Cái chết nó cũng không chờ đợi lứa tuổi để mà có thể sống theo tuần tự: sinh - bệnh - lão - tử. Cái chết đến với người già cũng như người trẻ ngang nhau. Có người chết trẻ. Có người chết già. Có người chết bất thình lình. Có người chết từng giờ vì cơn bệnh nan y.
Vào ngày 10/04/2010 cả thế giới cũng ngỡ ngàng trước sự ra đi đột ngột của vợ chồng tổng thống Ba Lan cùng đoàn tuỳ tùng gần 200 người. Họ đã tử nạn trong một chuyến bay đến Nga để dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày khoảng 22.000 binh sĩ Ba Lan bị sát hại. Chiếc máy bay đã không đưa họ đến nơi dự định mà đã đưa họ về với trời cao vào lúc 11g00 trưa cùng ngày. Họ đã kết thúc cuộc đời vào lúc mà họ không ngờ, và chắc chắn họ vẫn chưa chuẩn bị cho chuyến đi định mệnh một cách vĩnh viễn này.
Mỗi ngày chúng ta cũng chứng kiến biết bao cái chết tức tưởi bởi đột quỵ hay bởi tai nạn giao thông. Trung bình ở Việt Nam mỗi ngày có hơn 32 người chết bởi tai nạn giao thông. Mỗi năm thiên tai lũ lụt cũng gây nên biết bao cái chết oan khiên đắng cay. Pakistan mới trải qua cơn lũ kinh hoàng đã cướp đi hơn 1500 sinh mạng. Sự chết dường như không kiêng nể ai. Sự chết có thể đến với bất cứ ai và ở mọi nơi, mọi lúc.
Xem ra sự sống và sự chết không nằm trong những toan tính dự định của chúng ta. Chúng ta không có quyền chọn lựa để tiếp tục sống hay chết. Không có quyền chọn lựa về cách chết. Và càng không có quyền chọn lựa thời gian để chết. Sự chết dường như vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Sự chết sẽ chấm dứt mọi sự nơi dương gian của chúng ta. Công danh, sự nghiệp. Giầu có hay khó nghèo cũng kết thúc như nhau với nấm mồ nhỏ bé bốn tấc đất như nhau.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Tỉnh thức để chờ đợi chủ trở về. Sự chờ đợi khôn ngoan là chăm chỉ làm việc bổn phận của mình. Sự chờ đợi tích cực là tích luỹ kho tàng không bao giờ bị hao hụt hay mối mọt phá hoại là những việc lành phúc đức. Sự chờ đợi trong kiên nhẫn, dầu là lúc đêm khuya hay lúc bình minh sắp ló rạng vẫn luôn tỉnh thức vì không biết chủ về vào lúc nào. Chủ về với hàm ý chính Thiên Chúa sẽ đến viếng thăm mỗi người chúng ta qua các ơn lành, qua các bí tích. . . Chủ về cũng có nghĩa là ngày Chúa đến để đưa linh hồn chúng ta ra khỏi thế gian. Chủ về cũng có nghĩa là ngày cánh chung, ngày đó sẽ khép lại toàn bộ lịch sử của nhân loại. Chủ sẽ vui mừng thấy chúng ta tỉnh thức hay chủ sẽ giận dữ thấy chúng ta đang u mê lười biếng. Chủ sẽ thưởng công hay luận phạt tuỳ theo thái độ sống của chúng ta.
Thế nên, sự khôn ngoan mời gọi chúng ta hãy sống giây phút hiện tại một cách tích cực. Hãy sử dụng thời gian một cách hợp lý. Đừng dùng giây phút hiện tại để phạm tội. Đừng lao vào những đam mê mù quáng. Hãy sống tích đức để mua lấy Nước Trời mai sau. Nhưng đáng tiếc cho nhân loại hôm nay vẫn còn đó những người sống thiếu tỉnh thức bằng đời sống lười biếng và thiếu trách nhiệm trong bổn phận của mình, vẫn còn đó những người sống ngụp lặn trong đam mê tội lỗi, vẫn còn đó những người sống tham lam bất chính hơn là tích đức cho đời sau. Họ sẽ mất cơ hội tham dự tiệc của tình yêu mà chính Thiên Chúa sẽ thiết đãi họ.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy sống giây phút hiện tại như là giây phút cuối cùng của đời mình để chúng ta sống có trách nhiệm hơn, sống tỉnh thức hơn. Ước gì mỗi người chúng ta cùng được chủ vui mừng đón tiếp trong bữa tiệc vĩnh cửu nơi quê hương trên trời. Amen
ĐỨC GIÊ SU TRỞ LẠI VỚI NGƯỜI TỈNH THỨC ĐỢI CHỜ
Lc 12, 32 - 48
Lm. Jude Siciliano, OP
Không phải khoe khoang, nhưng như phần nhiều anh chị em, tôi cũng thường xuyên đọc Tin mừng. Tôi dùng Tin mừng để cầu nguyện và luôn giảng lời Sách thánh. Tôi đã làm như thế trong nhiều năm, nhưng thú thật, tôi không bị tác động gì nhiều từ bài dọc một trích sách Khôn ngoan. Nếu có, chắc tôi sẽ bối rối và cần được giúp đỡ. Có lẽ anh chị em cũng vậy. Nếu điều này đúng với cả anh chị em và cả tôi nữa thì tôi chắc là cộng đoàn chúng ta sẽ chia sẻ vấn nạn này khi nghe bài đọc một. Đoạn văn này bắt nguồn từ đâu? Nói về cái gì? Và nó liên hệ đến đời sống của chúng ta ra sao?
Thường thì tôi sẽ không chọn giải pháp đọc những dẫn giải Kinh thánh ngay, nhưng thường cố lắng nghe thông điệp từ những tác động bên ngoài. Nhưng hôm nay, tôi phải sử dụng đến quyển hướng dẫn Thừa tác viên Lời Chúa, Độc giả Tin Mừng và Người công bố Lời" (Chicago: Liturgy Training Publication, 2010) khi soạn bài giảng lễ Chúa Nhật. Trong những quyển sách đó có những đoạn chú giải ngắn gọn về các bài đọc và tôi thường thấy khá hữu ích, nhưng với bài đọc hôm nay thì quả thật lại là một thách đố. Quả vậy, Quyển hướng dẫn Thừa tác viên Lời đề nghị đọc bản Tin mừng trước để có thể hiểu rõ bài đọc một hơn. Tôi chọn cách làm ngược lại: đọc bản văn này trước khi bước vào "lãng địa Kitô giáo" với bài Tin mừng.
Tác giả sách Khôn ngoan lấy lại một biến cố quá khứ, việc Chúa giải cứu dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập (đêm vượt qua) và diễn giải nó cho thế hệ tín hữu mới của thế kỷ thứ I. Chúa đã đưa ra một lời hứa (lời "thề") với cha ông họ (mà bài đọc trích thư Do Thái gọi các ngài là "tiền nhân"), những người đang mong chờ sự giải thoát. Họ phải sống trong niềm tin, tin vào lời Chúa hứa, và hy vọng một ngày kia những lời hứa ấy sẽ được hoàn tất. Như thư Do Thái nhắc nhở chúng ta: "Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy."
Đức tin chưa đạt tới đích, cũng chẳng có một bằng chứng cụ thể về sự hiện hữu của nó. Cũng vậy, tín hữu có thể thấy những gì chưa thực sự nhìn được bằng mắt vì chúng ta nhìn bằng con mắt đức tin. Cũng chính niềm tin không thể nhìn thấy đó đã giữ vững những tiền nhân mà hôm nay sách Khôn Ngoan ca tụng. Đó cũng là đức tin của con cái của Apraham và Sara, mà thư Do Thái nói với chúng ta, dù họ chết mà chưa được thấy lời hứa của Thiên Chúa được hoàn tất. Cuộc đời của họ kết thúc với một chữ "Amen" đầy tín thác vào Thiên Chúa.
Chúng ta đã biết những người sống niềm tin mà những bản Kinh thánh này nhắc tới; những người đả phải thử thách nghiêm trọng bằng nhiều mất mát và đau thương nơi chính mình hay những người thân yêu. Nhưng dù có phải đối diện với muôn vàn khốn khó, các ngài vẫn không từ bỏ tin tưởng Thiên Chúa. Dù lắm khi những chứng cứ chống lại đức tin đó cứ dâng lên như sóng thủy triều trước mắt họ. Nhưng các ngài vẫn luôn tín thác và chính nhờ đức tin ấy đã cho các ngài "bằng chứng những điều không trông thấy." Khi chúng ta trải qua những thử thách như thế, thậm chí những gì thân thiết nhất với chúng ta cũng có thể thử thách chính đức kiên cường và niềm tin của chúng ta. Chúng ta không thể đưa ra bằng chứng cụ thể về giá trị đức tin của chúng ta. Chúng ta chỉ tin, như cha ông chúng ta đã tin, vào Đấng đã hứa ở với chúng ta, Đấng mà sách Khôn ngoan đã khẳng định là xứng đáng để chúng ta tin tưởng; và chính "lời hứa" của Ngài cho chúng ta can đảm bước tiếp những bước can đảm trên hành trình đức tin của mình.
Giờ thì chúng ta đã sẵn sàng để bước vào bài Tin mừng. Để cho rõ ràng và đi vào trọng tâm, tôi chọn bài bài ngắn (Lc 12, 35-4o). Bài Tin mừng này kể một dụ ngôn quá đủ cho chúng ta ngày nay!
Dụ ngôn người đầy tớ chờ đợi chủ trở về là sự hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa đối với những ai đã chịu gian nan vất vả mà vẫn tin tưởng vào Ngài, những người đã được hai bài đọc trước tán dương. Bài thánh vịnh đáp ca đã tóm tắt như sau: "Hồn chúng tôi trông Đức Chúa là Đấng luôn phù trợ và chở che." Dụ ngôn cho thấy rằng những ai tin tưởng đợi chờ đã không thất vọng và đã thấy lời hứa cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất nơi sự hiện diện của Đức Giêsu.
Những ai tin tưởng thì "tỉnh thức" khi chủ đến, dù cho phải chờ đợi lâu - dẫu là "nửa đêm hay lúc trời gần sáng." Thế hệ Kitô hữu đầu tiên, những thính giả của thánh Luca, đã được khích lệ sống tỉnh thức và sẵn sàng để đón Chúa Giêsu trở lại. Đức Giêsu đã hứa với nhữg môn đệ có tinh thần cảnh giác là: khi Người trở lại, những ai hoàn thành bổn phận của mình cách đầy tin tưởng sẽ được chủ chăm sóc chu đáo. Chẳng lẽ anh chị em lại không yêu thích sự đảo ngược vai trò được mô tả trong dụ ngôn: ông chủ vừa mới trở về, đứng chờ bên bàn ăn để phục vụ những đầy tớ trung thành - sự đối đãi lạ thường mà những kẻ đầy tớ chẳng bao giờ có thể nghĩ mình như thế! Vì thế, quy tụ nơi đây để thờ phượng, chúng ta cũng đang cố gắng tin tưởng và tỉnh thức - như dụ ngôn khích lệ. Nhưng chúng ta không phải là những độc giả của thánh Luca. Cũng chẳng phải là cách ngày Đức Giêsu lên trời vài thế hệ, nhưng là 2000 năm! Nên chúng ta hết sức cần một niềm tin mà thư Do Thái đã ca tụng, "Tin là bảo đảm cho những già ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì ta không thấy." Chính đức tin đó và niềm hy vọng mai sau mới giúp chúng ta đủ sức tỉnh thức và đợi chờ Chúa. Chúng ta chưa từ bỏ Người, cũng chẳng phải vì chúng ta nghiến răng chịu đựng và "làm việc kiệt quệ" trong suốt những năm tháng qua. Không, nếu như thế, chúng ta chẳng khác gì những con robot được kiểm tra qua những nghi lễ bên ngoài với những quyết định khắc nghiệt.
Ngược lại, dù chúng ta có chiến đấu dài lâu, dù với tư cách như một giáo hội hay cá nhân, chúng ta vẫn tìm được niềm vui không thể diễn tả và sự tự tin trong niềm tin của chúng ta. Chúng ta cũng hy vọng rằng những gì chúng ta cảm nghiệm bây giờ thì chưa phải là trọn vẹn cuộc sống của chúng ta. Đức Giêsu là Đấng mà chúng ta vẫntrông đợi và chúng ta tuyên xưng Người là Thầy của chúng ta. Trong khi đó, chúng ta được mời gọi tiếp tục hành trình của mình, như Abraham và Sara, "không biết" nơi kết thúc, nhưng tin vào sự hiện diện của Thầy giửa chúng ta, phục vụ chúng ta, như Người thực hiện hôm nay trong hy lễ này, lương thực cần thiết cho chúng ta tiếp tục hành trình.
Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục cố gắng để luôn là những môn đệ tín thác - nhất là những ngày này, không chỉ thế giới, mà cả Giáo hội của chúng ta đang làm chúng ta thất vọng? Chúng ta tiếp tục, chúng ta là Giáo hội của đức Kitô vì, những gì đức Giêsu nhắc đến trong dụ ngôn đã xảy đến. Người đã ngự đến trong Thánh Thần của Người, và đã "lẻn vào" trong nhà chúng ta. Quả là đức Giêsu đã dùng một hình ảnh thật tuyệt vời để nhấn mạnh đến việc trở lại bất ngờ của Người: Người giống như một kẻ trộm lén lút. Chúng ta cần phải tỉnh thức. Hãy thực hành một sự tỉnh thức đặc biệt trong tuần này - để xem chúng ta có thể bắt được "kẻ trộm" lẻn vào cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta ngạc nhiên hay không.
Vậy chúng ta sẽ thấy điều gì? Làm sao chúng ta biết lúc "kẻ trộm" lẻn vào? Hãy tìm kiếm sức mạnh lạ lùng trong giây phút khủng hoảng. Hãy chờ đợi một niềm vui ẩn sâu bên dưới những công việc thường ngày. Hãy đợi chờ sự bất ngờ, có thể là một bữa tiệc với người thân yêu hay bạn cũ. Hãy chờ có người đến xin anh chị em giúp đỡ để chúng ta có thể nhận ra chúng ta được mời gọi để cho đi. Hãy tìm kiếm sự hiện diện bình yên trong những giây phút cầu nguyện trong yên lặng. Hãy tìm kiếm sự phó thác được canh tân để anh chị em tiếp tục thực hiện sứ mạng mình được mời gọi. Dù Đức Giêsu có sử dụng hình ảnh ông chủ trở về hay nhình ảnh kẻ trộm đi chăng nữa, chúng ta cũng vẫn hiểu rằng, chúng ta cần nghe theo lời cảnh báo của Người là hãy tỉnh thức, biết rằng Người sẽ trở lại và vẫn mãi trở lại mỗi ngày với các môn đệ có cặp mắt và đôi tai thức thỉnh.
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp
HÃY TỈNH THỨC
Lc 12, 32-48
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Tỉnh thức vẫn là đề tài hết sức ấn tượng đối với mọi người. Bởi vì, tỉnh thức và sẵn sàng luôn đặt con người trước sự chết. Thực vậy, ít có người đang sống mà luôn suy nghĩ tới cái chết, hay coi cái chết như một định luật phải chịu.Thường con người luôn bôn ba tìm kiếm, tích lũy, ưa thích làm giầu và chỉ nghĩ tới hưởng thụ. Tuy nhiên, đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay cho hay con người phải :" Tỉnh thức và sẵn sàng ". Tỉnh thức và sẵn sàng như người chủ canh trộm, như năm cô trinh nữ khôn ngoan...
Jean-René Fracheboud viết :" Tỉnh thức quả thật là một nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng ! Tỉnh thức gợi lên cho chúng ta tuổi thanh xuân của cuộc đời, và cả mùi vị của sự tự do sẵn sàng hiến dâng tất cả sức mạnh cho những công việc vĩ đại và tốt đẹp.Tại sao phải tỉnh thức ? Bởi vì Thiên Chúa hứa ban cho những ai biết tỉnh thức một món quà quý giá. Như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ :" Anh em đừng sợ! Vì Cha anh em, Đấng ngự trên Trời, biết rõ điều gì tốt đẹp và sẽ ban cho anh em Vương Quốc của Người ". Như thế, Chúa dạy chúng ta hãy sống xứng đáng cuộc đời trần gian này. Đời sống ở trần gian là một cuộc chờ đợi Chúa Kitô đến. Do đó, mọi việc ở trần gian như lời nói, việc làm, hành vi, thái độ đều nhất nhất được đặt trong tâm tình chờ đợi. Bởi vì, Chúa thường đến bất ngờ, nên chúng ta phải liên lỉ tỉnh thức, chờ đợi. Con người phải tỉnh thức và sẵn sàng bằng việc thắt dây lưng và cầm đèn cháy sáng. Dân Do Thái khi xưa thường mặc chiếc áo vừa dài vừa rộng, nên muốn cho khỏi vướng, họ thường xắn lên và thắt chặt bằng chiếc dây ngang hông. Chúa dạy rằng phải vứt bỏ tất cả những gì làm cản trở đời sống thiêng liêng của chúng ta như tiền tài, danh vọng, của cản. Tất cả những thứ đó làm chúng ta bị ngừng trệ, bị vướng mắc, cản trở chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa. Đền cầm tay nghĩa là đức tin của chúng ta phải sâu xa, phải tỏa sáng . Đức tin như thánh Phaolô nói :" Đức tin không việc làm là đức tin chết ". Cầm đèn cháy sáng như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn và lại mang cả dầu. Chúng ta phải tỉnh thức trong tư thế đó, thì bất cứ lúc nào Chúa đến dù có bất ngờ mấy đi nữa, chúng ta cũng luôn sẵn sàng.Chúa rất hài lòng vì chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng, nhưng Chúa còn ban thưởng cho chúng ta ngoài sức tưởng tượng của chúng ta là ban cho ta tiệc Nước Trời. Chúng ta luôn tâm niệm bữa tiệc Nước Trời là bữa tiệc tình yêu.Và chỉ có những ai chịu khó luyện tập yêu thương mỗi ngày và mọi ngày mới được vào tham dự Thiên Đàng.
Chúa còn dạy chúng ta :" Sự chết đến với mỗi người được Kinh Thánh gọi là Chúa đến ". Không ai biết được giờ chết vì Thiên Chúa mốn giữ bí mật như vậy là để chúng ta luôn luôn sẵn sàng, và do đó cố gắng sống tốt lành thánh thiện. Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta còn khỏe và còn sống lâu dài. Không ai biết được mình sẽ sống được bao lâu. Tất cả đều do quyền năng của Thiên Chúa, vì thế, Chúa bảo chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng. Chúa dạy chún ta phải khôn ngoan dùng ơn huệ Chúa ban, chúng ta phải làm lời ra số vốn Chúa trao cho chúng ta. Chúa đòi chúng ta phải trung tín và khoan ngoan để thi hành ý của chủ.Tất cả mọi người đều phải tính sổ với Chúa khi nhắm mắt lìa trần. Khôn hay dại là tùy mỗi người chúng ta. Chúa sẽ căn cứ việc chúng ta làm ở đời này mà thưởng hay phạt chúng ta.
Jean-René Fracheboud viết tiếp :" Món quà Thiên Chúa hứa ban đó là Vương Quốc của Người, một kho tàng vô tận, vững bền, nơi những tên trộm không lấy đi được bất kỳ thứ gì và mối mọt không thể làm hư hại. Vương Quốc này, đó chính là Chúa Giêsu dành cho Phêrô, để Ông nhận ra mình đã chối Chúa ba lần, và ăn năn quay trở về với Chúa : Vương Quốc ấy là con tim tràn đầy yêu thương,là sự tự do mời gọi thêm những tự do khác vì giao ước muôn đời.
Nhưng cần phải tỉnh thức để đón nhận trọn vẹn món quà này, kho tàng này,.Bất trắc luôn rình rập bên cạnh, bởi vì chúng ta quá bận rộn và chỉ chú tâm đến những của cải phù vân để rồi quên đi kho tàng không bao giờ hư mất ở nhà Cha trên trời, vì chúng ta hành động quá nhiều mà không để Chúa hành động trong đời ta, bởi vì chúng ta sống tách biệt với Thiên Chúa và quên đi thế giới nội tâm trong tâm hồn.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Xin giúp chúng con luôn biết trung tín và khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan. Amen.
NGẠC NHIÊN
Lc 12, 32 - 48
Lm Vũ đình Tường
Cuộc đời có lắm ngạc nhiên và những ngạc nhiên này tô điểm cho đời thêm thú vị. Không ngạc nhiên đời nhàm chán. Ngạc nhiên đến từ những sinh hoạt hàng ngày ta dành cho người và người dành cho ta. Không ai có khả năng chuẩn bị để đón ngạc nhiên bởi vì chúng đến bất thình lình, không thể tiên đoán. Nếu tiên đoán được đâu còn là ngạc nhiên.
Sống thoải mái, bình thường, trung thành làm công việc hàng ngày, làm với một tâm tình vui, thoải mái, chân thành. Như thế là chuẩn bị chu đáo đón ngạc nhiên. Ai có thể đoán được buổi nói chuyện với người kia cuộc đời mình thay đổi. Ai đoán được đứa con mình sau này xóm làng ai cũng mến. Ai tiên đoán được sách dậy Bảo vệ Hạnh Phúc Gia Đình làm cho gia đình hàng xóm chia lià. Cũng là đoạn Kinh Thánh đó năm nào cũng nghe nhưng sao lần này tôi cảm thấy rất gần gũi. Quả là ngạc nhiên trước khi vào thánh đường lòng rối tơ vò, tâm động thác lũ mà chỉ sau ít phút bình an trở lại, tâm hồn yên lặng. Rồi cũng có lần đầu lễ sốt sắng, nửa sau lo ra, bồn chồn chỉ muốn ra về sớm.
Có những ngạc nhiên ta vui mừng đón nhận và chia sẻ với người lại cũng có những ngạc nhiên ta từ chối, dẫy nảy nhưng nó vẫn bám theo, không tài nào dứt ra. Không ngạc nhiên sao giữ gìn sức khoẻ đến thế mà lại bệnh sớm hơn mọi người. Không ngạc nhiên sao mặc dù chuẩn bị mọi thứ nhưng khi đến việc vẫn thấy bồn chồn, lo lắng.
Phúc âm hôm nay cho chúng ta một ngạc nhiên lớn trong đời. Ngạc nhiên ở chỗ ông chủ khen người đầy tớ trung thành sẵn sàng đợi chủ về. Người đầy tớ không làm điều gì to, cũng chẳng làm việc bất thường. Tất cả những gì anh ta làm mọi người đều có thể làm. Anh trung thành, vui vẻ trong công việc. Sẵn sàng đón chủ về bất cứ khi nào, sáng trưa, chiều tối, và ngay cả đêm khuya. Lúc nào anh cũng sẵn sàng chu toàn công việc. Chính điểm này mà chủ khen là người đầy tớ khôn ngoan, trung thành và giao cho trách nhiệm lớn, quan trọng hơn.
Là môn đệ Đức Kitô chúng ta cũng cần có tâm tình đó, luôn sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô, luôn sẵn sàng chia sẻ tình yêu Chúa cho tha nhân. Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta làm công việc vĩ đại, không cần phải chuyển núi dời non, không cần phải xây cất lâu đài đồ sộ. Ngài kêu gọi chúng ta chia sẻ tâm tình của mình với mọi người. Ngài kêu gọi chúng ta sống khiêm nhường và trung thành với công việc hàng ngày. Ngài mong chúng ta sống vui mỗi ngày, hoàn thành công việc trong tinh thần vui vẻ đón nhận tất cả, sẵn sàng làm những gì cần làm trong ngày, dù là bếp núc hay vườn tược, dù là kinh doanh hay chăn nuôi. Hãy hoàn thành công việc với tâm tình yêu mến, khiêm nhu. Đây là khuôn mẫu của người đầy tớ khôn ngoan. Bạn sẽ ngạc nhiên nhận được lời ông chủ khen tặng là người khôn ngoan, trung thành. Bạn sẽ được những người khác coi là thân hữu và luôn kính trọng.
Có lẽ ngạc nhiên lớn nhất trong đời là ngạc nhiên sau những năm tháng phục vụ cuối đời bạn nhìn lại thấy không hối tiếc việc đã làm nhưng hài lòng vì đã sống một đời sống thành nhân. Người thành nhân là người yêu người quí mình với tất cả tấm lòng. Ai chân thành yêu mến người thì cũng chân thành yêu mến Thiên Chúa.
Nguồn vietcatholic.org
5140 10-08-2013 05:28:38